2020
Thánh giá – Ánh sáng cuộc đời
“Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài Thập Giá của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”(Gl 6,14).
Thập Giá của Đức Giêsu, biểu tượng của tình yêu, một tình yêu hiến thân vì người mình yêu (x. Ga 15,13). Chính trong tình yêu ấy chất chứa cả một thế giới diệu kì. Với cây Thánh Giá, sức mạnh của tình yêu, như một chìa khóa vạn năng, có thể giải cứu mọi vấn đề, mở ra mọi cánh cửa cuộc đời để dẫn con người vào con đường hạnh phúc. Tuy nhiên, trong cuộc sống, con người vẫn mãi tìm đến chìa khóa của thành công khác như: tiền bạc, danh vọng, địa vị và nhu cầu xác thịt. Vậy hạnh phúc thật sự bắt nguồn từ đâu? Phải chăng những hạnh phúc chóng qua cõi tạm trần gian có giúp con người thoát khỏi đau khổ không?
Nhìn vào lịch sử cứu độ, cho ta thấy: Dân Israel, một dân được tuyển chọn, một dân được gọi là dân riêng của Thiên Chúa và một dân tộc sống bằng nghề du canh du cư, nay đây mai đó. Trải qua năm tháng du mục, dân tộc Israel đã viết lên một trang sử oai hùng và hào kiệt.
Trong suốt dòng lịch sử đi về đất hứa, đoàn dân riêng của Chúa đã đi qua biết bao cuộc hành trình dài ngắn, song song bên các cuộc hành trình này dân Chúa đã để lại đằng sau những bước chân lên đường là vật chất, tinh thần và cả các bậc tổ tiên của họ. Trong tất cả những khó khăn gian khổ mà dân phải đối diện trong cuộc hành trình về đất hứa ấy, dân Israel đã tin vào ai? Họ đã đi tìm sức mạnh nơi đâu để vượt qua những khó khăn? Câu trả lời nào cho sự sống còn của một dân tộc? Thứ thuốc nào để chữa lành các dịch bệnh và đau khổ mà họ gặp phải?
Phải chăng câu trả lời đó chính là “Ngươi hãy làm một con rắn đồng và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống” (Ds 21,8). Tại sao lại nhìn lên con rắn đồng treo trên cây gỗ thì ngươi được sống, cả dân tộc ngươi được tồn tại thịnh vượng. Nhìn lên con rắn đồng treo trên cây gỗ, cả dân tộc ngươi đủ sức đi về đất hứa. Tại sao ngươi không phải nhìn vào mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, hay Môsê người dẫn đường?
Nhìn lên con rắn đồng treo trên cây gỗ trở thành ánh sáng tình yêu chiếu soi vào cuộc đời của dân Chúa, trở thành sức mạnh, trở thành loại thuốc chữa lành và đem đến sự sống cho dân tộc Israel. Chính từ đây, Thiên Chúa đã làm cho Israel trở thành một nước hùng mạnh cho đến ngày hôm nay: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (x. Ga 19,37).
Hình bóng con rắn đồng treo lên cây cột đã cứu dân Israel trong thời Cựu Ước. Hình bóng đó đã được làm sáng tỏ nơi chính Đức Giêsu trong Tân Ước, khi Ngài mời gọi con người “nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu”. Nhìn lên Đấng họ đâm thâu trên cây gỗ giá, nhân loại nhìn ngắm gì trên đó? Phải chăng nhìn ngắm một con người trần trụi không miếng vải che thân, xác thịt bê bết máu me và kiệt sức. Hay nhìn lên Đấng bị đâm thâu trên cây gỗ giá để thấy tội của nhân loại mà Đức Giêsu phải chấp nhận bị treo trên cây khổ giá ấy. Đây chính là “Giá Chuộc” trần gian khi Con Thiên Chúa vâng phục và tự hủy chính mình trên cây khổ giá!
Ẩn sau tất cả những đau khổ, lên án, nhạo báng, đòn roi, gai nhọn, hy sinh và tội lỗi của nhân loại mà Đấng treo Mình trên cây gỗ giá đã oằn mình gánh chịu, đó chính là tình yêu đến cùng, tình yêu hiến dâng, tình yêu cứu độ, và là sự vâng phục ý Cha đến tột cùng mà Đức Giêsu dành tặng cho Chúa Cha và nhân loại.
Chính từ điểm quy tụ “nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” trên cây gỗ giá mở ra một luồng ánh sáng vĩnh hằng, ánh sáng chiếu vào mọi ngóc ngách của đời sống nhân loại và trao ban một sự sống mới, sự sống viên mãn cho toàn thể vũ trụ, là cửa ngõ dẫn vào sự sống đời đời.
Với thân phận con người, ai trong chúng ta cũng mang những thập giá riêng đời mình: Thập giá của mưu sinh, thập giá của bệnh tật, thập giá của gia đình, thập giá của học hành, thập giá của tính nết… và biết bao những thập giá nhỏ bé, không tên nhưng không kém phần nặng nề. Và chúng sẽ trở thành khổ giá cho những ai mất niềm tin và mất hy vọng vào Đức Kitô. Chúng sẽ là thánh giá cho những ai biết kết hợp đời mình và sống thân tình với Chúa Giêsu Kitô.
Sống Mầu Nhiệm Thánh Giá Đức Kitô, mời gọi mỗi người Kitô hữu hãy chiêm ngắm Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh vì nhân loại. Đây cũng là lời mời gọi mỗi Kitô hữu nhìn lên Đấng Chịu Đóng Đinh mỗi ngày.
Nhìn lên “Đấng họ đã đâm thâu” để thân thưa với Ngài biết bao chuyện vui buồn của nhân loại, của Giáo Hội và của mỗi người chúng ta.
Nhìn lên “Đấng họ đã đâm thâu” để học yêu như Ngài đã yêu, để học biết vâng phục ý Cha như Ngài đã vâng phục và thi hành trọn vẹn.
Nhìn lên “Đấng họ đã đâm thâu” để xin Ngài chữa lành và tha thứ cho tội của nhân loại và tội của mỗi người chúng ta.
Nhìn lên “Đấng họ đã đâm thâu” để xin Ngài ban ơn, giúp sức cho chúng ta biết chu toàn bổn phận hằng ngày.
Nhìn lên “Đấng họ đã đâm thâu” để chúng ta kín múc ánh sáng tình yêu từ trên cao và soi chiếu vào mọi vấn nạn của trần gian.
Cuối cùng, chiêm ngắm Mầu Nhiệm Thập Giá để chúng ta hiểu thấu đáo: Chúa Cha là tình yêu sáng tạo; Chúa Con là tình yêu cứu chuộc; và Chúa Thánh Thần là tình yêu thánh hóa và canh tân chúng ta mỗi ngày nơi những thập giá của phận người.
Cứ mỗi khi nhìn lên Thánh Giá Đức Kitô, dõi theo từng vết thương của Người, ta như thấy mình được vơi đi với những nỗi khổ đau mà ta đang trải qua. Cũng chính từ nơi Thánh Giá Chúa Kitô, ta mới nghiệm thấy quyền năng Thiên Chúa thật lớn lao dường nào! Quyền năng của Thiên Chúa được biểu hiện ở nơi Ngài và làm cho những khổ đau của chúng ta được bừng lên vị ngọt tình yêu. Nơi Thánh Giá Đức Kitô: Một tình yêu chỉ biết cho đi, một tình yêu quên cả mạng sống. Nơi Thánh Giá Đức Kitô cho ta một niềm tin, niềm hy vọng và lòng mến. Tuy nhiên, chúng ta có đủ tin yêu và có dám vác thập giá mình, đi lên đỉnh đồi “Calve cuộc đời” cùng với Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh không?
Lạy Chúa Giêsu, Đấng đã treo mình trên Thánh Giá, xin cho con luôn qui chiếu cái nhìn của con vào Chúa, để khi nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu trên Thánh Giá mỗi ngày, con được kín múc tình yêu, sức mạnh, ánh sáng từ Thánh Giá Chúa tuôn trào. Xin giúp con luôn hân hoan, hạnh phúc, bình an để đem Tin Mừng Chúa đến cho mọi người con gặp và xin Thánh Giá Chúa luôn là ánh sáng soi vào cuộc đời con và là ánh sáng soi đường cho toàn nhân loại Amen. Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD
2020
Tản mạn “thuyền, biển” và đời tu
Tản mạn “thuyền, biển” và đời tu
Từ lâu, hình ảnh thuyền và biển luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca với những áng thơ tình giàu cảm xúc và là nỗi niềm chan chứa yêu thương của các đôi nam nữ. Từng cơn sóng biển dạt dào cứ cuộn trào như tình yêu đôi lứa dành cho nhau và mãi mãi khát khao đợi chờ. Chính những hình ảnh đó đã làm nên vẻ thi vị cho ngôn ngư thi ca.
Với Xuân Quỳnh thì:
…………………………….
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu.
Đối với Xuân Thắng:
Biển nhấp nhô, gió giăng buồm gợn sóng
Hoàng hôn tà dựng bóng mái chèo nghiêng
Thuyền ta về ươm đầy mình hy vọng
Biển và thuyền lưu luyến nỗi niềm riêng.
Sơn Ca Linh lại nhìn thấy thân phận con người nơi “biển” và “thuyền”:
Có ai biết cái thuở nào duyên nợ,
“Biển” và “Thuyền” đã khắng khít cùng nhau.
Thuyền chắp cánh dệt mộng ước ngàn sau,
Biển xanh ngát bao la trời tít tắp !
…
Có những ngày thuyền nổi cơn gan góc,
Quyết đương đầu khi biển nổi cuồng phong.
Mang kiếp “thuyền” đành chấp nhận long đong,
Bạn với “biển” tử sinh là chuyện nhỏ !…[1]
Trải qua bao nghìn năm gắn chặt với nền “văn hoá sông nước”, con người Việt nam, cuộc sống Việt Nam gần như luôn thấp thoáng hình ảnh chiếc thuyền đâu đó, gắn chặt với “ngang dọc đời thường trong thô sơ mộc mạc” hay tồn tại đậm nét trong ký ức xa xăm nhưng chất chứa cả kho tàng lịch sử !
Ngược dòng thời gian nhìn lại lịch sử hơn 400 năm Loan báo Tin Mừng tại Việt Nam, cách riêng Giáo phận Qui Nhơn, có thể nói được, hạt giống đức tin đã “trôi dạt” đến với con dân Việt Nam trên những chiếc thuyền nhỏ bé lênh đênh giữa một thời loạn ly cấm cách. Thật vậy, chính những chiếc thuyền, có khi thật mỏng manh, đã chuyên chở các vị thừa sai đầy nhiệt huyết xuôi ngược vô Nam ra Bắc, bất kể những mùa biển động, len lỏi men theo những con sông dài thâm u khuất nẻo để tung gieo hạt giống Tin Mừng.
Trên những cuộc hải hành vượt trùng dương đầy khó khăn tưởng chừng như vô định, hình bóng những chiếc thuyền bị vùi dập mất hút giữa đại dương đã khắc hoạ rõ nét những gian nan thách đố và khó khăn dường nào của công cuộc truyền giáo. Đúng là “Chỉ có biển mới biết. Thuyền đi đâu về đâu”. Chuyến vượt biển đến Đàng Trong lần đầu tiên của Đức cha Lambert cách đây 350 năm trong ký sự của Cha Vachet, người bạn đồng hành với ngài, sẽ cho chúng ta thấy rất rõ điều đó:
“Chúng tôi lên thuyền ngày 20/7/1671. Đó là một thứ thuyền mà tiếng Đàng Trong gọi là thuyền bầu. Con thuyền được lèo lái bởi duy nhất bốn dân chài người Đàng Trong. Nói cho thực, chớ có kém lòng tin vào Thiên Chúa khi ra đi trên một con thuyền như vậy. Bạn hãy cứ tưởng tượng một con thuyền không đinh, không rợ, không mảnh sắt, không vải buồm và không hoa tiêu, mà dám rời xa đất liền. Bạn hãy hình dung một mớ vài ba mảnh ván nối lại với nhau cách sơ sài và buộc chung lại với nhau bằng những sợi giây tựa như những sợi mây thô thiển, những mỏ neo thì làm bằng gỗ, những cánh buồm là các mảnh chiếu gắn vào những cái cột là mấy thân cây tre, và bánh lái thuyền nằm ở một cái lỗ phía sau con thuyền, chỗ ấy nước dạt ra dạt vào rất dễ dàng. Chính là với những trang thiết bị như vậy mà chúng tôi khởi hành một chuyến đi xa cả hai trăm dặm đường vào một mùa đã thật cuối kỳ đi biển, đến một xứ sở đang lúc chiến tranh, và trên một vùng biển bão tố lúc nào không hay và đầy dẫy hải tặc. Nếu chỉ lấy cái khôn ngoan của con người làm mẫu mực trong những tình huống như thế, thì rất nhiều kẻ sẽ kết án là liều lĩnh dại dột mà ra đi như vậy. Một ông khu trưởng người Anh quốc, là người mà tôi chỉ cho thấy con thuyền của chúng tôi, đã quả quyết với tôi rằng dù người ta hứa với ông cho ông ăm ắp những vàng ròng chất đầy con thuyền người Đàng Trong đó, thì ông cũng chẳng hề ao ước sự gì hơn trên cõi đời này là đừng phải bước chân lên con thuyền đó. Ông tuyên bố vậy cho dù chính ông đã tìm tới vùng Ấn Độ Dương này là chỉ để lo làm giầu mà thôi. Nhưng đấy không thể nào là lời ăn tiếng nói, cũng không thể nào là tư tưởng của một thừa sai giảng đạo được. Vì chẳng được liều mạng cách vô lý, ta chẳng phải lo sợ quá đáng khi đưa mình vào nguy nan nào đó hầu lo cho việc đạo được phát triển. Ta phải luôn luôn sắp sẵn một con thuyền thiêng liêng nhỏ mà thân thuyền là đức tin, bánh lái thuyền là lòng bác ái, cột buồm là đức cậy, cánh buồm là lòng nhiệt thành, giây dợ, mỏ neo và mái chèo là lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa. Linh hồn đã có sẵn những nhân đức ấy thì dập dềnh lướt sóng trên một con thuyền bầu nhỏ cũng an toàn như trên một con tàu to lớn nhất, điều mà ngừi ta nhận thấy qua chuyến đi biển thành công nhất của chúng tôi”.[2]
Vâng, hành trình gieo vãi hạt giống đức tin là thế, đầy hiểm nguy và thử thách, nếu không kiên vững niềm tin sẽ không thể nào vượt qua được. Người xưa vẫn nói: “Vạn sự khởi đầu nan”. Cái gì mới bắt đầu mà chẳng mong manh, gian khó và nhiều chướng ngại; nhưng nếu chúng ta có một niềm tin cùng với ý chí kiên cường, vững chắc và một niềm trông cậy phó thác hoàn toàn cho tình yêu quan phòng của Chúa, chắc chắn “thuyền đời sẽ tới bến thành công”. Và như thế, hình ảnh những chiếc thuyền nan mong manh nhỏ bé kia lại bừng sáng lên như “những con thuyền vĩ đại”, chở đầy những thế hệ tông đồ, chứng nhân ra đi với tâm hồn đầy lòng yêu mến Chúa.
Nếu ai đó có dịp đi về Miền Tây ta có thể thấy được hình ảnh chiếc thuyền quan trọng như thế nào đối với người dân ở đây. Thuyền là nhà, là phương tiện đi lại và mưu sinh hằng ngày của họ. Trải qua bao thăng trầm dâu bể, chiến tranh, ly loạn…, hình bóng con thuyền luôn “nhấp nhô trong ký ức Việt Nam”. Có thể nói được, khái niệm “thuyền” và “biển” luôn chuyên chở một nét đẹp nhân văn cao cả đầy ắp nghĩa tình: tình cha, tình mẹ, tình chị, tình em, tình làng nghĩa xóm, tình yêu nam nữ…
Người ta còn nhận ra nơi hình ảnh chiếc thuyền và biển cả là “biểu tượng” của cả một “trời tâm trạng”: Có khi là sự lãng mạn của tình yêu với hạnh phúc ngập tràn, có khi là một sự đợi chờ hồi hộp với trăm ngàn mối nghi nan, thất vọng, có khi lo sợ trước giông tố bão bùng, sóng to biển động, có khi chứng kiến bao cảnh thương tâm cho những mảnh đời nghiệt ngã vì cuộc sống mưu sinh… Lúc này biển rộng mênh mông lòng thuyền không sao hiểu thấu và biển như đi vào cõi bất tận, vô biên mang theo nhiều nỗi khổ cho riêng mình. Phải chăng cuộc đời này quá nhiều nỗi truân chuyên sầu muộn mà con người phải đối diện từng ngày?
Biển giận hờn khoét thuyền sâu đau điếng,
Hay điên cuồng, thuyền vỡ nát tan hoang.
Sóng dâng cao dập dìu những khăn tang,
Thuyền gác mái thâu đêm chờ vô vọng…![3]
Sống trên thế gian này hầu như ai ai cũng có nỗi khổ. Người giàu có nỗi khổ của người giàu và người nghèo cũng có nỗi khổ của riêng mình. Không ai nói rằng tôi không khổ cả. Đức Phật Thích Ca đã nói: đời là bể khổ. Và nguyên nhân của nỗi thống khổ ấy chính là dục vọng, là Tham – Sân – Si, ba kẻ thù lớn nhất có thể phá hủy và đưa chúng ta vào con đường lầm lạc và mê muội, khiến con người có thể mất hết lý trí và bất chấp tất cả khi có thể để đạt được mục đích của mình… Để nhận ra mình, biết mình sống trong tình trạng đó đã là một vấn đề rất khó huống chi quyết tâm chống trả và diệt trừ thì khó biết bao.
Cuộc đời mỗi người chúng ta tựa như “chiếc thuyền đang vượt biển trần gian”, đang đối mặt với biết bao cơn giông tố bão bùng; chúng ta phải cật lực chèo chống từng ngày để chinh phục bến bờ hạnh phúc. Chúng ta, như người cầm chắc tay chèo, cố gắng chống chọi với phong ba bão tố để lèo lái “con thuyền đời mình” tiếp tục đi về phía trước, bất chấp mọi hiểm nguy đang chờ đón. Mỗi một cuộc đời trên dương gian đều như thế, một cuộc “vượt qua” không ngừng để thực hiện dự phóng và ước mơ dẫu chân trời tương lai xán lạn hay đường dài phía trước mờ mịt, tối tăm…, ta vẫn cứ đi.
Đời ta đã bao mùa biển động,
Ngã nghiêng theo đợt sóng xô bờ.
Một chút xôn xao rồi mặc sóng,
Thuyền vẫn bình yên dẫu chơ vơ.[4]
Có những lúc biển dữ dội làm cho thuyền đến mức phải bất lực nhưng không thiếu những lúc biển dịu dàng, nhẹ nhàng, lăn tăn gợn sóng như hiểu thấu nỗi âu lo, mệt mỏi của thuyền trước những thách đố, và:
Trong bài ca của muôn trùng sóng vỗ
Em có là nốt nhạc của tình yêu
Để biển xanh thành phố những buổi chiều
Hòa khúc hát bài tình ca thương nhớ
Ôi con đường hạnh phúc như trong mơ
Thuyền và biển hai tâm hồn say đắm
Qua tháng năm, qua mưa gió thăng trầm
Nỗi nhớ tình yêu viết bài ca thuyền biển[5]
Quả thật, hình ảnh thuyền và biển đã khắc hoạ nhiều “chiều kích nhân sinh”. Con thuyền của thế giới hôm nay như đang chống chọi từng ngày, từng giờ với làn sóng của đại dịch Covid- 19 đang hoành hành và cướp đi nhiều sinh mạng của người dân ngay tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Cuộc đời chúng ta không ai biết trước được ngày mai mình sẽ như thế nào, còn sống hay chết, bao nhiêu kế hoạch và dự tính sẽ đi về đâu?
Hơn lúc nào, cuộc sống hôm nay giống như người lữ khách đang ngồi trên chiếc “thuyền nan” để vượt biển trần gian đầy khó khăn thử thách và trôi dạt về những bến bờ vô định. Cũng như biển khơi, lúc dâng cao sóng vỗ, lúc gió dịu trời êm…, biển đời cũng không thiếu những cung điệu buồn vui, những thăng trầm hạnh phúc, đau thương và khổ luỵ… Làm sao khi sống ở trần gian này mà tránh khỏi những “nhịp điệu, cung đàn” như thế…!
Nếu như “thuyền và biển” là nét đẹp thơ mộng trong “ngôn ngữ thi ca” dành cho những chuyện tình nam nữ:
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau – rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió “
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố! (Xuân Quỳnh. Thuyền và Biển)
thì “thuyền và biển đời” cũng mang lại rất nhiều cảm xúc cho cuộc đời những người tu sĩ.
Thật vậy, khi tình yêu và lòng trung thành với lý tưởng, với ơn gọi còn ngự trị trong tâm hồn thì “sóng biển thế tục” cũng lặng êm; lúc đó “thuyền đời” lướt đi nhẹ nhàng trong rạng rỡ tin yêu hy vọng và cuộc đời đầy hạnh phúc. Nhưng khi “tình yêu phai nhạt”, thất tín, bất trung… thì “những cơn sóng thế tục” bủa vây giăng mắc; cuộc sống như bị dập vùi trong những trận cuồng phong dữ dội. Chính những lúc như thế, người tu sĩ mới thấy được con người thật quá mỏng manh yếu đuối, và việc bám víu vào hoa tiêu vững chắc là Đức Kitô chính là con đường bảo vệ, là điểm tựa an toàn nhất.
Chúng ta đừng quên, với chiếc thuyền của Phêrô, Chúa đã cho các môn đệ nhận ra quyền năng của Thiên Chúa và cũng là dịp để các ông thể hiện niềm tin của mình “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5,4). Với khả năng hữu hạn của con người, Phêrô chỉ có thể làm theo lệnh truyền của Chúa vì lòng vâng phục. “Vì lời Thầy, con xin thả lưới”. Thuyền của các môn đệ đang cùng với Thầy Giêsu vượt trùng khơi mịt mù trong cuồng phong bão táp xô đẩy “Đang khi các ngài đi thuyền, thì Đức Giêsu thiếp ngủ. Một trận cuồng phong ập xuống, các ngài bị ngập nước và lâm nguy”(Lc 8, 23), “Đức Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ”(Mt 8, 24).
Khi con thuyền chơi vơi giữa dòng bị sóng đánh chập chờn, sóng ập vào thuyền, bị giông tố dập vùi… cũng là lúc lòng người lữ khách âu lo, sợ hãi, chao đảo, nghi ngờ sự hiện diện của Chúa trong đời. Nhưng trải qua bao giông tố cuộc đời, dù thế nào đi nữa thì chỉ còn một niềm hy vọng, một điểm tựa và một phao cứu hộ duy nhất là Chúa Giêsu, dù Ngài ngủ hay thức nhưng có Ngài hiện diện trên chiếc thuyền đời của ta thì chúng ta tin rằng mọi sự sẽ bình yên.
Cũng đừng quên, như những ngư phủ thường trông lên vì sao “Bắc Đẩu” để định vị và định hướng cho những cuộc hải hành, nhất là những khi trôi dạt lạc đường khi bão tố, những người tu sĩ cần ngước trông về một “Vì sao Bắc Đẩu” khác, như lời thơ:
Nên chỉ biết khi sang mùa biển động,
Thuyền có ra khơi xin nhớ hướng lên trời.
Có một vì sao Bắc Đẩu rạng ngời,
“Maris Stella”, Mẹ Maria chính là vì sao ấy ![6]
Như chiếc thuyền nan chòng chành trên sóng nước, như biển cả bao la với muôn ngàn con sóng vỗ…, cuộc sống đời tu luôn đối diện với những khó khăn trở ngại, thất bại lo âu, thiếu cảm thông, thiếu cậy trông tin tưởng vào Chúa, và lắm lúc cũng ngả nghiêng theo từng cơn sóng… Chính trong những lúc như thế, người tu sĩ luôn biết nhận ra sự hiện diện của Chúa, và hãy để cho Chúa dẹp yên những giông tố bão bùng trong biển lòng của mình. Có như thế, mỗi ngày chúng ta sẽ bình yên bước đi trên sóng nước bằng chính chiếc thuyền đời của mình với một niềm tin yêu phó thác vào tình yêu thương quan phòng của Chúa.
Nt. Anna Hiền Linh – MTGQN
[1] Sơn Ca Linh. Bài thơ: Thuyền, biển và “Vì Sao Mẹ”.
[2] Trích ký sự của cha Vachet viết về cuộc hành trình của Đức cha Lambert thăm viếng Đàng Trong lần đầu từ Xiêm La đến Đàng Trong.
[3] Sơn Ca Linh. Bài thơ: Thuyền, biển và “Vì Sao Mẹ”.
[4] Sơn Ca Linh: Bài thơ Mùa biển động và em.
[5] Trích chùm thơ Thuyền và Biển của nhiều tác giả
[6] Sơn Ca Linh. Bài thơ: Thuyền, biển và “Vì Sao Mẹ”
2020
Khái niệm giáo dục, huấn luyện và đồng hành trong tiến trình đào tạo ơn gọi linh mục và thánh hiến
Khái niệm giáo dục, huấn luyện và đồng hành
Khái niệm giáo dục, huấn luyện và đồng hành trong tiến trình đào tạo ơn gọi linh mục và thánh hiến
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
WGPHT – Đào tạo ơn gọi linh mục và thánh hiến là một tiến trình mang tính năng động, tiệm tiến và sư phạm. Tiến trình này phải được thực hiện qua các giai đoạn giáo dục, huấn luyện và đồng hành. Giáo dục, huấn luyện và đồng hành là ba khái niệm nền tảng quan trọng của một tiến trình huấn luyện. Đào tạo phải có giai đoạn giáo dục và giai đoạn huấn luyện kết hợp với sự đồng hành. Để hiểu rõ về tiến trình năng động này, chúng ta tìm hiểu ba khái niệm nền tảng này.
- Giáo dục (Education)
Theo nguyên từ, giáo dục trong tiếng Latinh – educere – có nghĩa là dẫn ra, phân biệt ra, làm cho rõ. Theo nghĩa đó, giáo dục là “đào bới,” “lôi ra,” hoặc đưa ra sự thật con người của mình lên bình diện ý thức, sự thật mà ta ý thức hay không ý thức. Giáo dục là giúp một người nhận biết chính mình, ý thức về sự thật chính mình, khám phá những tiềm năng và nhược điểm, đồng thời giúp người thụ huấn phát huy các tiềm năng con người một cách tối đa và tự thể hiện mình một cách đầy đủ.
Giáo dục phải đụng chạm tới toàn bộ con người của người thụ huấn. Theo Tông huấn về Đời Sống Thánh Hiến, việc giáo dục “phải quan tâm đến toàn thể con người, tức là mọi khía cạnh trong nhân cách, hành vi và ý hướng của người thụ huấn.”[1]
Nếu một nền giáo dục chỉ nhấn mạnh hay chỉ tập trung vào việc huấn luyện các kỹ năng và cung cấp kiến thức, hoặc chỉ chú trọng giáo dục phần bên ngoài con người thụ huấn, thì nền giáo dục đó có nguy cơ bị giảm thiểu, thiếu tính toàn vẹn và không mang lại sự biến đổi bên trong con người của người thụ huấn. Công cuộc đào tạo linh mục – tu sỹ không phải là đào tạo các ‘công chức’ hay các ‘chuyên viên’ cho Giáo Hội, mà là đào tạo những “con người của Thiên Chúa và của Giáo Hội.”
Giáo dục phải là một quá trình giúp người thụ huấn biến đổi toàn bộ con người mình: Từ hành vi, thái độ, tình cảm, động lực thúc đẩy và cả chiều sâu thẳm của lòng họ. Theo tiến trình này, giáo dục là giúp người thụ huấn khám phá và nhận thức một cách chính xác các hành vi, cử chỉ, lời nói, sở thích, tập quán, thói quen, thái độ sống, lối phản ứng trước một hoàn cảnh, trước một sự kiện. Những hành vi và thái độ sống này có phù hợp với các giá trị và lý tưởng tu trì không?
Không dừng lại ở bên ngoài và hài lòng với những gì thay đổi ở bên ngoài, người thụ huấn phải được giáo dục từ bên trong là chính con tim của mình, nghĩa là họ được giúp đỡ để nhận biết tình cảm và cảm xúc sâu xa bên trong, kể cả những cảm xúc mà mình không ý thức. Giáo dục là giúp họ nhận ra trong họ những tình cảm “hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục” có phù hợp với đời tu không, từ đó giúp họ thay đổi, trưởng thành về tình cảm và cảm xúc của mình.
Sâu hơn nữa, người thụ huấn cũng phải được giáo dục cả về động lực thúc đẩy. Việc giáo dục không dừng ở chỗ hướng dẫn họ “làm gì” mà còn phải giáo dục họ nhận thức được “tại sao tôi làm,” “động lực nào thúc đẩy tôi hành động?” Từ việc nhận biết các động lực thúc đẩy, người thụ huấn nhận ra những khuynh hướng đang lèo lái đời sống của họ: Khuynh hướng quy ngã, quy xã hội, cá nhân chủ nghĩa, lập dị, thích tiền hay quyền lực, gây hấn, hay quá khích, ấu trĩ hay nhu nhược… và cả sự mơ hồ trong chọn lựa căn bản.
Việc giáo dục phải quan tâm đến tất cả những yếu tố làm nên “con người thật” của ứng sinh. Theo ngôn ngữ chuyên môn, các nhà tâm lý giáo dục gọi đây là “cái tôi hiện tại – actual self” của ứng sinh. Do đó, việc huấn luyện phải can thiệp trực tiếp vào cái tôi hiện tại của người thụ huấn. Giáo dục là lôi ra ánh sáng những gì không phù hợp, những gì là “ấu trĩ” và thiếu trưởng thành của người thụ huấn.
Quả thế, đây là một quá trình trở về với chính bản thân, nhận biết mình, khám phá bản thân, chấp nhận chính mình và thay đổi chính mình. Tiến trình này được thực hiện trong khó khăn, dài thăm thẳm, tiệm tiến và rất năng động. Theo nghĩa này, công cuộc đào tạo không phải là một cuộc dạo chơi trong công viên mà là một hành trình đầy gian khó đi về Giêrusalem như hành trình của Đức Giêsu. Và đây là logic mầu nhiệm thập giá xảy ra trong việc huấn luyện: Phải qua đau khổ để tới Phục Sinh vinh quang. Giáo dục phải đi qua kinh nghiệm của ngày Thứ Sáu để tới ngày Chúa Nhật phục sinh. Nếu ai muốn bước vào quá trình siêu việt chính mình và hoàn thiện bản thân, có nghĩa người đó phải chấp nhận bị tổn thương, gột rửa và lột xác con người của mình. Chấp nhận thay đổi cấu trúc con người, động lực, tình cảm, lối suy nghĩ và cách hành động của mình để có thể tới một giai đoạn khác mà ta gọi đó là giai đoạn huấn luyện.
- Huấn luyện (Formation)
Giáo dục mà thôi thì chưa đủ. Cần có huấn luyện. Trong tiếng Latinh động từ formare có một ý nghĩa đặc biệt: “Đưa ra một khuôn mẫu, tạo một hình thức.” Theo đó, việc huấn luyện là đưa ra một gương mẫu rõ ràng mà người thụ huấn được mời gọi phải hướng tới và cưu mang trong lòng. Đó là một thể thức hay một lối sống mới mà họ chưa có, nhưng họ phải đạt tới một cách tiệm tiến và đó cũng là yếu tố làm nên căn tính mới nơi họ. Theo nghĩa này, huấn luyện không chỉ là năng động tự thể hiện (self-realization), mà còn là năng động tự siêu việt (self-transcendence) theo một khuôn mẫu hoặc một lý tưởng. Huấn luyện không chỉ dừng lại ở việc biết mình hay chiêm ngắm bản thân, mà còn phải hướng tới việc khám phá và hình thành cái tôi lý tưởng (ideal self) mới mẻ và đích thật của mình.
Chính vì thế, trong các tài liệu về đào tạo linh mục và tu sỹ,[2] Giáo Hội chọn mô hình Chúa Con làm khung quy chiếu cho dự phóng huấn luyện. Theo đó, Đức Giêsu Kitô là khuôn mẫu lý tưởng mà người thụ huấn luôn được mời gọi để trở nên đồng hình đồng dạng với Người.[3]
Nói cách khác, việc huấn luyện là một tiến trình xây dựng nơi người thụ huấn con người mới trong Đức Kitô, hình thành nơi họ cách sống mới, thái độ mới, lối suy nghĩ mới, tâm tình và ước muốn của chính Đức Kitô. Vì thế, việc huấn luyện không được hiểu như là một sự bắt chước bên ngoài, nhưng là sự trở nên giống từ bên trong, là “mặc lấy những tâm tình của Chúa Kitô như Người đã biểu lộ với Chúa Cha.”[4]
Nếu nói quá trình giáo dục là chết đi con người cũ, thì quá trình huấn luyện là phục sinh con người mới trong Đức Kitô. Nếu trong cuộc đời Đức Giêsu, Mầu Nhiệm Tử Nạn gắn liền với Mầu Nhiệm Phục Sinh, thì trong quá trình huấn luyện đau khổ và vinh quang cũng rất gắn bó với nhau. Phải chấp nhận thay đổi, tự hủy, chết đi thì mới phục sinh con người mới, con người nhân đức và thần khí.
Việc huấn luyện chỉ có hiệu quả thực sự khi có sự biến đổi nơi ứng sinh. Việc huấn luyện giúp ứng sinh nhận ra căn tính của mình nơi Chúa Kitô. Chân – thiện – mỹ của giá trị dần dần trở thành chân – thiện – mỹ của chủ thể. Tâm tình của Chúa Kitô ngày càng trở nên tâm tình của người thụ huấn. Huấn luyện là để cho Thiên Chúa uốn nắn thái độ, lời nói, ý nghĩ và ước muốn của mình mỗi ngày nên giống Chúa Kitô.
Chính việc huấn luyện này tác động trên trái tim, để họ say mê Thiên Chúa; tác động trên trí tuệ, để họ có thể chiêm ngắm và tìm kiếm Thiên Chúa và tác động trên ý chí, để họ biết khát khao như Thiên Chúa khao khát.
III. Đồng hành (accompagnement)
Từ thời Trung Cổ, hạn từ đồng hành trong tiếng Latinh là cum-panio, có nghĩa là “chung một tấm bánh.” Tự bản chất, đồng hành có nghĩa là chia sẻ. Vì thế, việc đồng hành với người thụ huấn muốn sống đời sống tu trì không chỉ là hướng dẫn họ trong đời sống tâm linh, dạy dỗ, hay thiết lập tương quan một chiều với họ, nhưng là cùng nhau thực hiện hay cử hành và chia sẻ kinh nghiệm đức tin. Đồng hành không chỉ có nghĩa là đi bên cạnh người khác trên một quãng đường nhất định, mà là cùng nhau bước đi trên đường, cùng nhau chia sẻ “của ăn đàng” là đức tin, kinh nghiệm về Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Thánh Thần.
Theo nghĩa đó, toàn thể tiến trình huấn luyện không chỉ là truyền đạt hay chỉ cho biết con đường phải đi, mà là một kinh nghiệm dấn thân và “tuyên xưng” đức tin của nhà huấn luyện với người thụ huấn.
Lối đồng hành này là hình thức mà Chúa Giêsu đã thực hiện trên đường Emmaus và là hình tượng của mọi việc đồng hành trong đức tin. Chúa Giêsu gặp gỡ, cùng bước đi với họ, trò chuyện với họ, nói cho họ nghe những chuyện xảy ra và giải thích cho họ hiểu các sự kiện dưới ánh sáng Lời Chúa. Rồi sau đó, cùng với họ Người “bẻ bánh,” họ nhận ra Người, lòng họ bừng lên, mắt họ sáng ra và liền quay trở về Giêrusalem để loan báo cho mọi người biết Chúa đã sống lại (Cf. Lc 24, 13-35).
Người đồng hành không phải là người quyết định ơn gọi của người thụ huấn, cũng không phải là người nắm giữ mọi “bí mật” về tương lai của ứng sinh. Người đồng hành đóng vai trò của Gioan Tẩy Giả, người đưa môn đệ mình tới gặp Chúa, giới thiệu họ với Chúa, rồi từ từ rút vào bóng tối, để “Người lớn lên, còn tôi nhỏ lại” (Ga, 3,30).
Tuy nhiên, việc đồng hành tiên vàn là phương thức hành động của Chúa Thánh Thần, “vị khách dễ thương của linh hồn,” người bạn đường thần linh của chúng ta và là nhà điêu khắc nội tâm, Đấng uốn nắn khuôn mặt mỗi người theo hình ảnh Chúa Kitô một cách vô cùng sáng tạo.
Do đó, điều cơ bản là người thụ huấn phải cảm nhận Chúa Thánh Thần như là bạn trung tín của mình, như là Đấng sẽ giúp họ am hiểu toàn vẹn và sự khôn ngoan của trái tim, như một người dẫn đường đăm đăm nhìn về Chúa Giêsu và những kẻ được kêu gọi, để làm cho họ trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu.
Một khi người thụ huấn nhận biết và cảm nghiệm Chúa Thánh Thần như là “bạn đường,” họ sẵn sàng đón nhận những người đồng hành mà không đòi hỏi người đồng hành phải hoàn hảo; họ dễ dàng đón nhận những phương tiện, điều kiện và cả những giới hạn nhân loại của người đồng hành. Hễ ai tin cậy Chúa Thánh Thần thì cũng tin cậy những trung gian của Người. Hễ ai biết phó mình trong tay Chúa Thánh Thần thì không lo sợ khi chia sẻ lịch sử đời mình với người đồng hành trong sự cởi mở, tin tưởng và phó thác.
Kết luận
Theo đường hướng mà chúng ta vừa suy nghĩ, nếu giáo dục có nghĩa là đào bới sự thật của chủ thể, huấn luyện là hình thành con người mới của chủ thể, thì đồng hành là quy tụ của chủ thể. Người thụ huấn được mời gọi hướng tất cả cơ cấu nội tâm, con tim, lý trí và ý chí lại với nhau để đáp lại tiếng gọi của Chúa Thánh Thần. Có thể ví quá trình huấn luyện bằng một hình ảnh bình dị hơn của nhà nông làm ruộng, thì giáo dục được ví như là vun xới đất đai, huấn luyện là gieo hạt giống tốt vào lòng đất, còn đồng hành là sự chăm sóc, vun tưới, bón phân cho cây lớn lên, trổ bông và kết trái.
Tài liệu tham khảo
- A. Cencini, I Sentimenti del Figlio. Il cammino formativo nella vocazione presbiterale e consolata, EDH, Bologna 2005.
2. Pontificia Opera per le Vocazioni Ecclesiastiche, Nuove vocazione per una nuova Europa. Documento finale del Congresso sulle Vocazioni al Sacerdozio e alla vita Consecrata in Europa, Roma 5-10 Maggio 1997.
3. Giovanni Paolo II, Apostolic Esortazione Apostolica Vita ConsecrataMarch 25, 1996.
4. Giovanni Paolo II, Apostolic Esortazione Apostolica Pastores dabo vobis, December 25, 1992.
[1] Vita consecrata, 65
[2] Vita consecrata, op. cit.
[3] Pastores dabo vobis, số 3 tt.
[4] Vita consecrata, op. cit.
2020
Làm gì khi tình yêu tan vỡ?
Làm gì khi tình yêu tan vỡ?
Nếu được hỏi “cái gì là tuyệt vời nhất trên đời này”, có lẽ ta sẽ trả lời rằng đó là “tình yêu”. Tình yêu là một huyền nhiệm vô cùng cao sâu đến chẳng ai có thể giải thích được ngọn nguồn về nó. Có người còn cho rằng tình yêu không phải là cái được đem ra để phân tích, nhưng chỉ nên được cảm nghiệm mà thôi.
Khi đã yêu, lý trí nhường chỗ cho trái tim vì lý lẽ của lý trí không thắng được lý lẽ của con tim vào thời điểm ấy. Một tình yêu chân thật thì có đủ sức làm biến đổi một con người, có thể làm người ấy từ xấu thành đẹp, từ hung dữ nên hiền lành, từ yếu đuối nên mạnh mẽ. Tình yêu chính là chiếc cầu đưa người ta từ trái đất lên thiên cung, là ngọn đèn xóa tan cái màn đêm cô đơn buồn tủi, là nắng ấm dọi vào những giá lạnh thê lương. Chẳng có loài nào không thích mình được yêu. Chẳng có ai không muốn cho tình yêu của mình được trọn vẹn. Nhưng, lỡ như tình yêu ấy không thành, thì sao?
Ta gọi đó là “con tim tan vỡ”. Có một nỗi đau nào đấy cứ nhói nhói ở lồng ngực, nơi con tim nhỏ bé của ta cư ngụ. Ta nghe như có mũi tên xuyên qua, làm con tim ấy muốn vỡ ra nhiều mảnh. Một nỗi đau làm ảnh hưởng đến có toàn bộ con người. Một khi con tim bị một tình yêu không thành làm tổn thương, mọi thứ trong cuộc sống như đảo lộn. Ta chẳng có đủ sự tỉnh táo để làm việc, chẳng có chẳng có tâm trí để học tập hay nghỉ ngơi, chẳng có, hay thậm chí chẳng còn thấy ý nghĩa của cuộc sống. Có vẻ như động cơ để người ta sống là kiếm tìm một tình yêu, nên khi tình yêu không còn nữa, người ta cũng muốn mình chết đi, tiêu tan đi, không còn hiện diện nữa. Cánh hoa không còn đẹp nữa, khung trời xanh cũng trở nên u ám sầu buồn, thức ăn ngon cũng trở nên nhạt nhẽo vô vị, giọt cà phê hay khói thuốc lá chất chứa đầy những mối tâm tư. Thất bại trong tình yêu, chia cắt trong tình yêu, đích thực để lại trong ta một nỗi mất mát và trống trơn đau đớn khôn cùng. Vào giây phút này, điều duy nhất mà ta cảm thấy chỉ là một nỗi buồn. Nhưng liệu đó có là cái kết cho cuộc sống của ta?
Khi yêu, ta luôn mong tình yêu của mình được đi đến sự trọn vẹn. Nhưng mong ước là một chuyện, thực tế có đáp ứng mong ước ấy của ta hay không lại là chuyện khác. Tự cổ chí kim, đã có không ít những mối tình đẹp như mơ, vậy mà có được cái kết tốt đẹp đâu! Người ta đổ lỗi cho ông Trời đã nhẫn tâm chia cắt đôi lứa, trách ông đã tạo nên những nghịch cảnh khiến hai người không thể mãi chung đôi, đã nỡ cắt đi sợi chỉ uyên ương đang từ từ kết nối. Ông Trời vẫn cứ im lặng, không nói gì, để mặc cho người ta tha hồ oán hờn trách móc. Biết đâu tình yêu của ta là một tình yêu lệch đường, đi vào vùng cấm nào đó. Biết đâu tình yêu của ta không được xã hội chấp nhận. Biết đâu tình yêu của ta đi ngược lại với thuần phong mỹ tục… Tình yêu thì không có lỗi. Yêu một người thì không phải là tội, vì yêu là cứ yêu thôi, đâu ai có thể bắt mình yêu hay không yêu một người nào đó được. Yêu là tiếng nói của con tim, chứ không phải của lý trí. Thế nhưng, con người chúng ta không phải là hòn đảo đơn độc giữa đại dương nhân thế này. Ta có mối tương quan chằng chịt với những con người khác. Nếu tình yêu của chúng ta không đi vào con đường chung, ta không còn cách nào khác, ngoài việc chịu đau, cắt đứt đi tình yêu ấy. Thà có một cái kết đau, còn hơn là đau hoài mà không bao giờ kết.
Nếu ta phải chia ly vì hai người chọn hai con đường khác nhau thì việc ta nhớ đến lý do mình chia tay sẽ là một trợ lực rất nhiều giúp ta vượt qua được nỗi đau này. Chia tay là cách tốt nhất để hai người giải thoát cho nhau. Chia tay để trả lại cho mỗi người vùng trời riêng của mình. Chia tay vì hướng đến điều tốt đẹp của cả hai. Nỗi đau sẽ từ từ được hàn gắn nhờ niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp sẽ dành cho cả hai.
Nếu hai người vẫn còn yêu nhau tha thiết, không thể sống cuộc sống này mà thiếu nhau và tình yêu ấy chẳng gặp ngăn trở gì nhưng chỉ vì những giận hờn, trách cứ vu vơ mà “trái tim tan vỡ” thì hãy chữa lành nó bằng cách chạy thật nhanh đến bên người mình yêu, nói thật nhiều lời ngọt ngào, ôm người ấy thật chặt và quyết tâm giữ người ấy đến cùng. Tình yêu cũng hệt như chiếc bình pha lê. Đẹp đấy, nhưng dễ vỡ vô cùng. Nó cần được nâng niu và chiều chuộng, cần được trân quý và yêu thương. Khi đã yêu, hãy gạt bỏ hết cái tôi, hãy luôn tỏ ra mình có lý. Một chút mềm và một chút nhẹ mới giúp giữ trọn vẹn tình yêu.
Nói chuyện lý lẽ với một người đang thất tình dường như là một điều vô ích. Khi ta thất tình, chung quanh họ chỉ còn một nỗi u buồn mà thôi. Tuy nhiên, dù nỗi đau có thể làm chúng ta suy sụp, nó không thể và không nên là cái cắt đứt hết mọi nguồn lực và lý tưởng của ta. Nếu Trời đã không muốn tình yêu của ta nên trọn là vì Ngài muốn dành cho ta một tình yêu khác trọn vẹn hơn. Nếu Trời muốn chúng ta chia ly, chắc là vì Ngài muốn dẫn chúng ta đến một cuộc hội ngộ khác sâu sắc hơn. Hãy cố gắng vượt qua nỗi buồn phiền vì còn có biết bao người đang cần đến ta, và bao nhiêu việc khác đang chờ ta hoàn tất. Tình yêu nam nữ đâu phải là cái duy nhất ta có trên đời. Ta còn có cha mẹ, anh chị em, bạn bè với bao nhiêu tình thương và trách nhiệm khác. Nếu vì chuyện tình yêu của riêng mình mà ta lãnh quên bổn phận với họ, ta thật là người ích kỷ. Nếu chỉ vì một tình yêu không có đoạn kết mà ta cứ buồn phiền, thất vọng, lơ là đạo nghĩa và đánh mất tương lai, ta thật là con người yếu đuối và vô dụng quá chừng.
Để không phải dẫn đến một cái kết đau, có đôi khi ta cần phải tỉnh thức và cảnh giác thật nhiều trước khi đi sâu vào một tương quan nào đấy. Đừng để cảm xúc và những thú vui mau qua che mờ đôi mắt. Đừng để cái tôi cao ngạo làm hại bản thân. Hãy biết làm chủ mình trước những lời mời mọc và ngọt ngào của cám dỗ. Nếu nhận thấy mình và người ấy không có một tương lai tốt đẹp, đừng dấn thân vào quá sâu, để rồi tự mình làm hại mình, tự mình chuốc họa vào thân.
Khi tình yêu tan vỡ, đó là khi con tim của ta tan vỡ, khi mà mọi kỳ vọng và ảo tưởng của ta không còn. Nhưng đó cũng là lúc ta học cách đứng lên, dùng nghị lực để chữa lành con tim mình. Và cùng với một niềm hy vọng vào tương lai, ta tập đứng lên để làm lại cuộc đời, đi tìm một tình yêu mới mà Tạo Hóa dành sẵn cho ta.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ