2020
14 sự thật đơn giản mà có thể cứu sống bạn bất cứ lúc nào
Ai trong chúng ta cũng nằm lòng vài quy tắc an toàn để cứu sống chính mình trong cuộc sống. Tuy nhiên, đôi khi có những tình huống bất ngờ ập đến khiến ta bị rối trí.
Vì thế bạn cần phải thật sự bình tĩnh, nhớ và áp dụng những sự thật này để có thể cứu sống chính mình với những khó khăn chưa thể lường trước.
1. Không vừa đi vừa sử dụng điện thoại di động
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc vừa đi vừa sử dụng điện thoại di động sẽ là thách thức lớn cho bộ não. Điều này sẽ khiến bạn dễ bị mất tập trung, trở nên “mù quáng” với môi trường xung quanh.
Và bạn biết đấy, sự tập trung có thể dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Vì thế, tuyệt đối không vừa đi (lái xe) vừa sử dụng điện thoại nhé!
2. Tạo lực tác động mạnh vào lưng để đẩy dị vật ra ngoài
Thủ thuật Heimlich dùng để cấp cứu khi có dị vật lọt vào đường thở và choán gần hết diện tích của đường thở. Nguyên tắc của Heimlich là tạo một lực tác động mạnh, đột ngột vào 2 buồng phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, mục đích tạo ra một áp lực lớn đột ngột trong đường hô hấp đẩy dị vật ra ngoài.
Các bước làm:
- Để bệnh nhân đứng, người cúi ra trước, người cấp cứu đứng phía sau, hai tay ôm bụng sát phần trên xương ức.
- Dùng cả thân người mình giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên để làm tăng áp lực trong lồng ngực tống dị vật ra.
- Lặp lại động tác này nhanh và dứt khoát cho đến khi dị vật bật ra ngoài.
Nếu chỉ có một mình, bạn hãy tự đẩy ép bụng bằng cách đứng tựa lưng vào tường phẳng. Sau đó, dùng một bàn tay nắm chặt, tì sát phần ngón cái và ngón trỏ vào vùng bụng phía trên, ngay dưới xương ức (lòng bàn tay úp xuống).
Lấy nắm tay còn lại đấm mạnh vào nắm tay trên bụng theo chiều từ trước ra sau và từ dưới lên từng cái một. Nếu dị vật chưa ra hãy dùng ghế dựa áp phần bụng phía trên rốn lên bờ trên của tấm tựa lưng. Sau đó dùng sức nặng của thân người gập xuống thành ghế tạo sức ép đẩy không khí từ trong ra, dị vật sẽ bị bắn ra.
3. Luôn mang theo thuốc chống dị ứng
Không chỉ khi sử dụng thực phẩm, mà ngay cả việc thay đổi thời tiết bất thường từ nóng sang lạnh hay ngược lại: thay đổi hướng gió, gặp mưa… cũng là cơ hội để những bệnh dị ứng phát triển, đặc biệt với người có cơ địa dị ứng.
Do đó, bạn hãy luôn mang theo mình thuốc chống dị ứng để có thể bảo vệ bản thân trước khi bệnh bùng phát mạnh mẽ. Khi bị nổi mề đay, người bệnh có thể sẽ bị khó thở, tụt huyết áp nhanh và đột ngột, ảnh hưởng đến sức khỏe.
4. Luôn nhớ giới hạn chịu đựng của con người
“Quy tắc 3” là một trong số những lý thuyết nổi tiếng về giới hạn sức chịu đựng của cơ thể con người.
Đó là chúng ta không thể nhịn thở quá 3 phút, không thể không uống nước quá 3 ngày và không thể nhịn ăn quá 3 tuần.
5. Đậy kín nồi, chảo khi dầu nấu ăn bốc cháy
Khi dầu đang sôi trên bếp bốc cháy, rất nhiều người đã dùng nước đổ vào nồi, chảo để dập lửa. Đây là một sai lầm chết người vì sẽ khiến ngọn lửa bốc cháy cao hơn và còn có thể bắn vào người bạn.
Cách xử lí đúng trong trường hợp này là cần cắt đứt nguồn cung cấp oxy cho ngọn lửa bằng cách tắt bếp và đậy vung lại. Trong trường hợp không có vung bạn có thể dùng 1 mảnh vải to và dày thay thế.
6. Không rút dao/vật nhọn ở vết thương bị đâm nặng
Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo, bạn không được rút que/cọc ra khỏi người nạn nhân vì làm như thế có thể sẽ làm cho que/cọc gây tổn thương nặng hơn hoặc sẽ làm tăng nguy cơ bị chảy rất nhiều máu.
Điều cần làm là cố gắng cố định vật đã đâm vào người nạn nhân rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
7. Đặc biệt cẩn thận 3 phút đầu tiên sau khi cất cánh và 8 phút cuối cùng trước khi hạ cánh
Ở lĩnh vực hàng không, người ta thường đề cập đến 3 phút đầu tiên sau khi cất cánh và 8 phút cuối cùng trước khi hạ cánh.
Theo các nhà điều tra, gần 80% của các tai nạn máy bay xảy ra trong khoảng thời gian này. Giữa các khoảng thời gian này, tức là khi máy bay đang bay, cơ hội xảy ra một vụ tai nạn máy bay là không đáng kể. Vì vậy, nếu bạn muốn có cơ hội sống sót thì bạn cần phải nâng cao cảnh giác và sẵn sàng hành động trong 3 phút đầu tiên và 8 phút cuối cùng này.
8. Không làm phồng áo phao khi ở trong máy bay
Áo phao được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp khi máy bay hạ cánh xuống biển. Bạn không nên làm phồng áo phao khi còn ở trong máy bay mà hãy đợi đến khi tới cửa thoát hiểm nhanh tay giật mạnh thẻ đỏ hoặc thổi để áo phao phồng lên.
Những chiếc áo phao này sẽ giúp bạn sống sót nếu như máy bay gặp sự cố và rơi xuống biển. Áo phao thường được cất trong túi phía dưới ghế hoặc ngăn chứa bên cạnh ghế.
9. Nếu bị “quây” trong 1 vụ cháy, cố gắng di chuyển càng sát mặt đất càng tốt
Khói là một trong những lý do chính khiến nhiều người thiệt mạng trong các vụ hỏa hoạn. Cụ thể, rất nhiều khí độc sẽ được sinh ra CO2, CO, amoniac, axit hữu cơ… trong đó, CO2 và CO là nguyên nhân chính gây tử vong.
Phương pháp di chuyển cũng sẽ giúp bạn tránh khỏi nguy cơ bị nhiễm độc khói – đó là bò, trườn, hoặc cúi thấp. Đó là vì khói chỉ bốc lên trên, và mặt sàn chính là nơi ít khói nhất.
10. Nếu đột nhiên cảm thấy không khỏe ở nơi công cộng, chỉ nên nhờ 1 người giúp đỡ
Hãy nhớ, để tránh gặp phải hiệu ứng tâm lý – khuếch tán trách nhiệm nên khi cần giúp đỡ, bạn hãy chỉ nên nhờ 1 người.
Vì sao ư? Bởi khi có nhiều người cùng nghe một lời giúp đỡ thì trách nhiệm đáp ứng lời giúp đỡ đó không còn tập trung vào một cá nhân nhất định nào nữa mà được chia ra cho những người khác. Họ cảm thấy không nhất định phải là họ đi giúp nạn nhân, có rất nhiều người ở đây, sẽ có người giúp đỡ.
11. Luôn mang theo đèn pin
Đèn pin là một trong những vật dụng có thể dùng trong nhiều việc hơn bạn có thể mong đợi, và thật đáng buồn nếu bạn không có một chiếc vào đúng thời điểm cần thiết.
Ví dụ như khi có một cuộc phục kích bất ngờ trong bóng tối hay bị quấy nhiễu… bạn có thể rọi đèn pin vào mặt đối phương khiến họ bị chói mắt, mất phương hướng. Từ đó, bạn có thể nhanh chân chạy trốn.
12. Ghi nhớ các quy tắc cơ bản trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra
Khi bị “bà hỏa” tấn công, mọi người thường hoảng loạn và có rất ít thời gian để suy nghĩ. Chính tâm lý đó khiến nạn nhân không đủ tỉnh táo để quan sát tìm ra lối thoát hiểm.
Bởi vậy, yếu tố quan trọng để con người thoát khỏi đám cháy là bình tĩnh, và thực hiện đúng kỹ năng thoát nạn.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên kiểm tra, quan sát bản đồ thoát hiểm ở bất kỳ tòa nhà nào để có thể định hình hướng di chuyển tối ưu nhất. Tốt nhất hãy để tâm làm điều này trước và không chờ đợi một tình trạng khẩn cấp có thể xảy ra!
13. Mang giấy tờ tùy thân theo người
Hãy chắc chắn là bạn luôn mang theo người một số giấy tờ tùy thân – có thể là chứng minh thư nhân dân, giấy tờ ghi thông tin y tế (như loại máu, thường bị dị ứng với thành phần gì…) hay số điện thoại người thân để thông báo trong trường hợp khẩn cấp.
Vì sao ư? Bởi bằng cách này khi có điều gì bất ngờ xảy ra, những thông tin về bạn sẽ được công an, bệnh viện nắm rõ để có biện pháp xử lý cũng như thông báo nhanh nhất tới người thân.
14. Loại bỏ các điểm mù khi lái xe bằng cách điều chỉnh gương xe
Điều chỉnh gương chiếu hậu trong xe một cách chính xác, đúng vị trí sẽ giúp bạn loại bỏ điểm mù phía sau xe bởi sẽ có 1 phần nhỏ vùng quan sát trùng giữa các gương.
Vì thế, hãy ngồi vào vị trí ngồi của lái xe, chỉnh gương chiếu hậu trong xe sao cho bạn nhìn thấy cửa sổ sau ở chính giữa gương.
Khi lái xe hãy chú ý rằng, xe vượt từ phía sau sẽ bắt đầu từ tâm gương hậu trong. Khi tới gần, nó lệch dần sang trái (hoặc phải), và xuất hiện trong gương hậu ngoài tương ứng. st
2020
Giáo hội Công Giáo dấn thân trong sứ mạng Giáo dục…
“Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo hội ngày mai”. Đó là xác quyết của các vị mục tử trong Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) năm 2007. Điều đó cũng nói lên tầm quan trọng của Giáo dục cho sự phát triển của nhân loại nói chung, cách riêng đối với đất nước Việt Nam mà Giáo Hội Công Giáo luôn dấn thân trong sứ mạng giáo dục của mình.
Thánh Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II đã chỉ rõ mục tiêu sứ mạng giáo dục của Giáo hội Công giáo:
“Trong mọi nhu cầu vật chất và tinh thần, nhân vị của mỗi người nằm ngay trong giáo huấn của Chúa Giêsu: Vì thế, sự thăng tiến con người nhân bản là mục tiêu của giáo dục công giáo”.
Thật thế, Giáo dục Công giáo khởi đi từ con người sư phạm và giáo huấn của Chúa Kitô, Giáo Hội nhận lãnh và tiếp tục nhiệm vụ Giáo dục trong tổng thể sứ mạng loan báo Tin Mừng.
Ngay từ thuở khai sinh, Giáo Hội Công giáo luôn muốn cống hiến cho mọi công dân, nhất là người trẻ thuộc mọi dân, mọi nước không phân biệt tôn giáo, một nền giáo dục đầy đủ để phát huy con người toàn diện dựa trên các giá trị Tin Mừng.
- Giáo dục Công Giáo theo dòng lịch sử
Theo lối nhìn của giáo dục, khởi từ công trình tạo dựng và theo suốt toàn bộ lịch sử cứu độ, là tiến trình Thiên Chúa giáo dục con người. Tiến trình ấy hiện vẫn còn đang tiếp diễn sống động trong suốt dòng lịch sử của con người, nơi mỗi người, cách riêng Giáo hội Công giáo, cho đến ngày cánh chung.
Trong Kinh Thánh Cựu Ước, Thiên Chúa dạy dỗ nghiêm minh, kiên nhẫn và giàu lòng xót thương:
Thiên Chúa giáo dục dân Người như người cha sửa dạy con được hiểu trong bối cảnh văn hóa giáo dục ở Israel: Con cái phải lắng nghe lời cha mẹ dạy bảo (x. Cn 23,22) nếu không sẽ bị phạt (x. Cn 30,17; Đnl 21,18-21). Như thế, sửa phạt là điều cần thiết trong giáo dục (x. Hc 22,6; 30,1-13; Cn 23,13). Và Thiên Chúa là Cha của Israel nên Người cũng sửa phạt con là dân khi sai quấy (x. Đnl 8,5; Cn 3,12; Hc 30,1-2.12-13). Tuy nhiên, Người đánh xong rồi lại xót thương (x. Hs 11,8-9; Gr 31,9.20; Tv 103,13-14).
Thiên Chúa luôn tỏ ra là nhà giáo dục kiên nhẫn và trung thành với ý định của mình. Tuy nhiên, giáo dục vẫn luôn là một nghệ thuật khó khăn vì “tâm trí trẻ con vốn dại khờ” (Cn 22,15). Quả thế, Israel như con trẻ dại khờ đã nhiều lần ngỗ nghịch bởi sự bất trung (x. Lv 26,15; Gs 22,16; 2 Sb 12,2; 36,14; Ed 20,27; Đn 9,7), tôn thờ ngẫu tượng (x. Lv 26,30; 2V 17,12; 2 Sb 24,18; Ed 14,3; 16,36; 20,31; Hs 4,17; 8,4; 11,2; Mk 1,5), chạy theo thần ngoại bang (x. 1 Sm 7,3; Gr 32,29; Am 5,26; Ml 2,11). Những bài học của Giavê Thiên Chúa là cách thức làm cho dân nhận ra lỗi lầm và quay về với tình thương mà Người đã đặt trên Israel[1].
Sứ mạng làm thầy trong Tân Ước được Chúa Giêsu hoàn thiện trong sứ mạng loan báo Tin Mừng, việc đầu tiên là Ngài quy tụ các môn đệ chung quanh Ngài (x. Mt 4,12-23; Mc 3,16-18; Ga 1,35- 51.), Ngài dạy dỗ và cho các học trò “học việc cùng Thầy”. Như thế sứ mạng giáo dục là khởi đầu và là nền tảng của việc Cứu độ và loan báo Tin Mừng vốn là nhiệm vụ của Giáo Hội Chúa Kitô. Kinh Thánh cho thấy, Thầy Giêsu có một đường lối sư phạm rất khác với các bậc thầy thời đó: Ngài yêu thương và đối xử với học trò như bạn hữu (x. Ga 15,9-17); sống và đồng hành với các môn đệ, cũng như giúp họ trưởng thành một cách tiệm tiến (x. Lc 24,13-35). Bằng yêu thương nhẫn nại (x. Ga 20,19-31), Thầy Giêsu dạy dỗ tận tâm, Ngài biết rõ tính tình, phẩm chất, những điểm mạnh điểm yếu của từng học trò (x. Mt 26,30-35; Mc 14,26-31). Ngài là một người thầy nhân hậu và bao dung (x. Lc 15,1-32). Tri thức uyên thâm nhưng cũng là người gần gũi với dân chúng, nên dân chúng theo Ngài rất đông để lắng nghe giáo huấn của Ngài…(x. Mc 1,45; 6,33-34.). Chúng ta có thể tóm tắt đường lối sư phạm của Ngài quy chiếu về tình thương, uốn nắn giúp học trò trưởng thành… như là một căn tính của đường lối giáo dục Công Giáo sau này.
Khi các môn đệ trưởng thành, Thầy Giêsu sai các học trò này tiếp tục sứ mạng của Ngài theo lệnh truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15.). Vâng theo lệnh truyền của Thầy, các Tông đồ đã đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng cứu độ (x. Mc 16,20). Sứ mạng ra đi loan báo đã mở đầu một thời kỳ mới của Giáo Hội. Các người thầy mới luôn theo gương Thầy Giêsu như xác định của thánh Phaolô: “Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu” (Cl 2,7). Các Tông đồ là những người thầy mới trong bước đường loan báo Tin Mừng cũng tập hợp các học trò thuộc thế hệ mới, dạy dỗ cho các môn sinh nên người, và nhất là có sự trưởng thành để đảm trách sứ vụ trong tương lai như Thầy Giêsu đã đón nhận và dạy dỗ các ông. Kinh Thánh cho thấy Phêrô ít ra có môn đệ là Marcô, Phaolô có nhiều học trò như Titô, Timôthê, Luca. Gioan có các học trò nổi tiếng là Polycarpo (69-156), Papias (khoảng 70-155), Clemente (?-101), Ignace (67-110). Irénée (130-200) là môn đệ của Polycarpo và Papias. Origène (185-254) là môn sinh của Clément tại Alexandrie (150 – 215).
Trong Giáo Hội, sứ mạng giáo dục luôn được tiếp nối như thế… Giữa những khó khăn thăng trầm do 300 năm đầu bị bách hại, Giáo Hội vẫn trung tín với sứ mạng loan báo Tin Mừng và những cách đào tạo con người theo tinh thần của Thầy Giêsu, do các Tông đồ để lại, nối tiếp các Tông đồ là các Tông phụ (thế kỷ I – đầu thế kỷ II, Tông phụ là “là Giáo phụ thời Tông đồ vì truyền thống cho là các ông được chính các Tông đồ giảng dạy”), tiếp theo là các Giáo phụ (thế kỷ II đến thế kỷ VII).
Khởi đầu từ thế kỷ VI, khi Giáo hội bước ra khỏi thời bách hại vào giai đoạn an bình (từ thế kỷ IV), Giáo hội Công giáo ở Âu châu tự do loan báo Tin Mừng và có các sáng kiến mới: Sứ mạng dạy dỗ đã phát triển những lớp học mà sau đó được gọi là grammar schools (gốc tích của mô hình các trường trung học ngày nay)[2].
Vào thế kỷ VI, các Đan viện của Dòng Biển Đức do thánh Bênêđictô (Biển Đức, Benoit) sáng lập phát triển khắp nơi. Các Đan viện góp phần quan trọng trong việc khai hoang ruộng đất, phát triển tri thức ở châu Âu. Mặc dù các đan sĩ tìm nơi hoang vắng lập Đan viện, xa làng mạc để tu, nhưng vì đời sống thánh thiện các ngài, với khả năng trí thức các mặt, dân chúng kéo đến nương nhờ và được dạy dỗ, dần dần biến thành ngôi làng với dân cư đông đúc chung quanh Đan viện. Và như vậy, không mấy chốc, đất đai, kinh tế, trí thức châu Âu được dồi dào phong phú. Đan viện trở nên trung tâm học vấn, trí thức, khai hóa.
Dòng Biển Đức dù là dòng tu chiêm niệm, nhưng trải qua 15 thế kỷ, Dòng luôn có những hoạt động tông đồ liên quan đến xứ đạo, trường học… Cho nên, dòng Biển Đức đã lan tràn khắp châu Âu và có thể nói nền văn minh của châu Âu đã là nền văn minh Biển Đức về nhiều phương diện: Học thức, văn hóa, canh nông, kỹ thuật. Không lạ gì, khi có đan sĩ Biển Đức hiện diện trong các trường học với sứ vụ giáo hóa, mở mang kiến thức đạo đời:
“Việc giảng dạy, giáo dục thanh thiếu niên nơi các trường công lập cũng đã được nhiều Đan viện đảm nhận…”[3]
Từ thế kỷ XI-XV (cuối thời trung cổ ở châu Âu), tiên phong trong sứ mạng giáo dục, phát triển trí tuệ, Giáo Hội thành lập các Đại học Công Giáo như là cái nôi trí thức. Các trường Đại học Công Giáo đầu tiên gồm Bologna – Bắc Ý (1088), Paris (khoảng 1150, sau đó ít lâu có tên là Sorbonne) ở Pháp, Oxford – Anh (do các sinh viên từ Sorbonne trở về sáng lập năm 1167), Salerno – Nam Ý (1173), Vicenza – Đông Bắc Ý (1204), Cambridge – Anh (1209), Salamanca – Tây Ban Nha (1218-1219), Montpellier – Nam Pháp (1220), Padua – Bắc Ý (1222), Naples – Nam Ý (1224), và Vercelli – Bắc Ý (1228), Toulouse – Nam Pháp (1229) Đại học Orléans – Bắc Pháp (1306). Giữa thế kỷ XV (hơn 70 năm trước cuộc Cải Cách Tin lành), Âu châu đã có hơn 50 trường Đại học Công Giáo. Có thể nói sự đóng góp nổi bật cho nền giáo dục nhân loại từ nền Văn minh Công Giáo là sự phát triển hệ thống Đại học, từ đó phát triển mô hình Đại học trên toàn thế giới như các Đại học của hiện tại.
Ngày hôm nay, do hoàn cảnh lịch sử, nhiều trường Đại học vừa nói trên dù không còn là Đại học Công giáo như Đại học Oxford, Sorbonne, vẫn cho thấy các dấu hiệu thành lập của Công giáo – như những hình tứ giác theo kiểu các tu viện, lối kiến trúc Gothic và nhiều nhà nguyện…
Từ thế kỷ XV, Giáo hội Công giáo với bản in đầu tiên là Kinh Thánh đã sản sinh dạng in ấn di động, rất ích lợi cho ngành giáo dục trong suốt dòng lịch sử của nhân loại.
Hiện nay, ở các quốc gia, ngoài hệ thống giáo dục công lập, hệ thống giáo dục Công Giáo vẫn cống hiến cho sự nghiệp đào tạo, nhất là các Đại học Công Giáo, như ở Mỹ có nhiều Đại học Công giáo nổi tiếng: Notre Dame, Fordham, Boston College, Loyola… Ở Pháp có các Viện Đại học Công giáo uy tín: Học viện Công giáo Paris, Học viện Công giáo Toulouse, Học Viện Công giáo Lille, Học Viện Công giáo Lyon, Đại học Công giáo Anger.
Các nước châu Á không có nhiều tín hữu Công giáo nhưng cũng có sự hiện hữu trường học Công Giáo, có những Đại học Công Giáo danh tiếng:
Giáo Hội Nhật có 514 ngàn tín hữu trên dân số 126 triệu người (khoảng 0,4%)[4], nhưng rất có uy tín về mặt xã hội, một phần là vì có nhiều cơ sở giáo dục, từ Nhà trẻ đến Đại học, trong đó có 13 trường Đại học Công giáo, nổi tiếng nhất là Đại học Sophia thuộc Dòng Tên ở Tokyo (trên 11.600 sinh viên), Đại học Nanza…
Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc có 328 trung tâm giáo dục các cấp cùng 49 trung tâm đặc biệt trên khắp Hàn Quốc do Giáo hội Công giáo điều hành hoặc sở hữu, với 221.020 học sinh, sinh viên[5], trong đó có 10 Đại học Công Giáo[6], các Đại học danh tiếng như Đại học Công Giáo Daegu, Đại học Công Giáo Hàn quốc…
Ở Ấn Độ, Công Giáo với gần 25 triệu tín đồ, chiếm 3% tổng dân số[7], có 25.000 trường Phổ thông, Trung cấp và Đại học Công Giáo do Giáo Hội thiết lập[8].
Indonesia với 90% dân số theo Hồi giáo tại một đất nước hơn 260 triệu người, Giáo hội Công Giáo thiểu số với hơn 8 triệu tín hữu, tỉ lệ 3% toàn dân[9] cũng có hệ thống giáo dục Công Giáo trong đó có Đại học Công giáo Parahyangan là Đại học đầu tiên của đất nước này, Đại học Atma Java… Các trường Công Giáo ở Indonesia luôn có được một danh tiếng tuyệt vời và các sinh viên Hồi Giáo cũng theo học tại các trường này[10].
Thái Lan là một đất nước Phật Giáo tổng dân số 66,7 triệu dân, Công Giáo chiếm một con số rất nhỏ, chỉ có 0,1%, Giáo Hội Công Giáo có hệ thống giáo dục khoảng 300 trường học[11], có Đại học Assumption danh tiếng hàng đầu ở Thái Lan với hơn 1.300 giảng viên đến từ các nơi trên thế giới.
Theo thống kê năm 2018, Giáo hội Công giáo điều hành 72.826 trường mẫu giáo với 7.313.370 học sinh; 96.573 trường tiểu học với 35.125.124 học sinh; 47.862 trường trung học cơ sở với 19.956.347 học sinh. Giáo hội cũng chăm sóc cho 2.509.457 học sinh trung học phổ thông, và 3.049.548 sinh viên đại học[12].
Văn minh Công Giáo đã góp phần đáng kể vào việc tầm tra khoa học và vẽ bản đồ của trái đất, do Giáo Hội Công Giáo khích lệ những nhà thám hiểm thế giới vĩ đại như Marco Polo (1254-1324), Hoàng tử Henry the Navigator (1394-1460), Bartolomeu Dias (1450- 1500), Christopher Columbus (1451-1506) và Ferdinand Magellan (1480-1521)[13].
– Marco Polo cùng cha (Niccolò) và chú (Maffeo) là những người châu Âu đầu tiên đến Trung Quốc (nơi mà Marco Polo gọi là Katai) bằng Con đường tơ lụa cũng như đến thăm vị khả hãn Mông Cổ Hốt Tất Liệt.
– Hoàng tử Henry the Navigator bảo trợ các cuộc viễn chinh khám phá bờ biển Tây Phi. ông có thuê các nhà bản đồ học lập bản đồ vùng biển Mauritanie (khu vực Tây Phi) sau các chuyến du hành…
– Bartolomeu Dias là một nhà hàng hải tiêu biểu của Kỷ nguyên Khám phá. Ông là người châu Âu đầu tiên vượt qua điểm cực nam của châu Phi. Sau chuyến hành trình này, ông vượt qua Ấn Độ Dương đi tới Ấn Độ.
– Christopher Columbus với những chuyến vượt Đại Tây Dương đã mở ra những cuộc thám hiểm châu Mỹ.
– Ferdinand Magellan với chuyến đi đầu tiên bằng đường biển của con người từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương và là chuyến đi đầu tiên băng qua Thái Bình Dương. Chuyến đi này cũng đánh dấu sự kiện con người lần đầu tiên đi vòng quanh trái đất thành công.
Chúng ta đều biết nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật. và cả kiến trúc [người Mỹ định nghĩa “Kiến trúc là nghệ thuật và khoa học thiết kế.”]) có vai trò rất quan trọng đối với con người: làm nội tâm sâu sắc hơn, triết lý sống hài hòa hơn, phát triển nhân bản toàn diện hơn. Giáo Hội Công Giáo đóng góp cách đặc biệt vào các lãnh vực nghệ thuật này:
Các công trình kiến trúc, tác phẩm hội họa và điêu khắc của Michelangelo (1475-1564), của Leonardo da Vinci (1452-1519) và của Raphael (1483-1520) luôn được người đời ca tụng… Nhất là những tác phẩm hội họa của các ông cho đến nay là những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất mọi thời đại.
Các thể loại âm nhạc mà hầu như phần lớn, hoặc toàn bộ đều bắt nguồn từ nền văn minh Công giáo bao gồm các bài thánh ca, các thể loại diễn xướng và nhạc kịch opera… của các nhà soạn nhạc như Johann Pachelbel (1653-1706), Antonio Lucio Vivaldi (1678- 1741), Johann Sebastian Bach (1685-1750), Handel George Frideric (1685-1759), Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791), Franz Joseph Haydn (1732-1809), Ludwig van Beethoven (1770-1827), Franz Peter Schubert (1797-1828), Jakob Ludwig Felix Mendelssohn Bartholdy (1809-1847), Franz Liszt (1811-1886), và Giuseppe Fortunino Francesco Verdi (1813-1901) là những nhạc cổ điển được ngưỡng mộ nhất mọi thời đại…
Giáo Hội cũng phát minh ra hệ thống chữ nổi Braille dành cho người mù[14], nhờ đó giáo dục sâu rộng đến anh chị em khiếm thị.
Giáo Hội Chúa Kitô dù mục đích tối hậu là loan báo Tin Mừng cứu rỗi, nhưng đi đến đâu, các vị thừa sai luôn lập các trường học, trước tiên là để giáo dục, giúp người dân xóa nạn mù chữ mở mang kiến thức. Chúng ta thấy rõ ràng ở các nước châu Mỹ, châu Phi và châu Á, ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, bên cạnh nhà thờ bao giờ cũng có các trường học (xem thống kê ở mục II). Trong Giáo Hội Công Giáo có các hội dòng chuyên lo về Giáo dục: Dòng Don Bosco đang phục vụ trên 130 quốc gia, trong đó có Việt Nam[15], dòng La San có mặt tại hơn 80 quốc gia trong đó có Việt Nam[16], dòng Tên mở trường học ở 122 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới cũng có mặt ở Việt Nam[17].
Nhiều hội dòng quốc tế như dòng Phaolô, Đức Bà truyền giáo, Vinh Sơn… và địa phương như Mến Thánh Giá, Mân Côi, Thánh Tâm Huế, Thánh Gia Long Xuyên… dấn thân trong lãnh vực giáo dục: trường học các cấp, cô nhi viện…
Nỗ lực trong sứ mạng giáo dục của Giáo Hội Công Giáo ở khắp mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh như là tuyên ngôn:
“Giáo Hội chính là người Mẹ “săn sóc toàn diện đời sống con người, kể cả đời sống trần thế, trong mức độ liên hệ với lời mời gọi của Thiên Chúa. Vì thế, Giáo Hội thông phần vào việc mở mang và phát huy nền giáo dục”[18].
Dù là hệ thống Giáo dục Công giáo, nhưng các trường không chỉ đón nhận người tín hữu, với những kinh nghiệm và khả năng trí thức, Giáo dục Công giáo đón nhận tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo để góp phần phát triển, thăng tiến con người như Thông điệp Phát triển các dân tộc xác quyết:
“Để có thể là chân thật, sự phát triển phải là toàn diện, nghĩa là thăng tiến mọi con người và toàn bộ con người”[19].
Với thời gian khá lâu dấn thân trong lãnh vực giáo dục của Giáo hội Công giáo, Đức cố Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGM.VN (2013 -2016) khẳng định trong Vatican Insider ngày 11.07.2014, luôn góp phần xây dựng mọi xã hội – nơi có sự hiện diện của Giáo Hội:
“Giáo Hội Công Giáo có thể mang lại triết lý và kinh nghiệm giáo dục của mình để giáo dục người ta trở nên những con người có trách nhiệm, vì lợi ích của toàn thể xã hội”[20].
Quy chiếu vào xã hội và môi trường giáo dục ở Việt Nam, đang cần mọi thành phần trong xã hội đóng góp để canh tân giáo dục, Đức cố Tổng Giám Mục Chủ tịch HĐGM. VN (2013-2016) khẳng định khả năng đóng góp của Giáo Hội Công Giáo:
“Chúng tôi tin chắc. Nó sẽ đánh dấu một bước tiến triển quan trọng vì ích chung của đất nước, một dấu hy vọng to lớn cho một tương lai tươi sáng hơn đối với Việt Nam”[21].
Không chỉ ở Việt Nam, chính vì sự dấn thân Giáo Hội luôn có chỗ đứng trong nền giáo dục của bất kỳ thể chế xã hội nào…
Chúng ta cùng gẫm lại hành trình lịch sử của Giáo dục Công Giáo tại Việt Nam và hướng đi tới tương lai.
- Giáo dục Công Giáo tại Việt Nam
Ngay khi đến Việt Nam loan báo Tin Mừng, các thừa sai (những nhà truyền giáo) dùng mẫu tự Latin ghép thành chữ Việt, làm cho tiếng Việt dễ đọc, dễ viết, xóa nạn mù chữ góp phần cho việc dễ dàng chuyển tải các bài học trong truyền giáo và giáo dục. Linh mục (Lm) Francisco de Pina (1585-1625) đã đặt nền tảng cho công trình chữ Việt, tiếp theo các thừa sai bồi đắp và Lm. Alexandre de Rhodes (1591-1660) học trò của Lm. Pina về tiếng Việt, đã có công hoàn thành chữ Quốc ngữ Việt Nam.
Khi không còn bách hại đạo kể từ thế kỷ XIX, các dòng tu nam nữ chuyên lo về giáo dục đến phục vụ tại Việt Nam. Dòng nữ tu thánh Phaolô (Saint Paul) là một trong những dòng tu hiện diện sớm nhất, năm 1860 các nữ tu đến Sài Gòn với mục đích giáo dục và chăm sóc bệnh nhân. Dòng La San cũng được mời đến 6 năm sau đó (1866), các trường Dòng được hình thành để đáp ứng nhu cầu phát triển tri thức cho người dân bản xứ. Năm 1924 dòng Đức Bà Truyền Giáo đến Phát Diệm mở trường. Năm 1928 dòng Nữ Tử Bác Ái đến Sài Gòn chăm lo cho công tác giáo dục và bác ái. Năm 1935 dòng Đức Bà Kinh Sĩ Thánh Âu Tinh đến Việt Nam và lập nhà ở Đà Lạt cùng với trường học…
Cho đến trước thập niên 1950 khi Hàng Giáo Phẩm Việt Nam chưa chính thức thành hình, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam (GHCGVN) đã thiết lập và phát triển hệ thống giáo dục Công Giáo khắp mọi miền.
Đất nước bị chia đôi sau Hiệp định Genève năm 1954, các cơ sở giáo dục của GHCGVN tại miền Bắc bị tịch thu, hoạt động giáo dục Công Giáo bị ngưng hoạt động. Ngược lại tại miền Nam, nền giáo dục Công Giáo phát triển mạnh nhờ lực lượng trí thức khắp nơi dồn về (du học về, từ Bắc di cư vào Nam):
Bảng tổng kết tình hình Giáo Hội Việt Nam vào năm 1962-1963 (Hàng Giáo Phẩm Việt Nam thành lập 1960) cho ta thấy hoạt động của Giáo Hội trong lĩnh vực giáo dục, y tế và xã hội rất lớn […] Giáo Hội Việt Nam lúc đó có 93 trường Trung học với 60.412 học sinh, 1.122 trường Tiểu học với 234.749 học sinh, 58 Cô Nhi viện nuôi 6.616 trẻ, …”, đặc biệt mở ra các đại học như Viện Đại học Đà Lạt, Đại học Thành Nhân (Dòng La San), Đại học Minh Đức (ngành y khoa)… [22], góp phần trực tiếp phát triển con người, đất nước và xã hội Việt Nam.
Các trường học không chỉ đào tạo tín hữu Công Giáo nhưng mở cho toàn dân, như Viện Đại học Công Giáo Đà Lạt theo thống kê cho đến tháng 4/1973: sinh viên Phật Giáo có tỉ lệ 45,45%, cao hơn cả sinh viên Công Giáo 41,11%, và số sinh viên không tôn giáo là 15,63%. Sinh viên có niềm tin theo tín ngưỡng cổ truyền như Khổng Giáo 5,3% trong tổng số sinh viên 3.475 sinh viên của toàn Viện Đại học Công Giáo Đà Lạt… Thống kê này cũng toát lên tinh thần liên tôn và dung hợp rất đậm đà nhân bản, dù có hay không có tôn giáo.
Ngày 29/3/1961, nhân lễ tốt nghiệp khóa I của khoa Sư phạm – Viện Đại học Công Giáo Đà Lạt, Đức Giám Mục Phêrô Ngô Đình Thục, lúc bấy giờ đang là Chưởng Ấn Viện Đại học Công Giáo Đà Lạt, đã phát biểu:
“Ở bất cứ đâu, Giáo Hội Công Giáo đã từng góp phần giáo dục thanh thiếu niên. Trên khắp lãnh thổ Việt Nam thân yêu của chúng ta, từ Bắc chí Nam, từ làng quê đến thành thị, các trường Trung Tiểu học được Công Giáo bảo trợ đang hoạt động hăng hái. Rất nhiều cựu học sinh của những trường này đang phục vụ dân tộc chúng ta trong nhiều lãnh vực hoạt động khác nhau. Nhưng Đất Nước vào giai đoạn phát triển mới cần có những nhân sự được huấn luyện đầy đủ để có thể đáp ứng với những đòi hỏi mới…”[23] .
Có các trường Trung học danh tiếng mà cho đến hôm nay khi nhắc lại tên vẫn làm cho những người trong môi trường giáo dục miền Nam vẫn nhớ mãi như: Taberd do các sư huynh Lasan dạy, Nguyễn Bá Tòng, Bùi Thị Xuân do các linh mục địa phận tổ chức, Trường Saint-Paul (đường Tôn Đức Thắng hiện nay) do các nữ tu Thánh Phaolô Chartres dạy, trường Regina Mundi do các nữ Kinh sĩ Thánh Augustinô, trường Regina Pacis do các nữ tu Bác Ái Thánh Vinh Sơn tổ chức, trường Thánh Tô Ma (do linh mục dòng Đa Minh). trường Notre Dame, trường Bosco ở Thủ Đức. Trường Couvent des Oiseaux và Trí Đức ở Đà Lạt; Trường Pellerin, Thiên Hựu (Providence) Jeanne d’Arc ở Huế; các trường Gagellin và Trinh Vương ở Qui Nhơn; Nha Trang có trường La San (trên đồi La Salle)… Các nhân tài đất nước xuất thân phần lớn từ những ngôi trường này, bên cạnh đó cũng có những trường Công lập nổi danh như Petrus Ký, Chu Văn An, Gia Long, Trưng Vương, Lê Quý Đôn, Đoàn Thị Điểm, Quốc Học Huế.
Theo thống kê năm 1969, Giáo hội Công giáo ở miền Nam Việt Nam đã sở hữu 226 trường trung học, 1030 trường tiểu học, cô nhi viện… [24]
Kể từ năm 1975, đất nước thống nhất quốc hữu hóa các cơ sở giáo dục, GHCGVN bị đặt bên lề trong việc giáo dục các thế hệ của dân tộc. Việc độc quyền giáo dục đã khiến cho nền giáo dục và khoa học của ta đang xuống dốc, như lời nhận định của giáo sư Hoàng Tụy dù cách đây đã lâu nhưng vẫn còn có tính thời sự cho đến hôm nay:
“Khoa học và giáo dục xuống cấp… Chỉ trừ một số quan chức có thói quen ở đâu và lúc nào cũng nhìn thấy thành tựu, luôn luôn lạc quan ngay cả bên bờ vực thất bại – còn ngoài ra, bất cứ ai là nhà giáo, nhà khoa học, là công dân có ý thức trách nhiệm, đều không thể dửng dưng trước tình hình bất bình thường nghiêm trọng của giáo dục và khoa học kéo dài mấy thập kỷ nay.”[25]
Đến nay, Giáo dục Việt Nam vẫn luôn loay hoay tìm lối đi…
Mãi đến năm 2001 trở về sau này, một số trường tư được mở do, tự đầu tư hoặc điều hành bởi nước ngoài. Riêng các tôn giáo, dù là của Việt Nam vẫn chưa chính thức tổ chức, điều hành một trường học, nghĩa là trong lĩnh vực giáo dục chỉ mở cửa cho người ngoài nhưng người nhà “có đạo”vẫn bị bỏ ra bên ngoài.
Trước vận mệnh nền giáo dục trên quê hương Mẹ bên bờ vực thẳm, sau 33 năm bị gạt ra bên lề, Giáo Hội Việt Nam nhận định trong Thư chung năm 2007:
“Ý thức sứ mạng quan trọng đối với tương lai Giáo Hội và tiền đồ dân tộc, Giáo Hội Việt Nam muốn dấn thân trong sự nghiệp giáo dục để thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô cho mọi người cách hiệu quả và thiết thực hơn. Trong tinh thần đó, chúng tôi kêu gọi những người có trách nhiệm giáo dục và mọi Kitô hữu Việt Nam hãy chú trọng hơn nữa đến sứ mạng cao cả này, một sứ mạng mang nhiều đặc tính biệt loại so với nền giáo dục xã hội trần thế”[26].
Tiếp theo trong Thư mục vụ năm 2010, có tựa đề Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống, Giáo Hội Việt Nam tuyên bố sẵn sàng đóng góp vào việc phát triển đất nước trong lãnh vực giáo dục, một lãnh vực quan trọng để uốn nắn giới trẻ và lương tâm của họ (Thư mục vụ năm 2010 của HĐGMVN).
Các tôn giáo ở Việt Nam dù vẫn bị gạt ra bên ngoài trong lĩnh vực giáo dục, nhưng GHCGVN vẫn luôn muốn góp phần mình vào công tác giáo dục mọi thế hệ như lời dạy của Giáo Hội Mẹ:
“Công Đồng còn khuyên nhủ các con cái Giáo Hội hãy quảng đại hoạt động trong mọi lãnh vực giáo dục, nhất là để có thể sớm đem lại những lợi ích của một nền giáo dục và giáo huấn xứng hợp cho mọi người ở khắp nơi trên toàn thế giới”[27].
Giáo Hội Việt Nam dù bị loại ra khỏi lãnh vực giáo dục học đường ở mọi cấp và các cơ sở giáo dục đều bị lấy mất…, vẫn có sự dấn thân theo cách của Giáo hội Mẹ từ cả ngàn năm: “hạt giống âm thầm” qua các Lưu xá: từ nhiều năm nay có các Lưu xá, Nhà Nội trú do các nam nữ tu sĩ hoặc các giáo xứ tổ chức như một mái ấm, dù không được phép chính thức nhưng hợp pháp với tên gọi “nhà trọ” cho sinh viên nghèo. Theo thống kê của Ban Giáo dục Công Giáo Tổng Giáo phận Sài Gòn, chung quanh Sài Gòn có 58 Lưu xá sinh viên. Trong những “mái ấm” đó, các linh mục tu sĩ bằng những phương pháp sư phạm đã thông truyền cho các em những bài học nhân bản, đạo đức, kỹ năng sống. Tất cả nỗ lực dấn thân với mô hình Lưu xá theo lời khuyến khích của Công đồng Vatican II:
“Thành lập ngay tại các Đại học không Công Giáo những cư xá và trung tâm sinh viên Công Giáo, ở đó, các linh mục, tu sĩ, giáo dân được tuyển chọn và huấn luyện kỹ, sẽ thường xuyên giúp đỡ giới trẻ sinh viên về tu đức và trí thức”[28].
Năm 2010, với quyết tâm dấn thân trong môi trường giáo dục theo khả năng, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tái lập lại Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo. Tuy không có cơ sở giáo dục (trừ các dòng tu nữ được phép mở các trường Mẫu giáo, vài giáo phận và vài dòng tu nam có trường Dạy nghề, trường Tình thương), nhưng Giáo Hội luôn dấn thân với nhiều ban ngành khác nhau.
Các thư mục vụ của Đức cha chủ tịch Ủy ban Giáo dục vào dịp năm học mới, vào ngày Nhà giáo 20.11, Noel, dịp Tết, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, Mùa Vọng như một sự chỉ dẫn và đồng hành với giáo chức, với giới trẻ học đường… Nhờ các thư mục vụ của Đức cha chủ tịch Ủy Ban Giáo dục, giới trẻ học đường và các giáo chức cảm thấy mình được Giáo Hội quan tâm dẫn dắt, đó là một trong những cách thức “Loan báo Tin Mừng cách mới mẻ để thông truyền đức tin” (Chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XIII).
Kể từ khi có Ủy Ban Giáo dục Công giáo bao gồm các ban nghiên cứu chuyên biệt, Ủy Ban Giáo dục Công giáo có các kế hoạch được dự phóng cho tương lai, bắt đầu có những nỗ lực nhỏ bé xây dựng từ hôm nay…, phác thảo hướng đi: đóng góp, gắn bó và làm cho Giáo hội được hiện diện trong xã hội ngày nay qua vai trò chứng nhân trong môi trường học đường. Nhất là với các giáo chức Công giáo, âm thầm đem Chúa đến với mọi đối tượng qua cách thức giảng dạy để có thể tiếp cận với học sinh – sinh viên hoặc bằng cung cách lãnh đạo thân thiện, giảng dạy tận tình… như hướng dẫn của Giáo Hội qua tuyên ngôn giáo dục của Công đồng Vatican II:
“Phận vụ các giáo viên đang thi hành chính là một hoạt động tông đồ đích thực, rất thích hợp và cần thiết cho thời đại chúng ta, đồng thời là sự phục vụ chính đáng cho xã hội”[29].
Đáng kể nhất là tổ chức các Hội thảo khoa học về giáo dục, các khóa học bồi dưỡng, giúp ích cho các nhà giáo không phân biệt tôn giáo trong sứ vụ đào tạo con người.
Các Ban Giáo dục của Tổng Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh, Xuân Lộc… năng động trong các hoạt động đồng hành giáo chức và sinh viên học sinh.
Đặc biệt, Học viện Công giáo Việt Nam chính thức được thành lập khi Chính Phủ Việt Nam cấp giấy phép vào ngày 8.8.2015 và Sắc lệnh thành lập HVCGVN của Tòa Thánh ký ngày 14.9.2015, đáp ứng sự mong chờ từ lâu của Giáo Hội Việt Nam. Học Viện Công giáo Việt Nam là một Đại học mang “căn tính” Công giáo. Hiện nay, trong điều kiện cho phép, trước hết HVCGVN chỉ thành lập Phân khoa Thần học và năm học 2019-2020 chuẩn bị trong học kỳ II khai giảng ngành mục vụ với chuyên ngành Đào tạo nhân sự Mục vụ, chuyên ngành văn hóa xã hội. Nhưng trong tương lai, khi hội đủ điều kiện và khi Giáo hội được phép góp mặt rộng rãi hơn trong lãnh vực đào tạo trí thức, Học viện sẽ xây dựng các ngành đào tạo khác đóng góp vào công cuộc phát triển của Đất nước và Xã hội.
Trường Trung cấp nghề Hòa Bình thuộc giáo phận Xuân Lộc, được thành lập ngày 09.6.2008 và chính thức hoạt động ngày 20.12.2012. Đến năm 2017, trường được quyết định nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc, đầu tiên tuyển sinh hệ cao đẳng đào tạo các ngành về kỹ thuật nơi các giáo phận chung quanh như: Phú Cường, Sài Gòn, Đà Lạt, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phan Thiết, Ban Mê Thuột, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Lời dạy của Giáo Hội Mẹ, như một quyết tâm cho các vị mục tử Việt Nam tái dấn thân trong lãnh vực giáo dục:
“Là Mẹ và là Thầy, Giáo hội Công giáo có bổn phận thông truyền cho mọi người, nhất là các Kitô hữu, một nền giáo dục toàn vẹn” [30].
Qua sự dấn thân trong sứ mạng Giáo dục, Giáo hội Công giáo ở khắp nơi trực tiếp xây dựng tình liên đới giữa các cá nhân, các dân tộc và các quốc gia, vốn là điều cấp bách trong xã hội toàn cầu hóa hôm nay, như Thư Chung năm 2007 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Giáo dục Kitô giáo nhấn mạnh:
“Con người sống trong xã hội không phải là một ốc đảo, nhưng liên đới với nhau trong niềm vui cũng như ưu sầu. Xã hội tính là một nét nổi bật của con người. Giáo dục Kitô giáo góp phần cổ võ tình liên đới, làm cho con người có trách nhiệm với nhau, trách nhiệm đối với xã hội và công ích, cùng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp an bình” [31].
Ý thức tiền đồ của dân tộc, tương lai của Giáo Hội, Hội Thánh tại Việt Nam muốn dấn thân trong lĩnh vực giáo dục theo khả năng của mình như là cách thức loan báo Tin Mừng cho mọi người, xây dựng đất nước, cách hiệu quả và thiết thực hơn…
“… dẫu phải đối diện với nhiều giới hạn và khó khăn, Giáo Hội Việt Nam vẫn kiên trì tìm cách thực hiện sứ vụ giáo dục vốn gắn liền với sứ vụ Phúc Âm hóa đã được Chúa Giêsu trao lại…” [32].
Chúng ta hy vọng với Luật tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay, các tôn giáo nói chung, và Giáo hội Công Giáo cách đặc biệt sẽ được góp sức không hạn chế vào các lĩnh vực nhất là lĩnh vực giáo dục, Giáo hội đã có truyền thống và kinh nghiệm sâu sắc.
Thật thế, Giáo hội Việt Nam trong sứ mạng giáo dục như người đi gieo giống: “mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 125,6).
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN số 116 (Tháng 01 & 02, năm 2020)
[1] Gioan Phê Ny Ngân Giang OP, “Sư Phạm Của Thiên Chúa, Nền Tảng Giáo Dục Kitô Giáo”, http://daminhvn.net
[2] Will Spens (Chairman), Secondary education with special reference to grammar schools and technical high schools(1938). London: HM Stationery Office.
[3] Tuyên Ngôn đại hội toàn Dòng Xi-tô, sđd., số 13, và số 24 đến 27
[4] “Tìm hiểu về các Giáo hội tại Á châu: lịch sử và hiện tình tôn giáo”, http://conggiao.info
[5] “Thống kê về Giáo Hội Hàn Quốc trước chuvến thăm của ĐTC Phanxicô”, https://dongten.net/
[6] “Danh sách Tất cả các trường Công giáo ở Hàn Quốc”, http://korea.net.vn
[7] “Các tôn giáo lớn tại Ấn Độ”, https://trithuc.itrithuc.vn
[8] “25.000 trường học Công Giáo Ấn Độ đóng cửa để phản đối bạo lực ở Orissa”, http://m.vietcatholic.net
[9] “Giáo hội Indonesia, những cơ hội và thách đố”, https://www.vaticannews.va
[10] “Giáo hội Indonesia, những cơ hội và thách đố”, https://www.vaticannews.va
[11] “Thái Lan: Các trường học Công Giáo chú trọng giáo dục và tâm linh.”, http://btgcp.gov.vn
[12] Catholic Church Statistics, Agenzia Fides – 21 October 2018.
[13] “Những công trình mà Giáo Hội cống hiến cho nhân loại”,VietCatholic News. Ngày 17 tháng 5 năm 2011. Andrew Pinsent, “What the Church has given the world” (Catholic Herald), https://catholicherald.co.uk
[14] “Những công trình mà Giáo Hội cống hiến cho nhân loại”,VietCatholic News. Ngày 17 tháng 5 năm 2011. Andrew Pinsent, “What the Church has given the world” (Catholic Herald), https://catholicherald.co.uk
[15] “Don Bosco Vĩnh Long: Hiện diện và phát triển”, http://conggiao.info
[16] “Năm Thánh La San kỷ niệm 300 năm thánh nhân qua đời”, https://www.vaticannews.va/vi.html
[17] “Giới thiệu Dòng Tên”, https://dongten.net/
[18] Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo, Lời mở đầu.
[19] Thông điệp Phát triển các dân tộc, số 15.
[20] Vatican Insider, http://vaticaninsider.lastampa.it
[21] Vatican Insider, http://vaticaninsider.lastampa.it
[22] Hoa Hạ fsc, Giáo dục Công Giáo tại Việt Nam – Nhìn lại một chặng đường)
[23] Hòa Giang Đỗ Hữu Nghiêm, Viện Đại học Đà Lạt, Giữa Lòng Dân Tộc Việt Nam 1957-1975 (Bản bổ sung lần I), 2.2008.
[24] Giáo Hội Công Giáo Việt Nam – Niên giám 2004, Nxb Tôn giáo 2004.
[25] Hoàng Tụy, “Một số vấn đề khoa học và giáo dục: Góc nhìn trong cuộc”, Thời đại mới – Tạp chí nghiên cứu & thảo luận, số 6 – Tháng 11.2005.
[26] Thư Chung 2007 của HĐGM Việt Nam Về Giáo Dục Kitô Giáo.
[27] Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo, số 1.
[28] Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo, số 10.
[29] Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo, số 8.
[30] Thư Chung 2007 của HĐGM Việt Nam về Giáo dục Kitô Giáo, số 32.
[31] Thư Chung 2007 của HĐGM Việt Nam về Giáo dục Kitô Giáo, số 34.
[32] Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm, “Giáo hội và sứ vụ giáo dục”, Hiệp Thông số 87 của HĐGM Việt Nam.
Lm. Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng SCJ
2020
Đọc lại sách Xuất Hành: Vụ con bê bằng vàng
ĐỌC LẠI SÁCH XUẤT HÀNH
VỤ CON BÊ BẰNG VÀNG
Tội tổ tông thứ nhất xảy ra trong vườn Địa Đàng, con người nghe Xa-tan xúi giục, nghi ngờ tình yêu thương của Thiên Chúa. Đã nghi ngờ tình yêu thì mọi thứ bị đảo lộn. Những gì là quà tặng của tình yêu mất hết giá trị, và người ta đi tìm cái khác bù lại. Cái gì cũng tin, trừ tình yêu mình đã từ chối. Tin rằng một thứ trái cây lại có sức đem cho người ta hơn cả những gì đã mất: cho mình trở nên như những vị thần. Đó là cái ảo tưởng dai dẳng trong lòng con người từ đó tới nay. Lịch sử cứu độ từ Vườn Địa Đàng tới nay vẫn là sự vật lộn giữa thật và giả, giữa Thiên Chúa thật và ngẫu tượng. Xưa thì ngẫu tượng là những vật vô tri tay người ta làm ra, rồi đến của cải, quyền lực. Người ta có thể “sát tế” cả đến con cái mình, dân tộc mình, ngày nay thì có thể sát tế cả nhân loại cho thần quyền lực, thần tiền tài. Ngẫu tượng ngày nay còn có cả những con người bằng xương bằng thịt, có sức cuốn hút cả một thế hệ, người ta dùng chính cái tên “thần tượng” để gọi và người ta thèm nên giống thần tượng của mình, từ mái tóc, từ cách đi đứng. Thần tượng kiểu nào cũng làm con người vong thân. Điều nghịch lý là Thiên Chúa giải phóng, còn ngẫu tượng bắt người ta làm nô lệ, nhưng người ta lạ cứ thích làm nô lệ hơn.
Đoàn dân nô lệ được Thiên Chúa sai Mô-sê đưa ra khỏi Ai cập chỉ tin vào Thiên Chúa khi đã thấy xác của đoàn quân đuổi theo mình phơi trên bờ biển, nhưng vừa thiếu bánh thiếu nước, thèm con cá, miếng thịt, quả dưa quả bí, củ hành củ tỏi là đã muốn đánh đổi tự do lấy bụng no! Đoàn dân nô lệ vừa được ngóc đầu lên muốn có “tất cả và ngay lập tức”. Thiên Chúa cũng kiên nhẫn săn sóc họ như một đứa trẻ (x. Xh 16-17).
Đến núi Xi-nai, Thiên Chúa muốn nâng phẩm giá cho họ bằng một Giao Ước, nhận họ làm dân của Ngài (x. Xh 19-24), vì Ngài trung thành với lời đã hứa cho Áp-ra-ham, người “bạn của Thiên Chúa”. Bấy lâu nay họ chỉ biết các ngẫu tượng của Ai-cập, chưa biết Thiên Chúa của tổ tiên họ. Thiên Chúa cho họ thấy sự uy nghi siêu việt của Thiên Chúa bằng cuộc hiển linh trên núi Xi-nai để phán dạy họ. Họ sợ hãi, xin Mô-sê làm trung gian nói với họ bằng tiếng nói của loài người. Thiên Chúa cũng chiều ý họ. Sau khi ông Mô-sê đã rao cho họ nghe Luật của Giao Ước thì họ nghe và chấp nhận. Ông Mô-sê cử hành nghi lễ kết ước. Thiên Chúa gọi ông Mô-sê lên núi để lãnh “hai tấm bia chứng ước; những bia ấy viết cả hai mặt. Những bia ấy là do Thiên Chúa làm ra, chữ là chữ của Thiên Chúa, khắc trên các bia.”
Ông Mô-sê ở lại trên núi bốn mươi ngày đêm, biệt vô âm tín. Dân sốt ruột. Trước khi lên núi, ông Mô-sê đã giao cho A-ha-ron, người anh đã giúp ông từ đầu cuộc vận động giải phóng ở Ai-cập tới nay, làm đại diện ở với dân. Ngồi chờ cả tháng trời họ mất kiên nhẫn. Họ đến gặp ông đại diện lâm thời đang ngồi đó và yêu cầu: “Xin ông đứng lên, làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Mô-sê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai-cập.” Họ muốn có một vị thần dân đầu mà họ điều khiển được, thay vì Thiên Chúa uy nghi trên núi khiến họ sợ hãi và không thể điều khiển.
Ông A-ha-ron không hề thắc mắc hay phản kháng. Ông có ngay sáng kiến để thỏa mãn yêu cầu của dân khi nhìn họ đeo những đồ trang sức bằng vàng dân đã đoạt của người Ai-cập. “Ông A-ha-ron nói với họ: “Hãy gỡ các khuyên vàng mà vợ và con trai con gái anh em đeo ở tai, rồi đem đến cho tôi.” 3Toàn dân gỡ các khuyên vàng đeo tai và đem đến cho ông A-ha-ron. 4Ông lấy vàng từ tay họ trao cho, đem đúc và dùng dao mà gọt đẽo thành một con bê[1]. Có vẻ ông A-ha-ron thạo nghề kim hoàn!
Ông khỏi cần nói gì thêm. Thấy con bê bằng vàng ông vừa hoàn thành, dân bộc phát tung hô: “Đây là thần của ngươi đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập.” Vuốt râu đắc ý, ông dựng bàn thờ trước tượng con bê, rồi tuyên bố: “Mai có lễ kính Đức Chúa”. Dân nhiệt liệt hưởng ứng: “Ngay hôm sau, họ dậy sớm, dâng tiến những của lễ toàn thiêu và những lễ vật kỳ an. Dân ngồi xuống ăn uống, rồi đứng lên bày trò vui chơi.”
Ông Mô-sê bị thả trôi sông, được công chúa cứu, lớn lên trong hoàng cung. Sau đó trốn sang đất Ma-đi-an. A-ha-ron sinh trước cái lệnh tàn ác kia, nên thanh thản lớn lên trong gia đình. Ông mang theo ký ức về các ngẫu tượng, các buổi lễ hội của Ai-cập. Những ký ức kia và tay nghề giúp ông thỏa mãn yêu cầu của dân thật dễ dàng.
Sách Xuất Hành không nói gì đến đời sống tôn giáo của đám dân nô-lệ này suốt mấy trăm năm lưu lạc bên Ai-cập. Nhưng sách Ê-dê-ki-en cho thấy :
« Hỡi con người, xưa có hai người đàn bà là con cùng một mẹ. 3Chúng đã đàng điếm ở Ai-cập ; ngay từ thời thơ ấu, chúng đã đàng điếm. Ở đó, chúng đã bị bóp vú, bị nắn ngực còn trinh. 4Tên của chúng : chị là O-ho-la, em là O-ho-li-va. Chúng đã thuộc về Ta và sinh được một bầy con trai con gái. Đây là tên của chúng : O-ho-la là Sa-ma-ri và O-ho-li-va là Giê-ru-sa-lem. » (23,2-4).
Vậy thì tượng con bê bằng vàng và lễ hội không phải là sáng kiến của ông A-ha-ron, nhưng chỉ là bắt chước dân Ai-cập thôi. Điều mỉa mai là vàng đoạt của dân Ai cập lại thành ông thần đưa dân nô lệ ra khỏi Ai-cập. Nếu nhớ lại câu chuyện của bà tổ Ra-khen khi theo chồng trốn về bên nội thì ta thấy cái mỉa mai còn sâu sắc hơn nữa (x. St 31). Bà Ra-khen lấy trộm các tượng thần của cha mang theo. Khi cha đuổi theo và hỏi tội Gia-cóp : « Sao con lại lấy trộm các thần của cha ». Gia-cóp chẳng biết gì về việc vợ đã làm, nên khẳng khái trả lời : « Nếu cha tìm thấy các thần của cha nơi người nào, thì người ấy không được sống nữa. » Trong khi ông La-ban lục lọi trong lều thì bà Ra-khen cho các thần trú ẩn dưới yên lạc đà rồi thản nhiên ngồi lên trên. Cha tới thì bà viện cớ « ngày phụ nữ của con » để xin miễn đứng lên. Ông La-ban chịu thua. Bà tổ thì cho thần của tổ tiên núp ở nơi hiểm hóc nhất, con cháu bốn trăm năm mươi năm sau thì lấy vàng của Ai-cập đúc tượng thần Ai-cập mà đặt lên bàn thờ[2] !
Ông Mô-sê còn ngây ngất ở trên núi thì Thiên Chúa báo cho ông biết và bảo ông xuống ngay. Thiên Chúa cho ông biết kế hoạch mới : xóa sổ dân phản loạn này và cho ông thay thế. Ông liền van xin, và đưa ra hai lý do : một là thể diện của Thiên Chúa trước mặt dân Ai-cập, hai là sự trung thành của Thiên Chúa với lời đã hứa cho Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Lập tức « ĐỨC CHÚA đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe. »
Ông Mô-sê ôm hai tấm bia đi xuống núi. Vậy khi đến gần trại, ông thấy con bê và những bọn người đang nhảy múa. Ông Mô-sê nổi cơn thịnh nộ : Ông ném các tấm bia đang cầm trong tay và đập vỡ dưới chân núi. 20Ông lấy con bê họ đã làm, đốt đi, tán nhuyễn ra, rắc lên mặt nước, rồi bắt con cái Ít-ra-en uống.
Rồi ông chất vấn ông đại diện A-ha-ron, được một câu trả lời « ngây thơ cụ » :
Ông Mô-sê bảo ông A-ha-ron : “Dân này đã làm gì ông mà ông đưa họ tới chỗ phạm một tội lớn như thế ?” 22Ông A-ha-ron nói : “Xin ngài chớ bừng bừng nổi giận ; chính ngài biết : dân này có khuynh hướng xấu. 23Họ nói với tôi : Xin ông làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Mô-sê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai-cập. 24Tôi nói với họ : Ai có vàng ? Họ đã gỡ đồ vàng đeo tai và đưa cho tôi ; tôi ném vào lửa, và đã ra con bê này.”
Đỉnh cao của phản ứng : Mô-sê kêu gọi thánh chiến. Đám con cháu Lê-vi nhiệt thành theo ông. Tắm máu. Sau đó ông tuyên dương cộng trạng và tấn phong đám người nhiệt thành :
Ông Mô-sê nói: “Hôm nay, anh em được phong chức để phục vụ ĐỨC CHÚA, vì kẻ thì đã hy sinh con mình, kẻ thì đã hy sinh anh em mình, khiến Người chúc phúc cho anh em hôm nay.”
Nghe mà nổi da gà ! Họ được phong chức vì đã hy sinh con mình, anh em mình chứ không phải chính mình. Bình tĩnh suy nghĩ thì chúng ta thấy phản ứng sắt máu này hoàn toàn là sáng kiến của ông Mô-sê chứ không phải lệnh của Thiên Chúa. Ông năn nỉ cho dân, Thiên Chúa nhận lời ngay và tuyên bố tha rồi.
Ông Mô-sê tự ý đập vỡ bia chứng ước tức là tự tiện tuyên bố « giao ước đã vỡ ». Chưa hết, ông còn tự ý tuyên bố thánh chiến, gây ra cuộc tắm máu. Ông phải dạy cho dân biết đường lối của Thiên Chúa, thế mà chính ông lại chẳng làm theo. Thiên Chúa tha, nhưng Mô-sê không tha !
Qua một đêm lắng xuống, hôm sau :
Ông Mô-sê trở lại với ĐỨC CHÚA và thưa : “Than ôi, dân này đã phạm một tội lớn ! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng! 32Nhưng giờ đây, ước gì Ngài miễn chấp tội họ ! Bằng không, thì xin Ngài xoá tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết.” 33ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê : “Kẻ nào phạm tội làm mất lòng Ta, Ta sẽ xoá tên nó khỏi cuốn sách của Ta. 34Bây giờ, ngươi hãy đi, đưa dân tới nơi Ta đã chỉ cho ngươi. Này thiên sứ của Ta sẽ đi trước mặt ngươi ; nhưng đến ngày Ta trừng phạt, Ta sẽ trừng phạt chúng vì tội đã phạm.” (32,31-34)
Hôm qua Thiên Chúa đã tuyên bố tha rồi mà, sao ông còn năn nỉ nữa, lại còn xin được thế mạng cho dân. Có vẻ như vì ông đã không tha nên ông tưởng Thiên Chúa cũng không tha. Thiên Chúa chẳng cần lấy mạng ông như ông đã lấy mạng ba ngàn người hôm qua. Cái mạng của ông cứ để đó, còn xài được. Thiên Chúa ra lệnh cho ông tiếp tục việc của ông là đưa dân đi tới Đất Hứa, và để bảo đảm cho ông đừng tự hành động theo cơn nóng giận thì « thiên sứ của Ta sẽ đi trước mặt ngươi ». Việc trừng phạt là của Thiên Chúa chứ không phải của ông, và Thiên Chúa không nóng vội như ông. « Đến ngày trừng phạt Ta sẽ trừng phạt ». Thế là rõ ràng. Đường lối của Mô-sê không phải là đường lối của Thiên Chúa. Mô-sê còn phải học cho biết đường lối của Thiên Chúa.
Mô-sê đã vỡ mộng với ông anh « ngây thơ cụ », hở ra một chút là làm hỏng việc, nên khi nghe Thiên Chúa ra lệnh đi tiếp, thì xin Thiên Chúa cho người đồng hành.
Ông Mô-sê thưa với ĐỨC CHÚA : “Xin Ngài coi, chính Ngài đã phán với con : ‘Hãy đưa dân ấy lên, vậy mà Ngài lại không cho con biết Ngài sẽ cử ai đi với con. Tuy nhiên chính Ngài đã phán : Ta biết đích danh ngươi, và hơn nữa ngươi đã được nghĩa với Ta.’ 13Vậy bây giờ, nếu quả thật con đã được nghĩa với Ngài,
xin khấn tỏ cho con biết đường lối của Ngài, để con biết Ngài, và được nghĩa với Ngài.
Xin cũng coi dân tộc này là dân của Ngài.” 14
ĐỨC CHÚA phán : “Đích thân Ta sẽ đi, và Ta sẽ cho ngươi được nghỉ ngơi.”
Đến đây ta hiểu rõ điều ông Mô-sê cầu xin. Ông anh « ngây thơ cụ » vẫn cùng đi với ông bấy lâu nay đã tỏ ra không biết đường lối của Thiên Chúa, mà bản thân ông cũng vừa ngộ ra là mình cũng chẳng biết gì hơn. Điều ông xin là được biết đường lối của Thiên Chúa để biết Thiên Chúa. Hôm Thiên Chúa gọi ông từ trong đám lửa, ông đã chẳng biết Người, nên ông xin biết tên của Người để có thể trả lời cho dân khi họ hỏi. Thiên Chúa đã cho ông cái tên dễ hiểu để nói với dân : « Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp », nhưng các cụ tổ đã chết từ mấy trăm năm trước, nên nghe vậy thì biết vậy thôi, đâu có đánh thức được các cụ dậy mà hỏi.
Câu chuyện vừa rồi đã cho ông thấy rằng đường lối của Thiên Chúa mình còn chẳng biết, nói chi là biết chính Thiên Chúa. Qua vụ con bê vàng này ông được « phá ngu » : ngộ ra rằng mình chưa biết Thiên Chúa. Thiên Chúa biết đích danh ông, nhưng ông chưa biết Thiên Chúa. Nhưng ông năn nỉ lần thứ ba : « xin cũng coi dân tộc này là dân của Ngài » cho thấy là ông vẫn còn nghi ngờ về ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa có tha thì mới sai ông tiếp tục dẫn nhọ đi chứ. Một lần nữa ông tỏ ra chưa biết Thiên Chúa và cũng chưa biết đường lối của Thiên Chúa.
Ông muốn xin đi đường tắt để biết Thiên Chúa :
“Xin Ngài thương cho con được thấy vinh quang của Ngài.” 19Người phán : “Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là ĐỨC CHÚA trước mặt ngươi. Ta thương ai thì thương, xót ai thì xót.” 20Người phán : “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống.” 21ĐỨC CHÚA còn phán : “Đây là chỗ gần Ta ; ngươi sẽ đứng trên tảng đá. 22Khi vinh quang của Ta đi qua, Ta sẽ đặt ngươi vào trong hốc đá, và lấy bàn tay che ngươi cho đến khi Ta đã đi qua. 23Rồi Ta sẽ rút tay lại, và ngươi sẽ xem thấy lưng Ta, còn tôn nhan Ta thì không được thấy.”
Thiên Chúa trả lời thẳng cho ông rằng điều ông vừa xin thì không thể được, nhưng điều ông đã xin trước là đúng : « biết đường lối của Thiên Chúa để biết Thiên Chúa. » Muốn biết đường lối của Thiên Chúa thì hãy chờ Ngài đi qua rồi nhìn lưng Ngài, nghĩa là đi đàng sau Thiên Chúa. Với cụ tổ Áp-ra-ham thì Thiên Chúa truyền : « Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo ». Cụ Tổ luôn tin lời Thiên Chúa và làm theo, nên có thể bước đi trước mặt Thiên Chúa, đã nên hoàn hảo và được gọi là « bạn của Thiên Chúa ». Mô-sê được trao nhiệm vụ dẫn dòng dõi Áp-ra-ham về Đất Hứa thì phải nhìn sau lưng Thiên Chúa để biết đường lối. Thiên Chúa đã hứa : « Này thiên sứ của Ta sẽ đi trước mặt ngươi » (32,34).
Ông Mô-sê đã tự tiện đập vỡ hai bia đá Thiên Chúa ban và bằng cử chỉ này tự ý tuyên bố là Giao Ước đã vỡ. Thiên Chúa truyền cho ông : « Ngươi hãy đẽo hai bia đá giống như hai bia trước. Và Ta sẽ ghi lại trên đó những lời đã ghi trên các bia trước mà ngươi đã đập vỡ. Ngươi hãy chuẩn bị sẵn sàng cho sáng ngày mai.
Ngay từ sáng, ngươi hãy lên núi Xi-nai và đứng chờ Ta ở đó, trên đỉnh núi. 3Không ai được lên với ngươi ; cũng không ai được xuất hiện trên khắp vùng núi ; ngay cả bò bê hay dê cừu cũng không được ăn cỏ trên sườn núi đó.” 4Vậy ông Mô-sê đẽo hai bia đá giống như những bia trước ; rồi sáng sớm ông thức dậy và lên núi Xi-nai theo lệnh của ĐỨC CHÚA, tay mang hai bia đá.
5 ĐỨC CHÚA ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là ĐỨC CHÚA. 6ĐỨC CHÚA đi qua trước mặt ông và xướng : “ĐỨC CHÚA ! ĐỨC CHÚA ! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, 7giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông.” 8Ông Mô-sê vội vàng phục xuống đất thờ lạy 9và thưa : “Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài.”
10ĐỨC CHÚA phán : “Này Ta sắp lập một giao ước. Trước mặt toàn dân của ngươi, Ta sẽ làm những việc lạ lùng chưa hề được thực hiện trong một nước hay một dân nào. Toàn dân ở chung quanh ngươi sẽ thấy việc ĐỨC CHÚA làm, vì điều Ta sắp dùng ngươi mà làm thì thật đáng sợ. 11Hãy giữ kỹ điều Ta truyền cho ngươi hôm nay.
Mấy điều cần chú ý khi đọc lại toàn chương 34 này.
1/ Lần trước Thiên Chúa truyền tụ họp toàn dân dưới chân núi. Lần này thì hoàn toàn chỉ có một mình ông Mô-sê : không ai được cùng lên núi với ông và cũng không ai được xuất hiện trên khắp vùng.
2/ Đức Chúa đến, tự xưng danh là Đức Chúa, rồi đi qua trước mặt ông và xướng… Lần trước Ngài chỉ nói « Ta thương ai thì thương, xót ai thì xót ». Lần này dài hơn : 6ĐỨC CHÚA đi qua trước mặt ông và xướng : “ĐỨC CHÚA ! ĐỨC CHÚA ! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, 7giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông. Thiên Chúa như đang nói cho ông nghe nhiều hơn về đường lối của Thiên Chúa. Một đàng thì Thiên Chúa nhân nghĩa… với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng… một đàng thì khi phạt là phạt ba bốn đời. Muốn thấy Thiên Chúa phạt thì chịu khó chờ qua muôn ngàn thế hệ ! Rõ ràng là cách hành xử theo cơn nóng giận của ông chẳng giống Thiên Chúa một tí nào. Sau này sách ngôn sứ I-sai-a sẽ nói : « Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy !» (Is 55,9)
3/ Thiên Chúa nhắc lại cho ông luật Giao Ước, rồi truyền cho ông chép :
“Hãy ghi chép những lời này, vì dựa trên chính những lời này mà Ta đã lập giao ước với ngươi và với Ít-ra-en.”
28Ông ở đó với ĐỨC CHÚA bốn mươi ngày bốn mươi đêm, không ăn không uống, và ông viết trên những tấm bia các điều khoản của giao ước, tức là Thập Điều.
4/ Ông Mô-sê từ trên núi Xi-nai xuống, tay cầm hai tấm bia Chứng Ước, khi xuống núi, ông Mô-sê không biết rằng da mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa. 30Khi ông A-ha-ron và toàn thể con cái con Ít-ra-en thấy ông Mô-sê, thì này đây da mặt ông sáng chói, nên họ sợ không dám lại gần ông. 31Ông Mô-sê gọi họ : ông A-ha-ron và các đầu mục của cộng đồng trở lại với ông, và ông nói chuyện với họ. 32Sau đó, toàn thể con cái Ít-ra-en lại gần ông, và ông truyền cho họ tất cả những điều ĐỨC CHÚA đã phán với ông trên núi Xi-nai. 33Nói với họ xong, ông lấy khăn che mặt đi.
Lần này ông đã được ơn soi sáng bên trong và ánh sáng của Thiên Chúa tỏa ra trên khuôn mặt ông. Trong ánh sáng ấy, ông truyền lại cho dân tất cả những điều Đức Chúa đã phán với ông trên núi. Nói xong, ông lấy khăn che mặt đi, như để làm dấu rằng từ nay ông không nói, không hành động theo con người cũ của ông nữa.
5/ Từ đó ông thay đổi nhịp sống để làm người trung gian trung thành, mở khăn che mặt ra để nghe Thiên Chúa truyền, ra nói lại cho dân, rồi lại che mặt : « Khi vào trước nhan ĐỨC CHÚA để đàm đạo với Người, thì ông bỏ khăn cho đến lúc trở ra ; ông trở ra và nói lại với con cái Ít-ra-en những mệnh lệnh ông đã nhận được. 35Con cái Ít-ra-en nhìn mặt ông Mô-sê thấy da mặt ông sáng chói ; ông Mô-sê lại lấy khăn che mặt, cho đến khi vào đàm đạo với Thiên Chúa. »[3]
Một ngôn sứ giống như Mô-sê
Hơn bốn trăm năm sau ta lại gặp một « ngôn sứ giống như Mô-sê », đó là ông Ê-li-a. Ông được sai đến trong bối cảnh mà chính ông kể với Thiên Chúa khi quay lại ngọn núi nơi Thiên Chúa đã đến nói với Mô-sê :
Ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó. Có lời ĐỨC CHÚA phán với ông : “Ê-li-a, ngươi làm gì ở đây ?” 10Ông thưa : “Lòng nhiệt thành đối với ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con cái Ít-ra-en đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ còn sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng sống con.” 11Người nói với ông : “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt ĐỨC CHÚA. Kìa ĐỨC CHÚA đang đi qua.” Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan ĐỨC CHÚA, nhưng ĐỨC CHÚA không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng ĐỨC CHÚA không ở trong trận động đất. 12Sau động đất là lửa, nhưng ĐỨC CHÚA cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. 13Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi ông : “Ê-li-a, ngươi làm gì ở đây ?” 14Ông thưa : “Lòng nhiệt thành đối với ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con cái Ít-ra-en đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con.”
Ông « quên » nói là ông cũng đã dùng gươm chém 450 ngôn sứ của thần Ba-an !
Thiên Chúa nhẹ nhàng dạy dỗ ông : Ngài không ở trong gió bão lớn, động đất, lửa… Ngài đến trong tiếng gió hiu hiu như xưa trong vườn Địa Đàng, cả sau khi con người phạm tội đầu tiên (St 3,8).
Tuy vậy sau đó ông còn khiến lửa từ trời xuống đốt hai toán lính vua sai đến tìm ông nhưng lại hỗn xược với ông (2V 1,9-15). Sau này không thấy ngôn sứ nào hành xử như vậy nữa, phải chờ đến các môn đệ của Chúa Giê-su mới lại có hai người muốn làm môn đệ của ông, toan khiến lửa từ trời xuống đốt cả một làng ở Sa-ma-ri chỉ vì họ không chịu tiếp đón Chúa. Chúa quay lại quở trách hai ông (Lc 9, 53-56)[4].
Mấy chương sách Xuất Hành xoay quanh vụ « Con bê bằng vàng » cho thấy rằng ông Mô-sê, người được Thiên Chúa sai đến giải phóng dân nô lệ và thiết lập Giao Ước Xi-nai cũng chưa biết đường lối của Thiên Chúa, lại càng không biết dung nhan của Thiên Chúa. Qua kinh nghiệm sắt máu, rồi đối diện với lòng nhân hậu thương xót của Thiên Chúa ông mới biết phải xin cho được « biết đường lối của Thiên Chúa để biết Thiên Chúa ». Muốn biết đường lối của Thiên Chúa thì đừng che mặt, hãy mở khăn che mặt ra để cho ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi và nhìn theo cách Thiên Chúa hành xử.
Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con,
xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ.
24Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác
thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời. (Tv 138/139,23-24)
Nhớ bài thánh ca “Xin chỉ cho con đường đi của Chúa,
xin dạy bảo con nước bước của Người…”
[1] Trong sa mạc Xi-nai hiện nay, trên núi Sê-ra-bít En Kha-đem, vẫn còn dấu vết hoang tàn của ngôi đền thờ thần Ha-do của người Ai-cập từ hơn hai ngàn năm trước CGS. Trên đầu kèo đầu cột còn thấy khắc hình con bò. Thung lũng dẫn tới đền thờ này đây những hình vẽ, chữ viết lưu niệm hành hương của nhiều dân khác nhau, nên gọi là Oa-đi Mu-kha-táp. Sách Khôn Ngoan dành bốn chương (12-15) nói về việc thờ ngẫu tượng ở Ca-na-an và Ai-cập.
[2] Coi những châm biếm khác trong sách Khôn ngoan 12-15; Is 46,1-2; Tv 115/113B,4-7
[3] Sau này khi Chúa Giê-su hiển dung trên núi thì ông Mô-sê sẽ cùng với ông Ê-li-a, “hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” (Lc 9,30-31; x. Mt 17,3; Mc 9,4). Thánh Phao-lô sẽ nhắc chi tiết này để so sánh: “Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước Mới, không phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống. 7Nếu việc phục vụ Lề Luật –thứ Lề Luật chỉ đưa đến sự chết và được khắc ghi từng chữ trên những bia đá– mà được vinh quang đến nỗi dân Ít-ra-en không thể nhìn mặt ông Mô-sê được, vì mặt ông chói lọi vinh quang –dù đó chỉ là vinh quang chóng qua–, 8thì việc phục vụ Thần Khí lại không được vinh quang hơn sao? 9Vì việc phục vụ án chết mà còn được vinh quang như thế, thì việc phục vụ đức công chính lại chẳng vinh quang hơn lắm sao? 10So với vinh quang tuyệt vời này, thì vinh quang xưa kia chẳng vinh quang gì. 11Thật vậy, nếu cái chóng qua mà còn được vinh quang, thì cái còn mãi lại chẳng vinh quang hơn sao? 12Vì có một niềm hy vọng như thế mà chúng ta thật vững dạ an lòng. 13Chúng ta không làm như ông Mô-sê lấy màn che để dân Ít-ra-en khỏi thấy khi nào cái chóng qua kia chấm dứt” (2Cr 3,6-13).
[4] Đến thời « Tòa Án Giáo Hội » thì không cần chờ lửa từ trời, nhưng lấy lửa ngay trong bếp để đốt « quân rối đạo ». Tạ ơn Chúa vì Giáo Hội không còn có thể thi hành thứ quyền ghê gớm đó nữa. Nhưng cái não trạng thì vẫn còn đó dai dẳng, cả sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II !
Giê-ru-sa-lem, ngày lễ thánh Giu-se Lao Động 2020
L.m. Giu-se Nguyễn công Đoan S.J.
2020
Bảy hành động giúp bạn nên thánh mỗi ngày
Bảy hành động giúp bạn nên thánh mỗi ngày
TÔI NÊN THÁNH Ư?
BẢY HÀNH ĐỘNG GIÚP BẠN NÊN THÁNH MỖI NGÀY
Rất nhiều người trong Giáo hội nói: “Tôi nên thánh ư ? Không, việc đó dành cho người khác, không phải tôi”. Như thể họ không tin rằng Chúa có thể đổi mới mọi sự, rằng đối với Ngài không có gì là không thể. Nếu điều này có thể đi vào lòng trí của thánh Augustinô và thánh Phanxicô, thì cũng có thể đi vào tâm hồn bạn.
Bạn chỉ cần tin khi Ngài nói với bạn rằng bạn có thể nên thánh, rằng bạn đã được chuẩn bị cho một nơi trên thiên đàng. Và câu hỏi đặt ra bây giờ là, làm thế nào tôi có thể nên thánh trong cuộc sống hàng ngày? Tôi phải làm gì? Công thức là gì? Chà, không có một công thức duy nhất, vì sự thánh thiện mang nét cá nhân, nghĩa là sự thánh thiện của bạn không giống với tôi hay của người khác.
Lời kêu gọi bạn nên thánh là duy nhất và bạn phải khám phá nó. Ở đây tôi xin gợi ý bảy hành động mà bạn có thể thực hiện trong ngày để đến gần với sự thánh thiện. Bảy hành động cụ thể mà nếu bạn áp dụng vào thực tế, có thể giúp bạn nhanh chóng hướng về Chúa. Hãy chú ý.
- Kiểm soát và điều khiển các giác quan
Có các giác quan bên trong và các giác quan bên ngoài. Những cái bên trong là ý thức, trí tưởng tượng, trí nhớ và ước muốn, những cái bên ngoài là thị giác, khứu giác, xúc giác, vị giác và thính giác. Nhờ các giác quan, chúng ta có thể biết thế giới xung quanh và cho chúng ta một hình ảnh tinh thần về nó. Chúng ta nhớ về quá khứ, chúng ta tưởng tượng tới tương lai, chúng ta nhận thức được ý tưởng của mình và chúng ta đánh giá các tình huống.
Nhưng đôi khi các giác quan của chúng ta dễ đi theo con đường của chúng, như những con ngựa hoang, không được dẫn dắt. Để nên thánh, chúng ta cần phải chịu trách nhiệm về đời sống và các giác quan của mình. Có những âm thanh không giúp ích cho chúng ta, chúng ta hãy tập bỏ qua. Có những hình ảnh không để chúng ta yên, chúng ta hãy tập buông chúng ra. Ăn nhiều dẫn đến háu ăn, chúng ta hãy tập để lại một chút thức ăn…vv.
Tương tự với giác quan nội tâm: đôi khi chúng ta tưởng tượng nhiều điều về người khác, chúng ta tạo ra những lâu đài trong không khí vốn không có thật và chúng ta có thể mất cảm giác thực tế. Vì vậy, nếu bạn làm chủ các giác quan của mình và kiểm soát chúng, bạn có thể tập trung vào những gì cần thiết, vào những gì quan trọng.
Hãy để Chúa thấm vào cuộc sống của bạn và hướng dẫn các giác quan của bạn đến với Ngài, đồng thời cố gắng tránh tiếp xúc với những gì làm tổn thương tâm hồn bạn và lấy đi sự bình an trong tâm hồn. “Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới.” (Gv 1, 8). “Dù ăn, uống hay làm bất cứ điều gì, anh em hãy làm tất cả vinh danh Thiên Chúa” (1 Cr 10, 31).
- Xét mình liên tục
Xét mình có nghĩa là nhìn vào bản thân, vào những phản ứng, suy nghĩ, hành vi, ý tưởng, hành động của mình… vv. Biết mình có đi đúng hướng hay không. Nếu những gì tôi làm giúp người khác nên thánh hoặc làm họ chậm lại. Chúng ta phải sống với thái độ xét mình liên tục, biết chúng ta đang đi đâu, chúng ta đang ở đâu, tại sao chúng ta làm những việc này… v.v.
Đối với điều này, cần dành thời gian, có một vài phút để suy nghĩ về đời mình. Có thể là khi đi bộ, hoặc ngồi ở một nơi yên tĩnh. Nếu bạn xét mình, bạn sẽ hiểu rõ hơn về bản thân và bằng cách này bạn sẽ có thể biết những gì bạn phải cải thiện và / hoặc thay đổi.
Đây có thể là một bước nhỏ cho con người, nhưng là một bước nhảy vọt cho sự thánh thiện. Người Hy Lạp đã đặt một cụm từ rất khôn ngoan trong đền thờ: “Hãy tự biết mình”, vì họ nghĩ rằng khôn ngoan nhất là biết hoàn thành nhiệm vụ này. Nếu biết chính mình, bạn sẽ có thể dự đoán được nhiều điều và bạn sẽ biết cách phản ứng với những khó khăn và vấn đề bằng sức mạnh và lòng can đảm.
Xin mời bạn đọc Thánh vịnh 139 (138), giúp bạn bước vào tâm tình xét mình:
“Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con,
xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ.
Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác
thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời”. (Tv 139, 1.23-24).
- Tìm kiếm và xây dựng hòa bình xung quanh
Bạn có thể là một tác nhân cho hòa bình ở mọi lúc mọi nơi: trong công việc, trong vòng tròn bạn bè, trong gia đình, luôn là điểm nối gắn kết và hòa bình cho người khác. Giúp giải quyết xung đột qua đối thoại và thanh thản về tinh thần. Điều này rất quan trọng, đó là một trong những điều tuyệt vời: “Phúc cho xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 9).
Trở thành người xây dựng hòa bình sẽ mang lại cho bạn sự bình an, tuy nhiên, một sự bình an không như thế gian ban tặng, đó là sự bình an mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho bạn. Có hàng triệu tình huống mà bạn có thể xây dựng hòa bình: xung đột gia đình, tranh chấp tạm thời, tranh luận thắng thua, vấn đề việc làm, khác biệt về quan điểm…v.v.
Ngay cả trên phương tiện truyền thông xã hội, bạn có thể là một người xây dựng hòa bình tuyệt vời, và có một nhu cầu rất lớn đối với những người như vậy trong môi trường kỹ thuật số. Nếu bạn muốn trở nên thánh thiện, hãy tìm kiếm sự bình an nội tâm, làm mọi lúc mọi nơi, sống đối diện với Chúa, đừng sợ hãi và tin tưởng rằng thành quả của nỗ lực này sẽ là sự bình an đến từ Chúa, một sự bình an lâu dài. “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).
- Giữ gìn miệng lưỡi
Hãy suy nghĩ về những gì bạn nói trước khi nói hoặc viết. Đôi khi chúng ta có thể làm tổn thương sâu sắc ai đó bằng cách chỉ cần gõ một vài nút trên bàn phím, bạn có thể tránh điều đó bằng cách suy nghĩ cẩn thận về những gì bạn sẽ viết. Vấn đề này mở rộng trong các mạng xã hội, nơi tính nhạy cảm là rất lớn và đôi khi người ta không có không gian để đối thoại trung thực.
Do đó, hãy chú ý để tất cả những gì bạn nói phù hợp với người khác, nó sẽ giúp ích cho người thân cận. Nếu bạn định nói những điều vô nghĩa, tốt hơn là giữ im lặng. Nếu bạn định dùng miệng để nguyền rủa, tốt hơn nên im lặng và không khơi lên một làn sóng lăng mạ. Tôi đảm bảo với bạn khi quan tâm đến lời nói của mình, chúng ta có thể lớn lên trên đường đức hạnh và thánh thiện.
Thật tốt khi trên hết bạn học cách kiểm soát miệng lưỡi mình, phúc hay họa cũng từ miệng mà ra. Nhờ đó, chúng ta chúc lành và động viên. Bạn chọn con đường nào, nên thánh không hề dễ nhưng không phải là không thể.
“Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được.8 Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người.9 Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa”(Gc 3, 7-9)
- Truyền cảm hứng cho người khác
Đây là nguồn sức mạnh tinh thần. Khi chúng ta khuyến khích người khác, chúng ta khuyến khích chính mình. Và nó giúp chúng ta thấy được sức nặng thực sự của những khó khăn trong cuộc sống. Đôi khi chúng ta nói: “Cố lên, mọi sự sẽ ổn thôi”, “Đừng lo lắng, hãy phó dâng trong tay Chúa”, nhưng bạn có thực sự tin vào điều đó không? Bạn có thực sự tin rằng mọi thứ sẽ qua đi và Chúa sẽ quan tâm đến khó khăn của bạn?
Có lẽ việc động viên người khác sẽ giúp bạn xây dựng đức tin của mình và tin vào những lời hứa của Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết cho các Kitô hữu ở Thêxalônica: “Thưa anh em, chúng tôi khuyên nhủ anh em: hãy khuyên bảo người vô kỷ luật, khích lệ kẻ nhút nhát, nâng đỡ người yếu đuối, và kiên nhẫn với mọi người.” (1 Tx 5,14).
Anh em giúp đỡ lẫn nhau, chừng nào chúng ta còn là con cái Chúa. Tôi đảm bảo với bạn rằng nếu bạn động viên an ủi người khác, nâng đỡ kẻ yếu bằng sức mạnh của Chúa Giêsu và bạn luôn có những lời khích lệ cho những người đau khổ, bạn sẽ tiến thẳng vào sự thánh thiện của cuộc sống. Hãy thử và bạn sẽ thấy, bạn có thể nên thánh qua những chi tiết nhỏ như thế.
“Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình.2 Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích kẻ khác, vì lợi ích của họ, và để xây dựng.3 Thật vậy, Đức Ki-tô đã không chiều theo sở thích của mình” (Rô-ma 15: 1-3)
- Sống trong niềm vui
Đó là niềm vui của Đấng Phục sinh. Thế giới có thể sụp đổ xung quanh chúng ta, nhưng niềm vui đến từ Chúa thì luôn còn mãi. Đó là một niềm vui sâu sắc, nó không phải là kết quả của khoảnh khắc mà là của chính sự sống. Niềm vui này sẽ khuyến khích chúng ta chinh phục những đỉnh cao của đời sống tâm linh, để leo lên những đỉnh núi của sự thánh thiện.
Niềm vui của Chúa Giêsu thì “truyền nhiễm”, nó lan tỏa nhanh hơn bất kỳ loại virus nào. Và nhất là, nó vô tư miễn phí, Chúa ban cho bạn, bạn không phải mua và không thể mua được. Làm sao có được niềm vui này ? Hãy sống trong sự thật, trong sự chân thành của con cái Chúa, biết được những ưu – khuyết điểm của mình.
Hãy đối diện với Chúa như người bạn và thú tội với Ngài, rằng với tình yêu thương xót, Ngài sẽ tha thứ và cho bạn niềm vui trong tâm hồn. Đừng sợ niềm vui của Chúa. Thánh Thomas More nói: “Không có gì có thể xảy ra với tôi mà Chúa không muốn. Và tất cả mọi sự mà Ngài muốn, cho dù nó có vẻ tồi tệ như thế nào đối với chúng ta, thực sự là điều tốt nhất”.
Đây là niềm vui đích thực, khi biết rằng tôi được Chúa yêu thương và hướng dẫn. Để trở thành một vị thánh bạn cũng phải làm việc vì hạnh phúc của mình. “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!… Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.” (Phl 4, 4.7).
- Hãy nhớ đến Chúa Giêsu Kitô
Hãy có Chúa Giêsu trong suy nghĩ, lời nói và việc làm của bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn, nâng đỡ, bổ sức và là nguồn động viên của bạn. Nếu bạn đặt Ngài vào giữa các hoạt động của bạn, bạn có thể bình tĩnh, bởi vì Ngài ở bên bạn. Nếu để Ngài rời khỏi cuộc sống của bạn, sẽ rất khó để bạn tìm thấy sự bình yên bên trong mà bạn mong muốn.
Vì vậy bạn nên thay đổi một số thói quen. Bạn có thể tìm kiếm nhạc Công giáo trên Spotify và nghe thường xuyên, theo dõi những người có ảnh hưởng Công giáo, có thể xem các kênh truyền hình Công giáo hoặc các chương trình trực tuyến hoặc phim về các vị thánh, danh sách này có thể giúp bạn. Và từng chút một, bạn sẽ nên giống với những gì thuộc về Chúa.
Dần dần bạn sẽ đi vào cầu nguyện, chiều sâu gặp gỡ Chúa, bạn sẽ gia tăng kết hiệp với Ngài. Nhưng điều cần thiết là cuộc đời bạn phải được “Kitô hóa”. Tôi khuyên điều này cho tất cả những ai muốn đến gần Chúa hơn, nếu bạn sửa đổi thói quen theo môi trường và bạn làm cho nó trở nên Kitô hơn, bạn sẽ dễ dàng thích những gì thuộc về Chúa hơn.
Hãy can đảm, nên thánh là có thể, bạn có thể thực hiện một số điều chỉnh trong ngày và biến đổi nó cho Chúa. “Anh hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã sống lại từ cõi chết… Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín,
Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.” (2 Tm 2, 8.11-13).
Hãy quyết tâm, hôm nay bạn có thể bắt đầu nên thánh!
Tôi hy vọng rằng bảy hành động mà bạn có thể thực hiện hàng ngày đây sẽ giúp bạn ngày càng trở nên thánh thiện. Tôi chắc chắn rằng nếu bạn Kitô hóa cuộc đời mình, bạn sẽ đi đúng hướng. Có nhiều điều cần thay đổi, hãy trình bày với Chúa và Ngài sẽ giúp bạn. Điều quan trọng là bạn quyết định nên thánh, rằng điều này cũng dành cho bạn.
Chúa muốn bạn nên thánh trong cuộc sống, trong công việc, trong gia đình, trong mối quan hệ xã hội của bạn, ở đó Chúa muốn bạn đặt Ngài vào trung tâm và để Ngài biến đổi tất cả. Hãy can đảm lên, bạn có nhiều anh chị em cầu nguyện giúp để bạn có thể tìm thấy Ngài. Xin Chúa chúc lành cho bạn và đồng hành với bạn! Lm. H. Edgar Henríquez Carrasco
Minh Duyên dịch từ Catholic-link.com