2021
Mười bước để củng cố Hội Thánh Tại Gia
Tác giả: Lm. Ed Broom, OMV
Chuyển ngữ: Quang Sáng
Từ: catholicexchange.com (17.8.2021)
Từ thuở sơ khai, Thiên Chúa đã dựng nên gia đình như một cộng đoàn đầu tiên trên thế giới. Có nhiều tên gọi để nói về cộng đoàn này, và tại Công đồng Vaticano II, các Văn kiện của Công đồng đã định nghĩa gia đình là “Hội Thánh Tại Gia” – một Hội Thánh thu nhỏ. Còn Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố rằng gia đình là tế bào và là nền tảng căn bản của xã hội. Ngài cũng khẳng định xã hội phải đi theo con đường gia đình. Khi các tế bào gia đình tan vỡ, thì việc xã hội suy tàn và sụp đổ chỉ còn là vấn đề thời gian. Xét đến tầm quan trọng siêu việt và không thể chối bỏ của gia đình, chúng ta hãy nêu bật lên một số bước tích cực nên được thực hiện để duy trì, hỗ trợ, cũng như giữ gìn và bảo vệ cộng đoàn tế bào của Thiên Chúa khỏi muôn vàn sự dữ tấn công. Ước mong mỗi người chúng ta luôn nỗ lực cùng nhau góp phần vì lợi ích tạo nên các gia đình lành thánh và bền chặt!
Chúng tôi sẽ đề ra một chương trình gồm mười bước đóng vai trò như một hệ thống hỗ trợ cho việc hình thành, nuôi dưỡng và giúp đỡ các gia đình. Chúng tôi luôn cầu nguyện và hy vọng rằng bài tiểu luận này có thể được sánh ví như là nấc thang mười bậc để lên Thiên Đàng ngang qua đời sống gia đình. Ước chi Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Mẹ, và Thánh Giuse luôn trở thành mẫu gương và động lực của chúng ta; đồng thời, hy vọng rằng những vì sao chói sáng trên bầu trời Thiên Quốc ấy sẽ dẫn đường, chỉ lối cho chúng ta băng qua muôn vàn tăm tối và rối ren trên cõi đời này.
- Hôn nhân Công giáo
Điều đáng tiếc là Hôn nhân Công giáo đang trở thành một tai họa trong tư tưởng của nhiều người trẻ với lối sống như sống thử, sống chung như vợ chồng, hoặc chỉ kết hôn dân sự mà không hề lãnh nhận Bí tích Hôn Phối. Nếu được lãnh nhận và gìn giữ trọn đời, Bí tích Hôn Phối sẽ tặng ban nguồn ơn đặc sủng để các đôi hôn phối triển nở, thăng tiến trong tình yêu; luôn chung thủy, gắn bó bền chặt với nhau suốt đời; cũng như luôn cởi mở trong việc sinh sản và nuôi dạy con cái; và đặc biệt, họ sẽ cùng với nhau thờ phượng và kính mến Thiên Chúa. Đó là tất cả những gì Thiên Chúa khao khát dành cho chúng ta.
Không có Bí tích Hôn Phối, đời sống bất hợp pháp của những người trẻ, như lời Chúa Giêsu đã nói, nó giống như việc xây nhà trên cát và sẽ bị sụp đổ, sụp đổ tan tành (x. Mt 7: 24-27).
- Lời kinh cầu trong các gia đình
Điều quan trọng hàng đầu trong việc thánh hóa gia đình là nhu cầu không thể thiếu dành cho các giờ kinh nguyện. Cha Patrick Peyton, một linh mục nổi tiếng về lòng sùng kính kinh Mân Côi đã phát động một cuộc thập tự chinh Mân Côi vì phần rỗi các gia đình. Cha đã thể hiện khao khát và ý định thúc đẩy tất cả các gia đình năng chạy đến cầu nguyện với lời kinh Mân Côi bằng châm ngôn thời danh của mình: “Gia đình ở bên nhau, cầu nguyện cùng nhau”. Say mê Đức Mẹ và Kinh Mân Côi, cha đã quy tụ 2-3 triệu người ở Philippines, huấn dụ và khuyên bảo họ cùng năng đọc kinh Mân Côi để xin ơn cứu rỗi cho gia đình và xã hội.
- Đời sống trong ân sủng Bí tích
Không chỉ các đôi vợ chồng nên lãnh nhận Bí tích Hôn Phối, mà tất cả thành viên trong gia đình phải sống và gìn giữ đức tin Công giáo ngang qua việc siêng năng, sốt mến lãnh nhận các Bí tích với một đức tin đầy tràn. Đặc biệt, các gia đình nên tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật hằng tuần, và năng đón rước Bí tích Thánh Thể, là Bí tích siêu việt nơi tình yêu Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu của Người sẽ tuôn đổ trào tràn trên các gia đình thông qua Bí tích Thánh Thể.
- Mở ra cho việc đón nhận sự sống
Nhiều năm trước, các bậc tiền nhân chúng ta thường kết hôn và luôn thiết tha mong mỏi có những đứa con mà Thiên Chúa trao ban cho họ, ngay cả khi đó đã là một gia đình với nhiều thành viên. Còn ngày nay, một não trạng phòng tránh thụ thai đã thấm nhập và lan tràn trong toàn xã hội. Thông thường, não trạng phi nhân và chống lại sự sống này thể hiện qua việc ủng hộ và sử dụng các biện pháp tránh thai.
Mệnh lệnh đầu tiên của Thiên Chúa trong Kinh Thánh chính là: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất”(St 1:28). Với sự giúp đỡ của ân sủng Chúa, chúng ta hãy thay đổi chiều hướng cũng như khuyến khích việc đón nhận và hình thành các gia đình lớn hơn.
- Xót thương và tha thứ trong gia đình
Một trong những kẻ thù hiểm độc và nguy hại nhất cho ơn cứu độ nơi các gia đình khi nó gia tăng, đó là sự oán giận. Thật không may, rất nhiều đôi hôn phối – những người chồng và những người vợ, đang triền miên sống trong tình trạng cãi vã, xô xát, giận hờn, chửi bới, uất hận và đắng cay. Lẽ dĩ nhiên, chất độc này cũng chảy tràn vào đời sống của chính con cái họ.
Cũng như khi lượng acid trong dạ dày tăng cao sẽ làm thủng niêm mạc dạ dày và hình thành các vết loét, sự bất dung và oán giận xuất hiện sẽ làm phương hại đến tâm hồn mỗi người cũng như cả tổ ấm của chúng ta. Chúng có thể bào mòn và phá hủy các mối tương quan giữa vợ chồng con cái trong gia đình.
Chúng ta hãy học biết sự khoan dung, không phải chỉ một hay hai lần, nhưng là 70 lần 7! Như Alexander Pope, một thi sĩ người Anh đã viết rất hùng hồn: “Lỗi lầm là con người; tha thứ là Thiên Chúa.” Chìa khóa cho sự tha thứ là hãy tha thứ ngay tức thì và luôn dâng lời khẩn cầu lên Thiên Chúa để có thể chiến thắng ngay khi bắt đầu trận chiến.
- Đối thoại
Một số lượng lớn các gia đình đang chịu đau khổ vì thiếu đi những cuộc đối thoại thường xuyên, chân thật và mềm mỏng. Thiếu đi khái niệm đối thoại căn bản trong các tương quan vợ chồng, con cái và anh chị em, thì đời sống gia đình sẽ luôn gánh chịu những thương tổn và rạn nứt. Nhiều bậc cha mẹ thường xuyên tin tưởng rằng họ sẽ có được tình cảm và lòng yêu mến của con cái mình bằng cách mua cho chúng bất cứ thứ gì chúng muốn. Thế nhưng, điều quan trọng hơn rất nhiều là việc dành thời gian cho con cái chứ không phải tiền bạc.
- Bữa cơm tối: Giờ vàng cho cuộc đối thoại
Nếu có thể, đích nhắm và mục tiêu của các bậc cha mẹ nên là quây quần, sum tụ tất cả các thành viên trong gia đình lại quanh bàn cơm mỗi ngày. Đến đây chúng ta gặp phải một thách thức lớn: trong suốt giờ cơm (có thể chỉ tầm nửa giờ, hy vọng sẽ có gia đình dành nhiều thời gian hơn), không nên có một thiết bị điện tử nào trên bàn cơm. Điều này nghĩa là không có TV, radio hay một chiếc điện thoại nào cả. Bỏ qua những thứ đó, mọi người trong gia đình có thể đến gần nhau hơn để nói chuyện, lắng nghe, cười đùa và tận hưởng những phút giây sum vầy bên nhau. Dù là trẻ nhỏ hay bậc cao niên, hãy mở ra cho các cuộc đối thoại tự do và một con tim biết lưu tâm lắng nghe. Hãy trân quý và yêu thương từng thành viên trong gia đình!
- Canh tân và sưởi ấm tình yêu
Trước khi kết hôn, các cặp đôi thường thích dành thật nhiều thời gian cho người bạn đời tương lai của mình: các bữa tối cùng nhau, khiêu vũ cuối tuần, đi dạo bãi biển, cùng xem phim, thậm chí dành cho nhau cả các buổi nghỉ dưỡng cuối tuần. Những hoạt động này là một phần thiết yếu để tìm hiểu và yêu thương người bạn đời nhiều hơn. Dầu vậy, đáng tiếc là sau khi kết hôn các hoạt động gắn kết tình cảm này đều đi theo một hướng khác.
Vì thế, để duy trì sợi dây liên kết tình bạn, tình yêu của mình, các cặp vợ chồng nên thỉnh thoảng đi du lịch và dành thời gian riêng cho nhau, như vậy có thể bồi thêm lửa ấm cho tình yêu của mình.
- Ngày Chúa Nhật: Ngày dành cho Thiên Chúa và gia đình.
Trong tông thư Die Domino (Ngày của Thiên Chúa), Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh việc tái tạo và tái khám phá tầm quan trọng của việc giữ ngày Chúa Nhật – Ngày của Thiên Chúa. Ngài đã tuyên bố rằng Chúa Nhật nên là ngày dành cho việc tham dự Thánh Lễ, ngõ hầu ca khen và phượng thờ Thiên Chúa.
Tuy nhiên, Thánh Giáo Hoàng cũng khẳng định rằng Chúa Nhật cũng là thời gian dành cho gia đình. Trong ngày đó, các gia đình có thể cùng nhau sáng tạo và vui chơi trong nhiều hoạt động. Đó có thể là các bữa tối sum vầy bên nhau, các hoạt động dã ngoại như leo núi, đi bộ, cắm trại, hay cùng nhau thưởng thức một bộ phim, chơi cờ…, hoặc cả gia đình cùng sốt sắng đọc kinh tối, ân cần thăm viếng những người lớn tuổi, đau bệnh.
Ngày Chúa Nhật thực sự là ngày dành cho Thiên Chúa và gia đình. Chúng ta hãy cùng bên nhau sống tinh thần ấy.
- Đức Maria và gia đình
Cuối cùng, chúng ta hãy phó dâng gia đình mình vào tình yêu của Đức Trinh Nữ Maria, người là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội, Mẹ của từng người và của từng mái ấm. Hãy mang lấy Áo Đức Bà cho mọi thành viên và hãy năng lần chuỗi Mân Côi. Hãy tận hiến gia đình chúng ta cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ và Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chỉ ở đó, chúng ta mới tìm được nơi nương tựa và ẩn náu đích thực cho bản thân và gia đình mình.
2021
Những nguy hiểm ta đối diện khi cô đơn
Tác giả: Maestro di San Bartolo
Sách: Abbi a cuore il Signore (*)
Chuyển ngữ từ tiếng Ý: Tứ Quyết SJ
Khi cô đơn, đòi hỏi cần tỉnh thức cao độ. Trong thực tế, kẻ thù (thần dữ) của chúng ta có thể dễ dàng len lỏi vào sự cô đơn để phá hoại tâm hồn.
Trong cô đơn cô độc và thinh lặng, trái tim dễ dàng đi sâu hơn vào đáy ký ức. Khi đó, ta có thể nhận ra sự tốt lành của Thiên Chúa, đồng thời khám phá sự khôn ngoan trong sâu thẳm tâm hồn mình. Khi điều này được thôi thúc bởi thần lành, sẽ giúp ta tăng thêm lòng yêu mến Thiên Chúa và giúp ta khiêm nhường hơn và càng thêm sâu sắc.
Tuy nhiên, nếu không đủ tỉnh thức, thần dữ sẽ lẻn vào một cách tinh vi, bằng cách tiếp tục đi trên con đường của thần lành, nhưng lại kích thích trí khôn đi xem xét để nhìn về quá khứ, đặc biệt là những gì đau đớn khổ cực tổn thương. Và khi ấy, thần dữ ma mãnh thúc ép chúng ta nghĩ rằng, chỉ có những điều tiêu cực ấy mà thôi. Và trong lúc ấy, tâm hồn có thể bị thần dữ khuất phục, đến độ quên đi những dấu chỉ của tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Nếu bị rơi vào hoàn cảnh ấy, tâm hồn vừa cảm thấy không thể chịu nổi chính mình, vừa muốn trốn tránh ánh nhìn của Thiên Chúa.
Khi dẫn dắt tâm hồn như thế, thần dữ đã khéo léo dẫn đưa chúng ta, từ khởi đầu là ơn an ủi vui mừng, nhưng sau cùng lại dẫn đến nỗi buồn khôn nguôi.
Do đó, khi đối diện với cô đơn, cần phải có đời sống huynh đệ, để lấy lại thế cân bằng. Cũng thế, nếu không có một lý do quan trọng cần thiết, thì chúng ta không được quên việc giải trí lành mạnh. Vì tầm quan trọng của việc giải trí lành mạnh, không hề thua kém đời sống cầu nguyện. Lý do, cả hai đều cần thiết cho việc cân bằng nội tâm.
Tương tự thế, việc đối thoại với bậc khôn ngoan, và với sự hướng dẫn của vị ấy, là điều được cần được duy trì một cách sống động. Việc bạn thăm vị ấy dường như không vô ích, ngay cả khi đời sống của bạn không gặp vấn đề, hoặc khi tâm hồn bạn vẫn bình yên. Thật vậy, chỉ riêng việc bạn vun trồng đời sống huynh đệ, thì đã là cách tuyệt vời để bạn đuổi bay thần dữ. Vì Chúa đã nói: “Ở đâu có hai, ba người họp nhau nhân danh Ta, thì Ta ở giữa họ”(Mt 18:20).
Chúng ta cũng có thể nghĩ về gương sáng của các vị ẩn tu trong sa mạc, với mục đích tìm kiếm Thiên Chúa trong cô độc. Dù sống cô độc như thế, nhưng các vị ấy cũng thường xuyên thăm viếng nhau, trao đổi với nhau trong việc kiếm tìm Thiên Chúa, và có nhận sự hướng dẫn từ những người mà các vị ấy tin tưởng. Làm như thế, để tránh bị rơi vào tình trạng nghĩ quá nhiều về bản thân, ngay cả khi bạn cho rằng, bạn đang lớn lên trong sự khiêm tốn và trưởng thành.
Đọc thêm những bài trước:
Nguồn: dongten.net (25.8.2021)
_______
(*): Trong tuần tĩnh tâm mùa chay (từ chiều chúa nhật 21/2/2021 đến trưa thứ sáu 26/2/2021), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi Giáo triều Roma và các tín hữu tìm về cùng Thiên Chúa, kín múc nghị lực để đương đầu với những thách đố mới. Vì đại dịch Covid, các vị không tĩnh tâm chung như mọi năm, nhưng mỗi vị tĩnh tâm riêng tại nơi thích hợp. Đức Thánh Cha gửi tặng mỗi vị cuốn sách thiêng liêng giúp suy niệm với tựa đề “Abbi a cuore il Signore” (Hãy có Chúa trong lòng). Sách dày 320 trang gồm các thủ bản cũ do một đan sĩ thuộc Đan viện thánh Bartolo biên soạn hồi thế kỷ 17, trên từng tờ rời, dường như để hướng dẫn các môn đệ.
2021
Linh mục – Đức Kitô Thứ Hai (Alter Christus) – phải là người như thế nào?
Linh mục – Đức Kitô Thứ Hai (Alter Christus) – phải là người như thế nào?
Trong phạm vi bài viết này, tôi không muốn đề cập nhiều đến những lý thuyết hay nền tảng thần học cũng như giáo lý của Giáo Hôi về vai trò và sứ mạng của linh mục trong Giáo Hội, vì thiết nghĩ các linh mục và rất nhiều giáo dân ngày nay đều biết rõ.
Điều tôi muốn nói ở đây là trong thực tế, linh mục phải hành xử thế nào để xứng đáng là hiện thân của Chúa Kitô xuyên qua chính đời sống, lời nói và hành động của mình trước mặt người khác trong đó quan trọng là các tín hữu được trao phó cho mình săn sóc và phục vụ về mặt thiêng liêng.
Với tư cách là cộng sự viên đắc lực, thân cận và trung tín của Giám mục, linh mục thi hành sứ vụ rao giảng, dạy dỗ và cai trị trong giáo hội địa phương (tức giáo Phận) với tất cả thành tâm , thiện chí và xác tín về chức năng và vai trò của mình được nhận lãnh từ bí tích Truyền Chức Thánh cho phép linh mục được chia sẻ Chức Linh Mục đời đời của Chúa KItô, “Thầy Cả Thượng Phẩm.. theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” (Dt 5: 10)
Trong hoàn cảnh thế giới hiện nay, đặc biệt là ở các nước Âu Mỹ, người ta không những bị lôi cuốn bởi chủ nghĩa vật chất vô luân ( immoral materialism) mà đặc biệt còn bị ảnh hưởng ngày một nghiêm trọng bởi trào lưu tục hóa (secularization) đưa đến thực hành vô thần (practical atheism) , chối bỏ Thiên Chúa , “hạ bệ Kitô hóa” (de-christionization) và dửng dưng với mọi tôn giáo nói chung ( Indifference to religions).
Thực trạng này đang là một thách đố to lớn cho những ai muốn sống niềm tin có Thiên Chúa tốt lành, đã yêu thương và tha thứ cho con người nhờ công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô.
Để đối phó với trào lưu nguy hại nói trên, ngày 12 tháng 10 vừa qua, Tòa Thánh đã công bố quyết định mới của Đức Thánh Cha Bê-nê-đích-tô 16 cho thiết lập một Văn Phòng hay Hội Đồng mới của Tòa Thánh (New Pontifical Council) với chức năng Tân Phúc Âm hóa (New Evangelization) như một nỗ lực nhằm chống lại khuynh hướng tục hóa ở các quốc gia Âu Châu và Tây phương nói chung. Hội Đồng này do Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella làm Chủ Tịch.
Sự kiện trên cho thấy là Đức Thánh Cha đã tỏ ra rất quan tâm về nguy cơ tục hóa đang đe dọa những giá trị và chân lý của Phúc Âm cũng như đời sống luân lý, đạo đức của con người nói chung, và cách riêng, của người tín hữu Chúa Kitô đang sống trong hoàn cảnh suy đồi đạo đức của thế giới ngày nay.
Là Đức Kitô thứ hai, tức là hiện thân của Chúa trong sứ vụ, linh mục trước hết phải là người nêu gương sáng trước tiên về thái độ cương quyết “ thoát tục” hay “đạp đổ trào lưu tục hóa” (de- secularization) để tân phúc âm hóa chính mình trước khi rao giảng Phúc Âm Sự Sống của Chúa Kitô cho người khác nhằm chống lại “ văn hóa sự chết” và trào lưu tục hóa đang bành trướng ở khắp nơi hiện nay.
Do đó, Linh mục cần thiết phải :
I- Tách mình ra khỏi dính díu với mọi quyền lực và tham vọng trần thế để không vô tình hay cố ý làm tay sai cho một chế độ chính trị nào để cầu lợi cá nhân và nhiên hậu gây thương tổn nặng nề cho chức năng (competence) và vai trò của mình là linh mục của Chúa Kitô.
Trong điễn từ đọc tại Nhà Thờ Chánh Tòa Đức Mẹ Lên Trời ở Parlemo ( Italia) trước hàng trăm Giám mục, Linh mục, và Tu sĩ nam nữ ngày 3 tháng 10 vừa qua, Đức Thánh Cha Bê-nê-đich-tô 16 đã nói riêng với các linh mục hiện diện như sau “chính Chúa Kitô, chứ không phải thế gian – đã thiết lập cương vị cho linh mục”… Và với cương vị đó, linh mục phải luôn chú tâm đến ơn cứu độ và Vương Quốc của Thiên Chúa.” (Christ establishes the priest’s status, not the world… as a priest, he must be always with a view to salvation and the Kingdom of God.( cf.L’ Osservatore Romano. Oct 6, 2010). Hơn nữa, linh mục “không thể là thừa tác viên của Chúa Kitô nếu không là chứng nhân và là người ban phát một đời sống khác với đời sống thế tục” ( cf. Presbyterium Ordinis.no.3)
Nói khác đi, linh mục chỉ có một vai trò và chức năng quan trọng nhất là rao giảng Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô và làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh để phục vụ hữu hiệu cho các linh hồn đang cần đến Chúa và mong lãnh nhận ơn cứu độ của Người. Do đó, linh mục tuyệt đối không có chức năng chính trị hay xã hội nào để tự nguyện làm tay sai phục vụ, tâng bấc, ca tụng hay chống đối một chế độ nào vì lý do thuần chính trị.
Nhưng, nếu chế độ nào, không tôn trọng nhân quyền (human rights), – nhưng không phải nhân quyền của thần học giải phóng, là thứ nhân quyền cổ võ đấu tranh giai cấp, tạo ra những “đàn két” chỉ biết ca tụng bợ đợ chế độ để an thân trục lợi – mà là những quyền căn bản của con người, như quyền tự do phát biểu, quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, quyền hành Đạo trong đó bao gồm việc tổ chức, đào tạo, và bổ nhiệm các chức sắc lãnh đạo trong giáo hội địa phương. Nếu chế độ không tôn trọng những quyền căn bản này cũng như dung dưỡng cho những sa đọa, suy thoái về luân lý, đạo đức trong xã hội cai trị, thì linh mục – và nhất là Giám mục – phải có can đảm lên tiếng đòi hỏi chế độ phải tôn trọng những tư do căn bản và thiêng liêng của con người, cũng như mạnh mẽ lên án thực trạng suy thoái đạo đức và luân lý để đòi nhà cầm quyền dân sự phải có biện pháp thích đáng để lành mạnh xã hội hầu tạo môi trưởng thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh đời sống tinh thần và đạo lý của người dân.
Xã hội vô luân, vô đạo và đầy bất công sẽ xô nhanh người dân xuống hố diệt vong vì thiếu nền tảng tinh thần cần thiết để giúp phân biệt con người với mọi loài cầm thú chỉ có bản năng và vô lương tri.
Như thế, làm ngơ hay nhắm mắt bịt tai trước những vi phạm về quyền thiêng liêng của con người và tụt hậu về luân lý, đạo đức, sẽ trở thành đồng lõa với chế độ, với xã hội làm phát sinh mọi tội ác vì thiếu căn bản đạo làm người.
II- Trong lãnh vực giảng dạy chân lý và cử hành các Bí tích,
Không linh mục nào được phép dạy và thực hành giáo lý , bí tích riêng của mình mà phải dạy cũng như thực hành đúng giáo lý (doctrines), tín lý (dogmas) và kỷ luật bí tích của Giáo Hội,
Cụ thể, Giáo Lý và Kinh Thánh của Giáo Hội nhìn nhận sự kiện có tội Tổ Tông (Original sin) do Nguyên Tổ loài người là Adam và Eva vấp phạm khiến con người mất ơn nghĩa với Thiên Chúa. Nhưng chính tội bất trung này của Nguyên Tổ loài người lại được Giáo Hội sau này ca ngợi là “Tội sinh ơn phúc” ( Felix culpa) vì bởi tội này mà Thiên Chúa đã sai Con Một của Người là Chúa Kitô đến trần gian để cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết vì tội. Ơn cứu chuộc và tha thứ này của Thiên Chúa còn lớn lao hơn tội bất trung của Nguyên Tổ rất nhiều như Thánh Phaolô đã nói: “Nhưng sự sa ngã của Adam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa… Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã mà muôn người phải chết thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.” (Rm 5: 15).
Như thế ai phủ nhận hay đặt vắn đề “tội Tổ Tông” dưới ánh sáng tâm lý học là đã đi ngược lại với giáo lý hiện hành của Giáo Hội về vấn đề rất hệ trọng này. ( x.SGLGHCG, số 402-407)
Mặt khác, cũng vì tội Nguyên Tổ đã gây ra “sự chết của linh hồn” như Công Đồng Trentô đã dạy ( DS 1512), mà Giáo Hội cử hành bí tích Rửa Tội để tha không những tội nguyên tổ mà còn tha một lần tất cả mọi tội cá nhân con người đã phạm cho đến lúc lãnh nhận Phép Rửa..
Cũng liên quan đến vấn đề tội và Phép Rửa, Giáo Hội chỉ ban bí tích này cho người còn sống ( trẻ con và người lớn ) chứ không hề dạy phải rửa tội cho người chết qua trung gian người sống như một linh mục kia đã “có sáng kiến phăng ra” để gây hoang mang cho giáo dân.
Liên quan đến bí tích Thánh Thể, không có giáo lý, giáo luật nào dạy mọi người tham dự Thánh Lễ đều được rước Minh, Máu Thánh Chúa, vì đây là bữa tiệc Chúa mời mọi người tham dự ăn và uống không phân biệt Công Giáo hay Tin lành, trẻ em đã rước lễ lần đầu hay chưa. Ngược lại, giáo lý và giáo luật nói rõ : ai mắc tội trọng ,chưa kịp đi xưng tội thì không được làm lễ và rước Minh Thánh Chúa. ( x, giáo luật số 916; SGLGHCG số 1415). Như vậy, không thể mời hết mọi người tham dự Thánh Lễ ở tư gia hay ở nhà thờ lên rước Mình Máu Thánh Chúa lấy lý do là Chúa đã tha hết mọi tội cho con người, như một số linh mục Việt Nam , Mỹ, và Cadada đã làm. ( có nhân chứng kể lại). Chúa tha thứ tội lỗi cho con người. Đúng, nhưng người ta vẫn còn phạm tội trở lại vì bản tính yếu đuối và vì được tự do chọn lựa sự lành sự dữ để hoặc sống cho Chúa, sống theo đường lối của Người hay muốn sống ttheo thế tục , theo “văn hóa của sự chết” đang tràn lan khắp nơi trên thế giới ngày nay..
Lại nữa, linh mục cũng không được phép biến lễ tang (Funeral mass) thành lễ Phong Thánh (Canonization Mass) cho ai khi giảng rằng linh hồn này chắc chắn đã lên Thiên Đàng rồi, vì đã được xức dầu và lãnh Phép lành Tòa Thánh trước khi chết.!
Giáo lý và bí tích của Giáo Hội chỉ qui định việc xức dầu thánh, ban của ăn đàng ( Viaticum) cũng như nghi thức phó linh hồn cho ai sắp ly trần, nhưng không hề dạy là nếu ai được xức dầu và lãnh Phép lành Tòa Thánh trước khi chết thì chắc chắn đã lên Thiên Đàng. Nếu đã chắc chắn như vậy thi cử hành lễ an táng làm gì nữa, vì có giáo lý, tín lý nào dạy phải cầu nguyện cho các thánh ở trên Thiên Đàng đâu ?
Giáo Hội có phong thánh cho ai thì cũng phải đòi hỏi thời gian và những điều kiện cần thiết, chứ chưa hề tức khắc phong thánh cho ai ngay sau khi người đó chết, dù là các Đức Giáo Hoàng, Hồng Y, Giám mục…
Sau hết, với tư cách và cương vị là thừa tác viên và là hiện thân của Chúa Kitô trong trần thế, linh mục không thể coi nhẹ cương vị của mình để dẽ dãi tham gia giúp vui trong những bữa tiệc cưới, đứng lên ca hát hoặc kể truyện tếu. Nói rõ hơn, linh mục không nên ôm cây đàn, ca hát và nhảy nhót với ai vì mục đích ca tụng quê hương, đất nước hoặc gây quỹ cho cá nhân hay cơ quan, đoàn thể nào. Làm như vậy, linh mục đã quên cương vị của mình khi tự cho phép hòa mình vào những sinh hoạt có tinh chất thế tục.
Sân khấu và nơi tổ chức ca hát, nhảy nhót chắc chắn không phải là nơi tụ họp, giúp vui của linh mục. Chỗ đứng và nơi trình diễn của linh mục là bàn thánh, là giảng đài (pulpit) và Tòa giải tội, tức là những nơi linh mục thi hành tác vụ thánh đã được lãnh nhận từ Bí Tích Truyền Chức Thánh và năng quyền thi hành từ giám mục mình trực thuộc để phục vụ cho những lợi ích thiêng liêng của giáo dân.
Tóm lại, là Linh mục của Chúa Kitô giữa trần gian, đặc biệt trong hoàn cảnh xã hội khắp nơi ngày một thêm “tục hóa” và vô luân hiện nay, mọi linh mục đều được mong đợi sống sao cho người đời, cách riêng cho người tín hữu dễ nhận ra Chúa Kitô, Đấng đến và trở nên Con Người không phải để đồng hóa với người phàm trong mọi chiều kích thế tục mà trở nên Con Người để thần linh hóa (divinize) loài người hầu cho phép con người được sống hạnh phúc và “thông phần bản tính Thiên Chúa sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian” này như Thánh Phêrô đã dạy. ( 2 Pr 1:4).
LM . Phanxiô Xaviê Ngô Tôn Huấn
2021
Là một Tín Hữu nhưng tôi chưa bao giờ đọc Kinh Thánh, tôi phải bắt đầu từ đâu?
Là một Tín Hữu nhưng tôi chưa bao giờ đọc Kinh Thánh, tôi phải bắt đầu từ đâu?
Kinh thánh là câu chuyện về Giao Ước giữa Thiên Chúa và loài người. Câu chuyện về một Thiên Chúa yêu thương con người vô bờ bến và câu chuyện về con người, là những người không bao giờ được phép quên Giao ước mà Thiên Chúa muốn ký kết với họ mãi mãi.
Thiên Chúa không mệt mỏi hồi sinh dân tộc của mình và đổi mới kế hoạch liên kết của Ngài với họ. Những bản trình thuật trong Cựu Ước làm chứng cho điều này. Với sự xuất hiện của Chúa Giêsu Kitô, trong Tân Ước, Thiên Chúa đích thân đến gặp gỡ nhân loại để ký kết với họ một Giao ước mà lần này là dứt khoát và vĩnh cửu.
Kinh thánh, nơi gặp gỡ Thiên Chúa
Tin vào Thiên Chúa là chuyện khá đơn giản, chỉ cần nói “đồng ý” với sự Liên kết này: tìm kiếm Thiên Chúa và chuẩn bị sẵn sàng để đón chào Ngài. Kinh thánh là nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Đó là sự nuôi dưỡng cần thiết cho đức tin. Nhưng bắt đầu từ đâu?
Chúa Giêsu nói: “Ai thấy Ta là thấy Cha” (Gioan 14: 9). Như vậy, mỗi cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, mỗi lời nói, mỗi hành động của Ngài đều nói lên điều gì đó về Thiên Chúa. Do đó, những câu chuyện của các thánh sử trong các sách Tin Mừng là cửa ngõ để khám phá Thiên Chúa qua Chúa Kitô.
Lấy ví dụ câu chuyện của người phụ nữ Samaria (Gioan 4). Chúa Giêsu xin chị ấy cho uống nước “Chị cho tôi xin chút nước uống!” (Gioan 4: 7). Chúa Giêsu khao khát được gặp cô ấy! Đổi lại, cô ấy xin Ngài ban cho nguồn nước tạo nên sự sống vĩnh cửu mà Chúa Kitô đã nói “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước” (Gioan 4: 15). Chúa Kitô soi sáng mọi ngõ ngách của cuộc đời chị, chị đã có 5 đời chồng “Chị nói: “Tôi không có chồng” là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng” (Gioan 4: 17)…Chị không cảm thấy bị phán xét mà ngược lại nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ. Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Ngài đến, Ngài sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự. Đức Giêsu nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây ” (Gioan 4: 19, 25), là Đấng làm cho chị đứng dậy, chuyển hướng cuộc đời đi theo sự sống mạnh mẽ hơn, khiến con người lớn lên, hướng tới sự thật hơn, được biến đổi “Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?” (Gioan 4: 28), và vui mừng làm chứng loan báo Tin Vui cho những người khác “Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Ngài, dân Samari xin Ngài ở lại với họ, và Ngài đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Ngài thật là Đấng cứu độ trần gian.” (Gioan 4: 39-42).
Và Giakêu, một người thu thuế bất lương, đã leo lên cây của mình để gặp Chúa Giêsu “Sau khi vào Giêrikhô, Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó” (Luca 19:1-4). Khi Chúa Giêsu gọi ông ta và ghé về nhà của ông “Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Ngài nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Luca 19:5), ông đã lấy lại được phẩm giá của mình “Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Luca 19: 9-10). Tất nhiên, ông có giá trị nhiều hơn tội lỗi của mình “…mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! ” (Luca 19: 7).
Phêrô, người đầu tiên trong số các tông đồ, cũng cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa qua Chúa Kitô. Ông đã chối Chúa Giêsu ba lần “Họ bắt Đức Giêsu, điệu Ngài đến nhà vị thượng tế. Còn ông Phêrô thì theo xa xa. Họ đốt lửa giữa sân và đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phêrô đến ngồi giữa họ. Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói: “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy! ” Ông liền chối: “Tôi có biết ông ấy đâu, chị ” Một lát sau, có người khác thấy ông, liền nói: “Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng! ” Nhưng ông Phêrô đáp lại: “Này anh, không phải đâu! ” Chừng một giờ sau, có người khác lại quả quyết: “Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Galilê .” Nhưng ông Phêrô trả lời: “Này anh, tôi không biết anh nói gì! ” Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết” (Luca 22:54-62), nhưng Chúa Kitô sau khi phục sinh cũng đã ba lần mời gọi ông làm người chăn bầy chiên của Ngài “Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy .” Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy .” Người lại hỏi: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy .” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy .” Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không? ” Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy .” Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Gioan 21:15-17), nghĩa là lãnh đạo Giáo hội của Ngài.
Như vậy, mỗi cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đều cho thấy một phần nào đó tình yêu vô biên của Thiên Chúa.
Cuộc hẹn của Thiên Chúa với mỗi chúng ta
Madeleine Delbrêl (1904 – 1964), đã từng là một người vô thần, trở thành giáo hữu, và truyền giáo cho các giới theo chủ thuyết Marxist, đã viết: “Tin Mừng không phải là một cuốn sách giống như bất kỳ cuốn sách nào khác. Tin Mừng giống như một cuộc hẹn với Chúa Kitô mà Ngài dành cho mỗi người chúng ta, cho đến tận cùng thời gian; một cuộc gặp gỡ giữa người với người, giữa một trái tim với trái tim, thân tình, cụ thể… Tin Mừng được viết ra trước hết không phải để chúng ta đọc mà thôi mà còn để chúng ta đón nhận”.
Trong bốn thánh sử, thánh Luca là người tường thuật nhiều nhất và có lẽ là dễ hiểu nhất. Thánh Máccô, tường thuật ngắn nhất. Thánh Gioan, biểu tượng nhất và Thánh Mátthêu là người mượn nhiều tài liệu tham khảo nhất từ các sách Cựu ước.
Nhưng một cách tổng quát, Tân Ước là sự ứng nghiệm những gì đã được nói trong Cựu Ước. Tân Ước ẩn mình trong Cựu Ước. Như vậy, hai Giao Ước này đối đáp qua lại với nhau. Nếu Tin Mừng là cánh cửa đi vào nhà dành cho các Kitô hữu, thì Cựu Ước là con đường dẫn đến cánh cửa đó.
Lạy Chúa Kitô, xin Chúa đổ đầy vào lòng con Lời tuyệt vời của Chúa, Lời dẫn đến Chân lý và Tự do đích thực có quyền năng biến đổi con sâu lắng khi con đọc, suy ngẫm và cầu nguyện với Lời Chúa. Xin Lời Chúa thấm đượm lòng con trong giờ tĩnh nguyện và trong đời sống mỗi ngày của con, để con trở thành chứng nhân cho những người chung quanh để họ cũng được Lời Chúa biến đổi. Amen.
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ,
theo blog.jeunes-cathos.fr
*Người dịch có bổ sung một số câu trích dẫn tử Kinh Thánh.