2021
Đức Mẹ dạy tôi về phục vụ thầm lặng
Đức Mẹ dạy tôi về phục vụ thầm lặng
1.
Mấy ngày này, tôi rất mệt, Đức Mẹ ở bên tôi, Mẹ lo cho tôi về mọi nhu cầu trong mọi lãnh vực. Tất cả những gì Mẹ lo cho tôi đều được Mẹ thực hiện trong thầm lặng.
2.
Dần dần tôi hiểu điều Đức Mẹ muốn dạy tôi. Đó là phục vụ trong thầm lặng.
3.
Chính Đức Mẹ đang phục vụ tôi và rất nhiều người trong thầm lặng.
4.
Rất nhiều người gần xa mà tôi được biết cũng đang phục vụ một cách thầm lặng.
5.
Phục vụ thầm lặng thì rất khiêm nhường. Phục vụ mà không tìm được khen. Phục vụ mà lại cảm ơn chính người mình phục vụ.
6.
Phục vụ thầm lặng thì có niềm tin vững mạnh. Họ tin có một Đấng thiêng liêng nhìn thấy việc phục vụ của họ. Cho dù việc phục vụ của họ là rất kín đáo.
7.
Phục vụ thầm lặng thì có niềm vui riêng, rất ngọt ngào. Niềm vui lớn nhất của họ là họ gặp được Chúa.
8.
Phục vụ thầm lặng là mùa Xuân thiêng liêng Chúa đang thực hiện tại Việt Nam chúng ta.
9.
Tuy nhiên, không gì tốt đẹp, đạo đức, mà không bị ác quỷ Satan mưu đồ quậy phá.
Đọc các thư của thánh Gioan tông đồ, tôi thấy ngài cảnh báo nhiều lần về nguy cơ phục vụ bằng yêu thương sẽ gặp nhiều chống phá.
10.
Lúc này, Đức Mẹ cũng đang nhắc cho tôi về những gì thánh Gioan tông đồ đã nói xưa.
11.
Mẹ hay gợi ý cho tôi cầu nguyện theo ý Mẹ. Cầu nguyện theo ý Mẹ là cầu nguyện dựa vào Lời Chúa.
12.
Riêng tôi, Lời Chúa mà tôi hay dựa vào để cầu nguyện lúc này là lời Chúa đã nói xưa với thánh Gioan tông đồ: “Đây là Mẹ của con” và lời Chúa nói với Đức Mẹ về Gioan “Đây là con của Mẹ”.
13.
Chỉ với những Lời Chúa đã nói trên đây, tôi cầu nguyện rất nhiều. Nhờ vậy, tôi thấy phục vụ thầm lặng đang trở thành cuộc sống đức tin cho tôi.
Giám mục GB. Bùi Tuần
2021
Hubert de Boisredon, người chủ công ty Armor chọn đi theo Chúa Thánh Thần
Hubert de Boisredon, người chủ công ty Armor chọn đi theo Chúa Thánh Thần
Đứng đầu tập đoàn công nghiệp Armor của Pháp từ năm 2004, ngay từ rất sớm, ông Hubert de Boisredon đã biết chúng ta phải được thúc đẩy để tiến về phía trước và trên con đường không ngừng này được Thần Khí hướng dẫn và hướng tới lợi ích chung, tất cả mọi người có thể đóng vai chính “cho một thế giới nhân bản và công bằng hơn.”
Gặp ông Hubert de Boisredon, người có đôi mắt trong veo và nụ cười thẳng thắn, ông có tất cả những gì mà một giám đốc kinh doanh an nhiên có trong đời. Đứng đầu Armor từ năm 2004, một tập đoàn công nghiệp của Pháp có 2.000 nhân viên, ông ở trong thành phần của thế hệ lãnh đạo dấn thân, những người luôn tin công ty là nơi phát triển con người, rằng chúng ta có thể tạo ra lợi nhuận trong khi hành động vì lợi ích chung, “với điều kiện là mọi thứ được đặt đúng vị trí của nó”, ông đưa ra như một bằng chứng hiển nhiên. “Vấn đề không phải là lợi nhuận, vấn đề là muốn tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi giá không quan tâm đến con người”.
Nếu, như văn hào Boileau đã nói, “những gì được hình thành tốt tự nó đã thấy rõ ràng”, thì ông Hubert de Boisredon là người thuyết phục. Trong một thời gian dài. Chính xác từ đầu những năm 1980. Năm 18 tuổi, khi vào năm dự bị khoa học, ông đã có “trải nghiệm thiêng liêng cơ bản đầu tiên”. “Đó là điều tôi gọi là cuộc gặp gỡ rất cá nhân của tôi với Chúa. Là câu trả lời cho câu hỏi sâu xa của tôi: ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì?”
Một cách vô thức, ông nghĩ mình phải thành công để được yêu thương, ông chuẩn bị bước vào hành trình “khoanh mọi ô” khi Chúa túm lấy ông, trong đường tơ kẻ tóc, giúp cho ông có được một hành vi tự do sâu đậm đầu tiên. Định hướng lại năm dự bị thương mại, ông vào trường Cao đẳng Thương mại danh tiếng HEC.
Phát cháo bình dân ở quận Bronx, New York
Giai đoạn thứ nhì của ông là New York, nơi ông học môn tài chính quốc tế. Ông nhớ lại: “Đó là New York của năm 1985, Tổng thống Reagan và nhà kinh tế học tự do Milton Friedman là người được mọi người ưa chuộng. New York là thành phố dơ bẩn nghèo nàn, đó là lúc bắt đầu có bệnh sida… lại thêm trên trang nhất quyển sách tài chánh của tôi ghi câu: ‘Mục đích của công ty là lợi nhuận hóa tối đa các cổ phiếu của mình.’” Lòng bị giằng xé, ông quyết định đến quận Bronx để gặp các nữ tu Dòng Mẹ Têrêxa. Ông tóm tắt công việc: “Các nữ tu đề nghị tôi đi phát cháo và gặp các bệnh nhân sida.” Một năm trôi qua giữa hai thái cực: “Tôi ở với bà Roosevelt trong khu phố thượng lưu và tôi học tài chính quốc tế, nhưng vào buổi sáng, tôi luôn đến khu vực nghèo nhất của thị trấn, với các nữ tu.” Từ kinh nghiệm này, ông rút ra một xác quyết: “Tôi muốn tiếp tục việc đi tìm này, việc gặp những người nghèo nhất và áp dụng những gì tôi đã học được trong nghiên cứu quản lý.”
Những người trẻ này, những người đang cố gắng vực dậy đời sống của họ đã giúp tôi hiểu, trong tôi, tôi cũng có những cái nghèo của mình, cũng có những điểm yếu của mình.
Và thế ông lên đường đi Chi-lê trong một chương trình hợp tác… nơi cuối cùng ông ở lại bảy năm, sau khi cùng với một người bạn và cô Marianne, vợ tương lai của ông thành lập một tổ chức tài chính tín dụng vi mô ở các khu phố nghèo của thủ đô Santiago. Ông cười nói: “Đó là giai đoạn buông bỏ, đáp lại cho một thôi thúc trong lòng, một sức thổi phi thường. Đó không phải là khoảng thời gian dễ dàng vì tôi liên tục nhận những tin nhắn kiểu ‘Bạn để sự nghiệp mình treo lơ lửng’, ‘Bạn sẽ bị xem là nhà nhân đạo’… Nhưng có một điều gì đó mạnh mẽ hơn nói với tôi, nếu tôi không đi đến cùng trải nghiệm này, cuộc đời của tôi sẽ không còn ý nghĩa.” Khi đó, tôi được đánh động qua việc gặp gỡ với người trẻ, những người đang cố gắng thoát khỏi nạn nghiện ma túy. “Những người trẻ này, những người đang cố gắng vực dậy đời sống của họ đã giúp tôi hiểu, trong tôi, tôi cũng có những cái nghèo của mình, cũng có những điểm yếu của mình. Và chỉ có một câu trả lời cho điều này: đừng ở một mình, đơn giản nói với người khác mình cần giúp đỡ.”
Một tai nạn xe hơi trầm trọng đến với Marianne và thời gian dài hồi phục của ông sau khi bị viêm gan siêu vi, đã đưa hai người về Pháp vĩnh viễn. Ông tóm tắt: “Tôi nhận ra nhóm Chi-Lê mà tôi thành lập đã hoàn toàn nắm lấy dự án trong tay. Nhóm đã chín muồi để tiếp tục.” Vì thế đã đến lúc ông trao nhiệm vụ. Ông giải thích: “Từ quan điểm thiêng liêng, tôi hiểu những gì Chúa Giêsu đã nói ngày Chúa Thăng Thiên: ‘Thật là tốt khi tôi đi’. Thật khó khăn, vì khi chúng ta thành lập một hiệp hội, một doanh nghiệp, chúng ta đã đặt hết lòng dạ và tâm huyết của mình vào đó. Nhưng tôi cảm nhận việc bám chặt vào đó sẽ ngăn sự sống luân chuyển và ngăn nhóm Chi-Lê kế tục. Chấp nhận ra đi, là để đời sống tiếp tục và theo tôi, là tiếp tục đi theo Chúa Thánh Thần. đó là chấp nhận tách ra để tìm tự do căn bản của tôi là con của Chúa.”
Ông đã lập gia đình và là người cha gia đình, Hubert de Boisredon tiếp tục sự nghiệp của mình, chống lại mọi khó khăn trong tập đoàn hóa chất quốc tế Rhône-Poulenc (nay là Rhodia, sau đó là Solvay). “Tôi không biết gì về hóa học, về công ty lớn, về tiếp thị công nghiệp… nhưng văn phòng Phát triển Nhân lực đã chọn nâng cao con người của tôi, những gì tôi đã làm, đó là dám chấp nhận rủi ro và đi ra khỏi các con đường mòn.” Đại diện cho công ty, ông đã dành ra bảy năm ở châu Á để đàm phán với các công ty Trung Quốc, với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông giải thích: “Thật là thú vị khi tham gia vào đất nước Trung Quốc đang thay đổi này, để hiểu được thách thức của Trung quốc trên con đường mở ra với chủ nghĩa tư bản… và những nguy cơ mà điều này gây ra”. Nếu kinh nghiệm này là rất phong phú, thì ông cũng nhận ra khoảng cách có thể có giữa các xác tín của ông với thực tế. “Tôi đã thấy các công ty Trung Quốc lặng lẽ di tản hóa chất của họ xuống mực nước ngầm, tôi đã thấy nhân viên làm việc không có một thiết bị bảo hộ nào… Đó là chưa nói đến việc phát triển bền vững, nhưng điều này đã rèn cho tôi xác tín rằng, công ty không thể nào không dấn thân để bảo vệ con người, bảo vệ môi trường”.
Các bất đồng giữa xác tín của mình và những gì phải làm, ông có rất nhiều. Ông đảm bảo: “Chính những khác biệt này đã thôi thúc tôi dấn thân!” “Chúng tôi đã có những cuộc tranh luận sôi nổi liên quan đến việc công ty này đã từ chối các sản phẩm ở mực nước ngầm. Khi tôi lên diễn đàn, người ta trả lời với tôi: ‘Nếu chúng ta sửa chữa điều này, giá thành sẽ lên cao và chúng ta sẽ có lợi nhuận kém hơn so với các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc.’” Nhưng phải giữ con đường của mình. Với ông, là tín hữu kitô, nói rộng hơn là người có xác tín phải là người ở tuyến đầu. Ông phải làm việc dù bị các vấn đề này giằng xé. Nhưng tận đáy lòng, “khao khát này, trong ruột gan phải tìm giải pháp”.
Điều tệ nhất là cam chịu những điều không thể chấp nhận được, là đầu hàng
Ông nói trong tiếng thì thầm: “Điều nghiêm trọng với tôi, khi chúng ta ổn định, khi chúng ta chấp nhận những tình huống không thể chấp nhận được như nghèo đói cùng cực ở một số quốc gia, khi chúng ta chấp nhận trái đất đang cháy, khi chúng ta chấp nhận người di cư chết trên thuyền, khi chấp nhận người tàn tật bị gạt ra ngoài lề xã hội.” “Điều tệ nhất là cam chịu với điều không thể chấp nhận được, là đầu hàng.” Ông nói tiếp: “là tín hữu kitô, là người dấn thân, là người không chấp nhận, người đi đến cùng đối diện với tự do của mình, với nguy cơ mất tất cả: công việc, danh tiếng. Và ông Hubert de Boisredon đã trải nghiệm điều đó. Sau bảy năm ở châu Á, ông trở lại Pháp, ông chống lại cấp trên của một phân bộ nơi ông làm việc. Ông nhớ lại: “Ông ấy là người rất xuất sắc nhưng lại quản lý bằng áp lực và sợ hãi. Ông buộc tôi phải dời các nhóm của tôi qua Mỹ, nhưng điều này không có một ý nghĩa chiến lược nào.” Không thể chấp nhận chuyện này và cũng không thể nào thuyết phục được, cuối cùng ông ra đi. Ông nhận thấy: “Khi chúng ta đi đến cùng xác tín của mình và cố gắng nhất quán, có thể chúng ta phải trả một giá. Điều đó thật đau lòng, nhưng thật nghịch lý, khi đó là kết quả của lòng trung tín, thì điều tưởng như thất bại lại là chiến thắng.” “Cái chết của Chúa Kitô trên thập giá có phải là một thất bại không? Không, đó là chiến thắng của tình yêu và tin vui là Ngài đã sống lại.”
Vì thế, thêm một lần nữa, ông Hubert de Boisredon đi theo Chúa Thánh Thần. Ông nhấn mạnh: “Tôi để nguồn sức này hướng dẫn tôi, sự hiện diện bên trong này ở trong tôi và nói với tôi: Ta ở bên con, Ta đi trước con, đời sống của con quan trọng đối với Ta.” Ông mô tả cảm giác luôn được khuyến khích, được tháp tùng, được người nào đó đi trước mở cánh cửa và “gọi ông, mời ông là người cộng tác, người hùn hạp, người đồ đệ của họ để giúp xây dựng một thế giới nhân văn hơn và công bằng hơn”. Một lúc sau ông tự hỏi. “Tôi không biết những điều tôi vừa nói có rõ ràng không?” Không phải lúc nào cũng dễ dàng nói về Chúa Thánh Thần, đặc biệt là một ông chủ!
Để mình được Chúa Thánh Thần ở cùng
Vì từ năm 2004, được Chúa Thánh Thần tháp tùng, ông Hubert de Boisredon nắm quyền quản lý công ty công nghiệp Armor. Chuyên gia về sản phẩm in ấn, ông đẩy công ty phát triển thành công ty hàng đầu thế giới về sản phẩm in các nhãn mã vạch và in các loại bao bì. Ông đảm bảo: “Ở công ty Armor công nghiệp và quốc tế có 2.000 nhân viên, qua cách quản lý của tôi, tôi có cơ hội làm việc để biến đổi công ty này từ bên trong, nhất là điều hành bằng lòng tin tưởng.” “Kinh nghiệm đau đớn của của quản lý bằng áp lực và sợ hãi đã in trong đầu tôi sự quan trọng nền tảng của việc quản lý bằng lòng tin tưởng. Tương tự như vậy, việc chứng kiến những gì sẽ xảy ra khi một công ty không tôn trọng sức khỏe và sự an toàn của nhân viên cũng đã in trong đầu tôi tầm quan trọng của cam kết phải phát triển bền vững.” Cụ thể, ông có chương trình sở hữu cổ phần cho nhân viên – hiện công ty có 500 cổ đông là nhân viên – cũng như tạo việc làm cho người khuyết tật, tiếp nhận những người trẻ trong chương trình vừa học vừa làm (khoảng 60 người), hội nhập vào nền kinh tế luân chuyển…
Đưa tầm nhìn của mình vào công ty Armor, ông giải thích: “Không hề dễ dàng theo nghĩa mà những gì tôi đề xuất là bước đột phá thực sự: dám tin chúng tôi có một sứ mệnh vượt xa những gì tưởng tượng ban đầu. Nhưng điều này lại dễ dàng khi tôi dựa vào những gì đã có, hiện diện trong các nhóm. Tôi nhận ra, các cá nhân đã ghi vào trái tim họ mong muốn tìm thấy ý nghĩa trong công việc và cải thiện xã hội. Tầm nhìn này cùng được mọi người chia sẻ. Đó là vai trò của người lãnh đạo để đánh thức mong muốn này.”
Công thức của ông? Lắng nghe các nguyện vọng”. Ông đảm bảo: “Sự cân bằng cần thiết giữa tìm kiếm lợi nhuận và tìm kiếm lợi ích chung đã có nơi nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ và trung bình, những doanh nghiệp thuộc phạm vi gia đình. Nhưng nó ít được chia sẻ trong các công ty chịu áp lực từ tài chính truyền thống như thị trường chứng khoán hoặc các quỹ đầu tư truyền thống”. Ông nói: “Vai trò của nhà quản lý dấn thân là chứng tỏ, công ty có thể là một công cụ phi thường để biến đổi thế giới nếu định hướng của nó là phục vụ vì lợi ích chung. Ông nói: “Câu trả lời cho những câu hỏi mà chúng ta tự hỏi mình với tư cách là người chủ dấn thân, tôi thường tìm thấy khi tôi trở lại với kinh nghiệm đầu tiên, khi tôi kết nối với tình yêu mà tôi nhận được, lời kêu gọi cho một tự do sâu đậm và lòng tin tưởng nơi Chúa Thánh Thần hướng dẫn tôi.” “Chúa Thánh Thần ở trong lòng tôi và Ngài hành động. Đó là cái nhìn thiêng liêng của Đấng sáng tạo, Đấng tạo dựng. Thiên Chúa không tạo ra thế giới một lần là xong, rồi ở trên cao nhìn xuống. Ngài tiếp tục tạo ra thế giới ở mọi thời điểm và đề nghị chúng ta tham dự vào việc tạo dựng này. Ngài đề nghị mỗi người, tin hay không tin, trở thành người đồng sáng tạo với Ngài trong việc này và như thế làm cho chúng ta thành người tham dự vào sứ mệnh sáng tạo và Cứu rỗi của ngài”.
Chúa Thánh Thần thổi, hãy đi theo Ngài. Hành trình của một người điều hành dấn thân. (L’Esprit souffle, suis-le. Itinéraire d’un dirigeant engagé, Hubert de Boisredon, nxb. Mame, tháng 9 -2021)
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
2021
Tự do, chân chính và bác ái trên TikTok
Tự do, chân chính và bác ái trên TikTok
la-croix.com, Isabelle de Gaulmyn, 2021-09-09
Linh mục Matthieu Jasseron, ngôi sao trên mạng xã hội TikTok bị Hội đồng Giám mục Pháp chỉ trích sau một đoạn video trong đó linh mục tuyên bố việc thực hành đồng tính không phải là một tội. Giám mục Xavier Malle, giáo phận Gap, rất tích cực trên tài khoản Twitter, ngài quyết định “tạm ngưng… dài hạn” và đã thẳng thắn giải thích việc cắt mạng này. Điều này có nghĩa là đối với Giáo hội, không thể tìm thấy một phương thức nào để hiện diện trên mạng xã hội sao? Không. Trong một thời gian dài, qua vô số sáng kiến, mạng xuất hiện trên mọi lãnh vực, mọi đề tài: Mùa Chay, bài giảng, suy niệm thiêng liêng trực tuyến, lời chứng từ, gần như chúng ta tìm được tất cả mọi thứ của Tin Mừng trên Internet. Nhưng các trang mạng gặp khó khăn khi nói đến các vấn đề xã hội, và chắc chắn sẽ dẫn đến ẩu đả trên toàn phương tiện kỹ thuật số.
Các phương thức giao tiếp này đều muốn nói về đức tin. Trên hết, chúng có tác động làm rạn nứt thêm thế giới công giáo… Trên quan điểm này, Giáo hội không phải là ngoại lệ: ở đây cũng như ở những nơi khác, Internet trước hết là một công cụ phân chia ghê gớm. Chúng ta cùng xem trường hợp giám mục giáo phận Gap: giọt nước làm tràn ly trên Twitter, theo ngài là vì… con chó sói. Sau khi nhìn thấy một bà chăn nuôi thú vật trong vùng đau khổ, ngài đăng trên trang Twitter của ngài cần phải điều hòa sự có mặt lan tràn của chó sói. Ngay lập tức dấy lên tranh luận giữa người ủng hộ chó sói và người không ủng hộ chó sói… Cũng giống như linh mục Matthieu trên TikTok. Nếu video của cha gây cãi cọ ồn ào thì không phải cha dùng các danh từ ít được dùng trong giới giáo sĩ, hoặc kèm theo hài hước khuyến khích, nhưng vì cha bàn đến vấn đề đồng tính. Vấn đề thực sự không ở các trang mạng xã hội nhưng ở khả năng tranh luận của tín hữu kitô chúng ta.
Phải chấp nhận cuộc tranh luận
Chúng ta có nên bỏ việc thảo luận không? Về cơ bản, đây là những gì các giám mục đang đề xuất khi giữ khoảng cách về video trên TikTok. Chúng ta nên tránh các chủ đề dễ gây tức giận và nhanh chóng đóng nắp nồi lại. Chúng ta đã biết quá trình này trong vấn đề ngừa thai, mà sử gia Guillaume Cuchet đã mô tả rất hay trong quyển sách “Công giáo có còn tương lai ở Pháp không?” (Le catholicisme a-t-il encore de l’avenir en France?, nxb. Seuil) của ông: bị Đức Phaolô VI lên án, vấn đề đã trở nên “phi-chủ đề”, một cấm đoán không còn ai tranh luận nữa, nhưng đủ lớn để phụ nữ công giáo lẩn tránh… Do đó, chúng ta có nên ngạc nhiên khi thấy người công giáo bị cáo buộc là hai mặt không? Đối với chủ đề đồng tính, sẽ can đảm hơn khi thừa nhận đa số người công giáo, ít nhất là ở một quốc gia như nước Pháp, họ không xa quan điểm của cha Matthieu, cụ thể đồng tính không phải là một tội. Chấp nhận tranh luận, nhận ra những khác biệt, những lo âu nhưng cũng là những tiến triển. Tổ chức cuộc đối đầu thay vì để mỗi người, giám mục, linh mục nói trong góc riêng của mình, trong một đống ý kiến mạnh mẽ chồng chất lên nhau. Để làm được điều này, điều kiện tiên quyết là để đối thoại diễn ra, bằng cách tạo ra các nhóm thảo luận với những ý kiến trái ngược nhau, buộc chúng ta phải suy nghĩ cùng nhau, không chỉ giữa các linh mục mà thôi. Đúng tần sống. Đức Phanxicô, người không ngại tranh luận, vừa phát động cuộc tham vấn với người công giáo trên khắp hành tinh – không gì khác hơn! – để “tưởng tượng ra một tương lai khác cho Giáo hội”. Với câu hỏi: “Sự khác biệt về quan điểm, xung đột và khó khăn được giải quyết như thế nào?” Để có cuộc tranh luận thì phải tổ chức. Giáo hoàng khuyến khích mọi người lên tiếng. Nhưng, ngài nhanh chóng xác nhận, một trong những công thức xưa cổ mà Giáo hội có bí mật, nó phải được thực hiện bằng “parrhesia”. Parrhesia là lời nói “tự do, chân chính và bác ái.” Parrhesia trên TikTok và trên Twitter… Cả một chương trình rộng lớn!
Marta An Nguyễn dịch
2021
Linh mục thời Covid
Chiều nay, tôi vừa tiêm mũi vaccine đầu tiêm. Đêm đến, tôi đã bị sốt, ho, khó thở, đau xương khớp, đau đầu. Lúc này, tôi mới có dịp trải nghiệm phần nào sự đau đớn của những người mắc Covid. Rãnh rỗi khi được nghỉ ngơi, tôi gọi điện thăm bạn.
– Chuông reo hồi dài… Alô mình nghe.
– Bạn khỏe không?
– Mình khỏe.
– Bạn đang ở đâu vậy?
– Mình đang ở bệnh viện Tân Uyên.
– Bạn bị ốm hay đi chăm người bệnh?
– Mình không ốm. Mình ở trong bệnh viện 3 tuần rồi. Mình tham gia nhóm Thiện Nguyện.
– Sao đi nhiều vậy. Mọi người đi 2 tuần rồi được về mà. Sao bạn 3 tuần rồi chưa được về?
– Mình đi thay các anh em khác, vì đầu năm học họ nhập học nên mình đăng ký dài hạn luôn.
– Dài hạn là bao lâu?
– Một tháng nữa, mình mới về.
– Bạn làm được việc gì ở đó.
– Mình đến chỗ các bệnh nhân ghi lại tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Bệnh nhân nào là người Công Giáo muốn xưng tội, mình giải tội cho họ. Mình động viên các bệnh nhân giúp cho họ ăn uống và dọn dẹp.
– Bạn biết đút cho họ ăn à?
– Có chứ, quen việc hết mà.
– Ở đó có đông anh chị em tu sỹ không?
– Có hơn 100 người.
– Bạn được tiêm váccin chưa?
– Mình được tiêm một mũi, sau 2 tuần thì vào đây.
– Bạn ở đó lâu vậy, muốn tử đạo luôn à.
– Có Chúa mà. Hiiiii… Bạn cầu nguyện cho mình với nhé.
– Đồng ý, nhưng tôi sợ không được gặp lại bạn.
– Thôi nhé mình đi ăn sáng đây.
– Mình không nghe nhầm chứ, giờ 9h30 mà bạn mới ăn sáng sao?
– À, giờ công việc tạm ổn nên mình mới có giờ ăn sáng và nghe điện của bạn đấy.
– Tạm biệt bạn. Chúc bạn một ngày bình an.
Vâng, bạn tôi là một người thế đó, một linh mục trước đây học ngành du lịch nhưng trong thời khắc Covid, bạn ấy trở thành y tá điều dưỡng nghiệp dư. Tôi ngưỡng mộ bạn vì tinh thần phục vụ. Giờ đây bạn có thời gian thi hành tác vụ ngày phong chức Phó tế và Linh mục như lời Đức Giám mục căn dặn: “tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy”. Tôi cầu xin Chúa chở che bạn như câu châm ngôn mà bạn ghi khắc trong ngày truyền chức: “Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con” (TV 139, 5).
Hình minh họa: Phong chức linh mục Giáo phận Phú Cường, ngày 8 tháng 1 năm 2019.
Tôi cũng cầu xin Chúa cho cơn dịch bệnh sớm chấm dứt, để qua cơn đại họa Covid này, trái tim mọi người được xích lại gần nhau và thế giới hưởng niềm thái bình hạnh phúc. Xin Chúa ban ơn lành cho đội ngũ y bác sỹ, nhóm Thiện Nguyện trong tuyến đầu chống dịch và các ân nhân thân nhân của họ. Nguyện xin Chúa xót thương xoa dịu nỗi đau của những người đã mất người thân và nâng đỡ những người đang mắc bệnh. Xin Chúa ban ơn cho mọi người đang trong khu cách ly, cho người dân bị giãn cách, phong tỏa có lương thực, thuốc men… Lạy Chúa, chúng con tín thác vào Ngài!
Nữ tu Maria Vũ Thị Hải, Dòng Mến Thánh giá Hưng Hóa