2020
Lo chống COVID-19, mỗi ngày con người thải thêm hàng ngàn tấn rác nhựa
Lo chống COVID-19, mỗi ngày con người thải thêm hàng ngàn tấn rác nhựa
Theo số liệu của nhà chức trách Bangkok, có tới 3.432 tấn nhựa đã bị vứt đi ở thủ đô Thái Lan mỗi ngày vào tháng 4. Các loại chai và ly nhựa, túi nilông, hộp xốp chiếm tới 80%.
Trong suốt 8 năm liền, nhà hoạt động bảo vệ môi trường Lauren Singer luôn tự hào chưa bao giờ quăng thứ gì trong nhà ra bãi rác. Nhưng tháng trước, trong một bài viết trên trang Instagram có hơn 380.000 người theo dõi, Singer thừa nhận COVID-19 đã làm cô thay đổi.
“Tôi đã mua đồ đựng trong bọc nilông và rất nhiều loại khác mà không biết chúng có thể được tái chế hay không. Tại sao tôi lại đi ngược lại điều tôi đã luôn khuyến khích mọi người làm theo?” – Singer thú nhận COVID-19 đã khiến cô phải mua nhiều đồ tích trữ và phần lớn đều được đóng gói trong bao bì nhựa.
Đừng chiến đấu trên nhiều mặt trận cùng một lúc. Bây giờ, ưu tiên số 1 vẫn là COVID-19.
Bộ trưởng Môi trường Thái Lan Varawut Silpa-archa thừa nhận thất bại trong cuộc chiến về rác thải nhựa, nhưng cho biết ông vẫn hi vọng Thái Lan có thể lấy lại được những gì đã mất.
Lượng rác dồn về đô thị
Dịch COVID-19 đã cứu nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng của Thái Lan. Theo báo Bangkok Post, lượng rác thải mỗi ngày ở Phuket đã giảm từ 970 tấn còn 840 tấn trong tháng 4, con số tại Pattaya – thành phố biển nổi tiếng – còn ấn tượng hơn, từ 850 tấn chỉ còn 380 tấn. Nhưng điều đó hoàn toàn ngược lại tại các đô thị lớn, điển hình như Bangkok.
Lượng rác thải nhựa của Bangkok đã tăng 62% trong tháng 4, khi nhiều người lựa chọn mua thực phẩm và hàng hóa qua mạng. Theo số liệu của nhà chức trách Bangkok, có tới 3.432 tấn nhựa đã bị vứt đi ở thủ đô Thái Lan mỗi ngày vào tháng 4, tăng so với mức trung bình 2.115 tấn của năm ngoái. Các loại chai và ly nhựa, túi nilông, hộp xốp chiếm tới 80%.
Trung bình, một đơn hàng giao đồ ăn qua mạng có thể tạo ra ít nhất 5 chất thải nhựa rắn, như túi nilông xách bên ngoài, hộp xốp/nhựa dẻo đựng đồ ăn, bịch gia vị, ly nhựa đựng nước giải khát và các dụng cụ ăn uống như ống hút, dao nĩa bằng nhựa.
Dịch vụ giao đồ ăn, cùng với các nền tảng mua sắm trực tuyến, đã phát triển nhanh chóng những năm gần đây – đặc biệt là ở các khu vực đô thị như Bangkok – một phần bởi các tiến bộ về công nghệ và tình trạng ùn tắc giao thông.
Trong giai đoạn bình thường các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thể tăng trưởng 10-20% năm, nhưng đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của cả ngành, với tăng trưởng được dự báo có thể lên hơn 100% trong năm nay. Đó là một tín hiệu tốt, nhưng sẽ là tin buồn cho môi trường nếu không có các biện pháp giảm thiểu nhựa dùng một lần.
Thói quen cũ quay lại?
Khi con người bị “giam lỏng” trong nhà, họ đã chọn cách đặt đồ ăn qua mạng. Có rất ít người đếm được mỗi ngày đã sử dụng bao nhiêu túi nilông, hộp xốp trong thời buổi dịch bệnh.
Theo Hãng thông tấn Bloomberg, hai công ty lớn chuyên sản xuất các sản phẩm polystyrene là Ineos Styrolution và Trinseo đã chứng kiến doanh số bán hàng tăng trưởng tới hai chữ số trong các ngành công nghiệp bao bì thực phẩm và chăm sóc sức khỏe trong suốt tháng 2, 3 và 4.
Tại Mỹ, dịch COVID-19 đã khiến cuộc chiến chống nhựa sử dụng một lần bị lãng quên. Trong lúc Bộ An ninh nội địa Mỹ yêu cầu tăng việc sản xuất nhựa sử dụng một lần, New York cùng nhiều bang khác đã tạm hoãn luật cấm sử dụng túi nilông trong mùa dịch.
Đại dịch COVID-19 đã khiến mọi người ưu tiên vấn đề vệ sinh hơn bảo vệ môi trường. Các nhóm vận động hành lang cho ngành nhựa cũng tranh thủ những lo ngại sức khỏe trong mùa dịch để tuyên truyền rằng nhựa sử dụng một lần là giải pháp hợp vệ sinh nhất so với các loại tái sử dụng.
Lãnh đạo một số công ty nhựa ở Mỹ trấn an rằng xu hướng dùng nhựa sử dụng một lần sẽ kết thúc khi giá dầu lên cao và dịch bệnh qua đi.
Tuy nhiên, nhiều nhà bảo vệ môi trường tin rằng điều này sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu COVID-19 làm suy thoái kinh tế.
“Khi thu nhập của người ta bị ảnh hưởng, họ sẽ chẳng còn nghĩ gì nhiều tới chuyện bảo vệ môi trường. Lúc đó mọi người sẽ quay lại thói quen xấu cũ, bao gồm cả chuyện sử dụng đồ nhựa dùng một lần” – một nhà bảo vệ môi trường than thở.
Hạn chế ra sao?
Việc giảm đồ nhựa dùng một lần đòi hỏi sự phối hợp của khách hàng, các quán ăn và công ty giao đồ ăn qua mạng.
Chẳng hạn các hàng quán chủ động không đưa nĩa, muỗng hay ống hút nhựa nếu khách không yêu cầu; chọn hộp đựng đồ ăn có thể phân hủy sinh học được làm bằng giấy hoặc bã mía; sử dụng loại hộp có nhiều ngăn để đựng chung cùng lúc nhiều thực phẩm thay vì đựng riêng.
Các công ty giao hàng có thể giảm giá đồ ăn hoặc thức uống nếu khách hàng chọn không lấy dao nĩa hay ống hút nhựa.
2020
Người trẻ phát triển toàn diện
Người trẻ phát triển toàn diện
Nói tới “trưởng thành” người ta thường liên tưởng tới sự đĩnh đạc, chín chắn, hoàn chỉnh, hoàn thiện… và vì thế nghe có vẻ “già dặn”… Hiểu như thế, cụm từ “người trẻ trưởng thành” dường như không dễ dàng đi đôi với nhau, vì “khôn đâu có trẻ, khỏe đâu có già”… Đã trưởng thành (“khôn”) thì không còn “trẻ” nữa rồi!
Thực ra, “trưởng thành” ở đây không có nghĩa là biến các người trẻ thành các ông bà cụ non mà là giúp họ phát triển toàn diện cách tốt đẹp và trọn vẹn nhất theo như lứa tuổi, hoàn cảnh và vận mệnh của họ. Đó là một tiến trình “bước tới” tiệm tiến và không ngừng nghỉ. Đức Thánh Cha Phanxicô dùng một hình ảnh rất cụ thể để nói về người trẻ rằng: “Người trẻ đi bằng đôi chân của mình như người lớn, nhưng khác người lớn, người lớn giữ hai chân song song, nhưng người trẻ luôn đặt một chân trước, một chân sau, sẵn sàng để bước tới, để nhảy. Người trẻ luôn lao mình về phía trước” (Christus vivit, số 139).
Ở đây, chúng ta chỉ bàn đến một vài điểm nhấn quan trọng trong việc đồng hành với người trẻ trong bước đường trưởng thành của họ.
Phát triển toàn diện
Khi nói về giáo dục đào tạo, những tiêu chí thường được đưa ra để định hướng cho sự phát triển toàn diện, chẳng hạn “Tiên học lễ, hậu học văn”, “3 S: Sanctité, Science et Santé”, “Tứ Dục” (Thể Dục, Trí Dục, Đức Dục, Linh Dục), “4 H: Head, Heart, Health, Hand”, “Thành Tài, Thành Công, Thành Nhân, Thành Thánh”. Nói cách nôm na là giáo dục các em trở thành những người “có tài có đức” hay “có tâm có tầm”.
Nhìn vào cung cách giáo dục đào tạo hôm nay, chúng ta thấy dường như nhà trường và cộng đồng đang quá chú ý đến kiến thức và kỹ thuật, ít lưu tâm đến kinh nghiệm và kỹ năng, càng ít chú trọng đến nhân cách, đạo đức. Điều này dẫn tới một sự phát triển thiếu quân bình và trọn vẹn, do đó không giúp người trẻ đạt tới trưởng thành đầy đủ đúng nghĩa. Để bổ khuyết cho tình trạng này, thiết nghĩ cần tạo cho các bạn trẻ nhiều cơ hội để trải nghiệm và chiêm nghiệm cuộc sống, giúp các bạn được lớn lên về nhân cách và đạo đức, nhờ đó các bạn không chỉ sống khỏe, sống vui mà còn sống có định hướng, có ý nghĩa và sống dồi dào.
Sống có định hướng
Một trong những căn bệnh thời đại là “sống qua ngày, chờ qua đời”. Đó là lối sống vật vờ, không có định hướng. Tuổi trẻ tràn đầy ước mơ hoài bão nhưng cần lớn lên, cần chọn lựa một hướng đi cho cuộc đời. Không thể cứ “kéo dài tuổi thơ” để “tiếp tục là trẻ con”, không phải suy nghĩ, không phải chọn lựa và… không phải chịu trách nhiệm gì cả! Đức Thánh Cha gọi đó là tình trạng “lơ lửng” cần phải vượt qua! Tuổi trẻ là “tuổi phải đưa ra lựa chọn và chính điều này làm nên sự hấp dẫn và cũng là nhiệm vụ lớn nhất của tuổi trẻ”. Đây là thời điểm mà mỗi người cần đưa ra những quyết định không chỉ về nghề nghiệp, gia đình, xã hội mà còn là hướng đi cho cuộc đời nữa (x. Christus vivit, số 140).
Một cách cụ thể, người trẻ cần định hướng về ơn gọi, bậc sống, nghề nghiệp cho mình vào thời điểm này. Sự đồng hành với người trẻ để giúp họ nhận ra vận mệnh của họ trong cuộc đời nhờ việc cầu nguyện, phân định và bàn hỏi qua các lớp giáo lý, các buổi chia sẻ, giao lưu, các buổi linh thao, hành hương, các hoạt động bác ái xã hội… có thể giúp người trẻ khám phá ra chỗ đứng đặc biệt mà Chúa muốn cho họ trong lòng Giáo Hội và thế giới (x. Christus vivit, chương 8 và 9). Điều đặc biệt cần nhấn mạnh ở đây là giúp các bạn tiến triển trong khả năng suy tư độc lập, biết phân tích nhận định, biết cân nhắc và chọn lựa dựa trên đức tin và lý trí sáng suốt.
Sống có ý nghĩa
Sống có ý nghĩa là sống có mục đích, có ý thức và trách nhiệm, sống tích cực và hy vọng, sống có lý tưởng và dấn thân. Cuộc sống sẽ nhạt nhẽo khi con người sống lê lết hoặc vô hồn. Có những thách đố đang xảy ra trên thế giới (những tổn thương do khủng hoảng, tệ nạn, mặt trái của kỹ thuật số, xáo trộn di dân…) có thể làm cho người trẻ bị rơi vào tình trạng “cô đơn trống rỗng” vì bị cám dỗ chạy theo những “thú vui thoáng qua và thành công hời hợt” (x. Christus vivit, số 71-110).
Sống “kết nối” thân thiết với Chúa, sống thân tình cảm thông chia sẻ với người xung quanh, nhất là người nghèo khổ, sống thân thiện với thiên nhiên và thân mật với bản thân mình sẽ làm nên một cuộc sống hài hòa, quân bình, thanh thản và vui tươi, nhờ vào những mối tương quan chân thật, sâu đậm và đầy tình yêu mến.
Sống dồi dào (x. Ga 10,10)
Có thể hiểu cuộc sống dồi dào là cuộc sống viên mãn, tròn đầy mà Chúa muốn cho mỗi người. Đó không chỉ là cuộc sống vật chất mà cả tinh thần nữa, không chỉ là cuộc sống đời này mà còn sự sống vĩnh cửu mai sau nữa. Điều này tùy thuộc vào sự phát triển toàn diện, nghĩa là không chỉ phát triển về thể lý (thể lực, ngoại hình) hay phát triển trí tuệ (tài năng, kiến thức) mà còn là và nhất là phát triển tâm linh. Phát triển tâm linh này là mục tiêu “cao hơn” cho cuộc sống, được thực hiện nhờ “kết nối trực tuyến” với Chúa Giêsu, tìm kiếm “sự công chính, đức tin, đức ái, bình an”, hầu ghi dấu ấn độc đáo lên thế giới bằng việc “nên thánh, nghĩa là trở nên chính mình một cách đầy đủ nhất, trở nên điều mà Thiên Chúa đã muốn mơ ước và tạo dựng” (x. Chistus vivit, số 158-162).
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những hướng dẫn rất cụ thể để giúp các bạn sống dồi dào: Nếm cảm sự thinh lặng và sống tình bạn với Chúa (số 224), trải nghiệm các hoạt động bác ái phục vụ (số 225), khám phá vẻ đẹp nơi nghệ thuật, âm nhạc, thể thao, thiên nhiên, phụng tự… (số 226-229).
“Người trẻ cần được tôn trọng sự tự do, nhưng họ cũng cần được đồng hành” (Christus vivit, số 242). Đồng hành là để “đón nhận, động viên, khích lệ và thúc đẩy người trẻ” với sự cảm thông, trân quý và yêu thương (x. số 243). Ước mong sự đồng hành của cả Giáo Hội cũng như những người hữu trách sẽ giúp các bạn trẻ hôm nay phát triển toàn diện để đạt tới sự trưởng thành mà Chúa mong muốn nơi họ và nhờ đó mà cuộc sống của họ trở nên ý nghĩa và hạnh phúc.
Xin được một lần nữa trích lời nhắn nhủ của Vị Cha Chung để kết cho bài chia sẻ này: Cha hy vọng con quý trọng bản thân mình, thật nghiêm túc với chính mình đến mức cố gắng phát triển bản thân về đời sống thiêng liêng. Ngoài nhiệt huyết đặc trưng của tuổi trẻ, còn có vẻ đẹp của việc tìm kiếm “sự công chính, đức tin, đức ái, bình an” (2 Tm 2,22)… (Christus vivit, số 159).
Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng
2020
Trưởng thành đối với người trẻ đáng mong ước
Cha mẹ sinh thành, dưỡng dục con cái, mong chúng trưởng thành, thành người, thành thân, tự lo liệu cho mình, mới yên lòng. Thầy cô dạy dỗ học sinh, cung cấp đủ tri thức và nhân cách, để các em ra đời, bay thật cao thật xa, mới mong hoàn thành trách nhiệm trồng người. Cha xứ dạy kinh, dạy giáo lý và đời sống thiêng liêng cho đoàn chiên để giữa bao giông tố của cuộc đời, đức tin của con cái mình vẫn kiên vững mới thanh thản tâm hồn… Nói tóm lại cha mẹ, thầy cô hay cha xứ đều mong muốn cho con cái hay học trò của mình trưởng thành. Vậy trưởng thành là gì? Trưởng thành có cần thiết không? Làm thế nào để trưởng thành?
Trưởng thành là gì?
Theo từ điển tiếng Việt, “trưởng thành là phát triển đến mức hoàn chỉnh, đầy đủ về mọi mặt. Nó cũng có nghĩa là trở nên lớn mạnh, vững vàng qua quá trình thử thách rèn luyện.” Dựa trên khái niệm đó, chúng ta có thể nói một người trưởng thành là một người phát triển hoàn chỉnh về thể xác, tâm lý, tình cảm, và tâm linh. Muốn trưởng thành, một người phải được giáo dục toàn diện: giáo dục thể chất, đào tạo tri thức, đạo đức, và tâm linh để có sống đúng với nhân phẩm.
Theo thánh Công đồng Vatican II, trường thành là ý thức tự trị cũng như ý thức trách nhiệm để các tín hữu trưởng thành trên bình diện tinh thần và chân lý “trên toàn thế giới, ngày càng gia tăng ý thức tự lập và trách nhiệm, điều rất cần cho sự trưởng thành của nhân loại trên bình diện tinh thần và luân lý” [1]. Như thế, người trưởng thành là người tự lập và có trách nhiệm. Tự lập có nghĩa là có thể đứng vững về tài chính, về tâm lý, tình cảm và các quyết định. Người trưởng thành còn là người có trách nhiệm về các quyết định của mình cũng như trách nhiệm với gia đình, xã hội và giáo hội.
Đối với các kitô hữu, sự trưởng thành còn là việc tự do chọn lựa ơn gọi, chịu trách nhiệm về quyết định lựa chọn ơn gọi, và sống hết mình cho sự chọn lựa đúng đắn ấy. Kitô hữu trưởng thành còn là người có suy nghĩ riêng, biết tin vào ai và biết theo ai. Một khi đã biết, đã tin, đã theo thì theo với tất cả ý thức trách nhiệm và theo một cách triệt để. Người mà chúng ta tin và bước theo là chính Đức Giêsu. Đức Thánh Cha Phanxico trong Tông huấn Chúa Kitô đang sống đã viết: “Sự trưởng thành đích thực của người trẻ không phải chỉ là sự phát triển thể lý và ngoại hình, tài năng và kiến thức mà còn là dấn thân tìm kiếm tâm linh. Tìm kiếm Chúa, giữ lời Chúa, tìm cách đáp lại lời Chúa, bằng chính đời sống của mình, lớn lên trong các nhân đức, làm cho tâm hồn của những người trẻ trở nên mạnh mẽ”[2].
Trưởng thành có thực sự cần thiết?
Trưởng thành thật sự rất cần thiết bởi một người không trưởng thành không thể sống xứng với nhân phẩm. Một người không khoẻ mạnh chẳng bao giờ có thể làm tốt những công việc nặng nhọc được trao phó. Một người tâm lý bất ổn sẽ phản ứng thất thường, buồn vui lẫn lộn, không kiếm chế được tình cảm và ý chí của mình. Một người không có nhân cách tốt chẳng bao giờ có thể cư xử đúng mực với mình và với người khác.
Đối với các kitô hữu trẻ, sự trưởng thành nhân bản còn là nền tảng cho sự trưởng thành Kitô giáo. Ngoài những đức tính nhân bản như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, công dung, ngôn, hạnh, các tín hữu còn phải tập luyện các đức tính Kitô giáo như khôn ngoan, tiết độ, công bằng, can đảm, tin, cậy, mến và sống các lời khuyên Phúc âm: khiết tịnh, khó nghèo, và vâng phục theo bậc sống. Vì thế, chúng ta có thể khẳng định rằng, trường thành nói chung và kitô giáo nói riếng đối với các bạn trẻ đáng ước vọng lắm thay!
Làm thế nào để trưởng thành?
Có nhiều cách thức để trưởng thành và mỗi khía cạnh trưởng thành đều có những phương cách tập luyện khác nhau. Đối với sự trưởng thành thể lý, ngoài nhu cầu ăn uống cụ thể, mỗi người cần tập thể dục, chơi thể thao, tập dưỡng sinh, ăn uống, ngủ nghỉ sao cho điều độ… Để trưởng thành tình cảm, người ta cần tập sống lành mạnh, thiết lập và điều chỉnh các mối quan hệ sao cho quân bình. Để trưởng thành nhân cách, mỗi người cần tập luyện các đức tính tốt như: nhân nghĩa lễ trí tín, công dung ngôn hạnh; loại bỏ tham sân si, nhất là luôn tập sống bao dụng độ lượng với mọi người.
Ngoài sự trưởng thành thể lý, nhân bản, tình cảm, các kitô hữu trẻ còn phải tập sống đức khôn ngoan, công bằng, tiết độ, can đảm, tin, cậy, mến và các lời khuyên Phúc âm theo bậc sống. Muốn đạt được các nhân đức ấy, các tín hữu phải học hỏi, tập luyện, và cầu nguyện. Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu các bạn trẻ “giữ ‘kết nối’ với Đức Giêsu để được ‘kết hợp trực tuyến’ với Người , vì con sẽ không lớn lên trong hạnh phúc và thánh thiện chỉ với sức mạnh và sự thông minh của mình. Giống như con lo lắng để không mất kết nối Internet, hãy luôn bảo đảm rằng con luôn kết nối với Chúa. Điều này có nghĩa là không ngắt cuộc đối thoại với Chúa, nhưng lắng nghe Người, chia sẻ cho Người nghe mọi chuyện của con và khi con không biết rõ ràng con nên làm gì thì hãy nói với Ngài ‘Lạy Chúa Giêsu ở địa vị con, Người sẽ làm gì?’”[3]
Nói về sự trưởng thành của người trẻ, chúng ta vừa mừng vừa lo. Mừng vì trong thế giới hiện đại, người trẻ có rất nhiều phương tiện và điều kiện để rèn luyện bản thân. Lo vì dường như người trẻ có quá nhiều thứ để theo đuổi nên việc trưởng thành lại là thứ yếu. Các bạn trẻ dễ bị lôi kéo vào cuộc sống hưởng thụ, phóng khoáng, bất chấp kỷ luật. Hậu quả là không ít bạn trẻ lớn xác mà bé tâm hồn, có nhiều thứ có thể đem lại lợi ích cho mình và cho người khác, nhưng chúng lại trở nên vô nghĩa với các bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ thụ động hơn chủ động trong những quyết định cho mình và những quyết định liên quan đến người khác.
Tóm lại: Trưởng thành là sự chín chắn quyết định, chịu trách nhiệm về quyết định của mình, đủ nghị lực chu toàn sứ mạng được trao phó. Sự trưởng thành này mang tính quyết định thành công hay thất bại cho đời người. Muốn có được sự trưởng thành đúng nghĩa, mỗi người trẻ phải không ngừng học hỏi, phấn đấu, rèn luyện trong thử thách và chuyên chăm giữ “kết nối” với Chúa Giêsu qua đời sống cầu nguyện. Tiến trình vươn tới sự trưởng thành vừa là niềm lạc quan nhưng cũng là những bận tâm lớn của những người hữu trách. Ước mong cho các bạn trẻ hiều được thế nào là trưởng thành, ý nghĩa tầm quan trọng của trưởng thành trong đời sống, và nhất là nỗ lực rèn luyện hầu có thể trưởng thành mọi mặt như cha mẹ, người hữu trách và Thiên Chúa mong đợi.
[1] Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ, số 55
[2] ĐTC Phanxicô, Chúa Kitô Đang Sống, số 158, Nxb. Tôn giáo, Tr. 99
[3] ĐTC Phanxicô, Chúa Kitô Đang Sống, số 158, Nxb. Tôn giáo, Tr. 99
Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh
2020
Hậu đại dịch covid-19: Anh em đừng sợ!
Federico Lombardi, S.J.
Lm. Phaolô Nguyễn Thanh Tuấn chuyển ngữ từ vaticannews.va/it
Bài viết mới của cha Federico Lombardi nhìn về hậu đại dịch covid-19: Thế giới cũng tràn đầy những điều tốt lành. Nhiệm vụ là phải nhận ra chúng và làm cho chúng được biết đến, bởi vì chỉ nơi đó, chúng ta được dẫn đi xa hơn và hướng cái nhìn lên cao.
«Đừng sợ! Bởi vì Ta sẽ ở với ngươi!». Đó là điệp từ trong tất cả Kinh Thánh. Đó là những lời từ chính Thiên Chúa hay nhân danh Ngài đến với những người được Ngài kêu gọi cho sứ vụ đòi hỏi phải cố gắng và bất ngờ, qua những cách thế vẫn còn chưa được biết, như Môsê trước bụi cây rực cháy hay như Maria trước Sứ thần.
«Các ngươi đừng sợ!». Đây là những lời từ các tiên tri gửi đến đoàn dân bị áp bức bởi nỗi thống khổ, như khi họ ở ngõ cụt không có lối thoát giữa Biển Đỏ và những chiến xa của quân Ai Cập. Chúa Giêsu cũng nhiều lần lập lại những lời ấy cho các môn đệ của mình, tới «Đàn chiên bé nhỏ» đi theo Người, hoặc hướng đến những người sẽ phải chịu sự bách hại vì danh của Người. Đối với những điều như thế, Chúa Giêsu khẳng định rằng họ không phải sợ bất cứ thế lực con người nào, bởi vì chúng có thể lấy đi sự sống của thể xác nhưng không phải của linh hồn và bởi vì trong thời gian thử thách Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi họ.
Điệp từ tuyệt vời «Anh em đừng sợ!», như chúng ta ghi nhớ, đã được nhắc lại cách mạnh mẽ trong khoảng thời gian rất gần với chúng ta nơi thánh Gioan Phaolô II khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của Ngài và hướng đến toàn thể nhân loại: «Các con đừng sợ hãi! Hãy mở những cánh cửa cho Đức Kitô!». Xét cho cùng, niềm tin vào Đức Kitô Đấng Cứu Chuộc mới chính là sự giải thoát vĩ đại và dứt khoát cho mọi người khỏi nỗi sợ hãi.
Đại dịch, ngay cả khi nó sẽ được vượt qua cách ổn định nhờ một loại vắc-xin hiệu quả, trong mọi trường hợp, nó sẽ để lại cho chúng ta cái hậu của sự bất an, thậm chí chúng ta nói đến nỗi sợ hãi tiềm ẩn, sẵn chờ để tái diễn. Hiện giờ, chúng ta biết rằng, bất chấp mọi nỗ lực và dấn thân đúng đắn để giảm thiểu những nguy cơ, thì các loại virus khác hoặc những thế lực khác sẽ xuất hiện và nằm ngoài sự kiểm soát có khả năng khiến chúng ta bất ngờ và làm khủng hoảng những sự an tâm và an toàn của chúng ta. Bởi vì sự an toàn tuyệt đối trên trái đất này là không tồn tại, là không thể. Và nó sẽ không bao giờ tồn tại ngay cả trong tương lai.
Chắc chắn chúng ta phải mong đợi từ khoa học và từ các thể chế xã hội và chính trị, nói chung từ lý trí của con người, một sự trợ giúp thiết yếu để lấy lại sự bình yên cần thiết cho một cuộc sống cá nhân và xã hội cách an vui và «bình thường». Nhưng vẫn còn đó nhu cầu về một cái gì sâu hơn mà những câu trả lời này thì chưa đủ.
Chúng ta có thể sống tự do khỏi những nỗi sợ hãi tận căn cho bản thân chúng ta, cho những người thân yêu, và cho tương lai của chúng ta không? Đâu là chìa khóa để sống trong an bình và từ đó để có cuộc sống thực sự tốt đẹp ngay trên trái đất này, mặc cho bao khó khăn không thể tránh khỏi phát sinh mỗi ngày? Chúng ta biết rằng mỗi chúng ta đều có tính cách riêng, đặc điểm và lịch sử riêng của mình, đó là những điều vốn ảnh hưởng sâu đậm đến thái độ của mỗi người. Có người rất lo lắng và yếu đuối, nhưng không do lỗi của họ; có người cách tự nhiên hết sức bình tĩnh, lạc quan, và đó là một ân ban. Nhưng lời của Chúa được gửi đến tất cả và là lời mời gọi mọi người hãy phó thác với niềm tin vào một tình yêu đi trước chúng ta, dõi nhìn chúng ta và đồng hành cùng chúng ta.
Ngày nay, chúng ta thường có sự dè dặt nói đến «Sự quan phòng» của Thiên Chúa. Dường như với chúng ta, đó là một từ có nguy cơ cho bổn phận chính đáng của Kitô hữu trong thế giới, vì chúng làm cho chúng ta trở nên thụ động và ít trách nhiệm. Nhưng đây là một cái bẫy. Quên đi sự quan phòng của Chúa có nghĩa là làm mất đi cảm thức rằng tình yêu của Chúa bao bọc chúng ta và đồng hành cùng chúng ta, ngay cả khi đôi mắt của chúng ta thường vẫn không thể nhận ra điều đó. Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy mở đôi mắt – «Các con hãy xem những chú chim trên bầu trời, nhìn vào những bông hoa huệ ngoài đồng …» – và đừng để chúng ta hoàn toàn bị cuốn vào những mối bận tâm tức thời về sự sung túc chóng qua của mình. Hơn cả chim trời và muôn hoa, con mắt khi mở ra có thể nhìn thấy bao dấu chỉ khác của tình yêu và niềm hy vọng được gieo khắp hành trình bước đi mỗi ngày của chúng ta, trong những hoàn cảnh và con người chúng ta gặp gỡ, trong những lời nói và việc làm của họ. Mỗi người trong chúng ta nhận ra đó là một ân ban khi gặp những người mà họ biết cách nhìn về họ và giúp chúng ta nhìn họ bằng ánh mắt thấu hiểu và cái nhìn bình tâm. Thế giới tràn đầy không chỉ những tin xấu, mà cả những tin tốt. Nhiệm vụ là phải nhận ra những điều tốt đẹp và làm cho chúng được biết đến, bởi vì chỉ nơi đó, chúng ta được dẫn đi xa hơn và hướng cái nhìn lên cao, tới cội nguồn của tình yêu, tới đích đến của niềm hy vọng.
Và rồi Chúa Giêsu kết thúc những lời dạy về sự quan phòng bằng một lời khuyên rất khôn ngoan: «Ngày nào có cái khổ của ngày ấy». Chúng ta không được để những lo lắng của ngày hôm nay, của ngày mai và tất cả tương lai đang chờ đợi chúng ta chồng chất lên chúng ta: Chúng sẽ nghiền nát chúng ta. Chúng ta phải nghĩ rằng mỗi ngày đều có lý do của đau khổ, mà cũng là của ân sủng. Chúng ta phải tin rằng mỗi ngày chúng ta sẽ được ban ân sủng cần thiết để vác lấy gánh nặng. Ân sủng cần thiết để tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của nó ngay trong đời này và sự sống vĩnh cửu. Thánh Têrêsa Avila cho chúng ta một từ giúp mở rộng trái tim và chân trời của chúng ta, vượt lên trên mọi trở ngại: «Không có gì làm rối lòng bạn, không có gì làm bạn sợ hãi. Mọi thứ đi qua, còn Thiên Chúa không thay đổi. Với sự kiên trì sẽ có được mọi thứ. Ai có được Thiên Chúa thì chẳng thiếu gì. Chỉ mình Ngài là đủ.» Liệu đức tin của chúng ta có biết gợi hứng cho chúng ta trên hành trình dài phía trước, để sẽ là một hành trình thông minh và khôn ngoan, thực sự tự do từ những lời khuyên tồi tệ của những nỗi sợ hãi sâu kín, tự do trong niềm hy vọng với nỗi sợ trước cái chết?./.
Các bạn có thể đọc thêm bài đã viết trong loạt bài “Nhìn xa hơn cuộc khủng hoảng covid-19” của cha Federico Lombardi theo link sau:
Bài 1: Hậu Covid-19: Chúng ta sẽ gặp lại nhau với cái nhìn nào?
Bài 2: Hậu Covid-19: Cơ hội để xếp đặt trật tự cuộc sống chúng ta
Federico Lombardi, S.J.
Lm. Phaolô Nguyễn Thanh Tuấn chuyển ngữ từ vaticannews.va/it