2021
Các bí quyết của một hôn nhân hạnh phúc: 08 – Bí quyết nghĩa tình bằng hữu
Đừng lấy người mà bạn có thể sống chung; hãy lấy người mà bạn không thể sống được nếu thiếu người ấy.
Khi kết hôn chúng ta được khuyên nên làm gì là khôn ngoan nhất? Bà ngoại tôi hay thẳng thắn nói thế này khi có người nào hỏi bà về chuyện kết hôn: “Đừng lấy người mà cháu có thể sống chung; hãy lấy người mà cháu không thể sống được nếu thiếu người ấy”. Đó là bí quyết về người bạn thân tốt nhất. Nghĩa bằng hữu phu thê.
Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là cuộc hôn nhân của anh/chị sẽ đạt kết quả tốt nhất nếu anh/chị kết hôn với người bạn tốt nhất của anh/chị. Trong một nghiên cứu của Robert và Jeanette Lauer về 351 cặp vợ chồng thành công trong cuộc sống hôn nhân tốt đẹp trên mười lăm năm, các cặp này đều có một tuyên bố chóp đỉnh giống nhau, đó là: “Chồng (vợ) tôi là người bạn tốt nhất của tôi”.
Chúng ta đã thấy sự lãng mạn là trung tâm của một cuộc hôn nhân triển nở. Nhưng điều đó không có nghĩa là suốt cuộc đời bạn và người bạn đời của bạn luôn say mê nhau trong tình yêu đắm đuối của thuở thanh xuân khi mới quen nhau. Nó có nghĩa là có một sự hấp dẫn thực sự bên dưới mọi sự khác trong khi sống mối quan hệ phu thê.
Thực tế, hầu hết các mối quan hệ trong hai năm đầu có thể rất nồng nàn. Đó là thời gian anh/chị không thể nghĩ đến cái gì khác ngoài người bạn đời của anh/chị. Luôn nhớ tới cái hôn đầu tiên chiều hôm ấy. Hôn là cách Thiên Chúa làm cho hai người thân thiết với nhau đến độ họ không thể nhìn thấy được có cái gì sai trái đối với mình. Chỉ cảm thấy say đắm, tương tư. Suốt thời gian hai năm đó, hễ mỗi lần chỉ mới thoáng thấy người bạn tình là tim bạn đã đập liên hồi và bạn không mơ mộng cái chi khác. F. Scott Fitzgerald xem cảm xúc này “giống như cơn say thần linh” nồng cháy.
Nhưng những ai đã trưởng thành chín chắn đều biết rằng sau một thời gian, yêu thương say đắm sẽ lắng dịu, và bạn sẽ quen dần với cái đều đặn của thực tế đời sống hằng ngày. C. S. Lewis viết: «Nếu câu chuyện cổ tích thường kết thúc nói rằng ‘từ đó họ luôn sống hạnh phúc’, điều đó hàm nghĩa là ‘họ sẽ cảm thấy trong năm mươi năm tới giống y như khi họ cảm thấy những tháng ngày trước khi cưới’, thì nó muốn nói rằng chuyện đó có lẽ không hề có thực hoặc không bao giờ có thể trở thành hiện thực, và giả như nó có thực đi nữa thì cũng không đáng cho ta ao ước. Ai có thể sống phấn khích được trong thời gian năm năm như thế? Công việc của bạn rồi sẽ ra sao? Cũng như những thú vui, bè bạn, việc ngủ nghê của bạn sẽ thế nào? Nhưng dĩ nhiên, ngừng cảm giác ‘yêu say đắm’ không nhất thiết là ‘hết yêu’».
Với thời gian trôi, cuộc sống đi vào nền nếp là lúc tình yêu chân thực được bén rễ sâu hơn hoặc chết rữa dần. Lúc ấy, khi sự nồng nàn say mê đã lắng xuống, mọi cặp vợ chồng sẽ quyết định đầu tư hay gạt bỏ. Mỗi người phối ngẫu sẽ chọn: Tôi sẽ học yêu thương con người này cách sâu sắc hơn là yêu theo cảm xúc tình cảm, theo nhịp đập của con tim, mơ mộng; hoặc tôi đi tìm một tình yêu say đắm trong hai năm với một người nào khác? Nếu bạn chọn giải đáp là một tình yêu sâu sắc, hôn nhân và quan hệ sẽ triển nở đến một mức độ mới mẻ và càng có nhiều cơ hội cho hạnh phúc lớn hơn. Nếu bạn chọn câu trả lời từ chối, quan hệ hôn nhân sẽ chết chóng vánh hoặc có khi chết dần dà trong đau đớn. Một hoặc cả hai người không còn cảm xúc nữa và sẽ bắt đầu đi tìm một kinh nghiệm yêu đương say mê với một đối tượng khác. Họ sẽ mắc sai lầm vì đã lẫn lộn khoái lạc với tình yêu.
- và D. kết hôn với nhau đã hơn năm mươi năm. Cả hai người đều có cá tính rất mạnh mẽ. Mọi ý kiến đều bị bỏ qua. Họ hay cãi vã rất sôi nổi. Nhưng tình yêu cũng tiến triển trong khi hai vợ chồng lo nuôi dạy bốn đứa con, hai người được chẩn đoán có bệnh nguy nan và hứng chịu sự tàn tạ của tuổi già. Tôi sẽ nhớ mãi cuộc gặp gỡ với bà D. vào một ngày những năm tháng cuối cuộc đời bà. Câu chuyện trao đổi lần hồi chuyển đến đề tài về sex vốn đang là nỗi ám ảnh của văn hóa xã hội ngày nay, và cám dỗ của thời đại xem tất cả hôn nhân chỉ xoay quanh vấn đề tình dục, như thể nó đủ để xây dựng nên một cuộc đời. Bà D. có ý muốn chia sẻ với vợ chồng tôi, nói “Sex rất tuyệt, nhưng nó thực sự chẳng có liên quan gì với cuộc hôn nhân của chúng tôi lúc này. Chúng tôi đã chia sẻ cuộc sống cùng nhau. Chúng tôi đã và đang cùng chịu khổ với nhau. Giờ đây chúng tôi cùng nhau đi đến cuối cuộc đời. Tại sao tôi muốn làm điều ấy với một ai khác cơ chứ? Hôn nhân rộng lớn hơn sex vô cùng”.
Bà D. khi ấy có lẽ không biết bà đang nói về bí quyết làm người bạn tốt nhất của nhau: nghĩa bằng hữu phu thê. Một thời gian lâu sau khi yêu đương say đắm đã lắng dịu, quan hệ có thể chuyển biến qua một tình bạn đích thật, chân thành, như người ta gọi là sống cái nghĩa vợ chồng bè bạn. Như thế đôi bạn có thể xây dựng một cuộc sống cùng nhau.
Bạn hãy nghĩ đến những người bạn thân nhất trong cuộc đời và những điểm chung bạn và người ấy cùng chia sẻ.
1) Những giá trị chung: những điều các bạn cùng quí trọng
2) Những quan tâm chung: những loại hoạt động các bạn cùng thích làm
3) Tin tưởng mọi sự: bạn có thể đặt tin cậy ở người bạn thân ấy
4) Vui thích bên nhau: cùng vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái, vui vẻ với nhau
5) Những cơ hội bên nhau tâm sự: nơi bạn có thể trút những tình cảm và bí mật sâu xa nhất của bạn.
Nếu hôn nhân của bạn có những đặc điểm như thế, hãy đợi nó trổ sinh hoa trái tốt lành. Vì đó là những nét đặc trưng của bí quyết nghĩa tình bằng hữu, làm người bạn tốt nhất của nhau.
Hôn nhân là một quan hệ giữa các đối tác phối ngẫu (partnership) và bằng hữu (friendship) hơn bất kì một quan hệ nào khác. Vì vợ chồng xây dựng những gì họ cùng mong đợi cho cuộc sống chung năm mươi năm sắp tới hay hơn nữa, nên hai người đều có ảnh hưởng lẫn nhau trong mọi cách thức.
Nhớ lại chuyện của hai ông bà C. và M. Khi bạn bè đến thăm và chia sẻ nỗi buồn với ông C. sau khi bà M. qua đời, đề tài ông C. thích chia sẻ nhiều nhất là về người vợ quá cố của mình. Hai người vốn không chỉ là bạn tình của nhau. Họ còn là bạn tâm giao, tri kỉ, bạn thân suốt cuộc đời. Nói cách khác, hai người hiểu biết những bí mật trong ngóc ngách tâm hồn của nhau.
Cũng giống như thế, A. có ảnh hưởng kì diệu trên cuộc sống của tôi. Chính A. là người đã đưa tôi trở về với Chúa đang khi tôi còn lang thang trên những nẻo đường xa đức tin. Cô ta đã để lại một ấn tượng tuyệt vời trên mọi công việc phục vụ chúng tôi làm chung, và có ảnh hưởng trên công việc lãnh đạo của tôi nhờ sự chín chắn tâm linh của nàng. Tôi ít có kinh nghiệm về trẻ con khi chúng tôi mới kết hôn. Nhờ những tài khéo làm mẹ của A. mà tôi đã học được cách thức làm một ông bố tốt. Cô ta ảnh hưởng đến tầm nhìn mở rộng ra của tôi trong hàng tá đề tài cuộc sống vì tôi tôn trọng sự khôn ngoan của nàng, quí trọng ý kiến của nàng, và trân quí tình bạn của nàng. A. là người bạn tốt nhất của tôi. Đó là điều giúp hôn nhân chúng tôi không những tồn tại mà còn triển nở tốt đẹp với bao kinh nghiệm chúng tôi chia sẻ với các anh chị đây. Tôi đã đón nhận và biết ơn A. vì ảnh hưởng ấy. Đó là điều những người bạn thân tốt nhất làm với nhau và cho nhau.
Quả thật, công trình nghiên cứu của John Gottman cho thấy rằng 81 phần trăm các cuộc hôn nhân trong đó người đàn ông đề kháng lại những chỉ dẫn của vợ mình sẽ kết thúc bằng li dị. Một số người sẽ phản đối, nói điều đó thật phi lí. Vì người đàn ông cần phải là người cầm cương, có ý chí kiên định, đứng vững, hiên ngang, quyết định mọi sự và người đàn bà chỉ cần biết phục tùng thôi. Ngược lại, có những người khác nghe bài nghiên cứu này và nghĩ rằng nó gợi ý đàn ông nên mềm mỏng, chịu đựng như “tấm thảm” chùi chân, nhu nhược như con “sứa biển”, và chấp nhận tiêu cực mọi tiếng phàn nàn rầy rà của vợ: “chỉ cần chiều theo ý cô ấy”.
Tuy nhiên, viễn tượng cơ bản nghiên cứu của Gottman áp dụng không chỉ cho hôn nhân nhưng còn cho mọi quan hệ lành mạnh khác, với bạn bè, nhân viên đồng nghiệp, hay anh chị em trong gia đình. Cố chấp và cứng cỏi không phải là tiêu chuẩn thẩm định một con người lành mạnh, cũng không phải là phẩm chất tiêu biểu của một mối quan hệ bền vững. Người khôn ngoan tìm kiếm sự đóng góp của người khác, biết lắng nghe họ, và đem áp dụng những gì hữu ích. Đón nhận những lời tư vấn và sự động viên từ những người quan tâm đến bạn sẽ giúp bạn mạnh mẽ hơn, chứ không yếu kém đi.
Bí quyết sống nghĩa tình bằng hữu sẽ đưa cuộc hôn nhân của bạn đi xuyên qua tình cảnh tốt đẹp cũng như tệ hại nhất. Và thực ra, bạn bè tốt nhất ảnh hưởng nhau rất nhiều. Đó chính là cung cách sống của những người bạn tốt đối với nhau. Một người đàn ông biết để cho vợ nói ra sự thật về đời sống mình, người ấy sẽ có một hôn nhân triển nở. Sau cùng, ai lại không ước muốn có một người bạn đời luôn tìm những ích lợi tốt đẹp nhất cho mình, một người phối ngẫu luôn tìm giúp để chúng ta trở thành phiên bản tốt đẹp nhất của chính mình?
Hãy chỉ cho tôi một người đàn ông cố chấp luôn bỏ ngoài tai lời vợ khuyên mình và tôi sẽ chỉ cho bạn một cuộc hôn nhân đang tìm đến với luật sư chuẩn bị cho tòa án. Đó là một sự khác biệt kì diệu khi bạn sống bí quyết nghĩa tình bằng hữu trong hôn nhân.
Thực hành: Bạn hãy viết một bức thư cho chồng (vợ) mình, tâm sự điều gì trong con người của anh (chị) mà bạn yêu, ngưỡng mộ, tôn trọng nhất. Nêu vài ví dụ cụ thể những lúc nào anh (chị) đã giúp bạn được thêm năng lượng, thêm sức sống, đứng bên bạn như một người bạn tri kỉ, tâm giao, đã hiểu và giúp bạn thấy rõ sự thật. Viết thư sẽ giúp bạn có thời gian thực sự suy nghĩ về điều bạn muốn nói, đây chỉ là cách thức nói điều bạn muốn nói. Hãy dành thời gian cho nó. Nhắc nhở người bạn đời và chính mình rằng tình bạn sâu sắc sẽ kết nối hai người lại với nhau. Nói với anh (chị) “Anh (Em) là người bạn tốt nhất của em (anh)”. Hãy sống bí quyết tình bạn này.
Xem thêm những bài trước:
7. Bí quyết tình yêu lãng mạn
6. Bí quyết ngân hàng tình yêu |
2021
Làm thế nào để dạy trẻ đối phó với những thất vọng trong cuộc sống?
Cần dạy cho con cái đương đầu với thực tại thế giới bằng cách chấp nhận mọi hoàn cảnh và đối phó với chúng theo cách tích cực.
Có rất nhiều thực tại mà các bậc phụ huynh muốn né tránh để cuộc sống của con cái họ được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, có một số điều không thể tránh khỏi; sớm hay muộn cũng buộc phải theo. Vì thế, điều quan trọng là dạy cho chúng đối phó với sự thất vọng.
Thất vọng là phản ứng của một cảm xúc nảy sinh khi chúng ta không thực hiện được những kỳ vọng của mình. Trong bối cảnh gia đình, nó được biểu lộ cách đặc biệt khi các bậc phụ huynh nói “không” trước một thỉnh cầu của con cái. Sự chịu đựng đối với tâm trạng thất vọng là khả năng chấp nhận hoàn cảnh và đối mặt với nó bằng một thái độ tích cực.
Chịu đựng sự thất vọng là một bài học kinh nghiệm được học trong gia đình, khi các bậc phụ huynh rèn luyện ý chí cho con cái mình. Khởi đầu cuộc sống, con người có khuynh hướng muốn thống trị thế giới dựa theo những ý thích tùy hứng của mình, bởi vì, họ vẫn chưa biết được các quy tắc cũng như chế ngự các cảm xúc của mình. Tuy nhiên, việc giáo dục bảo đảm rằng, con trẻ đạt được sự trưởng thành cần thiết để có thể nhận ra được những giới hạn của mình và của người khác.
Một nền giáo dục dễ dãi và bảo bọc quá mức, khiến trẻ không thể chấp nhận chữ “không”. Một đứa trẻ cần phải học hỏi trước thất bại, để thấy rằng không phải tất cả mọi thứ mà nó muốn có thể thực hiện được. Thường các bậc phụ huynh có khuynh hướng giao hết mọi thứ cho con cái của mình. Nếu trẻ lớn lên như vậy, khi đến tuổi thiếu niên, chúng ta sẽ nói “không” với chúng như thế nào khi cần thiết?
Cần phải học cách chịu đựng những thất vọng, vì cuộc sống đầy những niềm vui và cũng không thiếu những thất bại và hy sinh.
Làm thế nào để dạy trẻ chịu đựng sự thất vọng?
Đó là một nhiệm vụ cần phải bắt đầu khi trẻ vừa sinh ra, liên quan đến sự thỏa mãn ngay lập tức những ham muốn, còn được gọi là những ý thích tùy hứng. Các hành động đơn giản, như để trẻ nằm trong nôi cho đến khi nó tỉnh dậy, cho trẻ ăn đúng giờ quy định, đôi khi từ chối những trò chơi mà trẻ đòi hỏi, là cách giáo dục sự tự chủ và hình thành ý chí của trẻ.
Trong giai đoạn này, điều quan trọng là trì hoãn sự thỏa mãn những ham muốn của chúng, tức là làm cho chúng biết học cách chờ đợi hay chấp nhận khi điều gì đó không diễn ra đúng như chúng mong muốn, mà không phản ứng cách bốc đồng.
Trong giai đoạn trẻ lớn lên, sẽ xuất hiện những lối chịu đựng những thất vọng khác nữa. Chẳng hạn môi trường học đường, là một không gian mà ở đó các tình huống khác nhau dần dần nảy sinh: môn vẽ và những bài đọc bị lỗi, làm bài tập kém, điểm thấp, bị khiển trách… là những bài học về sự thất bại đầu tiên của cuộc đời, và nếu không được hướng dẫn tốt, các em có thể có những kết quả tiêu cực.
Trong hoàn cảnh đó, người lớn có thể dạy các con biết đương đầu với thất bại hơn là biện minh cho những hành động của chúng, hoặc phủ nhận những hạn chế của chúng. Cần phải nhấn mạnh giá trị của sự nỗ lực, kiên trì, nhẫn nại, để vượt qua những rào cản và hướng đến các mục tiêu.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, việc chịu đựng sự thất vọng là một kỹ năng cần được phát triển theo thời gian, nhờ sự rèn luyện lâu dài.
Tuổi niên thiếu là giai đoạn quan trọng liên quan đến khả năng chịu đựng những thất vọng, những tính cách và biến chuyển của những cảm xúc. Cho nên, cần chuẩn bị kế hoạch trong nhiều năm trước, để giai đoạn này trẻ được sống trong những giới hạn bình thường.
Việc giáo dục này nên diễn ra trong bầu khí của mối quan hệ yêu thương và gần gũi. Ngay cả khi quyền hành và bổn phận của cha mẹ là đào tạo con cái của mình theo con đường hiền hậu, trung thực và liêm chính không thể bị gạt sang một bên, thì cha mẹ cũng cần phải tránh mọi hành động hung hăng và đàn áp.
Vì vậy, điều cần lưu ý là cha mẹ phải hiểu con cái của mình và trau dồi sự kiên nhẫn, cùng với những đức tính khác, để đối mặt với những thách thức về giáo dục này.
2021
Đồng hành cùng bạn trẻ trong gia đình vài vấn nạn thường gặp: Thủ dâm, khiêu dâm, tình dục trước hôn nhân
ĐỒNG HÀNH CÙNG BẠN TRẺ TRONG GIA ĐÌNH
VÀI VẤN NẠN THƯỜNG GẶP:
THỦ DÂM, KHIÊU DÂM, TÌNH DỤC TRƯỚC HÔN NHÂN
Linh mục Giuse Đỗ Mạnh Thịnh,
Giáo sư Đại Chủng viện Xuân Lộc
WHĐ (16.7.2021) – Các bạn thân mến! Trong quá trình học tập và làm việc, tôi rất may mắn được đồng hành, gặp gỡ nhiều bạn trẻ. Tôi nhận ra nơi nhiều người trong các bạn, dù sống trong một thế giới phát triển nhưng lại hàm chứa nhiều xáo trộn, nhất là về vấn đề luân lý, vẫn khát khao tìm kiếm Chân Lý, vẫn ước vọng được sống thế nào cho tốt, cho là người hơn. Tuy nhiên, không ít bạn đang gặp nhiều thách đố trong môi trường đó. Một trong những thách đố lớn đối với các bạn chính là sống đời sống tính dục.
Một đàng, các bạn dễ dàng tìm thấy nhiều thông tin, ý kiến, và cả những thực hành của những “hình mẫu” (idol) trong xã hội, xem ra khá xa lạ với những gì Giáo Hội giảng dạy. Đàng khác, các bạn lại ít được biết, hoặc nghi ngờ giáo huấn của Kinh Thánh và Giáo Hội. Nhiều bạn bị rơi vào tình trạng băn khoăn, nghi ngờ: Liệu Giáo Huấn của Giáo Hội về tính dục có đáng tin cậy, trong khi khoa học, nhất là ngành tâm lý và xã hội, mang đến những khám phá đáng tin; rút cuộc thì ai đúng, Kinh Thánh hay khoa học.
Tôi đã cảm nhận được tầm quan trọng của những thách đố mà các bạn đang gặp phải. Chẳng lẽ, bạn phải sống ngược với trào lưu tiến bộ của xã hội? Hay bạn cứ để mình trôi theo xu hướng thời đại: ai làm sao mình làm vậy? Hoặc là bạn đi tìm ý nghĩa cuộc đời mình theo những “ông thầy” ở Google? Chính vì vậy, dựa vào giáo huấn của Giáo Hội, tôi muốn được trải lòng với các bạn về những thách thức mà nhiều bạn đang gặp phải.
Cám ơn bạn đã cho tôi cơ hội được chia sẻ với bạn.
I. TÍNH DỤC THEO QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Tính dục con người là gì? Các bạn dễ dàng tìm thấy câu trả lời từ các chuyên gia tâm lý, các nhà xã hội học hoặc các triết gia.
Ví dụ, tính dục là một trong những động lực cơ bản, nó ẩn đằng sau tất cả mọi cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của con người. Nó xác định các biểu hiện tâm lý và xã hội của bản thân, và hướng sự hấp dẫn một người đến người khác. Hoặc tính dục là cách con người trải nghiệm và thể hiện giới tính bản thân một cách tính dục. Điều này liên quan đến cảm xúc và hành vi về phương diện thể chất, ái tình, xã hội hoặc tinh thần của con người. Đàng khác, có người cho rằng tính dục là một “lời nguyền” của Tạo Hóa cho con người, nó là điều xấu.
Tất cả những cách trả lời như trên, dường như nhìn con người chỉ thuần túy như một sinh vật, hoặc hơn một chút, như một sinh vật có tri thức sống trong các mối tương quan xã hội. Những định nghĩa như thế, tất nhiên, phủ nhận một chiều kính khá quan trọng của con người. Đó là khía cạnh thiêng liêng, linh thánh trong con người: con người có tương quan với Đấng Tạo Hóa và vũ trụ, vì được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa.
1. Giáo Hội dạy thế nào về tính dục con người?
Đối mặt với xu hướng lạm dụng và khai thác tính dục hiện nay, Giáo Hội kiên trì làm nổi bật vẻ đẹp của tính dục con người. Thật vậy, dưới ánh sáng của Kinh Thánh, Giáo Hội nhận ra ý nghĩa và vẻ đẹp của tính dục bắt nguồn từ việc con người được tạo dựng, nam và nữ – giống hình ảnh của Thiên Chúa.
Tính dục con người là quà tặng của Tạo Hóa. Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã gọi con người vào cuộc sống và xác định bản sắc tính dục cho mỗi người, là nam hay nữ. Như vậy, con người được biết đến chỉ gồm hai giới tính – nam và nữ. Hai giới tính – nam và nữ – cần đến nhau và bổ sung cho nhau. Có thể nói rằng, cùng với hồng ân sự sống, tính dục được coi như quà tặng quí giá của Thiên Chúa cho con người.
Như một món quà của Thiên Chúa, tính dục là tốt lành. Cũng như tất cả các thụ tạo khác, tính dục con người được coi là tốt bởi vì, một mặt, chúng được Đấng Tạo Hóa tạo ra cho con người và Người thấy chúng tốt đẹp. Mặt khác, tính dục hướng con người đến những giá trị tốt lành: tình yêu và sự sống.
Bạn cũng nên biết rằng, theo nghĩa chặt, con người được tạo dựng khác biệt về giới tính – nam, nữ – để họ có thể liên kết nhau trong tình yêu (hôn nhân), và làm cho tình yêu có kết quả. Tình yêu đó được Đức Kitô nâng lên hàng bí tích để trở thành một hình ảnh sống động của Thiên Chúa. Đồng thời, sự khác biệt giới tính làm cho mỗi cá nhân tìm thấy sự trọn vẹn của mình ở nơi người khác phái – “một nửa khác” của mình, và cùng với “một nửa khác” đó hoàn thành sứ mệnh mà Đấng Tạo Hóa đã trao: Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Tuy nhiên, bạn cũng nên biết, tính dục không chỉ là vấn đề quan hệ tình dục hay hôn nhân. Có những người chọn cuộc sống độc thân, hoặc tu trì… họ sống tính dục theo mỗi ơn gọi, chúng ta sẽ đề cập vấn đề này trong một dịp khác.
Như vậy, việc trở thành một người nam hay một người nữ không phải là tùy tiện hay ngẫu nhiên. Nhưng chính ý định của Thiên Chúa đã tạo ra người nam và người nữ. Bạn đừng tin vào những giả thuyết cho rằng có những người thuộc “giới tính thứ ba”.
Tình dục con người trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa. Kế hoạch của Thiên Chúa về tình dục hoặc mục đích cuối cùng của tình dục là một trong những vấn đề thường được giải thích một cách tùy tiện dẫn đến nhiều lạm dụng và tầm thường hóa tình dục con người.
Dựa vào Kinh Thánh, Giáo hội tìm thấy ý định của Thiên Chúa về tình dục nổi bật trong bối cảnh hôn nhân và gia đình. Ở đó, tình dục con người liên quan đến khả năng yêu thương phu-thê và sinh sản con cái. Có nghĩa là, theo ý định của Thiên Chúa, tính dục con người thường nhắm đến ba yếu tố trong đời sống hôn nhân: (1) tình yêu hỗ tương giữa hai người phối ngẫu, (2) sự kết hợp vợ chồng (sexual intercourse), và (3) khả năng sinh sản con cái. Vì vậy chỉ những hành vi tình dục trong hôn nhân mới được coi là xứng đáng.
2. Vài ngộ nhận về tính dục.
Nếu bạn hiểu đúng về tính dục con người, bạn sẽ biết cách để gìn giữ sự trong sáng và tốt đẹp của tính dục. Trái lại, nếu hiểu sai, bạn có nhiều nguy cơ lạm dụng hoặc tầm thường hóa tính dục của bạn.
Có một vài điều bạn cần hiểu rõ hơn:
Sự khác biệt giữa giới tính và khuynh hướng tình dục.
Bạn được sinh ra là người nam hoặc nữ. Bạn được xác định là người có giới tính nam hoặc giới tính nữ. Bạn có tính dục rõ ràng. Do đó, tính dục được coi là bẩm sinh.
Tuy nhiên, ham muốn tình dục trong con người có thể hướng đến nhiều đối tượng khác nhau được gọi là khuynh hướng tình (tính) dục. Bạn có thể có khuynh hướng tình dục hướng đến người khác phái, nhưng cũng có bạn có khuynh hướng tình dục hướng đến người cùng phái. Tự bản chất, điều đó không phải là điều xấu hay tội lỗi. Như vậy, đúng hơn chúng ta có thể nói về một người nam có khuynh hướng đồng tính (gay), hay một người nữ có khuynh hướng đồng tính (lesbian). Cách nói “người đồng tính” là cách nói vắn tắt. Tuy nhiên, có một vài chuyên gia không chấp nhận cách gọi đó, coi đó như là việc lấy một khuynh hướng để xác định giới tính và gọi một con người. Họ cho như thế là xúc phạm.
Thuật ngữ “khuynh hướng tình dục” cũng dùng để chỉ tất cả các ham muốn tính dục dai dẳng, không chỉ hướng đến người khác, nhưng hướng đến một loại “đối tượng” (fetishism), ví dụ: đồ chơi tình dục, hoặc các vật dụng cá nhân của đối tượng mà người đó yêu thích như đồ lót…, hoặc một “hành động” cụ thể như thích sờ mó vào các cơ phận nhạy cảm trên thân thể mình hay người khác, những tư thế, động tác khi vệ sinh, tắm rửa hoặc lúc nghỉ ngơi.
Bạn biết giới tính của bạn là gì chứ? Và bạn có biết khuynh hướng tính dục của bạn? Bạn cần biết và xác định được điều đó. Nếu không bạn sẽ có nhiều nguy cơ làm tổn hại đời sống tính dục của bạn.
Bạn cho rằng bạn được tự do hành động theo khuynh hướng tính dục của bạn?
Tính dục của một người được coi là tự nhiên – không ai tự chọn sinh ra là nam hay nữ. Người ta thường cũng không tự chọn cho mình khuynh hướng tính dục. Tuy nhiên, thực hành một hành vi tình dục, bất cứ theo khuynh hướng tính dục nào, là một hành vi luân lý: điều đó tốt hay xấu, nên thực hiện hay không. Hành vi tình dục của con người không bị lệ thuộc bản năng (tự nhiên). Bởi vì, con người, ít là được soi sáng bởi luật tự nhiên, là thứ ánh sáng của sự hiểu biết được phú ban bởi Thiên Chúa, phân định được điều tốt, điều xấu, những gì phải làm và những gì phải tránh. Hơn nữa, trong ánh sáng của Kinh Thánh, người ta có thể nhận ra rằng: chỉ những hành vi tình dục xứng nhân phẩm diễn ra trong hôn nhân mới được coi là tốt đẹp và chính đáng. Những hành vi tình dục khác bị coi là “lệch lạc về trật tự tự nhiên” hoặc “nghịch với lý trí của con người”.
Nếu bạn cho rằng bạn được tự do sống theo khuynh hướng tính dục – có những quan hệ tình dục ngoài hôn nhân hoặc quan hệ đồng giới – hóa ra bạn đang tự xác nhận rằng bạn không thể tự chủ trong hành vi tình dục, rằng bạn bị lệ thuộc vào một khuynh hướng. Không, con người không thể sống đời sống tính dục theo bản năng như các loại sinh vật khác. Con người được Thiên Chúa kêu mời sống tính dục xứng nhân phẩm và đúng trách nhiệm.
Theo Kinh Thánh, các hành vi tình dục ngoài hôn nhân bị coi là điều xấu, là tội lỗi. Có thể chia làm hai loại: (1) Những tội lỗi mâu thuẫn với lý trí của con người, và do đó, không theo ý muốn của Thiên Chúa, gồm các tội dâm ô như hiếp dâm, ngoại tình và loạn luân, gian dâm… Thánh Tôma Aquinô khẳng định rằng những tội lỗi này bị kết án nặng nề là “tội trọng” và điều này dẫn đến sự hư vong vĩnh cửu. (2) Những tội lỗi phản tự nhiên hay tội chống lại trật tự tự nhiên, như giao hợp bên ngoài, đồng tính luyến ái, thủ dâm, và quan hệ tình dục theo “hình thức thú vật và quái dị”. Thánh Tôma nói rằng tội chống lại tự nhiên là mâu thuẫn với mô hình tự nhiên của tính dục vốn hướng đến lợi ích của loài người. Những tội đó không chỉ vi phạm trật tự tự nhiên, mà còn xúc phạm Thiên Chúa, tác giả của tự nhiên.
Tóm lại, tính dục con người là điều tốt. Ai cũng có tính dục. Tính dục theo ý định sáng tạo của Thiên Chúa hướng con người đến “tình yêu và sự sinh sản con cái” (nếu bạn là người sống ơn gọi thánh hiến hay độc thân, thì yếu tố “tình yêu và sinh sản con cái” sẽ mang một chiều kích khác. Chúng ta sẽ tìm hiểu về vấn đề này trong một dịp khác).
Bạn chớ để ai lừa dối bạn rằng con người thực hiện các hành vi tính dục như một bản năng; hoặc con người tự do và vô tội trong các hành động tính dục của mình. Hành động theo bản năng biến con người thành nô lệ cho dục vọng, và làm giảm bớt tính người hơn. Đàng khác, như thánh Phêrô đã nói, đừng lạm dụng tự do làm màn che đậy sự xấu xa.
II. THỦ DÂM
Trong đời người, có lẽ nhiều bạn đã hơn một lần thực hiện hành vi thủ dâm. Có nhiều hoàn cảnh, giai đoạn, dẫn đến hành vi thủ dâm, ví dụ như khi buồn chán, thất bại, cô đơn, khi sống trong môi trường tu trì, môi trường quân đội hay tù đày, hoặc là giai đoạn biến động tâm sinh lý của tuổi dậy thì… Thủ dâm có khi là hành động nhất thời trong những hoàn cảnh, thời gian nhất định, nhưng cũng có khi nó trở thành thói quen lâu dài (nghiện).
Có thể, bạn hiểu biết mơ hồ, hoặc không biết gì về giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến thủ dâm. Có thể bạn chỉ thoáng nhận ra rằng thủ dâm là một điều gì đó xấu, hoặc là tội. Trong khi, các bạn dễ tìm thấy rất nhiều thông tin, nhiều khi nhân danh khoa học, cho rằng thủ dâm là một hiện tượng tâm sinh lý bình thường của con người. Thậm chí thủ dâm còn được khuyến khích như một điều tốt. Điều này dễ dẫn bạn đến hiện tượng, một đàng sau khi thủ dâm bạn có cảm giác mình đã làm việc xấu, đàng khác, bạn lại có niềm tin thầm kín rằng thủ dâm sẽ tốt cho tâm sinh lý, hoặc giúp giảm căng thẳng. Kết quả là bạn sẽ lặp đi lặp lại hành vi thủ dâm như một người mân mê và gãi mụn nhọt trên người mình. Càng gãi càng chảy máu, nhưng lại cảm thấy thích gãi cho đã ngứa.
Trong viễn cảnh đó, chúng ta cùng xem xét cách vắn tắt giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo liên quan đến vấn đề này.
1. Tính luân lý của thủ dâm
Ngày nay, những tranh luận về tính luân lý của hành vi thủ dâm xuất hiện nhiều trên các kênh truyền thông: thủ dâm tốt, xấu, hoặc không tốt cũng không xấu? Ngay cả trong Giáo Hội, việc tranh luận về tính luân lý của thủ dâm cũng vô cùng gay gắt. Có khi, ngay cả các linh mục giải tội cũng có những cách giải thích khá xa lạ với giáo lý mà Giáo Hội giảng dạy.
Chúng ta cùng đọc lại lời của một chủng sinh ở Tây Phương, sau khi xin hướng dẫn từ một linh mục về việc thủ dâm, anh ta chia sẻ: Gần đây tôi đã hỏi ý kiến một linh mục về thủ dâm, để khám phá tình trạng tội lỗi của nó, và tìm cách sửa chữa bản thân. Quan điểm về thủ dâm đã thay đổi đáng kể. Nó rất khác với những gì tôi được dạy trong chủng viện nhiều năm trước. Vị linh mục đó nói với tôi: ‘Chúng ta không nói về thủ dâm nữa. Nó là một phần của bản chất con người và mọi người không thể chịu trách nhiệm hành động theo bản chất của họ. Quan điểm của Giáo Hội về điều này đã thay đổi sau Vatican II. Bây giờ chúng ta biết rằng tội trọng là rất hiếm. Để phạm tội trọng, bạn phải thực sự ghét Chúa. Hầu như không ai phạm tội trọng’.
Đúng vậy, có rất nhiều người, và cả các linh mục cho rằng thủ dâm là một hành vi của bản năng hoặc nhu cầu tự nhiên như việc ăn, uống, ngủ, nghỉ, tắm rửa. Do vậy, hành vi thủ dâm không thể là tội, nếu có thì không thể là tội trọng được.
Thực sự, vấn đề sẽ rất nguy hiểm khi người ta cho rằng hành vi tình dục bị chi phối hoàn toàn bởi “bản năng”, vì vậy người ta không hoặc ít phải chịu trách nhiệm luân lý về những hành vi đó nếu có sự ưng thuận của những người liên quan. Các bạn nên biết rằng thủ dâm thuộc về một trong các xu hướng tính dục và tâm lý của con người. Con người có nhiều khuynh hướng tình dục khác nhau: đồng tính, dị tính, ấu dâm, tìm khoái cảm tình dục một mình, loạn luân… Vậy, điều gì sẽ xảy ra với xã hội nếu những người có khuynh hướng tình dục khác cũng đòi quyền tự do thực hiện các hành động tính dục theo khuynh hướng tính dục của mình? Điều này nếu xảy ra, thực sự sẽ làm tăng các mối lo lắng của xã hội nói chung, chẳng hạn như lạm dụng tính dục trẻ em, bạo dâm, ngoại tình hoặc loạn luân.
Mặc cho có nhiều người tỏ ra nghi ngờ hoặc chống đối, Giáo Hội Công Giáo đã diễn giải rất rõ ràng và chắc chắn về vấn đề thủ dâm rằng: bất kể động cơ của hành vi tình dục là gì, việc sử dụng có chủ ý các bộ phận tính dục bên ngoài quan hệ vợ chồng bình thường, về cơ bản là mâu thuẫn với mục đích của tính dục con người. Trong trật tự tạo dựng của Thiên Chúa, bộ phận sinh dục của con người có mục đích của nó: hướng đến sự trao hiến trong hôn nhân và sinh sản. Trong khi thủ dâm đơn thuận là tìm “khoái cảm” một mình. Do đó, nó là một hành động rối loạn nội tại nghiêm trọng (Persona Humana, số 9).
Thủ dâm là một tội lỗi trầm trọng, nó không thể được biện minh bởi bất kỳ ý hướng tốt lành hay hoàn cảnh nào. Giáo lý Công Giáo nói rằng thủ dâm phủ nhận mọi khía cạnh tích cực của mục đích tính dục theo ý định sáng tạo của thiên Chúa – Tình yêu và sinh sản. Nó bị coi là là một tội chống lại sự khiết tịnh (GLCG 2352). Như vậy, có thể hiểu rằng thủ dâm là một điều xấu, bởi vì:
– Tập trung vào bản thân (sự ích kỷ)
– Một tuyên bố rằng tình dục chỉ là khoái cảm – niềm vui của riêng bạn
– Khước từ người phối ngẫu của bạn (nếu bạn đã kết hôn)
– Thường có liên hệ với những hình ảnh và tư tưởng dâm ô – nghĩ đến những hình ảnh, trải nghiệm tình dục, khiêu dâm hoặc những đối tượng trong mơ.
– Phản bội cam kết khiết tịnh (nhất là nếu bạn đang sống ơn gọi thánh hiến)
Như vậy, Giáo Hội Công giáo không lên án thủ dâm chỉ vì một số ý tưởng cao cả về mục đích tự nhiên của tính dục. Chúng ta cũng nói sự thật về tác hại của nó đối với chính mình, đối với mọi người và Thiên Chúa. Thủ dâm không thể là điều tốt hoặc vô hại về luân lý.
2. Thủ dâm là điều tốt cho sức khỏe tâm sinh lý?
Không khó để các bạn tìm thấy trên các trang mạng những thông tin như sau: Thủ dâm có nghĩa là kích thích bộ phận sinh dục của chính mình, thường đến mức cực khoái, có thể làm giảm căng thẳng tình dục, giảm căng thẳng, tạo khoái cảm, tăng sự thỏa mãn tình dục với bạn tình và thúc đẩy nghỉ ngơi và thư giãn. Mọi người ở mọi lứa tuổi, giới tính và xu hướng tính dục đều thủ dâm. Ngay cả trẻ nhỏ cũng biết đến thủ dâm, khi chúng học cách khám phá cơ thể của chúng.
Nói chung, nhiều người cho rằng thủ dâm là việc làm tốt, là hành vi tự nhiên của con người giúp “cân bằng” cuộc sống.
Đàng khác, nhiều bạn trẻ thừa nhận rằng thủ dâm đủ để đáp ứng nhu cầu tình dục của họ, nhờ đó tránh được các mối quan hệ thân mật bất chính (ngộ nhận này cũng có thể xảy ra trong đời sống thánh hiến). Nói cách khác, có người cho rằng thủ dâm có thể được sử dụng để kìm hãm dục vọng. Thực sự, người ta không thể kìm hãm dục vọng của mình theo cách đó.
Bạn nên biết rằng, những lý luận như vậy là không phù hợp với phẩm giá con người. Người ta không nói cho bạn biết sự thật về tính dục của con người, về mục đích chính của cuộc sống con người. Bạn và khả năng tính dục của bạn có giá trị hơn điều bạn có thể tưởng tượng. Dù ơn gọi của bạn là gì – tu sĩ hay giáo dân – tính dục hướng bạn tới tình yêu trao hiến và cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Bạn được kêu gọi thoát ra khỏi vòng nô lệ của tội lỗi, sống sự tự do của con cái Sự Sáng. Do đó, khi buông mình theo sự thúc đẩy của các dục vọng, bạn không còn tự do, bạn không còn thực sự “khỏe mạnh”, trái lại, bạn đang nô lệ cho dục vọng.
Theo Giáo lý Công Giáo, thủ dâm đối nghịch với đức khiết tịnh. Đức khiết tịnh là một trong những hoa trái của Chúa Thánh Thần. Có nghĩa là nhờ sự trợ lực từ Thiên Chúa, bạn có thể sống đời sống tính dục trưởng thành – có khả năng yêu thương và trao ban (tính dục không phải chỉ bao gồm những quan hệ vợ chồng). Bạn không thể dập tắt hoặc kìm hãm những xung động tính dục, nhưng bạn có thể làm thăng tiến các mối tương quan trong sự tự chủ, tôn trọng bản thân và người khác. Nhờ ơn Chúa, bạn có thể không cho dục vọng trị vì một cách tự do trên cuộc sống của bạn.
Bạn có thể thực hành đức khiết tịnh theo bậc sống của mình. Nghĩa là, tập luyện tự chủ, trân trọng bản thân mình, trân trọng người khác, và trân trọng chính bậc sống (ơn gọi) mà bạn đã chọn lựa. Như thế, dần dần bạn có thể kiểm soát được những thúc đẩy của dục vọng trong con người mình (x. Giáo Lý, 2337 – 2359). Bạn nghe thánh Phaolô nói một cách tế nhị: Bạn đã kết hôn với một người đàn bà ư? Đừng tìm cách gỡ ra. Bạn chưa kết hôn với một người đàn bà ư? Đừng lo kiếm vợ. Nhưng nếu bạn cưới vợ, thì cũng chẳng có tội gì. Và nếu người con gái lấy chồng, thì cũng chẳng có tội gì (1Cor 7,27-28).
Nếu ai đó nói với các bạn rằng thủ dâm là bình thường hoặc lành mạnh, người đó cố ý thiết lập cho các bạn một thói quen có thể mang lại khó khăn suốt đời cho các bạn. Sự tự nuông chiều và thiếu tự chủ trong hành vi tình dục nói chung, và cách riêng thủ dâm, không thể tạo nên một nền tảng mạnh mẽ cho tính dục trưởng thành, và tình yêu.
3. Tự do và trách nhiệm.
Tự do. Có người sẽ nói với các bạn rằng tự do nghĩa là bạn muốn làm gì thì làm, không gì ngăn cản được bạn. Thậm chí người ta còn nói: bạn được tự do làm điều xấu.
Một khái niệm mơ hồ về tự do như thế tất nhiên dễ hấp dẫn các bạn. Tuy nhiên, nó gây nên nhiều điều đáng lo ngại cho bạn và xã hội. Chắc bạn cũng sẽ hình dung ra một xã hội sẽ thế nào nếu ai cũng đòi “tự do” làm những điều mình muốn. Điều này gợi lên trong chúng ta lời của thánh Phêrô: “Anh em hãy hành động như những người tự do, không phải như những người lấy sự tự do làm màn che sự gian ác” (1Phêrô 2,16).
Bạn đã bao giờ nghe ai nói với bạn về sự tự do theo quan điểm của Giáo Hội Công Giáo? Giáo Hội cho rằng chỉ có tự do phục tùng sự thật mới dẫn con người đến với lợi ích thực sự của chính mình. Một người được coi là tốt hệ tại rất nhiều vào việc người đó “ở trong sự thật và làm sự thật” (Chân Lý Rạng Ngời, số 84). Hay nói cách khác, tự do của con người chỉ có thể tìm thấy ý nghĩa thực sự của nó trong việc phục vụ sự thật, và đạt được sự hoàn hảo của nó khi hướng về Thiên Chúa và sự tốt lành.
Chắc chắn rằng, tự do của con người không giống như một khả năng thiên phú giúp bạn luôn luôn hướng tới sự thật và sự tốt lành. Các bạn hẳn nhớ rằng vì Adam và Eva đã lạm dụng quyền tự do của họ để chọn điều xấu (chống lại ý của Thiên Chúa). Kết quả là, tự do của con người có thể bị hạn chế và sai lầm. Con người trải nghiệm một sự chia rẽ trong chính họ. Đôi khi họ cảm thấy khó phân biệt và lựa chọn giữa thiện và ác; thậm chí trong một số trường hợp, họ cảm thấy bất lực trước sức mạnh của ác quỷ, như Thánh Phaolô thú nhận, “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rôma 7,19).
Các bạn đừng tin những người cho rằng tự do của con người là tuyệt đối – muốn làm gì thì làm. Đó không phải là sự thật, trái lại, quan niệm đó sẽ làm rối loạn cuộc sống bạn và cuộc sống của mọi người xung quanh. Ví dụ, nếu bạn làm một điều xấu như thủ dâm, bạn không còn tự do, trái lại, bạn thực sự đang làm nô lệ cho dục tính. Con người tự do không để mình bị nô lệ cho dục vọng.
Trách nhiệm. Chính bạn phải có trách nhiệm với cuộc sống của bạn, và cũng có trách nhiệm với xã hội bạn đang sống. Về phương diện tình dục con người, trách nhiệm đó không là gì khác ngoài việc sống đúng và trung thành với ơn gọi hay bậc sống của bạn.
Bạn có trách nhiệm với tính dục của bạn. Tình dục không phải là công cụ giải trí, nó không là vật trao đổi hay mua bán, nó cũng không là sở hữu riêng để bạn muốn làm gì thì làm. Tính dục, trước hết và trên hết, phục vụ cho tình yêu và sự sống.
Bạn có trách nhiệm với chính thân xác bạn, một thân xác được Chúa Giêsu đổ máu ra mà cứu chuộc. Thân xác đó thuộc về một con người tự do làm con cái Thiên Chúa, chứ không phải con người nô lệ cho dục vọng và các ước muốn xấu xa.
Bạn đang sống trong bậc vợ chồng, bạn có trách nhiệm với người bạn đời của bạn. Đời sống tình dục của bạn khi đó phải hướng đến sự trao hiến trong tình yêu. Thông thường được hiểu là tình yêu giữa người nam và người nữ được bảo đảm bằng một giao ước độc chiếm và vĩnh viễn (hôn nhân). Đó cũng là nơi xứng hợp và an toàn nhất để sự sống được khai sinh.
Bạn là người sống ơn gọi thánh hiến – linh mục, chủng sinh hay tu sĩ – bạn có trách nhiệm với cam kết dấn thân của bạn. Tất nhiên, bạn không chỉ chọn chức linh mục, hoặc là việc khấn dòng như mục đích cuối cùng, nhưng bạn tự do cam kết sống đời sống thánh hiến. Đức khiết tịnh là một trong những đòi hỏi và lời đáp trả của đời sống thánh hiến. Ví dụ, bạn muốn làm linh mục, nhưng lại không muốn sống đời sống độc thân, khiết tịnh của một linh mục, hóa ra bạn đang mâu thuẫn trong chính con người bạn. Chỉ khi bạn thống nhất được giữa ý muốn và hành động – muốn trở thành linh mục và sống những đòi hỏi như lời đáp trả của đời sống linh mục – nếu không bạn sẽ bị giằng xé chính trong con người bạn. Bạn sẽ không có bình an và hạnh phúc cho cuộc đời của bạn.
Bạn mến, thủ dâm bị coi là điều xấu. Một điều xấu thì không thể đem lại lợi ích thực sự cho bạn. Trái lại, nó có thể từng bước làm cho bạn trở nên xấu hơn trong việc lao vào các hành vi tình dục sai trái.
Hãy cố gắng chạy trốn khỏi “nơi” bạn đang bị thủ dâm lôi cuốn, hãy làm một việc tốt thay vào những “thói quen” dẫn đến thủ dâm. Dừng ngay mọi hình thức khiêu dâm đang lôi kéo bạn. Khiêu dâm chính là một trong những xúc tác nguy hại dẫn đến thủ dâm.
Để làm được những điều đó, có thể bạn phải thay đổi một vài thói quen trong sinh hoạt hàng ngày dễ tạo điều kiện cho thủ dâm. Bạn rất cần đến ơn Chúa trợ giúp. Dù sao chúng ta vẫn phải đương đầu hàng ngày với những cám dỗ của ma quỷ “như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé”, nhưng thánh Phêrô khuyên, “Bạn hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1phêrô 5,8-10). Hãy kiên trì cầu xin sức mạnh từ Thiên Chúa!
III. KHIÊU DÂM
Trong vài dịp gặp gỡ bạn trẻ, tôi thường được hỏi: hành vi tình dục nào là tội trọng, hành vi nào là tội nhẹ? Xem những hình ảnh, phim ảnh và các sản phẩm khiêu dâm có phải tội trọng? Đó là thực tế mà rất nhiều bạn gặp phải – có tội hay không có tội, tội trọng hay tội nhẹ. Có thể nói, đó là một quan niệm ngụy biện nguy hại trong tiến trình trưởng thành tính dục của bạn. Tại sao vậy? Đối với tình dục, cách riêng khiêu dâm, điều quan trọng không phải là thiết lập giới hạn giữa tội trọng và tội nhẹ. Điều quan trọng hơn đó là tác hại ngấm ngầm của chính hành vi đó sẽ tàn phá sự tự do của con người trước những chọn lựa tốt, xấu.
Trong một bài báo gần đây trên tờ Wall Street, một tác giả đã đưa ra một lập luận đáng ngạc nhiên chống lại nội dung khiêu dâm. Ông lập luận rằng nội dung khiêu dâm thường hoạt động như một chứng nghiện. Nó gây ra một loại khoái cảm đặc biệt và theo thời gian, có thể ra lệnh cho bạn trong cả cuộc đời theo đuổi “khoái cảm” này. Bạn sẽ trở thành nô lệ cho “văn hóa” khiêu dâm. Nó thúc đẩy bạn tìm kiếm mãi, tiến tới việc tìm cách thỏa mãn trong hành động.
Bạn cũng nên biết rằng, khiêu dâm cũng là một ngành kinh doanh béo bở, với ước tính nhiều tỷ đô-la một năm. Nó không chỉ khai thác và lạm dụng tính dục của con người, mà còn hình thành một hệ thống “khách hàng” ngày một gia tăng. Cứ như vậy doanh thu của kỹ nghệ khiêu dâm ngày một phát triển. Các sản phẩm khiêu dâm cũng được biến đổi thiên hình vạn trạng. Chúng tìm đến với bạn trong trăm ngàn hình thức. Chúng len lỏi vào cuộc sống riêng tư của bạn, trong gia đình, trong phòng riêng, trong laptop, ipad và điện thoại…
Trong thực tế, có thể bạn biết khiêu dâm là sự tội, nhưng bạn cũng cho rằng, ít nhiều, nó có giá trị giải trí, giảm căng thẳng… Và như thế, bạn cứ cố gắng tránh tội khiêu dâm, rồi lại phạm tội đó. Cho đến một lúc bạn cảm thấy như mình không thể tránh được những cám dỗ của khiêu dâm mà bạn dễ dàng tìm thấy xung quanh bạn. Bạn sẽ trở thành nô lệ cho khiêu dâm. Bạn tiêu tốn tiền của, sức lực, và mọi quan tâm khác cho nó.
Giáo Hội luôn có một quan điểm rõ ràng về khiêu dâm. Khiêu dâm là tội trầm trọng mà những người phạm tội liên quan đến khiêu dâm thuộc ba loại (GL 2354): (1) những người tạo nội dung khiêu dâm, chẳng hạn như đạo diễn, diễn viên, nhiếp ảnh gia, nhà văn…, (2) những người phân phối, phát tán nội dung khiêu dâm, và (3) những người sử dụng nội dung khiêu dâm.
1. Sản xuất các nội dung khiêu dâm
Người ta thường biết đến những nội dung khiêu dâm trên những phương tiện truyền thông ngày nay (phim ảnh, các ấn phẩm in trên giấy, YouTube, video-clip, chat, live stream, điện thoại…). Để có được những tài liệu khiêu dâm đó, phải có những người sản xuất, đạo diễn, diễn viên…
Những người sản xuất hoặc cộng tác vào việc sản xuất các sản phẩm khiêu dâm, ngoài mục đích thương mại, còn ẩn chứa những chủ ý khác:
– Quảng bá nhiều hành vi tình dục xấu xa trầm trọng nhằm khởi dục nơi người khác, ví dụ các hành vi tình dục trái tự nhiên, những hình ảnh dâm ô nam-nữ đầy “thú tính”…
– Hướng dẫn và trợ giúp người khác thực hiện những hành vi tình dục xấu xa. Đó là một sự lừa dối trắng trợn rằng: tình dục chỉ là công cụ giải trí, tìm khoái cảm, không nhất thiết liên quan đến tình yêu, hôn nhân và sinh sản.
– Coi các hành vi tình dục sai trật tự tự nhiên hoặc tình dục thiếu nhân tính là những hành vi bình thường mà ai cũng có thể thực hiện.
Việc tạo ra các tài liệu khiêu dâm là vô đạo đức, bởi vì chúng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho nhiều cá nhân và xã hội: làm băng hoại lương tâm luân lý, thậm chí là nguồn dẫn đến nhiều tội ác. Xét về phương diện luân lý, việc sản xuất các sản phẩm khiêu dâm là không thể chấp nhận.
Trớ trêu thay, có khi người ta là “khách hàng”, hoặc nạn nhân của những sản phẩm khiêu dâm do người khác làm ra. Nhưng đàng khác họ cũng có thể đang tạo ra những sản phẩm khiêu dâm qua cách sống, thói quen, ví dụ “phô dâm”, “phone sex”, “sex chat”, hoặc trang phục hở hang…, hoặc là họ cộng tác vào việc phân phối những sản phẩm đó.
2. Phân phối nội dung khiêu dâm
Phân phối hoặc phát tán một sản phẩm khiêu dâm là cộng tác vào một việc làm xấu xa: nó giúp khuếch tán việc làm sai lệch lương tâm và đạo đức của nhiều người. Ngoài ra, việc phân phối sản phẩm khiêu dâm làm cho nhiều người tưởng rằng văn hóa phẩm khiêu dâm cũng là nhu cầu giải trí bình thường. Giới trẻ và thiếu niên là những đối tượng dễ bị ảnh hướng nhất: họ chuyền tay nhau, giới thiệu cho nhau những sản phẩm độc hại, và thậm chí lập nên những nhóm “sex chat” (gần đây nhiều nhóm Kpop của Hàn Quốc bị phát hiện và cáo buộc tổ chức những nhóm “sex chat”).
Theo giáo huấn của Giáo Hội, việc phân phối các sản phẩm khiêu dâm bị coi là hành vi xấu xa. Bạn đừng để mình, vô tình hay cố ý, trở thành những “nhà phân phối” cho mưu toan đồi bại của những người làm ra những sản phẩm đó.
3. Sử dụng nội dung khiêu dâm
Có bạn sẽ cho rằng sản phẩm khiêu dâm là nghệ thuật, mỹ thuật, hoặc giải trí. Điều đó không đúng. Các sản phẩm mỹ thuật ví dụ tranh khỏa thân không có ý dung tục, cũng không nhằm gợi dục vọng nơi người khác, nhưng nhằm tôn vinh vẻ đẹp của cơ thể (các tranh, tượng thời phục hưng). Trái lại, sản phẩm khiêu dâm đơn thuần nhằm mục đích khiêu gợi bản năng sinh lý, dục vọng con người.
Thực sự, khi bạn sử dụng nội dung khiêu dâm, bạn đang biến mình thành khách hàng, và đồ chơi cho những kẻ muốn khai thác cuộc sống tính dục của bạn. Đàng khác, khi đắm mình trong các hình thức khiêu dâm, bạn sẽ đánh mất dần khả năng tự chủ về tình dục, khả năng tương quan trong sáng với người khác, và chỉ còn biết lao mình tìm kiếm những sản phẩm khiêu dâm khác. Điều này sẽ gây cho bạn nhiều rối loạn về những tương quan trong đời sống, và việc tự chủ trước tình dục.
Nếu bạn chưa từng biết đến những sản phẩm khiêu dâm, đừng tìm kiếm chúng. Nếu bạn đang bị ràng buộc với một hình thức khiêu dâm nào đó, bạn có thể bắt đầu quá trình chữa trị ngay hôm nay bằng cách thực hiện những bước quan trọng này:
– Hãy sớm nhận ra rằng bạn có một vấn đề.
– Hãy thú nhận vấn đề của bạn với Chúa (sám hối và xưng tội).
– Tìm kiếm hướng dẫn từ mục tử của bạn (linh mục, hoặc người hướng dẫn thiêng liêng), hoặc một chuyên gia được đào tạo để giải quyết chấn thương trong quá khứ và tạo điều kiện chữa lành bạn.
– Hãy sáng suốt ngừng lại ngay các thói quen tìm kiếm hình ảnh khiêu dâm, nhất là trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại.
– Bạn hãy nhận ra rằng để chiến thắng một bệnh “nghiện sex” như khiêu dâm sẽ là một cuộc đua marathon (đường dài) chứ không phải cuộc chạy nước rút.
Tóm lại, khiêu dâm là một thực tế xấu xa. Nó tồn tại và len lỏi vào mọi ngóc ngách, và giai đoạn của cuộc sống bạn. Nó có thể làm tiêu tan sinh lực, tiền của, và tình cảm của bạn. Thậm chí nó có thể biến bạn trở thành tội phạm.
Bạn không cần phải chịu đựng vấn đề của bạn trong im lặng. Có sự giúp đỡ và chữa lành cho những người thực sự muốn và tìm kiếm để được chữa lành. Hãy tin cậy Chúa, Người sẽ ban cho bạn ân sủng và sức mạnh bạn cần – từng bước một.
IV. TÌNH DỤC TRƯỚC HÔN NHÂN
Khi nói về tình dục trước hôn nhân, có thể nhiều bạn ngay lập tức cho rằng đó là một thực tế rất phổ biến, nhất là trong nhiều người trẻ, những người đang yêu. Đàng khác, cũng có bạn cho rằng trinh tiết, khiết tịnh cũng chẳng có ý nghĩa lắm trong bối cảnh xã hội ngày nay. Hoặc bạn sẽ nói rằng tình dục trước hôn nhân có gì là xấu, trong khi hai người – nam và nữ – đã yêu nhau, và chắc chắn họ sẽ kết hôn?
Đôi khi cũng có người cho rằng: tình dục là “thuốc thử” cho tình yêu – nếu thực lòng yêu nhau thì người ta phải sẵn sàng “trao thân” cho nhau. Hoặc có người còn biện minh cho tình dục trước hôn nhân trong vỏ bọc “thử khả năng hoạt động của các cơ quan sinh dục”, hoặc “thử cảm xúc” với bạn tình…
Cách này hay cách khác, có thể bạn cũng đã nghe, hoặc cũng đã trao đổi với nhau những điều tương tự như vậy. Nói chung, nhiều bạn cho rằng tình dục trước hôn nhân chẳng có gì là sai trái. Nó chỉ là cách biểu lộ cảm xúc và “nhu cầu” tình dục trong tình yêu. Hơn nữa, có bạn cho rằng vì nhiều người vẫn làm điều đó, nên chưa chắc điều đó là xấu.
1. Kinh Thánh và luật tự nhiên
Trước tiên, nếu bạn tin vào Kinh Thánh, bạn sẽ tìm được lời giải đáp cho vấn đề tình dục trước hôn nhân. Kinh Thánh thường diễn tả những hành vi tình dục vô luân hoặc tội lỗi tình dục trầm trọng. Đó là bất kỳ hành động tình dục nào được thực hiện ngoài bối cảnh hôn nhân, hoặc tình dục trong hôn nhân nhưng theo những hình thức trái tự nhiên hoặc phi nhân phẩm. Những hành vi tình dục đó bị coi là trái với ý định của Thiên Chúa khi sáng tạo con người, và tính dục con người.
Bạn cần biết rằng “một điều được nhiều người thực hiện” không luôn luôn là điều đúng, hoặc tốt. Bạn không thể thực hiện một hành vi luân lý chỉ vì nhiều người cũng làm điều đó. Bởi vì, có những hành vi tự bản chất nó là xấu, ví dụ như phá thai, giết người vô tội, dâm ô… Dù trong hoàn cảnh nào, ý hướng nào, những hành vi đó đều bị coi là lỗi trầm trọng. Hơn nữa, khi bạn dự định thực hiện một hành vi luân lý, ít là, lương tâm ngay chính sẽ giúp bạn phân định hành vi đó tốt hay xấu. Trong khi, luật tự nhiên thúc dục bạn phải chọn điều tốt và tránh điều xấu. Điều này làm cho con người khác biệt và trổi vượt trên các loài sinh vật khác.
Nếu bạn đã có quan hệ tình dục hoặc nghĩ về điều đó trước khi kết hôn. Chúa muốn bạn dừng lại. Sách Diễm Ca đã mời gọi một cách tế nhị: Này các thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, tôi van nài các bạn: Xin đừng lay vội, đừng đánh thức tình yêu, cho đến khi tình yêu ưng thuận! Lời Kinh Thánh đó cũng là lời nhắn gửi đến chúng ta, những người đang sống trong tình yêu và hướng đến hôn nhân.
Tình dục trước hôn nhân là trái với trật tự và dự định của Thiên Chúa khi sáng tạo con người và tính dục con người.
2. Tính luân lý của tình dục trước hôn nhân
Một hành vi tình dục chỉ được coi là tốt, là chính đáng khi nó hướng đến mục đích sau cùng của tình dục con người theo ý định sáng tạo của Thiên Chúa: sự bổ sung, hoàn thiện tính dục và tình yêu giữa người nam và người nữ trong giao ước hôn nhân, và mở ra cho sự sống mới (sinh sản). Hay nói cách khác, tình dục, tình yêu hôn nhân và sinh sản con cái là ba yếu tố không thể tách rời nhau. Như vậy, tình dục trước hôn nhân không phải là hành vi yêu thương vợ- chồng; nó cũng không hướng đến việc tôn trọng và chào đón sự sống mới. Do đó, nó không thể là điều tốt.
Bạn muốn tôn trọng người yêu và bảo vệ tình yêu? Bạn muốn gìn giữ sự chung thủy trong cuộc hôn nhân tương lai? Bạn muốn tôn trọng và bảo vệ sự sống? Hãy chờ cho đến khi thành hôn!
Chờ cho đến khi thành hôn là trả cho tình dục đúng vị trí và mục đích của nó. Hành vi tình dục là chính đáng khi được thực hiện trong bối cảnh hôn nhân, và mở ngỏ cho sự sống mới. Tình dục bị tách khỏi hôn nhân, thì sẽ trở thành công cụ cho những ý định lạm dụng, lợi dụng, và nó dễ gây tổn hại đến sự sống và phẩm giá con người.
Tình dục không chứng minh tình yêu của bạn nếu như nó không ở trong bối cảnh tình yêu hôn nhân. Bạn đừng cố chứng minh tình yêu bằng cách dễ dãi trong những quan hệ tình dục, và cũng đừng muốn người bạn tình của mình phải chứng minh tình yêu bằng cách trải nghiệm tình dục trước hôn nhân. Chẳng ai thực sự yêu thương mà lại dùng tình dục để thử tình yêu. Chẳng ai là người tự trọng mà lại dùng tình dục để “thử” khả năng sinh dục của nhau.
Ẩn sâu trong những hành vi tình dục trước hôn nhân thường là những toan tính “duy khoái lạc”, lạm dụng và lợi dụng bạn tình của mình. Thực sự, người ta thường dùng nhiều lý lẽ để biện minh cho hành vi tình dục trước hôn nhân, nhưng những điều đó không thể che dấu một sự thật sâu thẳm trong lòng ít khi được nói ra, đó là sự ích kỷ: lạm dụng tình dục người khác, hoặc lợi dụng người khác cho một “mục đích vật chất” như tiền bạc, danh vọng, “gài” mang thai để ép buộc kết hôn…
Nếu bạn có thể tự chủ trước những rung động của dục tình, nếu bạn dành cho tình dục đúng thời đúng lúc, bạn đang đối xử với tính dục đúng với vị trí và mục đích của nó. Hành vi tình dục phải được bảo đảm trong bối cảnh một tình yêu vững bền (giao ước hôn nhân). Nếu không, nó chỉ là dụng cụ của “khoái lạc” hoặc “đổi chác” và “lạm dụng” theo mục đích của mỗi cá nhân.
Chờ cho đến khi thành hôn là tôn trọng giao ước hôn nhân. Hôn nhân Công Giáo có đặc tính “độc chiếm và vĩnh viễn”. Độc chiếm nghĩa là hoàn toàn trao hiến cho chỉ một người mình yêu. Trong khi, vĩnh viễn diễn tả sự “trung thành đến trọn đời” của hai người phối ngẫu. Hai đặc tính này là bảo đảm cho sự trao hiến trọn vẹn trong hôn nhân.
Trong hôn nhân, hành vi tình dục là một trong những khía cạnh của hành vi trao hiến. Người ta trao hiến cho nhau thân xác, sức lực, thời gian, sự quan tâm săn sóc, sự hy sinh… Chính sự ràng buộc độc chiếm và vĩnh viễn của hôn nhân mới là điều kiện cần và đủ để bạn có thể tự do và an toàn “hiến thân trọn vẹn” cho người bạn đời. Hành vi tình dục được thực hiện trong một giao ước độc chiếm và vĩnh viễn sẽ trở thành hành vi trao hiến cụ thể. Đó là một trong những lý do tại sao hành vi tình dục chỉ được nhìn nhận là tốt trong bối cảnh hôn nhân.
Trong giao ước hôn nhân tình dục trở thành ngôn ngữ của thân xác – người ta trở nên “quà tặng” cho nhau (self-giving gift). Chính sự trao hiến thân xác được tình yêu hôn nhân bảo đảm. Tình dục trước hôn nhân không phải là “quà tặng” đích thật. Nó thường chỉ là hành động của sự dễ dãi về luân lý, hoặc thiếu khả năng tự chủ trước dục vọng.
Tình dục ngoài hôn nhân không phải là sản phẩm của tình yêu chân thật, và nó cũng chẳng đảm bảo cho sự bền vững của tình yêu. Đơn giản, những hành vi tính dục ngoài hôn nhân thường diễn tả cảm xúc hơn là tình yêu. Nó như những cuộc chinh phục, thử nghiệm hơn là cuộc trao hiến thực sự. Đàng khác, tình dục ngoài hôn nhân nói chung rất ít khi có liên hệ đến sự vững bền của tình yêu và sự sinh sản con cái.
Như thế, bạn không thể dễ dàng “trao hiến” thân xác cho người khác trong những mối tình chớp nhoáng, hoặc ngay cả trong những mối tình chắc chắn hướng đến hôn nhân. Vì làm như vậy bạn tách tình dục ra khỏi hôn nhân, bạn tạo sự rủi ro cho chính con người và phẩm giá của mình. Nếu bạn chấp nhận tách tình dục khỏi tình yêu hôn nhân – quan hệ tình dục trước hôn nhân – trong tương lai khi đã thành hôn, có nhiều khả năng bạn sẽ phải đối mặt với những hành vi tình dục ngoài hôn nhân khác như ngoại tình, hiếp dâm, lạm dụng tình dục…
Chờ cho đến khi thành hôn là tôn trọng sự sống. Giáo Hội Công Giáo dạy rằng tình dục phục vụ tình yêu hôn nhân và mở ra cho sự sống mới. Trong đời sống tự nhiên của các sinh vật, hoạt động tình dục được coi là bản năng lưu truyền nòi giống. Trong khi đối với nhiều dân tộc, tình dục con người được coi như sự “sáng tạo” của Tạo Hóa, sự “phong nhiêu” của nhân loại. Theo Giáo Hội, mục đích sau cùng của tình dục hướng đến sự tương thân và hoàn thiện trong tình yêu giữa người nam và người nữ – hôn nhân – đồng thời hướng đến việc sinh sản con cái. Khi đó, người vợ, người chồng, trở thành cộng tác viên trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Tình yêu hôn nhân của họ phản ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi.
Mục đích sinh sản con cái phải luôn được đặt trong bối cảnh hôn nhân bền vững. Nói cách khác, con cái có “quyền” được sinh ra trong gia đình, bởi tình yêu giữa người cha, người mẹ hợp pháp. Tình dục trước hôn nhân, nếu có ý nhắm đến việc sinh sản thì nó cũng gây tổn hại đến quyền của con trẻ được đảm bảo sinh ra trong một gia đình bền vững.
Tuy nhiên, nhiều người đang cố tình tách rời tình dục ra khỏi khả năng sinh sản con cái. Người ta mua, bán tình dục; người ta dùng tình dục như phương tiện trao đổi; người ta dùng tình dục để thỏa mãn những dục vọng của mình. Trong hôn nhân, nhiều người tìm cách hạn chế sinh sản bằng ngừa thai nhân tạo, hoặc phá thai. Trong khi tình dục trước hôn nhân thường cố tình bỏ qua hoặc tiêu diệt sự sống mới – người ta không nghĩ đến hoặc sẵn sàng tìm cách để tránh sự thụ thai hoặc phá thai. Khi tình dục bị cố tình tách khỏi khả năng sinh sản con cái, nó sẽ gây thiệt hại cho nhân phẩm con người.
Tóm lại, Chúa muốn bạn bước theo và yêu mến Người, đồng thời yêu thương người bạn hiện tại của bạn và người phối ngẫu tương lai của bạn. Bạn muốn yêu mến Chúa và bước theo Người? Bạn hãy theo những gì Người chỉ dạy! Vì Người là đường, là sự thật và là sự sống. Bạn muốn tự trọng trong tình yêu, bạn muốn gìn giữ và bảo vệ phẩm giá của người bạn tình? Hãy chờ cho đến khi thành hôn!
Bạn đã có quan hệ tình dục trước hôn nhân, bạn có thể bắt đầu chờ đợi từ ngày hôm nay. Đừng nghĩ rằng những cám dỗ tình dục là điều bạn đã đấu tranh trong một thời gian dài và không thể dừng lại. Bạn có thể làm chủ tính dục của mình; bạn có thể sống trân trọng và yêu thương người bạn đời tương lai mà không trải nghiệm tình dục trước; bạn có thể trân trọng giao ước hôn nhân mà các bạn đang hướng tới. Hãy chờ đợi cho đến khi thành hôn!
Chúa yêu bạn và sẽ cùng bạn vượt qua những khó khăn của thân phận con người, nhất là những cảm xúc tình dục xen lẫn tình yêu trong thời gian yêu thương. Chúa đang đợi để nâng đỡ bạn. Bạn sẽ nắm lấy tay Chúa và bước đi với Người chứ?
V. KẾT LUẬN
Chúng ta vừa tìm hiểu vài vấn nạn liên quan đến tính dục mà bạn trẻ thường gặp. Những vấn nạn này được nhìn và giải thích theo nhãn quan của Kinh Thánh và Giáo Hội về tính dục con người trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa.
Kinh Thánh cho thấy rằng con người, nam và nữ, là công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Con người có phẩm giá cao quý vì được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Dựa vào đó, Giáo Hội dạy rằng: theo ý định của Thiên Chúa, tính dục giúp con người hướng đến sự bổ túc trong tình yêu và tính dục, làm cho người nam và người nữ có thể dâng hiến tình yêu cho nhau và mở ra sự sống mới. Đó là ý nghĩa và mục đích của tính dục con người. Thêm vào đó, qua việc trao ban yêu thương và lưu truyền sự sống, con người trở thành cộng tác viên của Đấng Sáng Tạo.
Bạn được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Đó chính nền tảng của phẩm giá con người. Hãy gìn giữ và nâng niu chính hình ảnh Thiên Chúa nơi bạn.
Chân thành cảm ơn các bạn.
2021
Truyền Giáo
Truyền Giáo
Tại thời điểm đầu tháng 11-2009, nếu gõ hai chữ “truyền giáo” vào Google, thì sau 1/3 giây trang tìm kiếm này sẽ trình ra 1.890.000 kết quả. Kiểm tra 50 kết quả đầu tiên, có đến 45 trường hợp thuộc ngữ cảnh Kitô giáo, chỉ 2 trường hợp thuộc các tôn giáo khác (1 Hồi giáo, 1 Phật giáo), 3 trường hợp còn lại thì không kể (vì không phải “truyền giáo” mà là “tuyên truyền giáo dục”!) Như vậy, tỉ lệ là 45/47.
Khi nói về sứ mạng Kitô giáo, hai tiếng “truyền giáo” được dùng thật phổ biến trong ngôn ngữ của chúng ta, đến mức dường như đã trở thành tự nhiên. Người viết mong đóng góp vài ghi nhận về việc dùng từ như thế, không chủ ý săm soi chuyện chữ và nghĩa, mà chỉ muốn nhân chuyện chữ nghĩa để nối tiếp câu chuyện về … một tầm nhìn sứ mạng.
Hai Nghĩa Của “Truyền Giáo”
Truyền giáo là “truyền bá tôn giáo” (Thanh Nghị, Việt Nam Tân Tự Điển Minh Hoạ. Saigon: Khai Trí, 1964, tr. 1437.) Coi như cụm bốn từ rút lại thành hai từ: “truyền” là truyền bá, và “giáo” là tôn giáo. “Tôn giáo” ở đây có thể hiểu là đạo, là con đường sống, là niềm tín ngưỡng. Và “tôn giáo” cũng có thể hiểu theo nghĩa thứ hai, là tổ chức tôn giáo. Như vậy, “truyền giáo,” trong ngữ cảnh Kitô giáo, có hai nghĩa:
– nghĩa thứ nhất: truyền giáo là truyền đạo, truyền một con đường sống, tức là làm cho các giá trị Tin Mừng được thấm nhập sâu rộng – nghĩa này thuộc phẩm tính;
– nghĩa thứ hai: truyền giáo là làm cho tổ chức tôn giáo của mình, tức Giáo Hội hữu hình, lan rộng ra – nghĩa này thuộc lượng tính.
Hẳn ai cũng mong muốn phẩm tăng theo lượng. Nhưng trong thực tế thì rất có thể, thậm chí rất thường, lượng đi một đàng phẩm đi một nẻo.
Thường Nhắm Nghĩa Nào?
Nói “truyền giáo,” chúng ta thường thiên về nghĩa nào trên đây? Cứ thăm dò, sẽ rõ. Đơn giản thôi, chẳng hạn đặt câu hỏi: Bạn được yêu cầu làm bản báo cáo về thành quả truyền giáo tại giáo xứ bạn trong một năm qua, tự nhiên bạn sẽ nghĩ đến điều gì trước nhất? Kể từ năm 2006 đến nay, người viết bài này đã có dịp thăm dò 4 lần như thế, với 4 nhóm khác nhau ở Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn (nhóm ít nhất 25 người, nhóm đông nhất 70 người, thuộc thành phần linh mục, tu sĩ, chủng sinh.) Cả 4 lần đều có trên 90% số người nhất trí trả lời rang “để báo cáo thành quả truyền giáo, tôi sẽ nghĩ trước hết đến con số người lớn được rửa tội tại giáo xứ trong năm qua.” Rõ ràng, “truyền giáo” ở đây thiên về việc mở rộng Giáo Hội theo lượng tính.
Cũng khá dễ hiểu, nếu ta ghi nhận rằng không có tôn giáo nào có đặc tính tổ chức rõ rệt bằng Giáo Hội Công Giáo. Nói đến tôn giáo của mình, chúng ta thường nghĩ ngay đến Giáo Hội Công Giáo hữu hình – một tổ chức với phẩm trật, cơ chế, cơ sở, sinh hoạt rất chặt chẽ. Giáo Hội học của Công Đồng Trentô, nhấn mạnh tính cơ chế của Giáo Hội, có vai trò rất lớn trong việc củng cố ấn tượng này suốt trên 400 năm. Hai tiếng “truyền giáo,” quả thật, dễ gợi liên tưởng tức thời đến việc tăng số tín hữu trong sổ nhân danh, việc thiết lập cộng đoàn mới và xây dựng nhà thờ mới ở nơi chưa có.
Những Hàm Ý Của “Mission”
Trong phần lớn các trường hợp, chúng ta dùng từ “truyền giáo” hoặc để dịch trực tiếp hoặc để chuyển tải hàm ý tương ứng với những từ như “mission” của tiếng Anh/Pháp, “missio” của La ngữ, vv. Từ “mission,” trước Vatican II, có thể liên hệ đến rất nhiều ý nghĩa khác nhau như: việc gửi các thừa sai đến một vùng đất nào đó, hoạt động của các thừa sai, những vùng đất mà các thừa sai được gửi đến, các dòng thừa sai, và thậm chí “mission” cũng có nghĩa là toàn bộ thế giới ngoài Kitô giáo. Theo thần học truyền thống kể từ thế kỷ 16 thì ý niệm “mission” bao gồm: việc truyền bá đức tin, việc mở rộng triều đại của Thiên Chúa, việc làm cho người ngoại giáo trở lại, việc trồng Giáo Hội tại những miền đất mới.
Như vậy, các hàm ý của “mission” cũng có cả yếu tố phẩm và lượng như “truyền giáo.” Tuy nhiên, có điều đáng lưu ý, đó là từ “truyền giáo” chỉ chuyên biệt có nghĩa là “truyền giáo;” còn từ “mission” ở đây là một từ được vận dụng, dựa vào một nội hàm rộng hơn mà nó vốn có. Thử mở từ điển Lạc Việt, cả Anh lẫn Pháp, ta thấy nghĩa thứ nhất của “mission” là “sứ mệnh, nhiệm vụ,” nghĩa thứ hai là “sự đi công tác,” và nghĩa thứ ba mới là “sự truyền giáo.” Trong ngôn ngữ thần học cho tới thế kỷ 16, từ “mission” chỉ được dùng với nghĩa thứ nhất, là sứ mệnh, để trình bày giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha sai Chúa Con, và Chúa Thánh Thần được sai bởi Chúa Cha và Chúa Con.
Chúa Cha Sai Chúa Con Đi Truyền Giáo?
Với lai lịch của việc dùng từ “mission” như thế, ta dễ hiểu tại sao một luận đề căn bản của sứ mạng học là: Chỉ có một “mission,” đó là “mission” của Thiên Chúa (missio Dei). Không phải “mission” của Chúa Con, vì Chúa Con là nhà thừa sai nhận “mission” từ Cha. Rồi, cũng để thực hiện “mission” độc nhất ấy mà Chúa Thánh Thần được sai đến để cùng với Giáo Hội đi vào thế giới. (Ở đây tưởng cần mở ngoặc để nhấn mạnh rằng Chúa-Thánh-Thần-cùng-với-Giáo-Hội được sai đi để làm sứ mạng, chứ không phải như lời của những bài hát nào đó rằng vốn “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi” không chính xác là lời cũng chẳng phải là ý của bản văn Luca 4,18 hay Isaia 61,1.) Chỉ có missio Dei, cho nên “mission” mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ để họ đảm nhận trong Thánh Thần, đó là chính “mission” của… Thiên Chúa. Vì thế thật khó mà dịch “mission” là “truyền giáo,” bởi sẽ lủng củng biết bao nếu nói “Thiên Chúa truyền giáo” hay nói “công cuộc truyền giáo của Thiên Chúa”!
Đức Giêsu – như được trình bày trong các Sách Tin Mừng – xem ra cũng không hề “truyền giáo” theo nghĩa là truyền bá một tổ chức tôn giáo. Nhiều năm sau khi Ngài về trời, người ta mới gọi các môn đệ của Ngài là “Kitô hữu.” Và Kitô giáo, xét như một tổ chức tôn giáo, chỉ tách ra khỏi lòng Do Thái giáo do những yếu tố lịch sử nhất định (mà xem ra không tất định!) Nếu nói rằng Đức Giêsu đã lập ra “Kitô giáo,” thì “Kitô giáo” ấy phải hiểu trước hết là Nước Trời, hay Nước Thiên Chúa, hay Triều Đại Thiên Chúa, với những đặc tính được mô tả rành rọt trong các Sách Tin Mừng. “Kitô giáo” ấy là loan báo Tin Mừng (nhất là cho người nghèo và những kẻ bị bỏ rơi), là yêu thương và phục vụ, là tha thứ và hòa giải, là chữa lành, là giải phóng… Đức Giêsu quan tâm ưu tiên đến phẩm tính của đời sống con người và của các mối tương quan, chứ Ngài không lấy cơ chế hay lấy tổ chức làm cứu cánh, cũng không chạy theo số lượng. “Mission” của Đức Giêsu, vì thế, rất khó mà dịch là “truyền giáo” theo nghĩa mà ta thường nhắm khi nói “truyền giáo”.
Từ Một Phong Trào Trở Thành Một Cơ Chế
Cũng thật khó để nói rằng công việc của các nhóm cộng đoàn tín hữu sơ khai tiên vàn là công việc bành trướng một tổ chức tôn giáo. Ta thấy sau biến cố Lễ Ngũ Tuần, Phêrô và các Tông Đồ đứng lên rao giảng cho các đám đông về Đức Giêsu Kitô, về sự cần thiết của “conversion” theo nghĩa là “hoán cải, trở về với Thiên Chúa.” Mãi sau này mới thấy lộ rõ dần ý nghĩa của “conversion” là “cải giáo, trở thành thành viên của Giáo Hội.” Các Tông Đồ lúc ban đầu vẫn vào ra Đền Thờ cầu nguyện như bất cứ con dân nào của cộng đồng Do Thái. Kitô giáo đã bắt đầu với tính ‘phong trào’ tối đa và tính ‘cơ chế’ tối thiểu.
Và dần dần, tính ‘cơ chế’ của Giáo Hội tăng lên, còn tính ‘phong trào’ giảm xuống. Đâu là những khác biệt giữa một phong trào và một cơ chế? Thật rõ, một phong trào thì tiến bộ, năng động, gây ảnh hưởng; nó nhìn về tương lai và sẵn sàng đón nhận các rủi ro, sẵn sàng vượt qua các biên giới… Trong khi đó, một cơ chế thì thiên về bảo thủ, thụ động, phòng thủ; nó nhìn về quá khứ và cố giữ những vành đai.
Dù sao thì thực tế là Kitô giáo đã khá sớm trở thành một cơ chế, với tổ chức ngày càng chặt chẽ và kích thước ngày càng lớn. Ngay cả dù vấp phải mấy vụ ly khai (Chính Thống Đông Phương hồi thế kỷ 11, Tin Lành và Anh Giáo hồi thế kỷ 16), thì Giáo Hội Công Giáo Rôma vẫn chứng tỏ mình là một cơ cấu vừa bề thế vừa tinh vi mà khó có tôn giáo hay tổ chức nào khác sánh kịp. Trong bối cảnh đó, “mission” của Giáo Hội Công Giáo mặc nhiên là “truyền giáo” hiểu theo cả hai nghĩa của từ này trong Việt ngữ, trong đó nghĩa thứ hai (thiên về lượng tính) mặc nhiên được dành ngày càng nhiều sự quan tâm. Mọi sự diễn ra khá xuôi chèo mát mái trong mười mấy thế kỷ ở Âu Châu, Mỹ Châu và phần nào đó ở Phi Châu, trong đó công việc của sứ mạng Kitô giáo thường đơn giản là “chinh phục và lật đổ.” Kitô giáo trở thành tôn giáo và văn hóa thống trị trên nhiều vùng rộng lớn. Nhưng khi đặt chân đến Á Châu, câu chuyện trở nên hoàn toàn khác.
Câu Chuyện Ở Á Châu
Lần nọ, nói chuyện với một nhóm linh mục và tu sĩ Việt Nam tại hội trường đài phát thanh Veritas Asia ở Manila, nhà thần học Mỹ gốc Việt Peter C. Phan đã hóm hỉnh nhận định rằng: Con số không nói hết chuyện nhưng con số cũng nói được phần nào câu chuyện. Nếu một công ty có sản phẩm rất tốt đến tiếp thị tại một khu vực dân cư đông đúc, và sau hơn 400 năm chào hàng, chưa tới 4 phần trăm dân số ở đó chịu mua sản phẩm, thì chắc chắn công ty ấy đã làm ăn quá dở và cần xem lại cách làm ăn của mình. Đó là một phóng họa lịch sử loan báo Tin Mừng ở Á Châu. Và Việt Nam có phần của mình trong phóng họa này.
Sự kiện Á Châu bướng bỉnh không chịu ‘mua hàng’ chắc hẳn có liên hệ rất nhiều đến cung cách Giáo Hội ‘chào hàng’ trong tâm thức “truyền giáo” hiểu là “mở rộng một tổ chức tôn giáo,” và trong cách thức đã từng tỏ ra hiệu quả ở các nơi khác, đó là “chinh phục và lật đổ”! Tâm thức và cách thức này như bị dội lại khi gặp hai cột trụ sừng sững của các dân tộc Á Châu: tức các tôn giáo lớn và các nền văn hóa kỳ cựu tại lục địa này, kỳ cựu hơn Kitô giáo rất nhiều. Chỉ xét về mặt tâm lý ứng xử thôi, thì một tín đồ cắm sâu trong truyền thống Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo hay Lão giáo, chẳng hạn, chắc chắn sẽ cảm thấy bị tổn thương và do đó sẽ đề kháng khi họ nhận ra các Kitô hữu đến để “truyền giáo” cho họ, theo nghĩa là để chinh phục họ, để xóa tôn giáo và văn hóa của họ và thay vào đó bằng Kitô giáo. Họ sẽ lịch sự nói cám ơn và quay đi chỗ khác khi nhận ra các Kitô hữu đến với họ trong tư thế của ông nhà giàu tự tôn và trịch thượng chỉ biết dạy và cho mà thôi chứ không hề biết học và nhận.
“Cuộc Tranh Cãi Về Nghi Thức Trung Hoa” hồi đầu thế kỷ 17 và những diễn biến sau đó là một bài học ‘xương máu’ cho sứ mạng của Giáo Hội, không chỉ ở Trung Hoa hay Ấn Độ mà còn tại nhiều nước khác nữa. Phải mất ba thế kỷ, Giáo Hội mới ‘nghĩ lại’ mà chấp thuận cho người Công Giáo Trung Hoa (từ 1939) và Việt Nam (từ 1964) có những thực hành tôn kính tổ tiên, thì ta đừng ngạc nhiên và cũng đừng phiền trách tại sao nhiều anh chị em lương dân ngày nay vẫn còn nghĩ rằng “theo đạo là bỏ ông bà.” Vì đâu mà Giáo Hội phạm sai lầm quá lớn và quá lâu dài như vậy? Vì ảnh hưởng của chế độ thực dân tây phương, và vì cảm thức tự tôn văn hóa nơi người tây phương. Thời ấy, các Kitô hữu tây phương không hề ý thức rằng thần học của họ đã bị điều kiện hóa bởi bối cảnh văn hóa; họ đơn sơ nghĩ rằng thần học ấy có hiệu lực phổ quát và siêu văn hóa. Và vì văn hóa tây phương được coi là văn hóa Kitô giáo, nên rõ ràng là văn hóa này phải được ‘xuất khẩu’ cùng với đức tin Kitô giáo!
Hội Nhập Văn Hóa và Đối Thoại Tôn Giáo
Rất may là Giáo Hội ngày nay đã ‘nghĩ lại’ và – ít ra trên nguyên tắc – đã nhìn nhận nhu cầu khẩn thiết phải hội nhập văn hóa và đối thoại tôn giáo. Về hội nhập văn hóa, Công Đồng Vatican II khẳng định rằng cuộc gặp gỡ giữa truyền thống Kitô giáo với quan niệm về cuộc sống và các cấu trúc xã hội của các dân tộc khác nhau là điều cần thiết để đạt tới một áp dụng sâu xa đời sống Kitô giáo vào các đặc điểm riêng của mỗi nền văn hóa (Ad gentes, 22). Nếu Tin Mừng phải thấm nhập vào trái tim của người ta, thì điều này chỉ có thể xảy ra xuyên qua các giá trị văn hóa và các truyền thống sống động của những con người ấy. Về đối thoại tôn giáo, Vatican II tuyên bố càng hùng hồn hơn nữa: “Giáo Hội Công Giáo không bác bỏ bất cứ điều gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo” (Nostra aetate, 2). Đây là lần đầu tiên, sau ngót hai mươi thế kỷ, Giáo Hội chính thức nhìn nhận giá trị và hiệu lực của các tôn giáo ngoài Kitô giáo.
Những luồng sáng của Công Đồng Vatican II đã thực sự khơi nguồn cảm hứng. Chưa bao giờ hội nhập văn hóa và đối thoại tôn giáo được nói đến nhiều như bốn thập niên qua. Ngay trong thời gian diễn ra Công Đồng, Đức Phaolô VI đã công bố thông điệp Ecclesiam Suam (1964), một giáo huấn chuyên đề về đối thoại, trong đó ngài khẳng định rằng đối thoại là cách thi hành bài sai của Đức Kitô: “Hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (x. số 64). Ba năm sau, năm 1967, cũng chính từ nhãn giới mới này về sứ mạng Kitô giáo mà Đức Phaolô VI đã quyết định chính thức đổi Bộ Truyền Bá Đức Tin (hay Bộ Truyền Giáo) thành Bộ Loan Báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Chữ “đức tin” (fide) chẳng có ‘tội’ gì ở đây; hẳn là vị giáo hoàng nhìn thấy vấn đề ở chữ “truyền” (propaganda), nhất là ở cách thức “truyền” vốn không mấy kiến hiệu, cách riêng tại Á Châu là nơi chiếm đến hơn một nửa dân số thế giới. Một sự thay đổi đầy hàm ý của vị giáo hoàng! Tuy nhiên, ở Việt Nam thì cụm từ “Bộ Truyền Giáo” vẫn còn tiếp tục được dùng một cách rất tự nhiên và nhiều khi ngay cả trong các bản văn chính thức, cho đến tận hôm nay.
Có Những Căng Thẳng, Xôn Xao
Câu chuyện về hội nhập văn hóa và đối thoại tôn giáo là câu chuyện ‘ruột’ của các giám mục FABC (Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Á Châu). Đó là hai trong ba cuộc đối thoại mà các ngài xác lập là đường hướng căn bản của mình. Có thể nói, trong bốn mươi năm qua, không ở đâu khác mà đề tài hội nhập văn hóa và đối thoại tôn giáo được suy tư, thảo luận dày công cho bằng ở FABC. Nhưng câu chuyện này cũng không hề đơn giản. Đã có những căng thẳng, trong một bối cảnh mà thẩm quyền cao nhất trong Giáo Hội thường xuyên tỏ ra đặc biệt nhạy cảm và dè dặt đối với hai lãnh vực này. Như người ta còn nhớ những phản ứng mạnh mẽ đối với Lineamenta, hồi chuẩn bị synod 1998, từ phía các hội đồng giám mục của FABC, nhất là các hội đồng giám mục Nhật Bản, Indonesia, và cả Việt Nam. Cũng trong những năm 97 và 98 ấy, đã xảy ra một loạt các vụ cảnh cáo hay phạt vạ đối với một số tác giả linh đạo hay thần học gia viết về ‘tôn giáo’ như Tissa Balasuriya, Perry Schmidt-Leukel, Jacques Dupuis, Anthony de Mello. Mới đây hơn, Roger Haight, Jon Sobrino, Peter C. Phan… nối vào danh sách đó, cũng vì những vấn đề ‘dầu sôi lửa bỏng’ là thần học tôn giáo và Kitô học.
Sứ Mạng Ở Giữa Lương Dân (inter gentes) của FABC
Thật không dễ dàng chút nào! Nhưng từ kinh nghiệm hiện thực, từ niềm xác tín sâu xa, và cả từ sự kiên nhẫn và mềm mỏng cần thiết, các giám mục FABC vẫn tiếp tục định hình ngày càng rõ tầm nhìn sứ mạng của mình. Tầm nhìn này mới đây được Jonathan Yun-ka Tan tổng kết trong cụm từ “missio inter gentes” – và ông ghi nhận:
“Đối với FABC, loan báo Tin Mừng không phải là ‘con đường một chiều’ hay ‘sự rao giảng một chiều’ về những nguyên tắc tín lý hay những chân lý đức tin trừu tượng… Sứ mạng là một cái gì lớn rộng hơn việc trồng một Giáo Hội địa phương mới ở nơi mà nó chưa hiện diện. Các giám mục Á Châu không coi các dân tộc Á Châu như những đối tượng của sứ mạng, theo nghĩa là phải được giúp cải giáo và đưa vào Giáo Hội, mặc dù các Kitô hữu sẵn sàng mời gọi họ như thế. Đúng hơn, đích nhắm của sứ mạng inter gentes của các Giáo Hội địa phương Á Châu được đồng hóa với chính đích nhắm của sứ mạng Đức Giêsu: đem Nước Thiên Chúa đến giữa đồng bào mình.
“Hơn nữa, FABC nghĩ về sứ mạng của Giáo Hội như là được cảm hứng từ hoạt động trước của Thiên Chúa trong thế giới, xuyên qua sứ mạng của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Thực vậy, theo nhận định của FABC, những nền móng cứu độ học sâu sắc của các tôn giáo và triết học Á Châu – vốn truyền cảm hứng cho vô số người Á Châu – không phải là những sự dữ, nhưng xuất phát từ chính Thiên Chúa… Kho tàng khôn ngoan của các triết học và các tôn giáo Á Châu được tác động bởi chính Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động vượt quá các ranh giới của Giáo Hội cơ chế.
“Phương thế chủ yếu của missio inter gentes là đối thọai, một cuộc gặp gỡ hai chiều giữa Tin Mừng Kitô giáo với các thực tại ba mặt của Á Châu: các nền văn hóa, các tôn giáo, và người nghèo. Ở đây, rõ ràng là không chỉ các thực tại xã hội tôn giáo Á Châu được nên phong phú hơn nhờ Kitô giáo, mà Kitô giáo cũng được phong phú hơn nhờ các thực tại này. FABC xem đối thọai và hòa điệu là điều thiết yếu…”
Điểm chung giữa tầm nhìn missio inter gentes (của FABC) và tầm nhìn ad gentes (truyền thống) là cả hai cùng khẳng định mạnh mẽ sự cần thiết của sứ mạng. Nhưng có những khác biệt trong một số sự nhấn mạnh và trong các mối ưu tiên. Có thể đối chiếu như sau:
mission AD gentes | mission INTER gentes |
1. Xác nhận sự cần thiết của sứ mạng.
2. Nhấn mạnh khía cạnh tại sao, cái gì, và ai của sứ mạng. 3. Giả thiết Au Châu (hay Rôma) là trung tâm của chân lý – và các nhà thừa sai từ đó đi đến với các vùng ngu dốt, tối tăm… 4. Khó chịu với bối cảnh đa nguyên tôn giáo ở Á Châu. 5.Ưu tiên rao giảng bằng lời nói. Phương thức sứ mạng có nhiều tính đối đầu. 6. Mục tiêu sứ mạng nghiêng về trồng Giáo Hội. 7. Có xu hướng đo lường thành quả sứ mạng bằng những con số (lượng tính). |
1. Xác nhận sự cần thiết của sứ mạng.
2. Nhấn mạnh khía cạnh thế nào của sứ mạng. 3. Nhìn nhận Thần Chân Lý vốn hoạt động trong các nền văn hoá và các tôn giáo. 4. Thoải mái với bối cảnh đa nguyên tôn giáo ở Á Châu. 5. Ưu tiên rao giảng bằng chứng tá. Phương thức sứ mạng nhắm làm cho Tin Mừng Kitô giáo thấm nhập vào trong các thực tại Á Châu. 6. Mục tiêu sứ mạng là: xây dựng Nước Thiên Chúa. 7. Chọn phương thức phẩm tính để tiếp cận và đánh giá thành quả sứ mạng. |
Thay Lời Kết
Trong bối cảnh Việt Nam, nếu thêm một mục thứ 8 nữa vào hai cột đối chiếu trên, đề cập về từ ngữ để gọi sứ mạng Kitô giáo, chắc hẳn ta có thể ghi vào cột ad gentes là “truyền giáo,” còn cột inter gentes có thể là “sứ mạng” hay “làm chứng” hay hình tượng hơn: “làm muối,” “làm men,” “làm ánh sáng”… Đó là những hình ảnh chính Chúa Giêsu đã dùng khi trao sứ mạng cho các môn đệ. Muối, men, ánh sáng thì không ồn ào áp chế – công việc của nó là âm thầm hiện diện, và chỉ cần hiện diện đúng như bản chất của mình, tự khắc môi trường xung quanh nó sẽ thấm mặn, sẽ dậy men, và sẽ đầy ánh sáng.
Linh mục Lê Công Đức