2020
Mục Tử Theo Tiêu Chuẩn Giêsu
Mục Tử Theo Tiêu Chuẩn Giêsu
Dùng lối ẩn dụ để chỉ mối tương quan mật thiết giữa mục tử và đàn chiên, vừa nhấn đến tầm quan trọng giữa những mục tử và người giữ cửa, Đức Giêsu phác họa cho chúng ta thấy rong ruổi trên những vùng đất hoang vắng, những mục tử phải tìm ra những đồng cỏ tươi tốt để nuôi chiên và không ngừng chăm sóc, bảo vệ chiên của mình. Vì chiên và mục tử cùng sống chung nên hiểu nhau, biết nhau và tạo nên mối thân tình. Các mục tử thường đặt tên cho những con chiên họ yêu quý, quan tâm đến từng con, nên chiên mến anh, nghe lời anh chứ không nghe theo người lạ.
Các mục tử thường quy tụ các đàn vật của họ vào một ràn chung mỗi tối. Ràn thường làm bằng đất đá hoặc cây cối vây quanh, che chắn an toàn, bảo đảm cho đàn vật khỏi mọi nỗi hiểm nguy. Họ cắt cử một người bảo vệ canh cửa. Mỗi sáng, khi một mục tử lên tiếng với người giữ cửa, đàn chiên của anh ta sẽ nhận ra tiếng anh và nghe theo lời hướng dẫn của anh, nhờ đó anh dễ dàng tách chiên của mình ra khỏi đàn.
Cách duy nhất để đến với chiên, chứng tỏ mình là mục tử, là phải đi qua cửa, được người giữ cửa mở ra. Chính cái cửa xác định ai là kẻ trộm cướp và ai là mục tử. Đức Giêsu xưng mình là “Cửa ràn chiên” là thế. Ai không qua cửa mà vào, nhưng lại trèo qua lối khác mà vào, tức là không đến với đàn chiên cách chính thức, kẻ ấy là trộm cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử.
Đức Giêsu là cánh cửa cứu độ duy nhất mở ra để người ta đến với Thiên Chúa. Nếu người ta nhờ Đức Giêsu mà biết được Thiên Chúa chân thật và biết mình đang ở trong sự che chở quyền năng của Người là thế nào, người đó sẽ có cảm nhận về sự an toàn và đảm bảo, mọi âu lo sợ hãi đều tan biến.
Đùng lối ẩn dụ để kể câu chuyện này, tâm trí Đức Giêsu hướng đến đoàn chiên khốn khổ là dân của Thiên Chúa, đang bị cai trị bởi những mục tử giả là các nhà lãnh đạo dân, những kẻ giữ trọng trách coi sóc đoàn chiên như người giữ cửa, nhưng đã xử với đàn chiên như những kẻ trộm cướp, là giết hại và phá hủy. Họ không thực hành theo đường lối của Thiên Chúa, cũng không theo lời dạy của Người, chỉ lo cho bản thân, lo kiếm lợi lộc, chạy theo bạo quyền, mà bỏ mặc dân Chúa lầm than.
Khi Đức Giêsu bảo những kẻ đến trước đều là quân trộm cướp, Người không có ý nói đến các ngôn sứ và những người được Chúa sai đến, nhưng Người muốn ám chỉ đến những kẻ tiếm đoạt quyền hành tối cao của Thiên Chúa, dùng những mưu đồ chính trị bất lương để tranh giành địa vị, dùng bạo lực để thống trị và áp bức, gây ra những khổ đau, bất công cho dân Chúa, như đang xảy ra tại Paléttin.
Tuyên bố mình là cửa, Đức Giêsu cho thấy Người đang thực hiện đúng chức năng bảo vệ đoàn chiên. Không những thế, Người còn phân biệt và giúp mọi người nhận chân được ai là mục tử tốt, kẻ nào là trộm cướp: Ai qua cửa mà vào. Ai được Thiên Chúa sai đến. Ai nắm giáo huấn của Người. Ai có tương quan tốt đẹp với chiên người ấy là mục tử đích thật.
Đức Giêsu còn là cửa sinh tử, cửa dẫn đến ơn cứu độ, đến đồng cỏ sự sống, sự sống viên mãn. Không loại trừ ai khỏi ơn cứu độ, ai tin vào Đức Giêsu, nghĩa là ai qua Cửa thì được cứu, vì Người đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Hôm nay chúng ta đang đi theo Ai? phục vụ Ai và vào Cửa nào? Làm sao nhận ra tiếng mục tử mà theo?
Hôm nay, những mục tử được Chúa giao phó đoàn chiên có nhận ra chiên của mình mà chăn dắt, hay chỉ chăn dắt chiên của người khác? Có biết tên của từng con chiên để gọi hay chỉ biết đến cách làm cho “danh mình được cả sáng?” Có che chở và bảo vệ chiên của Chúa giữa những nanh vuốt của thú dữ hay bỏ chiên để lo cho mạng sống và địa vị mình?
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR
2020
Chiên và Chủ
CHIÊN VÀ CHỦ
Tôi mới đến chỗ mới được dăm ba tháng. Nơi ở mới có con chó giữ nhà. Lần đầu lên nhận phòng nó gừ gừ vì trông thấy người lạ. Cũng là chuyện bình thường với “những kẻ giữ nhà”.
Vài hôm sau đó, nó không còn gừ gừ như khi mới đến nữa mà xem ra có “thiện cảm” hơn với khách lạ. Người em nơi sở tại bảo tôi gọi nó là “down” thử xem sao ? Hẳn nhiên lúc đầu nghe còn lạ nên nó cũng chả ngoe nguẩy đuôi. Vài ngày sau đó, cứ ngày nào cũng gọi “down” và ngạc nhiên nó không chỉ như là nghe mà còn tới khoèo chân người mới nữa.
Tò mò hỏi trước đây gọi nó là gì mà sao giờ khi gọi “down” nó hiểu. Em mới nói là em kia gọi nó là asâo. Thì ra với Jrai, con chó gọi là asâo.
Chuyện là em kia hay chơi với nó và gọi nó đi về quê có việc cũng đã lâu. Có lẽ cũng chả ai quan tâm nó và gọi nó để rồi khi có người nào đó xem ra chú tâm đến nó gọi nó thì nó theo. Chó đơn giản như vậy, nhất là khi cho nó ăn nữa thì nó càng quấm quýt. Cũng dễ hiểu vì 3 con chó nơi ở trước nó cũng đi theo người cho nó ăn như vậy.
Asâo đã được chuyển tên từ ngày ấy và nó đi theo “chủ” mới đặt tên cho nó. Thật dễ thương khi “chủ” mới đu đưa trên ghế nó cứ tới gần như thật quen biết. Dường như chú bé rất khôn để quấn quýt với người mới về và không thèm nghe ai nữa. Có lẽ nó cảm nhận được tình thương của “chủ” mới để không nghe ai khác nữa.
Hình ảnh con chó tên Down nơi ở mới dễ cho mình liên tưởng đến con chiên ở vùng Do Thái. Ở Việt Nam không có chiên thì mình có thể ví von con Down như con chiên vậy.
Con chiên là con vật rất quen thuộc với vùng đất Palestine. Chính vì thế, Chúa Giêsu mượn hình ảnh con chiên để nói về đoàn, về chủ chăn.
Chắc có lẽ không cần dông dai dài dở, ai ai trong chúng ta cũng hiểu được tâm tình mục tử của chủ chăn dành cho con chiên. Chủ chăn thật thì yêu thương và thậm chí bỏ cả tính mạng mình vì đoàn chiên. Và, Chúa Giêsu đã mất mạng vì đoàn chiên. Chiên dữ, chiên gian ác, chiên độc đã ăn thịt chủ của mình. Ngược lại, đoàn chiên nghe tiếng Chủ đã sống chết với Chủ và hy sinh cả tính mạng của mình.
Và, quy tắc hay nguyên tắc dường như bất biến với con chiên đó là nếu như nghe tiếng chủ và đi theo lời của chủ, đi theo chỉ dẫn của chủ thì không bao giờ bị ăn thịt, bị người khác bắt. Những con chiên không nghe tiếng chủ, nhữn con chiên làm theo ý mình sẽ bị bắt và bị ăn thịt là chuyện đương nhiên. Mất mạng, thương tích với những con chiên không ngoan ngùy là điều rất có thể. Kinh nghiệm đó mỗi người chúng ta đều thấy chứ không cần chú giải hay tìm hiểu cao siêu.
Thật thế, rất đơn giản trong đời thười, ai trong chúng ta cũng hơn một lần gặp được con chó, con mèo, con cá, chim trong đời sống thường ngày để rồi ít nhiều gì tâm tình của những con đó với chủ nuôi.
Một người em nuôi một hồ đầy cá, cứ sáng sáng cho chú em vuốt bàn tay và đàn cá vô tư lượn theo tay em nhìn rất đẹp. Thấy vậy, tôi cũng vuốt theo như em đã vuốt nhưng vuốt mãi đàn cá vẫn cứ như vô cảm. Đàn cá đi theo bàn tay của chủ nó và với thói quen như thế chúng sẽ được ăn mồi và no nê cùng với tâm tình của chủ.
Con vật, xem ra vô tri vô giác nhưng rồi hình như nó cũng có cái “cảm” trong cuộc sống của nó. Nó vô hồn nhưng xem ra nó cũng có chút chút gì đó cảm với chủ nó mà chúng ta không thể minh giải hay khó hiểu.
Ngày hôm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Chiên Lành cùng với Giáo Hội để rồi mỗi người chúng ta có dịp nhìn lại cuộc đời của mỗi người chúng ta.
Có thể như con chó Down như là bài học cho ta (ví von cho vui chứ không thể nào so sánh người với chó). Nếu như trước đây nó theo em kia nhưng từ ngày có “chủ” mới về nó hoàn toàn nghe tiếng của “chủ”. Từ ngày đó, dường như nó được “ăn ngon mặc ấm” chứ không còn bơ vơ nữa. Xem ra nó rất khôn để đi theo phò “chủ” mới vì những người trong nhà không hề quan tâm nó. Nhà cũng không phải là vắng người nhưng nó chỉ nghe duy nhất người chủ cũng tên Down của nó mà thôi.
Ta cũng thế, từ ngày ta lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, ta được khoác vào mình chiếc áo mới và với tên gọi mới cùng với tên Thánh Bổn Mạng. Chuyện quan trọng là ta có biết từ bỏ cái con người cũ, cái tên gọi cũ của ta để ta nghe theo và đi theo Chủ Chăn Giêsu hay không mà thôi.
Văng vẳng bên tai của ta có rất nhiều tiếng gọi : tiếng gọi của tiền bạc, của danh vọng, của quyền lực, của cái tôi … Tất cả những tiếng gọi đó xem ra là phù du và ai nào đó lao theo những tiếng gọi đó xem chừng mất mạng sống như chơi chứ không phải giỡn. Và đó là điều chắc chắc chứ không gọi là xem chừng nữa. Chính vì thế, chỉ có một con đường duy nhất là nghe theo tiếng gọi Giêsu – Chủ Chăn Nhân Lành – chủ chăn đích thực của đời ta.
Cuộc đời này quá ồn ào, quá náo nhiệt để ta đánh mất sự lặng thinh để không nghe tiếng Chúa. Khi ta không nghe tiếng Chúa nói nữa thì ta mất phương hướng cũng như không cảm nhận được tình Chúa thương ta.
Để nghe tiếng gọi của Giêsu, cần lắm sự lặng thinh cũng như lắng đọng trong tâm hồn.
Nghe tiếng gọi Giêsu ở đâu ? Xin thưa nghe tiếng gọi Giêsu trong Thánh Kinh, trong Lời của Ngài, trong tất cả những biến cố của cuộc sống.
Thánh Kinh mãi mãi là Kim Chỉ Nam cho đời sống của chiên con để rồi là chiên thì buộc lòng phải nghiền ngẫm, nghiên cứu, lắng nghe lời Chúa trong Kinh Thánh. Lời Chủ Chăn ở đâu nữa ? Lời Chủ Chăn Giêsu được nói nơi môi miệng của các vị mục tử như đại diện Chúa Giêsu giảng dạy lời Chúa trong cuộc đời.
Cạnh đó, tất cả những biến cố trong cuộc sống như là Lời mà Thiên Chúa muốn ngỏ với con người. Chỉ những ai lắng đọng tâm hồn thì mới nghe được dấu chỉ Chúa muốn nói gì.
Thời đại ngày hôm nay, thế giới đang gặp phải Coronavirus, con chiên nhận ra rằng đó chính là sự dữ không phải do mục tử Giêsu làm mà là do những con chiên quái ác làm để tiêu diệt con chiên của mục tử Giêsu. Đứng trước những nguy khó này, con chiên của mục tử Giêsu cần phải giữ mình, cần phải bám vào Mục Tử Giêsu hơn bao giờ hết để được bình an và được cứu sống.
Con chiên của Thầy Giêsu trong lúc này cần lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe lời chỉ dẫn của các vị mục tử trong Hội Thánh để cùng nhau đi theo một Chủ Chăn duy nhất là Chủ Chăn Giêsu.
Lúc này cũng là lúc cám dỗ hơn bao giờ hết với những tiếng gọi của chủ chăn giả, chủ chăn gian ác nên là chiên, người Kitô hữu được mời gọi cân nhắc và biện phân để đừng nghe tiếng lạ khác mà đi theo. Và như vậy, trong lúc này, mỗi người chúng ta lại cố gắng, lại xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta có đủ thinh lặng, có đủ niềm tin để nghe và bước theo Chủ Chăn Giêsu đích thực. Nếu như chúng ta nghe tiếng khác và bỏ đàn thì chúng ta sẽ tự hủy đời mình thôi. Mỗi người chúng ta có quyền lựa chọn, không ai thay thế lựa chọn cho chúng ta được.
2020
Giải Mã Mầu Nhiệm
Chúa Nhật 3 PS (A) Giải Mã Mầu Nhiệm
Không dễ để hiểu và chấp nhận sự chết và phục sinh của Đức Giêsu; không dễ để tin và dựa vào những chứng cứ xác thực để chứng minh về sự Hiện diện của Đấng Phục sinh đang sống và trở nên chứng nhân cho Người.
Đức Giêsu, Đấng Kitô đã chết. Không gì có thể đảo ngược lại tình thế, vì chết là hết. Thấy hay không thấy xác Đức Giêsu trong mồ, hoặc đã bị lấy đi, điều đó không còn quan trọng, vì chẳng có chuyện người chết sống lại, mà sống lại để không – làm – gì, cũng thế mà thôi. Không còn gì quan trọng có thể níu họ ở lại, họ lê gót trở về trong nỗi thất vọng, cay đắng trên từng bước chân của mình.
Bám víu lấy những kí ức để sống là phi lý khi những hoài bão đã vỡ tan. Những góc nhìn phiến diện, những lý do chủ quan đưa ra, đã gây nên một cuộc tranh luận gay gắt giữa hai môn đệ trên đường đi Emmau đến nỗi, họ không biết có sự hiện diện của một khách bộ hành cùng đi với họ. Mắt họ còn bị ngăn cản không biết đó là Đức Giêsu.
Điều gì khiến mắt họ bị ngăn cản không nhận ra Đức Giêsu? Vì nhãn giới trần tục của họ bị ám bởi những khát vọng đầy mùi vị thế gian; vì trí lòng họ còn chứa đầy những logic của con người, chưa hiểu được lời các ngôn sứ trong Kinh thánh, chưa biết được kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, chưa được khai sáng bởi đức tin. Vì đức tin là ân ban, không phải thành tựu của khôn ngoan con người; mầu nhiệm là sự nhận lãnh, chứ chẳng bởi do kiểm nghiệm bằng các giác quan.
Họ theo Chúa không phải vì Chúa, mà vì mục đích riêng; họ chỉ nuôi dưỡng những khát khao, chỉ thích nghe theo sự thôi thúc của những vọng tưởng, thế nên, tất cả tan tành trước cái chết của Đức Giêsu, Đấng mà họ coi như một ngôn sứ có quyền năng của Thiên Chúa. Sự thất vọng bao phủ họ như nấm mồ u ám.
Nhưng Đức Giêsu đã đồng hành với họ, nhẫn nại lắng nghe tâm tư tình cảm, để họ trút ra những gì làm mắt họ bị ngăn cản, trí não họ như bùn đất và tâm hồn như bị đóng băng. Rồi Người mới bóc tách những suy nghĩ phàm trần của họ qua việc kiên trì giải thích Kinh thánh, giúp họ lần ra “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt Kinh thánh, là lời các ngôn sứ báo trước về ơn cứu độ của Thiên Chúa, về sự cứu chuộc của Đức Kitô qua cái chết và sự phục sinh của Người.
Mắt họ được sáng, không phải đôi mắt trần, mà là con mắt đức tin, đã khiến lòng họ bừng cháy, không phải là những khát vọng trần tục, mà là niềm hy vọng của cuộc sống mới. Niềm vui khám phá và sự an bình nội tâm mà vị khách lạ đem đến khiến họ háo hức, khẩn khoản nài xin Người ở lại với họ vì trời đã tối, hay nói khác đi, vì ánh sáng đức tin mà vị khách đồng hành đã thắp lên, đã rọi sáng vào tâm hồn tăm tối của họ, khiến họ muốn ở mãi với Người.
Trong bữa ăn tối, Đức Giêsu chủ động cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho họ. Mắt họ được bừng mở và họ nhận ra Người. Cử chỉ ấy chỉ có nơi vị Thầy mới đây đã làm trong phòng Tiệc ly. Không thể nhầm được. Họ biết rằng, người ta không thể nhìn thấy Đức Giêsu Phục Sinh bằng cặp mắt nhân loại, mà chỉ nhận ra Người hiện diện với cặp mắt đức tin được Chúa ban tặng.
Từ đây, với kinh nghiệm quý giá này, họ biết chắc Người luôn ở với họ, với nhân loại trong Kinh thánh, qua việc Bẻ Bánh trong cộng đoàn những người tin, chứ không còn qua hình dạng theo kiểu loài người nữa. Như thế, Bữa Tiệc Ly với tất cả ý nghĩa của nó, trở nên sống động trong tâm khảm của cộng đoàn của Đức Giêsu phục sinh, Đấng đang sống, đang hiện diện và đang cử hành.
Trở lại Giêrusalem, họ gặp các tông đồ để chia sẻ niềm vui, để làm chứng cho Đấng Phục Sinh hiện ra với họ, và chính họ cũng được các tông đồ củng cố chứng tá ấy, khi thuật lại việc Đấng Phục Sinh hiên ra cho ông Simon Phêrô.
Như thế đức tin chính là ơn huệ của sự Phục sinh, và người ta chỉ có thể hiểu Kinh Thánh khởi đi từ cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu, và cũng chỉ có thể hiểu về mầu nhiệm phục sinh nhờ Kinh thánh và cử hành lễ Bẻ Bánh.
2020
Đường về Emmau : Xin đừng vô cảm
ĐƯỜNG VỀ EM MAU : XIN ĐỪNG VÔ CẢM
Người xưa có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ” ngụ ý đặt lễ nghĩa lên hàng đầu, đặt giá trị tinh thần lên trên giá trị vật chất. Dù trước mặt có mâm cao cỗ đầy nhưng không chào hỏi, mời mọc thì chẳng ai quan tâm động đũa. Lời chào thể hiện sự tôn trọng, thân thiện nên khi gặp nhau, chào trước rồi mới các việc khác tiếp sau. Lời chào được nói ra phải xuất phát từ trái tim sự chân thành, niềm nở cho ta thấy sự kính trọng dành cho người trên.
Tưởng nghĩ chắc có lẽ không chỉ người Việt Nam nhưng đã là người thì bất cứ dân tộc nào cũng coi trọng lời mời, coi trọng lời chào hơn là bữa ăn. Với tâm tình này, ta được mời gọi nhình lại con đường Emmau.
Có lẽ không cần phải dài lời, ta thấy các môn đệ buộc lòng không còn cách nào khác là phải về quê “đuổi vịt cho vợ” vì người mà mình thần tượng, người mà mình theo đuổi bị treo trên cây thập giá. Cái chết đã làm tiêu tan niềm hy vọng của bất cứ những ai đi theo con người mang tên Giêsu. Điều này cũng chả có gì là khó hiểu và cũng chả có gì để phân tích hay bàn tán cũng như suy nghĩ.
Câu chuyện đường về Emmau phải chăng quá quen thuộc với mỗi người Kitô hữu nhất là sau biến cố Chúa Giêsu chết và phục sinh. Trên con đường về quê đó, tâm trạng của hai môn đệ dường như bế tắt và tuyệt vọng. Đang thất tha thất thểu thì bỗng dưng gặp một vị khách bộ hành. Và, ta thử hỏi nếu như đường ai nấy đi thì sẽ là gì kế tiếp. Chắc có lẽ Chúa Giêsu sẽ đồng hành với người khác trên đoạn đường khác. Ở đây, hành trình Emmau ta lại thấy lóe lên tình cảm giữa người với người và 2 môn đệ. Chính khi 2 môn đệ mời khách bộ hành vào quán trọ cũng là lúc mà họ gặp chính Chúa Giêsu.
Chuyện về Emmau hơn bao giờ hết thấm thía và đúng mọi thời đại và nhất là thời đại ngày hôm nay của nhân loại, của mỗi người Kitô hữu chúng ta.
Cuộc đời hay nói đúng hơn là chuyến hành hương về Giêrusalem của mỗi người chúng ta xem chừng ta không đơn giản. Có những lúc chúng ta đi trong đêm đen của đời sống đức tin, đi trong những đoạn đường chán ngán và vô vọng. Điều hết sức dễ thương đó là Vị Khách Bộ Hành Emmau xưa vẫn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Thế nhưng đáng tiếc thay lòng ta vẫn cứ chộn rộn lo những cái chuyện gì đó chẳng dính dáng gì đến ơn cứu độ của ta.
Để ý một tí, ta thấy các môn đệ buồn bã và nói với Khách Bộ Hành : “Ủa ! Ông kỳ ghê nha ! Ông không biết chuyện gì về cái ông mang tên Giêsu à ?”. Tâm trạng đó nói lên sự tiếc nuối, sự đau đớn khi mất điểm tựa. Và, chính lúc nói lên tâm tình của mình, vị Khách Bộ Hành mới kể chuyện Kinh Thánh cho 2 ông nghe.
Đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu chúng ta đã hơn một lần hay nói đúng hơn là quá nhiều lần chênh vênh. Và, ta thấy càng chênh vênh hơn nữa khi ta không bám víu vào vị Khách Bộ Hành trên đường đi của ta. Cũng không khó hiểu khi đời ta chênh vênh. Thay vì ta mời khách bộ hành mang tên Giêsu vào nhà thì ta mời tiền bạc, địa vị và danh vọng. Những vị khách đó xem chừng chỉ làm cho ta thỏa mãn cái ước muốn tạm bợ để rồng lòng ta vẫn trống vắng và có khi mất niềm tin vào Chúa.
Thực tế nhất là trong cơn đại dịch mà cả thế giới đang gánh chịu, chuyện quan trọng nhất của người Kitô hữu vẫn là niềm tin vào Chúa. Để sống niềm tin, để có niềm tin chắc có lẽ không có cách nào khác là mình mời Chúa vào trong gia đình của mình.
Có những người vui vẻ thốt lên : “Không có Lễ buồn quá ! Không có Lễ chán quá !”.
Xem chừng đó là cảm thức của tự nhiên của một tín hữu quen đi Nhà thờ như một thói quen đạo đức. Thế nhưng, không nên dừng lại ở thói quen đạo đức mà phải đi xa hơn nữa đó là mình hãy bày tỏ niềm tin của mình vào Chúa giữa những lúc thử thách như thế này.
Chúa ở đâu ? Chúa ở trong lúc mình rước Lễ thiêng liêng, khi mình đọc và suy niệm lời Chúa và nhất là khi mình “nuốt” lời Chúa vào trong đời mình.
Có vài giáo phận thông báo có lễ như bình thường thì cũng nhao nhao lên so sánh. Để làm gì ? Mỗi giáo phận thì Đấng Bản Quyền có quyền ra quyết định cho giáo phận của mình. Và rồi ta vẫn thấy có những ràng buộc kèm theo đó tuân theo quy định của nhà chức trách để rồi cứ phải đứng núi này trông núi nọ.
Vấn đề lớn nhất không phải là được đến tham dự Thánh Lễ tập trung hay không mà là ta có mời Chúa đến trong gia đình chúng ta không ? Ta có tin câu nói : “Ở đâu có 2, 3 người tụ họp và cầu nguyện là có Ta ở đó” không ?
Nếu như vậy thì tại sao ta lại không dành quỹ thời gian nào đó chừng 15 phút đồng hồ để cả gia đình ngồi lại với nhau trước Bàn Thờ Chúa trong gia đình để cùng nhau đọc Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa, tìm hiểu Lời Chúa và nhất là để sống Lời Chúa.
Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường cho con đi và Lời Chúa chính là lương thực cho Kitô hữu. Ta không quên chi tiết là Chúa Giêsu đã kể lại cho 2 môn đệ về những gì xảy ra trong Thánh Kinh để đến lúc bẻ bánh thì lòng các ông bừng cháy sao ?
Và như vậy, mỗi gia đình đều có Lời Chúa nhưng ta có mời Chúa vào trong tâm hồn của chúng ta hay không ? Chúng ta dường như vô cảm với Chúa dẫu rằng miệng vẫn càm ràm “không có Thánh lễ tập trung buồn quá !”
Chúa đã, đang và vẫn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống nhưng rồi ta vẫn vô cảm với Chúa đó thôi. Nếu như ta chân tình với Chúa và mời Chúa vào trong tâm hồn qua việc đón nhận Lời Chúa thì lòng ta sẽ bình an và bừng cháy như 2 môn đệ Emmau.
Xin cho mỗi người chúng ta như 2 môn đệ Emmau xưa là biết mời Chúa vào trong gia đình mình, trong tâm hồn mình. Khi và chỉ khi ta có Chúa thật trong gia đình, trong tâm hồn thì ta mới được bình an. Mỗi người chúng ta có cách lựa chọn cũng như cách đáp trả niềm tin vào Chúa giữa lúc khó khăn của đại dịch này.