2023
An nghỉ trong Chúa
An nghỉ trong Chúa
_______
Ngày nay trong các bản cáo phó có rất nhiều kiểu báo tin về người đã qua đời, có thể nói thiên hình vạn trạng, như: An nghỉ (nghỉ yên) trong Chúa; được (Thiên) Chúa (thương) gọi về; (vĩnh viễn) ra đi về với Chúa (nhà Chúa); (trở) về nhà Cha (nước Chúa), qua đời, tạ thế, từ trần, vừa (đã) hoàn tất hành trình trần thế (hành trình đức tin Công giáo, cuộc đời thánh hiến), đã mãn phần trong tay Chúa và Mẹ Maria…
Bên Phật giáo cũng có nhiều cách nói, như: An giấc nghìn thu; mãn phần; (an nhiên) thu (thâu) thần thị tịch (viên tịch, tịch diệt), nhập cõi niết bàn; thuận lý vô thường; tiêu diêu nơi miền cực lạc; viên tịch..
Riêng về phía Công giáo, cách nói nào thích hợp hơn. Thiết tưởng cần tìm về truyền thống của Giáo Hội.
1. Truyền thống.
Các mộ bia Công giáo thường có ghi những chữ R.I.P., viết tắt của “Requiescat in pace” (Rest In Peace: Hãy an nghỉ). Câu này đến từ lời nguyện của lễ an táng: “Anima eius et animae omnium fidelium defunctorum per Dei misericordiam requiescant in pace: Nhờ lượng từ bi Chúa, xin cho linh hồn ấy và linh hồn các tín hữu đã qua đời được nghỉ ngơi bình an”.
Tượng tự cũng tìm thấy trong Isaia 57, 2: “The just man enters into peace; There is rest on his couch for the sincere, straightforward man: Người công chính bước vào cõi phúc bình an; Kẻ dõi theo đường ngay nẻo chính sẽ nghỉ ngơi trên giường của mình”: Câu này đã được tìm thấy trong tiếng Do Thái, trên bia mộ có niên đại từ thế kỷ I trước Công Nguyên, trong nghĩa trang của Beit She’arim, nói về người công chính đã chết, bởi vì anh ta không thể chịu được cái ác xung quanh mình. Câu tắt là “đến và nghỉ bình an” đã được chuyển thành lời cầu nguyện trong tiếng Talmudic cổ đại của thế kỷ III. Nhưng trước thế kỷ VIII, người ta chưa thấy câu “Requiescat in pace” trên mộ bia, sau thế kỷ XVIII thì rất phổ biến.
Thánh lễ an táng trong tiếng Anh thường được gọi là A requiem hay Requiem Mass, vì câu đầu tiên trong ca nhập lễ là: “Requiem æternam dona eis, Domine, et lux perpetua luceat eis: Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy”. Truyền thống Giáo Hội luôn nhấn mạnh đến requiem: an nghỉ.
2. Thử tìm câu thích hợp.
Những lời báo tử cần thích ứng với niềm tin tôn giáo. Phật giáo có cách nói riêng, bên lương thì thường chỉ nói là “qua đời”, “tạ thế”, “từ trần”, Công giáo cũng cần có cách nói thích hợp. Những câu vừa nhắc đến đều có tính cách Công giáo, đa dạng, trăm hoa đua nở, như vậy cũng tốt, nhưng thử tìm câu thích hợp hơn.
Trong tất cả những câu nói đó, có câu “an nghỉ trong Chúa” có lẽ tốt hơn. Chúa là cùng đích của con người. Con người được tạo dựng theo hình ảnh Chúa, và phải trở về với Chúa, Chúa là niềm hoan lạc đời đời. Ngoài Chúa ra, không có gì tồn tại mãi mãi. Có Chúa mới có hạnh phúc thật. Chính Thiên Chúa đã phán: “Đích thân Ta sẽ đi, và Ta sẽ cho ngươi được nghỉ ngơi.” (Xh 33,14). Chúa Giêsu cũng nói tương tự: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Thánh Phêrô khuyên chúng ta: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1 Pr 5,7). Bài ca “An nghỉ trong Chúa” của Thanh Đan nói: “Khi tấm khăn phủ che thân xác con, con an nghỉ trong Chúa tình yêu”.
“Requiescat in pace” chỉ có nghĩa là “Nghỉ ngơi trong an bình”, và bài ca nhập lễ của lễ an táng: “Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời” cũng chỉ là nghỉ yên muôn đời. “An nghỉ trong Chúa” không những giữ được truyền thống của Giáo Hội, còn nhấn mạnh được sự bình an nơi Thiên Chúa.
3. Cách hành văn.
Trong cáo phó, người ta thường viết: “Trong niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh, gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc (đau đớn) báo tin (T.) đã được Chúa gọi về (an nghỉ trong Chúa)...”. Hình như người ta nhắm mắt viết cáo phó, mà không màng lưu tâm đến ý nghĩa của nó. Đã có “niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh”, đã “được Chúa thương gọi về” (hay an nghỉ), thì tại sao lại còn “vô cùng thương tiếc” được? Thật ra chỉ cần viết “trân trọng kính báo” thì thích hợp hơn: “Gia đình chúng tôi trân trọng kính báo (T.) đã được Chúa gọi về...”
4. Kết luận.
Các bản cáo phó từ sau năm 1975 có nhiều thay đổi, lồng vào ý nghĩa tôn giáo rất hay, nhưng cũng cần chú ý đến toàn diện. Nếu thấy người khác dùng một câu nào hay, chỉ nhắm mắt mà theo, thì nhiều khi lại phản lại ý tốt ban đầu.
Bài viết của Cha Stêphanô Huỳnh Trụ có sự đóng góp ý kiến và sửa lỗi của anh Phêrô Nguyễn Tâm Thành và bà Bernadette Pauline Lê Kim Ngọc Tuyết.
2023
TÌM GẶP CHÚA GIÊSU HÔM NAY
TÌM GẶP CHÚA GIÊSU HÔM NAY
Chủ đề: “Ngày hôm nay phải tìm gặp Chúa Giêsu trong Hội Thánh Người qua nghi thức bẻ bánh.”
Regina Riley có kể một câu chuyện mà nhiều bậc cha mẹ cần lưu tâm tới. Trong nhiều năm trời bà đã từng cầu nguyện cho hai cậu con trai trở về với đức tin… Thế rồi một buổi sáng Chủ Nhật nọ, ngay trong nhà thờ, bà không thể nào tin vào mắt mình nổi khi thấy hai đứa con bà bước vào nhà thờ ngồi vào hàng ghế đối diện bà. Sau đó bà liền hỏi hai cậu con rằng điều gì đã thôi thúc chúng trở lại với đức tin. Cậu nhỏ liền kể lại câu chuyện sau đây:
Vào một buổi sáng Chủ Nhật, vào thời gian nghỉ hè tại Colorado, hai cậu lái xe đổ xuống một con đường ở dốc núi, lúc đó trời đang mưa tầm tã. Bỗng nhiên họ gặp một cụ già không dù che, người ướt sũng đang bước đi dáng điệu khập khễnh. Dù mưa to, cụ vẫn hăng hái tiến bước trên đường. Hai anh em liền dừng xe mời cụ lên. Thì ra ông cụ đang trên đường đi lễ tại một nhà thờ ở cuối con đường cách đó ba dặm (quãng 5km). Hai anh em liền lái xe đưa cụ đến đó. vì trời mưa vẫn còn nặng hạt và chẳng biết làm gì hay hơn, nên hai anh em quyết định chờ đợi cụ già để mang cụ về lại nhà sau khi lễ tan. Nhưng ngay sau đó hai cậu liền nghĩ nếu thế thì nên vào luôn trong nhà thờ hơn là ngồi đợi ngoài xe, thế là trong khi hai anh em lắng nghe các bài đọc Thánh Kinh và tham dự việc bẻ bánh thì có một điều đã làm họ xúc động sâu xa. Về sau họ chỉ có thể cắt nghĩa với bà mẹ như thế này: “Mẹ ơi! Mẹ biết không, lúc bấy giờ giống như là chúng con trở về nhà sau một chuyến đi dài đằng đẵng đầy mệt mỏi”.
Câu chuyện về hai anh em và việc họ gặp gỡ cụ già xa lạ trên con đường vùng Colorado nêu bật được nét tương đồng sâu sắc chứa đựng trong bài Phúc Âm hôm nay.
Hai người môn đệ trên đường Emmau, đã từng một thời theo Chúa Giêsu với bao niềm hy vọng và nỗi vui mừng. Họ thực sự tin rằng Người được Thiên Chúa sai đến để thiết lập Vương quốc Thiên Chúa. thế rồi những giờ phút bão tố của thứ sáu tuần thánh đã xảy đến. Mọi niềm hy vọng và mộng mơ của họ tan thành ngàn mảnh vụn. Hoàn toàn thất vọng bỏ mặc Chúa Giêsu nơi nấm mồ cô quạnh và trở về nếp sống trước kia. Chính trong bối cảnh này, họ đã gặp người khách lạ trên đường đi Emmau vào buổi sáng Phục Sinh. Các môn đệ lắng nghe vị khách ấy, chăm chú nhìn vị này bẻ bánh và một điều gì đó xảy ra đã khiến họ xúc động sâu xa. Vị khách lạ này có xa lạ tí nào đâu mà chính là Chúa Giêsu Phục Sinh đang sống động trước mắt họ.
Hầu như một chuyện giống y như vậy đã xảy ra cho hai anh em nọ trên đường ở Colorado. Có một thời gian họ đã từng theo Chúa Giêsu mật thiết, từng tin thực Người là Con Thiên Chúa, được Chúa phái đến cứu chuộc thế gian. Thế rồi những ngày giông bão của tuổi thanh niên đã đến. Mọi hy vọng và mộng mơ của họ cũng tan thành ngàn mảnh vụn. Hoàn toàn thất vọng, họ bỏ mặc Chúa Giêsu nơi nấm mồ hiu quạnh để bước đi theo lối riêng của mình. và chính trong bối cảnh này họ đã gặp cụ già xa lạ trên con đường ở Colorado vào buổi sáng Chủ nhật trời mưa nọ. Cụ già đã nói với hai anh em về Chúa Giêsu không phải bằng lời mà bằng một hành vi gương mẫu đầy anh hùng. Ngay khi hai anh em lắng nghe, tâm hồn họ bắt đầu bừng cháy lên từ bên trong. Thế rồi trong lúc bẻ bánh nơi giáo đường, họ đã khám phá ra Chúa Giêsu mà họ đã đánh mất.
Câu chuyện các môn đệ trên đường Emmau và câu chuyện của hai anh em nọ trên đường Colorado cũng chẳng khác gì câu chuyện riêng của chúng ta. Chúng ta cũng từng gặp những giai đoạn bão táp trong đời khi mà đức tin chúng ta bị tan thành ngàn mảnh vụn. Trong những giai đoạn giông bão này, có lẽ chúng ta đã phạm tội chống lại Hội Thánh, có lẽ chúng ta đã hoàn toàn thất vọng đối với Hội Thánh, thậm chí còn đã từ bỏ Hội Thánh. Thế nhưng một ngày nọ chúng ta gặp được một kẻ nào đó… Có thể là một khách lạ — và qua người khách lạ này chúng ta tìm lại được Chúa Giêsu giữa lòng Hội Thánh Người trong nghi thức bẻ bánh.
Và như thế bài Phúc âm hôm nay chứa đựng một sứ điệp quan trọng đối với chúng ta ngày nay — đặc biệt đối với những người đang tìm kiếm hoặc những người đã đánh mất Chúa Giêsu.
Thỉnh thoảng chúng ta nghe có người nói: “Tôi tin vào Thiên Chúa, tin vào Chúa Giêsu, nhưng tôi không tin vào Giáo hội”. bất cứ lúc nào nghe lời nói này, chúng ta hãy nhớ lại vị khách bộ hành khác đang cùng đồng hành với chúng ta trên đường. Chúng ta hãy nhớ lại trường hợp thánh Phaolô trên đường đi Damas. Sách Công vụ tông đồ ghi lại : “Bỗng nhiên một tia sáng từ trời loé lên quanh ông. Ông liền té xuống đất và nghe có tiếng nói: “Saolô, Saolê, tại sao người bắt bớ Ta?”. Phaolô liền hỏi: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Tiếng nói liền đáp lại: “Ta là Giêsu mà ngươi đang truy nã” (Cv 9: 3-5). Phaolô hoàn toàn bối rối. Ông nào có bắt bớ Chúa Giêsu, mà bắt bớ các môn đệ Người thôi! Thế rồi Phaolô chợt hiểu ra, Chúa Giêsu và các môn đệ Người là một. Cái này ở đâu thì cái kia ở đó giống như đầu và thân mình. Chia cắt Chúa Giêsu khỏi Hội Thánh Người, tức cộng đồng các môn đệ Người, thì cũng giống như tách rời chiếc đầu ra khỏi thân mình vậy.
Nhiều năm sau, Phaolô đã diễn tả mầu nhiệm này trong thư gởi tín hữu Côlôsê như sau: “Chúa Giêsu là đầu thân thể Người, tức Hội Thánh, Người là nguồn sống cho thân thể” (Cl 1: 18). Ngày hôm nay, nếu chúng ta muốn tìm gặp Chúa Giêsu Phục Sinh thì chúng ta phải tìm Người theo lối các môn đệ đã tìm được gặp Người trên đường Damas, theo lối hai anh em nọ tìm được Người trên con đường Colorado tức là tìm gặp Người giữa lòng Hội Thánh, tìm gặp Người trong nghi thức bẻ bánh.
Lạy Chúa Giêsu, xin nhân từ nhìn đến những kẻ đã bỏ Ngài chết mặc nơi nấm mồ hiu quạnh.
Xin đến với họ như Ngài đã đến với các môn đệ trên đường Emmau.
Xin cắt nghĩa Thánh Kinh cho họ lần nữa,
Xin khơi dậy ngọn lửa đức tin vẫn còn leo lét trong tim họ.
Xin ngồi xuống đồng bàn với họ,
Xin Ngài tỏ lộ ra cho họ lần nữa, giữa lòng Hội Thánh Ngài, và trong nghi thức bẻ bánh.
2023
HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN
HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN
Luca 24:13-35
Vào đêm Phục Sinh vừa qua, theo báo cáo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, có hơn 37,000 người trên toàn quốc được tháp nhập vào Giáo Hội Công Giáo La Mã, riêng trong TGP Galveston-Houston đã có trên 2,000 người được lãnh nhận các bí tích tháp nhập sau một thời gian học đạo, kéo dài từ tháng Tám năm trước cho đến tháng Tư năm nay, tổng cộng khoảng nửa năm.
Có thể nói thời gian học đạo này tương tự như hành trình Emmau hôm nay của hai môn đệ. Các dự tòng được học hỏi về Thiên Chúa Ba Ngôi, về Giáo Hội, các bí tích và đời sống luân lý, v.v., nhưng đó chỉ là các kiến thức căn bản về Giáo Hội Công Giáo để giúp họ bước trên một hành trình tinh thần mà mục đích sau cùng là trở nên thánh thiện, trở nên giống Đức Kitô.
Hai môn đệ trên đường Emmaus cũng được nghe giảng dạy, được tiếp xúc với Chúa Giêsu, nhưng những giảng dạy đó có ảnh hưởng gì đến lối suy nghĩ, đến đời sống của họ hay không, đó là điều quan trọng.
Bài phúc âm cho thấy họ đi theo Chúa Giêsu nhưng họ không thay đổi cái nhìn về Đấng Mêsia, Đấng Cứu Thế. Họ mong đợi một sự giải thoát không phải về tinh thần nhưng về đời sống vật chất – thoát khỏi vòng nô lệ của ngoại bang. Họ mong muốn Đấng Mêsia chiến thắng vẻ vang nên họ không thể chấp nhận Người phải đau khổ và thất bại, và vì thế họ không thể hiểu được ý nghĩa phục sinh của Chúa Giêsu. Có thể nói họ từ giã Giêrusalem giống như từ bỏ một con đường mới của Chúa Giêsu để trở về nếp sống cũ.
Tương tự như thế, nhiều khi chúng ta theo Chúa nhưng chúng ta cũng không thay đổi lối sống cũ của mình, chúng ta vẫn trông đợi những điều nặng về vật chất hơn tinh thần. Có thể nói, chúng ta không thoát khỏi ảnh hưởng của đời sống trần tục mà danh vọng, quyền thế và giầu sang là những gì lôi cuốn chúng ta hơn là niềm vui của một đời sống thanh khiết và thánh thiện.
Sự kiện Chúa Kitô chịu khổ hình thập giá, chịu nhục nhã trước mặt người đời, điều đó giúp chúng ta nhận thấy rằng lối sống hình thức bề ngoài thì không quan trọng bằng đời sống nội tâm. Một tâm hồn thanh khiết, thánh thiện thì vui sướng vì làm chủ được chính mình và luôn có bình an, họ không bị lay chuyển bởi ảnh hưởng của thế tục, và không xấu hổ khi bị sỉ nhục, bị vu oan, bị chèn ép cách bất công.
Tương tự như thế, nhiều khi chúng ta nhầm lẫn đời sống thánh thiện với các hình thức đạo đức bên ngoài, tỉ như đọc kinh, xem lễ, lãnh nhận các bí tích. Chúng ta thi hành các việc đạo đức đó hàng tuần, ngay cả hàng ngày, mà không nhận ra rằng đó chỉ là các phương tiện để giúp chúng ta chiến thắng được bản tính yếu đuối của mình và thay đổi trở nên con người mới hàng ngày – đó là ý nghĩa của sự phục sinh.
Hành trình đức tin của chúng ta chắc chắn sẽ gặp nhiều thách đố khi đứng trước những vấn đề không thể giải thích, nhất là khi không có được những điều chúng ta cầu xin và mong chờ nơi Thiên Chúa. Nhiều tín hữu Kitô chỉ còn trên danh nghĩa chứ không còn thực sự sống đạo khi phải đương đầu với những đau khổ, những thử thách trái với ý muốn của mình.
Qua bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta hãy thử tìm hiểu xem làm thế nào để chúng ta có thể giữ vững đức tin nơi Thiên Chúa khi bị thử thách?
Trước hết, cũng như hai môn đệ đã tìm lại được niềm tin sau khi lắng nghe Người Khách Lạ giải thích Kinh Thánh thì chúng ta cũng phải dành thời giờ để học hỏi và tìm hiểu Thiên Chúa qua Kinh Thánh. Với phương tiện internet ngày nay, chúng ta có thể dành thời giờ để học hỏi Kinh Thánh trên mạng rất thuận tiện.
Kinh Thánh là bộ sách ghi lại những mặc khải của Thiên Chúa, đó là những điều Thiên Chúa muốn tiết lộ cho loài người qua miệng các ngôn sứ. Trong Kinh Thánh chúng ta tìm thấy những chân lý về Thiên Chúa, về sự sống đời sau và về hạnh phúc đích thật của con người.
Trong Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy những gì cần phải tin, được gọi là nội dung đức tin, và người Công Giáo tuyên xưng đức tin này hàng tuần trong kinh Tin Kính của Thánh Lễ Chúa Nhật. Được gọi là nội dung đức tin, điều đó có nghĩa đức tin phải được chấp nhận cách trọn vẹn và toàn thể. Chúng ta không thể chỉ chấp nhận những gì mình muốn tin và từ chối những gì mình không muốn tin.
Thực tế đời sống cho thấy, một trong những điều khó khăn cho đời sống đức tin là khi chúng ta tuyên xưng: “tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Một ý nghĩa của lời tuyên xưng này là chúng ta phải tin những gì Giáo Hội dạy về đức tin và luân lý. Đây là điểm tế nhị và khó khăn bởi vì nó đụng chạm đến đời sống, sự tự do của con người và đòi hỏi sự vâng phục.
Sống trong xã hội ngày nay, với những tiến bộ khoa học chúng ta bị giằng co giữa những hiểu biết khoa học và những lời khuyên của Giáo Hội về luân lý. Thí dụ, vấn đề ngừa thai nhân tạo. Giáo Hội nhìn thấy những nguy cơ về luân lý khi vợ chồng sử dụng thuốc ngừa thai nên đưa ra những lời khuyên với mục đích duy trì hạnh phúc hôn nhân. Không may, nhiều người Công Giáo coi đó là những ngăn cấm, đi ngược dòng tiến hóa và bởi đó họ không muốn lắng nghe ngay cả những dạy bảo khác của Giáo Hội. Đó là sự thiệt hại cho cá nhân, bởi vì Giáo Hội luôn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong những quyết định liên quan đến tín lý và luân lý, để giúp giáo dân được hạnh phúc khi sống theo đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa.
Điểm thứ hai giúp chúng ta có thể giữ vững đức tin khi đứng trước những sự kiện khó hiểu là chúng ta phải có một ý thức rõ ràng về sự đau khổ. Hai môn đệ trên đường Emmaus bị chao đảo đức tin một phần là vì họ có thành kiến xấu về sự đau khổ. Đối với họ đau khổ là hình phạt của Thiên Chúa, là hậu quả của tội lỗi, do đó người đau khổ thì đáng khinh hơn là đáng thương.
Nhưng trong Kinh Thánh, các ngôn sứ đã tiên đoán về một Đấng Mêsia phải chịu đau khổ, phải chịu hy sinh để giải thoát Israel. Ngay trong bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu cũng xác nhận rằng “Đức Kitô cần phải chịu khổ hình như thế rồi mới được vinh quang” (c. 26), và trong phúc âm Mátthêu (25:31-46), Chúa Giêsu còn đồng hoá chính mình với những người đau khổ, hèn kém nhất trong xã hội để chúng ta đừng khinh bỉ những người bất hạnh, xấu số.
Sự đau khổ đối với Chúa Kitô là một phương tiện để diễn đạt tình yêu và đem lại ơn cứu độ. Đây là điểm được Chúa Giêsu nhắc cho hai môn đệ nhớ lại những gì Chúa đã nói trong bữa Tiệc Ly qua việc bẻ bánh: Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu, và rồi hai môn đệ mới nhận ra người khách lạ là Chúa Giêsu, họ nhận ra ý nghĩa của sự đau khổ – thập giá không còn là một bất hạnh nhưng thập giá Chúa Kitô là một diễn đạt cao quý của tình yêu.
Đó là một chân lý có thể áp dụng cho mọi hoàn cảnh và mọi người. Người theo Chúa Kitô thì thể hiện tình yêu qua một lối sống chấp nhận sự đau khổ, không trốn tránh những hy sinh. Dù những hy sinh nhỏ bé cũng có một giá trị cứu độ – như Chúa Giêsu nói trong Ngày Phán Xét khi những người công chính hỏi Chúa rằng, “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; … là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?’ Đức Vua sẽ đáp lại rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy’.” (Mt 25:37-40)
Đây là một Tin Mừng cần được loan báo. Bởi vì, chúng ta không cần phải thực hiện những hy sinh lớn lao như Chúa Giêsu, nhưng chỉ cần lưu tâm để ý đến những người chung quanh, nhất là những người bất hạnh hơn chúng ta để giúp đỡ, chia sẻ.
Khi vợ chồng cố gắng sống chung thuỷ với nhau, đó là một hy sinh trước những cám dỗ đầy dẫy trong xã hội, nhưng nếu không có sự hy sinh đó thì tình yêu mà vợ chồng trao cho nhau cũng chẳng có gì đáng kể.
Cha mẹ nuôi dưỡng con cái để trở nên một người mà Thiên Chúa muốn và con cái muốn chứ không phải là người mà cha mẹ muốn. Đây là một hy sinh ý riêng để tuân theo thánh ý của Thiên Chúa dành cho con cái của mình. Nếu không có sự hy sinh ý riêng này thì tình thương của cha mẹ chỉ là một hình thức ẩn giấu của sự ích kỷ và tham vọng cá nhân.
Khi bị đau khổ vì bệnh tật, hay vì người khác gây ra đau khổ cho chúng ta, thay vì căm thù, oán trách, thay vì chán nản tuyệt vọng, chúng ta can đảm chấp nhận thì sự hy sinh đó là một minh chứng cho mọi người thấy được sức mạnh của tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và tha nhân.
Kết quả của hành trình Emmau của hai môn đệ mở đầu cho một nếp sống mới – họ không còn sợ hãi bị cầm tù, và ngay cả sự chết bởi vì họ nhận ra rằng những thành công, danh tiếng và giầu sang ở đời này rồi sẽ qua đi, nhưng những đau khổ hy sinh vì tình yêu thì đem lại hạnh phúc đời sau.
Hành trình đức tin của mỗi người chúng ta cũng phải trải qua những thử thách, nhiều khi rất cam go, nhưng những hy sinh đó không phải là vô giá trị, bởi vì đó là con đường của Chúa Kitô và Người đang đồng hành với chúng ta để ban ơn thêm sức và giúp chúng ta thay đổi để trở nên một con người mới trong ý nghĩa phục sinh – chết đi con người cũ và sống lại trong con người mới. PVN
2023
CHÚNG TA LÀ NHỮNG LỮ KHÁCH EM-MAU
CHÚNG TA LÀ NHỮNG LỮ KHÁCH EM-MAU
Luca 24:13-35
Thánh Lu-ca chỉ kể lại hai cuộc hiện ra của Chúa Phục sinh (24,13-33 và 24,36-49), còn cuộc hiện ra thứ ba (x. câu 34) thì ông chỉ nói rất vắn gọn. Thêm nữa, cuộc hiện ra đầu được ban cho hai môn đệ, vốn chẳng có vai trò nào trong Tin mừng Lu-ca lẫn Công vụ Tông đồ, được kể dài dòng hơn cuộc hiện ra thứ hai, vốn xác nhận Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang ở với họ như những chứng nhân chính thức của cuộc Phục sinh. Sau cùng, đối với Phê-rô, Lu-ca nêu lên cuộc hiện ra dành cho ông, nhưng chẳng kể lại. Dù thế, đây là cuộc hiện ra đầu hết và quan trọng hơn cả.
Trình thuật “hai môn đệ làng Em-mau” có mục đích cho thấy làm sao sau khi đã trò chuyện với Chúa trên đường (cc.13-27), cuối cùng họ đã nhận ra Đức Giê-su khi dùng bữa tối (cc.28-35); nó chẳng chứa việc sai đi truyền giáo nào cả. Sở dĩ Lu-ca gán cho nó tầm quan trọng lớn lao, là vì ông muốn lôi kéo các độc giả vào, cho họ thấy câu chuyện mang tính thời sự và một giá trị thường xuyên đối với họ. Đời sống Giáo hội, với những cuộc hội họp thờ phượng, lúc đưa ra lời giải thích Thánh Kinh và xảy ra việc cử hành Thánh Thể, chính là nơi mà tín hữu có thể nhận ra hôm nay sự hiện diện của Đấng Phục Sinh. “Bạn đường vô danh của ông Cơ-lê-ô-pát mang tên của mỗi một tín hữu” (Charles Perrot) đang đọc hay nghe trang Tin mừng thời danh này.
Hy Vọng Rồi Tuyệt Vọng
“Hỡi những kẻ ngu độn và trí lòng chậm tin vào mọi điều các tiên tri đã nói! Thế thì Đức Ki-tô lại không phải chịu khổ nạn như thế đã, rồi mới vào vinh quang của Người sao ?” (bản dịch của Nguyễn Thế Thuấn). Ngay cả trong ngày Phục sinh, ngay cả khi hát Alleluia, chúng ta cũng hãy để cho Đấng Sống Lại “đối xử thô bạo” với mình như thế. Có lẽ khi nói những lời ấy, Đức Giê-su đã nở nụ cười của lối mắng yêu, và hai môn đệ cũng nhanh chóng mỉm cười; rất tốt khi được Người, Đấng Hằng Sống, gọi là ngu độn!
Hãy trao đổi cũng nụ cười ấy với Người. Vì chúng ta cũng là những lữ khách Em-mau. Chúng ta tiến bước trên con đường đời mình với nhiều hy vọng đầu tiên rất ư thuần khiết, rồi ngày càng pha trộn, pha trộn chất Ki-tô giáo lẫn chất ngoại giáo, sáng sủa lẫn tối mờ, xả thân và ích kỷ. “Chúng tôi đã từng nuôi hy vọng chính Người sẽ giải thoát Ít-ra-en”, hai môn đệ nói thế, hàm ý Người sẽ lên ngôi vinh hiển để họ cũng được thông phần, và chúng ta cũng y như họ. Rồi các thất vọng đã đến: với Đức Giê-su thế là chấm dứt vĩnh viễn. Mộng vàng nay đã tan mây! Trở về làng cũ cấy cày cho xong!
Thình lình xảy ra cuộc Gặp gỡ. Khó tin đến nỗi thoạt tiên hai môn đệ chẳng thấy gì: “Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ”. Nhưng họ chẳng nhận ra Người, một đàng vì tham vọng tiêu tùng đã làm ý thức họ mờ tối, đàng khác vì cuộc Phục sinh đã làm cho hình dạng bên ngoài của Đức Giê-su thay đổi. Chúng ta từng có cuộc gặp gỡ giống thế nhưng cũng đã khép kín như họ trước cái không ngờ: Thiên Chúa trước mặt chúng ta, Thiên Chúa ở với chúng ta!
Tuy nhiên, dẫu biết điều ấy, đức tin chúng ta vẫn không thức tỉnh đủ, con tim chúng ta quá chậm rì, chúng ta tiếp tục tiến bước trong cuộc đời như thể Người chẳng có đó. Vì chúng ta luôn mong ước bản thân Người hiển linh, Giáo hội Người hiển thắng.
Rạo Rực Rồi Bừng Sáng
Nhưng đôi khi tâm hồn cũng cháy lên: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” Kinh Thánh! Đừng hy vọng tiến tới trong đức tin nếu không đọc Kinh Thánh, tất cả Kinh Thánh, kho tàng lớn lao của Mạc khải mà hôm nay Đức Giê-su cho chúng ta chìa khóa để hiểu: “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình đã rồi mới vào trong vinh quang của Người”. Các ngôn sứ (tức Cựu Ước) đã tiên báo như vậy! Khó thấu hiểu, khó chấp nhận thật, tuy nhiên Đức Giê-su sẽ thân thương gọi chúng ta là ngu độn bao lâu chúng ta chưa thật sự nội tâm hóa bí mật của mọi bí mật này.
Quỹ đạo lớn đi từ thập giá đến vinh quang, đó chính là chuyện đời của Đức Ki-tô, chuyện đời của thế giới, chuyện đời của mỗi một con người. Ai hiểu con đường gian khổ này thì đã hiểu tất cả. Chúng ta chỉ có thể sống một cái gì đó với Đức Giê-su khi xin vâng đối với tình yêu, và lúc đó chúng ta cũng xin vâng đối với gian khổ. Ai nghĩ rằng yêu thương không phải trả giá gì hết thì xin mời đi chỗ khác vậy! Nhưng khi chúng ta đau khổ để thương yêu, thì sẽ thấy Đức Giê-su có đó.
Chẳng hoàn toàn như thế. Các môn đồ đã nhận lấy bí mật lớn lao, lòng họ đã rạo rực (“Xin ở lại với chúng tôi”), thế nhưng họ vẫn chưa nhận ra Người. Phải có cuộc bẻ bánh (tức Thánh Thể, Thánh Lễ) và lần này họ đã hiểu. Dẫu cho Người “biến mất trước mắt họ”, từ nay Người sẽ luôn có đó, ta sẽ có thể tiến bước với Người từ thập giá đến vinh quang. Ngay lập tức hai môn đồ có một phản xạ tốt: đi loan báo điều kỳ diệu: “Chúa sống lại thật rồi! “ Và tất cả trả lời: “Đúng thế”. Làm Ki-tô hữu sẽ là sống niềm xác tín đó và thông truyền đó ra.
Như thế đức tin chúng ta nẩy sinh nhờ ba yếu tố lớn, với ba thời điểm lớn: Lời Chúa, Thánh Thể và Chứng từ. Ba yếu tố này ngày nọ đã biểu lộ ra qua cuộc đối thoại giữa một tín hữu Công giáo (vốn là một tông đồ xã hội nổi tiếng) với một mục sư Tin lành. Vị mục sư nói với anh: “Tôi nghĩ rằng Kinh Thánh đã đủ giúp chúng ta gặp Chúa và hiểu Chúa thực sự rồi. Thánh lễ chỉ là bịa đặt vô ích của Công giáo các anh” – “Thưa mục sư, tôi nghĩ rằng Thánh Kinh chưa đủ mà còn phải có Thánh Thể, Thánh Lễ nữa! Bằng chứng là câu chuyện hai môn đệ làng Em-mau. Khi nghe Đức Giê-su giải thích Kinh Thánh, họ chỉ mới thấy lòng rạo rực. Phải đợi đến lúc Người bẻ bánh, họ mới nhận ra được Người!” Đúng là Lu-ca đã đẽo gọt trang Tin Mừng này để nêu bật cho ta ba phương thế gặp gỡ Chúa (Thánh Kinh, Thánh Thể, Chứng từ) cũng như để biến nó thành sơ đồ của cuộc sống Ki-tô hữu: sống đời mình như một thánh lễ và thành thử như một việc chấp nhận thập giá mỗi ngày đời ta.
Một sự chấp nhận mà ngược đời thay, sẽ đem lại hạnh phúc: tiến về vinh quang Thiên Chúa cùng với Đức Giê-su! “Xin ở lại với chúng con” như thế là một lời tình yêu có nghĩa “Con muốn ở với Người”. PVL