2021
“Thời gian của thụ tạo”: canh tân lòng tri ân, cảm mến
“Thời gian của thụ tạo”: canh tân lòng tri ân, cảm mến
Giáo Hội ước mong mọi người đáp lại tiếng kêu của Trái đất và của con người với lòng thương xót, ngang qua những dấn thân cho công ích. Việc chăm sóc ngôi nhà chung không bắt đầu bằng lối hô hào phong trào hay ý thức hệ, nhưng từ thái độ cá nhân và gia đình.
Thời gian của Thụ tạo
Một lần, khi đang đi dạo cùng bạn mình trong một làng quê nước Pháp, tôi thấy bạn ấy quay ngược lại phía sau tầm chục mét nhặt chiếc khẩu trang và một lon Coca ai đó uống xong vứt vương vãi dọc bờ kênh, rồi tìm thùng rác trên đường để bỏ vào. Nhặt rác thì không phải điều gì quá lạ lẫm, nhưng tôi khá bất ngờ vì khi ấy dịch covid đang bùng phát, ai cũng ngại đụng chạm tới những đồ vật ngoài đường. Tôi buột miệng nói:
– Cậu không sợ nhiễm covid à? Nghe nói coronavirus tồn tại ngoài không khí hay trên các bề mặt ít là mấy tiếng.
Anh bạn tôi từ tốn trả lời:
– Biết là cũng hơi hơi nguy hiểm đấy, nhưng dù gì tụi mình cũng đã được chích vắc xin rồi, mình không lượm thì ai lượm đây? Mấy cái này đâu có tự phân hủy. Nếu ai cũng ngần ngại, thì một ngày đường phố sẽ đầy rác!
Tôi vặn hỏi:
– Đồng ý đó là việc tốt, nhưng ý thức và trách nhiệm phải quy về người cố ý xả rác chứ? Hơn nữa… cũng đã có nhân viên vệ sinh đường phố, họ có đồ bảo hộ cần thiết để tránh nhiễm virus.
Bạn tôi trả lời:
– Được ăn học bao nhiêu năm trên đất Pháp, mình tự hứa mỗi ngày sẽ nhặt một cọng rác khi thấy được. Thói quen nhỏ này là cách mình trả ơn cho nước Pháp đã bao năm cưu mang mình. Dĩ nhiên, lát cậu cho mình mượn chai gel sát khuẩn nhé.
Lòng tôi bồi hồi, vì không chỉ cảm nhận nơi bạn mình sự tử tế, nhưng hơn hết là lòng biết ơn dành cho mảnh đất đã cưu mang cậu ấy. Câu chuyện nhỏ này không phải là trường hợp hiếm hoi. Tại Việt Nam, nhằm góp phần giúp môi trường xanh, sạch, đẹp, có những dự án mà một số bạn trẻ đang mày mò nghiên cứu và ứng dụng, có thể kể đến: Ống hút làm từ tre và cỏ bàng, tái chế rác thải nhựa, xe đạp lọc nước, rủ nhau lên Đà Lạt nhặt rác ngày nghỉ lễ…. Một bạn trẻ tâm sự: “Tình yêu dành cho cuộc sống được thể hiện qua hành động. Nghỉ lễ, nó không chỉ là những ngày phục vụ bản thân mình nữa, nó còn là sự chia sẻ, mở rộng tấm lòng, mở rộng trái tim”.
Là một Kitô hữu, tôi nghĩ đến cái gọi là “Thời gian của thụ tạo”, năm nay được cử hành từ 01/9 đến 04/10, tức lễ thánh Phanxicô Assisi. Đó là thời gian các cộng đoàn Kitô hữu trên khắp thế giới hợp nhất để canh tân đức tin vào Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, trong lời cầu nguyện chung, qua lời mời gọi hoán cải và bằng sự dấn thân bảo vệ trái đất. “Thời gian của thụ tạo” mời gọi các Kitô hữu nỗ lực tìm kiếm sự phát triển toàn diện, bền vững, chia sẻ với sự công bằng, nhằm gìn giữ và bảo vệ ngôi nhà dành cho tất cả mọi người vốn đang gặp nguy hiểm do lòng tham, khai thác bừa bãi, sử dụng thiếu tôn trọng và sự xuống cấp có hệ thống. Thật vậy, “trong nhiều thế kỷ, con người đã sắp xếp cuộc sống và kinh tế theo lý luận của thị trường hơn là theo giới hạn của Trái đất”.
Thiên Chúa là Cha và Tạo Hóa Nhân Từ đã đặt vào tay chúng ta ngôi nhà chung này, với nhiệm vụ tổ chức và đồng hành cùng với nó trong lịch sử cứu độ. Trên đường về Quê hương Thượng giới, mỗi người luôn được mời gọi sống tương quan hòa hợp và huynh đệ thực sự, trong sự hiệp thông với thiên nhiên và với anh chị em mình. Giáo Hội ước mong mọi người đáp lại tiếng kêu của Trái đất và của con người với lòng thương xót, ngang qua những dấn thân cho công ích. Việc chăm sóc ngôi nhà chung không bắt đầu bằng lối hô hào phong trào hay ý thức hệ, nhưng từ thái độ cá nhân và gia đình. Động lực để chăm sóc thiên nhiên phải dựa trên việc cộng tác công trình sáng tạo và toàn lịch sử cứu độ, tức lời đáp trả trước tình yêu nhưng không và trao hiến của Thiên Chúa.
Trong sách Linh Thao, Thánh Inhaxiô Loyola có viết: “Tình yêu cốt ở việc làm hơn là lời nói”, “Tình yêu cốt ở sự thông truyền giữa hai bên, đó là người yêu thì trao tặng và thông truyền cho người mình yêu những gì mình có… và ngược lại, người được yêu đối với người yêu cũng vậy…”
Bạn thân mến, mời bạn cùng tôi tìm một nơi để cầu nguyện. Đó có thể là một nơi chốn với vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ, hoặc cũng có thể là một nơi cho thấy rõ môi trường đang bị hủy hoại, suy thoái.
Lạy Chúa, xin cho con hiểu và cảm nhận được mọi ơn lành Chúa đã ban cho con ngang qua các thụ tạo, để một khi có được lòng biết ơn sâu xa và trọn vẹn như vậy, con có thể yêu mến và phụng sự Chúa ngang qua việc tự nguyện săn sóc thế giới này, một thế giới xinh tươi nhưng đang chịu nhiều tổn thương. Xin giúp con biết con phải làm gì, và đánh động lòng con, để con bớt ngần ngại bày tỏ một tình yêu hiến thân dành cho ngôi nhà chung mà Chúa đã trao phó cho chúng con, từ những hành động cụ thể và gần gũi nhất. Xin cho con dám tin rằng: Chúa là Đấng tốt lành vô cùng, chẳng bao giờ Chúa lại muốn và có thể mang điều xấu đến cho thế giới. Mong sao chúng con biết ngắm nhìn việc Chúa làm, để ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, chúng con vẫn được nhắc nhở: Đã đến lúc thế giới hiện đại nên nhìn nhận lại lối sống tưởng như rất tiên tiến nhưng quá tai hại và không lối thoát : thành thị ô nhiễm, nông thôn hoang vắng, thú vật bị tàn hại không thương tiếc, và con người thì mê đắm trong mua sắm, thích hoang phí trong các cái “siêu to, siêu khổng lồ, siêu quý, siêu hiếm”. Xin cho chúng con dám chấp nhận thay đổi, để an vui khi bớt mua, bớt của, nhưng thêm cầu nguyện và liên đới. Cuối cùng, xin cho chúng con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa là Cha Quan Phòng và Yêu Thương nơi mọi sự lớn-nhỏ, tốt-xấu trong thế giới này, để không ngừng ca ngợi và chúc tụng Chúa: “Laudato si’!”. Amen.
Anh Huy, SJ
2021
Bình thường mới
Mệt mỏi sau những “trận chiến” “chống dịch như chống giặc” để “dập dịch” với rất nhiều thứ “vũ khí”… Thế mà “tên giặc” này nó cứ lí lắc – lì lợm – lạnh lùng – lây lan! Cho nên, người ta bắt đầu phải nói đến cụm từ “sống chung với dịch!”, phải bắt đầu cuộc sống “bình thường mới” và coi đây là mục tiêu cần đạt tới, vì biết chắc khó có thể “quét sạch nó đi” được!
- Bình thường mới có gì“mới”?
Chỉ cần lướt qua các trang báo chính thống, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều những bài viết, những nhận định về tình trạng xã hội “bình thường mới” mà nhiều người đang mong chờ hiện nay.
Lẽ dĩ nhiên “bình thường mới” không phải là “bình thường cũ”. Chúng ta có thể tóm tắt tình trạng này trong một số điểm “mới” sau đây:
– Ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng: Hơn lúc nào hết, sự liên đới trong cộng đồng nhân loại lại cần được mỗi cá nhân quan tâm thực hiện như thời điểm hiện nay.
– Khả năng “tự lực cánh sinh”: Dịch bệnh không chừa một ai, “không có vùng cấm” nào cả. Ai cũng có thể là “F0” và ai cũng phải đối diện với nguy cơ nghèo đói và bệnh tật. Vì thế cần phải biết tự bảo vệ mình, tự chăm sóc cho mình… phải biết vượt qua thái độ ỷ lại, dựa dẫm!
– Tập những kỹ năng cần thiết: tập thói quen tuân thủ 5K, sống lành mạnh, quý trọng môi trường sinh thái và bầu khí quyển, siêng vệ sinh nhà cửa, năng tập thể dục, sắp xếp không gian nhà cửa cho thoáng mát tiện ích…
– Có khả năng thích ứng với thay đổi trong xã hội : thanh toán điện tử, chuyển khoản bằng nhiều hình thức khác nhau (trả thẻ, e-banking, ví điện tử…) thay vì chỉ sử dụng tiền mặt, học hành – trao đổi – làm việc trực tuyến…
– Trở về với mái ấm gia đình: ý thức tình thân và sự liên đới trong gia đình được chú trọng trở lại. Nhiều người có nhiều thời gian sống và chăm sóc nhau trong một mái nhà. Nhiều người cảm nhận và trân quý tương quan yêu thương gắn kết giữa các thành viên trong một gia đình.
Thực ra những điều vừa được nói tới trên đây chẳng hề “mới”, nhưng vì chúng đã bị “quên” do sự tự cao tự đại của con người, nên thiếu khả năng sử dụng “những cái cũ, mới trong kho mình” (Mt 13,52).
- Bình thường mới có“bình thường”?
Chúng ta có thể nhận định ngay rằng : “bình thường mới” chẳng “bình thường” tí nào. Bởi vì :
– Dù cho không có con số thống kê đầy đủ, nhưng có thể khẳng định rằng có rất nhiều người lao động phải thất nghiệp và lâm vào cảnh đói nghèo! Bằng chứng là chỉ trong vòng 2 tháng, Giáo xứ Rạch Súc đã phân phối 41.063 phần cơm trưa, trên 11 tấn gạo, 600 thùng mì, 500 túi nhu yếu phẩm… cho người nghèo trong địa bàn thành phố Cần Thơ. Mà chúng ta biết : ngoài Giáo xứ Rạch Súc, còn có nhiều mạnh thường quân, nhiều cơ sở tôn giáo, nhiều hội đoàn cũng làm những điều tương tự.
– Hệ thống y tế quá tải vì phải dồn tổng lực điều trị những bệnh nhân covid, khiến cho nhiều người mang những bệnh lý khác như tim mạch, ung thư, gan thận… không được chữa trị kịp thời, đầy đủ và hiệu quả. Tâm lý chung của người dân là sợ đến bệnh viện trong thời điểm hiện tại vì sợ lây nhiễm, nên có những trường hợp đã tử vong vì không được cấp cứu kịp thời.
– Tình trạng “stress” gia tăng do thiếu cơm ăn, mất việc làm, ngột ngạt tù túng vì không được ra ngoài, không được làm việc, không có những sinh hoạt giải trí… Trong khi đó, trên truyền thông đa phần là những tin xấu, tin buồn, tin giả, tin tiêu cực… mà rất thiếu những tin tốt, tin vui, tin thật, tin truyền năng lượng tích cực.
Như vậy, xã hội loài người đang đầy những “bất thường” chứ chẳng “bình thường” tí nào, và nếu không khéo, chúng ta sẽ rơi vào vòng xoáy của “bất ổn – bất minh – bất hoà – bất an”! Và nó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống xã hội mà còn ảnh hưởng đến đời sống tôn giáo nữa.
- Sống Đạo trong tình trạng “bình thường mới”
Đã rõ là đời sống đạo của người Công giáo cũng như nhưng tín đồ của các tôn giáo khác đang rơi vào trạng thái chẳng bình thường chút nào. Đã có rất nhiều những suy tư, những cảm nghiệm, những kinh nghiệm… qua việc đọc dấu chỉ của thời đại dưới ánh sáng Lời Chúa.
Ở đây, người viết chỉ xin mạo muội đưa ra một vài thao thức và gợi ý mang tính cách cá nhân, với mong ước mọi thành phần Kitô hữu không chỉ ngồi đó “thở vắn than dài”, “được chăng hay chớ”, cũng không chỉ nói suông… mà phải cùng nhau bàn và cùng nhau làm trong bổn phận và khả năng Chúa trao, để không bỏ lỡ phút sống nào mà Chúa đang thương tặng ban.
– Với cá nhân : ý thức cuộc đời mỏng manh và hư ảo để thành tâm sám hối quay về; vượt qua lối sống ảo để liên đới sẻ chia với tha nhân bên cạnh mình; loại trừ lòng tham lam ích kỷ để quan tâm giúp đỡ những anh chị em thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần; giải phóng khỏi sự nô lệ vào tiến bộ khoa học kỹ thuật để biết khiêm nhu tín thác vào Lòng Thương Xót của Chúa; thoát khỏi những thú vui phù phiếm để dành nhiều thời gian cho cầu nguyện, suy niệm, tĩnh tâm.
– Với gia đình : biết buông điện thoại xuống để cùng nhau đọc kinh hôm kinh mai trong gia đình; chia sẻ cho nhau những công việc cụ thể trong một mái nhà; dành nhiều thời gian để cùng ăn, cùng trò chuyện, cùng học hỏi Lời Chúa; gợi ý khích lệ nhau hướng ánh mắt để thấy những mảnh đời khốn khó và mở đôi tai để nghe được những âm thanh yếu ớt của anh chị em nghèo đói quanh mình; nhất là cùng nhau hun đúc lòng khao khát đón rước Thánh Thể qua những Thánh lễ trực tuyến cách nghiêm trang sốt sắng.
– Với giáo xứ : vượt qua những trở ngại ngăn cản không chỉ bên ngoài xã hội mà ngay trong tâm hồn để “sống Thánh lễ” trong đời thường, nghĩa là chấp nhận hy sinh và hiến tế chính mình vì tha nhân; vượt qua những định kiến và óc hẹp hòi cổ hủ để tin tưởng giao việc, để khích lệ và bổ trợ những sáng kiến trong việc thực thi bác ái đối với anh chị em đồng loại; vượt qua ranh giới “đạo – đời”, “lương – giáo”… để có thể đồng hành, hợp tác trong hành trình trao gởi yêu thương cho những anh chị em đau khổ xung quanh mình; vượt qua lối mòn chờ đợi và “lục bình trôi” để học hỏi và ứng dụng công nghệ trong việc loan báo Tin Mừng và tương tác với giáo dân.
– Một cách đặc biệt, với các mục tử đang chăm sóc đoàn chiên nơi các Giáo xứ : Chúng ta có cơ sở để tin rằng Quý Cha luôn thao thức, luôn trăn trở và có nhiều sáng kiến thật thiết thực và hiệu quả. Để thời gian rất khác biệt này, không chỉ là cơ hội để anh em chúng ta “lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31), mà còn là sẵn sàng đáp lại sự đòi buộc khẩn thiết của Chúa Giêsu : “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,13). Vâng, lời khuyên “nghỉ ngơi” thì chỉ “đôi chút” thôi. Còn mệnh lệnh “cho họ ăn” lại thật dứt khoát : “chính anh em”!!!
Chúng ta có thể nhìn và nghe thấy những sáng kiến tuyệt vời: những chuyến xe nhu yếu phẩm đong đầy yêu thương của Đức Cha và Quý Cha; những lần “dốc hết tình” cho anh chị em nghèo; những liên đới hỗ trợ tìm đến mọi ngõ ngách để tiếp cận được những anh chị em đang thiếu thốn nhất; những sáng kiến mục vụ chỉ có trong thời đại dịch : thăm viếng online, tư vấn về niềm tin lẫn tâm lý online, dạy giáo lý online, dọn mình chết lành online…
Dẫu cho đã có nhiều sáng kiến, đã có nhiều ứng dụng mang lại nhiều hiệu quả, nhưng ước gì những điển hình ấy được nhân rộng, được lan toả, được kết nối… chắc chắn tính hiệu quả và giá trị sẽ được nhân lên. Ví dụ như chúng ta sẽ có những “Cuộc họp online” để nhận định và đưa ra những thực hành mục vụ trong tình trạng “bình thường mới”; chúng ta liên đới với nhau để có thêm các “Thánh lễ trực tuyến” dành cho các Giới; có các Sinh hoạt online cho các Hội đoàn; có chương trình Giáo lý online cho các độ tuổi, nhất là chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân và gia đình; có các chương trình Lần Chuỗi Lòng Thương Xót online, Chầu Thánh Thể online, Giờ kinh gia đình online…
Để “bình thường mới” không là “bất thường” và “tầm thường” thì cần phải nhanh chóng “thích nghi” và “thích ứng” trong công tác Mục vụ sao cho “thích hợp” với những điều mới mẻ mang tính tích cực lẫn tiêu cực do đại dịch đem lại. Điều này đòi chúng ta phải “một tay nắm lấy tay Chúa và một tay vươn tới con người”! Vâng, chỉ trong tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể có những sáng kiến Mục vụ phù hợp với hoàn cảnh mới, và chỉ trong ân sủng của Người chúng ta mới có đủ sức mạnh và can đảm để ứng dụng trong bối cảnh hiện nay hầu đem lại lợi ích hồn xác cho tha nhân. Và như thế, tình trạng “bình thường mới” sẽ thực sự trở thành cơ hội để chúng ta “làm mới” cái “bình thường” bằng chính những điều “phi thường” nhờ những trái tim biết yêu thương! Lm. Phêrô Vũ Văn Hài
2021
“Các màn hình này nuốt chửng chúng ta”: Đấu tranh của một linh mục trẻ
“Các màn hình này nuốt chửng chúng ta”: Đấu tranh của một linh mục trẻ
Điện thoại thông minh và các màn hình khác ngày càng xâm nhập vào cuộc sống chúng ta, đến mức nó cắt đứt hoàn toàn đời sống nội tâm của chúng ta. Linh mục Jean-Baptiste Bienvenu phẫn nộ chống lại chủ nghĩa toàn trị mới này. Bài phỏng vấn và lời khuyên.
Vào thời điểm mà màn hình đã xâm chiếm tất cả không gian sống của chúng ta, linh mục Jean-Baptiste Bienvenu đưa ra các giải pháp cụ thể để giải thoát khỏi ách thống trị này trong quyển sách Chúng nuốt chửng chúng ta (Ils nous bouffent). Linh mục ở giáo phận Versailles, biên tập viên của trang “Padreblog”, thành viên của cộng đoàn Emmanuel, cha viết quyển sách dành cho những người bất lực khi đối diện với việc bị màn hình chiếm chỗ.
Vì sao cha chọn tựa sách là Chúng nuốt chửng chúng ta?
Linh mục Jean-Baptiste Bienvenu: Đó là tựa đề mang hiệu ứng của một cú đấm. Chỉ năm chữ tóm gọn một cảm nhận tập thể. Khi chúng ta nói màn hình ăn tươi nuốt sống chúng ta, mọi người đều đồng ý. Ít nhiều rõ ràng, chúng ta tất cả đều có cảm giác chán chường và bị xâm chiếm này. Tôi muốn bắt đầu từ ghi nhận này để bắt ngay vào vấn đề cụ thể và hành động hầu biến đổi môi trường sống của chúng ta.
Ở cái gì màn hình đã đưa chúng ta xa thực tế?
Thời gian của màn hình mâu thuẫn với kinh nghiệm con người có về thời gian. Thời gian tính của màn hình là không liên tục. Trên màn hình, các sự kiện diễn ra một cách không đồng bộ và cảm giác phát sinh từ chúng chỉ làm lợi ngắn hạn lòng tự tin của chúng ta có về chính mình: “Họ nghĩ về tôi, tôi quan trọng, tôi được ưa chuộng, tôi rất cần thiết.” Ngược lại, thời gian của con người là liên tục. Đó là thời gian của một lối kể chuyện cần trải nghiệm lâu dài để có thể thăng hoa. Nhưng có một điều gì đó rất mạnh khi bị gián đoạn mọi lúc: chúng ta không còn cảm thấy buồn chán nữa. Vì vậy, chúng ta bằng lòng trong sự gián đoạn. Chúng ta không còn có thể trải nghiệm thời gian trong những gì là con người. Đó là cách mà màn hình làm chúng ta xa với thế giới thực và với thực tế về sự thống nhất giữa chúng ta là nam và nữ.
Có phải màn hình lấy đi tự do của chúng ta không?
Theo nghĩa cơ bản của tự do, màn hình lấy đi khả năng thực hiện sự hiệp nhất nội tâm của chúng ta. Cách đây vài ngày, khi đi thăm một người quen, tôi để điện thoại trong áo măng-tô để khỏi bị quấy rầy. Khi tôi dùng lại, tôi thấy một loạt các thông báo về một vấn đề cần giải quyết. Không có gì khẩn cấp như vậy, nhưng tôi cảm thấy buộc phải trả lời trực tiếp. Chỉ cần nhìn các thông báo là tôi thấy không còn tự do. Với màn hình, ý nghĩa về các ưu tiên hoàn toàn bị xáo trộn, mọi thứ trở nên khẩn cấp. Nếu chúng ta không làm chủ màn hình, chúng ta trở nên những bộ máy mời gọi làm mọi thứ ngay lập tức.
Đâu là tác động của màn hình trên đời sống thiêng liêng của chúng ta?
Khả năng để làm cho sự hợp nhất trong cuộc sống của chúng ta phát triển qua mối quan hệ với không gian và thời gian, được nuôi dưỡng qua việc chiêm niệm Chúa Kitô. Trong Kinh thánh, Chúa Giêsu dùng hai động từ để diễn tả điều này. Động từ đầu tiên là “ở lại”. Chúa Kitô đã chọn ở lại trong sự nhập thể của mình, để dạy chúng ta biết Người là ai trong bản thể Ba Ngôi của Ngài. Ngài ở với Chúa Cha. Nếu chúng ta không còn biết sống trong không gian, thì chúng ta sẽ không hiểu “được gọi để làm con cùng với Chúa Giêsu” là gì. Động từ thứ nhì là “canh thức”. Có nghĩa là, ở giữa thời gian trôi qua, phân định Chúa hiến mình trong đời sống chúng ta. Trung thành với canh thức này là có tự do nội tâm, một tự do bị mất đi với màn hình. Vì thế chúng ta phải lấy lại khả năng nội tâm để có thể nghe những gì Chúa Kitô dạy chúng ta.
Làm thế nào các bài tập cha đề nghị trong quyển sách có thể giúp chúng tôi thoát ra khỏi màn hình?
Qua kinh nghiệm về đời sống thiêng liêng và đọc hương nguyện lectio divina, chúng ta để mình được Chúa biến đổi. Chúa Giêsu là con người trong tình trạng sung mãn. Khi chúng ta suy ngẫm lâu dài, chúng ta học làm người bằng cách kết nối với kế hoạch của Chúa. Từ đó, chúng ta phát triển một nghệ thuật sống, cho phép chúng ta, bất cứ lúc nào và bất cứ hoàn cảnh kỹ thuật nào, chúng ta được hạnh phúc và tự do. Với những bài tập mà tôi đề xuất trong quyển sách, mỗi người có thể có được một nghệ thuật sống, trong đó màn hình là người phục vụ chứ không phải ngược lại, như trường hợp ngày nay.
Chúng ta có thể có một mối quan hệ lành mạnh với màn hình không?
Có, nhưng để có được điều này, chúng ta phải thoát ra khỏi các mệnh lệnh cá nhân và tác động gây mặc cảm tội lỗi để đặt các nỗ lực của chúng ta vào đúng chỗ. Vì vấn đề màn hình định hình cấu trúc toàn xã hội, chúng ta phải xây dựng phản hồi của chúng ta ở một mức độ tương xứng. Không phải bằng nỗ lực của chính mình mà chúng ta sẽ tắt được màn hình. Chúng ta phải làm việc cho một văn hóa mới trong những nhóm nhỏ mà chúng ta thuộc về –giáo xứ, gia đình, nhóm đồng nghiệp, nhóm ở chung nhà… Chúng ta phải suy nghĩ lại về môi trường của chúng ta sao cho nó phù hợp hơn với những nhu cầu sâu xa của đời sống con người và với lời kêu gọi nên thánh mà Chúa Kitô nói với chúng ta.
Là linh mục và biên tập viên của trang Padreblog, làm thế nào để cha giới hạn thời gian của cha trên màn hình?
Chúng tôi tất cả bỏ nhiều thì giờ trên màn hình cho công việc. Do đó, mục tiêu của tôi không phải là đạt đến một lý tưởng đã định, nhưng đúng hơn là có khoảng không gian không có màn hình trong ngày của mình. Chẳng hạn đêm nay, tôi dậy sớm và tôi cầu nguyện. Thay vì nhấc điện thoại lên và nối mạng làm việc, tôi để một giờ yên lặng trong đêm để gần với Chúa, và như thế thật là tốt! Tóm lại, tôi cố gắng giữ không gian và thời gian ngoài màn hình. Dĩ nhiên đây vẫn là một cuộc đấu tranh, nhưng khi tôi chọn cấu trúc cho môi trường sống của tôi theo hướng nhân bản hơn, tôi thấy tôi có một cuộc sống cân bằng hơn, sẵn sàng hơn cho người khác và cho Chúa.
Cha có lời khuyên nào cho một gia đình cảm thấy mình bị màn hình khống chế không?
Chúng ta cần cố gắng thoát ra khỏi xung đột giữa các thế hệ. Dĩ nhiên cha mẹ và con cái không có tương quan giống nhau với màn hình, nhưng các quy tắc đặt ra trong một gia đình thì mọi người phải tuân theo. Dành thì giờ để nói chuyện với nhau trong gia đình, lắng nghe con cái nói về quan hệ của mình với màn hình. Sẽ hơi xấu hổ nhưng có thể tốt cho tất cả mọi người.
Cuối cùng, tôi nghĩ nhiều đến các dụng cụ có thể giúp phần nào như mua máy ảnh, đồng hồ báo thức, đồng hồ… Lý do chính để dán mắt vào màn hình là “thật thuận tiện khi có mọi sự trong một máy”. Thực dụng, nhưng nó che giấu những gì chúng ta đánh mất trong con người mình. Để thoát ra khỏi chủ nghĩa toàn trị của màn hình – có mọi thứ ở một nơi là độc tài – chúng ta chọn một hình thức khiêm tốn nào đó trong các phương tiện, chống lại sự mê hoặc của kỹ thuật thống nhất mọi thứ. Giáo hội cũng đặt mình vào việc phục vụ sự hiệp nhất của nhân loại, nhưng Giáo hội làm như vậy với những phương tiện vẫn còn nghèo nàn. Bánh thánh là một ví dụ hoàn hảo về điều này: đó là bánh không có vị, nhưng đó là món quà quý giá nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Khiêm tốn về phương tiện là điều kiện cho tự do của chúng ta!
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
2021
Thương quá, bà ơi!
Thương quá, bà ơi!
Hôm nay tôi xem lại những hình ảnh đã chụp lại ở bệnh viện lúc còn làm tình nguyện viên, một chút ký ức về bà V hiện lên trong đầu. Tôi xin viết vài dòng về bà, thương quá một gia đình.
Hôm đó, tôi vào phòng bệnh như mọi ngày. Tôi đi vòng hết phòng bệnh và cầu nguyện cho từng bệnh nhân, có một bệnh nhân mới là bà cụ V, 85 tuổi. Nhìn khuôn mặt bà phúc hậu quá, trên tay có đeo chuỗi nên tôi tưởng cụ là bà sơ. Bà đeo ống thở ở mũi nên tôi không dám hỏi chuyện vì sợ khi bà nói sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi nói với 2 sơ làm chung là có lẽ bà là nữ tu, chị điều dưỡng hỏi bà có phải sơ đi tu không thì bà trả lời không phải. Nhìn hồ sơ, tôi thấy địa chỉ đường TVĐ cũng không xa nhà tôi lắm. Khuôn mặt đó, ánh mắt đó làm tôi không thể không nhìn tới, nhìn thương quá bà ơi và tôi đứng cầu nguyện cho bà một hồi lâu. Tôi lấy số điện thoại trên hồ sơ, gọi về gia đình bà. Lúc đó, trong đầu tôi cứ nghĩ cụ là bà sơ bởi gương mặt đó. Khi tôi gọi thì cô con gái út của bà bắt máy. Tôi giới thiệu là thầy dòng đang tình nguyện trong bệnh viện và gặp bà, thấy số điện thoại nên gọi về gia đình để báo tin. Lúc bấy giờ, con gái bà bật khóc vì mừng, cô ấy nói cả nhà bị nhiễm hết, đành đưa bà đi cách ly… Cô kể về bà rất nhiều: Bà hiền lắm, thương con cháu, sốt sắng đến với Chúa… Tối hôm đó khi trở về chỗ nghỉ ngơi thì ánh mắt đó, khuôn mặt gầy guộc đau đớn như gương mặt của Chúa Kitô trong cuộc khổ nạn đã làm tôi không ngủ được. Thương bà quá, khi tôi viết bài này thì bà đã mất cũng hơn 1 tháng nhưng nhớ tới thì mắt tôi vẫn cay.
Sáng hôm sau, cô cháu ngoại Ph. của bà nhờ tôi có gặp cụ thì báo tin là “cháu ngoại mới sinh em bé, ngay ngày lễ thánh Đaminh nên chọn thánh Đaminh làm bổn mạng”, chị còn nhờ tôi tìm giúp bà đôi vớ để mang vào chân cho ấm vì bà sợ lạnh. Hôm đó, tôi trực ca đêm nên không tới bệnh viện sớm được, thế là tôi có xin một sơ đôi vớ và nhờ sơ mang vô cho bà.
Đến ca trực của tôi là 3 giờ sáng, tôi vào phòng bệnh, vẫn như mọi ngày đi hết một vòng đến từng bệnh nhân và tôi có đến chỗ của bà, thấy bà yếu hơn hôm trước. Tôi lau mặt, đút cho bà hộp sữa, bà uống được nửa hộp rồi thôi, và tôi đọc kinh cầu nguyện cho bà. Tôi còn nói lời nhắn nhủ từ con gái và cháu gái thì ánh mắt bà tươi lên. Các sơ đùa, cụ V là bà ngoại của tôi, vì tôi cứ hay đến chỗ bà. Hôm đó, tôi chụp hình bà để cho người nhà của bà xem. Gia đình bà mừng lắm khi nhìn thấy hình ảnh của bà. Nhưng đó là những hình ảnh đẹp nhất mà họ nhìn thấy lần cuối …
Ngồi trên xe trên đường về chỗ nghỉ thì con trai bà gọi điện cho tôi, chú vừa khóc và nói: “Nhờ thầy chăm sóc mẹ con, con đi làm ăn xa, giờ bị kẹt ở lại công ty không về được, có tin gì xin báo…”. lúc này tôi cũng muốn khóc theo luôn. Rồi tôi nhận được tin là một người con trai khác của bà cũng nằm trong bệnh viện này, tôi nhờ anh chị điều dưỡng tra máy tính, biết được phòng bệnh để đi thăm hỏi bệnh tình.
Đến ca trực trưa hôm sau, tôi vào phòng bệnh thì thấy bà đâu mất tiêu, một cảm giác buồn vì tự hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi hỏi mấy anh chị điều dưỡng thì họ chỉ sang bên giường… Bà đi nhanh quá, lúc 10 giờ 21 phút. Hộp sữa hôm qua là lần đầu cũng như lần cuối tôi đút cho bà uống, hình ảnh của bà hôm qua mới gởi về gia đình khi bà uống sữa rất dễ thương. Thương quá…
Tôi và các sơ trực cùng ca đã không quên cầu nguyện cho linh hồn Têrêsa, xin Chúa đón nhận linh hồn bà vào hưởng tôn nhan Chúa. Tôi chần chừ không dám báo tin cho gia đình bà, một chút suy nghĩ để lựa lời, tránh gây sốc cho gia đình. Tôi báo xong thì mọi người im lặng. Tôi biết họ đau lắm vì chính tôi đây chỉ mới gặp bà có một thời gian rất ngắn mà cũng rất buồn… Lúc sắp hết ca trực, tôi đi lên khoa trên gặp người con trai của bà để thăm hỏi tình hình sức khỏe. Tôi nói là bà V ở dưới còn khỏe, chú ấy mừng lắm. Chú cám ơn tôi nhiều. Tôi không dám nói thật. Rồi hôm sau, tôi quay lại phòng bệnh này thăm chú thì tìm mãi không thấy, tôi nghĩ thầm: Hôm qua chú khỏe mà, lẽ nào… Tôi hỏi thì được biết là chú đã chuyển xuống khoa dưới. Tôi đi xuống thăm thì chú yếu đi nhiều. Con virút này nó phá sức khỏe người ta ghê gớm quá, mới thấy còn tỉnh táo mà nay đã vậy. Nhiều ngày tôi đến thăm, và đến ngày cuối trước khi tôi về lại cộng đoàn thì chú cũng đã ra đi. Trong nơi này luôn là vậy, chỉ thấy đó vài hôm là không còn nữa và bà là người ra đi nhanh nhất mà tôi từng thấy. Thấy thương gia đình bà quá, chỉ trong thời gian ngắn đã mất đi nhiều người, ngoài bà với chú thì còn một người nữa đã qua đời trước bà vài ngày.
Giờ này, chắc bà đã được nghỉ ngơi bên Chúa, bà đã thoát khỏi cơn đau đớn do bệnh tật gây ra. Bà phù hộ cho con cháu qua khỏi cơn nguy khốn này bà nhé. Bà cầu xin lòng thương xót của Chúa chữa lành cho họ và nhân loại.
Lạy Chúa, mỗi ngày có biết bao gia đình phải ly tán, biết bao nhiêu người mất đi người thân, biết bao nhiêu người đã không còn tồn tại trên cõi đời này. Xin Chúa nâng đỡ ủi an nhân loại chúng con. Xin giảm bớt khổ đau… Xin Chúa ra tay ngăn chặn cơn dịch bệnh. Amen!
Tu sĩ Antôn Chung Chí Tâm, dòng La San