2021
Hiện tượng bóng ma
GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
HIỆN TƯỢNG BÓNG MA
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Câu hỏi:
Hồi nhỏ con nghe chúng bạn nói ngoài nghĩa địa thường có bóng ma. Nhất là rằm tháng Bảy hoặc lúc trăng sáng, nhiều hồn ma hiện về. Là người công giáo, con vẫn thắc mắc không biết hiện tượng ấy có thật không? Có hồn ma không?
Trả lời:
Bạn thân mến,
Hồi nhỏ thế hệ 8x, 9x, chúng tôi đôi lần thử những trò chơi liên quan đến ma quỷ: ma lon, chơi trốn tìm nhưng bị ma dấu, gọi hồn…Dĩ nhiên tụi nhỏ chúng tôi luôn sợ hãi những câu chuyện về bóng ma, nhưng đứa nào cũng tò mò thích chơi, thích nghe và thích thử tìm hiểu về những chuyện ly kỳ này. Thời đó, tôi còn nhớ nhiều bạn kể rằng đã gặp bóng ma ngoài nghĩa trang. Nhiều luồng sáng xuất hiện ngoài đó, thi thoảng còn thấy người mặc áo trắng lượn lờ. Nhất là nhiều người thế hệ trước kể về những chuyện rùng rợn liên quan đến người bị sét đánh, nếu không canh chừng mộ của họ, người khác sẽ lấy tay của người chết để đi ăn cắp.
Tôi không biết đó có phải là những câu chuyện có thật không, nhưng rõ ràng đó là những hiện tượng được đồn thổi râm ran. Nhất là những chuyện ma quỷ, những ngày trăng rằm, và nhất là tháng cô hồn, những câu chuyện ấy lại càng được thổi phồng nhiều hơn. Thời học sinh, sinh viên, nhiều đứa bạn sợ run khi nghe chuyện ma của Nguyễn Ngọc Ngạn. Tất cả những tình tiết ấy khiến chúng tôi nửa tin, nửa ngờ.
Hơn nữa, nơi những nghĩa trang vùng thôn quê (nhất là ngày trước), thường không có ánh điện. Màn đêm u mờ, ảo ảnh của ánh trăng luôn gợi lên những hình ảnh rùng rợn liên quan đến hương hồn người chết hoặc ma quỷ hiện ra. Ngược lại, ngày nay nơi nhiều nghĩa địa, nhất là giữa chốn thị thành luôn có ánh sáng, cảm giác rùng rợn ấy cũng phần nào giảm dần. Tuy vậy, những câu chuyện về thế giới bên kia luôn khiến con người thắc mắc, tò mò và đặt nghi vấn.
- Thân xác và linh hồn
Trong câu hỏi của bạn, nghĩa trang dĩ nhiên là nơi của người chết. Theo niềm tin của nhiều tôn giáo, Công Giáo cũng thế, con người là sự kết hợp tổng hòa giữa hồn (soul) và xác (body). Thân xác được cấu tạo từ những tế bào, những nguyên tố hóa học hữu cơ và vô cơ. Nếu chiếu về lúc Thiên Chúa sáng tạo con người, thì Ngài lấy đất nặn lên hình hài con người. Sau đó, ngài thổi hơi để trao ban sự sống cho con người[1]. Đó là linh hồn. Đạo Công Giáo tin rằng linh hồn bất tử, vì linh hồn làm cho con người là hình ảnh của Thiên Chúa (St 2,7 và Mt 10,28). Khi chết, linh hồn lìa thân xác để đến trước tòa Thiên Chúa chịu phán xét. Linh hồn có thể được lên Thiên Đàng, hoặc phải vào Luyện Ngục để chịu thanh luyện. Tình trạng tồi tệ nhất là linh hồn phải xa Hỏa Ngục đời đời. Như thế, Công Giáo không tin sau khi chết, linh hồn bình thường có thể trở về trần gian, và cũng không có chuyện gọi hồn người chết trở về. Tôi nói bình thường, vì thực tế có những hiện tượng ma nhập, quỷ nhập vào người sống. Chúng ta sẽ bàn sau.
Như vậy, ngoài nghĩa trang là những nấm mồ chôn cất thân xác người đã chết. Ngày nay nhiều thi thể được thiêu lấy tro. Hài cốt thường được giữ trong nhà thờ hoặc nơi xứng đáng. Chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho linh hồn của họ. Đến ngày tận thế, Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta biết thân xác ấy sẽ sống lại để hòa làm một với linh hồn, và chịu phán xét ngày cánh chung.
Như thế, thân xác là tạm bợ. Ngày chết của thân xác là chân lý hiển nhiên. Về phần linh hồn, từ thời xa xưa, các triết gia Hy Lạp như Socrates, Plato và Aristotle luôn tin rằng linh hồn bất tử. Về sau, Giáo Hội Công Giáo cũng tin rằng linh hồn thuộc thế giới thiêng liêng, nên cũng bất tử. Hơn nữa, chúng ta cũng đọc thấy điều này khi Đức Giêsu trên thập giá nói với anh trộm lành: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23,43). Tuy nhiên, Kinh Thánh lại không nói minh nhiên về linh hồn bất tử, nhưng chỉ đề cập tới việc hy vọng vào sự sống lại mà thôi.
Vì không có hình hài, nên linh hồn “là nguyên lý linh thiêng của sự sống, và là cái sâu thẳm nhất trong con người. Linh hồn làm cho thể xác vật chất trở nên thân xác sống động của con người.” (Youcat số 62). Khi rời thân xác, nguyên lý ấy vẫn tồn tại. Có thể từ điểm này mà biết bao chuyện ma quỷ, hồn vía được đồn thổi trong những câu chuyện ma quỷ của dân gian!
- Có bóng ma không?
Một hiện tượng mà ngành phân tâm học và tâm lý cũng chân nhận là: nhiều người nằm mơ thấy ma quỷ. Ma nhập, ma đè, ma quấy cũng là hiện tượng có thật ngay trong lòng Giáo Hội Công Giáo. Bởi đó, trong Giáo Hội thường có những người được đặc cách để trừ tà. Giáo Luật quy định tại điều 1172:
- 1. Không ai có thể trừ tà cách hợp pháp cho những người bị quỷ ám, trừ khi có phép đặc biệt và minh nhiên của Đấng Bản Quyền địa phương.
- 2. Đấng Bản Quyền địa phương chỉ ban phép trừ tà cho một linh mục đạo đức, sáng suốt, khôn ngoan và có đời sống vẹn toàn.
Đây đó chúng ta nghe hoặc chứng kiến hiện tượng người này bị ma nhập, người kia bị quỷ ám[2]… Theo quan điểm Kitô giáo, tuy linh hồn là giống thiêng liêng, nhưng sau khi chết, linh hồn ấy cũng không được phép nhập vào người sống. Vì linh hồn ấy vẫn là của con người, chứ không phải là của thần linh.
Trong hiện tượng trên, Giáo Hội tin rằng đó là sự quấy phá của ma quỷ, của thần dữ. Trong Tin Mừng, nhiều lần chính Đức Giêsu cũng trừ tà, buộc quỷ ám phải ra khỏi thân xác con người[3]. Hơn nữa, Ngài còn cho thấy chúng rất dữ tợn, đông đúc và luôn hãm hại con người. (x. Mt 8,28–34). Hiện tượng ma quỷ nhập vào người cũng là điều đáng quan tâm, nhưng bạn hỏi không có ý nói đến những điều này, nên chúng ta không bàn thêm.
Có bóng ma, linh hồn người chết trở về không?
Trước khi trả lời câu này, chúng ta phân biệt một vài thuật ngữ liên quan đến thế giới bên kia:
Quỷ xuất phát từ tiếng Hán Gwei (鬼), dùng để gọi linh hồn của những người đã chết. Theo quan điểm của người phương Đông, sau khi chết đi, linh hồn của con người sẽ đầu thai chuyển thế vào kiếp khác. Nhưng vì một lý do nào đó, linh hồn không thể đầu thai mà vẫn lưu lại trên thế giới vật chất thì được gọi là quỷ[4]. “Quỷ là hóa thân của ma” (Đạo Cao Đài). “Quỷ (devil) là các thiên thần lạc lối” (Do Thái Giáo). Theo truyền thống Công Giáo coi ma quỷ là một thiên thần sa ngã (quỷ vương Lucife). Ma quỷ luôn tìm cách cám dỗ, dẫn con người đến chỗ bất tuân Thiên Chúa (GLHTCG 391–394). Ma quỷ còn được gọi là tên Ác thần, hiện thân của sự dữ. Con người có thể chiến thắng Ác Thần bằng cầu nguyện nhờ ân sủng của Chúa Kitô. (GLHTCG 254).
Như vậy, nếu hiểu “hồn ma” là linh hồn của người đã chết, thì linh hồn ấy dĩ nhiên là có thật. Đó là xác tín và cũng là mục đích tồn tại của Giáo hội, nhằm cứu lấy các linh hồn, đem họ trở về với Thiên Chúa. Còn về chuyện linh hồn ấy có trở về dương thế không, theo Giáo Lý Công Giáo dạy rằng:
“Ngay khi lìa khỏi xác, linh hồn bất tử sẽ chịu phán xét riêng để được thưởng hay bị phạt đời đời; tùy theo đời sống của mình trong tương quan với Đức Kitô, linh hồn hoặc phải trải qua một cuộc thanh luyện, hoặc được hưởng phúc trên trời, hoặc sa địa ngục vĩnh viễn.” (số 1022).
Tuy nhiên, lịch sử cũng cho thấy những hiện tượng linh hồn người chết trở về mà chúng ta gọi nôm na là hồn ma. Chẳng hạn, một câu chuyện đáng tin mà chính thánh Gioan Boscô (1815–1888), kể trong hồi ký của ngài.
Trong những tháng đầu tiên của năm học thần học (1838), có lần thánh Gioan Boscô cùng với người bạn thân là Lu–y Comollo đọc mẩu chuyện về cuộc đời của vị thánh nọ. Sau đó, Gioan bình luận rằng: “Thật là đẹp nếu một trong hai người chúng ta, ai chết trước, và nếu Thiên Chúa cho phép thì sẽ về báo cho người kia những tin tức về cõi đời sau. Họ đã bắt tay giao kèo với nhau. Sau đó mấy tháng, cơn sốt cao đã khiến Comollo qua đời ngày 2 tháng Tư năm 1839. Trước khi mất, Comollo đã siết chặt tay người bạn thân của mình là thánh Gioan Boscô. Vào đêm sau khi an táng người bạn thân 22 tuổi, chính Gioan và 20 chủng sinh khác chứng kiến một hiện tượng lạ lùng. Gioan viết chi tiết trong hồi ký:
“Chiều hôm đó, cha đã lên giường trong một nhà ngủ dành cho 20 chủng sinh, và cha rất bồn chồn, tin chắc rằng đêm đó lời hứa sẽ được thực hiện. Vào lúc 11 giờ 30, một tiếng ồn sâu lắng nghe vang lên ở các hành lang. Nó giống như một toa xe lớn được kéo bởi nhiều con ngựa đang tiến dần đến cửa nhà ngủ. Nó càng lúc càng vang lên ghê sợ tựa tiếng sấm, khiến cả nhà ngủ rung lên. Các thầy chủng sinh khiếp hãi chạy trốn khỏi giường để qui tụ lại với nhau, tạo cho nhau được thêm can đảm. Chính lúc đó, và giữa cái thứ sấm gầm sâu lắng và hãi hùng đó, cha nghe rõ ràng tiếng của Comollo ba lần vang lên: Bosco, Bosco, Bosco mình đã được cứu rỗi! Tất cả nghe thấy tiếng ồn, có một số nghe thấy tiếng là không hiểu ý nghĩa; tuy nhiên một số bạn khác đã hiểu y như cha. Bằng chứng là trong cả một thời gian lâu dài về sau lời ấy vẫn được nhắc lại trong chủng viện. Đó là lần đầu tiên như cha nhớ là cha đã thực sự sợ hãi: Cha sợ hãi khủng khiếp đến nỗi rơi vào một cơn bệnh nặng, gần như đã ở bên bờ mộ rồi.”[5]
Thánh Gioan kết thúc chương hồi ký của mình: “Lần Lu–y hiện ra này được kể lại nhiều lần cho các bề trên của Nguyện Xá”.
Trong câu chuyện trên, tại sao linh hồn lại “được phép” trở về dương thế? Thánh Augustinô đơn giản trả lời: “Qua mệnh lệnh bí ẩn của Thiên Chúa”. Điều đó chỉ xảy ra với sự cho phép và qua quyền năng của Thiên Chúa, với mục đích nào đó. Tuy nhiên, “những lần cho phép”[6] ấy không nhiều.
Như vậy, bóng ma của người quá cố nơi nghĩa trang mà nhiều người đồn thổi dường như không đến từ niềm tin của Công Giáo. Ngược lại, từ truyền thống tâm linh dân gian và có thể là từ vài niềm tin tôn giáo khác, nghĩa trang là nơi linh hồn người chết hay hiện về. Nhất là những đêm trăng rằm (trăng biểu hiện cho thế giới âm linh[7]), hoặc rằm tháng Bảy[8], nhiều người vẫn tin rằng vong linh người chết lượn lờ trên dương thế. Dù đúng, dù sai, tâm thức ấy thường lôi cuốn nhiều người và biết bao câu chuyện về thế giới hồn ma ấy được thêu dệt trong đời sống của chúng ta. Dĩ nhiên là người Công Giáo, nhiều người cũng bị ảnh hưởng và hiếu kỳ về niềm tin dân gian ấy.
- Hãy chăm sóc linh hồn
Với vài chia sẻ trên đây, người viết không có ý đi vào thế giới huyền bí và mang màu sắc mê tín dị đoan. Tuy nhiên, trước câu hỏi của bạn, và trước hiện tượng về thế giới linh hồn, ma quỷ, mỗi người chúng ta ý thức về cuộc sống đời sau. Trong thế giới người vô thần, họ gạt bỏ tất cả những gì liên quan đến Thượng Đế, đến đời sau và không cần chăm sóc linh hồn mình. Ngược lại, tôn giáo chỉ cho người ta những con đường để linh hồn con người được bình an, được hạnh phúc đời sau. Do đó, ngay ở đời này ước chi người Công Giáo để tâm chăm sóc cho linh hồn của mình.
Là người Công Giáo, chúng ta tin rằng thân xác và linh hồn luôn là món quà của Thiên Chúa. Chính Đấng Tạo Hóa đã dựng nên con người. Ngài cho mỗi người có linh hồn để sống, có lý trí để nhận biết Thiên Chúa, và có quả tim để yêu mến Ngài. Trên hành trình ấy, tiếc là con người thường bị tên Ác Thần cám dỗ. Có khi nó lôi kéo con người vào những con đường mê tín, khiến con người không tin vào Thiên Chúa.
Là người con của Chúa, dĩ nhiên chúng ta được mời gọi không tin vào những trò lừa bịp của Ma quỷ. Chúng ta cũng không nên liều lĩnh chế nhạo, hoặc đi vào thế giới của Ma quỷ, vì chúng xảo quyệt và thông minh hơn con người. Ngoài ra, chúng ta cũng ý thức sự hiện hữu của Sự Dữ. Chúng không phải là một điều trừu tượng, nhưng là một “nhân vật”, là Satan, Ác thần, là thiên thần đã chống lại Thiên Chúa. Trong tiếng Hy Lạp Satan: Diabolos (διάβολος) có nghĩa là chia rẽ. Chúng chia rẽ con người với Thiên Chúa. Bởi đó, kẻ nào càng bắt tay cộng tác với chúng, người ấy càng xa rời Thiên Chúa.
Đừng quên Ma quỷ có thể đội lốt hồn ma, bóng vía để lợi dụng các thực hành huyền bí này hầu thao túng và áp bức người ta. Thái độ tốt nhất mà Giáo Hội Công Giáo mời gọi là: “cấm đoán bất cứ toan tính nào tìm cách liên lạc với người chết qua các phương tiện như chiêm tinh, cầu cơ, lên đồng, v.v.. Lý do thì hiển nhiên: những toan tính như thế để “gọi hồn người chết… che giấu ước muốn có quyền năng… cũng như ao ước muốn liên kết với các thế lực huyền bí.” (GLHTCG, số 2116).
Hãy chạy đến với Thiên Chúa, với Đức Maria và các thánh để được trợ giúp. Trong bầu không khí thánh thiện ấy, chúng ta hy vọng có đủ sức mạnh để lướt thắng những cơn cám dỗ của đời thường. Thay vì tò mò, thử thách và đi vào thế giới hồn ma ấy, chúng ta hãy chăm sóc linh hồn mình với phương thế: thánh lễ, cầu nguyện, hãm mình đền tội, làm việc bác ái và sống tín thác vào Thiên Chúa. Ngoài ra, nghĩa trang cũng là mảnh đất để ta nhớ về những linh hồn đã khuất. Tạ ơn Thiên Chúa vì những linh hồn đã được hạnh phúc trong Nước Thiên Đàng. Van xin Thiên Chúa cho những linh hồn đang còn chịu nhiều đau khổ trong chốn Luyện Ngục. Trong tâm thế ấy, nghĩa trang là đất thánh thiêng, nơi thân xác con người trở về với bụi đất để chờ ngày Thiên Chúa đến lần thứ hai.
Thay lời kết
Hy vọng chút chia sẻ trên đây trả lời được phần nào câu hỏi của bạn. Chắc chắn đó là chủ đề quan trọng và rộng lớn. Quan trọng vì linh hồn luôn gắn liền với từng người, là phần sức sống của con người. Hồn an xác mạnh ai cũng để tâm. Rộng lớn vì khi trả lời có bóng ma hay không, nó liên quan đến nhiều tôn giáo, thuật ngữ và cả những truyền thống niềm tin dân gian. Rất may bạn đã giới hạn đề tài trong khuôn khổ niềm tin Công Giáo. Do đó, với chút chỉ dẫn của Giáo Hội Công Giáo, hy vọng câu trả lời sáng lên hơn. Để từ đó, chúng ta biết mình tin vào Ai và những điều Thiên Chúa tỏ lộ nhằm chỉ với một mục đích là để cứu độ con người: cả linh hồn và thân xác.
Xin Chúa chúc lành cho bạn. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện Ngục. Họ là những người thân yêu của chúng ta. Với lời nguyện cầu của người sống, các linh hồn ấy sẽ được Thiên Chúa đoái thương đưa về Thiên Đàng, nơi hạnh phúc tràn đầy.
Xem thêm những bài trước:
Bài 5: Vượt qua khủng hoảng!
Bài 4: Vấn đề rước Mình Máu Thánh Chúa Bài 3: Đừng cám dỗ nhau nhé! |
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 1, Nxb Tôn Giáo, 2020)
[1] Trong tiếng Latin anima là linh hồn, là sinh khí; vì thế, chúng ta có thể nói rằng linh hồn tạo sinh khí cho thể xác, làm thể xác sinh động.
[2] Nguyễn Tầm Thường, SJ, Đi Tìm Kẻ Trừ Tà.
[3] Chẳng hạn, Ðức Giêsu trừ một tên quỷ câm (Lc 11,14–23); lần khác, Ðức Giêsu quát mắng tên quỷ ô uế và chữa lành cho bé trai (Lc 9,37–43); Ngài trừ nhiều quỷ (Mc 1,32–34).
[4] Xem thêm: vi.wikipedia.org
[5] Teresio Bosco, SDB, Don Bosco, Một Tiểu Sử Mới, dịch giả: Đaminh Phạm Xuân Uyển, SDB, tr. 137-139.
[6] Chúng ta cũng đọc thấy điều này trong Tin Mừng Thánh Luca (Lc 16,19-31). Sau khi ông nhà giàu chết và bị đày xuống âm phủ, ông van xin tổ phụ Abraham sai anh La-da-rô (người đã chết), về dương thế để cảnh cáo anh em ông nhà giàu còn trên dương gian. Tuy nhiên, Abraham không đồng ý.
[7] Xem thêm: https://vnexpress.net/khoa-hoc/trang-ram-gay-hiem-hoa-2089100.html
[8] Theo quan niệm ở một số quốc gia Châu Á, Việt Nam cũng vậy, người ta phải cúng cô hồn trong rằm tháng Bảy (Tết Trung nguyên) do người ta tin rằng, trong suốt tháng 7 và đặc biệt vào ngày Rằm tháng 7, những linh hồn từ dưới âm phủ, gồm cả linh hồn của tổ tiên và những cô hồn phiêu dạt sẽ từ dưới địa phủ quay về dương thế. (xem thêm: vi.wikipedia.org)
2020
Trái Đất có thể khóc không?
Trái Đất có thể khóc không?
Hình bởi: poetreecreations.wordpress.com
TRÁI ĐẤT CÓ THỂ KHÓC KHÔNG?
Trái đất có cảm thấy đau không? Nó có thể rên rỉ và khóc với Chúa không? Trái đất có thể nguyền rủa chúng ta vì tội ác của chúng ta không?
Có thể có, và không phải chỉ các nhà sinh thái học, đạo đức học và Đức Phanxicô nói, cả Kinh thánh dường như cũng đã nói vậy.
Có một số đoạn thể hiện rất rõ điều này trong trao đổi giữa ông Ca-in và Chúa, sau khi Ca-in giết em trai A-ben của mình. Khi Chúa hỏi Ca-in em trai đâu, Ca-in trả lời không biết và nói “con là người giữ em con hay sao?”. Nhưng Chúa nói với ông: “Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta! Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra. Ngươi có canh tác đất đai, nó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa. Máu của em ngươi đã kêu lên với Ta từ mặt đất.”
Máu của em ngươi đã kêu lên với Ta từ mặt đất… và từ nay mặt đất sẽ nguyền rủa ngươi! Đây là một ẩn dụ hay một sự thật theo nghĩa đen? Mặt đất trên đó chúng ta đi, cày bừa, gieo hạt, làm xa lộ, làm bãi đậu xe, và gọi “Mẹ Trái đất” chỉ là một chất liệu vô tri, vô hồn, không nói nên lời, hoàn toàn miễn nhiễm với đau khổ và đau đớn mà con người và các sinh vật mẫn cảm khác cảm nhận, thậm chí cả với bạo lực mà đôi khi chúng ta gây ra cho mặt đất sao? Trái đất có thể kêu lên với Chúa trong thất vọng và đau đớn không? Nó có thể nguyền rủa chúng ta không?
Một quyển sách đầy khiêu khích gần đây của tác giả Mark L. Wallace có tựa đề Khi Chúa là một Con chim – Kitô giáo, Thuyết vật linh và Tái hân hoan của Lời (When God was a Bird – Christianity, Animism, and the Re-Enchantment of the Word) nói rằng, đúng, thế giới có thể và thực sự cảm thấy đau đớn và nó có thể và sẽ nguyền rủa chúng ta vì chúng ta gây ra nỗi đau đó. Theo tác giả Wallace, những gì Chúa nói với ông Ca-in về việc trái đất đang khóc vì bị đẫm máu thì hơn cả một ẩn dụ, một lời dạy thiêng liêng. Nó cũng thể hiện một chân lý bản thể học ở chỗ có mối liên hệ nhân quả thực sự giữa suy thoái đạo đức và suy thoái sinh thái. Chúng ta không phải là những người duy nhất gánh chịu hậu quả của tội lỗi, trái đất cũng bị.
Đây là cách Wallace giải thích: “Trái đất không phải là vật ngu xuẩn, một vật thể vô tri vô giác không có khả năng cảm nhận và tình cảm, mà là một sinh vật có khí chất và dễ bị tổn thương, chịu sự mất mát khủng khiếp và thảm khốc sau cái chết của A-ben. Trái tim tan vỡ, miệng kêu lên, trong hình ảnh kinh hoàng của bài viết, Trái đất “nuốt lọng” các bụm máu của A-ben… Vang lên từ mặt đất nhuốm đỏ, tiếng kêu của A-ben không chỉ nói rằng Ca-in đã giết em mình mà Ca-in còn gây sự xâm hại kéo dài, có thể là không thể sửa chữa được đối với trái đất. … (Bây giờ) bị tổn thương và nhuốm máu, Trái đất tấn công trở lại. Trái đất có sự trả thù của nó. Trái đất không chấp nhận thụ động trước các tấn công của Ca-in, không khoanh tay chứng kiến Ca-in gây đổ máu mà không bị quả báo gì. Ngược lại, Trái đất trả đũa và giáng xuống lời nguyền” cho Ca-in bằng cách “lấy lại lòng quảng đại” đã cho người nông dân giết người này, người giờ đây phải lang thang trên vùng đất không được bảo vệ và không có an ninh”. Trái đất bây giờ từ chối cho Ca-in lòng quảng đại của mình.
Điều mà Wallace khẳng định ở đây dựa trên hai niềm tin, cả hai đều đúng. Đầu tiên, mọi người và cả hành tinh, các sinh vật có tri giác và không tri giác đều là một phần của một và cùng một cơ thể sống tối cùng, trong đó cuối cùng mỗi phần tử đều thực sự có ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận khác. Thứ hai, mỗi lần chúng ta đối xử không tốt với trái đất (hoặc với nhau), trái đất sẽ trả đũa và tước đi sức mạnh cũng như lòng quảng đại, không chỉ theo cách ẩn dụ mà còn theo một cách rất thực tế.
Có lẽ không ai nói điều này một cách sâu sắc như nhà văn Mỹ John Steinbeck, cách đây tám mươi năm ông đã viết trong tác phẩm Chùm nho phẫn nộ (The Grapes of Wrath). Ông mô tả, làm thế nào mà đất đã sản xuất thực phẩm cho chúng ta bây giờ lại phải làm việc với những chiếc máy kéo thép khổng lồ và những cỗ máy vô hình khổng lồ, thực tế phản nghĩa với người phụ nữ hay người đàn ông nhẹ nhàng âu yếm dỗ ngôi vườn phát triển, ông viết:
Và khi cây trái lớn lên, đến mùa gặt, chẳng ai cầm cục đất nóng hổi trên tay để đất rơi khẽ qua những kẽ tay. Chẳng ai chạm vào hạt giống, chẳng ai khát mong cây cối lớn lên. Và con người ăn khi chẳng trồng, con người đó chẳng có liên hệ gì với tấm bánh đó cả. Đất đai oằn mình dưới sắt thép, và chết dần mòn dưới sắt thép, vì nó đâu được yêu, đâu được ghét, đâu được cầu chúc, đâu được nguyền rủa gì.
Khi Chúa Giêsu nói chúng ta đong đấu nào thì sẽ bị đong lại đấu đó, Ngài không chỉ nói về luật nghiệp chướng trong các quan hệ của con người, nơi lòng tốt sẽ được trả bằng lòng tốt, lòng quảng đại được trả bằng lòng quảng đại, nhỏ nhen trả lại nhỏ nhen, và bạo lực trả bạo lực. Ngài cũng đang nói về mối quan hệ của chúng ta với Đất mẹ. Càng nhiều ngôi nhà, ô tô và nhà máy của chúng ta tiếp tục thải ra khí carbon monoxide, thì chúng ta càng hít phải khí carbon monoxide. Và chúng ta càng tiếp tục gây bạo lực cho trái đất và giữa chúng ta với nhau thì trái đất sẽ giữ lại sức mạnh và lòng quảng đại của nó, và chúng ta sẽ cảm nhận lời nguyền cho Ca-in trong các cơn bão dữ dội, virus chết người và những trận đại hồng thủy.
2020
Đi tìm một nửa hoàn hảo trong hôn nhân
Trước nay, người ta nói nhiều đến phép tính “nhiệm mầu” của hôn nhân, đó là 1+1=1 để nói lên sự hợp nhất nên một trong vợ chồng. Nghĩa là trong hôn nhân, hai bạn trở nên một trong tình yêu, cùng chia sẻ một định mệnh và cùng chịu trách nhiệm với nhau, vì nhau. Như ông bà ta thường nói “Vợ chồng như đũa có đôi”.
Tuy nhiên, ngày nay, một số người muốn thay đổi phép tính, thay vì nói: 1+1=1 thì họ dùng công thức khác, rất toán học và lại bao hàm ý nghĩa đặc biệt, đó là 0,5+0,5=1. Nghĩa là trong hôn nhân mỗi bạn sẽ là một nửa của nhau, họ tìm đến nhau để cuộc hôn nhân được vuông tròn, họ sẽ kết hợp là MỘT trong tình yêu, trong cuộc sống, trong gia đình. Như lời Thánh Kinh đã viết: “Người đàn ông sẽ kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thân xác” (Mt 19, 5; x. St 2, 24).
Vừa qua, trên trang vnexpress.net có một bài viết chia sẻ câu chuyện như sau: “Hồi đầu tháng 6-2020, cặp diễn viên nổi tiếng Đặng Siêu và Tôn Lệ của Trung Quốc tổ chức 9 năm ngày cưới. Cặp đôi này hiện có hai con, trải qua nhiều tin đồn thất thiệt về sự tan hợp nhưng họ vẫn ở bên nhau. Nhân dịp đó, Tôn Lệ viết trên trang cá nhân của mình: “Chúng ta hai con người với hai tính cách và thói quen sống hoàn toàn khác nhau có thể cùng song hành và hạnh phúc. Hôn nhân không phải là 1+1=2 mà là 0,5+0,5=1”.
“Công thức mà Tôn Lệ nói tới nằm trong bài phát biểu của một người cha ở Đài Loan trong đám cưới con gái mình. Người này nói rằng: “Hôn nhân không phải là 1+1=2 mà là 0,5+0,5=1. Sau khi kết hôn, hai người phải loại bỏ một nửa cá tính của mình để tạo thành một gia đình hạnh phúc. Ai có thể hiểu được công thức này sẽ hiểu được ý nghĩa thực sự của tình yêu”.[1]
Chúng ta biết rằng, hiện nay trên sóng VTV3 lúc 20g ngày Chúa nhật hàng tuần có chương trình “Chân ái 2020”, là một chương trình truyền hình thực tế hoàn toàn mới dành cho những người độc thân muốn tìm kiếm một nửa để đi đến hôn nhân. Chương trình đã thu hút rất nhiều người theo dõi và đặc biệt hấp dẫn nhiều bạn trẻ tham gia để mong tìm được bạn đời lý tưởng của mình. Tuy nhiên khi theo dõi chương trình này, khán giả nhận ra rằng việc tìm kiếm một nửa của mình hoàn toàn khó khăn, không như mong đợi. Có cặp bên ngoài xem ra “tâm đầu ý hợp” nhưng kết cục “đàng gái” hay “đàng trai” phải xin hoãn cầu hôn vì thấy chưa sẵn sàng… nghĩa là cả hai phải đành chấp nhận chờ đợi.
Trong khi đó, trên kênh HTV7, hàng tuần vào lúc 22g, người ta có dịp theo dõi chương trình “Vợ chồng son”, qua đó các đôi vợ chồng trẻ được có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm đời sống hôn nhân gia đình của họ thông qua các câu hỏi của người phụ trách chương trình và nhân tiện cũng có cơ hội hàn gắn nếu đã và đang trong tình trạng rạn nứt tình cảm vợ chồng. Qua chương trình này, khán giả nhận thấy rằng hầu như 100% các đôi vợ chồng đề có “vấn đề” với nhau, nghĩa là họ hoàn toàn “bất ngờ” trước những “điều không ngờ” về bạn đời của mình. Người dẫn chương trình thường đưa ra câu hỏi về việc người này có thấy người lỗi lầm, khuyết điểm gì không… Câu trả lời từ hai phía thường là “Có” và “Rất nhiều”…
Như vậy, ta thấy rằng lập gia đình đã khó, nhưng để kiếm được một người bạn đời như mong ước thì không phải là dễ chút nào. Nhất là tìm được một người phối ngẫu có thể sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm “gánh vác” với mình suốt cuộc đời.
Người Nga có câu: “Trước khi ra trận, hãy cầu nguyện một lần; trước khi ra khơi, hãy cầu nguyện hai lần; trước khi kết hôn, hãy cầu nguyện ba lần”. Điều đó cho thấy hôn nhân gia đình quan trọng biết chừng nào, cần được chuẩn bị hết sức chu đáo và cẩn thận, chi tiết, đúng cách và cần có thời gian. Thực tế ngày nay, một số người trẻ chỉ quan tâm đến việc tổ chức lễ cưới thật to mà không chịu trau dồi, học biết đầy đủ bổn phận và trách nhiệm trong đời sống hôn nhân. Họ chỉ lo kiếm tiền, mua xe, mua nhà mà ít quan tâm học hỏi và hiểu biết ý nghĩa, khám phá ơn gọi hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa, nắm bắt nguyên nhân gây rạn nứt và đổ vỡ trong đời sống hôn nhân gia đình cũng như trau dồi kỹ năng sống để gìn giữ hạnh phúc gia đình.[2]
Trở lại vấn đề chúng ta đặt ra, là liệu người ta có thể kiếm được một bạn đời hoàn hảo như mình mong muốn hay không và nếu không được thì sẽ giải quyết thế nào để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
I.- KHÔNG AI LÀ MỘT NGƯỜI BẠN ĐỜI HOÀN HẢO
Trên đời này không ai là người hoàn hảo, vậy thì khi lập gia đình, chúng ta phải chấp nhận kết hôn với một người không-hoàn-hảo như bao con người khác và sống một cuộc hôn nhân không-hoàn-hảo. Tuy nhiên, đôi bạn vẫn có thể có được một cuộc hôn nhân thành công và hạnh phúc. Tất nhiên điều này tùy thuộc hoàn toàn vào nhận thức, tình yêu và sự trưởng thành của hai người nam và nữ.
Sau đây là một số ý nghĩa và nhận định đúng đắn về hôn nhân.
1.1. Nhận thức đúng về ý nghĩa và mục đích của hôn nhân
Khi kết hôn với nhau, đôi bạn không chỉ yêu nhau là đủ. Họ còn phải hiểu rõ ý nghĩa và mục đích của hôn nhân là gì. Mục đích được coi là ánh sáng chỉ dẫn và kim chỉ nam giúp cho cuộc hôn nhân đi đúng hướng và tồn tại lâu dài. Văn hào Pháp Antoine de St Exupéry đã nói: “Yêu nhau không phải là ngồi đó nhìn nhau nhưng là cùng nhau nhìn về một hướng”.
Giáo lý Công Giáo dạy rằng: “Tự bản chất, hôn nhân hướng đến thiện ích của đôi vợ chồng, (đến) việc sinh sản và giáo dục con cái. Hôn nhân giữa những người đã chịu phép thánh tẩy được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích”. Vậy, đối với đôi bạn Ki-tô hữu, hôn nhân có hai mục đích rõ ràng. Đó là trọn đời yêu thương nhau, và trách nhiệm sinh sản và giáo dục con cái.
– Về mục đích trọn đời yêu thương nhau: Đôi bạn đến với nhau là do tình yêu thúc đẩy và sống với nhau là để giúp nhau phát triển tình yêu ấy. Nhờ khế ước hôn nhân, người nam và người nữ “không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt”, và được mời gọi mỗi ngày một trở nên gắn bó với nhau hơn qua việc nỗ lực sống cam kết trao hiến trọn vẹn cho nhau. Sự hiệp thông vợ chồng ăn rễ sâu từ sự thu hút tự nhiên về giới tính, cũng như từ sự bổ túc lẫn nhau giữa nam và nữ, được nuôi dưỡng nhờ những nỗ lực của đôi bạn muốn chia sẻ cho nhau trọn cả bản thân trong suốt cuộc đời.
– Về mục đích sinh sản và giáo dục con cái: Đôi bạn chung sống để trọn đời yêu thương nhau, lại còn sinh sản, giáo dục con cái. Việc giáo dục là tất yếu tiếp theo việc sinh sản. Nền tảng việc sinh sản là yêu nhau đến độ nên một, và nên một cả trong việc sinh hoạt vợ chồng là để sinh sản. Việc sinh sản con cái như thế, là do lệnh truyền của Thiên Chúa, và do mục đích nội tại của phái tính.
Vậy đã rõ, hôn nhân không phải là một cơ hội đi tìm một người hoàn hảo, giàu có, nổi tiếng…để tự hào và khoe khoang, nhưng là một sự dấn thân chọn lựa người bạn đời xứng hợp trên cơ sở tình yêu trung thực và tinh thần tự do, tự nguyện cao nhất. Diễn viên nổi tiếng Tôn Lệ người Trung Quốc đã từng nói: “Hôn nhân là bản hòa tấu của hai người, chỉ bằng cách bổ sung cho nhau, động viên và hợp tác với nhau, chúng ta mới có thể chơi bản hòa tấu của cả cuộc đời”.
1.2. Hôn nhân là môi trường đào tạo tuyệt vời nhất
Những ai bước vào đời sống hôn nhân gia đình đều thấy rằng hôn nhân chính là trường học đào tạo đôi bạn về đời sống nhân bản, đức tin và xã hội. Không có môi trường nào có giá trị về giáo dục hơn là hôn nhân và gia đình. Khi đôi bạn giúp nhau thăng tiến đời sống về mọi mặt, đó là góp phần đào tạo lẫn nhau và sau đó là chu toàn trách nhiệm giáo dục con cái trong gia đình.
Trong nội dung chỉ dẫn của Tông huấn Niềm vui Tình yêu của ĐTC Phan-xi-cô có nêu vấn đề sau: “Gia đình là trường học đầu tiên dạy cho con cái các giá trị nhân bản, nơi đây con cái sẽ học biết cách sử dụng tự do, biết hòa nhập xã hội, biết yêu thương con người giữa lòng thế giới như một “bầu khí gia đình” thực sự. Nếu con cái được giáo dục tốt nhất trong môi trường gia đình, thì khi hòa nhập vào đời sống xã hội, chúng sẽ có sự phân định sáng suốt nhất, sẽ mau chóng hình thành và phát triển nhân cách với những phẩm tính tốt. Chúng sẽ biết sống yêu thương và đầy lòng kính trọng, biết tha thứ để được thứ tha, biết hy sinh để phục vụ quên mình…”.[3]
Ngoài ra, ta cũng thấy có quan điểm thế này: Hôn nhân chính là trường tu dưỡng tốt nhất của con người. Nhiều người trải qua bao nhiêu sóng gió, bước vào tuổi trung niên mới dần dần ngộ ra được một điều: “Bạn đời chính là quý nhân tốt nhất của mình”. Có rất nhiều cuộc hôn nhân đều trải qua một tiến trình như sau: 3 năm đầu, chàng yêu nàng, nàng thương nhớ chàng; 3 năm sau vợ giận chồng, chồng giận vợ; 3 năm tiếp nữa, vợ chồng không ngừng oán trách lẫn nhau. Cuối cùng mới dần dần cảm thông được những khiếm khuyết của bạn đời.
Vậy nên có thể khẳng định là, hôn nhân chính là trường tu luyện của đời người, giúp chúng ta trưởng thành hơn, hoàn thiện hơn về phẩm chất, nhân cách. Trong cuộc sống hôn nhân, có một điều rất quan trọng, đó là “Chấp nhận thực tế”. Khi bạn đời có những điều dù chết cũng chẳng thế sửa đổi, khi đó bạn chỉ có cách chấp nhận mà dung hòa. Hôn nhân hạnh phúc nhất không phải là tìm được người yêu mình bao nhiêu mà là tìm được một người khi về già có thể nói chuyện với mình nhiều bao nhiêu. Con người ta khi đến một giai đoạn nào đó sẽ hiểu ra rằng, hôn nhân không phải chỉ là tìm cho mình một chỗ dựa, nhưng còn là tìm cho mình một hoàn cảnh trưởng thành, tìm cho mình một người bạn lúc chiều tà bóng xế.[4]
1.3. Hôn nhân không tình yêu là hôn nhân chết
Khi hai người quyết định lấy nhau, vấn đề không phải là vì người này hoàn hảo hay người kia toàn bích, mà là hai người có yêu nhau thực tình hay không. Bởi vì nếu chỉ kết hôn theo cảm tính và theo nhận định chủ quan, thì điều đó không thể đem lại hạnh phúc lâu dài cho đôi bạn, có khi lại còn gây ra đổ vỡ mà hai người không thể tránh được.
Có người đã quả quyết: “Biết yêu là khổ, nhưng không yêu thì chết”. Người khác nhận định: “Không có tình yêu thì không có gia đình” (Byron). Quả đúng vậy, ngôi nhà gỗ đá chỉ nhờ có tình yêu mới trở thành mái ấm gia đình. Tuy nhiên để tình yêu được lâu bền, triển nở thì đòi hỏi người ta phải hy sinh, vượt qua nhiều thử thách, cam go.
Sẽ là bất hạnh nếu ta phải sống trong môi trường và bầu khí gia đình thiếu vắng tình yêu. Như một danh nhân đã nói: “Hôn nhân là con đường dắt ta vào địa ngục hay đưa ta vào thiên đàng” (Balzac). Tại sao lại có loại hôn nhân đem ta vào địa ngục? Vì cuộc hôn nhân ấy không có tình yêu. Gia đình trở nên lạnh lẽo, niềm tin biến thành khô cứng, hy vọng bị thui chột, nụ cười tắt lịm, và hạnh phúc thì biến mất…
Vậy để bảo vệ tình yêu và hạnh phúc gia đình, người ta không có con đường nào khác ngoài tình yêu trung thực, sự cảm thông và sự hi sinh. Tình yêu trong gia đình vượt ra khỏi thứ tình yêu quy ngã, vị kỷ, để hướng tới một tình yêu vô vị lợi, bao dung và vị tha. Tình yêu ấy sẽ được thể hiện và minh chứng qua sự hòa hợp, hòa điệu trong đời sống chung vợ chồng. “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Thực vậy, sự hòa thuận vợ chồng chứng tỏ tình yêu đã đạt mức trưởng thành và có ý nghĩa. Khi sống hòa hợp với nhau, vợ chồng không làm mất đi cái “Tôi” của riêng mình, trái lại điều đó sẽ giúp hai người bổ túc, hoàn thiện nhau.
Một mái ấm tràn ngập hạnh phúc luôn là một mơ ước đối với những ai khao khát hạnh phúc. Họ sẵn sàng sống và hành động vì tình yêu và vì người mình yêu thương. Nếu hôn nhân là kết quả của tình yêu chân chính thì gia đình là môi trường để tình yêu lớn lên và sinh hoa kết trái. Đúng như nhận định sau: “Hôn nhân không phải là điểm đến. Nó là một cuộc hành trình tiến đến một gia đình hạnh phúc, nơi đây tình yêu là điều quan trọng nhất”.
II.- AI CŨNG CÓ THỂ KIẾN TẠO CHO MÌNH MỘT CUỘC HÔN NHÂN HẠNH PHÚC VÀ ĐÁNG YÊU
Văn hào Pháp André Maurois đã nói: “Hôn nhân là một công trình mà cả hai vợ chồng phải kiến tạo suốt đời”. Sự thành công của một cuộc hôn nhân luôn đòi hỏi phải có thời gian và công sức của cả đôi bạn. Không phải bỗng dưng mà tình yêu nẩy nở phát triển theo thời gian. Không phải bỗng dưng mà hai bạn duy trì được cuộc sống hạnh phúc lâu dài. Không phải bỗng dưng mà căn nhà luôn là mái ấm, đầy ắp tiếng cười, chan hòa hơi ấm tình người…
Như trên đã đề cập, không ai dám mơ ước có một cuộc hôn nhân hoàn hảo, nhưng ai cũng có quyền mong mỏi một cuộc hôn nhân hạnh phúc và đáng yêu. Và để đạt mục đích này, đôi bạn phải nỗ lực hết mình. Một danh nhân đã nói: “Hôn nhân là một bãi chiến trường chứ không phải là một luống hồng”. Bước vào đời sống gia đình, không phải lúc nào ta cũng trải qua những tháng ngày êm ả, hạnh phúc dâng trào, trái lại phải vượt qua nhiều khó khăn thử thách, bởi vì cuộc sống vợ chồng luôn đầy thử thách và khó khăn trước mặt.
LM Nguyễn Hữu Thy, trong cuốn “Những suy tư đúng đắn về hôn nhân và gia đình Công Giáo” đã viết như sau:
“Mặc dù cuộc sống hôn nhân Công Giáo được xây dựng trên nền tảng vững chắc của Bí Tích Thánh, nhưng những người vợ người chồng Công Giáo ấy vẫn là những con người bằng xương bằng thịt như bao người khác và họ cũng phải sống chung trong xã hội với các đồng loại khác. Vì thế, dù muốn hay không, cuộc sống hôn nhân của họ cũng vẫn mang đậm tính chất ‘nhân loại’ và chịu các ảnh hưởng cũng như các điều kiện sống tốt xấu của môi trường xã hội, nơi họ sinh sống.
“Điều đó cũng muốn nói rằng, các hôn nhân Công Giáo cũng không tránh khỏi các thách đố, các khó khăn và các bế tắc như bao hôn nhân khác. Chỉ khác biệt duy nhất ở chỗ là nhờ có ơn Chúa và đức tin Ki-tô giáo soi sáng, hướng dẫn và củng cố, những hôn nhân Công Giáo sẽ có đủ nghị lực để thắng vượt được những thử thách khó khăn, chứ không dễ dàng chịu buông xuôi và đầu hàng.”[5]
Do đó để có thể đối phó với mọi thử thách xảy đến đồng thời có khả năng gỡ bỏ những khó khăn trong đời sống hôn nhân gia đình, chúng ta thử bàn đến 5 nghệ thuật sau đây, coi như 5 chìa khóa “vàng” giúp ta có được một đời sống phu-thê hạnh phúc.
2.1. Nghệ thuật yêu thương
“Nghệ thuật yêu” luôn là một chủ đề hấp dẫn, nóng bỏng mà người ta thường bàn đến trong rất nhiều sách vở báo chí. Con người có lý trí nên họ sẽ thể hiện tình cảm của mình một cách ý thức, tự do và trách nhiệm. Đó không phải là thứ tình yêu theo bản năng, ủy mị, ướt át, lãng mạn nhưng là dựa theo lòng yêu mến của hai nhân vị dành cho nhau. Ta biết rằng, tình yêu vợ chồng được ví như một cái cây nhỏ trồng trong đất, nó cần được chăm sóc, tưới bón hàng ngày mới mong lớn lên, phát triển và sinh hoa trái. Tình yêu ấy cần được nuôi dưỡng hằng ngày bằng các việc sau:
– Tôn Trọng: Mặc dù đôi bạn khác biệt nhau về mọi phương diện, nhưng vì lòng yêu mến, họ luôn tỏ ra tôn trọng và yêu kính nhau. Đó là dấu hiệu của một tình yêu trưởng thành và đúng đắn nhất.
– Bao Dung: Cái đũa cái bát còn có lúc xô xát huống chi con người “bá nhân bá tính”. Sự va chạm hay lỗi lầm này nọ là tự nhiên trong cuộc sống chung nhưng vì yêu nhau thực tình, người ta luôn biết mở lòng để sống bao dung và tha thứ cho nhau. Sự tha thứ chính là phép thử lớn nhất của tình yêu lứa đôi.
– Quan Tâm: Một khi đôi bạn yêu nhau thực tình thì cho dù thời gian và khó khăn chồng chất họ vẫn giữ một lòng chung thủy với nhau. Một trong các hành vi nổi bật nhất của lòng chung thủy, chính là sự quan tâm chăm sóc nhau. Sự vô cảm trong hôn nhân là kẻ thù số một, có khả năng giết chết tình yêu và làm tiêu tan hạnh phúc một cách dễ dàng nhất.
– Đồng Cảm: Trong hôn nhân, không gì tuyệt vời bằng việc hai vợ chồng tâm đầu ý hợp, cùng có nhiều điểm tương đồng. Có nghĩa là họ có thể đồng cảm với nhau trong nhiều trường hợp. Khi có sự thấu hiểu, chia sẻ, cuộc sống lứa đôi sẽ thăng hoa, gia đình càng yên ấm. Một chuyên gia tâm lý nhận định rằng sự đồng cảm luôn đóng vai trò quan trọng trong các mối quan hệ. Trong khi, hôn nhân không chỉ là sự gắn kết giữa hai người giống nhau, mà còn là sự kết hợp giữa hai người có nhiều khác biệt, họ đã chấp nhận sống chung. Không ai có thể cưới được một người hoàn hảo, vì thế muốn cuộc sống chung trở nên thoải mái, dễ chịu thì cả hai người trong cuộc phải biết đồng cảm, đồng thuận. “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”…
– Trách Nhiệm: Một danh nhân đã nói: “Hôn nhân chia nửa quyền lợi và gấp đôi nghĩa vụ” (Arthur Schopenhauer). Hay có ý kiến này: “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung với nhau là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm ” (James Thurber). Trong cuộc sống hôn nhân, cả hai vợ chồng đều phải ý thức về sự chia sẻ trách nhiệm của mình, căn cứ theo vai trò và hoàn cảnh cụ thể. Có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Cách nói này minh họa cho việc phân công trách nhiệm của hai vợ chồng trong gia đình. Khi có một người lơ là, sống vô trách nhiệm, thì bầu khí gia đình sẽ trở nên căng thẳng và sẽ dẫn đến nguy cơ cuộc hôn nhân đổ vỡ.
2.2. Nghệ thuật thích nghi
Bàn về sự thích nghi trong hôn nhân, trên trang báo vnexpress.net một tác giả đã cho rằng: Hương vị tốt đẹp của hôn nhân đó là biết tự điều chỉnh bản thân. Bài báo kể rằng: Một người bạn của diễn viên Hải Thanh (Trung Quốc) từng than phiền về cuộc hôn nhân của mình và cho rằng nó đang trên bờ vực tan vỡ. Người bạn xin lời khuyên của diễn viên này về bí quyết duy trì hôn nhân hạnh phúc. Nữ diễn viên đã nói với bạn: “Tôi nghĩ hôn nhân cũng như việc nêm nếm gia vị vào một món ăn. Mỗi người sẽ có khẩu vị riêng, nhưng để cả hai cùng ăn được thì phải điều chỉnh gia vị để hợp cả đôi bên. Việc này cần luyện tập”. Nữ diễn viên cũng cho rằng, hôn nhân dù ban đầu tốt đẹp đến mấy rồi cũng sẽ trở về với cơm áo gạo tiền, ngọt bùi đắng cay đều nếm trải qua. Khi đam mê phai nhạt và cuộc sống rơi vào cảnh “tầm thường”, làm sao giữ cho hôn nhân luôn tươi mới là một phép thử tuyệt vời cho khả năng giữ lửa của đôi bên.
Nữ diễn viên cho rằng “Gia vị” không chỉ xem xét khẩu vị của mình mà còn phải xem xét khẩu vị của bạn đời nữa, điều này không thể tách rời với “gia vị” của sự thích nghi, khoan dung và tôn trọng. Việc hai người có thể gặp nhau, thành vợ thành chồng đã là một kỳ tích và họ chấp nhận đó như là duyên phận. Duy trì hôn nhân không phải dễ, mong rằng mỗi cặp đôi hãy hành động và trân trọng, chung sống hòa thuận, nắm tay nhau và đón nhận hạnh phúc trong sự thích nghi.[6]
Chúng ta biết rằng, người phù hợp với chúng ta nhất không phải là người đáp ứng mọi kỳ vọng của ta. Thực ra, loại người như thế không tồn tại! Đó là người có thể dung hòa được những khác biệt của hai bên một cách khéo léo, là người có thể kiểm soát những bất đồng. Thay vì mang ảo tưởng về một một nửa hoàn hảo, khả năng chịu đựng những khác biệt với tấm lòng bao dung của ta mới chính là dấu hiệu đích thực của một bạn đời có đủ bản lãnh để vượt qua chính mình. Sự hòa hợp là trái ngọt của yêu thương, chứ không phải điều kiện cho nó.
2.3. Nghệ thuật nhượng bộ
Trong tương quan vợ chồng, sự hòa hợp để “nên một” luôn đòi hỏi người này nhường nhịn người kia và cả hai cùng chấp nhận sự hy sinh vì bạn đời. Ngày nay người ta nói nhiều đến “Nghệ thuật nhượng bộ”.
Nhượng bộ là hy sinh một phần cái gì đó của mình vì ích lợi chung và vì lợi ích của người khác. Trong một cuộc cãi vã bất phân thắng bại, sự nhượng bộ tốt nhất chính là nhịn. Có người đã nói rõ, “Phân nửa những vấn đề trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng”. Trong cuộc sống chung, hằng ngày có vô vàn những điều trái ý nhau, từ những chuyện nhỏ nhất như ăn uống, sinh hoạt, giải trí, giờ giấc…đến những vấn đề lớn như việc chi tiêu trong gia đình, việc dạy dỗ con cái, việc ứng xử với cha mẹ (chồng/ vợ), với họ hàng hai bên…nếu cả hai bạn chỉ biết bảo lưu ý kiến riêng của mình thì sớm muộn cũng sẽ xảy ra mâu thuẫn, xung đột. Thực ra, không nhất thiết hai người phải “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, nhưng ít nhất họ cần bàn tính sao để cuối cùng có tiếng nói chung, vừa lòng cả đôi bên…
Tóm lại, để có được sự hòa thuận lâu dài trong đời sống vợ chồng, chúng ta nên dõi theo và thực hành lời khuyên thiết thực sau đây của thánh Phao-lô: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thông cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo…” (Cl 3,12-14)
2.4. Nghệ thuật giao tiếp
Dù đã là vợ chồng rồi nhưng đôi bạn vẫn phải thực hành việc giao tiếp với nhau một cách có nghệ thuật chứ không phải là theo kiểu ăn nói ngẫu hứng, tùy tiện và thiếu tế nhị. Ông bà ta đã nhắc nhở: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Một vị giáo sư nọ, vì thấy rõ tầm quan trọng của đối thoại trong hôn nhân nên đã nói rằng: “Nếu tôi có cơ hội khuyên những đôi vợ chồng sắp cưới chỉ một lời mà thôi, thì tôi sẽ khuyên điều sau đây, đó là để có một hôn nhân hạnh phúc bền lâu, bằng mọi giá, vợ chồng phải giữ cho đường dây đối thoại với nhau”. “Giữ” ở đây là nối kết, duy trì và làm mới, không để nó đứt đoạn, mất kết nối và rơi vào tình trạng bế tắc.
Sau đây tóm tắt mấy nguyên tắc cơ bản liên quan kỹ năng giao tiếp trong đời sống vợ chồng.
– Hãy tăng cường đối thoại: Hãy tạo nhiều cơ hội để có thể gặp gỡ và trò chuyện với nhau. Chúng ta biết rằng, hôn nhân không phải là một “dịch vụ” sắp đặt hai bạn nam nữ cạnh nhau như hai bức tượng. Trái lại họ là những cá thể khác biệt, nhưng vì yêu nhau nên tình nguyện sống chung với nhau suốt đời. Do đó, trong suốt cuộc hôn nhân, họ chung sống trong cùng một mái nhà, sinh hoạt trong cùng một gia đình, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường. Tất nhiên là họ sẽ có rất nhiều thời gian để tương tác với nhau.
Các nhà tâm lý học hôn nhân gia đình đều quả quyết rằng nghệ thuật giao tiếp ứng xử quyết định phần lớn cuộc hôn nhân hạnh phúc. Vợ chồng dù bận rộn trăm công nghìn việc, nhưng cũng nên tìm mọi cơ hội để gặp nhau, nói chuyện với nhau, kể cho nhau nghe “chuyện đời chuyện người”, trao tâm sự cùng nhau, thậm chí có thể cùng nhau xem một chương trình giải trí trên truyền hình hay cùng nhau hát một bài hát vv. Đây có thể được coi như một “chìa khóa vàng” đảm bảo hôn nhân bền vững.
– Hãy nói ít nghe nhiều: Trong giao tiếp vợ chồng, việc lắng nghe nhau là một đòi hỏi tối quan trọng. Nghe quan trọng hơn nói. Nghe nhiều nói ít. Nhưng nghe không bằng lắng nghe. Lắng nghe là cách dễ dàng lôi kéo bạn đời vào câu chuyện hai người. Đó cũng là điều chứng tỏ ta tôn trọng người đối thoại. Nếu hai người cùng nói thì kết cục gia đình sẽ là một cái chợ. Còn nếu hai người chỉ biết ngồi nghe nhau thì bầu khí thật là ảm đạm, buồn chán. Lắng nghe là một kỹ năng trong giao tiếp, vì thế vợ chồng phải tìm hiểu, học hỏi và thực hành sao cho nó trở thành một thói quen tốt.
Trong giao tiếp, việc lắng nghe sẽ giúp ta tiếp nhận đầy đủ, trọn vẹn thông tin, giúp lợi thế trong giải quyết vấn đề và thương lượng với người đối thoại. Lắng nghe còn thể hiện sự tôn trọng người nói và thu phục sự hợp tác trong công việc.
– Hãy tranh luận ôn hòa: Tránh tối đa những xung đột trong giao tiếp. Chúng ta biết rằng, trong đời sống vợ chồng, không phải lúc nào mối tương quan giao tiếp cũng trơn tru, suôn sẻ cả đâu. Có những lúc vì một lý do bất đồng hay bất bình nào đó mà vợ hoặc chồng hay cả hai người đều nổi nóng. Sóng gió bắt đầu nổi lên. Khi hai người bắt đầu đi vào cuộc tranh luận nảy lửa, tốt nhất cả hai đều nên bình tĩnh, nhường nhịn nhau. Ca dao VN có câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời/ cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê”. Nếu vợ hay chồng cứ khăng khăng bảo vệ ý riêng chủ quan của mình mà không chịu hòa giải, nhượng bộ thì “chiến tranh” sẽ nổ to! Khi một bên nóng nảy, bên kia cần nín nhịn, đợi cho nguôi giận, bình tĩnh trở lại rồi mới trao đổi quan điểm với nhau.
Vợ chồng khi cãi nhau đừng quên điều này là, dù yêu thương cách mấy cũng khó có đôi vợ chồng nào mãi mãi hòa thuận. Thế nhưng việc gì cũng nên có chừng mực, mỗi khi cãi vã xong, cả hai nên dành chút thời gian để hòa giải một cách ôn hòa. Nhiều cuộc hôn nhân sẽ tốt hơn nếu người chồng và người vợ hiểu rõ ràng rằng họ đang ở cùng một bên chứ không phải ở hai phe đối lập.
– Lời nói chẳng mất tiền mua: Lưu ý tới tới lời nói, cách nói và giọng nói. Chúng ta biết rằng, trong giao tiếp vợ chồng lời nói và cách nói có tác dụng rất lớn tới mối quan hệ phu thê. Nhiều khi chuyện chẳng có gì, nhưng vợ hay chồng đưa ra những câu nói có tính chê bai hay chỉ trích khiến bạn đời mình khó chịu và bị tổn thương.
Không ai trong chúng ta lại không thích nghe những lời êm ái hòa nhã hơn là những lời đốp chát, thô lỗ. Nói năng dịu ngọt, chọn lựa từ ngữ không có nghĩa là nói lời gian dối, không đúng sự thật. Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Trong giao tiếp, ta phải biết lựa lời để mà nói để người được hài lòng, có nghĩa là vẫn cùng một ý tưởng, một quan điểm nhưng được cố gắng diễn đạt, trình bày theo cách êm ái, hòa nhã nhất.
Trong gia đình, chồng không nên có thái độ gắt gỏng, nạt nộ vì tính cách đó chẳng bao giờ làm đẹp lòng ai. Có điều gì lầm lỡ, những lúc vắng vẻ bảo nhau còn có lợi hơn nhiều, dễ cảm hóa hơn. Phụ nữ bao giờ cũng thích nghe những lời dịu dàng, êm tai và thích có những sự vỗ về nho nhỏ. Thân mật, nhưng đừng suồng sã, không nên có hành động lỗ mãng đối với vợ, cả trong những lúc kín đáo nhất.
Trong khi đó, vợ phải biết tôn trọng chồng. Sức mạnh của phụ nữ là khéo léo, mềm mỏng, uyển chuyển trong cư xử. Bất cứ lúc nào, người vợ cũng phải ghi tâm, khắc cốt rằng mình là người yêu, là người tình, là bạn đời chứ không phải kẻ giám sát, điều hành của chồng minh. Đừng coi chồng là đứa trẻ con cũng đừng khinh thường chồng. Người phụ nữ thông minh và khôn ngoan thì biết rằng một lời nói ngọt ngào dễ chịu, một lời tán dương chân thực, một câu khen ngợi đúng lúc sẽ có giá trị ngàn vàng…
2.5. Nghệ thuật hòa giải
Trong cuốn “Những quy tắc trong đời sống vợ chồng”, tác giả đã đưa ra nhận xét như sau: “Hãy chấp nhận có một số vấn đề nào đó mà đôi bạn sẽ không bao giờ đi đến thống nhất hay giải quyết được. Nhiều người trong chúng ta bị nửa kia hấp dẫn và từ đó tiến tới hôn nhân. Có thể trong thời gian yêu nhau, tìm hiểu, đôi bạn cảm thấy rất hợp nhau trong mọi chuyện, nhưng khi sống chung một nhà, họ phát hiện ra nhiều điểm khác biệt. Vì thế, có thể nói có đến 80% các bạn cảm thấy hụt hẫng và bắt đầu suy nghĩ lung tung như ‘có thể chúng ta không hợp nhau…’ hay ‘mình đã lầm rồi!’. Thực ra, trên đời này, không gì là tuyệt đối cả.
“Hãy nhớ rằng, sẽ luôn có một vài vấn đề trong cuộc sống hôn nhân mà hai bạn sẽ không bao giờ giải quyết được. Đôi bạn cần phải biết chấp nhận sự thật đó, bởi mỗi người vẫn có những quan điểm khác nhau, nó có thể thuộc về niềm tin, lối suy nghĩ hay sở thích của từng cá nhân.”[7]
Sau đây là một số giải pháp cụ thể giúp giải quyết mâu thuẫn, xung đột mà đôi bạn cần nắm vững để duy trì hạnh phúc hôn nhân gia đình.
– Tôn trọng sự khác biệt: Một trong những điểm quan trọng mà đôi bạn phải ý thức ngay từ lúc còn đang giai đoạn tìm hiểu nhau, đó là sự khác biệt nam nữ, sự khác biệt giữa chồng và vợ. Chúng ta ai cũng biết rằng vợ chồng là hai người ở hai phương trời xa lạ, sinh ra và lớn lên trong hai gia đình khác lạ, khác nhau từ truyền thống giáo dục, tập quán, nếp sống, thói quen (có khi còn khác nhau về quốc tịch, màu da, tiếng nói), chưa kể đến biết bao sự khác biệt về trình độ học vấn, sở thích, cá tính, tố chất vv. Nói tóm lại là hoàn toàn khác nhau từ điểm xuất phát ban đầu.
Vợ chồng mặc dù rất khác biệt nhau nhưng lại phải sống chung với nhau trong một gia đình, dưới một mái nhà, cùng chịu trách nhiệm về hạnh phúc gia đình. Họ chẳng những phải chấp nhận nhau, chịu đựng nhau và tự điều chỉnh để người này thích nghi với người kia, tránh được tình trạng xung khắc, xung đột nhau. Ông bà ta thường nói “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Điều này cho thấy sự khác biệt vợ chồng là điều tất yếu nhưng sự hòa hợp vợ chồng cũng là điều tất nhiên nhờ đó hai anh chị có sức mạnh vượt thắng được những cơn khủng hoảng trong đời sống gia đình.
– Lắng nghe và đối thoại: Chúng ta ai cũng biết rằng lắng nghe và đối thoại trong lúc bất hòa giữa hai vợ chồng là điều vô cùng quan trọng. Bởi nếu không, cuộc “khẩu chiến” sẽ chẳng bao giờ kết thúc và mối bất đồng cứ kéo dài dai dẳng. Chính vì thế mà ca dao VN có câu “Chồng giận thì vợ bớt lời / Cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê”. Trong hôn nhân, sở dĩ có những lúc vợ chồng phiền giận nhau hay hiểu lầm nhau không những vì chúng ta không thể nói lên những điều cần nói, mà cũng có khi vì không có ai lắng nghe.
Những người mới yêu nhau trò chuyện với nhau rất nhiều. Họ mong gặp nhau mỗi ngày, và khi gặp thì trao đổi với nhau nhiều điều. Tuy nhiên, khi nên vợ chồng rồi, khi có điều buồn giận họ không dễ làm hòa với nhau và vì đời sống bận rộn, họ cũng ít có thì giờ trò chuyện với nhau. Tất cả những điều đó khiến vợ chồng cảm thấy ngăn cách với nhau, và nếu không cẩn thận, sự ngăn cách đó sẽ khiến tình yêu phai nhạt dần và chết.
– Tranh luận không tranh cãi: Trong khi “khẩu chiến”, việc tranh cãi luôn có nguy cơ khiến cho mâu thuẫn kéo dài và không giải quyết được gì. Tranh cãi thường xuất phát từ tâm lý hơn thua, cố chấp và không tôn trọng bạn đời. Có rất nhiều đôi bạn chỉ vì chuyện mâu thuẫn nhỏ nhặt mà sinh ra tranh cãi, rồi không ai nhịn ai, đi tới chỗ xung đột, cuối cùng đành phải chấp nhận giải pháp ly hôn.
Chúng ta đều có xu hướng tranh phần thắng thua mỗi khi cãi nhau, bởi đây chính là bản tính của con người. Khi đôi bên tranh cãi to tiếng, họ thường không thể giữ bình tĩnh và lý trí, ngay cả nguyên nhân tranh chấp ban đầu cũng quên bẵng. Trong khi đó, thay vì tranh cãi một cách vô ích, vợ chồng nên ngồi lại với nhau, cùng nhau tranh luận để tìm ra nguyên nhân và giải pháp cho cuộc xung đột giữa hai người. Tranh luận đúng cách sẽ giúp người này hiểu người kia, không tạo nên căng thẳng bởi vì nguyên tắc của tranh luận là tôn trọng ý kiến khác biệt, tôn trọng những suy nghĩ và quan điểm đối lập.
– Bình tĩnh và tự chủ: Thường trong lúc cãi vã, người ta vì nóng giận nên khó bình tĩnh và tự chủ. Người nào cũng muốn phần thắng thuộc về mình nên không chấp nhận thỏa hiệp với người bạn đời. Họ cho rằng chỉ có mình là phải, là đúng nên ra sức bảo vệ ý kiến chủ quan mình. Trong tranh cãi, điều quan trọng nhất là đôi bên phải bình tĩnh, tự chủ, phải biết kiểm soát hành vi, lời nói của mình sao cho ôn hòa, dễ chịu. Có nhiều khi chuyện xích mích không lớn, nhưng vì một trong hai hoặc cả hai người không biết tự chủ nên sinh ra lớn tiếng, cãi cọ và xung đột cách nặng nề. Người ta thường so sánh sự việc như đổ dầu vào lửa.
Trên thực tế, qua báo chí, ta thấy rằng nhiều trường hợp chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà do không tự chủ nên xảy ra thảm kịch lớn trong gia đình, như chồng giết vợ, vợ đánh đập hành hung chồng, gây ra những vụ án mạng rất thương tâm. Do đó, ông bà xưa có câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê”.
– Một sự nhịn chín sự lành : Không có giải pháp nào đơn giản mà lại hiệu quả hơn là sự nhịn nhục trong lúc nóng giận, xung đột. Chính vì vậy mà ông bà ta đã đúc kết thành một kinh nghiệm quý báu, đó là “Một sự nhịn chín sự lành”. Khi người này biết nhường nhịn người kia thì chắc chắn sự lành sẽ tới. Tục ngữ VN có câu: “Thương nhau chín bỏ làm mười”. Nhường nhịn nhau không phải là sự thất thế, thua thiệt nhưng đó là dấu chỉ của một tình yêu chín chắn, trưởng thành. Trong lúc hai vợ chồng bất đồng, người nào biết cách nhượng bộ, người đó là người chiến thắng. Sự nhượng bộ sẽ đem lại hòa khí trong gia đình và nhất là có sức mạnh thuyết phục phía-bên-kia cũng nhượng bộ như mình. Một cách đơn giản, một sự nhịn chín sự lành nghĩa là nếu biết nhường nhịn, ta sẽ dễ dàng làm lành với nhau và cuộc chiến sẽ mau chóng kết thúc…
– Hãy phá tan sự im lặng: Người ta thường khuyên là “Im lặng là vàng”, tuy nhiên nhiều trường hợp muốn giải quyết bất hòa vợ chồng, ta phải biết phá tan sự im lặng giữa hai người. Các chuyên gia cho rằng, khi ta lạnh nhạt không thèm để ý gì đến người bạn đời của mình thì hố ngăn cách ngày càng sâu hơn. Ngược lại, nếu ta chủ động giải quyết một cách nhẹ nhàng bằng những lời nói tình cảm thì sự việc sẽ xoay sang chiều tích cực.
Muốn giải quyết mâu thuẫn đến nơi đến chốn thì hai bạn phải tìm hiểu nguyên nhân gây ra điều đó. Thay vì cả hai cùng im lặng để “ngậm đắng nuốt cay” thì tốt hơn nên lên tiếng đối thoại với nhau. Mỗi người chia sẻ ý kiến riêng của mình, rồi tìm hướng giải quyết sao cho ổn thỏa. Một sự hiểu lầm nào đó nếu không được giải tỏa, sẽ dễ đưa đến chỗ bế tắc và hậu quả có khi rất nặng nề.
– Tích cực hòa giải bất đồng: Chúng ta đều biết rằng các mối bất hòa, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng dù có nặng nề đến mấy đi nữa cũng sẽ được giải quyết cách êm đẹp nếu cả hai bên đều có thiện chí hòa giải. Lúc này, hai bạn cần lắng nghe tiếng nói của con tim mình: Yêu nhau trăm sự chẳng nề/ Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng (Ca dao VN). Khi yêu nhau thì người ta sẵn sàng bỏ qua những xích mích xung khắc nhỏ nhen. Khi yêu nhau thì sự hy sinh, vị tha, bao dung luôn được đặt hàng đầu, nhờ đó mà ta tránh được những sứt mẻ, đổ vỡ trong đời sống vợ chồng.
Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II, trong Tông huấn Những bổn phận của gia đình Ki-tô hữu đã nhắc nhở như sau: “Chỉ có một tinh thần hi sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau. Không gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình.” (số 21) ./.
Tác giả: Aug. Trần Cao Khải
[1] https://vnexpress.net/hon-nhan-khong-phai-1-1-2-4196597.html
[2] https://gpquinhon.org/q/muc-vu-tong-hop/can-thiet-mot-cuoc-dong-hanh-voi-gioi-tre-tien-hon-nhan-60.html
[3] https://gpquinhon.org/q/gia-dinh/gia-dinh-voi-nhung-thach-do-qua-chi-dan-cua-tong-huan-amoris-laetitia-2080.html
[4] https://www.dkn.tv/van-hoa/hon-nhan-chinh-la-truong-tu-luyen-cua-doi-nguoi.html
[5] LM Nguyễn Hữu Thy – Những suy tư đúng đắn về hôn nhân và gia đình Công Giáo – TTMV CGVN Gp Trier CHLB Đức – Trang 137
[6] https://vnexpress.net/hon-nhan-khong-phai-1-1-2-4196597.html
[7] Alpha Books – Những quy tắc trong đời sống vợ chồng – NXB LĐ-XH – năm 2019 trang 35
2020
Đức Giêsu Kitô – Đường Ánh Sáng
Chương Trình Mục Vụ Giới Trẻ 2020-2022
Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su Ki-tô (12)
Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 12 năm 2020
ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ: ĐƯỜNG ÁNH SÁNG
+ Pet. Nguyễn Văn Viên
Các bạn trẻ thân mến,
Tháng Mười Một vừa qua, chúng ta đã suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô – Đường Tôi Tớ. Tháng Mười Hai này, chúng ta cùng nhau suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô – Đường Ánh Sáng. Theo Kinh Tin Kính, Đức Giê-su là ‘Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng’. Người đã đi Đường Ánh Sáng đến với thế gian để giải phóng con người khỏi cảnh tối tăm, đau khổ cũng như sự chết đời đời và dẫn đưa con người về với Quê Hương Ánh Sáng Vĩnh Cửu là Nước Thiên Chúa.
Từ ‘ánh sáng’ thường được hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ánh sáng theo nghĩa đen là ánh sáng tự nhiên hay ánh sáng vật lý (ánh sáng có tính chất sóng và hạt), còn ánh sáng theo nghĩa bóng là ánh sáng siêu nhiên hay ánh sáng hướng con người về thế giới chân, thiện, mỹ. Chúng ta không thể liệt kê đầy đủ tác dụng của ánh sáng tự nhiên đối với con người và muôn vật muôn loài. Ánh sáng tự nhiên cần thiết cho sự sống của thực vật, động vật và con người. Hơn nữa, ánh sáng tự nhiên không chỉ giúp con người nhìn thấy và phân biệt những gì chung quanh mình, mà còn giúp con người thiết lập các mối liên hệ với vạn vật. Trong khi đó, ánh sáng siêu nhiên giúp con người ý thức hơn về phẩm giá của mình giữa muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo, đồng thời, giúp con người biết phân định và sống theo những giá trị cốt lõi của môi trường chân, thiện, mỹ. Là con người, ai cũng ý thức rằng càng gần ánh sáng siêu nhiên càng hay, càng xa bóng tối sự dữ càng tốt. Nhờ ánh sáng siêu nhiên soi dẫn, con người được hiện diện, hoạt động và hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn, đồng thời, giúp con người giảm thiểu những nỗi sợ hãi và muôn hình thức ám ảnh của thế giới bóng tối.
Theo nội dung đức tin Ki-tô Giáo, ánh sáng và bóng tối là hai chủ đề đối ngược nhau. Ánh sáng là hình ảnh của sự sống, chân thật, thánh thiện, trật tự, vinh quang, tốt đẹp, tỏ hiện, minh bạch, thanh sạch, thành công, hy vọng, thông suốt, niềm vui. Ánh sáng là hình ảnh của những gì thuộc về Môi Trường Thiên Chúa hoặc giúp con người hướng về Môi Trường Thiên Chúa. Ngược lại, bóng tối là hình ảnh của sự chết, giả dối, tội lỗi, hỗn loạn, đau khổ, xấu xa, ẩn giấu, u ám, nhơ bẩn, thất bại, vô vọng, bế tắc, buồn sầu. Bóng tối là hình ảnh của những gì thuộc về ma quỷ, sự dữ và dẫn xuất của chúng. Tuy nhiên, ánh sáng và bóng tối không phải là hai nguồn lực cùng tồn tại song song. Trong nhãn quan mặc khải Ki-tô Giáo, sở dĩ có bóng tối là vì thiếu ánh sáng, sở dĩ có sự ác là vì thiếu sự thiện từ phía con người. Còn về phía Thiên Chúa, tối tăm không thể loại trừ được ánh sáng của Người (Tv 139,12).
Ánh sáng là yếu tố đầu tiên trong công trình Thiên Chúa sáng tạo: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước. Thiên Chúa phán: Phải có ánh sáng. Liền có ánh sáng. Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối” (St 1,1-4). Trích đoạn này giúp chúng ta nhận thức rằng khi ánh sáng xuất hiện, hỗn mang, tăm tối nhường chỗ cho trật tự, lớp lang. Ánh sáng tốt đẹp vì là ‘sản phẩm đầu tay của Thiên Chúa’, được Thiên Chúa cho xuất hiện trước vạn vật, đồng thời, ánh sáng tham dự vào sự hình thành và phát triển của muôn vật muôn loài. Đó là lý do giải thích tại sao muôn vật muôn loài có tương quan mật thiết với ánh sáng. Kinh nghiệm cho chúng ta nhận thức rằng nếu thiếu ánh sáng, muôn vật muôn loài sẽ không được nhìn thấy, không được nhận diện, không được định dạng. Nếu không có ánh sáng thì tất cả chỉ là tối tăm, hư vô, trống rỗng, không có hình dạng (St 1,2). Không có ánh sáng cũng đồng nghĩa với không có gì chân thật, hài hòa, tiến triển. Trong Cựu Ước, tác giả Thánh Vịnh đã diễn tả rất sâu sắc chân lý này: “Ngài quả là nguồn sống, nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36,10).
Chủ đề ánh sáng được đề cập và khai triển khá nhiều trong các bản văn Kinh Thánh Cựu Ước, chẳng hạn: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa làm cho ngọn đèn của con sáng tỏ, Ngài soi chiếu vào đời con tăm tối mịt mù” (Tv 18,29); “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105); “Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời” (Tv 19,9); “Huấn lệnh là ngọn đèn, lời dạy dỗ là ánh sáng” (Cn 6,23); “Đức Khôn Ngoan phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương trong phản ánh hoạt động của Thiên Chúa” (Kn 7,26). Đặc biệt, Lời Chúa trong Cựu Ước đã loan báo về Đức Giê-su là Ánh Sáng của thế gian (φώς τοῦ κόσμου), chẳng hạn: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1); “Mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh” (Ml 3,20).
Trong Tân Ước, hơn ai hết, thánh Gio-an Tông Đồ cho chúng ta những ý tưởng chính yếu về chủ đề ánh sáng như sau: (1) Thiên Chúa là Ánh Sáng: “Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Người, không có một chút bóng tối nào” (1 Ga 1,5); (2) Ai hiệp thông với Thiên Chúa thì không đi trong bóng tối: “Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối” (1 Ga 1,6); (3) Ai đi trong ánh sáng thì hiệp thông với nhau và được máu Đức Giê-su thanh tẩy tội lỗi: “Nếu chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Đức Giê-su, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi” (1 Ga 1,7); (4) Khi chương trình cứu độ đến thời viên mãn, thì “chính vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi” và “Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ” (Kh 21,23; 22,5). Như vậy, Ánh Sáng của Thiên Chúa là Ánh Sáng được Đức Giê-su thực hiện và diễn tả nhằm thiết lập mối hiệp thông trường cửu giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau. Ánh Sáng đó là khởi điểm và cũng là cùng đích cho những ai được cứu độ.
Thánh Gio-an không chỉ cho chúng ta biết Thiên Chúa là Ánh Sáng, mà còn cho chúng ta biết Đức Giê-su là Ánh Sáng: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,1-4). Những câu đầu tiên của Lời Tựa Tin Mừng này gợi lên trong chúng ta những câu đầu tiên của bộ Kinh Thánh (St 1,1-4). Theo thánh Gio-an, Đức Giê-su là Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Nhờ Người, muôn vật muôn loài được tạo thành. Đặc biệt, Người là Ánh Sáng cho nhân loại, nhờ Người, muôn người được Ánh Sáng Thiên Chúa soi dẫn.
Theo thánh Lu-ca, được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, Da-ca-ri-a đã nói về Đức Giê-su khi Người đang trong lòng mẹ: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,78-79). Trong biến cố Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se dâng Đức Giê-su vào Đền Thánh, khi bồng ẵm Đức Giê-su, cụ Si-mê-ôn đã cảm nhận được hơi ấm cứu độ và cuộc đời cụ như vậy là mãn nguyện: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài” (Lc 2,29-32).
Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su nói rằng Thiên Chúa là Ánh Sáng (1 Ga 1,5). Người cũng nói rằng Người là Ánh Sáng (Ga 8,12; 9,5; 12,46). Như vậy, cách gián tiếp, Đức Giê-su cho chúng ta biết Người là Thiên Chúa. Dầu là Ánh Sáng, nhưng Người đã được sinh ra trong đêm tối. Điều này có ý nghĩa quan trọng, bởi vì, Người không chỉ được sinh ra trong đêm tối theo nghĩa tự nhiên mà còn theo nghĩa siêu nhiên: Người được sinh trong đêm tối của thế gian nhuốm màu tội lỗi. Hành trình trần thế của Người là hành trình nối kết tất cả mọi người đang lần bước trong đêm tối. Đặc biệt, Người đã trừ quỷ, tha tội, chữa bệnh, hồi sinh kẻ chết và nâng đỡ những người bị loại trừ trong xã hội. Nói cách khác, Người đã xua đuổi các hình thức bóng tối nhằm đem lại ánh sáng hy vọng cho tất cả mọi người.
Đức Giê-su mở ra viễn cảnh tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. Người không chỉ khẳng định rằng Người là Ánh Sáng, mà còn minh chứng điều đó bằng những hành động cụ thể. Lời nói, việc làm của Người diễn tả quyền năng, danh dự và vinh quang của Thiên Chúa. Đặc biệt, Người có sức lôi cuốn lớn lao đối với những ai lòng ngay thiện chí.
Trong cuộc đối thoại với Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su đề cập đến chủ đề ánh sáng (Ga 3,1-21). Chúng ta biết rằng Ni-cô-đê-mô là người thuộc phái Pha-ri-sêu, người học cao, hiểu rộng. Hình ảnh ông đến với Đức Giê-su ban đêm cho phép chúng ta suy luận rằng ông sáng về tri thức, sáng về địa vị xã hội, sáng về sự giàu có, nhưng lại tối về đời sống nội tâm, tối về thế giới siêu nghiệm, đặc biệt, tối về chương trình của Thiên Chúa đối với nhân loại. Dù sao, việc ông đến với Đức Giê-su cũng diễn tả tâm hồn thiện chí và nỗi khao khát chân lý của ông. Sau khi được Đức Giê-su khai thông, tâm trí ông đã sáng ra và ông đã dõi theo Đức Giê-su trong hành trình trần thế của Người. Các sách Tin Mừng không cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin về Ni-cô-đê-mô, tuy nhiên, chúng ta có thể nhận định rằng, sau cuộc gặp gỡ Đức Giê-su, Ni-cô-đê-mô hằng dõi theo Người (Ga 7,50-51; Ga 19,39-42). Ni-cô-đê-mô rất quảng đại, hào phóng, khi an táng Đức Giê-su, ông đã “mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương” (Ga 19,39). Như vậy, sau khi gặp gỡ Đức Giê-su là Ánh Sáng, ông đã không rời Đức Giê-su ngay cả khi Người đối diện với cái chết, bởi vì ông tin tưởng và hy vọng vào những lời của Đức Giê-su trong cuộc nói chuyện: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,14-16).
Khi gặp người mù từ thuở mới sinh, các môn đệ hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (Ga 9,2). Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian” (Ga 9,3-5). Sau đó, Đức Giê-su làm cho người mù được sáng mắt. Chúng ta biết rằng về mặt y khoa, chữa cho người mù từ thuở mới sinh được sáng mắt là chuyện vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, trong câu chuyện này, Đức Giê-su không chỉ chữa lành, Người còn giúp anh nhận ra Người là Ánh Sáng cho thế gian. Với cuộc gặp gỡ Đức Giê-su, anh không chỉ được sáng mắt mà còn ‘sáng lòng’, anh đã tin tưởng vào Đức Giê-su và trở nên nhân chứng của Người cho những người xung quanh. Trong khi đó, những người Pha-ri-sêu sáng mắt nhưng lại ‘tối lòng’, bởi vì họ không nhận ra Đức Giê-su là Ánh Sáng thật cho thế gian, Đấng mà họ luôn mong đợi và rao giảng.
Theo thánh Gio-an, Đức Giê-su thực hiện dấu lạ cuối cùng trước khi bước vào cuộc khổ nạn là cho La-da-rô hồi sinh (Ga 11,1-44). Đây là dấu lạ quan trọng vì La-da-rô đã ở trong bóng tối tử thần bốn ngày, đã nặng mùi rồi (Ga 11,39). Tuy nhiên, Đức Giê-su cho La-da-rô hồi sinh trước sự ngỡ ngàng của chị em Mác-ta, Ma-ri-a, các môn đệ Đức Giê-su và nhiều người khác. Ánh Sáng Đức Giê-su đã chiếu tỏa vào bóng tối của La-da-rô, thức tỉnh La-da-rô và cho La-da-rô được sống. Hồi sinh La-da-rô là dấu lạ lớn lao nhằm gia tăng niềm tin cho các môn đệ cũng như những người khác theo Đức Giê-su. Qua biến cố này, Đức Giê-su hướng tất cả mọi người về sự đau khổ, sự chết và phục sinh của Người nhằm hoàn tất chương trình của Thiên Chúa là đem lại sự sống vĩnh cửu cho tất cả mọi người.
Nhiều lần trong Tin Mừng, Đức Giê-su đề cập đến sự liên kết hai chủ đề quan trọng là sự sống và niềm tin với chủ đề ánh sáng. Chẳng hạn, Người nói với những người Do-thái: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12); “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi. Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12,44-46). Những lời của Đức Giê-su cho chúng ta thấy sự liên kết mật thiết giữa Người là Ánh Sáng và niềm tin cũng như sự sống đích thật của các tín hữu. Nói cách khác, Đức Giê-su là Ánh Sáng đem lại sự sống đời đời cho những ai tin tưởng, yêu mến và thực thi thánh ý Người.
Đức Giê-su là Ánh Sáng thật. Thánh Gio-an khẳng định: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). Ánh Sáng Đức Giê-su chiếu soi mọi người, tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều nhận ra điều đó: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,10-11). Đức Giê-su giải thích tại sao người ta không chấp nhận ánh sáng: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách” (Ga 3,19-20). Như vậy, để có thể nhận ra Đức Giê-su là Ánh Sáng, con người cần phải từ bỏ môi trường bóng tối, môi trường tội lỗi, môi trường sự dữ.
Nội dung đức tin Ki-tô Giáo cho chúng ta nhận thức rằng ai không hoán cải, ai không từ bỏ môi trường bóng tối, môi trường sự dữ thì không thể nhận ra Ánh Sáng Đức Giê-su. Ai tự cho mình là tiêu chuẩn, thì không thể tiếp cận Ánh Sáng Đức Giê-su. Chẳng hạn, khi Đức Giê-su được sinh ra ở Bê-lem, các mục đồng và các đạo sĩ nhận ra Ánh Sáng của Người, trong khi những người am hiểu Kinh Thánh, giảng dạy Kinh Thánh và trung thành với truyền thống Do-thái Giáo cách nghiêm ngặt nhất lại không nhận ra. Như thế, việc nhận ra Đức Giê-su là Ánh Sáng thật không lệ thuộc vào danh hiệu, công việc hay gia sản truyền thống mà lệ thuộc vào tâm trí lành mạnh và cảm thức bén nhạy trước các dấu chỉ xuất hiện hằng ngày trong đời sống mình.
Theo thánh Gio-an, người đi trong bóng tối là người ghét anh chị em mình, còn người đi trong ánh sáng là người yêu thương anh chị em mình: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối; Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm” (1 Ga 2,9-10). Như vậy, đối với thánh Gio-an ‘đi trong ánh sáng’ hay ‘đi trong bóng tối’ không còn là những ý tưởng trừu tượng nữa, mà là những thực hành cụ thể mà ai cũng có thể làm được. Thánh nhân khẳng định: “Bóng tối đang qua đi và ánh sáng thật đã tỏ rạng” (1 Ga 2,8). Đồng thời, theo thánh nhân: “Thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi” (1 Ga 2,17).
Trong gia đình nhân loại, không ai ‘tối’ đến mức không thể biến đổi được, cũng không ai ‘sáng’ đến mức không cần được Ánh Sáng Đức Giê-su soi dẫn. Tất cả mọi người được mời gọi hướng về Đức Giê-su, Ánh Sáng đích thật. Tất cả mọi người được mời gọi hướng về Đức Giê-su luôn mãi, bởi vì, vẫn còn đó vô số hình thức bóng tối đang hoành hành giữa lòng thế giới. Nếu chúng ta không hướng về Đức Giê-su như cây cối hướng về ánh mặt trời thì chúng ta không thể có được sự sống xứng với phẩm giá của mình và không thể đi đường chính trực để đến với Thiên Chúa. Nếu chúng ta không nhìn nhận bóng tối của lòng trí chúng ta, nếu chúng ta không nhìn nhận có nhiều hình thức bóng tối trong môi trường sống của chúng ta, thì chắc chắn rằng chúng ta đang rơi vào cạm bẫy của thế giới bóng tối và vẫn đắm mình trong thế giới này.
Chúng ta có thể so sánh tâm hồn mỗi người với căn phòng mình ở. Bình thường, chúng ta thấy căn phòng sạch sẽ. Tuy nhiên, khi có ánh sáng mặt trời chiếu vào, chúng ta thấy căn phòng đầy dẫy những hạt bụi li ti bay lượn khắp nơi. Tâm hồn chúng ta cũng vậy, nhiều khi chúng ta nghĩ rằng mình thanh sạch, bởi vì mình luôn tuân giữ lề luật Thiên Chúa và không làm hại ai, tuy nhiên, điều đó chưa đủ. Chẳng hạn, nếu chúng ta chỉ biết tuân giữ lề luật mà không biết làm điều tốt để giúp đỡ anh chị em mình thì chúng ta cũng đang ở trong bóng tối vậy (Mt 25,31-46). Nhờ Ánh Sáng Đức Giê-su soi dẫn, chúng ta sẽ thấy rõ tâm hồn mình nhiều bụi bặm, nhiều sự xấu xa hơn mình tưởng. Đó là lý do giải thích tại sao chúng ta cần phải mở lòng đón nhận Ánh Sáng Đức Giê-su để chúng ta biết rõ tình trạng tâm hồn mình nhiều hơn, từ đó, chúng ta biết cộng tác với Người trong việc biến đổi tâm hồn mình sao cho ngày càng phù hợp với thánh ý Thiên Chúa hơn nữa.
Với trình độ khoa học kỹ thuật hôm nay, con người hầu như có đủ ánh sáng cho đời sống thể lý. Tuy nhiên, xem ra con người đang thiếu thốn ánh sáng siêu nhiên, ánh sáng cho phép con người hiệp thông với Thiên Chúa, với anh chị em mình và với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo cách phù hợp nhất. Quả thật, con người cần ánh sáng tự nhiên cho đời sống thể xác thế nào thì cũng cần ánh sáng siêu nhiên cho đời sống tâm hồn như vậy. Khi nào con người có được sự hòa hợp giữa đời sống thể xác và đời sống tâm hồn, khi đó con người mới thực sự sống xứng đáng với phẩm giá của mình là thụ tạo được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được mời gọi trở thành con cái Thiên Chúa (Ga 1,12).
Vì là con cháu của Nguyên Tổ sa ngã, chúng ta trở thành con cái bóng tối. Từ đó, có lời hứa về ánh sáng của ngày kỳ diệu (Is 30,26). Trong ngày đó, con cái ánh sáng sẽ “Đứng lên, bừng sáng lên. Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi” (Is 60,1); “Đức Chúa sẽ là ánh sáng vĩnh cửu chiếu soi ngươi, ánh quang huy của ngươi là Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 60,19). Ngày đó chính là ngày Đức Giê-su xuất hiện. Chúng ta biết rằng, tự thân, chúng ta không thể giải thoát mình khỏi thân phận ‘con cái bóng tối’, nhưng nhờ Đức Giê-su là Ánh Sáng, chúng ta trở thành ‘con cái Ánh Sáng’. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói: “Ánh sáng còn ở giữa các ông ít lâu nữa thôi. Các ông hãy bước đi, bao lâu các ông còn có ánh sáng, kẻo bóng tối bắt chợt các ông. Ai bước đi trong bóng tối, thì không biết mình đi đâu. Bao lâu các ông còn có ánh sáng, hãy tin vào ánh sáng, để trở nên con cái ánh sáng” (Ga 12,35-36). Còn thánh Phao-lô minh định: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5,8-9). Cũng theo thánh nhân: “Tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối” (1 Tx 5,5).
Sau khi công bố Tám Mối Phúc, Đức Giê-su nói với các môn đệ và những người đang lắng nghe: “Anh em là ánh sáng cho thế gian” (Mt 5,14). Đồng thời, Người cũng nói: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16). Điều Đức Giê-su muốn diễn tả về những người sống Tám Mối Phúc chính là những người đón nhận Ánh Sáng Đức Giê-su, sống theo Ánh Sáng Đức Giê-su và phản chiếu Ánh Sáng Đức Giê-su cho mọi người. Đây là bài học lớn cho mỗi người chúng ta, bởi vì, là Ki-tô hữu, chúng ta được mời gọi trở thành con cái Ánh Sáng, nhưng lắm lúc chúng ta đắm mình trong thế giới bóng tối. Hơn nữa, chúng ta cần ý thức rằng nếu chúng ta không có khả năng đón nhận, sống và phản chiếu Ánh Sáng Đức Giê-su cho người khác thì ít ra chúng ta đừng trở thành vật cản Ánh Sáng Đức Giê-su đến với họ.
Đức Giê-su là Ánh Sáng thế gian, do đó, Tin Mừng của Đức Giê-su chính là Tin Mừng Ánh Sáng cho mọi người. Thánh Gio-an Tẩy Giả đã khiêm tốn làm chứng cho Đức Giê-su và Tin Mừng Ánh Sáng của Người cách hữu hiệu và triệt để nhất: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (Ga 1,6-9). Với kinh nghiệm gặp gỡ và được Ánh Sáng Đức Giê-su soi dẫn, hai thánh Phao-lô và Ba-na-ba đã trở nên khí cụ hữu hiệu của Người. Các ngài khẳng định: “Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất” (Cv 13,47). Trong diễn từ trước mặt vua Ác-ríp-pa, thánh Phao-lô quả quyết: “Đấng Ki-tô sẽ chịu đau khổ và là người đầu tiên sống lại từ cõi chết, để loan báo ánh sáng cho dân Do-thái cũng như cho các dân ngoại” (Cv 26,23). Tiếp tục gia sản các tông đồ để lại và ý thức về căn tính, đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội giữa lòng thế giới, Công Đồng Vatican II tuyên bố: “Ánh sáng muôn dân chính là Chúa Kitô, nên Thánh Công Ðồng đang nhóm họp trong Chúa Thánh Thần hết lòng mong ước soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Chúa phản chiếu trên dung nhan Giáo Hội, bằng việc rao truyền Phúc Âm cho mọi tạo vật” (LG 1). Như thế, Ánh Sáng Đức Giê-su là Ánh Sáng cần được loan báo, cần được chia sẻ, cần được trao ban cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.
Hơn nữa, Ánh Sáng Thiên Chúa, Ánh Sáng Đức Giê-su cũng là Ánh Sáng xét xử mọi người. Tư tưởng này đã được diễn tả trong Cựu Ước, chẳng hạn: “Đức Chúa là thẩm phán công minh đã phơi bày ra ánh sáng những điều bí ẩn” (2 Mcb 12,41); “Thiên Chúa vạch trần những tối tăm bí ẩn, phơi bày bóng tối tử thần ra ánh sáng” (G 12,22); “Người [Đức Chúa] mặc khải điều thẳm sâu và bí ẩn: Người biết những gì ở trong cõi tối tăm, và ánh sáng ở với Người” (Đn 2,22). Trong Tân Ước, được Ánh Sáng Phục Sinh của Đức Giê-su biến đổi, thánh Phao-lô viết: “Tất cả những gì bị vạch trần, đều do ánh sáng làm lộ ra; mà bất cứ điều gì lộ ra, thì trở nên ánh sáng” (Ep 5,13-14). Ngài cũng viết: “Xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người” (1 Cr 4,5). Chúng ta cần để tâm suy niệm giáo lý này và áp dụng vào đời sống bằng cách luôn ý thức rằng khi chúng ta không có đủ ánh sáng cần thiết, chúng ta đừng phán xét người khác. Thông thường, chúng ta hay phán xét người khác dựa trên cảm tính bất ổn của chúng ta hay dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng. Hậu quả là chúng ta gây tổn thương lớn cho người khác và nhiều khi không thể bù đắp được. Do đó, cách tốt nhất và duy nhất để chúng ta có được sự hiểu biết đúng đắn về con người hay sự vật, hiện tượng nào đó là chúng ta hãy đi Đường Ánh Sáng Đức Giê-su và nhìn nhận mọi sự dưới Lăng Kính Ánh Sáng này.
Như đã được trình bày ở trên, theo mặc khải Kinh Thánh, ánh sáng và bóng tối không phải là hai ‘quyền lực’ cân tài ngang sức, hai quyền lực tương đương hay bằng nhau. Ánh Sáng Đức Giê-su là Ánh Sáng Vĩnh Cửu. Ánh Sáng Đức Giê-su luôn mạnh mẽ hơn các hình thức bóng tối của ma quỷ, thế gian, xác thịt. Tiếng nói cuối cùng của nhân loại, của toàn thể thế giới thụ tạo không phải là tiếng nói của bóng tối, nhưng là tiếng nói của Ánh Sáng. Theo thánh Gio-an: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1,5). Các Ki-tô hữu được mời gọi cộng tác với Đức Giê-su và với nhau để thanh tẩy muôn hình thức bóng tối trong cộng đoàn mình, chẳng hạn, bóng tối của sự chia rẽ lòng người, bóng tối của sự hận thù ghen ghét, bóng tối của sự giấu mặt vu oan, bóng tối của sự phổ biến thông tin nặc danh gây phương hại cho người khác, bóng tối của sự đồng lõa trong việc làm cho sự dữ lan truyền.
Với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su giữa lòng nhân thế, thời cánh chung đã bắt đầu: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô viết: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày” (Rm 13,12-13). Quả thật, càng ngày chúng ta càng gần với cánh chung của đời mình hơn, nghĩa là càng ngày chúng ta càng gần hơn với biến cố kết thúc hành trình trần thế của mình. Đức Giê-su là Ánh Sáng, là ‘Ngày’ của chúng ta. Do đó, như lời thánh Phao-lô, chúng ta hãy cởi bỏ con người cũ và mặc lấy Khí Giới Ánh Sáng Đức Giê-su để luôn được biến đổi, được tỏa sáng và cộng tác với Người trong việc chiếu rọi Ánh Sáng vào chốn tối tăm ở bất cứ nơi đâu chúng ta hiện diện và hoạt động (Rm 13,11-14).
Chương trình Thiên Chúa đối với nhân loại được thực hiện nhờ Đức Giê-su có thể tóm lược vào ba điểm chính: (1) Đức Giê-su là Ánh Sáng, Người đã đi Đường Ánh Sáng để đến với nhân loại; (2) Các Ki-tô hữu được mời gọi sống theo Đường Ánh Sáng của Người; (3) Các Ki-tô hữu được mời gọi phản chiếu Ánh Sáng của Người trong môi trường sống của mình. Viễn cảnh cánh chung của những ai đi Đường Ánh Sáng và phản chiếu Ánh Sáng Đức Giê-su được tác giả sách Khải Huyền (cuốn sách cuối cùng và cũng là chương cuối cùng của Bộ Kinh Thánh) diễn tả: “Các tôi tớ Thiên Chúa sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ. Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Kh 22,4-5).
Những điểm được trình bày trên đây giúp chúng ta có được nhận thức tổng quát rằng Thiên Chúa hằng yêu thương nhân loại. Người đã sai Con của Người là Đức Giê-su đi Đường Ánh Sáng để đến với mọi người. Biến Cố Đức Giê-su hiện diện và hoạt động giữa lòng nhân thế, đặc biệt, việc mạc khải Người là Ánh Sáng thế gian làm nổi bật cuộc xung đột giữa ánh sáng và bóng tối trên phương diện luân lý: Ánh sáng xác định phẩm tính các lãnh vực thuộc về Thiên Chúa và Đức Giê-su, trong khi đó bóng tối xác định phẩm tính các lãnh vực thuộc về ma quỷ và sự dữ. Con người bị giằng co giữa hai thái cực phải chọn lựa để trở thành ‘con cái ánh sáng’ hoặc ‘con cái bóng tối’. Nhờ Đức Giê-su chiếu rọi, chúng ta trở thành con cái Ánh Sáng. Do đó, chúng ta hãy sống sao cho xứng đáng với phẩm giá của mình. Trong hành trình dương thế, Đức Giê-su đã tới thung lũng tối tăm nhất của thân phận con người là thung lũng sự chết. Nhờ đó, chúng ta được Thiên Chúa “gọi ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2,9) và được “chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng” là “vương quốc Thánh Tử chí ái” (Cl 1,12-13).