2020
Nghệ thuật giáo dục con cái
Giáo dục là nghệ thuật dẫn đưa và thúc đẩy tiềm năng của cá nhân. Người làm công tác giáo dục tương tự công việc của một người hộ sinh, nghĩa là giúp trẻ sinh ra và có cuộc sống tự lập. Vì là một nghệ thuật, thế nên giáo dục không giống kiểu công thức có sẵn như mì ăn liền và có giá trị cho mọi trường hợp được.
Trách nhiệm của cha mẹ trong việc giáo dục con cái là hướng dẫn từng bước để chúng sống tự lập. Cha mẹ không chỉ dạy dỗ, hướng dẫn, đồng hành với con cái, mà còn phải giúp chúng biết chịu trách nhiệm về những nhu cầu cá nhân và biết tự giáo dục.
- Vai trò của các mô hình giáo dục tính tự lập
Cách thức giáo dục con cái –có thể tạo thuận lợi hoặc cản trở sự tự lập – sẽ đưa đến những kết quả khác nhau trong tiến trình phát triển và hạnh phúc của chúng.
Có rất nhiều cách để mô tả hành vi của cha mẹ đối với con cái. Ở đây chúng ta nói đến hai khía cạnh quan trọng trong cách hành xử của cha mẹ:
– Những đòi hỏi của cha mẹ (demandingness): đó là những điều mà cha mẹ yêu cầu con cái phải cư xử đúng mực và sống có trách nhiệm tương ứng với lứa tuổi của chúng, những quy tắc chính đáng phải tuân thủ trong đời sống hằng ngày về các sinh hoạt, giờ giấc, ăn uống, ngủ nghỉ, học tập, sống đạo.
– Những đáp ứng của cha mẹ (responsiveness): đó là những hỗ trợ, nâng đỡ về mặt tinh thần lẫn vật chất của cha mẹ trước những đòi hỏi chính đáng của con cái.
Từ hai khía cạnh trên trong cách giáo dục của cha mẹ, chúng ta có bốn mô hình giáo dục sau:
- Uy tín: cả hai khía cạnh đều ở mức cao
Cha mẹ có uy tín vừa đầy tình thương nhưng cũng rất cương nghị. Họ xác định những chuẩn mực tương xứng với lứa tuổi của con cái và buộc chúng phải nghiêm túc tuân thủ. Họ giúp con cái phát triển sự tự lập và tự quyết nhưng họ vẫn đảm đương trách nhiệm cuối cùng về hành vi của con cái. Cha mẹ cùng giải quyết với con cái những khó khăn, trao đổi và giải thích cho chúng những vấn đề liên quan đến kỷ luật. Cha mẹ thiết lập những kỷ cương cần tuân thủ, nhưng không phải là những luật lệ cứng ngắc, mà phải uyển chuyển và hướng đến việc thảo luận, đối thoại cách cởi mở và chân thành. Ngoài ra, các quy tắc phải được giải thích và thực thi trong bầu không khí của sự gắn kết, yêu thương và công bằng. Tình thân gia đình, sự nâng đỡ, khích lệ về tinh thần lẫn việc chu cấp những đòi hỏi thiết yếu và chính đáng của con cái sẽ giúp chúng biết tự chủ và sống có trách nhiệm.
- Độc đoán: cha mẹ đòi hỏi con cái nhiều (khía cạnh thứ nhất ở mức cao), nhưng lại không quan tâm và đáp ứng đúng mức những nhu cầu chính đáng của chúng (khía cạnh thứ hai ở mức thấp).
Cha mẹ độc đoán thường chỉ đưa ra mệnh lệnh và kỷ luật phải tuân thủ. Họ không thích trao đổi, thảo luận bởi vì họ cho rằng con cái cần chấp nhận vô điều kiện các chuẩn mực bất biến của họ. Những bậc cha mẹ theo phương cách giáo dục này không khuyến khích mà lại giới hạn tính tự lập của con cái. Trong các gia đình độc tài, nơi mà các quy tắc được thực thi một cách cứng nhắc, và rất hiếm khi có sự giải thích hay điều chỉnh, dễ xảy ra những khó khăn, nhất là trong giai đoạn con cái đến tuổi vị thành niên. Cha mẹ độc đoán nghĩ rằng việc con cái không lệ thuộc vào họ là dấu hiệu sự nổi loạn và thiếu tôn trọng người lớn, và họ sẽ tìm cách ngăn cản tính độc lập của chúng. Thay vì khuyến khích sự tự lập, cha mẹ độc tài vô tình có thể giữ sự phụ thuộc của con, không cho phép chúng học cách tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm về việc mình làm. Trong trường hợp con cái ở ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ kèm với việc thiếu tình thương của cha mẹ, trẻ ở tuổi vị thành niên có thể công khai nổi loạn chống lại cha mẹ hòng khẳng định sự độc lập của mình. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, các cuộc nổi loạn không phải là dấu hiệu của sự độc lập thực sự về mặt tình cảm, mà chỉ là một cuộc dấu chỉ cho thấy sự thất vọng của tuổi vị thành niên trước sự cứng nhắc quá mức và thiếu hiểu biết của cha mẹ.
- Nhu nhược và nuông chiều: ngược với mô hình thứ hai, nghĩa là cha mẹ ít đưa ra những đòi hỏi (khía cạnh thứ nhất ở mức thấp), nhưng bày tỏ tình thương và sự nuông chiều thái quá (khía cạnh thứ hai ở mức cao)
Cha mẹ theo mô hình này biểu lộ sự nhân nhượng và thụ động đối với vấn đề kỷ luật. Họ chỉ đòi hỏi con cái vài thứ lặt vặt và cho chúng tự do hành động như chúng muốn. Họ nghĩ rằng sự kiểm soát là một trở ngại cho việc tự do hành động, và như thế sẽ cản trở sự phát triển lành mạnh của con cái nói chung. Thay vì lưu tâm đến hành vi của con cái, họ lại xem mình như nguồn tài nguyên mà con cái có thể khai thác tùy thích.
- Dửng dưng: cả hai khía cạnh đều ở mức thấp
Cha mẹ thờ ơ với bổn phận nhằm giảm bớt thời gian và công sức cho những tương tác với con cái; trong những trường hợp cực đoan, họ bỏ bê chúng. Cha mẹ biết rất ít về đời sống và các hoạt động của con mình, ít quan tâm đến những trải nghiệm của chúng ở trường và với bạn bè, ít khi nói chuyện với chúng và hiếm khi để tâm đến các quan điểm của chúng khi chúng phải quyết định điều gì đó. Những bậc cha mẹ theo mô hình này thường quy hướng mọi sự về mình, và tổ chức gia đình trước hết chỉ cho nhu cầu và lợi ích bản thân.
Trong những gia đình theo mô hình thứ ba và thứ tư nảy sinh những vấn đề khác biệt so với các gia đình độc tài (mô hình thứ hai). Mô hình ba và bốn cho thấy cha mẹ không hướng dẫn đúng mức con cái khiến chúng không có được những chuẩn mực cho hành vi.
Bốn mô hình giáo dục nêu trên đưa đến các kết quả khác nhau về sự phát triển tâm lý của trẻ. Con cái có bố mẹ theo mô hình uy tín dễ thích ứng về mặt tâm lý xã hội, sống có trách nhiệm, tự tin, thích nghi, sáng tạo, ham thích học hỏi, có kỹ năng xã hội tốt hơn và thành công hơn ở trường học so với các bạn đồng trang lứa mà được giáo dục theo các mô hình khác. Ngoài ra các trẻ này thường cảm thấy hạnh phúc, có đời sống tâm lý ổn định, và chúng cảm thấy hài lòng với những mối quan hệ trong gia đình.
Trẻ có cha mẹ độc đoán thường sống phụ thuộc, thụ động, ít thích ứng về mặt xã hội, kém tự tin và ít ham thích học hỏi.
Còn các em có bố mẹ nuông chiều thì kém trưởng thành, sống thiếu trách nhiệm, thích sống tuân thủ hơn là giữ các vị trí lãnh đạo.
Con cái của cha mẹ dửng dưng thường bốc đồng và nhiều khả năng sau này chúng sẽ tham gia vào các hành vi nguy cơ (tình dục bừa bãi, rượu chè, ma túy, phạm pháp).
- Tại sao mô hình uy tín có tính ưu việt?
Trước hết, mô hình này mang lại cho trẻ một sự cân bằng tối ưu giữa kiểm soát và được phép, mang lại cho chúng tính độc lập, cung cấp cho chúng cơ hội để phát triển khả năng tự quyết và đồng thời cung cấp các tiêu chuẩn, giới hạn rạch ròi và những hướng dẫn khi chúng cần đến. Chúng có được sự tự lập theo kiểu tiệm tiến, và điều này giúp chúng tự tin và tự quyết. Mô hình này cũng thúc đẩy sự phát triển các kỹ năng và tăng cường khả năng đề kháng những ảnh hưởng tiêu cực, bao gồm những căng thẳng và những ảnh hưởng xấu của bạn bè.
Kế đến, các bậc cha mẹ theo mô hình này đối thoại nhiều với con cái, thế nên chúng phát triển tốt về mặt trí tuệ là cơ sở của sự trưởng thành về tâm lý xã hội. Các cuộc thảo luận trong gia đình, việc giải thích các quyết định, quy tắc và kỳ vọng từ phía người lớn giúp trẻ hiểu được hệ thống xã hội và quan hệ xã hội.
Thứ ba, vì mô hình uy tín dựa trên mối quan hệ yêu thương, cho nên con cái sẽ gắn bó với cha mẹ và lưu tâm đến những bận tâm của cha mẹ. Điều này tạo điều kiện cho những ảnh hưởng tốt của cha mẹ trên con cái về những giá trị cũng như cách ứng xử.
Cha mẹ uy tín có trách nhiệm đối với con cái, biết cách hướng dẫn và đồng hành với chúng. Họ rất nhạy cảm với nhu cầu của con cái, nhưng họ cũng tính đến khả năng của họ trong việc giải quyết những nhu cầu chính đáng của con cái. Họ khuyến khích con cái trao đổi về những đòi hỏi của chúng. Họ thảo luận với chúng về những lối hành xử trong những tình huống khác nhau. Họ cũng đánh giá cao và khuyến khích sự phát triển của một ý chí tự chủ của con cái, đưa ra những quy tắc về trách nhiệm tương xứng với từng lứa tuổi, và hướng chúng đến việc tự rèn luyện kỷ luật bản thân.
Tóm lại, trong lãnh vực giáo dục nói chung, mô hình uy tín thích hợp hơn các mô hình khác. Mô hình này giúp con cái và người thụ huấn nói chung phát triển tư duy phê phán, sự tự tin, tự chủ, và cảm thấy hạnh phúc. Mô hình này cho phép người ta có được cách hành xử trưởng thành và đúng mực trong những tình huống khác nhau của cuộc sống.
Lm. Giuse Đặng Chí Lĩnh
SÁCH THAM KHẢO
CICOGNANI E. – B. ZANI, Genitori e adolescenti, Roma, Carocci, 2003.
MAIOLO G., L’occhio del genitore. L’attenzione ai bisogni psicologici dei figli, Trento, Erickson, 2000.
MAIOLO G., Adolescenze spinose. Come comunicare senza fare (e farsi) del male, Trento, Erickson, 2002.
PALMONARI A., Gli adolescenti, Bologna, il Mulino, 2001.
RENAUD H. – J. P. GAGNÉ, Essere genitore. Avviamento alla professione, Milano, San Paolo, 2003.
2020
Mục đích của việc dạy giáo lý là kết hiệp với Chúa Kitô
Mục đích của việc dạy giáo lý là kết hiệp với Chúa Kitô
Phỏng vấn bà Pauline Dawance, giám đốc Ban Phục vụ Quốc gia giáo lý và tân tòng của Hội đồng Giám mục Pháp. Bà trả lời về Chỉ nam Huấn giáo được Tòa Thánh công bố ngày thứ năm ngày 25 tháng 6.
La Croix: Chỉ nam mới về Huấn giáo được Tòa Thánh công bố ngày 25 tháng 6 mang lại những đổi mới nào?
Bà Pauline Dawance: Cơ quan làm tài liệu đã khác so với các Chỉ nam đã công bố trước đây năm 1997, vì bây giờ là Hội đồng Giáo hoàng về Tân Phúc âm hóa công bố, hội đồng được Đức Bênêđictô XVI lập ra, có trách nhiệm dạy giáo lý, và không còn thuộc Bộ giáo sĩ. Đây là điều đáng kể, vì năng lực truyền giáo theo sau Thượng Hội đồng về Tân Phúc âm hóa ở trong chiều hướng này, và cũng nhấn mạnh đến các giáo huấn đã đi theo chiều hướng trước. Ở đây chúng ta thấy có nhiều tài liệu tham chiếu của Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô. Có Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, đường hướng này nhắc chúng ta nhớ mục đích của việc dạy giáo lý là kết hiệp với Chúa Kitô. Mầu nhiệm Phục sinh là trọng tâm của đức tin kitô giáo và sự loan báo này luôn trên môi miệng của giáo lý viên. Đức Bênêđictô XVI cũng đã nói, việc dạy giáo lý là cuộc gặp gỡ với nhân vị Chúa Kitô. Gốc rễ thần học này đưa ra một định hướng cho việc dạy giáo lý, dựa trên mô hình dự tòng. Vai trò của cộng đồng kitô thể hiện rất rõ trong tài liệu giáo huấn này, trong đó có một chương dài nói về các giáo lý viên: đâu là cơ sở hành động của việc dạy giáo lý, mục tiêu của việc dạy giáo lý, ai sẽ dạy… Ở đây chúng ta thấy tầm quan trọng trong việc quan tâm đến đời sống thiêng liêng và đào tạo giáo lý viên, tất cả những điều này thuộc thẩm quyền của giám mục là người giáo lý viên đầu tiên.
Nó có thực sự mới không?
Người Pháp thấy mình rất tốt trong đường hướng này, vì văn bản quốc gia về định hướng dạy giáo lý của các giám mục Pháp năm 2005 đã yêu cầu đưa việc dạy giáo lý vào mô hình dự tòng. Ngoài ra chúng ta còn thấy ở đây về sự phát triển và đồng hành, những người thiết thân với đường hướng của Đức Phanxicô. Các nhà biên khảo Chỉ nam mới đã xem xét những gì đang xảy ra ở tất cả các quốc gia, và Pháp không vắng mặt trong kết quả này… Trong hoàn cảnh khó khăn, với ít nguồn nhân lực, chúng tôi đã có thể chứng minh rất nhiều cho tinh thần sáng tạo. Chúng tôi đã thấy điều này trong thời gian cách ly, trong mối quan tâm hàng đầu là nâng đỡ các dự tòng không được rửa tội vào dịp Lễ Phục sinh.
Việc đào tạo các giáo lý viên, trong đức tin thần học, Kinh thánh và thiêng liêng là thường trực, đặc biệt vì ở Pháp, các giáo lý viên là các tình nguyện viên và thường thay đổi. Việc đào tạo này trước hết là việc nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của họ. Đây là lãnh vực có các thách thức quan trọng về tinh thần hoán cải và đổi mới đức tin của chính họ.
Chỉ nam mới này sẽ được thực hiện như thế nào?
Vào tháng 1 và tháng 6 năm năm 2021, chúng tôi sẽ có các buổi làm việc với các người và các nhóm có trách nhiệm trong giáo phận, họ sẽ giúp chúng tôi xem kinh nghiệm cách ly gần đây để có thể có một số phát triển và các suy tư trong những năm vừa qua về sự tiến hóa của người học giáo lý, các giáo lý viên, các phương tiện… Vấn đề kỹ thuật số cũng có mặt rất nhiều trong Chỉ nam mới.
Chúng ta biết việc giảm sút số người học giáo lý đi kèm với việc các nhóm của giáo phận được cung cấp ít hơn, nhưng đồng thời chúng tôi cũng phát triển công việc của liên giáo phận. Các mô hình và tổ chức mới đang được thiết lập, với nhịp điệu khác, nhân vật khác để cố gắng tạo lại mối liên kết trong giáo hội.
Một giờ học giáo lý mỗi tuần, như đã làm trước đây vẫn còn giá trị trong một thế giới vẫn còn theo kitô giáo trên toàn cầu. Nhưng nó không thể thay thế một liên kết giáo hội. Do đó, có các mô hình mới xuất hiện như “giáo lý trong kỳ nghỉ hè”, học cầu nguyện, các loại hướng dẫn khác nhau… Chúng ta không có câu trả lời duy nhất nào có thể. Và điều này đã và đang phát triển ở nhiều nơi nhưng không vì thế chúng ta từ bỏ những nơi mà việc dạy giáo lý cổ điển vẫn hoạt động, kèm theo đời sống bí tích.
Chúng tôi sẽ tiếp tục suy nghĩ về cách đào tạo con người, và tiếp cận với những người đang đi tìm, như phụ huynh các em học giáo lý. Với mối quan tâm trong nỗ lực loan báo Chúa Kitô, vừa ngầm vừa rõ ràng. Một dự án to lớn, dù đã có cả một công trình khổng lồ kể từ Công đồng Vatican II đã đặt Sách Thánh trong việc dạy giáo lý. Việc các giáo lý viên đã nói lên Kinh Thánh là thứ trật của kinh nghiệm và hoán cải.
Một dự án khác mà chúng tôi muốn thực hiện là sự liên kết giữa các linh mục và giáo dân trong việc dạy giáo lý. Bản Chỉ nam mới nói về sứ vụ của giáo lý viên. Sự hiện diện của các linh mục trong việc dạy giáo lý là rất quan trọng, nhưng không phải chỉ để có mặt. Các cha xứ phải đào tạo giáo lý viên, biết rằng đối với họ, việc tuyên xưng đức tin là lớn lên trong đức tin.
NTL
2020
Nên thánh khi lên mạng
NÊN THÁNH KHI LÊN MẠNG
Khi nói nên thánh, nhiều người nghĩ ngay đến những gì cao cao, siêu siêu,… Vì thế, các bạn trẻ thường ngại ngùng khi đề cập đến đề tài này với lý do là mình không thể cao siêu.
Nếu hiểu theo cách đó, nhiều bạn trẻ sẽ không có cửa để nên thánh, khi mà sự nghiệp còn dang dở, bước đường tương lai còn ngổn ngang với bao ước mơ chưa thành hiện thực, áp lực việc học và công việc ngày càng nhiều.
Với tình yêu trong cuộc sống, chúng ta mới có thể hạnh phúc và vui tươi khi làm việc. Bình thường tôi vẫn chăm chú học tập, lo lắng làm việc, tất bật với cuộc sống nhưng ít có tình yêu. Bây giờ, tôi đem tình yêu vào đó nhiều hơn, nghĩa là tôi đang thánh hoá nó, đang hướng việc học, việc làm vào sự thánh thiện. Vì vậy, tôi nên thánh hơn. Dù là việc bình thường, nhưng tôi ý thức thực hiện với một tình yêu lớn, tôi đang thổi hồn vào việc bình thường đó, làm cho nó được thánh hoá.
Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra một thí dụ: “Một phụ nữ đi mua sắm, gặp một người hàng xóm và bắt đầu nói chuyện, rồi việc bép xép bắt đầu. Nhưng chị ấy tự nhủ lòng: “Không, tôi sẽ không nói xấu ai cả”. Đây là một bước tiến trong sự thánh thiện. Sau đó, ở nhà, một đứa con của chị muốn nói chuyện với chị về những điều nó hy vọng và ước mơ, mặc dù mệt mỏi, chị vẫn ngồi xuống kiên nhẫn và ưu ái lắng nghe. Đó là một sự hy sinh khác mang lại sự thánh thiện. Sau đó, chị gặp đôi điều khiến phải lo âu, nhưng nhớ lại tình yêu của Đức Trinh Nữ Maria, chị lấy tràng hạt ra và cầu nguyện bằng đức tin. Lại một nẻo đường nên thánh nữa. Lát sau ra đường, gặp một người nghèo, chị dừng lại nói với người ấy một lời dịu dàng tử tế. Ấy là thêm một bước nữa”. (2)
Mỗi ngày tôi lên mạng bao nhiêu lần, tôi đem tình yêu vào đó bấy nhiêu lần. Từng ngón tay chạm trên màn hình có hơi thở vào, hơi thở của lựa chọn thông tin, hơi thở của con tim làm chủ bản thân. Thế là tôi… nên thánh khi lên mạng.
Tác giả: L.m Gioan Lê Quang Việt
Trình bày: Nguyên Linh
__________
(1) ĐGH Phanxicô, Tông huấn Vui Mừng và Hân Hoan, số 14
(2) ĐGH Phanxicô, Tông huấn Vui Mừng và Hân Hoan, số 16
(3) ĐGH Phanxicô, Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống, số 16
2020
Để con tự lập, cha mẹ đừng là vật cản
Để con tự lập, cha mẹ đừng là vật cản
“Khi người lớn làm hộ điều trẻ có thể làm, người lớn đang là vật cản trên con đường phát triển của trẻ”, bà Chiristine Munn, Chủ tịch Hiệp hội Montessori Mỹ chia sẻ.Trong hội thảo “Làm sao để trẻ tự lập” vừa được tổ chức tại Hà Nội, bà Chiristine Munn chia sẻ, thực tế người lớn thường không nhận ra trẻ con từ 2 tuổi đã khao khát tự mình làm mọi việc. Theo quan sát của bà, những câu trẻ 2 tuổi thường nói bên cạnh các từ “bố”, “mẹ”, “không” là “Con có thể tự làm được”, “Để con tự làm”…
Dựa trên kiến thức về sự phát triển của trẻ cũng như quá trình giáo dục trẻ ở trường mầm non, chuyên gia này khẳng định trẻ em 2 tuổi đã có thể tự lập ở 4 lĩnh vực cơ bản trong cuộc sống: ăn, ngủ, đi vệ sinh và tự mặc quần áo. Bà chia sẻ những bức ảnh thực tế ở Mỹ bé 2 tuổi có thể rót sữa từ một chiếc bình lớn và tự uống; bé 3 tuổi có thể tự cắt chuối, táo và tự làm một bữa ăn đơn giản… Thực tế, các con của nhà giáo dục này từ 5-6 tuổi đã có thể tự dậy, chuẩn bị đồ ăn sáng cho mình (bữa sáng đơn giản với bánh mì, ngũ cốc, sữa) và thậm chí phục vụ bố mẹ tận giường…
“Không thể tin được”, “làm sao con tôi có thể tự làm được việc đó?”, “tại sao ở trường con tự làm mọi thứ mà ở nhà con không thể làm việc gì?”… là những câu hỏi giáo viên trường bà thường gặp từ phụ huynh, cũng là một thực tế mà nhiều cha mẹ Việt băn khoăn. Theo bà Chris, vấn đề nằm ở chỗ người lớn thường làm hộ, ngăn cản trẻ con khi chúng đòi làm việc gì đó. “Chúng ta yêu thương con và muốn làm mọi điều tốt đẹp cho con, nhưng chúng ta không thể đi cùng chúng cả đời. Do vậy, hãy để trẻ tự làm”, bà nói.
Nhiều phụ huynh lo lắng khi trẻ đến trường Montessori được sử dụng kéo, dao (loại dao nhỏ phù hợp, an toàn cho trẻ em) để cắt đồ ăn. Họ thường hỏi: “Lỡ trẻ cắt đứt tay thì sao?”. Các giáo viên trả lời: “Cũng có trường hợp cắt phải tay, nhưng chỉ xây xước tí thôi, không nghiêm trọng. Đây chính là cách chúng ta học. Người lớn cũng thế, có ai chẳng một vài lần bị đứt tay. Chúng sẽ học sử dụng dao một cách khéo léo hơn. Và quả thật, thường các em chỉ cắt phải tay một lần”.
Khi nhìn vào danh sách việc trẻ có thể tự làm và bức ảnh làm việc thực tế của trẻ em, một phụ huynh đặt câu hỏi: Rất nhiều cha mẹ Việt vẫn đút cho con ăn, rót nước cho con uống, mặc quần áo, đi giày cho con…, thậm chí tới lúc con 5 tuổi, vẫn dọa nạt, dụ dỗ để đút từng thìa cơm, có phải chúng tôi đang là vật cản của con?
Một phụ huynh khác có con 4 tuổi chia sẻ, đã làm hộ con mọi thứ từ nhỏ đến giờ, hiện nay con chẳng chịu làm bất cứ việc gì, làm sao để con tự lập trở lại? “Hãy bắt đầu từ những việc mà con thích, làm từng việc một. Hãy thử cách làm cho việc đó thú vị. Chẳng hạn cha mẹ có thể đổ nước vào một bình nhỏ, cho con tự rót ra cốc. Trẻ em thường rất hào hứng với việc đó”.
Tư duy lại về việc “dạy con tự lập”
Dạy con tự lập là một chủ đề nóng, được nhiều cha mẹ quan tâm trong những năm gần đây. Những chủ đề như người Mỹ dạy con tự lập như thế nào, làm sao trẻ con Pháp, Đức có thể tự chủ, tự tin như vậy… là thông tin được tìm kiếm và trao đổi nhiều trên các diễn đàn và báo mạng.
Nhà giáo dục Maria Montessori đã khẳng định, trẻ em tự phát triển. Trẻ 0-6 tuổi có trí tuệ thẩm thấu, khả năng học hỏi kỳ diệu từ môi trường, như một miếng bọt biển có thể thấm hút mọi thứ xung quanh mình. Chỉ cần cung cấp một môi trường an toàn, hỗ trợ, với những đồ đạc vừa kích cỡ, các dụng cụ thực hành mời gọi trên giá, trẻ sẽ háo hức tự mình làm mọi thứ.
Những quan sát và trải nghiệm của bà đã và đang được chứng minh ở các trường học Montessori. Khi được ở trong môi trường phù hợp, với đầy đủ vật dụng, trẻ sẽ tự lấy đồ dùng học tập, tự cất vào giá khi sử dụng xong, tự lau dọn bàn ghế và phòng học, tự đi vệ sinh, mặc quần áo, đi giày và các hoạt động thực hành cuộc sống khác…
Cũng tương tự như vậy, để trẻ có thể tự lập, việc của bố mẹ không phải là giảng dạy hay ép buộc, mà chìa khóa nằm ở chỗ: Tạo ra môi trường để khuyến khích mời gọi trẻ tự làm – vốn dĩ là nhu cầu lớn lao của các em bé 2-3 tuổi.
“Khi tự làm thành công một việc gì đó, trẻ sẽ tự tin vào chính mình, có hình ảnh bản thân tốt đẹp, cảm thấy mình có giá trị, khi lớn lên trẻ sẽ tự chủ, có khả năng để đối phó với những thách thức của cuộc sống”, bà Christine Munn nói.
Một yếu tố khác mà nhà giáo dục này nhắc đi nhắc lại là sự kiên nhẫn của bố mẹ. “Trẻ con chân ngắn hơn chúng ta, bước chậm hơn chúng ta. Thay vì bế để con đi nhanh hơn, bố mẹ hãy đi chậm lại. Lúc đầu làm việc gì, con cũng sẽ vụng về, lóng ngóng, nhưng dần dần con sẽ tự làm được”, bà nói.
Những gợi ý cụ thể để trẻ tự lập:
– Nếu trẻ có thể tự đi, không bế.
– Cho con thấy cách bố mẹ lau dọn và để con tự làm.
– Nếu có thể, hãy chuẩn bị cho con những đồ đạc, dụng cụ vừa cỡ: Để nước ở nơi con có thể tự rót được, chuẩn bị giẻ lau sặc sỡ để con yêu thích việc lau chùi bàn ghế, để quần áo ở nơi con có thể tự lấy được, mua quần áo đơn giản, dễ mặc vào cởi ra để con có thể tự làm…
– Dạy con bằng cách làm mẫu cho con, không chỉnh sửa lỗi sai của con.
– Chỉ giúp đỡ khi con cần, không nhảy vào làm hộ khi thấy con gặp khó khăn hoặc làm chưa tốt.
Hằng Nguyễn