2020
Anh em hãy cho họ ăn
2.8 CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN NĂM A
Is 55, 1-3; Rm 8, 35. 37-39; Mt 14, 13-21
ANH EM HÃY CHO HỌ ĂN
Trình thuật Chúa hóa bánh ra nhiều được lặp lại trong Tiệc Thánh Thể: “Chúa Giêsu cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ”. Chúa vẫn tái diễn phép lạ ấy hằng ngày để nuôi dưỡng chúng ta và cả thế giới. Tại sao từ bàn Tiệc Thánh này chúng ta lại không biết chia sẻ với người nghèo đói? Thế giới hôm nay còn có những kẻ đói, còn có những dân tộc đói, vì có những cái bánh được giữ riêng cho cá nhân và không hề được bẻ ra chia sẻ. Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, khi đã lãnh nhận Bánh của chúa thì cũng biết cạnh lòng thương và chia sẻ cơm bánh cho người nghèo đói, để Chúa có thể nuôi sống tất cả anh chị em chúng ta trên thế giới.
Ta thấy Chúa Giêsu làm phép lạ cho bánh hoá nhiều từ 5 chiếc bánh và 2 con cá. Theo thánh Gioan, thì số thực phẩm ít ỏi này là của một em bé. Em bé này đã trao cho Chúa tất cả và rồi hàng ngàn người đã được ăn uống no nê. Giá như em bé này đã không trao cho Chúa, thì có lẽ đám đông đã không được nuôi ăn giữa nơi hoang vắng khi trời đã về chiều. Từ hành động của em bé, chúng ta đi tới một kết luận, đó là hãy cộng tác với Chúa để xoa dịu nỗi đớn đau của người khác, cũng như để đem lại cho họ niềm vui mừng và hy vọng.
Khi chúng ta cảm thấy đói và khát, chúng ta sẽ không chỉ nghĩ đến bữa ăn kế tiếp mà cả lần rước lễ kế tiếp nữa. Khi chúng ta vui hưởng một bữa tối với gia đình hoặc với bạn bè chúng ta sẽ cho phép những ngày lễ hội hướng tâm trí chúng ta đến việc cử hành hy tế Thánh Thể. Khi chúng ta mua một miếng bánh hay một chai rượu vang, chúng ta sẽ nhớ đến Chúa Giêsu đã lấy những yếu tố bánh và rượu thế nào để biến đổi chúng ta thành Thịt và Máu Người trong thánh lễ. Khi chúng ta đọc thấy những món ăn thường ngày, chúng ta sẽ nhận ra rằng Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta một của ăn nuôi dưỡng hoàn hảo cho đời sống thiêng liêng chúng ta trong bí tích Thánh Thể.
Thánh Thể giá trị như thế đối với chúng ta vì đó là của ăn vô giá. Nói cách khác, giá trị của Thánh Thể chúng ta không thể đo lường được. Tiếp đây, chúng ta sẽ nghe lời mời gọi của tiên tri Isaia: “Các bạn là những người không tiền, hãy đến, hãy lấy bánh mà ăn”. Đây là một lời mời gọi dân chúng ta đang từ cuộc lưu đày trở về để dự phần vào tình yêu Thiên Chúa. Thông thường trong Cựu Ước hay dùng hình ảnh ăn hay uống với nhau, như là một dấu hiệu Giao ước của Thiên Chúa, giao ước tình yêu của Người.
Tin Mừng không nói Đức Giêsu đã làm phép lạ để có một đống bánh và cá thật to, rồi các môn đệ cứ đến lấy mà phân phát. Tin Mừng chỉ nói Ngài bẻ bánh trao cho họ, rồi chắc họ phải bẻ ra để chia cho đám đông, và có lẽ những người trong đám đông cũng đã bẻ tấm bánh của mình để chia cho người khác. Chẳng mấy chốc, ai cũng có bánh ăn.
Như thế, những tấm bánh từ tay Đức Giêsu đã được bẻ ra, trao đi và hoá nhiều. Đó là cốt lõi của phép lạ.
Có thể các môn đệ và dân chúng đã góp phần của họ: bẻ ra, trao đi và hoá nhiều.
Đây là phép lạ quan trọng vì có đông người chứng kiến, vì được cả bốn sách Tin Mừng kể lại, và vì Chúa muốn nó được kéo dài đến tận thế: bẻ ra, trao đi và hoá nhiều.
Chúa Giêsu không đi quyên góp bánh để phát cho người nghèo. Ngài cũng không khiến bánh tự nhiên từ trời xuống cho họ ăn, nhưng Ngài đã chia sẻ mấy cái bánh mà môn đệ có sẵn trong tay cho tất cả mọi người. Đó là một thách đố: dám nuôi bằng ấy ngàn người với năm chiếc bánh của người nghèo. Năm cái bánh đã được nhân lên bằng tình thương của Chúa Giêsu cộng với niềm tin và lòng vâng phục của các môn đệ. Bài học mọi người. Đó là một thách đố: dám nuôi bằng ấy ngàn người với năm chiếc bánh của người nghèo. Năm cái bánh đã được nhân lên bằng tình thương của Chúa Giêsu cộng với niềm tin và lòng vâng phục của các môn đệ. Bài học của phép lạ hóa bánh ra nhiều là ở chỗ đó: Chúa dạy chúng ta là hãy vâng lời Ngài mà thực hiện điều răn yêu thương. Yêu thương là chia sẻ.
Khi chúng ta chia sẻ chính là làm cho tình yêu được nhân lên. Tấm bánh đáng lẽ chỉ nuôi được một vài người, đã có thể nuôi cả ngàn người. Tình yêu có thể làm được chuyện mà đống tiền, đống của không làm được. Người ta thường nghĩ phải có nhiều, có dư thì mới cho. Tình yêu không đợi phải có đủ, có dư mới cho, nhưng còn sẵn sàng cho cả cái chính mình đang thiếu, và thậm chí, cả khi không có gì, vẫn có thể cho, đó là chính mình: công sức, tài năng, thời giờ… bởi vì tình yêu cao cả nhất, trọn vẹn nhất, là dâng hiến chính mình cho người mình yêu (Ga 15,13) và đó là tình yêu của Chúa Giêsu. Chính tình yêu này mới khiến Ngài chạnh lòng thương trước cảnh đói khổ, bệnh tật của dân nghèo và ra tay cứu giúp.
Với niềm tin tưởng và phó thác vào Chúa, dù chỉ là một cá nhân, nhưng hành động của chúng ta vẫn có một tầm mức quan trọng và đáng kể, nếu chúng ta biết chia sẻ những gì mình có với Chúa, thì Ngài sẽ làm phần còn lại, là biến cái ít ỏi, nhỏ nhoi ấy trở thành hữu ích, đem lại hoa trái vượt quá điều chúng ta mong ước. Chúng ta hãy dâng cho Chúa mọi khả năng, vật chất cũng như tinh thần để tuỳ Ngài sử dụng. Và rồi Ngài có thể dùng chúng để làm những phép lạ.
2020
Kho báu
26/07/2020
Chúa Nhật Tuần XVII Mùa Thường Niên Năm A
KHO BÁU
Tin Mừng hôm nay thuật lại ba dụ ngôn mới: dụ ngôn kho báu và dụ ngôn ngọc quý rất gần giống nhau, còn dụ ngôn chiếc lưới rất gần với dụ ngôn người gieo giống và dụ ngôn cỏ lùng.
Hai dụ ngôn này được biệt phân rất rõ nét với các dụ ngôn trước đó. Các dụ ngôn trước liên quan đến việc loan báo Nước Trời và sự phát triển thần kỳ của nó. Các dụ ngôn đó chủ yếu là thể văn “miêu tả”. Còn Dụ ngôn kho báu và dụ ngôn ngọc quý là những “lời khuyến dụ” được gởi đến cho từng cá nhân, mang tính khẩn trương và quyết liệt, nhằm biến đổi đời sống.
Dụ ngôn “kho báu giấu ở thửa ruộng” và “viên ngọc quí” diễn tả sự cao trọng, sự vô giá của Nước Trời, mà không có cái gì, không có vàng bạc hay tài năng nào sánh được. “Kho báo” và ‘viên ngọc quý” ở đây là chính Đức Giêsu Kitô, Ngài là đối tượng lớn nhất, là niềm vui, là hạnh phúc để chúng ta tìm kiếm và sở hữu. Không có gì đẹp hơn, bởi được tìm biết Đức Kitô, có Ngài chúng ta có tất cả! Nói như Thánh Phaolô hôm nay là: trong Người, chúng ta “những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh”, trở nên giống với hình ảnh Chúa Con, trở nên giống Đức Kitô. Như thế, lời mời gọi nên thánh chính là trở nên giống Đức Kitô, sống theo Đức Kitô.
Nếu chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa mời gọi chúng ta vào vương quốc của Ngài và Đức Giêsu là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến đó, lúc đó việc chúng ta kết hiệp với Đức Kitô là ngay tức khắc, không thể nào chần chừ được nữa. Vì thế, việc chúng ta từ bỏ mọi sự cho điều cốt yếu duy nhất này, là chuyện dể hiểu. Với sự hiện diện của Đức Kitô, Nước Trời có mặt ở đây rồi. Kho báu hay ngọc quý này ở trong tầm tay của chúng ta. Việc từ bỏ mọi sự để sở hữu cho được kho báu hay ngọc quý này là niềm vui lớn lao, niềm vui của sự tự do vì được giải thoát khỏi những điều bất tất.
Dụ ngôn “Kho báu chôn trong ruộng” và “Viên ngọc quí” diễn tả sự cao trọng, sự vô giá của Nước Trời, không có cái gì, không có vàng bạc hay tài năng nào sánh được. “Kho báu” và “Viên ngọc quý” ở đây, là chính Đức Giêsu Kitô, Ngài là đối tượng lớn nhất, là niềm vui, là hạnh phúc để chúng ta tìm kiếm và sở hữu. Không có gì đẹp hơn là tìm biết Đức Kitô. Có Ngài, chúng ta có tất cả! Nói như Thánh Phaolô hôm nay là: trong Người, chúng ta “những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh”, trở nên giống với hình ảnh Chúa Con, trở nên giống Đức Kitô. Như thế, lời mời gọi nên thánh, chính là trở nên giống Đức Kitô, sống theo Đức Kitô, là đạt đến Nước Trời.
Nước Trời đòi buộc phải hy sinh, một khi đã khám phá ra, phải bán tất cả những gì mình có. Đây là một chọn lựa dứt khoát, quyết liệt, không dễ dàng. Sự từ bỏ theo Chúa Giêsu, chính là thái độ dấn thân vì Nước Trời. Tìm thấy Nước Trời, thấy được giá trị cao quí của Nước Trời, cho nên mới can đảm hy sinh từ bỏ tất cả để có được. Người nông dân bán tất cả để mua cho được mảnh ruộng có kho báu; vị thương gia bán tất cả tài sản để mua cho bằng được viên ngọc quý, là hình ảnh nói lên việc phải dứt khoát chọn lựa Nước Trời.
Nước Trời được ví như viên ngọc quý, khi tìm thấy, người ta bán mọi sự để mua được viên ngọc đó. Ngọc quý là chính ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một hạ thân cứu độ chúng sinh. Viên Ngọc quý từ trời ban xuống là Đức Kitô đã hy sinh hiến mình để cứu độ nhân loại. Qua bao đời, có biết bao nhiêu người đã nghe giảng, học biết và tin nhận Chúa Kitô là Con Thiên Chúa giáng trần. Họ đã tìm được viên ngọc qua đời sống đức tin trong Giáo Hội. Cửa Nước Trời đã mở ra thâu nhận những ai muốn kiếm tìm và sống niềm tin. Mọi người đều có thể sở hữu viên ngọc quý của Nước Trời. Viên ngọc của ân sủng, của tin yêu và hy vọng. Chúa Giêsu đã sắm sẵn cho mọi người.
Người đón nhận Nước Trời cũng cần phải từ bỏ nếp sống cũ để sống đời sống mới trong sự kết hợp với Chúa, cũng cần phải dấn thân để chiếm lấy Nước Trời, bởi vì được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích lợi chi. Còn đối với chúng ta thì sao. Liệu chúng ta có dám liều, dám hy sinh tất cả để chiếm lấy Nước Trời? Hay chúng ta lại phản ứng như chàng thanh niên giàu có: chần chừ, so đo tính toán rồi lầm lũi cúi mặt bỏ đi. Anh không dám bán những gì anh sở hữu mà làm phúc bố thí cho người nghèo rồi bước theo Chúa. Anh không dám từ bỏ sự ổn định của cuộc sống hiện tại để đi theo Đấng mà không có lấy được một chỗ tựa đầu. Một cuộc phiêu lưu mạo hiểm hoàn toàn bấp bênh và vô định. Anh sợ rằng mình sẽ mất cả chì lẫn chài, cả vốn lẫn lãi.
Để có Đức Kitô, hay để có được Nước Trời cần phải dứt bỏ tất cả như Chúa Giêsu gọi mời: “Nếu ai muốn đi sau Ta, thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình và hãy theo Ta” (Mt 16,24)… Và chỗ khác Người nói: “Nếu ngươi muốn được trọn lành, thì hãy đi bán những gì ngươi có mà cho kẻ khó”, sau cùng Người thêm: “đoạn hãy đến theo” (Mt 19,21). Không những thế còn phải phấn đấu, “giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy”. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta rằng không thể có được Nước Trời, nếu chúng ta không từ bỏ tất cả những gì chúng ta đang có: vinh quang, giầu có, địa vị và tất cả những sự tìm kiếm khác.
Xin Chúa cho chúng ta sự khôn ngoan để chúng ta đi tìm Nước Trời. Vì Nước trời là một kho tàng quý giá, chúng ta phải bằng mọi cách để đổi lấy cho bằng được. Vì nước trời là viên ngọc quý, chúng ta phải trân trọng và bằng mọi giá gìn giữ và bảo vệ. Xin Chúa cho chúng ta luôn biết chọn lựa gia tài vĩnh cửu Nước Trời hơn là những của cải trần gian mau qua. Vì “được lời lãi cả thế gian, chết mất linh hồn nào được ích gì?
2020
Ngày hẹn gặp Đức Mẹ
Lễ La Mã 13.7.2020
Ngày hẹn gặp Đức Mẹ
Ngày 13 mỗi tháng, giáo phận Vĩnh Long đều có cuộc hành hương song song tại Trung Tâm Hành Hương Fatima Vĩnh Long, và tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Mã Bến Tre. Cũng giờ này tại Trung Tâm Hành Hương Fatima Vĩnh Long, Đức Giám Mục cử hành thánh lễ trọng thể. Chúng ta hiệp thông với ngài và anh chị em tại đó để thờ lạy, chúc tụng Chúa, và xin Đức Mẹ chuyển cầu tâm tình yêu mến cảm tạ và mọi ước nguyện của chúng ta lên Thiên Chúa.
Giáo phận Vĩnh Long chọn ngày 13 mỗi tháng để nhớ lời dạy của Đức Mẹ khi hiện ra năm 1917 tại Fatima bên Bồ Đào Nha, cho ba trẻ Lucia, Francisco và Giacinta. Đức Mẹ xin 3 em ngày 13 mỗi tháng đến gặp Đức Mẹ, từ tháng 5 đến tháng 10. Vì thế ngày 13 mỗi tháng trở thành là ngày thánh thiêng, này vui, ngày con cái trong và ngoài giáo phận vâng lời Đức Mẹ, hẹn nhau phấn khởi vui mừng đến gặp Đức Mẹ, để Đức Mẹ chúc lành và ban ơn.
Hôm nay ngày 13 tháng 7, chúng ta nhớ đến ngày Đức Mẹ hiện ra lần thứ ba cho ba trẻ tại Fatima. Lần này Đức mẹ cho ba em thấy hỏa ngục. Thật là kinh khiếp! Các em thấy một biển lửa. Nhào lộn trong biển lửa ấy là ma quỷ và các linh hồn tội lỗi trông giống các cục than hồng, đen đủi hay xám xịt, những thân hình bị treo lơ lửng đang bị lửa thiêu đốt kêu la trong đau đớn tuyệt vọng. Cảnh tượng này đã làm các em kinh hoàng run rẩy khiếp sợ.
Đức mẹ bảo các em: “Các con đã nhìn thấy hỏa ngục nơi linh hồn các kẻ có tội bị giam cầm. Ðể cứu các linh hồn khỏi sa hỏa ngục, Thiên Chúa muốn phát động lòng tôn sùng Trái Tim Vẹn Sạch Ðức Mẹ trên hoàn cầu. Nếu các con thi hành các điều Ta phán dạy thì rất nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi”.
Lần hiện ra lần thứ 6 và cũng là lần cuối, ngày 13 tháng 10 năm 1917. Đức Mẹ cho ba em biết mình là “Đức Mẹ Mân Côi” và xin các em hãy tiếp tục lần hạt hằng ngày. Đức Mẹ nói: “Ta muốn một nhà nguyện được xây ở đây để tôn kính Ta”.
Ở Lộ Đức, Đức Mẹ cũng xin xây nhà một nguyện để tôn kính Đức Mẹ. Thực ra, có trăm ngàn nhà nguyện nhà thờ để tôn kính Đức Mẹ, cũng không thêm gì cho vinh quang Đức Mẹ, bởi lẽ Đức Mẹ đang hưởng hạnh phúc tuyệt vời trên thiên đàng rồi. Đức Mẹ muốn xây nhà nguyện cho Đức Mẹ là Đức Mẹ muốn hiện diện giữa con cái, để gần gũi, để yêu thương, để con cái dễ dàng đến với Người, để Người ban ơn Cứu Giúp như tước hiệu “Hằng Cứu Giúp” của Người, và để dẫn đưa chúng ta đến cùng Chúa Giêsu Con của Mẹ là nguồn hạnh phúc tuyệt đối và đời đời.
Ở La mã Bến Tre này, Đức Mẹ không bảo phải xây nhà nguyện tôn kính Đức Mẹ. Người muốn lôi kéo chúng ta đến với Người bằng cách Người cho tìm gặp lại Ảnh Đức Mẹ sau thời gian bị lạc mất và bị chìm sâu trong lòng nước, dưới bùn đất, và bằng sự kiện Đức Mẹ đã lộ hình đẹp đẻ như chúng ta thấy ngày nay.
Hôm nay chúng ta tựu về đây để gặp Đức Mẹ, để nhìn ngắm Mẹ, để yêu mến Mẹ và để nghe Lời Chúa dạy. Hôm nay Chúa dạy chúng ta điều gì?
Trong bài đọc 1, qua miệng ngôn sứ Isaia, Chúa dạy: “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết và dứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bằng, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ” (Is,1,16-17). Chúng ta đi hành hương, đọc kinh, làm việc bố thí, làm việc từ thiện bác ái, là việc rất tốt, đáng khen và đáng khích lệ. Nhưng Chúa muốn chúng ta trước hết phải sám hối, từ bỏ tội lỗi, các tính hư nết xấu; đừng làm điều ác, đừng lỗi đức bác ái, đừng lỗi đức công bằng. Xa lánh những điều tiêu cực và tội lỗi, chưa đủ. Chúa còn muốn chúng ta phải tích cực làm điều thiện: Ai đón rước anh em là đón rước Thầy; ai cho một trẻ nhỏ này một ly nước, kẻ ấy sẽ không mất phần thưởng Chúa dành cho.
Chúa muốn chúng ta tìm kiếm lẽ công bằng giữa cá nhân với nhau, giữa nhóm này với nhóm kia, giữa đoàn thể này với đoàn thể khác, cộng tác bao nhiêu có thể với những người hữu trách và các cơ quan chức năng, để loại trừ sửa phạt những kẻ áp bức đối với những người bé nhỏ yếu thế, thấp cổ bé miệng.
Chúa muốn chúng ta phải là muối là men là ánh sáng cho đời. Tóm một lời là Chúa muốn chúng ta: Thánh hóa bản thân, và góp phần xây dựng cho xã hội này được tốt đẹp hơn, công bình hơn, tình người hơn.
Trong bài Phúc âm, Chúa Giêsu dạy:”Ai yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy”. Giới răn thứ bốn dạy phải yêu mến thảo kính cha mẹ, và Chúa đã đặt vào con người một luật tự nhiên là tình mẫu tử, cha mẹ yêu thương con cái mình, loài vật cũng vậy. Nhưng khi có sự xung đột giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người, thì tình yêu Thiên Chúa phải vượt thắng. Trong bậc thang giá trị của tình yêu, tình yêu Thiên Chúa phải đứng trên hết. Người ta không thể yêu mến cha mẹ hơn yêu mến Chúa; người ta không thể yêu con cái mình hơn yêu mến Thiên Chúa; người ta không thể bỏ Chúa để bảo vệ cha mẹ hay con cái mình; người ta không thể trách móc Thiên Chúa khi cha mẹ, con cái bị tai nạn, bệnh hoạn tật nguyền.
“Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10,38). Nơi khác Chúa nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Con đường thập giá là con đường Chúa chọn, con đường duy nhất Chúa đi cứu chuộc nhân loại. Con đường đó, dù có chông gai sỏi đá, dù phải vấp ngã té xuống nhiều lần, Chúa vẫn gượng đứng lên, cố gắng tiếp tục đi cho tới cùng.
Là môn đệ của Chúa, chúng ta không thể không theo con đường thập giá của Thầy mình, dù nó đầy chông gai và đầy nước mắt. Thập giá hằng ngày là những đau khổ, bệnh hoạn, thất nghiệp, khủng hoảng gia đình, khó khăn vật chất, đau khổ tinh thần, chồng con bê tha, say sưa rượu chè… Bằng lòng chấp nhận và vác nó trong tình yêu mến Chúa, dù nó có nặng nề, nhưng nếu biết hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa, nó sẽ là phương thế cứu rỗi chúng ta.
Từ bỏ chính mình là từ bỏ cái tôi ích kỷ, lúc nào cũng nghĩ đến mình, lo cho mình, thu góp cho mình mà không biết chia sẻ cho người khác.
Tóm lại và để kết thúc, xin anh chị em nhớ 4 điều sau đây thôi và cố gắng thực hành:
- Ngày 13 mỗi tháng là ngày hẹn gặp Đức Mẹ tại đây. Nếu không hành hương được thì hành hương trong tâm hồn, và đọc một kinh Kính mừng.
- Lần hạt hằng ngày để tôn kính Đức Mẹ và cầu nguyện cho nhiều linh hồn khỏi sa hỏa ngục.
- Sám hối, dứt bỏ, tẩy sạch mọi tội lỗi khỏi mắt Chúa, đồng thời cố gắng làm điều thiện.
- “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy”.
Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin giúp chúng con ghi nhớ bốn điều trên và xin Mẹ giúp chúng con đem ra thực hành. Amen
Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương
2020
19/07/2020
Chúa Nhật Tuần XVI Mùa Thường Niên Năm A
BÌNH TĨNH
Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục giảng dạy về Nước Trời bằng dụ ngôn “lúa và cỏ lùng”. Như vậy, sau khi nói đến việc khai mạc Nước Trời, Người nói đến sự phát triển của Nước Trời trong lịch sử trần thế.
Chúa Giêsu đã khởi đầu công trình của Người với một nhóm nhỏ Mười Hai Tông Đồ. Sự khiêm tốn của “hạt cải bé nhỏ được gieo vào lòng đất bao la”. Sự khiêm tốn của “một nắm men bị vùi sâu vào ba đấu bột”.
Điều kỳ diệu là “hạt bé hơn mọi thứ hạt giống” lại “trở thành cây cao bóng cả đến nỗi chim trời có thể đến nương náu nơi ngành nó”. Nắm men ít ỏi kia lại có khả năng làm dậy lên cả ba đấu bột chôn vùi nó. Cũng như vậy, Nước Trời sẽ vươn xa vươn rộng cho muôn dân nước đến nương nhờ. Hạt giống Nước Trời đã làm dậy lên cả thế giới bằng một tinh thần mới của Tin Mừng,biến đổi lịch sử trong tình thương và hòa bình.
Chủ đề chính của dụ ngôn là hạt giống. Chủ ruộng đã gieo hạt giống, speirò, vào ruộng của mình. Kẻ thù đến và gieo thêm cỏ lùng “giữa hạt giống”; động từ epi-speirò chỉ việc gieo lên trên. Cách mô tả nầy cho thấy mục đích xấu của kẻ thù. Tuy nhiên, hạt giống vẫn mọc lên và kết trái. Matthêo nói đến việc kết trái, karpos, như trong dụ ngôn trước (13,8). Việc kết trái chứng tỏ là hạt giống tốt, nên mới sinh trái tốt (7,18.20), và không bị ảnh hưởng bởi việc lớn lên chung với cỏ lùng.
Cỏ lùng được kẻ thù gieo vào giữa hạt giống tốt và lớn lên cùng hạt giống (c. 26). Trong 10,16 Matthêô nói đến việc chiên được sai đến giữa đàn sói. Trong cả hai trường hợp Matthêô đều cho thấy là hạt giống và chiên không bị biến dạng hay hư hỏng bởi việc sống chung nầy. Cỏ lùng và hạt giống tốt cùng lớn lên và chúng phát triển theo cách của chúng. Ở đây cả hai được mô tả là lớn lên cùng thời. Trong 13,30, có sự quyết định của gia chủ nữa, “Hãy để chúng cùng lớn lên”. Hạt giống tốt kết trái, cỏ lùng cũng phơi bày mình ra. Tỏ hiện, phainò, ở đây là tự phơi bày mình ra cho người khác thấy (x. 9,33; 24,30); khi còn là hạt, khó phân biệt được đâu là cỏ lùng và hạt giống.
Thế giới hôm nay vẫn còn là như một thửa ruộng, trong đó có cỏ lùng xen lẫn với lúa. Cái tốt xen lẫn với cái xấu. Chúng ta chỉ cần để ý một chút là có thể nhận ra trong giáo xứ, trong khu xóm, trong gia đình có những người tốt và những người xấu. Hơn nữa, cùng một con người, nhưng có lúc hành động tốt và có lúc hành động xấu.
Chọn cái tốt và làm điều tốt cũng như ghét cái xấu và tiêu diệt cái xấu, đó là bài học luân lý phổ thông nhất cho mọi người ở mọi nơi và trong mọi lúc. Bài học này nói thì dễ nhưng áp dụng vào thực hành lại chẳng dễ chút nào. Vì thế, chúng ta cần phải cố gắng liên tục, cố gắng không ngừng.
Con người có tự do để chọn lựa cái đúng, cái sai, chọn cái tốt, cái xấu. Nước Trời cũng gồm những con người có tự do, thì cũng có những người xấu do chọn lựa sai lầm. Cảm nhận được sự thật ấy trong tâm hồn mình để chúng ta biết khoan dung trong cách nhìn về người khác. Sự khoan dung không đồng nghĩa với đầu hàng cái ác, nhưng phát xuất từ niềm tin vững chắc vào sự tất thắng của Nước Trời: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”. Cho dù cỏ lùng có bóp nghẹt lúa tốt trong một thời gian dài, nhưng mùa gặt đến, cỏ lùng sẽ bị gom lại và đốt đi, còn lúa tốt được cất vào kho lẫm.
Tuy nhiên cái đích mà Chúa Giêsu nhắm tới không phải chỉ là những kẻ khô khan nguội lạnh mà còn là những người sốt sắng nóng nảy, bởi vì dụ ngôn trên kêu gọi sự nhẫn nại. Nhẫn nại với lịch sử, với người chung quanh và với chính bản thân mình. Đừng vội kết án như thể mọi sự đã xong xuôi, chẳng còn gì để mà nói, để mà trông chờ. Nó đã hư đã hỏng, chỉ còn việc nhổ lên và vất đi. Các nhãn hiệu tốt và xấu như được gắn chặt nơi mỗi con người một cách vĩnh viễn.
Thiên Chúa gieo vào thế giới hạt giống khát vọng hòa bình. Đẹp biết bao khi mọi dân tộc nắm tay nhau xây dựng một thế giới huynh đệ tươi thắm tình người. Nhưng thực tế lại đáng buồn thay! Cánh đồng hòa bình tươi xanh đã bị những cỏ dại của tham vọng, ích kỷ, ác độc làm hoen ố. Lịch sử thế giới được ghi bằng những trang buồn đau vì không lúc nào mà không có chiến tranh.
Thế giới này sẽ tươi đẹp biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần chung tay xây dựng! Nhưng thật đáng tiếc, rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc hủy hoại, tha hóa, nô lệ hóa con người. Đó là những hạt cỏ xấu do ma quỷ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt. Lúa tốt và cỏ lùng lẫn lộn trên cùng ruộng lúa.
Nếu quan sát, chúng ta sẽ nhận ra ngay những ảnh hưởng của truyền thông rất lớn. Những phương tiện truyền tin hằng ngay qua sách báo, phim ảnh, truyền hình, báo đài, talk show…hay qua kỹ thuật cao như cellphone, itunes, iphone, ipod và ipad. Chúng ta đã đầu tư quá nhiều thời giờ vào những phương tiện và dụng cụ kỹ thuật tân tiến này. Tình người bị đánh cắp. Ngồi bên nhau đấy, nhưng mỗi người một theo một trò chơi và một ý thích khác nhau.
Nguồn kiến thức nơi các trang mạng thật dồi dào và đa dạng. Có những kiến thức rất bổ ích mà chúng ta cần học hỏi và trau dồi, nhưng cũng không tránh khỏi những loại văn hóa đồi trụy và tư tưởng đầu độc. Thánh Phaolô nhận ra sự song hành của sự thiện và sự ác: Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay (Rm 7,21).
Cái tốt, cái xấu đan xen trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trong tâm hồn mỗi người. Ở đó, hạt mầm sự sống và nọc độc sự chết, cùng sống chung. Mỗi con người chắc chắn đều có kinh nghiệm bản thân như Thánh Phaolô đã từng kinh nghiệm “Điều lành tôi muốn làm, tôi lại không làm, còn điều dữ tôi không muốn làm, nhưng tôi lại cứ làm (Rm 7,19).