2022
Càng gặp thử thách, ta càng cần bám chặt vào Chúa!
– Trong hai ngày vừa qua, ngày 19 & 20 tháng 9 năm 2022, nhóm anh chị em chúng tôi trong khóa tu nghiệp tại Mercy Center ở Colorado Springs[1] đã được hướng dẫn để đi tham quan cảnh trí thiên nhiên rất tuyệt vời của thành phố Colorado, với những thác nước cao vút và núi đồi hùng vĩ được phủ đầy bởi các cây thông cao chạy dài từ rặng núi này đến ngọn núi khác, tạo nên các cảnh trí thật đẹp tựa như các ngọn đồi thơ mộng nơi thành phố Đà Lạt ở Việt Nam.
Sáng nay tôi có dịp được đi bách bộ một mình trên con đường mòn dưới các rặng thông mọc trên các vách núi cheo leo. Trong khi đi bộ như thế, tôi nhìn ngắm cảnh vật xung quanh, với các vách núi cao thăm thẳm, tựa như muốn đụng vào áng mây đang trôi lơ lửng trên vòm trời xanh biếc. Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên, trước những ngọn núi to lớn và nhìn thật vĩ đại đang đứng sừng sững trước mặt tôi. Vô tình tôi nhìn thấy những cây thông to lớn và cao vút nhưng lạ lùng thay rễ của nó lại có thể xuyên qua các khe núi và tìm cách đâm sâu vào lòng đất, nơi mà nó có thể phát triển và cắm rễ thật sâu hầu giữ cho thân cây của nó không bị lay chuyển và bị gãy mỗi khi có mưa to gió lớn.
Tôi hết sức ngạc nhiên trước sự kiện như vậy và để ghi lại những gì mà tôi đã tận mắt chứng kiến, tôi lấy cái máy điện thoại di động của tôi ra và chụp một số hình ảnh của các cây thông mà tôi nhìn thấy rễ của nó len lỏi qua các khe đá và đâm sâu vào lòng đất, để nếu ai có thắc mắc và đặt câu nghi vấn về những gì mà tôi đã mô tả ở trên, thì ít gì tôi cũng có bằng chứng cụ thể để chứng minh là tôi hoàn toàn nói sự thật.
Tôi đứng và chiêm ngắm các cây thông này với lòng thán phục, và tôi thực sự ngưỡng mộ sức sống mãnh liệt của chúng. Bởi vì các cây thông ấy đã lớn lên và phát triển trong một môi trường rất khó khăn, có thể nói là nghiệt ngã thì đúng hơn. Chúng không có đất để bám rễ cách bình thường và thoải mái, như các cây thông mà chúng ta thường trông thấy người ta trồng dọc theo hai bên vệ đường của các đại lộ sang trọng, hay tại các công viên quốc gia.
Tại các ngọn núi này, các cây thông ấy đã phải đâm rễ của chúng dọc theo các khe núi, nơi có các khe hở để rồi với thời gian lâu dài, rễ của chúng mới có thể tìm được một chỗ nào đó có đất, hầu có thể cắm sâu xuống và múc lấy các chất dinh dưỡng để nuôi thân cây, cho nó được phát triển thành các cây thông cao và to lớn.
Tôi nhìn ngắm thật say sưa các cây thông đang đứng sừng sững trước mắt tôi, và hiên ngang vươn vai lên tới tận vòm trời.
Tôi miên man suy nghĩ về sự phát triển kỳ diệu của các chú thông này… và rồi tự trong tâm trí tôi lóe lên một tia sáng nhằm giúp tôi hiểu được ý nghĩa và giá trị của đời sống thiêng liêng, cũng như cuộc sống bình thường mà mỗi chúng ta hay va chạm, đó chính là, càng gặp nhiều gian truân và thử thách, chúng ta càng phải bám chặt vào Chúa. Chỉ có như thế ta mới múc lấy sức sống mãnh liệt từ nơi Thiên Chúa là nguồn mạch của sự sống và của mọi ân sủng. Tôi vui mừng và sung sướng, vì Chúa đã khai tâm và mở lòng trí tôi ra để tôi có thể thấu hiểu những chân lý diệu kỳ về cuộc sống, mà đôi khi chính bản thân tôi, khi đương đầu với những nghịch cảnh hay với những khó khăn, tôi đã không cố gắng và nỗ lực để cho cái rễ của mình là mối tương quan giữa tôi và Thiên Chúa được bám chặt vào nhau và cho nó được phát triển, hầu có cắm sâu vào cung lòng của Thiên Chúa. Tôi vô cùng xúc động khi tôi khám phá ra rằng, để cho cây thông có thể phát triển to lớn và đứng vững, rễ của nó phải cắm sâu xuống mặt đất, nhưng đôi khi gặp toàn là núi đá, thì chúng cần phải len lỏi và xuyên qua các khe của núi đá, hầu rễ của nó mới có thể phát triển, rồi với thời gian đến một lúc nào đó, những cái rễ cái (hay rễ chính) này sẽ có thể đâm sâu vào lòng đất, và nhờ đó, mà nó có thể giữ cho thân cây không bị xiêu vẹo hay bị ngã, nhưng sẽ đứng thẳng và sẽ vươn vai lên tận trời cao.
Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, vì tôi đã khám phá ra cho chính mình một cách lý giải tuyệt vời cho những khúc mắc của chính bản thân, mỗi khi tôi phải đương đầu với những thử thách và đau khổ trong cuộc sống, từ những căn bệnh ốm đau đã khiến tôi có lần phải nằm trên giường bệnh cả 10 ngày mà không thể nhúc nhích đôi chân hay thân mình. Tôi đã không thể tự mình ra khỏi giường mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác. Có những lần tôi bị đau lưng và không thể ra khỏi giường và đi đứng trong nhiều ngày. Những lúc như vậy, tôi thật sự chán nản và không còn tha thiết điều gì nữa, trái lại, tôi chỉ cầu xin Chúa và Đức Mẹ chữa tôi khỏi căn bệnh và cho tôi vượt qua được các cơn đau đớn trên thân xác, nhất là cái đau ở phần cuối lưng, để tôi có thể ra khỏi giường mà không cần ai đỡ tôi dậy, hay cảm thấy bị đau đớn mà không thể nào chịu đựng nổi. Sau những cơn đau đớn khủng khiếp như vậy, mỗi khi mà tôi bắt đầu có thể tự ra khỏi giường và không có cảm giác đau đớn, tôi rất vui mừng và sung sướng tột độ. Tôi hết lòng cảm tạ Thiên Chúa và Mẹ Thánh Maria đã cứu chữa tôi và cho tôi được phục hồi lại sức khỏe và có thể tự mình đi lại, mà không cần đến sự trợ giúp của người khác. Những lúc như vậy, tôi ý thức rất rõ rệt và nghiệm ra rằng: CHỈ CÓ SỨC KHỎE LÀ QUÝ GIÁ HƠN HẾT MỌI SỰ và “SỨC KHỎE LÀ VÀNG” như ông bà ta thường nói. Có sức khỏe là có tất cả. Ốm đau nằm một chỗ thì dù có nhiều tiền đi chăng nữa, thì cũng chả có ý nghĩa gì cả, vì khi ốm đau liệt giường thì ta cũng chẳng tha thiết và ham muốn điều gì nữa. Những ai đã trải qua kinh nghiệm đau ốm thì có lẽ sẽ đồng cảm và sẽ đồng thuận với những gì mà tôi chia sẻ ở đây.
Ốm đau, bệnh tật, thất bại, bị ruồng bỏ, bị khinh chê, bị xua đuổi… tất cả đều là những thử thách mà mỗi chúng ta cần phải vượt qua và lướt thắng. Nó giống như cây thông đang mọc rễ trên các vách núi đá và rễ của nó phải tìm cách xuyên qua hay mọc theo các khe đá để có thể duy trì sự sống, cho đến khi rễ của nó có thể đâm sâu và bám chặt vào lòng đất. Chúng ta cũng vậy, mỗi nghịch cảnh, mỗi thử thách đều là những cơ hội Chúa gởi đến để chúng ta biết cách cho rễ của mình ven theo các khe núi và có thể đâm sâu và bám chặt lấy Thiên Chúa. Cho nên càng gặp nhiều gian nan thử thách, chúng ta càng phải bám thật chặt vào Chúa và để cho rễ tình yêu của chúng ta được cắm sâu vào cung lòng của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Tôi muốn mượn lời của Thánh Vịnh 39 để kết thúc bài chia sẻ của mình.
Tv 39 (38)
Trong kiếp sống phù du, người đau yếu đặt hy vọng nơi ĐỨC CHÚA và xin Người đến cứu giúp
1Phần ca trưởng của ông Giơ-đu-thun. Thánh vịnh của vua Đa-vít.
2Tôi đã nói: “Mình phải giữ gìn trong nếp sống,
để khi ăn nói khỏi lỗi lầm ;
tôi quyết sẽ ngậm tăm, bao lâu người gian ác còn đối mặt.”
3Tôi câm lặng làm thinh chẳng hé môi,
mà không ích lợi gì, nên cơn đau lại càng nhức nhối.
4Nghe trong mình nung nấu tự tâm can,
càng nghĩ ngợi, lửa càng bừng cháy,
miệng lưỡi tôi phải thốt nên lời:
5“Lạy CHÚA, xin dạy cho con biết:
đời sống con chung cuộc thế nào,
ngày tháng con đếm được mấy mươi,
để hiểu rằng kiếp phù du là thế.
6Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho một vài gang tấc,
kiếp sống này, Chúa kể bằng không.
Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở,
7thấp thoáng trên đường tựa bóng câu.
Công vất vả ngược xuôi: làn gió thoảng,
Ký cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng.”
8Giờ đây con biết đợi trông gì, lạy Chúa,
hy vọng của con đặt ở nơi Ngài.
9Xin giải thoát khỏi vòng tội lỗi,
đừng để kẻ ngu đần thoá mạ con.
10Con câm miệng chẳng nói chẳng rằng,
vì chính Chúa đã làm như vậy.
11Xin Ngài thôi đừng đánh con nữa,
tay Ngài giáng xuống, thân này nát tan.
12Chúa trị tội nhằm sửa dạy con người,
điều họ tha thiết, Ngài làm tiêu tan như mối đục,
thật con người chỉ như hơi thở.
13Lạy CHÚA, xin nghe lời con nguyện cầu,
tiếng con kêu cứu, xin Ngài lắng tai nghe.
Con khóc lóc, xin đừng làm ngơ giả điếc,
vì con là thân khách trọ nhà Ngài,
phận lữ hành như hết thảy cha ông.
14Xin ngoảnh mặt đi cho lòng con thanh thoả,
trước lúc thân này phải ra đi và không còn nữa.
[1] Nhóm tu nghiệp của chúng tôi gồm có 3 linh mục và 8 nữ tu đến từ nhiều quốc gia.
Lm. Trần Mạnh Hùng
Mercy Center, Colorado Springs
Thứ Ba, ngày 20 tháng 9 năm 2022
2022
Khi cha mẹ không lưu tâm đến việc dạy con cái về sự trung thực
Cách đây nhiều năm, tôi có đọc một câu chuyện được đăng trên khắp các mặt báo và đã để lại nơi tôi một ấn tượng rất sâu sắc. Một cậu bé mồ côi từ khi còn nhỏ sống ở quận Madison. Khi lên 9 tuổi, cậu được một người nông dân tên là Marquette, nhận nuôi từ một cô nhi viện ở Milwaukee. Một thời gian sau khi được chính thức sống trong gia đình mới, cậu bé có dịp quan sát và thấy nơi người mẹ nuôi có một số hành vi rất tệ hại, và cậu nghĩ rằng bổn phận của mình là phải cho người cha nuôi của mình biết. Nhưng người phụ nữ đã kịch liệt phủ nhận lời cáo buộc đến độ người chồng tin rằng vợ mình đã bị vu oan. Sau đó, bà khăng khăng cho rằng cậu bé phải bị trừng phạt cho đến khi cậu rút lại những gì đã nói về bà; Người chồng liền treo cậu bé lên xà nhà và cầm roi quất liên tiếp gần hai tiếng đồng hồ, đến nỗi máu chảy ròng ròng trên mặt đất.
Cuối cùng, ông ta dừng lại và hỏi cậu bé rằng liệu cậu có còn cố chấp với những gì mình đã nói không. Cậu bé đáp lại “Thưa bố, con đã nói sự thật, và con không thể rút lại bằng cách nói dối”. Không mảy may động lòng, người vợ tàn nhẫn một mực nói rằng người chồng phải tiếp tục điều mà bà ta gọi là bổn phận giáo dục đứa con nuôi này. Để rồi, những trận đòn lại bắt đầu với cơn thịnh nộ mới, và tiếp diễn cho đến khi cậu bé đáng thương hầu như bị kiệt sức. Với chút sức lực còn lại, cậu bé thống thiết nài xin: “Bố ơi, con sắp chết rồi! Con đã nói sự thật!” Ngay sau đó, cậu bé tắt thở. Tòa án ở Madison đã tiếp nhận vụ việc. Hai vợ chồng người nông dân lần lượt bị kết án tội bạo hành và giết người. Còn cậu bé đáng thương đã được xem như là vị tử đạo vì đã ra sức bảo vệ sự thật.
Có lẽ từ đâu đó, cậu bé mồ côi ấy đã được dạy về giá trị của sự thật, và điều này có ý nghĩa đối với cậu hơn cả chính mạng sống. Ngày nay, thật đáng tiếc, trẻ em không coi trọng sự thật như vậy; Trên thực tế, nhiều trẻ em được dạy nói dối bởi chính cha mẹ của chúng.
Trung thực là một phẩm chất đạo đức khiến người ta phải nói sự thật trong mọi hoàn cảnh. Sự trung thực loại trừ mọi hành vi đạo đức giả và hai mặt, cũng thế, nó hướng người ta đến việc trung thành thực hiện những lời hứa của mình. Nói dối, một cách cơ bản, được định nghĩa là cố ý nói ngược lại với lẽ phải. Dã tâm của việc nói dối nằm ở chỗ nó liên quan đến việc sử dụng khả năng tự nhiên theo cách trực tiếp trái ngược với chủ đích hoặc mục đích tự nhiên. Do đó, nói dối thực chất là tội lỗi và bị cấm bởi điều răn thứ tám và nhiều giáo huấn Kinh thánh khác. Chẳng hạn như Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau” (Ep 4, 25).
Không có cái gọi là kẻ nói dối bẩm sinh. Những kẻ dối trá được tạo ra chứ không phải được sinh ra. Nếu nhìn lại những ngày đầu tiên khi đức trẻ bắt đầu vận dụng trí khôn, cha mẹ sẽ thấy rằng, về bản chất, đứa trẻ luôn nói sự thật. Dần dà, có lẽ vì sự thiếu kiên nhẫn; sự thiếu hiểu biết về sự đồng cảm; cộng với sự thiếu óc tưởng tượng của cha mẹ, đứa trẻ bắt đầu nhận ra rằng tỉ lệ phần trăm về độ chính xác và sự thật ngày càng ít đi.
Ai cũng có thể nhận thấy rằng sự xuyên tạc là một điều luỹ tiến từ phía nhiều bậc cha mẹ. Sự xuyên tạc có thể được bắt đầu với câu chuyện về ông già Noel, về kiểu nói “Có ‘ông ngáo ộp’ trong tủ quần áo”, …. Có thể nói, những xuyên tạc ấy được thêu dệt với những nền tảng rất độc đáo.
Vậy phải làm sao, để có thể dạy con trẻ nói sự thật và tôn trọng sự thật?
Điều này phải được bắt đầu ngay từ những lời nói, hành vi của cha mẹ. Ví dụ:
Khi cha mẹ hứa sẽ để đèn trong phòng của trẻ khi trẻ đi ngủ, thì nên để đèn sáng. Nếu đã hứa “Mẹ sẽ ở ngay dưới nhà nếu con cần mẹ”, mà ngay sau đó, mẹ bỏ sang nhà hàng xóm ngồi tán gẫu. Nếu vậy, trẻ sẽ học trung thực như thế nào?
Khi đứa trẻ lớn hơn và xin vài ngàn để mua một cây kem và được nói rằng “Bố không có một đồng nào trong túi cả“, nhưng sau đó, người bố lại đưa tiền và sai đứa con đi mua cho mình bao thuốc lá! Có người nói dối ở đây, và đứa trẻ biết đó là ai!. Nếu một đứa trẻ được mẹ sai chạy ra cửa để trả lời rằng: “Mẹ cháu không có nhà”, trong khi đó, rõ ràng là người mẹ đang sấy tóc trong phòng! Vậy thì ai đang dạy ai nói dối?
Vấn đề càng trở nên tệ hại hơn, khi nhiều bậc cha mẹ làm cho việc nói thật trở thành một việc rất khó khăn.
Giả sử đứa trẻ vô tình làm vỡ chiếc bình mà bạn rất thích, và đứa trẻ sẵn sàng nhìn nhận hành động đó; thì cha mẹ cần khôn ngoan đủ để khen ngợi trẻ về sự trung thực và biết nhận lỗi, và sẵn sàng bỏ qua việc trẻ lỡ tay làm bể chiếc bình. Thật thế, chẳng có chiếc bình nào trên đời này xứng với giá của sự thật!
Còn nếu bạn ngớ ngẩn, đúng ra là ngu ngốc, để vung tay tát cho đứa trẻ, vì đã nói ra sự thật là nó làm bể chiếc bình. Rất có thể, từ rày về sau, để tránh bị la mắng hoặc đánh đập, đứa trẻ sẽ tìm cách nói dối! Nều đúng nhu thế, thì vô hình trung, bạn đã dạy cho con mình rằng nói ra sự thật lại rất rủi ro, vậy tại sao phải bận tâm?
Trong trường hợp khác, khi có bằng chứng cho thấy đứa trẻ nói dối, bạn liền nổi nóng, phùng mang trợn mắt để quát tháo, đe nẹt, thậm chí đánh đập đứa trẻ, thì đây thật sự là một cách rất kém để cho trẻ nhận ra hành vi sai trái của nó. Trái lại, bạn hãy bình tĩnh giải thích và cho trẻ hình dung là gia đình, thế giới sẽ rơi vào trạng thái khủng khiếp như thế nào nếu mọi người nói dối. Nhắc trẻ về điều răn thứ tám, không cho phép nói dối….
Ngoài ra, bạn cũng có thể kể cho trẻ về mẫu gương của những vị Thánh sống trung thực, mà Hạnh Thánh Anrê Avellino (1521-1608) là một ví được. Là người thông thái, có bằng cấp về luật dân sự, cha Avellino người bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một linh mục trạng sư ở Naples. Một ngày nọ, đang rất nóng lòng muốn thắng một vụ án, dù không quan trọng lắm, cha Avellino cho phép mình đưa ra một tuyên bố mà cha biết là sai sự thật. Sau đó, khi đọc Kinh thánh, cha bắt gặp những lời này trong sách Khôn ngoan 1, 11: “Ăn gian nói dối giết hại linh hồn”. Cha Avellino đã rất hối hận đến độ cha từ bỏ công việc của mình tại tòa án pháp luật để dành thời gian còn lại cho việc chăm sóc các linh hồn.
***
Ở một khía cạnh, con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ.
– Có những lời nói không đúng sự thật cha mẹ nói với con, nói trước mặt con mà cha mẹ tưởng là vô hại;
– Có những thói quen đi ngược lại những gì đã hứa với trẻ, mà cha mẹ tưởng là chuyện nhỏ, không quan trọng;
– Có những cách hành xử thiếu kiên nhẫn, thiếu tinh tế, đến độ độc đoán… mà cha mẹ cho là cần thiết khi dạy trẻ
thì lại đã trở thành nguyên cớ khiến trẻ không biết đâu là sự thật; nói sai sự thật; không dám nói sự thật.
Phải chăng, để trẻ dám nghĩ đúng, nói đúng, làm đúng với sự thật, với lẽ phải, với giới răn của Chúa, cha mẹ cũng hãy bắt đầu làm những điều đó ngay trong từng chi tiết của cuộc sống hàng ngày?
Lm. Charles Hugo Doyle
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
2022
5 Lý do nên đọc Lời Chúa hằng ngày
5 Lý do nên đọc Lời Chúa hằng ngày
Điều này phần nào cho thấy rằng hiện nay nhiều người, và đặc biệt là những người trẻ, đang tìm kiếm một thứ gì đó hơn nữa. Chúng ta tìm kiếm ý nghĩa, mục đích, điều mới lạ. Nói một cách căn bản hơn, chúng ta tìm kiếm một câu chuyện – một câu chuyện có thật – có thể giúp chúng ta hiểu tại sao thế giới lại như vậy, và chúng ta đang đứng ở đâu trong thế giới ấy. Là một người Công giáo, tôi tin rằng Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta câu chuyện có thật đó, vì vậy đây là 5 lý do tại sao chúng ta nên đọc Kinh Thánh hằng ngày.
1. Lời Chúa dạy chúng ta về chúng ta là ai
Ngày nay, sống trong một thế giới có quá nhiều sự mồ côi về thể chất và tinh thần, không ít người trong chúng ta thấy bối rối khi không biết mình là ai, và mình ở đây để làm gì. Là Lời thánh và được linh hứng từ Thiên Chúa, Kinh Thánh giúp chúng ta giải đáp những khát vọng sâu xa nhất trong lòng mình. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 1, 27), và Thiên Chúa yêu chúng ta nhiều đến nỗi, dù chúng ta có làm gì, thì vẫn chẳng bao giờ có thể thoát khỏi sự hiện diện của Ngài (Tv 139, 9-10). Kinh Thánh dạy chúng ta rằng căn tính của chúng ta không phụ thuộc vào địa vị xã hội, hoàn cảnh gia đình, sự giàu có, sức khỏe thể chất, hoặc thành tích của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta được xác định, trước hết và trên hết, bởi tình yêu của Chúa Cha dành cho chúng ta. Ngài là Đấng ban tặng cho chúng ta căn tính, và mạc khải về ý nghĩa cuộc đời của chúng ta.
2. Lời Chúa đòi hỏi chúng ta nên trọn vẹn hơn
Với quá nhiều sai lạc đang diễn ra trong Giáo hội và trên thế giới khiến người ta dễ cảm thấy tuyệt vọng. Đôi khi chúng ta có thể tự hỏi liệu sự thánh thiện có thực tế không, có lẽ đừng bận tâm đến ước muốn nên thánh nữa. Tuy nhiên, bài học quan trọng mà Kinh Thánh đem lại cho chúng ta đó là nên thánh không chỉ là điều khả thi mà còn là điều cốt yếu! Trong Bài giảng trên núi, Đức Giêsu đưa ra lời mời gọi và yêu cầu: “Các con hãy nên hoàn thiện, như Cha các con trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Từ “hoàn thiện” trong tiếng Hy Lạp trong ngữ cảnh này là teleios, có liên quan đến từ “teleological” trong tiếng Anh, nhằm nói đến mục đích hoặc mục tiêu. Nói cách khác, khi mời gọi chúng ta nên hoàn thiện, Đức Giêsu thực sự đòi hỏi chúng ta nên hoàn thiện đúng với con người mà chúng ta được dự định để trở thành. Việc đọc Lời Chúa mỗi ngày giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của việc trở nên môn đệ trọn vẹn hơn của Đức Giêsu Kitô, và một phiên bản trọn vẹn hơn của chính mình.
3. Lời Chúa chứa đựng sức mạnh thiêng liêng đích thực
Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái mô tả Sách Thánh là “lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi” (Dt 4, 12). Có lẽ đôi khi chúng ta rất khó để tin vào điều này, nhất là khi chúng ta thường xuyên tham dự Thánh lễ trong nhiều năm, và có cảm giác như chúng ta đã nghe những câu chuyện giống nhau hàng nghìn lần trước đây. Nhưng thường thì hội chứng “quen quá hoá nhàm” này là triệu chứng của sự lười biếng nghiêm trọng về mặt thiêng liêng và trí tuệ của chúng ta. Sự thật là Lời Chúa luôn sống động và hoạt động, và nếu chúng ta dành cả cuộc đời để đọc và nghiên cứu thì cũng chỉ mới tiếp xúc được với bề mặt của chiều sâu và sức mạnh khôn lường của nó. Việc nuôi dưỡng thói quen tiếp xúc với Kinh Thánh hằng ngày giúp chúng ta nhận ra thực tế này, và nhắc nhở chúng ta rằng, nếu chúng ta muốn thay đổi cuộc đời của mình, và thậm chí muốn thay đổi thế giới, chúng ta cần bắt đầu bằng việc lắng nghe những gì Thiên Chúa nói với chúng ta.
4. Lời Chúa đưa ra phương thuốc chữa trị đối với sự hỗn loạn của thế giới
Với quá nhiều hỗn độn, tuyệt vọng, và chia rẽ trong thế giới ngày nay, Lời Chúa mang lại một ốc đảo của bình an và niềm vui mà tự thâm sâu ai trong chúng ta cũng khao khát. Một trong những điều tuyệt vời về Sách Thánh đó là Lời Chúa không bao giờ là một thực tại đường mật. Bạn chỉ cần nhìn vào hình ảnh của ông Gióp trong Cựu Ước, hoặc đồi Can-vê trong Tân Ước, để nhận ra vấn đề. Kinh Thánh là một bộ sưu tập sách trọn vẹn về con người theo cùng một cách mà Đức Giêsu là một con người trọn vẹn. Kinh Thánh đi vào tình trạng hỗn độn của thế giới, giống như Đức Kitô đón nhận sự hỗn loạn của nhân loại. Giống như Đức Kitô, Kinh Thánh cũng chứa đựng điều thánh thiêng bên trong, và đó là điều khiến Kinh Thánh trở nên thật phi thường. Việc đọc Lời Chúa giúp lấp đầy chúng ta với đức cậy vô song của Kitô giáo. Đức cậy mang lại cho chúng ta viễn cảnh về cuộc sống phong phú hơn nhưng không lạc quan ngây thơ, vì nhận ra rằng hành trình dương thế của chúng ta có thể gian nan, nhưng vì biết được đích đến của mình, nên những đau đớn, khổ sở có giá trị nhất định của nó, và Kinh thánh luôn có đó để dạy chúng ta về điều này.
5. Lời Chúa giúp chúng ta gặp gỡ Con người Đức Kitô
Việc hằng ngày tiếp xúc với Lời Chúa được viết ra giúp chúng ta gặp gỡ Lời hằng sống của Thiên Chúa – Đức Giêsu Kitô – trong cầu nguyện và trong Thánh Thể cách trọn vẹn hơn. Dom Celestin Charlier, một tu sĩ Biển Đức người Pháp, từng nói rằng trong kinh nghiệm hằng ngày của chúng ta như là Kitô hữu, Thánh Thể là sự sống, và Sách Thánh là ánh sáng. Chúng ta không thể coi nhẹ cái này hay cái kia. Bằng việc kết hợp cả hai, chúng ta mở lòng để tiếp cận Đức Giêsu theo những cách thức mới mẻ và thú vị. Giống như bất kỳ người bạn thân thiết nào, Đức Giêsu muốn lắng nghe những nhu cầu của chúng ta, nhưng hơn thế, Người cũng muốn đáp ứng những nhu cầu đó bằng cách chia sẻ trái tim của Người cho chúng ta. Đắm mình hằng ngày trong Lời Chúa là một trong những cánh cửa thiết yếu dẫn chúng ta đến trái tim tràn đầy tình yêu ấy.
Tác giả: Clement Harrold
Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP – Dòng Đa Minh Thánh Tâm
2022
10 phương thế để hoàn thiện cuộc sống hôn nhân
10 phương thế để hoàn thiện cuộc sống hôn nhân
Gia đình là nền tảng cơ bản của xã hội, theo đó, lịch sử và văn minh nhân loại phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển lành mạnh của gia đình. Lịch sử thế giới cho thấy rằng các đế chế và nền văn minh hùng mạnh sụp đổ và tan rã cùng chiều hướng với sự suy yếu của gia đình.
Một gia đình đích thực, trong mắt Thiên Chúa, bao gồm sự kết hợp giữa người nam và người nữ, được chúc phúc và thánh hóa qua Bí tích Hôn phối. Theo chương trình của Đấng Tạo hoá, một trong những mục đích chính của Hôn nhân Thánh là sự sinh sản con cái.
Một khi đứa trẻ được thụ thai và sinh ra, nhiệm vụ hệ trọng của cha mẹ là truyền cho trẻ đức tin về sự hiện diện của Thiên Chúa, bắt đầu bằng việc chịu Phép Rửa. Đồng thời, theo dòng thời gian, cha mẹ cần tiếp tục nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái trong sự hiểu biết, yêu mến Thiên Chúa qua việc chuẩn bị cho trẻ lãnh nhận các Bí tích — đặc biệt là Bí tích Giải tội, Thánh Thể, và Thêm sức.
Nói cách khác, bổn phận chính yếu của cha mẹ trên bình diện siêu nhiên là dọn đường để một ngày nào đó con cái của họ sẽ là cư dân vĩnh viễn của NướcTrời. Để làm được điều này, cha mẹ cần phát triển tình yêu của họ dành choThiên Chúa, dành cho nhau, và dành cho con cái. Nhờ đó, họ hình thành một gia đình lành mạnh, thánh thiện, và gương mẫu để con cái có thể băng qua, như một cây cầu, bắc từ trái đất đến trời cao. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cóđược một gia đình gương mẫu và thánh thiện là điều không đơn giản, nếu không muốn nói là rất khó.
Dưới đây là 10 gợi ý cụ thể, giống như bàn đạp tích cực, giúp bậc cha mẹ bay lên cao và đưa con cái mình trên đôi cánh đại bàng đến với vòng tay yêu thương của Cha trên trời.
- Cầu nguyện
Hãy cầu nguyện cho người vợ / chồng và gia đình bạn hàng ngày. Ngoài ra, hãy xin lễ cầu nguyện cho người phối ngẫu ít nhất 2 lần 1 năm: vào ngày sinh nhật của họ và ngày kỷ niệm Thành hôn.
- Tha thứ
Hãy quảng đại tha thứ cho những yếu đuối, thiếu sót của nhau. Đừng ngại ngần để nói với nhau: “Anh/ em yêu em/ anh; Hãy tha thứ cho anh/ em; Anh/ em tha thứ cho em/ anh!”
- Giận dữ / Phẫn nộ
Kinh Thánh khuyên chúng ta: “Đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4, 26). Nếu có cãi vã, bất đồng, bất hòa, hãy chắc chắn rằng bạn không để sự giận hờn kéo dài tới giờ ngủ đêm. Nếu không, sự tức giận sẽ biến thành oán giận, lạnh lùng và cay đắng, và thậm chí trở thành hận thù. Hãy nhớ lời Chúa Giêsu dạy: “Nếu khi sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5, 23-24); cũng đừng quên Lời Kinh chúng ta đọc thường ngày “… xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…” (x. Mt 6, 12). Nhà thơ Công giáo người Anh, Alexander Pope, nói thêm: “Sai lỗi là của con người; để tha thứ, cầnđến sức mạnh của thần linh”.
- Hành động tử tế mỗi ngày
Mỗi tối trước khi đi ngủ, hãy lập kế hoạch để thực hiện một vài hành động bácái nho nhỏ để ngày hôm sau người vợ/chồng của bạn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ hơn.
- Làmmới lại tuần trăng mật
Thỉnh thoảng bạn nên dành thời gian cho vợ / chồng để có thời gian trò chuyện, chia sẻ, và đồng cảm với nhau. Đơn giản là ra khỏi sự bận bịu với công việc, con cái để vợ chồng tận hưởng những giây phút riêng tư, lãng mạn với nhau.
- Cầu nguyệncùng nhau
Lời khuyên của Đức Hồng y Fulton Sheen trong tác phẩm “Cuộc hôn nhân Ba người” đó là: Người chồng, người vợ, và Thiên Chúa! Hãy cầu nguyện cùng nhau như một cặp vợ chồng và như một gia đình. Lời của linh mục Patrick Peyton nổi tiếng về Kinh Mân Côi rất xác thực: “Gia đình cầu nguyện cùng nhau, ở lại cùng nhau”.
- Thường xuyên khen ngợi nhau
Sống trong một thế giới khi người ta dễ dàng và thường xuyên chỉ trích, tấn công người khác cả về thể chất lẫn lời nói, chúng ta cần đi theo hướng ngược lại đó là cố gắng nhận ra những đức tính, những điều tốt, và dành cho người bạn đời những lời khích lệ, khen ngợi chân thành. Nói cách khác, đừng bao giờ xem những cố gắng, đóng góp đang thực hiện hàng ngày của nhau là điều hiển nhiên. Ví dụ, hãy nhìn nhận, tán dương, và biết ơn về sự vất vả của người vợ đã chuẩn bị bữa ăn, sự khó nhọc của người chồng đã lo trang trải các chi phí trong gia đình…
- Dànhngày tĩnh tâm cho Gia đình
Mỗi tháng một lần, hãy dành thời gian để nạp năng lượng tinh thần và hoạt động xã hội cho cả gia đình. Một cách cụ thể, chẳng hạn, cả nhà cùng đi xưng tội, dự Thánh lễ và Rước lễ; cùng nhau lần chuỗi Mân Côi. Sau đó, là cùng ăn chung, trò chuyện, vui chơi thoải mái với nhau.
- Họp mặt gia đình
Có thể thực hiện điều này trong ngày tĩnh tâm hàng tháng của gia đình với những việc cụ thể như: Sau khi cầu nguyện, cha mẹ bắt đầu với việc khen ngợi con cái về những điều tốt đẹp chúng đã làm được trong tháng qua. Tiếp đến, cha mẹ khiêm tốn hỏi con cái xem mình nên điều chỉnh/ thay đổi điều gì để cải thiện cuộc sống gia đình. Ngoài ra, cha mẹ có thể chỉ ra những gì mà con cái cần làm để nên tốt hơn. Để được như vậy, rất cần sự khiêm tốn, trung thực và dũng cảm nhưng lại là một công cụ rất hiệu quả để cải thiện khả năng giao tiếp,và hiểu nhau giữa các thành viên trong gia đình.
- Hãy là một người Samaritanô tốt lành
Giống như Chúa Giêsu, qua hình ảnh người Samaritanô nhân hậu đã nâng đỡ nạn nhân nằm dở sống dở chết bên vệ đường, người vợ/ chồng cũng được mời gọi để trở thành người Samaritanô tốt lành ngay trong gia đình. Để được như vậy, thay vì mong muốn và đòi hỏi được phục vụ, cung phụng, và trở thànhtrung tâm của sự chú ý, bạn hãy cố gắng giúp đỡ, chia sẻ và phục vụ vợ / chồng và các thành viên khác trong gia đình cách chân thành, vui tươi, và quảng đại. Điều này chắc chắn sẽ tạo nên sự khác biệt!
Chắc chắn, 10 gợi ý trên đây không dễ dàng khi thực hiện, nhưng với thiện chí và cố gắng mỗi ngày, theo gương Thánh Gia, bậc cha mẹ sẽ từng bước phấn đấu nên thánh trong cuộc sống này và dẫn gia đình đạt tới mục tiêu vĩnh cửu là Thiên đàng.
Lm. Ed Broom, OMV
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP lược dịch