2020
28 cách người Nhật dạy con
28 CÁCH NGƯỜI NHẬT DẠY CON
1. Trẻ em không cần phải quá thông minh. Thông minh, học giỏi không hẳn là một điều tốt, cái chính là cần có nhân cách tốt.
2. Môi trường nuôi dạy con cái là rất quan trọng. Khó có thể dạy dỗ một đứa trẻ nên người trong một gia đình hay xung đột, một trường học nhiều trẻ hư hay một khu phố có tệ nạn.
3. Không bao giờ hình thành cho trẻ một thói quen xấu. Không thỏa hiệp lợi ích ngắn hạn để hình thành thói quen xấu cho con. Ví dụ như: đứa trẻ không ăn, đừng bao giờ bật tivi cho con xem để xúc cơm. Để đạt được mục đích cho con ăn được thêm vài thìa gạo, mẹ sẽ phải đánh đổi bằng một thói quen xấu rất khó bỏ.
4. Tôn trọng trẻ em, biết đồng cảm với trẻ.
5. Luôn nói sự thật với con. Chỉ cần chú ý đến kỹ năng nói và cách nói là được. Không bao giờ tỏ ra “ngoại giao”, nói dối với người khác trước mặt con trẻ.
6. Không bao giờ thỏa hiệp với con dù biết trẻ sẽ mè nheo, phản đối. Thỏa hiệp chỉ khiến kết quả tồi tệ hơn.
7. Chế độ ăn uống cho con phải cân bằng
8. Trẻ con không bao giờ để mình bị chết đói. Không cần ép con ăn, lo con đói.
9. Bữa ăn phải được diễn ra trong ghế ăn. Không ngồi thì không ăn.
10. Bổ sung canxi cho trẻ nếu không thiếu thì không cần. Chỉ cần cho con chạy nhảy dưới ánh mặt trời, tắm nắng thường xuyên là được.
11. Cho trẻ mặc quần áo nên mặc nhiều lớp. Như vậy khi con nóng có thể cởi bớt, lạnh có thể khoác thêm. Chơi thể thao toát mồ hôi có thể bỏ ra.
12. Xác định con lạnh hay không bằng cách kiểm tra cổ.
13. Cho trẻ ăn trái cây thường xuyên và mỗi ngày.
14. Con có quyền quyết định những việc liên quan đến con.
15. Khi con được 4,5 tuổi, hãy dạy con cách tiêu tiền và cho con tiền tiêu vặt hàng tuần.
16. Ai cũng có thể bị bệnh, bị ốm. Do vậy khi một đứa trẻ bị cảm lạnh, bệnh nhẹ, đừng hoảng sợ. Không cần quá hoang mang.
17. Nếu việc con làm không ảnh hưởng đến sự an toàn của con, đến lợi ích của người khác, thì không được quá can thiệp vào hành vi của con.
18. Để trẻ chơi thoái mái, không giục giã.
19. Không phải cứ cái gì nguy hiểm cũng cấm con không được tiếp cận. Nên cho con biết nguy hiểm là như thế nào, xảy ra ở đâu, làm thế nào để tránh. Cho con tiếp cận với nguy hiểm trong phạm vi kiếm soát.
20. Cần để con có cơ hội tư trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Không nên nói trước kết quả với con. Hãy để bé tự khám phá, biết hậu quả, biết cách thành công, biết cả thất bại.
21. Dạy trẻ học cách chờ đợi.
22. Dạy trẻ chịu trách nhiệm về hành động của mình.
23. Dạy trẻ cách cho đi và nhận lại là quá trình hai chiều. Người nhận cũng phải biết ơn.
24. Hiện nay trong xã hội có rất nhiều phương pháp giáo dục sớm. Nếu không thực sự hiểu, không biết làm thế nào thì đừng làm và đừng ép con.
25. Phải đảm bảo mỗi ngày đều có thời gian dành cho con, chơi với con.
26. Luôn có cách khiến con cười ít nhất vài lần một ngày để duy trì tâm trạng tốt.
27. Dạy trẻ cách đối mặt với thất bại. Con có thể không hài lòng, có thể bỏ cuộc, có thể cố gắng làm tiếp một lần nữa. Nhưng dứt khoát không khóc, không được suy sụp.
28. Không bao giờ được đánh, tấn công bạn trước. Trong nhà trẻ, có thể thu hút sự chú ý của cô giáo và các bạn khác bằng cách hét lên…
[Lụm lặt]
2020
Trưởng thành trong đời tu
TRƯỞNG THÀNH NÓI CHUNG
Có một khái niệm về sự trưởng thành như sau:
Đó là khi tôi lớn lên,
Tâm hồn tôi trở nên mạnh mẽ
Để tôi can đảm đối diện cuộc đời.
Đôi mắt tôi đủ sáng,
Để tôi thấy đường mình đi.
Đôi chân tôi đủ khoẻ,
Cho tôi có thể tự bước.
Tôi có thể chạy thật xa,
Khi tôi gặp phải rắc rối.
Nhưng đó đâu phải cách,
Tôi có thể làm hoài
Rồi tôi phải đối mặt
“Phải”chứ không là “sẽ”
Dù chuyện gì có xảy ra
Trong lòng tôi sẽ được giải phóng,
Khỏi những ưu phiền bấy lâu nay…
Trưởng thành là vậy sao?[1]
Cách chung, trưởng thành không có nghĩa là khi chúng ta lớn lên về mặt thể xác thì đương nhiên chúng ta trưởng thành. Nhưng trưởng thành đòi hỏi cần phải có nhiều yếu tố, ở nhiều cấp độ và trên nhiều phương diện khác nhau. Có người trưởng thành về phương diện này nhưng lại chưa trưởng thành về phương diện khác. Chẳng hạn, một người dù đã 40 tuổi nhưng không có khả năng suy luận và phán đoán, thì không thể nào nói là người đó trưởng thành. Nhưng, nếu một người cũng 40 tuổi và có khả năng phán đoán và suy luận, mà lại có một lối sống bê bối, áp dụng sai lệch những phán đoán và suy luận, thì có thể nói người đó mới trưởng thành về mặt thể lý và trí năng, song chưa thực sự trưởng thành về mặt luân lý và tinh thần. Như vậy, người trưởng thành thật sự thì cần phải trưởng thành cả về lý trí và ý chí.
TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỜI TU
Trước tiên, Giáo luật hiện hành đòi hỏi sự trưởng thành ở một mức độ nào đó nơi các ứng sinh trước khi bước vào nhà tập (x. Can. 642). Sự trưởng thành này sẽ giúp cho các ứng sinh đảm nhận nếp sống riêng của tu hội sau này. Tuy nhiên, sau khi khấn, người tu sĩ có trưởng thành hơn và trưởng thành tới mức độ nào là chuyện khác. Cũng vậy, xét về khía cạnh giáo luật, chỉ những tu sĩ khấn trọn mới được xem là những người trưởng thành, là thành viên chính thức của nhà dòng và có quyền để đảm nhận các chức vụ trong dòng (x. Can.623 và 651,1). Nhưng trên thực tế, các tu sĩ đã khấn trọn có thực sự trưởng thành trong đời tu về mặt tâm linh, tình cảm và đời sống cộng đoàn là chuyện khác.
Do đó, trong đời sống tu trì, một tu sĩ không thể được gọi là trưởng thành nếu như họ chưa hiểu được tính chất năng động, phong phú và những mục đích thiết yếu của đời tu là gì. Cũng vậy, giống như trưởng thành ở ngoài đời, một tu sĩ dù đã biết được đâu là đặc tính và bản chất của đời sống tu trì, nhưng lại xao lãng, thiếu thiện chí để đạt tới những mục đích của đời tu, thì tu sĩ đó chưa thực sự trưởng thành trong đời tu. Do đó, một tu sĩ có thể rất trưởng thành về khía cạnh nhân loại (ngoài đời), nhưng không ắt hẳn trưởng thành về khía cạnh tu trì (trong nhà tu)[2].
Sau đây một vài dấu chỉ cho thấy một tu sĩ trưởng thành trong đời tu. Khi một người nào đó quyết định chọn bậc sống tu trì, thì cũng từ lúc này người đó phải học cách biết từ bỏ. Từ bỏ những điều – cả những điều tốt, mà không còn phù hợp với đời sống tu trì. Do đó, cần phải biện phân đâu là những điều tùy phụ và thiết yếu trong đời tu.
Phân biệt đâu là tùy phụ và thiết yếu trong đời tu
Đời sống tu sĩ là một hành trình theo Chúa Kitô qua việc tự nguyện tuyên giữ ba Lời khuyên Phúc âm. Cho nên, sự trưởng thành tu trì cũng là một quá trình tiệm tiến. Vì thế, có thể mới đầu người tu sĩ rất khó phân biệt đâu là những điều tùy phụ và thiết yếu trong đời tu. Nghĩa là, thoạt đầu ta cho những điều thiết yếu là tùy phụ và ngược lại. Rồi trong thực hành, khi không đạt được những điều tùy phụ, người tu sĩ cảm thấy xáo trộn và đau buồn nặng nề. Nhưng dần dà, nhờ ơn Chúa soi sáng, thoát khỏi não trạng tu trì trẻ con, họ có một sự trưởng thành tu trì trong việc phân biệt đâu là là điều thiết yếu và tùy phụ trong đời tu.
Vậy đâu là những điều thiết yếu và tùy phụ trong đời tu? Đó là: “Thiết yếu là phải sống sự tận hiến cho Chúa sao cho thực hiện được mục đích của việc tận hiến ấy. Còn lợi ích và thỏa mãn cá nhân ở đời này chỉ là tùy phụ”[3].
Điều này là bởi vì, khi Chúa ban ơn gọi cho người tu sĩ và khi người tu sĩ đáp trả lại ơn gọi đó, Chúa mời gọi người tu sĩ tận hiến cho Ngài. Trong Kinh Thánh, danh từ consecratio (Latinh) có thể hiểu về hai phía: Thiên Chúa và con người. Từ phía Thiên Chúa: Ngài yêu ai đó, nên đã chọn lựa họ, dành riêng họ cho mình (xc. Gr 1,5). Từ phía con người: ý thức được tiếng gọi của Chúa, đương sự dâng hiến trót đời cho Chúa. Cho nên, trong tiếng Việt, “thánh hiến” muốn nói đến sáng khởi về phía Thiên Chúa; “tận hiến” nói đến sự đáp trả về phía con người. Do đó, không có gì cần thiết và thiết yếu hơn – đối với người đã tận hiến cho Chúa, là đạt tới mục đích của việc tận hiến. Nó vừa là ý muốn của Thiên Chúa (thánh hiến) đáp trả lại của con người qua một bậc sống dành riêng cho Chúa (tận hiến). Kinh nghiệm cho thấy sự bình thản của người tu sĩ trong đời sống tu trì tùy thuộc rất nhiều vào việc họ có thiện chí đạt tới mục đích thiết yếu này không.
Một khi người tu sĩ ý thức và có thiện chí cố gắng đạt tới mục đích thiết yếu của việc tận hiến cho Chúa, thì lúc đó những lợi ích và thỏa mãn riêng tư chỉ là thứ tùy phụ. Và vì nó chỉ là tùy phụ nên sẽ nó có vai trò thứ yếu trong đời sống tu trì. Có hay không thì không quan trọng. Chúng ta lấy ví dụ về một người tu sĩ trưởng thành về phương diện tâm linh – đây là nét nổi bật của đời sống tu trì. Trưởng thành về tâm linh là hành vi cuốn hút con người lao mình về Thiên Chúa, cố gắng hướng tầm mắt và cõi lòng về Thiên Chúa, đó chính là hành vi cao cả và sung mãn nhất của tinh thần – hành vi này chỉ đạo toàn bộ mọi sinh hoạt rộng lớn của người tu sĩ.[4] Một khi người tu sĩ trưởng thành trong chiều sâu tâm linh, thì trong mỗi thái độ hay cử chỉ của họ khi đối diện với những biến cố quan trọng cũng như trong những hoàn cảnh bình thường trong cuộc sống, họ biết sống hết mình với bổn phận của người tu sĩ, còn sự thành công, thất bại tùy thuộc vào Thiên Chúa trong niềm vui và hạnh phúc.[5]
Nhận ra yêu sách chính yếu của đời tu
Như chúng ta biết một trong những đặc điểm nổi bật của người tu sĩ dòng đó là việc tuyên khấn, tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm. Đó là: “Lời khấn tu trì khác hẳn với các lời khấn khác vì nó làm nên một đời sống đặc biệt, thực hành các lời khuyên của Phúc âm và mô phỏng hoàn hảo nhất đời sống trần gian của Chúa Giêsu và tinh thần đã phấn khích Ngài.”[6]
Như vậy, tuyên khấn, đây là một hành vi chứng tỏ lòng quảng đại triệt để, bởi vì trong từng giây phút của cuộc đời dâng hiến, người tu sĩ sẽ sống khoảnh khắc ấy liên tục qua dòng thời gian. Thật ra, người tu sĩ vẫn có thể hy sinh làm điều thiện và lợi ích cho tha nhân vì lòng yêu mến Chúa. Nhưng nếu chỉ dựa trên yếu tố con người thì chưa đủ. Vào những lúc khó khăn, đau buồn, chán nản trong đời tu, người tu sĩ sẽ dễ đánh mất lòng quảng đại và thiện chí. Cho nên, yêu sách chính yếu của sự trưởng thành trong đời tu là: “Ta phải sống tận hiến cho Chúa một cách trung thành có suy luận, được ước muốn, bền vững, bình thản, được đặt trên những lý do siêu nhiên.”[7] Và chỉ có những yêu sách này mới không bao giờ khuyết diện. Cho dầu mọi trở ngại, nhưng những yêu sách đó vẫn hướng dẫn và nâng đỡ người tu sĩ trong hết mọi hoàn cảnh.
Chúng ta vừa nói về sự trưởng thành trong đời tu được thể hiện qua việc phân định đâu là những điều thiết yếu và tùy phụ trong đời tu. Còn một dấu chỉ khác, cũng khá quan trọng, để chỉ cho thấy người tu sĩ trưởng thành trong đời tu: sống ba lời khuyên Phúc âm.
Dấu chỉ nổi bật và minh thị nhất là bình thản và bền vững trong việc tuân giữ ba lời khuyên Phúc âm. Dĩ nhiên, đứng trên phương diện con người, sẽ vẫn có những thiếu sót và yếu đuối trong việc sống ba lời khấn. Nhưng với một tu sĩ trưởng thành, cho dù có gặp những khó khăn, thậm chí hy sinh trong việc tuân giữ ba lời khấn, song họ vẫn sống đời dâng hiến cách vui vẻ, bình thản và trung thành. Một cách cụ thể, với đức khó nghèo, người tu sĩ không chỉ nghiêm chỉnh sống siêu thoát, mà còn thể hiện đức khó nghèo bằng cách đi tìm những tài sản siêu nhiên ngay khi còn sống ở trên đời này. Còn về lời khấn khiết tịnh, sự trưởng thành trong đời tu thường biểu hiện qua sự trưởng thành về mặt tình cảm.
Nghĩa là, người tu sĩ trưởng thành về mặt tình cảm luôn có khả năng của sự độc lập về mặt tình cảm, không lệ thuộc vào tình cảm, tức là không để tình cảm bị chi phối điều khiển bởi cảm giác, nhưng bởi lý trí và ý chí.[8] Cũng vậy, một người tu sĩ trưởng thành thực sự trong đời tu, đặc biệt về mặt tình cảm, họ sẽ biết đặt sự quân bình, hài hòa giữa cảm xúc và lý trí về những biến cố xảy ra trong đời sống tu trì. Do đó, nếu có những biến cố như: chưa được khấn trọn, chưa được thụ phong linh mục, thi rớt,…, người tu sĩ trưởng thành trong đời tu sẽ biết chấp nhận đó là những thất bại, nhận trách nhiệm là của chính mình. Ngược lại, những người thiếu trưởng thành đời tu, sẽ có những phản ứng tiêu cực như nóng nảy, trách móc, than thân trách phận,…
Kế tiếp là về lời khấn tuân phục, người trưởng thành trong đời tu luôn thâm tín rằng vâng phục là thực thi ý Chúa, dù có phải hy sinh nhưng vẫn bình thản. Như chúng ta biết, lời khấn vâng phục luôn mang hai khía cạnh[9]: một khía cạnh tiêu cực và là một khía cạnh tích cực. Khía cạnh tiêu cực hệ tại ở: lời ta đoan hứa với Chúa sẽ tuân phục bề trên chính thức của Hội dòng trong tất cả những điều các vị đó truyền phù hợp với giáo luật và hiến pháp. Còn khía cạnh tích cực là: việc người tu sĩ tận hiến, thánh hiến cho Chúa ý chí của mình như một tài năng tác động mà có khả năng hành động lệ thuộc. Do đó, cả khả năng hành động cùng với các hành vi của nó đều được thánh hiến cho Thiên Chúa. Cho nên, người tu sĩ trưởng thành trong đời tu sẽ hướng tới khía cạnh tích cực của việc tuân phục. Có như vậy, họ sẽ giữ lời khấn cách bình thản và vui vẻ, và sẽ vững vàng hơn trên con đường dâng hiến. Điều này được nói rõ sau: “Bằng việc tuyên hứa lời khấn vâng phục, các tu sĩ hiến tế Thiên Chúa ý muốn riêng mình làm hy sinh, nhờ đó họ được kết hợp mật thiết với ý chí cứu độ của Chúa một cách vững vàng.”[10]
Như chúng ta biết, từ sau Công đồng Vaticanô II, các văn kiện của Tòa thánh về đời sống tu sĩ đều với tựa đề “De Religiosis” (religieux, religiosus). Thật ra, từ này đã xuất hiện từ thời Trung cổ, từ “religiosus” là một tính từ mà nó gắn liền với “religio” (nhân đức thờ phượng), nhằm nhấn mạnh rằng tu sĩ là hiến dâng cho Chúa qua việc phụng thờ Thiên Chúa.[11] Việc phụng thờ Thiên Chúa chỉ được thể hiện khi người tu sĩ biết sống tuân giữ kỷ luật hội dòng và bản thân cách nghiêm ngặt. Hơn thế nữa, đi theo Chúa là một hành trình, cho nên việc tuân giữ kỷ luật hội dòng và bản thân cũng phải được tuân giữ một cách đều đặn và quân bình. Do đó, một dấu chỉ khác cho thấy người tu sĩ trưởng thành trong đời tu là sống tiết độ.
Sống tiết độ
Tiết độ là (moderation) trong tiếng Anh. Từ điển Oxford Advanced Leaner’s Dictionary, Oxford University Press, đã định nghĩa như sau: “The quality of being reasonable and not being extreme”. Còn thế nào là một hành động “moderate”, thì cũng theo từ điển này định nghĩa như sau: “to become or make something become lessmextreme, severe, etc). Như vậy, tiết độ là một việc làm dung hòa cho có chừng mực, và tránh thái quá hoặc bất cập. Để được như vậy, ta phải kìm hãm, xa tránh những xúc cảm và thu hút, tức những kích thích từ nội tại và ngoại tại trong cuộc sống.Và như vậy, tiết độ không phải là nhân đức hay đức tính dễ làm và dễ thực hiện, bởi vì nó trực tiếp liên quan đến cả thể lý, tâm lý và tâm linh con người.
Ngoài ra, “tiết độ là đức tính luân lý giúp ta điều tiết sức lôi cuốn của những lạc thú và sử dụng chừng mực những của cải trần thế. Tiết độ giúp ý chí làm chủ các bản năng và kiềm chế các ham muốn trong tiến hành chính đáng.”[12] Trong Cựu ước khen ngợi đức tiết độ như sau: “Con đừng buông theo tham vọng của con, nhưng hãy kiềm chế các dụng vọng” (Cn 18,30). Còn Tân ước gọi tiết độ là “chừng mực” hay “điều độ”, nghĩa là chúng ta phải sống “chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2,12).
Dĩ nhiên, chúng ta không bàn tới ý nghĩa tiết độ trong Cựu ước. Vì đi tu là từ bỏ rồi, từ bỏ những danh vọng lạc thú ở đời này để tìm hạnh phúc đời sau. Ý muốn nhấn mạnh về sự tiết độ ở đây là người tu sĩ cần sống có “chừng mực”, “điều độ” trong đời tu. Sự chừng mực và điều độ này được biểu hiện qua qua rất nhiều khía cạnh như: kỷ luật, kinh nguyện, học hành, ăn uống, ngủ nghỉ,… Nhìn vào thực tế, chúng ta thấy không thiếu những tu sĩ sống không điều độ trong đời tu. Có những người học nhiều quá đến nỗi không nhớ ngày nào thi! Kết quả là cho dù học nhiều nhưng vẫn rớt. Cũng vậy, trong kinh nguyện cần có sự đều đặn hằng ngày. Mặc dù, có những lúc, người tu sĩ cảm thấy chán nản không muốn bước vào nhà nguyện. Không cảm thấy hứng thú gì hết khi nguyện gẫm hay cầu nguyện với Chúa. Nhưng đối với một người tu sĩ trưởng thành, cho dù chán nản, không hứng thú với Chúa trong cầu nguyện, họ vẫn vào nhà nguyện. Họ vẫn nguyện gẫm bởi vì có thể lúc này chán Chúa, nhưng ít ra họ vẫn tuân giữ các giờ đạo đức cách đều đặn.
Vì thế, có thể nói rằng, nếu một người tu sĩ thực sự trưởng thành khi họ sống có quân bình trong kỷ luật, giờ đạo đức, ăn uống, học hành và ngủ nghỉ. Ngược lại, người tu sĩ nào mà có những lúc thì qua đạo đức, đọc kinh rất sốt sắng, nhưng lại bữa có bữa không, thì có thể nói người tu sĩ đó chưa trưởng thành trong đời tu. Bởi vì người tu sĩ trưởng thành không tuân giữ kỷ luật, các giờ đạo đức theo ngẫu hứng: vui thì tuân giữ, buồn thì không. Nhưng người tu sĩ trưởng thành sẽ cố gắng tuân giữ kỷ luật ngay cả trong những lúc chán nản nhất, đau buồn nhất và một cách đều đặn.
Tạm kết
Trưởng thành không đơn giản là sự lớn lên về mặt thể chất mà là sự chín chắn từ trong nhận thức và tư tưởng. Nếu một ngày nào đó một người nào đó chợt nhận ra cuộc đời không chỉ là một màu hồng mà còn đi kèm theo nhiều gam màu khác nữa, nhưng người đó vẫn mỉm cười bước tiếp và biến những khó khăn thành cơ hội để tự hoàn thiện mình, thì lúc đó người đó đã thật sự trưởng thành rồi đấy. Đó một sự trưởng thành ngoài đời, trưởng thành về khía cạnh nhân loại.
Đời tu là một hành trình tiệm tiến đi theo Chúa trên con đường ở trần gian. Trên hành trình này ắt sẽ có những cuộc va chạm, đố kỵ mang tính con người. Do đó, trên hành trình đi theo Chúa, ngoài những những con đường chan chứa niềm vui và hạnh phúc, thì cũng có những con đường đầy bao đau khổ, cô đơn và nước mắt. Bên cạnh con đường mùa xuân với muôn màu hoa nở tươi thắm, vẫn có con đường tàn héo khô cằn của mùa hè nắng cháy. Sẽ có những lúc người tu sĩ cảm nghiệm không khí ấm áp, dễ chịu của mùa thu nhưng cũng đã phải nếm chịu cái rét giá lạnh, cô đơn khi mùa đông về trên con đường đi theo Chúa. Một cách nào đó, khi người tu sĩ nhận ra tất cả những đặc tính khác nhau trên con đường đi theo Chúa, nhưng họ vẫn bình thản vui vẻ đón nhận và chấp nhận, thì người tu sĩ đó có thể được gọi là đã trưởng thành trong đời tu. Nhưng điều quan trọng hơn cả, người tu sĩ trưởng thành thật sự trong đời tu là khi họ biết phân biệt đâu là những điều tùy phụ và thiết yếu trong đời tu. Một khi có sự nhận thức như vậy, họ luôn luôn cố gắng đạt tới những điều thiết yếu, còn những những điều tùy phụ có hay không không quan trọng. Điều thiết yếu là tận hiến cho Chúa cách bền vững và trung thành.
Ngoài ra, người tu sĩ trưởng thành trong đời tu sẽ biểu hiện ra việc bình thản và vui vẻ trong việc tuân giữ ba lời khuyên Phúc âm. Đó biểu hiện minh thị và căn bản nhất của một người tu sĩ trưởng thành. Rồi người tu sĩ trưởng thành cũng cần sống tuân giữ kỷ luật cách đều đặn, ăn uống và nghỉ ngơi có điều độ và chừng mực. Kế tiếp, người tu sĩ trưởng thành trong đời tu còn thể hiện qua mối liên hệ với bề trên, sống đức ái, đời cộng đoàn, và yêu mến tinh thần, đoàn sủng và truyền thống lành mạnh của hội dòng.
Ngày nay chúng ta đang sống trong một xã hội mà đang cần những người làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Với thực trạng và nhu cầu như vậy, Giáo hội mời gọi những ai theo đuổi ơn gọi tu trì cần phải nhận ra vai trò ngôn sứ của mình để dấn thân làm chứng cho tình yêu dâng hiến và loan báo Tin Mừng cách hiệu quả. Để chu toàn sứ mạng này, đòi hỏi người tu sĩ phải trưởng thành trong ơn gọi của mình, nghĩa là phải được huấn luyện về mọi khía cạnh và phương diện. Người tu sĩ cần phải được huấn luyện về khía cạnh: tri thức, tâm lý và tâm linh để họ trở thành những con người quân bình giữa ý chí và cảm xúc, vững vàng trong ơn gọi của mình, và sẵn sàng đảm nhận những trách nhiệm mục vụ cần thiết cho Giáo hội và xã hội. “Họ cần được giáo dục để biết yêu mến sự thật, để biết trung thành, biết kính trọng mọi người, để có ý thức công bằng, để trung thực trong lời nói, để chân thành cảm thông, để trở thành những con người nhất quán, và đặc biệt là để có sự quân bình trong phán đoán và trong thái độ ứng xử.”[13]
Thật vậy, sự trưởng thành luôn mang tính năng động thúc giục những ai theo đuổi ơn gọi tu trì hướng tới chân trời hoàn thiện. Nó không nhất thiết phát triển theo tuổi tác, mà nó biểu lộ qua sự quân bình của từng cá nhân được huấn luyện theo từng cấp độ, để có những khả năng hiểu biết và thích ứng được sự phát triển trọn vẹn trên bình diện cảm quan, cũng như trên bình diện tri thức. Do đó, việc huấn luyện người tu sĩ trưởng thành trong đời tu là một quá trình liên tục và cả đời. Bất cứ một tu sĩ nào cũng được mời gọi tự huấn luyện mình để trở thành người tu sĩ trưởng thành trong đời tu trong mọi thời điểm.
Bertrand Nguyễn Thanh Hoài
[1] http://yume.vn/bin_bon18/article/truong-thanh-la-gi.35C23338.html.
[2] Xc. Paolo Provera, C.M . Thánh Hiến Cuộc Đời. Bản dịch của Nguyễn Duy Lễ, 259.
[3] Paolo Provera, C.M. Thánh Hiến Cuộc Đời. Bản dịch của Nguyễn Duy Lễ, 262.
[4] Chiều Kích Chiêm Niệm của Đời Tu, số 1.
[5] Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 5.
[6] Paolo Provera, C.M Thánh Hiến Cuộc Đời. Bản dịch của Nguyễn Duy Lễ, 11.
[7] Paolo Provera, C.M Thánh Hiến Cuộc Đời. Bản dịch của Nguyễn Duy Lễ, 263.
[8] Xc. Charles Serrao, OCD. Biện Phân Ơn Gọi Tu Trì – Đào Tạo Hướng Đến Sự Thay Đổi. Bản dịch Lm. Dom. Nguyễn Đức Thông. CssR, 105.
[9]Xc. Paolo Provera, C.M Thánh Hiến Cuộc Đời. Bản dịch của Nguyễn Duy Lễ, 173.
[10] PC, 14
[11] Xc. Phan Tấn Thành. Giải Thích Giáo Luật tập 2, 390.
[12] GLCG, số 1809.
[13] PDV số 43
2020
Giới trẻ trưởng thành trong tình yêu – phần I
Tuổi trẻ được ví như mùa Xuân của cuộc đời, luôn đầy tràn năng lượng, sức trẻ và khát khao vươn lên mỗi ngày. Để “đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện” theo lời kêu gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và cách riêng của Tổng Giáo Phận Hà Nội trong tháng Tư với chủ đề nên thánh đối với giới trẻ, bài viết này thảo luận với người trẻ, đặc biệt là các bạn trong tuổi vị thành niên, hướng tới sự trưởng thành toàn diện qua việc trưởng thành trong tình yêu. Qua việc tìm hiểu tình yêu dưới khía cạnh tâm lý và thần học, chúng ta cùng nhau suy tư và định hướng, để làm sao trưởng thành một cách toàn diện hơn trong cuộc sống và cách riêng để sống tốt năm phụng vụ 2020 theo tinh thần của Giáo Hội.
Đặc điểm tâm lý của tuổi vị thành niên
Nói đến giới trẻ, chúng ta nghĩ đến lứa tuổi vị thành niên (còn gọi là tuổi thiếu niên). Theo học thuyết tâm lý xã hội phát triển của Erik Erikson, tuổi vị thành niên (từ 12-18, 19 tuổi) là thời gian các em hình thành đặc thù nhân cách về “cái Tôi” của mình. Đây là giai đoạn các bạn trẻ dần dần nhận thức khá rõ về bản thân mình là người như thế nào và lớn lên muốn làm gì cho tương lai. Ở giai đoạn này, các bạn trẻ dần hình thành nên sự đồng nhất của “cái Tôi” của mình qua việc thể hiện các vai trò khác nhau và những chọn lựa cho cuộc đời như trường học, chuyên ngành, nghề nghiệp, tìm bạn đời và chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân và gia đình. Bố mẹ và những người thân tiếp tục có vai trò quan trọng trong việc giúp các em hình thành nhân cách. Tuy nhiên, các em ở tuổi vị thành niên bắt đầu có mối quan hệ xã hội và bạn bè rộng hơn với các bạn cùng học và các nhóm hoạt động ngoài xã hội hay các tổ chức tôn giáo. Sự trung thành trong các mối quan hệ là nhân đức quan trọng cần được hình thành và phát triển ở thời kỳ này. Trong đó, khả năng liên hệ với người khác và tạo các mối quan hệ chân thành sẽ giúp các em thành công trong các giai đoạn tiếp theo.
Ngược lại, nếu các bạn trẻ không hình thành được sự đồng nhất về đặc tính của mình, họ sẽ có khuynh hướng cảm thấy các vai trò bị lẫn lộn. Họ sẽ không tự xác định được hướng đi cho bản thân và thường gặp khó khăn khi ứng xử tương giao với người khác. Trong tình yêu, nhiều bạn trẻ sợ bị lạm dụng, không dám quyết định những lựa chọn riêng tư cho mình. Thay vào đó, họ để bố mẹ và những người thân quyết định, sắp xếp hướng đi cho cuộc đời của mình. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ không làm chủ được bản thân trong quan hệ giới tính, khiến cho tình yêu của họ trở nên bế tắc, nghèo nàn và nhiều khi phải ân hận suốt đời. Có nhiều bạn phải bắt đầu cuộc sống hôn nhân gia đình sớm, làm việc học tập và các khao khát sự nghiệp bị gián đoạn. Có những bạn bị đổ vỡ trong tình yêu, bị tổn thương quá nặng về tâm lý tình cảm. Và có những người đi đến những quyết định sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng như phá thai, tự tử.
Thay đổi cơ thể ở tuổi dậy thì
Tuổi vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn, là thời gian trưởng thành và khám phá bản thân. Do sự phát triển vượt bậc về thể chất và thay đổi hormone sinh lý, cơ thể của các bạn trẻ tuổi vị thành niên có một loạt sự thay đổi liên quan đến việc hoàn thiện các đặc tính sinh dục và khả năng sinh sản. Đây cũng là giai đoạn có nhiều thay đổi về hình dáng, tâm sinh lý, hành vi, và nhận thức xã hội. Khởi đầu ở giai đoạn vị thành niên, trẻ nữ thường dậy thì sớm hơn trẻ nam khoảng 2 tuổi (từ 10-16 tuổi); trẻ nam (từ 13-18 tuổi). Đây là giai đoạn các bạn trẻ thấy nhiều sự thay đổi về cơ thể như: tăng vọt về phát triển chiều cao, cân nặng, và phát triển bộ phận sinh dục; hông có thể rộng hơn vai; thay đổi mùi cơ thể; và nổi mụn trứng cá. Sự khác biệt giới tính trong sự phát triển ở tuổi dậy thì là nữ giới tăng độ nữ tính với giọng nói trở nên dịu dàng và vóc dáng mềm mại hơn. Trong khi đó, nam giới tăng độ nam tính với thân hình vạm vỡ, chắc khoẻ và giọng nói trầm ấm hơn sau một thời gian bị vỡ giọng.
Phát triển tâm lý
Thay đổi thể lý ở tuổi dậy thì ảnh hưởng đến phát triển tâm lý của trẻ vị thành niên. Cùng với sự phát triển của cơ thể, các bạn thiếu niên bắt đầu để ý đến diện mạo của mình. Do bị ám ảnh bởi hình thể của mình, nhất là trong thời gian đầu của tuổi dậy thì, thời gian nhiều em không hài lòng với thể diện của mình. Dẫn đến nhiều em thiếu niên thường xuyên cảm thấy lo lắng. Bên cạnh đó, các em ở tuổi vị thành niên bắt đầu cảm thấy bị thu hút trước những người khác, nhất là những người khác giới. Trong tâm trí các em nhiều khi có những câu hỏi như: làm sao để có thể bày tỏ tình cảm của mình cho người mình có cảm tình? Các em thiếu niên dần dần khám phá về tình dục và có thể dẫn đến có quan hệ tình dục. Họ trở nên sống khép kín hơn đối với cha mẹ và người lớn. Quan hệ với bố mẹ được thể hiện theo cách khác: không còn thân mật và gần gũi như trước. Nhà không còn là tổ ấm duy nhất nữa. Các bạn trẻ tương giao với bạn bè và thế giới rộng hơn, đôi khi vượt xa khỏi sự an toàn của gia đình, bố mẹ và quê hương của mình. Chẳng hạn, nhiều bạn không còn đi đâu cũng đi cùng bố mẹ, hay không còn kể hết chuyện riêng tư cho bố mẹ nữa. Dần dần các em trở nên thân mật với bạn bè hơn, bắt đầu hẹn hò và có bạn trai/gái.
Tuổi dậy thì là thời gian có nhiều dao động và chuyển hướng liên tục. Đây cũng là thời kỳ quan trọng trong đời sống tâm sinh lý và tâm linh, vì là lúc các em thiếu niên bắt đầu một cuộc sống riêng tư của mình, và bắt đầu hành trình hướng tới sự trưởng thành trong tình yêu và tình huynh đệ. Bên cạnh đó, tuổi vị thành niên là thời kỳ với những đột phá bất ngờ làm cho chính bản thân các em nhiều khi mất phương hướng. Thể lý và tâm lý được hâm nóng bằng một năng lực mạnh mẽ của tính dục khiến cho con người trẻ thơ an bình và thoải mái của các em trở nên những thiếu niên với tâm tính thay đổi thất thường và luôn bồn chồn, lo âu. Dường như một cuộc sống mới với nhiều cơ hội đang chờ đợi họ khám phá.
Một điều đáng chú ý trong sự phát triển tự nhiên ở tuổi thiếu niên là trong cơ thể có nhiều hormone sinh dục phát triển trước cả khi các em trưởng thành về mặt tình cảm và trí tuệ. Điều này nhiều khi khó để giúp họ hiểu biết một cách hợp lý và sáng tạo của những chuyển vận năng lượng trong cơ thể mình. Bản chất sinh lý và thể lý tự nhiên thật là mâu thuẫn do sự khác thường này: người trẻ có một cơ thể người lớn trước khi họ trưởng thành về tình cảm, trí tuệ, và lý trí. Đó là lý do tại sao có rất nhiều rủi ro và nguy hiểm xảy ra cho các em thiếu niên đang phát triển. Một trong những rủi ro gây hậu quả nghiêm trọng là dễ quan hệ tình dục trước hôn nhân và dẫn đến phá thai. Ở Việt Nam, tỷ lệ mang thai và phá thai ở tuổi vị thành niên khá cao, đặc biệt là ở thanh thiếu niên. Theo thống kê của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Việt Nam được xếp hạng đầu tiên trong khu vực và thứ 5 trên thế giới về tỷ lệ phá thai, với khoảng 250.000 đến 300.000 trường hợp phá thai mỗi năm, trong đó khoảng 75% rơi vào độ tuổi từ 15 đến 19. Mỗi ngày có khoảng 900 ca phá thai xảy ra ở Việt Nam. Đây là một con số báo động và đau lòng cho tất cả mọi người, nhất là các bạn trẻ và các bậc phụ huynh.
Ở lứa tuổi vị thành niên, lối suy nghĩ của các bạn trẻ trở nên trừu tượng và lý tưởng hóa hơn. Nhiều bạn trẻ khi không được bố mẹ và người lớn hướng dẫn đúng đắn và khi không cảm nghiệm được tình yêu thương của người thân, hay khi họ sống bị bỏ rơi, bị từ chối hay bị lạm dụng về thể xác và tinh thần, các bạn trẻ này sẽ dễ sa ngã. Điều này thể hiện qua các hành vi sống vô kỷ luật, phá phách của công, trộm cắp, đi lang thang bụi đời, yêu đương sớm, sống bừa bãi, sống thử trước hôn nhân, nghiện rượu, nghiện thuốc phiện, và nghiện cờ bạc. Ngày nay, các bạn trẻ tiếp cận với Internet và các mạng xã hội nhiều hơn, nên có nhiều cám dỗ và dễ rơi vào các tệ nạn xã hội khác như nghiện game, nghiện internet, và nghiện tình dục trên mạng internet. Bên cạnh đó, các bạn trẻ thường có tình trạng cảm xúc thay đổi thất thường: khi thì tích cực, khi thì tiêu cực. Có lẽ lý do một phần là bị ảnh hưởng của sự thay đổi hormone sinh lý và do phải đương đầu với nhiều điều thay đổi và cảm xúc khác lạ xuất hiện trong mình. Do thay đổi thất thường những suy nghĩ, hành vi, và cảm xúc thậm chí chỉ trong khoảng thời gian ngắn, nhiều bạn trẻ có biểu hiện của kinh nghiệm “khủng hoảng” tuổi vị thành niên. Chẳng hạn như lo lắng, mất ngủ, trầm cảm, rối loạn ăn uống, giảm chú ý dẫn đến kết quả học tập sa sút. Điều này khiến cho bố mẹ và những người thân cảm thấy mệt mỏi và lo lắng vì không biết phải cư xử và chăm sóc con cái mình như thế nào.
Theo nhà tâm lý Abraham Maslow, cùng với các nhu cầu thể lý căn bản như ăn, uống, ngủ nghỉ, tình dục và không khí trong lành, nhu cầu được sống an toàn và cảm thấy mình được quan tâm, được yêu và được tôn trọng là những nhu cầu cảm xúc căn bản của con người. Để chuẩn bị bước vào thế giới của người lớn và trở thành người tự lập với những lựa chọn về học vấn, nghề nghiệp và tình yêu, các bạn tuổi vị thành niên cần có người lớn quan tâm một cách hợp lý, đặc biệt là bố mẹ, người thân trong gia đình và những người quan trọng trong cuộc sống của các em như các thầy cô giáo, hàng xóm láng giềng, hay những người đứng đầu các nhóm trong các hội đoàn và giáo xứ như Giới Trẻ, Thiếu Nhi Thánh Thể… Khi có người lớn quan tâm đồng hành (Role model), các bạn trẻ cảm thấy người lớn hiểu và tôn trọng mình, cảm thấy mình có giá trị và cảm thấy có người lớn là nguồn trợ giúp chúng. Điều này sẽ giúp các bạn trẻ thành công trong cuộc sống.
Trong thực tế ngày nay, nhiều bạn trẻ dậy thì sớm (11-12 tuổi) và lập gia đình chậm hơn trước kia (khoảng trên dưới 30 tuổi). Điều này đặt ra câu hỏi: làm sao các bạn trẻ có thể trưởng thành trong tình yêu qua việc dung hòa tính dục của mình với cảm xúc và những giá trị đạo đức của họ trong khoảng thời gian khá dài từ khi dậy thì cho đến khi lập gia đình? Như đã đề cập ở trên, có sự mâu thuẫn tự nhiên trong sự phát triển tâm sinh lý ở lứa tuổi vị thành niên: cho họ một cơ thể người lớn trưởng thành về thể lý và tính dục trước khi họ trưởng thành về tình cảm, trí tuệ, và lý trí. Là người Kitô giáo, chúng ta có thể hỏi: Dường như Thiên Chúa có kế hoạch gì đó trong khi tạo dựng bản chất con người với những mâu thuẫn như vậy?
Trưởng thành trong tình yêu
Để trưởng thành trong tình yêu, các bạn trẻ cần phải cảm nghiệm mình được yêu trong môi trường gia đình, để từ đó các em có thể chia sẻ tình yêu đó cho bạn bè và những người khác trong xã hội. Các bạn trẻ trưởng thành dần trong tình yêu từ tương quan tình yêu với những người thân yêu của mình là bố mẹ và gia đình, và sau đó qua tình yêu bạn bè và tình yêu nam nữ. Cùng với những khát khao cháy bỏng về tình yêu theo sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi và những mâu thuẫn trong sự phát triển của mình, các bạn trẻ không chỉ bị giới hạn mình trong tình yêu sắc dục nữa, nhưng luôn được mời gọi vươn lên và hoàn thiện bằng tình yêu Agapé của Đức Kitô (xem các thể loại tình yêu trong Giới trẻ trưởng thành trong tình yêu, phần II).
Tình yêu của Đức Kitô là tình yêu cao cả nhất, còn gọi là tình yêu tự hiến, hy sinh chính mình vì người khác. Đó là tình yêu của người dám thí mạng sống của mình vì bạn hữu (Gioan 15:13). Tình yêu Agapé là nền tảng của tình yêu Kitô giáo. Tình yêu tự hiến luôn đi đôi với tình yêu vị tha và lòng khoan dung tha thứ. Tình yêu tự hiến là tình yêu được thanh lọc mỗi ngày để con người không chỉ dừng lại ở khoái lạc tình ái nhất thời chóng qua, mà luôn đưa con người đến hạnh phúc đích thực.
Đức Kitô Chúa Giêsu chính là mẫu gương cho các bạn trẻ sống trưởng thành trong tình yêu và sống có trách nhiệm. Tình yêu chân thực đòi hỏi có sự thanh luyện và trưởng thành trong quyết định tự do và tự chủ bản thân. Trưởng thành trong tình yêu đòi buộc chúng ta phải học và thực hành sống theo cách yêu thương của Chúa Giêsu. Đó là chúng ta phải sống khoan dung, trưởng thành trong việc làm chủ cảm xúc và tình cảm, biết sống tha thứ và bỏ qua những lỗi lầm của người khác, yêu thương nhau bằng tình yêu phổ quát (yêu thương tất cả mọi người), tình yêu vô vị lợi, tình yêu đi bước trước, tình yêu tha thứ, tình yêu quảng đại, tình yêu hy sinh phục vụ vì sự tốt đẹp của người khác.
Trên thực tế, để trưởng thành và sống tình yêu như Chúa Giêsu yêu thương chúng ta không phải lúc nào cũng dễ dàng. Lý do là vì cách thể hiện tình yêu của chúng ta phụ thuộc vào kinh nghiệm sống của chúng ta trong tương giao với bố mẹ, người thân trong gia đình, bạn bè và người bạn trai hay bạn gái của chúng ta. Mỗi lần có sự hiểu lầm, xung đột hay làm mất lòng nhau, chúng ta có khuynh hướng tạo một nút thắt và nói với lòng mình rằng: tôi sẽ không yêu bố mẹ, anh chị em hay người thân thương của tôi cho đến khi họ biết lỗi và giải quyết được những khúc mắc với tôi. Tùy vào lỗi lầm của người khác mà nút thắt có thể to hay nhỏ khác nhau. Và cứ như vậy, chúng ta thương yêu người khác một cách không trọn vẹn bằng cách giữ lại cho mình một phần vì sự phẫn nộ và đau đớn người khác gây cho chúng ta. Và rồi chúng ta thường chờ cho đến khi người khác thay đổi theo cách của chúng ta thì ta mới yêu họ như một cách tự do và không tính toán.
Đó là sự khác biệt giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người. Thiên Chúa yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta là những tội nhân, là những con người bất toàn, mỏng giòn và dễ sa ngã. Chúa yêu ta như những gì chúng ta có và chúng ta là, chứ không phải như những gì chúng ta nên có và nên là. Nhiều người vì mặc cảm và xấu hổ với tội lỗi của mình mà không dám đến gần Chúa để nhận sự thương xót và tha thứ của Chúa. Trên thực tế, Chúa luôn sẵn sàng tha cho ta khi chúng ta ăn năn sám hối và biết quay trở về cùng Chúa như trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (Luca 15: 11-32).
Để hướng tới sự trưởng thành toàn diện, các bạn trẻ không những được mời gọi sống tinh thần của Cựu Ước trong sách Lêvi 19: 18 với bản Luật Vàng (Golden Rule): “Các ngươi muốn người ta làm cho mình thể nào, hãy làm cho người ta thể ấy” (Matthew 7: 12; Luca 6: 31). Chúa còn mời gọi mỗi Kitô hữu chúng ta hãy yêu nhau như Chúa Giêsu yêu chúng ta. Khi xưa Chúa nói với các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Gioan 13, 34). Yêu như Chúa yêu đó là thứ tình yêu Agapé. Tình yêu Thiên Chúa sẽ thúc bách chúng ta có thể làm được những sự mà tự bản thân chúng ta không thể làm được.
Để hướng tới sự hoàn thiện trong tình yêu, chúng ta cần đi con đường mà Đức Kitô đã đi và luôn sống trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta cần có một sự thay đổi, cần cải biến cách chúng ta yêu thương nhau qua cách yêu thương của Chúa. Để làm được điều đó, chúng ta cần ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Xin Chúa giúp mở lòng chúng ta để chúng ta có thể mặc lấy tâm tình yêu thương của Chúa như kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành vi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Để yêu được người khác như Chúa yêu, chúng ta cần cảm nghiệm mình được Chúa yêu, kể cả khi chúng ta là những người tội lỗi và bất toàn. Khi chúng ta sống và cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa với mình, chúng ta sẽ được thúc đẩy sống tình yêu đó với người thân, bạn bè, gia đình, và người bạn gái/trai của chúng ta như Thánh Phaolô nói: “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi” (2Cr 5:14).
Lời kết
Đức Kitô là mẫu gương của sự trưởng thành toàn diện mà người trẻ luôn khát vọng hướng tới. Đức Kitô đạt tới sự trưởng thành toàn diện trong tình yêu qua mầu nhiệm nhập thể, nhập thế và mầu nhiệm thương khó và phục sinh của Ngài. Đức Kitô là nguồn năng lực vô hạn như mặt trời luôn tỏa sức nóng để hun nóng lửa nhiệt huyết tông đồ và là ngọn lửa soi sáng cho người trẻ biết con đường tìm về chân-thiện-mỹ. Đức Kitô là tâm điểm giúp người trẻ có được niềm tin vững vàng, lòng mến sốt sáng và niềm hy vọng trong những lúc gặp gian truân thử thách. Đức Kitô xuống thế làm người vì yêu nhân loại và để cứu chuộc nhân loại lầm than, tội lỗi. Tình yêu, lòng thương xót, và thứ tha của Chúa vượt lên trên tất cả.
Là các bạn trẻ Kitô giáo, chúng ta được mời gọi luôn sống với, sống trong Đức Kitô, và sống làm nhân chứng cho Chúa trong lòng thế giới hôm nay để chúng ta “sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian,” hay sống “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” Ước gì mỗi người trẻ chúng ta luôn cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa trong cuộc đời để chúng ta chia sẻ tình yêu đó cho bố mẹ, những người thân trong gia đình, bạn bè và người chúng ta thương mến. Sr. Maria Lê Kim Yến, Dòng MTG Hà Nội
2020
7 thói quen của người có vẻ đẹp thực sự từ sâu trong tâm hồn.
Có những con người ẩn chứa vẻ đẹp bên trong mạnh mẽ đến mức trở thành huyền thoại. Nhưng hãy tin rằng, xung quanh chúng ta vẫn còn rất nhiều người như thế, cho dù họ không nổi tiếng. Vậy, liệu những người bạn biết, hoặc chính bản thân bạn, có mang vẻ đẹp thật sự hay không? Hãy xem 8 điều dưới đây nhé!
1. Tràn đầy tình yêu
Những người có tâm hồn đẹp lúc nào cũng tràn đầy tình yêu. Họ thể hiện tình yêu này bằng vô số cách, và bạn có thể cảm nhận qua những gì họ làm và nói. Vẻ đẹp đích thực luôn nằm ở sự yêu thương, và một trái tim tràn đầy tình yêu thương hiển nhiên sẽ mang đến một con người thật đẹp.
2. Biết vị tha
Bên cạnh tình thương yêu hẳn nhiên là lòng vị tha, bởi không ai có thể vỗ ngực nói mình rất tràn đầy lòng yêu thương mà lại chẳng có nỗi một sự vị tha nào. Hãy cho đi mà đừng tính toán nhận về, hãy cứ sẵn lòng nếu bạn có thể. Sống vị tha hơn sẽ làm cho bạn thấy nhẹ nhõm hơn và thấy thế giới tốt đẹp hơn nhiều.
3. Họ không phán xét
Thật đáng buồn là, xã hội chúng ta đang sống luôn có đầy những phán xét ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, những người mang vẻ đẹp tâm hồn không đưa ra phán xét với bất cứ ai, vì họ biết họ không thể tùy tiện đánh giá một người nào cả. Họ chọn yêu tất cả mọi người, và luôn nhìn thấy mặt tốt của họ.
4. Họ khiêm tốn
Có những người luôn muốn chứng tỏ với mọi người thấy rằng mình là như thế này, là như thế kia. Nhưng có những người chỉ muốn là chính họ, và vì họ cảm thấy họ vẫn chưa đủ giỏi hoặc đủ tốt để tự khoe về bản thân mình với người khác, nên họ đơn giản là kiệm lời một chút, lắng nghe trước và lên tiếng nếu cần.
5. Họ thành thật
Họ luôn đánh giá cao sự trung thực trong lời nói và hành động, và họ từ chối bất kì việc lừa dối gây tổn hại nào.
6. Luôn là người hòa giải
Tuy rất khó để duy trì được bản chất yêu hòa bình trong chính bản thân, nhưng những người có vẻ đẹp tâm hồn thật sự sẽ luôn biết cân bằng và giải quyết mọi thứ theo một cách hòa bình, cho dù phải đối mặt với áp bức. Họ sẽ luôn đặt yếu tố hòa bình là kim chỉ nam hàng đầu cho đến khi có chuyện gì đó thật sự quá mức cho phép xảy ra. Và họ luôn trở thành người đứng giữa để giúp giải quyết bất hòa một cách êm đẹp nhất.
7. Họ can đảm
Nguồn sức mạnh thật sự luôn nằm ẩn trong một ý chí bất khuất. Sợ hãi không đáng sợ đâu, mà đáng sợ chính là bạn không vượt qua được sợ hãi. Phải có can đảm, để nắm lấy sức mạnh mà đứng lên, mặc dù nhiều khi, can đảm đi cùng với từ bỏ.