Con Đường
5.5
Thứ Sáu trong tuần thứ Tư Mùa Phục Sinh
Cv 13:26-33; Tv 2:6-7,8-9,10-11; Ga 14:1-6
Con Đường
Cũng trong khung cảnh bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đang nói cho các tông đồ những lời rất thân tình, tha thiết. Ngài báo cho họ biết Ngài sẽ ra đi, đi đến một nơi mà họ rất lạ. Nhưng Ngài hứa sẽ trở lại đón họ để cùng đưa họ đến nơi đó. Ông Tôma tò mò hỏi: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi ?”. Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. Nghĩa là: mục tiêu hành trình của mọi người là về với Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu chính là người dẫn đường, hơn nữa Ngài chính là con đường đẫn ta đến đích điểm đó.
Đọc Tin Mừng theo thánh Gioan ta hiểu hơn về Chúa Giêsu Đấng mạc khải qua kiểu nói Ta là. Ta là Ánh sáng (8,12), sự sống (14,6), tình yêu (1Ga 4,8), chủ chiên (10,14), cửa chuồng chiên (10,7), là đường đi (14,6).
Ai trong chúng ta không phân biệt con đường ? Có đường hẻm, đường rừng, đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường liên tỉnh, đường quốc tế, đường không gian. Con đường nào cũng quan trọng, vì con đường nào cũng dẫn tới một đích điểm. Dân Do thái sống thời du mục, cho nên đường hẻm, đường mòn, đường rừng đóng một vai trò thiết yếu hơn cả nhà ở. Chúa Giêsu đã dùng ngay hình ảnh đó để nói về Ngài: “Ta là đường” (c.6). cuộc xuất hành của dân Do thái là một con đường đi về đất hứa (Xac 13,21). Tiên tri Eâlia cũng đi con đường rừng lên núi Horeb (1V 19,1t). Trong Tân ước cũng nói đến những con đường thả bộ như đường Jerichom là nơi Chúa chữa cho một người mù (Mc 10,46), con đường của dụ ngôn người Samaritanô (Lc 10,30-37), con đường vào thành Giêrusalem ngày lễ Lá (Lc 19,28), con đường núi Sọ, con đường Emmaus (Lc 24,13t).
Mỗi con đường đều có một kỷ niệm, mỗi con đường đều có mục dích. Con đường nào cũng nối ít nhất là hai điểm với nhau. Con đường nào cũng là để đi tới. Nhờ con đường mà người ta giao tế, liên lạc gặp gỡ nhau, cũng nhờ có con đường mà giải quyết được nhiều chuyện như vấn đề kinh tế. Hầu như càng văn minh thì con đường càng nhiều, giăng mắc như hệ thống thần kinh vậy.
Trên phạm vi tự nhiên thân xác còn có con đường để đi lại để rồi mới có thể kiến tạo một cuộc sống hoàn bị, tươi đẹp, thì linh hồn cũng cần có một con đường. Con đường của linh hồn có hai thứ: con đường tốt và con đường xấu. Con đường xấu được Kinh thánh mô tả là con đường cong (Cn 21,8), là đường tội lỗi (Tv 1, 1. Hđ 21, 10), đường của ác nhân (Tv 1, 6. Gr 12, 1). Đường đó dẫn đến sự hư mất (Tv 1,6) và cái chết (12, 28). Ngược lại, con đường tốt là con đường nhân đức, là con đường ngay thẳng, toàn thiện (1Sm 12, 23. 1V 7, 36. 1C 12,31), là đường chân lý (Tv 119, 30. Tb 1, 3), bình an (Lc 1, 79), là con đường của sự sống (Cn 2,19.5,6), trường thọ và thịnh vượng.
Chúa Giêsu đã tự xưng mình là đường và Ngài mời gọi chúng ta bước theo Ngài trên con đường Ngài đã đi là con đường Thánh giá (Mt 16, 23. Lc 24, 26). Thánh Phaolô bảo: cuộc đời dương thế của chúng ta là con đường mà người ta đi là lữ khách (Dt 3, 14). Ngài nhấn mạnh: trên con đường đó, chúng ta phải đi (Col 2,6) hơn nữa phải chạy đua với người khác nữa. Chúng ta biết khi chạy đua thì chỉ phát phần thưởng vào cuối cuộc đua chứ không ai phát phần thưởng từ đầu bao giờ. cho nên mọi người phải cố gắng cật lực…
Ðường về quê trời có nhiều thử thách nhưng người đồ đệ có thể vượt qua dễ dàng nếu biết để cho Chúa hướng dẫn, để cho Chúa đưa mình đến nơi Chúa muốn. Bí quyết căn bản của đời sống Kitô là để cho Chúa tự do hướng dẫn mình đi, là biết cộng tác với ơn Chúa, là để cho Chúa Giêsu Kitô chiếm hữu như thánh Phaolô tông đồ ngày xưa, ngài đã bộc lộ cho những người con tinh thần của ngài bí quyết đời Kitô, đó là: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi. Kiếp sống tôi đang sống, tôi muốn sống trong niềm tin hoàn toàn vào Ðấng đã yêu thương tôi và trao nộp chính mình cho tôi”.
Trên con đường chạy đua, có người thấy con đường của mình dài thòng, xa xôi, vất vả nên bỏ cuộc. Có người chạy được ít bước đã ngoái cổ lại xem mình chạy bao xa mà trẽ lối. Có người chạy đua mà khinh đối thủ, chỉ la cà bên đường để rồi chẳng bao giờ về tới đích. Có người thì chạy hăng hái quá mà chệch đường, chạy lạc lối. Có người chạy trước mà về sau.
Là một lực sĩ chạy đua, người ta khem khổ hy sinh, vất vả tập dượt, dùng sức mạnh ý chí… huống chi là trên con đường về Trời, chúng ta phải vất vả đến độ nào. Cuối chặng đường mỗi người là Thiên Chúa Cha đúng giang tay đón chờ ôm đứa con vào lòng..