2020
Thứ Ba Tuần IX – Mùa Thường Niên
Thứ Ba Tuần IX – Mùa Thường Niên
Ca nhập lễ
Tv 24,16.18
Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con,
vì thân này cô đơn, nghèo khổ.
Xin thấy cho cảnh lầm than khổ cực
và tha thứ hết mọi tội con.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa quan phòng mọi sự và an bài thật khôn ngoan, tất cả đều xảy ra như Chúa muốn; xin đẩy xa những gì nguy hại và rộng ban muôn điều lợi ích cho chúng con. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
2 Pr 3,12-15a.17-18
Chúng ta mong đợi trời mới, đất mới.
Bài trích thư thứ hai của thánh Phê-rô tông đồ.
12 Anh em thân mến, anh em mong đợi ngày của Thiên Chúa và làm cho ngày đó mau đến, ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu huỷ và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng. 13 Nhưng, theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị.
14 Vì thế, anh em thân mến, trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an. 15a Anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được cứu độ.
17 Vậy, anh em thân mến, biết trước như thế, anh em hãy coi chừng kẻo bị những kẻ phạm pháp và lầm lạc lôi cuốn, mà không còn đứng vững nữa chăng. 18 Nhưng anh em hãy lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Đức Giê-su Ki-tô là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Xin kính dâng Người vinh quang, bây giờ và cho đến muôn đời. A-men.
Đáp ca
Tv 89,2.3-4.10.14 và 16 (Đ. c.1)
Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.
2Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên,
địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành,
Ngài vẫn là Thiên Chúa,
từ muôn thuở cho đến muôn đời.
Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.
3Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,
Ngài phán bảo : “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi !”4Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi !
Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.
10Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.
Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.
14Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca.16Ước gì chúng con là tôi tớ Chúa
được thấy công trình Ngài thực hiện,
và con cháu chúng con được thấy vinh hiển Ngài.
Đ.Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn.
Tung hô Tin Mừng
- Ep 1,17-18
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Xin Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, soi trí mở lòng cho chúng ta thấy rõ, đâu là niềm hy vọng, mà ơn Người kêu gọi đem lại cho chúng ta. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Mc 12,13-17
Của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
13 Khi ấy, người ta cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-dê đến cùng Đức Giê-su để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy. 14 Những người này đến và nói : “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không ? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp ?” 15 Biết họ giả hình, Đức Giê-su nói : “Tại sao các người lại thử tôi ? Đem một đồng bạc cho tôi xem !” 16 Họ liền đưa cho Người. Người hỏi : “Hình và danh hiệu này là của ai đây ?” Họ đáp : “Của Xê-da.” 17 Đức Giê-su bảo họ : “Của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Và họ hết sức ngạc nhiên về Người.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, tin tưởng vào lòng Chúa từ bi nhân hậu, chúng con cùng đến đây thành kính dâng của lễ lên bàn thờ, và tha thiết nguyện cầu Chúa ban ơn cho chúng con được thanh tẩy nhờ thánh lễ chúng con cử hành. Chúng con cầu xin …
Kinh Tiền Tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì chính Người, khi sinh ra đã đổi mới con người cũ, khi chịu khổ hình, đã tẩy xoá tội lỗi chúng con, khi từ cõi chết sống lại, đã khai lối vào chốn trường sinh, và khi lên cùng Chúa là Cha, Người đã mở cửa Nước Trời.
Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con hát bài ca chúc tụng Chúa và không ngừng tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Tv 16,6
Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa,
vì Ngài đáp lời con.
Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa nhân từ, Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể; xin ban Thánh Thần xuống hướng dẫn chúng con, để chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng lời nói cũng như việc làm hầu đáng được hưởng vinh quang thiên quốc. Chúng con cầu xin …
2020
Đừng sát nhân nữa
1.6.2020 Thứ Hai
Mc 12, 1-12
ĐỪNG SÁT NHÂN NỮA
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn “những người làm vườn nho sát nhân” để nói lên thực trạng thái độ của con người xưa và nay đối với lời mời gọi nên công chính của Thiên Chúa. Bằng cách dùng hình ảnh những tá điền sát nhân, Chúa Giêsu cho thấy thái độ phản nghịch và ngoan cố của các thượng tế, kinh sư và kỳ mục Do Thái trước lời kêu gọi hoán cải và tin vào Tin Mừng của Thiên Chúa, đã được loan báo qua các ngôn sứ và Người Con. Bằng cách nói: “người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ”, Chúa Giêsu ám chỉ chính Ngài là Con Thiên Chúa, Người được Thiên Chúa sai xuống thế làm người, để công bố Tin Mừng Nước Trời và để cứu độ nhân loại qua cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài.
Những chi tiết trong dụ ngôn vườn nho gợi lên những giai đoạn của lịch sử cứu độ Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại. Cái chết của người con của ông chủ vườn nho thoạt xem ra là kết quả của lòng thù ghét của con người đối với Thiên Chúa. Như những tá điền muốn giết người con được sai đến để cướp vườn nho khỏi tay ông chủ, những kẻ thù nghịch Thiên Chúa cũng muốn loại bỏ Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, để tự do làm chủ vận mệnh nhân loại. Qua hình ảnh tảng đá xây đã trở nên đá tảng góc tường, Chúa Giêsu mở ra chìa khóa để con người có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa liên hệ đến việc cứu chuộc của Ngài.
Chúa Giêsu Phục Sinh sau biến cố Vượt Qua của Ngài đã trở thành nền tảng cho vườn nho mới là Giáo Hội. Giáo Hội và mỗi thành phần Giáo Hội đều thuộc về Chúa Kitô. Mỗi người phải xây dựng và phát triển đời sống mình trên nền tảng duy nhất là Chúa Kitô. “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”, đó là bí quyết của mỗi môn đệ Chúa Kitô ở mọi thời và mọi hoàn cảnh, đó là bí quyết duy nhất để Chúa Kitô trở thành đá tảng nâng đỡ đời sống người Kitô hữu.
Mở đầu chương 12, tác giả cho thấy Chúa Giêsu miêu tả về một người chủ vườn nho. Ông ta có vẻ quí mến và quan tâm khá nhiều đến vườn nho của ông. “Ông rào giậu, đào bồn đạp nho và xây tháp canh…. rồi cho tá điền canh tác….” (c. 1). Trước khi đi xa, ông chủ đã bố trí, sắp dặt mọi công việc đến nỗi ông tin tưởng giao vườn nho cho các tá điền trong thời gian ông vắng mặt. Vì công việc bận rôn nơi phương xa, và không thể về để thu hoạch hoa lợi,nên ông phái đầy tớ của ông đến, thay mặt ông thu góp mùa màng (c. 2).
Ở đây chúng ta thấy rõ 2 thái cực đối lập. Ông chủ đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ và các tá điền chỉ việc chăm sóc, thu hoạch không vất vả. Giậu đã rào. Bồn đã xây và có cả tháp canh để trông chừng kẻ cướp. Các tá điền chỉ việc tưới bón, cắt tỉa… đến mùa hái nho cho vào bồn đạp nho.
Vậy mà các tá điền không thu hoa lợi cho chủ. Họ muốn chiếm đoạt cho họ phần hoa lơị này và cả vườn nho nữa. Họ đánh đập những đầy tớ đến thu hoa lợi, đuổi họ ra về tay không. Ông chủ không nản lòng. Ông vẫn tin tưởng họ nên sai đầy tớ khác đến, vì cho rằng : có lẽ đầy tớ trước không biết cách thu hoa lợi chăng ? Càng ngày ông càng sai nhiều nhóm đầy tớ khác nhau đến, nhưng kết quả “ tay trắng vẫn hoàn trắng tay”.
Hơn nữa họ còn bị đánh đập, bị hạ nhục và bị giết chết (c. 3-5). đến nỗi ông không còn đầy tớ để sai đi nữa ( có lẽ một phần bị giết hại, một phần vì quá sợ… nên không ai dám làm việc cho chủ nữa). Cuối cùng, ông chỉ còn một người nữa oà người con yêu dấu. Ông quyết định cử cậu con trai yêu quí của mình đến gặp họ để giải quyết vấn đề vì nghĩ rằng : Ít ra chúng sẽ tôn trọng con trai ta (c. 6)
Công trình của Thiên Chúa khác hẳn với dự tính của chúng ta. Thiên Chúa đã dùng chính tảng đá mà thợ xây loại bỏ. Tảng đá đó là Đức Giêsu. Ngài là Con Một yêu dấu của Chúa Cha đã bị các thượng tế, kinh sư loại bỏ và giết chết. Tảng đá này Thiên Chúa đã xử dụng làm tảng đá góc, nối kết các dân ngoại tôn thờ Thiên Chúa với dân Do Thái (người tin vào Chúa Giêsu). Nhờ Chúa Giêsu mà hai bức tường này đựơc liên kết dính liền với nhau, do đó bảo đảm sự vững chắc của chúng.
Sau một chuỗi giải thích và phân tích dụ ngôn, các thầy thượng tế, kinh sư chợt hiểu ra một điều là: Chúa Giêsu đang có ý nhằm nói đến họ. Và họ tìm cách bắt Chúa Giêsu vì sự xỉ nhục này, nhưng họ sợ đám đông, vì dân chúng đang say mê lắng nghe giáo thuyết của Ngài : một vị giảng sư có uy quyền trong lời nói và việc làm chứ không như các kinh sư của họ. Họ không bắt được Chúa Giêsu vì có lẽ chưa đến giờ của Ngài. Thế là họ đành bỏ Ngài mà đi. Họ bỏ đi để chờ dịp thuận tiện.
Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu lên án nhiều người Do Thái xưa và nhiều người thời nay luôn cứng lòng tin, luôn tìm cách loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình, và lôi kéo người khác làm theo, nhưng Thiên Chúa thì vẫn luôn yêu thương và nhẫn nại với họ. Thiên Chúa còn khẳng định rằng họ vẫn luôn cần đến Ngài qua con người và sứ vụ của Chúa Giêsu, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Chúa Giêsu xác nhận điều ấy bằng lời: “Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao: Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta!”(Mc 12, 10-11). Dù con người có tin hay không, chấp nhận hay chối bỏ, thì sự thật vẫn là Chúa Giêsu đã cứu chuộc nhân loại, và nhờ Ngài mà hết thảy những ai tin vào Kinh Thánh và sống như thế, sẽ được sống lại và sống đời đời.
Từ dụ ngôn ấy, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra khuôn mặt của mình ẩn núp đâu đó trong hình ảnh những tá điền sát nhân. Đó là khi chúng ta nghi ngờ sự hiện hữu hoặc tình yêu của Thiên Chúa. Đó là khi chúng ta chạy theo tiền bạc, của cải, những vui thú trần thế mà bỏ lơ lời mời gọi sống theo giới luật mến Chúa yêu người. Đó là khi chúng ta rơi vào não trạng duy lý, duy khoa học và duy thế tục, mà thực hành lối sống như thể đã chối bỏ đức tin của mình.
Nhưng dù vậy, Thiên Chúa vẫn ở đó, bên cạnh chúng ta, và luôn kiên nhẫn, chờ đợi chúng ta quay về. Ngài mãi yêu thương, tỏ mình cho chúng ta qua Hội Thánh hữu hình của Ngài, và qua chính những người sống quanh ta. Chúng ta được mời gọi để điều chỉnh lại lối sống của mình, cũng là để tái khám phá khuôn mặt nhân từ của Ngài vốn hằng hiện diện trong cuộc đời ta. Ngài muốn ta sống gắn bó với Ngài ngay giữa những thực tại trần thế này.
Qua và với dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn ám chỉ các thủ lãnh tôn giáo Do thái đã khai thác vườn nho, đó là Dân Chúa, nhưng họ đã dùng hoa quả thiêng liêng để trục lợi vật chất. Mỗi lần Chúa gửi các sứ giả tới, để kéo dân chúng quy về với ơn gọi chân chính của mình, thì họ đã giết các sứ giả đó và giết luôn Con Một Thiên Chúa. Họ phải chuốc lấy thảm bại và hình phạt. Con Thiên Chúa sẽ trở nên viên đá góc một ngôi nhà mới là Hội Thánh. Dân Thiên Chúa, vườn nho của Chúa, sẽ được giao cho các thủ lãnh khác trong thời Tân ước. Cũng vậy, Thiên Chúa tôn trọng và tín nhiệm mỗi người chúng ta khi trao cho mỗi người trách nhiệm phù hợp với khả năng của mình: bậc sống, địa vị, tài năng, phương tiện sống…
2020
Thứ Hai Tuần IX – Mùa Thường Niên
Thứ Hai Tuần IX – Mùa Thường Niên
Ca nhập lễ
Tv 24,16.18
Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con,
vì thân này cô đơn, nghèo khổ.
Xin thấy cho cảnh lầm than khổ cực
và tha thứ hết mọi tội con.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa quan phòng mọi sự và an bài thật khôn ngoan, tất cả đều xảy ra như Chúa muốn; xin đẩy xa những gì nguy hại và rộng ban muôn điều lợi ích cho chúng con. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
2 Pr 1,2-7
Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa.
Bài trích thư thứ hai của thánh Phê-rô tông đồ.
2 Anh em thân mến, chúc anh em được đầy tràn ân sủng và bình an, nhờ được biết Thiên Chúa và Đức Giê-su, Chúa chúng ta.
3 Thật vậy, Đức Ki-tô đã lấy thần lực của Người mà ban tặng chúng ta tất cả những gì giúp chúng ta được sống và sống đạo đức, khi Người cho chúng ta biết Đấng đã dùng vinh quang và sức mạnh của mình mà kêu gọi chúng ta. 4 Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian.
5 Chính vì thế, anh em hãy đem tất cả nhiệt tình, làm sao để khi đã có lòng tin thì có thêm đức độ, có đức độ lại thêm hiểu biết, 6 có hiểu biết lại thêm tiết độ, có tiết độ lại thêm kiên nhẫn, có kiên nhẫn lại thêm đạo đức, 7 có đạo đức lại thêm tình huynh đệ, có tình huynh đệ lại thêm bác ái.
Đáp ca
Tv 90,1-2.14-15ab.15cd-16 (Đ. x. c.2b)
Đ.Lạy Thiên Chúa, con tin tưởng vào Ngài.
1Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao
và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối,2hãy thưa với Chúa rằng :
“Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn,
là đồn luỹ chở che, con tin tưởng vào Ngài.”
Đ.Lạy Thiên Chúa, con tin tưởng vào Ngài.
14Chúa phán : Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát,
người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì.15abKhi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại
lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên.
Đ.Lạy Thiên Chúa, con tin tưởng vào Ngài.
15cdTa giải cứu và ban nhiều vinh dự,16cho sống lâu, tuổi thọ dư đầy
và hưởng ơn cứu độ Ta ban.
Đ.Lạy Thiên Chúa, con tin tưởng vào Ngài.
Tung hô Tin Mừng
- Kh 1,5ab
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa Giê-su Ki-tô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết trỗi dậy, Chúa đã yêu mến chúng con, và đã lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng con. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Mc 12,1-12
Họ đã bắt người con yêu dấu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
1 Khi ấy, Đức Giê-su bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế, kinh sư và kỳ mục. Người nói : “Có người kia trồng được một vườn nho ; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. 2 Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. 3 Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. 4 Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. 5 Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác : kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. 6 Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu : người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ ; ông nói : ‘Chúng sẽ nể con ta.’ 7 Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau : ‘Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta.’ 8 Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho. 9 Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì ? Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác. 10 Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao ? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. 11 Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta !”
12 Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng lại sợ dân chúng ; quả vậy, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy. Thế là họ để Người lại đó mà đi.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, tin tưởng vào lòng Chúa từ bi nhân hậu, chúng con cùng đến đây thành kính dâng của lễ lên bàn thờ, và tha thiết nguyện cầu Chúa ban ơn cho chúng con được thanh tẩy nhờ thánh lễ chúng con cử hành. Chúng con cầu xin …
Lời Tiền Tụng Chúa Nhật Thường Niên
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Chúa đã tác thành mọi sự trong vũ trụ, đã sắp đặt cho thời gian thay đổi tuần hoàn.
Còn loài người, Chúa đã dựng nên giống hình ảnh Chúa và bắt mọi sự kỳ diệu quy phục loài người để họ thay quyền Chúa thống trị mọi loài Chúa đã sáng tạo và luôn ca tụng Chúa vì muôn việc kỳ diệu Chúa đã làm, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.
Bởi vậy, trong khi cử hành lễ hân hoan này, cùng với toàn thể các Thiên thần, chúng con ca ngợi tung hô Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Tv 16,6
Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa,
vì Ngài đáp lời con.
Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa nhân từ, Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể; xin ban Thánh Thần xuống hướng dẫn chúng con, để chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng lời nói cũng như việc làm hầu đáng được hưởng vinh quang thiên quốc. Chúng con cầu xin …
2020
Có bao nhiêu ơn Chúa Thánh Thần?
Có bao nhiêu ơn Chúa Thánh Thần?
Trong tuần lễ chuẩn bị lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, các tín hữu đọc kinh cầu xin bảy ơn Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần chỉ ban bảy ơn thôi hay sao? Còn các đặc sủng Thánh Linh thì xếp ở chỗ nào?
Chúa Thánh Thần không chỉ ban 7 ơn mà thôi, nhưng còn rất nhiều ơn nữa. Trước khi vào đề, thiết tưởng nên lưu ý hai điểm liên quan tới vấn đề dịch thuật. Trước hết là danh xưng của Ngôi Ba Thiên Chúa: trong tiếng La-tinh danh xưng là Spiritus Sanctus (tiếng Pháp là Saint Esprit, tiếng Anh là Holy Spirit), nhưng được dịch sang tiếng Việt bằng ba từ ngữ: Chúa Thánh Thần, Thánh Linh, Thần khí. Một cách tương tự như vậy, các từ ngữ “ân ban, ân huệ, linh ân, đặc sủng, đoàn sủng, hồng ân, quà tặng, tặng phẩm” chung quy cũng hàm ngụ một tư tưởng thần học là “điều được trao ban”. Do đó, trước khi nói đến các ơn mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, thì cần phải nói đến chính Thánh Thần là Đấng được Chúa Cha ban cho chúng ta. Điều này được nêu bật nơi nhiều tác phẩm của Tân ước, thí dụ như Tin mừng thánh Luca (11,13), Tin mừng thánh Gioan (14,26; 15,26), và thánh Phaolô đồng hoá Thánh Thần với tình yêu được đổ tràn xuống tâm hồn chúng ta (Rm 5,5). Sau đó, người ta mới bắt đầu nghĩ tới những tác động của Thánh Thần nơi chúng ta, và tìm cách mô tả chi tiết thành các ân huệ mà Ngài ban cho các tín hữu, xét theo từng cá nhân hoặc xét theo phần tử của cộng đoàn. Đó là nguồn gốc của thần học về các ân huệ của Chúa Thánh Thần.
Có bao nhiêu ân huệ của Chúa Thánh Thần?
Không thể nào làm một bản thống kê đầy đủ được. Như vừa nói, ân huệ lớn nhất mà thánh Phaolô ghi nhận đó là agape tức là lòng yêu mến, nói ở thư Rôma chương 5 câu 5. Cần móc nối tư tưởng này với thư thứ nhất gửi Côrintô chương 13, (quen gọi là bài ca đức ái), khi thánh Phaolô đặt agape như chóp đỉnh của mọi thứ ân huệ. Mãi đến thời Trung cổ, thánh Tôma Aquinô mới trình bày hệ thống của các ân huệ Thánh Linh dựa theo hai danh sách: một danh sách 7 ơn Chúa Thánh Thần nhắm đến việc tăng trưởng nhân đức; còn một danh sách khác dựa theo các đặc sủng hay đoàn sủng.
Danh sách 7 ơn Chúa Thánh Thần có cơ sở nào trong Kinh thánh không?
Danh sách này dựa theo một bản văn của Cựu ước, ở sách Isaia 11,1-3. Bản văn Do thái viết như sau: “Từ gốc tổ Giessê sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Giavê sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Giavê. Lòng kính sợ Giavê làm cho Người hứng thú”. Đoạn văn này nói đến Đấng Mêsia được Thần khí của Thiên Chúa trang bị với những đức tính của tiền bối: khôn ngoan và trí tuệ như vua Salomon; mưu lược và hùng mạnh như vua Đavit, hiểu biết và kính sợ Chúa như các tổ phụ. Bản văn Do thái chỉ nói đến ba cặp thần khí (nghĩa là 6 ơn), nhưng ơn “kính sợ” được lặp lại hai lần. Nhằm tránh sự trùng hợp, bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Hy-lạp và La-tinh đã sửa đổi thành “hiếu thảo”, và như vậy là đếm được bảy. Số 7 tượng trưng cho sự sung mãn. Tự nó, bản văn của ngôn sứ Isaia nói đến những đức tính của Đức Mêsia; nhưng thánh Augustinô và thánh Grêgôriô Cả áp dụng vào những ân huệ mà Thánh Linh ban cho các Kitô hữu.
Bảy ân huệ ấy có ích lợi gì cho đời sống đạo không?
Có chứ. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 1831) viết rằng “các ơn này bổ túc và hoàn thiện những nhân đức nơi những người lãnh nhận, giúp cho người tín hữu dễ dàng và mau mắn tuân theo các điều Thiên Chúa soi sáng”. Thực ra, sách Giáo lý Công giáo chỉ nói cách tổng quát vậy thôi, chứ không đi sâu vào chi tiết về bản chất của mỗi ân huệ. Thần học cổ điển đã xếp đặt các ân huệ cách hệ thống từ trên xuống dưới và giải thích vai trò mỗi ân huệ như thế này. Đứng đầu là ơn khôn ngoan (hay cũng dịch là ơn Cao minh) giúp chúng ta gắn bó với Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc chân thật. Thứ hai là ơn thâm hiểu (hay cũng dịch là ơn hiểu biết) ban cho ta sự hiểu biết sâu sắc các chân lý đức tin. Thứ ba là ơn minh luận (hay cũng dịch là ơn thông minh) giúp ta phán đoán giá trị của các thụ tạo theo ánh sáng đức tin. Thứ bốn là ơn chỉ giáo (hay là ơn biết lo liệu) ban cho ta biết chọn lựa con đường nào ý Chúa hơn cả và ngoan ngoãn để cho Chúa hướng dẫn. Bốn ân huệ này thuộc về trí tuệ; ba ân huệ hợp còn lại thuộc về ý chí, đó là: thứ năm, ơn sùng hiếu (hay hiếu thảo, đạo đức) ban cho ta tôn thờ Thiên Chúa với tinh thần con thảo và liên hệ với mọi người như con cái cùng Cha. Thứ sáu là ơn dũng cảm (hay mạnh bạo), giúp ta vượt thắng mọi khó khăn hoặc chịu đựng đau khổ nhờ sức mạnh Chúa ban. Thứ bảy là ơn kính sợ, giúp ta tránh tội và loại bỏ sự quyến luyến của cải trần thế khi nó làm mất lòng tôn kính mến yêu Chúa. Đó là giải thích bản chất của từng ân huệ. Còn khi bàn về vai trò của chúng, thì thánh Tôma Aquinô cho rằng bình thường chúng ta thực hành điều tốt nhờ các nhân đức; các ân huệ của Chúa Thánh Thần tăng cường sức lực để chúng ta thực hiện các nhân đức “cách anh hùng”, điển hình như trường hợp mà Giáo hội đòi hỏi nơi hồ sơ phong thánh. Dù sao, đây là lối giải thích của thánh Tôma Aquinô về sự cần thiết của bảy ân huệ Chúa Thánh Linh. Trên thực tế, Chúa Thánh Thần ban các ân huệ cho tất cả mọi tín hữu chứ không riêng gì cho các vị thánh. Duy có điều là các vị thánh ngoan ngoãn để cho Thánh Thần dẫn dắt, còn chúng ta thì làm ngơ giả điếc, không đếm xỉa đến tiếng thôi thúc của Thánh Thần tiến đến sự trọn lành.
Bảy ơn Chúa Thánh Thần có khác với các đặc sủng Thánh Linh không?
Xét về từ ngữ thì không có gì khác. “Ơn Chúa Thánh Thần” và “đặc sủng Thánh Linh” đều là những ơn ban (hồng ân, tặng phẩm) của Ngôi Ba Thiên Chúa. Nhưng xét về mục tiêu, thì các nhà thần học Trung cổ đã phân chia ra thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm bảy linh ân như vừa nói, mục tiêu là giúp các tín hữu nên thánh. Nhóm thứ hai gồm những ân huệ mà Thánh Linh ban cho các tín hữu nhằm giúp ích cho cộng đoàn Giáo hội. Đạo lý này dựa theo giáo huấn của thánh Phaolô. Khi viết thư cho các cộng đoàn, thánh tông đồ nhận thấy Thánh Linh đã ban cho các tín hữu rất nhiều ân huệ: những ân huệ này mang tính cách đa dạng, không phải ai ai cũng lãnh được (nghĩa là người có người không), và có người lãnh được ơn này nhưng không nhận được ơn kia (nghĩa là không đồng đều). Không nói ai cũng đoán được, chuyện ghen tương phân bì đương nhiên xảy ra: kẻ không có thì ghen tị với kẻ có; người có thì vênh váo tự phụ với người không có; giữa hai người đều có thì tranh chấp với nhau, xem ai trọng hơn ai. Trong bối cảnh đó, thánh Phaolô đã giải thích về vai trò của các đặc sủng thế này: Chúa Thánh Thần không phân phát đồng đều các ân huệ cho mỗi người bởi vì mục tiêu của chúng không phải là để tôn vinh cá nhân, nhưng là để xây dựng cộng đoàn. Cộng đoàn được ví như một thân thể, với nhiều bộ phận, cơ quan, chức năng khác nhau. Tất cả mọi bộ phận đều quan trọng cho sự hoạt động của thân thể: mắt cần đến chân tay, đầu cần đến trái tim, vv. Không cơ quan nào có quyền lên mặt tự đắc, khinh chê các bộ phận khác, bởi vì nhiều khi chính những cơ quan bé nhỏ tế nhị nhất lại là cơ quan sinh tử.
Có bao nhiêu đặc sủng tất cả?
Thánh Phaolô đã liệt kê bốn danh sách các đặc sủng: hai danh sách ở chương 12 của thư thứ nhất gửi Côrintô, câu 8 đến câu 10, và câu 28 đến câu 30. Danh sách thứ ba ở thư gửi Rôma chương 12 câu 6. Danh sách thứ bốn ở thư gửi Êphêsô chương 4 câu 11. Trong bốn danh sách, người ta thấy có những đặc sủng trùng hợp với nhau, nhưng cũng có nhiều dị biệt. Từ đó, ta có thể nhận xét rằng không thể nào làm bản thống kê toàn thể các đặc sủng được. Con số các đặc sủng không bị giới hạn, và được Chúa Thánh Thần ban phát cho Giáo hội tuỳ theo nhu cầu mỗi nơi mỗi thời.
Có dấu hiệu nào nhận biết rằng mình đã nhận được một đặc sủng không?
Tùy chúng ta hiểu đặc sủng theo nghĩa nào, mà ta đánh giá về sự hiện hữu của nó. Có người hiểu đặc sủng theo nghĩa là ân huệ khác thường, chẳng hạn như: chữa bệnh, nói ngôn ngữ lạ, nói tiên tri; theo nghĩa này đặc sủng hiếm lắm. Người khác thì hiểu đặc sủng theo nghĩa bình thường, chẳng hạn như ơn phục vụ, ơn an ủi; theo nghĩa này, số người lãnh đặc sủng lên cao hơn. Dù sao, các nhà tu đức đã lưu ý hai điểm sau đây: thứ nhất, các đặc sủng này được ban nhằm xây dựng cộng đoàn, chứ không phải để khoe khoang vênh váo; vì thế đừng ai sử dụng đặc sủng để tìm cầu danh lợi cá nhân. Thứ hai, người nhận đặc sủng chưa chắc đã là người thánh thiện; vì thế Chúa Giêsu đã cảnh cáo rằng vào ngày phán xét, có người tự hào rằng mình đã nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ nhân danh Chúa, nhưng họ sẽ nghe tiếng đáp lại: “Ta không biết các ngươi” (Mt 7,23). Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Côrintô rằng hãy ước ao đặc sủng cao quý nhất, đó là đức ái.
Ngoài 7 ân huệ và các đặc sủng, Chúa Thánh Thần còn ban những ơn nào nữa không?
Chúng ta không thể nào thiết lập danh sách kiểm kê các hoạt động của Chúa Thánh Thần. Tôi chỉ muốn thêm một điều là ngoài 7 ân huệ (nhằm giúp các tín hữu nên thánh) và các đặc sủng (nhằm xây dựng cộng đoàn), các nhà thần học còn nói đến 12 hoa trái của Thánh Linh, dựa theo đoạn văn Gl 5,22-23, được sách Giáo lý công giáo trích dẫn ở số 1832, đó là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hoà, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, thanh khiết”.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành