Củng cố đức tin
4.5 Thứ Năm trong tuần thứ Tư Mùa Phục Sinh
Cv 13:13-25; Tv 89:2-3,21-22,25,27; Ga 13:16-20
Củng cố đức tin
Ðó là những lời Chúa Giêsu tâm sự với các tông đồ vào lúc khởi đầu cuộc khổ nạn của Ngài, loan báo tương lai cuộc sống của các tông đồ sẽ như thế nào. Nhưng tại sao Giáo Hội lại chọn để chúng ta suy niệm đoạn Phúc Âm này trong những ngày của mùa phụng vụ Phục Sinh? Những gì đã xảy ra đúng theo như lời Kinh Thánh và theo lời loan báo trước của Chúa, nhằm củng cố các tông đồ và cả chúng ta ngày hôm nay trong đức tin vào Chúa. Tin Chúa là Thiên Chúa, là Ðấng Hằng Hữu, là Ðấng Ta Là, “Ta bảo các con điều đó ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy ra để đến khi sự việc xảy ra, các con tin Ta là Ðấng Hằng Hữu, là Thiên Chúa”.
Bản văn Tin Mừng thánh Gioan dùng từ “Ta là Ðấng Ta Là”, từ dùng để chỉ chính Giavê Thiên Chúa. Trong ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu, các tông đồ và mỗi người chúng ta được mời gọi suy niệm những lời Chúa Giêsu có liên quan đến vận mệnh tương lai của những ai làm đồ đệ Chúa. Trước hết là hồng ân được Chúa sai đi, được đại diện cho Ngài “Ai đón rước kẻ Ta sai là đón rước Ta và ai đón rước Ta là đón rước Ðấng đã sai Ta”. Ðó là chiều dọc từ con người lên cùng Thiên Chúa Cha qua Chúa Giêsu Kitô. Mọi đồ đệ của Chúa cần phải duy trì trọn vẹn chiều dọc này. Ðây là hồng ân Chúa ban cho những con người Chúa chọn làm kẻ đại diện của Ngài, mang sứ điệp của Ngài đến cho anh chị em khác và hồng ân này có thể bị mất đi do chính quyết định tự do của con người như trường hợp của Giuđa ngày xưa, người môn đệ phản Thầy, “Ta biết những kẻ Ta đã chọn, kẻ ăn bánh cùng Ta đã giơ gót chân đạp Ta”.
Lời cảnh tỉnh của Chúa thôi thúc mỗi người chúng ta xét lại cuộc sống làm đồ đệ theo Chúa của mình đang ở mức độ nào. Chúng ta sẽ làm đại diện cho Chúa một cách hữu hiệu hơn nếu chúng ta trở nên giống Chúa hơn và chia sẻ vận mệnh của Chúa: “Tôi tớ không hơn chủ; kẻ bị sai đi không trọng hơn người sai họ”. Chúa đã đi qua con đường thập giá, thì đồ đệ của Ngài chắc chắn cũng sẽ đi qua con đường này. Hơn nữa, cám dỗ phản bội Chúa như Giuđa ngày xưa luôn là cám dỗ thường hằng của mọi môn đệ Chúa cả ngày hôm nay. Chúng ta hãy tỉnh thức đề phòng.
Sau khi rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nói lên ý muốn duy nhất của Ngài là chính các môn đệ cũng hãy làm như vậy đối với nhau và đối với người khác, bởi vì chẳng tẽ một môn sinh hay một sứ giả lại đòi được hưởng một danh dự, một phẩm giá lớn hơn Thầy mình, lớn hơn người sai mình sao. Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
Thật ra, chính Chúa Giêsu đã mạc khải là Ngài đã không làm gì khác hơn là noi gương Chúa Cha: Chúa Con không làm gì mà không thấy Chúa Cha làm trước. Chúa Cha đã làm việc luôn để chứng tỏ lòng Ngài yêu thương săn sóc con người, nhất là những người nghèo khổ, những kẻ tội lỗi, thì Chúa Giêsu khi đến trần gian Ngài đã cho mọi người thấy Ngài chính là hiện thân của tình thương Thiên Chúa giữa nhân loại. Chúa Giàu có quyền đòi hỏi con người đón nhận Ngài như đón nhận Thiên Chúa, Đấng đã sai Ngài, bởi vì Ngài và Cha Ngài là một, ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha. Người Do Thái không tin, đã cho đây là một lời lộng ngôn đáng bị ném đá chết, nhưng đối với những ai chấp nhận tin Chúa, thì không thể tách rời Ngài ra khỏi Chúa Cha.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu như muốn khẳng định rằng: nếu là người môn đệ chân chính, sẽ nói lời của chính Thiên Chúa, và như thế thì: “Ai đón nhận kẻ Thầy sai là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy”.
Muốn làm được điều đó để cho mọi người nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, chúng ta phải mặc lấy chính tâm tình của Chúa Giêsu, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài khi phục vụ con người cách vô vị lợi trong sự khiêm tốn…
Có thế chúng ta mới lưu lại cho người đương thời và hậu thế gia tài quý giá là chính Chúa Giêsu, nhờ đó, con người hôm nay và mai sau mới nhận ra Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống ngang qua đời sống và hành vi của chính chúng ta.
Mong sao mỗi người chúng ta biết được điều đó để thi hành, ngõ hầu trở thành người có phúc như Chúa Giêsu đã nói: “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!”. Ngược lại, chúng ta đừng như Giuđa, kẻ phản thầy mà hôm nay, Chúa Giêsu đã tiên báo một cách đau đớn: “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con”
Tin Mừng hôm nay là những lời trăng trối sau cùng của Thầy Giêsu đối với các môn đệ trước khi Người bước vào cuộc thương khó. Sau khi cúi xuống rửa chân cho từng môn đệ, Chúa Giêsu căn dặn các ông chú ý phục vụ lẫn nhau như Người đã phục vụ. Hơn nữa khi phục vụ người khác là chúng ta đang phục vụ chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhắc lại lời của Đavít “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Tv 41,10) như để nhắc nhở trong số các môn đệ, có người sẽ phản bội bán Chúa, nhưng không vì thế mà các ông lãng quên bổn phận phải phục vụ. Chính Thiên Chúa biết trước tất cả những bội phản sẽ xảy ra, nhưng Người vẫn yêu thương và yêu đến cùng. Ở đây có một sự kết nối rất chặt chẽ, khi thực thi bác ái, đón tiếp tha nhân là chúng ta đón tiếp chính Thiên Chúa. Tương quan của chúng ta với Thiên Chúa chỉ triển nở và bền lâu nếu chúng ta duy trì tương quan với tha nhân. Ngược lại, khi từ chối tha nhân là chúng ta từ chối chính Thiên Chúa. Không phải chúng ta đến với Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đã đến với chúng ta trước. Người đã đến và tự nguyện ở lại, mang vác mọi gánh nặng khổ đau và tội lỗi của kiếp người. Chúa Giêsu đã trao hiến để lấp đầy mọi khiếm khuyết nơi chúng ta, đã chết để chúng ta được sống và sống dồi dào.
Trong cuộc sống, giữa dòng đời ngược xuôi, biết bao lần chúng ta đã bước qua nhau mà không quan tâm để ý đến những nhu cầu cần thiết của người khác, không biết có một người đang cần chúng ta giúp đỡ. Trong đời sống thiêng liêng, biết bao lần chúng ta cũng bỏ qua lời mời gọi của Thiên Chúa, khi từ chối thực thi tình bác ái đối với tha nhân, khi từ chối trở nên chứng nhân của tình yêu thương. Biết bao lần Chúa mời gọi chúng ta tham dự vào mầu nhiệm Cứu Chuộc của Thiên Chúa nhưng chúng ta lại từ chối mải mê chạy theo những cám dỗ mời mọc ngọt ngào của thế gian vật chất, của đam mê xác thịt.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét lại cuộc sống xem chúng ta đang là môn đệ của Chúa ở mức độ nào. Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai không lớn hơn người sai đi. Chúa đã đi qua con đường Thập giá, thì chắc chắn người môn đệ của Ngài cũng không có con đường nào khác hơn.