2020
Sự Ô Trọc Dưới Dáng Vẻ Thanh Cao
Sự Ô Trọc Dưới Dáng Vẻ Thanh Cao
Được Đức Giêsu kêu gọi làm môn đệ, như các môn đệ khác, Giuđa cũng đã từ bỏ mọi sự mà theo thày, được chọn là một trong Nhóm Mười Hai thân cận và được giao cho việc toàn quyền chi tiêu cho cả nhóm.
Như các môn đệ khác, ý hướng ngay lành ban đầu dần trở nên biến dạng, mỗi người đều ôm ấp một tham vọng riêng tư và trần tục khi theo Đức Giêsu. Giuđa với khao khát hưởng thụ vật chất, đã trở thành tên ăn cắp quỹ chung để tiêu xài cho riêng mình (x.Ga 12,6)
Cái khao khát thấp hèn ấy được ẩn dấu dưới dáng vẻ trong sạch cao thượng. Giuđa chỉ phục vụ mình, thay vì phục vụ Thiên Chúa và tha nhân; thích chiều theo những ham muốn hơn cố gắng kiềm chế bản thân; luôn khắt khe, đòi hỏi người khác, nhưng lại dễ dãi với chính mình; tỏ ra thương yêu người nghèo, nhưng bên trong đầy những tính toán vụ lợi; đàng sau khuôn mặt dễ mến là sự vô cảm và tham lam; bên dưới những lời vị tha nhân ái là sự ích kỷ và đố kỵ; thích soi mói người khác hơn soi xét bản thân; tìm kiếm giá trị bên ngoài, chứ không tìm chân lý nơi lời dạy của thày (x.Ga 12,5)
Cứ thế, Giuđa lún dần vào sự hư hỏng và trở thành kẻ phản bội. Sự phản bội của Giuđa không đơn thuần là sự yếu đuối, bởi ông đã chọn theo sự khôn ngoan thế gian. Thứ khôn ngoan dạy những kẻ thuộc về nó những chiêu trò, những lối hành xử cốt để mình sở hữu nhiều hơn, có nhiều quyền lực hơn, vẻ vang hơn. Thứ khôn ngoan làm người ta thích vun vén hơn là cho đi, thấy cái lợi trước mắt hơn là phúc đức lâu dài, chẳng cần nghĩ đến hậu quả tai hại sau này. Đấy là thứ khôn ngoan của Con Rắn xưa, gọi là Satan.
Satan biết điểm yếu của Giuđa, đã khéo léo cám dỗ mời mọc và ông đã rước nó và lòng. Giuđa đã phản bội Thầy mình.
Các thượng tế khi ấy muốn giết Đức Giêsu nhưng chưa tìm ra cơ hội, Giuđa đã chủ động tìm tới họ để ngả giá cho việc nộp Người. Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc.
Số tiền ít ỏi ấy chẳng đáng là bao, ngang với một tháng lương, bằng một phần mười lọ dầu thơm mà cô Maria đã đổ ra xức chân cho Đức Giêsu. Các thượng tế trả cho Giuđa ba mươi đồng là có ý coi thường ông, coi thường việc phản bội của ông, như thể Đức Giêsu đã nằm trong tay họ, bắt lúc nào là tùy ở họ. Nhưng Giuđa vẫn chấp nhận cái giá rẻ mạt ấy và cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu.
Nếu chỉ với cái giá đó mà Giuđa quyết ý nộp Đức Giêsu cho các thượng tế, ông là kẻ nô lệ cho tiền bạc cách kinh khủng. Nhưng đó là sự thật hiển nhiên và ông không thể chối bỏ trách nhiệm của mình trong việc đẩy Đức Giêsu đến cái chết.
Giuđa đã bỏ lỡ nhiều cơ hội Chúa đã dành cho ông. Lương tâm chai lỳ và lòng dạ ngoan cố, khiến ông từ khước những lối thoát mà Đức Giêsu vì yêu thương, đã mở cho ông. Vì thế Đức Giêsu đã đau đớn thở than: “Đã hẳn Con Người ra đi như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra còn hơn”
Dù đau đớn, nhưng Đức Giêsu thấy được ý nghĩa của tấn thảm kịch này nằm trong kế hoạch cứu chuộc nhân loại của Chúa Cha: Người phải chết để ứng nghiệm lời Kinh thánh; Người chấp nhận cái chết để chứng tỏ mình là Tôi Trung hằng vâng phục Thánh ý Chúa Cha. Đức Giêsu biết Người sẽ phải trả giá chuộc đời, và trong tư thế chủ động, Người sẵn sàng trả giá ấy, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người.
Dùng từ “khốn” ở đây, Đức Giêsu vừa muốn nhấn đến sự hèn mạt mất nhân cách, sự ô trọc dưới dáng vẻ thanh cao đáng khinh và bị nguyền rủa, vừa cho thấy tai họa nặng nề , vì “thà nó đừng sinh ra còn hơn.”
Đức Giêsu cho thấy sự kinh khủng của thứ tội có chủ ý, có dáng dấp bóng hình quỷ dữ. Biết mình đang ủ tội, biết thầy rõ tội mình, nhưng vẫn làm ngơ trước lời kêu gọi của Chúa, vẫn cương quyết thực hiện cho đến cùng.
Đang khi các môn đệ xôn xao hỏi Đức Giêsu: “chẳng lẽ con sao”, Giuđa cũng trơ trẽn ghé tai thầy với lời lẽ rất trọng vọng: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Đức Giêsu trả lời thẳng: “Chính anh nói đó!”
Trong cơn đại dịch coronavirus nghiêm trọng, những nơi quy tụ đông người bị đình chỉ, kể cả việc cứ hành các thánh lễ. Ai cũng có những cảm nghĩ riêng, đồng tình hoặc bất ưng, nhưng cần xem lại trong tâm hồn mình, có sự vâng phục Hội thánh hoặc chiều theo khôn ngoan con người; có ủ ấp một tham vọng hoặc tiềm tàng một Giuđa tính toán, đặt Chúa vào thế buộc phải thực hiện theo ý mình hoặc loại bỏ Chúa ra vì ý muốn của mình?
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR
2020
Giữ mối hiệp thông với nhau dù không thể quy tụ trong ngày của Chúa
Giữ mối hiệp thông với nhau dù không thể quy tụ trong ngày của Chúa
Một câu hỏi được đặt ra là: chúng ta đang sống những ngày vừa qua như thế nào ?
Ý nghĩa của Mùa Chay mời gọi chúng ta sống một thời gian hướng trọn về bên trong của mình để thanh luyện, mà nhờ đó chúng ta đón nhận cách tích cực nhất đời sống của Đức Kitô, khi mà thế giới đang phải đối diện với nỗi sợ hãi bởi CO-VY 19.
Dường như, chúng ta đang bị ngăn cản với những gì là trọng tâm của đời sống Kitô hữu, nghĩa là nguồn mạch và chóp đỉnh : đó chính là Thánh Thể. Chúng ta được mời gọi sống tinh thần “khoảng cách” với nhau, riêng tư khỏi cộng đoàn vốn có của mình. Cộng đoàn ấy mà ở chính nơi đó có sự hiện diện của Đức Kitô, khi quy tụ vào ngày Chúa nhật. Bởi cũng chính nơi đó và thời gian đó, chúng ta lắng nghe và lãnh nhận lời chúc : “bình an cho anh chị em” của Người; và cũng chính Người hiện diện khi cộng đoàn cùng nhau bẻ bánh.
Nhưng phải đối diện với sự thiếu vắng của việc tụ họp vào ngày của Chúa, và như thế là thiếu vắng cả việc bẻ bánh: cử hành thánh thể. Chính vì thế, tín hữu tất cả được mời gọi hãy tham dự Phụng vụ ngày của Chúa qua các phương tiện truyền thông và sống tinh thần thiêng liêng của mầu nhiệm ấy. Tất cả được mời gọi hiệp thông trong một hành động của lòng muốn : “hiệp thông thiêng liêng”. Hẳn nhiên, Giáo hội đã nhìn nhận ngay từ những thời kỳ ban đầu của mình về việc thực hành hành động hiệp thông thiêng liêng hay rước lễ thiêng liêng này. Và hành động ấy được coi như một phương cách xứng đáng cho việc tiến tới bàn tiệc thánh, nối kết với Đức Kitô trong những tình huống không thể đón nhận thánh thể mang tính bí tích như tình trạng của những người bệnh hay người già hoặc ở trong những tình huống bị ngăn cản cho việc rước Mình và Máu Thánh Chúa Kitô cách thực thụ. Vậy, hiện tình này đang đụng chạm như thế nào vào đời sống của chúng ta ?
1.- Sự tác động đầu tiên liên quan đến việc quy tụ công đoàn
Một trong những đặc tính của Giáo hội được thể hiện trong cộng đoàn quy tụ vào ngày của Chúa. Và trong hoàn cảnh của dịch bệnh đang ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta ngày nay, đời sống cộng đoàn được hiểu theo ý nghĩa “quy tụ” bị tác động mạnh mẽ. Rõ ràng, chẳng có cộng đoàn quy tụ, chẳng có cử hành thánh thể, chẳng có bánh được bẻ ra và chia sẽ giữa những kẻ tin như chính chúng ta đang đối diện : và như thế, hiểu cách thông thường : không có hiệp thông hay hiệp lễ. Và như thế, đó là một kinh nghiệm không may cho chúng ta; hoặc có thể nhấn mạnh thì đó là một kinh nghiệm đau buồn cho chúng ta. Hơn nữa, sống kinh nghiệm đau thương này trong thời gian này ở mỗi Chúa nhật, phải làm cho chúng ta khám phá và tái khám phá ra yếu tố căn bản của sự kiện đó là : lòng khát mong hiệp thông của chúng ta phải luôn được hoạt động, không thể ngưng hay bị chia tách. Lòng khát khao hiệp thông ấy phải quy hướng về tấm bánh được thánh hiến và trở nên thân thể bí tích của Đức Kitô và về với cộng đoàn (một cộng đoàn rộng lớn và cộng đoàn hữu hình tại chỗ), vốn là một hình mẫu khác của thân thể Đức Kitô : là Giáo hội.
Cần hiểu rằng, trong nghi thức rước lễ, ngay trước đó, tất cả chúng ta được mời rọi cùng đọc lời kinh “Lạy Cha chúng con”. Và hẳn nhiên trong hoàn cảnh này, chúng ta đều có khả năng đọc lên qua truyền hình, bằng điện thoại và kế đến là trao ban bình an. Cũng trong chính lời kinh ấy mời gọi chúng ta bước vào hành động chia sẻ theo cùng một cách thức của sự trao ban và sự thông hiệp vào tất cả Thân Thể Đức Kitô.
Chúng ta cũng được nhắc nhớ rằng, các tín hữu đầu tiên đã quy tụ vào ngày Chúa nhật và biểu tỏ như thế về Giáo hội. Khi bị chia cách về việc quy tụ vào ngày của Chúa, chúng ta sống trong dấu chứng của sự đau khổ thực sự, sự đau khổ khi không thể cùng quy tụ với các anh chị em Kitô hữu khác hay với các anh chị em dự tòng để cử hành Mầu Nhiệm Vượt qua của Đức Kitô.
Vào năm 304, các chứng nhân tử đạo tại Abitène, một thành phố nhỏ ở Tunise ngày nay, đã hiểu cách trọn vẹn về ý nghĩa căn bản của giá trị của cái chết : “Sine dominico non possumus – chúng tôi không thể sống nếu không có sự quy tụ ngày Chúa nhật”. Hẳn nhiên, với chúng ta cũng thế, chúng ta cũng cần phải hiểu giá trị của lời nói và ý nghĩa của ngày Chúa nhật ấy [1].
2.- Vậy, làm thế nào để ngày không được quy tụ cử hành Thánh Thể vẫn có ý nghĩa ?
Để làm cho ngày Chúa nhật của chúng ta khi không có sự quy tự và thánh thể có ý nghĩa, chúng ta được mời gọi hãy làm cho chính mình được nối kết một cách khác bởi Đức Kitô, Đấng là Đầu của Thân Thể Người chính là Giáo hội. Chúng ta được mời gọi tái khám phá ra nơi những anh chị em của chúng ta khi họ ở cùng với chúng ta hay khi họ đến gặp gỡ chúng ta bằng những phương tiện mà Giáo hội trao cho chúng ta, để nhờ đó khẳng định rằng, qua họ, Đức Kitô được hiện diện : “Đức Kitô hiện diện trong lời của người, vì chính người nói với chúng ta khi chúng ta đọc trong Giáo hội các bản văn Kinh Thánh. Người ở đó hiện diện khi Giao hội cầu nguyện và hát Thánh vịnh…” (HCPV, số 7).
Cũng thế, nếu chúng ta bị cách ly, bị cô lập bởi những hoàn cảnh tương tự như ngày nay, nhưng chúng ta vẫn dành thời gian để hiệp thông với các anh chị em cúa chúng ta, những người cũng bị cách ly hay cô lập, thì ngay lúc đó Đức Kitô hiện diện và nối kết chúng ta trong Lời của Người. Chính Người ở đó khi chúng ta cử hành Phụng vụ Các Giờ Kinh . Sự sự hiện thực này cũng được so sánh như trong Thánh lễ, ở lúc mà chúng ta cùng cầu nguyện “vì vinh quang của Thiên Chúa và ơn cứu độ con người”.
Từ đó, chúng ta hiệp thông thiêng liêng với anh chị em của chúng ta, người này với người kia, vì Đức Kitô đã quy tụ chúng ta, chính Người quy tụ chúng ta thành Thân Thể của Người. Cũng từ đó, chúng ta có một đời sống thánh thể, nghĩa là hành động tạ ơn (eucharistia trong ngôn ngữ hy lạp) với hoặc không có bí tích thánh thể.
Cần thấy rằng, việc hiệp thông thánh thể hay rước lễ thánh thể chẳng bao giờ có thể chia tách với việc hiệp thông Giáo hội. Chính trong sự quy tụ, mà các Christi fideles sống cách tràn đầy sự hiệp thông với Đức Kitô, Đấng luôn luôn là sự tròn đầy của sự khát khao của một hữu thể được hiện thực trong chân lý, trong Vương Quốc. Vì điều này mà chúng ta không nên trước tiên hay chỉ là một ước muốn tương tác bởi một tình huống thực hành, nhưng từ một ước muốn không ngừng được làm mới lại mà Giáo hội từ hơn hai ngàn năm nay đã tự thốt lên : “Xin hãy đến, Lạy Chúa!”
3.- Vậy sống hiệp thống thế nào ? Tiếng chuông nhà thờ : dấu chỉ mời gọi hiệp thông.
Để đánh dấu cho thời gian quy tụ cầu nguyện, mặc cho những bức tường ngăn cách trong các khu nhà, tại sao chúng ta lại không thử cho hình thức : kéo chuông nhà thờ vào mỗi Chúa nhật trong thời gian Mùa Chay này vào cùng thời gian, như để nhắc nhớ về ngày của Chúa cho tất cả? Điều này có thể được thực hiện tại các giáo xứ miền quê của từng giáo phận. Hành vi này rất có thể trở thành một dấu chỉ hữu ích và phong phú để cho thấy rằng, các tín hữu sẽ không bị chia tách hay cô lập bởi dịch bệnh (bởi CO-VY 19). Qua dấu chỉ mời gọi, các tín hữu cùng quy tụ tại nơi của mình và cùng cất lên lời kinh cầu nguyện với cùng một trái tim liên kết với Đức Kitô. Cũng chính vì thế, mối thông hiệp sẽ được cảm nhận và chúng ta sẽ không bị chia cắt trong yếu tố thiêng liêng cho dù chúng ta đang bị chia cắt của một cuộc quy tụ hữu hình bởi thể xác.
Hình thức quy tụ cầu nguyện tại chỗ theo dấu chỉ của tiếng chuông nhà thờ sẽ còn là lời nhắc nhở về sự thánh hóa của ngày Chúa nhật, ngày của Chúa.
——————–
[1] Đã nhiều người cảm thấy thất thần khi nghe loan báo về sự tạm ngưng cử hành các thánh lễ. Có những người đã khóc về điều đó. Hoặc có một người khác đã thấy thật khó khăn đón nhận việc tạm ngưng cử hành thánh lễ khi không thể đón nhận bí tích Thánh Thể mỗi ngày trong thánh lễ.
Lm. Giuse Nguyễn Hiển, OP lược dịch theo liturgie.catholique.fr
2020
Tình Yêu Được Đáp Trả
Thứ Hai Tuần Thánh Mùa Coronavirus: Tình Yêu Được Đáp Trả
Bước vào Tuần Thương khó trong tâm trạng não nề, sầu muộn vì không được tham dự những ngày lễ trọng đại của mầu nhiệm Vượt qua: cuộc khổ nạn – cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, vì chúng ta nghĩ mình là tôi tớ, nên phải phục vụ Chúa. Việc ngừng những ngày đại lễ khiến tâm tư chúng ta bối rối, như có lỗi một phần, Hội thánh có lỗi nhiều phần và Thiên Chúa có lỗi toàn phần (?)
Nhưng thật ra, chính Chúa Giêsu yêu thương chúng ta trước một cách nhưng không, nên đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ phục vụ chúng ta như một tôi tớ: rửa chân – gánh lấy mọi án phạt tội lỗi – tái tạo chúng ta thành người mới. Vì chúng ta rất quý giá đối với Chúa, nên Người đã phải trả giá đắt.
Ba ngày đầu của Tuần thánh họa lại tình cảnh bi đát, bế tắc của Đức Giêsu trước ngày chịu khổ nạn. Một đám đông kéo đến nhà cô Mác ta không chỉ vì muốn gặp Người, mà còn để thấy Ladaro, kẻ được Người làm cho sống lại; các thượng tế tìm cách giết Đức Giêsu, và cả Ladaro nữa, vì tại anh, mà nhiều người Do thái bỏ họ và tin vào Đức Giêsu; và trước đó thượng tế Cai pha trong buổi họp của Thượng hội đồng Do thái đã quyết định giết Đức Giêsu, vì cho rằng: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50); và môn đồ Giu đa, kẻ hay ăn cắp quỹ chung cũng có ý định nộp Người.
Thật khó để yêu thương những con người “khó thương”; thật khó bình an giữa những mưu mô chết người; thật khó hy sinh cho những kẻ chẳng đáng tin; thật khó phục vụ những kẻ đãi bôi và thật khó cho đi tình yêu mà không được đáp trả.
Nhưng một tín hiệu “từ đất” khiến Đức Giêsu xác tín tín hiệu “từ trời”. Cô Maria ấy, chỉ là cái bóng đối với cô chị Mác ta, cũng chẳng nhận được phép lạ cả thể như người em Ladaro, chẳng được hầu bàn để gần gũi Đức Giêsu như Mác ta cũng không được dự tiệc như Ladaro, đã tỏ bày trọn vẹn tình yêu của mình đối với Đức Giêsu.
Một cân dầu cam tùng nguyên chất: một tài sản lớn và quý giá đối với một cô gái, không là gì so với sự hiện diện của Đức Giêsu. Nó chỉ dùng để diễn tả tấm lòng quý mến cô dành trọn vẹn cho Người.
Có lẽ vì thấy mình nhỏ bé, tầm thường, bất xứng trước vị thầy vĩ đại, thay vì xức trên đầu, như người ta thường làm, cô xức chân Đức Giêsu và lấy tóc để lau, một hành vi “bất kính” của hạng người “không ra gì” đối với nhãn quan của người Do thái, nhưng Đức Giêsu lại thấy nghĩa cử đó là hành vi tiên tri “cô ấy giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng thầy.”
Đấy là dấu chỉ để Đức Giêsu xác tín vào kế hoạch cứu chuộc của Chúa Cha “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45)
Chính tình yêu lớn của một con người nhỏ bé, tầm thường và mất hút giữa đám đông cũng làm lay động trái tim Đức Giêsu, cũng trở thành tín hiệu vững chắc để Người xác tín thánh ý của Chúa Cha và định hướng cho tương lai mình.
Bước vào Tuần thánh mùa Coronavirut trong sự ngậm ngùi, có cần phải tiếc xót ôn lại những kỷ niệm xưa, hay cần phải trở nên giống Chúa trong việc phục vụ cách nhưng không? Phải yêu mến Chúa hơn mọi sự đáng được yêu và vâng phục Chúa trong mọi sự ?
Hãy để cho Đức Giêsu phục vụ chúng ta trong cách thức mới, trong sự khiêm nhường, kiên nhẫn và vâng lời của một Người tôi tớ cùng với sức mạnh của tình yêu, dù có bị phản bội và bị ruồng bỏ.
Nếu Thiên Chúa đã không đánh bại cái ác nhưng như để sự ác nghiền nát tấm thân của Con Chúa; nếu Thiên Chúa đã nâng đỡ Con Chúa trong đau khổ và nhậm lời giải thoát Đức Giêsu theo cách của Người (Dt 5,7-9), thì chúng ta cũng hãy đập nát cái ác, sự bất tuân, gièm pha, tức tối, cay đắng trong chúng ta bằng sự phục vụ cụ thể, bằng một tình yêu cho đến cùng.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR
2020
Chuyện cần làm …
CHUYỆN CẦN LÀM THÌ KHÔNG LÀM VÀ NGƯỢC LẠI
Đâu đó bỉ nhân có đọc được một câu chuyện kể đại loại như thế này :
Ở một giáo xứ nọ, Cha Xứ muốn cái gì cũng phải là hoàn hảo, cái gì cũng phải là chỉn chu. Ai nào đó không làm theo ý hay không chỉn chu thì Cha Xứ cáu gắt.
Chuyện xảy ra thường nhất và lớn nhất trong Giáo Xứ đó chính là việc kiệu Mình Thánh Chúa. Lần nào cũng như lần nấy không tránh khỏi những sơ xuất. Với tính cách và ước muốn hoàn hảo, Cha Xứ cương quyết cũng như cố gắng không để một điều gì sơ xuất nữa.
Và rồi, ngày mà cả giáo xứ kiệu Thánh Thể lại đến. Ngày hôm đó, quả thật là cả giáo xứ đi kiệu Mình Thánh Chúa hết sức trang nghiêm và sốt sắng. Có thể nói là cuộc rước này hoàn hảo trên mức hoàn hảo. Thế nhưng rồi đến khi kết thúc giờ kiệu và Chầu Mình Thánh Chúa, chú bé giúp Lễ phát hiện ra một điều hết sức quan trọng là Cha Xứ quên đặt Mình Thánh Chúa vào Mặt Nhật !
Có thể đây chỉ là câu chuyện giả tưởng nhưng dù sao đi chăng nữa cũng để lại cho người nghe bài học nào đó trong cuộc đời. Trong cuộc đời, có khi người ta lo lắng ba cái chuyện bên ngoài, lo lắng ba cái chuyện đâu đâu còn chuyện chính yếu lại quên đi mất.
Ở đời, làm sao có sự hoàn hảo để mà mong muốn. Hẳn nhiên ai ai cũng cầu toàn nhưng làm gì có thể cầu toàn được vì phàm là người, sơ xuất là chuyện dĩ nhiên, trừ phi những người ngạo mạn và tự cao tự đại coi mình là nhất và vô địch thiên hạ.
Nói tới đây, hình dung ra chuyện khóc mướn. Có những gia đình muốn thể hiện mình có hiếu nên bèn thuê người đi khóc mướn. Chỉ cần bỏ ra một chút tiền thế là đám tang thật rình rang vì có nhiều người khóc … mướn. Những người kia chả biết gì, chỉ cần có tiền thì họ khóc mướn vô tội vạ.
Nực cười thay là có những chuyện chả dính dáng gì đến đời mình, chả dính dáng gì đến ơn cứu độ của mình mà mình cứ phải lăn tăn. Cần gì phải lăn tăn như thế ? Chuyện quan trọng nhất của mỗi người đó là tìm sự bình an trong tâm hồn, tìm ơn cứu độ.
Những ngày này, ai ai cũng biết đại dịch đã đến, đang đến và sẽ hoành hành trên cả nhân loại. Chuyện quan trọng nhất bây giờ phải chăng đó là thinh lặng để cầu nguyện, để xin Chúa cho mỗi người tin vào Chúa, bám vào Chúa để được giải thoát, để được chữa lành.
Cạnh đó, ngoài chuyện lo về đức tin, ai ai cũng biết sẽ có cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra không muộn. Cứ như tình hình hiện nay thì đã xảy ra những vụ án do tình hình Covid19. Lo nồi cơm, lo cho gia đình của mình không lo nhưng lại cứ đi lo chuyện của người khác, quả thật là buồn cười.
Tiếc thay trong cuộc sống có những chuyện nhỏ nhen, có những chuyện xem ra nó chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống và nhất là ơn cứu độ của mình nhưng người ta cứ lao vào để mà săm soi, để mà xét nét. Có khi người ta xét nét từng câu chữ, có khi người ta xét nét từng lời ăn tiếng nói, có khi người ta xét nét những thứ bên ngoài. Chuyện cần nhất vẫn là nội tâm của mỗi người.
Ai nào đó lăn tăn cũng dễ hiểu chứ không khó. Đơn giản là họ không có bình an trong tâm hồn. Nếu ai nào đó bình an thật sự trong tâm hồn thì cho dẫu có những náo động xôn xao thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến họ. Như đâu đó ta đã đọc được tâm tình : “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Với câu này, ta nhận ra tâm của ta như thế nào trước những nổi trôi, những biến cố của cuộc đời. Có khi chỉ vì ham vui, có khi chỉ vì cái tôi của ta quá lớn để ta cứ chạy quanh quanh như chiếc đèn cù vậy mà ta không tìm thấy sự bình an.
Hẳn ta còn nhớ Thánh Vịnh 61 chỉ dạy :
“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn”.
Và quan trọng hơn cả đó chính là :
“Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi”
Vâng ! Ơn cứu độ của mỗi người chúng ta chính là nơi Thiên Chúa và chỉ mình Thiên Chúa. Chính vì thế, nên chăng tìm Thiên Chúa chứ đừng đi tìm những thứ khác lăn tăn để lỡ khi ta nằm xuống ta mất cả chì lẫn chài.
Trong những ngày bước vào cuộc Thương Khó của Thầy Chí Thánh Giêsu, mỗi người chúng ta được mời gọi đi vào cõi lặng để nhìn, để ngắm, để suy tình yêu cứu độ mà Thiên Chúa yêu thương và dành cho mỗi người chúng ta. Thay vì đi tìm những chuyện hão huyền, những chuyện lăn tăn thì ta nên trở về với Chúa, trở về với chính mình để tìm ơn Cứu Độ mà thôi. Đơn giản, Ơn Cứu Độ vẫn là điều cốt yếu nhất của đời Kitô hữu chúng ta.