Những bài học từ Thánh Phaolô
NHỮNG BÀI HỌC TỪ THÁNH PHAOLÔ
Donald Senior, CP.
Lý do những kinh nghiệm và phẩm chất của thánh tông đồ Phaolô vẫn còn thích hợp cách đặc biệt cho các linh mục hôm nay.
Có lẽ hơn ai hết trong giáo hội tiên khởi, thánh Phaolô Tông đồ hiện thân cho sự hoán cải và biến đổi sâu xa vì Tin Mừng – cả trong mức độ cá nhân lẫn trong truyền thống tôn giáo mà ngài nhiệt tâm dấn thân. Phaolô được sinh ra vào khoảng năm thứ 5 sau Công nguyên tại Tarsô, thủ phủ ở Trung Nam vùng Tiểu Á, thuộc Thổ-Nhĩ-Kỳ ngày nay. Tarsô là thành phố có tiếng về văn hoá và trí thức, một thành phố đặc trưng La-Hy, nhưng cũng có một cộng đồng thiểu số Do Thái đáng kể. Chúng ta được biết Phaolô được sinh ra trong một gia đình Do Thái đạo đức – một di sản mà ngài luôn ôm ấp và kính trọng. Tuy nhiên, ngài là con một người cha là công dân Rôma – chúng ta không biết làm thế nào Phaolô một người Do Thái lại có quốc tịch Rôma, có lẽ vì cha ngài đã đi lính hay là người nô lệ được trả tự do. Từ di sản kép này – một người Do Thái đạo đức và một người Rôma tự hào – Phaolô ẩn chứa trong chính mình sự pha trộn về văn hoá và tôn giáo là tố chất sẽ trở nên then chốt cho sứ vụ tương lai của ngài.
Từ di sản Do Thái, ngài có được một đức tin kiên cường vào Thiên Chúa của Israel, Thiên Chúa nhân từ và giải thoát, Đấng tạo thành vũ trụ và gìn giữ nó trong sự quan phòng yêu thương. Cũng như từ Do thái giáo, Phaolô được đào tạo và nuôi dưỡng một cảm thức luân lý mạnh mẽ để diễn tả niềm tin vào Thiên Chúa bằng đời sống tuân phục ý Chúa. Từ di sản Rôma và nền giáo dục cổ điển ở Tarsô, Phaolô có thể mở rộng cái nhìn về thế giới Địa Trung Hải với những sự khác biệt và năng động và được học về nghệ thuật tu từ và thuyết phục mà người Rôma thừa hưởng từ những người Hy Lạp đi trước. Tố chất gia đình của Phaolô, hay nếu thích có thể gọi là DNA, được giải thích như tác động của Chúa Thánh Thần vào trong một nhân vật sẽ là cầu nối cho cả thế giới Địa Trung Hải.
Phaolô và hoán cải
Tân Ước cho chúng ta hai mô tả sống động về bước ngoặt mang tính quyết định trong cuộc đời Phaolô, lúc mà ơn Thiên Chúa kêu gọi ngài bùng cháy. Một mô tả nằm trong những câu chuyện hoán cải ngoạn mục trong sách Công vụ Tông đồ. Phaolô, với lòng nhiệt thành đầy cao ngạo đã thúc đẩy ngài đi bắt bớ những người theo Chúa Giêsu, đã bị đánh gục xuống đất do sức mạnh của sự hiện diện cứu độ của Chúa Kitô. Bị làm mù do ánh sáng của tình yêu tha thứ của Chúa, nhưng ngược lại, Phaolô lại bắt đầu nhìn thấy chân lý lần đầu tiên (x. Cv 9:3-19; 22:6-16; 26:12-18)
Trong trình thuật của thánh Luca về lịch sử của cộng đoàn tiên khởi, thì Phaolô, người hành hạ và bắt bớ các Kitô hữu, trở nên “phương tiện chuyển tải được chọn” – là người sẽ mang Tin Mừng của Chúa Giêsu từ Giuđêa tới Antiôkia, tới hướng tây đến HY-lạp và cuối cùng đến tận Rôma.
Như vậy, theo như mô tả của sách Công vụ Tông đồ, sự hoán cải của Phaolô, theo một nghĩa nào đó, được thúc ép từ bên ngoài – một cảm nghiệm vượt quá sự kiểm soát đã đảo ngược ý nghĩa tôn giáo của ngài và biến đổi cuộc sống của ngài mãi mãi.
Trình thuật nổi bật về việc hoán cải của Phaolô trong sách Công vụ Tông đồ lại mang một hình thức rất khác qua những lời của chính Phaolô trong thư của ngài gửi tín hữu Galát (x. Gl 1:11-24). Nhìn lại, giờ đây Phaolô thấy rằng Thiên Chúa đã gọi ngài đến sự biến đổi diệu kỳ này từ muôn thuở trước – trước cả khi ngài được hình thành trong lòng mẹ. Ngài trích dẫn những lời tiên tri của Isaia 49 và Giêrêmia 1- “ Lời Chúa nói với tôi:/trước khi ta hình thành ngươi trong dạ mẹ ta đã biết ngươi, / trước khi ngươi được sinh ra ta đã thánh hiến ngươi,/ đặt ngươi làm ngôn sứ cho các dân tộc.” (Gr 1: 4-5)
Tính chất làm nên sự thay đổi tận căn này không đơn thuần là do tác động của những biến cố bên ngoài nhưng là sự thành toàn của một vận mệnh Chúa định, một hành động của sự quan phòng mà Thiên Chúa đã gọi Phaolô từ muôn thuở trước.
Như thế Phaolô đã bước vào truyền thống kinh thánh sâu xa và tuyệt hảo – là truyền thống của “ơn gọi”, thuật lại việc Thiên Chúa kêu gọi cách nhiệm mầu trải dài từ Môisê đến các ngôn sứ, và tiếp tục đến Mẹ Maria và các môn đệ của Chúa Giêsu trong Tân Ước. Thần Khí của Thiên Chúa ra dấu một cách nhiệm mầu, kiên trì – mời gọi một người dấn thân vào một lối sống mới và thường là bất ngờ cho Chúa. Phaolô là một trong số đó. Chúa thì thầm vào tai Isaia: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta/để tái lập các chi tộc Gia-cóp,/để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít./ Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân,/để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49:6).
XÂY DỰNG GIÁO HỘI CHO CHÚA KITÔ
Chúng ta cần nhắc lại là Phaolô là một người có những kế hoạch lớn lao, dù trong thời của ngài, chúng ta có thể nói (giống như thời đại chúng ta) là ơn gọi hiếm hoi và tài chính không ổn định. Như ngài nói trong thư gửi tín hữu Rôma chương 15, Phaolô có ý lập các giáo hội khắp bờ Bắc Địa Trung Hải, đến tận Rôma và Tây Ban Nha, để thu phục dân ngoại cho Chúa Kitô, một sự thành toàn huy hoàng nhờ ơn Chúa mà ngài hy vọng qua đó thuyết phục được tất cả Israel chấp nhận Chúa Kitô.
Những phương thức đích thực
Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta có thể suy tư về những phương thức khác biệt và đích thực này của cuộc sống và ơn gọi của chúng ta. Ở một mức độ, chúng ta đang bị lèo lái do những nhân tố bên ngoài chúng ta: những biến cố của thế giới, đe doạ của dịch bệnh, kinh tế, gương mặt thay đổi của Giáo hội, các trào lưu văn hoá và lịch sử, sự khích lệ của bạn bè hay người cố vấn. Và chắc chắn chúng ta cần người khôn ngoan và biết chăm lo để giúp chúng ta lựa chọn những kinh nghiệm và làm cho nó có ý nghĩa. Giống như Phaolô, chúng ta cần những người giúp rũ bỏ sự mù loà của chúng ta và nhìn cuộc sống chúng ta cũng như của những người chung quanh bằng nhãn quan của đức tin Kitô giáo.
Nhưng ở một mức độ khác cũng quan trọng tương đương là chúng ta tin rằng Chúa đang gìn giữ chúng ta trong bàn tay ngài, cuộc sống của chúng ta, cả cá nhân hay tập thể là một lời đáp trả tiếng Chúa kêu gọi chúng ta trong sâu thẳm, một lời kêu gọi ẩn sâu trong sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa từ muôn thuở. Và ở đây chúng ta biết được tầm quan trọng của việc suy tư về cội nguồn sâu thẳm nhất của đức tin chúng ta; sự suy ngắm Kinh Thánh và những nhân vật hay những vị thánh vĩ đại trong di sản của chúng ta, là những người đã đáp trả tiếng Chúa gọi và thẩm thấu suối nguồn của linh đạo Kitô giáo để hiểu Chúa đang làm gì trong cuộc sống của họ, như Phaolô rút ra những lời đầy xúc động của Isaia và Giêrêmia, và gương mẫu của sứ vụ ngôn sứ của các ngài làm cho có ý nghĩa những trở lại đầy bất ngờ trong cuộc sống của ngài. Có lẽ đây là việc cần làm trong thời gian tu dưỡng (sabbatical) hay trong những chương trình suy tư về thừa tác vụ của Tin Mừng trong mọi thời.
Cuộc khổ nạn của Phaolô
Như chúng ta biết, Phaolô không phải là thành viên từ ban đầu hay đặc quyền trong các môn đệ của Chúa Giêsu. Phaolô không bao giờ quên thân phận ‘hạng hai’ của mình – hay việc bắt bớ sai lầm các Kitô hữu. Ngài vẫn ở mãi như “đứa con sinh non”. Nhưng điều đó không làm mất đi sự dấn thân đầy đam mê của Phaolô cho Chúa Kitô và Tin Mừng của ngài.
Cuộc khổ nạn của Phaolô rỏ ràng một phần là do của tính khí nồng nhiệt tự nhiên của ngài. Không phải là sự nhẹ nhàng điềm đạm được biểu lộ trong thư chung gửi tín hữu Galát khi ngài mong những Kitô hữu đòi buộc những người ngoại trở lại phải chịu cắt bì “phải chi họ tự thiến cho xong” (Gl 5:12) – hay đầu thư cho một hội thánh nổi tiếng với những lời sau: “Hỡi những người Galát ngu muội!”. Tôi cho rằng Phaolô không phải là người dể sống chung. Vì vậy không phải tình cờ mà trong sứ vụ ngài chủ yếu là lưu động nơi này đến nơi khác.
Nhưng cũng rõ ràng là ngọn lửa luôn bừng cháy của cuộc khổ nạn của Phaolô đến từ sự mức độ mãnh liệt trong dấn thân của ngài cho Chúa Kitô. Có lúc trong cuộc sống, Phaolô xác quyết cho cộng đoàn của mình bằng những lời tự thú làm giật mình: “Chúa Kitô sống trong tôi”. Chính điều này đã đưa dẫn Phaolô trong sứ vụ, và từ đó xuất phát lời giảng dạy và thần học của ngài.
Cuộc khổ nạn của Phaolô đã khiến ngài viết những bức thư với những hình ảnh và sự mạnh mẽ đã làm thay đổi cảm thức Kitô giáo mãi mãi. Những bức thư viết vội vã, thường là văn phong đau đớn; những bức thư bùng phát những ý tưởng mà phải cần hơn một người cùng lúc ghi chép những lời Phaolô đọc lên; và ngay cả một tác giả kinh thánh được linh ứng khác phải nói, và nói nhẹ đi, là có những điều người anh em Phaolô của chúng ta viết thật khó hiểu (x. 2 P 3:15-16).
Theo tôi, những ý tưởng của Phaolô – lời rao giảng, những trước tác, thần học, giáo huấn, ý nghĩa về quyền bính và cai trị của ngài – được hun đúc cho tính chất môn đệ đầy đam mê của chính ngài. Thần học của Phaolô không vay mượn, theo thời thượng hay chỉ suy tưởng. Phaolô rút ra cái nhìn của mình từ linh hồn sống động của Giáo hội và sự dấn thân cuồng nhiệt của ngài cho vào đó. Ngài là người thụ hưởng và là người canh giữ có trách nhiệm của truyền thống: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh.” (1 Cor 15:3)
Nhưng ngài cũng có thể rút ra quan điểm thần học từ kinh nghiệm Kitô giáo thực của dân chúng: Giáo hội là Thân Thể của Chúa Kitô đối lại với óc bè phái của dân Corintô; thần học về sự yếu đuối đối với cảm nghiệm về giới hạn của mình và của các Kitô hữu của mình – về thể lý và về thiêng liêng; thần học về một Tin Mừng không bị ảnh hưởng bởi Lề Luật bởi vì ngài tin tưởng ở kinh nghiệm tôn giáo của dân ngoại; một thần học về sự khải hoàn của Chúa Kitô trên vũ trụ thay vì sự sợ hãi khiếp đảm về số mệnh rất phổ biến trong thế giới La-Hy.
Trọng tâm của thần học Phaolô và linh đạo của ngài còn liên kết với một cảm nghiệm về cuộc khổ nạn khác – cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Đối với Phaolô, cái chết và sống lại của Chúa Kitô là thực tại giải thích mọi thực tại, và mạc khải chân dung thật của Thiên Chúa. Trong ánh sáng của Cuộc Khổ Nạn, của Mầu Nhiệm Vượt Qua, Phaolô suy nghĩ lại và tái khám phá trọng tâm của truyền thống Do thái của mình. Chúa của Abraham cũng là Chúa của các dân tộc. Thiên Chúa của Chúa Giêsu chịu đóng đinh không được mạc khải qua những biểu hiệu bên ngoài của quyền lực và huy hoàng nhưng trong sự kỳ diệu của cái mà con người cho là yếu hèn: cuộc sống trao ban cho người khác.
“Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cor 1:22-25)
Từ tâm điểm này, Phaolô suy niệm mọi thứ: trọng tâm của đời sống Kitô hữu là tình yêu, như tình yêu vô điều kiện đã làm cho Chúa Kitô chịu đóng đinh; kinh nghiệm về giới hạn và yếu hèn, như chính Phaolô đã cảm nghiệm trong thân xác hay chết của mình, tìm được ý nghĩa trong thân xác chịu đóng đinh của Chúa Giêsu Đấng tự hiến cho chúng ta; Thân thể của Chúa Giêsu là Giáo hội đã trân trọng nhất phần tử yếu đuối và bị coi thường nhất vì Chúa Kitô đã mạc khải chính mình cho thế gian qua một Đấng Thiên Sai chịu đóng đinh, vì thế Thân Thể của Chúa Kitô là thân thể bị đóng đinh và những vết thương vẫn còn thấy rõ; và những đau khổ cũng như nhức nhối tâm can của người tông đồ mà Phaolô cảm nghiệm trong hành trình sứ vụ của mình, và những gì mà các cộng đoàn của ngài cảm nghiệm trong những đau khổ và đấu tranh, không phải là vô ích vì thấp giá của Chúa Giêsu mãi mãi xác quyết là nhờ ân sủng Chúa từ cái chết sẽ đến cuộc sống dồi dào.
Người lãnh đạo tự tin
Tôi nghĩ là mọi người đang làm việc trong Giáo hội hôm nay có thể học được điều gì đó về sự lãnh đạo tông đồ đích thực của Phaolô, và cũng về hình ảnh của Giáo hội mà chúng ta cần dự kiến cho những người chúng ta phục vụ. Phaolô rất ý thức về vai trò “tông đồ của Chúa Giêsu Kitô” của mình và thường xuyên nhắc tới. Nhưng là hiểu lầm về Phaolô và sứ vụ của ngài khi nghĩ về ngài như là một người khổng lồ đơn độc đứng dạng chân ra trong giáo hội tiên khởi hay như một người rong ruổi cô đơn, di chuyển không sợ hãi và cô đơn trong khắp vùng Địa Trung Hải, gieo trồng hạt giống Tin Mừng mà không tùy thuộc vào ai hay liên kết với ai.
Đây là hình ảnh sai lầm, và bằng chứng của chúng ta là chứng từ của chính Phaolô. Một trong những cái nhìn rõ rệt và quan trọng về Phaolô mà chúng ta có được thời gian gần đây là ngài hành động với một mạng lưới tuyệt vời của những cộng tác viên. Phaolô không co cụm lại trong những đòi hỏi của việc lãnh đạo hay trách nhiệm của quyền bính, nhưng ngài thi hành ơn gọi đó theo cách tương hợp với thần học của mình về khổ nạn và về cộng đoàn thuộc về Chúa Kitô.
Đoạn văn kết luận nổi tiếng trong thư gửi tín hữu Rôma chương 16 là nguồn bằng chứng tốt nhất về điều này. Khi Phaolô kết luận thư gửi cho một Giáo hội mà ngài chưa bao giờ thăm, nhưng đối với ngài đây là một cộng đoàn rất quan trọng, ngài thêm vào một loạt những lời chào thăm cho chúng ta thấy phạm vi rộng lớn của mối liên lạc của ngài và tinh thần không chiếm hữu của mình, đồng thời cũng cho thấy sự năng động và mạng lưới của chính giáo hội tiên khởi. Ngài nêu tên 29 người Hy-lạp và Do thái và những bạn “tông đồ” (10 người là nữ), từ giới quý tộc, những người được trả tự do, hay những người nô lệ.
Phaolô không bao giờ hành trình một mình; ngài nhắc đến danh hiệu ‘cộng tác viên” trong khắp các thơ của ngài, ngay cả chính những lá thư của ngài là một công việc có nhiều người cộng tác, hai trong số đó được công khai nhắc đến như là đồng tác giả. Cảm thức về sự cộng tác của Phaolô không đơn thuần chỉ là phong cách cá nhân hay vì nhu cầu đòi hỏi, nhưng xuất phát từ nhận thức về Tin Mừng, đâm rể từ hình ảnh của ngài về Thiên Chúa là Đấng quy tụ mọi người, là Chúa của cả người Do thái lẫn dân ngoại. Một sự xác quyết lan toả trong những hình ảnh cộng tác thích hợp của Phaolô về Giáo hội như là một thân thể với nhiều chi thể, sự dồi dào ân huệ được hun đúc trong cùng một Thánh Thần, như hàng ngũ của những dụng cụ và chất liệu được hình thành trong một đền thờ sống động của Thiên Chúa. Xây dựng cộng đoàn của Giáo hội là mục tiêu tông đồ không ngừng nghỉ của ngài, và ngài biết rằng mọi ân huệ, cho dù nổi bật đến đâu, đều là thứ yếu so với ân huệ đức ái và mối liên kết cộng đoàn.
Thần học về sự yếu đuối của Phaolô là cản trở nền tảng cho cơn cám dỗ chiếm hữu một địa vị hay quyền bính. Sự bất lực thể lý rõ ràng của Phaolô, sự bắt bớ sai lầm của ngài đối với Giáo Hội trước kia – tất cả những kinh nghiệm này dạy cho Phaolô về tình mỏng dòn yếu đuối của mình và đưa ngài đi tìm sức mạnh, một cách mâu thuẫn, trong chính sự yếu đuối của mình, vì ở đâu ngài yếu đuối, ở đó Thiên Chúa mạnh mẽ. Trên hết, suy niệm của Phaolô về Cuộc Khổ Nạn của Chúa gìn giữ ngài khỏi quan niệm về mình cũng như về quyền bính của mình bằng những từ ngữ kiêu căng ngạo mạn… Chúa Giêsu, Người Tôi Tớ Đau khổ của Thiên Chúa, Đấng trao ban cuộc sống cho những người khác được sống, là dấu hiệu nền tảng cho việc thực thi quyền bính chân thực.
Ký ức đó về Phaolô là cần thiết. Những người đang thực thi quyền bính trong Giáo hội, dù ở mức độ nào, cần sự tự tin về ơn gọi tông đồ của mình, nhưng cũng cần giữ nó với cách thế không chiếm hữu. Cộng tác với người khác trong sứ vụ và trong cái nhìn của chúng ta về Giáo hội không phải là ý thích nhất thời, nhưng là lối diễn tả Tin Mừng.
Con người của niềm hy vọng vô hạn
Cho phép tôi nhắc đến một tố chất cuối cùng của Phaolô. Khi đọc những thư của Phaolô tôi xác quyết rằng là một người chịu đau khổ lớn lao trong sứ vụ của mình, nhưng cùng lúc đó lại là đam mê đốt cháy cuộc sống của ngài. Nhiệt tâm bừng cháy của Phaolô cho Chúa Kitô và Tin mừng của Ngài đưa vị tông đồ vào một thực tại kiên định. Tâm hồn của Phaolô đau đớn không chỉ vì những giấc mơ không thành, nhưng còn vì những “pháo kích” liên tục chống lại đôi điều ngài đã xây dựng được. Những đội ‘giữ chân lý’ của những vị lãnh đạo Kitô hữu khác luôn theo dõi từng bước đi của ngài, đặt vấn đề về tính chính thống của ngài, hướng những người mới trở lại đạo của ngài về một lối hiểu khác về Giáo hội, gieo nghi ngờ về quyền bính tông đồ của ngài.
Nỗi đau đớn thất vọng của Phaolô sôi bùng lên trong đoạn văn nổi tiếng trong thư thứ 2 gửi tín hữu Corintô chương 11, như thể rất buồn nản chán chường. Sự kiên nhẫn của Phaolô hầu như không còn nữa và tuôn trào nỗi đau và thất vọng, không hướng về những người lãnh đạo trong hội đường, hay những đe doạ từ các viên chức chính quyền Rôma, nhưng hướng đến những đồng nghiệp tông đồ và những người lãnh đạo trong chính các cộng đoàn của ngài:
“Họ là người Híp-ri ư? Tôi cũng vậy! Họ là người Ít-ra-en ư? Tôi cũng vậy! Họ là dòng giống Áp-ra-ham ư? Tôi cũng vậy! Họ là người phục vụ Đức Ki-tô ư? Tôi nói như người điên: tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh! Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên?” (2 Cor 11:22-29)
Phaolô sống trong một thời khắc mà cái nhìn của ngài về Giáo Hội không được người khác chấp nhận. Có những đêm tối ở Côrintô hay Thessalonika hay Êphêsô – chắc chắn là ở Giêrusalem hay trong thời gian ngài bị quản thúc tại gia ở Cêsarea và ở Rôma – khi ngài tự nghĩ có phải là cuối cùng ngài đã đi sai lối? Có lẽ những suy nghĩ như thế cũng xuất hiện trong trí óc hay tâm hồn của các linh mục khi các ngài thi hành sứ vụ và nhận xét về những thành quả.
Nắm chắc niềm hy vọng
Nhưng cùng lúc Phaolô cũng đã làm được điều mà một nhà lãnh đạo mục vụ vĩ đại đã làm. Phaolô đã nắm chắc niềm hy vọng của mình. Phaolô không bao giờ từ bỏ cảm nghiệm đức tin nền tảng của mình. Tình yêu của Chúa Kitô chịu đóng đinh là bảo chứng của giao ước bền vững của Thiên Chúa, của tình yêu cứu chuộc không ngừng nghĩ cho thế giới, Phaolô hỏi: “Điều gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô?” (Rm 8:35). Đây là câu hỏi quặn thắt xuất phát từ con tim của thừa tác viên của Tin Mừng, của một người được gợi đi thi hành sứ vụ, của một người trưởng thành sống trong Giáo hội từ bên trong và vẫn từ chối để không bị làm hư hỏng bởi những gương xấu và thất vọng; một người có những lý tưởng cao vời cho cộng đoàn nhưng cũng hiểu biết những thực tại đáng buồn của sự chia rẽ và xung khắc; một người trên thực tế biết thực tại của khổ đau nhưng vẫn nuôi những niềm hi vọng vĩ đại.
Ngài nói trong một trong những đoạn văn tuyệt vời nhất trong các thư của ngài: “Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8:38-39).
Như những linh mục và những thừa tác viên của Tin Mừng, được gọi để sống đức tin của chúng ta trong sứ vụ Kitô giáo trong khoảnh khắc hiện tại của lịch sử, một sứ vụ mang nhiều hình thức và có những khoảnh khắc vui, không nghi ngại, nhưng cũng chia xẻ những nản lòng, thất vọng hay cô độc, chúng ta càng phải nhớ đến Phaolô: một người môn đệ đầy hăng say đối với Chúa Giêsu chịu đóng đinh và nhà thần học của những cảm nghiệm; một người mà ơn Chúa gọi để phục vụ được những người khác nuôi dưỡng; một người tự tin về ơn gọi tông đồ và căn tính của mình nhưng thực thi quyền bính của mình bằng cách cộng tác và không chiếm hữu, vẫn luôn hiểu rằng tích lũy với người khác không phải vì nó là một cách quản trị hấp dẫn nhưng vì nó diễn tả đức tin Kitô giáo; một con người mở ra cho những khả thể mới, một người mà những giấc mơ không ngừng nghĩ và táo bạo cho Giáo hội mang lại cho ngài đau khổ nhưng niềm hi vọng của ngài, được đâm rễ trong đức tin, không bao giờ mờ nhạt đi.
CUỘC ĐỜI VÀ THẦN HỌC CỦA PHAOLÔ
Ngay từ những giây phút đầu tiên gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh, Phaolô đã cảm thấy được Thiên Chúa kêu gọi để loan báo Tin Mừng không chỉ cho những đồng bào Do Thái nhưng còn cho cả thế giới dân ngoại. Từ chứng từ của chính mình, Phaolô xác quyết về sức mạnh ban sự sống của Tin Mừng cho toàn thể nhân loại ngay khoảnh khắc đầu tiên ngài gặp gỡ Chúa Kitô.
Lý luận về việc truyền giáo khẩn thiết của Phaolô là rõ ràng trong đoạn trích dẫn thư của ngài gửi tín hữu Rôma: “Vì tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát. Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng! (Rm 10:13-15)
Dù Phaolô làm chứng rằng ngay từ giây phút đầu tiên gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh, ngài đã được gọi làm nhà truyền giáo cho dân ngoại (x. Gl 1:15-16), tuy nhiên phải cần thời gian và sự trợ giúp của những người khác để Phaolô khai triển sâu xa ơn thiên triệu khởi đầu này. Ngài cũng đưa ra chứng từ là ngài phải trải qua một thời gian đáng kể để cầu nguyện và cô quạnh ở Siria, gần Đamát, và một thời gian ngắn ở Giêrusalem hội ý với Phêrô và Giacôbê (x. Gl 1:17-20). Sau đó ngài đi Xilixia (vùng quê của ngài ở miền nam Tiểu Á) và rồi đến thành phố lớn của vùng Antiôkia, nơi sẽ là cơ sở truyền giáo đích thực đầu tiên của ngài.
Phaolô được Barnaba tuyển mộ và đưa đến Antiôkia để cùng với mình trong cuộc phiêu lưu mới để rao truyền Tin Mừng cho thế giới vùng Địa Trung Hải bên ngoài phạm vi của Israel. Chính tại đây, như sách Công vụ Tông đồ thuật lại, những người theo chúa Giêsu lần đầu tiên được gọi là “Kitô hữu” và ở đây, dưới sự hướng dẫn của Barnaba, Phaolô mài dũa sứ điệp cho những Kitô hữu gốc dân ngoại và cũng từ đây ngài tiến hành những cuộc truyền giáo về hướng tây qua Tiểu Á và rồi đến Hy lạp khi ngài lần đầu đặt chân đến đất Âu Châu và là nơi ngài thiết lập cộng đoàn Kitô hữu ở Philíp (x. CvTđ 16: 11-12).
Lm. Antôn Bùi Kim Phong chuyển ngữ từ thepriest.com