2020
Gieo giống
12.7 Chúa Nhật XV Thường Niên
Mt 13, 1-23
GIEO GIỐNG
Chúa Giêsu đang giảng dạy bằng dụ ngôn, và chân lý tôn giáo được núp sau hình ảnh của dụ ngôn đó. Điều này thực sự muốn nói là kết quả của lời Chúa. Lời ấy có khả năng phát triển và sinh hoa kết trái cách phi thường trong lòng người. Chính thánh Marcô đã cắt nghĩa dụ ngôn này một cách vắn tắt: Người gieo giống là chính Thiên Chúa và hạt giống là Tin Mừng, hay nói một cách khác, chính Chúa Giêsu là người gieo giống và hạt giống là những lời Ngài giảng dạy, còn tâm hồn chúng ta là những thửa đất.
Thiên Chúa dùng mọi tình huống để thức tỉnh chúng ta lắng nghe và sống Lời Ngài. Dụ ngôn về người gieo giống hôm nay cần được chúng ta dành nhiều thời gian trong ngày sống để suy niệm nhiều hơn, để lĩnh hội các ý nghĩa mà chính Chúa đã giải nghĩa cho các môn đệ.
Thiên Chúa là người đi gieo giống. Ngài đã gieo lời Ngài xuống thế gian. Trải qua suốt dọc dài lịch sử cứu độ. Ngài đã gieo qua các tổ phụ, các tiên tri và thời sau hết qua Con Một Chí ái là Đức Giêsu Kytô. Thế nhưng số phận của những hạt giống đó thật đáng thương: bị quên lãng, khước từ và bỏ ngoài tai,…
Chúa Giêsu đã khéo léo đưa ra nguyên do sự hư hại của hạt giống. Đó là do sự chai cứng trên lối mòn hay bởi gai góc, đá sỏi cằn khô. Chỉ một phần tư số hạt gieo vãi được may mắn rơi vào đất tốt, đủ điều kiện để hạt giống nảy mầm, đơm bông kết trái.
Hạt giống rơi trên vệ đường (c. 4). Vệ đường ở đây là những mảnh đất hẹp chạy dọc theo bờ ruộng hoặc giữa ruộng (x. 12,1). Chim trời đến ăn đi những hạt rơi trên đó. “Chim trời” không mang một ý niệm tiêu cực. Trong Matthêu, peteinon, chỉ “chim trời” được Thiên Chúa chăm sóc và nuôi nấng (6, 26; 8, 20; 13, 32); do đó không thể giải thích “chim trời” là hình ảnh của “kẻ xấu”, ponèros (13, 19). Động từ katesthiò, có nghĩa là “nuốt chững”.
Hạt rơi trên đá, không có nhiều đất (cc. 5-6). Đồi núi nhiều nơi tại Palestina chỉ toàn là đá sỏi. Loại đá trong dụ ngôn nầy là petròdès, “đất đá”, trên loại đá nầy có một lớp đất mỏng (13:5.20); khác với petra, “đá tảng” (7:24tt). Trong lớp đất mỏng hạt giống mau ấm hơn nên cũng mọc lên nhanh hơn; nhưng dưới ánh mặt trời nóng bức, nó sẽ khô héo ngay nếu thiếu nước (x. Giê. 17:8).
Bụi gai (c. 7). Cây gai không phải là cây hữu ích. Nơi cây gai không thể hái được trái nho (7:16; 13:22). Hạt giống rơi vào trong bụi gai thì không thể sinh trưởng được (x. 7:16). Động từ “bọp nghẹt” , pnigò, “làm cho nghẹt thở” (18:28) không sống nổi.
Đất tốt (c. 9). Hạt giống lthành cây và kết hạt được tính theo con số tăng dần, từ ba mươi lên dần đến một trăm. Cách tính tăng dần nầy cũng thấy trong đoạn tin mừng nầy. Từ hạt giống rơi bên vệ đường bị ăn mất ngay từ đầu, đến hạt giống mọc lên được một chút rồi bị cháy khô, đến hạt giống lớn lên nhưng không sinh hạt, và sau cùng là hạt giống sinh hạt. “Trái/hạt”, karpos, còn có nghĩa thiêng liêng: đó là lòng sám hối. Muốn biết đất tốt hay xấu thì hãy nhìn xem cây sinh hạt, giống như nhìn quả thì biết cây (x. 7,16; 12,33).
“Ai có tai để nghe thì hãy nghe” (c. 9). Cụm từ nầy được dùng trong hai lần khác nữa trong văn mạch khác (11, 15; 13, 43). Nó thường được dùng trong kết luận, và nhằm gây chú ý trước một vấn đề hệ trọng đã được bàn đến. Ở đây câu nầy hướng về dân chúng là những người đang nghe Chúa Giêsu giảng dạy. Ngài làm cho họ chú ý và cho họ thấy họ có thể là một trong các loại đất vừa nói trên.
Chúng ta có thể than phiền vì người đời không đón nhận Tin Mừng. Thế nhưng trước khi than phiền, chúng ta cũng cần phải tự hỏi: Tôi đã thực sự rao giảng lời Chúa, hay mới chỉ là rao giảng những suy nghĩ, những lập trường của cá nhân tôi. Hay chỉ cố thuyết phục bằng sự khôn ngoan theo cái thước đo thiếu hụt của thế gian chứ chưa phải là những chân lý Phúc Âm ngàn đời dịu mát. Chúng ta nên nhớ sức mạnh đích thực là sức mạnh của lời Chúa chứ không phải là sức mạnh của chúng ta. Nếu không, cả những lúc xem ra thành công, thì cũng chỉ nhất thời, hời hợt mà thôi.
Nhìn vào thế giới hôm nay, còn quá nhiều lề thói xa hoa trụy lạc, lề thói vô lương tâm và vô liêm sỉ. Đó chính là những lối mòn mà kẻ qua người lại tấp lập khiến nhiều người đánh mất ý thức về tội. “Người ta làm mình cũng làm. Người ta làm bậy mình cũng làm theo”. Như hiện trạng phá thai, nghiện ngập sì ke ma túy và bây giờ là thuốc lắc tổng hợp của Việt Nam hôm nay. Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng gần 2 triệu thai nhi bị sát hại. Chốn ăn chơi sa đọa nhan nhản khắp nơi, dẫn đến con số nhiễm HIV đã lên đến hơn 400 ngàn người, và không biết bao nhiêu con người khác nữa đã và đang lao vào.
Một thế giới có quá nhiều đá sỏi của những trào lưu văn hóa đồi trụy hay những phong trào tha hóa con người đã và đang gây nên cớ vấp phạm cho nhiều người. Một xã hội quá phức tạp tựa như những gai góc, cứ quốn quanh lấy đời người bởi những đam mê thấp hèn. Thực vậy, có nhiều người đã thiếu cương quyết để xa tránh cám dỗ, và nói không với tội lỗi. Họ để cho tính xác thịt và lòng tham nổi loạn và thống trị họ, khiến họ không thể tự kiềm chế bản tính của mình và dễ dàng ngã theo những đam mê bất chính.
Con người ngày nay thực sự có mắt cũng như mù, có tai cũng không nghe. Họ đều biết rằng với lối sống trụy lạc sẽ dẫn đến tử vong thế nhưng họ vẫn lao đầu vào. Họ biết rằng văn hóa đồi trụy là mần mống đưa đến tha hóa con người, nhưng vì đồng tiền, vì đam mê họ vẫn mua bán, trao đổi khiến cho sự xấu cứ xum xuê và bao trùm ở mọi nơi, mọi chốn. Họ biết rằng một đời sống nông cạn, hời hợt, thiếu chuẩn mực đạo đức, thiếu đời sống cầu nguyện là nguyên nhân dẫn đến sa ngã phạm tội, thế nhưng có biết bao cha mẹ lại quá thờ ơ, hay thiếu trách nhiệm giáo dục con cái nên người.
Bổn phận của mỗi người là lắng nghe Lời Chúa và cố gắng thi hành trong việc làm. Không phải chỉ nghe, mà cố tìm hiểu cho biết Chúa muốn ta phải làm gì. Có bao nhiêu chướng ngại vật chống lại việc tìm hiểu Lời Chúa. Trước hết là ma quỉ như chim trời đến cướp lấy hạt vừa rơi xuống. Vì thế, Chúa dạy chúng ta cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ của ma quỉ. Rồi đừng quá “lo lắng việc đời, ham mê của cải”, như những bụi gai bóp nghẹt Lời Chúa.
Một hạt giống tốt được gieo trồng vào vùng đất tốt sẽ sinh nhiều hoa qủa. Một việc tốt dù bé nhỏ luôn sinh hoa trái tốt. Hạt giống lời Chúa là hạt giống tin mừng sẽ đem lại niềm an vui cho tâm hồn. Chúng ta cần chuẩn bị thửa ruộng tâm hồn qua việc lãnh nhận các ân xá bí tích, qua việc siêng năng cầu nguyện, tham dự thánh lễ và làm việc lành phúc đức. Giống như thửa đất được cầy bừa, phơi ải, san bằng, nước non và phân bón đầy đủ sẽ giúp hạt giống phát triển tốt. Mỗi ngày chúng ta hãy dành đôi phút để bồi dưỡng nhu cầu tâm linh. Hãy cùng đọc, cùng lắng nghe, suy gẫm và đem lời Chúa thực hành trong đời sống. Chắc chắn lời Chúa sẽ mang lại niềm vui ơn cứu độ.
2020
Hiền lành và khiêm nhường
HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG
Trước hiện trạng đời sống con người và thế giới đang ngày càng vắng bóng hiền lành và khiêm nhường, sự hiền lành dễ thương không còn được đánh giá cao, bạo lực được phổ biến và có mặt khắp nơi, trên báo chí cũng như trên phim ảnh và truyền hình, thì lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay về đức hiền lành và khiêm nhường, quả thực rất khó được chấp nhận, nếu không muốn nói là chướng tai và ngược đời.
Chúa Giêsu không chỉ giảng dạy về đời sống đức tin và siêu nhiên mà còn dạy cách sống nhân bản. Những ai học theo giáo huấn của Người sẽ trở thành con người sống dễ thương, dễ mến và do đó sẽ thành công trong cuộc đời.
Thế giới rộng lớn ngày nay là một thế giới chạy theo quy luật “mạnh được yếu thua”, “lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”, hoặc “được làm vua thua làm giặc”, gần như là tất yếu và phổ biến.
Con người ngày nay, nhất là người trẻ, sự dịu dàng hiền lành đang dần vắng bóng, mà thay vào đó là sự cộc cằn, thô lỗ, hay nóng giận và thù hằn. Lòng khiêm nhường lại càng hiếm hoi, khi người trẻ sống theo chủ nghĩa khoe khoang, thích thể hiện, tự phụ, cậy vào tài năng của mình và đề cao cái tôi.
“Hãy học cùng Thầy vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Hiền lành và khiêm nhường là hai đức tính đặc biệt nhất ở nơi Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã nói: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Phải chăng đó là một sự khiêm nhường tột cùng của một Thiên Chúa làm người; hạ mình xuống rốt chót mọi người, lãnh nhận cái chết của tên nô lệ bị đóng đinh thập giá.
Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc đời khiêm nhường. Vì khiêm nhường nên Ngài không ngừng đi xuống. Từ trời cao Người đã hạ mình xuống thế. Từ thân phận là Thiên Chúa Người đã hạ mình xuống làm một người bình thường. Là Thiên Chúa cao sang, Người đã tự nguyện xuống làm một người dân dã nghèo hèn. Là thánh thiện vô cùng, Người đã tự nhận lấy thân phận tội đồ. Là Đấng hằng sống, Người đã tự nguyện chết đi. Suốt cuộc đời, Người đã không ngừng cúi xuống những thân phận tăm tối, nghèo hèn, tội lỗi, bị loại trừ. Và một cử chỉ không thể nào quên là trong bữa tiệc ly, Người đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Người đã hạ mình xuống tận cùng, không còn có thể xuống hơn được nữa.
Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: Ai muốn làm đầu, thì phải trở nên rốt hết và hầu hạ mọi người. Chính Người, trong suốt cả cuộc đời, đã sống khiêm nhu và trong giờ từ biệt các môn đệ, để ra đi chịu chết, Người đã không ngần ngại quì xuống rửa chân cho các ông, để nêu gương khiêm nhường, đồng thời kèm theo đó là bài học bác ái yêu thương, như lời Người đã phán: Con người đến không phải để được hầu hạ, nhưng đến để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.
Sự hiền lành thường đi song song với khiêm tốn. Hiền lành để tha nhân dễ gần chúng ta và khiêm tốn để ta dễ hòa đồng với tha nhân. Tuy hai nhưng là một mục đích. Tạo cơ hội cho chúng ta đến với tha nhân và tha nhân đến với ta. Kẻ kiêu căng thường phân loại để chơi. Người khiêm nhường thì đối xử mọi người như nhau. Người hiền lành ai cũng muốn tới gần. Kẻ gian ác ai cũng chạy xa. Chúa Giêsu Ngài hiền lành và khiêm nhường nên ai cũng có thể tiếp xúc với Ngài, và Ngài cũng có thể gặp gỡ trao đổi với mọi người. Từ em bé đến người già. Từ người giầu có đến kẻ hèn. Từ người công chính đến tội lỗi.
Như thế, hiền lành và khiêm nhương không phải là thái độ của kẻ hèn nhát, sẵn sàng chịu khuất phục, nhưng là đức tính của bậc anh hùng, của người đã làm chủ được bản thân mình. Chỉ kẻ khiêm nhường mới có khả năng yêu thương thực sự. Và chỉ kẻ yêu thương thực sự mới thích sống hiền hậu và khiêm nhường.
Trong cuộc sống hôm nay, đây là hai bài học căn bản, vạch dẫn cho chúng ta con đường vươn tới hoàn thiện, nhưng quả là rất khó để thực hành. Ai trong chúng ta cũng có cái tôi to đùng, thích được người ta nể trọng. Mọi người đều biết rằng, Thập gía là lý tưởng của mọi Kitô hữu và Chúa Giêsu vẫn nhắc đi nhắc lại lời mời gọi của Ngài : “Ai muốn theo tôi hãy bỏ mình vác thập giá mình mà theo”. Biết thế, nhưng thực hành không phải là chuyện giản đơn.
Còn sự tự cao tự đại thường đi đôi với lòng tàn bạo và bất nhân. Bởi vì kẻ kiêu căng thường bắt mọi người phải khuất phục mình, làm nô lệ cho mình và không ngần ngại dùng bạo lực để đàn áp, chế ngự và tiêu diệt những ai không chịu khuất phục. Và nguy hiểm hơn cả là chính sự tự cao tự phụ ấy đã ngăn cản, đã che mờ đôi mắt làm họ không còn nhận ra Thiên Chúa và những mạc khải của Người.
Nhân loại chúng ta có quá nhiều những nhà bác học, những nhà hiền triết thông hiểu những điều cao siêu huyền bí. Và trong Giáo Hội chúng ta cũng không thiếu những bậc khôn ngoan thông thái, nhưng có lẽ chúng ta hơn bao giờ hết lại cần đến thứ ngôn ngữ giản dị nhất, đó là tình thương, một thứ ngôn ngữ có khả năng tuyệt vời để mặc khải chân lý của Chúa, bởi vì Thiên Chúa là tình thương và chỉ có ai yêu thương mới biết Thiên Chúa, còn ai không yêu thương thì không biết Ngài.
Là con cái của Chúa và là anh chị em của nhau, chúng ta hãy lấy tình thương, lòng hiền hoà mà đối xử với nhau, thay vì tàn nhẫn, xâu xé lẫn nhau. Hãy khiêm tốn phục vụ nhau, thay vì tự tôn, tự phụ mà đè đầu cỡi cổ người khác. Chính tình yêu làm cho con người trở nên đơn sơ, hiền hoà và khiêm tốn. Cũng chính tình yêu làm cho con người sẵn sàng nâng đỡ gánh nặng cho người khác, hơn làm khổ cho người mình yêu. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu, Đấng là hiện thân của chân lý tình thương lại sống đơn sơ, hiền từ, khiêm tốn và đã mời gọi chúng ta hãy đến học với Ngài.
2020
Theo Chúa
28.6.2020 Chúa Nhật
Mt 10, 37-42
THEO CHÚA
Tin Mừng hôm nay, là phần kết luận của chương 10, “Bài giảng về những Sứ Mệnh Truyền Giáo”. Đây là những hướng dẫn của Chúa Giêsu ban cho các tông đồ trước khi sai họ ra đi rao giảng Tin Mừng.
Sau khi chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu đã ban quyền hành và sai họ ra đi thi hành mục vụ trong cánh đồng truyền giáo. Người ta chỉ thị cho họ phải chấp nhận cuộc sống hy sinh, khó nghèo, làm việc vất vả, gặp nhiều thử thách, bị bắt bớ hành hạ và bị giết chết. Đứng trước viễn tượng đó Người đã khuyên họ không nên vì sợ hãi mà thiếu lòng tự trọng, rồi mang mặc cảm tự ti làm hủy diệt nhân cách con người. Bởi, tuy không được tôn trọng trước mặt người đời, nhưng trước mặt Thiên Chúa họ rất quan trọng. Đây chính là Tin Mừng đối với các tông đồ.
“Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy”. “Vì Thầy” cũng chính là “Vì anh em”. Biết bao lần, Chúa Giêsu đã đồng hóa mình với tha nhân. Đó là sợi chỉ hồng xuyên suốt các Tin mừng. Người tuyên bố:”Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy”. Đến ngày phán xét, Người cũng sẽ nói với mỗi người chúng ta: “Mỗi lần các ngươi làm cho một người nhỏ bé nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy”.
Thực ra, khi kêu gọi môn đệ “theo Thầy” và “liều mất mạng sống mình vì Thầy”, Đức Giêsu không có ý thổi phồng cái tôi của mình. Hi sinh cái tôi để đánh đổi lấy một cái tôi khác, dù cái tôi này có vĩ đại tới đâu, cũng chỉ là chuyện “đánh bùn sang ao”. Chính Đức Giêsu cũng phải hi sinh cái tôi để làm theo thánh ý Chúa Cha. “Thực vậy, Đức Kitô đã không chiều theo sở thích của mình.” (Rm 15, 3) Trong vườn Cây Dầu, Người đã “xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26, 39) Ý Cha đã thực thi hoàn toàn trong cái chết của Chúa Giêsu. Như vậy, Người đã từ bỏ chính mình. Muốn “theo Thầy”, môn đệ cũng “phải từ bỏ chính mình.” (Lc 9, 23)
Xét cho cùng, khi sống kiếp phàm trần, Chúac Giêsu cũng chấp nhận chỉ một mình Chúa Cha mới là nguyên ủy tuyệt đối. Từ lời nói tới việc làm, Chúa Giêsu luôn qui hướng về Chúa Cha (Ga 14, 10). Bởi đấy, nếu “vì yêu mến Thầy” (Ga 16, 27) mà anh em đã “liều mất mạng sống mình vì Thầy” (Mt 10, 39) thì “chính Chúa Cha sẽ yêu mến anh em.” (Ga 16, 27) Nơi đỉnh cao tình yêu đó, con người có thể vượt lên trên tất cả để đạt tới “một cái gì tuyệt đối, tột đỉnh và nền tảng.”
Như thế, “theo Thầy” không có nghĩa là đi từ hư vô này sang hư vô khác, nhưng tới một hiện hữu tuyệt đối là chính Thiên Chúa. Thực vậy, “ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” (Mt 10, 40) Chúa Giêsu còn nhấn mạnh: “Tôi và Chúa Cha là một.” (Ga 10, 30) Không những Người hiệp nhất với Chúa Cha, nhưng còn đồng hóa với các môn đệ (Mt 10, 40) và người nghèo (Mt 26, 40). Như vậy, khi “theo Thầy”, người môn đệ biết mình theo ai và phải làm gì.
“Ai tìm mạng sống mình, sẽ mất. Ai đành mất mạng sống mình, sẽ gặp lại”. Đó là nghịch lý của Kitô giáo. Nhưng đó cũng là chân lý của cuộc đời. Thật thế, tất cả những ai miệt mài trong tiền của, danh lợi, chức quyền, lạc thú riêng mình, thì rồi cũng chỉ chuốc lấy đắng cay, chua xót, muộn phiền mà thôi.
Trái lại, một cuộc sống tiêu hao vì người khác sẽ luôn là một cuộc sống tràn đầy, sung mãn. Chính trong phục vụ chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Chính qua những cử chỉ yêu thương chúng ta mới tìm được bản thân mình. Đó là chính là ý nghĩa của “Kinh Hòa Bình” mà chúng ta vẫn thường hát: “Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…”
Con đường của Chúa Giêsu cũng là con đường dành cho mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể hiểu được thế nào là mất hoặc tìm được sự sống khi chúng ta ngước mắt nhìn lên Chúa Giêsu. Ai nghĩ rằng, chỉ có cuộc sống trần thế là quan trọng hơn cả, thì kẻ đó sẽ tìm đủ mọi phương tiện để chiếm hữu của cải và tìm cách hưởng thụ, nhưng kẻ đó sẽ phải đối diện với cái chết với hai bàn tay trắng. Tất cả đều phải để lại khi đã xuôi tay. Kẻ đó không hiểu đâu là ý nghĩa của cuộc sống con người. Ý nghĩa của cuộc sống con người chính là: Thiên Chúa là khởi nguyên, là trung điểm và tận cùng của cuộc sống con người.
Do đó, ai đặt Thiên Chúa vào địa vị cao trọng nhất trong cuộc sống, kẻ đó hiểu giá trị đích thực của đời sống. Kẻ đó am hiểu những gì Thiên Chúa sẽ trọng đãi đối với kẻ mến yêu Ngài. Cho nên, dầu sống hay chết, dù sống an ninh hay trong nguy hiểm, tất cả đều nằm trong vòng tay đầy yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Ai sống như thế, kẻ đó tìm được sự sống.
Theo Chúa là một cuộc đấu tranh để đạt tới hạnh phúc viên mãn,vĩnh cửu, bất diệt. Ngay sau những lời nhắc nhở chúng con về việc tôn nhận Chúa là Đấng tuyệt đối, Người cũng cho thấy cái giá phải trả khi theo Chúa:”Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” . Thập giá ở đây chính là chiến thắng sự giằng co giữa thế trần và Nước Trời, phải biết gạt bỏ tình cảm , ý riêng của mình, từ bỏ những tình cảm gia đình, những sở thích, nhu cầu của bản thân, hội nhóm để đi theo con đường Chúa đi, Lời Chúa dạy qua Tin Mừng.
Đức Kitô cũng đã trải qua đau thương, Người đã chiến đấu và chiến thắng trước những cám dỗ của ma quỉ. Chính Chúa đã vác Thập giá tiến đến đồi Sọ và sẵn sàng đổ máu mình ra làm chứng cho sự thật, tình yêu. Cuối cùng Người đã chiến thắng sự chết, Người đã Phục sinh vinh hiển và lên trời.
Ta thấy trong đời sống thường ngày, người Kitô hữu bị giằng co giữa một bên là tình cảm gia đình, bên kia là đòi hỏi của Chúa; hoặc một bên là quyến rũ của tiền tài, danh vọng, sống buông thả, một bên là sự trung thành với lý tưởng Kitô giáo. Trong những trường hợp giằng co như vậy, chúng ta sẽ chọn thế nào và phải làm gì? Trang Tin Mừng hôm nay soi sáng và hướng dẫn chúng ta hãy chọn đúng và thực hành đúng.
2020
Đừng sợ !
21.6.2020 Chúa Nhật 12 TN
Mt 10, 26-33
ĐỪNG SỢ !
Trong cuộc sống thường nhật, thật buồn cười vì có những người quá nhát sợ. Gặp con dán hay con chuột cũng co rúm người, mặt cắt không còn giọt máu. Có những người, trái lại, chẳng biết sợ là gì. Coi mạng sống nhẹ như tơ. Lên xe là phóng như bay. Liều lĩnh thường thiệt mạng. Nhút nhát quá đâm hỏng việc. Một đàng bất cập, một đàng thái quá. Vì thế vấn đề không phải là sợ hay không sợ. Vấn đề là phải biết phân định. Biết những gì nên sợ và những gì không nên sợ. Hôm nay Chúa Giêsu giúp ta phân định để biết sợ và không biết sợ.
Trên đường đức tin, phải biết sẵn sàng đón nhận sự chống đối, phân rẽ, công kích, tố cáo. Phải biết thẳng tay loại bỏ những mộng ước dễ dãi về một công cuộc Phúc âm hóa đầy may mắn và tốt đẹp. Đừng sợ, nghĩa là phải chống đối, đấu tranh, kiếm tìm. Có trăm ngàn lý do để sợ: tiến bộ hay thủ cựu, khuynh hữu hay khuynh tá, bạo lực hay yếu hèn … Tất cả đều hợp lực làm lu mờ chân lý. Giữa bao cảnh bạo tàn và gian manh láo khoét ấy, vang dội lời này: “Các con đừng sợ chúng”.
Chúa Giêsu luôn nhắc nhở cho cúng ta cái tư tưởng là “Đừng sợ”. Chúng ta có thể tìm thấy từ ngữ “đừng sợ” 365 lần trong Thánh Kinh. Người Tông đồ chỉ có thể tìm được sự can đảm nếu biết tin cậy phó thác cho Chúa. Chính Ngài sẽ ban ơn đầy đủ để chúng ta có thể hòan thành sứ mạng đã được giao phó.
Chúa quan phòng cai trị mọi vật. Chúa dựng nên những cái vĩ đại cũng như những cái bé nhỏ. Chúa săn sóc người này cũng như người kia: “Nào người mẹ có thể quên con mình không? Và cho dù người mẹ có quên con mình đi nữa, Chúa cũng không quên chúng ta”, “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em”, “Hãy xem chim trời, Cha anh em vẫn nuôi chúng. Anh em lại không hơn chúng sao?”, “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, Chúa còn cho chúng đẹp đến thế, phương chi anh em, Chúa còn săn sóc hơn nhiều”.
Thánh Augustinô nói: “Lo lắng cho cả vũ trụ còn vĩ đại hơn làm cho năm ngàn người no nê bằng năm chiếc bánh, vậy mà chẳng ai lạ lùng về chuyện đó. Chúa săn sóc mỗi người dường như chỉ có một người đó ở trên đời và Chúa săn sóc tất cả mọi người dường như Chúa săn sóc cho một người”.
Trong chỗ thân tình, Chúa Giêsu giáo huấn chỉ một nhóm nhỏ môn đệ, còn với đám đông Ngài chỉ dạy bằng dụ ngôn, tuy nhiên khi thời gian đến “không có gì che dấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết”. Thánh Luca cũng trích dẫn hai lần câu nói nầy: lần thứ nhất theo cùng một ý nghĩa như thánh Mát-thêu, không ai lấy hũ che ngọn đèn thắp sáng hoặc đặt nó ở dưới gầm giường (Lc 8, 17); còn lần thứ hai, câu nói nầy theo văn mạch có ý nghĩa rất khác: Chúa Giêsu tố cáo thói giả nhân giả nghĩa của người Biệt Phái (Lc 12, 2-3).
Bằng cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài, Chúa Giêsu sẽ đưa Mặc Khải đến hồi viên mãn. Lúc đó, các môn đệ của Ngài, các thừa tác viên của Lời Ngài, những người phục vụ Lời Ngài, sẽ phải thông truyền Lời Ngài cách công khai cho hết mọi người, công bố lớn tiếng Lời Ngài “trên mái nhà”. Mái nhà, theo kiểu xây nhà của người xứ Palestin, là một sân thượng, ở đó vào lúc chiều hôm mát mẽ người ta trò chuyện với nhau từ sân thượng nầy sang sân thượng khác. Chúa Giêsu đối lập Mặc Khải chưa hoàn tất với Mặc Khải nên trọn, cũng như sự nhát đảm hiện nay của nhóm Mười Hai với lời rao giảng đầy quyền năng của họ sau biến cố Ngũ Tuần.
Sau khi đã loan báo cho các môn đệ biết sự bắt bớ đang chờ họ và họ thấy rõ nguyên nhân của sự bắt bớ – căn tính sâu xa giữa Người và các môn đệ – Chúa Giêsu hướng dẫn họ thái độ phải có khi gặp thử thách. Một tư tưởng hướng dẫn chạy xuyên suốt các lời Thầy, một điệp khúc tạo nên dấu chấm câu: “Các con đừng sợ!… Đừng sợ! Đừng sợ gì cả…”
Vậy anh em đừng sợ (26): Từ ngữ “vậy” nối cc. 26-27 với phần đi trước, nhưng không phải là để đưa tới một kết luận, mà là một lời khích lệ. Ý nghĩa không phải là” đừng sợ họ, bởi vì họ không thể làm gì anh em; nhưng là: đừng sợ họ, bởi vì anh em không được mong mình có một số phận bớt đau thương hơn Thầy (cc. 24-25). Như thế, dù vẫn sợ những người bách hại, anh em phải đảm nhận lấy nỗi sợ hãi ấy mà cứ tuyên xưng niềm tin. Anh em sợ hãi người ta là chuyện dễ hiểu (cc. 17-25), nhưng đừng vì thế mà thôi làm chứng.
Đừng sợ, dám nói, vì lời họ nói không phải là lời của riêng họ nhưng là lời Chúa Giêsu, lời có hiệu quả của lời Thiên Chúa. Do đó, môn đệ đừng mất can đảm nếu thành công trong hiện tại còn mỏng manh, thậm chí còn chưa thấy; như mặt trời mọc lên chiến thắng đêm đen, sứ điệp rồi cũng sẽ xuyên thủng tăm tối. Đừng sợ khi bị bắt bớ, vì nếu những kẻ bắt bớ chỉ có quyền trên sự sống dương trần (thân xác) chỉ mình Thiên Chúa nắm giữ đời sống vĩnh cửu và phán quyết của Người có thể huỷ diệt trần thế con người (cả xác lẫn hồn).
Đừng sợ, vì Thiên Chúa, Đấng xét xử ta cũng là “Người Cha” chăm sóc mọi người, dù bé nhỏ đến đâu, và yêu thương từng người con bằng sự âu yếm của người mẹ: “Các con đáng giá hơn những con chim sẻ nhiều”. Đối với những ai gắn bó sự nghiệp của họ với sự nghiệp của Người đến liều cả mạng sống, Chúa Giêsu cũng hứa sẽ gắn bó với họ trong ngày phán xét. Người sẽ là luật sư biện hộ cho họ “Ai tuyên xưng Ta trước mặt người đời, Ta sẽ tuyên xưng họ trước mặt Cha Ta trên trời”.
Hẳn ta còn nhớ Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, dù sợ vẫn cứ bước vào cuộc khổ nạn, Người môn đệ vẫn can đảm tuyên xưng danh Chúa, vẫn kiên trì rao giảng Lời Chúa, chấp nhận tất cả những khó khăn hiểm nguy đe doạ, rình rập, chấp nhận những đau đớn thua thiệt chóng qua đời này, với niềm tin vững chắc rằng chính Thiên Chúa là Cha nhân lành an bài mọi sự, Người sẽ ban thưởng cho ta phần thưởng không gì so sánh được, đó là hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.
Ta là môn đệ của Ngài. Vì thế việc chúng ta gặp khó khăn và bách hại không có gì lạ, vì Thầy của chúng ta cũng đã từng bị như thế và còn bị năng hơn chúng ta nhiều. Vì vậy, nếu là môn đệ Đức Giêsu thì đừng tìm cách trốn tránh khó khăn và bách hại.
Hãy noi gương Chúa Giêsu mà can đảm giữ vững lập trường của mình và tiếp tục sứ mạng của mình, không phải bận tâm về bất cứ điều gì khác : không cần bận tâm đến mạng sống bởi vì ngay cả mạng sống một con chim sẻ nhỏ bé mà còn do Chúa định đoạt, huống chi mạng sống con người ; không cần bận tâm đến sự chống đối của người đời, vì “Ai tuyền xưng Thầy trước mặt người đời thì Thầy sẽ tuyên xưng người ấy trước mặt Cha Thầy”.