2022
6 cách giúp trẻ sống đức tin mỗi ngày
6 cách giúp trẻ sống đức tin mỗi ngày
6 CÁCH GIÚP TRẺ SỐNG ĐỨC TIN MỖI NGÀY
Cecilia Pigg
Làm sao để giúp một đứa trẻ nhận biết cuộc sống hiện tại là một món quà, nhưng cuộc sống vĩnh cửu mới là mục tiêu?
Qua kinh nghiệm bản thân, tôi nhận ra rằng trẻ em có đức tin rất mạnh mẽ, và tôi đã học được từ nơi chúng những bài học rất đơn sơ, cụ thể, nhưng lại rất rõ nét. Đây là một trong những câu chuyện của tôi.
Số là có một lần, từ trên lầu bước xuống dưới nhà, tôi ôm đầu và hoảng hốt la lên: “Chết rồi, mẹ để lẫn chùm chìa khóa ở đâu, mẹ tìm hoài không thấy!” Đứa con mới biết đi của tôi, vốn rất thích vứt đồ đạc vào thùng rác, đưa mắt nhìn tôi và nở nụ cười rất ngây ngô, như thể muốn nói với tôi rằng: “Con cũng chẳng biết chúng ở đâu cả!” “Phen này thì mấy mẹ con sẽ phải ăn trưa trễ mất thôi!”, tôi vừa lục soát khắp căn nhà, vừa lằm bằm…
Khi thấy sự căng thẳng của tôi như càng lúc càng tăng, thì giọng của đứa anh phát ra từ tầng dưới, cắt đứt trạng trái đang đầy lo lắng của tôi, “Mẹ đừng lo! Con sẽ nói chuyện với Thánh Antôn! Xin ngài ghé mắt lại đây, và sẽ chẳng có thứ gì đó bị mất mà lại không thể tìm thấy! Xin ngài giúp chúng con tìm thấy chìa khóa của Mẹ!”
Và thật, như rất trùng hợp, chỉ vài phút sau đứa anh 5 tuổi cầu nguyện, thì đứa em 1 tuổi đã phát hiện ra chùm chìa khóa nằm trong thùng đồ chơi lego! Và lúc này, một lần nữa, đứa anh cất tiếng, “Đấy, mẹ thấy chưa! Con biết là thế nào chúng ta cũng sẽ tìm thấy chùm chìa khoá mà!”. Khi lên xe để đi ăn trưa, tôi thầm cảm ơn Chúa về món quà đức tin của trẻ thơ.
Nếu vững tin vào Chúa, chúng ta sẽ luôn cảm nhận được sự hiện diện của Ngài trong từng chi tiết của cuộc sống, và nhất là, chúng ta nhận ra rằng thế giới này không phải là mục đích. Dù tin như thế, nhưng làm sao để chúng ta cũng giúp cho con cái mình khám phá ra sự thật này: cuộc sống hiện tại là một món quà nhưng cuộc sống vĩnh cửu mới là mục tiêu của chúng ta?
Sau đây là một vài cách thiết thực mà tôi đã thu thập được để giúp con tôi nhớ rằng thế giới này không phải là tất cả.
- Lời chào Chúa Giêsu vào buổi sáng
Chúng tôi có treo một cây thánh giá trên tường gần bàn ăn, và mỗi buổi sáng khi đi ngang qua đó để tới bàn ăn, tôi luôn cầu nguyện tự phát một cách ngắn gọn: “Con chào Chúa Giêsu buổi sáng!”. Tôi cảm ơn Người về giấc ngủ đêm qua và một ngày mới vừa đến. Chúng tôi luôn cầu nguyện trước bữa ăn, nhưng tôi muốn các con mình có thể bắt đầu một ngày với lòng biết ơn, và trò chuyện với Đấng yêu thương chúng một cách đơn sơ, chân thành. Ngoài ra, tôi cũng nhận ra rằng, càng thoải mái khi trò chuyện với Chúa Giêsu, thì chúng ta sẽ càng thoải mái hơn khi nói về Người.
- Dành thời gian đi bộ đường dài
Trong suốt mùa thu và mùa xuân, chúng tôi cố gắng đi bộ một quãng dài hằng tuần vào Chúa nhật. Thành phố nơi chúng tôi sống có nhiều con đường mòn và công viên tự nhiên, do đó, khi đi bộ như thế, ngoài việc cung cấp thời gian chất lượng tốt cho gia đình, và lợi ích của việc tập thể dục, chúng tôi cũng có dịp để chiêm ngưỡng và tận hưởng vẻ đẹp của thế giới xung quanh.
Tôi muốn nuôi dưỡng tinh thần kính trọng và sự ngạc nhiên nơi các con, vì đây là những đức tính mà tôi cho rằng sẽ lưu lại trong tâm hồn chúng suốt quãng đời còn lại. Nếu bạn có thể ngạc nhiên khi nhìn thấy một con chim ưng xinh đẹp cất tiếng kêu từ một lùm cây; hoặc khi bạn thấy một cánh đồng cỏ bát ngát đung đưa trong gió, thì sự ngạc nhiên sẽ dễ dàng trở thành bản tính thứ hai để bạn biết sống trong sự kính sợ và biết ơn đối với Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng mọi thứ trên trần gian này.
- Nghe kể Hạnh các Thánh
Khi đi xe, chúng tôi thích nghe những băng và đĩa CD về Hạnh các Thánh. Đó là những câu chuyện về những người yêu mến và trung thành bước theo Chúa trong bối cảnh cụ thể riêng của từng người. Tôi muốn cho bọn trẻ biết và học được từ những mẫu gương tốt, và liệu ai có thể tốt hơn các vị Thánh?
- Cầu nguyện cho những người mà chúng ta giúp đỡ
Bất cứ khi nào nhìn thấy một người cầm tấm bảng xin giúp đỡ bên đường, chúng tôi thường cố gắng đưa cho họ một thứ gì đó — có khi là chút tiền, hoặc một túi đồ ăn nhẹ, hoặc một chai nước và một hình thánh. Chúng tôi không bao giờ quên để hỏi tên của họ. Sau đó, chúng tôi không chỉ cầu nguyện cho họ khi tiếp tục hành trình của mình, mà còn nhớ đến họ trong lời cầu nguyện trước khi đi ngủ nữa. Khi làm như thế, chúng ta có thể thi hành lời dạy của Chúa Giêsu một cách cụ thể đó là “Hãy cho kẻ đói ăn”. Hơn nữa, chúng ta còn được nhắc nhớ rằng, những người ấy, họ không chỉ đói cơm bánh, nhưng vì được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên dưới nhiều hình thức, họ cũng khao khát tình yêu của Thiên Chúa.
- Viếng các nghĩa trang
Viếng nghĩa trang là một cách đơn giản để nhớ rằng cuộc đời trần thế sẽ kết thúc, và vào một ngày nào đó, chúng ta sẽ lìa đời. Do đó cái chết, dù là sự mất mát, đau thương, nhưng lại là lối dẫn chúng ta bước vào cuộc sống vĩnh hằng. Chúng tôi thường lái xe hoặc rảo bộ tới các nghĩa trang gần nhà, đi vòng quanh và đọc tên trên các ngôi mộ. Sau đó, trên đường rời khỏi đó, chúng tôi cầu nguyện cho tất cả những người trong nghĩa trang, và nhất là những người mà chúng tôi đã đọc tên của họ.
- Giảm bớt và chia sẻ
Trong lối sống hiện đại, chúng ta rất dễ bị phân tâm bởi những gì chúng sở hữu. Đôi khi đó là chiếc điện thoại, chiếc máy tính xách tay, quần áo, những cuốn sách, và thậm chí chiếc mền mình yêu thích… Và khi tất cả những gì chúng ta có thể nghĩ tới chỉ là những thứ vật chất, thì việc nghĩ tới những điều thực sự quan trọng sẽ khó hơn rất nhiều. Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng thường xuyên dọn dẹp và kiểm tra vật dụng, quần áo, sách vở, đồ chơi… trong nhà, và tự hỏi bản thân và con cái rằng, “Chúng ta có thực sự đang cần những thứ này không?” hoặc “Liệu có ai khác cần đến những thứ này hơn tôi không?” Từ đó, chúng ta sẽ biết cách để điều chỉnh nhu cầu của mình hoặc sẵn lòng để chia sẻ những gì mình có với người khác.
***
Chỉ với những cách thức đơn giản, thiết thực và cụ thể như thế, hy vọng chúng ta không chỉ nhắc mình, mà còn hướng dẫn, dạy dỗ con cái sống đức tin “giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian” khi cố gắng sống thánh thiện, sống ý nghĩa, và sống liên đới với Thiên Chúa và với người khác mỗi ngày.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
2022
4 Lý do cần thiết để dạy cho con cái bạn về các thánh
4 Lý do cần thiết để dạy cho con cái bạn về các thánh
4 LÝ DO CẦN THIẾT ĐỂ DẠY CHO CON CÁI BẠN VỀ CÁC THÁNH
Cerith Gardiner
– Hãy tận dụng một trong những món quà có ý nghĩa nhất của Giáo Hội để giúp con cái bạn nuôi dưỡng đức tin suốt đời.
Dẫu rằng Giáo Hội Công Giáo có một số phương cách để dạy chúng ta về đức tin, nhưng đôi khi để trẻ em thực sự hiểu được ý nghĩa của Tin Mừng thì vẫn có thể còn là một thách thức, ngay cả khi chúng đang tham dự các lớp học giáo lý.
Tuy nhiên, trẻ em thường học biết cách tốt nhất thông qua việc noi gương bắt chước, và đây là nơi mà Giáo Hội có một công cụ mạnh mẽ khác: đó là nơi rất nhiều các vị thánh của mình. Dưới đây là một vài lý do tại sao các anh chị em đã đi trước chúng ta lại có vai trò quan trọng trong việc định hình đức tin cho con cái chúng ta:
Các thánh có sự đồng cảm
Tất nhiên, đọc kinh và học biết về các Tin Mừng là điều quan trọng. Nhưng tương tự như thế, các câu chuyện ngụ ngôn cũng là một cách thế tuyệt vời để đào sâu một thông điệp. Tuy nhiên, nếu bạn nhìn vào cuộc sống của trẻ em ngày nay, chúng khác xa so với thời điểm mà những bản văn cổ xưa này được viết ra.
Nhưng các vị thánh hiện đại lại có thể mang lại cho trẻ em một điều đó đáng tin cậy. Hãy chọn lấy một trong những vị hầu như được xem là thánh gần đây nhất của chúng ta, Chân phước Carlo Acutis, một cậu bé 15 tuổi mang đồ của hãng Nike, yêu thích Pokemon, người đã dâng mình cho Thiên Chúa và hết lòng đối với Thánh Thể. Cậu không chết một cái chết của bậc anh hùng tử đạo, mà là từ một căn bệnh mà rất nhiều thanh niên ngày nay có thể đã chứng kiến trong gia đình mình. Cậu là người mà những người trẻ có thể kết giao.
Tuy nhiên, không nhất thiết phải là vị thánh hiện đại nhất. Đó có thể là một vị thánh có cùng chia sẻ đam mê với con cái bạn, hoặc một vị thánh cùng quê hương. Thậm chí có thể là một vị thánh có cùng tên gọi. Chỉ là hãy giúp con cái bạn gắn bó với một hoặc hai vị thánh mà chúng cảm thấy có liên hệ với mình.
Các thánh trở nên người bạn đức tin suốt đời
Mặc dù có vô số vị thánh để tìm hiểu, nhưng đôi khi bạn chỉ cần một vị thánh đặc biệt để cảm thấy gần gũi và để tìm đến trong những lúc lo âu và vui mừng.
Đối với một đứa trẻ, thật tuyệt vời khi tìm thấy một vị thánh mà chúng đặc biệt bị cuốn hút. Bạn có thể khuyến khích chúng tìm hiểu thêm về vị thánh đó; vị thánh đó đã làm gì trong cuộc đời và tại sao ngài sẽ luôn ở bên cạnh con cái bạn.
Điều thú vị là khi con bạn lớn lên, chúng có thể sẽ hiểu biết và nhận thức sâu sắc hơn vị thánh của mình. Mối tương quan của con cái bạn và vị thánh đó có thể thực sự nảy nở theo độ tuổi, giống như đức tin của chúng vậy.
Các thánh là những gương mẫu hoàn hảo
Một trong những điều tuyệt vời nhất về con số to lớn các vị thánh mà chúng ta nhận biết là các ngài đã sống một số cuộc đời thực sự thú vị. Một số được sinh ra để dành trọn cho Thiên Chúa. Một số khác sau này mới tìm gặp đức tin của mình, và khi họ làm vậy, họ toát lên một đời sống gương mẫu.
Dù con bạn học hỏi về vị thánh nào đi nữa, thì chắc chắn chúng sẽ có được một số gương mẫu tuyệt vời để noi theo.
Các thánh nhắc nhở chúng ta luôn sống trong hy vọng
Bằng cách tìm hiểu về các vị thánh khác nhau, trẻ em được đi dạo qua lịch sử và những bất công khác nhau đã từng tồn tại. Điều mà chúng sẽ nhận thức được chính là không một vị thánh nào trong số đó quay lưng lại với Thiên Chúa, bất chấp những khó khăn mà các ngài phải đối mặt.
Và đó là một thông điệp tốt đẹp cần được củng cố thường xuyên. Khi cuộc sống của chúng ta tràn ngập trong sợ hãi và nghi ngờ, nếu bạn đi theo con đường của những người nam và người nữ thánh thiện này thì sẽ luôn có hy vọng.
Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Chuyển ngữ từ: Aleteia
2022
Kỹ năng giao tiếp mang lại sự bình an cho ngôi nhà của bạn
Kỹ năng giao tiếp mang lại sự bình an cho ngôi nhà của bạn
KỸ NĂNG GIAO TIẾP MANG LẠI SỰ BÌNH AN CHO NGÔI NHÀ CỦA BẠN
Bénédicte de Dinechin
Cách giao tiếp không bạo lực của Marshall B. Rosenberg (Marshall B. Rosenberg’s nonviolent communication – NVC) đang cho thấy hiệu quả trong việc giải quyết rất nhiều mâu thuẫn lớn nhỏ trong gia đình.
Trong cuộc sống, đôi khi bạn thấy mình dễ dàng cáu giận với vợ/ chồng hay con cái của bạn, và chính bạn tạo ra sự căng thẳng cho gia đình? Chắc chắn bạn không phải là trường hợp duy nhất! Vậy liệu có cách nào giúp đem lại bình an và hòa hợp nhằm sinh ích cho chính bạn và cho những người bạn yêu thương không?
Có thể bạn nên nghĩ đến cách giao tiếp không bạo lực. Nó đặc biệt hữu dụng trong bối cảnh gia đình để giúp các thành viên trong gia đình giao tiếp hiệu quả và làm cho sự bình an ngự trị trong gia đình. Thật là quá tốt nếu điều này trở thành sự thật! Chúng tôi đã có những trao đổi với những người đã trải nghiệm và kết quả rất đáng khích lệ.
Lý thuyết về giao tiếp không bạo lực, được phát triển bởi nhà tâm lý học Marshall B. Rosenberg vào đầu những năm 1970 mang lại cho chúng ta khả năng thay đổi ngôn ngữ và cách thức tương tác với nhau, và thực hành việc giao tiếp với lòng nhân hậu, và nhờ đó, truyền cảm hứng tốt lành cho những người khác.
Tất cả được bắt đầu với nguyên tắc cơ bản của giao tiếp không bạo lực: cần nhận ra những nhu cầu của riêng bạn và chịu trách nhiệm về chúng, và không bắt buộc người khác chịu trách nhiệm cùng. Cần có sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và lý trí, điều này đã được phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, và nó có thể thay đổi mối tương quan trong gia đình theo đúng nghĩa đen.
Khi được dạy tại các trung tâm dành cho thanh thiếu niên, lý thuyết về giao tiếp không bạo lực đã đón nhận những phản ứng trái chiều trong các em. Một số em coi đó là điều quá ngây thơ, trong khi những em khác xem nó thật sự hữu ích. Nó giúp cho các em có một phương pháp để nói cho cha mẹ các em biết rằng cha mẹ đang gây khó chịu cho các em, mà không cần phải nói cho cha mẹ biết cha mẹ chính là điều khó chịu đối với các em. Qua đó, lý thuyết này cho phép những đứa trẻ giao tiếp với cha mẹ mà không hề có sự gây hấn, ngay cả lúc chúng đang bị đe dọa tước điện thoại đi khỏi chúng – ai trong chúng ta cũng cảm nhận được sự khó chịu khi bị tách biệt khỏi điện thoại của mình.
Tuy nhiên, nhờ giao tiếp không bạo lực, những cuộc giao tiếp thường kết thúc trong tiếng la hét hay những cánh cửa bị đóng sầm lại, thì giờ đây được giải quyết trong bầu khí tĩnh lặng, nhờ vào bốn chữ cái có sức mạnh kỳ diệu: O – Observation (việc quan sát), F – Feelings (những cảm xúc), N – Needs (những nhu cầu), R – Request (yêu cầu). Sau đây là một ví dụ tuyệt vời áp dụng 4 chữ trong câu của cô vợ nói với chồng: “Khi anh đi làm về và anh thấy em đang dùng điện thoại thì anh bảo em dừng lại. Em cảm thấy khó chịu và buồn về điều đó. Em cảm thấy bị hiểu lầm và đối xử không đúng. Em cần anh tin tưởng em hơn!” Bốn chữ cái này và mô hình nó miêu tả đã giúp thay đổi cuộc sống của hàng ngàn người biết áp dụng phương pháp giao tiếp không bạo lực. Và ngay cả khi không giữ được sự tinh tế của “ngôn ngữ hươu cao cổ – ngôn ngữ của trái tim” thường được dùng trong việc huấn luyện giao tiếp không bạo lực, thì mọi người cũng có thể khám phá ra một sự thật cơ bản giúp thay đổi cuộc sống, đó là: thay vì tôi cảm thấy lệ thuộc vào người khác, thì tôi phải chú tâm vào nhu cầu bản thân và có trách nhiệm đối với nhu cầu đó.
Một phương pháp phù hợp cho lứa tuổi (từ 7 tuổi đến 77 tuổi)
Không cần phải có khả năng nghiên cứu để trải nghiệm phương pháp giao tiếp không bạo lực trong chính gia đình bạn. Đây là một giải pháp tuyệt vời cho một cơn giận dữ vô ích; ngay từ khi còn bé, trẻ em có thể học cách bày tỏ nhu cầu của mình. Rosenberg trình bày một “bảng liệt kê các nhu cầu”, tất nhiên là bảng này không bao gồm tất cả nhu cầu của con người. Trang web “The Center for Nonviolent Communication” liệt kê chủ yếu vào 7 nhu cầu sau:
– Kết nối (chấp nhận, cảm thông, hòa đồng, yêu thương, chăm sóc, etc.)
– Sức khỏe thể chất (thực phẩm, không khí, thể dục, giấc ngủ, nước….)
– Sự trung thực: (chính xác, thanh liêm…)
– Vui chơi: (vui vẻ, hài hước)
– Sự hòa thuận: (vẻ đẹp, bình đẳng, sự hài hòa, nguồn cảm hứng…)
– Quyền tự chủ: (tự do, lựa chọn, độc lập…)
– Ý nghĩa: (nhận thức, thách đố, sáng tạo, hy vọng, học hỏi, tâm linh…)
Trước đây, từ “cút đi!” không quá xa lạ trong ngôi nhà của Mélanie, một người dân Paris, mẹ của hai đứa trẻ 11 và 14 tuổi. Tuy nhiên, giờ đây chúng đã được thay thế với những lời cắt nghĩa khác như: “Khi mẹ đang làm bánh pancake và con đứng sau mẹ, mẹ sẽ cảm thấy căng thẳng, vì mẹ sợ con sẽ cù léc mẹ nhột. Con có thể ra ngoài được không?” Rất khó để tin vào hiệu quả của những lời này? Với Melanie cũng vậy, nhưng hiệu quả là có thật. Malanie thú nhận: “Một ngày nọ, có một cuộc tranh cãi xảy ra dữ dội, vào buổi tối, trong cơn thịnh nổ, tôi đã ném mọi thứ từ trên bàn của con trai tôi xuống sàn nhà. Tôi đã không thể đương đầu thêm với mớ hỗn độn. Thảm họa đã xảy ra sau đó: Dây điện của chiếc đèn đã kéo bể cá khỏi chiếc bàn… Khi tôi thấy mình bò trên sàn, cố gắng cứu con cá vàng, trong khi đó với khuôn mặt hóa đá của những đứa trẻ đang nhìn chằm chằm vào tôi. Sau đó, tôi nghĩ, tôi phải làm gì đó. Tôi đã tham gia một khóa học bốn ngày liên quan đến quản lý xung đột với một tổ chức truyền thông giao tiếp. Từ đó, chúng tôi nói chuyện với nhau mọi lúc, khi tôi nói quá nhiều, lũ trẻ cười nhạo tôi, nhưng tôi đã thay đổi: Tôi không còn mất bình tĩnh khi ở nhà với chúng và lũ trẻ đã tiếp thu những gì tôi muốn truyền đạt cho chúng.”
Một công cụ tạo ra một sự khác biệt thực sự
Florence Peltier, một nhà tư vấn hôn nhân và gia đình, sử dụng công cụ không bạo lực thường xuyên trong khi tư vấn, và cô ấy nhận thấy hiệu quả của chúng trong việc phá vỡ những bế tắc hoặc khôi phục mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong tình huống tích cực. Cô ấy đã đưa ra một dẫn chứng về một người chồng hay chỉ trích vợ mình. Phương pháp giao tiếp bất bạo động giúp anh ta nhận ra mâu thuẫn trước đây bởi vì cô ấy không đánh giá cao về anh ta, và từ đó sự đợi chờ của anh ta với vợ trở nên viển vông; cô ấy không thể là người khích lệ anh trong mọi lúc.
Sau đó, anh ta bắt đầu chịu trách nhiệm về những nhu cầu cá nhân, và cũng bắt đầu thực hành để nâng cao lòng tự trọng bản thân. Điều này cho phép anh khám phá lại mối tương quan trưởng thành hơn với vợ anh ta, thay vì suốt ngày than vãn như thanh niên bị khủng hoảng cuộc sống, một cuộc sống thiếu ý nghĩa. Bên cạnh đó, một vị khách khác cũng học được cách thức hòa hợp bản thân khi sử dụng phương pháp không bạo lực. Khi cô cảm thấy giận dữ hay buồn chán, cô ấy dành một phút để tập trung vào chính mình: “Cảm xúc tôi cảnh báo tôi về một nhu cầu không thỏa mãn, giống như đèn báo trên bảng điều khiển của xe hơi. Tôi có cần thư giãn, giao tiếp hay hỗ trợ gì không? Thông thường, việc đặt tên cho nhu cầu giúp tôi bình tĩnh lại, và cho phép tôi thực hiện hành động cụ thể. Tôi đã quá nóng tính và tự trách mình nhiều. Tôi tìm thấy công cụ để kiểm soát hạnh phúc của mình.”
Một người cha khác, người ít tiếp xúc với những đứa con của anh ta, việc sử dụng phương pháp giao tiếp không bạo lực để đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề _ theo đúng nghĩa đen. Những giây phút anh ta dành cho những đứa con thật là quý giá. Ngay khi nhìn thấy chúng, anh ấy chỉ đơn giản hỏi: “Trong tim con muốn gì?” Đó là cách để đi thẳng đến vấn đề quan trọng để nắm bắt các mối bận tâm của con cái, và cũng để cho phép chúng đặt tên cho các cảm xúc của chúng.
Việc hiện thực phương pháp giao tiếp không bạo lực không phải là một quá trình phức tạp. Thật ngạc nhiên, khi chỉ cần xoay quanh một vài cụm từ, hay chỉ nhận ra nhu cầu cần thiết của bản thân là gì, lại có thể tạo ra được sự khác biệt trong giao tiếp của bạn. Nếu bạn quan tâm đến các hội thảo về phương pháp giao tiếp không bạo lực cho gia đình bạn, bạn có thể truy cập trực tuyến đến trung tâm “the Center for Nonviolent Communication for further information”. Biết đâu, nó có thể dẫn bạn đến cuộc sống gia đình bình yên, ít đi những cánh cửa bị đóng sầm lại trong gia đình.
Nt. Bích Liễu, OP
Dòng Đa Minh Tam Hiệp
2022
5 lời khuyên cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc
5 lời khuyên cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc
Victor và Stella Domínguez, đại biểu của Paraguay tham dự Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ X tại Rome (23-26 tháng 6 năm 2022)
5 LỜI KHUYÊN CHO MỘT CUỘC HÔN NHÂN HẠNH PHÚC
Ary Waldir Ramos Diaz
Một bậc cha mẹ và ông bà sau đây có thể giúp các cặp vợ chồng đang gặp khủng hoảng học được một vài bí quyết để có được một cuộc hôn nhân thành công.
Stella (65 tuổi) và Victor Dominguez (68 tuổi), cha mẹ của sáu người con và ông bà của tám người cháu, có thể giúp đỡ các cặp vợ chồng đang gặp khủng hoảng, những người ly dị tái hôn và những người bị người kia ruồng bỏ. Đôi vợ chồng này, từng là đại biểu của Paraguay tham dự Đại hội Gia đình Thế giới tại Rome (22-26 tháng 6 năm 2022), đã từng trải qua những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân nhưng họ đã vượt qua được những thử thách này nhờ 5 lời khuyên được truyền cảm hứng từ lời dạy của Đức Thánh Cha Phanxicô.
- Niềm đam mê
Victor và Stella giải thích: “Niềm vui và niềm đam mê là rất quan trọng… Bạn phải làm mới cuộc hôn nhân của mình mỗi ngày.” Vì vậy, họ khuyên các đôi vợ chồng hãy thể hiện tình cảm của mình bằng cách tăng thêm nhiều cử chỉ nhỏ bé thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm cho nhau trong cuộc sống hàng ngày. Những cử chỉ đó có thể bao gồm một cuộc nói chuyện thật lòng, một buổi hẹn hò hoặc chỉ là một điệu nhảy ngẫu hứng, với ánh đèn mờ trong phòng kín để không bị quấy rầy.
- Lòng kiên nhẫn
Kiên nhẫn có thể mang ý nghĩa là gánh vác người kia cùng với những vấn đề và sự mệt mỏi của họ trên đôi vai của bạn. Điều quan trọng là làm điều này với niềm vui và hạnh phúc để sự kiên nhẫn trở thành chất xúc tác đầy yêu thương đối với người kia và thậm chí đối với chính mình. Lòng kiên nhẫn cũng bao gồm khả năng đối thoại và đón nhận người kia như chính họ, cho dù những thói quen và cách cư xử nhỏ nhặt của người đó có thể làm bạn khó chịu.
Stella cũng nhấn mạnh về sự cần thiết phải chấp nhận những điểm yếu của nhau: “Victor di chuyển khá chậm chạp, trong khi tôi lại sống với tốc độ hàng trăm dặm một giờ. Tôi phải kiên nhẫn để không nổi giận với anh ấy. Nhưng tôi biết Victor còn có những phẩm chất tốt đẹp khác.”
- Tính kiên trì
Các cặp vợ chồng phải kiên trì trong tình yêu, và đặc biệt là trong cầu nguyện. Đôi vợ chồng này đã làm theo lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để cùng cầu nguyện cho nhau: “Lạy Cha chúng con, xin ban cho chúng con tình yêu hàng ngày.” Stella cho biết rằng: “Victor cầu nguyện cho tôi và tôi cầu nguyện cho anh ấy. Tôi thật lòng cầu nguyện cho những điểm yếu của mình, những điều khiến tôi bận tâm. Tôi cầu xin Chúa giúp tôi tiến về phía trước.”
Nhưng bạn cũng cần phải kiên trì trong đối thoại. Victor lưu ý rằng: “Lắng nghe người khác nói không có nghĩa là nghe những gì tôi muốn nghe, mà là lắng nghe bằng con tim và lắng nghe cách sâu xa.” Stella nói thêm rằng chúng ta cần phải “kiên trì lắng nghe để hiểu xem người kia có mệt mõi hay không, có vừa trải qua một ngày tồi tệ hay không, có buồn giận về điều gì đó hay không… Đôi khi anh ấy không muốn tôi nói chuyện với anh ấy. Và nếu tôi muốn nói chuyện với anh ấy, nếu tôi muốn kể với anh ấy điều gì đó, tôi phải có khả năng kiềm chế bản thân và đó là sự kiên trì,” vì cô biết rằng đôi khi chồng mình cần có khoảng không gian riêng.
- Sự tha thứ
Phương châm của đôi vợ chồng này là “luôn tha thứ”.
Đôi vợ chồng này giải thích rằng: “Cầu xin sự tha thứ có nghĩa là trao lại tự do cho người kia. Nếu chúng ta không cảm nhận được sự tha thứ, thì rất khó để tha thứ. Việc tha thứ cho bản thân và những người khác, chẳng hạn như con cái của chúng ta, là rất quan trọng.” Và họ còn chia sẻ thêm rằng, “Để không xảy ra ‘cuộc chiến tranh lạnh’ vào ngày hôm sau, thì đừng lên giường ngủ mà không làm hòa với nhau.”
- Sự chăm chút
Đối với Victor, sự chăm chút dẫn đến việc trở lại với lời khuyên đầu tiên – niềm đam mê. Sự chăm chút này thực chất là những cử chỉ yêu thương và trìu mến mà chúng ta có thể làm trong cuộc sống hàng ngày: mang bữa sáng đến giường, tặng hoa vào bất kỳ dịp đặc biệt nào, chia sẻ những khoảnh khắc bên nhau, cùng nhau nghe nhạc, gọi điện thoại cho nhau trong ngày, hoặc gửi một tin nhắn đơn sơ để nói về điều gì đó tốt đẹp,… Sự chăm chút này làm phong phú thêm thế giới nội tâm của đôi vợ chồng và giúp ích cho sự gần gũi về tình cảm và thể lý của nhau. Victor còn khuyên rằng: “Tình yêu giống như một đoá hoa. Bạn không thể hờ hững với nó.”
Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Chuyển ngữ từ Aleteia (28/7/2022)