2022
Những bài học từ Thánh Phaolô
NHỮNG BÀI HỌC TỪ THÁNH PHAOLÔ
Donald Senior, CP.
Lý do những kinh nghiệm và phẩm chất của thánh tông đồ Phaolô vẫn còn thích hợp cách đặc biệt cho các linh mục hôm nay.
Có lẽ hơn ai hết trong giáo hội tiên khởi, thánh Phaolô Tông đồ hiện thân cho sự hoán cải và biến đổi sâu xa vì Tin Mừng – cả trong mức độ cá nhân lẫn trong truyền thống tôn giáo mà ngài nhiệt tâm dấn thân. Phaolô được sinh ra vào khoảng năm thứ 5 sau Công nguyên tại Tarsô, thủ phủ ở Trung Nam vùng Tiểu Á, thuộc Thổ-Nhĩ-Kỳ ngày nay. Tarsô là thành phố có tiếng về văn hoá và trí thức, một thành phố đặc trưng La-Hy, nhưng cũng có một cộng đồng thiểu số Do Thái đáng kể. Chúng ta được biết Phaolô được sinh ra trong một gia đình Do Thái đạo đức – một di sản mà ngài luôn ôm ấp và kính trọng. Tuy nhiên, ngài là con một người cha là công dân Rôma – chúng ta không biết làm thế nào Phaolô một người Do Thái lại có quốc tịch Rôma, có lẽ vì cha ngài đã đi lính hay là người nô lệ được trả tự do. Từ di sản kép này – một người Do Thái đạo đức và một người Rôma tự hào – Phaolô ẩn chứa trong chính mình sự pha trộn về văn hoá và tôn giáo là tố chất sẽ trở nên then chốt cho sứ vụ tương lai của ngài.
Từ di sản Do Thái, ngài có được một đức tin kiên cường vào Thiên Chúa của Israel, Thiên Chúa nhân từ và giải thoát, Đấng tạo thành vũ trụ và gìn giữ nó trong sự quan phòng yêu thương. Cũng như từ Do thái giáo, Phaolô được đào tạo và nuôi dưỡng một cảm thức luân lý mạnh mẽ để diễn tả niềm tin vào Thiên Chúa bằng đời sống tuân phục ý Chúa. Từ di sản Rôma và nền giáo dục cổ điển ở Tarsô, Phaolô có thể mở rộng cái nhìn về thế giới Địa Trung Hải với những sự khác biệt và năng động và được học về nghệ thuật tu từ và thuyết phục mà người Rôma thừa hưởng từ những người Hy Lạp đi trước. Tố chất gia đình của Phaolô, hay nếu thích có thể gọi là DNA, được giải thích như tác động của Chúa Thánh Thần vào trong một nhân vật sẽ là cầu nối cho cả thế giới Địa Trung Hải.
Phaolô và hoán cải
Tân Ước cho chúng ta hai mô tả sống động về bước ngoặt mang tính quyết định trong cuộc đời Phaolô, lúc mà ơn Thiên Chúa kêu gọi ngài bùng cháy. Một mô tả nằm trong những câu chuyện hoán cải ngoạn mục trong sách Công vụ Tông đồ. Phaolô, với lòng nhiệt thành đầy cao ngạo đã thúc đẩy ngài đi bắt bớ những người theo Chúa Giêsu, đã bị đánh gục xuống đất do sức mạnh của sự hiện diện cứu độ của Chúa Kitô. Bị làm mù do ánh sáng của tình yêu tha thứ của Chúa, nhưng ngược lại, Phaolô lại bắt đầu nhìn thấy chân lý lần đầu tiên (x. Cv 9:3-19; 22:6-16; 26:12-18)
Trong trình thuật của thánh Luca về lịch sử của cộng đoàn tiên khởi, thì Phaolô, người hành hạ và bắt bớ các Kitô hữu, trở nên “phương tiện chuyển tải được chọn” – là người sẽ mang Tin Mừng của Chúa Giêsu từ Giuđêa tới Antiôkia, tới hướng tây đến HY-lạp và cuối cùng đến tận Rôma.
Như vậy, theo như mô tả của sách Công vụ Tông đồ, sự hoán cải của Phaolô, theo một nghĩa nào đó, được thúc ép từ bên ngoài – một cảm nghiệm vượt quá sự kiểm soát đã đảo ngược ý nghĩa tôn giáo của ngài và biến đổi cuộc sống của ngài mãi mãi.
Trình thuật nổi bật về việc hoán cải của Phaolô trong sách Công vụ Tông đồ lại mang một hình thức rất khác qua những lời của chính Phaolô trong thư của ngài gửi tín hữu Galát (x. Gl 1:11-24). Nhìn lại, giờ đây Phaolô thấy rằng Thiên Chúa đã gọi ngài đến sự biến đổi diệu kỳ này từ muôn thuở trước – trước cả khi ngài được hình thành trong lòng mẹ. Ngài trích dẫn những lời tiên tri của Isaia 49 và Giêrêmia 1- “ Lời Chúa nói với tôi:/trước khi ta hình thành ngươi trong dạ mẹ ta đã biết ngươi, / trước khi ngươi được sinh ra ta đã thánh hiến ngươi,/ đặt ngươi làm ngôn sứ cho các dân tộc.” (Gr 1: 4-5)
Tính chất làm nên sự thay đổi tận căn này không đơn thuần là do tác động của những biến cố bên ngoài nhưng là sự thành toàn của một vận mệnh Chúa định, một hành động của sự quan phòng mà Thiên Chúa đã gọi Phaolô từ muôn thuở trước.
Như thế Phaolô đã bước vào truyền thống kinh thánh sâu xa và tuyệt hảo – là truyền thống của “ơn gọi”, thuật lại việc Thiên Chúa kêu gọi cách nhiệm mầu trải dài từ Môisê đến các ngôn sứ, và tiếp tục đến Mẹ Maria và các môn đệ của Chúa Giêsu trong Tân Ước. Thần Khí của Thiên Chúa ra dấu một cách nhiệm mầu, kiên trì – mời gọi một người dấn thân vào một lối sống mới và thường là bất ngờ cho Chúa. Phaolô là một trong số đó. Chúa thì thầm vào tai Isaia: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta/để tái lập các chi tộc Gia-cóp,/để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít./ Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân,/để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49:6).
XÂY DỰNG GIÁO HỘI CHO CHÚA KITÔ
Chúng ta cần nhắc lại là Phaolô là một người có những kế hoạch lớn lao, dù trong thời của ngài, chúng ta có thể nói (giống như thời đại chúng ta) là ơn gọi hiếm hoi và tài chính không ổn định. Như ngài nói trong thư gửi tín hữu Rôma chương 15, Phaolô có ý lập các giáo hội khắp bờ Bắc Địa Trung Hải, đến tận Rôma và Tây Ban Nha, để thu phục dân ngoại cho Chúa Kitô, một sự thành toàn huy hoàng nhờ ơn Chúa mà ngài hy vọng qua đó thuyết phục được tất cả Israel chấp nhận Chúa Kitô.
Những phương thức đích thực
Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta có thể suy tư về những phương thức khác biệt và đích thực này của cuộc sống và ơn gọi của chúng ta. Ở một mức độ, chúng ta đang bị lèo lái do những nhân tố bên ngoài chúng ta: những biến cố của thế giới, đe doạ của dịch bệnh, kinh tế, gương mặt thay đổi của Giáo hội, các trào lưu văn hoá và lịch sử, sự khích lệ của bạn bè hay người cố vấn. Và chắc chắn chúng ta cần người khôn ngoan và biết chăm lo để giúp chúng ta lựa chọn những kinh nghiệm và làm cho nó có ý nghĩa. Giống như Phaolô, chúng ta cần những người giúp rũ bỏ sự mù loà của chúng ta và nhìn cuộc sống chúng ta cũng như của những người chung quanh bằng nhãn quan của đức tin Kitô giáo.
Nhưng ở một mức độ khác cũng quan trọng tương đương là chúng ta tin rằng Chúa đang gìn giữ chúng ta trong bàn tay ngài, cuộc sống của chúng ta, cả cá nhân hay tập thể là một lời đáp trả tiếng Chúa kêu gọi chúng ta trong sâu thẳm, một lời kêu gọi ẩn sâu trong sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa từ muôn thuở. Và ở đây chúng ta biết được tầm quan trọng của việc suy tư về cội nguồn sâu thẳm nhất của đức tin chúng ta; sự suy ngắm Kinh Thánh và những nhân vật hay những vị thánh vĩ đại trong di sản của chúng ta, là những người đã đáp trả tiếng Chúa gọi và thẩm thấu suối nguồn của linh đạo Kitô giáo để hiểu Chúa đang làm gì trong cuộc sống của họ, như Phaolô rút ra những lời đầy xúc động của Isaia và Giêrêmia, và gương mẫu của sứ vụ ngôn sứ của các ngài làm cho có ý nghĩa những trở lại đầy bất ngờ trong cuộc sống của ngài. Có lẽ đây là việc cần làm trong thời gian tu dưỡng (sabbatical) hay trong những chương trình suy tư về thừa tác vụ của Tin Mừng trong mọi thời.
Cuộc khổ nạn của Phaolô
Như chúng ta biết, Phaolô không phải là thành viên từ ban đầu hay đặc quyền trong các môn đệ của Chúa Giêsu. Phaolô không bao giờ quên thân phận ‘hạng hai’ của mình – hay việc bắt bớ sai lầm các Kitô hữu. Ngài vẫn ở mãi như “đứa con sinh non”. Nhưng điều đó không làm mất đi sự dấn thân đầy đam mê của Phaolô cho Chúa Kitô và Tin Mừng của ngài.
Cuộc khổ nạn của Phaolô rỏ ràng một phần là do của tính khí nồng nhiệt tự nhiên của ngài. Không phải là sự nhẹ nhàng điềm đạm được biểu lộ trong thư chung gửi tín hữu Galát khi ngài mong những Kitô hữu đòi buộc những người ngoại trở lại phải chịu cắt bì “phải chi họ tự thiến cho xong” (Gl 5:12) – hay đầu thư cho một hội thánh nổi tiếng với những lời sau: “Hỡi những người Galát ngu muội!”. Tôi cho rằng Phaolô không phải là người dể sống chung. Vì vậy không phải tình cờ mà trong sứ vụ ngài chủ yếu là lưu động nơi này đến nơi khác.
Nhưng cũng rõ ràng là ngọn lửa luôn bừng cháy của cuộc khổ nạn của Phaolô đến từ sự mức độ mãnh liệt trong dấn thân của ngài cho Chúa Kitô. Có lúc trong cuộc sống, Phaolô xác quyết cho cộng đoàn của mình bằng những lời tự thú làm giật mình: “Chúa Kitô sống trong tôi”. Chính điều này đã đưa dẫn Phaolô trong sứ vụ, và từ đó xuất phát lời giảng dạy và thần học của ngài.
Cuộc khổ nạn của Phaolô đã khiến ngài viết những bức thư với những hình ảnh và sự mạnh mẽ đã làm thay đổi cảm thức Kitô giáo mãi mãi. Những bức thư viết vội vã, thường là văn phong đau đớn; những bức thư bùng phát những ý tưởng mà phải cần hơn một người cùng lúc ghi chép những lời Phaolô đọc lên; và ngay cả một tác giả kinh thánh được linh ứng khác phải nói, và nói nhẹ đi, là có những điều người anh em Phaolô của chúng ta viết thật khó hiểu (x. 2 P 3:15-16).
Theo tôi, những ý tưởng của Phaolô – lời rao giảng, những trước tác, thần học, giáo huấn, ý nghĩa về quyền bính và cai trị của ngài – được hun đúc cho tính chất môn đệ đầy đam mê của chính ngài. Thần học của Phaolô không vay mượn, theo thời thượng hay chỉ suy tưởng. Phaolô rút ra cái nhìn của mình từ linh hồn sống động của Giáo hội và sự dấn thân cuồng nhiệt của ngài cho vào đó. Ngài là người thụ hưởng và là người canh giữ có trách nhiệm của truyền thống: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh.” (1 Cor 15:3)
Nhưng ngài cũng có thể rút ra quan điểm thần học từ kinh nghiệm Kitô giáo thực của dân chúng: Giáo hội là Thân Thể của Chúa Kitô đối lại với óc bè phái của dân Corintô; thần học về sự yếu đuối đối với cảm nghiệm về giới hạn của mình và của các Kitô hữu của mình – về thể lý và về thiêng liêng; thần học về một Tin Mừng không bị ảnh hưởng bởi Lề Luật bởi vì ngài tin tưởng ở kinh nghiệm tôn giáo của dân ngoại; một thần học về sự khải hoàn của Chúa Kitô trên vũ trụ thay vì sự sợ hãi khiếp đảm về số mệnh rất phổ biến trong thế giới La-Hy.
Trọng tâm của thần học Phaolô và linh đạo của ngài còn liên kết với một cảm nghiệm về cuộc khổ nạn khác – cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Đối với Phaolô, cái chết và sống lại của Chúa Kitô là thực tại giải thích mọi thực tại, và mạc khải chân dung thật của Thiên Chúa. Trong ánh sáng của Cuộc Khổ Nạn, của Mầu Nhiệm Vượt Qua, Phaolô suy nghĩ lại và tái khám phá trọng tâm của truyền thống Do thái của mình. Chúa của Abraham cũng là Chúa của các dân tộc. Thiên Chúa của Chúa Giêsu chịu đóng đinh không được mạc khải qua những biểu hiệu bên ngoài của quyền lực và huy hoàng nhưng trong sự kỳ diệu của cái mà con người cho là yếu hèn: cuộc sống trao ban cho người khác.
“Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cor 1:22-25)
Từ tâm điểm này, Phaolô suy niệm mọi thứ: trọng tâm của đời sống Kitô hữu là tình yêu, như tình yêu vô điều kiện đã làm cho Chúa Kitô chịu đóng đinh; kinh nghiệm về giới hạn và yếu hèn, như chính Phaolô đã cảm nghiệm trong thân xác hay chết của mình, tìm được ý nghĩa trong thân xác chịu đóng đinh của Chúa Giêsu Đấng tự hiến cho chúng ta; Thân thể của Chúa Giêsu là Giáo hội đã trân trọng nhất phần tử yếu đuối và bị coi thường nhất vì Chúa Kitô đã mạc khải chính mình cho thế gian qua một Đấng Thiên Sai chịu đóng đinh, vì thế Thân Thể của Chúa Kitô là thân thể bị đóng đinh và những vết thương vẫn còn thấy rõ; và những đau khổ cũng như nhức nhối tâm can của người tông đồ mà Phaolô cảm nghiệm trong hành trình sứ vụ của mình, và những gì mà các cộng đoàn của ngài cảm nghiệm trong những đau khổ và đấu tranh, không phải là vô ích vì thấp giá của Chúa Giêsu mãi mãi xác quyết là nhờ ân sủng Chúa từ cái chết sẽ đến cuộc sống dồi dào.
Người lãnh đạo tự tin
Tôi nghĩ là mọi người đang làm việc trong Giáo hội hôm nay có thể học được điều gì đó về sự lãnh đạo tông đồ đích thực của Phaolô, và cũng về hình ảnh của Giáo hội mà chúng ta cần dự kiến cho những người chúng ta phục vụ. Phaolô rất ý thức về vai trò “tông đồ của Chúa Giêsu Kitô” của mình và thường xuyên nhắc tới. Nhưng là hiểu lầm về Phaolô và sứ vụ của ngài khi nghĩ về ngài như là một người khổng lồ đơn độc đứng dạng chân ra trong giáo hội tiên khởi hay như một người rong ruổi cô đơn, di chuyển không sợ hãi và cô đơn trong khắp vùng Địa Trung Hải, gieo trồng hạt giống Tin Mừng mà không tùy thuộc vào ai hay liên kết với ai.
Đây là hình ảnh sai lầm, và bằng chứng của chúng ta là chứng từ của chính Phaolô. Một trong những cái nhìn rõ rệt và quan trọng về Phaolô mà chúng ta có được thời gian gần đây là ngài hành động với một mạng lưới tuyệt vời của những cộng tác viên. Phaolô không co cụm lại trong những đòi hỏi của việc lãnh đạo hay trách nhiệm của quyền bính, nhưng ngài thi hành ơn gọi đó theo cách tương hợp với thần học của mình về khổ nạn và về cộng đoàn thuộc về Chúa Kitô.
Đoạn văn kết luận nổi tiếng trong thư gửi tín hữu Rôma chương 16 là nguồn bằng chứng tốt nhất về điều này. Khi Phaolô kết luận thư gửi cho một Giáo hội mà ngài chưa bao giờ thăm, nhưng đối với ngài đây là một cộng đoàn rất quan trọng, ngài thêm vào một loạt những lời chào thăm cho chúng ta thấy phạm vi rộng lớn của mối liên lạc của ngài và tinh thần không chiếm hữu của mình, đồng thời cũng cho thấy sự năng động và mạng lưới của chính giáo hội tiên khởi. Ngài nêu tên 29 người Hy-lạp và Do thái và những bạn “tông đồ” (10 người là nữ), từ giới quý tộc, những người được trả tự do, hay những người nô lệ.
Phaolô không bao giờ hành trình một mình; ngài nhắc đến danh hiệu ‘cộng tác viên” trong khắp các thơ của ngài, ngay cả chính những lá thư của ngài là một công việc có nhiều người cộng tác, hai trong số đó được công khai nhắc đến như là đồng tác giả. Cảm thức về sự cộng tác của Phaolô không đơn thuần chỉ là phong cách cá nhân hay vì nhu cầu đòi hỏi, nhưng xuất phát từ nhận thức về Tin Mừng, đâm rể từ hình ảnh của ngài về Thiên Chúa là Đấng quy tụ mọi người, là Chúa của cả người Do thái lẫn dân ngoại. Một sự xác quyết lan toả trong những hình ảnh cộng tác thích hợp của Phaolô về Giáo hội như là một thân thể với nhiều chi thể, sự dồi dào ân huệ được hun đúc trong cùng một Thánh Thần, như hàng ngũ của những dụng cụ và chất liệu được hình thành trong một đền thờ sống động của Thiên Chúa. Xây dựng cộng đoàn của Giáo hội là mục tiêu tông đồ không ngừng nghỉ của ngài, và ngài biết rằng mọi ân huệ, cho dù nổi bật đến đâu, đều là thứ yếu so với ân huệ đức ái và mối liên kết cộng đoàn.
Thần học về sự yếu đuối của Phaolô là cản trở nền tảng cho cơn cám dỗ chiếm hữu một địa vị hay quyền bính. Sự bất lực thể lý rõ ràng của Phaolô, sự bắt bớ sai lầm của ngài đối với Giáo Hội trước kia – tất cả những kinh nghiệm này dạy cho Phaolô về tình mỏng dòn yếu đuối của mình và đưa ngài đi tìm sức mạnh, một cách mâu thuẫn, trong chính sự yếu đuối của mình, vì ở đâu ngài yếu đuối, ở đó Thiên Chúa mạnh mẽ. Trên hết, suy niệm của Phaolô về Cuộc Khổ Nạn của Chúa gìn giữ ngài khỏi quan niệm về mình cũng như về quyền bính của mình bằng những từ ngữ kiêu căng ngạo mạn… Chúa Giêsu, Người Tôi Tớ Đau khổ của Thiên Chúa, Đấng trao ban cuộc sống cho những người khác được sống, là dấu hiệu nền tảng cho việc thực thi quyền bính chân thực.
Ký ức đó về Phaolô là cần thiết. Những người đang thực thi quyền bính trong Giáo hội, dù ở mức độ nào, cần sự tự tin về ơn gọi tông đồ của mình, nhưng cũng cần giữ nó với cách thế không chiếm hữu. Cộng tác với người khác trong sứ vụ và trong cái nhìn của chúng ta về Giáo hội không phải là ý thích nhất thời, nhưng là lối diễn tả Tin Mừng.
Con người của niềm hy vọng vô hạn
Cho phép tôi nhắc đến một tố chất cuối cùng của Phaolô. Khi đọc những thư của Phaolô tôi xác quyết rằng là một người chịu đau khổ lớn lao trong sứ vụ của mình, nhưng cùng lúc đó lại là đam mê đốt cháy cuộc sống của ngài. Nhiệt tâm bừng cháy của Phaolô cho Chúa Kitô và Tin mừng của Ngài đưa vị tông đồ vào một thực tại kiên định. Tâm hồn của Phaolô đau đớn không chỉ vì những giấc mơ không thành, nhưng còn vì những “pháo kích” liên tục chống lại đôi điều ngài đã xây dựng được. Những đội ‘giữ chân lý’ của những vị lãnh đạo Kitô hữu khác luôn theo dõi từng bước đi của ngài, đặt vấn đề về tính chính thống của ngài, hướng những người mới trở lại đạo của ngài về một lối hiểu khác về Giáo hội, gieo nghi ngờ về quyền bính tông đồ của ngài.
Nỗi đau đớn thất vọng của Phaolô sôi bùng lên trong đoạn văn nổi tiếng trong thư thứ 2 gửi tín hữu Corintô chương 11, như thể rất buồn nản chán chường. Sự kiên nhẫn của Phaolô hầu như không còn nữa và tuôn trào nỗi đau và thất vọng, không hướng về những người lãnh đạo trong hội đường, hay những đe doạ từ các viên chức chính quyền Rôma, nhưng hướng đến những đồng nghiệp tông đồ và những người lãnh đạo trong chính các cộng đoàn của ngài:
“Họ là người Híp-ri ư? Tôi cũng vậy! Họ là người Ít-ra-en ư? Tôi cũng vậy! Họ là dòng giống Áp-ra-ham ư? Tôi cũng vậy! Họ là người phục vụ Đức Ki-tô ư? Tôi nói như người điên: tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh! Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên?” (2 Cor 11:22-29)
Phaolô sống trong một thời khắc mà cái nhìn của ngài về Giáo Hội không được người khác chấp nhận. Có những đêm tối ở Côrintô hay Thessalonika hay Êphêsô – chắc chắn là ở Giêrusalem hay trong thời gian ngài bị quản thúc tại gia ở Cêsarea và ở Rôma – khi ngài tự nghĩ có phải là cuối cùng ngài đã đi sai lối? Có lẽ những suy nghĩ như thế cũng xuất hiện trong trí óc hay tâm hồn của các linh mục khi các ngài thi hành sứ vụ và nhận xét về những thành quả.
Nắm chắc niềm hy vọng
Nhưng cùng lúc Phaolô cũng đã làm được điều mà một nhà lãnh đạo mục vụ vĩ đại đã làm. Phaolô đã nắm chắc niềm hy vọng của mình. Phaolô không bao giờ từ bỏ cảm nghiệm đức tin nền tảng của mình. Tình yêu của Chúa Kitô chịu đóng đinh là bảo chứng của giao ước bền vững của Thiên Chúa, của tình yêu cứu chuộc không ngừng nghĩ cho thế giới, Phaolô hỏi: “Điều gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô?” (Rm 8:35). Đây là câu hỏi quặn thắt xuất phát từ con tim của thừa tác viên của Tin Mừng, của một người được gợi đi thi hành sứ vụ, của một người trưởng thành sống trong Giáo hội từ bên trong và vẫn từ chối để không bị làm hư hỏng bởi những gương xấu và thất vọng; một người có những lý tưởng cao vời cho cộng đoàn nhưng cũng hiểu biết những thực tại đáng buồn của sự chia rẽ và xung khắc; một người trên thực tế biết thực tại của khổ đau nhưng vẫn nuôi những niềm hi vọng vĩ đại.
Ngài nói trong một trong những đoạn văn tuyệt vời nhất trong các thư của ngài: “Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8:38-39).
Như những linh mục và những thừa tác viên của Tin Mừng, được gọi để sống đức tin của chúng ta trong sứ vụ Kitô giáo trong khoảnh khắc hiện tại của lịch sử, một sứ vụ mang nhiều hình thức và có những khoảnh khắc vui, không nghi ngại, nhưng cũng chia xẻ những nản lòng, thất vọng hay cô độc, chúng ta càng phải nhớ đến Phaolô: một người môn đệ đầy hăng say đối với Chúa Giêsu chịu đóng đinh và nhà thần học của những cảm nghiệm; một người mà ơn Chúa gọi để phục vụ được những người khác nuôi dưỡng; một người tự tin về ơn gọi tông đồ và căn tính của mình nhưng thực thi quyền bính của mình bằng cách cộng tác và không chiếm hữu, vẫn luôn hiểu rằng tích lũy với người khác không phải vì nó là một cách quản trị hấp dẫn nhưng vì nó diễn tả đức tin Kitô giáo; một con người mở ra cho những khả thể mới, một người mà những giấc mơ không ngừng nghĩ và táo bạo cho Giáo hội mang lại cho ngài đau khổ nhưng niềm hi vọng của ngài, được đâm rễ trong đức tin, không bao giờ mờ nhạt đi.
CUỘC ĐỜI VÀ THẦN HỌC CỦA PHAOLÔ
Ngay từ những giây phút đầu tiên gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh, Phaolô đã cảm thấy được Thiên Chúa kêu gọi để loan báo Tin Mừng không chỉ cho những đồng bào Do Thái nhưng còn cho cả thế giới dân ngoại. Từ chứng từ của chính mình, Phaolô xác quyết về sức mạnh ban sự sống của Tin Mừng cho toàn thể nhân loại ngay khoảnh khắc đầu tiên ngài gặp gỡ Chúa Kitô.
Lý luận về việc truyền giáo khẩn thiết của Phaolô là rõ ràng trong đoạn trích dẫn thư của ngài gửi tín hữu Rôma: “Vì tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát. Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng! (Rm 10:13-15)
Dù Phaolô làm chứng rằng ngay từ giây phút đầu tiên gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh, ngài đã được gọi làm nhà truyền giáo cho dân ngoại (x. Gl 1:15-16), tuy nhiên phải cần thời gian và sự trợ giúp của những người khác để Phaolô khai triển sâu xa ơn thiên triệu khởi đầu này. Ngài cũng đưa ra chứng từ là ngài phải trải qua một thời gian đáng kể để cầu nguyện và cô quạnh ở Siria, gần Đamát, và một thời gian ngắn ở Giêrusalem hội ý với Phêrô và Giacôbê (x. Gl 1:17-20). Sau đó ngài đi Xilixia (vùng quê của ngài ở miền nam Tiểu Á) và rồi đến thành phố lớn của vùng Antiôkia, nơi sẽ là cơ sở truyền giáo đích thực đầu tiên của ngài.
Phaolô được Barnaba tuyển mộ và đưa đến Antiôkia để cùng với mình trong cuộc phiêu lưu mới để rao truyền Tin Mừng cho thế giới vùng Địa Trung Hải bên ngoài phạm vi của Israel. Chính tại đây, như sách Công vụ Tông đồ thuật lại, những người theo chúa Giêsu lần đầu tiên được gọi là “Kitô hữu” và ở đây, dưới sự hướng dẫn của Barnaba, Phaolô mài dũa sứ điệp cho những Kitô hữu gốc dân ngoại và cũng từ đây ngài tiến hành những cuộc truyền giáo về hướng tây qua Tiểu Á và rồi đến Hy lạp khi ngài lần đầu đặt chân đến đất Âu Châu và là nơi ngài thiết lập cộng đoàn Kitô hữu ở Philíp (x. CvTđ 16: 11-12).
Lm. Antôn Bùi Kim Phong chuyển ngữ từ thepriest.com
2022
Giáo dân với Linh mục
Giáo dân với Linh mục
Ngày 9-1-2022 vừa qua, trên trang web của TGP Hà Nội, trong mục suy tư tản mạn có đăng bài của LM Tạ Xuân Hòa với tựa đề “Linh mục với giáo dân”. Đọc bài viết này độc giả tín hữu cảm thấy rất vui và ấm lòng, đặc biệt với đoạn văn ngắn được tác giả trích dẫn.
Ngài viết: “Tôi vẫn còn nhớ như in lời của một cha giáo lớn tuổi trong chủng viện. Mỗi lần gặp gỡ chúng tôi bao giờ ngài cũng nói: ‘khi nào các ông ra trường, các ông nhớ thương giáo dân nhé’.” [1]
Cũng trong ý này, ĐTGM Giu-se Nguyễn Chí Linh có lần cũng đã nhắn nhủ các linh mục dịp tĩnh tâm giáo phận Đalat năm 2009, như sau: “… ‘Yêu mến giáo dân như Đức Kitô, trao cho họ tất cả tình yêu và sự quí mến, hao tốn sức lực và thời giờ vì họ nên hình ảnh của Giáo hội hiền thê Đức Kitô’ (Pastores dabo vobis). Tôi nghĩ rằng đây là bí quyết để linh mục huấn luyện con tim mục tử của mình có được sự nhạy cảm của Chúa Giêsu khi Ngài nhìn đám đông không người chăn dắt mà chạnh lòng thương. Phải đạt cho tới trình độ hễ nhìn thấy dân là thương. Theo suy nghĩ của Chúa Giêsu, đám đông luôn là một đàn chiên bơ vơ. Họ cần đến mục tử chăn dắt họ, họ cần đến linh mục. Nếu không tạo được một con tim mục tử, tự khắc chúng ta sẽ biến mình thành một tên Pharisiêu đã bị Chúa Giêsu lên án là chất lên vai người khác những gánh nặng mà chính mình không vác được.” [2]
“Họ cần đến mục tử chăn dắt họ, họ cần đến linh mục”. Thực vậy, mọi nơi mọi thời tín hữu giáo dân chúng ta rất cần đến linh mục. Giữa linh mục và giáo dân có một mối tương quan gắn bó rất đặc biệt không thể tách rời ra được. Linh mục cần giáo dân là vì linh mục xuất phát từ hàng ngũ tín hữu giáo dân và các ngài được sai đến với họ để phục vụ. Không có giáo dân thì linh mục sẽ làm mục vụ cho ai bây giờ! Còn giáo dân cần linh mục là vì nhờ các ngài mà giáo dân được nuôi dưỡng và tăng trưởng trong đức tin và lòng mến. Vậy, nếu các mục tử thương giáo dân vì họ là “Con chiên” mà Chúa đã trao phó cho các ngài chăm sóc thì đối lại giáo dân cũng phải yêu kính các linh mục như “Chủ chăn” của mình. Giáo dân VN ta có truyền thống xưng hô với linh mục là “Cha-Con” là vì ngài đã sinh họ ra trong Chúa, như khẳng định của Công đồng Vat. II: Linh mục phải săn sóc các tín hữu như những người cha trong Chúa Ki-tô, vì đã sinh họ cách thiêng liêng nhờ phép rửa và giáo huấn (x.1Cor 4,15 và 1P 1,23) (x. Vat II, LG 28).
Do đó, một khi tín hữu chúng ta nhìn nhận tư cách Cha của mục tử, chúng ta sẽ đi vào mối tương quan thân tình của một người Con đối với Cha của mình. Mối tương quan ấy gợi mở cho chúng ta những thái độ và bổn phận chính yếu thích hợp. Xin mạn phép nêu lên là: yêu mến thật lòng, chân thành kính trọng, khiêm tốn cộng tác và nhiệt tình giúp đỡ.
1.- Giáo dân luôn bày tỏ lòng quý mến các linh mục
Có thể nói hầu hết giáo dân chúng ta luôn bày tỏ lòng yêu mến các linh mục. Sự yêu mến ấy rất dễ nhận ra trong đời thường. Thái độ yêu mến có thể được biểu lộ bằng sự quan tâm nhỏ nhặt nào đó, hay bằng nụ cười chào hỏi và cái bắt tay xã giao thân tình, hay qua những đồng cảm sâu lắng bên trong. Dù trong hoàn cảnh nào và như thế nào thì sự yêu mến của giáo dân luôn là niềm khích lệ lớn lao cho các linh mục.
Chúng ta có thể đọc câu chuyện kể của LM Tạ Xuân Hòa tác giả bài viết đã dẫn trên, như sau:
“Sáng nay, sau khi dâng lễ chúa nhật cho thiếu nhi xong, tôi vẫn còn trong phòng thánh thì có một bà giáo dân tới gặp tôi. Bà đưa cho tôi một số tiền và nói đây là tiền xin lễ, còn đây là tiền con tạ ơn Chúa và cám ơn cha. Tôi hỏi lại lý do bà tạ ơn Chúa và cám ơn tôi là gì? Bà kể cho tôi rằng bà đã lên xin tôi cầu nguyện cho hai người cháu của bà. Cả hai đều đã được Chúa ban ơn cho. Một người thì xảy ra trục trặc với gia đình nên bỏ đi. Nhưng người đó đã trở về đoàn tụ với gia đình. Còn một người cháu bị nhiễm Covid trong Sài Gòn. Khi bà lên xin tôi cầu nguyện là lúc người đó đang trong giai đoạn nguy kịch. Bà bảo trong phòng có 3 người nguy kịch thì hai người chết còn cháu bà thì được ơn Chúa thương cho sống. Anh năm nay 41 tuổi. Bà nói với tôi rằng nhờ cha cầu nguyện mà Chúa đã nhậm lời. Trong lời nói và ánh mắt của bà, tôi biết bà rất tin tưởng vào lời cầu nguyện của tôi…Nghe xong tâm sự của bà, thú thực lòng tôi vui mừng vô hạn.”
Trong câu chuyện này, ta thấy chắc hẳn vị mục tử vui không phải vì tiền, vì đồ lỡi, vì của này vật nọ…nhưng chính là vì những lời cầu xin, vì gương sáng và lời giảng dạy của mình đã sinh hoa kết trái. Hằng ngày, giáo dân đến gặp linh mục, ngoài việc xin lễ hay trình bày các nhu cầu mục vụ nào đó, thì họ xem đây là dịp để thăm hỏi, chuyện trò với chủ chăn, để tìm sự đồng cảm, động viên, an ủi, khích lệ… đó là điều mà họ khó có thể tìm thấy ở người khác, nơi khác trong cuộc sống đức tin và xã hội của mình. Chính vì thế, đối với giáo dân, linh mục ngoài tư cách là Cha, ngài còn là Thầy dạy, là Linh hướng, là người Tư vấn, là Bạn đồng hành của tín hữu nữa. Tín hữu đến với chủ chăn là vì họ cần đến ngài, họ yêu mến ngài, họ tin tưởng ngài.
Cha Andrew Greeley, một tác giả viết sách và một nhà xã hội học đã định nghĩa: “Linh mục là người để người ta tìm đến”. Điều đó cũng có thể hiểu được là mục tử trở nên điểm hẹn đáng mong ước và địa chỉ liên hệ đáng tin cậy của mọi tín hữu. Cộng đoàn tìm đến mục tử của họ cũng là để được nói tiếng nói của chiên với chủ chăn, được giãi bày tâm sự, được khuyên giải, được trấn an vv.
Linh mục Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS trong cuốn “Để được đào tạo và tự đào tạo nên Linh mục giáo phận như Chúa và Giáo hội mong ước” đã viết (các ngài) “phải biết cảm thương những nỗi yếu hèn và bất hạnh của tha nhân như Chúa Giê-su đã làm, và sống thế nào để mọi người đều cảm thấy họ được đón tiếp và coi trọng yêu thương…Lòng hiếu khách phải được thể hiện trong cung cách ân cần tiếp đón niềm nở, tôn trọng, hòa nhã, lắng nghe. Làm sao khi tiếp xúc với linh mục, người ta không phải ngại ngùng, sợ sệt, trái lại cảm thấy an lòng, thoải mái, dễ chịu, dễ mến, nể phục và tín nhiệm.”[3]
Như vậy mối tương quan yêu thương giữa giáo dân và linh mục được khẳng định trên nền tảng của lòng mến mà Chúa Ki-tô Mục Tử đã làm gương và dạy dỗ các môn đệ Ngài. Đặc biệt Ngài nhấn mạnh đến sự “Biết” mà mục tử và con chiên phải ứng xử với nhau: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi”(Ga 10, 14).
2.- Giáo dân luôn chân thành kính trọng các linh mục
Như trên đã nói, linh mục là Cha, là Chủ chăn, là Thầy dạy của tín hữu, nên việc chúng ta kính trọng các mục tử sẽ luôn được coi là một bổn phận tự nhiên và một cách ứng xử thích hợp của mọi thành phần Dân Chúa. Ta hãy hình dung hình ảnh của các em thiếu nhi khi trông thấy vị linh mục ở ngoài đường phố, nơi xóm ngõ, trong sân nhà thờ…đều đồng thanh lên tiếng chào “Chúng con chào Cha ạ!”. Hay trường hợp có những vị giáo dân cao tuổi ngả mũ cúi đầu cung kính chào hỏi khi gặp linh mục ở đâu đó, “Chào Cha nhé! Cha khỏe không? Cha đi đâu đó?”. Sự kính trọng của tín hữu đối với mục tử rất đơn sơ như thế đó. Ngoài ra, sự kính trọng các mục tử cũng được thể hiện cụ thể khi các ngài đến dự một cuộc họp, một chỗ đông người, một bữa tiệc hay một buổi chia sẻ nào đó. Vị chủ chăn luôn có một chỗ “an tọa” xứng hợp và mọi người luôn dành cho các ngài sự tiếp đón nồng nhiệt và tiếp đãi tận tình.
Tuy nhiên, trên thực tế, mối quan hệ giữa giáo dân và linh mục trong một số trường hợp không phải lúc nào cũng êm ả, tốt đẹp cả. Thỉnh thoảng cũng có một tín hữu nào đó tỏ ra bất mãn, bất kính đối với linh mục và ngược lại cũng có vị linh mục nào đó tỏ ra nóng nảy, coi thường đối với giáo dân. Thực tế này có thể xuất phát từ mâu thuẫn riêng tư giữa tín hữu và chủ chăn. Sự mâu thuẫn bất đồng có thể lên tới đỉnh điểm, khi hai bên không tìm được tiếng nói chung, không thể nhượng bộ nhau…Lúc đó thì “Cha nói Cha nghe, con nói con nghe”, không ai nhượng bộ ai và kết cục là xảy ra một sự chia rẽ nặng nề ảnh hưởng không ít tới sự hiệp nhất trong cộng đoàn, tới uy tín cá nhân linh mục và tới công việc mục vụ của vị chủ chăn.
Dù sao, những “sự cố” nào đó nếu có lúc xảy ra trong cộng đoàn thì cũng chỉ là cá biệt và không thể làm giảm sút tình cảm yêu mến và thái độ kính trọng của giáo dân đối với linh mục. Chúng ta yêu mến, quý trọng linh mục không như ngoài xã hội người ta tôn vinh một quan chức hay một người nổi tiếng nào đó. Linh mục không phải là một nghề, cũng không phải là một chọn lựa để vinh danh bản thân, nhưng các ngài là Người-của-Chúa, là sứ giả Tin Mừng, là mục tử lãnh đạo Dân Thiên Chúa. Chúng ta đến với linh mục không phải để hưởng lợi lộc hay tiếng tăm thế gian, mà vì chúng ta cần các ngài như là người mang Thiên Chúa đến cho mình.
Trong thư gửi cho các chủng sinh năm 2010, ĐTC Bê-nê-đích-tô XVI đã khẳng định, mọi xã hội, dù giàu có và đầy đủ về vật chất đến đâu đi nữa, thì vẫn cần đến các linh mục. Ngài nhắn nhủ: “Nếu thế giới luôn luôn cần đến Thiên Chúa, thì linh mục là người mang Thiên Chúa vào lòng cuộc đời. Nếu con người luôn khát vọng và tìm kiếm những giá trị siêu nhiên, thì linh mục là người mang Chúa đến làm cho tâm hồn con người được no thoả. Trong một xã hội còn nhiều bóng tối, rất cần có linh mục để thắp lên ngọn lửa hy vọng. Trong cuộc sống còn nhiều dối gian, rất cần đến linh mục để làm chứng cho Sự Thật. Khi lòng người dửng dưng vô cảm, rất cần có linh mục quảng đại dấn thân phục vụ. Qua đời sống và sứ vụ, linh mục là hiện thân của Chúa Giêsu, Linh mục Thượng Phẩm Tối Cao.”
Đức Thánh Cha viết tiếp: “Thiên Chúa sống động, và Ngài cần những người sống cho Ngài và đưa Ngài đến với tha nhân. Đúng vậy, trở thành linh mục thật là điều có ý nghĩa: thế giới đang cần linh mục, cần các vị mục tử, ngày nay, ngày mai và mãi mãi, cho đến khi nào thế giới còn hiện hữu”.[4]
Linh mục Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS trong cuốn sách đã dẫn, đã viết như sau: “Mỗi người giáo dân đều chịu ơn linh mục coi sóc mình qua những chặng đường đời, từ lúc mới sinh cho đến khi tới nấm mồ. Lúc còn mạnh khỏe, linh mục phục vụ mình thì khi linh mục già yếu không còn đủ sức làm việc được phải hưu dưỡng mà mình đền ơn đáp nghĩa cách nào để chăm sóc các ngài cũng là điều phải đạo, hợp tình hợp lý theo lẽ công bằng…” Tiếp theo, tác giả kể câu chuyện sau: “Trước những gì linh mục làm cho bà, một người phụ nữ kia đã cảm kích quỳ xuống, nắm lấy hôn tay Cha và nói ‘con cảm ơn Cha, vì Cha đã là linh mục thực sự’. Người chồng vội nói thêm ‘nhà con mê Cha lắm, mê cách Cha dâng lễ, cách Cha giảng, cách Cha giải tội, cách Cha tư vấn thiêng liêng, và cách Cha cư xử với giáo dân…Con cũng cảm ơn Cha nhiều và xin Cha cứ giữ mãi được như thế’.”[5]
3.- Giáo dân không ngại cộng tác với linh mục
Trong tập sách có tựa đề “Suy niệm về đời sống và chức vụ linh mục”, linh mục Giu-se Thân Văn Tường, nguyên giáo sư tín lý Đại Chủng viện Thánh Giu-se Saigon đã viết: “Linh mục cũng phải tin cậy vào giáo dân và trao cho họ những trách nhiệm trong Giáo Hội. Khi đã trao cho họ trách nhiệm thì phải để cho họ có đủ tự do và lãnh vực hoạt động, để họ có thể thi thố tài năng và có sáng kiến. Có như vậy, ta mới có những người giáo dân trưởng thành trong công việc tông đồ.”[6]
Vậy một khi linh mục tin tưởng giáo dân trao phó cho họ công việc nào đó trong cộng đoàn, thì về phía mình, chúng ta cũng phải sẵn sàng hợp tác với các ngài trong việc phục vụ công cuộc chung. Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, còn phần đông giáo dân ai cũng muốn cộng tác với linh mục. Từ công việc nhỏ như quản gia, nhà bếp, kéo chuông và canh giữ cổng nhà thờ nhà xứ, hay như quét dọn, làm vệ sinh khu vực trong và ngoài thánh đường, cho đến những chức vụ và công việc chuyên biệt hơn như Hội đồng MVGX, các hội-đoàn-nhóm, các công tác thường xuyên cũng như các công việc đột xuất…hết thảy nếu được mục tử quan tâm mời tham gia thì chắc chắn giáo dân sẽ hết lòng cộng tác.
Tuy nhiên, trên thực tế đã có nhiều trường hợp giáo dân và linh mục rất khó cộng tác với nhau. Ở đây xin đưa ra mấy nguyên nhân chính:
. Giáo dân và linh mục không tìm được tiếng nói chung.
Việc giáo dân được mời gọi tham gia cộng tác với linh mục luôn là một niềm vinh dự lớn của mọi người. Tuy nhiên, khi làm việc với nhau, đôi lúc người giáo dân và cha xứ không tìm được tiếng nói chung. Có thể do kênh đối thoại giữa hai bên bị bế tắc. Chúng ta biết rằng, đối thoại trong lãnh đạo, đối thoại trong hợp tác, đối thoại trong phục vụ và mục vụ luôn là yếu tố thuận lợi giúp cho cộng đoàn thăng tiến.
Trong bài viết có tựa “Linh mục, con người đối thoại” của tác giả Fx. Tiến Dâng đăng trên trang web của TGP Saigon ngày 11-10-2010 có đoạn như sau: “Về việc Đối thoại với giáo dân được ủy thác cho mình: Ở Việt Nam, do ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo cũng như vấn đề tôn trọng phẩm trật trong Giáo hội Công Giáo, các linh mục, dù còn rất trẻ, vẫn thường có thói quen “phán” cho giáo dân nghe. Giáo dân nhiều lúc “bằng mặt mà không bằng lòng”. Vì thế, một mục tử đích thực phải học cách đối thoại với giáo dân của mình. Khi vừa được bổ nhiệm coi sóc một giáo xứ, các ngài phải dùng thời gian tìm hiểu những phong tục, tập quán, những mặt yếu, mặt mạnh của giáo xứ. Ngài phải lắng nghe các bô lão, các ông câu, ông trùm, cũng như các thành phần dân Chúa nói cho nghe về giáo xứ của họ. Không ai hiểu giáo xứ hơn những giáo dân sở tại.[7]
Thực ra, giáo dân chúng ta có thói quen “nghe” các cha và “vâng lời” các ngài trong mọi sự hơn là bày tỏ quan điểm, nói chuyện trao đổi thẳng thắn, đôi khi cũng phải tranh luận hay phản biện để tìm ra đường hướng và quyết định chung…Chúng ta e ngại việc đối thoại sẽ làm tổn thương uy tín, gây mất lòng chủ chăn, làm tổn thương uy quyền các đấng bậc vv. Điều này sẽ khiến cho việc cộng tác của chúng ta với chủ chăn không đạt kết quả như mong muốn. Chúng ta biết rằng các mục tử cũng luôn được mời gọi đi vào con đường đối thoại với giáo hữu. Như Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống Linh mục (Presbyterorum Ordinis/ PO) số 9 cũng đã chỉ rõ:
“Các Linh Mục phải thành thật nhìn nhận và khích lệ phẩm giá và vai trò riêng của giáo dân trong sứ mệnh Giáo Hội. Các ngài cũng phải thành thật kính trọng sự tự do chân chính mà mọi người có quyền được hưởng trong xã hội trần gian. Các ngài phải sẵn lòng lắng nghe giáo dân, cứu xét các nguyện vọng của họ trong tinh thần huynh đệ, nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của họ trong các lãnh vực khác nhau của hoạt động nhân sinh, để cùng với họ có thể nhận biết những dấu chỉ của thời đại. Trong khi nghiệm xem các tinh thần có phải từ Thiên Chúa đến hay không (54), các ngài phải lấy tinh thần đức tin mà khám phá, vui mừng mà nhận biết, và chuyên cần phát triển những đặc sủng muôn hình của giáo dân, từ đặc sủng nhỏ bé nhất đến đặc sủng cao cả nhất. Trong những đặc ân mà Thiên Chúa ban tràn đầy trên các tín hữu, phải đặc biệt lưu tâm đến ơn lôi kéo một số giáo dân tiến xa hơn trên đường thiêng liêng. Cũng thế, các ngài phải tin tưởng trao phó nhiệm vụ cho các giáo dân trong việc phục vụ Giáo Hội, để cho họ được tự do và có lãnh vực hoạt động, hơn nữa lúc thuận tiện, phải khuyến khích họ tự ý đảm trách công việc (55).”[8]
. Giáo dân và linh mục có thành kiến với nhau.
Một trong những nguyên nhân khác khiến cho việc cộng tác giữa giáo dân và linh mục gặp khó khăn trở ngại, đó là hai bên có thành kiến, định kiến với nhau. Thành kiến do tự ái, do thái độ không khiêm tốn, do nhận định chủ quan, do suy nghĩ chưa chín chắn hay do sự đánh giá phiến diện vv.
Chúng ta biết rằng, trong một gia đình cũng như trong một tập thể, một cộng đoàn lớn nhỏ, nếu ta có thành kiến này nọ với một hay nhiều người thì sẽ dẫn đến sự hiểu lầm và xa cách nhau. Chẳng hạn, linh mục có thể tin vào dư luận nói về người này, nhóm kia rồi sinh ra có thái độ và cách ứng xử không hòa đồng, tạo ra tính cục bộ, sự phân biệt đối xử khiến cho cộng đoàn luôn xảy ra chia rẽ bất đồng.
Vì vậy, đã có ý kiến thế này: “Để tránh gây chia rẽ trong cộng đoàn, linh mục cũng cần tránh xa sự tùy tiện của người lãnh đạo, nhất là trong việc đề cử các ban ngành. Ở nhiều nơi, đã có tình trạng giáo dân tập họp để bầu các ban ngành theo nội quy của giáo xứ. Cha xứ không đồng ý và đã chọn những người khác hợp sở thích của mình.Vì thế, giáo xứ chia rẽ. Một ít theo cha xứ. Số còn lại cho rằng giáo dân được quyền tự quyết trong việc chọn người đại diện của mình. Giáo xứ chia rẽ trầm trọng, người đến nhà thờ thưa dần. Đức Giám Mục phải đổi cha xứ đi nơi khác.”[9]
Về phần mình, giáo dân chúng ta cũng rất dễ có thành kiến với linh mục. Chẳng hạn, thành kiến rằng linh mục làm giàu để lo cho bản thân mình, rằng cha xứ về phe những người giàu có quyền thế, rằng cha chỉ quan tâm tới những người năng đi lại, quà cáp với cha mà bỏ quên số đông còn lại, rằng cha không lưu tâm tới đời sống đức tin và nhu cầu mục vụ của cộng đoàn mà chỉ chú tâm đến những sinh hoạt bề ngoài, nặng tính hình thức vv. Chúng ta biết rằng, linh mục giáo xứ vốn mang thân phận của một người “làm dâu trăm họ”. Chắc chắn các ngài không thể làm vừa lòng hết mọi người, mọi thành phần được. Đôi khi chúng ta chỉ quan tâm để ý đến việc “soi” những khuyết điểm, những thiếu sót, những bất cập của mục tử mà quên rằng các ngài thường xuyên chịu đựng nhiều áp lực, có khi rất nặng nề, đến từ nhiều phía.
Do đó nếu chúng ta muốn gạt bỏ mọi thành kiến đối với linh mục, chúng ta phải khiêm tốn đến gần mục tử để cảm thông và chia sẻ những nỗi khó khăn của ngài. Chúng ta biết rằng “linh mục là người bị ăn”, cha Antoine Chevrier đã nói vậy và trên mình ngài luôn mang nhiều thương tích vì lòng mến cộng đoàn.
Quả vậy, trong cuộc đời phục vụ, linh mục không ngừng bị thương tích, bị hao mòn, bị cạn kiệt. Bởi những ưu tư dằn vặt nội tâm. Bởi những hiểu lầm nghi kỵ từ nhiều phía. Bởi những chống đối và bất hợp tác do thành kiến hay do bất đồng nào đó trong cộng đoàn. Thậm chí các ngài có thể bị tổn thương bởi những nhục mạ, kết án, phủ nhận vv. Tóm lại, người giáo dân trưởng thành sẽ luôn biết khiêm tốn để đồng hành với các ngài, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi tình huống, để làm sao giữa giáo dân và linh mục luôn giữ được hòa khí và thiện cảm, nhờ đó gia đình giáo xứ sẽ bớt đi cái cảnh “cơm chẳng lành, canh không ngọt”.
4.- Giáo dân cần làm gì thường xuyên để nâng đỡ các linh mục?
Thiết nghĩ có 2 việc mà mọi giáo hữu chúng ta có thể thường xuyên thực hiện bất kỳ ở đâu và bất kỳ lúc nào. Đó là cầu nguyện và giúp đỡ vật chất, tinh thần cho các linh mục.
Chúng ta thường nhiệt tình hăng say cộng tác với linh mục, sẵn sàng lăn xả làm mọi việc để giúp các ngài, nhưng có thể chúng ta đã không bao giờ cầu nguyện cho các ngài. Thực sự, các ngài rất cần đến lời cầu nguyện của mọi tín hữu trong cộng đoàn. Nhắc lại, ngày 25-5-2019, trên trang conggiao.info có đăng bài “Khẩn thiết cầu nguyện cho các linh mục” trong đó có đoạn viết như sau:
“Bà Kathryn Jean Lopez, chuyên viên nghiên cứu kỳ cựu của National Review Institute và là tổng biên tập của tạp chí National Review, ngày 21 tháng 5-2019, đã lên tiếng kêu gọi khẩn thiết cầu nguyện và hy sinh cho các linh mục.
“Thực vậy, Lopez trích dẫn cha John Hardon, dòng Tên, người trong bài ‘Giá trị lời cầu nguyện và việc hy sinh cho các linh mục’ đã viết rằng: ‘Không lời lẽ nào tôi có thể sử dụng lại quá mạnh mẽ để quả quyết rằng chức linh mục Công Giáo cần lời cầu nguyện và việc hy sinh hơn bao giờ hết kể từ biến cố Canvariô’. Vị linh mục này suy niệm về 30 năm giảng dạy các linh mục, sống với các linh mục ‘và gian khổ vì các ngài, yêu thương các ngài và cùng đau khổ với các ngài’.
“Ngài viết thêm: ‘Hết vị thánh này đến vị thánh khác đều đã quả quyết rằng mục tiêu chính của ma quỉ ở trên thế gian này là linh mục Công giáo. Các linh mục cần, lạy Chúa các ngài cần xiết bao, các ơn thánh đặc biệt của Thiên Chúa. Chúng ta tự hỏi, tại sao cần phải cầu nguyện cho các ngài? Chúng ta phải cầu nguyện cho các linh mục và giám mục vì đây là thực hành của Giáo hội đã có từ thời các Tông đồ. Nó là một vấn đề chân lý mặc khải. Nó là lệnh truyền của Thiên Chúa’ ”.[10]
Thiết nghĩ, việc cầu nguyện cho các linh mục cũng luôn được nhắc nhở các tín hữu chúng ta thực hành rất thường xuyên và chu đáo. Chẳng hạn, mỗi thứ năm hàng tuần, mỗi thứ năm đầu tháng, rồi hàng năm vào Chúa nhật Chúa Chiên Lành (CN IV Phục Sinh), Hội thánh nhắc nhở tín hữu phải quan tâm đến việc cầu nguyện cho các linh mục. Đây được coi là bổn phận quan trọng và khẩn thiết của mọi thành phần trong Hội thánh. Bởi vì, không có nhiệm vụ nào cao trọng, thánh đức bằng sứ vụ linh mục. Nhưng cũng không có nhiệm vụ nào khó khăn, phức tạp, nhiều nguy cơ cám dỗ, nhiều cạm bẫy bằng đời sống tận hiến của các ngài.
Ngoài việc thường xuyên cầu nguyện cho các linh mục, ngoài việc cộng tác với cha xứ trong mục vụ cộng đoàn, tín hữu còn có thể giúp đỡ các linh mục cả về vật chất lẫn tinh thần nữa.
Trước hết về vật chất, chúng ta đóng góp qua việc xin lễ để linh mục dâng lễ cầu nguyện theo ý chỉ. Việc xin lễ là một phương cách giúp đỡ linh mục một cách thiết thực và đơn giản nhất. Mặc dù các ngài không hoàn toàn sinh sống bằng bổng lễ nhưng đây là một hình thức đóng góp của giáo dân đối với mục tử đồng thời cũng là biểu lộ sự chia sẻ nhằm nâng đỡ các mục tử hoàn thành việc phục vụ cộng đoàn. Bên cạnh việc xin lễ, giáo dân cũng có thói quen vào các dịp lễ Tết này nọ, biếu quà các linh mục, xem đó như là biểu lộ tấm lòng yêu mến và hiếu thảo của con cái thiêng liêng trong gia đình giáo xứ. Đây cũng được coi như một sự giúp đỡ mà phần đông tín hữu chúng ta rất quan tâm thực hành.
Về mặt tinh thần, nhiều giáo dân rất sẵn lòng nâng đỡ các linh mục. Vì cũng là con người như mọi người, nên linh mục cũng có những lúc thất vọng, chán nản, bi quan, xuống tinh thần…lúc đó sự hiện diện của tín hữu vừa cần thiết và quan trọng nhằm giúp các mục tử vượt qua khó khăn, khủng hoảng. Đặc biệt là chúng ta phải nghĩ đến các linh mục già, cô đơn tại các nhà hưu dưỡng. Thực vậy, hãy đến với các linh mục đang nghỉ hưu: Đó là phương cách đơn giản nhất nhằm giảm bớt nỗi buồn đơn độc của các ngài. Cách chung, những người cao tuổi cần sự lui tới thăm viếng hỏi han của một ai đó. Nếu là con cháu hay người thân trong gia đình, chúng ta nên thường tới thăm viếng, trò chuyện, an ủi, khích lệ các ngài. Các ngài có nhu cầu gì, chúng ta tùy khả năng hỗ trợ, giúp đỡ.
Sự yêu mến và quan tâm của chúng ta sẽ giúp linh mục nghỉ hưu trút bỏ được mặc cảm bị bỏ rơi xa cách, mặc cảm tự ti mình là người vô dụng, sống ngoài lề xã hội. Có người đã nói: “Cô độc thật sự đáng sợ đấy, nhưng không đáng sợ bằng việc cảm thấy cô đơn trong một mối quan hệ” (Amedia Earhart). Người già sẽ rất buồn tủi khi mọi người xung quanh, nhất là con cháu và người thân, vô tình hay hữu ý, tạo một bức tường ngăn cách khiến cho họ cảm thấy cô độc trong thế giới xung quanh họ ./.
Aug. Trần Cao Khải
[1] https://www.tonggiaophanhanoi.org/linh-muc-voi-giao-dan/
[2] ĐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh – Tĩnh tâm thường niên linh mục gp Đàlạt từ ngày 16 đến 22-02-2009 – Nguồn: VietCatholic News
[3] Linh mục Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS – Để được đào tạo và tự đào tạo nên Linh mục giáo phận như Chúa và Giáo hội mong ước – Tái bản năm 2021 – NXB TG – Trang 240
[4] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/linh-muc-nguoi-mang-chua-cho-tran-gian-26263
[5] Linh mục Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS – Sđd trang 185-187
[6] https://linhmucmen.com/news/lm-giuse-than-van-tuong/suy-niem-ve-doi-song-va-chuc-vu-linh-muc-lm-giuse-than-van-tuong-194.html#_Toc79505392
[7] https://tgpsaigon.net/bai-viet/linh-muccon-nguoi-doi-thoai-41870
[8] http://xuanbichvietnam.net/trangchu/sac-lenh-ve-chuc-vu-va-doi-song-linh-muc-presbyterorum-ordinis/
[9] https://tgpsaigon.net/bai-viet/linh-muccon-nguoi-doi-thoai-41870
[10] Vũ Văn An – VietCatholic News 24-5-2019 – Nguồn: conggiao.info
2022
Công nghệ 4.0 và chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ mầm non
CÔNG NGHỆ 4.0 VÀ CHẬM PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ Ở TRẺ MẦM NON:
TỔNG QUAN TỪ MỘT SỐ NGHIÊN CỨU NƯỚC NGOÀI
Nt. Nguyễn Bảo Uyên, MTG Huế
Tiến sĩ Tâm lý Tham vấn
Tóm tắt
Mục tiêu: Tìm hiểu ảnh hưởng của việc tiếp xúc sớm với màn hình lên sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ em tuổi mầm non.
Phương pháp: Sử dụng phương pháp tổng hợp và phân tích các nghiên cứu sẵn có liên quan đến chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ và việc tiếp xúc sớm với màn hình.
Kết quả: Có một mối liên hệ ý nghĩa về mặt thống kê giữa việc tiếp xúc sớm với màn hình và chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ mầm non.
Từ khóa: Tiếp xúc sớm với màn hình, chậm phát triển ngôn ngữ.
- Mở đầu
Sự phát triển của trẻ em ngày nay chịu sự ảnh hưởng đáng kể của các phương tiện kỹ thuật số. Các nghiên cứu gần đây cho thấy có 64% đến 100% trẻ em xem tivi trước 2 tuổi.[1] Trẻ em thường vui vẻ, yên lặng khi có một màn hình tivi trước mặt hoặc có một thiết bị điện tử trong tay. Trẻ ăn cơm nhanh hơn và tốt hơn nếu vừa ăn vừa xem tivi. Trẻ sẽ yên lặng cho cha mẹ giải quyết các công việc hay vượt qua một ngày bận rộn cách dễ dàng nếu có tivi trước mặt hoặc một thiết bị điện tử khác trong tay. Nhiều người còn nghĩ rằng tivi là một công cụ tốt để giúp trẻ trở nên ngoan hơn.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, màn hình không là phương tiện tốt cho trẻ em học hỏi các kỹ năng, trong đó có kỹ năng về ngôn ngữ.[2] Trước đây, nguyên nhân thường được biết đến của chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em là do hậu quả của khiếm thính, khuyết tật trí tuệ, sang chấn sản khoa, động kinh, tổn thương não, giảm tập trung chú ý, hoặc do di truyền, rối loạn phổ tự kỷ điển hình/ bậc cao… Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra một nguyên nhân tác động khác, ảnh hưởng đáng kể đến chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ, là do tiếp xúc sớm với màn hình.
Trong thực tế, hiện tượng chậm phát triển ngôn ngữ có liên quan đến tiếp xúc sớm với tivi, điện thoại thông minh hoặc các phương tiện truyền thông khác đang gia tăng tại một số nước trên thế giới. Tại Việt Nam, mặc dù chưa có một con số thống kê chính xác nhưng có thể thấy rằng có một sự gia tăng báo động về vấn đề chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ. Theo BS. Phạm Ngọc Thanh, tại bệnh viện Nhi Đồng 1, Tp. Hồ Chí Minh, số trẻ em bị chậm nói đến bệnh viện Nhi Đồng 1 để kiểm tra và điều trị ngày càng gia tăng, trong đó 100% trẻ chậm nói đều có gắn liền với việc xem truyền hình quá sớm. Cũng vậy, tại Khoa Tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 2, BS.TS Ngô Xuân Điệp nhận định rằng: “Thời gian gần đây, khoa cũng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ chậm nói do xem truyền hình quá nhiều.”[3] Tại Trung tâm giáo dục kỹ năng sống hoàn năng Huế, trong 6 tháng cuối năm 2018, có 130 trẻ từ 18 tháng tuổi đến 5 tuổi đến nhận dịch vụ tham vấn trị liệu. Các trẻ đến trung tâm, đa số trong đó là do những biểu hiện chậm phát triển ngôn ngữ: hoàn toàn không có ngôn ngữ ở tuổi lên hai hoặc lên ba, khiếm khuyết ngôn ngữ theo độ tuổi, hoặc khả năng giao tiếp kém. Những thông tin được báo cáo từ phụ huynh thường là “trẻ ở với bà ngoại, bà nội và đã bắt đầu xem tivi trước 12 tháng tuổi.” “Vì công việc, cha mẹ không có nhiều thời gian chăm sóc con, người giúp việc là người chăm sóc chính và hầu hết thời gian trẻ xem tivi hoặc máy tính bàn để thuận tiện cho người chăm sóc có thể làm các công việc khác. Mỗi ngày trẻ có thể xem từ 5 đến 7 tiếng đồng hồ.” “Ba mẹ không nói chuyện nhiều với con vì ngoài thời gian làm việc, thời gian bên màn hình lấn chiếm thời gian của gia đình, thay thế sự tương tác giữa người lớn và trẻ em.” “Người lớn trong nhà xem phim, chơi game online trước sự hiện diện của trẻ.” “Đi khám bác sĩ y khoa thì bảo rằng cháu phát triển bình thường, nhưng tôi thấy lo vì thấy trẻ chậm nói hơn bạn bè cùng lứa” v.v.[4]
Vậy có một tương quan có ý nghĩa về mặt thống kê nào giữa chậm phát triển ngôn ngữ và tiếp xúc sớm với màn hình đối với trẻ ở tuổi trước khi đến trường? Mục tiêu của nghiên cứu này là tổng hợp và phân tích các nghiên cứu sẵn có về mối tương quan giữa chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em trước khi đến trường và tiếp xúc sớm với màn hình. Qua đó, đề xuất những phương pháp phù hợp cho phụ huynh, cho những người chăm sóc trẻ em cũng như các nhà giáo dục trẻ em để có cách hiểu đúng và hướng dẫn đúng đối với con trẻ trong việc tiếp xúc với màn hình.
- Phương pháp nghiên cứu
Bài báo này sử dụng phương pháp nghiên cứu các tài liệu sẵn có về tương quan giữa việc tiếp xúc màn hình sớm ở tuổi mầm non và chậm phát triển ngôn ngữ. Các tài liệu tham khảo phải được xuất bản sau năm 2000 và đạt tiêu chuẩn của một bài báo khoa học. Các bài báo được đăng trên các tạp chí online của viện nghiên cứu Khoa Nhi, như viện khoa nhi Canada, Hoa Kỳ, v.v. Các tạp chí nghiên cứu về phát triển hành vi, ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp của trẻ.
Sau khi các tài liệu tham khảo được chọn đúng theo mục tiêu nghiên cứu, phương pháp tổng hợp và phân tích được sử dụng nhằm tìm ra điểm tương đồng và khác biệt giữa các nghiên cứu về mối tương quan giữa việc tiếp xúc sớm với màn hình và chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ tuổi mầm non.
Trên cơ sở đó, đưa ra một số kiến nghị cho phụ huynh, những người chăm sóc, các nhà giáo dục trẻ và các nhà nghiên cứu quan tâm đến công việc giáo dục trẻ thơ trong thời đại cách mạng 4.0.
- Kết quả nghiên cứu
2.1. Các từ khóa
Thời gian tiếp xúc màn hình (Screen time)
Thời gian tiếp xúc với màn hình là thời gian ngồi trước một màn hình bất kỳ như: Tivi, màn hình rạp chiếu phim, điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị trò chơi video cầm tay, đầu DVD trong xe ôtô hoặc bất cứ phương tiện nào khác mà có màn hình và hình ảnh chuyển động.[5]
v Chậm phát triển ngôn ngữ (language delay)
Một trẻ được chẩn đoán chậm phát triển ngôn ngữ, khi khả năng ngôn ngữ cơ bản và số lượng từ vựng thấp hơn so với cột mốc phát triển của tuổi, như giảm từ vựng, cấu trúc câu giới hạn, khiếm khuyết trong diễn ngôn.[6] Trẻ phát triển ngôn ngữ theo trình tự chính xác nhưng với tốc độ chậm hơn mong đợi so với tuổi thực.[7] Một sự chậm trễ trong việc tiếp thu các kỹ năng ngôn ngữ so với các bạn cùng tuổi theo thời gian của các cột mốc phát triển. Một trẻ chậm phát triển ngôn ngữ có thể biểu hiện sự khởi đầu chậm hơn của việc sử dụng một kỹ năng ngôn ngữ, tốc độ tiến bộ chậm thông qua quá trình tiếp thu. Nói chung, chậm phát triển ngôn ngữ có thể được đánh giá, ví dụ, bởi số từ vựng ít hơn 50 từ trong 24 tháng, chỉ nói được một ít từ đôi trong 30 tháng, hạn chế sử dụng cử chỉ và âm thanh để giao tiếp, hạn chế hiểu biết về nghĩa của từ và không thể theo dõi hướng dẫn bằng lời nói, hạn chế chơi với bạn.[8]
Chậm phát triển ngôn ngữ được phân biệt với các rối loạn ngôn ngữ (language disorders). Rối loạn ngôn ngữ được định nghĩa: một rối loạn ngôn ngữ là sự suy yếu đáng kể trong việc tiếp thu và sử dụng ngôn ngữ qua các phương thức (ví dụ: lời nói, ngôn ngữ ký hiệu hoặc cả hai) do khiếm khuyết khả năng hiểu và / hoặc khả năng diễn đạt, được thể hiện qua một hoặc nhiều trong năm lĩnh vực ngôn ngữ bất kỳ, bao gồm âm vị học, hình thái, cú pháp, ngữ nghĩa, ngữ cảnh). Rối loạn ngôn ngữ là không đồng nhất, và bản chất và mức độ nghiêm trọng của các rối loạn có thể thay đổi đáng kể (Hiệp hội Thính giác Ngôn ngữ Hoa Kỳ/ASHA, 2015). Rối loạn ngôn ngữ cho thấy khả năng nói hoặc khả năng ngôn ngữ của trẻ khác biệt cách căn bản so với trẻ bình thường.[9]
Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ dẫn đến khó khăn trong việc hiểu được ngôn ngữ của người khác (ngôn ngữ tiếp nhận/ receptive language) và khó khăn khi muốn dùng lời nói (ngôn ngữ biểu đạt/ expressive language) để diễn tả suy nghĩ hay nhu cầu của bản thân. Ngoài ra, chậm phát triển ngôn ngữ còn biểu hiện ở khiếm khuyết khả năng biểu cảm, sử dụng ngôn ngữ cơ thể.[10]
Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ có thể dẫn đến những hạn chế về chức năng trong hiệu quả giao tiếp, tương quan xã hội (DSM -5, tr. 42). Trong thực tế những trẻ chậm phát triển ngôn ngữ cũng khó khăn trong một số kỹ năng như: kỹ năng tương tác hai chiều, chủ động làm bạn, chơi theo quy luật trong nhóm, v.v.
3.2. Các nghiên cứu về tương quan giữa chậm phát triển ngôn ngữ và thời gian tiếp xúc màn hình
Vấn đề nghiên cứu | Kết quả nghiên cứu | Tác giả và thời gian |
Khi màn hình tivi đang được bật lên: màn hình tivi sẽ thu hút sự chú ý của trẻ sơ sinh từ 6 đến 18 tháng tuổi hơn sự tương tác của chúng đối với cha mẹ. | Đối với trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo, thời gian tiếp xúc với màn hình có tương quan tỉ lệ nghịch với thời gian tương tác với cha mẹ. Nghĩa là trẻ càng tiếp xúc với màn hình nhiều thì càng ít tương tác với cha mẹ qua các trò chơi để học các kỹ năng trong đó có kỹ năng ngôn ngữ. | Vandewater, Bickham, & Lee (2006) |
Mối liên hệ giữa việc sử dụng các phương tiện truyền thông và phát triển ngôn ngữ ở trẻ em dưới 2 tuổi. | Kết quả khảo sát hơn 1.000 cha mẹ của trẻ em dưới hai tuổi cho thấy rằng những trẻ em mới biết đi chập chững xem nhiều video thì nói được ít từ hơn. Đối với những trẻ từ 8 tháng tuổi đến 16 tháng tuổi, với gia tăng mỗi giờ video trong một ngày, trung bình sẽ làm giảm từ 6 đến 8 từ. | Zimmerman,
Christakis, & Meltzoff (2007) |
Mối tương quan giữa xem tivi và chậm ngôn ngữ. | Những trẻ em bắt đầu xem tivi trước 12 tháng tuổi với thời gian > 2 giờ mỗi ngày có khả năng chậm ngôn ngữ gấp sáu lần so với trẻ phát triển bình thường (nhóm đối chiếu). | Chonchaiya
& Pruksananonda (2008) |
Chất lượng tương tác giảm với thời lượng xem tivi cùng với trẻ so với việc đọc sách hay chơi cùng với trẻ. | Chất lượng tương tác giữa cha mẹ đối với con cái trong khi cùng xem tivi với con kém hơn thời gian khi họ nói chuyện trực tiếp với con hay đọc sách hoặc chơi với con. | Courage,
Murphy, Goulding, Setliff (2010) Nathanson, & Rasmussen (2011) |
Hỏi đáp các vấn đề tâm lý trẻ em. | Yếu tố tác động (môi trường xung quanh) dẫn đến chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em: Trẻ xem truyền hình quá nhiều, bố mẹ ít nói chuyện với con, khiến trẻ chỉ nhận thông tin một chiều, không có sự phản hồi trong một thời gian dài sẽ làm trẻ chậm nói. Thiếu tình thương của bố mẹ, trẻ bị ngược đãi. Bố mẹ phó mặc con cho người giữ trẻ không có thời gian trò chuyện với trẻ, trẻ không có cơ hội được nói. Trẻ bị tách ra khỏi môi trường xung quanh. Trẻ suy dinh dưỡng, sinh đôi, sinh ba (hơn 50% các cặp sinh đôi, sinh ba bị chậm nói). | Phạm Ngọc
Thanh (2010) |
Liên hệ giữa sử dụng thời gian trên màn hình và phát triển ngôn ngữ ở trẻ mới biết đi ở Tây Ban Nha: Một nghiên cứu cắt ngang và dọc. | Những trẻ em xem tivi > 2 giờ mỗi ngày có tỷ lệ điểm giao tiếp thấp. | Duch, Elisa, &
Ensari (2013) |
Tương quan giữa xem truyền hình và chậm ngôn ngữ ở trẻ em mới biết đi: Bằng chứng từ một cuộc khảo sát cắt ngang ở Hàn Quốc. | Kết quả phân tích hồi quy Regression cho thấy trẻ mới biết đi với thời lượng xem tivi: 2 giờ < thời gian xem tivi < 3 giờ, có khoảng 2,5 lần có nguy cơ chậm ngôn ngữ hơn. Những trẻ với thời lượng xem tivi > 3 giờ có khoảng 3 lần có nhiều rủi ro chậm ngôn ngữ hơn (p <0,05). | Byeon & Hong
(2015) |
Ảnh hưởng của việc tiếp xúc với tivi đối với các kỹ năng phát triển ở trẻ nhỏ. | Trong số 75 trẻ em thường xuyên tiếp xúc với tivi, các em đã xem trung bình 67,4 phút/ ngày, thời điểm trước 2 tuổi. Điều này là quá mức theo tiêu chuẩn của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ. Xem tivi làm tăng nguy cơ chậm phát triển nhận thức, ngôn ngữ và vận động ở trẻ. Sự chậm trễ về nhận thức, ngôn ngữ và vận động ở trẻ có liên quan đáng kể đến việc chúng dành bao nhiêu thời gian để xem tivi. | Ling-Yi et al.
(2015) |
Tương quan giữa thời gian tiếp xúc với màn hình và chậm ngôn ngữ ở trẻ em. | Một nghiên cứu mới từ Bệnh viện dành cho Trẻ em bị bệnh ở Canada đã theo dõi gần 900 trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi. Kết quả cho thấy những trẻ chập chững tiếp xúc với màn hình cầm tay nhiều dẫn đến chậm trễ các kỹ năng ngôn ngữ biểu cảm. Kết quả cũng cho thấy rằng cứ sau 30 phút tăng cường thời gian tiếp xúc với màn hình cầm tay hằng ngày sẽ tăng 49% nguy cơ chậm trễ ngôn ngữ biểu cảm! | American
Academy of Pediatrics (2017) |
Sử dụng thiết bị truyền thông di động có liên quan đến chậm ngôn ngữ biểu cảm ở trẻ 18 tháng tuổi. | Mẫu nghiên cứu bao gồm 893 trẻ em (tuổi trung bình 18,7 tháng). Hầu hết các bậc cha mẹ đã báo cáo con trẻ họ sử dụng 0 phút mỗi ngày thiết bị phương tiện di động (n = 693, 77,6%). Trong khi đó, những đứa trẻ có cha mẹ báo cáo bất kỳ việc sử dụng thiết bị phương tiện di động nào (n = 200, 22,4%), thời gian sử dụng phương tiện di động trung bình hằng ngày là 15,7 phút. Tỷ lệ chậm phát triển ngôn ngữ biểu cảm do phụ huynh báo cáo là 6,6% và tỷ lệ chậm trễ giao tiếp do phụ huynh báo cáo là 8,8%.
Trẻ em sử dụng điện thoại di động, tăng 30 phút/1ngày tỉ lệ thuận với tăng tỷ lệ chậm ngôn ngữ biểu cảm (báo cáo của phụ huynh). Như thế kết quả nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ ý nghĩa giữa việc sử dụng thiết bị truyền thông di động và chậm ngôn ngữ biểu cảm ở trẻ 18 tháng tuổi. |
Heuvel và cs. (2018) |
Các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng thời gian tiếp xúc với màn hình không thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ của con trẻ. Ngược lại, xem tivi hay tiếp xúc với bất kỳ màn hình nào khác như điện thoại thông minh, máy tính bàn, thiết bị trò chơi video cầm tay, đầu video v.v. làm tăng khả năng chậm ngôn ngữ và chất lượng giao tiếp xã hội kém. Cụ thể, về ngôn ngữ biểu đạt, hệ quả của việc tiếp xúc nhiều với màn hình làm giảm vốn từ gấp 6 lần hoặc giảm từ 6 đến 8 từ.[11] Tiếp xúc với màn hình với thời lượng không phù hợp làm giảm khả năng hứng thú trong tương tác hai chiều với cha mẹ, người chăm sóc.[12] Chất lượng tương tác giữa cha mẹ với con cái thông qua các chương trình trên tivi giảm so với các phương tiện khác như đọc sách cho con nghe, chơi cùng con.[13]
Màn hình trẻ tiếp xúc được đề cập trong các nghiên cứu trên là tivi, điện thoại di động, hay các thiết bị điện tử cầm tay khác.
Thời lượng tiếp xúc với màn hình gây cản trở phát triển ngôn ngữ là từ 2 giờ trở lên/ngày đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi. Gia tăng thời gian tiếp xúc với màn hình từ 24 tháng tuổi đến 5 tuổi cũng làm giảm sự chú ý, trí nhớ ngắn hạn và khả năng đọc kém.
Ngoài ra, vấn đề chậm ngôn ngữ do tiếp xúc sớm với màn hình còn có thể được giải thích như sau:
Sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ em xảy ra liên tục từ khi sinh ra cho đến 5 tuổi. Giai đoạn này được biết đến như giai đoạn rất quan trọng đối với việc tiếp thu ngôn ngữ ở trẻ.[14] Đặc biệt, trẻ sơ sinh từ 18 đến 24 tháng tuổi là thời điểm vàng tiếp thu hay học từ ngữ, trong đó các từ tăng theo cấp số nhân. Trong giai đoạn này, trẻ bắt đầu nói được câu có hơn hai từ.[15]
Trẻ học cách nói chuyện và giao tiếp thông qua tương tác với người khác. Đó là cách hữu hiệu và vẫn luôn tồn tại. Những năm đầu đời rất quan trọng cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Đó là lúc mà bộ não của trẻ dễ tiếp thu nhất để học ngôn ngữ mới và xây dựng các lộ trình giao tiếp mà sẽ làm nền cho các bước phát triển khác sau này. Từ vựng quan trọng trong giao tiếp, tuy nhiên, với sự tương tác hai chiều, trẻ còn học được ngôn ngữ biểu cảm qua nét mặt, ngôn ngữ cơ thể và các tín hiệu phi ngôn ngữ. Một khi cửa sổ đó đóng lại, nghĩa là cơ hội tương tác hai chiều giữa trẻ và người khác bị đóng lại thì việc học và phát triển các kỹ năng ngôn ngữ sẽ khó khăn hơn nhiều. Hãy tưởng tượng, đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi những con sói trong rừng thì rất khó học cách giao tiếp hiệu quả. Cũng thế, mỗi phút mà trẻ tiếp xúc với màn hình là một phút trẻ mất cơ hội để học cách tương tác với người khác. Khi trẻ có một thiết bị điện tử trước mặt, nó lặng lẽ ngồi và xem chương trình yêu thích của mình và không thấy có nhu cầu tương tác với người khác. BS. Phạm Ngọc Thanh (2010)[16] cho rằng khi xem tivi, trẻ nhận thông tin một chiều trong một thời gian dài, không có cơ hội tương tác hai chiều gây nên chậm nói.
Chậm phát triển ngôn ngữ do tiếp xúc sớm với tivi hay các loại màn hình khác đã được chứng minh và giải thích qua các kết quả nghiên cứu như đã được đề cập ở trên. Tuy nhiên, giới hạn của các nghiên cứu này là không đưa ra một bức tranh hoàn chỉnh về chậm ngôn ngữ như thế nào về khả năng tiếp nhận và biểu đạt ngôn ngữ ở trẻ trong tương quan với việc tiếp xúc sớm với màn hình. Chưa xác định rõ các loại nội dung nào trẻ tiếp xúc thì ảnh hưởng đến chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ[17] hoặc có thể dùng video để dạy ngôn ngữ cho trẻ không?
- Kết luận
Thời gian tiếp xúc với màn hình càng nhiều thì khả năng phát triển ngôn ngữ càng chậm lại. Làm ảnh hưởng đến chất lượng tương quan giữa trẻ và người khác. Sự phát triển không đồng đều giữa ngôn ngữ tiếp nhận (hiểu và làm theo mệnh lệnh của người khác) và ngôn ngữ biểu đạt (nói, dùng ngôn ngữ diễn tả nhu cầu của bản thân hay ý muốn) xảy ra ở các trẻ có tiền sử xem tivi hoặc tiếp xúc với các loại màn hình khác sớm trước 12 tháng tuổi hoặc tăng cường thời gian xem tivi, điện thoại thông minh, máy tính bảng, v.v. trong các giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, các nghiên cứu tập trung ở lĩnh vực ngôn ngữ biểu đạt ở trẻ, thay vì có một bức tranh toàn diện bao gồm ngôn ngữ tiếp nhận và ngôn ngữ biểu đạt.
Trẻ em sinh ra trong bối cảnh cách mạng 4.0, không thể tránh khỏi việc tiếp xúc với các loại phương tiện truyền thông đại chúng. Điều quan trọng là phụ huynh, những người chăm sóc trẻ, những nhà giáo dục hiểu và hướng dẫn cho trẻ có những lối tiếp cận phù hợp và hữu ích. Dưới đây là một số kiến nghị cho phụ huynh, người chăm sóc và những nhà giáo dục.
Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi hoàn toàn không nên tiếp xúc với bất kỳ loại màn hình nào. Trẻ em từ 24 tháng tuổi đến 5 tuổi với thời lượng phù hợp là không quá 1 giờ /ngày.[18]
Chọn chương trình chất lượng cao, cùng xem video với con trẻ, nói chuyện với con trẻ trong khi xem video, kết nối những gì con trẻ nhìn thấy với những trải nghiệm hằng ngày của chúng. Chất lượng của chương trình và sự tương tác hai chiều với người lớn trong khi trẻ xem video là rất quan trọng đối với trẻ từ 24 tháng tuổi đến 5 tuổi.[19]
Khi người lớn hướng dẫn trẻ trong thời gian trẻ tiếp cận với màn hình và lôi cuốn trẻ vào cuộc trò chuyện hai chiều về nội dung chúng đang xem, thì tác động bất lợi đối với chậm phát triển ngôn ngữ có thể bị vô hiệu hóa.[20] Kết quả này cho thấy vấn đề quan trọng ở đây là cách trẻ tiếp xúc với màn hình như thế nào là phù hợp và ích lợi dưới sự hướng dẫn của người lớn.
Chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ thường dẫn đến cảm xúc, hành vi tiêu cực ở trẻ do khó khăn trong giao tiếp với người khác. Các phụ huynh, người chăm sóc trẻ và các nhà giáo dục mầm non cần hiểu những khó khăn của trẻ và có những cách tiếp cận phù hợp và hiệu quả.
Cần có nhiều nghiên cứu khác về các nội dung, hình thức không phù hợp khi trẻ tiếp xúc với màn hình, dẫn đến chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em. Kế hoạch sử dụng các phương tiện truyền thông trong gia đình có con trẻ ở tuổi mầm non. Các nghiên cứu trong tương lai được đề xuất nghiên cứu về sự chênh lệch khác biệt giữa ngôn ngữ tiếp nhận và biểu đạt của trẻ như hệ quả của việc tiếp xúc sớm với màn hình và với thời lượng không phù hợp. Nghiên cứu các hệ quả về kỹ năng cá nhân, xã hội của trẻ chậm phát triển ngôn ngữ. Phân biệt chậm nói và chậm ngôn ngữ do tác động của việc tiếp xúc sớm với màn hình. Nghiên cứu các yếu tố khác có thể ảnh hưởng làm chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- American Academy of Pediatrics (2017).American Academy of Pediatrics Announces New Recommendations for Children’s Media Use. Retrieved fromhttps://www.aap.org/en-us/about-the-aap/aap-press-room/pages/american-academy-of-pediatrics-announces-new-recommendations-for-childrens-media-use.aspx
- American Academy of Pediatrics (2017).Handheld Screen Time Linked with Speech Delays in Young Children. Retrieved fromhttps://www.healthychildren.org/English/news/Pages/Handheld-Screen-Time-Linked-with-Speech-Delays-in-Young-Children.aspx
- American Psychology Association. (2013).Diagnostic and Statistical Manual of MentalDisorders – 5 (DSM-5). The American Psychiatric Publication.
- American Speech-Language Hearing Association. (2015).Spoken Language Disorders. Retrieved fromwww.Practice-Portal/Clinical-Topics/Spoken-Language-Disorders
- Berk L.Child Development(9th Ed). NJ: Pearson Education Inc, 2012.
- Byeon, H., & Hong, S. (2015).Relationship between Television Viewing and Language Delay in Toddlers: Evidence from a Korea National Cross-Sectional SurveyPLoS One; 10(3): e0120663. doi: 10.1371/journal.pone.0120663.
- Canadian Pediatric Society (2017).Screen time and young children: Promoting health and development in a digital world.Retrieved from https://www.cps.ca/en/documents/position/screen-time-and-young-children
- Chonchaiya W., & Pruksananonda C. (2008). Television viewing associates with delayed language development,Acta Paediatrica,97(7), 977-982. doi: 10.1111/j.1651-2227.2008.00831.
- Christakis, D. A. (2009). The effects of infant media usage: what do we know and what should we learn? Review Article.Acta Paediatrica, 98, 8-16.
- Council On Communications And Media. (2016). Media Use in School-Aged Children and Adolescents,American Academy of Pediatrics 138(5), 1-8.
- Courage, M., Murphy, A., Goulding, S., & Setliff, A. (2010). When the television is on: The impact of infantdirected video on 6- and 18-month-olds’ attention during toy play and on parent-infant interaction.Infant Behavior and Development,33, 176-188.
- Duch H., Elisa M.F., Ensari I. (2013). Association of Screen Time Use and Language Development in Hispanic Toddlers: A Cross-Sectional and Longitudinal Study,Clinical Pediatrics, 52(9), 857 – 865.
- Elisabeth R.McClureYulia., E.Chentsova-DuttonRachel., F.BarrSteven J.Holochwost1.,W. GerrodParrott. (2015). Facetime doesn’t count”: Video chat as an exception to media restrictions for infants and toddlers.International Journal of Child-Computer Interaction, 6,1 – 6.
- F. Wallace, Nancy D. Berkman, Linda R. Watson, Tamera Coyne- Beasley, Charles T. Wood, Katherine Cullen, Kathleen N. Lohr. (2015). Screening for Speech and Language Delay in Children 5 Years Old and Younger: A Systematic Review.Pediatrics, 136(2), 447 – 462.
- Linebarger D.L., Walker D. (2005). Infants’ and toddlers’ television viewing and language outcomes.American Behavior Science, 48,624–645.
- Ling-Yi, L., Rong-Ju, C., Yung-Jung, C., Yi-Jen, C., Hei-Mei, Y. (2015). Effects of television exposure on developmental skills among young children.Infant Behavior and Development, 38,20 – 26.
- Meta, H., Julia, M., Cornelia M., Christine, K., David W. H., Parkin, C., Jonathon L., & Catherine S., (2018). Mobile Media Device Use is Associated with Expressive Language Delay in 18-Month-Old Children.Developmental & Behavioral Pediatrics. doi: 10.1097/DBP.0000000000000630.
- Nathanson, A. I., & Rasmussen, E. E. (2011). TV viewing compared to book reading and toy playing reduces responsive maternal communication with toddlers and preschoolers.Human Communication Research,37(4), 465-487.
- National Institute on Deafness and Other Communication Disorders (NIDCD). (2017).
- Nguyễn Bảo Uyên (2018). Tổng quan từ các kiểm tra và đánh giá trường hợp các trẻ có nhu cầu dịch vụ Tham vấn trị liệu tại Trung tâm giáo dục kỹ năng sống hoàn năng, Huế.
- Phạm Ngọc Thanh. (2010).Hỏi đáp các vấn đề tâm lý trẻ em. Nhà xuất bản thanh niên.
- Prasad, A.D. (2015). Language Delay Versus Language Disorder: Is There a Problem?.Special Education GuideRetrieved from https://www.specialeducationguide.com/blog/language-delay-versus-language-disorder/?fbclid=IwAR3807YnV1SeSLju2T1EWB-Wzo9tOCi53dwIfs4Qyl47HIgLRndjbSs4RdQ
- Rideout, V.J., Vandewater, E.A., Wartella, E.A. (2003).Zero to Six: Electronic Media in the Lives of Infants, Toddlers, and Preschoolers. The Henry J. Kaiser Family Foundation, Menlo Park, CA 94025.
- Speech and Language Kids. (2016). Retrieved fromhttps://www.speechandlanguagekids.com/screen-time-and-language-development
- Steiner-Adair, C. (2013).The Big Disconnect: Protecting Childhood and Family Relationships in the Digital Age.New York, NY: Harper.
- Thùy Dương (2007).Trẻ Chậm Nói Do xem Tivi. Retrieved fromhttps://dantri.com.vn/suc-khoe/tre-cham-noi-do-xem-tivi-1186467174.htm
- Vandewater, E. A., Bickham, D. S., & Lee, J. H. (2006). Time well spent? Relating television use to children’s free-time activities.Pediatrics,117(2), 181-191.
- Zimmerman, F. J., Christakis, D. A. & Meltzoff, A. N. (2007). Associations between Media Viewing and Language Development in Children Under Age 2 Years.The Journal of Pediatrics, 151, 364-368.
- Zimmerman, F.J., Gilkerson, J., Richards, J.A., Christakis, D.A., Xu, D., Gray, S., & Yapanel, U. (2009). Teaching by Listening: The Importance of Adult-Child Conversations to Language Development.Pediatrics,124(1), 342-349. doi: 10.1542/ peds.2008-2267.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 125 (Tháng 7 & 8 năm 2021)
WHĐ (17.01.2022)
[1] Rideout, V.J., Vandewater, E.A., Wartella, E.A. (2003). Zero to Six: Electronic Media in the Lives of Infants, Toddlers, and Preschoolers.
[2] Christakis, D. A. (2009). The effects of infant media usage: what do we know and what should we learn?.
[3] Thùy Dương (2007). Trẻ Chậm Nói Do xem Tivi. Retrieved from https://dantri.com.vn/suc-khoe/tre-cham-noi-do-xem-tivi-1186467174.html.
[4] Nguyễn Bảo Uyên (2018). Tổng quan từ các kiểm tra và đánh giá trường hợp các trẻ có nhu cầu dịch vụ Tham vấn trị liệu tại Trung tâm giáo dục kỹ năng sống hoàn năng, Huế.
[5] Speech and Language Kids. (2016). Retrieved from https://www.speechandlanguagekids.com/screen-time-and-language-development
[6] American Psychology Association. (2013). Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders – 5 (DSM-5), tr.42.
[7] F. Wallace, và cộng sự. (2015). Screening for Speech and Language Delay in Children 5 Years Old and Younger.
[8] Prasad, A.D. (2015). Language Delay Versus Language Disorder: Is There a Problem?. Special Education Guide.
[9] F. Wallace, và cộng sự (2015).
[10] National Institute on Deafness and Other Communication Disorders (NIDCD). (2017).
[11] Zimmerman, F. J., và cộng sự.(2007). Associations between Media Viewing and Language Development in Children Under Age 2 Years; Chonchaiya W., & Pruksananonda C. (2008). Television viewing associates with delayed language development.
[12] Vandewater, E. A., Bickham, D. S., & Lee, J. H. (2006). Time well spent? Relating television use to children’s free-time activities.
[13] Courage, M., và cộng sự. (2010). When the television is on: The impact of infantdirected video on 6- and 18-month-olds’ attention during toy play and on parent-infant interaction; Nathanson, A. I., & Rasmussen, E. E. (2011). TV viewing compared to book reading and toy playing reduces responsive maternal communication with toddlers and preschoolers.
[14] Berk L. Child Development (9th Ed). NJ: Pearson Education Inc, 2012.
[15] Linebarger D.L., Walker D. (2005). Infants’ and toddlers’ television viewing and language outcomes.
[16] Phạm Ngọc Thanh. (2010). Hỏi đáp các vấn đề tâm lý trẻ em. Nhà xuất bản thanh niên.
[17] Rideout, V.J., Vandewater, E.A., Wartella, E.A. (2003). Zero to Six: Electronic Media in the Lives of Infants, Toddlers, and Preschoolers.
[18] Canadian Pediatric Society (2017). Screen time and young children: Promoting health and development in a digital world.
[19] American Academy of Pediatrics (2017). American Academy of Pediatrics Announces New Recommendations for Children’s Media Use.
[20] Zimmerman, F.J., và cộng sự. (2009). Teaching by Listening: The Importance of Adult-Child Conversations to Language Development.
2022
5 cách ứng xử sai lầm phụ huynh nên tránh
5 cách ứng xử sai lầm phụ huynh nên tránh
Con cái là món quà vô giá của bố mẹ. Và vì ‘vô giá’ nên nhiều phụ huynh đã và đang ứng xử hết sức sai lầm trong cách nuôi dạy trẻ.
Cưng con như trứng mỏng
Cảnh nhà con đàn cháu đống trước đây không còn nữa, thay vào đó là mỗi gia đình chỉ có 1 – 2 “thiên thần” nhỏ. Vậy nên, mối bận tâm lớn nhất của bố mẹ là chu toàn cho con cuộc sống đủ đầy, phủ phê đến mức thừa mứa…
Những đứa trẻ được cưng như “trứng mỏng” sẽ lớn khôn và phát triển toàn diện thế nào? Quen được nuông chiều và hưởng thụ, con sẽ mặc định mình là “bảo bối” và vô tư vô lo trước nhịp đời hối hả này. Đem tư duy “cậu ấm”, “tiểu thư” đến trường đến lớp, con càng khó hòa vào tập thể chung khi mà bản thân cứ khư khư muốn mình là “số một”, là “duy nhất”.
Mỗi đứa trẻ có một tố chất riêng, năng khiếu, sở trường và sở đoản khác biệt SHUTTERSTOCK |
Con tôi là thần đồng
“Con hát mẹ khen hay” là điều có thể thông cảm được. Nhưng nhiều bố mẹ lại thường thêm mắm thêm muối vào thành tích của con trẻ và ca ngợi con lên đến tận mây xanh.
Những đứa trẻ sớm được ngợi ca là “thần đồng”, “thiên tài”, “siêu tài năng”, “siêu trí tuệ” vô tình tiêm nhiễm căn bệnh thành tích ảo khiến tuổi thơ phải mướt mồ hôi luyện tập theo lịch học dày đặc, khắt khe và áp lực. Rồi một khi năng khiếu của con chững lại, thành tích của con không như ý, cả bố mẹ lẫn con trẻ đều rơi vào vòng xoáy của thất vọng lẫn tuyệt vọng. Một cuộc đời không như ý sẽ nhấn chìm bao số phận vào nỗi buồn hiu hắt!
Con cái là “trang sức” làm đẹp mặt bố mẹ
Kỳ vọng vào thành tích và tương lai sáng bừng của con trẻ là nỗi lòng chung của các bậc sinh thành. Nhưng ranh giới giữa kỳ vọng và căn bệnh chuộng thành tích lại rất mong manh.
Nhiều bố mẹ sa đà vào cuộc đua khoe thành tích của con rộn ràng trên các nền tảng mạng xã hội mỗi khi năm học kết thúc, giấy khen vừa về tay. Nhiều bố mẹ cứ đặt đích nhắm trường chuyên lớp chọn và các ngành nghề tốp đầu rồi buộc con trẻ phải cặm cụi học. Để rồi danh hiệu học sinh xuất sắc, thương hiệu trường chất lượng cao bỗng trở thành món “trang sức” làm bố mẹ nở mày, gia đình và dòng họ nở mặt. Có biết đâu tâm hồn của những đứa trẻ miệt mài rượt đuổi thành tích cứ hoang hoải nỗi buồn, hao khuyết niềm vui.
“Áo mặc không qua khỏi đầu”
Lấp đầy khoảng cách thế hệ giữa các thành viên trong gia đình vốn là nỗi lòng đầy trăn trở của những ông bố bà mẹ muốn gần gũi, thấu hiểu và đồng hành cùng con cái.
Tuy nhiên, dưới những mái ấm còn nặng tính gia trưởng theo lối tư duy “áo mặc không qua khỏi đầu” thì giấc mơ làm bạn cùng con hẳn là còn xa vời. Nhiều bố mẹ còn mặc định mình là người đi trước rành rẽ hơn, thông hiểu hơn và sáng suốt hơn nên phủ nhận tất tần tật mọi ý kiến của con cái. Tiếng lòng của con trẻ bị đè nén, dồn ứ qua ngày qua tháng sẽ chẳng khác nào quả bóng căng đầy hơi chỉ chực chờ bùng nổ thành những điều tiêu cực trong nhận thức, hành động.
“Hãy nhìn con nhà người ta”
Sai lầm lớn nhất trong ứng xử của bố mẹ khiến con cái tổn thương chính là thói quen so sánh. Nhìn con nhà người ta khác biệt tí xíu thôi đủ khiến bố mẹ quýnh quáng so bì hơn kém.
Chúng ta thường quên mất rằng mỗi đứa trẻ có một tố chất riêng, năng khiếu, sở trường và sở đoản khác biệt. Nhưng nhiều bố mẹ cứ chăm chăm nhìn vào thế mạnh của con nhà người ta để phủ nhận sạch trơn mọi cố gắng của con cái. Tiếc thay!