2021
Cách thức loan báo Tin Mừng cho người Việt Nam hôm nay
Cách thức loan báo Tin Mừng cho người Việt Nam hôm nay
“Để cống hiến cho họ Tin Mừng cứu độ, Giáo Hội cố gắng tìm hiểu văn hoá của họ. Giáo Hội tìm cách để nhận biết não trạng và tâm hồn của người nghe, những giá trị và tập quán, những vấn đề và khó khăn, những hy vọng và ước mơ của họ. Một khi biết được và hiểu được những khía cạnh khác nhau này của văn hoá, Giáo Hội có thể bắt đầu cuộc đối thoại cứu độ” (Giáo hội Á châu, số 21).
- TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM TRONG QUÁ KHỨ
Đã có một thời người ta coi việc truyền giáo như là việc thay cũ đổi mới, một cuộc cách mạng để gạt bỏ một lối sống cũ để thay vào đó một lối sống mới phù hợp với Tin Mừng. Thế nên, việc rao giảng Tin Mừng đã không đem lại kết quả là bao, có khi trở thành phản chứng trong môi trường truyền giáo. Đó cũng là bi kịch đã diễn ra tại việt nam vào thời gian đầu của việc truyền giáo. Trong quá khứ, Giáo hội Việt Nam đã trở thành một tà đạo đối với dân tộc. “Điểm then chốt ở đây là: Giáo Hội chưa thích nghi để hội nhập văn hoá,để diễn tả niềm tin theo ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam. Giáo Hội đã có thời kỳ gạt bỏ tất cả những lề thói, tập tục của văn hoá Việt Nam như thờ kính tổ tiên, tôn thờ thần hoàng, hay các anh hùng dân tộc… điển hình như lệnh cấm đầu tiên vào năm 1704 thời ĐTC Clemens XI, năm 1715, Tông chiếuEx Illa Dienhắc lại những điều cấm và kèm thêm bản tuyên thệ phải từ bỏ lễ nghi Trung Hoa. Tại Việt Nam, ở Giáo phận Đàng Trong, các cha Dòng Tênđã phản đối và vẫn cho phép làm những việc trước đây nên có sự căng thẳng giữa các Cha Dòng Tên và vị đại diện Toà Thánh. Cuối cùng, ĐTC Benedictus XIV ra Tông chiếu Ex quo singulari năm 1742 giải quyết dứt khoát vấn đề lễ nghi Trung Hoa. Năm 1773, Dòng Tên bị giải thể và mãi đến năm 1814 mới được phục hồi.
Điều đó dẫn đến nhiều người Việt Nam không dám theo đạo vì sợ bất hiếu, bất trung với tổ tiên và dân tộc. Phải gần 200 năm sau, trong đường hướng cởi mở đối với các vấn đề về xã hội được ĐTC Leo XIII khởi đầu qua Thông điệp Rerum Novarum(1891) và ĐTC Pius XII qua các thông điệp như Mystici Corporis (1943), Divino afflante spiritu (1943), Thánh Bộ Truyền bá Đức tin mới cho rằng lễ nghi tôn kính tổ tiên và đức Khổng Tử chỉ có tính cách xã hội. Năm 1939, Thánh bộ công bố Huấn thị Plane compertum est về vấn đề này. Năm 1965, HĐGMVN mới có thông báo cho phép những hình thức tôn kính tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ cho giáo dân Việt Nam” (Lm. Nguyễn Ngọc Sơn).
Thế nên, việc tìm ra một phương thế loan báo Tin Mừng cho phù hợp với hoàn cảnh với thời đại đó là điều mà toàn thể Giáo Hội đang quan tâm và đang cùng với Chúa Thánh Thần để tìm ra một giải pháp thích hợp nhất cho thời đại hôm nay. Trong kỳ họp THĐGM Á châu, các Đức Giám mục đã đưa ra một phương thế đối thoại trong tôn trọng để qua đó đưa Tin Mừng vào trồng trong chính nền văn hoá cụ thể. Các ngài đã khẳng định: “Để cống hiến cho họ Tin Mừng cứu độ, Giáo Hội cố gắng tìm hiểu văn hoá của họ. Giáo Hội tìm cách để nhận biết não trạng và tâm hồn của người nghe, những giá trị và tập quán, những vấn đề và khó khăn, những hy vọng và ước mơ của họ. Một khi biết được và hiểu được những khía cạnh khác nhau này của văn hoá, Giáo Hội có thể bắt đầu cuộc đối thoại cứu độ” (Giáo hội Á châu, số 21).
2. CHÚA GIÊSU MẪU GƯƠNG TRUYỀN GIÁOViệc hội nhập văn hoá không phải là điều mới mẻ, nhưng đó chính là cách Chúa Giêsu đã thực hiện trong cuộc đời rao giảng của mình. Nhìn lại cuộc đời truyền giáo của Chúa Giêsu, chúng ta thấy sự hiện diện của Ngài không trở nên khác thường giữa mọi người và Ngài cũng không làm cho môi trường hay hoàn cảnh đó vượt lên bình thường. Trong tiệc cưới Canna, Ngài đã hoá nước thành rượu để cho tiệc cưới được bình thường, được trọn vẹn niềm vui. Tiệc cưới đang vui bỗng hết rượu, Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu, nghĩa là Ngài làm cho tiệc mừng đó được diễn ra bình thường, không gây xáo trộn, không mất vui vì hết rượu. Và nhất là trong cuộc sống dương gian của Ngài, Chúa Giêsu đã sống như bao con người. Ngài đã mang lấy xác phàm giống như con người, ngoại trừ tội lỗi. Ngài cũng mang lấy một dòng máu, màu da và chịu ảnh hưởng của một nền văn hoá cụ thể là văn hoá Do Thái, đến nỗi người ta có thể nhận ra Ngài là một người Nazareth, con của một người lao động tên là Giuse. Nhìn vào cung cách sống của Chúa Giêsu, chúng ta có thể nhận ra Ngài đã hoàn toàn tự huỷ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa để sống một cuộc đời như bao người đồng hương với Ngài. Ngài đã tự nguyện đi sâu vào những thăng trầm của đời người để từ đó Ngài khai mở cho nhân loại một hướng đi mới dựa theo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Ba mươi năm sống đời ẩn dật là thời gian đủ để Ngài hiểu được những ưu tư, trăn trở, lo lắng trong kiếp sống con người. Ba mươi năm sống giữa gia đình, thôn xóm là thời gian đủ để những nét đặc thù của văn hoá Do Thái thấm nhuần trên con người của Ngài. Thế nên, những lời Ngài rao giảng luôn được khởi đầu từ những dụ ngôn, những biến cố, những câu chuyện mang đặc tính văn hoá của dân tộc Do Thái, nhờ đó những giáo huấn của Ngài trở thành chân lý soi dẫn cho chính cuộc sống của họ.
Khi hoàn tất sứ mệnh của mình, Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội ở giữa nhân loại, cùng đồng hành trong lịch sử nhân loại qua đó tiếp tục sứ mệnh của Thầy Chí Thánh Giêsu đem Tin Mừng cứu độ đến khắp cùng bờ cõi trái đất. Giáo Hội phải bước theo con đường Thầy mình là hoà nhập vào đời sống trần thế, là đem Tin Mừng gieo vào mọi hoàn cảnh và mọi nền văn hoá khác nhau của các châu lục, đồng thời nhận ra những dấu chỉ cụ thể của thời đại để hoàn thành sứ mạng của mình giữa trần thế.
3. THƠ VĂN GIÚP GÌ CHO CÔNG CUỘC RAO GIẢNG TIN MỪNG3a. Kinh nghiệm lịch sử Việt Nam về vai trò của tư tưởng và rao giảng
Với con người, ý tưởng và hành động đi đôi như hình với bóng. Tư tưởng có thông, hành động mới vững. Cái đầu giúp cánh tay để hành động và cánh tay giúp cái đầu để hoạch định. Lịch sử nước nhà dạy ta bài học sức mạnh đến từ chính nghĩa song song với sự vận dụng khéo léo những gì có trong tầm tay. Việc động viên lòng người đời xưa đã đạt mức nghệ thuật. So sức với quân nhà Tống, xâm lăng nước ta vào thế kỷ 11, quân Nam như châu chấu đá xe mà xe phải nghiêng ngả… Thành công thần kỳ ấy nhất thiết nhờ vào khí phách của Lý Thường Kiệt truyền qua tuyên ngôn “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư”.Hai cuộc chiến vệ quốc chống quân Nguyên, thế kỷ 13, vẻ vang chiến thắng dưới sự chỉ huy của dũng tướng Trần Hưng Đạo. Tướng quân đã truyền hào khí non sông qua “Hịch Tướng Sĩ”:
“Ta đây, ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa được xả thịt lột da quân giặc, dẫu thân này phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa, thì cũng đành lòng…”.Tuyên cáo hùng tráng “Bình Ngô Đại Cáo”, thế kỷ 15, xuất phát tự tân não của vua Lê Lợi và quân sư Nguyễn Trãi, một đàng phô bày nỗi khuất tất cay cực mà quân Minh ngoại bang áp bức bóc lột dân lành, đàng khác tuyên cáo chính tất thắng của quân Nam:
“Tự ta, ta phải dốc lòng, vội vã hơn cứu người chết đuối
Phần vì giận quân thù ngang dọc
Phần vì lo vận nước khó khăn…
Nhân dân bốn cõi một nhà, đựng can trúc ngọn cờ phất phới
Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào
Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh
Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều…
Đem lại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo…”.
3b. Văn chương biểu lộ tâm hồn, đi vào lòng người, dọn đường Tin Mừng
Cổ nhân nói “Tổ quốc hưng vong, sĩ phu hữu trách”, người trí thức mang nặng trách nhiệm hưng vong đối với dân tộc tổ quốc mình. Hội nhà văn phần nào tiêu biểu cho lớp sĩ phu, thời gian này thường tự chất vấn tại sao chúng ta không “sinh đẻ ra được những tác phẩm lớn?”. Tại sao một tác phẩm vừa phát hành đã vội bị quên lãng? Và ta cũng có thể hỏi do đâu có những tác phẩm vượt qua mệnh yểu và trường thọ? Tại sao nguời ta đọc mãi “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi mà vẫn tìm thấy trong đó thần hứng? Tại sao khắp thế giới người ta nôn nao tìm thưởng thức “Thằng gù Nhà thờ Đức Bà” của Victo Hugo?… Tôi thiết nghĩ tác phẩm trường thọ có tính triết lý, nghĩa là có cái hay, cái đẹp… cái tầm để nâng cao cái tâm và nó sẽ sống mãi với cõi đời. Nơi Nguyễn Trãi bừng khí thiêng sông núi, nơi Nguyễn Du “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”… đó là cái quý báu làm cho người ta sống và người ta chạy đi tìm kiếm…
Gắn bó hữu cơ với giá trị nội dung là sự khéo léo nhuần nhuyễn sử dụng ngôn từ. Cái hay cái đẹp lại được gói ghém khéo léo thì ai cũng thèm cũng mê. Nó nhập hồn ta và cứ khiến ta bận tâm.
Cha ông ta xưa đã khoé léo vận dụng thơ văn để khuyên răn, dạy dỗ con cái. Những vần thơ, những câu ca dao nặng tính triết lý đã đi sâu vào lòng người. Ta thử hỏi có ai là người Việt Nam lại không thuộc, không hiểu đạo lý làm con phải hiếu qua câu thơ:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ kính mẹ cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Hay khi nói về tình mẹ, cha ông ta thường ví như cái gì đó rất ngọt ngào, thơm ngon:
“Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một như đường mía lau”.
Người xưa con dùng thơ văn để nói lên nỗi lòng của mình. Chúng ta thử nghe một câu ca dao đơn sơ:
“Thân em
như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân”.
Ta có thấy lòng mình xót xa cái “thân em” không? Quả thực:
“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”.
Ta cứ thấy niềm mơ ước tấm lụa ấy…
Ca dao ra đời và tồn tại là để đáp ứng những nhu cầu bộc lộ tình cảm của con người. Bên cạnh những bài ca về yêu thương tình nghĩa thì những lời than thở về cuộc đời đau khổ, đắng cay cũng là một đề tài rất tinh tế trong hệ thống ca dao dân ca Việt Nam. Đó là những lời than thân trách phận, tâm tư tình cảm của những con người lao động và họ đã mượn hình ảnh con cò để bày tỏ nỗi lòng của mình.
“Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi, ông vớt tôi vào,
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Chớ xáo nước đục, đau lòng cò con”.
Hình ảnh ẩn dụ “nước trong”, “nước đục” đã gợi cho chúng ta biết cò là một người rất trọng danh dự. Nếu phải chết, cò muốn chết trong “nước trong” – chết trong danh dự chứ không phải là “nước đục” – một sự tượng trưng cho tai tiếng, nhục nhã và đầy hổ thẹn. Lời của cò còn thể hiện được những khao khát, những nỗi niềm khác nhau. Cò muốn được sống để có thể lo cho con, cho gia đình. Tiếng kêu của nó chân thành, gấp gáp giống như tiếng kêu của một sự cầu cứu. Dù sắp chết nhưng cò vẫn nghĩ đến lương tâm, trách nhiệm của mình đối với các thế hệ con cháu đời sau. Cò sợ đời sau xấu hổ, tủi thân, phải mang tiếng xấu với đời. Qua lời cò, câu ca dao đã đề cập đến người bình dân Việt Nam rất trọng danh dự, luôn có trách nhiệm với thế hệ sau.
Thi hào Nguyễn Du đau đời và thương người, thương da diết và đau phận “nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương” của nàng Kiều:
“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa
Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân…”
“Tiếc thay nước đã đánh phèn
Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần”.
Đã thất thân, giữa chốn thanh lâu, Kiều thở than, lời than thở mấy ai hiểu thấu?
“Người yêu ta xấu với người
Yêu nhau thì lại bằng mười phụnhau…”
“Một mình âm ỉ canh chầy,
Dĩa dầu vơi, nước mắt đầy năm canh”.
Ôi Thôi!
“Xót thay chiếc lá bơ vơ
Kiếp trần biết giũ bao giờ cho xong
Hoa trôi nước chảy xuôi dòng
Xót than chìm nổi, đau lòng hợp tan”.
Kết tập truyện thơ,Cụ Nguyễn Du bộc bạch:
“Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh…”.
“Lời quê”, Cụ quá khiêm tốn mà nói thế, những lời ấy chẳng còn là quê nhưng rất thần kỳ, đi sâu vào tậm hồn khiến ta phải nặng lòng… Mấy ai diễn thành những “lời quê” như thế ấy… cho hậu thế mãi mãi ngẫm nghiền?
Cách đây mấy thập niên việc học giáo lý hoàn toàn dựa vào thơ ca. Chính những vần thơ đãđi vào lòng người những giá trị của Kitô giáo. Chính những vần thơ đã giúp cho các tín hữu hiểu và sống đạo. Như bài thơ CÓ THIÊN CHÚA mà mỗi người chúng ta từng đã thuộc nằm lòng:
Có thợ thì mới có nhà
Nếu không có thợ hỏi nhà đâu ra
Nhìn xem trời đất bao la
Trăng sao sông biển cỏ hoa núi rừng
Chòm cây chim hót vang lừng
Mặt trời gieo ánh tưng bừng sáng tươi
Bao nhiêu cảnh sắc tuyệt vời
Quyết rằng cũng phải có người dựng nên
Ấy là Thiên Chúa chớ quên
Suốt đời yêu mến ngày đêm kính thờ.
Hoặc những bài thơ đã được phổ nhạc càng đi vào lòng người và giúp cho việc dạy giáo lý càng hiệu quả hơn như:
Ai cho hoa trái chín ngon trên cành cây.
Ai cho tinh tú sáng soi trên bầu trời
Chính Chúa dựng nên muôn sao lấp lánh
Chính Chúa ban trái ngọt chín thơm trên cành.
Kết
Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy nhiều người đã đổi đời nhờ gặp một cuốn sách, một lời dạy thấm thía, nhất là gặp được một tấm lòng… Sao ta không cố gắng rèn luyện từcon tim luôn sẵn sàng những lời tao nhã, những cử chỉ nhân văn làm máng chảy truyền thông sức sống thần linh cao quý. Nhất là biết vận dụng những vần thơ,những áng văn để diễn tả tình yêu của Chúa cho nhân trần, để loan báo Tin Mừng đến cho muôn loài.
Ước mong CLB Đồng Xanh Thơ của chúng ta luôn được Thần Khí Chúa hướng dẫn để biết chuyển tải Tin Mừng của Chúa qua thơ văn như những món ăn ngon đến cho mọi người.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
2021
Phải sống cách nào để làm chứng nhân đích thực cho Chúa Kitô trong hoàn cảnh thế giới ngày nay?
Phải sống cách nào để làm chứng nhân đích thực cho Chúa Kitô trong hoàn cảnh thế giới ngày nay?
Bổn phận truyền giáo
Thế giới ngày nay đang ngụp lặn trong “văn hóa của sự chết = culture of death” như Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (nay là Chân Phước) đã dùng cụm từ trên để diễn tả, và kêu gọi mọi tín hữu lưu tâm đúng mức về thảm họa này. Cũng như thêm tích cực sống đức tin Công giáo để chống lại ảnh hưởng rất tai hại của làn sóng vô thần, vô luân đang lôi cuốn và xô nhanh biết bao người ở mọi nơi vào con đường hư mất.
Thật vậy, chủ nghĩa tương đối (relativism), cùng với chủ nghĩa hưởng thụ vật chất (material comsumerism), đang lừa dối con người tới mức coi thường hay khinh chê mọi giá trị luân lý, đạo đức để từ đó, quyến rũ con người ở khắp nơi lao mình đi tìm tiền của, thú vui và hư danh trần thế bằng mọi giá, bất chấp lương tri và đạo đức là nền tảng cho một đời sống nhân luân xứng đáng với địa vị là con người, khác biệt với mọi loài vật cầm thú vô tri.
Chính vì không còn nghe theo tiếng nói của lương tâm, một quà tặng quí giá mà Thiên Chúa chỉ ban tặng riêng cho con người để giúp con người biết sống theo đường lối của Ngài hầu được cứu rỗi, nên người ta đã lẫn lộn giữa sự thiện và điều ác, lấy gian manh lừa đảo làm lẽ sống, chà đạp thô bạo mọi giá trị của luân lý, phong hóa, công bằng, nhân ái, coi trọng súc vật , như chó, mèo, rùa (turtle), chim, cá… hơn cả sự sống của con người, dù chỉ mới thành hình trong lòng mẹ. Đó là tội phá thai ở khắp nơi – tức giết người – mà người ta coi là vô tội, là hợp lý, là quyền riêng của phụ nữ, trong khi tự bản chất (intrinsically), đó là tội ác lớn lao nhất mà con người thời đại này đã phạm và vô tình chống lại Thiên Chúa là Nguồn phát sinh mọi sự sống.
Mặt khác, cũng vì coi rẻ lương tâm, không chấp nhận có luân lý, đạo đức phổ quát (universal ethics and morals) vì coi mọi giá trị tinh thần và đạo đức chỉ là tương đối, nên con người ở khắp nơi ngày nay, đang mặc sức làm những sự dữ như chém giết, gian ác, tráo trở, lừa đảo, bóc lột, bất công, chà đạp quyền sống của con người, cho phép hôn nhân đồng tính (same sex marriage) sản xuất sách báo, phim ảnh bạo động, dâm ô, và nhất là buôn bán phụ nữ và trẻ em cho kỹ nghệ mãi dâm và ấu dâm (child prostitution) rất khốn nạn và vô luân.
Tệ hại không kém là tập đoàn tài phiệt, đại tư bản gian ác ở Mỹ đã dùng tiền bạc để mua chuộc (lobby) các dân biểu, nghị sĩ để họ thông qua luật không tăng hay miễn thuế cho bọn chúng, nhưng lại cắt giảm ngân quỹ dành cho bệnh nhân, cho giáo dục và người già sống nhờ trợ cấp xã hội (tiền già, SSI). Đây là tội ác của những tay đại tư bản quá giầu có, nhưng hoàn toàn vô tâm, lãnh cảm (numb) trước sự đau khổ của người nghèo, người có lợi tức thấp, không có bảo hiểm sức khỏe và không có tiền cho con cái đi học đại học như con cái của bọn nhà giầu kia.
Ở bên kia thái cực, những người cầm quyền của các chế độ cộng sản còn lại trên thề giới hiện nay, đều đã trở thành “những đại tư bản đỏ”, những tay giầu sụ nhờ vơ vết tài sản của công làm của riêng và tàn nhẫn bóc lột người dân đen để có nhiều tiền chuyển ra ngoại quốc phòng thân, cũng như gửi con cái đi học ở Mỹ, Canada, Anh, Pháp… trong khi đa số người dân trong nước còn sống dưới mức nghèo khổ, phụ nữ phải bán thân nuôi miệng, hoặc nhắm mắt trao mình cho bọn buôn người khai thác kỹ nghệ mãi dâm dưới bình phong “hôn nhân nước ngoài” vô cùng khốn nạn và vô luân như đã diễn ra từ nhiều năm nay .
Trước thực trạng này, là người tín hữu Chúa Kitô trong Giáo Hội Công Giáo, chúng ta được kêu gọi hơn bao giờ hết phải thực sự sống niềm tin có Thiên Chúa là Cha cực tốt cực lành, là Đấng công minh chính trực để làm chứng cho Chúa Kitô, Đấng đã đến không những để cứu con người khỏi chết vì tội, mà còn mặc khải cho chúng ta biết về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong Mầu nhiệm Ba Ngôi Một Thiên Chúa duy nhất, thánh thiện, công bình, khoan dung và đầy yêu thương, nhưng gớm ghét mọi tội lỗi.
Sau khi hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại, và trước lúc về Trời, Chúa Giêsu đã ân cần căn dặn các Tông Đồ như sau: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là nhân chứng cho Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giuđa, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1,8)
Làm nhân chứng cho Thầy ở Giê-ru-salem và cho đến tận cùng trái đất nghĩa là gì ?.
I- Trước hết, về phía người đi rao giảng, dạy dỗ chân lý:
Làm chứng cho Thầy chắc chắn không phải là chỉ nói cho hay, giảng cho hùng hồn, hấp dẫn, xây chủng viện tốn phí lên đến 4, 5 triêu dollars hoặc xây hay sửa sang thêm nhiều nhà thờ nguy nga lộng lẫy để khoe khoang với du khách nước ngoài về mức phát triển (giả tạo) của Đạo Thánh ở Giáo hội địa phương.
Nói thế không có nghĩa là không cần xây chủng viện hay nhà thờ, mà chỉ muốn nhấn mạnh điều quan trọng hơn, là phải chú tâm xây đền thờ Chúa trong tâm hồn mọi tín hữu, đào tạo những Kitô Hữu đích thực để làm nhân chứng cho Chúa Kitô trong một xã hội, một thế giới quá gian tà như thực trạng ở khắp nơi ngày nay .
Thật vậy, làm chứng nhân cho Chúa Kitô không phải chỉ chú trọng rao giảng Tin mừng Cứu Độ của Chúa – mặc dù là cần – nhưng cần thiết và quan trọng hơn, là chính người đi rao giảng phải sống và thực hành cách trung thực điều mình giảng dạy. Có như thế, thì mới mưu ích cho phần rỗi của chính mình và cho người khác, nhờ gương sống đức tin của mình trong vai trò nhân chứng cho Chúa giữa thế gian, khiến cho nhiều người tin và biết sống ngay lành để được cứu rỗi, vì đó “là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” (1 Tm 2,3-4).
Nói khác đi, nếu người rao giảng không sống trung thực với nội dung Tin Mừng thì sẽ không thuyết phục được ai nghe và tin điều mình giảng dạy. Và như thế, thay vì là nhân chứng cho Chúa, người ta sẽ trở thành phản chứng (anti-witness), vì lời nói không đi đôi với việc làm, lý thuyết mâu thuẫn với thực hành, khiến không ai muốn nghe và tin điều mình dạy bảo nữa.
Cụ thể nhất hiện nay, là …
… Trở lại vai trò nhân chứng của người rao giảng, nếu không sống và thực hành những gì mình giảng dạy cho người khác, thì chính mình cũng sẽ chẳng được lợi ích gì về mặt thiêng liêng như Thánh Phaolô đã tự cảnh giác ngài như sau: “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tội lại bị loại”. (1 Cor 9,27).
Bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, có nghĩa là phải chiến đấu với chính bản thân mình để vượt thắng những trở ngại của bản chất tham sân si để sống đúng với điều mình dạy bảo người khác, hầu nêu gương sáng cho họ và thuyết phục họ tin và sống điều mình giảng dạy cho họ..
Cụ thể, giảng yêu thương, công bình và bác ái cho ai thì chính mình phải nêu gương sáng trước tiên về những nhân đức này, “… để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,16)
Cũng vậy, giảng khó nghèo và khiết tịnh (chastity) cho người khác, nhưng chính bản thân mình lại công khai có vợ con, chạy theo tiền của, làm tay sai cho chế độ cai trị để mưu tư lợi và phá hoại Giáo Hội, bất chấp giáo luật. (x. Giáo luật số 285), thì làm chứng cho ai?
…
Mặt khác, không nên quá chú trọng xây nhà thờ, hay sửa sang cho đẹp bề ngoài mà không chú tâm xây đền thờ Chúa trong tâm hồn của mọi tín hữu như đã nói ở trên, thì ích lợi gì?
Có đông tín hữu ngồi chật kín nhà thờ trong các ngày lễ lớn, mà khi ra về, nhiều người vẫn sống thiếu bác ái, thiếu luân lý, thì thà có ít người đến thờ phượng Chúa nhưng biết sống ngay lành nhờ lời giảng dạy đúng và gương sáng của chủ chăn thì vẫn quí hơn nhiều. Và đây mới là điều cần thiết phải làm để nên nhân chứng cho Chúa trong trần thế này.
Nói khác đi, sống trong một xã hội đã quá tha hóa, tụt hầu nặng nề về luân thường, đạo lý, về công bình, bác ái và thiếu tình người, thì cần thiết hơn bao giờ hết là phải nêu cao những giá trị của Kitô Giáo về một đời sống có luân lý, đạo đức, công bằng, lương thiện và yêu thương để làm nhân chứng cho Chúa Kitô về những giá trị căn bản này, hầu đánh tan bóng đêm của gian tà, và tội ác đang bao phủ môi trường xã hội ở khắp nơi hiện nay.
Cũng vậy, xây chủng viện cho to và tốn nhiều tiền của nhưng nếu không dạy cho chủng sinh – những mục tử tương lai của Giáo Hội – một linh đạo (spirituality) sâu sắc và quân bình, một kiến thức chuyên môn cần thiết (sufficient or adequate knowlege), và một tình thần tông đồ nhiệt thành, thì sẽ không tránh được những mục tử sai trái về giáo lý, tín lý, phụng vụ, và mục vụ sau này khi ra thi hành sứ vụ.
Và trong viễn ảnh đó, thì thay vì làm nhân chứng cho Chúa, người tông đồ sẽ trở thành phản chứng do chính công việc mình làm trước mặt người khác.
Cụ thể, không thể làm nhân chứng cho Chúa về đức bác ái Kitô Giáo nếu lời giảng dạy và việc làm của mình lại lỗi bác ái cách nặng nề, …
Đó là về phía người có trách nhiệm rao giảng Tin Mừng và dạy dỗ chân lý của Đạo Thánh mà Chúa Kitô đã mang từ trời xuống để giảng dạy cách nay hơn 2000 năm..
II- Về phía người nghe rao giảng Tin Mừng:
Tức mọi tín hữu trong Giáo Hội, thì làm nhân chứng cho Chúa càng đòi hỏi phải thực thi trong đời sống của mình giữa bao người khác, những gì là cốt lõi của Tin Mừng. Cụ thể là thực tâm mến Chúa, yêu người, chuộng công bình, thực thi bác ái, nhất là xa tránh mọi tội lỗi, và mọi thói hư tật xấu của môi trường xã hội để “… trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa giữa một thế hệ gian tà, sa đọa. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời..” (Pl 2: 15).
Lời Chúa trên đây nhằm để cho ta sống và thực hành, hay chỉ là “giáo điều” không thực tế, không áp dụng được???.
Thật vậy, sống trong một thế giới của “văn hóa sự chết”, giữa biết bao nhiêu người tôn thờ chủ nghĩa hưởng thụ vật chất và vui thú vô luân, làm những sự dữ như giết người, gian dâm, thay chồng đổi vợ, bóc lột, lường đảo, gian ác… chỉ vì không tin có Thiên Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành, công minh, đầy yêu thương và thánh thiện.
Nếu người Công giáo cũng sống và hành động như những kẻ vô thần hay dửng dưng với mọi tín ngưởng nói trên, thì làm sao có thể là nhân chứng cho Chúa Kitô được ?
Nói khác đi, nếu không thực sự yêu mến Chúa trên hết mọi vinh quang, giầu sang và vui thú hư hèn ở đời này, để quyết tâm tìm Chúa và sống theo đường lối của Người, xa tránh mọi tội lỗi, mọi lối sống của “văn hóa sự chết”, thì không những vô ích cho phần rỗi của chính mình, mà còn không giúp ích gì cho ai trong vai trò làm nhân chứng đức tin để mời gọi người khác tin và yêu Chúa để được cứu rỗi như lòng Chúa mong muốn (x. 1 Tm 2,4)
Trong viễn ảnh đó, thì công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô cũng sẽ trở nên vô ích cho những ai chỉ mang danh Kitô hữu, nhưng đời sống, tư tưởng và hành động lại hoàn toàn mâu thuẫn với nội dung của danh xưng này.
Đó là lý do vì sao Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa như sau: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lậy Chúa, lậy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâ ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7, 21)
Thi hành ý muốn của Cha trên trời, có nghĩa là phải sống theo đường lối của Chúa, thực thi công bình và bác ái, xa tránh mọi tội lỗi để trở nên men, muối và ánh sáng của Chúa Kitô trong một thế giới đang bị ung thối vì tội ác và bao phủ với mây mù của sự dữ.
Tóm lại, mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội đều có sứ mệnh cao cả là làm chứng tá cho Chúa Kitô trước mặt người đời bằng chính đời sống của mình, bằng việc làm cụ thể phản ánh trung thực mọi giá trị của Tin Mừng Cứu Độ để mời gọi những người chưa biết Chúa, được tin có Chúa nhờ đời sống nhân chứng đích thực của mình.
Linh mục Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
2021
Nói chuyện với một người vô thần về Kitô giáo
Nói chuyện với một người vô thần về Kitô giáo
Cách đây không lâu, chủ nghĩa vô thần là một hệ thống tín ngưỡng mà họ không dám nói tên. Ngay cả người hoài nghi hăng hái nhất cũng có lúc miễn cưỡng bảy tỏ niềm tin, hoặc chí ít là đối với những phúc lành là nguồn cội của nhân loại.
Nhưng điều này không còn nữa. Chủ nghĩa vô thần trở thành một ảnh hưởng mạnh mẽ và đang phát triển trong nền văn hoá của chúng ta. Bạn có thể nhìn thấy chúng ở mọi nơi, từ kệ trưng bày những quyển sách bán chạy nhất tại nhà sách cho đến những miếng dán hình con cá (biểu tượng của Kitô giáo) bị biến hoá theo kiểu Darwin trên xe hơi nơi đường phố. Những người theo chủ nghĩa vô thần thoải mái tuyên bố họ là vô thần, thoải mái phát huy chủ nghĩa vô thần và thoải mái gièm pha tôn giáo, và theo những nhà vô thần lỗi lạc, tôn giáo nằm trong danh sách những ơn lành của nhân loại, ở nơi nào đó giữa bệnh bạch cầu và Chủ nghĩa Phát xít.
Và trong thời đại ngày nay, chúng ta đối mặt với chủ nghĩa vô thần thường xuyên hơn, nhưng Kitô hữu đôi khi nhận thấy mình không được chuẩn bị tốt để đương đầu với kiểu chủ nghĩa vô thần mạnh mẽ này. Đặc biệt đối với những người suốt cả đời là Kitô hữu, những lý luận của những người theo thuyết vô thần quá xa lạ đối với họ làm cho họ không biết phản ứng lại thế nào, và thường rơi vào trạng thái tức giận (“Làm sao bạn dám nói thế?!”) hoặc trạng thái lo sợ (“Nếu họ nói đúng thì sao?!”), cả hai trạng thái đều không tốt, làm nguy hại đến vai trò chứng nhân của một Kitô hữu, và giúp cho những người vô thần càng vững vàng trong chủ nghĩa vô thần của mình.
Nếu chúng ta sẽ phải đương đầu ngày một nhiều hơn với những người theo thuyết vô thần (và thật sự là như thế, có thể ở nơi làm việc hoặc nơi tiệm giặt ủi công cộng hoặc ngay cả tại bàn ăn), chúng ta nên được chuẩn bị để giải thích niềm tin của chúng ta theo một cách tạo ra tiếng vang đối với những người không có đức tin. Dưới đây là một danh sách những điều cần làm và không nên làm mà bạn cần chú ý khi thảo luận về vấn đề tôn giáo với những người theo thuyết vô thần:
- Đừng sợ thừa nhận bạn có niềm tin. Những Kitô hữu thường cho biết họ lâm vào tình tình huống đối mặt với chủ đề: tại sao họ lại tin, và tất cả những gì họ có thể trả lời chính là họ có niềm tin cho dù họ chưa bao giờ thực hiện bất kỳ nghiên cứu tìm tòi nào. Họ thường cảm thấy xấu hổ về điều này. Nếu bạn vướng vào một cuộc trò chuyện về lý do tại sao bạn tin và đó là tất cả những gì bạn có, cũng đừng e sợ. Cố gắng nói năng thật rõ ràng lưu loát. Ví dụ, bạn có thể giải thích rằng niềm tin của bạn không khác gì một câu chuyện bạn kể về những gì mình cảm thấy hạnh phúc, hoặc nói về điều gì làm bạn tin rằng bạn có một mối quan hệ thật sự với một Đấng bên ngoài thế giới vật chất.
- Đừng kết luận rằng những người bạn theo chủ nghĩa vô thần của bạn tức giận Chúa hoặc cảm thấy có điều gì đó khiếm khuyết trong cuộc sống của họ. Hãy nói chuyện với họ từ giả thuyết rằng người này theo chủ nghĩa vô thần đơn giản bởi vì cô ta/anh ta chưa được nhìn thấy bất cứ bằng chứng nào chứng minh Chúa tồn tại.
- Đừng trích dẫn Kinh Thánh, nhưng hãy nắm chắc Kinh Thánh. Kinh Thánh chính là nguồn của sự khôn ngoan tuyệt vời, nhưng nếu bạn trích dẫn Kinh Thánh với một người theo chủ nghĩa vô thần như một người am hiểu, điều này cũng giống như bác sĩ giải thích chẩn đoán của mình với bạn bằng cách đọc một đoạn văn trong truyện Harry Potter. Đừng nghĩ chỉ cần nói ra những câu Kinh Thánh và hy vọng thuyết phục được ai đó. Nội dung của mỗi câu Kinh Thánh đều có những nguyên nhân. Hãy học biết những nguyên nhân phía sau và được chuẩn bị để giải thích chúng.
- Đừng cảm thấy như bạn phải có tất cả các câu trả lời ngay lập tức. Tốt hơn rất nhiều khi chỉ cần nói một cách đơn giản: “Một câu hỏi tuyệt vời! Tôi chưa có câu trả lời, nhưng tôi rất thích tìm hiểu và trả lời sau cho bạn”, thay vì cố sức với lĩnh vực xa lạ đối với bạn.
- Hãy giải thích bức tranh toàn cảnh. Hãy tìm hiểu để quen với bối cảnh lịch sử Kitô giáo, và đưa ra những lời giải thích sâu về những lý do làm cho tôn giáo này vô cùng hấp dẫn -rằng cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu ứng nghiệm những câu Kinh Thánh trong Cựu Ước mà tất cả những nhà sử học đều công nhận đã xuất hiện trước thời của Ngài; rằng hầu hết tất cả các tông đồ đều tử đạo vì niềm tin của họ; rằng Kitô giáo lan rộng rất nhanh bất chấp những cuộc bách hại khủng khiếp. Nghiên cứu những bài viết của những tín hữu thời sơ khai, những người bảo vệ Kitô giáo trong bối cảnh một thế giới ngoại giáo chống đối niềm tin của họ trên một phương diện rộng.
- Biết lý luận. Đừng thiếu suy xét khi bỏ qua những căn cứ khoa học hoặc logic. Đúng là khoa học không có được tất cả câu trả lời, nhưng nó có được một số câu trả lời và nếu bạn cố để phủ nhận nó, bạn sẽ gặp phải nguy cơ tự đẩy mình trở thành người có suy nghĩ lập dị. Như ĐGH Bênêđictô XVI luôn nhắc nhở chúng ta, Thiên Chúa mà chúng ta tin là Thiên Chúa của lẽ phải. Có một quá trình lịch sử dài nghiên cứu về những lý lẽ có căn cứ dành cho Kitô giáo, và nếu bạn sử dụng chúng, những gì bạn nói sẽ làm cho những người bạn theo chủ nghĩa vô thần của bạn có thể hiểu được. Hãy tìm hiểu về một vài triết gia Kitô giáo và những nhà biện bộ tôn giáo. Nếu bạn vẫn chưa đọc tác phẩm Mere Christianity của C.S. Lewis, bạn còn chần chừ gì nữa?
- Hãy nhận thức rằng mục tiêu duy nhất của bạn chính là gieo hạt. Trong những cuộc tranh luận, có những lúc có thể bạn quá tập trung vào chi tiết và quên đi bức tranh toàn cảnh. Hoàn toàn không thể nào chỉ trong một cuộc trò chuyện, người bạn cùng trò chuyện được thuyết phục bởi chân lý Kitô giáo. Chỉ cần cố gắng hết sức có thể để bảo vệ niềm tin Kitô giáo, và nhớ rằng rốt cuộc thì cuộc trò chuyện là công việc của Chúa, không phải của bạn.
- Hãy đặt bản thân mình vào trong vị trí của người bạn theo chủ nghĩa vô thần. Ví dụ như, giả sử sẽ thế nào nếu Kitô giáo là sai và thần thoại Hy Lạp mới thật sự đúng? Điều gì thuyết phục bạn tin vào điều đó?
- Đừng sử dụng quá nhiều những câu khẩu hiệu của Kitô giáo. Những Kitô hữu phải “phó dâng tâm hồn mình cho Chúa Giêsu” và “Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta” và chúng ta “bước đi mỗi ngày cùng với Đấng Cứu Thế”, để chúng ta “ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian”. Tất cả những câu khẩu hiệu ấy, đối với bất cứ một Kitô hữu nào cũng rất ý nghĩa, sâu sắc và hiểu được ngay, nhưng lại không hề có một ý nghĩa gì đối với những người ngoài niềm tin Kitô giáo. Thật khó để tránh, vì chúng ta đã quen sử dụng chúng một cách ngắn gọn, nhanh chóng cho những khái niệm rất phức tạp. Nhưng bạn nên giải thích những khái niệm ấy bằng những thuật ngữ đơn giản.
- Cầu nguyện. Đừng mắc sai lầm khi đưa ra câu trả lời chỉ dựa vào sự khôn ngoan của bản thân trong khi bạn có Thần Khí Chúa bên cạnh hướng dẫn. Hãy cầu nguyện để bản thân có được sự chỉ dẫn và cầu nguyện cho những người bạn theo chủ nghĩa vô thần của bạn có được một tâm hồn dễ tiếp nhận. Bạn sẽ ngạc nhiên trước tính hiệu quả của phương cách này. Và nó cũng có ích cho chính bạn.
Chúng tôi không khuyến khích bất cứ ai đi tìm một cuộc tranh luận – mà không bao giờ thuyết phục được ai vào gia đình của Chúa. Nhưng nếu được chuẩn bị về tinh thần, một khi thời giờ đến, bạn sẽ sẵn sàng để nói về đức tin theo những thuật ngữ quen thuộc với những người bạn không có niềm tin và những thành viên trong gia đình.
Jason Anderson và Jennifer Fulwiler
Thiên Ân dịch
2021
Benjamin Franklin
Benjamin Franklin
– Một trong các tác giả của bản Hiến pháp Mỹ (1787).
– Năm 1776, Franklin được cử sang Pháp làm đại sứ nhằm đạt được liên minh với Pháp chống lại Anh, và vay tiền.
– Ông đã sáng chế ra cột thu lôi.
– Nước Mỹ thế kỷ 18 không biết đến một ai có tài năng toàn diện và năng động như ông: một nhà văn, nhà xuất bản, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội và một nhà ngoại giao, người ta đã gọi ông là “người đầu tiên trong những người Mỹ văn minh”.
– Ông mất ở tuổi 84 và lễ tang “một trong những người kiệt xuất nhất của nhân loại” đã kéo dài 30 ngày.
* TƯ TƯỞNG
1. Điều quan trọng nhất đối với chúng ta không phải là tri thức về phương thức mà giới tự nhiên thực hiện các quy luật của mình; biết được bản thân các quy luật đó là đủ.
2. Niềm tin của tôi là như sau. Tôi tin vào một Chúa duy nhất – bậc sáng tạo ra vũ trụ, tin vào việc Chúa điều hành vũ trụ nhà tiên tri, tin rằng cần phải phục tùng Chúa, tin rằng sự phục vụ hợp ý Chúa nhất là làm điều thiện cho các con chiên khác của Chúa, tin rằng linh hồn của con người là bất tử và cần phải đối xử với nó một cách công bằng, phù hợp với lối ứng xử của nó trên trần gian này.
3. Tiến bộ nhanh chóng của khoa học chân chính đôi khi làm cho tôi thấy đáng tiếc là tôi đã sinh ra quá sớm. Không thể hình dung được đỉnh cao mà quyền lực của con người đối với vật chất đạt tới sau một nghìn năm… Cuộc sống của chúng ta sẽ kéo dài theo ý muốn. Khoa học Đạo đức sẽ đi theo con đường hoàn thiện đúng đắn, do vậy sẽ không có chuyện “người với người là chó sói” như bây giờ, và rốt cuộc thì con người sẽ hiểu được cái mà hiện nay họ gọi không đúng là nhân ái
4. Luật pháp trong chính trị có thể làm được gì nếu không có đạo đức?
5. Sự tiến bộ của chúng ta trong triết học là nhỏ bé biết nhường nào?
6. Khi có tôn giáo mà con người còn yếu đuối như vậy, nếu không có tôn giáo thì họ sẽ làm được gì?
7. Tôi nghĩ rằng cần phải phán xét về các ý kiến theo ảnh hưởng và kết quả của chúng.
8. Mọi sinh vật đều hạn chế ở hành động của mình và chỉ có khả năng làm những gì mà Chúa giao phó cho, không có khả năng khước từ thực hiện gì mà Chúa sẽ thực hiện. Do vậy nó không có tự do, tự do ý chí, khả năng thực hiện hay không thực hiện một hành vi nào đó.
Đôi khi tự do được hiểu là vắng mặt các trở ngại, với nghĩa đó thì có thể nói thực rằng mọi hành vi của chúng ta là hệ quả của tự do của chúng ta. Nhưng tự do này cũng giống như tự do rơi xuống đất của vật rắn. Vật này cũng tất yếu phải rơi xuống nếu không có gì cản trở nó…
9. Tôi bắt đầu dần dần tin tưởng rằng chân lý, sự chân thành và sự chính trực trong quan hệ giữa người với người có một ý nghĩa to lớn đối với hạnh phúc, và tôi đã viết các quy tắc ứng xử.
10. Hãy làm theo Chúa Giêsu và Xôcrát.
11. Kinh nghiệm là một trường học đắt giá nhưng biết làm gì nếu không có trường học khác cho những kẻ ngu xuẩn.
12. Nếu bạn không quý sự khôn ngoan thì nó tất yếu sẽ trả thù bạn.
13. Kiếm củi ba năm đốt một giờ./ Thời gian là tiền bạc.
14. Chế ngự ý muốn đầu tiên ở mình dễ hơn là đáp ứng mọi ý muốn sau đó.
15. Trước khi hỏi ý kiến ham muốn kỳ quặc thì hãy hỏi ý kiến túi tiền của mình.
16. Nếu bạn muốn người khác luôn làm vừa lòng bạn thì hãy tự phục vụ mình.
17. Mèo bị nhốt trong cũi không bắt được chuột.
18. Chìa khóa được sử dụng thì luôn sáng.
19. Hãy lịch sự với tất cả, chan hòa với đa số, đùa vui với một số.
20. Sự lười biếng giống như sắt bị gỉ: nó ăn mòn nhanh hơn là do việc sử dụng liên tục làm đồ sắt hao mòn.
21. Nhìn thấy thì dễ, còn nhìn thấy trước mới khó.
22. Người có tài minh biện thì khó có thể có được tài khác nữa.
23. Mắt của người chủ làm được nhiều thứ hơn hai tay.
24. Không theo dõi người làm tức là mở hầu bao của mình cho họ.
25. Ba lần đổi nhà bằng một lần cháy nhà.
26. Tất cả các nhà triết học đều có các câu châm ngôn uyên bác, nhưng lại có có lối ứng xử ngu xuẩn.
27. Các sự kiện lớn của thế giới, chiến tranh, cách mạng đều do các đảng phái thực hiện và lãnh đạo…
Quan điểm của các đảng đó được quy định bởi mục đích chung trước mắt của chúng hay là bởi cái chúng coi là như vậy… Sự khác nhau về quan điểm của các đảng đó tạo ra một mớ bòng bong…
Trong khi đảng thực hiện các mục đích chung thì mỗi người lại theo đuổi mục đích riêng của mình…
Ngay khi đảng đạt được mục đích cơ bản của mình thì mỗi đảng viên đều bắt đầu quan tâm tới lợi ích riêng của mình: qua đó nó mâu thuẫn với những đảng viên khác, sự chia rẽ diễn ra trong đảng, điều này tạo ra mớ bòng bong lớn hơn… Trong số những kẻ làm công việc xã hội thì chỉ có một số ít người vì phúc lợi của đất nước mình, cho dù ai có nói gì thì nói.
28. Tôi coi một quy tắc là tránh mâu thuẫn trực tiếp với ý kiến của người khác, cũng như bảo vệ quan điểm của mình một cách tự tin. Tôi thậm chí còn tự cấm mình sử dụng cách diễn đạt ý kiến cứng nhắc như “đương nhiên”, “hiển nhiên” và vv., mà thay vào chúng là “tôi giả định”, “tôi lo ngại”, “tôi nghĩ” hay là “tôi cảm thấy”. Khi ai đó đưa ra ý kiến sai lầm, tôi không chỉ ngay ra tính nhảm nhí của nó, mà bắt đầu câu trả lời của mình từ nhận xét rằng ý kiến đó là đúng trong điều kiện nào đó, nhưng trong trường hợp này thì tôi cảm thấy tình hình lại khác…
29. Nếu bạn tranh luận, nổi nóng và bác bỏ, bạn có thể giành được thắng lợi, nhưng đó sẽ là một thắng lợi vô bổ, vì bạn không bao giờ giành được thiện chí của địch thủ…