2020
Lịch sử và ý nghĩa của việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu
Lịch sử và ý nghĩa của việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu
Theo nghĩa thông thường, từ ngữ “Trái Tim” chỉ về trung tâm điểm của một người, nơi ngự trị của những tình cảm, lòng trắc ẩn và ý muốn tự do của họ. Đối với Chúa Giêsu, Trái Tim Ngài là hiện thân của Tình Yêu Tạo dựng và Cứu độ của Thiên Chúa. Ngài đã sống với loài người bằng trọn Trái Tim của Con Thiên Chúa làm người, chia sẻ những vui buồn của kiếp nhân sinh và đổi mới cuộc sống đó bằng một tình yêu trao ban hoàn toàn cho con người và dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa Cha.
Chương trình Cứu độ của Thiên Chúa tuy vẫn là mầu nhiệm khôn dò, nhưng đã trở nên gần gũi và dễ hiểu bởi sự mộc mạc và bình dị của tình yêu nơi Trái Tim con người Đức Giêsu ở giữa nhân loại. Nơi Đức Giêsu, Trái Tim của Thiên Chúa nhập làm một với trái tim loài người, hòa cùng nhịp đập với trái tim con người. Cũng trong kế hoạch nhiệm mầu của Tình Yêu, qua Thánh Tâm Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã chinh phục thế giới bằng tình yêu qua sự hiến dâng, chia sẻ và thứ tha. Nơi Trái Tim Đức Giêsu, quyền lực của tình yêu đã lên ngôi, quyền lực đó là lòng đơn sơ, khoan hòa và tha thứ, bởi chỉ có con đường khoan hòa và tha thứ mới dẫn đến sự gặp nhau của hai trái tim trong tình yêu.
Trong các hành động và huấn dụ của Đức Giêsu, ta bắt gặp một điểm chung nhất nổi trội là Tình Yêu của một Trái Tim trao ban trọn vẹn cho tha nhân và tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã rao giảng về một Thiên Chúa Tình Yêu, về một niềm tin của Con Tim và về một Đạo Yêu Thương, mà nghĩa cử yêu thương tha nhân là thước đo tình yêu đối với Thiên Chúa.
Lịch sử của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu
Giáo Hội đã minh nhiên sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu như là sự phó thác hoàn toàn cho một Tình Yêu cao cả. Tuy lòng sùng kính đó đã có từ thời Trung Cổ như một hình thức đạo đức cá nhân và lòng tôn sùng này đã được thánh Gioan Euđê (†1680) cổ võ từ giữa thế kỷ XVII, nhưng mãi đến sau khi các thị kiến mà Chúa Giêsu đã tỏ ra cho thánh nữ Margarita Maria Alacoque (1647-1690) tại tu viện Thăm Viếng ở Parayle Monial, thì việc sùng kính Trái Tim Người mới dần được lan rộng ra trên toàn Giáo Hội. Và vào Năm 1687, khi hiện ra với thánh nữ, Chúa Giêsu đã mở Trái Tim Người ra và phán, “Hãy nhìn xem Trái Tim này, Trái Tim yêu thương con người quá sức đến không tiếc sự gì cho đến tiêu hao kiệt quệ. Phải đền tạ Thánh Tâm vì những xúc phạm của loài người. Cha hứa với con rằng Trái Tim sẽ rộng mở để tràn đổ muôn vàn ơn phúc trên những kẻ tôn kính Trái Tim Cha.”
Tuy vậy, mãi đến ngày 25.1.1765, Thánh Bộ Lễ Nghi mới chấp nhận khẩn nguyện của các tín hữu và đã công bố Sắc Lệnh “Lễ Thánh Tâm”, và ngay sau đó, ngày 6.2.1765, Đức Clêmentê XIII (1758-1769) mới cho phép các Giám mục Ba Lan và Liên Tu Hội Rôma dòng Thánh Tâm mừng lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Qua các lần hiện ra với thánh nữ Margarita Maria Alacoque, Chúa Giêsu đã cho thánh nữ được chiêm ngưỡng Trái Tim Người, “một trái tim đã yêu thương con người đến thế, mà chỉ nhận được sự đáp trả bạc bẽo vô ơn.” Thánh nữ còn được Chúa Giêsu ủy thác việc xin Bề trên Giáo Hội cho thiết lập một ngày lễ kính Thánh Tâm. Tuy nhiên, phải đợi đến gần hai thế kỷ sau ngày thánh nữ qua đời, vào ngày 23.8.1856, qua lời thỉnh cầu của các Giám mục Pháp và một số Giám mục trên thế giới, Đức Piô IX (1846-1878) mới chấp thuận và lập lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trên toàn Giáo Hội, và lễ này được cử hành một cách long trọng và được đưa vào lịch Phụng vụ.
Sau khi lễ kính Thánh Tâm được đưa và lịch Phụng vụ của Giáo Hội, ngày 25-5-1899 Đức Leô XIII (1878-1903) với Thông điệp “Annum Sacrum”, ấn định việc cử hành long trọng và công khai trên toàn thế giới lễ nghi dâng nhân loại cho Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu. Cũng trong Thông điệp “Annum Sacrum”, Đức Leô XIII chỉ thị rằng: “Trước ngày dâng nhân loại cho Trái Tim Chúa, tức ngày 11 tháng 6, cần làm tuần Tam Nhật để chuẩn bị tâm hồn các tín hữu.” Với lễ nghi này, việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, do thánh nữ Margarita Maria Alacoque phổ biến từ 225 năm trước, đã đạt tới tột điểm.
Ngày 8.5.1928, Đức Piô XI (1922-1939) công bố Thông điệp “Miserentissimus Redemptor” (Đấng Cức Chuộc rất nhân hậu) về việc cần thiết tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu với tinh thần đền tạ. Trong thông điệp này Đức Piô XI nhấn mạnh rằng, việc thực hành đền tạ Thánh Tâm là bổn phận thiết yếu đối với mọi Kitô hữu, và ngài cũng chỉ ra những nhu cầu khẩn cấp của thời đại đòi hỏi các tín hữu phải thực hành việc đền tạ Thánh Tâm nhằm đền bù những xúc phạm của mỗi người cũng như của toàn nhân loại, đồng thời khẩn cầu tình thương và ơn tha thứ của Trái Tim Chúa.
Để kỷ niệm 100 năm ngày Đức Piô IX ban lệnh mừng kính Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu trên toàn Giáo Hội, ngày 15.5.1956, Đức Piô XII (1939-1958) đã ban hành Thông điệp về tôn sùng Thánh Tâm dưới tên “Haurietis Aquas In Gaudio” (Sẽ Hân Hoan Múc Nước) gồm 119 điều. Và theo Đức Piô XII, Trái Tim Chúa Giêsu “là biểu tượng của tình yêu hoàn hảo.” Và đây là một Thông điệp có giá trị tuyệt đối về việc tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu qua dòng thời gian mãi cho đến ngày nay.
Ý nghĩa của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu
Hội Thánh đã minh định việc sùng kính cách đặc biệt Thánh Tâm Chúa Giêsu, và việc tôn thờ này như là một trong những điều nòng cốt của đức tin Kitô giáo. Bởi trong việc sùng kính Thánh Tâm, đức tin Kitô giáo vẫn giữ được tính nguyên tuyền của nó, vì việc sùng kính này dẫn đưa con người tới Chúa Ba Ngôi nhờ sự kết hợp với Trái Tim của Chúa Kitô. Việc tôn thờ này chính yếu hướng đến một Tình Yêu của mọi tình yêu – Tình Yêu chịu đóng đinh và chết cho người mình yêu. Ngoài ra, việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng kêu mời chúng ta bắt chước Người trong sự tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa và rộng rãi trao ban tình thương cho hết thảy mọi người.
Trong Thông điệp “Haurietis Aquas In Gaudio”, Đức Piô XII đã khẳng định: “Lòng sùng kính rất thánh Trái Tim Chúa Giêsu quan trọng đến nỗi khi được thực hành đúng đắn, có thể được coi như sự tuyên xưng đức tin Kitô giáo cách hoàn hảo. Nó không phải chỉ là một hình thức đạo đức bình thường mà ai nấy tùy ý thực hiện, như thể không có hiệu quả gì hay bỏ qua một bên như là thua kém các việc đạo đức khác.” Và ngài cũng nhấn mạnh thêm: “Ý nghĩa thâm sâu của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là lấy tình yêu đáp trả tình yêu!”
Trong những lần Chúa Giêsu hiện ra với thánh nữ Maria Alacoque, Người đã mạc khải cho thánh nữ hiểu biết sâu xa về nhu cầu phải đền tạ vì các tội lỗi riêng cũng như tội lỗi toàn thế giới đã xúc phạm đến Thánh Tâm Người. Chúa Giêsu yêu cầu thánh nữ cổ động việc thường xuyên hiệp Lễ, nhất là vào các ngày thứ Sáu đầu tháng, với tâm tình đền tạ. Và lần hiện ra với thánh nữ vào tháng 6/1675, Chúa Giêsu đã phán với chị thánh rằng: “Ta đã quá yêu thương loài người, nhưng loài người không những chẳng báo ơn Ta, lại có nhiều kẻ bội bạc làm hư phép Mình Thánh và xúc phạm đến Ta, vì thế Ta muốn mỗi năm dành riêng một lễ tôn thờ Trái Tim Ta. Ngày ấy những ai có lòng mến Ta hãy rước Lễ, đền tội những người phạm đến Ta trong phép Mình Thánh. Ta hứa sẽ ban nhiều ơn cho những ai sốt sắng mừng và khuyên bảo người ta mừng lễ ấy.”
Trong thông điệp “Annum Sacrum”, Đức Lêô XIII gọi việc dâng nhân loại cho Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu là một hình thức của việc tôn sùng, ca ngợi và là điểm cao nhất trong tất cả các việc sùng kính khác đối với Trái Tim Chúa cho tới lúc bấy giờ. Với Đức Piô X (1903-1914), khi ban lệnh thi hành việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngài đã minh định: “Việc tôn thờ Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu là trường học hữu hiệu nhất về Tình Yêu Thiên Chúa, bởi vì Tình Yêu, vốn là nền tảng của Nước Trời, phải được xây dựng trong các linh hồn, các gia đình và các quốc gia.” Và Đức Piô XI, trong văn kiện “Caritate Christi compulsi” ban hành ngày 3.5.1932, đã nhận định: “Lòng sùng kính Thánh Tâm là một phương dược phi thường cho những nhu cầu ngoại thường của thời đại chúng ta.” Cũng Đức Piô XI, trong Thông điệp “Miserentissimus Redemptor”, ngài đã khẳng định lòng sùng kính Thánh Tâm được diễn tả như một “sự tổng hợp của toàn bộ tôn giáo chúng ta” (totius religionis summa), và nếu được thực hiện “sẽ rất chắc chắn dẫn chúng ta đến việc biết Chúa Kitô một cách thân mật và sẽ làm cho tâm hồn chúng ta yêu mến Người cách dịu dàng và kết thân với Người một cách quảng đại hơn.”
Trong cuốn “Nhật ký tâm hồn”, thánh Gioan XXIII (1958-1963) đã minh định “chính Trái Tim Chúa Giêsu là nơi tôi phải hướng đến để tìm ra giải đáp cho mọi vấn nạn của tôi. Tôi muốn lòng sùng kính Trái Tim Người, ẩn dấu trong Bí tích Tình Yêu, là thước đo cho tất cả sự tiến bộ tâm linh của tôi. Tôi quyết tâm không để mình ngơi nghỉ cho đến khi tôi có thể thực sự nói rằng tôi đã được tan hòa vào trong Trái Tim Chúa Giêsu.”
Vị giáo hoàng đắc cử đúng vào Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu ngày 21.6.1963, Đức Phaolô VI (1963-1978), trong Huấn dụ “Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu” ban hành ngày 6.2.1965 nhân kỉ niệm 200 năm thành lập Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngài viết: “Sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là việc rất cao quí và đặc biệt cần thiết cho thời đại này. Ta ước mong việc này được tổ chức với Nghi thức Phụng vụ để phát triển mỗi ngày mỗi rộng lớn hơn, hầu cho mọi Kitô hữu được say sưa lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa và nhờ đó, được đổi mới về mọi phương diện. Việc tôn sùng này cốt yếu là kính thờ Chúa Giêsu một cách xứng đáng và đền tạ Thánh Tâm Người vì những xúc phạm của chúng ta.” Và trong “Diễn văn trước Tổng Công Nghị lần 31 của Dòng Tên”, Đức Phaolô VI đã nêu lên tính cách hợp thời của lòng sùng kính Thánh Tâm như “là phương thế hữu hiệu nhất để đóng góp vào việc canh tân tâm linh và luân lý của thế giới.”
Nhưng đặc biệt, với Đức Chân Phước Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng đắc cử ngày 16.10.1978, đúng vào ngày lễ nhớ thánh nữ Margarita Maria Alacoque – vị Tông đồ của Thánh Tâm, đã mạnh mẽ minh xác sự cần thiết của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trong thời đại chúng ta như sau: “Trong nhiều dịp khác nhau, tôi đã bày tỏ lòng xác tín của tôi là lòng sùng kính Thánh Tâm phù hợp hơn bao giờ hết với những mong đợi của thời đại chúng ta. Tôi đã nhấn mạnh rằng, những yếu tố căn bản của lòng sùng kính này thuộc về linh đạo của Hội Thánh suốt dòng lịch sử của mình một cách ổn định.” (Diễn văn với Dòng Thừa Sai Thánh Tâm, 5.10.1987). Qua biểu hiệu Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta trước tiên nhớ đến tình yêu vô cùng của Người dành cho từng linh hồn. Vì vậy, lòng sùng kính Thánh Tâm – theo lời thánh Gioan Phaolô II đã nói trong giáo huấn về mầu nhiệm đầy ủi an này – phát xuất từ những nguyên tắc của Giáo lý Kitô giáo.
Trong lời huấn từ trước khách hành hương tại Quảng trường thánh Phêrô ngày 5.6.2005, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói: “Trong Trái Tim của Đấng Cứu Thế, chúng ta tôn thờ tình yêu nhân loại của Thiên Chúa, ý muốn cứu độ toàn thể nhân loại của Ngài, lòng thương xót vô biên của Ngài. Tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, do đó, còn có nghĩa là tôn kính Trái Tim mà sau khi đã yêu chúng ta cho đến cùng, đã bị đâm thủng bởi lưỡi đòng, và từ nơi cao trên thập giá, đã đổ máu và nước, một nguồn mạch vô tận của đời sống mới… Việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa là căn bản cho đời sống giáo hữu, việc đó có thể cải hoán được cá nhân, gia đình và xã hội. Việc đạo đức này không những hợp thời mà còn là hi vọng độc nhất nhằm cứu thoát nhân loại khỏi con đường tục hoá ngày nay.”
Ngày hôm nay, việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu phải là thành phần trọng tâm của Phụng vụ trong Giáo Hội, và nhờ việc tôn sùng này, những vấn nạn gay go của thời đại hiện tại cũng như tương lai mới có lời giải đáp một cách hữu hiệu. Lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa sẽ mang lại ánh sáng đức tin cho mọi Kitô hữu và là nền tảng vững vàng cho đời sống luân lý khách quan trong thời đại đầy thực dụng và chủ trương tương đối hóa các giá trị và chân lý nền tảng hôm nay. Ngoài ra, nhờ việc tôn sùng Thánh Tâm, lòng mỗi người Kitô hữu sẽ được bừng cháy ngọn lửa của tình yêu để yêu Chúa và yêu người hơn.
Tôn sùng Thánh Tâm là một việc đạo đức cao nhằm kính thờ Trái Tim Chúa Giêsu, biểu hiệu cho Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế đối tượng chính của sự tôn sùng là Tình yêu Thiên Chúa, được cụ thể hóa nơi Trái Tim Đức Giêsu Kitô. Tình yêu này cần phải được đền đáp bằng chính tình yêu của con người, là tạo vật do Chúa dựng nên; tuy hèn kém, bất xứng nhưng lại được Chúa đợi chờ. Sự đền đáp này phải được thể hiện cụ thể bằng những việc như phạt tạ những xúc phạm đến tình yêu vô biên của Chúa, hoàn toàn tín thác cho Thánh Tâm Chúa, loan truyền và khích lệ mọi người, mọi gia đình có lòng tôn sùng Thánh Tâm trong suốt đời sống của mình.
Kết luận
Việc hoàn toàn tận hiến cho Trái Tim Chúa Giêsu có hiệu lực mạnh nhất để thúc đẩy ta yêu mến Thiên Chúa. Bởi khi hiến dâng cho Thánh Tâm Chúa thì nhờ và với Thánh Tâm, chúng ta tìm được tình yêu đích thực thúc đẩy chúng ta hoàn toàn tận hiến cho tình yêu Thiên Chúa và dấn thân phục vụ mọi người. Hơn nữa, tình yêu được khơi dậy nhờ việc tôn thờ Thánh Tâm cũng có tính cách hướng tha và tông đồ như tình yêu của Chúa Kitô, Đấng mà việc tôn thờ Thánh Tâm hướng đến, vì thế việc tôn thờ này còn làm nổi bật chiều kích chiêm niệm và truyền giáo, là tôn thờ Thánh Tâm và mang tình yêu Chúa Giêsu đến cho mọi người.
Việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được các giáo hoàng khen ngợi, cổ vũ và được Công Đồng Vatican II đăc biệt khích lệ, vì việc tôn sùng này là căn bản cho đời sống giáo hữu, nó có thể cải hoán được cá nhân, gia đình và xã hội trở nên thánh thiện hơn. Việc đạo đức này không những hợp thời, mà còn là hy vọng để cứu nhân loại khỏi con đường tục hóa ngày hôm nay.
P.X. Hồng Ân
2020
Đức Maria – Mẹ Hội Thánh
ĐỨC MARIA – MẸ HỘI THÁNH
|
Đức Maria là hình ảnh tóm tắt về Hội thánh. Trong đức tin, bất cứ ai mong ước được đưa đến gần mầu nhiệm Hội thánh sẽ nhìn vào Đức Maria. Công đồng và Sách Giáo lý khi trình bày về Hội thánh đều dành một chương trình bày Đức Trinh nữ Maria – Mẹ Thiên Chúa – trong mầu nhiệm Đức Kitô và trong mầu nhiệm Hội thánh (số 963-975).
“Những gì đức tin Công giáo tin về Mẹ Maria, đều đặt nền tảng trên những gì đức tin đó tin về Đức Kitô, nhưng những gì đức tin dạy về Mẹ Maria, lại là, sáng tỏ đức tin vào Đức Kitô” (số 487). Đức Maria là ai để Hội thánh đi theo trong sự hiệp thông của Mẹ với Đức Kitô. Đức Maria là Mẹ của Đức Kitô, Đấng Cứu Độ, do đó, Mẹ được kết hợp với tất cả những ai là “thành viên của Thân Mình Đức Kitô”.
Đức Maria là “sự thực hiện mẫu mực” của Hội thánh (số 967) được khởi sự qua đức tin của Mẹ. Trong một nghĩa nhất định, chính qua lời xin vâng của Mẹ mà Hội thánh bắt đầu. Đức Maria là gương mẫu cho đời sống đức tin và đức mến của Hội thánh. Đức tin kiên vững của Mẹ là nền móng trên đó đức tin của chúng ta tựa vào. “Chính vì đức tin này mà Đức Maria sẽ được mọi đời khen là diễm phúc” (số 148).
Đức Maria là “mẫu gương hiện thực” của Hội thánh đi theo Đức Kitô, bởi vì Mẹ đã đi trước trong cuộc hành trình đức tin của Mẹ trên con đường dẫn đến thánh giá. Mẹ đau khổ với Con Mẹ và chính Mẹ cũng tham dự vào hy tế với Con mình. Mẹ đã xin vâng trọn vẹn xác hồn khi Con Mẹ trao ban sự sống của Người cho chúng ta. Dưới chân thánh giá, Mẹ trở thành Mẹ Hội thánh khi Đức Kitô trên thánh giá trao Mẹ cho môn đệ Người yêu mến: “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Ga 19,27).
Đức Maria cũng là “điển hình” của Hội thánh qua việc hồn xác Mẹ được đưa vào trong vinh quang trời cao của Con Mẹ. Đức Maria là thành viên đầu tiên của Hội thánh đã đạt được sự hoàn hảo trọn vẹn. Trong Mẹ, Hội thánh đã đạt đến mục tiêu qua cuộc hành trình của Mẹ. Do đó, trong sự duy nhất, Mẹ cũng cộng tác trong công việc của Đức Kitô Phục Sinh – Con Mẹ. “Vì lý do đó, Mẹ là Mẹ chúng ta trong lãnh vực ân sủng” (số 968). “Chính Ngài là Mẹ ở bất cứ nơi nào Con của Mẹ là Đấng Cứu Độ, và là Đầu của Nhiệm Thể” (số 973).
Đức Maria là Mẹ và Hội thánh cũng được gọi là Mẹ; cũng như Mẹ Maria được kêu cầu như Trạng Sư, Đấng Cứu Giúp, Đấng Phù Hộ, Đấng Trung Gian (số 969), vì thế những tước hiệu này cũng được dùng cho Hội thánh. Cũng trong khía cạnh này, Mẹ Maria là khuôn mẫu của Hội Thánh. Sẽ là một sai lầm khi nghĩ rằng hoạt động của Mẹ Maria xa rời Đức Kitô: “Nhiệm vụ làm Mẹ của Đức Maria đối với loài người … không hề làm lu mờ hay suy giảm sự trung gian duy nhất của Đức Kitô, nhưng tỏ cho thấy uy lực của sự trung gian ấy” (số 970). Như người Mẹ, mọi điều Mẹ Maria làm cho nhân loại đến từ Đức Kitô và dẫn nhân loại đến với Người. Cùng một cách hiểu như thế về vai trò làm Mẹ của Hội thánh, đó là “bí tích của ơn cứu độ” cho nhân loại (số 776). Chắc chắn có một sự khác biệt giữa Mẹ Maria và Hội thánh đang trên hành trình: “Trong khi Hội Thánh đã đạt tới sự trọn hảo không tì ố, không vết nhăn, nơi Đức Trinh Nữ Diễm Phúc, thì các Kitô hữu vẫn còn phải cố gắng, để chiến thắng tội lỗi mà tiến tới trong sự thánh thiện; vì vậy, họ ngước mắt nhìn lên Mẹ: nơi Đức Mẹ, Hội thánh đã hoàn toàn thánh thiện” (số 829). st
2020
Đức Maria – Mẹ Giáo hội
Đức Maria – Mẹ Giáo hội
Vào ngày 11 tháng 2 năm 2018, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã quyết định thêm vào lịch chung Rôma một lễ mới về Đức Mẹ, lễ Đức Maria – Mẹ Giáo hội. Trước đây lễ này đã được cử hành ở cấp độ địa phương tại một số giáo phận và dòng tu. Bây giờ lễ này được cử hành trong toàn thể Giáo hội hoàn vũ, và được ghi trong Nghi thức Sách Lễ Rôma. Lễ mới này không có ngày cố định trong năm Dương lịch, vì nó phụ thuộc vào chu kỳ lễ Phục sinh. Lễ được cử hành vào ngày thứ Hai sau Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Người ta có thể tự hỏi danh hiệu mới này của Đức Maria có nghĩa gì? Và tại sao chúng ta mừng lễ này? Như câu thành ngữ cổ: “de Maria numquam satis” (về Đức Maria, thì nói không bao giờ đủ). Lý do theo nhà Thánh Mẫu học, Linh mục Hugh Rahner, SJ, giải thích là vì “bất cứ điều gì được nói về sự khôn ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa, đều có thể được áp dụng theo nghĩa rộng đối với Giáo hội, theo nghĩa hẹp hơn đối với Đức Maria, và theo một cách cụ thể đối với mọi tâm hồn tín hữu.”
Có nhiều ý nghĩa thần học từ việc thiết lập lễ nhớ này. Những ý nghĩa đó bắt nguồn từ việc nhận biết Giáo hội là Thân thể của Chúa Kitô và vai trò của Đức Maria trong đời sống các tín hữu.
Vai trò của Đức Maria
Đức Thánh Cha Phaolô VI đã chính thức dành cho Đức Maria danh hiệu “Mẹ Giáo hội” khi bế mạc kỳ họp thứ III của Công Đồng Vatican II, vào năm 1964. Truy nguyên về nguồn gốc từ thế kỷ thứ IV với Thánh Ambrôsiô, thì tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” gợi lên mẫu tính thiêng liêng của Đức Mẹ, một đặc tính gắn liền với bản tính của Giáo hội.
Phần lớn quan điểm Giáo hội học của Công Đồng Vatican II, đặc biệt trong Hiến chế về Giáo hội (Lumen Gentium), được phát triển nhờ sự nhận biết cách phong phú về quan điểm thần học của Thánh Phaolô. Trong đó, các tín hữu nhận biết sự liên kết giữa họ với Đức Kitô như là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Ngài. Thánh Phaolô đã nói rõ ràng và hùng hồn về chân lý này, và đây cũng là chân lý mà Thánh Phaolô nhận biết trước tiên sau khi trở lại. Khi bị ngã xuống đất và bị mù lòa, Phaolô – Kẻ bắt bớ Kitô giáo lúc đó – nghe thấy một giọng nói hỏi mình: “Saul, Saul, tại sao ngươi lại bắt bớ Ta? (Cv 9: 4). Qua câu nói này, rõ ràng Đức Kitô đã xác định mối hiệp nhất nên một giữa Ngài với những người theo Ngài. Cả hai cùng tạo thành một khối, một thể thống nhất – đó là những gì mà Thánh Augustinô sau này mô tả là “Chúa Kitô toàn thể” (totus Christus) – vì Đức Kitô và người được rửa tội là một thân thể.
Thánh Augustinô đã áp dụng chân lý này vào bối cảnh Thánh Mẫu học một cách rất thích hợp: Đức Maria là “mẹ của những chi thể thuộc về Đức Kitô… những ai tin vào Ðức Kitô, vì được kết hợp chặt chẽ với Người, nhất là trong Bí tích Thánh Thể, thì cũng kết hợp với nhau nhờ đức ái, tạo thành một thân thể duy nhất là Giáo hội, có Đức Kitô là đầu… Đức Maria đã sinh ra Người Con Một, và Giáo hội sinh ra những người mà nhờ Người Con Một mà nên một”.
Vì Đức Maria là mẹ của Đức Kitô, và chúng ta là chi thể của thân thể Đức Kitô – tức Giáo hội – nên chúng ta cũng là con của Đức Maria. Lễ nhớ mừng mẫu tính của Đức Maria đối với Giáo hội được cử hành hàng năm là dịp để suy ngẫm về chân lý rất ý nghĩa này và những hệ lụy từ đó. Và cũng vì tầm quan trọng của mối liên hệ mẫu tính của Đức Maria đối với Giáo hội mà những nghị phụ của Công Đồng Vatican II đã quyết định để phần suy tư dài về Đức Maria ở trong Hiến chế về Giáo hội (Lumen Gentium), chớ không tách ra để viết thành một tài liệu riêng về Đức Mẹ.
Mẫu gương và sự trợ giúp cho Giáo hội
Sự liên kết của Đức Maria với Con mình là không thể tách rời. Lễ nhớ mới này cũng thúc đẩy lòng sùng kính Đức Mẹ, bởi vì lễ này giúp chúng ta hướng về Đức Mẹ là mẫu gương cho cả nhân loại, đặc biệt là các tín hữu. Mẹ là chi thể “ưu tú nhất… và nguyên tuyền nhất của Giáo hội” (LG, số 53).
Thiên chức làm mẹ của Đức Maria được tìm thấy trong sự vâng lời, đức tin, đức cậy và đức ái của Mẹ. Những đặc điểm này là mảnh đất màu mỡ, ở đó Lời Chúa được gieo vào và trổ sinh sự sống dồi dào. Sự sống siêu nhiên đã đến với thế giới qua tiếng thưa “xin vâng” của Mẹ. Đó là tiếng thưa đem lại sự sống mới cho thế giới. Do đó, Đức Maria là Evà mới. Như sự chết đã đến thế giới qua Evà củ thế nào, thì sự sống đã đến thế giới qua Evà mới như vậy.
Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố rằng, “với mẫu tính trong Chúa Thánh Thần, Đức Maria ôm lấy từng người trong Giáo hội, và ôm lấy từng người qua Giáo hội. Theo nghĩa này, Đức Maria – Mẹ Giáo hội cũng là gương mẫu của Giáo hội” (Redemptoris Mater, số 47).
“Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn.” (LG, số 61). Vì toàn bộ cuộc đời của Đức Maria là một niềm ước mong của các tín hữu, nên Đức Mẹ lôi cuốn chúng ta đến với ơn cứu rỗi. Đồng thời, qua tấm gương và sự chuyển cầu từ thiên đàng, Đức Mẹ giúp chúng ta vượt qua tội lỗi và biết làm điều tốt. Mẹ không mong muốn gì khác hơn, ngoài ước mong dẫn chúng ta đến với Con của Mẹ.
Sự mẫu mực trong đức vâng phục, đức tin, đức cậy và đức ái được tỏ bày nơi Đức Maria cũng cần được tỏ bày nơi các Kitô hữu. Hay nói một cách đơn giản như Chúa Giêsu: “Đúng hơn phải nói: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa” (Lc 11:28).
Nhờ sự vâng lời của Đức Maria, Giáo hội có một gương mẫu để sống theo ý muốn của Chúa Cha. Nhờ đức tin của Mẹ, Giáo hội học được cách đưa Đức Kitô đến với thế giới. Nhờ đức cậy của Mẹ, Giáo hội học được cách trông cậy vào Chúa (xem Tv 130: 5). Và nhờ đức ái của Mẹ, Giáo hội học được con đường cứu rỗi.
Các Kitô hữu đã hướng về Đức Maria vì những ân sủng đặc biệt và sự chuyển cầu từ thiên đàng của Mẹ trong suốt nhiều thế kỷ, “đã được Giáo hội kêu cầu với nhiều danh hiệu như Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian” (LG, số 62). Việc thiết lập lễ Đức Maria – Mẹ Giáo hội mang đến một cơ hội nữa cho các chi thể trong thân thể Con của Mẹ, hân hoan kêu cầu trong tình yêu mẹ hiền của Mẹ – Đấng là gương mẫu và sự trợ giúp của chúng ta. Michael R. Heinlein
Văn Việt chuyễn ngữ từ simplycatholic.com
2020
Của Xêda
2.6.2020 Thứ Ba
Mc 12, 13-17
CỦA XÊ DA
Sự phát triển mạnh mẽ của trào lưu thế tục hóa ngày hôm nay rất dễ dẫn chúng ta đến một lối hiểu chưa đúng về Lời Chúa. “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Người ta có thể nghĩ Chúa Giêsu đang phân ranh giới rạch ròi giữa Thiên Chúa và thế gian, giữa nhà thờ và xã hội, giữa đời sống tâm linh và cuộc mưu sinh giữa đời; bên này không phạm đến bên kia. Thưa, hoàn toàn không phải thế !
Chúa Giêsu vẫn tỏ ra hết sức chân thật; Ngài còn nhân cơ hội này để đưa ra một bài học: Ngài bảo họ cho xem đồng tiền và sau khi được biết hình và dấu trên đồng tiền là của Xêda, Ngài nói tiếp: “Của Xêda, trả về Xêda, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa.” Nói khác đi, một khi đã hưởng nhờ ơn lộc của ai, thì phải đền ơn đúng nghĩa, họ đã nhờ bổng lộc của Xêda, thì có bổn phận đền đáp cho Xêda, nhưng Chúa cũng nhắc thêm bổn phận của con người đối với Thiên Chúa; con người đã nhận lãnh nhiều ơn huệ của Thiên Chúa, nên cũng phải đền đáp ơn Ngài.
Chúa Giêsu nhìn nhận vai trò đúng đắn của quyền bính trần thế không phải là quyền bính duy nhất trên con người, mà còn có quyền bính của Thiên Chúa nữa. Có những điều con người phải trả cho Thiên Chúa, vì con người đã được tạo dựng theo và giống hình ảnh Ngài; con người mắc nợ Thiên Chúa sự sống, nên con người buộc phải dâng hiến mạng sống cho Ngài và để Ngài chiếm chỗ ưu tiên trong cuộc sống của mình.
Trong truyền thống Do Thái, Thiên Chúa là Đấng chủ tể siêu việt trên tất cả: toàn thể vũ trụ càn khôn và con người mọi nơi mọi thời, dù có là Xê-da đại đế chăng nữa, hết thảy đều phục quyền Người. “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” (Mc 12, 29-30). Chính Thiên Chúa, Đấng là nguồn chân-thiện-mỹ, phải hiện diện trong mọi suy nghĩ, mọi tình cảm ước muốn cũng như trong từng hành vi cử chỉ của chúng ta. Nếu đồng tiền in hình Xê-da nhắc ta nhớ đến trách nhiệm và quyền lợi công dân, thì hình ảnh Thiên Chúa ta mang nơi mình vẫn hằng mời gọi ta đến với Chúa bằng trọn vẹn thể xác tâm tư, để Người trao ban cho ta sự sống và hạnh phúc viên mãn.
“Của Xê-da trả cho Xê-da”. Xê-da – Hoàng đế La-mã – vị vua ‘bách chiến bách thắng’ ở đây có thể nói là biểu tượng cho sức mạnh, sự giàu sang, và quyền uy phù phiếm của trần tục. Xê-da đã qua đi cũng đồng nghĩa với việc mọi sức mạnh, vinh quang, giàu sang phú quí vật chất rồi cũng sẽ qua đi, bởi vì ‘phù vân nối tiếp phù vân, trần gian hết thảy chỉ là phù vân’ (x. Gv…).
Tuy nhiên, Chúa cho phép tất cả những phù vân đó được có giá trị và tồn tại khi nó qui về Thiên Chúa trong đức ái. Khi Đức Giê-su nói “của Xê-da trả về cho Xê-da” thì mặc nhiên Ngài đã xác định thế quyền và những cơ cấu tổ chức xã hội có vị trí của nó trong sinh hoạt đời sống con người, và con người sống trong tổ chức xã hội nào thì có quyền lợi và bổn phận đối với xã hội mình đang sống, miễn là nó không đi ngược với đường lối của Thiên Chúa.
Do đó, mọi nghĩa vụ và quyền lợi mà các cơ chế tổ chức, xã hội, con người đặt ra đều tốt đẹp, có ý nghĩa khi nó nhằm phát triển xã hội, xây dựng con người và làm cho thế giới tốt đẹp. Vì vậy mà đối với Giáo hội, mọi hình thức trốn thuế hay thâm lạm của công… đều lỗi đức công bằng và là hành vi tội lỗi. Bởi vì con người đã hưởng quyền lợi từ các cơ chế tổ chức thì cũng có bổn phận và nghĩa vụ phải đóng góp, xây dựng nó là lẽ đương nhiên của cuộc sống.
“Của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”. Như đã nói: Có gì dưới gầm trời này mà không thuộc về Thiên Chúa. Vì thế cuộc đời con người là một cuộc hành trình tìm kiếm và đi về với Thiên Chúa. Con người với linh hồn, thể chất, tài năng, sức khỏe, và những điều kiện vật chất như tiền bạc, của cải, những ân huệ thiêng liêng của linh hồn, những ân huệ tự nhiên phong phú của vũ trụ, môi trường sống… tất cả là để phục vụ hạnh phúc con người, và con người có bổn phận phục vụ và tôn vinh Thiên Chúa để đáp lại muôn ngàn hồng ân Chúa đã thương ban bằng cả cuộc sống mình. Vì vậy, con người không nên, không được phép chạy theo, tôn thờ sức mạnh, quyền lực, của cải và coi nó là mục đích cuộc đời mình, hay phục vụ cơ chế chỉ vì cơ chế, nhưng biết dùng nó như phương tiện để thực hiện ý muốn của Thiên Chúa.
“Của Xê-da trả cho Xê-da, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”, khi nói điều này, Chúa Giêsu còn có ý minh định con người đừng đem chính trị xen vào tôn giáo, cũng đừng hạ tôn giáo xuống thành những tổ chức chính trị trần tục; Nhưng như tâm linh hướng dẫn hành vi con người, tinh thần đạo đức tôn giáo do ánh sáng của Lời Thiên Chúa sẽ giúp con người có những hành động đúng khi thi hành chính trị.
Ngoài ra giáo huấn “của Xê-da trả cho Xê-da; của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa” cũng dạy chúng ta biết thực hiện đức công bằng trong cuộc sống; không xâm phạm quyền lợi cũng như của cải của tha nhân; đồng thời biết sống yêu thương và tôn trọng những giá trị của nhau, biết trau dồi và phát huy khả năng riêng của mình. Vì Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Người – mỗi người có một giá trị riêng biệt; nhưng như Ba Ngôi là một, Thiên Chúa sáng tạo chúng ta khác nhau, là để chúng ta cần đến nhau, bổ túc cho nhau, tạo nên sự hiệp nhất và cùng nhau xây dựng cuộc sống phong phú và hạnh phúc.
Chúa Giêsu đã dùng dòng chữ này cùng với hình của hoàng đế trên đồng tiền để thoát khỏi thế lưỡng nan mà phe Hêrôđê và nhóm Pharisêu đặt ra: Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?
Nếu trả lời “có”, Người đã đụng chạm đến lòng ái quốc của người Do Thái. Nếu trả lời “không”, Người sẽ gặp khó khăn đối với người Rome. Đức Giêsu đã không trả lời câu hỏi này để khỏi rơi vào cái bẫy của họ. Người còn mở ra một vấn đề khác quan trọng hơn: “Của Xêda, trả về Xêda; Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.
Đồng tiền mang hình ảnh của hoàng đế thì trả về cho hoàng đế. Còn chúng ta mang hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta thuộc về Người, nên chúng ta phải dâng hiến cả con người mình cho Thiên Chúa.
Nhìn lại bản thân, biết bao lần ta thậm chí còn hạ Thiên Chúa xuống hàng tùy phụ trong bậc thang giá trị của đời mình. Ta sẵn sàng làm mọi sự để giành cho được chút ít danh vọng, quyền lực hão huyền mà bất tuân lề luật Thiên Chúa. Ta lao tâm khổ trí tìm kiếm mọi cơ hội để làm giàu nhưng hiếm khi nào lo nghĩ phải sống sao cho thánh thiện đạo đức. Ta có thể vui thâu đêm suốt sáng với bạn bè nhưng lại không sắp xếp nổi thời gian cho giờ kinh tối gia đình. Ngày hôm nay, Lời Chúa mời gọi ta trả lại cho Thiên Chúa những gì xứng đáng thuộc về Người, trả lại cho Người vị trí ưu tiên tuyệt đối trong cuộc đời ta.