Trao Ban Thánh Thần Trong Bình An Và Sứ Vụ
Trao Ban Thánh Thần Trong Bình An Và Sứ Vụ
Ơn huệ bởi trời là Chúa Thánh Thần, được ban cho các môn đệ dưới một làn hơi của Đấng Phục Sinh.
Lời chào “bình an” của Đức Giêsu khi gặp lại các môn đệ không phải là một lời cầu chúc, ước mong cho họ được bình an, nhưng là khẳng định về một thực tại họ đang có, như Đức Giêsu đã nói với họ mấy ngày trước: “Thầy để lại bình an của Thầy cho anh em, Thầy ban bình an của Thầy cho anh em. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27). Giờ đây, với sự hiện ra của Đức Giêsu sau khi phục sinh, chính sự Hiện diện của Đấng Phục Sinh là sự bình an cho họ.
Sự Hiện diện của Đấng Phục Sinh không phải là sự trở về của một linh hồn, hoặc như một ảo giác tập thể của những kẻ vọng tưởng, mà đó là một sự thật hiển nhiên, khi Đấng Phục Sinh cho họ thấy những thương tích còn ghi dấu trên tay và cạnh sườn Người; các vết thương là dấu chứng tình yêu vô biên của Người. Đấng hiện ra với họ chính là Đức Giêsu đã Tử Nạn, đã chiến thắng cái chết và đang sống.
Niềm vui được gặp gỡ Đấng Phục Sinh; niềm vui mà thế gian không thể có, chẳng thể ban và không ai có thể lấy mất được. Chính niềm vui từ trong sâu lắng của tâm hồn hòa quyện với sự bình an và cuồn cuộn dâng trào khi được thấy Thày Hiện diện ở giữa họ, ở giữa tình trạng bi đát của họ là nguyên nhân phát sinh Niềm vui.
Lời chào “bình an” thứ hai là để cho sứ mạng mới kết hợp với việc trao ban Thánh Thần, là quyền năng của Thiên Chúa để canh tân nhân loại trên địa cầu.
Đức Giêsu Phục sinh có thể làm mọi sự những gì Chúa Cha muốn Người làm, chỉ một mình Người, nhưng Người lại muốn các môn đệ kế tục công trình Cứu chuộc của người trong lịch sử, hay nói khác đi, trong chiều sâu mầu nhiệm cứu chuộc, chính Người sẽ hoàn tất công trình ấy qua họ, trong họ và sứ mạng Người trao cho họ. Vì sứ mạng Đấng Phục Sinh ban cho các môn đệ cũng chính là sứ mạng của Người.
Điều này giải thích lý do vì sao Đức Giêsu đã tuyển chọn họ làm môn đệ, để họ sống với Người, nghe lời Người giảng dạy, chứng kiến những phép lạ Người làm và trở nên chứng nhân cho Người trong sứ vụ, để sinhr a những hoa trái vững bền, ngõ hầu Chúa được tôn vinh (x. Ga 15,8.16)
Nhưng trước tiên họ cần nhận được ơn cao trọng bởi trời, là Chúa Thánh Thần được ban cho họ dưới một làn hơi của Đấng Phục Sinh.
Nếu trước đây, lúc Đức Giêsu sắp khởi sự sứ mạng, khi dìm mình dưới dòng sông Giođan chịu phép rửa, Thần Khí tựa chim câu ngự xuống trên Người, chứng thực Người là Đấng Thiên sai, là Con Người mới sẽ thực hiện thánh ý Chúa Cha là cứu độ trần gian, bây giờ, Đức Giêsu trong tư cách là Chúa và là Đức Chúa, Người thổi hơi vào các môn đệ để ban Thánh Thần, như nhắc nhớ làn hơi sáng tạo của Thiên Chúa khi tạo dựng con người (x. St 2,7)
Trở nên nên như những thụ tạo mới nhờ Đấng Phục Sinh và trong Thánh Thần, họ sẽ canh tân thế giới bằng quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng phục sinh những tâm hồn tội lỗi biết sám hối, trở về với Tin mừng cứu rỗi, cũng như sẽ “cầm giữ” những kẻ không được Thiên Chúa tuyển chọn, những kẻ gian ác ngoan cố trong tội ác của mình và khước từ ơn tha thứ mà các môn đệ sẵn lòng ban, nếu họ biết hoán cải.
Như vậy, với việc Phục sinh – hiện ra và ban Thánh Thần cho họ, Đức Giêsu đã minh chứng những lời Người đã nói với họ trước lúc ra đi, trong phút giây tạ từ với họ ở phòng Tiệc ly là sự thật (x.Ga 14-16)
Việc Thổi Hơi ban Thánh Thần và việc Đức Giêsu cho thấy cạnh sườn bị đâm thâu, nơi mà máu cùng nước chảy ra (x.Ga 19, 34), cho các môn đệ biết, cái chết của Người là điều kiện cần thiết để Thánh Thần đến (x.Ga 7,39; 16,7), họ được cứu chuộc, được tái sinh bởi Nước và Thánh Thần (x.Ga 3,5), được vui thỏa sống trong giòng Nước Hằng Sống là Thánh Thần (X.G7,39).
Kể từ đây họ hiểu rằng, trong tư cách là môn đệ của Đức Giêsu, đã thấy Người sống và làm việc theo thánh ý Chúa Cha thế nào, đã công bố những gì nhân danh Chúa Cha, dạy dỗ người ta giáo huấn của Chúa ra sao, chọn lựa thế nào cho đẹp lòng Chúa Cha, thì bây giờ, chính họ cũng sẽ thực hiện như vậy. Bởi vì “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.”
Bây giờ họ mới thấu hiểu vì sao Đức Giêsu lại nói họ như những cành nho, không thể tự mình sinh hoa trái nhưng phải luôn gắn bó với cây nho. Họ phải “ở trong” Người, cũng như Đức Giêsu hằng ở trong Chúa Cha, “vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,4-5).
Tất cả những điều đó sẽ trở nên hiện thực, vì Thánh Thần của Đấng Phục Sinh đã được ban cho họ.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR