Đừng sợ !
21.6.2020 Chúa Nhật 12 TN
Mt 10, 26-33
ĐỪNG SỢ !
Trong cuộc sống thường nhật, thật buồn cười vì có những người quá nhát sợ. Gặp con dán hay con chuột cũng co rúm người, mặt cắt không còn giọt máu. Có những người, trái lại, chẳng biết sợ là gì. Coi mạng sống nhẹ như tơ. Lên xe là phóng như bay. Liều lĩnh thường thiệt mạng. Nhút nhát quá đâm hỏng việc. Một đàng bất cập, một đàng thái quá. Vì thế vấn đề không phải là sợ hay không sợ. Vấn đề là phải biết phân định. Biết những gì nên sợ và những gì không nên sợ. Hôm nay Chúa Giêsu giúp ta phân định để biết sợ và không biết sợ.
Trên đường đức tin, phải biết sẵn sàng đón nhận sự chống đối, phân rẽ, công kích, tố cáo. Phải biết thẳng tay loại bỏ những mộng ước dễ dãi về một công cuộc Phúc âm hóa đầy may mắn và tốt đẹp. Đừng sợ, nghĩa là phải chống đối, đấu tranh, kiếm tìm. Có trăm ngàn lý do để sợ: tiến bộ hay thủ cựu, khuynh hữu hay khuynh tá, bạo lực hay yếu hèn … Tất cả đều hợp lực làm lu mờ chân lý. Giữa bao cảnh bạo tàn và gian manh láo khoét ấy, vang dội lời này: “Các con đừng sợ chúng”.
Chúa Giêsu luôn nhắc nhở cho cúng ta cái tư tưởng là “Đừng sợ”. Chúng ta có thể tìm thấy từ ngữ “đừng sợ” 365 lần trong Thánh Kinh. Người Tông đồ chỉ có thể tìm được sự can đảm nếu biết tin cậy phó thác cho Chúa. Chính Ngài sẽ ban ơn đầy đủ để chúng ta có thể hòan thành sứ mạng đã được giao phó.
Chúa quan phòng cai trị mọi vật. Chúa dựng nên những cái vĩ đại cũng như những cái bé nhỏ. Chúa săn sóc người này cũng như người kia: “Nào người mẹ có thể quên con mình không? Và cho dù người mẹ có quên con mình đi nữa, Chúa cũng không quên chúng ta”, “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em”, “Hãy xem chim trời, Cha anh em vẫn nuôi chúng. Anh em lại không hơn chúng sao?”, “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, Chúa còn cho chúng đẹp đến thế, phương chi anh em, Chúa còn săn sóc hơn nhiều”.
Thánh Augustinô nói: “Lo lắng cho cả vũ trụ còn vĩ đại hơn làm cho năm ngàn người no nê bằng năm chiếc bánh, vậy mà chẳng ai lạ lùng về chuyện đó. Chúa săn sóc mỗi người dường như chỉ có một người đó ở trên đời và Chúa săn sóc tất cả mọi người dường như Chúa săn sóc cho một người”.
Trong chỗ thân tình, Chúa Giêsu giáo huấn chỉ một nhóm nhỏ môn đệ, còn với đám đông Ngài chỉ dạy bằng dụ ngôn, tuy nhiên khi thời gian đến “không có gì che dấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết”. Thánh Luca cũng trích dẫn hai lần câu nói nầy: lần thứ nhất theo cùng một ý nghĩa như thánh Mát-thêu, không ai lấy hũ che ngọn đèn thắp sáng hoặc đặt nó ở dưới gầm giường (Lc 8, 17); còn lần thứ hai, câu nói nầy theo văn mạch có ý nghĩa rất khác: Chúa Giêsu tố cáo thói giả nhân giả nghĩa của người Biệt Phái (Lc 12, 2-3).
Bằng cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài, Chúa Giêsu sẽ đưa Mặc Khải đến hồi viên mãn. Lúc đó, các môn đệ của Ngài, các thừa tác viên của Lời Ngài, những người phục vụ Lời Ngài, sẽ phải thông truyền Lời Ngài cách công khai cho hết mọi người, công bố lớn tiếng Lời Ngài “trên mái nhà”. Mái nhà, theo kiểu xây nhà của người xứ Palestin, là một sân thượng, ở đó vào lúc chiều hôm mát mẽ người ta trò chuyện với nhau từ sân thượng nầy sang sân thượng khác. Chúa Giêsu đối lập Mặc Khải chưa hoàn tất với Mặc Khải nên trọn, cũng như sự nhát đảm hiện nay của nhóm Mười Hai với lời rao giảng đầy quyền năng của họ sau biến cố Ngũ Tuần.
Sau khi đã loan báo cho các môn đệ biết sự bắt bớ đang chờ họ và họ thấy rõ nguyên nhân của sự bắt bớ – căn tính sâu xa giữa Người và các môn đệ – Chúa Giêsu hướng dẫn họ thái độ phải có khi gặp thử thách. Một tư tưởng hướng dẫn chạy xuyên suốt các lời Thầy, một điệp khúc tạo nên dấu chấm câu: “Các con đừng sợ!… Đừng sợ! Đừng sợ gì cả…”
Vậy anh em đừng sợ (26): Từ ngữ “vậy” nối cc. 26-27 với phần đi trước, nhưng không phải là để đưa tới một kết luận, mà là một lời khích lệ. Ý nghĩa không phải là” đừng sợ họ, bởi vì họ không thể làm gì anh em; nhưng là: đừng sợ họ, bởi vì anh em không được mong mình có một số phận bớt đau thương hơn Thầy (cc. 24-25). Như thế, dù vẫn sợ những người bách hại, anh em phải đảm nhận lấy nỗi sợ hãi ấy mà cứ tuyên xưng niềm tin. Anh em sợ hãi người ta là chuyện dễ hiểu (cc. 17-25), nhưng đừng vì thế mà thôi làm chứng.
Đừng sợ, dám nói, vì lời họ nói không phải là lời của riêng họ nhưng là lời Chúa Giêsu, lời có hiệu quả của lời Thiên Chúa. Do đó, môn đệ đừng mất can đảm nếu thành công trong hiện tại còn mỏng manh, thậm chí còn chưa thấy; như mặt trời mọc lên chiến thắng đêm đen, sứ điệp rồi cũng sẽ xuyên thủng tăm tối. Đừng sợ khi bị bắt bớ, vì nếu những kẻ bắt bớ chỉ có quyền trên sự sống dương trần (thân xác) chỉ mình Thiên Chúa nắm giữ đời sống vĩnh cửu và phán quyết của Người có thể huỷ diệt trần thế con người (cả xác lẫn hồn).
Đừng sợ, vì Thiên Chúa, Đấng xét xử ta cũng là “Người Cha” chăm sóc mọi người, dù bé nhỏ đến đâu, và yêu thương từng người con bằng sự âu yếm của người mẹ: “Các con đáng giá hơn những con chim sẻ nhiều”. Đối với những ai gắn bó sự nghiệp của họ với sự nghiệp của Người đến liều cả mạng sống, Chúa Giêsu cũng hứa sẽ gắn bó với họ trong ngày phán xét. Người sẽ là luật sư biện hộ cho họ “Ai tuyên xưng Ta trước mặt người đời, Ta sẽ tuyên xưng họ trước mặt Cha Ta trên trời”.
Hẳn ta còn nhớ Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, dù sợ vẫn cứ bước vào cuộc khổ nạn, Người môn đệ vẫn can đảm tuyên xưng danh Chúa, vẫn kiên trì rao giảng Lời Chúa, chấp nhận tất cả những khó khăn hiểm nguy đe doạ, rình rập, chấp nhận những đau đớn thua thiệt chóng qua đời này, với niềm tin vững chắc rằng chính Thiên Chúa là Cha nhân lành an bài mọi sự, Người sẽ ban thưởng cho ta phần thưởng không gì so sánh được, đó là hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.
Ta là môn đệ của Ngài. Vì thế việc chúng ta gặp khó khăn và bách hại không có gì lạ, vì Thầy của chúng ta cũng đã từng bị như thế và còn bị năng hơn chúng ta nhiều. Vì vậy, nếu là môn đệ Đức Giêsu thì đừng tìm cách trốn tránh khó khăn và bách hại.
Hãy noi gương Chúa Giêsu mà can đảm giữ vững lập trường của mình và tiếp tục sứ mạng của mình, không phải bận tâm về bất cứ điều gì khác : không cần bận tâm đến mạng sống bởi vì ngay cả mạng sống một con chim sẻ nhỏ bé mà còn do Chúa định đoạt, huống chi mạng sống con người ; không cần bận tâm đến sự chống đối của người đời, vì “Ai tuyền xưng Thầy trước mặt người đời thì Thầy sẽ tuyên xưng người ấy trước mặt Cha Thầy”.