2020
Tôi lãnh đạo theo gương Giê-su như thế nào?
Tôi lãnh đạo theo gương Giê-su như thế nào?
Ngay cả khi bạn đã kết luận rằng bạn là một nhà lãnh đạo và bạn mong muốn noi gương Giê-su như là gương mẫu lãnh đạo của bạn vì Ngài là gương mẫu lãnh đạo có thể đáp ứng những vấn đề bạn đang gặp phải, bạn vẫn có thể tự hỏi: “Tôi lãnh đạo theo gương Giê-su như thế nào?”
Lãnh đạo như Giê-su có hai khía cạnh:
Khía cạnh thứ nhất là: lãnh đạo như Giê-su là một hành trình biến đổi.
Khía cạnh thứ hai là: học và cá nhân hóa bốn phạm trù của lãnh đạo.
Vậy ta hãy tìm hiểu khía cạnh thứ nhất: Lãnh đạo như Giê-su là một hành trình biến đổi.
Học lãnh đạo như Giê-su không chỉ là một tuyên bố, mà quan trọng hơn là một cam kết để lãnh đạo theo một phương cách khác. Sự thay đổi này không thể xảy ra một sớm một chiều. Thật ra lãnh đạo như Giê-su là một chu kỳ biến đổi bắt đầu bằng lãnh đạo bản thân, đến lãnh đạo một người khác, đến lãnh đạo một nhóm, và cuối cùng là lãnh đạo một tổ chức hay đoàn thể.
Trong suốt thời gian sống giữa thế gian, Chúa Giê-su dành trọn đời mình để huấn luyện các môn đệ của Ngài về ba cấp độ lãnh đạo: lãnh đạo bản thân, lãnh đạo một người khác và lãnh đạo nhóm. Trong quá trình huấn luyện đó, Ngài trang bị cho họ để họ tuân giữ những mệnh lệnh lãnh đạo của Ngài, và sau khi Ngài ra đi thì họ có thể nâng lên cấp độ thứ tư: lãnh đạo một tổ chức.
Lãnh đạo bản thân:
Lãnh đạo hiệu quả bắt đầu từ nội tại. Trước khi hy vọng có thể lãnh đạo người khác, bạn phải biết bản thân mình. Chúng tôi gọi đó là lãnh đạo bản thân vì nó liên quan đến chọn lựa.
Mọi nhà lãnh đạo phải trả lời hai câu hỏi:
- Tôi thuộc về ai?
- Tôi là ai?
Câu hỏi thứ nhất – “Tôi thuộc về ai?” – nói đến sự chọn lựa người có thẩm quyền và khán giả của cuộc đời bạn. Nói cách khác, bạn cố gắng làm hài lòng ai? Các nhà lãnh đạo thường bày tỏ việc họ thuộc về ai qua việc họ định nghĩa thế nào là thành công trong thế giới ngày nay. Họ cho rằng thành công phải đi đôi với quyền lực và địa vị trần thế, cũng như thành tích và ý kiến của người khác.
Bạn có thể diễn giải theo cách nào bạn thích, nhưng Kinh Thánh dạy chúng ta rằng trên hết mọi sự chúng ta được tạo dựng để làm hài lòng Thiên Chúa. Trong cấp độ lãnh đạo cá nhân, trước hết bạn phải chọn lựa là bạn sẽ làm hài lòng Chúa hay không?
Câu hỏi thứ hai – “Tôi là ai?”- nói đến mục đích của cuộc đời bạn. Tại sao Thiên Chúa đặt bạn vào thế gian này? Qua bạn Ngài muốn thực hiện điều gì? Kinh Thánh dạy rằng thành công đích thực chính là thi hành sứ mệnh cuộc đời mà Chúa đã hoạch định cho bạn. Thành công trong cuộc sống của bạn phụ thuộc vào tương quan của bạn với Đức Kitô và mức độ bạn để Chúa dẫn dắt cuộc đời bạn. Bạn có mong muốn dâng mọi sự cho Chúa và sống như Ngài muốn bạn sống, hơn là cách bạn muốn mình sống?
Hoa trái tự nhiên của việc quyết định làm hài lòng Thiên Chúa cũng như để Ngài kiểm soát đời mình là sự biến đổi trong quan điểm của bạn. Nếu bạn sống một đời sống không với mục đích để làm hài lòng Thiên Chúa hoặc để Ngài kiểm soát, thì quan điểm của bạn sẽ vẫn là qui chiếu và tập trung vào bản thân. Nếu bạn sống một đời sống với mục đích để làm hài lòng Thiên Chúa và để Ngài kiểm soát, thì quan điểm của bạn sẽ được biến đổi trở nên qui chiếu về người khác và có đặc nét dựa trên sự tự tin trong Chúa, điều sẽ dẫn dắt cuộc đời bạn.
Ngay từ thời gian đầu sứ vụ của mình, Chúa Giêsu đã thể hiện khao khát chỉ làm hài lòng Chúa Cha của mình và và để Chúa Cha kiểm soát cuộc đời mình. Chúa Giêsu công khai chọn lựa của mình khi Ngài dâng tất cả cho Chúa Cha và khăng khăng yêu cầu Gioan làm phép rửa cho mình “để giữ trọn đức công chính” (Mt 3:15). Khao khát làm hài lòng Chúa Cha được thể hiện mạnh mẽ hơn nữa sau khi Ngài chịu phép rữa, khi Ngài đi vào hoan địa và bị Sa Tăng cám dỗ. Sự việc được ghi lại trong Phúc Âm cho chúng ta thấy rằng trong suốt thời gian này Chúa Giêsu luôn khẳng định Ngài thuộc về ai và Ngài là ai. Ngài quả quyết rằng Ngài sẽ sống cho sứ mạng mà Chúa Cha đã trao phó cho Ngài để hoàn thành ý định của Chúa Cha. Trong mọi hoàn cảnh, Chúa Giêsu chọn thánh ý của Chúa Cha.
Suy ngẫm
Phương cách lãnh đạo của bạn sẽ khác như thế nào nếu bạn thật sự xác tín rằng bạn là con người mà Thiên Chúa muốn bạn là?
2020
9 thủ thuật tâm lý giúp bạn chiếm thế thượng phong trong giao tiếp.
Có một lý do tại sao các tác giả văn học cổ điển rất chú ý đến chuyển động lông mày và lông mi của các nhân vật. Tương tự, các nhà nghiên cứu hiện đại đã chứng minh rằng chúng ta chuyển đến 93% thông tin không qua lời nói.
Dưới đây là 9 thủ thuật tâm lý giúp bạn gây ảnh hưởng đến người khác mà không cần lời nói. Chắc chắn, bạn sẽ chiếm được thế thượng phong trong mọi tình huống nếu sử dụng hiệu quả chúng.
1. Kiểm tra màu mắt của đối phương.
Điều này sẽ giúp bạn thiết lập một kết nối tốt với người mới quen. Thời gian nhìn màu mắt họ chính xác là thời gian bạn cần để giao tiếp bằng mắt. Theo các nhà tâm lý học, nó mất khoảng từ 3 đến 5 giây. Nếu bạn không nhìn vào mắt đối phương, hoặc dành hơn 9 giây để nhìn, họ có thể cảm thấy không thoải mái.
Ngoài ra, hãy cười với tầm mắt nhìn vào sống mũi của họ. Đây là trung tâm của vùng giao tiếp xã hội. Nếu tầm nhìn thấp hơn mũi, nó có thể bị xem là sự xâm phạm vào không gian riêng tư và nếu tầm nhìn cao hơn mũi lại giống như bạn đang tìm cách để gây áp lực.
2. Đừng bắt đầu trò chuyện ngay lập tức với người mới – hãy cho họ một chút thời gian.
Sau khi thiết lập giao tiếp bằng mắt, đừng bắt đầu cuộc trò chuyện ngay lập tức. Hãy dành vài giây để mắc áo khoác, mở túi xách và kéo ghế để ngồi xuống. Điều này sẽ giúp đối phương có thêm vài giây để tìm ra ấn tượng đầu tiên về bạn. Và trong suốt cuộc trò chuyện, họ sẽ không bị mất tập trung khi phát hiện ra những điều mới về bạn, bởi vì họ đã có đủ thời gian để có một cái nhìn tốt về bạn trước đó.
3. Chạm tay vào chân cốc thủy tinh để biểu lộ sự hấp dẫn.
Các thí nghiệm tâm lý cho thấy việc chạm vào các vật thể hình trụ trông giống như một dấu hiệu thu hút. Nếu cô gái muốn thể hiện với chàng trai rằng mình quan tâm đến anh ta, cô ấy chỉ cần chạm tay vào chân cốc thủy tinh của mình. Tương tự, cô cũng có thể chạm tay vào cây bút hoặc thậm chí là chiếc nhẫn trên tay mình để phát đi tín hiệu.
4. Hướng bàn chân về phía ai đó để giảm khoảng cách.
Nếu bạn đang ngồi bắt tréo chân, hãy hướng bàn chân vào người mà bạn quan tâm. Cử chỉ này làm giảm khoảng cách xã hội vì nó trông giống một nỗi lực để cả hai gần gũi hơn. Tư thế này không xâm phạm không gian cá nhân của người khác, do đó, nó thậm chí có thể được sử dụng trong môi trường kinh doanh.
5. Cử chỉ “Ok” giúp thể hiện uy quyền mà không tạo ra bất kỳ sự gây hấn nào.
Nếu bạn cần thu hút sự chú ý của khán giả, nhưng không muốn mình quá hung hăng, thì đây là một mẹo nhỏ. Hãy tưởng tượng rằng bạn đang giữ một cây kim giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ của bạn như thể bạn đang thực hiện cử chỉ “Ok”. Trong cuộc trò chuyện, hãy cố gắng đưa kim cho người khác. Bằng cách này, các cử chỉ sẽ xuất hiện tự nhiên, nhưng bạn vẫn thu hút sự chú ý của mọi người vào những điểm quan trọng.
6. Nếu bạn đang chán, hãy dùng tay để thể hiện điều đó.
Nếu không hứng thú với một cuộc trò chuyện, nhưng bạn không muốn cư xử thô lỗ, hãy sử dụng ngôn ngữ cơ thể để phát đi tín hiệu. Chạm tay vào má – điều này sẽ cho họ thấy bạn không thích. Nếu họ không nhận được gợi ý đó, hãy đặt đầu bạn lên lòng bàn tay. Nếu vẫn không hiệu quả, hãy đặt đầu lên nắm đấm của bạn. Tất nhiên, điều này không lịch sự lắm, nhưng người khác cũng không lịch sự nếu họ vẫn không hiểu rằng bạn đã chán.
7. Nếu ai đó nói những điều khó chịu với bạn, hãy nhìn chằm chằm vào trán họ.
Để tránh nói chuyện với những người độc hại hoặc những người thường xuyên buông ra những điều khó chịu với mình, hãy nhìn chằm chằm vào trán họ. Cái nhìn này cho thấy sức mạnh. Ngay cả khi bạn thiếu tự tin, thì hành động đơn giản này sẽ giúp bạn nhanh chóng chiếm được thế thượng phong.
8. Để thư giãn trong một cuộc trò chuyện, hãy làm một cử chỉ cơ học.
Nếu được yêu cầu phải đưa ra quyết định và bạn cần một chút thời gian để suy nghĩ, hãy bắt đầu lau kính. Cử chỉ này có vẻ máy móc nhưng sẽ khiến đối phương cho rằng bạn đang suy nghĩ về câu trả lời và họ sẽ kiên nhẫn chờ đợi. Nếu bạn không đeo kính, có thể làm những cử chỉ thông thường khác như kiểm tra nút áo hoặc khuyên tai.
9. Đứng ở bên trái nếu bạn muốn trở thành một nhà lãnh đạo.
Các nhà khoa học chính trị đã phát hiện ra hiện tượng thú vị này khi họ phân tích chiến dịch PR của các ứng cử viên tổng thống. Họ nhận thấy rằng các ứng cử viên đứng bên trái nhiếp ảnh gia (đồng nghĩa với họ xuất hiện bên phải của bức ảnh) đã gây ấn tượng mạnh mẽ hơn với người xem.
Bạn có biết thủ thuật tâm lý phi ngôn ngữ nào khác không? Chúng đã giúp bạn như thế nào trong cuộc sống hàng ngày?
Theo Brightside
Dịch giả : Ngọc H
2020
Đức Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn nói về ‘Ngoại tình và Tha thứ’
Đức Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn nói về ‘Ngoại tình và Tha thứ’
- Tha Thứ được gì?
Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa không có lợi cho hôn nhân lành mạnh. Truyền thông đang làm giảm giá trị của lòng chung thủy, sự bền vững và sự sinh sản. Chúng ta đang dần quen với sự vui thích tức thời một cách ích kỷ. Nền văn hóa sự chết đang làm xói mòn tính toàn vẹn của gia đình và vấn đề này có tác động đến mọi thế hệ: trẻ em lớn lên trong gia đình không lành mạnh dường như không có khả năng tự tạo dựng một gia đình lành mạnh cho mình. Ngày nay, vì nhiều lí do khác nhau, nhiều người có ý định lựa chọn kết hôn nhưng không đủ trưởng thành, không đủ tự do hay chưa chuẩn bị đủ – về cá nhân, trí tuệ, cảm xúc và đạo đức – để làm điều này.
Một số nhà xã hội học tin rằng 50% những cuộc hôn nhân bắt đầu vào năm 2015 có khả năng sẽ kết thúc bằng việc ly hôn.
Ngoại tình là một trong hai nguyên nhân đứng hàng thứ đầu của li dị (gần 26%) theo thống kê các tòa án nhân dân các cấp (Hà nội mới Online ngày 6.7. 2011).
- Nên hay không nên tha thứ khi chồng ngoại tình?
Chồng ngoại tình. Trước một cú sốc lớn như vậy – vừa đau khổ vừa thất vọng vì bị lừa dối – bạn lại băn khoăn vấn đề “Nên hay không nên tha thứ khi chồng ngoại tình?”
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, hầu hết những cặp vợ chồng biết tha thứ cho nhau thì gia đình của họ luôn hạnh phúc và bền vững. Tuy nhiên, tha thứ hay không tha thứ trong hoàn cảnh này thực sự là một quyết định không dễ dàng chút nào.
Trong cú sốc tình cảm này, không ít bạn nghiêng về ý kiến: “Không bao giờ có chuyện tha thứ. Đã phản bội nhau tức là kẻ thù của nhau”. Nhưng cũng không ít bạn cho rằng tha thứ sẽ cảm thấy thanh thản hơn vì “đánh kẻ chạy đi, đâu ai đánh người chạy lại”.
Một giám đốc Công ty thám tử tư uy tín và chuyên nghiệp nọ cho biết: “Là người trong cuộc, khi vấp phải những tổn thương quá lớn về mặt tình cảm, bạn sẽ không đủ tỉnh táo để nhìn nhận mọi việc một cách khách quan. Còn sự phản bội đôi khi lại được xúc tác bởi hoàn cảnh, đôi khi, chính những kẻ phản bội cũng không hiểu được vì sao lại có thể hành động phũ phàng đến thế. Bởi vậy, bạn nên đặt mình vào hoàn cảnh của họ để hiểu cho rõ sự việc và đưa ra quyết định tha thứ hay không tha thứ cho kẻ ngoại tình một cách khách quan, tránh những ân hận về sau.”
Xem xét vấn đề một cách toàn diện để có cái nhìn khách quan nhất thì đó chỉ là một khoảnh khắc yếu lòng.
Bạn có thể cho nhận định này là ngớ ngẩn, nhưng đó là sự thật. Vì rốt cuộc thì chàng của bạn cũng là con người bình thường mà thôi, cũng có những khuyết điểm, cũng có lúc mạnh mẽ, lúc yếu đuối. Khi bị đặt vào những hoàn cảnh mất tự chủ như khi uống rượu say, rất nhiều đàn ông đánh mất mình, thậm chí còn không biết người phụ nữ họ vừa “chung giường” có phải vợ/ bạn gái hay không. Hãy suy nghĩ thật kỹ, liệu một lần như thế đã đáng để bạn đánh đổi mối quan hệ hay cuộc hôn nhân giữa hai người? Dĩ nhiên, nếu anh ta lặp đi lặp lại việc lừa dối bạn thì lại là chuyện khác.
III. Đàn ông có tha thứ khi vợ mình ngoại tình?
Mới đây, một nghiên cứu với sự tham gia của hơn 15.000 người đàn ông bị phản bội đã được thực hiện. Kết quả là hơn 70% trong số họ chọn giải pháp tha thứ.
Với câu hỏi: “Tại sao lại tha thứ cho kẻ phản bội?”, 92% cho rằng những bằng chứng về tội ngoại tình thường không đủ thuyết phục, vì rất ít khi bắt được “tại trận”; hoặc không nỡ li hôn vì tình yêu vẫn còn và càng không muốn con mất mẹ. Chỉ có 8% kiên quyết muốn tiến hành thủ tục li hôn mà không chấp nhận bất cứ lí do nào.
Tuy nhiên, 91% đàn ông vẫn cho rằng bị “cắm sừng” là điều tồi tệ nhất trong cuộc đời họ. Chỉ 9% nghĩ điều xấu nhất trong đời không phải chuyện ngoại tình mà còn có những chuyện đau đớn hơn, như bản thân mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn chấn thương nghiêm trọng hoặc một người thân yêu đột ngột qua đời.
Phỏng vấn:
- Không thể tha thứ, bởi …
- “Chỉ những người nhu nhược mới bỏ qua chuyện vợ ngoại tình. Mình không thể chấp nhận cái cảnh vợ mình mang người đàn ông khác về làm những chuyện đồi bại trên chính chiếc giường thân thuộc của hai vợ chồng trong khi mình chạy vạy ngoài xã hội vì cái gia đình ấy. Chuyện đó thật khủng khiếp! Đành rằng người chồng có lỗi khi mải mê công việc “bỏ quên” người vợ thì người vợ nên trò chuyện trực tiếp với chồng mình để tìm hướng giải quyết chứ không phải lấy chuyện ‘ăn nem’ ra đánh đổi hạnh phúc rồi cuối cùng lại đổ lỗi cho người chồng. Thật khó chấp nhận! Khi người vợ ngoại tình tức là cô ấy không còn sự tôn trọng, thương yêu chồng của mình nữa. Và như vậy thì không đáng để mình tha thứ.” (Một hướng dẫn viên du lịch).
- “Nếu là tôi, tôi sẽ không thế tha thứ nếu vợ mình ngoại tình, nhất là người vợ đó lại bỏ tất cả con cái, gia đình chạy theo người tình. Như vậy thì còn níu kéo thêm làm gì nữa. Ly hôn là cách giải quyết tốt nhất.” (Một kỹ sư thiết kế nội thất).
- “Người phụ nữ ngoại tình là kẻ ích kỷ, không coi trọng hạnh phúc gia đình, không đoan chính. Bạn mà tha thứ thì sẽ còn bị cô ta tiếp tục bị cắm sừng. Mà biết đâu cô ta còn lấy tiền của bạn để nuôi tình nhân. Vì thế, theo tôi, nếu vợ ngoại tình thì người chồng nên dứt bỏ ngay như cắt một u nhọt, thà chịu đau một lần rồi thôi. Tha thứ vì trách nhiệm để rồi hai vợ chồng luôn sống quãng đờicòn lại trong giả dối thì đó là bi kịch bởi thật khó để bất kì người đàn ông nào có thể quên đi nỗi đau bị phản bội.” (Một nhân viên văn phòng).
- Có thể tha thứ nếu …
- “Không phải tự nhiên mà vợ ngoại tình. Tôi nghĩ rằng trong một gia đình nếu người phụ nữ ngoại tình thì chắc chắn trước đó đã có vấn đề gì đó xảy ra. Bình tĩnh suy nghĩ thấu đáo giúp bạn có quyết định đúng. Biết đâu nỗi lầm đó từ phía bạn, hoặc vợ bạn có nỗi khổ riêng khi đi ngoại tình mà bạn chưa hiểu, chưa thể cảm thông chia sẻ với cô ấy.” (Một nhân viên kinh doanh).
- “Nếu đưa ra quyết định ly hôn ngay khi biết vợ ngoại tình, bạn chưa đáng mặt một người đàn ông. Phá bỏ rất dễ, xây dựng và xây đẹp mới khó. Hãy tìm hiểu câu chuyện với những chứng cứ thật xác đáng và cần biết nguyên nhân rõ ràng. Điều quan trọng nhất là gia đình êm ấm, con cái thuận hoà. ‘Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại’, nếu có thể tha thứ được thì hãy tha thứ! Đó mới là điều người đàn ông nên hướng tới.” (Một giáo viên).
- Còn tùy thuộc vào người vợ và nỗi đau của bạn: “Mình thấy khi vợ ngoại tình thì việc đầu tiên bạn cần suy nghĩ xem là mức độ như thế nào. Nếu chỉ mới mức độ ban đầu chưa quá nghiêm trọng, bạn vẫn còn yêu vợ thì có thể nhẹ nhàng tìm cách kéo vợ về. Còn nếu vợ bạn đã “lún sâu” vào chuyện ấy thì bạn nên suy xét tới nhiều yếu tố khác nữa như việc bạn có thể quên đi “vết nhơ” ấy của vợ mình hay không nữa. Mình có hai người bạn, anh bạn thứ nhất của mình chọn cách tha thứ vì trách nhiệm, sau đó người vợ của anh ta thật sự hối hận, thương yêu gia đình hơn nhưng anh ta vẫn không thể quên nỗi đau bị phản bội nên gia đình anh ta không một phút nào bình yên. “Sóng ngầm” đó mới thật sự đáng sợ! Một anh bạn khác của tôi cũng có vợ ngoại tình, dù chỉ mới mức độ “cảm nắng” nhưng anh chồng vội vàng ly hôn mặc cho người vợ cố gắng giải thích, cầu xin tha thứ. Sau khi ly hôn, anh ta mới nhận ra sai lầm rằng chính anh ta là người đã phá nát gia đình chính mình chứ không phải người vợ ngoại tình kia.” (Một kĩ sư xây dựng).
- “Mình cũng nghĩ tha thứ hay không còn phụ thuộc vào mức độ ngoại tình của người vợ. Khi người vợ thật sự ăn năn, mọi chuyện không bao giờ tái diễn nữa, bạn thật sự tha thứ được thì nên tha thứ. Tất nhiên, khi bạn đã tha thứ rồi thì bạn hãy để quá khứ ngủ yên, bạn bắt đầu xây dựng lại tình yêu mới với cô ấy” (Một nhân viên kinh doanh).
Các chuyên gia tâm lí đều khuyên những người đàn ông có vợ ngoại tình rằng: Nếu thực lòng bạn không muốn mất người mình yêu vào tay kẻ khác thì không những nên tha thứ mà cần tìm cách sống hòa thuận như khi chưa có chuyện gì xảy ra. Điều quan trọng là bạn cần hiểu rõ nguyên nhân của việc vợ ngoại tình để khắc phục. Cho dù quan điểm riêng của bạn thế nào, khi trong thực tế, tỷ lệ ngoại tình ngày càng gia tăng như tên lửa ở cả hai giới, thì bạn không thể đối xử với nó chỉ bằng một cách cứng nhắc là ly hôn.
- Tha thứ cho người và cho ta
Trong cuộc sống luôn có những điều mà ta chẳng bao giờ hài lòng, có những lời nói khiến ta bị tổn thương, có những cách đối xử làm mình buồn rười rượi… nhưng bạn đừng nên giữ những điều không vui ấy mãi trong lòng. Biết tha thứ để vui sống là điều đáng để chúng ta quan tâm.
- Học cách tha thứ
Biết tha thứ cho những người làm ta đau đớn sẽ mang lại một cảm giác yên bình mà ta không thể có được khi ôm lấy mối hận thù. Ngoài ra, tha thứ còn làm ta khoẻ mạnh hơn cả về thể chất lẫn tinh thần.
Một nghiên cứu tại Đại học Hope ở Michigan, Mỹ, đã cho thấy con người bị căng thẳng về tim mạch đáng kể khi họ hình dung kế hoạch trả thù những người làm đau mình. Nhưng sức ép sẽ giảm đi rất nhiều khi họ mường tượng đến cảnh tha thứ cho những người phạm lỗi. Các nhà khoa học tại Đại học Stanford cũng tìm thấy những ai biết thứ tha có các cơn giận dữ và triệu chứng stress ít hơn rất nhiều so với những người giữ mãi mối hận.
Để vết thương mau lành, hãy làm theo những lời khuyên sau:
- Đừng đợi nhận được lời xin lỗi
Thông thường chúng ta rất biết cách bảo vệ lẽ phải của mình: “Không lý gì tôi phải tha thứ cho hắn trước trừ phi hắn thừa nhận sai phạm và xin lỗi tôi.”
Nhưng nếu chúng ta chấp nhận tha thứ trước khi nhận được lời xin lỗi thì chúng ta sẽ tránh được tình trạng tâm trí bị đeo đẳng bởi cơn giận dữ trong khoảng thời gian dài. Thường thì chính chúng ta mới là người gánh chịu các thiệt hại do sự tức giận gây ra. Điều này có khác gì bạn tự mình đặt niềm vui, sự thanh thản dễ chịu của bản thân vào tay người khác?
- Tìm cách thông cảm với sự xúc phạm
Người ta có thể đã hành động vì sự vô tâm, nỗi lo sợ hoặc niềm đau của chính họ. Có một câu nói rằng: Đằng sau bất kỳ hành động thô lỗ nào, thường là một chuyện đau lòng. Hãy tự đặt mình vào vị trí của người lầm lỗi, hoặc viết một bức thư cho chính mình dưới quan điểm của họ.
- Đừng quên bản thân cũng từng gây ra không ít lỗi lầm
Thường sẽ đau đớn hơn rất nhiều khi chính mình phải suy ngẫm về lỗi lầm của mình. Nhưng cần phải làm thế để tìm lại sự cân bằng. Nhìn vào sự thật này để thấy rằng người khác có thể tha thứ cho mình thì tại sao mình không thể làm điều này nhỉ?
- Làm mới sự tha thứ
Những cảm giác đau đớn sẽ vẫn tồn tại cho dù bạn đã bỏ qua chuyện cũ. Có những lúc bạn sẽ cần phải làm mới lại sự tha thứ của mình. Nhưng vượt qua sự hận thù sẽ làm bạn thảnh thơi bước tiếp. Nghiên cứu cũng cho thấy những ai tha thứ sẽ cảm thấy nỗi đau không còn nặng nề như trước.
- Đưa bản thân vào danh sách tha thứ
Cuối cùng, tha thứ cho người cũng chính là tha thứ cho bản thân. Tha thứ cho người và quan trọng là tha thứ cho chính bản thân sẽ giúp chúng ta cân bằng trong cuộc sống. Tha thứ và rút ra những bài học cho mình là cách tạo nên sự thanh thản thông minh.
Gm. Louis Nguyễn Anh Tuấn
2020
Cộng đoàn giáo xứ và việc dạy giáo lý
Hội Thánh luôn coi cộng đoàn Kitô hữu như là trung tâm huấn giáo. Ở những nơi này, người Kitô hữu được sinh ra, được giáo dục và sống trong đức tin[1]. Cộng đoàn này còn là nơi phát sinh việc loan báo Tin Mừng để mời gọi con người trở lại và đi theo Đức Kitô[2]. Riêng trong Tông huấn Dạy Giáo Lý, Hội Thánh đã đề cập đến cộng đoàn giáo xứ và coi đây là nơi mà dân Chúa quy hướng về, đồng thời là địa điểm ưu tiên cho công việc dạy giáo lý[3]. Chính vì thế, chúng ta hãy tìm hiểu khái quát xem cộng đoàn là gì? Và cụ thể, cộng đoàn giáo xứ có liên hệ và có trách nhiệm gì với giáo lý?
- Ý NGHĨA VÀ HÌNH THỨC CỘNG ĐOÀN
1.1 Theo nghĩa chung (Communauté)
Cộng đoàn là một nhóm người có những điểm giống nhau. Họ sống chung với nhau, nhắm cùng một lợi ích, văn hoá và lý tưởng[4]. Cộng đoàn chủ yếu được xây dựng trên những mối liên kết không theo lý trí nhưng là tình yêu, tham vọng, tình bạn; những mối liên hệ ân nghĩa, chủng tộc, ngôn ngữ, số phận v.v… Tinh thần cộng đoàn khác với xã hội, vì cộng đoàn giả thiết người ta có chung hoặc cùng nhau tìm kiếm một lợi ích chung, được chia sẻ với nhau, trong tình liên đới huynh đệ[5].
1.2 Theo nghĩa tôn giáo
Cộng đoàn là nhóm người tin cùng một điều, sống cùng một nơi, dưới một quyền bính, theo đuổi cùng một việc để người trong cũng như kẻ ngoài đều được hưởng. Tùy theo nhóm người ấy chia sẻ những điều tin tưởng, cuộc sống và các hoạt động nhiều hay ít mà ta sẽ có những cộng đoàn sâu sắc hay hời hợt, cũng như xác định được chân tướng của cộng đoàn ấy trong tư thế là một xã hội loài người[6].
1.3 Các hình thức cộng đoàn
Người ta thường gọi Hội Thánh là cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức ái (GH 8). Còn những nhóm giáo dân xa nhà thờ quy tụ chung quanh vị linh mục để cử hành Thánh Thể và các bí tích, thì cũng được gọi là cộng đoàn đức tin. Trong các cộng đoàn này, Đức Kitô và Hội Thánh hiện diện (GH 26), nhờ việc rao giảng Phúc Âm và tuỳ thuộc vào Đức Giám mục. Đối với những Kitô hữu ly khai, họ cũng hợp thành cộng đoàn nhưng không có sự hiệp nhất hoàn toàn với Hội Thánh Công giáo (HN 3,22).
Ngoài ra, người ta còn sử dụng cụm từ này để chỉ về một cộng đồng nhân loại (MV23-32), cộng đồng quốc tế (MV83-90), cộng đồng chính trị (MV 73-76) và cộng đồng tôn giáo (TD 4,6,13). Ở đây muốn nói đến cộng đoàn giáo xứ, là cộng đoàn có nhiều liên hệ với giáo lý và các sinh hoạt giáo lý.
- CỘNG ĐOÀN LIÊN HỆ VỚI GIÁO LÝ[7]
Ngày nay, người ta nhấn mạnh đến mối liên kết chặt chẽ giữa cộng đoàn và giáo lý. Kinh nghiệm giáo lý hiện nay xác tín rằng tất cả sự đổi mới bắt đầu từ các giáo lý viên và sách giáo lý. Nhưng cả hai lại phải được đổi mới ở trong các cộng đoàn Hội Thánh.
2.1 Dạy giáo lý là trách nhiệm của cả cộng đoàn[8]
(1) Cộng đoàn có trách nhiệm đón tiếp các Kitô hữu vào một môi trường; (2) Giúp họ có thể sống đầy đủ nhất điều họ đã biết[9]. Kinh nghiệm cho thấy một sự thất bại đang gia tăng về một thứ giáo lý chỉ giới hạn ở sự nhận biết toàn bộ sứ điệp Kitô giáo một cách trừu tượng, mà không có sự bảo đảm rõ rệt, cũng như không được minh xác qua cuộc sống trong cộng đoàn: “Không thể có một cộng đoàn đức tin nếu ở đó không có sự hiệp thông đức tin”.
2.2 Phẩm chất của cộng đoàn
Trở thành tiêu chuẩn để xác định xem môi trường này có phải là nơi thích hợp của giáo lý không? Một cộng đoàn Kitô hữu hoạt động tích cực và đáng tin là điều cốt yếu của việc truyền bá đức tin và đón nhận đức tin. Trong cộng đoàn, tất cả mọi người cùng tham gia giáo lý và tất cả các thành viên đều phải làm chứng cho đức tin. Giáo lý không chỉ đưa người học đến sự trưởng thành đức tin mà còn hướng cả cộng đoàn đến mức trưởng thành như vậy. (DGC, 221)
- TRÁCH NHIỆM CỦA CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ ĐỐI VỚI GIÁO LÝ
3.1 Các linh mục đang cai quản giáo xứ, họ đạo
Các ngài vừa là mục tử vừa là nhà giáo dục của cộng đoàn Kitô hữu. Đây là chức năng riêng biệt xuất phát từ bí tích Truyền chức thánh mà các ngài đã lãnh nhận (DGC 224). Chính vì thế, các ngài phải:
– Thúc đẩy trong cộng đoàn Kitô hữu tinh thần trách nhiệm chung đối với việc dạy giáo lý.
– Chăm lo tổ chức căn bản việc dạy giáo lý cũng như có một chương trình phù hợp.
– Khuyến khích và phân định những ơn gọi phục vụ cho việc dạy giáo lý, quan tâm đến việc đào tạo giáo lý viên bằng cách dành cho việc đào tạo này một sự chăm sóc chu đáo nhất.
– Đưa sinh hoạt giáo lý vào kế hoạch loan báo Tin Mừng của cả cộng đoàn, đặc biệt quan tâm đến mối liên hệ giữa giáo lý với bí tích và phụng vụ.
– Bảo đảm việc dạy giáo lý của cộng đoàn được hoà hợp với những chương trình mục vụ cấp giáo phận.
– Lo huấn luyện giáo lý cho người lớn, thanh niên và trẻ em. Cổ võ và thúc đẩy cha mẹ chu toàn bổn phận dạy giáo lý trong gia đình. (CIC 776)
Kinh nghiệm cho thấy rằng phẩm chất việc dạy giáo lý của một cộng đoàn tuỳ thuộc phần lớn vào sự hiện diện và hoạt động của linh mục.
3.2 Các tu sĩ đang hoạt động trong giáo xứ
Trong Giáo luật đã nói rằng: Bề trên dòng tu và các tu đoàn tông đồ phải lo dạy giáo lý cách chuyên cần trong các nhà thờ, trường học và các cơ sở khác đã được uỷ thác cách nào đó cho mình. (CIC 778).
Ước mong các tu sĩ, ngoài việc sống theo linh đạo riêng của Hội Dòng với những hoạt động có tính cách chuyên biệt, thì cũng cần phải được học tập và trau dồi về mục vụ huấn giáo, để trong mọi nơi mọi lúc và mọi hoàn cảnh, luôn sẵn sàng dạy giáo lý như là những giáo lý viên chuyên nghiệp và có khả năng cộng tác với các linh mục để đào tạo các giáo lý viên giáo dân. Mọi thành phần trong cộng đoàn giáo xứ cần giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để các tu sĩ dạy giáo lý và hoạt động giáo lý được dễ dàng và có hiệu quả.
3.3 Các thành phần trong giáo xứ hỗ trợ các cha mẹ trong việc dạy giáo lý gia đình
Nếu cha mẹ hoặc những người thay quyền cha mẹ và những người đỡ đầu có bổn phận lấy lời nói và gương lành huấn luyện đức tin cho con cái và dạy chúng sống đời sống Kitô giáo (CIC 774), thì các cá nhân và các hội đoàn cũng phải đặc biệt quan tâm đến các bậc cha mẹ qua những cuộc tiếp xúc cá nhân hoặc những cuộc gặp gỡ chung, những khoá học hỏi và cả việc dạy giáo lý người lớn dành cho các bậc cha mẹ, hầu giúp họ hoàn thành nhiệm vụ của mình, một nhiệm vụ rất tế nhị hiện nay, đó là giáo dục đức tin cho con cái. Điều này lại càng cấp bách hơn nữa trong những nơi mà xã hội không cho phép hoặc làm cho việc tự do giáo dục đức tin thêm khó khăn. (DGC 227)
Để hỗ trợ cho công việc này, ước mong, ít là trong giáo phận, cần biên soạn một Sách giáo lý gia đình với nội dung căn bản và các phương pháp sư phạm cần thiết, được trình bày một cách đơn sơ, dễ hiểu, để hỗ trợ cho các cha mẹ khi hướng dẫn và dạy giáo lý cho con cái. Giáo lý này được tiếp nối trong tiến trình giáo lý phổ thông sẽ được dạy tại các lớp giáo lý của giáo xứ.
- CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ VỚI SINH HOẠT GIÁO LÝ
Không nghi ngờ gì nữa, cộng đoàn giáo xứ được mời gọi để trở thành một mái ấm gia đình, huynh đệ, và niềm nở đón tiếp, nơi mà người Kitô hữu ý thức mình là Dân Thiên Chúa (CT 67c); là nơi thường xuyên cho tín hữu qui tụ lại để được lớn lên trong đức tin, để sống mầu nhiệm hiệp thông với Hội Thánh và tham gia vào sứ mạng của Hội Thánh[10].
4.1 Đối với việc dạy và chuẩn bị địa điểm dạy giáo lý
Cộng đoàn giáo xứ cần cầu nguyện cho công cuộc huấn giáo, gia tăng và thích nghi các địa điểm dạy giáo lý tùy theo khả năng và lợi ích[11].
Ước mong mỗi giáo xứ đều có những nơi dạy giáo lý ổn định, không bị sách nhiễu bởi bầu khí ồn ào chung quanh; những phòng học giáo lý được trang bị đầy đủ tranh ảnh, bảng phấn, phương tiện nghe nhìn; được một đội ngũ giáo lý viên có thực lực và nghiêm túc giảng dạy.
4.2 Đối với giáo lý viên và các sinh hoạt giáo lý
Cộng đoàn giáo xứ cần quan tâm đến việc bồi dưỡng và khích lệ họ, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn; thăm viếng các lớp giáo lý; cổ võ việc học giáo lý với những khích lệ đặc biệt hay định kỳ cho các học viên học giáo lý xuất sắc; hỗ trợ vật chất cho các sinh hoạt giáo lý như: chương trình đố vui, thi kể chuyện Chúa Giêsu, tham quan, cắm trại, văn nghệ, khai giảng năm học giáo lý và tổng kết cuối khóa giáo lý…
4.3 Đối với những em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt
Có cha mẹ rối hoặc hôn nhân khác đạo, khô khan nguội lạnh, nghèo khó, neo đơn, xa nhà thờ, không có điều kiện hoặc gặp khó khăn trong việc ghi danh theo học các lớp giáo lý, Ban Mục vụ giáo xứ, các đoàn thể Công giáo Tiến hành, các nhóm tông đồ, cần quan tâm gặp gỡ, tạo tình thân, trao đổi, động viên và tạo điều kiện để các em được học giáo lý và tìm mọi cách để đưa các em tới lớp giáo lý. Mặt khác, cộng đoàn tiếp tay với các giáo lý viên để tìm cách giải quyết những trường hợp cá biệt nơi một số các em học giáo lý như: phá phách, thiếu đạo đức, trốn học giáo lý…
4.4 Đối với các dự tòng
Rất mong các linh mục, tu sĩ và các giáo lý viên trong cộng đoàn cần dạy giáo lý cho họ một cách kỹ lưỡng; thanh lọc những ý hướng không ngay lành nơi họ; làm gương và dạy cho họ biết gặp gỡ Chúa qua kinh nguyện, qua công việc và qua việc cầu nguyện cá nhân; chuẩn bị thích đáng cho việc lãnh nhận các bí tích.
4.5 Đối với các tân tòng
Cần quan tâm đặc biệt, bởi vì hơn ai hết, hạt giống đức tin được gieo vào thửa ruộng tâm hồn của họ trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội mới còn đang chớm nở. Nếu không tiếp tục chăm sóc cẩn thận, nó sẽ không lớn lên được và sẽ sớm lụi tàn. Việc năng gặp gỡ cá nhân, tháp tùng để giúp họ sống đạo tốt; tiếp tục bồi dưỡng giáo lý cho họ; tổ chức quy tụ định kỳ để lắng nghe những băn khoăn, nguyện vọng của họ và tìm cách giúp đỡ họ, luôn là điều cần thiết. Có nơi đã tổ chức họp mặt các tân tòng vào dịp lễ Hiển Linh mỗi năm. Trách nhiệm này thuộc về cộng đoàn, trong đó có các linh mục, tu sĩ và mọi thành phần giáo dân, đặc biệt là về phía những người đỡ đầu, những thân nhân có đạo và các nhóm tông đồ giáo dân.
Để hỗ trợ cho việc chăm sóc các dự tòng và tân tòng, thiết tưởng cần biên soạn một sách giáo lý dự tòng phù hợp với trình độ dân trí và tâm thức của một người khác tôn giáo hoặc không có đạo có thể hiểu được, chấp nhận được những lẽ đạo và những chân lý đức tin của Kitô giáo. Sau đó, cần biên soạn một cuốn giáo lý khác dành cho những tân tòng để giúp họ hiểu biết về Chúa và đạo một cách sâu xa hơn, hầu niềm tin của họ được củng cố và thêm vững chắc.
ĐỂ KẾT
Hội Thánh sẽ đi về đâu nếu việc huấn giáo không được quan tâm đúng mức? Việc dạy giáo lý sẽ đi về đâu nếu không được cộng đoàn tích cực hỗ trợ? Ước mong mọi thành phần dân Chúa càng ngày càng ý thức hơn bổn phận, trách nhiệm của mình trong cộng đoàn và trong công cuộc dạy giáo lý mà Hội Thánh luôn coi là một trong những nhiệm vụ tối quan trọng của mình[12].
__________
[1] THÁNH BỘ GIÁO SĨ, Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý 1997 (Bản dịch của UBGLĐT), NXB Phương Đông, 2008, s. 253.
[2] Nt., 254.
[3] GIOAN PHAOLO II, Catechesi Tradendae, 67.
[4] VIỆN NGÔN NGỮ HỌC, Từ điển tiếng Việt, NXB Khoa Học Xã Hội, 1994, trang 205 & TỪ ĐIỂN PHÁP VIỆT, Fahasa, 2002, trang 353 & Le ROBERT, Dictionnaire de la langue Française, Paris 1998, tr. 250.
[5] OLIVIER de la BRÓSSE, Dictionnaire de la Foi Chrétienne, 2006, tr.184.
[6] John A.HARDON, S.J., Từ điển Công giáo phổ thông, NXB Phương Đông, 2008, tr.100.
[7] Emilio ALBERICH, Les Fondamentaux de la catéchèse , Novalis Lumen vitae, 2006, p.279-283.
[8] THÁNH BỘ GIÁO SĨ, Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý 1997 (Bản dịch của UBGLĐT), NXB Phương Đông, 2008, s. 220.
[9] GIOAN PHAOLO II, Catechesi Tradendae, 24.
[10] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Giáo Hội tại Á châu, s. 25.
[11] Nt., s. 67.
[12] GIOAN PHAOLO II, Catechesi Tradendae, 1.
Trích Tập san HiệpThông / HĐGM VN, số 89 (tháng 7 & 8 năm 2015)
Lm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Thanh