2021
Đức Hồng y Dolan: Nhân quyền bắt đầu từ lòng mẹ
Đức Hồng y Dolan: Nhân quyền bắt đầu từ lòng mẹ
Đức Hồng y Timothy Dolan, Tổng giám mục giáo phận New York, Hoa Kỳ, tuyên bố rằng bước đầu tiên để chấm dứt mọi hình thức bạo lực trong xã hội – dù nó liên hệ tới các tội ác, kỳ thị chủng tộc, hay nghèo đói – là chấm dứt bạo lực phá thai.
Đức Hồng y Timothy Dolan. Ảnh: CNS photo/Gregory A. Shemitz
Trong bài đăng trên tuần báo “Công giáo New York”, số ra ngày 20/10/2021 vừa qua, Đức Hồng y Timothy viết: “Tôi thấy rằng bạo lực sẽ không chấm dứt bao lâu chúng ta chưa ngưng sự cho phép cực đoan phá thai và coi đây là điều bất khả xâm phạm, dường như đang thu hút một phần trong xã hội chúng ta”.
“Như Mẹ Têrêsa đã viết: “Chúng ta không nên ngạc nhiên khi chúng ta nghe nói về những vụ giết người, tàn sát, chiến tranh, oán ghét. Nếu một người mẹ có thể giết con của mình, thì chúng ta còn lại điều gì ngoài việc giết nhau?” Trong một xã hội bị chia rẽ về chính trị và văn hóa, một điều dường như liên kết mọi phe, đó là lo âu vì thế giới chúng ta đã đánh mất sự tôn trọng cơ bản đối với sự sống”.
Đức Hồng y Dolan trưng dẫn nhiều thí dụ mạnh mẽ về cách đối xử đáng tiếc đối với sự sống con người, trong đó có số phận của hàng triệu người tị nạn và di dân, những cảnh tượng kinh khủng về sự rút quân gần đây của Mỹ khỏi Afghanistan; sự coi thường một số sinh mạng trong thời đại dịch Covid-19; tội phạm bạo lực, trong đó có vụ giết ông George Floyd (người da đen); sự gia tăng số người tự tử, nhất là nơi những người trẻ; và tệ nạn thường xảy ra ở nhiều nơi, dùng súng bắn giết nhiều người.
Đức Hồng y Tổng giám mục New York viết: “Những ví dụ này chứng tỏ “sự sống con người bây giờ bị coi như vô dụng, không giá trị và tùy nghi người ta sử dụng.” Đức Hồng y lý luận rằng luật cho phép giết và cắt chặt những thai nhi vô tội trong lòng mẹ, nói lên một sứ điệp mạnh mẽ chống sự sống, đe dọa mỗi người. “Chúng ta hãy nghĩ xem: nếu một sự sống mong manh của một hài nhi vô tội ở trong lòng mẹ – mà thiên nhiên bảo vệ như nơi an toàn nhất – có thể bị loại trừ như vậy, thì ai được an toàn?… Nếu những tiện lợi, “những chọn lựa” hoặc “các quyền của tôi” có thể lấn át sự sống của một hài nhi trong lòng mẹ, thì có sự sống con người nào không bị đe dọa?… Khi luật pháp cho phép một sự sống dễ bị tổn thương bị phá hủy, buộc các nhân viên y tế phải thi hành điều đó trái ngược với lương tâm của họ, và yêu cầu dùng tiền thuế của chúng ta để tài trợ việc phá thai ấy, thì sứ điệp nào chúng ta đang phổ biến về phẩm giá con người và sự thánh thiêng của sự sống?”
Đức Hồng y Dolan nói đến nhận xét của Thượng Nghị sĩ Robert Kennedy theo đó, “mức độ sức khỏe và luân lý của xã hội được đo lường theo cách thức chúng ta bảo vệ những người yếu thế và dễ bị tổn thương nhất. Vậy ai mong manh và vô phương thế tự vệ cho bằng hài nhi bé bỏng trong lòng mẹ?” “Hút đứa bé đó ra khỏi lòng mẹ, cắt chặt nó, hoặc đánh thuốc độc cho nó, – như Đức Giáo hoàng Phanxicô mô tả-, giống như một kẻ giết mướn ám sát một nạn nhân”.
Sau cùng, Đức Hồng y Dolan kêu gọi mọi người nam nữ, dù có tín ngưỡng hay không, hãy lên tiếng bênh vực những thai nhi không có khả năng tự vệ, và tố giác cái gọi là “quyền phá thai” là “vô nhân đạo, là bạo lực và trái ngược với các quyền con người”.
(CNA 23-10-2021)
- Trần Đức Anh, O.P. | RVA
2021
Nếu ngày ấy Đức Mẹ nói KHÔNG thì sao?
“Mẹ hoàn toàn tự do để nói không. Nếu Chúa ép buộc Mẹ thì đó không phải là tình yêu. Nhưng Thiên Chúa biết chọn lựa và Ngài đã chọn Đức Maria”.
Henry Ossawa Tanner
Cha Zezinho đã viết suy tư của mình trên mạng xã hội để trả lời cho những người đặt vấn đề với ngài về điều gì sẽ xảy ra nếu Đức Maria nói “KHÔNG” với Chúa.
Đây là những gì vị linh mục đã khẳng định quanh giả thuyết rằng Đức Mẹ có thể dùng tự do của mình để từ chối lời kêu mời của Thiên Chúa là trở thành Mẹ của Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người: “Họ đã hỏi và tôi trả lời. Nếu bất kỳ ai trong chúng ta nói “KHÔNG”, thì Thiên Chúa tối cao sẽ mời gọi một người khác”.
“Người đã đặt giả thuyết về lời thưa “KHÔNG” của Đức Maria đã kết luận rằng Chúa Giêsu vì vậy mà không nhập thể. Tôi đã chỉnh sửa lại tư tưởng của người đó. Đó làm một sai lầm khi nghĩ rằng sự nhập thể phụ thuộc vào Đức Maria. Đấng Cứu Thế sẽ được sinh ra bởi một người nữ khác. Thiên Chúa có quyền làm điều này. Hay bạn nghĩ rằng Chúa không có quyền đó?”
Nếu Maria nói KHÔNG thì sao?
“Tuy nhiên, sự thật là Đức Maria đã thưa VÂNG, kết thúc mọi cuộc thảo luận. Mặc dù vậy, việc nhập thể tùy thuộc vào ý muốn tối cao của Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi. Người Con Hằng Hữu đã thưa VÂNG để thực thi ý muốn của Cha. Và Ngài đã trở thành Con của loài người.
Lời thưa VÂNG của Đức Maria thì vô điều kiện. Mẹ đã tự xưng mình là nữ tỳ của Thiên Chúa. Với Mẹ, Thiên Chúa có thể thực hiện những gì Ngài muốn, và Mẹ đã nói chính xác về điều này. Mẹ không thưa KHÔNG trước mặt Thiên Chúa dẫu cho Mẹ hoàn toàn có tự do để làm điều đó. Mẹ có tự do để nói tiếng KHÔNG! Và nếu Thiên Chúa đã ép buộc Mẹ thì đó không phải là tình yêu, và Thiên Chúa là tình yêu! Nghĩa là Đức Mẹ sẽ không được phép chọn lựa.
Nhưng Chúa biết cách lựa chọn! Và Ngài đã chọn Đức Maria.
Mẹ Maria đã chọn lời thưa VÂNG bởi vì Mẹ hiểu được giáo huấn của các tiên tri thời đại. Vì vậy nên Mẹ đã nói, theo những gì thánh sử Luca đã viết, “Xin cứ thực hiện cho tôi theo lời của ngài” (Lc 1, 38).
- Võ Tá Hoàngchuyển ngữ
2021
Tu sĩ và quê hương
Mỗi người chúng ta đều có một quê hương, nơi sinh ra và lớn lên. Khi trưởng thành, mỗi người chọn cho mình một nơi để sống và làm việc. Chắc chắn rằng quê hương ở trong ký ức mỗi người, nhưng vì cơm áo hay học tập mà chúng ta phải xa nhà, xa gia đình. Sau khi Sài Gòn gỡ bỏ lệnh giãn cách, mọi người ùn ùn kéo nhau về quê. Cũng có những người chỉ về khi có ba mẹ qua đời. Họ hy sinh tuổi thanh xuân của mình trong các Đan Viện kín. Đó là những người đã đáp trả lời mời gọi của Chúa sống đời dâng hiến hay những tu sĩ đang dấn thân truyền giáo ở khắp nơi trên thế giới theo lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng” (Mc 16, 9-18).
Trong cuộc sống xa quê, môi trường khác văn hóa, khi gặp khó khăn các tu sĩ cũng cần sự an ủi, đỡ nâng. Một trong những nguồn an ủi lớn lao của họ là sự gắn kết với quê hương và gia đình. Quê hương là một phần máu thịt của mỗi người. Dù dấn thân phục vụ ở một đất nước xa xôi, các tu sĩ vẫn luôn mang trong mình hơi thở của quê hương. Ai nói mình đã hoàn toàn từ bỏ quê hương thì e rằng họ đang dối lòng. Thời buổi công nghệ 4.0 phát triển giúp con người kết nối với nhau dễ dàng hơn trước. Nếu như các nhà truyền giáo thời xưa muốn gửi thư về gia đình phải mất mấy tháng đường biển thì bây giờ người tu sĩ với chiếc smartphone có thể trò chuyện hàng giờ với người thân trong gia đình hay bạn bè gần xa. Ngay cả các công việc mang tính mục vụ như tư vấn, đồng hành thiêng liêng vẫn có thể được thực hiện dễ dàng qua mạng. Người tu sĩ trở nên gần gũi hơn với người khác khi họ đưa lên mạng những hình ảnh sinh hoạt hàng ngày hay những dòng tâm sự nhỏ to bày tỏ nỗi niềm.
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Nếu như công nghệ là phương tiện giúp người tu sĩ kết nối với người khác thì nó cũng có nguy cơ làm người tu sĩ bớt nhiệt tình dấn thân cho lý tưởng đời tu. Khi tôi hỏi một bà cố có con đang tu ở nước ngoài “Bà cố có nhớ con mình không?”, bà trả lời: “Ối dào, có gì đâu mà nhớ, ngày nào cũng thấy nó chường mặt trên Facebook đó thôi!” Tôi không nghĩ đó không phải là lời nói bâng quơ, bởi vì đằng sau câu nói đó là cả một nỗi niềm về đời tu của con mình. Tâm lý con người vốn rất rõ ràng, mỗi khi quan tâm một điều gì đó quá nhiều thì những điều khác trở nên ít quan trọng hơn. Không có tu sĩ nào tu trên “cõi phây” cả. Dù người tu sĩ chia sẻ tất tần tật những việc họ làm, những điều họ nghĩ về đời tu trên facebook thì mạng xã hội vẫn không thay thế được tu viện hay đời sống cộng đoàn.
Khi xưa các thừa sai “chân bước đi đầu không ngoảnh lại” thì ngày nay nhiều tu sĩ sống ở xa quê vẫn một lòng hướng về “quê hương.” Phải chăng đó là một dấu hiệu cho thấy họ vẫn chưa thực sự từ bỏ mọi sự để bước theo Chúa? Xin thưa, theo Chúa không có nghĩa là cắt đứt liên lạc với gia đình hay xóa bỏ tình liên đới với quê hương đất nước. Người môn đệ của Chúa được mời gọi dấn thân trọn vẹn trong sứ mạng được giao ở vùng đất mới. Người ta gọi đó là việc hội nhập văn hóa hay sống mầu nhiệm nhập thể. Vì lòng yêu mến dành cho các linh hồn, người tu sĩ hăng say phục vụ bất cứ người nào ở bất cứ nơi đâu, không nhất thiết phải là đồng bào dân tộc mình. Thực ra, căn cốt của đời tu ở đâu cũng giống nhau: sống tinh thần cầu nguyện và dấn thân phục vụ tha nhân. Nếu không có được điều căn cốt đó thì những mối tương quan trên mạng xã hội sẽ trở thành cám dỗ khiến tu sĩ xao nhãng đời tu.
Tôi thật sự khâm phục các tu sĩ đã quảng đại đáp lại lời mời gọi lên đường loan báo Tin Mừng ở những nơi người ta chưa biết Chúa hoặc đã biết Chúa nhưng bỏ bê đời sống đức tin. Họ là khí cụ loan báo Tin Mừng của Chúa. Họ phải chịu thiệt thòi không nhỏ về mặt tình cảm khi phải sống xa quê hương gia đình. Về mặt con người, họ không thể tránh được những phút giây yếu lòng, cô đơn, nản chí. Họ thực sự cần đến những lời động viên an ủi từ gia đình, bè bạn. Tuy nhiên, chính họ cũng phải tỉnh táo phân biệt giữa những nguồn an ủi lành mạnh và những cạm bẫy đến từ mạng xã hội. Họ cần đến những người bạn chân thành, ở trong dòng hay ngoài dòng, để trút bầu tâm sự. Họ cũng cần những tu sĩ lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm làm vai trò linh hướng, giúp họ vượt qua khó khăn. Họ nên tìm niềm vui trong công việc phục vụ của mình, dù đó là những hy sinh thầm lặng ít ai biết đến. Quan trọng nhất là họ phải khát khao mong chờ tìm được hạnh phúc trong tương quan thân mật với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện cá nhân.
Sứ mạng phục vụ của Giáo hội không phân biệt màu da, sắc tộc. Đã chọn lựa đời tu là sẵn sàng chấp nhận đi bất cứ nơi đâu và làm bất cứ việc gì để danh Chúa được tôn vinh. Chắc chắn trong lòng mỗi tu sĩ xa quê dù đang học tập hay làm việc thì họ vẫn luôn đậm tình quê hương đất nước. Tuy nhiên, càng yêu mến quê hương thì khí chất của người Việt nơi người tu sĩ càng cần phải thể hiện rõ ràng hơn: giữ lòng đạo sắc son, sống đời tu gương mẫu, bình an và triển nở trong sứ mạng được giao. Sống xa quê chính, Tu sĩ là những con người đang tiếp nối trang sử hào hùng của các thánh tử đạo Việt Nam, trung kiên làm chứng đức tin không chỉ trên quê hương mà còn trên khắp cả thế giới.
2021
Kinh Mân Côi bản tóm tắt Tin Mừng
Kinh Mân Côi bản tóm tắt Tin Mừng
Theo Đức Giáo Hoàng Léon XIII, chuỗi Mân Côi là bản tóm lược hoàn hảo của Tin Mừng, rất gọn gàng, dễ nhớ về những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế, từ lúc nhập thể với những năm tháng ẩn dật tại Nazareth, qua những ngày tháng rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, đến cao điểm là cuộc khổ nạn, rồi phục sinh và vinh thăng. (x. Fanjeaux, Prions avec le Rosaire, Lyon 1956, tr. 25).
Kinh Mân Côi là “cuốn Tin Mừng rút gọn”. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã diễn tả điều này: “Kinh Mân Côi là kinh nguyện đậm chất Kinh Thánh… Chuỗi Mân Côi rõ ràng hướng về Đức Kitô và Ba Ngôi Thiên Chúa”. (x.Tông Huấn Lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, số 46).
Trong phần mở đầu của Tông thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết :“Mặc dù rõ ràng mang đặc tính Thánh Mẫu, Kinh Mân Côi tự bản chất là một kinh nguyện có trọng tâm là Chúa Kitô. Qua những yếu tố bình dị của nó, Kinh Mân Côi chất chứa tất cả những gì sâu xa của toàn thể sứ điệp Phúc Âm. Có thể nói rằng Kinh Mân Côi là một tổng hợp của Phúc Âm”.
Chuỗi Kinh Mân Côi được dệt nên từ kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh, đây là những kinh nguyện rất đẹp, có truyền thống từ xa xưa và có nguồn gốc trong Tin Mừng. Kinh Lạy Cha là lời kinh Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện (Mt 6, 9-13; Lc 11, 2-4). Kinh Kính Mừng là sự nối kết giữa lời chào của Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel trong buổi truyền tin và lời bà Êlisabet mừng Đức Mẹ trong ngày Mẹ thăm viếng gia đình ông Giacaria (Lc 1,39-44; Lc 1,28-30). Câu “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen” là lời cầu khẩn của Hội Thánh. Kinh Sáng Danh là vinh tụng ca, Hội Thánh ca tụng Thiên Chúa Ba Ngôi, là mục tiêu của mọi chiêm ngưỡng Kitô giáo. Bởi vì Đức Kitô là con đường dẫn chúng ta đến Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần.(x.Tông Thư Kinh Mân Côi,số 43).
Khi lần hạt, chúng ta đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng và Kinh Sáng Danh. Đọc 1 kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh, thì gẫm một mầu nhiệm. Chuỗi Mân Côi đan kết 20 biến cố cứu độ của Tin Mừng được chia làm 4 nhóm:
– Năm sự Vui: gồm 5 sự kiện trong cuộc đời thơ ấu của Đức Giêsu.
– Năm sự Sáng: gồm 5 sự kiện trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu.
– Năm sự Thương: gồm 5 sự kiện trong cuộc thương khó của Đức Giêsu.
– Năm sự Mừng: gồm 5 sự kiện vinh quang.
20 mầu nhiệm ấy là những sự kiện cốt yếu trong Tin Mừng. Đó chính là bản tóm tắt cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô và cũng là của Đức Maria. Sau khi đã chiêm ngắm những mầu nhiệm ấy, chúng ta còn cầu xin những ơn cần thiết để làm người và làm con Chúa cho xứng đáng.
20 mầu nhiệm kinh Mân Côi kết thành một chuỗi các biến cố cứu độ quan trọng trong Tin Mừng. Khi đọc kinh Mân Côi, cùng với Đức Maria, chúng ta tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi. Như thế, Kinh Mân Côi là phương thế đưa chúng ta đến trung tâm điểm của phụng tự Kitô Giáo là tôn thờ, ca ngợi, khẩn cầu Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Ngày nay, Lời Chúa được nhấn mạnh rất nhiều và được đề cao đặc biệt trong đời sống tín hữu. Công đồng Vatican II canh tân phụng vụ, mong muốn lòng đạo đức Kitô hữu phải có một căn bản khách quan và vững vàng hơn. Căn bản đó là Kinh Thánh và Phụng Vụ (x. Hiến chế về Phụng vụ thánh, 24). Ngoài Thánh Lễ và Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Chuỗi Mân Côi đáp ứng được những đòi hỏi này.Vì các kinh đọc trong Chuỗi Mân Côi, là những kinh lấy từ Kinh Thánh và Phụng Vụ. Còn các mầu nhiệm cũng có nội dung suy ngắm là cuộc đời Chúa Cứu Thế, rút ra từ các sách Tin Mừng (x. Tông huấn về Lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, số 44).
Chuỗi Mân Côi là bản tóm tắt gọn gàng, dễ nhớ về những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Mân Côi là những bông hồng đẹp được tượng trưng bằng các kinh Kính Mừng để tôn vinh Người. Đức Mẹ đã có mặt trong cuộc đời Chúa Cứu Thế từ những giây phút đầu cho đến những giây phút cuối.
Kinh Mân Côi là lời kinh phổ cập, đó là kinh nguyện của mọi tín hữu. Ai cũng đọc được, từ người trẻ cho đến người già, người thông thái cũng như người ít học, người giàu hay người nghèo, người khỏe mạnh cũng như người đau yếu, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi. Kinh Mân Côi có thể đọc được ở bất cứ đâu hay trong hoàn cảnh nào, ở nhà thờ, ở nhà mình, ở ngoài đường, trong nơi yên lặng hay giữa chốn ồn ào náo động và nhất là đọc chung với nhau trong gia đình hay những khi có đông người công giáo họp nhau lại. Đọc Kinh Mân Côi với ý thức là mình đang làm một công việc có chất Tin Mừng, được Giáo Hội công nhận và nhiệt tình khuyến khích, một công việc thu tóm lại tất cả cuộc đời Chúa Cứu Thế.
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khích lệ: “Bản chất việc đọc kinh Mân côi đòi hỏi nhịp điệu phải chậm rãi và có thời gian thư thả, để người ta có thời gian suy gẫm sâu xa về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu được nhìn qua Trái Tim của Đấng gần gũi nhất với Chúa”. Chuỗi Mân Côi nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Chuỗi Mân Côi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ Maria. Cầm Chuỗi Mân Côi trên tay, chúng ta sẽ thấy mình được tăng thêm nghị lực, sống vươn lên với niềm Tin, Cậy, Mến.Chuỗi Mân Côi mang đến vô vàn ơn phúc huyền diệu cho mỗi người, mỗi gia đình.
Đức Giáo Hoàng Phaolo VI viếng Đức Mẹ Fatima, năm 1967 |
Kinh Mân Côi là kinh hạt phổ quát cho hết mọi người, phổ cập cho mọi trình độ và phổ biến trong bất cứ hoàn cảnh nào.đức mẹ dạy trong sứ điệp Fatima “Hãy siêng năng lần hạt Mân Côi”. Lần hạt mỗi ngày. Lần hạt một mình. Lần hạt chung với nhau trong gia đình. Không buộc phải đọc 50 Kinh Mân Côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ vào thời gian ta có. Ta cũng có thể vừa làm việc vừa đọc Kinh Mân Côi, không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay. Ta cũng có thể thì thầm bất cứ lúc nào: khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh…thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu, ta cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu ta cũng có thể lần hạt. Đó là cách cầu nguyện mà triết gia Jacques Maritain gọi là “chiêm niệm bên vệ đường”. Kinh Mân Côi chính là người bạn chân tình, dễ tính, trung thành luôn sẵn sàng hiện diện mọi lúc, mọi nơi.
Nếu nhân đức là việc tốt lành được tập tành lập đi lập lại thành thói quen phản xạ tự nhiên, thì Kinh Mân Côi chính là một bửu bối không thể thiếu được cho người tu thân luyện đức theo gương Đức Mẹ và theo chân Chúa Giêsu từ Máng cỏ, ấp ủ qua Thập giá trui rèn, tới Nhà Tạm chiêm ngưỡng. Mỗi một mầu nhiệm xướng lên là một nhân đức khơi gợi, để theo lời kinh nhả nhẹ và dưới tác động của ơn thánh, lòng người được bớt bất xứng hơn, tạo điều kiện thuận lợi dần dần cho việc nên thánh.
Những nhà thông thái có sách vở chữ nghĩa, những nhà cai trị có sức mạnh quyền hành, những nhà tu trì có bầu khí ổn định làm phương tiện, còn người tín hữu là những nhà “tu hành” nghĩa là “tu thân bằng việc hành đạo”, thì Kinh Mân Côi chính là hành trang gọn nhẹ đeo cổ tay, giúp thánh hóa bản thân gia đình và xã hội. Theo nghĩa này, Kinh Mân Côi không khác gì điện thoại di động hòa đời ta vào mạng sự sống thiêng liêng.
Suốt tháng 10, mỗi lời Kinh Mân Côi là một đóa hoa hồng diễn tả tình yêu của đoàn con thảo dành cho Mẹ hiền. Qua Kinh Mân Côi, đoàn con thảo hiếu đọc đi đọc lại cả trăm cả ngàn lần kinh Kính Mừng, như trăm ngàn đóa hoa hồng dâng kính Mẹ từ ái.
Chất lượng kinh nguyện của từng gia đình tỷ lệ thuận với đời sống hạnh phúc. Mẹ thánh Têrêxa Calcutta đã từng nhắn nhủ: “Chúng ta hãy thương yêu nhau như Thiên Chúa đã yêu thương mỗi một người chúng ta. Mà tình yêu này được bắt đầu ở đâu? Ở ngay gia đình của chúng ta. Nó được bắt đầu ra sao? Ở việc gia đình cùng nhau cầu nguyện”.
Chuỗi Kinh Mân Côi được xem như là bản tóm lược Tin Mừng, vậy chúng ta sẽ thấy lời nhắc nhở của thánh Phaolô thật quan trọng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16). Ước chi, lời Kinh Mân Côi không chỉ là bí quyết đem lại hạnh phúc cho mỗi gia đình mà còn là một sứ điệp mang Tin Mừng cho nhân loại.
Theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta quyết tâm sống theo lời Mẹ trong dịp hiện ra lần cuối tại Fatima là “Hãy siêng năng lần hạt”. “Ai mến Mẹ thì yêu thích chuỗi Mân Côi. Bởi vì chỉ có người yêu mới lặp lại một chuyện, một lời mà không biết nhàm chán” (Đường Hy vọng số 947).
Đức Giáo Hoàng Phanxiôc viếng Đức Mẹ Fatima, tháng 5.2017 |
Theo lời mời gọi của Đức cha Giuse, Giám mục Giáo phận Phan thiết, trong thư Mục vụ tháng 10/2021 “Với sự giãn cách xã hội trong tháng Mười này, tôi mời gọi anh em chị em hãy cầu nguyện chung trong gia đình bằng chuỗi Mân côi cho việc truyền giáo. Chính Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: ‘Kinh Mân Côi vẫn còn giữ nguyên sức mạnh và vẫn tiếp tục là một nguồn mạch mục vụ có giá trị cho bất cứ một người loan báo Tin Mừng tốt lành nào’ (Tông thư Kinh Mân Côi, số 17), mỗi gia đình hãy sốt sắng lần Chuỗi Mân Côi.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con siêng năng lần hạt Mân Côi trong mỗi ngày sống, nhờ đó chúng con được hiệp thông nối kết với nhau và cầu nguyện cho nhau. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An