2021
Bổn phận của người còn sống
Bổn phận của người còn sống
Hàng năm, giáo hội dành riêng tháng 11 để cầu nguyện cho các đẳng Linh hồn, là những người đã qua đời trong ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng hiện nay vẫn đang phải chịu giam giữ nơi luyện ngục, vì những thiếu xót mà họ làm chưa tốt khi còn sống nơi trần gian.
Bây giờ, người đã qua đời không còn tự mình lập công được nữa nên chỉ trông mong vào lời cầu nguyện của những người còn sống. Vì thế, cầu nguyện cho các linh hồn không chỉ là một việc làm bác ái mà còn là một bổn phận của chúng ta, những người còn đang sống nơi trần thế này, như thánh Gioan Vianey nhắc nhở “Mọi tín hữu phải cầu nguyện thật nhiều cho các linh hồn nơi luyện ngục, để các linh hồn mau về hưởng hạnh phúc trên nước Thiên đàng”.
Ý thức được bổn phận của người còn sống đối những người đã khuất, nên các cha xứ đã mời gọi người giáo dân, ngoài việc trang trí phần mộ cho người thân nơi đất thánh, còn kêu gọi họ tham dự thánh lễ hàng ngày trong tháng 11 để cấu nguyện cho người thân đã qua đời. Cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện hình cũng là dịp để chúng ta nhớ đến thân phận của mình. Mai sau, khi đến lượt chúng ta nhắm mắt lìa đời, chúng ta cũng sẽ vào Luyện Hình để chịu sự thanh luyện của Thiên Chúa. Do vậy mỗi khi cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta được mời gọi sống tốt và sống thánh thiện hơn trong cuộc sống hiện tại của người Kitô hữu, hầu sau này khi chết, chúng ta cũng sẽ được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng với Chúa..
Không chỉ kêu gọi giáo dân cầu nguyện cho các linh hồn, các cha xứ còn khuyến khích và tập cho thế hệ trẻ trong giáo xứ có lòng thảo kính đối với những người đã qua đời, làm những việc hy sinh để cầu nguyện cho các ngài. Khi thánh lễ được tổ chức tại đất thánh, giới trẻ được phân công làm công tác chuẩn bị cho thánh lễ như dọn nghĩa trang, bàn thờ, phụng vụ thánh lễ, âm thanh, ánh sáng… là để nhắc nhở họ có bổn phận hy sinh làm công việc này vì các linh hồn. Sự hy sinh kết hợp với thánh lễ và lời cầu nguyện thì chắc chắn linh hồn những người thân của chúng ta sẽ sớm được hưởng nhan thánh Chúa.
Ngoài ra, Cha xứ còn tập cho các em thiếu nhi có lòng hiếu thảo với những người đã qua đời, như hướng dẫn các em xưng tội, tham dự thánh lễ, rước lễ mỗi ngày và làm việc ân xá để cầu nguyện cho các linh hồn, đồng thời khuyến khích các em trong tháng cầu hồn biết siêng đọc kinh mân côi và viếng đất thánh sau thánh lễ hoặc sau lớp học giáo lý để cầu nguyện cho các linh hồn người đã khuất được cứu thoát khỏi luyện ngục.
Ở gia đình, cha mẹ cũng có bổn phận nhắc nhở con cái phải có lòng thảo kính với Ông bà tổ tiên, ngoài việc đọc kinh, viếng nghĩa trang, dâng thánh lề cầu nguyện cho linh hồn người thân, còn khuyên họ luôn nhớ xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn có thể hàng tuần, hàng tháng hay một năm mấy lần tùy theo khả năng. Khi chúng ta cho ai điều gì đó là lúc chúng ta cũng được nhận lại, vì mọi thứ sẽ không mất đi. Cũng vậy, khi chúng ta cầu nguyện cho các đẳng linh hồn,thì các ngài nơi luyện ngục luôn nhớ tới những người nơi trần thế và hằng cầu bầu trước mặt Chúa cho chúng ta.
Thực vậy, khi cầu nguyện cho các đằng linh hồn không những giúp các ngài mau hưởng hạnh phúc Thiên Đàng mà chúng ta còn được thêm ơn ích nữa. Đó là chúng ta sẽ có tương quan gần gũi với Thiên Chúa, cảm nhận được tình thương của Chúa, để từ đó chúng ta biết sống yêu thương, biết quan tâm nghĩ đến người khác, biết sống quảng đại tha thứ và không ích kỷ. Đặc biệt chúng ta sẽ cảm nhận những gì chúng ta đang làm nơi trần thế này sẽ được Chúa chúc phúc để sinh ich cho người còn sống cũng như người đã qua đời.
Sr. Nguyễn, op
2021
Được phép buồn
Hãy để cho người rao giảng nói, bạn được phép buồn!
Trong quyển sách Khi người pha rượu vặn nhỏ đèn (When the Bartender Dims the Lights), Ron Evans đã viết:
“Tôi tình cờ gặp được câu này trong suy tư của một mục sư: Vào một sáng chúa nhật, nhiều người ngồi trước mặt bạn là những người đầy tổn thương, và bạn phải cho họ được quyền buồn. Trong một thế giới bị ám ảnh bởi hạnh phúc, khi mà sự tuyệt vời là tất cả, hãy để người rao giảng nói: bạn được phép buồn. Trong một thế giới mà tuổi già trở thành những năm tháng vàng son, nơi mọi vấn đề đều có thể được khắc phục và mọi bệnh tật đều được chữa lành, hãy nghe lời người rao giảng: bạn được phép buồn. Trong một thế giới quá bận tâm về tuổi thọ, nơi mà cái chết là từ cấm kỵ, bạn hãy nghe người rao giảng nói: bạn được phép buồn. Và hãy để người rao giảng nói: bạn được phép sống trong ký ức của người đơn độc”.
Ngày nay, cả nền văn hóa lẫn các giáo hội của chúng ta đều không cho chúng ta đủ quyền để buồn. Nhiều lúc, khi một người thân thương qua đời hoặc khi một thảm kịch xảy đến, chúng ta được phép buồn, được phép trầm lắng, rơi lệ, thay vì vui vẻ yêu đời. Nhưng có quá nhiều dịp và hoàn cảnh trong cuộc đời chúng ta mà linh hồn chúng ta hoàn toàn được phép buồn, thế nhưng nền văn hóa, giáo hội và cái tôi của chúng ta lại không để cho chúng ta được phép cảm nhận cảm xúc thật sự của mình – của nỗi buồn. Khi trường hợp đó xảy ra, và thường là như thế, chúng ta có thể phủ nhận cảm xúc của mình và chuyển sang vui vẻ yêu đời, hoặc chúng ta có thể nhường chỗ cho nỗi buồn, nhưng với cái giá phải trả là thấy có gì đó không ổn, chúng ta không nên cảm nhận theo cách này. Cả hai cách đều không tốt.
Nỗi buồn là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống, và tự nó không phải là một điều tiêu cực. Trong nỗi buồn, có tiếng khóc mà chúng ta thường bịt tai không nghe. Trong nỗi buồn, tâm hồn chúng ta có cơ hội để nói và tiếng nói của nó nói với chúng ta rằng, nỗi thất vọng, mất mát, cái chết, sự bất xứng, sai lầm về đạo đức, hoặc một hoàn cảnh cụ thể nào đó của cuộc đời chúng ta là những thứ rất thật, cay đắng và không thể nào thay đổi được. Chúng ta có một cách là chấp nhận, kèm theo cái giá là nỗi buồn. Khi tiếng nói đó không được lắng nghe, thì sự lành mạnh và tỉnh táo của chúng ta bị kìm kẹp.
Ví dụ như, trong quyển sách đầy thách thức, “Tự tử và Linh hồn” (Suicide and the Soul), tác giả James Hillman đã nói, đôi lúc trong chuyện tự tử, tâm hồn đó quá chán nản và tổn thương đến nỗi giết luôn thể xác. Vì nhiều lý do quá phức tạp và khó để nhiều người biết được, tâm hồn đó không thể làm cho người khác lắng nghe mình và không bao giờ được phép cảm nhận cái nó thật sự đang cảm nhận. Và đến mức cực độ, chuyện này có thể giết chết thân xác.
Chúng ta thấy chuyện này trong một hiện tượng ít cực độ hơn, là chứng tình trạng biếng ăn của các cô gái trẻ. Có một áp lực không thể cưỡng lại từ nền văn hóa (thường đi đôi với sự bắt nạt có thật trên mạng xã hội) thúc đẩy chúng ta phải có cơ thể hoàn hảo. Đáng buồn là, đâu dễ để có cơ thể hoàn hảo. Do đó, các cô gái này cần được phép chấp nhận những giới hạn của cơ thể mình và chấp nhận với nỗi buồn đi kèm với chuyện này. Đáng buồn là, chuyện chẳng như thế, hoặc ít nhất là gần như không thể như thế, cho nên thay vì chấp nhận nỗi buồn vì không có cơ thể như mong muốn, các cô gái trẻ này lại bị thúc ép phải cố gắng làm cho bằng được với bất kỳ giá nào. Chúng ta đã thấy những tác hại đáng buồn của nó.
Các nhà tâm lý trị liệu, những người làm việc với khách hàng về giấc mơ, họ nói khi chúng ta gặp ác mộng, thường là vì linh hồn đang giận dữ với chúng ta. Vì ban ngày linh hồn không được chúng ta lắng nghe, nên khi đêm đến, lúc chúng ta không thể nào kìm nén được nữa, linh hồn bắt chúng ta phải lắng nghe nó.
Có nhiều lý do chính đáng để buồn. Một số người trong chúng ta sinh ra đã có “tâm hồn già nua”, những nhà thơ quá nhạy cảm với những tình tiết cảm động trong cuộc sống. Có người có sức khỏe thể chất kém, có người lại có sức khỏe tâm thần kém. Có người chưa hề được yêu thương và tôn trọng đủ, có người đã tan nát tâm hồn vì bị phụ bạc, vì bị không chung tình. Có người bị tan nát cuộc đời vì từng bị lạm dụng, cưỡng hiếp, bạo hành, có người đơn giản là vô vọng, mong muốn trong bất lực với những ước mơ bị vùi dập, cứ mãi hoài niệm trong đau khổ. Hơn nữa, tất cả chúng ta dù ít hay nhiều, đều có người thân yêu đã ra đi, đã từng suy sụp đủ kiểu, đã nếm những giai đoạn u sầu. Có vô số lý do chính đáng để buồn.
Và điều này cần được đề cao trong Phép Thánh Thể và các buổi họp trong nhà thờ. Nhà thờ không phải chỉ là nơi mừng các lễ lạc. Mà còn là nơi an toàn để chúng ta có thể tuôn trào cảm xúc. Phụng vụ cũng phải cho chúng ta quyền được buồn.
Nhà văn D.H. Lawrence từng viết những câu trứ danh:
Cảm xúc tôi không có thì tôi không có.
Cảm xúc tôi không có, tôi sẽ không nói rằng tôi có.
Cảm xúc bạn nói mình có, bạn không có.
Cảm xúc bạn muốn cả hai chúng ta đều có, thì chỉ một trong hai có mà thôi.
Chúng ta cần sống thật với linh hồn bằng cách chân thực với cảm xúc của nó.
J.B. Thái Hòa dịch
2021
“Nghệ thuật chết lành” theo Đức Bênêđictô XVI
“Nghệ thuật chết lành” theo Đức Bênêđictô XVI
Đức Bênêđictô XVI, 94 tuổi, sống mỗi ngày trong “niềm vui sống.”
Đức Bênêđictô XVI có vội chết không? Trong bài báo do tu viện Áo Wilheringen đăng, Đức Bênêđictô XVI giải thích ngài xúc động mạnh sau cái chết của cha Winkler, người bạn đã gieo vào lòng ngài cảm nhận của một người có “đức tin sâu đậm và tinh thần vui vẻ.” Bây giờ bạn tôi đã sang thế giới bên kia, nơi tôi tin chắc có nhiều bạn bè đang chờ anh. Tôi hy vọng tôi có thể gặp họ sớm.”
Khi được nhật báo Đức Bild hỏi về lời của Đức Bênêđictô XVI, giám mục Georg Gänswein, thư ký riêng của ngài phủ nhận tin loan nói Đức Bênêđictô XVI mệt mỏi, nhưng ngược lại là đàng khác. Ngài nói tiếp: “Nghệ thuật chết lành có trong đời sống kitô, từ nhiều năm nay ngài đã sống trong tinh thần này, ngài vui sống. Sức khỏe của ngài ổn định, đầu óc sáng suốt và ngài có óc khôi hài tiêu biểu của người miền Bavaria. Bức thư ngài chia buồn với gia đình giáo xứ của cha Winkler xuất phát từ trái tim, nhưng không có nghĩa là ngài “không thiết sống. Ngược lại là đàng khác.”
Chúng ta phải chấp nhận sự hữu hạn của đời này, nhận rằng chúng ta đang đến gần thời điểm chúng ta sẽ hiện diện trước mặt Thiên Chúa.
Trong quyển sách Những cuộc trò chuyện cuối cùng, xuất bản năm 2016 (Fayard) do nhà báo người Đức Peter Seewald phỏng vấn ngài từ năm 2012 đến năm 2016, nhà báo giải thích ngài đã chuẩn bị chết. “Tôi không muốn nói phải có những hành vi cụ thể phải làm, nhưng trong nội tâm mình phải sống, biết rằng mình phải ‘thành công vượt qua bài kiểm cuối cùng’ của Chúa. Chúng ta rời khỏi trần gian này thấy mình trước mặt Chúa, trước mặt bạn bè và cả những người không phải bạn bè. Rằng chúng ta phải chấp nhận sự hữu hạn của cuộc đời, nhận rằng chúng ta đang đến gần thời điểm mà chúng ta hiện diện trước mặt Thiên Chúa.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
2021
Cẩn thận với các vòng nối kết nội tâm của chúng ta
Cẩn thận với các vòng nối kết nội tâm của chúng ta
“Không ai là một hòn đảo”. Nhà thơ người Anh John Donne đã viết câu bất hủ này cách đây bốn thế kỷ, và bây giờ câu này vẫn còn đúng, trừ khi chúng ta không còn tin như thế nữa.
Ngày nay, chúng ta ngày càng xác định gia đình hạt nhân và nhóm bạn hữu thân thuộc mà chúng ta đã tuyển chọn kỹ càng là hòn đảo tự đủ cho mình, và ngày càng kén chọn để không ai được phép bước vào hòn đảo đó, vào nhóm bằng hữu đó, nhóm những người mà chúng ta xem là đáng tôn trọng. Chúng ta xác định và bảo vệ những hòn đảo riêng của mình bằng một ý thức hệ, bằng quan điểm chính trị, quan điểm luân lý, quan điểm về giới tính và tôn giáo nhất định nào đó. Bất kỳ ai không cùng quan điểm với chúng ta thì không được hoan nghênh, không xứng đáng để chúng ta tôn trọng và dành thì giờ cho họ.
Hơn nữa, truyền thông đương thời còn góp phần cho chuyện này. Ngoài hàng trăm kênh truyền hình mà mỗi kênh đều có chương trình kế hoạch riêng, chúng ta còn có mạng xã hội để chúng ta tìm được những quan điểm ý thức hệ, chính trị, luân lý và tôn giáo vốn vun đắp, bảo vệ và cô lập hòn đảo của mình, biến nhóm hạt nhân nhỏ của chúng ta thành một thứ tự đủ, riêng biệt và bất khoan nhượng. Lại thêm chúng ta còn có những công cụ để rảo khắp mạng lưới truyền thông cho đến khi tìm được chính xác “sự thật” mà chúng ta thích. Chúng ta đã xa rồi thời ngày xưa khi có những nhà báo như nhà báo Mỹ Walter Cronkite, ông có thể đưa ra một sự thật mà ai cũng có thể tin.
Tác động của chuyện này xảy ra khắp nơi, không chỉ trong sự phân cực cay đắng ngày càng tăng mà chúng ta đang thấy rõ trong mọi vấn đề chính trị, luân lý, kinh tế và tôn giáo của thế giới. Ngày nay, chúng ta thấy mình đang sống trên những hòn đảo biệt lập, không cởi mở lắng nghe, tôn trọng hay đối thoại với bất kỳ ai không cùng quan điểm với mình. Bất kỳ ai bất đồng với tôi thì chẳng đáng để tôi dành thời gian, chẳng đáng để tôi lắng nghe, tôn trọng. Chuyện này dường như đang là thái độ phổ biến thời nay.
Và nó có trong những hình thức hung hãn của Văn hóa Tẩy chay, trong chủ nghĩa dân tộc ngày càng hướng nội và cứng rắn ở nhiều quốc gia. Những gì xa lạ thì không được hoan nghênh, đơn giản vậy thôi. Chúng ta không còn đối diện với bất kỳ thứ gì thách thức đặc nét của mình nữa.
Có cái gì không ổn ở đâu? Gần như tất cả đều không ổn. Dù chúng ta nhìn chuyện này từ quan điểm Kinh Thánh và kitô giáo hay từ quan điểm sức khỏe và sự chính chắn của con người, thì nó đều sai trái.
Về mặt Kinh Thánh thì quá rõ ràng rồi. Thiên Chúa đi vào đời chúng ta qua nhiều con đường quan trọng, chủ yếu là qua “người lạ”, qua những gì xa lạ, qua những gì khác với chúng ta, và qua những gì làm cho tư tưởng của chúng ta rối bời, đập tan những kỳ vọng theo tính toán của chúng ta. Sự mặc khải thường đến một cách đầy ngạc nhiên, dưới những hình thức làm cho tư tưởng của ta đảo lộn tất cả. Như sự nhập thể chẳng hạn. Trong nhiều thế kỷ, người ta tìm kiếm Đấng Thiên sai, Thiên Chúa trong xác phàm, Đấng đè bẹp và hạ nhục mọi kẻ địch và ban vinh quang và danh dự cho những ai trung tín cầu nguyện mong ngóng Ngài. Họ cầu nguyện và trông đợi một siêu nhân, nhưng cuối cùng là thế nào? Một đứa bé yếu đuối nằm trong máng cỏ. Mặc khải làm việc như thế. Chính vì vậy mà thánh Phaolô dạy chúng ta hãy luôn chào đón khách lạ vì đó có thể là một thiên thần hóa trang.
Tôi chắc chắn rằng, trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều có trải nghiệm được gặp một thiên thần trong hình hài người lạ mà chúng ta tiếp đón với phần nào e dè và sợ hãi. Tôi biết trong đời tôi, đã có nhiều lúc tôi chẳng muốn chào đón một người nào đó hay một chuyện nào đó đến với mình. Tôi sống trong dòng tu, nơi chúng ta đâu được lựa ai sẽ là người sống với mình. Bạn được chỉ định vào “gia đình ruột” của mình, và (trừ vài trường hợp ngoại lệ do thể chất hạn chế) bề trên không xem tâm trạng tương đồng là tiêu chuẩn để chỉ định người cùng sống chung với nhau trong cộng đoàn. Và không hiếm khi tôi sống trong những cộng đoàn có những người mà nếu được chọn thì tôi đã hẳn không chọn họ làm bạn bè, đồng nghiệp, người láng giềng hay người thân của mình. Ngạc nhiên thay, thường thì những người tôi chẳng ưu tiên chọn nhất lại là những người mang ân sủng và làm cuộc đời tôi biến đổi.
Hơn nữa, chuyện này cũng đúng trong cuộc sống nói chung của tôi. Tôi thường thấy mình được thêm ân phúc nhờ những người ban đầu ít có khả năng được tôi chào đón nhất. Thú thật, chuyện này không phải lúc nào cũng êm đẹp. Những gì xa lạ, những gì khác mình, có thể gây buồn bực và đau khổ trong một thời gian dài trước khi chúng ta nhận ra được ân sủng và mặc khải.
Nhưng đó luôn là thách thức cho chúng ta, nhất là thời nay khi nhiều người trong chúng ta rút vào trong những hòn đảo riêng, xem đó là chính chắn, rồi biện luận nó bằng một đức tin sai lầm, lòng ái quốc sai lầm và ý tưởng sai lầm về sự chính chắn. Làm như thế vừa sai trái vừa nguy hiểm. DDấn thân vào những gì khác lạ sẽ đem lại thăng tiến cho bản thân chúng ta. Thiên Chúa ở trong người lạ, và mỗi khi chúng ta không để người lạ vào cuộc sống mình là chúng ta đang tự tách mình khỏi con đường ân phúc chủ yếu.
J.B. Thái Hòa dịch