2021
Đức Tổng Giám Mục Roche: Việc cải cách Thánh Lễ của Công Đồng Vatican II là việc ‘không thể đảo ngược được’
Trong bài thuyết trình công khai đầu tiên, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Đức Tổng Giám mục Arthur Roche nói rõ về đường hướng mà Bộ sẽ thực hiện dưới sự lãnh đạo của ngài. Ngài đã thực hiện điều này bằng việc trích dẫn những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô, khi đề cập đến việc cải cách phụng vụ đã được Công đồng Vatican II chuẩn nhận: “Với thẩm quyền của Huấn quyền, chúng tôi có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng cải cách phụng vụ là việc không thể đảo ngược được.”
Vị tổng giám mục sinh ở Anh, người được Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm kế vị Hồng y Robert Sarah để làm bộ trưởng của bộ này vào ngày 27 tháng 5, đã được mời đến đọc diễn văn khai mạc cho nhân viên và sinh viên nhân dịp khai giảng năm học tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Anselm ở Rome. Trường đại học này được điều hành bởi các tu sĩ dòng Biển Đức, bao gồm một học viện phụng vụ nhằm huấn luyện về phụng vụ cho các thành viên của các dòng tu, cho giáo sĩ và giáo dân.
Ngài bắt đầu bài thuyết trình của mình bằng việc lưu ý nhân viên và sinh viên rằng ngài nói chuyện với họ không chỉ với tư cách là bộ trưởng Bộ Phụng tự ở Vatican, mà còn dựa vào kinh nghiệm 46 năm làm linh mục, 20 năm làm giám mục (10 năm với tư cách là giám mục giáo phận, gần 10 năm là thư ký của Bộ Phụng tự) và với tư cách là một người Công giáo đã “kinh qua thời trước và sau Công đồng Vatican II.”
Đức Tổng Giám mục nhắc nhở các sinh viên về “tầm quan trọng sống còn” của việc nghiên cứu có tính học thuật của họ “đối với sức sống và sức khỏe của Giáo hội.” Nhấn mạnh về “sức khỏe của Giáo hội,” ngài nói, bởi vì “chúng ta cần những người được chuẩn bị kỹ lưỡng và quân bình, những người yêu mến Giáo hội như Giáo hội đang là!”
Ngài kêu gọi họ “hãy trở thành những người nam và người nữ đích thực của Giáo hội, những người “có cùng cảm thức với Giáo hội” (“sentire cum ecclesia”) và không bị ảnh hưởng bởi các hệ tư tưởng mang tính giáo hội, bởi những sở thích cá nhân hay những ý tưởng mới lạ, hay bởi ước muốn nhào nặn Giáo hội theo hình dung của mình, nhưng bởi những gì Giáo hội đang mời gọi anh chị em hôm nay, đó là trở nên những nhà truyền giáo của Giáo hội trong một thời đại mới với một nhiệm vụ rõ ràng cụ thể.”
Khi nhấn mạnh đến nhu cầu Giáo hội cần có những người “được chuẩn bị tốt và quân bình,” những người có cùng cảm thức với Giáo hội, Đức Tổng Giám mục phản ánh mối quan tâm của nhiều giám mục, đó là các tân linh mục ngày nay thường thiếu “sự chuẩn bị và quân bình” trong các vấn đề phụng vụ. Họ rơi vào “các hệ tư tưởng mang tính giáo hội” hay đơn giản là tự tiện có cái nhìn về Giáo hội và thực hành phụng vụ. Những lo ngại như vậy cũng là một phần lý do dẫn đến sắc lệnh “Traditionis Custodes” ký ngày 16 tháng 07 của Đức Giáo hoàng Phanxicô, nhằm hạn chế việc cử hành Thánh lễ tiếng Latinh từ thời Công đồng Trentô, trước Vatican II.
Đức Tổng Giám mục Roche kêu gọi các sinh viên chú ý đến “lịch sử lâu dài và hấp dẫn của phong trào phụng vụ” trước Công đồng Vatican II và những lựa chọn của các nghị phụ liên quan đến phụng vụ cũng như lý do của những lựa chọn ấy.
Ngài nhắc nhở họ rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong bài phát biểu trước những người tham dự Tuần lễ Phụng vụ Quốc gia Ý lần thứ 68 vào tháng 08 năm 2017, đã nhắc lại rằng Thánh Phaolô VI đã nói với các hồng y trong một cuộc họp Cơ Mật Viện (consistory) một năm trước khi ngài qua đời: “Đã đến lúc phải dứt khoát loại bỏ các yếu tố gây chia rẽ, có hại như nhau theo cả hai nghĩa, để áp dụng trọn vẹn, theo các tiêu chuẩn đúng đắn đã gợi hứng cho cuộc cải cách được chúng tôi chấp thuận khi thể hiện những nguyện vọng của Công đồng.”
Sau đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói thêm, “Vẫn còn nhiều việc phải làm theo đường hướng này, nhất là bằng cách tái khám phá những lý do đưa đến những quyết định liên quan đến việc cải cách phụng vụ, bằng cách loại bỏ những lối đọc vô căn cứ và hời hợt, lối đón nhận nửa vời và những lối thực hành làm nó bị méo mó.”
Đức Giáo hoàng kết luận: “Sau huấn quyền này, sau cuộc hành trình dài này, với thẩm quyền của Huấn quyền, chúng tôi có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng việc cải cách phụng vụ là việc không thể đảo ngược được.”
Trong bài thuyết trình của mình, Đức Tổng Giám mục Roche kêu gọi nhân viên và sinh viên tại Học Viện Thánh Anselm “hãy là những người nam và người nữ, những học giả và bậc thầy trong những nỗ lực khoa học khác nhau, đúng vậy, nhưng trên hết hãy là những môn đệ trung thành, những người xây dựng Giáo hội, chứ không phải là nguyên nhân gây ra sự phân mảnh trong Giáo hội.”
Ngài khuyến khích họ đào sâu đời sống thiêng liêng qua các nghiên cứu phụng vụ của họ, và ngài chia sẻ rằng đời sống đức tin của ngài đã trở nên phong phú hơn nhiều, nhờ 20 năm làm việc với những bản dịch của bộ Sách Lễ Rôma đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phê chuẩn. Ngài tiết lộ, qua công việc này, ngài mới nhận ra rằng “những lời cầu nguyện, những bản văn này, không chỉ là sự sáng tạo của một bộ óc tinh tế hay một ngòi bút đơn lẻ, nhưng đến từ chính bàn tay Thiên Chúa, qua di sản phong phú của Kinh Thánh và các giáo phụ mà ta gặp thấy ở đó, cùng với lời dạy sâu xa về bản chất của Giáo hội như được thấy trong Hiến Chế ‘Lumen Gentium.’”
Đức Tổng Giám mục phát biểu: “Di sản này kết nối chúng ta với đức tin của Giáo hội như được diễn tả qua các thời đại và phù hợp với thời đại lẫn sứ mạng của chúng ta.”
“Sách Lễ Rôma do Đức Giáo hoàng Phaolô VI phê chuẩn là Sách Lễ phong phú nhất mà Giáo hội từng soạn ra cùng với Bộ sách Bài Đọc (Missale Romanum Lectionarium),” Đức Tổng Giám Mục Roche đã nói với cử tọa của ngài như thế. Hơn nữa, theo ngài, “có thể nói một cách đúng đắn rằng tầm nhìn trong Hiến chế về Phụng vụ Thánh (‘Sacrosanctum Concilium,’) và trong Hiến Chế Tín lý về Mặc Khải Thánh (‘Dei Verbum’), giờ đây đã trở nên rõ ràng hơn trong lời cầu nguyện và trong ý thức của Giáo hội, nhờ sự thức tỉnh mới về Kinh Thánh trong Nghi Lễ Rôma.”
“Biết những lời cầu nguyện trong Sách Lễ là khởi đầu cho việc học cách cầu nguyện theo Kinh Thánh. Đây là một món quà quý giá dành cho Dân trung tín của Thiên Chúa, điều đó sẽ đem lại những hạt giống của canh tân,” Đức Tổng Giám mục Roche nói.
Trước Công đồng Vatican II, hầu hết tất cả các bản văn phụng vụ đều bằng tiếng Latinh. Nhưng Hiến chế phụng vụ — văn kiện công đồng đầu tiên được các nghị phụ phê chuẩn vào ngày 4 tháng 12 năm 1963 — đã thay đổi tất cả điều đó bằng cách cho phép sử dụng tiếng bản địa. Trong bài giảng của mình, từ kinh nghiệm cá nhân, Đức Tổng Giám mục Roche nhắc lại rằng tuy công việc phiên dịch có “tầm quan trọng to lớn,” nhưng nhiệm vụ này chẳng hề dễ dàng bởi vì “có nhiều lý thuyết và tranh luận” có thể dẫn đến “một cuộc bút chiến giữa những quan điểm đối nghịch và tương phản.”
“Ngay cả những người ủng hộ kém cỏi nhất cũng có ý kiến riêng, cũng có thể to tiếng và cố chấp.” Ngài hóm hỉnh gợi lại câu ngạn ngữ về việc “có thể thương lượng với những kẻ khủng bố, nhưng không thể thương lượng với những chuyên gia phụng vụ.” Ngài nói rằng bất kể những hạn chế của các bản dịch trước đây là gì, ngài cảm thấy các bản dịch mới đã được cải thiện.
Đức Tổng Giám mục Roche nhớ lại rằng khi các hội đồng giám mục của các nước Anh và Wales, Scotland và Ireland ban hành một tuyên bố về Bí tích Thánh Thể vào năm 1998, Đức Hồng Y Basil Hume, lúc đó là Tổng Giám mục của Westminster cũng là một tu sĩ dòng Biển Đức, đã viết:
“Người Công giáo tin gì về Bí tích Thánh Thể? Khi cho rước lễ, vị linh mục nói với tôi “Mình Thánh Chúa Kitô,” tôi đáp “Amen.” … Lời thưa “Amen” của tôi không chỉ bày tỏ đức tin của tôi vào thân mình Chúa Kitô là Bí tích Thánh Thể, mà còn bày tỏ đức tin của tôi vào thân mình Chúa Kitô là Hội thánh. Bí tích Thánh Thể và Giáo hội gắn bó với nhau không thể tách rời.”
Bình giải về điều này, Đức Tổng Giám mục Roche nhận xét, “Chính trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta tìm thấy mã di truyền của Giáo hội.”
Ngài lưu ý đến “hai chiều kích của phụng vụ mà chúng ta không được phép bỏ quên, vì chúng mô tả chính bản chất của Giáo hội.” Thứ nhất, chiều kích đồng đại (the synchronic dimension) như sau: “với tư cách là người Công giáo, ngay lúc này và ở đây, chúng ta được hiệp nhất với mọi người Công giáo khác trên khắp thế giới, và qua giám mục địa phương, chúng ta được hiệp nhất với Đức Giáo hoàng, người kế vị Thánh Phêrô.”
Ngài nói: “Mối liên hệ này đánh dấu và đảm bảo sự thuộc về của chúng ta; không có điều đó, chúng ta sẽ cô đơn, đứng ngoài cộng đoàn được Đức Kitô thiết lập và được xây dựng trên nền tảng Tông đồ Phêrô.”
Chiều kích thứ hai, chiều kích lịch đại (the diachronic dimension) như sau: “trong Giáo hội, chúng ta cũng được hiệp nhất với mọi tín hữu đã từng sống và tin, cũng như với mọi người Công giáo sẽ sống và tin trong tương lai.”
Tóm tắt điều này, Đức Tổng nói, “Chúng ta có thể nói về chiều kích đồng đại của phụng vụ như hợp nhất toàn thể Giáo hội trên thế giới, và về chiều kích lịch đại như chạy xuyên qua thời gian để vào vĩnh cửu.”
Đức Tổng Giám mục người Anh nhắc nhở cử tọa của ngài rằng “bất cứ khi nào chúng ta quy tụ để cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta không chỉ quy tụ trong tư cách là cộng đoàn này, ở nơi cụ thể này, nhưng chúng ta đứng giữa những giao lộ của mọi sự sống, và ở ngưỡng cửa nơi thời gian giao cắt với vĩnh cửu – sự quy tụ của chúng ta lớn hơn những gì mắt thường có thể thấy. Chúng ta đang đi vào mầu nhiệm Chúa Kitô. Nhờ mầu nhiệm nhập thể và mầu nhiệm vượt qua, Đấng ấy làm cho dòng chảy hay ‘dòng trôi của thời gian’ đi vào cõi ‘vĩnh hằng đời đời,’ để được nâng lên và biến đổi.”
Nói cách khác, ngài nói, “phụng vụ là nơi hai thế giới gặp nhau.” Ngài lưu ý rằng “nhiều hiểu lầm về phụng vụ trong quá khứ và hiện tại, có thể bắt nguồn từ việc không nhận ra đặc tính này, dù lẽ ra nó phải được thể hiện rõ ràng trong toàn bộ phụng vụ Công giáo.”
Đức Tổng Giám mục Roche nói: “Việc cải cách phụng vụ như được ghi lại trong Sách Lễ Rôma đang là và vẫn còn là kim chỉ nam cho chúng ta hiểu và thực hiện một đánh giá đúng đắn về phụng vụ.”
Đức Tổng kết luận bằng cách nhắc nhở các giáo sư và sinh viên tại Học Viện Thánh Anselmo, cũng như Giáo Hội nói chung: “Chúng ta không tạo ra hoặc cải cách phụng vụ; điều đó đã được thực hiện bởi thẩm quyền cao nhất của Giáo hội rồi, đó là một Công đồng chung. Trách nhiệm của chúng ta là thực hiện cuộc cải cách đó, trung thành với những gì chúng ta đã lãnh nhận, và không ủng hộ những điều không thuộc tâm thức của Giáo hội, dù chúng được quảng bá cách rầm rộ.”
Chuyển ngữ: Tu sĩ Vinh Sơn Nguyễn Hoàng Vũ, SJ
2021
Lòng Kiên Nhẫn
Vừa khi chủ đề ‘kiên nhẫn’ được đề cập, người ta được nhắc nhớ ngay một trong các ngôn từ khai mở mà Cyprianô thành Carthagô dùng dẫn vào khảo luận ‘Lòng Kiên Nhẫn’ mười bảy thế kỷ trước.
Ngôn từ tạo nên hiệu quả những người nghe phải vốn có điều người nói cố gắng khuyên họ, cụ thể là ‘kiên nhẫn’, vì không có kiên nhẫn, diễn giả chẳng có một thính giả nào. Thực sự, nếu một người hoàn toàn bất kiên nhẫn, xét bất cứ phương diện nào, sẽ chẳng bao giờ thu hoạch được gì, vì chính hành vi thu hoạch tự nó đòi kiên nhẫn dài lâu. Do đó, một số mức độ kiên nhẫn phải được kể đến giữa những thái độ căn bản của hữu thể người, loại kiên nhẫn bắt rễ sâu trong bản tính người. Lý do là trong mức nào đó, nó phải gánh chịu chính nó. Nó vốn phải có đó để được tập trung lại. Nó vốn phải sẵn trong tay để những mức độ kiên nhẫn cao hơn được thực hiện sau đó.
Kiên nhẫn phát sinh từ nền tảng bản tính hữu thể người, cụ thể, một người vừa được phú bẩm là một tinh thần và đồng thời là một chủ thể lệ thuộc giới hạn thời gian. Những hữu thể mang bản tính vĩnh cửu chẳng cần kiên nhẫn. Họ chẳng hoàn thành cái gì hoàn hảo hơn hiện trạng của họ. Họ chẳng tìm kiếm gì hơn, vì nguyên chỉ phẩm chất vĩnh cửu họ được phú bẩm có nghĩa là bản tính của họ vốn trong tình trạng của cái tròn đầy và hoàn hảo nội tại.
Những hữu thể không mang tinh thần không cần kiên nhẫn vì ‘ý thức’ của chúng luôn giới hạn trong hiện tại, và rõ ràng, do sự kiện ấy, chúng chẳng biết gì về cái đổi thay liên tục từ quá khứ sang vị lai, đang ảnh hưởng trên chúng, ngay cả chính chúng đang không ngừng gánh chịu tiến trình phát triển và đổi thay.
Phần chúng ta, những hữu thể vừa được phú bẩm trí năng vừa tuỳ thuộc thời gian. Chúng ta mang quá khứ nơi mình, và trong năng lực nhận thức, chúng ta đã đạt tới cái còn chưa tới trong tương lai. Thực sự, một cách ý thức, chúng ta sống trải qua tiến trình đổi thay mà chính chúng ta lệ thuộc. Sự tác động lẫn nhau giữa quá khứ và tương lai giúp nắm bắt được thực tại, làm nên kinh nghiệm của chúng ta. Không chỉ chúng ta không thể lấy lại được tiến trình chuyển giao và đổi thay, mà cũng không thể giấu giếm trước bản thân nỗi bất khả thực hiện điều ấy.
Hiện hữu của chúng ta được điều khiển duy bởi quy trình liên tục của đổi thay. Chúng ta có năng lực nhìn thấy chính hiện hữu của chúng ta như một toàn thể, và nhận thức như quy luật của chính bản tính chúng ta là nó phải không ngừng áp lực đưa hiện hữu của chúng ta phát triển thêm nữa. Nhận thức và chấp nhận sự kiện đó là cái chúng ta gọi là ‘sự kiên nhẫn hiện sinh’, sự kiên nhẫn thuộc bình diện hiện sinh. Chúng ta kiên nhẫn chấp nhận sự kiện hiện sinh chúng ta tuỳ thuộc vào đổi thay như thế đó, nhưng nó duy trì tính thống nhất xuyên suốt quy trình đổi thay.
Chính sự kiện chúng ta thuộc loại hữu thể đó và không thể né tránh hiện hữu như thế, nghĩa là chúng ta mang loại bản tính đó và không thể trốn khỏi nó, là thực tại, một lần nữa, đặt chúng ta vào một bổn phận phải chu toàn, bổn phận mà chúng ta có thể không đạt, cái gì đó chúng ta phải làm cho chính mình, bằng nỗ lực can đảm và trung tín, một cách ý thức và thận trọng trung thực với bản tính của chính chúng ta nhằm hoàn thành chính nó. Đối với người được phú bẩm tự do và năng lực tinh thần, trong khi kiến tạo mình, có những yếu tố đã được ban, không thể tránh né, và không thể trốn thoát được, và đồng thời có những yếu tố khác, những yếu tố nhiệm mầu và không tiên báo được. Thực tại đó đặt người ấy vào bổn phận lấy tự do đáp lại.
Vậy mỗi cá nhân phải trong ý thức và tự do đi về đích, với phẩm tính đặc biệt trong bản tính của mình. Người ấy phải nhận biết và chấp nhận mình như một hữu thể tuỳ thuộc vào sự đổi thay liên tục và nhắm về mục đích, đồng thời được phú bẩm sự nhận thức. Người ấy phải không được giả thiết mình có thể làm gián đoạn sự đổi thay này, cũng phải không được thử đưa mình trở về giai đoạn mình đã đạt được, cũng phải không thể hấp tấp thử trước giai đoạn còn chờ người ấy trong tương lai. Nói cách khác, người ấy phải kiên nhẫn chấp nhận sự đổi thay hiện sinh mà người ấy lệ thuộc vào để đạt đúng cái mình là, và nhận thức rằng có lý hữu và có hướng tới một mục đích. Chỉ có thể nói người ấy kiên nhẫn khi trải qua sự kiên nhẫn hiện sinh chúng ta đang đề cập.
Vấn đề cần phải hiểu là: Điều một cá nhân phải nhận thức và chấp nhận, với loại kiên nhẫn căn cơ này, không đơn giản là những yếu tố nảy sinh đây đó trong đời, một cách trái ý, và xem ra đối với người ấy, là một mảng của phần số vô nghĩa, từ bên ngoài áp đặt trên người ấy… Điều người ấy phải kiên nhẫn khoan thứ và chịu đựng ở mức sâu nhất và căn cơ nhất hơn là chính mình, ‘cái chính mình’ được nhìn nhận như một người trên hành trình về một tương lai, một người không thể dừng chân và lưu lại nơi mình ở, cũng không thể giả định người ấy đang đăng trình về một điểm đến trống không, vô định, mà chẳng có điểm đến uyên nguyên nào… Nỗi bất kiên nhẫn của chúng ta vì những phiền toái hằng ngày, đơn giản là dấu chỉ sự kiện rằng ở bình diện sâu xa hơn của cuộc sống, chúng ta không thành công trong việc đạt được trong tự do đức tính kiên nhẫn hiện sinh và luyện nó thành của mình.
Có những người tìm cách bám vào hoàn cảnh của lúc này với những thú vui, những thành công, cái xem ra tự mãn, dù tất cả, xét theo bản tính của chúng, rõ ràng là nhất thời bèo bọt… Có những người không thể buông trôi cái thuộc hôm qua tới khi cái thuộc ngày mai được chứng minh là không tác hại và có sức trấn an. Có những người không thể tự do bước vào tình huống mới xem ra hóc búa hơn hay ít triển vọng, những người không thể tự tin đi vào ‘màn đêm’ hay vào cái còn dưới sự kiểm soát của người khác. Có những người hoảng sợ trước sức mạnh lặng thinh bao trùm và kiểm soát đời ta, và sức mạnh lặng thinh là Thiên Chúa, dẫu rằng chỉ một mình Người biết và định khi nào cái hiện sinh phù du này khởi sự và khi nào nó sẽ kết thúc. Tất cả tựa như những người không thể lĩnh hội được cho mình cái đức kiên nhẫn hiện sinh. Họ để lộ sự kiện họ không thể sở hữu đức tính này bằng sự bất kiên nhẫn biểu lộ trong những hoàn cảnh thường nhật, khi họ phạm khuyết điểm, gặp nỗi xót đau và cực nhọc vất vả, vốn thuộc phận người, ngay cả trong những chuyện thường nhật nhất mỗi ngày.
Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân chuyển ngữ
2021
Ngu dốt mới tin có Thiên Chúa?
Ngu dốt mới tin có Thiên Chúa?
Ở thời đại nầy mà còn có những người ngây ngô, kém hiểu biết phát biểu như sau:
-Điều gì mắt ta thấy mới có, không thấy không có !
-Chỉ những người ít học, ngu dốt, nghèo đói mới tin có Thiên Chúa !
-Thiên Chúa chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, có thấy Thiên Chúa đâu mà có!.[1]
1.Thị lực lúc bình thường của mắt là 20/20, nghĩa là một vật thể ở cách xa mắt một khoảng cách 6m thì mắt vẫn có thể nhìn thấy rõ ràng[2]. Với khoảng cách đó, bạn có khả năng nhìn thấy hết mọi vật được không ? Trả lời đi. Viễn vọng kính tối tân nhất hiện nay có khả năng thấy được khoảng cách hơn 13 tỉ năm ánh sáng. Một năm ánh sáng tương đương với 9,5 nghìn tỷ km. Khoảng cách xa nhất của một hành tinh Nasa mới phát hiện cách xa trái đất nhất từ trước tới nay là 13.000 năm ánh sáng. Tiểu hành tinh nầy trong hệ mặt trời, còn vô số tiểu hành tinh trong cũng như ngoài hệ mặt trời mà khoa học chưa nhìn thấy[3]. Thế những gì con người chưa nhìn thấy, thì nó có hiện hữu trước không hay khi nào người con người nhìn thấy nó mới có? Vô số những chứng nghiệm thực tế trong đời sống chúng ta mà không cần trưng dẫn ra, cho thấy phát biểu: cái gì thấy mới có là một phát biểu quá kém! Chỉ nên có ở những người mù chữ mà thôi.
- Auguste Comte là một nhà triết học và xã hội học người Pháp[4], theo chủ nghĩa thực nghiệm. Theo ông thì cuối cùng, giai đoạn khoa học sẽ thắng thế và thay cho giai đoạn thần học cũng như siêu hình là giai đoạn phát sinh những sản phẩm tôn giáo. Khoa học sẽ loại bỏ những sản phẩm của óc tưởng tượng và của sự tha hoá. Con người dựa trên lý trí mà phê phán về mọi sự vật. Như thế, chỉ những gì thuộc phạm vi kinh nghiệm, thực nghiệm mới có thật. Do đó theo ông, con người có tôn giáo là con người sống trong giả tưởng, trong giai đoạn ấu trĩ của nhân loại, chưa biết gì về ánh sáng khoa học. Comte đã thất bại khi chủ trương như vậy, vì không phù hợp với thực tế, chính ông mới bị ảo tưởng về chủ trương của mình!
Theo thống kê năm 1992 của Giáo Hội Công giáo, năm đó số tín hữu là 950 triệu, chưa kể những giáo hội Kitô khác, trong đó: Châu Âu chiếm 80% dân số; Châu Mỹ chiếm 85% dân số; Châu Úc chiếm 80% dân số; Châu Á chiếm 7% dân số; Châu Phi chiếm 25% dân số.
Theo thống kê năm 2019, có 10 quốc gia đông tín hữu nhất thế giới: Brazil; Mexico; Philippines; Mỹ; Ý; Pháp; Colombia; Balan; Tây Ban Nha; Cộng Hoà Dân Chủ Congo.
Nhìn vào những thống kê nầy, ta có thể kết luận được theo lập luận của A.Comte là Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc là những châu dốt nát, nghèo nàn hơn Châu Á, Châu Phi không?
Mười nước đông tín hữu nhất thế giới có phải là những nước kém trình độ nhất không?
3.Tôn giáo và khoa học không mâu thuẫn nhau, đối kháng nhau hoặc tôn giáo không ngăn cản sự phát triển của khoa học hoặc đà tiến bộ của con người; bởi vì tôn giáo không phải là đối tượng của khoa học, nghĩa là khoa học tự bản chất không có khả năng nói rằng có hay không có Thiên Chúa. Có biết bao nhiêu điều khoa học không thể quan sát, thực nghiệm được, nhưng vẫn có thực như: tư tưởng, ý chí, ký ức… huống chi là linh hồn, là Thiên Chúa. Nó cũng cho thấy rằng tôn giáo không chỉ là của những kẻ ngu dốt, nghèo đói, nhưng là của tất cả những ai thành tâm thiện chí và được ơn trên soi sáng. Những thống kê sau đây làm chứng:
*Nhà bác học A.Eynieu đã công bố bản thông kê của ông trong cuốn “La part des croyants dans les progrès de la science”[5]: Trong số 432 nhà bác học thuộc thế kỷ 19, có 34 người không có lập trường tôn giáo, còn lại 398 người phân chia như sau: 15 dửng dưng, 16 vô thần, 367 có tín ngưỡng, tức là 92%.
*Bác học Dennert ngừơi Đức cũng công bố bản điều tra của ông về tôn giáo của 300 nhà bác học lỗi lạc thuộc bốn thế kỷ vừa qua: 38 vị không rõ quan điểm, còn lại 262 vị thì 20 vị dửng dưng hay vô thần, 242 vị tin Thiên Chúa, tức là 92%.
*Trong một công trình độc lập tại Đại Học Chicago Mỹ mới công bố, 76% các bác sĩ nói họ tin vào Chúa, và 59% tin vào sự tồn tại của thế giới bên kia[6].
4.Phát biểu của một số nhà bác học nổi tiếng về Thiên Chúa[7]:
-Nhà bác học Louis Pasteur[8]: “Càng nghiên cứu khoa học, tôi càng tin vào Thượng Đế”; “Mỉa mai cho lòng dạ con người, nếu chết là hết hoặc chết là trở về với hư vô”.
-Bác học Isaac Newton[9]: “sở dĩ các thiên thể chuyển động nhịp nhàng được là nhờ cái hích đầu tiên của Thiên Chúa”; “Tôi thấy Thiên Chúa qua viễn vọng kính”.
-Abert Einstein[10], nhà vật lý học được coi là vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đã phát biểu: “khoa học không có tôn giáo là mù loà…”; “Tôi chưa gặp điều gì trong khoa học của tôi mà lại đi ngược với tôn giáo”.
-Giáo sư James Simpson[11], người phát minh ra phương pháp gây mê: “Phát minh quan trọng nhất của đời tôi là tìm được Chúa Cứu Thế Giêsu”.
-Bác học Michel Eugène Chevreul[12]: “Tôi không thấy Thiên Chua, vì Người thiêng liêng, nhưngtôi thấy công trình tạo dựng của Người”[13].
-Diderot[14]: “Chỉ cần con mắt và cái cánh của con bướm, cũng đủ diệt tan mọi lý lẽ của kẻ vô thần”.
-Nhà thiên văn Johannes Kepler[15]: “Thiên Chúa thật vĩ đại. Quyền năng Người vĩ đại và sự khôn ngoan thì vô hạn…”.
-Nicolaus Copernicus[16]: “Ai có thể sống cận kề với một trật tự hoàn bị nhất và trí năng siêu vượt của Thiên Chúa mà không cảm thấy dâng trào những cảm hứng cao quý?”.
-Alexandro Volta[17]: “Tôi tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi đức tin nầy, nhờ đó mà tôi có một ý hướng vững chắc để sống và chết”.
-André-Marie Ampère[18]: “Thiên Chúa vĩ đại biết bao và khoa học của chúng ta chỉ là chuyện vặt vãnh”.
*Người Việt Nam cũng tin có Trời, như là Đấng làm chủ mưa nắng:
Lạy Trời mưa xuống, Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày, Cho đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp…
***
Không kể hết được những chứng nhân về Thiên Chúa trong giới bác học, nhưng thiết nghĩ chừng đó cũng đủ để kết luận được rồi. Ấy thế mà trên đời nầy lại có những kẻ học hành chẳng bao nhiêu, sống chưa từng trải, mà lại dám hiên ngang công khai đưa ra những phát biểu kém cỏi, chứng tỏ sự ngu dốt của mình, giống như một anh nông dân chưa thạo cày bừa mà lại lên lớp cho một kỹ sư cơ khí về việc sửa chữa máy móc. Thật là nực cười!
(Vinh An, mùa dịch 21)
Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh
*Xin chia sẻ cho người khác
[1] X. Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh, Tìm Về Sự Thật, số 2, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2006.
[2] https//www.vinmec.com < tin-tuc
[3] https://khoahọc.tv>phat-hien-hanh
[4] 1978-1857
[5] Số những người có đức tin góp phần trong tiến bộ khoa học.
[6] Vnexpress.net/ theo LiveScience.
[7] Nguontinhyeu.com
[8] 1882-1895, nhà sinh học, vi sinh vật học, nhà hoá học
[9] Người phát minh ra định luật hấp dẫn vũ trụ.
[10] 1879-1955.
[11] 1811-1870.
[12] 1786-1889, nhà hoá học.
[13] 1786-1889.
[14] 1713-1784,nhà văn nổi tiếng và nhà triết học.
[15] 1571-1630, môt trong những nhà thiên văn vĩ đại nhất.
[16] 1473-1543, nhà thiên văn học và là người xướng xuất thuyết nhật tâm.
[17] 1745-1827, người khám phá ra các ý niệm cơ bản về điện.
[18] 1775-1836, nhà vật lý phát mình ra điện từ trường.
2021
Tâm sự với người đã khuất…
Tâm sự với người đã khuất…
Sau khi chiếc quan tài của bạn lạnh lùng được hạ sâu xuống lòng đất xong, mọi người ra về mà lòng không khỏi bùi ngùi, xót xa và thương tiếc. Bởi đó là cuộc chia tay vĩnh viễn, để không bao giờ có thể nhìn thấy bạn nữa!…
Chúng tôi không thể hiểu được tại sao ngày hôm trước mới gặp nhau nhưng rồi ngày hôm sau bạn đã âm thầm lặng lẽ ra đi. Hình ảnh đau xót nhất có lẽ là khi chúng tôi phải chứng kiến cảnh tượng bạn nằm đó mà nghìn trùng xa cách…
Xưa nay mọi người vẫn thường tự hỏi “Không lẽ kiếp người lại bi đát đến thế sao?”. Vâng, sự ra đi của bạn hiển nhiên là một quy luật bất di bất dịch của kiếp nhân sinh. “Sinh, bệnh, lão, tử”.
Nhưng hôm nay chính sự ra đi của bạn đã phục sinh tâm trạng và ý nghĩ của chúng tôi – những người đang còn “lang thang cõi trần” – về số phận của mình.
Bạn ra đi nhưng bạn vẫn còn đó. Chúng tôi tin như thế. Bạn nhắm mắt xuôi tay nhưng đó không phải là sự khép lại của cuộc sống, mà chính là sự chấm dứt của hữu hạn để mở ra vô hạn. Cái chết được nhìn nhận như một bản lề của cuộc sống. Sự im lặng của bạn chính là sự thăng hoa đã đạt đến tột đỉnh. Bạn đã về nhà Cha, ở chốn cao hơn, xa hơn…
Chúng tôi chạnh lòng nghĩ đến một nghịch lý này, đó là trong khi chúng tôi đang than khóc, tiếc nuối cho bạn thì bạn lại đang thương xót cho chúng tôi. “Sinh ký tử quy”, bạn đã đến được chỗ phải đến, đã kết thúc cuộc hành trình “Một cõi đi về”. Ngày hôm nay, sở dĩ bạn im lặng là vì cuộc sống và con người của bạn đã biến đổi. Bạn đã vượt qua không gian và thời gian để đi vào thực tại mênh mông diệu vợi của vĩnh cửu, của vô tận.
Bạn đang cao hơn, xa hơn…là chúng tôi tưởng!
Chính vì bạn cao hơn, xa hơn, kỳ diệu hơn nên chúng ta không thể “nói với nhau” bằng những cách thông thường. Nhưng bạn vẫn có “tín hiệu” đấy chứ? Trong im lặng thẳm sâu của lòng mình, chúng tôi đã nghe được “tín hiệu” của bạn. Bạn không còn sử dụng những hoạt động bình thường như nói, nghe, suy nghĩ, cười, khóc…nữa mà duy nhất giữa chúng ta hiện hữu một sự “giao cảm” đặc biệt. Đó cũng là một sự thông hiệp kỳ diệu, gần gũi và sâu xa vô cùng.
Trong sự thông hiệp này, điều cần thiết và quan trọng là chúng tôi không “nói” gì mà trái lại cần “nghe” bạn nhiều hơn. Lý do chính là vì bạn đã quá hiểu cuộc sống này rồi. Phần chúng tôi, chúng tôi hoàn toàn chưa có một chút kinh nghiệm nào về cuộc-sống-sau–cái-chết cả!
Bởi vậy, bắt được “tín hiệu” của bạn để “nghe” bạn “nói”, quả thực, là một điều hấp dẫn và thú vị vô cùng. Vì bạn là một Kitô hữu đích thực nên chúng tôi tin rằng bạn đang hiện hữu và hiện diện như Đức Kitô, bởi vì bạn đã ở trong Ngài, đã thuộc về Ngài. Mà Đức Kitô thì hằng sống. Vậy bạn cũng đang sống, đang hoạt động với Ngài, nhờ Ngài và trong Ngài.
Thông điệp của bạn không gì khác hơn là sứ điệp của Đấng Phục Sinh và của Thiên Chúa.
Bạn sẽ nhắc bảo chúng tôi rằng: “Về Thiên Chúa chỉ có một điều cần và đủ để nói, đó là YÊU THƯƠNG”. Bí mật của Thiên Chúa mà bạn muốn thông chia cho chúng tôi cũng là lời mạc khải của thánh Gio-an: “Thiên Chúa là Tình Yêu”(1Ga 4, 16).
Thật là đơn giản nhưng chắc chắn bạn đang hạnh phúc tràn đầy với “thực tại đơn giản” ấy. Hiện tại, chúng tôi chỉ có thể chạm vào sự thật đơn giản ấy bằng lòng tin yêu và hy vọng, còn bạn, bạn đã “sở hữu” được rồi. Thiên Chúa như thế nào, bạn đã “xem thấy” như vậy.
Đôi lúc, vì còn trong thân xác, nên chúng tôi không hiểu rằng sở dĩ bạn “im lặng”, có khi đến lạnh lùng, chỉ vì bạn đã ở trong cõi vĩnh hằng của Thiên Chúa. Bạn vô hạn còn chúng tôi hữu hạn. Bạn tuyệt đối còn chúng tôi tương đối. Bạn bất tử còn chúng tôi đang hành trình vượt qua.
Hiện tại, khoảng cách giữa bạn và chúng tôi, xa mà gần, gần mà xa. Nhưng có một điều chắc chắn là bạn đang hút chúng tôi về với bạn. Bởi vì bạn muốn chúng tôi cùng chia sẻ hạnh phúc vĩnh cửu với bạn. “Phúc cho những ai đã chết, mà chết trong Chúa” (Kh 14,13) ./.
Aug. Trần Cao Khải