2020
Vài tâm tư về Thánh Lễ
1. Đi lễ ăn mặc không đoan trang
Nhiều người đi lễ ăn mặc không đoan trang, đứng đắn, đôi khi còn ăn mặc hở da, hở thịt. Xin đừng quên, thân xác là đền thờ Chúa ThánhThần (1Cr 6,19). Xin ý tứ, tế nhị hơn, đến với Chúa chứ không phải đi dự tiệc tùng, vui chơi.
2. Đi check-in chứ không phải đi lễ
Nhiều người đi lễ chỉ để điểm danh cho người ta biết là mình có đi lễ. Đến nhà thờ chỉ tranh thủ seo-phì (selfie) tự sướng, chụp hình hết chỗ này chỗ kia. Vậy là họ đi cho có lệ, có trách nhiệm chứ đâu phải vì lòng mến Chúa, yêu Người. Đi cho khỏi bị người ta đánh giá?
3. Cha vào – Con ra
Nhiều người đi lễ mà tính toán đến từng phút, từng giây. Canh khi nào cha ra bàn thờ thì mới chạy vào, “đứng đứng, chắp chắp”. Thánh lễ chưa kịp kết thúc đã mau mau “cúi cúi, chào chào”, rồi vội vã ra lấy xe. Xin hỏi lòng mến Chúa ở đâu? Và mở miêng ra là nói yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn?
4. Ngồi giải trí chứ không ngồi dự lễ
Nhiều người đi lễ mà tranh thủ, trực chiến điện thoại trên tay để rảnh là vuốt, là chạm. Zalo, Facebook… rồi ngồi tủm tỉm cười một mình. Mượn khung cảnh nhà thờ để làm việc riêng tư. Vậy đi lễ có ơn ích gì không?
5. Đi lễ hay đi biểu diễn thời trang
Nhiều người coi việc đi lễ như là dịp để khoe quần áo đẹp, điện thoại xịn, xe sang, khoe đồ đẳng cấp… Đi lễ mà ăn mặc lòe loẹt, xức nước hoa thơm cả góc sân nhà thờ. Đành rằng mặc đẹp để đến gặp Chúa, gặp anh chị em là đúng, nhưng kiểu “đẹp quá” như thế này lại không tốt chút nào!
6. Đi lễ “gốc cây” – “xe ôm” – “Ven đường”
Nhiều người đi lễ mà chẳng biết hôm nay ai chủ tế, có mấy cha, hay cha mặc áo gì, bên trong nhà thờ có gì đặc biệt hay không, ai đọc sách…bởi họ ngồi ở đâu đó, đứng ven đường hay mãi ngồi trên “xe ôm” bên ngoài nhà thờ. Thờ ơ với thánh lễ, với khung cảnh buổi lễ. Lòng không ước muốn gặp Chúa và yêu mến Ngài.
7. Đi “xem lễ” chứ không phải tham dự thánh lễ
Trong Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh (Sacrosantum Concilium), Giáo hội luôn thiết tha và yêu cầu các tín hữu phải tham dự các phụng vụ thánh, nhất là thánh lễ cách chủ động – trọn vẹn. Nghĩa là phải thưa kinh, đối đáp cùng chủ tế và cộng đoàn, phải hòa một lòng một ý với chủ tế và cộng đoàn. Nhưng nhiều người đi lễ chỉ là để ngắm xem ai xinh, ai đẹp, ai là hot girl, hot boy, ai dễ thương, ai sang trọng…. Cần phải có thái độ đúng mực khi tham dự thánh lễ
8. “Đồng ý” 100%
Nhiều người đi lễ hay lắm, cha giảng gì cũng “gật gù” tán thành, ai nói gì cũng “gật đầu” đồng ý. Hóa ra họ đang ngủ!
9. Máy soi siêu cấp
Nhiều người đi lễ lạ lắm, chẳng may cha chủ tế hoặc ca đoàn hay người đọc sách thánh có đọc – hát sai thì chê bai, dè bỉu, trong khi đó nội dung người ta truyền đạt thì chẳng nhớ gì.
10. Rước lễ như cái máy
Đây là một vấn nạn và thực sự rất phổ biến trong các Giáo xứ.
Nhiều người đi lễ mà không ý thức về tình trạng của bản thân (có sống trong ân sủng, có sạch tội hay không) mà cứ lên rước Chúa. Thấy họ lên rước lễ thì mình cũng lên, sợ rằng mình không lên rước lễ người ta sẽ nghĩ mình là người tội lỗi.
Theo Giáo luật số 916, thực sự điều này rất nguy hiểm bởi ai không sống trong tình trạng ân sủng thì không được phép rước lễ. st
2020
Tuổi trẻ và tiếng gọi
TUỔI TRẺ VÀ TẾNG GỌI
“Đừng làm nhoà tiếng của Thiên Chúa, Đấng đang mời gọi các bạn trỗi dậy và đi theo những con đường mà Ngài đã chuẩn bị cho các bạn”[1] lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các tham dự viên Diễn Đàn Giới Trẻ Quốc Tế Lần Thứ XI, tại Rôma 2019. Gợi cho ‘Nó’ nhớ về cái thời đã qua của tuổi trẻ và tiếng gọi mà mình cảm nhận đến từ Thiên Chúa ngang qua cuộc đời.
Tiết trời mùa xuân luôn ấm áp, rực rỡ, đẹp nhất trong năm; tuổi trẻ luôn là mùa xuân tràn trề hy vọng của hành trình đời người.
Tuổi trẻ, giai đoạn đầy năng lực, tràn trề yêu thương, ý chí mạnh mẽ, lý tưởng cao đẹp, nhiều hoài bão,ước mơ cả những đổi thay về tâm sinh lý để trở nên con người trưởng thành.
Trong những đổi thay để lớn lên thành người có thay đổi của sự lựa chọn: lựa chọn chuyên nghành, nghề nghiệp, đối tượng để yêu.
Với Nó, là người trẻ Công giáo đòi hỏi phải làm một cuộc phân định cho hướng đi trong tương lai. Đi tu hay sống đời hôn nhân là một vấn đề lớn cần phân định của người trẻ ở mọi thời.
Có người trẻ cho rằng “đi tu” là xa xỉ vì họ quá yêu tự do, phóng túng, muốn làm gì thì làm, “đi tu” sợ bị ràng buộc, sợ bị nhốt mình trong bốn bức tường tu viện, chủng viện; sợ kỉ luật, sợ mất thanh xuân… Họ nghĩ rằng sống đời hôn nhân cũng sẽ mất tự do, sẽ bị ràng buộc nhưng có lẽ không đến nỗi “phải mất” như sống đời tận hiến… Là người đã từng sống và trải qua giai đoạn này của đời mình, Nó cũng từng đứng trước ngã ba cuộc đời, tương lai – sự nghiệp – bậc sống. Muốn lập nghiệp, muốn học một nghề danh giá để kiếm thật nhiều tiền, có chỗ đứng trong xã hội,làm những gì mình thích: mua sắm, du lịch, tụ tập bè bạn ; Một mặt muốn đi tu để thực hiện ước mơ mà Cha Mẹ đã ươm từ hồi còn tấm bé.
Là người trẻ, Nó cũng đã từng trằn trọc bao đêm dài để phân định, chọn lựa bậc sống. Là người trẻ Nó cũng đã từng khóc “cạn nước mắt” để chọn lựa – phân định giữa việc: chia tay, giã từ mối tình thơ mộng của tuổi đôi mươi thật đẹp, một tương lai huy hoàng đang mở ra trước mắt để đi con đường “ít người đi”, hay tiếp tục “sánh đôi cùng người ấy” đi chung con đường của mọi người…
Và… giữa bao tiếng gọi mời ngọt ngào hấp dẫn, đan xen với những cuộc chiến đấu tận thâm sâu tâm hồn. Nó đã nghe tiếng gọi của thầy Giêsu “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại”. (Ga 15,16.). Đây thực là lời mời gọi của người bạn: Bạn Giêsu.
Từ đó Nó đã chọn “đi tu”, rồi từng bước – từng bước theo Ngài trong hành trình ơn gọi dòng Mến Thánh Giá.
Thỉnh thoảng có người bảo: này nhỏ “thất tình nên đi tu hả”,“ế nên đi tu chứ gì !”
Người đời nghĩ kẻ “đi tu” thường có “vấn đề” “Đi tu” là sống khác người.
Có người còn cho rằng “tu” không còn được phép yêu,“trái tim không được lúc lắc vì gì, lúc lắc vì ai” tu là sống cô đơn một mình, đi tu là đánh mất tất cả, từ bỏ tất cả. Bởi họ cho rằng cùng đích của đời người là : danh vọng, tiền tài và hưởng thụ. Chỉ cần kiếm được nhiều tiền, tìm đứng chỗ nào có chút danh giá trong xã hội là đủ. Nhưng họ không nghĩ rằng người tu cũng có thể yêu, không chỉ yêu một người mà yêu tất cả mọi người.“Yêu Chúa là tôi yêu tất cả, nếu yêu anh, yêu chỉ một mà thôi nên tôi coi anh là kẻ xa lạ để tôi yêu vạn kẻ ở trên đời”[2]
“Đi Tu” hy sinh cái gia đình nhỏ để sống trong gia đình rộng lớn là Giáo Hội. Đi tu có thể làm những điều mình thích nhưng theo một cách khác. Đi tu là sống tuổi trẻ theo phong cách của riêng mình, phong cách “không đụng hàng” nói theo kiểu của tuổi “Tuổi Teen” bây giờ.
Đi tu hay lập gia đình đều có mặt trái của nó. Đi tu không phải đi tìm sung sướng cho bản thân, không để trốn đời, cũng không hẳn phải liều mình lao vào chỗ khổ cực, chốn cùng đinh. Nhưng “đi tu” là đáp lại tiếng Chúa kêu gọi, dấn thân sống chết cho một lý tưởng cao cả mà chỉ những ai Thiên Chúa muốn Ngài mới ngỏ lời và ban đủ ơn để người ấy hiểu, chọn lựa và sống cho Người.
Nét cao cả thiêng liêng của người đi tu, sống đức khiết tịnh được nêu bật trong Tin Mừng, bởi vì Chúa Giêsu đã cho thấy giá trị của độc thân. Ngài đã khen ngợi độc thân tự nguyện sau khi khẳng định sự bất khả phân ly của hôn nhân. Đức Giêsu đã ngăn cấm người chồng ruồng rẫy vợ mình, các môn đệ đã phản ứng lại: “…Nếu chồng phải xử sự như thế đối với vợ thì thà đừng lấy vợ còn hơn”. Chúa Giêsu đã gán cho câu nói “thà đừng lấy vợ” một ý nghĩa cao siêu hơn khi trả lời rằng: “Không phải ai cũng hiểu được điều ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Quả vậy, có những người là hoạn nhân vì từ lòng mẹ đã sinh ra như thế; có những người là hoạn nhân vì bị người ta hoạn; và có những người là hoạn nhân do họ tự ý sống như thế vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu” (Mt 19,10-12).
Có phải vì “thất tình” hay “Ế” mới đi tu?
Nếu sẵn lòng hân hoan, phấn khởi sống đời tu trong khiết tịnh nghèo khó, vâng lời theo tinh thần của Tin Mừng thì sẽ hạnh phúc biết bao. Hạnh phúc vì cuộc đời mình đã được hiến tế theo gương thầy chí thánh Giêsu trở nên chứng tá cuộc sống vĩnh cửu cho con người trong thế giới mọi thời. “Đời sống thánh hiến trở thành dấu chỉ sống động lôi kéo dân Chúa và mặc khải mầu nhiệm Nước Trời”. (Ls. Đ 17)
Sống đời hôn nhân không chỉ là cơm áo gạo tiền, vợ chồng, con cái nhưng nếu tìm được những niềm vui, hạnh phúc ngay trong chính gia đình của mình thì đó là điều đáng sống.
Sống đời tu, sống đời hôn nhân : Chúng ta biết mình đi đúng đường mà trong kế hoạch ngàn đời Chúa muốn “Tất cả các Kitô hữu, dù trong hoàn cảnh nào hay bậc sống nào cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành”[3]. Miễn là đừng sống trong vỏ bọc an toàn của bản thân. Đức Thánh Cha đã nói trong Tông huấn Chúa Kitô đang sống: “Trong khi đấu tranh để thực hiện những ước mơ của mình, con hãy sống cách tròn đầy ngày hôm nay, cho đi tất cả và lấp đầy tình yêu từng giây phút”.
Là người trẻ“Đừng làm nhoà tiếng của Thiên Chúa, Đấng đang mời gọi các bạn trỗi dậy và đi theo những con đường mà Ngài đã chuẩn bị cho các bạn…”.
Thiên Chúa đã chuẩn bị cho bạn, cho tôi, cho mỗi chúng ta một con đường thật đẹp. Điều còn lại là mỗi người có lắng nghe, phân định, chọn lựa và quyết tâm bước theo với chút mạo hiểm hay không? “Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định cho các ngươi, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng” (Gr 29,1).
Nếu bạn chọn đời tu xin hãy nhớ rằng : “Ơn gọi là một ân ban, nhưng rõ ràng nó cũng là đòi hỏi nữa. Các quà tặng của Thiên Chúa có tính tương tác; để cảm thụ chúng, ta phải sẵn sàng mạo hiểm. Nhưng những đòi hỏi ở đây không phải là một sự bắt buộc được áp đặt từ bên ngoài, mà là một sự thúc đẩy cho phép ân ban ấy lớn lên và phát triển, rồi sẽ trở thành một quà tặng cho người khác. Khi Chúa đánh thức một ơn gọi, Ngài không chỉ nghĩ về con người của bạn cho đến nay, nhưng Ngài nghĩ về điều mà bạn sẽ trở thành, trong sự bầu bạn của Ngài và của người khác. Sức sống mãnh liệt và nghị lực của nhân cách kết hợp lại trong trái tim người trẻ để thúc đẩy họ không ngừng hướng lên cao hơn. Sinh lực dồi dào này sẽ được tôi luyện bởi thời gian và bởi những kinh nghiệm đau đớn, nhưng“niềm khát khao này đối với cái vô hạn, một niềm khát khao mang chất trẻ và chưa được kiểm chứng”[4] Cần phải gặp gỡ tình bạn vô điều kiện mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta. Không đơn giản chỉ là những qui tắc và bổn phận, sự chọn lựa mà Đức Giêsu đặt ra trước chúng ta hệ tại ở việc đi theo Người, như những người bạn đi theo nhau, tìm kiếm sự bầu bạn của nhau và dành thời gian với nhau, được thúc đẩy bởi tình bạn tinh thuần. Mọi sự khác sẽ đến trong quá trình, và ngay cả những thất bại trong đời sống cũng có thể là một cách rất giá trị để kinh nghiệm cái tình bạn không bao giờ đánh mất ấy.[5]
Ước gì bạn, tôi, chúng ta nhận thấy những phẩm chất, khả năng tốt đẹp mà Thiên Chúa ban nơi bản thân, ra sức phát huy, xây dựng, cầu nguyện để có được một niềm tin vững chắc, biết đứng thẳng trên đôi chân của chính mình. Và luôn xác tín rằng sống đời tu là chọn lựa đến từ Thiên Chúa và tự do đáp trả của bản thân để rồi trung thành với cam kết theo Ngài cho đến cùng.
Để được bền vững trong ơn gọi – Ước gì mỗi chúng ta trở nên người bạn thân thiết của Đức Kitô, vì nhờ Ngài, với Ngài, trong Ngài chúng ta mới thỏa mãn mọi khát vọng. Nhờ : sốt sắng trong cầu nguyện, khao khát sống Lời Ngài, siêng năng đón nhận Chúa Giê-su Thánh Thể, nhiệt tình sống Tin Mừng, chúng ta sẽ được thêm sức mạnh, bình an và niềm vui thiêng liêng. Như thế mới trở nên bạn thân của Chúa Giêsu và cùng với NGƯỜI đi đến tận chân trời góc biển… sẵn sàng thực hiện thánh CHA ngang qua bổn phận được trao phó để được nên đồng hình đồng dạng với bạn Giêsu trong hoàn cảnh của mình.
Vậy, Bạn, tôi, chúng ta quyết tâm không làm nhoà tiếng của Thiên Chúa, Đấng đang mời gọi chúng ta bước theo Đức Giêsu mỗi ngày.. Alleluia… Alleluia . Amen.
[1] (Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các tham dự viên Diễn Đàn Giới Trẻ Quốc Tế Lần Thứ XI, tại Rôma 2019)
[2] Câu trả lời của một nữ tu dành cho chàng thanh niên tán tỉnh sơ ấy
[3] Công đồng Vatican II
[4] x. TH ĐKT đang sống số 289) [160] ROMANO GUARDINI, Die Lebensalter. Ihre ethische und pädagogische Bedeutung, Würzburg, 3rd ed., 1955, 20.
[5] Tông Huấn ĐKT đang sống số 290
Anne Lê
2020
Ồ! hẳn họ đã có những cuộc trò chuyện này với Mẹ Maria
Ồ! hẳn họ đã có những cuộc trò chuyện này với Mẹ Maria
Vào những ngày cuối tháng Năm này, tháng dành riêng kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội và cũng là Mẹ của chúng ta, đồng thời trong những ngày chuẩn bị lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta được kêu mời chiêm ngưỡng Mẹ, để cho Mẹ dạy bảo chúng ta về Chúa Giê-su, Con Mẹ, và chuẩn bị trái tim cùng tâm trí chúng ta đón nhận Chúa Thánh Thần, như Mẹ đã thực hiện cho các Thánh Tông đồ nơi cộng đoàn Hội Thánh sơ khai. Mẹ sẽ giúp biến đổi mỗi người chúng ta nên chứng nhân cho Lời của Thiên Chúa và cho Tình Yêu của Đấng đã nói với các Tông đồ khi xưa, cũng là với chúng ta hôm nay, “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. (Mát-thêu 28: 19-20)[1]
Nhóm mười hai có lẽ hầu như không biết gì về Mẹ Maria trước khi Mẹ đứng dưới chân Thập giá của Con Mẹ. Nhưng trong chín ngày này, họ đã học được cách nhận lấy Mẹ Maria làm Mẹ.
Photo: Meg Hunter-Kilmer
Trong chín ngày qua, những người Công giáo trên toàn thế giới đã cầu nguyện và làm tuần chín ngày (tuần cửu nhật) cầu xin Chúa Thánh Thần, chín ngày cầu nguyện là khoảng thời gian giữa ngày Thứ Năm mừng Chúa Giê-su Lên Trời (nếu không được chuyển sang ngày Chủ nhật) và lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Tuần chín ngày này bắt nguồn từ việc các Tông đồ tuân giữ mùa Phục sinh đầu tiên: giữa lễ Chúa Giê-su Lên Trời 40 ngày sau lễ Phục sinh và lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 50 ngày sau lễ Phục sinh, nhóm mười hai tập trung tại phòng trên[2] với Đức Trinh Nữ Maria và một số tín hữu khác, chờ đợi đón nhận Chúa Thánh Thần như Chúa Giêsu đã hứa.
Trong khoảng thời gian chín ngày im lặng này khi Chúa Giê-su không còn hiện diện thể lý với họ và Chúa Thánh Thần chưa đến để an ủi họ, họ có thể đã dành hàng giờ mỗi ngày để đọc Kinh thánh và cầu thay nguyện giúp cho Giáo hội còn non nớt và cho thế giới. Nhưng có lẽ các Tông đồ đã không cầu nguyện 18 giờ một ngày. Ở phòng trên, các ngài có nhiều thời giờ để nói chuyện.
Và điều này có thể cho chúng ta một manh mối về lý do tại sao Chúa Giêsu bỏ các Tông đồ lại trong vùng đất “không người” đó suốt chín ngày, không bước đi bên cạnh Chúa Con cũng không tràn đầy Chúa Thánh Thần. Ở đó, trong khoảng thời gian gián đoạn đó, các Tông đồ cảm thấy xa Chúa, và họ tìm đến Mẹ của Chúa.
Sự hiện diện của Mẹ Maria ở phòng trên là lần xuất hiện cuối cùng của Mẹ trong Kinh thánh, và sự hiện diện đó còn hơn cái gật đầu đồng ý chấp nhận để cho Gioan chăm sóc người phụ nữ mà Chúa Giêsu giao phó cho ông (Gioan 19: 26-27). Mẹ Maria ở đó vì một mục đích: trở thành mẹ của các Tông đồ và nữ vương của họ.
Thánh Giêrônimô nói, “Mẹ Maria vẫn còn ở với các Tông đồ một thời gian trên trần gian sau khi Con của Mẹ về Trời để Mẹ có thể hướng dẫn họ đầy đủ hơn, vì Mẹ đã nhìn thấy và giải quyết mọi việc một cách thuần thục hơn, và do đó Mẹ có thể diễn đạt mọi sự tốt hơn”.
Trong những ngày đó, hẳn Mẹ đã kể biết bao chuyện! Quả thật là một điều ngạc nhiên khi Thánh Mát-thêu chia sẻ rất ít về thời kỳ thơ ấu của Chúa Giêsu trong Tin Mừng của mình còn Thánh Gioan thì không. Các Ngài đã biết mẹ của Đấng mình yêu dấu, được gần gũi với Mẹ trong một tuần rưỡi (còn Gioan thì trong nhiều năm sau đó). Nhưng đó không phải là thông lệ của các nhà viết tiểu sử cổ đại, họ không thuật lại hết mọi khía cạnh thời thơ ấu của đối tượng, vì vậy chúng ta chỉ còn lại một vài câu chuyện, hầu hết được đưa ra bởi Thánh Luca, là người hẳn đã phải trải qua một khoảng thời gian nào đó với Đức Mẹ.
Không chỉ là những câu chuyện, Mẹ có thể chia sẻ sự khôn ngoan, có thể chỉ ra những lời tiên tri về Đấng Messia trong Cựu Ước hoặc làm sáng tỏ những câu chuyện dụ ngôn khó hiểu hơn của Chúa Giê-su. Mẹ có thể kể lại những lời Chúa Giê-su nói, với một tâm trí không bị che mờ bởi tội lỗi và giải thích lời Chúa Giê-su tốt hơn cả Thánh Augustinô hay Thánh Tô-ma Aquinô, Mẹ là người biết Ngôi Lời đã trở thành nhục thể một cách mật thiết hơn bất cứ ai.
Mẹ cũng có thể khuyến khích họ mỗi khi nỗi sợ hãi của họ thắng thế, hoặc giải tán những cuộc cãi vã giữa những người đàn ông này, vì họ có những kinh nghiệm sống trong quá khứ và tính cách khác nhau đến như vậy. Theo như những gì chúng ta biết, Mẹ đã không đi đây đi đó nhiều trong khi các tông đồ nay đây mai đó với Chúa Giê-su, chỉ dừng lại một hoặc hai lần trong sứ vụ công khai của Ngài. Các tông đồ có lẽ hầu như không biết gì về Mẹ Maria trước khi Mẹ đứng dưới chân Thập giá của Con Mẹ. Nhưng trong chín ngày này, chín ngày chờ đợi quyền năng Chúa Thánh Thần từ trên cao ngự xuống trên họ, các tông đồ đã học được cách nhận lấy Mẹ Maria làm Mẹ và làm nữ vương của mình là như thế nào.
Sau ngày Chúa Thánh Thần ngự xuống, các Tông đồ bắt đầu ra đi đến tận cùng trái đất. Tô-ma tìm đường đến Ấn Độ, Ba-thô-lô-mê-ô tới Armenia, Phi-líp-phê đến Ba Tư và Phê-rô, tất nhiên, đến Roma. Nhưng một truyền thống đạo đức từ ít nhất là vào thế kỷ thứ tư cho rằng khi Đức Mẹ chuẩn bị rời khỏi thế gian này, từng Tông đồ đã được Chúa Thánh Thần bắt kịp dù ở bất cứ vùng đất nào mà ông đang truyền giáo và ông được đưa trở về với Mẹ Maria để tất cả các ông có thể nói lời tạm biệt với Mẹ của họ trước khi Mẹ được đưa lên trời cả hồn và xác.
Mẹ Maria ngự trị trên thiên đàng với tư cách là Nữ vương các thánh Tông đồ, Nữ vương các thánh Tiên tri và Nữ vương các thánh Tử vì Đạo, nhưng trên hết, Mẹ là mẹ của họ, người phụ nữ đã cầu nguyện cho họ, đã nói với họ về Cứu Chúa của họ, đã khuyên bảo họ và sửa dạy họ. Khi chúng ta hình dung ra mối quan hệ này, chúng ta bắt đầu nhận ra mối quan hệ mà Mẹ Maria muốn có với chúng ta, không chỉ là người mẹ của người bạn thân nhất của chúng ta, nhưng như một hiền mẫu hay một người mẹ dưỡng nuôi. Mẹ muốn trở thành người mẹ thực sự của chúng ta, ngồi bên chúng ta, lắng nghe chúng ta và nhắc nhở cho chúng ta biết chúng ta là ai và Chúa Giêsu là ai.
Sức mạnh của các Tông đồ trước tiên đến từ ân ban của Thiên Chúa, qua việc họ bước đi với Chúa Giêsu, qua việc họ đón nhận các Bí tích và qua mối quan hệ của họ với Chúa Thánh Thần. Nhưng khả năng của họ bước theo Chúa Giêsu cũng là từ những lời cầu nguyện và hướng dẫn của Đức Trinh Nữ Maria, bắt đầu trong chín ngày đó ở phòng trên.
Xin cho chúng ta, là những người thường xuyên cảm thấy xa cách Thiên Chúa, luôn được trở về với sự hiện diện của Thiên Chúa bằng tình yêu của Mẹ Ngài và của chính chúng ta.
Lạy Mẹ Maria, Nữ vương các thánh Tông đồ và Mẹ của Giáo hội, xin cầu cho chúng con.
________
Phê-rô Phạm Văn Trung, dịch từ aleteia.org
[1] Lời dẫn của người chuyển ngữ.
[2] ND: “the Upper Room”.
2020
Tháng Hoa: Kính dâng Mẹ những sắc hoa đời thường
Tháng Hoa: Kính dâng Mẹ những sắc hoa đời thường
Khi chia sẻ về người mẹ trần thế thì có câu châm ngôn rằng: “Mẹ là người có thể thay thế bất kỳ ai khác nhưng không ai có thể thay thế được mẹ”, Ca dao tục ngữ Việt Nam nói rằng: “ Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”; Và một câu châm ngôn khác thì nhận định: “Vũ trụ có nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ”.
Vâng, quả đúng là như vậy nhưng rồi người mẹ trần thế chẳng bao giờ sống mãi cùng chúng con nên Thiên Chúa đã thương ban cho chúng con Người Mẹ Thiên Quốc để chúng con được nương tựa mãi mãi. Trong tâm tình con thảo, kính dâng Mẹ những đoá hoa đa sắc màu, đượm thắm ân tình nơi cuộc sống đời thường của mọi người chúng con. Chúng con kính dâng trong vòng tay từ ái của Mẹ, xin Mẹ thương đón nhận!
- Sắc hoa tím tượng trưng cho tình yêu thuỷ chung, son sắc là thông điệp chúng con muốn gửi gắm để kính dâng Mẹ là Nữ Vương Gia Đình của tất cả chúng con. Thưa Mẹ, chúng con luôn cảm được sự tan nát cõi lòng khi Mẹ phải chứng kiến con mình chịu đóng đinh trên thập giá trong một buổi chiều hoàng hôn tím màu tại đồi Canvê. Xin Mẹ đồng hành với từng gia đình chúng con trong những niềm vui, nỗi buồn; những khi hạnh phúc, khổ đau. Xin Mẹ kết nối từ trái tim đến trái tim những hoàn cảnh xa cách tìm về bên nhau hàn gắn, chia sẻ yêu thương; Xin Mẹ dạy dỗ để chúng con luôn biết học hỏi mẫu gương Thánh Gia Thất tuy khó nghèo nhưng luôn là mực thước của sự yêu thương; Xin Mẹ cầm tay chỉ lối để từng gia đình chúng con luôn được bước trong hành trình tình yêu ngập tràn ánh sáng, yêu thương tha thứ, sự thật và đức tin để mỗi gia đình chúng con trở nên một tổ ấm thực sự, là nơi chốn khi xa người ta hằng luôn mang theo nỗi nhớ và tìm về.
- Sắc hoa vàng chúng con cùng nhau tiến dâng lên mẹ mang sắc thái của ánh nắng mặt trời chứa đựng trong đó những ước mơ hoài bão và niềm hạnh phúc. Sắc hoa vàng chúng con kính dâng mẹ là biểu trưng cho thành quả lao động để mưu cầu cuộc sống của mọi người chúng con. Kính thưa Mẹ, từ ngàn xưa đến nay và mãi mãi, những bài học về lao động để sinh tồn mà Thiên Chúa đã chỉ dạy chúng con vẫn nguyên vẹn giá trị. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa là nguồn mạch ân sủng hằng luôn hiện diện nơi đời sống lao động của chúng con, xin Mẹ dạy chúng con trong lao động biết dựa vào nền tảng công bằng, bác ái và nói không với hành vi lao động thiếu vắng sự lương thiện, vì thành quả lao động không lương thiện sẽ không bao giờ được Thiên Chúa chấp nhận. Xin Mẹ giúp chúng con nhìn lại đời sống lao động của mình, biết noi theo mẫu gương lao động nơi Thánh Giuse và biết chia sẻ thành quả lao động với tha nhân trong khả năng có thể.
- Sắc hoa hồng đoàn con dâng tiến Mẹ là sự chuyên chở tâm tư của chúng con về một nền giáo dục. Chúng con luôn suy tư về tiến trình đào tạo thế hệ trẻ của giáo hội và xã hội, chúng con hằng luôn kỳ vọng nơi những trẻ em và thanh thiếu niên có thể phát triển một cách hài hòa về thể lý, luân lý và trí tuệ của mình để tương lai những trẻ em và thanh thiếu niên sẽ trở nên những người có khả năng tham gia hữu ích vào đời sống giáo hội và xã hội. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, xin Chúa ban ơn Thánh Thần để những anh chị Giáo lý viên luôn đảm đương tốt vị thế, vai trò là những chứng nhân Tin Mừng, là những người có khả năng giúp học viên nhận biết chân lý Thiên Chúa Là Tình Yêu. Xin Chúa nâng đỡ quý thầy cô giáo là những kỹ sư tâm hồn hằng luôn nhiệt thành với sứ mạng giáo dục của mình, luôn quan tâm nâng đỡ và giúp các thế hệ học sinh có thể phát triển trí tuệ, nhân cách của mình một cách thuận lợi và trong sáng.
- Sắc hoa trắng chúng con kính dâng dẫu không khoe sắc như những màu hoa khác, nhưng ưu điểm của màu trắng là có thể kết hợp với tất cả các màu hoa. Sắc hoa trắng chúng con thành kính dâng Mẹ là sự tỏ bày xúc cảm của những anh chị em làm việc trong lĩnh vực y tế, là những người luôn phải đồng hành với những khó khăn, sự đau đớn của các bệnh nhân. Màu hoa trắng luôn có thể kết hợp với tất cả các màu hoa khác nên chúng con nguyện xin cho các y, bác sỹ hằng luôn kết hợp với tất cả các bệnh nhân của mình dù họ sang hay hèn. Nguyện xin Mẹ Maria nâng đỡ, soi sáng để các y, bác sỹ những khi chăm sóc bệnh nhân chính là những lúc họ nhận ra sự khổ đau tận cùng của Chúa Giêsu trên thập tự giá; Nguyện xin chocác y, bác sỹ luôn cảm được những khi phục vụ bệnh nhân cũng chính là lúc họ đang phục vụ Chúa, để dung mạo Đức Kitô, Đấng chữa lành những người đau ốm tật nguyền ngày càng lan toả rộng khắp, để một nền văn minh tình thương và văn hoá sự sống triển nở muôn nơi.
- Sắc hoa xanh là màu của hy vọng, là màu của mùa xuân đâm chồi nảy lộc. Sắc hoa xanh kính dâng Mẹ là sự biểu tả nỗi niềm của những người luôn canh cánh với việc thiện nguyện nơi cộng đồng và tại những ngôi nhà mở. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, nguyện xin Chúa ban lành cho những số phận kém may mắn, những hoàn cảnh cơ nhỡ, những người yếu thế do rào cản xã hội đã và đang dần mất đi những cơ hội thì xin cho họ được mọi người và xã hội quan tâm trong tình hiệp nhất, yêu thương. Chúng con dâng lên Mẹ những người nghèo khó, khổ đau vì sự thiếu thốn về tinh thần cũng như vật chất. Xin Mẹ khơi dậy lòng trắc ẩn nơi mỗi người chúng con để ngày càng có nhiều hơn những đoá hoa xanh là những tấm lòng quảng đại quan tâm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn sớm tìm lại được niềm vui, mở ra những hy vọng và sự bình an trong đời sống của mình.
Trong tâm tình con thảo chúng con dâng kính Mẹ muôn hoa thiên nhiên sắc thắm. Nhưng từ cảm thức sâu xa, chúng con kính dâng lên Mẹ những đoá hoa lòng đong đầy tình mến; Là những đoá hoa của lòng tin yêu phó thác, luôn mang khát vọng được dõi bước theo Mẹ đi trong ánh sáng Lời Chúa, là Lời Hằng Sống soi đường chỉ lối để chúng con luôn được tiếp cận bến bờ yêu thương; để chúng con được no thoả trong ơn gọi làm con cái Chúa và trở nên dấu chỉ hiệp nhất, yêu thương trong lòng giáo hội và thế giới hôm nay./.
Joseph Nguyễn