2021
Cách chiến thắng đam mê tật xấu
Cuốn sách: Maestro di San Bartolo, Abbi a cuore il Signore, Introduzione di Daniele Libanori, San Paolo, 2020. (*)
Chuyển ngữ từ tiếng Ý: Tứ Quyết SJ
Nếu muốn chiến thắng đam mê tật xấu, không đơn giản chỉ là việc bạn coi thường chúng, cũng không phải chỉ là việc bạn có ước muốn chân thành hướng về các nhân đức. Thay vào đó, việc cần thiết để đánh bại các đam mê tật xấu, là đánh bại tất cả những gì nuôi dưỡng đam mê tật xấu ấy. Bởi vì, những đam mê tật xấu đã ăn sâu và tồn tại trong chúng ta, ngay cả khi chúng ta đã tập luyện rất nhiều, ngay cả khi chúng ta đã có thể hạn chế những tác dụng xấu của chúng. Vì thực tế, chẳng bao lâu, chỉ cần một chút này chút kia, những tật xấu ấy đã sớm trở lại, chiếm ưu thế, và chiến thắng, mặc cho những thành quả mà chúng ta đã từng đạt được. Cũng giống như trên cánh đồng mùa hè, khi một cơn bão bất ngờ ập đến, làm mất trắng hoa màu.
Khi một người đang tiến tới trên đường thiêng liêng, với các nhân đức, với việc gìn giữ cẩn thận các giác quan ngay lành, thì các đam mê tật xấu rất khó có thể mãnh liệt đến độ khuất phục được người ấy. Ngược lại, giả sử, nếu vị ấy trở lại thăm vùng đầm lầy mà chính mình đã bỏ đi. Khi trở lại như thế, vị ấy rất dễ bị chìm vào vũng bùn lầy của quá khứ. Thực tế, lần này bị lún sâu vào đầm lầy, không hề thua kém gì lần trong quá khứ, bởi lẽ sức nặng của người ấy vẫn thế, và bùn lầy vẫn là bùn lầy chứ không phải mặt đất vững chắc.
Nơi nào có nước, nơi ấy cây cối bén rễ. Tôi còn nhớ, một người nông dân nọ muốn diệt trừ một loại cây xấu mọc trên bờ ruộng của mình. Anh ta đưa rìu lên và chặt cây tận gốc, nhưng khi mùa tới, cây ấy lại nảy mầm và mọc lên mạnh mẽ, và lớn thành bụi trong thời gian ngắn. Sau đó, người ấy lại chất rơm để đốt, nhưng vẫn không đạt được mục đích của mình. Bởi vì, từ đống tro tàn, mầm lại mọc lên, và cây tiếp tục phát triển. Người nông dân cố gắng hết sức, và tìm tất cả gốc rễ của cây, để có thể diệt trừ tất cả; nhưng anh nhận ra rằng, điều ấy là không thể. Bởi lẽ, anh nhìn thấy rễ cây đã ăn sâu vào lòng đất, đến độ anh không thể loại bỏ tất cả các rễ cây; do đó không thể loại bỏ cây bằng cách diệt rễ. Cuối cùng, anh quan sát mặt đất và nhận thấy rằng, cái cây xấu ấy có thể sống được là do có dòng nước dẫn đến. Anh quyết định đào một con mương, để dẫn dòng nước ra ngoài. Khi hết nước, khô hạn hoàn toàn, cây xấu ấy tự chết và bị loại bỏ. Sau đó, chính chỗ ấy, người nông dân trồng một cây tốt cho hoa trái, và anh điều chỉnh lại con mương để dẫn dòng nước nuôi dưỡng.
Cũng vậy, để loại bỏ các đam mê tật xấu, chúng ta cần loại bỏ những gì nuôi dưỡng chúng. Những tật xấu đam mê hèn hạ, thường gắn liền với giác quan và miệng lưỡi. Do đó, cần tập luyện làm chủ và gìn giữ các giác quan cũng như miệng lưỡi…
_______
(*): Trong tuần tĩnh tâm mùa chay (từ chiều chúa nhật 21/2/2021 đến trưa thứ sáu 26/2/2021), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi Giáo triều Roma và các tín hữu tìm về cùng Thiên Chúa, kín múc nghị lực để đương đầu với những thách đố mới. Vì đại dịch Covid, các vị không tĩnh tâm chung như mọi năm, nhưng mỗi vị tĩnh tâm riêng tại nơi thích hợp. Đức Thánh Cha gửi tặng mỗi vị cuốn sách thiêng liêng giúp suy niệm với tựa đề “Abbi a cuore il Signore” (Hãy có Chúa trong lòng). Sách dày 320 trang gồm các thủ bản cũ do một đan sĩ thuộc Đan viện thánh Bartolo biên soạn hồi thế kỷ 17, trên từng tờ rời, dường như để hướng dẫn các môn đệ.
2021
ĐTC Phanxicô: Lề Luật là người giám hộ đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu
ĐTC Phanxicô: Lề Luật là người giám hộ đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 18/8/2021 Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Galát, với đề tài “Vai trò giám hộ của Lề Luật”. Đức Thánh Cha nói rằng Lề Luật là người giám hộ đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu. Chúng ta nên tự hỏi xem chúng ta có còn đang sống “dưới sự giam cầm của Lề Luật” hay chúng ta đã hiểu rằng, khi trở thành con cái của Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi để sống trong tình yêu thương.
Đức Thánh Cha nhắc lại giáo huấn của thánh Phao-lô, đó là đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô mang lại sự tự do thiêng liêng giúp giải phóng các tín hữu khỏi những ràng buộc của Luật Mô-sê. Đối với thánh nhân, Lề Luật có chức năng “giám hộ”. Như một món quà nhân từ của Thiên Chúa, Lề Luật đòi hỏi tuân giữ các điều răn của Người, đồng thời chỉ ra thực trạng tội lỗi và nhu cầu cần được cứu độ của chúng ta. Khi Chúa Ki-tô đến và cùng với ơn cứu độ của Người, Lề Luật được kiện toàn trong sứ điệp Tin Mừng về sự sống mới và sự tự do trong Chúa Thánh Thần.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng giáo huấn của Thánh Phao-lô về giá trị của Lề Luật “đáng được xem xét cẩn thận”. Ngài nói rằng chúng ta nên tự hỏi xem chúng ta có còn đang sống “dưới sự giam cầm của Lề Luật” hay chúng ta đã hiểu rằng, khi trở thành con cái của Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi để sống trong tình yêu thương. Ngài mời gọi tuân giữ Lề Luật như là một sự trợ giúp cho cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su Ki-tô.
Buổi tiếp kiến bắt đầu với đoạn thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Galát (3,23-25): Trước khi đức tin đến, chúng ta bị Lề Luật giam giữ, cho tới khi đức tin được mặc khải. Như thế, Lề Luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Ki-tô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin. Nhưng khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Vai trò giám hộ của Lề Luật
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Thánh Phao-lô, người đã say mê Chúa Giê-su Ki-tô và đã hiểu rõ ơn cứu độ là gì, đã dạy chúng ta rằng “những người sinh ra do lời Thiên Chúa hứa” (Gl 4, 28), nghĩa là tất cả chúng ta, đã được nên công chính nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, không còn bị ràng buộc bởi Lề Luật, nhưng được mời gọi theo lối sống dấn thân trong sự tự do của Tin Mừng. Tuy nhiên, Lề Luật vẫn tồn tại. Nhưng nó tồn tại theo một cách khác: cùng Lề Luật đó, Mười Điều răn, nhưng theo cách khác, bởi vì chính nó không thể làm cho nên công chính khi Chúa Giê-su đã đến. Vì vậy, trong bài giáo lý hôm nay, tôi muốn giải thích điều này. Và chúng ta tự hỏi: theo Thư gửi tín hữu Galát, vai trò của Lề Luật là gì? Trong đoạn thư chúng ta đã nghe, thánh Phao-lô nói rằng Lề Luật giống như một người giám hộ. Đó là một hình ảnh đẹp, đáng được hiểu theo đúng nghĩa của nó.
Thời kỳ của Lề Luật và thời kỳ của đức tin vào Chúa Ki-tô
Thánh Tông đồ dường như đề nghị các Kitô hữu phân chia lịch sử cứu độ, và cả lịch sử cá nhân của ngài, thành hai giai đoạn. Đó là hai thời kỳ: trước khi trở thành người tin vào Chúa Giê-su Ki-tô và sau khi tiếp nhận đức tin. Ở trung tâm của lịch sử là sự chết và sống lại của Chúa Giê-su, điều mà thánh Phao-lô đã rao giảng nhằm khơi dậy niềm tin vào Con Thiên Chúa, nguồn ơn cứu độ, và trong Chúa Giê-su Ki-tô chúng ta được nên công chính. Chúng ta được nên công chính nhờ ơn huệ nhưng không của đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô. Vì vậy, bắt đầu từ đức tin vào Chúa Kitô, có một thời điểm “trước” và “sau” so với chính Lề Luật, bởi vì có Lề Luật, có Mười Điều răn, nhưng có một thái độ sống trước và sau khi Chúa Giê-su đến. Lịch sử trước đó được xác định bởi việc “bị Lề Luật giam giữ”. Và ai đi theo con đường của Lề Luật thì được cứu độ, được công chính; lịch sử sau đó – sau khi Chúa Giê-su đến – sẽ được sống bằng cách bước theo Chúa Thánh Thần (x. Gl 5, 25). Đây là lần đầu tiên thánh Phao-lô sử dụng cách diễn đạt này: “bị Lề Luật giam giữ”. Nó ám chỉ một sự nô dịch tiêu cực, điển hình của các nô lệ: “bị giam cầm”. Thánh Tông đồ nêu rõ điều đó bằng cách nói rằng khi một người “bị Lề Luật giam giữ” thì giống như bị “theo dõi” và “bị nhốt”, một kiểu giam giữ nhắm ngăn chặn. Thánh Phao-lô nói rằng thời kỳ này đã kéo dài một thời gian dài – từ Mô-sê cho đến khi Chúa Giê-su đến – và còn kéo dài bao lâu người ta còn sống trong tội lỗi.
Lề Luật là người giám hộ
Tương quan giữa Lề Luật và tội lỗi sẽ được thánh Tông đồ giải thích một cách có hệ thống hơn trong Thư gửi tín hữu Roma, được viết vài năm sau thư gửi tín hữu Galát. Tóm lại, Lề Luật giúp hiểu vi phạm Lề Luật là gì và giúp chúng ta nhận thức được tội lỗi của mình: “Bạn đã làm điều này, do đó Lề Luật – Mười Điều Răn – nói điều này: bạn phạm tội”. Hay đúng hơn, như kinh nghiệm chung đã dạy, luật lệ nhắm đẩy đến sự vi phạm. Thánh Phao-lô viết trong Thư gửi tín hữu Roma, ngài viết: “Vì trước đây, khi chúng ta còn bị tính xác thịt chi phối, thì các đam mê tội lỗi dùng Lề Luật mà hoạt động nơi các chi thể chúng ta, để chúng ta sinh hoa kết quả đưa tới cái chết. Nhưng nay, chúng ta không còn bị Lề Luật ràng buộc nữa, vì chúng ta đã chết đối với cái vẫn giam hãm chúng ta” (Rm 7, 5-6). Tại sao? Bởi vì ơn công chính hoá của Chúa Giê-su đã đến. Thánh Phao-lô diễn tả nhãn quan của ngài về Lề Luật: “Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật” (1Cr 15, 56).
Trong bối cảnh này, việc tham chiếu đến vai trò giám hộ của luật lệ đạt được ý nghĩa đầy đủ. Lề Luật là người giám hộ đưa bạn đến với Chúa Giê-su. Trong hệ thống học thuật thời cổ đại, nhà sư phạm không có chức năng như ngày nay, nghĩa là vai trò hỗ trợ việc giáo dục của một bé trai hay một bé gái. Trái lại, vào thời đó, họ là một nô lệ có nhiệm vụ đi cùng con của chủ nhân đến học với thầy giáo và sau đó đưa con của chủ về lại nhà. Bằng cách này, họ bảo vệ người được mình giám hộ khỏi nguy hiểm và trông chừng để đảm bảo đứa trẻ không cư xử xấu. Chức năng của người giám hộ thiên về kỷ luật. Khi cậu bé trở thành người lớn, người giám hộ ngừng nhiệm vụ của mình.
Lề Luật là một sự trợ giúp cho cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su Ki-tô.
Nói đến Lề Luật bằng những thuật ngữ này giúp thánh Phao-lô làm sáng tỏ vai trò của Lề Luật trong lịch sử của Israel. Torah, nghĩa là Lề Luật, là một hành động cao cả của Thiên Chúa đối với dân của Người. Sau việc chọn ông Áp-ra-ham, hành động vĩ đại khác của Thiên Chúa chính là ban Lề Luật: đưa ra con đường để tiến bước. Chắc chắn nó có những chức năng để giới hạn, nhưng đồng thời nó cũng đã bảo vệ dân Chúa, đã giáo dục họ, kỷ luật họ và hỗ trợ họ khi họ còn yếu đuối, trên hết là bảo vệ họ khỏi theo các thần của dân ngoại; có nhiều thái độ ngoại giáo trong thời đó. Kinh Torah nói: “Chỉ có một Thiên Chúa và Người đã dẫn đường cho chúng ta”. Một hành động nhân từ của Thiên Chúa. Và đây là lý do tại sao thánh Tông đồ tiếp tục mô tả giai đoạn của tuổi vị thành niên: “Bao lâu người thừa kế còn là thiếu niên thì không khác gì một nô lệ, mặc dù là chủ mọi tài sản. Nó phải ở dưới quyền những người giám hộ và quản lý, cho đến khi mãn hạn người cha đã định. Chúng ta cũng vậy, khi còn là thiếu niên, chúng ta phải làm nô lệ những yếu tố của vũ trụ” (Gl 4, 1-3).
Tóm lại, thánh Tông đồ xác tín rằng chức năng của Lề Luật chắc chắn là tích cực – như người giám hộ để tiến bước – nhưng là chức năng giới hạn về thời gian. Nó không thể kéo dài thời hạn của nó vượt mức, bởi vì nó liên quan đến sự trưởng thành của các cá nhân và sự lựa chọn tự do của họ. Một khi chúng ta đã có đức tin, Lề Luật sẽ hết giá trị giám hộ của nó và phải nhường chỗ cho một thẩm quyền khác. Điều đó có nghĩa là gì? Có phải khi Lề Luật kết thúc, chúng ta có thể nói: “Chúng ta tin vào Chúa Giê-su Ki-tô và chúng ta làm điều mình muốn? Không! Các Điều Răn có đó, nhưng chúng không làm cho chúng ta trở nên công chính. Đấng làm cho chúng ta trở nên công chính là Chúa Giê-su Ki-tô. Các Điều Răn phải được tuân giữ, nhưng chúng không ban cho chúng ta sự công chính; cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su Ki-tô cho chúng ta được ơn công chính cách nhưng không. Ơn ích của đức tin là đón nhận Chúa Giê-su. Chúng ta phải tuân giữ các Điều Răn nhưng như là một sự trợ giúp cho cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su Ki-tô.
Giáo huấn này về giá trị của Lề Luật rất quan trọng, và đáng được xem xét cẩn thận, để chúng ta không hiểu lầm và thực hiện các bước sai lầm. Thật là tốt cho chúng ta nếu tự hỏi mình xem chúng ta có còn sống trong thời kỳ mà chúng ta cần đến Lề Luật hay không, hay ngược lại chúng ta hoàn toàn ý thức được mình đã nhận được ân sủng trở thành con cái của Thiên Chúa để được sống trong tình yêu thương. Tôi đang sống như thế nào? Có phải trong nỗi sợ hãi rằng nếu tôi không làm điều này, tôi sẽ xuống hoả ngục? Hay tôi cũng đang sống với niềm hy vọng, với niềm vui sướng về ơn cứu độ được ban cách nhưng không trong Chúa Giê-su Ki-tô? Và điều thứ hai nữa: tôi có coi thường các Điều Răn không? Không. Tôi tuân giữ chúng, nhưng không phải như những điều tuyệt đối, bởi vì tôi biết rằng chính Chúa Giê-su Ki-tô làm cho tôi được công chính.
Hồng Thủy
2021
Khủng hoảng mở ra những con đường
Các cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên đã gặp phải nhiều cơn khủng hoảng. Có khủng hoảng gắn liền với tình trạng nội bộ. Có khủng hoảng do các yếu tố ngoại tại, chẳng hạn như mối liên hệ với Do Thái giáo – đưa đến sự tách rời – và những xung đột với quyền lực chính trị. Trong bài này, cha Daniel Cadrin, O.P., tập trung vào những khủng hoảng nội bộ để thấy được điều gì đã giúp tháo gỡ được những nút thắt – hay ít ra cho phép hạ nhiệt vấn đề trong một thời gian – để soi sáng cho chúng ta về lối đi ra của cơn khủng hoảng đại dịch. (Người dịch)
***
Chia sẻ
Khủng hoảng đầu tiên (Cv 6, 1-6) gắn liền với cơ cấu cộng đoàn Giêrusalem, tập hợp những người Do Thái ở Giuđê, miền Galilê và những người khác của cộng đoàn tha hương (diaspora). Khi phân chia lợi ích, các bà góa đến từ thế giới Hy Lạp đã bị bỏ rơi, nghĩa là có sự phân biệt về văn hóa. Phải làm gì đây? Trước hết phải triệu tập hội đồng để thảo luận vấn đề. Rồi người ta tìm thấy một giải pháp thực tiễn: việc chăm sóc các bà góa được giao cho các môn đệ có cùng nguồn gốc văn hóa. Trước một nhu cầu mới, người ta sáng tạo ra một cơ cấu sứ vụ mới: nhóm Bảy người.
Nhóm này, cũng như nhóm Mười Hai, không tồn tại lâu dài. Những hình thức thừa tác vụ khác xuất hiện, biến đổi tùy theo các cộng đoàn và môi trường: các trưởng lão, tông đồ, ngôn sứ, thầy dạy, chủ chăn, phó tế, giám quản, (Rm 12, 6-8; 1 Cr 12, 28-30; Ep 4, 11-12; Phl 1, 1). Sự đa dạng này dần hợp nhất lại quanh ba thừa tác vụ, nhưng trước hết phải trải nghiệm qua nhiều hình thức. Trở về với nhóm Bảy người, vài người trong số họ sau đó đã là những nhà truyền giáo đầu tiên trong thế giới ngoại giáo, một điều không hề được lường trước! Khi ta xoay trở cách sáng tạo trước sự khó khăn thì Chúa Thánh Thần sẽ mở ra những con đường.
Tiếp nhận dân ngoại giáo
Khủng hoảng lớn vào thời Giáo Hội sơ khai là tiếp nhận những Kitô hữu mới đến từ thế giới ngoại giáo, nghĩa là những người không phải là Do Thái. Ở đây cũng vậy, một tiến trình đã được sắp xếp để đối phó với vấn đề (Cv 15, 1-35): công nghị, với những người giữ những vị trí khác nhau, những cuộc tranh luận, những lựa chọn đã được chọn lựa, và rồi thông báo vấn đề. Cách xử lý này như là cách tiếp cận đầy cảm hứng và đã cho phép một bước ngoặt trọng đại: mở rộng đức tin Kitô giáo cho tất cả mọi nền văn hóa. Nhưng trong thực tế thì có vài yếu tố đã làm cho việc hòa nhập của dân ngoại được trở nên dễ dàng.
Sự chuyển giao Tin Mừng không được thực hiện trực tiếp từ thế giới Do Thái sang thế giới dân ngoại. Để việc chuyển giao này được thực hiện, phải có những tiếp nối, những trung gian đặt bước chân vào trong hơn một nền văn hóa. Một vai trò quan trọng như thế được những người kính sợ Chúa hay các tân tòng nắm giữ, họ là những người ngoại giáo đã cải đạo sang Do Thái giáo hay những người thân cận với họ (Cv 10, 1-2). Họ biết Sách Thánh, Thiên Chúa độc nhất, luật luân lý, cầu nguyện bằng Thánh Vịnh, etc. Họ có khả năng đón nhận Tin Mừng và rồi đến lượt mình họ có thể loan truyền cho những người hoàn toàn ngoại giáo.
Đào tạo và đồng hành
Quá tốt khi tiếp nhận những lương dân, song phải bảo đảm sự liên tục để họ ở lại. Một yếu tố khác rất gần với yếu tố trước, đó là chọn lựa các thừa tác viên để đào tạo. Khi một cộng đoàn có nguồn gốc lương dân được thành lập tại Antiokia (Cv 11, 19-26), các môn đệ ở Giêrusalem đã tỏ ra bối rối. Phải làm gì với những người này, những người không như họ nhưng tin vào Đức Kitô? Barnaba được chọn lựa để đồng hành với nhóm này: ông không phải là người Do Thái địa phương nhưng từ đảo Chypre, có nghĩa là ông quen tiếp xúc với các lương dân và biết về thế giới của họ. Nhưng Barnaba cũng đã có một phán đoán tốt: ông đi tìm Phaolô thành Tarsê, một người Do Thái được đào tạo về Sách Thánh, một Kitô hữu đầy thuyết phục, người quen thuộc với văn hóa Hy Lạp và quen sống trong một thành phố lớn. Ông nhờ Phaolô phụ giúp để dạy giáo lý.
Để đào tạo và đồng hành ai đó, phải biết ngôn ngữ, hệ thống giá trị và cách sống của người ấy. Tin Mừng Matthêô cũng vậy, được viết cho các Kitô hữu gốc Do Thái, chứng minh mối liên hệ giữa giao ước thứ nhất và thứ hai, sự hoàn tất Sách Thánh nơi Đức Kitô là Môsê mới. Tin Mừng Luca, được viết cho các Kitô hữu thuộc nền văn hóa Hy Lạp, nhấn mạnh về thanh danh, chú trọng đến những phạm trù về vinh nhục, những điển hình của luân lý đang thịnh hành. Trong các thư của mình, Thánh Phaolô sử dụng ngôn ngữ thể thao (1 Cr 9, 24-27; 2 Tm 4, 7-8): bởi vì người Hy Lạp đã sáng tạo ra thế vận hội và rất say mê thể thao. Ngài cũng sử dụng từ vựng của các trào lưu triết học đương thời, với sự chính xác (Plm 4, 8).
Chia rẽ và xung đột
Sau khi được thành lập, một cộng đoàn gồm các tín hữu xuất thân từ ngoại giáo, đã đón nhận Tin Mừng và tìm cách sống Tin Mừng theo từng ngày, những khủng hoảng khác bắt đầu xuất hiện, gắn liền với cơ cấu của các giáo hội trẻ. Các thành viên nam nữ từ những chân trời khác nhau đã làm việc ở đấy. Cũng như ngày nay vậy, những trung tâm đô thị tụ họp những con người có nguồn gốc văn hóa khác nhau; các cộng đoàn của Thánh Phaolô đã phản ánh điều đó, ngoại trừ cộng đoàn Galát. Họ là những người có địa vị xã hội khác nhau: người tự do, người được giải phóng, người nô lệ. Họ chia sẻ cùng một nền văn hóa đô thị, nhưng vẫn có những xung đột và khoảng cách. Những nhóm nhỏ này rất mong manh. Cơn khủng hoảng ở đây không theo nghĩa một biến cố nhưng là một tình trạng có nguy cơ phá vỡ cộng đoàn, phân rẽ cộng đoàn theo năm tháng.
Đối mặt với cơn khủng hoảng này, Thánh Phaolô đã triển khai một cách tiếp cận không theo hướng tìm kiếm sự đồng nhất hay những quy định dành cho mọi người, nhưng là trên điều đã quy tụ họ lại, thuộc trật tự đối thần: đức tin vào Đức Kitô, đức cậy vào Nước Trời của Ngài và đức ái giữa các thành viên. Không có những điều ấy, cộng đoàn sẽ dần tan rã. Do đó mà có tầm quan trọng của rửa tội, bí tích làm sáp nhập vào Đức Kitô (1 Cr 12, 13; Cl 3, 9-11), và sự đa dạng thống nhất (unitédiversité) của thân thể và các chi thể (1 Cr 12, 12-27; Rm 12, 4-5). Đối với Thánh Phaolô, không có thân thể mà không có sự khác biệt của các chi thể. Sự đa dạng này không phải là một thực tại phải chịu đựng mà là cấu thành của một thân thể. Nhưng thân thể này chỉ hoạt động và làm nhiệm vụ nếu có sự hợp nhất, được phép rửa ban cho và được bữa ăn của Chúa nuôi dưỡng (1 Cr 11, 17-34), và có những thực hành huynh đệ như chia sẻ của cải (2 Cr 8-9), cái hôn bình an (1 Cr 6, 20) bẻ gãy mọi rào cản.
Không phải là dễ dàng, những cơn khủng hoảng này dần phát sinh một điều mới mẻ trong Đế quốc Rôma: ý nghĩa của tình huynh đệ đại đồng được sống gần sát nhau, một hình thức xã hội tính mới mẻ của sự hỗ tương. Những mối tương quan tùy thuộc và ưu thế (văn hóa, địa vị xã hội, giới tính: Gl 3, 26-29) đều là thứ cấp so với phẩm giá của mỗi người và những mối tương quan huynh đệ. Tiếp cận của Thánh Phaolô vẫn có tính thời sự rõ ràng. Đức Phanxicô đã nhắc lại điều đó trong Thông điệp FratelliTutti.
Đối với các con, thầy là ai?
Những khủng hoảng khác gắn liền với những vấn đề thần học nền tảng, nhất là vấn đề căn tính của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Hiểu thế nào các tước hiệu này? Mối tương quan giữa Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế, và Thiên Chúa, đấng tạo dựng, là như thế nào? Tầm quan trọng nào dành cho nhân tính, sự nhập thể của Ngài? Các bản văn của Thánh Gioan, Tin Mừng và các thư, qua lại giữa nhân tính và thần tính Đức Giêsu. Thánh Marcô đối mặt với mầu nhiệm thập giá, Thánh Phaolô cũng vậy: làm thế nào mà kẻ bị đóng đinh lại có thể là sứ giả của Thiên Chúa, người mặc khải của Ngài?
Những vấn đề này gây căng thẳng trong các cộng đoàn và làm rạn nứt sự hiệp thông, có những nhóm tách ra khỏi Giáo Hội. Có nhiều giải pháp cho các khủng hoảng này. Một trong số những giải pháp đó là đưa ra những bản văn dùng làm cột mốc chung, điều này làm nảy sinh ra Tân Ước. Những bản văn này không phải là cách duy nhất để hiểu Đức Giêsu Kitô là ai nhưng còn nhiều con đường khác. Chúng ta có bốn Tin Mừng, sách Tông đồ công vụ, 21 thư và sách Khải Huyền, mỗi bản văn đưa ra một cái nhìn độc đáo về Đức Kitô, tuy không tương đương với những bản văn khác nhưng đi trong cùng một không gian ý nghĩa và giá trị. Điều này cho phép bảo đảm cả sự thống nhất lẫn đa dạng. Một cách đối mặt khác sẽ xảy ra sau này: các công đồng (Nicê, Constantinople, etc.)
Dù khủng hoảng thế nào đi chăng nữa, vai trò của những cuộc hội họp để nhìn ra vấn đề, tranh luận, biện phân, thật là quan trọng. Có như thế, giải pháp đưa ra không phải chỉ do các người chức trách mà do toàn bộ cộng đồng và nó có tính toán đến những hiện trạng ngay tại chỗ. Nói ngắn gọn, sự hiệp hành (synodalité) là chiếc chìa khóa, đây chính là chủ đề của Thượng hội đồng giám mục sắp tới mà Đức Phanxicô triệu tập. Tác giả: Daniel Cadrin, O.P.
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Từ: Parabole, 6/2021, Vol. XXXVII, No 2, tr. 15-17
2021
Hít thở sự sống Chúa ban
Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
Ngày nào cũng thế, đệ tử chỉ hỏi Minh Sư mỗi một câu: “Làm thế nào con gặp được Thượng Đế?” Và ngày nào Minh Sư cũng trả lời một câu giống nhau, đầy bí ẩn: “Bằng sự ước muốn.” “Nhưng con ao ước Thượng Đế hết tâm hồn! Vậy tại sao con không gặp được Ngài?”
Ngày kia, có dịp Minh Sư cùng đệ tử đó đi tắm trong một dòng sông. Ngài dìm đầu đệ tử xuống nước và cứ giữ như thế trong khi đệ tử đáng thương kia vùng vẫy một cách tuyệt vọng để cố thoát thân. Hôm sau, Minh Sư bắt đầu gợi chuyện: “Tại sao con cố vùng vẫy như thế khi thầy dìm đầu con xuống nước?” “Bởi vì con muốn hít thở không khí.” “Khi con nhận lãnh ơn khao khát hít thở Thượng Đế cũng như con khao khát hít thở không khí thì con sẽ gặp gỡ Ngài.”[1]
Trò chuyện thiêng liêng:
Khi đọc câu chuyện của cha Anthony de Mello trên đây, tôi nhớ đến người bạn chia sẻ với tôi rằng: “Thầy biết không, lúc con bị nhiễm Covid-19, cảm giác khó thở thật kinh khủng. Con như sắp chết vậy. Những giờ khắc đó con ước sao mình được hít thở không khí một cách bình thường. Tạ ơn Chúa đã cho con được vượt qua căn bệnh khủng khiếp ấy.” Hoặc một linh mục viết trong những ngày bị nhiễm Covid: “Tạ ơn Chúa, sức khỏe dần dần trở lại, đầu cũng bớt choáng váng, ăn ngon hơn, ăn được nhiều hơn, không còn sợ ăn, không còn sợ nước, không còn cảm giác nóng lạnh hay khó thở…Không phải uống thuốc, không còn những buổi chiều nóng lạnh ngồi trong nhà nguyện mà chỉ mong thánh lễ mau qua…Mình đã có thể hát trong thánh lễ, dù cho vẫn còn yếu thấy rõ, nhưng đi đứng, đối đáp và hát thì đã gần như bình thường. Đi dạo được nhiều hơn, dầu cho hít thở sâu vẫn là một cái gì đó khó chịu, không giữ hơi trong lòng ngực được lâu, nhưng cảm giác cơ thể tiếp nhận khí trời và sự thanh lọc trong cơ thể đang diễn ra…” Đúng là chỉ khi trong cuộc mới trải nghiệm được thế nào là hiểm nguy và cần thở.
Bạn thân mến,
Không cần nói, ai cũng biết hơi thở liên quan đến sự sống của con người. Chết nghĩa là tắt thở, còn thở nghĩa là còn sự sống trong mình. Không ai muốn chết, nghĩa là ai cũng muốn được hít thở khí trời. Có lẽ trong lần đại dịch này, virus cũng cho chúng ta thấy giá trị của bầu không khí trong lành mà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Chúng ta chia sẻ với những bệnh nhân đang phải cần máy trợ thở lúc này. Lời cầu nguyện của từng người hy vọng Thiên Chúa giúp họ được hồi sinh. Mong sao dưỡng khí đủ để các bệnh nhân vượt qua sức công phá của virus Corona.
Trong câu chuyện trên đây, chúng ta có thể biết thêm được một cách cầu nguyện bằng hít thở. Chọn một tư thế thật thoải mái, nơi thoáng mát và yên lặng. Sau đó hít chậm rãi thật sâu với ý nguyện: “Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự vào tâm hồn con.” Nín thở một chút, sau đó thở ra thật mạnh với ý nguyện: “Lạy Chúa, này con đây.” Nếu thực tập điều này trong vài phút, chắc chắn bạn đủ dưỡng khí và tâm hồn cũng được chút bình an. Bạn có thể kết thúc với lời nguyện của Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận: “Lạy Chúa Giêsu, con sẽ không chờ đợi nữa. Con sống giây phút hiện tại cho tràn đầy tình yêu.” Cách cầu nguyện này thật thích hợp trong ngôi nhà của bạn, có thể trước cửa sổ mở hoặc ngoài sân.
Ở vế hai, vị Minh sư trên đây nhắc đến một yếu tố quan trọng giúp bạn cầu nguyện gặp được Thiên Chúa: Ước muốn. Điều này không mới trong linh đạo, khi các nhà thiêng liêng khuyên người cầu nguyện nuôi lòng ao ước gặp Thiên Chúa. Chẳng hạn thánh I-nhã trước mỗi bài cầu nguyện, bao giờ cũng nhắc người ta cần có lòng ao ước (xin điều tôi ao ước). Thậm chí nếu chưa có ao ước này, thì người cầu nguyện cần xin với Chúa cho con “có lòng ao ước điều ao ước!” Lý do là người ta chỉ làm thành công với mục tiêu và lòng muốn. Để có được điều này, thánh I-nhã cũng chỉ cho người ta vài cách (x. Linh Thao 73-90):
– 1. Khi đã nằm xuống và sắp sửa ngủ, trong khoảng thời gian bằng đọc một kinh Kính Mừng, tưởng nghĩ đến giờ tôi phải thức dậy và để làm gì.
– 2. Khi thức dậy không nghĩ đến gì khác, nhưng để tâm vào ngay điều tôi sắp suy ngắm, cầu nguyện.
Như vậy với quỹ thời gian dồi dào như lúc này, thật tốt để trong những bận tâm của tôi luôn có ao ước đến gặp gỡ Thiên Chúa. Ao ước ấy nếu mạnh như nhu cầu hít thở không khí, chẳng lẽ Thiên Chúa không đưa bạn đến với Ngài sao? Nói cách khác, ngay khi bạn có ao ước cầu nguyện, đến gặp Chúa là bạn đã thực sự cầu nguyện rồi. Hơn nữa, Giáo hội dạy rằng: “cầu nguyện là ân huệ, là quà tặng của Thiên Chúa, phát xuất từ nỗi khát của Thiên Chúa khao khát con người chúng ta; cầu nguyện cũng xuất phát từ nỗi khao khát của con người chúng ta, nỗi khát này lại do chính Thiên Chúa đã đặt trong con người. Hai nỗi khát này tìm nhau, trao đổi, làm thỏa mãn cơn khát của nhau, đó là cầu nguyện.”[2]
Để kết thúc, bạn thử dừng lại, hít thở thật sâu và thở ra thật mạnh. Thử làm đôi phút! Rồi với trải nghiệm thú vị này, bạn thử mời gọi các thành viên trong nhà làm theo. Hy vọng các thành viên đều cảm nhận được hiệu quả mà khí trời mang lại. Điều quan trọng hơn, đừng quên không khí, sự sống là món quà Thiên Chúa dành tặng nhưng không cho con người. Đành rằng Trong tự nhiên, oxy tự nhiên được sinh ra từ việc phân giải nước trong quá trình quang hợp oxy dưới tác động của ánh sáng, nhưng đó là công trình của Chúa. Từ thuở tạo thiên lập địa, Ngài đã quan phòng trao tặng vũ trụ này cho con người chăm sóc và hưởng dùng. Có lẽ lúc này là thời gian để mỗi người nói lên lời cảm ơn, chúc tụng và ngợi khen Thiên Chúa, vì hồng ân sự sống Chúa ban trong bầu khí quyển này.
(Bài viết được tác giả gửi đến Ban Biên Tập tại địa chỉ email: [email protected])
[1] Anthony de Mello SJ, Một Phút Minh Triết, dịch giả Đỗ Tân Hưng
[2] Xem Youcat dẫn nhập phần IV