2021
Sự ưng thuận kết hôn
Sự ưng thuận kết hôn
Hỏi: Trong cử hành hôn phối: khi nào thì hôn nhân thành sự, nghĩa là lời cam kết có hiệu lực? Trường hợp lời cam kết không có hiệu lực vì thiếu ưng thuận, thì sự ưng thuận sau này có tính cách hồi tố không? Còn nếu hôn phối vô hiệu vì những lý do khác, thì làm thế nào để sửa chữa lại?
Trả lời:
Sự ưng thuận tự do sáng suốt và trách nhiệm làm cho hôn phối thành sự. Truyền thống các phán quyết của tòa thường tuyên bố hôn phối vô hiệu nếu sự ưng thuận bị khiếm khuyết hay bị thương tổn cách nào đó ngay lúc trao đổi lời cam kết (không trước, không sau). Các nghi thức khác không có ảnh hưởng gì cho việc thành sự hôn phối. Sự ưng thuận trước khi cử hành, dầu là trong một thời gian dài cũng không thể biện hộ cho sự ưng thuận không có hoặc khiếm khuyết lúc trao đổi lời cam kết. Sự ưng thuận ngầm sau khi về với nhau, cả việc hai người đ ăn ở với nhau có con, cũng không hồi tố hiệu lực cho sự ưng thuận không có hoặc khiếm khuyết lúc trao đổi lời cam kết.
Trong trường hợp trước đó không ưng thuận nhưng về sau ưng thuận hoặc hôn phối vướng mắc ngăn trở nào đó, thì giáo luật quy định một số cách thức để sửa chữa lại, làm cho hôn phối đã không thành trở lại có hiệu lực.
- Việc hiệu lực hóa đơn giản hay cử hành hôn phối lại (đ.1156-1160).
Sự vô hiệu của hôn phối đ cử hành có thể do nhiều nguyên do:
– Có ngăn trở tiêu hôn mà chưa được miễn chuẩn.
– Có khiếm khuyết trong sự ưng thuận của một trong hai hoặc cả hai.
– Thiếu thể thức giáo luật khi trao đổi sự ưng thuận.
Hiệu lực hóa là hành vi pháp lý của một trong hai hoặc cả hai người kết hôn làm lại sự cam kết ưng thuận hôn phối, khi sự ưng thuận này bị khiếm khuyết làm cho hôn nhân không thành.
Hiệu lực hóa đơn giản là “một cách thức được thực hiện ở tòa trong nhằm mục đích làm yên lương tâm một người phối ngẫu nghĩ rằng hôn phối mình đã cử hành với người kia là vô hiệu mà không cần phải kiểm chứng lại” (J.P.Schouppe). Nếu nguyên nhân làm cho hôn phối vô hiệu là công khai (có thể kiểm chứng được), thì việc hiệu lực hóa phải thực hiện bằng việc cử hành hôn phối lại.
Để có thể thực hiện việc hiệu lực hóa hôn phối, phải chắc chắn rằng khiếm khuyết làm cho hôn phối vô hiệu không còn nữa, một bên hoặc hai bên phối ngẫu đều biết về khiếm khuyết nầy. Phải cam kết lại sự ưng thuận theo thể thức giáo luật một cách công khai khi đó là khiếm khuyết công khai và cam kết lại cách riêng tư hoặc kín đáo khi khiếm khuyết còn kín. Trong trường hợp sau, chỉ cần làm ở tòa trong, không cần ghi sổ sách. Mục đích làm lại việc cam kết một cách công khai là để làm chứng rằng sự khiếm khuyết công khai trước đây đã bị xóa bỏ và hôn phối đã được thực hiện thành sự. Các trường hợp:
- Hôn phối vô hiệu vì mắc ngăn trở tiêu hôn:
Sẽ cử hành lại hôn phối sau khi ngăn trở đã hết.
1/ Tiêu hủy ngăn trở.
Để thực hiện hiệu lực hóa, trước tiên phải tiêu hủy ngăn trở còn vướng mắc. Việc hủy bỏ ngăn trở có thể do cái chết của người phối ngẫu trong hôn phối trước, việc giải phẫu chữa bệnh làm chấm dứt tình trạng bất lực; hết tuổi vị thành niên hoặc do một ơn chuẩn (x. đ.1079-1082).
2/ Làm lại việc cam kết.
a/ Bên phía người phối ngẫu biết ngăn trở, phải thực hiện lại lời cam kết ưng thuận (đ.1156), ngay cả lúc cử hành ban đầu, hai người đã trao đổi sự ưng thuận và đã không rút lại sau đó. Việc thực hiện lại lời cam kết là một hành vi mới của ý chí để hợp pháp hóa hôn phối mà người thực hiện lại biết rằng hôn phối ấy đã không thành ngay từ đầu. Nếu cả hai đều biết ngăn trở thì cả hai phải thực hiện cam kết lại.
b/ Thể thức: nếu ngăn trở là công khai (ít là chứng minh được ở tòa ngoài) thì cả hai bên phải cam kết lại, có thể cách kín đáo, theo thể thức giáo luật, trừ khi được miễn chuẩn thể thức này trong hôn phối hỗn hợp hoặc trong trường hợp nguy tử. Sau đó phải ghi vào sổ bộ như một hôn phối mới để làm chứng ở tòa ngoài.
Nếu ngăn trở còn kín đáo (hoặc không thể chứng minh), thì chỉ cần một bên cam kết lại cách riêng tư hoặc kín đáo, nghĩa là không cần nhân chứng, miễn là bên kia vẫn còn duy trì sự ưng thuận trước đây hoặc là cả hai bên cam kết lại, nếu hai bên đều biết ngăn trở.
- Hôn phối không thành vì khiếm khuyết trong sự ưng thuận.
Bên đã không ưng thuận lúc cử hành hôn phối, lúc này ưng thuận lại và chắc chắn rằng bên kia vẫn còn duy trì sự ưng thuận.
Nếu sự khiếm khuyết ưng thuận có thể chứng minh được, thì cam kết lại theo thể thức giáo luật, như một cử hành hôn phối mới.
Nếu sự khiếm khuyết ưng thuận không thể chứng minh được, thì chỉ cần bên biết cam kết lại một cách riêng tư và kín đáo.
- Hôn phối không thành vì thiếu thể thức giáo luật.
Hai người phải thực hiện lại việc cam kết theo thể thức giáo luật (có thể chuẩn rao hoặc có thể theo cách thức kín đáo). Trường hợp hôn phối hỗn hợp hay khác đạo thì phải xin chuẩn.
Nếu hai bên không muốn làm lại lời cam kết theo thể thức giáo luật, mà chỉ muốn tiếp tục sống chung vợ chồng, thì phải xin chữa tận căn (sanatio in radice).
- Việc sửa chữa tận căn(x. GL đ.1161-1165).
Nguồn gốc phát xuất từ việc Đức Giáo Hoàng Bonifacio VIII đ ban phép sửa chữa tận căn cho hôn phối của Marguerite d’Aragon. Cách thức này đã được dùng để hợp thức hóa những trường hợp hôn phối đã cử hành thiếu thể thức giáo luật, sau cuộc ly giáo của nước Anh và sau cuộc cách mạng Pháp 1789. Cách thức này khác với việc hiệu lực hóa kể trên ở chỗ đây là hành vi của quyền lập pháp thực hiện việc miễn chuẩn có tính cách hồi tố theo luật, chứ không phải là hành vi cam kết lại của hai bên.
- Định nghĩa.
Giáo luật đ.1161 định nghĩa: Sửa chữa tận căn một vụ hôn phối không thành (matrimonium iritum) là khi thẩm quyền hữu trách cho hiệu lực hóa chính hôn phối đó mà không phải lặp lại sự ưng thuận, kèm theo việc miễn chuẩn ngăn trở, nếu có và miễn chuẩn thể thức giáo luật, nếu đã không giữ, cũng như phục hồi các hiệu lực giáo luật của hôn phối trong quá khứ.
- Thẩm quyền.
1/ Tòa Thánh.
Tòa Thánh có thẩm quyền tổng quát trong tất cả các nguyên nhân làm cho hôn phối không thành. Ngoài ra có hai loại sửa chữa tận căn dành cho Tòa Thánh:
Trường hợp hôn phối không thành do một ngăn trở dành cho Tòa Thánh. Theo GL. đ. 1078 §2 thì những ngăn trở ấy là: ngăn trở do chức thánh hoặc do lời khấn công khai vĩnh viễn về đức khiết tịnh trong dòng tu thuộc quyền Giáo Hoàng, ngăn trở tội ác nói ở điều 1090[1], hoặc một ngăn trở thuộc luật tự nhiên hay luật Thiên Chúa thiết lập đã chấm dứt (hôn phối trước, bất lực).
2/ Giám mục giáo phận.
Giám mục giáo phận cũng có thể ban phép sửa chữa tận căn nhưng chỉ tùy theo từng trường hợp một. Thẩm quyền này không bị hạn chế cả khi có nhiều nguyên nhân cùng một lúc, làm cho hôn phối bất thành.
Để sửa chữa tận căn hôn phối hỗn hợp, phải thỏa mãn đầy đủ các điều kiện nêu trong giáo luật đ.1125[2]. Giám mục không có quyền trong những trường hợp được dành riêng cho Tòa Thánh.
- Cách thức và hiệu quả.
1/ Điều kiện.
– Trong hôn phối cử hành trước kia, hai người đã thực sự trao đổi sự ưng thuận.
– Sự ưng thuận hôn phối đã được hai bên trao đổi vẫn còn tồn tại nơi đôi bạn cho đến lúc sửa chữa tận căn. Điều này được suy đoán cho đến khi có chứng cứ ngược lại.
– Việc trao đổi ưng thuận trước đây không thành vì có ngăn trở tiêu hôn hay thiếu thể thức giáo luật.
– Khi việc trao đổi lại lời cam kết ưng thuận, để hợp pháp hóa hôn phối, gây trở ngại khó khăn nghiêm trọng, thì được ban ơn sửa chữa tận căn do một hay cả hai phía thỉnh cầu. Nhưng nếu đôi bạn không còn có ý sống chung với nhau nữa thì việc ban phép sửa chữa tận căn là bất hợp luật.
2/ Hiệu quả.
Có hiệu quả hồi tố ngay khi được ơn sửa chữa tận căn và hồi tố trở lại từ lúc cử hành hôn phối, trừ trường hợp được minh thị cách khác.
Trường hợp có ngăn trở theo luật Chúa thì hiệu quả hồi tố trở lại từ lúc hết ngăn trở này.
Trường hợp ngăn trở theo luật tự nhiên hay luật thiết định thì ơn sửa chữa tận căn chỉ được ban sau khi hết ngăn trở và hiệu quả hồi tố trở lại từ lúc hết ngăn trở.
Không nên quan niệm sai lầm rằng: hễ hai người đã về chung sống với nhau, ăn ở với nhau có con cái là hôn phối đã thành sự và không thể nào tháo giải được.
Lm. Anphong Nguyễn Công Vinh
2021
Một đức tính giúp chúng ta hạnh phúc hơn
Một đức tính giúp chúng ta hạnh phúc hơn
Tính tiết kiệm là một phần quan trọng cho những vấn đề nan giải của cuộc sống và mang lại nhiều kết quả tốt đẹp.
Tất cả chúng ta đều tìm kiếm hạnh phúc. Nếu chúng ta hỏi ai đó liệu rằng họ có muốn hạnh phúc không, chắc chắn họ sẽ trả lời rằng: “Tất nhiên rồi!”
Tính tiết kiệm làm cho những người thực hành nó trở nên cao quý và giúp họ trở nên hạnh phúc. Nó cũng giống như một mảnh rời nhỏ bé nhưng thiết yếu trong những vấn đề nan giải của cuộc sống. Đó là một lối sống sinh nôi nẩy nở trong tinh thần đem lại cho chúng ta sự bình an nội tâm. Nhưng để sống tiết kiệm, điều cần thiết là phải biết cách tìm ra sự quân bình nơi những thứ mà chúng ta có được. Chúng ta không nên theo đuổi tính tiết kiệm chỉ như sự phủ nhận bản thân hay như chủ nghĩa rập khuôn theo một mốt nhất thời, mà hãy theo đuổi thứ gì đó mang lại lợi ích cho chúng ta với tư cách là một con người, điều giúp cải thiện cuộc sống của chúng ta.
Nền kinh tế của chủ nghĩa tiêu dùng xoay quanh cảm giác không hạnh phúc. Nó phụ thuộc vào việc chúng ta suy nghĩ, “Tôi cần đôi giày này để có hạnh phúc” hay “Ngày tôi có được chiếc xe đó, tôi sẽ hạnh phúc…”
Tuy nhiên, nếu chúng ta đang hạnh phúc và ý thức được về việc thỏa mãn, thì chúng ta sẽ không tìm kiếm một niềm hạnh phúc hời hợt nơi những đôi giày mới hay một chiếc xe hơi mới nào đó, và do đó, chúng ta sẽ trở nên tiết kiệm hơn. Hơn nữa, tính tiết kiệm không hoàn toàn là vấn đề cắt giảm tiêu dùng càng nhiều càng tốt, mà là sống với sự vô tư và lòng biết ơn.
Rất dễ dàng để phân biệt được hạnh phúc của những người có được trật tự nội tâm và sự thanh thản, với những người mang vẻ bề ngoài không hài hòa với nội tâm của họ.
Tại thời điểm này, có lẽ câu hỏi đầu tiên để tự hỏi bản thân là: “Tôi có muốn mưu cầu hạnh phúc hay không?” Và câu hỏi thứ hai là: “Tôi phải bắt đầu sống tiết kiệm từ đâu nếu tôi muốn cùng gia đình mình thay đổi lối sống?”
Để bắt đầu, chúng ta phải xem xét những gì chúng ta cần thay đổi bên trong chính mình để theo đuổi được đức tính này. Sống tiết kiệm đòi hỏi sự tự nhận thức và tự chủ. Chúng ta có sẵn sàng nuôi dưỡng sự điều độ, chừng mực và nhã nhặn hay không?
Một khi chúng ta đã thực hiện được bước cam kết này, thì chúng ta mới có thể bắt đầu thực hiện một cuộc hành trình tinh thần qua từng không gian và thói quen trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, và mới xác định được những thói quen hay những thứ vật chất nào đã cướp đi sự bình an của chúng ta. Tiếp theo, chúng ta cũng nên phân tích xem chúng ta có thể cẩn trọng hơn trong những lĩnh vực nào của cuộc sống. Ví dụ: chúng ta có thể phân tích về nơi mà chúng ta có thể cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng không cần thiết (xe hơi, hệ thống sưởi, điện), về sản phẩm sử dụng hàng ngày nào bền vững hơn, về cách chúng ta có thể tái chế hiệu quả hơn và liệu chúng ta có cẩn trọng khi thấy cần phải đáp ứng một nhu cầu nào đó.
Khi chúng ta chuyển đến một ngôi nhà mới hay thay đổi quần áo cho một mùa mới trong năm, thì đây có thể là một dịp hoàn hảo để suy ngẫm về những nhu cầu thật sự của chúng ta, và do đó, hãy bán hay cho đi những gì chúng ta không cần đến, hãy luôn tìm cách cho đi những thứ vật chất của chúng tađể có được một cuộc sống thứ hai.
Điều cuốn hút tôi nhất về đức tính tiết kiệm chính là khía cạnh của việc học cách mang đến cho từng vật dụng giá trị thích hợp của nó. Những hành động, quyết định và việc mua sắm của chúng ta trở thành một thứ gì đó hơn là một phản ứng bốc đồng đối với ước ao được thỏa mãn tức thời, đối với nhu cầu cấp thiết để thỏa mãn ý thích hay đối với ảo tưởng về việc lấp đầy lỗ hổng cảm xúc. Mọi thứ đều có một ý nghĩa, một lý do để tồn tại, đó là vì lợi ích chung và sự tiêu dùng có trách nhiệm.
Có rất nhiều lợi ích của việc thực hành tính tiết kiệm:
- Việc thực hành tính tiết kiệm giúp chúng ta nhận biết và điều chỉnh bản thân.Nó cho phép chúng ta trở thành người làm chủ của chính mình. Nó sắp xếp cách trật tự độ nhạy cảm và cảm xúc của chúng ta, cũng như sở thích và ước muốn, và những khuynh hướng sâu xa nhất của chúng ta: tóm lại, tính tiết kiệm giúp chúng ta tìm thấy sự cân bằng trong việc sử dụng của cải vật chất, và giúp chúng ta khao khát vươn tới điều tốt đẹp hơn (x. GLHTCG, số 1809).
- Việc thực hành tính tiết kiệm làm cho chúng ta trở nên sáng tạo và quân bình hơn.Tính tiết kiệm phát triển đáng kể khả năng sáng tạo của chúng ta, bởi vì nó mời gọi chúng ta tận dụng tối đa tất cả các nguồn lực của mình và khám phá tiện ích thực sự của chúng.Tính tiết kiệm tạo điều kiện cho những thứ cũ kỹ có thêm một cơ hội và đức tính này cũng giúp ích cho việc tìm thấy vẻ đẹp nơi những thứ đơn giản hơn.
- Việc thực hành tính tiết kiệm nuôi dưỡng các mối quan hệ của con người ở một phẩm chất cao hơn.Nếu chúng ta thực hành tính tiết kiệm, thì chúng ta sẽ nhận được nhiều hơn sự tôn trọng và lòng yêu thương của những người xung quanh. Tính tiết kiệm khuyến khích chúng ta sống tích cực hơn trong hiện tại, với lòng biết ơn, có ý thức và được nối kết với tất cả những nét đẹp sẵn có nơi mỗi con người.
- Việc thực hành tính tiết kiệm giúp chúng ta chịu đựng tốt hơn khi gặp phải nỗi thất vọng.Tính tiết kiệm về mặt cảm xúc giáo dục chúng ta nhận ra rằng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể thỏa mãn những mong muốn của mình.
Hạnh phúc không nằm ở việc có được nhiều thứ hơn hay hoàn thành được tất cả những gì chúng ta mong muốn. Tính tiết kiệm là một chỉ dẫn tốt đẹp giúp chúng ta không bận tâm tìm kiếm cái Vô Hạn trong cái hữu hạn một cách tuyệt vọng và không thành công.
Tác giả: Miriam Esteban Benito
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
2021
Tâm tình mùa Vọng
Tâm tình mùa Vọng
Một mùa Giáng Sinh nữa đang tới gần khi xã hội còn nhiều lo toan, biến động bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, nhiều vị Giám mục đã gửi thư tới tín hữu nơi mình coi sóc…
GIỮ VỮNG NIỀM HY VỌNG
Dẫn vào bức thư tâm tình của mình, Ðức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận TPHCM Giuse Nguyễn Năng đã nêu bật hoàn cảnh hiện tại rằng từ hai năm qua, bóng đen Covid-19 đè nặng cuộc sống nhân loại. Ðến nay bóng tối chưa qua hẳn, nhưng ánh sáng của bầu trời xanh đã lộ diện. Ðã có lúc đại dịch phủ bóng sợ hãi lo buồn, nhưng chúng ta đã giữ vững niềm hy vọng. Ðức Tổng mong mỏi các thành phần Dân Chúa TGP TPHCM hãy tiếp tục cậy trông, tin tưởng và phó thác: “Bước sang năm mới 2022, không biết tương lai sẽ thế nào, nhưng chúng ta luôn hy vọng và tin vào tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trong mầu nhiệm Giáng Sinh. Hãy giữ vững niềm hy vọng để đừng sao nhãng việc cầu nguyện. Anh chị em hãy trở lại nhà thờ để gặp gỡ Thiên Chúa qua các bí tích trong cộng đoàn Hội Thánh. Thánh lễ trực tuyến không thể thay thế việc tham dự trực tiếp. Trong thời gian giãn cách xã hội, chúng ta đã có kinh nghiệm về sự đói khát thiêng liêng. Nay được tới nhà thờ, anh chị em hãy tham dự phụng vụ cách ý thức và sốt sắng hơn. Hãy giữ vững niềm hy vọng để xây dựng cuộc sống xã hội cũng như gia đình trong hoàn cảnh bình thường mới”.
Chuẩn bị tâm hồn đón mừng lễ Giáng Sinh |
Chia sẻ với cộng đoàn Dân Chúa TGP Huế, Ðức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh bày tỏ niềm vui mừng, tự hào vì trong cơn dịch vừa qua các tín hữu đã sống tình thân ái, gắn kết với nhau bằng những cử chỉ giàu tính nhân văn. Ðức cha mời gọi giáo hữu hãy giữ ngọn lửa ấy, sẵn sàng đáp lại lời kêu mời của những ai cần. Ðức cha Cosma Hoàng Văn Ðạt, Giám mục giáo phận Bắc Ninh cũng nói lên những khó khăn mà các cộng đoàn, giáo hữu cùng trải qua trong sinh hoạt đức tin và đời sống thời gian vừa qua. Cùng với đó, ngài cũng đề cao những sáng kiến mục vụ, lòng nhiệt huyết, yêu thương nơi mỗi người, thể hiện qua nhiều hình thức. “Trong hoàn cảnh khó khăn, đã có nhiều sáng kiến mục vụ nhằm duy trì và thăng tiến đời sống đức tin. Hàng ngày từ nhà thờ Chính tòa, Thánh Lễ được cử hành trực tuyến giúp cho nhiều người có thể tham dự, nhất là những người già cả, neo đơn, tật nguyền hay cả những người khô khan. Khi tình hình dịch bệnh phức tạp tại một số nơi trong giáo phận, nhiều cá nhân, giáo xứ trong và ngoài giáo phận đã sẵn sàng trợ giúp các nạn nhân Covid; đặc biệt một số linh mục, tu sĩ và giáo dân đã tự nguyện vào tâm dịch để phục vụ”, Ðức cha Cosma chia sẻ.
THƯỢNG HỘI ÐỒNG GIÁM MỤC CẤP GIÁO PHẬN
Nhiều giáo phận, qua thư của các vị chủ chăn đã cho biết ngày khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục cấp giáo phận theo quyết định chung của HÐGMVN, đó là Chúa nhật thứ I Mùa Vọng, 28.11.2021. Tổng Giáo phận TPHCM, TGP Huế, TGP Hà Nội, các giáo phận Bà Rịa, Bắc Ninh, Kon Tum… và nhiều nơi khác đã có những hướng dẫn về việc cử hành lễ khai mạc này.
Tại Tổng Giáo phận TPHCM, Ðức Tổng Giuse Nguyễn Năng thông tin trong thời gian sắp tới, sẽ có những buổi gặp gỡ để tất cả và từng thành phần Dân Chúa thực hiện cuộc hiệp hành, nghĩa là cùng nhau cầu nguyện, trao đổi, lắng nghe, và phân định dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Các buổi sinh hoạt nhằm trả lời cho câu hỏi cốt yếu là chúng ta phải làm gì để xây dựng một Hội Thánh hiệp hành, nhờ đó Hội Thánh có thể loan báo Tin Mừng cách hiệu quả trong hoàn cảnh hôm nay. Ðức Tổng cũng bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền làm “linh hoạt viên” để quy tụ “nhóm hiệp hành” triển khai tiến trình hiệp hành cấp giáo phận. Ðức cha Alosio Nguyễn Hùng Vị, Giám mục giáo phận Kon Tum, trong thư mùa Vọng cũng mời gọi các tín hữu hãy cầu nguyện cho Thượng Hội đồng Giám mục 2023. Ðức Giám mục Bắc Ninh cũng cho biết ý nghĩa của Thượng Hội đồng Giám mục và vai trò, trách nhiệm của giáo dân. Ðó là mọi thành phần Dân Chúa được mời gọi cầu nguyện, gặp gỡ, lắng nghe và đóng góp ý kiến cho bản đúc kết chung của giáo phận.
Sống tinh thần Hiệp Hành |
Ðức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám mục giáo phận Bà Rịa cũng đã có những chỉ dẫn cho giáo phận với các hoạt động cụ thể như để khích lệ và giúp củng cố đời sống cầu nguyện cá nhân của các bạn trẻ và thiếu nhi, Giáo phận sẽ trao tặng mỗi người một cuốn sách kinh nhỏ, giúp các bạn trẻ và các thiếu nhi có thể cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc. Các linh mục và tu sĩ nam nữ: qua các buổi tĩnh tâm, thường huấn, sẽ học hỏi, thảo luận các đề tài liên quan, để có thể tham gia nhóm Ðiều phối viên và phục vụ cho tiến trình hiệp hành của cộng đoàn Dân Chúa tại giáo phận, giáo hạt và giáo xứ. Các giới và các hội đoàn: trong các giờ sinh hoạt, tĩnh tâm, sẽ học hỏi tài liệu do giáo phận phổ biến. Các tín hữu đều được mời gọi tham dự các buổi họp tại giáo xứ, giáo hạt hoặc giáo phận. Ðức cha Emmanuel nhắn nhủ: “Anh chị em hãy đóng góp phần mình cho hành trình của toàn thể Hội Thánh bằng việc tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo phận, bởi trong niềm xác tín vào sự hiện diện thường hằng của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội, chúng ta cũng dám tin rằng: mỗi kinh nghiệm cá nhân của từng Kitô hữu đều đáng quý trong tiến trình Hướng tới một Hội Thánh Hiệp hành: hiệp thông – tham gia – sứ vụ”.
Trong các bức thư, các vị chủ chăn cũng không quên gửi lời chúc bình an đến tín hữu và kêu gọi hãy mạnh mẽ dấn thân, chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa Giáng Sinh, dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Thiên Mi
2021
Thầy tôi là một nữ tu
Thầy tôi là một nữ tu
Trong hành trình trưởng thành, ngoài giáo viên đứng lớp, tôi đã gặp được những người thầy đồng hành, mang đến bài học quý từ chính các trải nghiệm. Mãi sau này, những kỷ niệm ấy vẫn còn ghi khắc...
Hồi nhỏ, tôi được các nữ tu chọn học đàn. Là đứa duy nhất trong giới thiếu nhi của một họ đạo nghèo được chọn với ước mong của cha xứ “có người kế thừa”, sau thế hệ của chú tôi đã ba chục năm gắn bó với sinh hoạt nhà đạo. Chú có dịp đi xa cũng chẳng dám ở lâu hay vài ba ngày vì bận tập đàn hát, chuẩn bị cho thánh lễ. Lễ ngày Chúa nhật, lễ cưới, đám tang… tất cả đều do một mình chú đàn. Ðể nghĩ cho tương lai xa hơn, cha sở với các dì đã sang tận nhà bàn chuyện với cha mẹ, xin cho tôi có thêm giờ học đàn, bên cạnh việc học ở trường. Dĩ nhiên cha mẹ tôi đồng ý và còn vui nữa. Vậy là, ngoài việc tham gia ca đoàn, giúp lễ, tôi biết mình sắp được giao nhiệm vụ mới. Tôi cũng thầm nghĩ không phải ngẫu nhiên các sơ chọn mình, nghĩa là mình có tố chất. Ngày ấy, mười một tuổi, vừa mới lớn, có những hạt giống tốt lẫn hạt giống xấu gieo vào tâm hồn tôi. Và thông thường, cái xấu dễ biểu hiện. Ðược sơ dạy riêng mỗi ngày, chỉ trong một tuần, tôi đã luyện trôi chảy các phím trên cả hai tay trái, phải. Và sau một tháng, sơ trình làng cho tôi đệm trong giờ lễ. Bắt đầu từ những bài bình ca như kinh Thương Xót, kinh Vinh Danh rồi dần dần, khi đã bớt run trước mọi người và học thuần thục, sơ giao tôi phụ trách lễ thiếu nhi, giới trẻ… cho đến hết những năm học phổ thông.
Nhưng bạn biết đấy, một đứa trẻ bỗng nhiên có cái gì nổi bật hơn các bạn cùng trang lứa, thì sẽ dễ sinh kiêu. Mà, tự kiêu vốn là bản tính của con người, nó thai nghén từ sâu trong cõi lòng. Nhận trách nhiệm, thay cho sự hào hứng xin vâng ban đầu là những dùng dằng, đôi co, khó chịu, thậm chí cố tình trễ nãi. Cái tôi thái quá được dịp ngoi dậy. Một lần, sau thánh lễ chiều Chúa nhật, sơ nhất gọi tôi lên nói chuyện với giọng điệu rất trang nghiêm. Cuộc trò chuyện kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ, về sau trở thành ký ức đáng nhớ. Sơ nói nhiều đến khả năng của mỗi người, đó là ơn riêng Chúa cho, nhưng khả năng được dùng để phục vụ cộng đoàn. Và nếu, tất cả mọi người đều có những năng khiếu như nhau, thì tôi lấy gì tự hào? Sơ chỉ vào những đoạn Thánh Kinh, các mẩu chuyện từ Cựu Ước đến Tân Ước để nhắc nhở về chuyện kiêu căng, đó là tội. Vừa nghiêm khắc, vừa sâu sắc, sơ bắt tôi xét mình, ngẫm nghĩ. Sau này, sơ đổi sang giúp xứ khác, tôi vẫn giữ liên lạc, cho tới ngày sơ nhắm mắt, từ giã cuộc đời.
Tôi biết ơn vì những roi vọt đúng lúc. Nếu không có sự can thiệp nhẹ nhàng mà nghiêm túc, ắt hẳn, ngọn lửa tự kiêu ấy sẽ còn bùng cháy. Lâu dần, ít nhiều ảnh hưởng đến nhân cách. Kỳ thực, có những bài học, trên con đường trưởng thành, nhờ va chạm mới nhận ra được. Cho dẫu gia đình có giáo dục kỹ càng đến mức nào thì tội lỗi vẫn luôn có dịp để phát sinh. Tôi may mắn vì có được người thầy – người nữ tu tận tâm, kịp thời sửa dạy. Nhờ lời sơ, tôi ý thức hơn những được mất trong cuộc đời mình. Những năng khiếu, thành công tất cả đều do Chúa. Bởi, “ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công!” (Tv 127,1).
THU HUYỀN