Mục Tử Theo Tiêu Chuẩn Giêsu
Mục Tử Theo Tiêu Chuẩn Giêsu
Dùng lối ẩn dụ để chỉ mối tương quan mật thiết giữa mục tử và đàn chiên, vừa nhấn đến tầm quan trọng giữa những mục tử và người giữ cửa, Đức Giêsu phác họa cho chúng ta thấy rong ruổi trên những vùng đất hoang vắng, những mục tử phải tìm ra những đồng cỏ tươi tốt để nuôi chiên và không ngừng chăm sóc, bảo vệ chiên của mình. Vì chiên và mục tử cùng sống chung nên hiểu nhau, biết nhau và tạo nên mối thân tình. Các mục tử thường đặt tên cho những con chiên họ yêu quý, quan tâm đến từng con, nên chiên mến anh, nghe lời anh chứ không nghe theo người lạ.
Các mục tử thường quy tụ các đàn vật của họ vào một ràn chung mỗi tối. Ràn thường làm bằng đất đá hoặc cây cối vây quanh, che chắn an toàn, bảo đảm cho đàn vật khỏi mọi nỗi hiểm nguy. Họ cắt cử một người bảo vệ canh cửa. Mỗi sáng, khi một mục tử lên tiếng với người giữ cửa, đàn chiên của anh ta sẽ nhận ra tiếng anh và nghe theo lời hướng dẫn của anh, nhờ đó anh dễ dàng tách chiên của mình ra khỏi đàn.
Cách duy nhất để đến với chiên, chứng tỏ mình là mục tử, là phải đi qua cửa, được người giữ cửa mở ra. Chính cái cửa xác định ai là kẻ trộm cướp và ai là mục tử. Đức Giêsu xưng mình là “Cửa ràn chiên” là thế. Ai không qua cửa mà vào, nhưng lại trèo qua lối khác mà vào, tức là không đến với đàn chiên cách chính thức, kẻ ấy là trộm cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử.
Đức Giêsu là cánh cửa cứu độ duy nhất mở ra để người ta đến với Thiên Chúa. Nếu người ta nhờ Đức Giêsu mà biết được Thiên Chúa chân thật và biết mình đang ở trong sự che chở quyền năng của Người là thế nào, người đó sẽ có cảm nhận về sự an toàn và đảm bảo, mọi âu lo sợ hãi đều tan biến.
Đùng lối ẩn dụ để kể câu chuyện này, tâm trí Đức Giêsu hướng đến đoàn chiên khốn khổ là dân của Thiên Chúa, đang bị cai trị bởi những mục tử giả là các nhà lãnh đạo dân, những kẻ giữ trọng trách coi sóc đoàn chiên như người giữ cửa, nhưng đã xử với đàn chiên như những kẻ trộm cướp, là giết hại và phá hủy. Họ không thực hành theo đường lối của Thiên Chúa, cũng không theo lời dạy của Người, chỉ lo cho bản thân, lo kiếm lợi lộc, chạy theo bạo quyền, mà bỏ mặc dân Chúa lầm than.
Khi Đức Giêsu bảo những kẻ đến trước đều là quân trộm cướp, Người không có ý nói đến các ngôn sứ và những người được Chúa sai đến, nhưng Người muốn ám chỉ đến những kẻ tiếm đoạt quyền hành tối cao của Thiên Chúa, dùng những mưu đồ chính trị bất lương để tranh giành địa vị, dùng bạo lực để thống trị và áp bức, gây ra những khổ đau, bất công cho dân Chúa, như đang xảy ra tại Paléttin.
Tuyên bố mình là cửa, Đức Giêsu cho thấy Người đang thực hiện đúng chức năng bảo vệ đoàn chiên. Không những thế, Người còn phân biệt và giúp mọi người nhận chân được ai là mục tử tốt, kẻ nào là trộm cướp: Ai qua cửa mà vào. Ai được Thiên Chúa sai đến. Ai nắm giáo huấn của Người. Ai có tương quan tốt đẹp với chiên người ấy là mục tử đích thật.
Đức Giêsu còn là cửa sinh tử, cửa dẫn đến ơn cứu độ, đến đồng cỏ sự sống, sự sống viên mãn. Không loại trừ ai khỏi ơn cứu độ, ai tin vào Đức Giêsu, nghĩa là ai qua Cửa thì được cứu, vì Người đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Hôm nay chúng ta đang đi theo Ai? phục vụ Ai và vào Cửa nào? Làm sao nhận ra tiếng mục tử mà theo?
Hôm nay, những mục tử được Chúa giao phó đoàn chiên có nhận ra chiên của mình mà chăn dắt, hay chỉ chăn dắt chiên của người khác? Có biết tên của từng con chiên để gọi hay chỉ biết đến cách làm cho “danh mình được cả sáng?” Có che chở và bảo vệ chiên của Chúa giữa những nanh vuốt của thú dữ hay bỏ chiên để lo cho mạng sống và địa vị mình?
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR