2021
Dấu chỉ và công dụng của nhà thờ Công giáo
Dấu chỉ và công dụng của nhà thờ Công giáo
Khi các Kitô hữu Công Giáo quyết định tụ họp lại với nhau thành cộng đoàn phụng vụ, lúc đó họ phải tìm một nơi thích hợp cho việc cử hành các nghi lễ. Đầu tiên người ta hội họp nhau trong những nhà tư, nhưng dần dà họ đã bắt đầu xây những ngôi nhà chung, và đặt tên cho những nơi đó là ‘Nhà Thờ’. Vậy, ngày nay nhà thờ Công Giáo mang những dấu chỉ, hình ảnh và công dụng ra sao? Xin được trình bày vài nét như sau.
➥ Nhà thờ Công giáo dù đẹp hay không, dù cổ kính hay tân thời, thì tự bản chất, mục đích của nó không phải là để tham quan, du hí… không phải là một địa điểm tham quan, một bảo tàng viện, mà là nơi linh thiêng, nơi thờ phượng Đấng Tối Cao! (Ảnh: nhà thờ giáo xứ Đồng La,)
- Dấu chỉ của nhà thờ
Trong thời Cựu ước, Thiên Chúa đã muốn dùng những dấu chỉ hữu hình để biểu thị sự hiện diện của Ngài giữa dân Israel. Sau khi tỏ mình ra tại núi Sinai (Xh 19), Ngài cư ngụ giữa dân của Ngài nơi ‘Hòm Bia’ và trong ‘Lều hội ngộ’ (Xh 25,8 và 22). Khi Israel trở thành một vương quốc, Thiên Chúa chấp nhận để họ xây cho Ngài một đền thờ tại Sion (1V 6-7). Ngài chứng tỏ sự hiện diện đặc biệt của Ngài ở đó bằng cách tỏ cho người ta thấy vinh quang của Ngài (1V 8,11). Nhưng trong thời lưu đày đền thờ đã bị phá hủy, Ezechiel đã tiên báo một đền thờ mới. Lời tiên báo của ông làm cho người ta nghĩ tới một đền thờ khác, vượt quá đền thờ thứ hai mà Zorababel sẽ xây tại Giêrusalem (Ez 43,7).
Quả thực, Chúa Giêsu, sự hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người (Ga 1,14), đã rõ ràng tuyên bố cho thiếu phụ Samaritana rằng, trong tương lai, người ta sẽ không còn thờ Thiên Chúa tại núi Garizim hay tại Giêrusalem nữa, nhưng sẽ thờ Ngài trong tinh thần và chân lý (Ga 4,22-23). Ngài báo trước cho dân Do thái là Ngài sẽ xây một đền thờ mới trong 3 ngày (Ga 2,19). Đền thờ mới chính là ‘Thân xác phục sinh của Ngài’. Ngài đã phá hủy, trong cái chết của Ngài, mọi ranh giới hạn hẹp sự hiện diện thiêng liêng của Ngài.
Từ đây, qua Chúa Kitô, ‘Thiên Chúa sẽ hiện diện bất cứ nơi đâu có nhiều người họp lại vì danh Ngài’ (Mt 18,20). Ngài hiện diện trong Giáo hội là Thân Thể của Ngài (1Cr 12,27). Ở trong Giêrusalem thiên quốc (messianico), sẽ không còn đền thờ nào khác ngoài chính Thiên Chúa và Con Chiên (Kh 21,22).
Bởi vậy, thánh Phaolô đã thốt lên tại Atena: ‘Thiên Chúa không ở trong những đền thờ do bàn tay người ta làm nên’ (Cv 17,24). Điều đó cũng được các nhà Minh giáo nhắc lại dưới nhiều hình thức. Khác với những đền thờ ngoại giáo, là những nơi thần linh hiện diện, thì Nhà thờ Kitô giáo là nơi hội họp của những người tin vào Chúa Kitô. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ cư ngụ ở những nơi mà những kẻ thờ phượng Ngài trong chân lý tụ họp lại. Chính nhờ họ và nhờ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ mà nơi họ hội họp được gọi là ‘Nơi Thánh’.
- Hình ảnh của nhà thờ
Nhà thờ trước tiên là nhà của Cộng đoàn Kitô giáo địa phương, và sau là nhà của tất cả những người Kitô hữu đang hội họp tại đó. Bởi vậy, theo lẽ tự nhiên, nhà thờ phải trở thành hình ảnh của cộng đoàn mà nó tiếp nhận, như là sự trải dài trong không gian và sự diễn tả theo hình thể của cộng đoàn này. Nó phản ánh cho những người bên trong cũng như những người ở ngoài hình ảnh của Giáo hội tại một nơi và một thời gian nhất định.
Đối với những người ở ngoài Giáo hội, thì trong một môi trường ngoại giáo, nhà thờ chính là nhà của các tín hữu. Ở thời Trung cổ, nhà thờ đã trở thành trung tâm của cộng đồng nhân loại và tôn giáo. Nó là tài sản của xã hội cũng như của Giáo hội, là biểu tượng của nền văn hóa cũng như lý tưởng của cộng đồng, là nơi ưu tuyển của nghệ thuật. Trong xã hội hiện đại, đa dạng và tục hóa, hình ảnh bên ngoài mà nhà thờ đã thừa kế được của quá khứ không còn có cùng một ý nghĩa nữa. Nó không phải là nơi cần được hay xin được xếp hạng lọt vào danh sách di sản văn hóa, hay được chứng nhận trở thành điểm du lịch nhằm mang thu nhập cao hơn cho người dân địa phương. Hình ảnh này cần phải được xác nhận theo bộ mặt mà Giáo hội muốn cống hiến cho thế giới chung quanh mình. Vì thế, thường thường nó cần được thay đổi.
Đối với những người ở trong Giáo hội, nhà thờ luôn luôn hơn kém phản ánh đức tin của những cộng đoàn quy tụ tại đó. Thường người ta đã sử dụng lối kiến trúc và nghệ thuật của một thời đại và hội nhập kiến trúc địa phương của cộng đoàn. Chính vì thế, mà những miền mới nhận được ánh sáng Tin Mừng đã cố gắng tìm ra những kiểu nhà thờ hợp với nền văn hóa và nghệ thuật của một vùng hay của đất nước họ.
- Công dụng của nhà thờ
Khi nói tới nhà thờ, một đàng chúng ta phải để ý tới những công dụng của nó trong việc cử hành phụng vụ, đàng khác phải để ý tới những ý nghĩa của toàn bộ cũng như từng phần của tòa nhà. Bất cứ nơi thờ phượng nào, dù nó có công dụng nhiều hay ít, nó vẫn biểu thị một cái gì đối với những người hội họp tại đó. Đàng khác, chính những nghi thức cũng có chức năng trở thành dấu chỉ của mầu nhiệm chúng cử hành.
Công dụng của nhà thờ được thể hiện dưới ba khía cạnh:
✠ Khía cạnh thực dụng
Trước hết, nhà thờ là nơi chốn để cử hành phụng vụ nói chung và cử hành thánh lễ nói riêng. Mà nơi chốn thì phải tốt và hữu dụng đối với các tín hữu để thực hiện những nghi thức dự liệu, như: hội họp, chiêm ngắm, nghe Lời Chúa, tung hô, ca hát, di chuyển, đứng, ngồi v.v.; còn đối với thừa tác viên, thì phải tốt để chủ tọa các nghi lễ, công bố Lời Chúa, giảng dạy, cầu nguyện v.v. Ngoài ra nhà thờ còn phải tốt để cử hành các bí tích và á bí tích khác.
✠ Khía cạnh xã hội – nhân vị
Nhà thờ là nhà của một cộng đoàn thiêng liêng. Cũng gần giống như ngôi nhà của gia đình không phải chỉ là nơi để ăn, ngủ và lao động…, nhưng nó còn phải được xây dựng thế nào để có thể phát triển được tinh thần gia đình, đồng thời giúp cho việc tăng trưởng nhân vị của mỗi thành viên gia đình; thì nhà thờ cũng không phải chỉ là một nơi cần thiết, thực dụng và thích hợp để cử hành các nghi lễ. Nó còn có trách nhiệm củng cố tinh thần huynh đệ, thân mật và tôn trọng lẫn nhau, tinh thần thán phục và hồi tâm, tinh thần vui tươi và tự do. Mỗi người phải tự cảm thấy ở trong đó bản thân của mình rõ ràng hơn, đồng thời cũng thấy gần gũi với anh chị em mình hơn.
✠ Khía cạnh mầu nhiệm
Hơn hết, nhà thờ là nơi gặp gỡ, trao đổi giữa Thiên Chúa và Giáo hội trần thế. Nó mang một ý nghĩa huyền nhiệm và là biểu tượng của Thiên Chúa hiện diện giữa loài người, là hình ảnh của dân được cứu độ, là sự nhắc nhở của một lịch sử cứu độ, là sự tiên báo của một Giêrusalem thiên quốc. Tắt một lời, nhà thờ là ‘Bí tích của thụ tạo mới trong Chúa Kitô Phục sinh’. Nó là nơi thánh theo nghĩa: Thiên Chúa là Đấng Thánh dùng các bí tích thánh để thánh hóa con người tại đó, để đến lượt họ, họ sẽ thánh hóa thế giới.
Lm. Giuse Trần Thiện Tĩnh
2021
Hội chứng tu xuất
Hội chứng tu xuất
Tu xuất tự nó không phải là một bậc sống, nhưng là một thành phần quan trọng trong nhịp sống Giáo hội.
Có lẽ, cuộc đời chúng ta không ai hiểu hết được chữ “ngờ”, và vì thế, xuất tu cũng hàm chứa những lý do khó nói lên lời. Đôi dòng tản mạn và những cảm nghiệm riêng tư của tác giả về những người tu xuất có lẽ sẽ là tâm tư của bất kỳ ai đó muốn đồng cảm, muốn yêu thương, muốn sẻ chia với những con người đặc biệt này.
Nói về người tu xuất có thật lắm khía cạnh để người ta phải suy nghĩ, bàn luận. Trước hết, có lẽ chúng ta nên khởi đi từ hai tiếng “Ơn gọi”. Ban đầu, nhiều bạn trẻ lắng nghe được tiếng Chúa gọi, họ hăng hái dấn thân vào đời tu với tất cả nhiệt huyết của một con tim căng đầy sức sống. Nhưng rồi, cuộc đời có trăm ngàn lối đi khiến họ không còn giữ được nét trinh trong và nhiệt huyết thuở ban đầu. Giã từ chốn Viện tu, họ nghe theo một tiếng gọi khác và đi tìm cho mình một niềm vui giữa đời thường. Có những người tìm về chốn hồng trần để mong tìm một mái ấm, một niềm hạnh phúc dẫu mong manh nhưng thật đơn thành; có những người can đảm tiếp tục rong ruổi dấn thân trên hành trình dâng hiến đầy cát bụi… Trong số đó, có những người đã nhận ra chân lý sống và họ đã làm trổ sinh hoa trái giữa cuộc đời; nhưng rồi lại cũng không thiếu những người chìm ngập trong cô đơn, thất vọng và bị dòng đời vùi lấp, cuốn trôi.
Tại sao cuộc đời người tu xuất lại rơi vào bất hạnh? Nhiều người cho rằng: vì anh đó, chị đó đã ăn cơm nhà Chúa Trời, nay quay gót về với thế gian thì đương nhiên phải chuốc lấy hậu quả. Nghe thoáng qua thật quá phũ phàng, chẳng lẽ Thiên Chúa lại là kẻ dữ dằn và khát máu trả thù đến vậy ư? Chắc chắn không phải thế. Sở dĩ người tu xuất khi trở về đời thường, cuộc sống của họ không mấy hạnh phúc có lẽ vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi họ còn sống trong Ơn gọi, họ làm mọi việc đều có chương trình, kế hoạch, mọi sự xem ra an nhàn, thư thái, nay trở về thế gian, họ phải bươn trải với cuộc sống cơm áo gạo tiền, đó là một thử thách lớn lao đối với họ. Hơn nữa, suốt thời gian sống trong Dòng tu hay Chủng viện, người tu chỉ lo trau dồi tri thức để chuẩn bị lãnh chức thánh hay khấn dòng, họ đâu biết mùi thế nhân đoạn trường ra sao? Nay trở về đời thường trăm ngàn sóng gió, bể dâu, sức đề kháng của những con người này sẽ vô cùng mong manh, yếu ớt. Vì thế, họ ít tìm được những cơ hội trong cuộc sống, trong khi cuộc đời lại quá khắt khe đối với họ. Thành ra, người xuất tu khó có thể tìm được cho mình một cuộc sống bình an và hạnh phúc.
Ngày nay, người ta nhiều khi có ác cảm và thành kiến nặng nề với người tu ra. Họ cho rằng: việc ông Thầy, bà Sơ giũ áo Dòng ra về lấy vợ, lấy chồng là chuyện chẳng nên. Ngoài việc bị kết án là ham muốn thế gian, xác thịt, lại còn bị gán cho cái tội tày đình là bội ơn nhà Đức Chúa Trời. Bao nhiêu tiền bạc, cơm gạo nuôi ăn giờ đây trở về con số không tròn trĩnh. Họ căm tức người tu ra vì cho rằng: cô, cậu đã bôi gio, chát trấu vào mặt cha mẹ, tiên tổ, ông bà. Thanh danh đang lên như “diều gặp gió” nay chẳng khác chi “lá chuối gặp bão” xác xơ bên đường. Cha mẹ thì khăng khăng dán chặt con mình trên bàn thánh, chôn chân con mình trong chốn Viện tu bằng bất cứ giá nào, nhưng cũng chẳng hay chẳng biết rằng: con mình không có khả năng sống đời Ơn gọi. Họ chỉ biết một điều: việc trở về gia đình sau hành trình tu trì dang dở là chuyện không thể chấp nhận được. Họ cũng đâu biết rằng: việc quyết định ngả sang một Ơn gọi khác không phải là chuyện dễ dàng như người ta vẫn lầm tưởng. Trước khi về đời, người xuất tu đã phải đón nhận sức ép thật khủng khiếp từ phía dư luận, bà con lối xóm. Thật là đáng sợ!
Hơn thế nữa, nhiều người xuất tu mang theo suốt cuộc đời mình mặc cảm tội lỗi vì biết mình đã làm hỏng ơn Chúa. Bao nhiêu chữ “giá mà” thế này, “phải chi” thế thế kia cứ đeo bám và ám ảnh trong trí não. Bao nhiêu nước mắt đã lặng lẽ buông xuống dòng đời; bao nhiêu tiếng thở dài não nề trôi theo giọt nắng, giọt mưa; bao nhiêu thất vọng, bao nhiêu chán ngán cuộc đời, bao nhiêu mỏi mòn, tăm tối giăng ngập lối về… Thật xót xa, thật phũ phàng! Mọi sự giờ đây đã quá muộn cho một lời xin lỗi, chỉ còn lại đây những giọt lệ buồn của cay đắng, xót xa. Nỗi đau khiến họ ăn không ngon, ngủ không yên, và vì thế họ cảm thấy bất hạnh và đau khổ. Mọi cánh cửa hy vọng dường như đã đóng chặt khiến họ không còn lối thoát. Cuộc đời thật quá khắt khe với họ.
Nói về người tu xuất với biết bao cảm xúc và nghĩ suy, nhưng chúng ta không thể nào không thừa nhận vị trí và vai trò của họ trong Giáo hội và ngoài xã hội. Nhiều người tu xuất đã trở thành cánh tay đắc lực của Cha xứ và của xóm đạo. Các hội đạo đức, các công việc bác ái, các hoạt động từ thiện có thăng tiến được cũng là nhờ phần nhiều vào những con người nhiệt thành này. Họ là những người trí thức, được đào luyện bài bản trong Chủng viện, nơi Dòng tu nên cũng đã trang bị cho mình một sự trưởng thành vừa đủ trước khi đối mặt với cuộc đời. Họ làm việc có cái tâm và trở nên những con người đáng tin cậy trong Cộng đoàn. Vì thế, chúng ta cần đặc biệt tôn trọng, cảm phục và cầu nguyện cho họ, để giúp hăng say và nhiệt thành chu toàn bổn phận làm người Kitô hữu của mình.
Đôi dòng suy tư về giới tu xuất không phải là bao che, dung dưỡng, nhưng là tấm lòng trân trọng, cảm thông và tri ân. Thiên Chúa đã dùng họ cách âm thầm để làm việc trong vườn nho của Ngài. Không ít thì nhiều, những việc làm và những hy sinh lớn lao của họ cũng làm cho vườn nho Chúa được trổ sinh hoa trái. Viết về người tu xuất giúp chúng ta có cái bao dung hơn, yêu thương hơn, đồng cảm hơn, vì mọi người dù là ai, dù trong hoàn cảnh nào cũng đều là những con người bất xứng trước mặt Thiên Chúa và ai trong chúng ta cũng cần đến lòng thương xót và ân sủng của Ngài. Đây cũng là một lần giúp chúng ta hâm nóng lại tình yêu với Chúa, hun đúc khát khao dâng hiến của mình. Ước mong sao dù cho bao khó khăn, thử thách, chúng ta cũng hãy luôn trung thành với Chúa đến cùng.
Diệu Tâm, BC
2021
Tu xuất, người là ai?
Tu xuất, người là ai?
Rời bỏ đời tu trở về đời thường, họ đã thành những giáo dân có học thức, có trình độ và thành công trong nhiều ngành nghề. Giáo dân thường gọi họ là người tu xuất. Họ là những bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, nhà văn, nhạc sĩ, doanh nhân…
Tôi gọi những người chuyển hướng đời tu là những kẻ đổi đời. Những kẻ đổi đời được nói tới ở đây là những người trước kia sống trong đời tu, nay về đời thường sống như những người khác.
Một quyết định cam go
Dư luận của phần đông người Công giáo thường khắt khe với những người này. Người ta thường gọi họ bằng những từ có vẻ khinh miệt như tu xuất, nhà thầy xuất, cô mụ xuất, kẻ ăn hại cơm nhà Đức Chúa Trời…
Gọi như thế, vô hình trung người ta đã tỏ ra nghiệt ngã với những người đi tu ra. Người ta đâu có hiểu rõ tại sao những người ấy đã rời bỏ đời tu.
Những người bỏ đời tu có thể vì họ bị loại, do không còn đủ điều kiện để được lưu lại; hoặc thấy mình không đáp ứng được những đòi hỏi và ràng buộc của bậc đời mình chọn, hay bị sự đời mê hoặc, quyến rũ. Dù sao thì việc rời bỏ đời tu cũng là một quyết định và một lựa chọn cam go đối với người trong cuộc, nhất là khi đã đến tuổi trưởng thành.
Có những trường hợp không êm ả gì khi phải rời bỏ đời sống mình đã gắn bó từ nhiều năm qua. Có những lý do thầm kín mà chỉ mình đương sự với cha linh hướng biết. Vì thế, phải khách quan hiểu hoàn cảnh của những người đi tu ra, mà đừng vội phê phán hay trách móc.
Trở thành những giáo dân có học thức
Đúng là ý Chúa nhiệm mầu. Việc gì cũng có hai mặt tốt xấu. Tai họa cũng có ích cho một cái gì đó, như một câu trong tiếng Pháp: “À quelque chose, malheur est bon” (Trong cái rủi có cái may).
Nhiều người trong số họ tích cực giúp các cha xứ trong các họ đạo khi nhận các chức vụ trong ban điều hành, làm giáo lý viên, phụ trách ca đoàn, làm truyền thông, viết bài trong nội san…
Với vốn liếng thần học, Kinh Thánh và các bộ môn liên quan họ đã nhận được trong thời gian ở chủng viện hay tu viện, cộng thêm kiến thức trong các ngành nghề chuyên môn, họ đã trở thành những giáo dân trưởng thành, có học thức, được người bên ngoài kính nể.
Chính họ ở giữa đời, phải đương đầu với đời và dám mạnh dạn đứng ra bênh đạo và phi bác những luận điệu vô căn cứ bêu riếu đạo. Họ làm việc trong xã hội nhưng không quên đóng góp phần mình cho Giáo Hội, bằng một nếp sống chân chính để làm chứng cho Chúa và cho đạo.
Nhiều người trong họ đã không quên những năm tháng được ăn học và tu luyện trong các chủng viện hay tu viện mà tìm cách đền ơn bằng nhiều hình thức. Họ không ngần ngại nhận rằng ngày nay mình được như thế này một phần cũng là do công ơn của Giáo Hội.
Có thể nói họ là một thứ nguồn vốn và tài lực tinh thần cho Giáo Hội khai thác. Giáo Hội có thể khai thác họ và chắc chắn họ sẽ sẵn sàng đóng góp cho Giáo Hội, nếu các vị trong giáo quyền cần đến và kêu gọi họ.
Ngày nay Giáo Hội đề cao vai trò của giáo dân và kêu gọi giáo dân tham gia vào các hoạt động của Giáo Hội. Dám ước mong các vị trong giáo quyền lưu tâm đến vốn quý này là các người đi tu ra, kêu gọi họ đem khả năng của mình để làm việc cho Giáo Hội.
Còn về phía họ, cũng ước mong họ tổ chức thành các hội ái hữu, câu lạc bộ hay hội cựu chủng sinh như Hội Cựu chủng sinh Kon Tum để sinh hoạt với nhau, duy trì ảnh hưởng tốt của đời tu mình đã nhận được và nhân rộng lên để phục vụ Giáo Hội và xã hội.
Lm Anrê Đỗ Xuân Quế, OP
2021
Đi tu có khó không?
Đi tu có khó không?
Nhiều bạn trẻ nhắn tin hỏi: Cha ơi đi tu có khó không? Điều kiện gì để được nhận?
Sau khi được trả lời rằng đi tu trước hết cần có đạo đức và lòng thành muốn sống đời dâng hiến, còn cần phải có những điều kiện cơ bản như trình độ đại học, ngoại ngữ, giáo lý…đa phần các bạn than: khó quá, chắc con không đủ điều kiện!
Thật ra, chẳng ai trong chúng ta, ngay cả những người đang sống trong đời tu cũng không đủ điều kiện. Bởi họ cũng đã có xuất phát từ hai bàn tay trắng, nhưng họ lại không bỏ cuộc trước những tiêu chuẩn xem ra rất khó để có thể đạt được.
Vì thế, nếu hỏi đi tu có khó không xin trả lời rằng:
ĐI TU THẬT SỰ LÀ MỘT HÀNH TRÌNH KHÓ KHĂN HƠN CHÚNG TA NGHĨ về nó rất nhiều. Có nhiều bạn, sau một thời gian dài theo đuổi ơn gọi phải ra về vì không đủ trình độ căn bản. Có những bạn phải từ giã ơn gọi vì sức khỏe không đảm bảo, hoặc vì còn sự gian dối chưa thành thật nào đó…Tuy vậy, cũng có những trường hợp phải về vì quá thần tượng đời tu, xem tu sĩ là những bậc thần thánh. Thế rồi, khi tiếp xúc mới nhận ra họ chỉ là những con người tầm thường…vì thế mà đương sự bị mất phương hướng, dẫn đến chán nản đời tu. Hoặc cũng có những trường hợp đòi hỏi quá nhiều từ nhà Dòng mình theo, đánh giá bề trên thế này thế kia…
ĐI TU CÒN KHÓ HƠN CHÚNG TA TƯỞNG bởi nếu không có ơn Chúa thì đương sự không thể sống cộng đoàn được. Thật ra, tu triều hay Dòng cũng đều hướng chúng ta đến tha nhân, nghĩa là phải có khả năng sống chung, sống với. Tưởng rằng dễ, nhưng rất khó để có thể dung hòa và chấp nhận nhưng khác biệt với người khác. Đó là chưa kể những khi gặp khó khăn hiểu lầm…
ĐI TU CÒN KHÓ HƠN CHÚNG TA TƯỞNG bởi tự bản thân, chúng ta không thể sống ba lời khấn Khiết Tịnh, Độc Thân và Tuân Phục, dù có là tu triều hay Dòng. Dâng hiến bản thân cho Thiên Chúa, hoàn toàn hủy mình ra không để phụng sự Chúa và cứu rỗi các linh hồn là điều tự thân không ai có thể làm được.
Và CÒN TRĂM NGÀN THỨ KHÓ KHĂN KHÁC mà ngay cả những người đã có thâm niên trong đời tu cũng không lường trước được.…bởi đơn giản đi tu là đi chết, là theo Chúa từ Phòng Tiệc Ly đến đồi Gôn-gô-tha. Chẳng có tương lai nào cho những người đi tu cả.
Thế nhưng, ĐI TU THẬT SỰ TRỞ NÊN DỄ DÀNG NẾU CHÚNG TA BIẾT ĐẶT NIỀM TIN VÀO PHỤC SINH CỦA CHÚA. Điều kiện cần thiết để theo Chúa không phải là học hành, không phải là sức khỏe, …nhưng là là chúng ta dám chết đi con người của mình. Nếu không chết đi thì không bao giờ có sự sống lại. Vì thế đi tu sẽ trở nên dễ dàng và không khó chút nào nếu chúng ta dám chết đi cái tôi của mình mỗi ngày.
Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS