2021
Tâm tình gởi quý anh em chuẩn bị chịu chức linh mục
Tâm tình gởi quý anh em chuẩn bị chịu chức linh mục
Không còn bao lâu nữa, anh em được lãnh Thánh chức Linh mục.
Nói theo ngôn ngữ trần thế: “Anh ấy được đổi đời”. “Chú mày lên đời”. Đúng là như vậy! Mới hôm trước còn gọi là thầy, thì hôm nay nhiều người cúi chào, gọi là cha. Trước đây khép nép, ấp a ấp úng – Giờ tự tin, hoạt ngôn, huyên náo.
Từ bấy lâu nay, xã hội gọi là tu sĩ, nhà tu hành – Giờ được xưng hô trang trọng: Linh mục Công Giáo. Trước đây là một công dân bình thường – Giờ được nâng lên hàng chức sắc trong xã hội. Được cất nhắc, đứng vào hàng ngũ giáo sĩ trong Hội Thánh.
Nói bằng ngôn ngữ tu đức: Lãnh chức thánh linh mục, anh em trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô cách trọn vẹn. Và tiếp tục trở nên giống Chúa Giêsu, gắn bó với Chúa Giêsu nhiều hơn nữa, qua việc cử hành lễ tế mỗi ngày.
Nắm quyền chìa khóa, trong việc phân phát các bí tích của Chúa cách khôn ngoan cho người tín hữu. Chuyên chăm phụng sự việc cứu rỗi các linh hồn, để tiếp tục nên thánh trong những hoạt động mục vụ của linh mục Giáo phận – Linh mục triều.
Bao nhiêu những thay đổi từ cách nhìn, và thái độ trân trọng đón nhận của người khác dành cho anh em, khi chịu chức linh mục, là bấy nhiêu những ân sủng anh em lãnh nhận từ Chúa, nhờ chức thánh linh mục mà Đức Giám mục đặt tay truyền chức cho anh em. Tất cả làm cho anh em trở nên rạng rỡ, vinh quang, hạnh phúc, phấn khởi – Hân hoan tột độ, vui mừng đỉnh điểm, trong ngày chịu chức.
Nhưng rồi… Những hào quang bên ngoài sẽ qua đi rất nhanh. Vừa mới ca tụng tung hô, thì ngay sau đó sẽ là xỉ vả, phỉ báng – Đó là bài học của Chúa Giêsu: Vừa mới trải thảm để rước Chúa vào thành, thì ngay sau đó là kết án và đóng đinh. Vì thế, nếu suy gẫm chức linh mục từ cuộc thương khó của Chúa Giêsu, có thể nói được: Chịu chức linh mục là để sẵn sàng đón nhận những khó khăn và nghịch cảnh. Nói cách khác, làm linh mục là vác thập giá.
Thập giá của sự chống đối và vu khống: Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh thời đại ngày nay, các linh mục luôn phải chịu sự chống đối từ nhiều lãnh vực, nhiều đối tượng. Nguyên nhân sâu xa của sự chống đối, là nền đạo đức xã hội sụt giảm trầm trọng, người dân bị ảnh hưởng bởi những triết thuyết và chủ nghĩa bài trừ Giáo hội, và ngay chính đời sống bản thân người linh mục cũng phần nào bị trần tục hóa dần theo thời gian.
Thêm vào đó, người tín hữu ngày nay thường hay đòi hỏi hình mẫu linh mục theo ý của họ, trong khi các linh mục sống và hoạt động theo ý của Chúa qua Hội thánh. Thế là bị chống đối, vu khống, loại trừ, thậm chí bị kết án và lăng nhục.
Thập giá của đời sống cô đơn: Cô đơn ngay trong xứ đạo mà cha đang coi sóc. Cô đơn, vì giữ lời hứa sống độc thân. Cô đơn, vì có sự chênh lệch, bất đồng điệu về nhận thức, suy nghĩ, phản ứng, cách hành xử giữa linh mục và giáo dân. Cô đơn, vì bị chính anh em linh mục hiểu lầm, phản đối, có khi còn bị loại trừ nữa. Cô đơn, vì sống trong cảnh cô đơn, cô thân, cô thế, cô hiu, cô quạnh… Thật trớ trêu, cô đơn ngay giữa một cộng đoàn.
Thập giá là sự mệt mỏi khi phải chống chội những cám dỗ về sự tiện nghi của đời sống vật chất: Ăn ngon, mặc đẹp, quần áo, giày dép, điện thoại, xe cộ, tiền bạc, chỗ ở… Ai mà chẳng muốn phải là nhất, không nhất được, thì cũng phải tốt, phải xịn. Vẫn còn nhớ như in câu nói của một Cha giáo trong giờ huấn đức khi còn ở Đại Chủng Viện: “Cha giảng khó nghèo, mà nhìn cha giàu có thì kém thuyết phục”.
Nói gì đi nữa, giải thích kiểu gì chăng nữa, trong suy nghĩ và nhận thức của nhiều người: Tu là khổ chế tiết dục, kìm mình ép xác. Nói cách khác: Giữ và sống ba lời khuyên Phúc Âm – Khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục là cả một hành trình dài vác thập giá theo Chúa.
Thập giá là sự bào mòn sức khỏe và bệnh tật ập đến: Một cha lớn tuổi trong giáo phận, có lần chia sẻ: “Đức cha nhắc nhở các cha trẻ, nhưng đối với mình luôn tin tưởng các cha. Vì trẻ, còn sức khỏe, còn nhiệt huyết, còn hăng say phục vụ, đợi đến U 50, khi đó ngồi đếm bệnh, giải trí, vui chơi còn không nổi… Lúc đó mới biết đá biết vàng.” Giờ mới cảm nghiệm được hết câu nói mà quý cha thường nhắc các chủng sinh: Linh mục là tấm bánh bẻ ra cho muôn người.
Sức khỏe mỗi ngày một vơi đi, lửa hăng say nhiệt thành cạn dần theo năm tháng. Thay vào đó là bệnh tật không mời mà đến, sức ì của bản thân ngày một tăng dần theo năm tháng. Ngay lúc này đây, người linh mục đối diện với sự chống đối, cô đơn, mệt mỏi, cám dỗ và bệnh tật, thì quả thật thập giá vốn đã nặng, giờ lại thêm chông chênh, cồng kềnh, khó vác, khó đón nhận.
Thập giá của bổn phận, trách nhiệm: Nếu chịu chức linh mục, chỉ để chu toàn chức linh mục trong 1 tháng hoặc 1 năm, thì chắc tất cả anh em linh mục đều đạt điểm 10 và được phong thánh ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Đàng này, lãnh chức thánh linh mục để thực thi sứ mệnh mục tử cho đến trọn đời.
Vì thế, tất cả các nhân đức để hỗ trợ hoàn thành bổn phận, trách nhiệm của người mục tử như: Trung thành, yêu thương, hy sinh, quảng đại, dấn thân, nhẫn nhịn, chịu đựng, tha thứ, phục vụ… Lại vô hình trở thành thập giá. Tất cả, luôn phải trung thành tuân giữ, rèn luyện và thực hiện mỗi ngày.
Thập giá của nhu cầu và áp lực mục vụ thời Covid: Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, việc tập trung đông người tín hữu để cử hành các lễ nghi thờ phượng Chúa là việc làm trở nên khó khăn, do bởi những rào cản của quy định phòng chống dịch nghiêm ngặt. Trong khi đó, nhu cầu được quy tụ cùng nhau thờ phượng Chúa, hơn bao giờ hết luôn cháy bỏng trong tâm hồn các tín hữu.
Linh mục là người của Hội Thánh, thay mặt Chúa Giêsu cung cấp cho họ của ăn tinh thần, thiêng liêng. Chính vì thế, sáng kiến mục vụ, dấn thân cách khôn ngoan trong thời Covid, trở thành yếu tố quan trọng cho những hoạt động mục vụ và cũng trở nên áp lực cho chính bản thân người linh mục. Đóng cửa nhà thờ thì thiệt thòi cho đàn chiên, còn mở cửa nhà thờ thì dịch bệnh tràn vào. Chưa kể đến những hoạt đồng san sẻ, cứu trợ, giúp đỡ trong đại dịch… Là cả một gánh nặng và áp lực cho người mục tử.
Một vài dòng tâm tình gởi đến anh em, để thấy cuộc đời linh mục là màu hồng. Nhưng không phải màu hồng của trẻ trung, dễ thương, sôi nổi và hạnh phúc trong ngày chịu chức. Nhưng là màu hồng của nốt trầm, là những giọt máu đổ xuống vì vác thập giá theo Chúa hằng ngày.
Lạy Chúa, xin cho anh em linh mục chúng con luôn yêu Chúa, thương mến nhau và trung thành trong chức thánh linh mục của mình, cho đến hơi thở và sức lực cuối cùng. Để khi chúng con đi đến những bước cuối của đời linh mục, chúng con đủ can đảm thưa với Chúa: Lạy Chúa! Thập giá Chúa trao ban, giờ đã nở hoa.
Lm. Phêrô Trần Trọng Khương
2021
Làm thế nào để nói với các trẻ về Các Thánh Tử Đạo?
Làm thế nào để nói với các trẻ về Các Thánh Tử Đạo?
Các vị tử đạo là dấu chỉ sáng ngời của quyền năng Chúa Thánh Thần. Họ không phải là những siêu anh hùng được phú bẩm cho sức mạnh phi thường hay khả năng chịu đựng đau khổ lạ thường.
Nếu họ có thể chịu đựng được những đau khổ của việc tử đạo với sự thanh thản bất khuất cho đến cuối cùng, đó là bởi vì họ đã đặt mình trong vòng tay Thánh Thần của Thiên Chúa, Đấng phủ đầy sức mạnh nơi họ. Họ đã dâng hiến sự yếu đuối của mình cho Thiên Chúa và nhờ sự mỏng dòn này, Chúa Thánh Thần đã biểu lộ quyền năng của Ngài. Chúng ta đừng ngần ngại nói cho trẻ biết về giá trị và sức mạnh của những vị tử đạo này, đặc biệt nếu họ là một trong những vị thánh bảo trợ cho con cái chúng ta.
1- Chúng ta nên trình bày những vị tử đạo như thế nào cho con cái chúng ta?
Không cần thiết phải đi vào cụ thể những chi tiết khủng khiếp và đáng sợ của những cuộc tra tấn gây ra cho các Kitô hữu tử đạo. Điều này có thể gây tổn thương và khiến trẻ sợ hãi, đặc biệt với những đứa trẻ nhạy cảm; hơn nữa, nó không phải là điểm cốt yếu. Nhiều vị tử đạo chỉ được biết đến qua hoàn cảnh của cái chết của họ. Không có lý do gì để tạo ra một cuộc sống cho họ mà chúng ta không biết gì về nó, nhưng chúng ta có thể mô tả bối cảnh lịch sử, địa lý và xã hội của vị tử đạo đó như thế nào.
Cũng cần nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần, nói rõ cách mà các thánh tử đạo tìm thấy sức mạnh của mình nơi Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần ban cho họ đức tin bất khả chiến bại. Khi họ bị chất vấn, Ngài truyền cảm hứng cho họ bằng những câu trả lời sắc sảo và kiên định đến bất ngờ. Chúa Thánh Thần ban cho họ sức mạnh không chỉ để chịu đựng hàng ngàn lần đánh đập, tra tấn, lăng mạ và sỉ nhục, mà còn để làm điều đó với niềm vui và bình an, như nhiều câu chuyện kể lại. Bạn nên giải thích rằng niềm vui này không phải là sự thờ ơ trước đau khổ, mà là sự tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa.
2- Các vị tử đạo, tấm gương cho mọi Kitô hữu
Tại sao lại nói về các thánh tử đạo với trẻ em? Các vị tử đạo là tấm gương sáng và là nguồn cảm hứng cho chúng ta. Có lẽ chúng ta không được kêu gọi để dâng hiến mạng sống của mình trong một cuộc tấn công nào, để chịu đựng sự tra tấn và hành hình thể xác (điều đó nói rằng, bạn không bao giờ biết). Nhưng, trong mọi trường hợp, tất cả chúng ta đều được kêu gọi, ngay cả những đứa trẻ, để cống hiến mạng sống của mình hàng ngày, vào mọi thời điểm. Nó ít ngoạn mục hơn, nhưng không hẳn là dễ dàng hơn. Vậy thì các vị tử đạo dạy chúng ta điều gì để giúp chúng ta hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa?
Việc quá lo lắng trước về những gì có thể xảy ra cũng chẳng ích gì. Dù đó là gì, Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta sức mạnh và sự bình an để vượt qua tất cả. Điển hình, Thánh nữ trẻ Blandina ở Lyon đã biết trước sự đau khổ đang chờ đợi mình, và chị tin rằng mình không có khả năng chịu đựng nó, nhưng khi thời điểm đến, Thiên Chúa đã ban cho chị tất cả những gì chị cần để đối mặt với nó.
Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Ngài chỉ yêu cầu chúng ta hãy để Ngài ban cho chúng ta sức mạnh của Ngài. Tất cả những gì chúng ta cần làm là cho phép Ngài hành động, để chúng ta sẵn sàng đón nhận Chúa Thánh Thần, và để làm được như vậy, điều đầu tiên chúng ta cần làm là nhận ra sự mong manh của mình. Chúng ta nên giúp con cái kết hợp thái độ này vào những sự việc cụ thể trong cuộc sống của chúng. Không phải bằng vũ lực, bằng ý chí tuyệt đối. Cần phải nỗ lực, điều đó đúng, nhưng với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, nhìn nhận mình là tội nhân, biết mình yếu đuối, nhận ra lỗi lầm và thất bại của mình trên đường đời, luôn giữ vững lòng tin cậy nơi Thiên Chúa.
3- Đừng “xấu hổ” khi mang danh là Kitô hữu
Điều quan trọng là phải giải thích cho trẻ em rằng các vị tử đạo cũng dạy chúng ta có lòng can đảm để đứng lên vì đức tin của mình mà không sợ bị chế giễu, xúc phạm hoặc đánh đập. Có lẽ rất khó đối với một đứa trẻ, và không nghi ngờ gì nữa đối với một thiếu niên, dám nói rằng chúng là người Kitô hữu và cư xử như vậy trong một môi trường đầy ghen ghét và thù địch. Vì những khó khăn này, chúng có thể rút lui, trở nên lo lắng hoặc trở nên phòng thủ bằng cách khoác lên mình lớp vỏ bảo vệ là không khoan nhượng, phán xét người khác. Tùy thuộc vào tất cả chúng ta,các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục, dạy cho trẻ luôn tự hào về đức tin của mình, không phải là những Kitô hữu “xấu hổ” vì sự chịu đựng, nhưng tự hào về thái độ hòa bình và bác ái. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là trẻ em phải nói về điều đó với cha mẹ của chúng, thông qua lòng trắc ẩn… và một chút hài hước.
Hãy dạy trẻ rằng chúng ta không thể là anh hùng trong lĩnh vực đức tin, nhưng đồng thời thiếu sót trong lĩnh vực bác ái. Chúng không thể bị phân tách. Làm chứng cho đức tin của chúng ta không chỉ có nghĩa là khẳng định niềm tin của chúng ta mà còn, và trên hết, là cư xử với tư cách là Kitô hữu, tức là môn đệ của Đấng đã ban cho chúng ta lòng trắc ẩn và tình mến như điều răn đầu tiên của chúng ta. Thần Khí ban sức mạnh cũng như sự ngọt ngào.
Tác giả: Christine Ponsard
Lược dịch: Thụy Uyên
2021
10 Câu nói của các thánh để suy ngẫm vào dịp lễ Tạ ơn
10 Câu nói của các thánh để suy ngẫm vào dịp lễ Tạ ơn
Từng ngày và mọi ngày đều nên trở thành một dịp tạ ơn dành cho Thiên Chúa, giống như các thánh trên thiêng đàng. Nhân dịp kỷ niệm đặc biệt của ngày lễ Tạ ơn, hãy cùng suy ngẫm 10 câu nói của các thánh dưới đây về tầm quan trọng của lòng biết ơn.
Rawpixel.com/Shutterstock
- Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta:“Cách tốt nhất để bày tỏ lòng biết ơn của tôi là vui vẻ đón nhận mọi điều, ngay cả những vấn đề của mình.”
- Thánh Gianna Beretta Molla:“Bí mật của hạnh phúc là sống từng giây từng phút và tạ ơn Thiên Chúa vì tất cả những gì mà Người đã ban cho chúng ta ngày này qua ngày khác, do lòng nhân từ của Người.”
- Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II:“Duc in altum! (Hãy ra chỗ nước sâu!) Những lời này vang vọng đến chúng ta ngày hôm nay, và những lời đó mời gọi chúng ta hãy nhớ về quá khứ với lòng biết ơn, sống trong hiện tại với lòng hăng hái và hướng tới tương lai với lòng tin cậy.”
- Thánh nữ Têrêsa Lisieux:“Chúa Giêsu không đòi hỏi chúng ta những hành động lớn lao, nhưng chỉ đơn giản là phó thác và biết ơn.”
- Thánh Josemaría Escrivá:“Hãy tập làm quen với việc nâng tâm hồn lên Thiên Chúa, qua những hành động tạ ơn, nhiều lần trong ngày. Vì Người ban cho bạn điều này điều kia. Vì bạn đã bị khinh thường. Vì bạn có hay không có những thứ bạn cần. Vì Người đã làm cho Mẹ của Người, cũng là Mẹ của bạn, được xinh đẹp tuyệt trần. Vì Người đã dựng nên mặt trời và mặt trăng, muông thú và cỏ cây. Vì Người đã ban cho người này có tài hùng biện, còn bạn thì ấp úng nói chẳng nên lời… Hãy tạ ơn Người vì tất cả mọi thứ, vì tất cả đều tốt đẹp.”
- Thánh nữ Têrêsa Ávila:“Hãy nhận thấy sự quan phòng và khôn ngoan của Thiên Chúa nơi mọi tạo vật, và trong mọi sự, hãy tạ ơn Người.”
- Chân phước Solanus Casey:“Hạy tạ ơn Thiên Chúa trước kỳ hạn.”
- Thánh nữ Mary Euphrasia Pelletier:“Lòng biết ơn là ký ức của tâm hồn.”
- Thánh Gioan Vianney:“Hãy tin tưởng và tôn thờ. Hãy tin rằng Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện nơi Bí tích này cách thực sự cũng như Người đã ở trong cung lòng Mẹ Mariachín tháng, cũng như Người đã thực sựchịu đóng đinh trên thập giá. Hãy tôn thờ với lòng khiêm nhường và biết ơn.”
- Thánh Phanxicô, trong“Bài ca Mặt trời”:
Xin ngợi khen Ngài, lạy Thiên Chúa của con, cùng với muôn thụ tạo của Ngài,
đặc biệt nhất là nhờ Anh Mặt Trời mà một ngày mới ló dạng;
cũng nhờ Anh, Ngài soi chiếu chúng con,
Anh tươi đẹp và tỏa ánh rạng ngời,
Anh tượng trưng Ngài, Lạy Đấng Tối Cao.
Xin ngợi khen Ngài, lạy Thiên Chúa của con, qua Chị Mặt Trăng và muôn Tinh Tú;
trên nền trời Ngài đã làm cho họ được lung linh, cao quí và diễm lệ…
Hãy ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa của tôi,
hãy tạ ơn và phụng sự Người với trọn lòng khiêm hạ.
Tác giả: Katie Yoder
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
2021
Marie de Hennezel: Sống với điều vô hình là trải nghiệm chung của mọi người
Marie de Hennezel: Sống với điều vô hình là trải nghiệm chung của mọi người
Những giấc mơ, những trùng hợp, những trực giác nội tâm, mối quan hệ với người đã khuất của chúng ta… Trong quyển sách mới nhất của bà Marie de Hennezel, nhà tâm lý trị liệu, bà khám phá tất cả những nhận thức vốn có ở con người, chứng minh cho mối liên hệ liên tục của chúng ta với điều vô hình.
Chúng tôi gặp bà trong căn hộ dưới các mái nhà Paris để nói về điều vô hình. Ngôi nhà yên bình ấm áp là nơi sinh sống của tất cả những hiện diện này, đánh dấu cuộc hành trình cá nhân của nhà tâm lý học và trị liệu tâm lý Marie de Hennezel. Một thiên thần bằng gỗ mạ vàng với nụ cười bí ẩn ở giữa nhà, đó là từ mẹ của bà.
Dọc các bức tường, giữa hai góc nhìn bầu trời là các biểu tượng, các chân dung; một phi công trẻ, một người chú làm việc với Đại Tướng De Gaulle; các bức tranh của ông nội, bức khắc của bà nội yêu quý mà bà thường xin được che chở. Dưới các hình ảnh tốt lành được đề cập trong quyển sách mới nhất của bà, Sống với điều vô hình (Vivre avec l’invisible, Robert Laffont / Versilio), một bản tường thuật những kinh nghiệm thu thập được trong hơn mười năm, qua quá trình gặp gỡ và đồng hành.
“Sống với điều vô hình” như tựa đề quyển sách của bà có là chuyện tự nhiên đối với con người không?” Chúng ta tất cả đều có khả năng này trong người mình không?
Bà Marie de Hennezel: Đây không phải chỉ là một khả năng, đây là thực tế. Tôi đã phát hiện ra nó! Nhiều người sống với điều vô hình, nhưng họ không nói vì họ sợ bị hiểu lầm và bị gán cho là không hợp lý. Đó là một chủ đề cấm kỵ. Chỉ khi tôi bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm bản thân, tôi mới nhận những lời chứng từ nhiều nguồn khác nhau. Trải nghiệm này là phổ biến, nhưng trong xã hội duy lý Descartes của chúng ta, mọi người đều trải nghiệm điều này một cách bí mật.
Làm thế nào để sự hiện diện vô hình này tự thể hiện?
Mỗi người đều đặt những thực tế rất khác nhau đằng sau từ này. Những giấc mơ, những biểu hiện của vô thức là một phần của nó. Một số là những điềm báo trước, là âm vang của một cuộc họp hoặc một sự kiện sẽ xảy ra trong thực tế.
Đôi khi đây là những trùng hợp đơn giản: bạn mơ hoặc nghĩ về một người nào đó mà bạn không gặp từ lâu, người đó gọi cho bạn trong cùng một ngày. Gần đây tôi trải nghiệm một ví dụ về sự trùng hợp này giữa những suy nghĩ và thực tế của chúng ta.
Để viết quyển sách tiếp theo của tôi, một quyển từ điển về tình yêu cho sự cô độc, tôi đã phát hiện ra ở Đảo Yeu (Île d’Yeu), nơi tôi sống một phần đời, có những căn lều biệt lập trước mặt biển. Những ngày gần đây, khi kết thúc một buổi hội thảo, một người tham dự đến nói chuyện với tôi, ông nói về mối liên kết của tôi với Đảo Yeu và cho tôi xem một bức ảnh căn lều ngư dân ông có ở đó. Ông đề nghị tôi đến đó ở để viết lách! Đây là một ví dụ về mối liên hệ vô hình này giữa một ý nghĩ có trong đầu và một yếu tố thực tế có thể thực hiện ước muốn của mình.
Bà nói đến một tiếng nói nội tâm nhỏ nhoi thì thầm trong lòng để hướng dẫn. Khoa phân tâm học nói gì về những dạng trực giác này?
Chúng ta biết trước điều trong lòng, nhưng chúng ta không nhận thức được tất cả những gì chúng ta biết. Sự hiểu biết nội tâm này thỉnh thoảng thể hiện dưới dạng trực giác. Đó là tiếng nói nho nhỏ chúng ta nghe trong tận sâu thẳm trong lòng: ví dụ điều gì đó nói với tôi, tôi nên đi dự cuộc họp này hoặc tôi không nên đi chuyến du lịch kia.
Là người theo thuyết của tâm lý gia Jung, tôi hiểu, tất cả chúng ta đều có vô thức cá nhân, vô thức gia đình và cả vô thức tập thể. Ký ức và kiến thức về sự tiến hóa và số phận của chúng ta dần dần được chiếu sáng qua cuộc sống, qua giấc mơ, qua những trùng hợp, những sự kiện. Đây là điều mà Jung gọi là “quá trình cá nhân hóa”, một “thiên chức” phải được trải nghiệm và hoàn thành thông qua sự tồn tại của chúng ta. Nếu Freud nhìn thấy trong vô thức biểu hiện của người bị kìm nén, thì Jung nói rộng hơn, trong tâm hệ có một phần của tâm hồn và một phần của điều vô hình.
Bà có nhận thấy trẻ con có mối liên kết tự phát này với điều vô hình, như một “kiến thức từ bên trong” không?
Đây là một diễn tả tuyệt vời của bạn tôi, bà Sevim Riedinger, nhà trị liệu theo tâm lý gia Jung, bà trị liệu cho các trẻ em thuộc mọi tầng lớp xã hội, trong đó có nhiều trẻ em thuộc các gia đình theo thuyết bất khả tri và vô thần. Bà nhận thấy trẻ con “biết”, chúng nhận thức được những điều mà người lớn không còn cảm nhận, nhưng đối với chúng, những điều này lại là tự nhiên: chẳng hạn chúng ‘sáng chế’ ra các bạn đồng hành chúng tưởng tượng để nói chuyện.
Chỉ đến khi 7-8 tuổi, tuổi của “lý trí” thì chúng sẽ tách ra khỏi “kiến thức nội tâm” này và đi vào lãnh vực lý trí hơn. Chẳng hạn đứa trẻ sẽ nhận khía cạnh dứt khoát của cái chết. Khi chúng trên 8 tuổi, nếu chúng chỉ ở trong “kiến thức nội tâm” thì tình trạng này có thể làm cho quan hệ của chúng với thực tế bị xáo trộn.
Theo bà, khi cuối đời, người lớn tuổi có thể tìm lại khả năng liên quan đến nội tâm này không?
Khi chúng ta lớn tuổi, con người nội tâm, con người chiêm ngắm sẽ chiếm nhiều chỗ hơn trong cuộc đời. Từ đó, chúng ta nhận thức được nhiều thứ hơn là khi chúng ta sống trong năng động, khi lý trí thống trị. Chúng ta có một nhận thức tốt hơn, một khả năng để cảm thấy vượt ra ngoài chính mình, gọi là khả năng tâm thể, một khả năng cảm nhận tinh tế, những người sống chiêm niệm càng tinh tế thì khả năng này càng mạnh, và được gọi là hapsis.
Một bệnh nhân nằm trên giường bệnh sẽ nhạy cảm với cách một người nào đó khi họ bước chân vào phòng, tương tự với trạng thái nội tâm của nữ y tá. Trong vũ trụ thu hẹp này, họ có khả năng tiếp thu nhạy bén hơn khi họ còn hoạt động và khỏe mạnh. Họ có khả năng nhân bản để kéo dài trong không gian. Đó cũng là điều các nhà trị liệu xương trải nghiệm (ostéopathe). Đầu của bạn ở trong bàn tay của họ, họ dùng kỹ thuật cảm nhận tinh tế hapsis của mình để cảm nhận sự rối loạn chức năng trong một bộ phận khác trên cơ thể của bạn.
Cuối cùng, chính phần kéo dài vô hình này mà những người dễ bị tổn thương hoặc khuyết tật mới có thể sống. Tôi kết thúc quyển sách bằng lời tri ân đến những người người mù… những người cuối cùng lại là những người thấy.
Xin bà cho chúng tôi biết mối liên kết vô hình này giữa người sống và người chết. Quyển sách của bà nhấn mạnh nhiều đến “những làn sóng vô hình” này. Đó là ai?
Tôi mượn thành ngữ này của bà Sophie Davant. “Nhóm những điều vô hình” của tôi là tất cả những che chở mà chúng ta có thể cầu xin trong một vài giai đoạn khó khăn của cuộc sống. Một vị thánh, một người ông kính yêu, một thiên thần hộ mệnh… Thiên thần là ẩn dụ cho sự bảo vệ vô hình mà tất cả chúng ta cần, thiên thần là một phần của văn hóa tôn giáo nhưng cũng ảnh hưởng đến những người không có tôn giáo.
Ai mà chưa từng xin những sinh linh vô hình bảo vệ mình? Ông giám đốc nhà xuất bản của tôi, một người rất lý trí, đặc biệt ông không tin đạo, ông có bức hình bà ngoại để trên góc bàn làm việc. Ông nói chuyện với bà và xin bà giúp đỡ.
Trong nhà của tôi, tất cả những “người vô hình” của tôi đều ở đó, bằng cách này hay cách khác. Cộng đồng các tổ tiên, những người thân đã khuất, nhưng cũng là những người mà tôi đi theo cho đến cuối cuộc đời và những người đã trấn an tôi: “Marie, khi tôi ở phía bên kia, tôi sẽ giúp bạn!”.
Họ đặc biệt giúp tôi khi tôi nói về chủ đề cuối đời trong các cuộc hội thảo. Tôi xin họ đặt vào môi miệng tôi những lời thích hợp để tôi chia sẻ tốt nhất trải nghiệm này và làm cho thính giả nhận thức được tầm quan trọng của việc đồng hành với người sắp qua đời.
Về sự hiện diện của những người đã khuất, tôi nhận được rất nhiều chứng từ. Mối quan hệ này độc lập với các nền văn hóa và niềm tin tôn giáo. Sự hiệp thông của các thánh trong kitô giáo là sự không phân tách giữa thế giới của người sống và người chết.
Bà nhận được lòng tin tưởng vào điều vô hình từ giáo dục của bà, từ trải nghiệm hàng ngày, nhưng bà không tìm cách để chứng minh điều này?
Trong quyển sách này, tôi không khẳng định, tôi không cố gắng chứng minh bất cứ điều gì. Tôi chỉ ghi nhận nhiều người trong chúng ta sống mối quan hệ này. Như nhà thơ người Đức Rilke viết, “chúng ta bị đóng khung bởi điều vô hình.” Và điều bí ẩn này, như cố tổng thống Pháp François Mitterrand đã nói với tôi, “chúng ta sẽ không bao giờ chứng minh được điều này, chúng ta sống với nó.”
Bà đã nói chuyện với cố tổng thống Mitterrand “về điều vô hình” và bà đã tiếp tục nói chuyện trong nhiều năm cho đến khi ông qua đời. Bà cũng đã nói những chuyện này trong một quyển sách khác Tin vào sức mạnh của tinh thần (Croire aux forces de l’esprit, nxb. Pocket). Ở khía cạnh nào cố tổng thống đã quan tâm đặc biệt đến vấn đề này?
Cố tổng thống Mitterand rất nhạy cảm với năng lượng của thiên nhiên, cây cối, của đá, năng lượng vũ trụ và những bí ẩn xuyên qua thế giới. Đó cũng là những nơi linh thiêng, cho dù đó là tảng đá của Solutré mà ông leo hàng năm hay nơi đại kết như Taizé. Chúng tôi có cùng điểm chung tâm linh này, mặc dù chúng tôi chưa bao giờ cùng nhau đến đó.
Chính ở Taizé, sau giai đoạn bác bỏ chủ nghĩa giáo điều của công giáo mà tôi được nuôi dạy, tôi đã trở về với cầu nguyện. Đây là kinh nghiệm thuộc thứ trật cảm giác cơ thể, nhận thức này tôi có được khi đi vào tận thâm sâu tâm hồn và kết nối tôi với điều vô hình. Tôi nhớ tôi đã khóc và Sư huynh Roger đã nói với tôi: “Bà đã sống trải nghiệm tuôn trào tinh thần.” Cảm xúc của chúng ta không chỉ là tình cảm mà còn là tinh thần.
Chúng ta đang nói về những người bảo vệ, hướng dẫn, đồng hành, nhưng có thể có nguy cơ mở lối cho điều vô hình không?
Thực sự có một mối nguy hiểm trong việc tìm kiếm điều vô hình. Để bản thân mình được hướng dẫn, nhờ một người thân đã khuất che chở mình, được! Nhưng tìm sức mạnh của lực huyền bí thì không! Có một phần ý chí phải rèn luyện để không mở cánh cửa ra cho nỗi sợ hãi của bạn.
Với những người nghĩ mình là nạn nhân của số phận, những người mong manh nhất mà tôi đã gặp trong những năm tháng hành nghề ở bệnh viện, chúng tôi có thể dạy cho họ sự cần thiết phải xây một lớp bọc bảo vệ tinh thần, bằng cách nhờ đến sự hiện diện một hình ảnh vô hình nhân từ như một thiên thần chẳng hạn.
Trong một buổi họp y tế ở thành phố Montpellier, bác sĩ của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã truyền cho chúng tôi phương pháp tu tập phật giáo này: hình dung cơ thể mình tràn đầy ánh sáng và mở rộng sự trong sáng này xung quanh mình như một lớp bọc bảo vệ. Những nghi thức nhỏ này không loại trừ sự bảo vệ hợp lý, nhưng làm cho chúng ta tự tin hơn. Chúng ta biết cảm xúc đã đóng vai trò quan trọng như thế nào trên sức khoẻ tinh thần của chúng ta.
Chúng ta nên nghĩ gì về những nhà ngoại cảm và những người có thiên nhãn?
Tất cả chúng ta đều có một hạt nhân gọi là “loạn tâm thần” trong tâm hồn, một không gian và một kiến thức mà chúng ta bị ngắt kết nối với thực tế, các nhà phân tâm học trường phái anglo-saxon đều nói về điều này. Khi lớn lên, chúng ta tách ra khỏi nó, tạo một rào cản giữa không gian này và chúng ta. Nếu không có nó, chúng ta sẽ không thể thích ứng với thực tế cuộc sống.
Nhưng có một số người tách ra khỏi nó một phần, và thông qua một vài “mảng” vẫn còn mở, sẽ cho thấy một trực giác sâu sắc hơn nhiều so với những người khác. Chúng tôi rất muốn đi gặp họ… Lời khuyên của tôi là hãy tin tưởng vào bản thân nhiều hơn, lắng nghe tiếng nói bên trong của chính mình.
Chúng ta không cần nhà ngoại cảm để giao tiếp với người đã khuất, để kết nối với người thân yêu mà chúng ta đã có liên hệ suốt đời. Chúng ta chỉ cần nói chuyện với họ. Chúng ta nhận được câu trả lời qua giấc mơ, qua cảm xúc nội tâm. Chúng ta phải có nhiều tự do nội tâm để lắng nghe họ.
Về cơ bản, quyển sách của tôi viết về mối liên kết, dù đó là địa điểm, là người thân yêu hay tâm linh, những liên kết này là một phần hạnh phúc của chúng ta. Tình yêu được gieo vào lòng con người và tình yêu này không bao giờ ngừng đi tìm lại niềm vui qua việc giao tiếp với người khác. Sống với bí ẩn này làm cho chúng ta hạnh phúc và tất cả mọi người đều có thể chia sẻ kinh nghiệm này.
Sống với điều vô hình (Vivre avec l’invisible, nxb. Robert Laffont / Versilio)
Bà Marie de Hennezel tiếp tục viết quyển nhật ký với điều vô hình mà bà đã viết trong gần hai mươi năm, bà thu thập các chứng từ của bạn bè, các bệnh nhân của bà, các mối quan hệ nghề nghiệp nhưng cũng rút từ các nguồn văn học và phân tâm học. Một tường thuật hấp dẫn về những trải nghiệm mà không tìm cách chứng minh bất cứ điều gì, chỉ nói lên sự phong phú nội tâm của con người.
Marta An Nguyễn dịch