2021
LỜI CHÚA CHỮA LÀNH TẤT CẢ
SUY NIỆM TĨNH TÂM LINH MỤC
LỜI CHÚA CHỮA LÀNH TẤT CẢ
(Kn 16,12)
Linh mục Giuse Cao Đình Phương
WHĐ (13.7.2021) – Thánh Giêrônimô nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô“. Thật vậy, nếu không biết Chúa Kitô là ai, Người đã sống, đã dạy những gì, và cứu chuộc nhân loại cách nào, thì có lẽ chúng ta là những người dại dột nhất trên đời. Nhưng, thật hạnh phúc cho chúng ta vì được Đức Kitô Ngôi Lời của Thiên Chúa “trở nên người phàm” (Ga 1,14) đến trần gian mặc khải, chữa lành và cứu độ chúng ta.
1. Ngôi Lời Thiên Chúa chữa lành
Ngôi Lời của Thiên Chúa đã làm người để chữa lành các bệnh tật hồn xác cho con người. Sự chữa lành của Đức Giêsu thật đa dạng, Người chữa lành bệnh tật thể xác, tâm hồn, trừ quỷ, làm chủ thiên nhiên, củng cố đức tin, tha thứ tội lỗi, hồi sinh người chết. Hình thức chữa lành của Người cũng rất phong phú, Người dùng lời nói, chạm đến bệnh nhân hay đặt tay… Sự chữa lành của Đức Giêsu diễn tả tình thương và quyền năng của Người trên con người, trên muôn vật muôn loài, đặc biệt trên sự dữ, đau khổ và sự chết. Tất cả các phép lạ Đức Giêsu thực hiện trong sứ vụ rao giảng nhằm chuẩn bị cho phép lạ cả thể nhất, đó là việc Người chịu đau khổ, chịu chết và sống lại.
Qua việc chữa lành, Đức Giêsu hướng những người bệnh và những người chứng kiến đến sự chữa lành quan trọng hơn, là sự chữa lành tâm linh, trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa, với tha nhân và với thế giới thụ tạo.
Với sự quan tâm ân cần, Người chữa lành chúng ta khỏi sự lãnh đạm. Với tình yêu vô điều kiện, Người chữa chúng ta khỏi hận thù. Với niềm tín thác vào Thiên Chúa Cha, Người chữa lành chúng ta khỏi nghi ngờ. Với lòng biết ơn Thiên Chúa, Người chữa lành chúng ta khỏi sự vô ơn. Với sự trung tín, Người chữa chúng ta khỏi sự phản bội. Bằng việc hy sinh từ bỏ chính mình, Người chữa trị chúng ta khỏi ích kỷ, tham lam. Với sự khiêm tốn, Người chữa lành chúng ta khỏi sự tự cao tự đại. Nhờ niềm hy vọng, Người chữa chúng ta khỏi thất vọng. Với niềm vui của Tin Mừng, Người chữa lành chúng ta khỏi sự buồn sầu trong cuộc sống. Mở mắt cho người mù loà, Người chữa chúng ta khỏi sự tối tăm tâm linh. Lúc bị treo trên thập giá, Người cứu chữa chúng ta khỏi tội lỗi. Khi sống lại, Người dẫn chúng ta vượt qua vực thẳm sự chết, đến chốn trường sinh. Khi mang lấy những yếu đuối của thế giới thụ tạo, Người đổi mới thế giới thụ tạo thành trời mới đất mới. Đức Giêsu Ngôi Lời làm người đã chữa lành nhân loại.
2. Lời Chúa chữa lành tất cả
Ngôi Lời Thiên Chúa làm người đã chữa lành nhân loại yếu đau và tội lỗi. Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng. Lời Người có sức chữa lành biến đổi vì: “Lời Chúa sống động và linh nghiệm” (Dt 4,12), “Lời Chúa là chân lý” (Lc 1,2-4), giúp ta hiểu biết chân lý, giải thoát chúng ta khỏi mê lầm, sai lạc (x. Lc 24,44-45). Lời Chúa là lời hằng sống (x. Ga 6,68), “là ánh sáng” (Ga 8,12), “là đèn soi đường dẫn lối chúng ta đi” (Tv 118,105). Lời Chúa làm phát sinh hoa trái cứu độ, Lời Chúa “một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55,10-11).
Sách Khôn ngoan đã minh chứng quyền năng chữa bệnh của Lời Chúa: “Quả vậy, không phải lá cây, chẳng phải thuốc đắp đã chữa họ lành, nhưng lạy Đức Chúa, chính lời Ngài chữa lành tất cả!” (Kn 16,12). Khi kết thúc bài Tin Mừng trong Thánh lễ, thừa tác viên hôn sách và nói: “Nhờ những lời Phúc Âm vừa đọc, xin Chúa xóa tội chúng con”.
Kể lại câu chuyện của tiên tri Êlisa nói với Naaman đi tắm 7 lần tại sông Giođan để được chữa lành, Đức Hồng y Cantalamessa đã chú giải “những nước sông ở Israel” là những sách Kinh Thánh được Thiên Chúa linh ứng, tiếp tục chữa lành bệnh cùi tội lỗi ngày hôm nay[1].
Khi đọc đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma: “Chúng ta hãy ăn ở cho đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày: […] không chơi bời dâm đãng” (Rm 13,13), thánh Augustinô cảm thấy “một luồng sáng thanh thản” tràn ngập trái tim và đã được chữa khỏi cảnh nô lệ cho xác thịt[2].
Một người nghiện rượu rất nặng, không thể không uống rượu trong hai giờ, gia đình ông đang trên bờ vực tuyệt vọng. Ông và vợ được mời tham dự một cuộc chia sẻ Lời Chúa, ông nghe đoạn thư trên: “Chúng ta hãy ăn ở cho đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày: […] không chè chén say sưa” (Rm 13,13). Lời Chúa đã tác động mạnh tới ông như lửa và ông cảm thấy mình được chữa lành. Sau đó, mỗi lần bị cám dỗ uống rượu, ông mở đoạn Kinh Thánh này và đọc, ông cảm thấy lại có được sức mạnh, cho đến khi ông được chữa lành hoàn toàn.
Lời Chúa “xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Ðấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4,12-13). Lời Chúa trở nên nguồn dịu ngọt “ngọt hơn mật ong nguyên chất” (Tv 118,103), làm cho những người yêu mến, khi vừa gặp được đã nhanh chóng nuốt vào (x. Gr 15,16). Lời Chúa như là luật và những huấn lệnh để chỉ dẫn đường lối phải theo (x. Tv 118,97-98). Như thế, Lời Chúa có sức mạnh chữa lành, canh tân, biến đổi con người.
3. Để Lời Chúa chữa lành
3.1. Niệm suy Lời Chúa
Lời Thiên Chúa nói là lời nói vào tâm hồn. Thiên Chúa nói như Ngài viết: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta” (Gr 31,33). Tiên tri Hôsê diễn tả: “Này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16). “Các Lời của Người, vừa gặp được, tôi đã ngốn lấy; Lời Người là sự sướng vui cho tôi, niềm hoan lạc của lòng tôi” (Gr 15,16; x. Ez 2,9-3,3; x. Kh 10,8-10). Chúa ghi Lời Ngài vào lòng dạ chúng ta, vì thế, “linh mục, trước tiên, phải tạo được một mối thâm tình sâu đậm giữa bản thân mình với Lời Chúa,… với một tấm lòng mềm mại và nguyện cầu để cho Lời Chúa thấm nhập đến tận sâu thẳm ý nghĩ và tình cảm của mình và làm nảy sinh nơi mình một tinh thần mới, làm nảy sinh ‘tư tưởng của Chúa’” (1Cr 2,16)[3].
Linh mục không chỉ là thừa tác viên phục vụ Lời Chúa mà còn phải là “người của Lời Chúa”[4]. Khi nói linh mục là thừa tác viên phục vụ Lời Chúa thì Lời Chúa còn là một thực tại khách quan ở ngoài con người linh mục. Khi nói linh mục là người của Lời Chúa thì Lời Chúa là một yếu tố xác định căn tính linh mục, Lời Chúa thấm nhuần vào da thịt và xương tủy của linh mục. Đây là kết quả của tiến trình lâu dài thực hiện qua việc suy ngắm và chiêm niệm Lời Chúa để Lời Chúa chiếu soi và hướng dẫn cuộc sống trong mọi hoàn cảnh cụ thể.
Niệm suy Lời Chúa trong cầu nguyện, Lời Chúa sẽ tác động trên tư tưởng của con người. Có thể nói tất cả tùy thuộc vào tư tưởng. Tư tưởng điều khiển hành động. Tư tưởng có một sức mạnh mãnh liệt đối với hành động của con người vì nó được hỗ trợ bởi tình cảm và ý chí. Nếu chúng ta muốn cho cuộc đời thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, chúng ta hãy suy nghĩ bằng chính Lời Chúa, hãy nuôi dưỡng trong tâm hồn những ý tưởng thánh thiện của Tin Mừng. Nếu chất chứa trong lòng những ý tưởng tiêu cực, xấu xa, cuộc đời của chúng ta sẽ xấu xa, héo tàn vì tư tưởng hướng dẫn hành động. Để Lời Chúa thấm nhuần tư tưởng, Lời Chúa sẽ dẫn đến hành động thánh thiện và có sức mạnh chữa lành “những vết thương tâm hồn”.
3.2. Yêu mến và sống Lời Chúa để định hướng cuộc đời
Một trong những món quà quý báu mà Chúa Giêsu mang đến cho con người là Lời Thiên Chúa. Bởi lẽ, đây không phải là lời của con người nhưng là tiếng nói của Thiên Chúa từ trời cao ban xuống. Lời Chúa như kim chỉ nam cho cuộc sống, như phương châm sống cho đời người. Chúa Giêsu đã nói đến tầm quan trọng của Lời Chúa: người nào xem thường Lời Chúa thì cũng giống như xây nhà trên cát, còn người biết lấy Lời Chúa định hướng cho cuộc đời mình thì tựa như xây nhà trên nền đá. Đối với đời sống đức tin, “Lời Chúa trở thành tiêu chuẩn mới cho việc phán đoán và lượng định con người và sự vật, các biến cố và các vấn đề”[5]. Lời Chúa đóng một vai trò rất quan trọng như ý lực sống cho con người.
Thế nhưng, ngày nay, Lời Chúa dường như vắng dần trong cuộc sống. Lời Ngài bị nhiều người từ chối và xem thường. Đó là những người có tâm hồn sỏi đá, khô cạn hay đầy gai góc bởi những đam mê trần tục, những ưu tư thế gian. Vì thế, phải chú tâm lắng nghe lời Chúa, đón nhận Lời Chúa để có thể gặp được Chúa: “Trong các Sách Thánh, Chúa Cha trên trời âu yếm đến gặp gỡ và trò chuyện với con cái của Ngài, vì trong Lời Thiên Chúa có uy lực và quyền năng lớn lao để mang lại sự nâng đỡ và sức sống cho Giáo hội, đồng thời đem đến cho đoàn con của Giáo hội sức mạnh của đức tin, lương thực của linh hồn, nguồn mạch tinh tuyền và trường tồn của đời sống thiêng liêng”[6].
Vì thế, người linh mục phải yêu mến Lời Chúa và làm cho các tín hữu yêu mến Lời Chúa, chú tâm, sốt sắng lắng nghe Lời Chúa, sống Lời Chúa như các giám mục Việt Nam đã nhắn nhủ: “Yêu mến Thánh Kinh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Thánh Kinh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời”[7].
3.3. Rao giảng Lời Chúa để chữa lành
Bài giảng trong Thánh lễ được gọi là homilia. Trong nguyên ngữ Hy Lạp, homilia có nghĩa là đàm thoại, hàn huyên tâm sự, chuyện trò thân mật. Thánh Luca thuật kể về hai người môn đệ trên đường Emmaus đang nói “homilia” (homilun) với nhau về những chuyện mới xảy ra ở Giêrusalem thì Chúa Kitô tiến đến và cùng đi với họ (Lc 24,14-15). Một nhà thần học định nghĩa sự cầu nguyện là một homilia với Chúa, thế nên bài giảng phải được diễn tả trong tâm tình thân thương[8] như Đức Phanxicô ghi nhận: “Bài giảng thực ra có thể là một trải nghiệm sâu đậm và vui sướng về Thần Khí, một cuộc gặp gỡ đầy an ủi với lời Thiên Chúa, một nguồn mạch canh tân và tăng trưởng thường xuyên”[9].
Trong Thánh lễ truyền chức linh mục tại giáo phận Qui Nhơn ngày 07/01/2021, Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi nhắn nhủ các tân linh mục: Để thi hành nhiệm vụ giáo huấn trong Đức Kitô là Thầy, các con hãy siêng năng đón nhận Lời Chúa bằng việc lắng nghe và suy niệm trong lòng, rồi đem phân phát cho dân Chúa bằng lời giảng dạy. Hãy chuẩn bị bài giảng Thánh lễ mỗi ngày thật chu đáo, để có thể làm cho Lời Chúa trở nên lương thực hằng ngày cho dân Chúa. Bài giảng Thánh lễ phải ưu tiên tập trung vào Lời Chúa và giáo huấn của Hội thánh, nếu có đề cập đến giáo huấn của các tôn giáo khác hay tư tưởng của các tác giả đời, như các triết gia, văn thi sĩ, nhạc sĩ hay chính trị gia, thì cũng chỉ để đối chiếu mà thôi. Không được tục hóa bài giảng bằng những nội dung và lời lẽ không phù hợp với sự thánh thiêng của phụng vụ Lời Chúa…. Để cho lời giảng dạy có sức đánh động lòng người, các con cần có gương sáng đời sống thánh thiện đi kèm, vì người ta thích nhìn thấy bài giảng hơn là chỉ nghe bài giảng. Về vấn đề này Hội thánh đã dạy: “Các con hãy chú tâm tin điều các con đọc, dạy điều các con tin và thi hành điều các con dạy”. Ngoài các bài giảng trong Thánh lễ, các con cũng hãy tận dụng những dịp khác để trình bày Lời Chúa cho anh chị em tín hữu và cả cho những người lương dân trong những cuộc gặp gỡ hằng ngày[10].
Thánh Augustinô khẳng định, nếu “Lời Chúa không được lắng nghe từ trong lòng thì họ, những người rao giảng, sẽ thành kẻ huênh hoang rao giảng Lời Chúa ngoài môi miệng”[11]. Việc suy gẫm Lời Chúa trong kinh nguyện cá nhân linh mục sẽ làm cho lời rao giảng của các ngài có tính thuyết phục, đi từ con tim đến con tim, đi từ tình yêu đến hành động và từ nguồn mạch này, linh mục kín múc được lòng nhiệt thành để rao giảng Tin Mừng.
Bài giảng lễ nhằm đến việc khơi dậy đức tin để cử hành Thánh lễ lúc đó, nhưng cũng cần phải nghĩ đến việc đào tạo giáo lý cho các tín hữu, để họ sống đức tin trong suốt cuộc đời. Tông huấn Catechesis Tradendae của Đức Gioan-Phaolô II, Sacramentum Caritatis, số 46 và Verbum Domini, số 60 của Đức Bênêđictô, đề nghị một chương trình quy mô cho các bài giảng, làm sao để cung cấp cho các tín hữu một nền tảng đạo lý có hệ thống, hoặc dựa theo sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, hoặc dựa theo chu kỳ các bài đọc trong vòng ba năm.
3.4. Tránh những lời giảng gây thương tích
Cha Nhân Tài chia sẻ: “Tòa giảng là nơi công bố và giảng dạy Lời Chúa… Nơi tòa giảng ngôn từ của linh mục… không còn phải là lời của các ngài nữa, nhưng là lời của Chúa Thánh Thần nói qua miệng của các ngài… Lời Chúa trong bài Tin Mừng được vang ra từ miệng và từ tâm hồn của linh mục để đến nơi từng tâm hồn của các tín hữu… Thế mà một số linh mục đã lợi dụng tòa giảng để nói lời của mình…, các ngài đem những nỗi bực tức của mình trút lên đầu giáo dân… lời của các ngài không còn là Lời Chúa nữa… Ngôn từ của các ngài cần phải chừng mực, không la lối tại sao các ông, các bà không đi lễ,… không xin lễ cầu hồn…, không khen người này đã dâng cúng cho nhà thờ và cha sở tiền bạc vật chất, người kia quanh năm không thấy đi xin lễ… Nếu vậy thì, ngôn từ của các ngài nơi tòa giảng, đã trở thành những ngọn roi tra tấn tâm hồn những người yếu đức tin, làm nát tâm hồn những người ngoan đạo và làm chảy máu tâm hồn những người hết lòng yêu mến Giáo hội Chúa Kitô”[12].
Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã chia sẻ trong một buổi tĩnh tâm: “Bài giảng lễ thì lòng thòng và chủ yếu là mắng mỏ, hăm dọa, khiển trách, thậm chí bôi bác giáo dân giữa nhà thờ… Diễn đàn Lời Chúa là diễn đàn tình thương nhưng rất nhiều cha lợi dụng để trút hết căm hờn lên đầu giáo dân. Không gì mâu thuẫn bằng linh mục lại là thủ phạm gây chia rẽ trong giáo xứ bằng chính lời nói của chủ chăn. Chúng ta tìm cách trừng trị, triệt hạ những người đối lập. Không làm được gì thì chúng ta đem ra giữa nhà thờ để bêu riếu bôi bác”[13].
3.5. Giảng Lời Chúa bằng việc dạy giáo lý
Bộ Giáo luật 1983 ghi: “Để loan báo học thuyết Kitô giáo, người ta phải dùng những phương tiện khác nhau sẵn có, trước hết việc giảng thuyết và huấn giáo luôn chiếm vị trí chủ yếu”[14]. Vì thế, sau việc giảng thuyết, linh mục phải thực thi chức năng ngôn sứ của mình qua việc dạy giáo lý.
Trong Tông huấn Catechesi Tradendae, Đức Gioan-Phaolô II đã mô tả một vài nét đặc trưng của huấn giáo:
* Trình bày đạo lý Kitô giáo một cách có hệ thống mạch lạc, vì hướng đến trí tuệ hơn là tâm tình cảm xúc của người nghe. Mục tiêu của dạy giáo lý là sự hiểu biết đạo lý. Vì vậy, cần phải theo một thứ tự hệ thống mạch lạc, cũng như tôn trọng tính cách toàn bộ của đạo lý[15].
* Tuy nhiên, mục tiêu của việc huấn giáo không phải chỉ là nhồi một mớ kiến thức vào đầu óc, mà nhờ học biết giáo lý, sẽ giúp cho đức tin của Kitô hữu sống động, minh bạch và linh hoạt. Vì thế, huấn giáo không thể tách rời khỏi việc tham dự tích cực vào đời sống Kitô giáo, qua việc cử hành bí tích, cầu nguyện và chứng tá. Đối tượng của đức tin không phải là những chân lý trừu tượng nhưng là “mầu nhiệm của Đức Kitô”[16]. Nhờ huấn giáo, người tín hữu học biết về Đức Kitô, để uốn nắn tư tưởng, tâm tình, phán đoán, hành động của mình nên giống như Người, hầu trở nên người môn đệ chân chính của Người[17].
Đức Bênêđictô 16 nhắn nhủ: “Công việc dạy giáo lý luôn luôn hàm chứa việc kết hợp Kinh Thánh với đức tin và Truyền thống Giáo hội, sao cho những lời này được nhận thức là những lời hằng sống, y như hôm nay Đức Kitô vẫn đang sống ở nơi nào có hai hay ba người họp nhau lại nhân danh Người (x. Mt 18,20). Khoa giáo lý phải truyền đạt cách sống động lịch sử cứu độ và các nội dung đức tin của Giáo hội, ngõ hầu mọi tín hữu đều nhận ra rằng hoàn cảnh sống cá nhân của mình cũng thuộc về lịch sử này”[18].
Các linh mục phải chú tâm đến việc dạy giáo lý, tổ chức chương trình, lớp học giáo lý, cho tất cả các tín hữu, tùy theo hoàn cảnh, tuổi tác… để giúp họ tăng tiến trong đức tin.
4. Linh đạo cho thừa tác viên Lời Chúa
Để lời rao giảng là Lời Chúa có sức chữa lành, người phục vụ Lời Chúa phải có những nghĩa vụ trung thành[19]:
4.1. Trung thành với Lời Chúa.
Trung thành với Lời Chúa đòi hỏi phải học hỏi Lời Chúa để có thể giải thích đúng đắn, chính xác, không được phép nói điều gì trái ngược với Lời Chúa. Để có thể nói Lời Chúa, thừa tác viên Lời Chúa phải là người biết lắng nghe, lắng nghe Chúa nói trong thân tình, nơi sâu thẳm của cõi lòng, để có thể nói với dân Chúa: “Các môn đệ được lôi cuốn vào trong cuộc sống thân tình với Thiên Chúa do họ được đắm mình vào trong Lời Thiên Chúa. Có thể nói, Lời Thiên Chúa là bể tắm thanh tẩy, là quyền lực sáng tạo biến đổi họ và làm cho họ thuộc về Thiên Chúa”[20]. Lời Chúa không phải là những chữ chết nhưng được đồng hóa với Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, để Người nói qua người rao giảng.
4.2. Rao giảng Lời Chúa như Tin Mừng với tâm tình mừng vui hân hoan.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cao nét đặc trưng này trong Tông huấn Evangelii Gaudium: “Tôi muốn khích lệ các tín hữu đi vào một chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui”[21], “vì không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến”[22]. Chính vì thế, “người loan báo Tin Mừng không bao giờ được mang bộ mặt của một người vừa đi đưa đám về! Chúng ta hãy… đào sâu ‘niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc loan báo Tin Mừng, cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt… Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hy vọng, có thể nhận được Tin Mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô”[23].
4.3. Trung thành với Hội thánh.
Thừa tác viên Lời Chúa thực thi tác vụ rao giảng của Hội thánh, nên phải ở trong Hội thánh. Điều này hàm ngụ sự hiệp thông với Hội thánh, trung thành với lời dạy của Hội thánh, vì “nhiệm vụ chính thức giải thích Lời Chúa đã được ghi chép hay lưu truyền, đã được ủy thác riêng cho Huấn quyền sống động của Giáo hội, một quyền hạn được thi hành nhân danh Chúa Giêsu Kitô”[24].
4.4. Trung thành với con người.
Trong quá khứ, có lẽ người ta nhấn mạnh nhiều đến sự trung thành với Lời Chúa, với đạo lý, nhưng lại ít nói đến sự trung thành với con người. Sự trung thành với con người bao gồm nhiều khía cạnh. Thứ nhất là trung thành với sứ mạng: người rao giảng được sai đi mang Tin Mừng cứu độ cho loài người, vì thế phải trung thành với sứ mạng ấy, không được thoái thác, nhưng luôn hăng say rao giảng “khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện”. Thứ hai là trung thành với những đòi hỏi của người nghe: thừa tác viên Lời Chúa cần phải tìm hiểu những nhu cầu, những thao thức của người nghe, để giúp họ “khám phá ra rằng, duy một mình Thiên Chúa mới có thể đáp ứng cơn khát đang ở trong tim mỗi người”[25], đồng thời phải “công bố cho thế giới chính là Logos về niềm hy vọng (x. 1Pr 3,15), con người cần ‘niềm Hy vọng lớn lao’ để sống hiện tại của mình, niềm Hy vọng lớn lao là ‘vị Thiên Chúa có khuôn mặt con người và đã yêu thương chúng ta đến cùng’ (Ga 13,1)”[26].
4.5. Trung thành với chính mình.
Thừa tác viên Lời Chúa phải niệm suy Lời Chúa và cố gắng đem ra thực hành trong cuộc sống của mình, đừng để xảy ra sự khác biệt hay đối nghịch giữa lời nói và việc làm (x. Mt 23, 2). Phải ý thức rằng, người rao giảng không chỉ là cái “loa phát thanh” Lời Chúa mà còn được đồng hoá với chính lời ấy, nói lên điều mình đã cảm nghiệm, đã sống “từ lòng tràn đầy” trào vọt lên (x. Mt 12,34). Thừa tác viên Lời Chúa phải có sự khiêm nhường, tự xóa nhòa bản thân mình trước Lời Chúa, phải khước từ vinh quang cho chính mình, xem mình “chỉ là tiếng kêu” (x. Ga 1,23) và rao giảng với ý thức “không rao giảng bản thân, nhưng rao giảng Đức Giêsu Kitô”.
Xin được kết thúc suy niệm bằng tâm tình cầu nguyện dâng lên Mẹ Maria:
Maria, Trinh Nữ, Mẹ dấu yêu, bởi tác động
của Chúa Thánh Thần,
Mẹ đã đón nhận Lời Sự Sống, tự thẳm sâu đức tin khiêm cung của Mẹ:
Như Mẹ đã tự hiến hoàn toàn cho Đấng Hằng Hữu, xin giúp chúng con cũng biết thưa “vâng”
trước tiếng gọi ngày càng cấp bách,
đi rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu.
….
Ôi Ngôi Sao của cuộc Tân Phúc Âm hoá, xin giúp chúng con trở thành những chứng nhân rạng rỡ
cho tình hiệp thông và phục vụ, cho đức tin nồng cháy và quảng đại,
cho công lý và tình thương đối với người nghèo,
để niềm vui của Tin Mừng,
chạm đến tận cùng trái đất,
soi sáng cả những bờ rìa thế giới.
Lạy Mẹ của Tin Mừng sống động, suối hạnh phúc
cho những người hèn mọn của Thiên Chúa,
xin cầu cho chúng con. Amen. Allêluia![27]
5. Vấn tâm
- “Các giám mục, các linh mục, các phó tế không thể nào nghĩ rằng họ sống được ơn gọi và sứ vụ của mình nếu không cương quyết và liên tục nỗ lực nên thánh, mà một trong những trụ cột của nỗ lực là tiếp xúc với Kinh Thánh”[28].
Nguyện xin cho linh mục chúng con xác tín và nỗ lực tiếp xúc với Kinh Thánh để được nên thánh.
- “Linh mục phải đón tiếp Lời Chúa với một tấm lòng vâng phục và cầu nguyện, ngõ hầu Lời Chúa thấm nhuần sâu xa các tư tưởng và các tâm tình của ngài và làm phát sinh nơi ngài một tinh thần mới, ‘tư tưởng của Đức Kitô’” (1Cr 2,16)”[29].
Nguyện xin cho linh mục chúng con sốt sắng suy niệm Lời Chúa trong cầu nguyện để có “tư tưởng của Đức Kitô” mà chia sẻ với anh chị em chúng con.
- “Bài giảng lễ là một việc hiện tại hóa sứ điệp Kinh Thánh, sao cho các tín hữu được đưa đến chỗ khám phá ra sự hiện diện và tính hiệu năng của Lời Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày của họ”[30].
Nguyện xin cho linh mục chúng con biết chuẩn bị bài giảng như “hiện tại hóa sứ điệp Kinh Thánh” giúp các tín hữu sống Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
- 4. “Thánh Giêrônimô, người hết sức ‘si mê’ Lời Thiên Chúa, đã tự hỏi: ‘Làm thế nào người ta có thể sống mà không hiểu biết Kinh Thánh, vì nhờ Kinh Thánh, ta mới học biết được chính Chúa Kitô, Đấng chính là sự sống của các tín hữu?’”[31].
Nguyện xin cho linh mục chúng con “si mê” Lời Chúa để có thể giúp các tín hữu “si mê” Lời Chúa, hầu học biết Đức Kitô và đón nhận được sự sống đời đời.
[1] CANTALAMESSA, Giảng cho giáo triều Mùa Chay năm 2021.
[2] Augustinô, Giải thích các Thánh vịnh 126,3.
[3] GIOAN-PHAOLÔ II, Pastores dabo vobis, số 26.
[4] GIOAN-PHAOLÔ II, Hồng ân và mầu nhiệm.
[5] GIOAN-PHAOLÔ II, Pastores dabo vobis, số 47, BÊNÊĐICTÔ 16, Verbum Domini, số 82.
[6] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Dei Verbum, số 21.
[7] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư chung 1980, số 8.
[8] X. PHAN TẤN THÀNH, Thần học về rao giảng Lời Chúa.
[9] PHANXICÔ, Evangelii gaudium, số 135.
[10] https://gpquinhon.org/q/giang-le/bai-giang-le-truyen-chuc-linh-muc-ngay-07-01-2021-4039.html
[11] Augustinô, Sermons, 179, 1 : PL 38, 966.
[12] NHÂN TÀI, Công Dung Ngôn Hạnh, Sài Gòn, 2004, tr. 49-52.
[13] NGUYỄN CHÍ LINH, Giảng tĩnh tâm cho linh mục giáo phận Đà Lạt, tháng 02 năm 2009.
[14] Giáo luật 1983, số 761, bản Việt ngữ, HĐGMVN, Tôn giáo, 2007, tr. 253.
[15] X. GIOAN-PHAOLÔ II, Catechesi Tradendae, số 21, 30.
[16] X. GIOAN-PHAOLÔ II, Catechesi Tradendae, số 5.
[17] X. GIOAN-PHAOLÔ II, Catechesi Tradendae, số 20, 22.
[18] BÊNÊĐICTÔ 16, Verbum Domini, số 74.
[19] PHAN TẤN THÀNH, Thần học về rao giảng Tin Mừng.
[20] BÊNÊĐICTÔ 16, Bài giảng, Lễ Dầu 2009; OR bản tiếng Pháp, 14-4-2009, tr. 4, trong Verbum Domini, số 80.
[21] PHANXICÔ, Evangelii Gaudium, số 1.
[22] PHAOLÔ VI, Gaudete in Domino, số 22. PHANXICÔ, Evangelii Gaudium, số 3.
[23] PHAOLÔ VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 80. PHANXICÔ, Evangelii Gaudium, số 10.
[24] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Dei Verbum, số 10.
[25] BÊNÊĐICTÔ 16, Verbum Domini, số 23.
[26] BÊNÊĐICTÔ 16, Spe Salvi, số 31, Verbum Domini, số 91.
[27] PHANXICÔ, Evangelii Gaudium, số 124.
[28] BÊNÊĐICTÔ 16, Verbum Domini, số 78.
[29] BÊNÊĐICTÔ 16, Verbum Domini, số 80.
[30] BÊNÊĐICTÔ 16, Verbum Domini, số 59.
[31] GIÊRÔNIMÔ, Epistula 30, 7: CSEL 54, 246, trích trong BÊNÊĐICTÔ 16, Verbum Domini, số 72.
2021
Ba bài học cho truyền thông giáo xứ trong thời Covid
Những thách đố nổi lên qua đại dịch COVID trong năm vừa qua đã cho thấy sự cần thiết của công cụ kỹ thuật số đối với truyền thông giáo xứ. Nhưng nó cũng cho thấy thiếu sót của chúng – công cụ kỹ thuật số tự chúng không giải quyết được các vấn đề của chúng ta. Đây là ba bài học mà mỗi nhà lãnh đạo giáo xứ hay giáo phận cần hiểu khi nghĩ tới việc thúc đẩy truyền thông của giáo xứ.
BÀI HỌC SỐ 1 – Nhóm 82%
Một trong những sai lầm căn bản nhất mà chúng ta thấy các nhà lãnh đạo giáo xứ liên tục mắc phải liên quan đến truyền thông (kỹ thuật số hoặc phương tiện khác) là không nhận ra các nhóm người khác nhau trong cộng đoàn. Có nhiều cách giải quyết vấn đề này. Đây là cách giải quyết (rất) đơn giản sẽ tạo nên sự khác biệt lớn cho truyền thông ở mỗi giáo xứ: nhóm 7%, nhóm 11% và nhóm 82%.
Nhóm 7%
Nhóm 7% (dựa trên nghiên cứu nổi tiếng của Dynamic Catholic) là những người hầu hết hay giúp đỡ tài chính và tình nguyện cho giáo xứ ở mức độ trung bình. Nhóm 7% này phần lớn là “người tham gia”. Họ gắn bó với chúng ta kể cả qua những tai tiếng và thiếu sót từ các thành viên trong Hội Thánh. Thông tin cho họ tương đối dễ dàng. Họ đọc bảng tin, nghe các thông báo, kiểm tra trang web, đặt ra đường hướng mục vụ cho giáo xứ, kiểm tra email và có thể tải ứng dụng hay theo dõi bạn trên phương tiện truyền thông. Hầu hết họ sẽ trở lại tham dự Thánh Lễ.
Nhóm 11%
Nhóm 11% nằm ở đầu bên kia của cán cân. Đây là phần trăm những người Công Giáo vẫn mang danh là người Công Giáo nhưng không bao giờ tham dự Thánh Lễ – chưa từng. Và, không có gì ngạc nhiên, họ vẫn chưa quay về. Mặc dù họ vẫn cần được rao giảng Tin Mừng và giáo xứ có thể giúp, nhưng không phải là vấn đề tức thời (cơ hội!) tại giáo xứ.
Nhóm 82%
Nằm giữa hai thái cực 7% (tham gia nhất) và 11% (hầu như không tham gia), phần còn lại chúng ta gọi là nhóm 82%. Họ vẫn còn xuất hiện… đôi khi! Ít nhất họ có hiện diện, trước khi có lệnh cách li vì COVID.
Một số người trong số này (khoảng 14% của nhóm này) trung thành tham dự Thánh Lễ hằng tuần trước đại dịch COVID (họ chỉ không tình nguyện cũng không đóng góp gì). Phần còn lại của nhóm này (chiếm đại đa số) tham dự Thánh Lễ ít thường xuyên – nghĩa là, mỗi tháng, cách tuần, hay chỉ vào dịp lễ Giáng Sinh, Phục Sinh hoặc Thứ Tư Lễ Tro.
Đối với nhóm 82% này – dù sao hầu hết trong số họ – các bí tích không phải là ưu tiên hàng đầu: Họ thường xuyên bỏ tham dự Thánh Lễ, hiếm khi hoặc không bao giờ đi xưng tội, v.v… Nhưng họ vẫn xuất hiện hoặc vì có gắn bó cách nào đó cách tích cực với niềm tin của mình, hoặc vì sự tiếc nhớ đang suy yếu dần, hay vì thói quen mà bây giờ, tại COVID, họ không còn nữa. Dĩ nhiên, họ đã không còn nhạy cảm với luật buộc tham dự Thánh Lễ Chúa nhật, cho nên việc tái lập luật buộc ấy không thay đổi nhiều (mặc dù đây là cơ hội đáng quan tâm để giúp cho người giáo dân chưa hiểu rõ về luật buộc này!).
Nói chung, nhiều người trong nhóm này đã từ từ trôi dạt ra khỏi giáo xứ. (Hãy nhớ rằng 6 người ra đi trong số một người trở lại). Mỗi năm có ít giáo dân trở lại hơn. Hội Thánh chưa tìm hiểu phương thế để đảo ngược xu hướng tổng thể này, và bây giờ COVID đã xuất hiện, và, tôi lo ngại, đẩy nhanh cuộc xuất hành. Bao nhiêu? Chúng ta chưa biết.
Nhóm 82% là thách đố của chúng ta đối với COVID. Thách đố đó vẫn còn đến hôm nay. Tôi nói “thách đố”, nhưng thực chất nó là cơ hội. Hội Thánh phải biết kết nối với nhóm 82% này. Sự kết nối bắt đầu từ việc liệt kê danh sách những người này và cần hiểu rằng họ khác biệt hơn so với những nhà lãnh đạo giáo xứ (điển hình là những người nằm trong nhóm 7%).
Nhóm 82% này đã xuất hiện (trước COVID)! Vào vài dịp trong năm, họ đã và đang đứng trước chúng ta. Họ không phải là những người khuất mặt phải tìm kiếm “ngoài kia” trên mạng xã hội. Họ vẫn ngồi cạnh chúng ta trên băng ghế, lắng nghe những gì chúng ta phải nói, cho chúng ta cơ hội xây dựng tương quan tốt hơn với họ. Nhưng chúng ta rất thường lãng phí cơ hội đó. Và bây giờ họ là những người có nguy cơ không quay trở lại cao nhất.
Hầu hết các nhà lãnh đạo giáo xứ đều có ý định tốt khi liên lạc với nhóm 82% này. Nhưng thực tế, nhiều chương trình học hỏi, các sứ vụ ở giáo xứ, những đề án được đưa ra, và ngôn ngữ được sử dụng hầu như chỉ vang tới nhóm 7% – không phải nhóm 82%. Phần mềm, nội dung, và những công cụ truyền thông họ nghĩ là hữu ích (các app di động của giáo xứ, kênh truyền thông xã hội, thư viện điện tử, các giải pháp ChMS[3] kiểu dữ liệu lớn, v.v…) hầu như chỉ có tác dụng với nhóm 7%.
Tại sao các nhà lãnh đạo giáo xứ, mặc dù rất thiện chí, tiếp tục thất bại trong việc liên lạc với nhóm 82%?
Bởi vì những người đưa ra các quyết định đó thường là những người điển hình nằm trong nhóm 7%. Và những lời phàn nàn họ nghe được đến từ nhóm 7% này. Và phần lớn số tiền đóng góp xuất phát từ nhóm 7%. Tất cả đều xảy ra bên trong “Bong bóng 7%”. Vì vậy, việc họ nhìn mọi thứ qua lăng kính đó là lẽ tự nhiên, nhưng đó là một lí do chính khiến các giáo xứ không thành công trong việc thu hút những người đang từ từ ra đi (nhóm 82%). Để thành công, họ phải thoát ra cái vòng phản hồi trong nhóm 7% đó, đặc biệt chú ý đến những người đang cố gắng kết nối, và sẵn sàng cố gắng thử nghiệm một cách tiếp cận khác. Đó là bước một để quay về từ COVID.
BÀI HỌC SỐ 2 – Trực tiếp liên lạc với các giáo dân khi bạn cần phải làm nhất
Khi việc cách li và các hạn chế được đưa ra, chúng ta nhanh chóng nhận thấy mỗi giám mục hay giáo xứ có thể trực tiếp liên lạc với đoàn chiên của mình tốt như thế nào.
Bản tin được in ra chỉ có tác dụng nếu người ta đến xem, và thậm chí khi đó, chỉ một tỉ lệ nhỏ giáo dân đọc nó. Phương tiện truyền thông xã hội và các ứng dụng dành riêng cho thiết bị di động cũng không đủ vào đâu và sẽ tiếp tục như vậy, vì phần lớn giáo dân sẽ không theo dõi giáo xứ trên phương tiện truyền thông xã hội, và họ cũng không buồn tải ứng dụng của giáo xứ xuống. Những kênh thông tin này có thể chấp nhận được đối với nhóm 7%, nhưng đó là cách tôi thấy. Hầu hết người giáo dân sẽ không chủ động đọc trang web giáo xứ, mặc dù có nhiều người đã đọc trong đại dịch COVID. Trước đây, cũng như bây giờ, điều hết sức quan trọng là làm cho các thông tin phổ biến nhất dễ tìm trên trang web của giáo xứ, và trang này phải thích ứng với điện thoại di động.
Nhưng nếu đó là tất cả những gì một giáo xứ đã gặp phải khi sự này xảy đến, họ thấy mình không được chuẩn bị đủ. Các diễn đàn đó không phải là cách tốt nhất để đạt tới hết đoàn chiên, dù có đại dịch hay không. Đặc biệt nếu chúng ta muốn tiếp cận được người giáo dân, chúng ta cần tiếp cận với nhóm đông nhất: nhóm 82%.
Các giáo xứ và giáo phận cần phải đầu tư vào những kênh trực tiếp hơn mà cũng có nền độc lập hơn. Và về mặt đó, không có gì tốt hơn là tin nhắn văn bản và email.
Nếu bạn có địa chỉ email và số điện thoại di động của người giáo dân, bạn có thể 1) liên hệ trực tiếp với họ ngay lúc ra thông báo và 2) dùng chúng vào một số công cụ và nền tảng khác nhau (ví dụ, nếu như chủ sở hữu một công ty công nghệ hiện đang điều khiển một kênh đặc biệt, công cụ, mạng xã hội hay kho ứng dụng nào đó muốn kiểm duyệt hay cản trở bạn, bạn có thể lấy địa chỉ email hay số điện thoại và dùng chúng ở một nơi nào khác và vẫn trực tiếp tiếp cận người của mình). Về vấn đề này, không có kênh liên lạc nào khác có giá trị như email và tin nhắn văn bản.
Hơn nữa, đây là những kênh (email và nhắn tin) hoạt động hiệu quả nhất cho việc tiếp cận những giáo dân ít tham gia (nhóm 82%). Chủ yếu vì những người giáo dân ít tham gia này không phải tạo một tài khoản, tải xuống ứng dụng, hoặc đăng nhập nơi nào đó, hay phải làm cái gì đó để nhận thông tin. Họ sẵn sàng kiểm tra email và hộp thoại suốt ngày. Đơn giản, mà hiệu quả.
May mắn thay, nhiều giáo xứ và giáo phận hiểu vấn đề này và đã chuẩn bị sẵn sàng khi COVID xảy đến, các giáo phận và giáo xứ đã thu thập địa chỉ email và số điện thoại di động, đồng thời trang bị cho các nhà lãnh đạo với những công cụ đơn giản để dùng chúng cách hiệu quả. Thật không may, vẫn còn nhiều giáo xứ và giáo phận không nắm bắt được chân tướng cội rễ này, đã không đầu tư những cách thức đáng tin cậy này là lập các danh sách và dùng tin nhắn văn bản và email như cột trụ truyền thông kỹ thuật số của mình. Điều này được chứng minh cách thực tế là Flocknote (dịch vụ tin nhắn văn bản và email của chúng tôi cho các giáo xứ) phát triển hơn trong hai tháng vừa qua sau khi COVID xuất hiện so với năm năm đầu tiên tồn tại.
Chỉ khi bạn trực tiếp tiếp cận với đoàn chiên và trò chuyện với họ, thì bạn mới có cơ hội hướng dẫn họ vượt qua đại dịch này, lắng nghe nhu cầu của họ để phục vụ họ tốt hơn, hay làm những điều thiết thực giống như thay đổi lịch trình hay giúp họ đóng góp trực tuyến (đóng góp trực tuyến là công cụ thiết yếu khác cho các giáo xứ trong thời đại dịch). Tuy không chắc chắn liệu nhóm 82% sẽ hoàn toàn quay về sau đại dịch hay không, chúng ta phải tìm cách ngay bây giờ bắt đầu tương tác với họ để truyền cảm hứng cho họ tiến vào giáo xứ gần hơn, chứ không phải xa cách hơn. Điều đó bắt đầu với khả năng liên lạc trực tiếp với họ.
BÀI HỌC SỐ 3 – Việc làm tác động mạnh hơn lời nói
Qua tất cả việc này, thông điệp mạnh mẽ nhất gởi đến giáo dân không phải nằm ở các thông điệp được truyền tải bằng tin nhắn, website, email, hay các phương tiện truyền thông hoặc công cụ kỹ thuật số. Nó chính là thông điệp được truyền tải bằng việc làm của người lãnh đạo. Người ta nhìn thấy những gì chúng ta đã làm. Thông điệp ấy ngân vang và rõ ràng. Trong một số trường hợp, đó là thông điệp vô cùng truyền cảm hứng. Một số trường hợp khác thì không.
Đây không phải là lúc để chỉ tay vào người khác để nói họ làm kém hay làm tốt như thế nào. Đây là lúc hành động. Thời điểm này sẽ là bước ngoặt quan trọng đối với nhiều người trong nhóm 82%. Liệu họ vẫn tiếp tục rời khỏi Hội Thánh? Hay phải chăng chúng ta sẽ tận dụng cơ hội này để giúp họ nhớ lại lý do họ đã đến lúc ban đầu?
Câu hỏi đặt ra cho chúng ta bây giờ là chúng ta muốn nỗ lực mạnh mẽ như thế nào, trong mọi giới hạn chúng ta có, để cho giáo dân lãnh nhận các Bí tích và chăm sóc các nhu cầu của họ? Chúng ta sẵn sàng mạo hiểm điều gì?
Những việc chúng ta làm bây giờ sẽ cho họ biết mọi sự họ cần biết: Đạo Công Giáo của họ có mục đích gì, nó phù hợp với cuộc sống của họ ở chỗ nào và như thế nào? Chúng ta sẽ gởi thông điệp gì?
Nguồn: giaophanmytho.net
[1] Matthew Warner là nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành của Flocknote.com, một công cụ truyền thông đầy sáng tạo giúp cho hàng ngàn giáo xứ và giáo phận kết nối tốt hơn với đoàn chiên. Ông cũng là một nhà văn (ở BacktotheHome.com) đồng thời là tác giả quyển: Messy & Foolish: How to Make a Mess, Be a Fool, and Evangelize the World – Lộn xộn và ngu ngốc: Làm thế nào để gây lộn xộn, làm một tên ngốc, và loan báo Tin Mừng cho thế giới. Ông có bằng Cử nhân kĩ sư điện của Texas A&M và và bằng cử Nhân Quản Trị Kinh Doanh ở Entrepreneurship. Ông, vợ ông cùng với sáu người con sống tại Texas.
[2] Trích từ ebook Catholicism after Coronavirus, A Post-COVID Guide for Catholics and Parishes (Đạo Công giáo sau thời Coronavirus, Hướng dẫn dành cho người Công giáo và các giáo xứ thời hậu Covid) của Word on Fire, trang 145-156.
[3] Christiana Middle School, trường trung học cơ sở (ND).
Tác giả: Bobby Angel[1]
Biên dịch: Nhóm dịch Gioan XXIII
Từ: media.wordonfire.org[2]
2021
Tông thư: “Traditionis Custodes” về việc sử dụng Nghi Thức Thánh Lễ Rôma trước cuộc Cải tổ năm 1970
TÔNG THƯ
BAN HÀNH DƯỚI DẠNG TỰ SẮC
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
“TRADITIONIS CUSTODES”
về việc sử dụng Nghi Thức Thánh Lễ Rôma
trước cuộc Cải tổ năm 1970
Là những người giữ gìn truyền thống, các giám mục đang hiệp thông với Giám mục Rôma làm nên nguyên lý hữu hình và nền tảng của sự hợp nhất nơi các Hội thánh địa phương[1]. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, qua việc loan báo Tin Mừng và nhờ việc cử hành Thánh Thể, các ngài lãnh đạo các Hội thánh địa phương đã được trao phó cho các ngài[2].
Để cổ võ sự thông hảo và hợp nhất trong Hội Thánh, với mối quan tâm của tấm lòng hiền phụ đối với những người ở các địa phương vẫn còn gắn bó với những dạng thức phụng vụ trước thời kỳ cải tổ theo Công đồng Vatican II, các vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, là thánh Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, đã chấp thuận và hợp thức hóa năng quyền sử dụng Sách Lễ Rôma theo ấn bản năm 1962 của Đức Gioan XXIII[3]. Qua đó các ngài muốn “tạo điều kiện dễ dàng cho sự hiệp thông với Hội thánh nơi những tín hữu công giáo còn cảm thấy gắn bó đối với một số dạng thức phụng vụ đã có trước đây” nhưng không phải đối với những vấn đề khác[4].
Trong ý hướng của vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Bênêđictô XVI, muốn mời gọi các giám mục nhận định về việc áp dụng Tự sắc Summorum Pontificum sau 3 năm được phổ biến, Bộ Giáo lý Đức tin trong năm 2020 đã thực hiện việc tham khảo ý kiến chi tiết của các giám mục. Kết quả cuộc tham khảo đã được nghiệm xét cẩn thận trong ánh sáng của kinh nghiệm đã kết thành trong những năm vừa qua.
Giờ đây, theo ước nguyện của hàng giám mục và sau khi lắng nghe ý kiến của Bộ Giáo lý Đức tin, tôi công bố Tông thư này với ý muốn nhấn mạnh hơn bao giờ hết về thái độ không ngừng tìm kiếm sự hợp nhất trong Hội thánh. Vì thế, tôi thấy cần phải thiết lập các quy định sau đây:
Điều 1. Các sách phụng vụ được ban hành do Thánh Phaolô VI và thánh Gioan-Phaolô II, phù hợp với các sắc lệnh của Công đồng Vatican II, là cách thể hiện duy nhất của lex orandi trong Nghi lễ Rôma.
Điều 2. Trong cương vị là người điều hành, cổ võ và bảo vệ toàn bộ đời sống phụng vụ nơi Hội thánh địa phương đã được trao phó cho ngài[5], giám mục giáo phận có bổn phận đưa ra những quy định về các cử hành phụng vụ trong giáo phận[6]. Vì thế, chỉ riêng ngài có quyền cho phép sử dụng Sách Lễ Rôma 1962 trong giáo phận của ngài, theo sự hướng dẫn của Tòa thánh.
Điều 3. Nếu hiện giờ trong giáo phận đang có một hoặc nhiều nhóm cử hành theo Sách Lễ trước cuộc cải tổ năm 1970, giám mục giáo phận phải:
- 1. xác định rõ là các nhóm đó không được chối bỏ tính cách thành sự và hợp pháp của công cuộc cải tổ phụng vụ theo chỉ thị của Công đồng Vatican II và Huấn quyền của các giáo hoàng;
- 2. chỉ định một hoặc nhiều địa điểm cho các tín hữu thuộc những nhóm này có thể quy tụ để cử hành Thánh Thể (tuy nhiên không được chọn các nhà thờ giáo xứ và không được lập những giáo xứ tòng nhân mới);
- 3. ấn định các ngày cử hành Thánh Thể tại những nơi đã được chỉ định, trong đó được phép sử dụng Sách Lễ Rôma do thánh Gioan XXIII ban hành năm 1962[7]. Trong các cử hành này, đọc các bài đọc trong ngôn ngữ địa phương, dùng bản dịch Kinh Thánh đã được các Hội đồng Giám mục phê chuẩn để sử dụng trong phụng vụ;
- 4. bổ nhiệm một linh mục đại diện giám mục, phụ trách việc cử hành và chăm lo mục vụ cho các nhóm tín hữu này. Linh mục được bổ nhiệm phải thích hợp với trách nhiệm này, thành thạo trong việc sử dụng Sách Lễ Rôma có trước cuộc cải tổ năm 1970, biết tiếng Latinh đủ để thấu hiểu luật chữ đỏ và các bản văn phụng vụ, đồng thời cũng đầy nhiệt tình mục vụ và cảm thức về mối hiệp thông trong Hội thánh. Linh mục này phải luôn chủ tâm không chỉ cử hành phụng vụ đúng luật, mà còn lo chăm sóc đời sống mục vụ và tu đức của các tín hữu.
- 5. nhận định chính xác để xét xem các giáo xứ được thiết lập theo giáo luật vì lợi ích của các tín hữu này, có thực sự hữu hiệu cho sự tăng triển trong đời sống thiêng liêng của họ không, và xác định xem có nên giữ lại các giáo xứ như vậy không;
- 6. lưu ý không cho phép lập thêm các nhóm mới.
Điều 4. Các linh mục chịu chức sau thời điểm công bố Tự sắc này, nếu muốn cử hành theo Sách Lễ Rôma 1962, phải có thỉnh nguyện thư chính thức gửi cho giám mục giáo phận, giám mục sẽ lĩnh ý Tòa Thánh trước khi cho phép.
Điều 5. Các linh mục đã từng cử hành theo Sách Lễ Rôma 1962, phải xin giám mục giáo phận cho phép tiếp tục hưởng năng quyền này.
Điều 6. Các Tu hội sống đời thánh hiến và các Hiệp hội đời sống tông đồ, đã do Ủy ban Giáo hoàng Ecclesia Dei thiết lập, nay trực thuộc thẩm quyền của Bộ Đời sống thánh hiến và Hiệp hội Đời sống tông đồ.
Điều 7. Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, cùng với Bộ phụ trách Đời sống thánh hiến và Hiệp hội Đời sống tông đồ, đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền riêng của mỗi Bộ, thi hành theo quyền Tòa Thánh và quan tâm đến việc tuân thủ các điều đã dự liệu ở đây.
Điều 8. Các quy định, huấn thị, các điều đã được cho phép và cách thực hành trước đây, nếu không phù hợp với những điều được dự liệu trong Tự sắc này, đều bị hủy bỏ.
Từng điều được tuyên bố trong Tông Thư dưới dạng Tự sắc này, tôi truyền phải tuân thủ trọn vẹn, những điều trái nghịch đều không có giá trị, tuy dù vẫn đáng được đề cập đến cách đặc biệt, và tôi quyết định Tự sắc này phải được công bố trên báo “L’Osservatore Romano”, có hiệu lực tức khắc, và vì thế, phải được công bố trên đặc san Công luận chính thức của Tòa Thánh, Acta Apostolicae Sedis.
Ban hành tại Rôma, Đền Thánh Gioan Latran, ngày 16 tháng 7 năm 2021, lễ nhớ Đức Mẹ núi Carmel, năm thứ chín trong sứ vụ Giáo Hoàng của tôi.
Phanxicô
Bản dịch của Ủy ban Phụng tự / HĐGM VN
[1] X. Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Hội Thánh “Lumen Gentium”, 21.11.1964, số 23 AAS 57 (1965) 27.
[2] X. Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Hội Thánh “Lumen Gentium”, 21.11.1964, số 27: AAS 57 (1965) 32; Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về phận vụ mục tử của các giám mục trong Hội Thánh “Christus Dominus”, 28.10.1965, số 11: AAS 58 (1966) 677-678; Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 833.
[3] X. Gioan-Phaolô II, Tự sắc “Ecclesia Dei”, 2.7.1988: AAS 80 (1988) 1495-1498; Bênêđictô XVI, Tự sắc “Summorum Pontificum”, 7.7.2007: AAS 99 (2007) 777-781; Tông thư ban hành dưới dạng Tự sắc “Ecclesiae unitatem”, 2.7.2009: AAS 101 (2009) 710-711.
[4] Gioan-Phaolô II, Tự sắc “Ecclesia Dei”, 2.7.1988, số 5: AAS 80 (1988) 1498.
[5] X. Công đồng Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ “Sacrosanctum Concilium”, 4.12.1963, số 41: AAS 56 (1964) 111; Caeremoniale Episcoporum, số 9; Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, Huấn thị về một số điều phải giữ hoặc phải tránh liên quan đến Bí tích Thánh Thể “Redemptionis Sacramentum”, 25.3.2004, số 19-25: AAS 96 (2004) 555-557.
[6] X. Giáo Luật, khoản 375, §1; khoản 392.
[7] X. Bộ Giáo lý Đức tin, Sắc lệnh “Quo magis” phê chuẩn bảy kinh Tiền tụng dành cho forma extraordinaria trong Nghi lễ Rôma 22.2.2020, Sắc lệnh “Cum sanctissima” về cử hành phụng vụ kính các thánh theo forma extraordinaria trong Nghi lễ Rôma 22.2.2020: L’Osservatore Romano, 26.3.2020, trang 6.
2021
Bốn vị mục tử
BỐN VỊ MỤC TỬ
Người có tên tuổi lẫy lừng nhất trong việc đấu tranh cho dân quyền vào thập niên 50 và 60 là Mục Sư Martin Luther King. Ông là nhà lãnh đạo được hành triệu dân Mỹ Châu da đen ủng hộ. Họ xem ông như vị anh hùng, người xướng ngôn đồng thời cũng là mục tử của họ. Nếu không có ông, vào những năm ấy đám dân da đen có lẽ chả khác gì đám dân bơ vơ lạc lõng được nhắc đến trong Phúc Âm hôm nay. Ðám dân này được ví như bầy cừu không ai chăn dắt.
Cũng giống như Chúa Giêsu và các môn đệ của Người thuở xưa, Mục Sư King và các đồng sự ông thường khó được yên thân đi tìm cho mình một chốn an bình vắng vẻ để nghỉ ngơi. Chẳng hạn, một đêm nọ, sau một ngày làm việc mệt nhoài trong vùng Montgomery thuộc bang Alabama, ông King leo lên giường ngủ bên cạnh bà Coretta vợ ông. Lúc này bà đã ngủ say. Nhưng ông vừa mới chợp mắt thiêm thiếp thì chuông điện thoại vang lên. Ông vội choàng dậy ngay để khỏi làm bà Coretta thức giấc. Lúc bấy giờ một giọng nói giận dữ bên đầu dây kia vọng ra: “Này anh chàng da đen, hãy nghe đây, chúng tôi không cần đến anh nữa, bắt đầu tuần tới xin ông vui lòng đừng bén mảng tới Montgomery nữa”… Nói thế rồi kẻ gọi điện cúp máy ngay. Bất thình lình bao nhiêu nỗi sợ hãi chụp xuống trên người Mục Sư Luther King như một toà nhà đang đổ xuống. Lòng can đảm của ông hầu như bị tiêu tan. Ông đứng dậy đi vào nhà bếp pha một ly cà phê uống cho ấm dạ, đoạn ngồi xuống lặng lẽ suy nghĩ phương cách thoát ra khỏi cảnh ngộ ở Montgomery mà không mang tiếng là một kẻ hèn nhát.
Lúc bấy giờ với chút ít can đảm còn sót lại, ông gục đầu khấn xin Chúa bằng những lời sau đây: “Lạy Chúa, con đang đảm nhận sứ vụ mà con nghĩ rằng chính đáng, nhưng giờ đây con vô cùng sợ hãi. Dân chúng đang mong chờ con lãnh đạo, và nếu con tỏ ra khiếp nhược thì chính họ cũng sẽ trở nên yếu hèn nhát đảm. Nhưng con đang ở nẻo đường cùng và chẳng biết phải làm sao đây. Con không thể nào một mình đương đầu nổi trách nhiệm này nữa”.
Ðoạn nổi bật nhất trong lời cầu nguyện của Tiến sĩ King là câu này: “Dân chúng đang trông chờ con lãnh đạo họ và nếu con tỏ ra khiếp nhược thì họ cũng sẽ trở nên nhát đảm”. Nếu cần mượn lại cách diễn đạt của bài Phúc Âm hôm nay, lời cầu ấy có thể diễn tả cách khác như sau: “Họ sẽ trở nên như bầy chiên không người chăn”.
Tất cả các cha sở cha phó, các giáo sư, các bậc cha mẹ đều có thể dùng những lời cầu nguyện trên của tiến sĩ King để áp dụng cho chính mình. Thực thế, có nhiều lúc trong đời, chúng ta cảm thấy sợ hãi trước trách nhiệm lãnh đạo của mình. Có nhiều lúc trong đời, chúng ta cảm thấy không thể nào vác nổi gánh nặng đè trên chúng ta. Có nhiều lúc trong đời chúng ta cảm thấy như muốn kêu lên giống Chúa Giêsu trong vườn Giêtsimani: “Cha ơi, nếu có thể được xin cất chén đắng này xa con” (Mt 26: 39)
Trong những cơn khủng hoảng như thế này, chúng ta nên làm gì? Chúng ta nên làm điều Chúa Giêsu đã làm. Chúng ta nên làm điều Mục Sư Martin Luther King đã làm. Chúng ta nên làm điều các Kitô hữu luôn luôn làm, đó là cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
Ngay sau khi Chúa Giêsu cầu nguyện với Cha của Người trong vườn Giêtsêmani, thì theo lời kể của thánh Luca: “Một thiên sứ từ trời hiện đến an ủi đỡ nâng Người” (Lc 22: 43). Và ngay sau khi Tiến sĩ King cầu khấn cùng Chúa vào cái đêm đáng ghi nhớ ở Montgomery đó, ông nói rằng ông đã cảm nhận được “sự hiện diện nâng đỡ của Chúa mà trước đó ông chưa hề cảm thấy”.
Bài đọc này quả thực rõ ràng đối với chúng ta khi chúng ta cảm thấy bị đè bẹp dưới một gánh nặng nào đó, chúng ta nên bắt chước Chúa Giêsu và Mục Sư Martin Luther King dâng lời cầu nguyện lên cùng Chúa.
Một trong những vị chỉ huy quân đội Liên Bang trong cuộc nội chiến Nam Bắc Mỹ là tướng Sickles. Ông kể cho chúng ta biết ngay trước trận đánh ở Gettysburg, Tổng thống Lincoln cảm thấy trách nhiệm đè nặng trên vai mình. Lập tức ông cầu nguyện với Chúa. Chính Lincoln đã nói về lần cầu nguyện ấy như sau: “Chưa bao giờ tôi cầu nguyện hăng say đến thế. Phải chi tôi có thể lập lại nguyên vẹn lời nguyện này. Tôi cảm thấy mình cần phải đặt tất cả niềm tín thác nơi Thiên Chúa tối cao. Chỉ một mình Người mới có thể cứu đất nước khỏi sự diệt vong sau khi quì gối đứng lên, tôi cảm thấy lời cầu xin đã được Chúa chấp thuận. Tôi chắc chắn rằng lời cầu nguyện đã có kết quả”. Cũng một cách thức tương tự nhưng hơi khôi hài hơn, Harry Truman đã kể cho các phóng viên sau ngày đầu tiên nhận chức Tổng thống của ông: “Các bạn thân mến, nếu các bạn đã từng cầu nguyện thì xin hãy cầu nguyện cho tôi lúc này đây. Tôi chẳng bíết quí bạn đã từng bị bó cỏ khô nào đè trên người chưa, chứ nếu các bạn hỏi tôi về những gì đã xẩy đến cho tôi ngày hôm qua, thì tôi xin thưa là tôi đã cảm thấy như mặt trăng, các vì sao và các tinh tú đổ sụp xuống trên tôi vậy”.
Khi cảm thấy trách nhiệm đè nặng trên mình, cả bốn vị lãnh đạo: Chúa Giêsu, Abraham Lincoln, Harry Truman, Martin Luther King đều đã làm cùng một hành vi, đó là cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Và cả bốn vị đều được Chúa ban lòng can đảm và sức mạnh để tiếp tục bổn phận hướng đạo dân chúng. Đó là một sứ điệp thực tiễn đối với chúng ta. Có thể tóm tắt như sau: khi nào cảm thấy gánh nặng đè xuống trên mình, chúng ta cũng phải biết cầu nguyện cùng Chúa. Và Chúa sẽ ban sức mạnh cho chúng ta như Người đã từng nâng đỡ bốn vị mục tử nói trên.
Ðể kết thúc, chúng ta hãy lập lại Thánh vịnh đáp ca ngày hôm nay:
Chúa là mục tử tôi, tôi nào thiếu thốn chi. Ngài hướng dẫn tôi qua đường chính nẻo ngay vì danh Ngài. Dù bước đi trong thung lũng tối tăm, tôi chẳng hề lo sợ. Dù bị đè bẹp dưới muôn gánh nặng, tôi cũng không nao núng. Vì Chúa bước đi cạnh tôi. Ngài củng cố và tăng sức mạnh cho tôi. Khi đời tôi bước vào buổi xế chiều như mặt trời xế bóng, Ngài sẽ mang tôi vào nhà Ngài, để tôi được sống với Ngài muôn đời muôn kiếp.