2023
Con Đường
5.5
Thứ Sáu trong tuần thứ Tư Mùa Phục Sinh
Cv 13:26-33; Tv 2:6-7,8-9,10-11; Ga 14:1-6
Con Đường
Cũng trong khung cảnh bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đang nói cho các tông đồ những lời rất thân tình, tha thiết. Ngài báo cho họ biết Ngài sẽ ra đi, đi đến một nơi mà họ rất lạ. Nhưng Ngài hứa sẽ trở lại đón họ để cùng đưa họ đến nơi đó. Ông Tôma tò mò hỏi: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi ?”. Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. Nghĩa là: mục tiêu hành trình của mọi người là về với Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu chính là người dẫn đường, hơn nữa Ngài chính là con đường đẫn ta đến đích điểm đó.
Đọc Tin Mừng theo thánh Gioan ta hiểu hơn về Chúa Giêsu Đấng mạc khải qua kiểu nói Ta là. Ta là Ánh sáng (8,12), sự sống (14,6), tình yêu (1Ga 4,8), chủ chiên (10,14), cửa chuồng chiên (10,7), là đường đi (14,6).
Ai trong chúng ta không phân biệt con đường ? Có đường hẻm, đường rừng, đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường liên tỉnh, đường quốc tế, đường không gian. Con đường nào cũng quan trọng, vì con đường nào cũng dẫn tới một đích điểm. Dân Do thái sống thời du mục, cho nên đường hẻm, đường mòn, đường rừng đóng một vai trò thiết yếu hơn cả nhà ở. Chúa Giêsu đã dùng ngay hình ảnh đó để nói về Ngài: “Ta là đường” (c.6). cuộc xuất hành của dân Do thái là một con đường đi về đất hứa (Xac 13,21). Tiên tri Eâlia cũng đi con đường rừng lên núi Horeb (1V 19,1t). Trong Tân ước cũng nói đến những con đường thả bộ như đường Jerichom là nơi Chúa chữa cho một người mù (Mc 10,46), con đường của dụ ngôn người Samaritanô (Lc 10,30-37), con đường vào thành Giêrusalem ngày lễ Lá (Lc 19,28), con đường núi Sọ, con đường Emmaus (Lc 24,13t).
Mỗi con đường đều có một kỷ niệm, mỗi con đường đều có mục dích. Con đường nào cũng nối ít nhất là hai điểm với nhau. Con đường nào cũng là để đi tới. Nhờ con đường mà người ta giao tế, liên lạc gặp gỡ nhau, cũng nhờ có con đường mà giải quyết được nhiều chuyện như vấn đề kinh tế. Hầu như càng văn minh thì con đường càng nhiều, giăng mắc như hệ thống thần kinh vậy.
Trên phạm vi tự nhiên thân xác còn có con đường để đi lại để rồi mới có thể kiến tạo một cuộc sống hoàn bị, tươi đẹp, thì linh hồn cũng cần có một con đường. Con đường của linh hồn có hai thứ: con đường tốt và con đường xấu. Con đường xấu được Kinh thánh mô tả là con đường cong (Cn 21,8), là đường tội lỗi (Tv 1, 1. Hđ 21, 10), đường của ác nhân (Tv 1, 6. Gr 12, 1). Đường đó dẫn đến sự hư mất (Tv 1,6) và cái chết (12, 28). Ngược lại, con đường tốt là con đường nhân đức, là con đường ngay thẳng, toàn thiện (1Sm 12, 23. 1V 7, 36. 1C 12,31), là đường chân lý (Tv 119, 30. Tb 1, 3), bình an (Lc 1, 79), là con đường của sự sống (Cn 2,19.5,6), trường thọ và thịnh vượng.
Chúa Giêsu đã tự xưng mình là đường và Ngài mời gọi chúng ta bước theo Ngài trên con đường Ngài đã đi là con đường Thánh giá (Mt 16, 23. Lc 24, 26). Thánh Phaolô bảo: cuộc đời dương thế của chúng ta là con đường mà người ta đi là lữ khách (Dt 3, 14). Ngài nhấn mạnh: trên con đường đó, chúng ta phải đi (Col 2,6) hơn nữa phải chạy đua với người khác nữa. Chúng ta biết khi chạy đua thì chỉ phát phần thưởng vào cuối cuộc đua chứ không ai phát phần thưởng từ đầu bao giờ. cho nên mọi người phải cố gắng cật lực…
Ðường về quê trời có nhiều thử thách nhưng người đồ đệ có thể vượt qua dễ dàng nếu biết để cho Chúa hướng dẫn, để cho Chúa đưa mình đến nơi Chúa muốn. Bí quyết căn bản của đời sống Kitô là để cho Chúa tự do hướng dẫn mình đi, là biết cộng tác với ơn Chúa, là để cho Chúa Giêsu Kitô chiếm hữu như thánh Phaolô tông đồ ngày xưa, ngài đã bộc lộ cho những người con tinh thần của ngài bí quyết đời Kitô, đó là: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi. Kiếp sống tôi đang sống, tôi muốn sống trong niềm tin hoàn toàn vào Ðấng đã yêu thương tôi và trao nộp chính mình cho tôi”.
Trên con đường chạy đua, có người thấy con đường của mình dài thòng, xa xôi, vất vả nên bỏ cuộc. Có người chạy được ít bước đã ngoái cổ lại xem mình chạy bao xa mà trẽ lối. Có người chạy đua mà khinh đối thủ, chỉ la cà bên đường để rồi chẳng bao giờ về tới đích. Có người thì chạy hăng hái quá mà chệch đường, chạy lạc lối. Có người chạy trước mà về sau.
Là một lực sĩ chạy đua, người ta khem khổ hy sinh, vất vả tập dượt, dùng sức mạnh ý chí… huống chi là trên con đường về Trời, chúng ta phải vất vả đến độ nào. Cuối chặng đường mỗi người là Thiên Chúa Cha đúng giang tay đón chờ ôm đứa con vào lòng..
2023
Thứ sáu sau Chúa nhật IV Phục Sinh
Thứ sáu sau Chúa nhật IV Phục Sinh
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã lấy máu Chúa mà cứu chuộc chúng tôi thuộc mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân và mọi nước, Chúa đã làm cho chúng tôi trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa – Alleluia.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con bằng giá máu của Con Một Chúa và làm cho chúng con được tự do hoàn toàn; xin nhận lời chúng con cầu khẩn mà cho chúng con biết nhận Chúa là lẽ sống và tìm được trong Chúa niềm vui tuyệt đỉnh của tâm hồn. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Cv 13, 26-33
“Thiên Chúa đã làm trọn lời hứa khi cho Ðức Giêsu sống lại”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, khi Phaolô đến Antiôkia thuộc xứ Pisiđia, ông lên tiếng trong hội đường rằng: “Thưa chư huynh, con cháu Abraham, và những người kính sợ Thiên Chúa ở giữa chư huynh, lời cứu độ đó đã được rao giảng cho chư huynh. Những người cư ngụ ở Giêrusalem và các thủ lãnh của họ đã không nhìn nhận Ðức Giêsu và các lời tiên tri mà họ đọc mỗi ngày Sabbat; thế mà họ đã làm ứng nghiệm lời tiên tri khi lên án Người. Và dầu không thấy nơi Người lý do nào đáng phải chết, họ cũng xin Philatô cho giết Người. Và khi đã hoàn tất mọi điều đã chép về Người, họ đã tháo Người xuống khỏi cây thập giá và mai táng Người trong mồ. Nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết vào ngày thứ ba. Và trong nhiều ngày, Người đã hiện ra với những kẻ đã cùng với Người từ Galilêa lên Giêrusalem. Bây giờ những kẻ đó là những chứng nhân của Người trước mặt dân chúng.
“Phần chúng tôi, chúng tôi loan báo cho chư huynh hay rằng: lời hứa ban cho tổ phụ chúng ta, Thiên Chúa đã làm hoàn tất cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Ðức Giêsu sống lại, như đã chép trong thánh vịnh thứ hai rằng: ‘Con là Con Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con’ “.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 2, 6-7. 8-9. 10-11
Ðáp: Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh thành ra Con
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Chính Ta đã đặt vương nhi Ta trên Sion, núi thánh của Ta. Ta sẽ tuyên rao thánh chỉ của Chúa: Chúa đã phán bảo cùng Ta: “Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh thành ra Con”.
Xướng:Hãy xin Cha và Cha sẽ cho Con được chư dân làm phần sản nghiệp, và cùng kiệt cõi đất làm gia tài. Con sẽ cai trị chúng bằng cây gậy sắt, như bình thợ gốm, Con đem nghiền nát chúng ra.
Xướng: Giờ đây, hỡi các vua, hãy nên hiểu biết, quân vương mặt đất nên giác ngộ. Hãy kính sợ làm tôi Chúa và hân hoan mừng Người, hãy khiếp run tỏ bày sự vâng phục Chúa.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! – Chúa Kitô đã sống lại ra khỏi mồ, Người đã chịu treo trên thập giá vì chúng ta. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 14, 1-6
“Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”. Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin đón nhận lễ vật của chúng con là con cái trong nhà, và thương tình bảo vệ chúng con luôn mãi. Ước gì chúng con không để mất những ơn đã lãnh nhận trong lễ Vượt Qua này và được hưởng phúc lộc muôn đời Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng
Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong đêm (ngày, mùa) cực thánh này, chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Nhờ Người con cái sự sáng được sinh ra để sống muôn đời, và khi các cửa Nước Trời được mở ra đón các tín hữu, vì nhờ sự chết của Người, chúng con khỏi phải chết, và trong sự sống lại của Người, chúng con được phục sinh.
Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…
Ca hiệp lễ
Đức Kitô Chúa chúng ta đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại để chúng ta được công chính hoá – Alleluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con bằng giá máu của Con Một Chúa và làm cho chúng con được tự do hoàn toàn; xin nhận lời chúng con cầu khẩn mà cho chúng con biết nhận Chúa là lẽ sống và tìm được trong Chúa niềm vui tuyệt đỉnh của tâm hồn. Chúng con cầu xin…
2023
Củng cố đức tin
4.5 Thứ Năm trong tuần thứ Tư Mùa Phục Sinh
Cv 13:13-25; Tv 89:2-3,21-22,25,27; Ga 13:16-20
Củng cố đức tin
Ðó là những lời Chúa Giêsu tâm sự với các tông đồ vào lúc khởi đầu cuộc khổ nạn của Ngài, loan báo tương lai cuộc sống của các tông đồ sẽ như thế nào. Nhưng tại sao Giáo Hội lại chọn để chúng ta suy niệm đoạn Phúc Âm này trong những ngày của mùa phụng vụ Phục Sinh? Những gì đã xảy ra đúng theo như lời Kinh Thánh và theo lời loan báo trước của Chúa, nhằm củng cố các tông đồ và cả chúng ta ngày hôm nay trong đức tin vào Chúa. Tin Chúa là Thiên Chúa, là Ðấng Hằng Hữu, là Ðấng Ta Là, “Ta bảo các con điều đó ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy ra để đến khi sự việc xảy ra, các con tin Ta là Ðấng Hằng Hữu, là Thiên Chúa”.
Bản văn Tin Mừng thánh Gioan dùng từ “Ta là Ðấng Ta Là”, từ dùng để chỉ chính Giavê Thiên Chúa. Trong ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu, các tông đồ và mỗi người chúng ta được mời gọi suy niệm những lời Chúa Giêsu có liên quan đến vận mệnh tương lai của những ai làm đồ đệ Chúa. Trước hết là hồng ân được Chúa sai đi, được đại diện cho Ngài “Ai đón rước kẻ Ta sai là đón rước Ta và ai đón rước Ta là đón rước Ðấng đã sai Ta”. Ðó là chiều dọc từ con người lên cùng Thiên Chúa Cha qua Chúa Giêsu Kitô. Mọi đồ đệ của Chúa cần phải duy trì trọn vẹn chiều dọc này. Ðây là hồng ân Chúa ban cho những con người Chúa chọn làm kẻ đại diện của Ngài, mang sứ điệp của Ngài đến cho anh chị em khác và hồng ân này có thể bị mất đi do chính quyết định tự do của con người như trường hợp của Giuđa ngày xưa, người môn đệ phản Thầy, “Ta biết những kẻ Ta đã chọn, kẻ ăn bánh cùng Ta đã giơ gót chân đạp Ta”.
Lời cảnh tỉnh của Chúa thôi thúc mỗi người chúng ta xét lại cuộc sống làm đồ đệ theo Chúa của mình đang ở mức độ nào. Chúng ta sẽ làm đại diện cho Chúa một cách hữu hiệu hơn nếu chúng ta trở nên giống Chúa hơn và chia sẻ vận mệnh của Chúa: “Tôi tớ không hơn chủ; kẻ bị sai đi không trọng hơn người sai họ”. Chúa đã đi qua con đường thập giá, thì đồ đệ của Ngài chắc chắn cũng sẽ đi qua con đường này. Hơn nữa, cám dỗ phản bội Chúa như Giuđa ngày xưa luôn là cám dỗ thường hằng của mọi môn đệ Chúa cả ngày hôm nay. Chúng ta hãy tỉnh thức đề phòng.
Sau khi rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nói lên ý muốn duy nhất của Ngài là chính các môn đệ cũng hãy làm như vậy đối với nhau và đối với người khác, bởi vì chẳng tẽ một môn sinh hay một sứ giả lại đòi được hưởng một danh dự, một phẩm giá lớn hơn Thầy mình, lớn hơn người sai mình sao. Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
Thật ra, chính Chúa Giêsu đã mạc khải là Ngài đã không làm gì khác hơn là noi gương Chúa Cha: Chúa Con không làm gì mà không thấy Chúa Cha làm trước. Chúa Cha đã làm việc luôn để chứng tỏ lòng Ngài yêu thương săn sóc con người, nhất là những người nghèo khổ, những kẻ tội lỗi, thì Chúa Giêsu khi đến trần gian Ngài đã cho mọi người thấy Ngài chính là hiện thân của tình thương Thiên Chúa giữa nhân loại. Chúa Giàu có quyền đòi hỏi con người đón nhận Ngài như đón nhận Thiên Chúa, Đấng đã sai Ngài, bởi vì Ngài và Cha Ngài là một, ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha. Người Do Thái không tin, đã cho đây là một lời lộng ngôn đáng bị ném đá chết, nhưng đối với những ai chấp nhận tin Chúa, thì không thể tách rời Ngài ra khỏi Chúa Cha.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu như muốn khẳng định rằng: nếu là người môn đệ chân chính, sẽ nói lời của chính Thiên Chúa, và như thế thì: “Ai đón nhận kẻ Thầy sai là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy”.
Muốn làm được điều đó để cho mọi người nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, chúng ta phải mặc lấy chính tâm tình của Chúa Giêsu, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài khi phục vụ con người cách vô vị lợi trong sự khiêm tốn…
Có thế chúng ta mới lưu lại cho người đương thời và hậu thế gia tài quý giá là chính Chúa Giêsu, nhờ đó, con người hôm nay và mai sau mới nhận ra Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống ngang qua đời sống và hành vi của chính chúng ta.
Mong sao mỗi người chúng ta biết được điều đó để thi hành, ngõ hầu trở thành người có phúc như Chúa Giêsu đã nói: “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!”. Ngược lại, chúng ta đừng như Giuđa, kẻ phản thầy mà hôm nay, Chúa Giêsu đã tiên báo một cách đau đớn: “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con”
Tin Mừng hôm nay là những lời trăng trối sau cùng của Thầy Giêsu đối với các môn đệ trước khi Người bước vào cuộc thương khó. Sau khi cúi xuống rửa chân cho từng môn đệ, Chúa Giêsu căn dặn các ông chú ý phục vụ lẫn nhau như Người đã phục vụ. Hơn nữa khi phục vụ người khác là chúng ta đang phục vụ chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhắc lại lời của Đavít “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Tv 41,10) như để nhắc nhở trong số các môn đệ, có người sẽ phản bội bán Chúa, nhưng không vì thế mà các ông lãng quên bổn phận phải phục vụ. Chính Thiên Chúa biết trước tất cả những bội phản sẽ xảy ra, nhưng Người vẫn yêu thương và yêu đến cùng. Ở đây có một sự kết nối rất chặt chẽ, khi thực thi bác ái, đón tiếp tha nhân là chúng ta đón tiếp chính Thiên Chúa. Tương quan của chúng ta với Thiên Chúa chỉ triển nở và bền lâu nếu chúng ta duy trì tương quan với tha nhân. Ngược lại, khi từ chối tha nhân là chúng ta từ chối chính Thiên Chúa. Không phải chúng ta đến với Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đã đến với chúng ta trước. Người đã đến và tự nguyện ở lại, mang vác mọi gánh nặng khổ đau và tội lỗi của kiếp người. Chúa Giêsu đã trao hiến để lấp đầy mọi khiếm khuyết nơi chúng ta, đã chết để chúng ta được sống và sống dồi dào.
Trong cuộc sống, giữa dòng đời ngược xuôi, biết bao lần chúng ta đã bước qua nhau mà không quan tâm để ý đến những nhu cầu cần thiết của người khác, không biết có một người đang cần chúng ta giúp đỡ. Trong đời sống thiêng liêng, biết bao lần chúng ta cũng bỏ qua lời mời gọi của Thiên Chúa, khi từ chối thực thi tình bác ái đối với tha nhân, khi từ chối trở nên chứng nhân của tình yêu thương. Biết bao lần Chúa mời gọi chúng ta tham dự vào mầu nhiệm Cứu Chuộc của Thiên Chúa nhưng chúng ta lại từ chối mải mê chạy theo những cám dỗ mời mọc ngọt ngào của thế gian vật chất, của đam mê xác thịt.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét lại cuộc sống xem chúng ta đang là môn đệ của Chúa ở mức độ nào. Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai không lớn hơn người sai đi. Chúa đã đi qua con đường Thập giá, thì chắc chắn người môn đệ của Ngài cũng không có con đường nào khác hơn.
2023
Thánh giá, thập giá…
Thánh giá, thập giá…
Bài viết của Cha Stêphanô Huỳnh Trụ có sự đóng góp ý kiến và sửa lỗi của anh Phêrô Nguyễn Tâm Thành và bà Bernadette Pauline Lê Kim Ngọc Tuyết.
_______
1. Mỗi lần đọc Kinh Tin Kính, tôi hay bị chia trí khi đọc đến câu “chịu đóng đinh trên cây Thánh giá”. Tôi thường nghĩ quan Phongxiô Philatô lấy đâu cây Thánh giá để đóng đinh Chúa Giêsu? Cây giá đó đã là Thánh thì làm sao gây đau khổ cho Chúa Giêsu? Làm sao lại là một hình phạt được? Cây giá đó trong tiếng Việt có nhiều cách gọi. Chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của các thuật từ chỉ về cây giá đó: thập tự giá, thập giá, Thánh giá, khổ giá và thập ác.
2. Nghĩa của những chữ thập, tự, giá, thánh, khổ, ác.
2.1 Thập.
Có những chữ Hán này: 十, 什, 拾. Trong thuật từ thập tự giá là chữ 十 (thập), nghĩa là: (dt.) (1) Tên số một cộng chín: thập nhân (mười người); (2) Một trong 214 bộ của chữ Hán. (tt.) (3) Số nhiều: thập mục sở thị (ai ai cũng thấy). (pt.) (4) Rất, hết mức: thập phân, thập nhị phân (ngoại hạng); (5) Hoàn toàn: thập toàn thập mỹ.
2.2 Tự.
Có nhiều chữ Hán: 字, 似, 佀, 寺, 自, 叙, 敘, 嗣, 序, 姒, 嶼, 屿, 祀, 禩, 牸, 緒, 緖, 飴, 饴, 飼, 饲,飤, 漵, 溆, 鱮, 沮. Ở đây là chữ 字 (tự), nghĩa là: (dt.) (1) Chữ, ký hiệu ghi ngôn ngữ: văn tự; tự điển; (2) Biệt danh (tự là tên được đặt khi đủ 20 tuổi làm lễ đội mũ và công khai gia nhập xã hội người lớn): Đức Khổng Tử có “tự” là “Trọng Ni”; (3) Họ Tự. (đt.) (4) Người con gái đã hứa hôn.
2.3 Giá.
Có nhiều chữ Hán: 架, 這, 这, 嫁, 價, 価, 价, 柘, 駕, 驾, 鷓, 稼, 蔗, 假, 仮, 叚. Trong trường hợp này là chữ 架, nghĩa là: (dt.) (1) Khung để treo: y giá (khung áo); (2) Gác (để đặt đồ vật): thư giá (kệ sách); (3) Cấu trúc của vật: cốt giá; (4) Giàn: đậu giá (giàn đậu); (đt.) (5) Bắt cóc: cường hành giá tẩu (dùng sức mạnh bắt đi); (6) Xây dựng cầu, bắc cầu: giá kiều; (7) Đánh lộn: đả giá; (8) Chống lại: giá bất trú (đấu không lại; không chịu nổi); (9) Tranh cãi: khuyến giá (can đôi bên); (10) Làm điệu, ra vẻ ta đây: bài giá tử. (lt., lgt.) (11) Cỗ, chiếc: nhất giá phi cơ (một chiếc máy bay).
2.4 Thánh[1] (聖).
Có những nghĩa sau đây: (dt.) (1) Người tu dưỡng nhân cách tới cõi cùng cực; (2) Phàm cái gì mà tới tột bực đều gọi là thánh; (3) Lời nói tôn kính nhất; (4) Người hiểu thấu mọi việc; sáng suốt, cái gì cũng biết rõ; (5) Họ Thánh; (6) Tôn xưng ông vua; (7) Người học thức hoặc đạo đức thâm cao; (8) Nhân vật được tôn thờ hoặc thần linh; (9) Đấng tạo ra trời, đất, chúa tể của muôn loài, theo một số tôn giáo. (tt.) (10) Cái gì thuộc về nhà vua thời phong kiến; (11) Chữ trong Kitô giáo dùng để gọi Chúa Giêsu và những gì thuộc về Chúa (Ví dụ: tượng thánh, chén thánh, nước thánh, Toà Thánh…).
2.5 Khổ.
Khổ chỉ có hai chữ Hán: 苦, 楛. Trong trường hợp khổ giá là chữ 苦, nghĩa là: (dt.) (1) Trà; (2) Đắng, một trong ngũ vị: điềm 甜 (ngọt), toan 酸 (chua), khổ 苦 (đắng), lạt 辣 (cay), hàm 鹹 (mặn); (3) Khó chịu đựng: đồng cam cộng khổ. (đt.) (4) Lao lực; (5) Ghét; (6) Cảm thấy không đủ: xuân tiêu khổ đoản nhật cao khởi (Đêm xuân chưa thấy gì thì mặt trời đã mọc lên). (tt.) (7) Gian lao; (8) Vị đắng; (9) U sầu; (10) Buồn sầu; (11) Làm cho người ta buồn. (pt.) (12) Cố gắng: mai đầu khổ đọc (cắm đầu cố gắng học).
2.6. Ác.
Có nhiều chữ: 惡, 恶, 堊, 垩, 喔, 幄, 渥, 握, 齷, 龌, trong thuật từ thập ác là chữ 惡, nghĩa là: (dt.) (1) Việc xấu: vô ác bất tác (không việc xấu nào mà không làm); (2) Người chuyên làm việc xấu: thừa thiên tru ác (thừa lệnh trời giết người ác); (3) Bệnh tật; (4) Vấy bẩn; (5) Cứt (phân); (6) Tà khí; (7) Kém hèn. (tt.) (8) Hung dữ; (9) Không lương thiện; (10) Xấu xa; (11) Thô thiển. (pt.) (12) Rất.
3. Nghĩa của thuật từ thập tự giá, thập giá, thánh giá, khổ giá và thập ác.
3.1. Thập tự giá (十 字 架).
Thập là mười; tự là chữ; giá là đồ dùng để treo cái gì lên. Như vậy thập tự giá là cái giá có hình chữ thập. Chữ “thập” là chữ thập của chữ Hán, gồm hai nét ngang và dọc: 十, chỉ số 10. Số mười thường viết là 10. Đây là điểm quan trọng cho thấy muốn hiểu tiếng Việt không thể không biết chữ Hán. Đối với những ai không muốn dùng chữ Hán, có lẽ phải nói là “giá dấu cộng” (+) chứ không thể nói “thập tự giá”.
Thập tự giá là một dụng cụ hành hình tàn nhẫn thời xưa, thịnh hành nhất tại Persia, Đamas, Giuđêa, Israel, Carthage, Rôma. Thông thường dùng để xử tử những người phản nghịch, dị giáo, nô lệ và những người không có quyền công dân của Đế quốc Rôma.
Thập tự giá tiếng Anh là cross, bắt nguồn từ chữ Latinh crux. Trong Tân Ước dùng chữ Hy Lạp là stauros, chữ này có hai nghĩa: khúc cây bình thường và cây thập tự giá đóng đinh Chúa Giêsu. Một số giáo phái Tin Lành, như “Chứng nhân Yehowa”, thì chỉ dịch là khúc cây và họ từ chối nhìn nhận thập tự giá của Chúa Giêsu. Trong tiếng Anh cổ xưa cũng dùng chữ rood (thập tự giá) hay rod (cây). Sách Bách Khoa Berry kể ra đến 385 loại thập tự giá.
Trong văn học phương Tây, coi thập tự giá như tượng trưng cho sự đau khổ, nhưng đối với Kitô hữu, đó là thể hiện ơn cứu chuộc của Chúa Kitô.
3.2. Thập giá (十 架).
Thập là mười; giá là khuôn treo. Thập giá: là mười cái khuôn treo hay mười chiếc, không có nghĩa là cái giá hình chữ thập. Thập tự giá nói tắt thành “thập giá” thì không đúng chút nào, cũng như chúng ta không thể rút ngắn thuật từ “chữ thập đỏ” thành “thập đỏ”, hay “hồng thập tự” thành “hồng thập”. Thuật từ “thập giá” thay cho thuật từ “thập tự giá” đã có từ lâu và sử dụng quá phổ biến, nên đã trở thành thuật ngữ chuyên biệt của Kitô giáo, đạo Cao Đài thì chỉ dùng thuật từ “thập tự giá”. Đối với Kitô hữu, ai ai cũng chấp nhận “thập giá” đồng nghĩa với “thập tự giá”, cho nên khi ban đầu dùng sai rồi, nay kể như là đúng, mà cũng không ai thắc mắc, được kể như một thuật từ chuyên dùng. Đây là một trong những trường hợp ngoại lệ. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả các thuật từ dùng sai rồi, đã phổ biến, thì đương nhiên trở thành thuật từ đúng, đổi trắng thay đen được. Cũng vậy thuật từ “tạo vật” nghĩa là Đấng “Tạo Hoá”, không thể vì không hiểu mà trở thành “thụ tạo” được. Về phương diện nghiên cứu, không nên chỉ theo cảm tính, mà phải theo lý trí.
3.3. Thánh giá (聖 架).
Thánh nghĩa là thuộc về Chúa, dâng hiến cho Chúa; giá: đồ dùng hay khuôn để treo lên. Thánh giá nghĩa là khuôn được thánh hiến. Thuật từ thánh giá không nói đến “giá” có hình dáng gì, mà chỉ nói đến cái giá được thánh hiến mà thôi.
Chúng ta biết Chúa Kitô đã bị đóng đinh vào cây giá (Lc 24,39; Ga 20,25), nhưng không biết cây giá đó có hình chữ T hay có phần trồi lên trên thanh ngang như hình chữ “thập” (十), truyền thống Giáo Hội thì thường là hình chữ thập. Tuy nhiên cũng có lưu truyền loại hình chữ T (gọi là crux commissa hay là thánh giá của Thánh Antôn).
Thánh giá cũng có nghĩa là xe của vua[2]. Vì là chữ 駕 (giá) này, là xe cộ.
Đây cũng là một trường hợp thuật từ thánh giá được sử dụng quá phổ biến mà trở thành một thuật từ riêng biệt của Kitô giáo.
Nếu chúng ta muốn dùng thuật từ thánh giá để chỉ cái giá có hình chữ thập theo truyền thống Công giáo, thì thuật từ thập tự thánh giá mới đúng hơn. Bằng không thì thuật từ thánh giá cũng rất hay, vì không cần tranh luận cái giá đóng đinh Chúa có hình dáng gì.
3.4. Khổ giá.
Nghĩa là cái giá đau khổ, gây đau khổ cho Chúa Giêsu. Chính vì Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên cái giá đó, nên trở thành khổ giá. Chúa Giêsu đã đem lại cho đau khổ và sự chết một ý nghĩa lớn lao nhờ chia sẻ sâu xa thân phận bi đát của con người. Đau khổ và sự chết của Đức Giêsu trở thành cần thiết cho một mùa màng lớn lao tức là ơn cứu chuộc muôn dân.
Để cho rõ nghĩa hơn, nên nói “thập tự khổ giá”, nhưng chúng ta cũng quen dùng khổ giá để chỉ thập tự khổ giá.
3.5. Thập ác.
Thập là mười, ác là việc xấu, thập ác là mười việc xấu hay mười tội ác. Nguyên từ này có hai nghĩa:
(1) Mười tội ác theo đạo Phật, do thân, khẩu, ý gây ra:
- Thân (thân thể) gây ra ba tội ác: sát sanh (giết hại sinh vật), du đạo (trộm cướp), tà dâm (lấy vợ hay chồng người).
- Khẩu (miệng) gây ra bốn tội ác: vọng ngữ (nói dối), ỷ ngữ (nói nhơ nhớp, tục tĩu), lưỡng thiệt (hai lưỡi, nói đâm thọc), ác khẩu (nói điều ác độc).
- Ý (tư tưởng) gây ra ba tội ác: tham (tham lam), sân (giận hờn), si (mê muội, tà kiến).
(2) Mười tội ác theo pháp luật Trung Quốc ngày xưa: Mưu phản, mưu đại nghịch, mưu bạn, ác nghịch, bất đạo, đại bất đạo, bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, nội loạn[3]. Cho nên tục ngữ Trung Quốc có nói: “Thập ác bất xá” (mười việc ác không được tha thứ).
Nhưng sau này một số người dân ngoại dùng chỉ cây thập tự, với ý khinh miệt các Kitô hữu[4], nên chúng ta không thể dùng thuật từ này để chỉ thập tự giá hay thập giá. Chính Gs. Nguyễn Lân cũng nói “thập ác: (dt.) Từ mà người không theo đạo Thiên Chúa gọi cái Thánh giá: Ở địa phương, muốn bảo đảm đoàn kết, không nên gọi cây thánh giá là thập ác[5]”.
4. Khác biệt của thập giá và thánh giá.
4.1. Thập giá.
Trước khi Chúa Giêsu chịu khổ hình trên cây thập tự thì cây thập tự chỉ được gọi là cây THẬP TỰ GIÁ, là một cái giá hành hình có kiểu dáng chữ thập, là một cực hình của thế giới phương Tây.
Biểu tượng của cây thập tự giá đối với những người không có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là một biểu tượng của sự chết, là sự ô nhục, điên rồ và ngu xuẩn (1 Cr 1,23).
Thập tự giá cũng là biểu tượng của việc hy sinh hãm mình của Kitô hữu: “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo!” (Lc 9,23).
4.2. Thánh giá.
Sau khi Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết, lên trời vinh hiển thì cây THẬP TỰ GIÁ trở thành một báu vật của nhân loại và được gọi là THÁNH GIÁ bởi vì cây thập giá ấy đã được diễm phúc làm nơi cho Thánh Tử Giêsu yên nghỉ. Đối với những người có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô thì cây thập giá biến thành cây THÁNH GIÁ và là biểu tượng của niềm tin. Khi dâng thánh lễ, trên bàn thờ phải có cây thánh giá.
5. Kết luận.
Kitô hữu luôn kính mến cây giá đóng đinh Chúa Giêsu là thánh giá, bất kể vật chất hay phi vật chất. Ví dụ chúng ta thường nói làm dấu thánh giá, hay khi chúc lành, giáo sĩ cũng dùng tay làm dấu thánh giá.
Không chỉ trong Kinh Tin Kính ghi là Chúa Giêsu “chịu đóng đinh trên cây thánh giá[6]”, mà các kinh xưa của Giáo Hội tại Việt Nam, khi nhắc đến cây thập giá đều dùng thuật từ thánh giá. Như khi ngắm Năm Sự Thương “Thứ bốn thì ngắm: Đức Chúa Giêsu vác cây thánh giá “. Hay chặng đàng thánh giá, chặng thứ hai: “Đức Chúa Giêsu xê vai lại mà vác lấy thánh giá”; chặng thứ năm: “Quân dữ bắt ép ông Simon vác đỡ thánh giá với Chúa[7]”.
Đây là một ý nghĩa hay của Giáo Hội tại Việt Nam, nhưng nên chăng chúng ta cần phân biệt cái giá trước và sau khi đóng đinh Chúa, tức là thập giá và thánh giá.
______________________
[1] x. nghĩa chữ thánh ở các trang 265, 411, 564, 574, 580, 584, 589, 593.
[2] Lê Văn Đức, TỪ ĐIỂN VIỆT NAM, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970.
[3] Đào Duy Anh, HÁN VIỆT TỪ ĐIỂN, in lần thứ ba, nxb. Trường Thi, Sài Gòn, 1957.
[4] Lm. Eugène Gouin, MEP, DICTIONNAIRE VIETNAMIEN CHINOIS FRANÇAIS, D’Extrême Orient, Sài Gòn, 1957.
[5] Nguyễn Lân, TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ HÁN VIỆT, nxb. TP.HCM, TP.HCM, 1989.
[6] MỤC LỤC NHỰT KHOÁ, nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2004, tr. 94.
[7] sđd. tr. 190, 193.