2020
Tình Yêu Được Đáp Trả
Thứ Hai Tuần Thánh Mùa Coronavirus: Tình Yêu Được Đáp Trả
Bước vào Tuần Thương khó trong tâm trạng não nề, sầu muộn vì không được tham dự những ngày lễ trọng đại của mầu nhiệm Vượt qua: cuộc khổ nạn – cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, vì chúng ta nghĩ mình là tôi tớ, nên phải phục vụ Chúa. Việc ngừng những ngày đại lễ khiến tâm tư chúng ta bối rối, như có lỗi một phần, Hội thánh có lỗi nhiều phần và Thiên Chúa có lỗi toàn phần (?)
Nhưng thật ra, chính Chúa Giêsu yêu thương chúng ta trước một cách nhưng không, nên đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ phục vụ chúng ta như một tôi tớ: rửa chân – gánh lấy mọi án phạt tội lỗi – tái tạo chúng ta thành người mới. Vì chúng ta rất quý giá đối với Chúa, nên Người đã phải trả giá đắt.
Ba ngày đầu của Tuần thánh họa lại tình cảnh bi đát, bế tắc của Đức Giêsu trước ngày chịu khổ nạn. Một đám đông kéo đến nhà cô Mác ta không chỉ vì muốn gặp Người, mà còn để thấy Ladaro, kẻ được Người làm cho sống lại; các thượng tế tìm cách giết Đức Giêsu, và cả Ladaro nữa, vì tại anh, mà nhiều người Do thái bỏ họ và tin vào Đức Giêsu; và trước đó thượng tế Cai pha trong buổi họp của Thượng hội đồng Do thái đã quyết định giết Đức Giêsu, vì cho rằng: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50); và môn đồ Giu đa, kẻ hay ăn cắp quỹ chung cũng có ý định nộp Người.
Thật khó để yêu thương những con người “khó thương”; thật khó bình an giữa những mưu mô chết người; thật khó hy sinh cho những kẻ chẳng đáng tin; thật khó phục vụ những kẻ đãi bôi và thật khó cho đi tình yêu mà không được đáp trả.
Nhưng một tín hiệu “từ đất” khiến Đức Giêsu xác tín tín hiệu “từ trời”. Cô Maria ấy, chỉ là cái bóng đối với cô chị Mác ta, cũng chẳng nhận được phép lạ cả thể như người em Ladaro, chẳng được hầu bàn để gần gũi Đức Giêsu như Mác ta cũng không được dự tiệc như Ladaro, đã tỏ bày trọn vẹn tình yêu của mình đối với Đức Giêsu.
Một cân dầu cam tùng nguyên chất: một tài sản lớn và quý giá đối với một cô gái, không là gì so với sự hiện diện của Đức Giêsu. Nó chỉ dùng để diễn tả tấm lòng quý mến cô dành trọn vẹn cho Người.
Có lẽ vì thấy mình nhỏ bé, tầm thường, bất xứng trước vị thầy vĩ đại, thay vì xức trên đầu, như người ta thường làm, cô xức chân Đức Giêsu và lấy tóc để lau, một hành vi “bất kính” của hạng người “không ra gì” đối với nhãn quan của người Do thái, nhưng Đức Giêsu lại thấy nghĩa cử đó là hành vi tiên tri “cô ấy giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng thầy.”
Đấy là dấu chỉ để Đức Giêsu xác tín vào kế hoạch cứu chuộc của Chúa Cha “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45)
Chính tình yêu lớn của một con người nhỏ bé, tầm thường và mất hút giữa đám đông cũng làm lay động trái tim Đức Giêsu, cũng trở thành tín hiệu vững chắc để Người xác tín thánh ý của Chúa Cha và định hướng cho tương lai mình.
Bước vào Tuần thánh mùa Coronavirut trong sự ngậm ngùi, có cần phải tiếc xót ôn lại những kỷ niệm xưa, hay cần phải trở nên giống Chúa trong việc phục vụ cách nhưng không? Phải yêu mến Chúa hơn mọi sự đáng được yêu và vâng phục Chúa trong mọi sự ?
Hãy để cho Đức Giêsu phục vụ chúng ta trong cách thức mới, trong sự khiêm nhường, kiên nhẫn và vâng lời của một Người tôi tớ cùng với sức mạnh của tình yêu, dù có bị phản bội và bị ruồng bỏ.
Nếu Thiên Chúa đã không đánh bại cái ác nhưng như để sự ác nghiền nát tấm thân của Con Chúa; nếu Thiên Chúa đã nâng đỡ Con Chúa trong đau khổ và nhậm lời giải thoát Đức Giêsu theo cách của Người (Dt 5,7-9), thì chúng ta cũng hãy đập nát cái ác, sự bất tuân, gièm pha, tức tối, cay đắng trong chúng ta bằng sự phục vụ cụ thể, bằng một tình yêu cho đến cùng.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR
2020
Chuyện cần làm …
CHUYỆN CẦN LÀM THÌ KHÔNG LÀM VÀ NGƯỢC LẠI
Đâu đó bỉ nhân có đọc được một câu chuyện kể đại loại như thế này :
Ở một giáo xứ nọ, Cha Xứ muốn cái gì cũng phải là hoàn hảo, cái gì cũng phải là chỉn chu. Ai nào đó không làm theo ý hay không chỉn chu thì Cha Xứ cáu gắt.
Chuyện xảy ra thường nhất và lớn nhất trong Giáo Xứ đó chính là việc kiệu Mình Thánh Chúa. Lần nào cũng như lần nấy không tránh khỏi những sơ xuất. Với tính cách và ước muốn hoàn hảo, Cha Xứ cương quyết cũng như cố gắng không để một điều gì sơ xuất nữa.
Và rồi, ngày mà cả giáo xứ kiệu Thánh Thể lại đến. Ngày hôm đó, quả thật là cả giáo xứ đi kiệu Mình Thánh Chúa hết sức trang nghiêm và sốt sắng. Có thể nói là cuộc rước này hoàn hảo trên mức hoàn hảo. Thế nhưng rồi đến khi kết thúc giờ kiệu và Chầu Mình Thánh Chúa, chú bé giúp Lễ phát hiện ra một điều hết sức quan trọng là Cha Xứ quên đặt Mình Thánh Chúa vào Mặt Nhật !
Có thể đây chỉ là câu chuyện giả tưởng nhưng dù sao đi chăng nữa cũng để lại cho người nghe bài học nào đó trong cuộc đời. Trong cuộc đời, có khi người ta lo lắng ba cái chuyện bên ngoài, lo lắng ba cái chuyện đâu đâu còn chuyện chính yếu lại quên đi mất.
Ở đời, làm sao có sự hoàn hảo để mà mong muốn. Hẳn nhiên ai ai cũng cầu toàn nhưng làm gì có thể cầu toàn được vì phàm là người, sơ xuất là chuyện dĩ nhiên, trừ phi những người ngạo mạn và tự cao tự đại coi mình là nhất và vô địch thiên hạ.
Nói tới đây, hình dung ra chuyện khóc mướn. Có những gia đình muốn thể hiện mình có hiếu nên bèn thuê người đi khóc mướn. Chỉ cần bỏ ra một chút tiền thế là đám tang thật rình rang vì có nhiều người khóc … mướn. Những người kia chả biết gì, chỉ cần có tiền thì họ khóc mướn vô tội vạ.
Nực cười thay là có những chuyện chả dính dáng gì đến đời mình, chả dính dáng gì đến ơn cứu độ của mình mà mình cứ phải lăn tăn. Cần gì phải lăn tăn như thế ? Chuyện quan trọng nhất của mỗi người đó là tìm sự bình an trong tâm hồn, tìm ơn cứu độ.
Những ngày này, ai ai cũng biết đại dịch đã đến, đang đến và sẽ hoành hành trên cả nhân loại. Chuyện quan trọng nhất bây giờ phải chăng đó là thinh lặng để cầu nguyện, để xin Chúa cho mỗi người tin vào Chúa, bám vào Chúa để được giải thoát, để được chữa lành.
Cạnh đó, ngoài chuyện lo về đức tin, ai ai cũng biết sẽ có cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra không muộn. Cứ như tình hình hiện nay thì đã xảy ra những vụ án do tình hình Covid19. Lo nồi cơm, lo cho gia đình của mình không lo nhưng lại cứ đi lo chuyện của người khác, quả thật là buồn cười.
Tiếc thay trong cuộc sống có những chuyện nhỏ nhen, có những chuyện xem ra nó chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống và nhất là ơn cứu độ của mình nhưng người ta cứ lao vào để mà săm soi, để mà xét nét. Có khi người ta xét nét từng câu chữ, có khi người ta xét nét từng lời ăn tiếng nói, có khi người ta xét nét những thứ bên ngoài. Chuyện cần nhất vẫn là nội tâm của mỗi người.
Ai nào đó lăn tăn cũng dễ hiểu chứ không khó. Đơn giản là họ không có bình an trong tâm hồn. Nếu ai nào đó bình an thật sự trong tâm hồn thì cho dẫu có những náo động xôn xao thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến họ. Như đâu đó ta đã đọc được tâm tình : “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Với câu này, ta nhận ra tâm của ta như thế nào trước những nổi trôi, những biến cố của cuộc đời. Có khi chỉ vì ham vui, có khi chỉ vì cái tôi của ta quá lớn để ta cứ chạy quanh quanh như chiếc đèn cù vậy mà ta không tìm thấy sự bình an.
Hẳn ta còn nhớ Thánh Vịnh 61 chỉ dạy :
“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn”.
Và quan trọng hơn cả đó chính là :
“Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi”
Vâng ! Ơn cứu độ của mỗi người chúng ta chính là nơi Thiên Chúa và chỉ mình Thiên Chúa. Chính vì thế, nên chăng tìm Thiên Chúa chứ đừng đi tìm những thứ khác lăn tăn để lỡ khi ta nằm xuống ta mất cả chì lẫn chài.
Trong những ngày bước vào cuộc Thương Khó của Thầy Chí Thánh Giêsu, mỗi người chúng ta được mời gọi đi vào cõi lặng để nhìn, để ngắm, để suy tình yêu cứu độ mà Thiên Chúa yêu thương và dành cho mỗi người chúng ta. Thay vì đi tìm những chuyện hão huyền, những chuyện lăn tăn thì ta nên trở về với Chúa, trở về với chính mình để tìm ơn Cứu Độ mà thôi. Đơn giản, Ơn Cứu Độ vẫn là điều cốt yếu nhất của đời Kitô hữu chúng ta.
2020
Lòng khoan dung: Món quà quý nhất của hôn nhân Kitô hữu
Nữ văn sĩ tài năng Helen Keller đã nói: “Khoan dung là món quà lớn nhất của tâm hồn”. Quả vậy, lòng khoan dung là một nguồn sức mạnh tiềm ẩn bên trong, là một trong những công cụ tuyệt vời nhất trong cuộc sống.
Trong cuộc sống, nếu không có sự khoan dung tha thứ, thì con người sẽ luôn sống trong hận thù. Tinh thần khoan dung là đức tính vĩ đại nhất của con người. Càng là người biết nhìn xa trông rộng, càng có tấm lòng rộng mở. Người không biết khoan dung, thì sẽ chẳng được ai khoan dung. Chỉ có khoan dung, cuộc sống của chúng ta mới được vui vẻ và hạnh phúc. [1]
Đó là nhận định về lòng khoan dung trong cuộc sống nói chung. Riêng trong đời sống hôn nhân gia đình thì sao?
Trước hết, chúng ta cần khẳng định rằng hôn nhân là một cam kết sống chung đến hết đời và là một cuộc đồng hành dài hơi, nên những khó khăn, phức tạp, va chạm là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Đúng như một danh nhân đã nói: “Hôn nhân là bãi chiến trường chứ không phải là luống hồng”. Những cuộc cãi vã, hờn dỗi do mâu thuẫn, bất đồng, bất hòa từ những chuyện vụn vặt thường ngày giữa hai vợ chồng có thể kéo dài từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, và cuối cùng có thể dẫn đến sự đổ vỡ không thể hàn gắn được.
Tuy nhiên, chúng ta tin rằng tình yêu sẽ chiến thắng tất cả và sự khoan dung có sức mạnh hóa giải mọi khác biệt, mọi bất đồng, mọi mâu thuẫn. Tục ngữ VN có câu: “Thương nhau chín bỏ làm mười”. Điều đó có nghĩa là khi yêu nhau thực tình, đôi bạn sẽ vượt qua mọi phiền toái, khó khăn trong cuộc sống chung, để cùng xây dựng một mái ấm hạnh phúc, bình an.
Trên thực tế, hai bạn phải biết học cách nhượng bộ nhau, học im lặng để lắng nghe bạn đời mình, học chia sẻ để chứng tỏ sự quan tâm của mình, học tha thứ để hàn gắn những rạn nứt trong mối quan hệ, học quảng đại để biết cho đi nhiều hơn là nhận lại. Nói tóm là phải đối xử với nhau bằng lòng khoan dung tuyệt vời nhất.
Trong quyển sách “9 dạng người bạn cần phải khoan dung trong cuộc đời“, tác giả người Trung Quốc Hồng Hoa đã nhấn mạnh, người bạn đời chính là một trong 9 dạng người bạn cần phải khoan dung. Bởi khoan dung là “cách cư xử tốt đẹp nhất trong hôn nhân. Yêu là một nghệ thuật, sự khoan dung chính là tinh túy của nghệ thuật đó”. Rất nhiều khi trong thực tế, chúng ta dễ dàng bỏ qua lỗi lầm của người khác dù họ làm ta buồn, ta thất vọng, nhưng lại khó lòng bỏ qua những lỗi lầm mà bạn đời của mình gây ra. Khoan dung với bạn đời, vì vậy cũng là một kỹ năng. [2]
Thực vậy, chỉ có lòng khoan dung mới giúp cho đôi bạn giữ được tình yêu nồng ấm, duy trì được sự trung thành lâu dài, gia tăng được sự tin tưởng cần thiết, nhờ đó dù gặp nhiều sóng gió và thử thách trên đời, đôi bạn vẫn song hành với nhau cho đến cuối đời.
Khoan dung để chấp nhận sự khác biệt của nhau
Chúng ta biết rằng, một trong những thử thách lớn nhất của hôn nhân, đó là trong cuộc sống lứa đôi, hai bạn nam nữ phải chấp nhận sự khác biệt của nhau. Vì thực tế, hai người nam-nữ vốn dĩ rất khác biệt nhau, về giới tính, tính cách, sở thích, văn hóa hấp thu, giáo dục gia đình, tôn giáo, tài năng, kiến thức, nếp sống, thói quen vv.
Khi về sống chung một nhà, hai người phải vượt qua cái rào cản khác biệt ấy để sống hòa hợp, hòa đồng, hòa thuận, hòa bình với nhau. Như người ta thường nói, “Ta với mình tuy hai mà một/ Ta với mình tuy một mà hai”. Điều đó có nghĩa là hai bạn phải tập thích nghi với nhau, vì anh là anh, chị là chị, hai người là hai cá thể đặc thù riêng biệt. Họ phải sống làm sao để từ nay, hai người không còn là hai mà là một xương một thịt (x.Mt 19, 6).
Có muôn vàn chi tiết khác biệt giữa nam nữ, nhưng họ được ơn gọi để kết hợp thành đôi-vợ-chồng, để sống với nhau suốt đời. Tình yêu và sự khoan dung là sức mạnh quan trọng hàng đầu giúp cho đôi bạn chấp nhận nhau, nương tựa nhau, khích lệ nhau. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc là cuộc hôn nhân trong đó hai người nam nữ, thay vì loại trừ nhau do những khác biệt này nọ, thì lại bổ sung cho nhau. Họ chấp nhận “tương khắc” chứ không “xung khắc”. Ca dao VN có câu: “Yêu nhau vạn sự chẳng nề, / Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.
Đó cũng là ý nghĩa của việc nên-một-với-nhau mà vẫn tôn trọng sự khác biệt giữa các ngôi vị trong cộng đồng gia đình. Chính nhờ sự khoan dung của hai bạn mà cuộc hôn nhân được êm đẹp và bền vững.
Khoan dung để biết lắng nghe nhau
Trong đời sống hôn nhân, biết lắng nghe là một nghệ thuật giao tiếp ứng xử rất quan trọng nhờ đó ta hiểu được người bạn đời và thông cảm với họ trong mọi tâm trạng và hoàn cảnh trong cuộc sống.
Các nhà tâm lý học hôn nhân gia đình đều quả quyết rằng nghệ thuật giao tiếp ứng xử quyết định phần lớn cuộc hôn nhân hạnh phúc. Vợ chồng dù bận rộn trăm công nghìn việc, nhưng cũng nên tìm mọi cơ hội để gặp nhau, nói chuyện với nhau, lắng nghe nhau, kể cho nhau nghe “chuyện đời chuyện người”, trao tâm sự cùng nhau, thậm chí có thể cùng nhau xem một chương trình giải trí trên truyền hình hay cùng nhau hát một bài hát vv. Đây có thể được coi như một “chìa khóa vàng” đảm bảo hôn nhân bền vững.
Do đó, để có được sự khoan dung trong cuộc sống gia đình, trước hết chúng ta cần phải học cách lắng nghe và tâm sự với nhau. Nếu ngay khi người bạn đời mắc sai lầm, bạn lập tức nổi giận, dùng những lời không hay để trách cứ, nhiếc móc thì quả là thất bại. Hãy tôn trọng để cho người ấy cơ hội trình bày và hãy tỉnh táo để lắng nghe. Càng không nên kết tội một cách vội vã. “Anh/em lại sai rồi”, hoặc “Chắc chắn đây là lỗi của anh/em” là những câu nói làm bạn đời mất tinh thần nhất. Họ sẽ thấy mình là người kém cỏi, một kẻ không ra gì và luôn luôn làm người khác thất vọng. Hoặc sẽ ngay lập tức “xù lông nhím” để bảo vệ cái tôi của mình. Bạn đời, người mà ta đã hết lòng yêu thương, đã tìm hiểu, đã cùng nhau vượt qua bao sóng gió để thành vợ thành chồng, vì thế xứng đáng để được lắng nghe, được cho một cơ hội. [2]
Khoan dung để tha thứ lỗi lầm của nhau
Một danh nhân đã nói: “Con người không ai toàn mỹ. Chuyện vợ chồng cũng thế. Biết phục thiện và tha thứ cho nhau thì gia đình ngày càng đầm ấm. Ngược lại, càng ngoan cố bao nhiêu, gia đình càng dễ dàng tan vỡ bấy nhiêu” (G. Lombroero). Lỗi lầm thì ai cũng có, vì “Nhân vô thập toàn”. Vì thế, mỗi người đều cần được thông cảm và tha thứ.
Thánh Phao-lô đã khuyên bảo tín hữu như sau: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3, 12-13).
Trong Tông huấn “Niềm Vui Yêu Thương”, ĐTC Phan-xi-cô đã dựa vào “Bài ca đức mến” của thánh Phao-lô trong thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô để đưa ra một vài lời khuyên nhằm củng cố hôn nhân với năm tháng được xây dựng trên một tình yêu chân thật. Ngài đưa ra mười ba lời khuyên cho một hôn nhân vững bền, trong đó có đoạn ngài nhấn mạnh đến tình yêu không hận thù:
“Đừng để những tình cảm xấu thâm nhập vào trong lòng, nhưng phải trau dồi đức tính tha thứ, tha thứ xây dựng một thái độ tích cực, tìm cách hiểu sự yếu đuối của người khác, tìm lý do để biện minh cho người khác. Chỉ có một tinh thần hy sinh cao cả mới cứu và hoàn thiện được sự giao tiếp trong gia đình. Nó đòi hỏi một tấm lòng rộng lượng và nhanh chóng thấu hiểu, bao dung, tha thứ, giải hòa…Tình yêu không để hận thù, khinh ghét, muốn làm điều xấu, muốn trả thù chế ngự. Lý tưởng trong tinh thần Kitô và đặc biệt trong gia đình, tình yêu bất chấp tất cả”. [3]
Khoan dung để bù đắp những thiếu sót của nhau
Một trong những lợi ích của hôn nhân, đó là đôi bạn có cơ hội bù đắp những thiếu sót của nhau. Kẻ mạnh nâng đỡ kẻ yếu. Người giỏi bồi đắp cho người dở. Người lanh lợi bù đắp cho kẻ chậm chạp. Nói chung, hai bạn sẽ bổ túc, bù trừ cho nhau để tiến tới một sự hoàn thiện chung.
Tuy nhiên trên thực tế, có nhiều đôi không làm được việc này, vì tự ái, vị kỷ, nông cạn. Họ không muốn người khác bù đắp cho mình mà cũng không quan tâm bồi đắp cho người khác. Điều này chứng tỏ cả hai đều thiếu khoan dung.
Theo D. Wahrheit, tác giả cuốn “Cẩm nang Hạnh phúc Gia đình Ki-tô” thì chúng ta cần nhìn nhận điều này là: “Sự đổ vỡ trong hôn nhân thường xảy đến khi hai người phối ngẫu không chấp nhận vai trò của nhau. Và từ đó không đạt được sự hòa hợp trong đời sống vợ chồng. Vì hòa hợp và bổ túc cho nhau, đó là nguyên tắc sống nền tảng trong đời sống hôn nhân…”. Và “Bổ túc cho nhau trên hết có nghĩa là mình có những gì mà người kia không có, điều mình có ít thì người kia lại có nhiều. Sức mạnh, vẻ đẹp, sự dịu dàng của tình yêu nằm trong sự bổ túc ấy…”
Khi mới kết hôn, đôi bạn thường cho rằng họ yêu nhau nên hiểu nhau, họ hiểu nhau nên cuộc sống vợ chồng sẽ thật êm ả, dễ chịu. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn chung sống, họ bắt đầu vỡ mộng. Bởi vì cuộc sống chung quả là khó khăn, phức tạp. Một trong những điều khiến họ dễ rơi vào khủng hoảng nhất, đó là sự khác biệt, chênh lệch nào đó giữa hai vợ chồng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự mất hòa hợp vợ chồng.
Thực ra, khi kết hợp với nhau thành vợ chồng, đôi bạn sẽ có điều kiện bổ túc, chia sẻ, hỗ trợ nhau về mọi mặt. Kẻ mạnh nâng đỡ người yếu. Người giỏi giang khuyến khích kẻ kém cỏi. Kẻ lanh lợi hỗ trợ người chậm chạp vv… Luật bù trừ trong hôn nhân là như vậy. Chẳng hạn, nếu chàng là người nói ít và trầm tĩnh thì hãy chấp nhận nàng nói nhiều và hay than vãn. Nếu chàng là người có đầu óc thực tế, quyết định nhanh chóng, dứt khoát thì cũng thông cảm bạn đời mình hay mơ mộng, ướt át tình cảm. Nếu chàng thích ra tay nghĩa hiệp bảo vệ người khác thì cũng nên chấp nhận nàng yếu đuối, thích được bảo vệ, thích nhờ vả giúp đỡ vv.
Khi cộng tác với nhau lo cho gia đình, các bạn phải hiểu nhau, cảm thông và nhất là giúp nhau phát huy điểm mạnh, đồng thời sửa chữa khiếm khuyết và bỏ qua những sai sót của nhau. Hãy luôn là bạn đồng hành với lòng khoan dung, chúng ta sẽ an toàn.
Khoan dung để quên đi quá khứ của nhau
Người có lòng khoan dung sẽ không bao giờ nghĩ đến việc bới móc chuyện quá khứ của nhau. Thông thường trước kết hôn với nhau, ai mà chẳng có tình sử của riêng mình. Đối với người này cuộc tình cũ có thể chỉ là thoáng qua, nhạt nhòa, nhưng với người kia có thể đã mặn nồng, thắm thiết. Nhưng bây giờ một khi bạn đã quyết tâm đến với nhau trọn đời thì buộc phải quên đi quá khứ của nhau.
Trên thực tế đã có nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ chỉ vì một trong hai người cố tình bới móc chuyện quá khứ của người kia như để thách thức lòng chung thủy của bạn mình. Đó là một sai lầm lớn. Vậy nếu muốn xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc, đôi bạn hãy tự nguyện chôn vùi quá khứ của mình và của bạn đời, không phải với tâm trạng cay đắng mà là bằng một sự quyết tâm có định hướng: “Cưới được người con gái mình yêu đã là hạnh phúc, nhưng yêu được người con gái mình cưới còn hạnh phúc hơn” (Danh ngôn).
Khoan dung để chấp nhận đồng hành với nhau suốt đời
Văn hào pháp Antoine de St Exupéry nói: “Yêu nhau không là ngồi đó nhìn nhau, mà cùng nhau hướng về một lý tưởng”. Cũng có một danh nhân khác nói rằng, “Hôn nhân là một công trình mà hai người phải giúp nhau kiến tạo suốt đời” (André Maurois). Cũng câu nói: “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung với nhau là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm “ (James Thurber).
Vợ chồng phải ngồi lại với nhau, cùng nhau xây dựng một mục tiêu chung cho cuộc sống hôn nhân và cho gia đình mình. Một gia đình mà trong đó “Ông nói gà, bà nói vịt”, hay “Trống đánh xuôi kèn thổi ngược” thì đó là biểu hiện của sự phân hóa, chia rẽ, bất đồng.
Hai người phải dành thời gian để thảo luận, có thể là tranh luận, về những mục tiêu phải theo đuổi. Trong gia đình dường như lúc nào cũng có nhiều vấn đề phải giải quyết và đối phó, nếu hai bạn cùng hiệp lực, đồng tâm nhất trí nắm tay nhau thực hiện thì việc gì cũng xong. “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn” hay “Một cây làm chẳng nên non / ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.
Khi đồng hành với nhau trong suốt cuộc đời vợ chồng, đôi bạn phải hy sinh nhiều lắm. Trước hết là từ bỏ ý riêng của mình để hợp tác với bạn đời lo việc gia đình. Sau nữa là phải thích nghi với những suy nghĩ, hành động khác biệt của bạn đời. Kế đến là phải chấp nhận những biến chuyển của thời thế và hoàn cảnh để không rơi vào tình trạng bi quan, chán nản dẫn đến bỏ cuộc.
Nếu chúng ta có đủ kiên nhẫn và lòng khoan dung chấp nhận đồng hành với bạn đời cách tích cực và nghiêm túc thì cuộc hôn nhân của chúng ta sẽ bền vững và hạnh phúc lâu dài ./.
Aug. Trần Cao Khải
__________
[1] LM Giuse Đỗ Văn Thụy, MSV – Tân Phúc Âm hóa lòng tha thứ – NXB TG 2015 trang 123
[2] dep.com.vn
[3] ubmvgiadinh.org
2020
Lòng từ bi không sợ hãi trong đại dịch qua chuyện Thánh Roch
Đại dịch không chỉ mang đến đau thương, mà còn là cơ hội cho con người một lần nữa mặc khải về những điều cao quý nhất trong cuộc đời này. Đó là lòng dũng cảm, sự thiện lương, là chính nghĩa, là đức tin chân chính, là những giá trị thường xuyên bị cười cợt và quên lãng trong cuộc sống vật chất, nhưng lại là những điều mang con người vượt thoát khỏi đại nạn.
Đây không phải là lần đầu tiên nhân loại phải đối mặt với nỗi sợ hãi của một đại dịch sẽ cướp đi hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu nhân mạng. Cái Chết Đen đã từng khủng bố châu Âu vào thế kỷ 14, giết chết khoảng hơn 20 triệu người, và tiếp tục hoành hành trong các đợt bùng phát ở những phạm vi nhỏ hơn, mãi cho đến đầu thế kỷ 19.
Con người thời đó đã đối mặt với nỗi sợ hãi trong đại dịch như thế nào? Hầu hết đã lấy đức tin của mình làm nguồn an ủi. Một vài người lại lấy chúng để hợp pháp hóa việc đàn áp tín ngưỡng. Và cũng có những con người vĩ đại hơn, sử dụng đức tin làm nguồn sức mạnh của sự từ bi không sợ hãi trong đại dịch.
Tiến sĩ Lịch sử Nghệ thuật Louise Marshall viết về đức tin phổ biến tại châu Âu vào thời điểm ấy như sau: “Trong đại dịch, đối với nhiều thành phố thì các vị Thánh bảo trợ là lá chắn bảo hộ đầu tiên. Tại phiên tòa trên Thiên giới, các vị Thánh trở thành một sứ giả truyền tin, dựa vào sức mạnh và sự thành tín của cộng đồng cư dân mà xin Thiên thượng bảo hộ trong đại dịch.”
Vì thế, các tín đồ trong cơn hoạn nạn đều sám hối, đều cầu nguyện trước Chúa và các Thánh. Trong đại dịch Cái Chết Đen, có một số vị Thánh bảo hộ được đặc biệt nhắc tới như Thánh Sebastian, Thánh Rosalia hay Thánh Roch. Trong đó, Thánh Roch là một vị Thánh đặc biệt, dùng sức mạnh của đức tin để đi khắp nơi chữa trị cho con người, dù phải chịu rất nhiều cay đắng.

Theo cuốn “Cuộc đời các Thánh” (Lives of the Saints), Thánh Roch sinh ra ở Montpellier, trên biên giới giữa Pháp và Ý. Mẹ của ngài là một phụ nữ quý tộc bị hiếm muộn, nhờ cầu nguyện với Đức Mẹ Đồng Trinh mà sinh ra ngài. Khi sinh ra, Thánh Roch đã mang một cái bớt hình chữ thập và từ rất nhỏ tuổi đã là một con chiên sùng đạo.
Cha mẹ qua đời khi ngài 20 tuổi, lúc đại dịch đang hoành hành tại Ý. Thánh Roch đã cho đi hết của cải và bước vào hành trình giúp đỡ người đau yếu vì bệnh dịch. Ngài đi từ thành phố này sang thành phố khác, cứu vớt con người bằng cách cầu nguyện, làm dấu thánh giá, rồi chạm tay vào người bệnh, khiến bệnh tật biến mất.

Sau khi Thánh Roch đi qua một số thành phố, một Thiên Thần xuất hiện để báo với ngài rằng chính ngài cũng sẽ mắc phải Cái Chết Đen. Những người dân trong thị trấn Piacenza, Ý đã vì thế mà trục xuất ngài. Thánh Roch phải sống khổ nhọc trong một khu rừng kế cận, trong một túp lều bằng cành cây và lá đơn sơ. Tuy vậy, ngài vẫn đều đặn dành thời gian để cầu nguyện trong hạnh phúc.
Một con suối kỳ diệu đã xuất hiện để ngài có nước uống. Một con chó sống gần đó thường xuyên mang thức ăn tới và liếm vết thương cho ngài. Sau đó, trong một chuyến đi săn, Bá tước Gothard đã được con chó dẫn tới, và trở thành môn đồ của Thánh Roch.
Sau khi có thể đi lại được, dù đang mang bệnh, Thánh Roch vẫn lên đường tiếp tục sứ mệnh của mình. Ngài đi đến một thành phố gần đó để chữa lành cho các bệnh nhân. Không lâu sau, khi ngài cầu nguyện, Chúa chữa lành bệnh cho ngài.
Thánh Roch trở về quê hương, nơi đang xảy ra chiến tranh. Ngài bị chú của mình bắt giam vì không nhận ra, và nghi ngờ ngài là gián điệp. Thánh Roch đã bình tĩnh chấp nhận ngồi tù và dành thời gian những năm trong tù để tiếp tục cầu nguyện.

5 năm qua đi, khi ngài cận kề cái chết, một luồng sáng xuất hiện bên trong nhà giam. Lời nguyện cầu cuối cùng của Thánh Roch chính là nếu có ai cầu nguyện với Ngài nhân danh Chúa thì sẽ được giải thoát khỏi bệnh dịch. Sau khi ngài tạ thế, một Thiên Thần đã đặt một chiếc bảng bằng vàng dưới đầu ngài. Chiếc bảng vàng này ghi lại lời nguyện cầu lúc hấp hối của ngài, cùng với danh tính thực sự, để thế nhân biết ngài là ai.
Nhiều năm qua đi, Cái Chết Đen vẫn chưa biến mất khỏi châu Âu khi Peter Paul Rubens, một tín đồ sùng đạo, vẽ bức tranh thờ về Thánh Roch tại Bỉ, dành cho hạt Aalst. Đây là một bức tranh mang thật nhiều hàm nghĩa.

Suốt đỉnh điểm của Cái Chết Đen, nỗi sợ hãi đã khiến nhiều người bỏ rơi cả những người thân và gia đình bị nhiễm bệnh của họ. Câu chuyện về Thánh Roch gợi cho chúng ta thông điệp gì về đức tin, về sự dũng cảm, thiện lương, về sự cứu rỗi bên trong đại dịch?
Trong thời khắc sinh tử, con người nghĩ tới bản thân mình, đó là điều dễ hiểu. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng đừng để nỗi sợ hãi ngăn cản chúng ta quan tâm tới người khác.
Đức tin và lòng từ bi là điều chúng ta học được từ câu chuyện của Thánh Roch. Một đức tin chân chính, kiên định, một lòng từ bi không sứt mẻ, không vì bản thân. Bởi vậy, dù ngài đã ra đi trong nhà ngục, nơi không một ai biết đến ngài, nhưng 700 năm sau, chúng ta vẫn nhắc lại câu chuyện về cuộc đời Thánh Roch.
Và điều đặc biệt trong bức tranh của Peter Paul Rubens là ở chỗ, vị Thiên Thần là người duy nhất đang nhìn vào chúng ta, ánh mắt của ngài như nói với chúng ta rằng “Thiên thượng không quên các vị”. Với những con người có thể thực sự sám hối, thực lòng xem xét lại những ác niệm trong cuộc đời của bản thân, thực tâm quy chính, quay lại với lương tri và chính nghĩa, không thờ ơ trước cái ác, thì chắc chắn họ sẽ được cứu chuộc.

Trong nỗi sợ hãi mình có thể là người mắc bệnh tiếp theo, hãy luôn nhớ rằng lòng trắc ẩn và lương tri sẽ khiến bạn trở nên mạnh mẽ.
Quang Minh