2020
Thứ Năm Tuần IX – Mùa Thường Niên
Thứ Năm Tuần IX – Mùa Thường Niên
Ca nhập lễ
Tv 24,16.18
Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con,
vì thân này cô đơn, nghèo khổ.
Xin thấy cho cảnh lầm than khổ cực
và tha thứ hết mọi tội con.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa quan phòng mọi sự và an bài thật khôn ngoan, tất cả đều xảy ra như Chúa muốn; xin đẩy xa những gì nguy hại và rộng ban muôn điều lợi ích cho chúng con. Chúng con cầu xin
Bài đọc 1
2 Tm 2,8-15
Lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích. Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người.
Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê.
8 Anh thân mến, anh hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, Đấng xuất thân từ dòng dõi Đa-vít, như tôi vẫn nói trong Tin Mừng tôi loan báo. 9 Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích ! 10 Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Ki-tô Giê-su, và được hưởng vinh quang muôn đời.
11 Đây là lời đáng tin cậy :
Nếu ta cùng chết với Người,
ta sẽ cùng sống với Người.
12Nếu ta kiên tâm chịu đựng,
ta sẽ cùng hiển trị với Người.
Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta.
13Nếu ta không trung tín,
Người vẫn một lòng trung tín,
vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.
14 Anh hãy nhắc nhở lại những điều đó, trước mặt Thiên Chúa, hãy tha thiết khuyên người ta đừng cãi chữ : chuyện không có ích lợi gì, chỉ làm cho người nghe phải diệt vong. 15 Hãy cố gắng ra trước mặt Thiên Chúa như một người đã được thử luyện, một người thợ không có gì phải xấu hổ, một người thẳng thắn dạy lời chân lý.
Đáp ca
Tv 24,4-5ab.8-9.10 và 14 (Đ. c.4a)
Đ.Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết.
4Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.5abXin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Đ.Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết.
8Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,9dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.
Đ.Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết.
10Tất cả đường lối Chúa đều là yêu thương và thành tín
đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa.14Chúa xử thân tình với những ai kính sợ Chúa
và cho họ biết giao ước của Người.
Đ.Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết.
Tung hô Tin Mừng
- 2 Tm 1,10
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đấng Cứu Độ chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Mc 12,28b-34
Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
28b Khi ấy, có một người trong các kinh sư đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng : “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu ?” 29 Đức Giê-su trả lời : “Điều răn đứng hàng đầu là : Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31 Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó.” 32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. 33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” 34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo : “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu !” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, tin tưởng vào lòng Chúa từ bi nhân hậu, chúng con cùng đến đây thành kính dâng của lễ lên bàn thờ, và tha thiết nguyện cầu Chúa ban ơn cho chúng con được thanh tẩy nhờ thánh lễ chúng con cử hành. Chúng con cầu xin …
Lời Tiền Tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Chúng con biết rằng: vì vinh quang vô biên của Chúa, Chúa dùng thần tính mà cứu giúp chúng con là những kẻ phải chết. Hơn nữa, Chúa còn dự liệu linh dược để chữa lành bản tính phải chết của chúng con và giải thoát tất cả những ai vì mang bản tính đó mà bị hư mất, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con.
Nhờ Người, đạo binh các Thiên thần thờ lạy uy linh Chúa, muôn đời hoan hỷ trước Tôn Nhan. Xin cho chúng con được đồng thanh với các ngài hân hoan tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Tv 16,6
Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa,
vì Ngài đáp lời con.
Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa nhân từ, Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể; xin ban Thánh Thần xuống hướng dẫn chúng con, để chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng lời nói cũng như việc làm hầu đáng được hưởng vinh quang thiên quốc. Chúng con cầu xin …
2020
Tin vào đời sau
3.6.2020 Thứ Tư
Mc 12, 18-27
TIN VÀO ĐỜI SAU
Trong thân phận làm người, ai cũng phải chết. Nhưng không phải mọi người đều có cái nhìn như nhau về sự kiện này. Có nhiều người tin rằng chết là hết. Nhưng cũng có nhiều người tin đó chỉ là một bước chuyển tiếp cần thiết để đưa người ta vào một cuộc sống mới. Phái Sa-đốc trong Tin Mừng hôm nay đã chủ trương không có sự sống đời sau.
Trước quan điểm của họ, Chúa Giêsu đã khiển trách sự sai lầm đó là do họ đã không tìm hiểu Kinh Thánh và không tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Ngài cho biết, sau khi sống lại, con người sẽ giống như các thiên thần, không còn dựng vợ gả chồng nữa. Đó là một cuộc sống mới chứ không phải là trở lại cuộc sống trần thế. Chính Chúa Giêsu đã minh chứng lời của Ngài bằng cái chết và sự phục sinh của mình. Đó chính là một bảo chứng chắc chắn cho đức tin của chúng ta.
Trong câu 18, thánh sử giới thiệu về các nhân vật. Đó là nhóm Xađốc và Chúa Giêsu. Thánh sử cũng nói về quan điểm và niềm tin của nhóm này: không tin có sự sống lại. Chúng ta cũng theo dõi cuộc tranh luận gay go này trong câu tiếp theo. Phái Xađốc mở đầu bằng một vấn nạn mà trong luật Môsê cho phép : khi người chồng chết, nếu vợ của anh ta vẫn chưa có con trai, thì người anh hoặc em trai của người chết đó phải cưới bà này để nối dõi tông đường (Dnl 25, 5-10). Luật này khá phổ biến trong thời bấy giờ nhằm đáp ứng nhu cầu duy trì nòi giống và đảm bảo việc thụ hưởng tài sản kế thừa: “Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình” (c.19).
Kế đó, họ giả thử một trường hợp nhà có 7 anh em trai, lần lượt cưới người vợ của người đi trước, rồi tất cả đều chết mà không có mụn con nào và sau đó người phụ nữ ấy cũng chết, thì ở đời sau, bà ta sẽ là vợ của người nào, vì cả 7 anh em đều lấy nàng làm vợ” (c.20-23). Một vấn nạn hy hữu được đặt ra từ cửa miệng của các Xa-đốc với mục đích bôi nhọ và nhạo báng niềm tin vào cuộc sông mai sau của nhóm biệt phái và của Chúa Giêsu.
Trước tình huống này chúng ta thấy giáo thuyết về sự sống lại như lâm vào ngõ cụt. Chúng ta hãy xem Chúa Giêsu giải thích vấn nạn này thế nào:
“Chúa Giêsu nói: Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao?” (c.24). Chúa Giêsu cho họ thấy niềm tin của họ vào Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa chỉ là hình thức, ngoài môi miệng. Vì nếu họ đọc Kinh Thánh, hẳn họ đã thấy các tổ phụ, cha ông họ tin vào sự sống lại.
Ở đây, chính họ xem nhẹ quyền năng Thiên Chúa. Thiên Chúa có quyền năng tạo dựng muôn vật, muôn loài từ hư không, bằng chính Lời của Ngài. Vậy bây giờ, Ngài lại không đủ quyền phép để cho con người có cuộc sống vĩnh cửu hay sao? Đến câu 25, chúng ta thấy Chúa Giêsu khẳng định con người từ cõi chết sống lại sẽ bước vào một đời sống mới, đời sống tinh thần chứ không dựng vợ gả chồng như họ đã sống trong cuộc sống trần gian tạm bợ này. Sự liên kết theo xác thịt không có ở nơi cuộc sống mai sau nữa. Cách thế tồn tại của con người đã được biến thể.
Chúa Giêsu còn dẫn chứng Kinh Thánh qua Sách Xuất hành là cuốn sách mà họ công nhận. Trong chương 3 có nói về bụi gai bốc cháy, nơi Thiên Chúa gặp gỡ Môsê. … để khẳng định niềm tin sai lệch của họ. Thiên Chúa phán với Môsê: “Ta là Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp”. Theo truyền thống xa xưa, các tổ phụ là những người đối thoại với Thiên Chúa trong khoảnh khắc, khi đó họ bước vào đời sống thân mật với Thiên Chúa. Chúa Giêsu khẳng định: Người là Thiên Chủa của kẻ sống, chứ không của kẻ chết (c.27) và Ngài đúc kết bằng một lời cứng cõi, đanh thép: Các ông lầm to!
Chúa Giêsu đã trả lời cho họ về sự sống lại và sự sống đời sau. Sự sống lại và sự sống đời sau không giống như sự sống tự nhiên nơi trần gian này: ai là vợ của ai mà cuộc sống đời sau sẽ giống như cuộc sống của các thiên thần. Người ta từ cõi chết sống lại không còn lấy chồng lấy vợ nữa. Họ hoàn toàn sống một đời sống thiêng liêng, sự sống của chính Thiên Chúa, sự sống vĩnh cửu, không mong manh nhất thời chóng qua.
Không dừng lại ở đó, Đức Giêsu còn minh chứng cho họ về sự sống lại qua việc Thiên Chúa là Chúa kẻ sống chứ không phải là Chúa kẻ chết. Vì Ngài là sự sống, cội nguồn của sự sống, Đấng làm chủ sự sống và sự chết nên Ngài có quyền trao ban sự sống đời đời ấy cho những ai tin vào Ngài “Thiên Chúa phán: Ta là Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống”.
Nếu Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống và là Thiên Chúa hằng sống thì Ngài có quyền trao ban sự sống ấy cho những ai tin vào Ngài. Tuy nhiên, sự sống đời đời ấy đã được ban tặng cho Đức Giêsu và cho những ai tin vào Ngài “Như Ta sống bởi Cha thế nào, thì kẻ ăn Ta cũng sẽ sống nhờ Ta như vậy”.
Ta thường gặp những đau khổ, những thử thách. Chúng ta không được hạnh phúc trong đời sống gia đình và gặp nhiều những bất hạnh khác. Thường chúng ta hay thất vọng, thậm chí có người tìm đến cái chết để được giải thoát. Hoặc chúng ta vững vàng hơn, nhưng lại có suy nghĩ tiêu cực: “Ráng sống cho hết ngày đoạn tháng!”… Tất cả những điều đó là không đúng đắn. Giây phút hiện tại sẽ là hạnh phúc nếu có Chúa. Đau khổ, thử thách, bất hạnh của chúng ta sẽ được giải gỡ nếu có Chúa.
Ta vẫn tuyên xưng niềm tin vào sự sống lại trong kinh Tin Kính. Đây quả thực không phải là một công thức sáo rỗng, nhưng chứa đựng một niềm tin lớn lao. Nó như bánh lái cho cuộc đời hiện tại của chúng ta. Vì đức tin không đơn thuần là việc đồng ý với một ý niệm, nhưng là chấp nhận một chân lý, là chấp nhận đặt cược cuộc đời mình cho điều ta tuyên xưng và thiết lập một tương quan yêu thương với Đấng làm nên cuộc đời chúng ta. Đó chính là nhào nặn cuộc đời mình cho được thẩm thấu lòng yêu mến Chúa và lòng yêu thương anh em.
2020
Thứ Tư Tuần IX – Mùa Thường Niên
Thứ Tư Tuần IX – Mùa Thường Niên
Ca nhập lễ
Tv 24,16.18
Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con,
vì thân này cô đơn, nghèo khổ.
Xin thấy cho cảnh lầm than khổ cực
và tha thứ hết mọi tội con.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa quan phòng mọi sự và an bài thật khôn ngoan, tất cả đều xảy ra như Chúa muốn; xin đẩy xa những gì nguy hại và rộng ban muôn điều lợi ích cho chúng con. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
2 Tm 1,1-3.6-12
Anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh.
Khởi đầu thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê.
1 Tôi là Phao-lô, Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, do ý muốn của Thiên Chúa, chiếu theo lời Thiên Chúa hứa ban sự sống vốn có trong Đức Ki-tô Giê-su, 2 gửi anh Ti-mô-thê, người con yêu dấu. Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh được ân sủng, lòng thương xót và sự bình an.
3 Tôi tạ ơn Thiên Chúa, Đấng tôi phụng thờ với lương tâm trong sạch, theo gót tổ tiên ; tôi tạ ơn Người khi tôi không ngừng nhắc nhở đến anh, trong các lời cầu nguyện của tôi, đêm cũng như ngày.
6 Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. 7 Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. 8 Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa ; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng. 9 Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Ki-tô Giê-su, 10 nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Ki-tô Giê-su đã xuất hiện. Chính Đức Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử. 11 Thiên Chúa đã đặt tôi làm người rao giảng Tin Mừng đó, làm tông đồ và thầy dạy.
12 Chính vì lý do ấy mà tôi phải chịu những đau khổ này ; nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai, và xác tín rằng : Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày Người đến.
Đáp ca
Tv 122,1-2a.2bcd (Đ. c.1a)
Đ.Lạy Chúa, con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa.
1Con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa,
Đấng đang ngự trên trời,
2aQuả thực như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ.
Đ.Lạy Chúa, con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa.
2bcdNhư mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ,
mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên Chúa
là Thiên Chúa chúng ta,
tới khi Người xót thương chút phận.
Đ.Lạy Chúa, con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa.
Tung hô Tin Mừng
Ga 11,25a.26a
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống ; ai tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Mc 12,18-27
Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
18 Khi ấy, có những người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người : 19 “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta rằng : “Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ goá mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.” 20 Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không có con nối dòng. 21 Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không có con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy. 22 Cả bảy người đều không có con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. 23 Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ ? Vì cả bảy người đều đã lấy bà làm vợ.”
24 Đức Giê-su nói : “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao ? 25 Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. 26 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Mô-sê đoạn nói về bụi gai sao ? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào ? Người phán : ‘Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp’. 27 Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to !”
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, tin tưởng vào lòng Chúa từ bi nhân hậu, chúng con cùng đến đây thành kính dâng của lễ lên bàn thờ, và tha thiết nguyện cầu Chúa ban ơn cho chúng con được thanh tẩy nhờ thánh lễ chúng con cử hành. Chúng con cầu xin …
Lời Tiền Tụng Chúa Nhật Thường Niên
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Người đã thực hiện một công trình kỳ diệu này/ là kêu gọi chúng con bỏ đàng tội lỗi, thoát ách sự chết, tới ánh vinh quang. Nhờ đó, giờ đây chúng con được gọi là giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, chủng tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để chúng con loan truyền khắp nơi quyền năng Chúa là Ðấng đã kêu gọi chúng con từ chốn tối tăm tới nơi sáng láng diệu kỳ của Chúa.
Vì thế, cùng với Thiên thần và tổng lãnh Thiên Thần, các Bệ Thần và Quản Thần, cùng toàn thể đạo Binh Thiên Quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng.
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Tv 16,6
Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa,
vì Ngài đáp lời con.
Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa nhân từ, Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể; xin ban Thánh Thần xuống hướng dẫn chúng con, để chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng lời nói cũng như việc làm hầu đáng được hưởng vinh quang thiên quốc. Chúng con cầu xin …
2020
Việc Tôn Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu Có Khác Với Việc Tôn Kính Lòng Chúa Thương Xót Không?
Việc Tôn Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu Có Khác Với Việc Tôn Kính Lòng Chúa Thương Xót Không?
6/17/2017 2:39:05 PM
Chúng ta đang ở trong Tháng Sáu, được dành để kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Từ ngày 23 tháng 5 năm 2000, được sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thánh Bộ Phụng Tự đã ra quyết định chọn Chúa Nhật II Phục Sinh là “Chúa Nhật kính Lòng Chúa Xót Thương”; Cách đặc biệt hơn, năm nay (2017) cũng là Năm Thánh Lòng Thương Xót. Vậy hai việc tôn kính này có gì giống nhau và có gì khác nhau?
Tôi không biết nên bắt đầu bằng cách nêu bật những điểm giống nhau hay là những điểm khác nhau trước. Thật ra thì nhiều điểm khác nhau không có nghĩa là đối nghịch nhau, nhưng bổ túc cho nhau mà thôi. Chúng ta có thể bắt đầu bằng những điều tổng quát giống nhau, rồi sẽ dần dần bước sang những điểm khác nhau.
Nói một cách tổng quát, chúng ta cần phải nhấn mạnh đó là: “Không có gì khác nhau hết”, bởi vì cả hai đều quy về Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã mạc khải tình thương Thiên Chúa đối với loài người chúng ta, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng chính việc hiến mạng sống vì chúng ta; cả hai đều đề cao tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thật vậy, việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và việc tôn sùng lòng Thương xót Chúa đều dành cho cũng một Chúa Giêsu (chứ không phải là hai Chúa khác nhau), và cả hai đều nói đến tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thánh Tâm (tức là trái tim) là biểu hiệu của tình yêu; và lòng thương xót hẳn nhiên là nói đến tình yêu rồi.
Chúng ta đừng bao giờ quên rằng, tất cả các việc tôn kính đều nhắm đến một Ngôi Vị, một Chủ Thể, chứ không bao giờ dừng lại ở hình thức hoặc tước hiệu bên ngoài. Chẳng hạn như khi tôn kính Đức Mẹ Mân Côi, Đức Mẹ Carmel, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Lavang, Trái Tim Đức Mẹ,.v.v… thì tất cả đều nhắm đến bản thân của Đức Maria, thân mẫu của Chúa Cứu Thế và của Hội Thánh. Chúng ta đừng nên dừng lại ở tước hiệu, nhưng hãy nhìn đến Đức Mẹ, để bày tỏ lòng kính mến cũng như bắt chước gương các nhân đức.
Trở lại với đề tài mà chúng ta đang bàn, việc tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và việc tôn kính lòng thương xót của Chúa đều hướng đến Chúa Giêsu. Thế nhưng, chính trong sự đồng nhất này mà ta thấy có đôi nét khác biệt.
Những khác biệt đó là gì?
Sự khác biệt thứ nhất đó là về thời gian. Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã bắt nguồn từ thời các Giáo phụ, nghĩa là từ ngàn năm thứ nhất của Kitô giáo. Nổi bật là các Giáo phụ như: Origène, Augustino,…
Sang thế kỷ XII, lòng sùng kính Trái Tim Chúa Giêsu được các thần học gia bàn đến trong những tác phẩm thần học, chẳng hạn như: Thánh Alberto Cả, chân phúc Henri Suso Dòng Đaminh,… Trong số những nhà thần bí nói đến Thánh Tâm vào thời kỳ ấy, nổi tiếng nhất là thánh nữ Gertrude, sinh năm 1256 và qua đời năm 1301, là đan sĩ Dòng Xitô thuộc đan viện Hefta bên Đức, với tác phẩm “Sứ giả của lòng thương xót Chúa”.
Sang thế kỷ XIV, chúng ta thấy thánh nữ Catarina Siena đã viết rất nhiều về lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng thánh nữ không gắn với việc tôn sùng Trái Tim; có chăng là thánh nữ nhận thấy biểu tượng của lòng thương xót ở nơi bửu huyết của Chúa.
Thế nhưng, việc sùng kính Trái Tim Chúa Giêsu chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ XVII do ảnh hưởng của thánh nữ Margarita Maria Alacoque (1647-1690). Hầu hết những bức ảnh vẽ Thánh Tâm Chúa Giêsu được trưng bày trong các nhà thờ, nhà nguyện Công Giáo đều dựa theo phong trào mà thánh nữ Margarita Margarita Alacoque cổ động. Thánh nữ là một tu sĩ Dòng Thăm Viếng. Vào thời thánh nữ Margarita, Giáo Hội bị đe doạ bởi chủ nghĩa Giansenit, trình bày Thiên Chúa như là một Đấng Công thẳng đáng sợ; Thánh Tâm Chúa Giêsu nhắc nhở con người rằng Thiên Chúa là tình yêu, chứ không chỉ là Đấng thẩm phán.
Tóm lại, việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa được phổ biến kể từ thế kỷ XVII là nhờ bởi hai vị thánh nổi tiếng, đó là:
– Thánh Jean Eudes, linh mục, sinh năm 1601 và qua đời năm 1680, đã thành lập hai Dòng tu, một nam một nữ, mang tên là Hai Trái tim (nghĩa là: Trái tim Chúa Giêsu và Trái tim Đức Mẹ), cũng như cổ động việc thiết lập một lễ phụng vụ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nên biết là, theo thánh Jean Eudes, trái tim là trung tâm điểm của con người, vì thế tượng trưng cho chính bản thân Chúa Giêsu, nơi gặp gỡ tình yêu với Chúa Cha, với nhân loại, với vũ trụ.
– Vị thánh thứ hai của thế kỷ XVII là thánh nữ Margherita Maria Alacoque thuộc Dòng Thăm Viếng, nhưng các văn phẩm được phổ biến nhờ vị linh hướng là thánh Claude de la Colombière. Người ta thường coi hai vị thánh này là những cổ động viên cho lòng tôn kính Thánh Tâm trong toàn thể Hội Thánh, được các Đức Giáo Hoàng ủng hộ, không những qua việc thiết lập lễ phụng vụ, mà còn qua nhiều văn kiện, quan trọng nhất là Đức Giáo Hoàng Piô XII với Thông điệp Haurietis aquas năm 1956.
Còn lòng sùng kính Lòng Thương Xót Chúa bắt nguồn từ khi nào?
Lòng thương xót của Chúa tuy đã được các nhà thần học bàn đến từ lâu, nhưng trở thành phổ cập vào giữa thế kỷ thứ XX, do ảnh hưởng của thánh nữ Faustina Kowalska (1905-1938). Vào thời thánh nữ Faustina, nhân loại đang trải qua những cuộc tàn phá do những khủng hoảng chính trị gây ra bởi những cuộc chiến tranh và những chủ nghĩa độc tài; lòng thương xót Chúa nhắc nhở con người hãy tín thác vào Thiên Chúa, đừng sợ hãi, đừng thất vọng.
Thế nên, khi nói đến việc tôn kính Lòng Chúa Thương Xót, là chúng ta muốn nói đến hình thức tôn sùng được quảng bá do bởi thánh nữ Faustina Kowalska. Vị thánh này sống vào tiền bán thế kỷ XX, sinh năm 1905 và qua đời năm 1938. Chị cũng là một người tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu.
Trong quyển Nhật ký, chị ghi lại lời tâm sự của Chúa như thế này: “Này con của Ta, hãy biết rằng, trái tim của Ta là lòng thương xót. Từ biển thương xót này mà các ân sủng trào ra khắp thế giới. Không linh hồn đến gần Ta mà không được an ủi đi ra về. Mọi nỗi lầm than đều được chôn vùi trong đáy của lòng thương xót của Ta, và mọi ơn huệ thánh hóa đều trào ra từ suối này”. Trong một đoạn khác của quyển Nhật ký, thánh nữ đã bộc lộ tâm tình thờ lạy Trái tim Chúa Giêsu ở trong bí tích Thánh Thể với những lời như sau: “Ôi bánh thánh hằng sống, là sức mạnh duy nhất của con, nguồn mạch của tình yêu và lòng thương xót, xin hãy ôm ấp thế giới và nâng đỡ các linh hồn yếu đuối. Ôi, thật là giây phút diễm phúc khi Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta quả tim đầy lòng thương xót của Người”.
Như vậy, đối tượng của việc tôn kính Thánh Tâm và của việc tôn kính Lòng Chúa Thương Xót cũng là một, đó là tình yêu của Chúa Giêsu dành cho nhân loại.
Trên đây là những sự giống nhau và khác nhau nhìn cách tổng quát; vậy những gì còn lại chỉ là điều nhỏ nhặt hay sao?
Tôi không dám nói rằng, những gì còn lại đều là tiểu tiết, bởi vì khó mà lượng giá tầm quan trọng; nhưng mà chúng ta hãy tiếp tục theo dõi những tương đồng và khác biệt.
Một điểm tương đồng đáng chúng ta lưu ý, là hai người cổ động của hai việc tôn sùng này đều là nữ tu,và tương đối trẻ: thánh nữ Margarita qua đời lúc 43 tuổi, thánh nữ Faustina qua đời lúc 33 tuổi. Dĩ nhiên, cả hai trường hợp này đều là mặc khải tư, nghĩa là không mang lại chân lý nào mới cho kho tàng đức tin của Giáo Hội, nhưng chỉ đào sâu thêm vài khía cạnh của đức tin, theo như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã khẳng định ở số 67.
Như vừa nói trên đây, cả hai nữ tu này đều trùng hợp ở chỗ tôn kính tình yêu của Chúa Giêsu được biểu lộ qua Thánh Tâm. Tuy nhiên, việc tôn kính được biểu lộ qua những tấm ảnh mà các vị muốn cổ động. Đến đây, ta thấy có sự khác biệt trong cách diễn tả những hình ảnh đó:
– Hình ảnh Trái Tim Chúa theo thánh nữ Margarita chỉ cho ta thấy, một trái tim bừng rực lửa mến chứ không có toàn thể chân dung của Chúa. Trái Tim ấy có một vòng gai quấn chung quanh, nhắc đến cuộc khổ nạn của Chúa. Nói cách khác, Trái Tim Chúa Giêsu gợi ra cuộc khổ nạn của Chúa: vì yêu thương chúng ta, Ngài đã đổ máu mình ra cho chúng ta.
– Đang khi đó, bức tranh mà thánh nữ Faustina được lệnh quảng bá thì trình bày toàn thân Chúa Giêsu, và là Chúa Giêsu Phục Sinh. Thật vậy, Chúa Giêsu mặc áo dài trắng (có lẽ vừa tượng trưng cho phẩm phục tư tế, vừa tượng trưng cho y phục của thân thể vinh hiển rạng ngời), và trong tư thế đứng, giống như khi hiện ra cho các môn đệ sau khi sống lại.
Như vậy, khi tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là chúng ta tôn kính tình yêu của Thiên Chúa phải không?
Chắc chắn rồi. Điều này đã được giải thích bởi các nhà thần học từ thời Trung cổ cũng như trong các văn kiện của các Giáo Hoàng thời cận đại. Chúng ta có thể trưng dẫn một đoạn văn điển hình của Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo viết như sau: “Thánh Tâm Chúa Giêsu, chịu đâm thâu bởi tội lỗi của chúng ta và vì ơn cứu độ cho chúng ta, được coi như là dấu chỉ chính yếu và biểu tượng của tình yêu mà Chúa Cứu chuộc không ngừng yêu thương Thiên Phụ và tất cả mọi chúng sinh”.[1] Trong lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, các bản văn Kinh Thánh thường được trích dẫn hơn cả là cảnh Chúa Giêsu chết trên thập giá, đã bị một tên lính đâm thâu, từ đó vọt ra máu và nước (x. Ga 19,34).
Nói như vậy, thì việc tôn kính lòng Chúa Thương Xót không thêm điều gì mới hay sao?
Lúc nãy, tôi đã lược qua lịch sử lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, từ các nhà thần học và thần bí thế kỷ XIII, đến các hai vị thánh thế kỷ XVII, và các văn kiện Giáo Hoàng trong thế kỷ XX. Các tác phẩm ấy không lặp đi lặp lại những điều đã biết, nhưng đào sâu hơn các khía cạnh súc tích của tình yêu Thiên Chúa. Trong bối cảnh này, chúng ta phải nhìn nhận rằng, thánh nữ Faustina cũng góp phần vào việc giải thích sâu xa hơn về lòng thương xót của Chúa. Chúng ta không có giờ để đi sâu vào việc nghiên cứu tác phẩm của thánh nữ, và chỉ cần nhìn ngắm bức tranh về lòng Chúa thương xót thì đủ rõ.
Qua bức tranh đó, chúng ta có cảm tưởng là việc tôn kính này đi với mầu nhiệm Phục Sinh. Trên thực tế, lễ kính lòng thương xót Chúa được mừng vào Chúa Nhật thứ II Phục Sinh. Đang khi đó, những bức tranh cổ điển trưng bày Thánh Tâm Chúa thì vẽ bức tranh một trái tim bừng cháy lửa, và chung quanh có quấn vòng gai. Điều này đưa chúng ta đến cuộc Thương khó của Chúa Giêsu. Như vậy, ta có thể nói rằng, hai việc tôn kính trình bày hai khía cạnh của mầu nhiệm Vượt qua: một bên là thập giá, bên kia là cuộc phục sinh.
Ngoài ra, tôi nghĩ rằng, việc tôn kính lòng Chúa thương xót bổ khuyết cho vài điểm xem ra hơi tiêu cực của việc tôn kính Thánh Tâm Chúa. Thật vậy, trong lòng đạo đức bình dân, người ta cổ động lòng tôn kính Thánh Tâm với những lời kêu gọi của Chúa rất thảm thiết: “Này đây trái tim đã quá yêu thương loài người, nhưng luôn luôn bị phụ bạc”; vì thế, các tín hữu hãy đền đáp lại tình yêu của Chúa qua việc đền tạ. Cách hình dung như vậy có vẻ hạ giá tình yêu của Chúa, ra như tình yêu này còn tính toán: yêu để được yêu lại; nếu không thì tủi! Tình yêu của Chúa đâu phải như thế! Đang khi đó, bức tranh về lòng thương xót của Chúa cho thấy những dòng suối hồng ân tuôn ra tràn trề từ cạnh sườn của Chúa Giêsu. Ở đây, con người được kêu gọi hãy mở rộng cửa để đón nhận những hồng ân của Chúa. Dĩ nhiên, nếu ta không đón nhận thì ta chịu thiệt thòi mà thôi, nhưng Thiên Chúa không ngừng ban phát ân sủng. Vì thế, ở đây, lời kêu gọi không nhấn mạnh đến việc con người hãy đáp trả tình yêu của Chúa, cho bằng hãy tin tưởng đến gần Chúa, dù mình tội lỗi đến mấy đi chăng nữa.
Như vậy, có phải là trong việc tôn sùng Thánh Tâm, Chúa Giêsu đòi hỏi con người phải thi hành một nghĩa vụ, còn trong việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót, con người chỉ cần mở cửa lòng để đón nhận ân huệ của Chúa không?
Tôi nghĩ rằng sự so sánh như vậy cũng có lý phần nào. Tuy nhiên, không phải là việc tôn sùng lòng thương xót Chúa không đặt ra một nghĩa vụ nào.
– Nghĩa vụ thứ nhất là hãy tín thác vào Chúa; điều này xem ra không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là vào thời buổi hôm nay, con người tự hào về khả năng của mình, vào những thành tựu của khoa học kỹ thuật, để rồi rơi vào tuyệt vọng khi khoa học không mang lại kết quả mong muốn.
– Nghĩa vụ thứ hai cũng không đơn giản, là hãy tỏ lòng thương xót đối với đồng loại.
Như vậy, thiết tưởng, thay vì sử dụng hai khái niệm “nghĩa vụ” và “ân huệ” để đối chiếu hai hình thức tôn sùng, chúng ta hãy dùng hai khái niệm khác: việc tôn sùng Thánh Tâm nhắc nhở những bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa; còn việc tôn sùng Lòng Chúa Thương xót nhắc nhở những bổn phận của chúng ta đối với tha nhân.
Trên đây, Cha đã nhắc đến bức tranh cổ võ lòng sùng kính Chúa Thương Xót của thánh nữ Faustina, vậy Cha cho biết thêm ý nghĩa về bức tranh này thế nào?
Trước hết, tôi cần lưu ý một lần nữa rằng: Việc tôn kính Thánh Tâm đã là tôn kính Lòng Chúa Thương Xót rồi. Vì thế, trong bức ảnh nguyên bản trình bày về Lòng Chúa Thương Xót, thì không vẽ hình Trái Tim; nhưng ở vài nơi, một số những họa sĩ đã thêm vào.
Đặc trưng của bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót nằm ở chỗ hai tia sáng màu đỏ và trắng nhạt, phát ra từ cạnh sườn bên trái của Chúa Giêsu. Như tôi đã nói ở trên, ý tưởng này được gợi lên từ đoạn văn Tin mừng thánh Gioan (Ga 19,34): một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Đức Giêsu, tức thì, máu cùng nước chảy ra. Bản văn của Tin mừng chỉ nói là máu cùng nước chảy ra, nhưng bức tranh của thánh nữ Faustina đã tô màu thành hai tia sáng màu đỏ và trắng.
Thực ra, từ thời các Giáo phụ, quang cảnh này đã được giải thích theo nhiều nghĩa.
– Một nghĩa trực tiếp hơn cả là máu và nước là biểu tượng của hai Bí tích Thánh Thể và Thánh Tẩy.
– Một nghĩa xa hơn nữa là quang cảnh này được liên kết với việc thành lập Hội Thánh. Cũng như xưa kia, bà Eva được dựng nên từ cạnh sườn ông Adam thiếp ngủ, thì nay Hội Thánh là bà Eva mới cũng được dựng nên từ cạnh sườn của Đức Giêsu là Adam mới thiếp ngủ trên thập giá.
Nói như vậy, bức tranh của thánh nữ Faustina gợi lên việc Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá hay việc Chúa Phục Sinh?
Cả hai. Đoạn văn vừa trích dẫn thuật lại cảnh Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá. Nhưng khi thuật lại việc Chúa Phục Sinh hiện ra với các tông đồ, tám ngày sau khi sống lại, thì thánh Gioan cũng nói đến việc Chúa bảo ông Tôma: “Hãy đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy”. Ta có thể nói được, là việc mời gọi thánh Tôma cũng là lời mời gọi tất cả chúng ta hãy tiến lại gần Chúa, và hãy tín thác vào Chúa. Như vậy bức họa của thánh nữ Faustina vừa gợi lên ý tưởng Tử Nạn, vừa gợi lên ý tưởng Phục Sinh; nói tắt là gợi lên mầu nhiệm Vượt Qua. Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót được mừng vào Chúa Nhật Bát Nhật Phục Sinh, còn lễ Thánh Tâm được mừng vào Thứ Sáu sau lễ kính Mình Thánh Chúa.
Và bức họa Lòng Chúa Thương Xót cũng gợi lên Bí tích Thánh Thể nữa đúng không?
Đúng vậy! như tôi vừa nói ở trên. Tuy nhiên, đến đây, chúng ta lại gặp một điểm vừa tạo nên sự trùng hợp vừa tạo nên sự khác biệt giữa hai việc tôn kính. Thật vậy, việc tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu gắn liền với việc tôn kính Thánh Thể; đặc biệt qua việc làm giờ thánh trước Mình Thánh Chúa và việc rước lễ ngày Thứ Sáu đầu tháng. Mặt khác, bức họa Lòng Chúa Thương Xót nhắc đến Bí tích Thánh Thể qua tia sáng màu đỏ phát ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu, mà các Giáo phụ đã giải thích như là máu (biểu tượng của Bí tích Thánh Thể), đang khi tia sáng màu trắng như là nước (biểu tượng cho Bí tích Rửa Tội).
Ngoài ra, điểm khác biệt nằm ở chỗ: Thánh nữ Margarita kêu gọi chúng ta đến gần Thánh Tâm để làm việc đền tạ vì những tội vô ân lạnh nhạt, đứng trước tình yêu của Chúa Giêsu, cách riêng những lần xúc phạm đến Bí tích Thánh Thể. Những ý tưởng thường được nhắc đến là: đền bồi, phạt tạ, an ủi, hối lỗi,… Đang khi đó, thánh nữ Faustina mời gọi chúng ta hãy đến gần Lòng Chúa Thương Xót để lãnh nhận hồng ân của Chúa, ra như để hứng lấy những dòng nước trào ra từ cạnh sườn của Chúa.
Nhân nói về việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót, có phải Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ban hành Thông điệp về Lòng Chúa Thương Xót phải không?
Đúng thế, nhưng nên cẩn thận để tránh hiểu lầm. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã biết đến chị Faustina Kowalska từ khi còn là giám mục Cracovia. Ngài đã tuyên chân phước và hiển thánh cho chị, cũng như đã ấn định lễ kính Lòng Chúa Thương Xót vào Chúa Nhật thứ II Phục Sinh. Đây là điều mà ai cũng biết rồi.
Mặt khác, ngài đã viết nhiều Thông điệp, Tông huấn, Tông thư, Sứ điệp, Huấn giáo về Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đặc biệt là Sứ điệp nhân dịp 100 năm dâng hiến loài người cho Thánh Tâm, ký tại Varsavia ngày 11 tháng 6 năm 1999, tóm tắt những lần ngài đã can thiệp về đề tài Thánh Tâm. Thông điệp Dives in misericordia được ban hành ngày 30 tháng 11 năm 1980, bàn về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Tuy nhiên, ở đây, đối tượng suy niệm của Thông điệp không phải là Đức Kitô, nhưng là Đức Chúa Cha, Đấng đã mặc khải Lòng Thương Xót qua Đức Kitô. Thông điệp cũng đề cập đến Thánh Tâm Chúa Giêsu ở số 13. Từ đó, người ta cũng vạch ra một điểm mới trong việc tôn kính Lòng Thương Xót của Chúa, đó là: tuy hướng đến Chúa Giêsu Phục Sinh, nhưng mở rộng đến cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Dù nói gì đi nữa, điều quan trọng là chúng ta hãy tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa.
Trên đây, Cha nói đến cả hai lòng tôn sùng đều dành cho Chúa Giêsu. Thế nhưng, Thông điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về Lòng Chúa Thương Xót lại hiểu về Chúa Cha. Tại sao có sự khác biệt như vậy?
Không có gì khác biệt quan trọng. Cụm từ “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” được trích từ thư thánh Phaolô gửi cộng đoàn Epheso (Ep 2,4). Thông điệp cũng trưng dẫn dụ ngôn của người cha nhân lành đón tiếp đứa con hoang đàng. Đức Giêsu là hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại: Đức Giêsu mạc khải chân lý này không những bằng lời giảng mà còn bằng hành động, khi trao hiến mạng sống cho chúng ta: qua cuộc đời của Đức Giêsu, chúng ta có dịp cảm nghiệm Thiên Chúa Cha yêu thương chúng ta như thế nào: Ngài yêu thương đến nỗi đã ban chính Con Một của mình cho chúng ta. Chúng ta hãy cảm tạ Ngài vì lòng thương xót ấy, và chúng ta xin Cha đổ tràn Thánh Linh xuống tâm hồn chúng ta để chúng ta có khả năng tin tưởng vào Ngài và cảm thông với tha nhân.
[1] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 478.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op.