2021
Chúa sẽ giáng sinh ở đâu?
Chúa sẽ giáng sinh ở đâu?
Bạn thân mến!
Chúng ta đang sống trong một thế giới phát triển về khoa học công nghệ, mà người ta thường gọi là thế giới phẳng, hay thời đại 4.0, nhưng chúng ta cũng đang sống trong một nền văn hóa của sự chết bởi việc đề cao chủ nghĩa cá nhân, sự hưởng thụ, điều này dẫn đưa con người đến chỗ kiêu ngạo, tự mãn, ích kỷ, ganh đua, hận thù, luôn cố gắng thu tích, nghĩ đến quyền lợi của bản thân, dùng mọi điều để đạt được thứ mình muốn kể cả hy sinh người khác, như thế chúng ta đang đẩy đưa nhau và muôn loài thụ tạo đến chỗ tự hủy diệt.
Thế giới phẳng mọi người phải bình đẳng!
Thế nhưng, điều này chỉ có trong suy nghĩ, ước mơ của một số người mà thôi. Ngày hôm nay chúng ta đang sống trong một thế giới có vẻ là hòa bình, là văn hóa, nhưng thực chất không phải mọi nơi và với hết mọi người, đâu đó chúng ta nghe hay nhìn thấy chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật xảy ra khắp nơi, những câu chuyện thương tâm đầy dẫy trong xã hội, sự lọc lừa, dối trá len lỏi vào trong cả trường học là nơi giáo dục cho con người ta phẩm chất đạo đức. Có lẽ kinh nghiệm gần nhất đang xảy ra cho các bạn, cho tôi và cho tất cả mọi người trên thế giới này chính là sự xuất hiện của Covid Corona đã lấy đi biết bao nhiêu sinh mệnh con người, trẻ thơ mất cha mẹ, tình trạng gia đình ly tán, người dân thất nghiệp, tương quan hạn chế, người người sống trong lo âu, sợ hãi, hoang mang, con người mất hy vọng – niềm tin vào cuộc sống, nói chính xác hơn con người mất niềm tin – hy vọng nơi nhau. Chúng ta có thể hỏi: Tại sao lại như vậy? Tại sao cùng là con người mà chúng ta không thể tin tưởng nhau? Lý do nào khiến chúng ta đề phòng lẫn nhau? Câu trả lời đơn giản thôi, bởi chúng ta đang dần đánh mất bản tính con Thiên Chúa nơi mình, khi chúng ta nghi ngờ, chối bỏ sự hiện hữu của Người, không để cho Người được sống, được cư ngụ và làm chủ cuộc đời chúng ta. Vậy mà khi có những biến cố đau thương ập đến, chúng ta lại kêu trách Người, hỏi Người ở đâu, tại sao lại để thế giới, con người ra nông nỗi này, Thiên Chúa quyền năng sao không làm gì hết vậy,…rồi chúng ta nghi ngờ Người, Đấng luôn yêu thương chúng ta đến cùng. Đó là một tình yêu không xa cách, mơ hồ, nhưng là một tình yêu cụ thể, trở nên người phàm như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.
Cách đây hơn 2000 năm, Thiên Chúa hạ sinh trong thận phận trẻ thơ, không một ai đón tiếp, nhà Chúa sinh ra là hang đá lạnh lẽo, hôi tanh của bò lừa, chiếc nôi Chúa nằm là máng cỏ, hơi ấm giữ Chúa là rơm rạ, là hơi của bò lừa thở ra. Một Thiên Chúa tác tạo nên vũ trụ và thế giới này, sinh ra bạn và tôi, luôn dành hết tình yêu thương chăm sóc con người, vậy mà Người bị chính con người chối bỏ, cuối cùng bị chính con người giết chết trên thập tự, nhưng Ngài vẫn yêu thương chúng ta.
Mừng lễ giáng sinh năm nay chúng ta thấy gì, phải chăng đó là những nghi thức, bài trình diễn ca nhạc,…chúng ta có tìm thấy ý nghĩa và lời mời gọi nên một mà Chúa dành cho chúng ta không?
Tôi muốn nói với bạn Chúa đã giáng sinh rồi, nhưng Chúa vẫn còn muốn giáng sinh nữa, không phải ở hang đá Bêlem năm xưa, nhưng ở trong tâm hồn bạn và tôi, Ngài muốn cư ngụ trong chính chúng ta, được sống giữa chúng ta và muốn chúng ta trở nên niềm hy vọng – tin yêu cho người khác bởi lối sống yêu thương, phục vụ, nhất là trong thời buổi đại dịch Covid, một chút hy sinh giúp đỡ, một chút lắng nghe, nếu không thể đến, chúng ta có thể gọi điện hỏi thăm, nếu lên Facebook chúng ta hãy đăng tải những dòng trạng thái khích lệ, nếu thấy ai đó sai lỗi hãy nhìn với con mắt cảm thông, đừng xét đoán, đừng lên án, đừng chỉ trích nếu có ai đó chìa tay ra xin bạn giúp đỡ, đừng ngại cho nhầm, hãy cứ cho “thà cho nhầm 10 người mà không bỏ sót 1 người”. Hãy sống, hãy yêu thương đừng sợ thiệt thòi, hãy mở rộng cõi lòng để thấy đời bạn rộng mở, chúng ta không phải là hòn đảo, nhưng chúng ta duy nhất vì duy nhất nên chúng ta cần nhau.
Cách đây hơn 2000 năm Chúa đã phải sinh ra trong hang đá Bêlem lạnh giá vì sự chối bỏ của con người, ngày hôm nay Chúa đang chờ đợi bạn và tôi, Ngài đang đứng chờ đợi trước cửa nhà chúng ta qua tha nhân, liệu bạn và tôi có đủ rộng mở để đón tiếp Người hay không?
Hãy để Chúa được giáng sinh và cư ngụ trong chúng ta, chỉ có như vậy chúng ta mới thực sự sống. Nếu ta chối bỏ Thiên Chúa thì chúng ta chối bỏ chính mình.
Chúa sẽ vui khi được sống trong và giữa chúng ta.
Cầu chúc cho bạn và cả tôi nữa có một Mùa Giáng Sinh đầy ắp tình Chúa – tình người.
Anna Hoàng Hồng, Tập sinh Dòng MTG Thủ Đức
2021
Người Mẹ vĩ đại
Người Mẹ vĩ đại
Biết bao nhiêu bạn trẻ đã tự hào, vì mình được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, và họ càng sung sướng hơn khi có một người mẹ xinh đẹp, tài giỏi, luôn yêu thương họ,…Bên cạnh đó cũng có đầy giẫy những đứa con khinh miệt người mẹ đã cưu mang chín tháng mười ngày và sinh ra họ. Bất hạnh hơn, khi có những phận người chẳng hề thấy, biết và cảm nhận được tình yêu, sự chăm sóc của người mẹ đã cho họ sự sống nhưng chẳng hề nuôi dưỡng, chẳng hề coi sóc họ và cũng có những người mẹ đã nhẫn tâm không cho đứa con của mình được sinh ra,… Trước tất cả những tình cảnh đó, tôi thấy mình thật may mắn khi có một người Mẹ tuyệt mỹ là Đức Maria người Mẹ thiêng liêng của tôi.
Mẹ Maria “Đấng đầy ơn phúc” Mẹ là người duy nhất mang thân phận thụ tạo được Thiên Chúa đổ tràn những đặc ân cao quý nhất. Mẹ là thụ tạo duy nhất không mang tội tổ tông, trổi vượt hơn mọi thế hệ loài người để xứng đáng với Đấng đã kêu mời Mẹ, Mẹ trở thành Mẹ của Chúa Giêsu – Mẹ Thiên Chúa – Mẹ của nhân loại. Mẹ đã sinh ra Đấng Cứu Độ – Đấng ban cho ta sự sống, vì Mẹ đã nói lời “xin vâng” để cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Để mang lại sự sống cho con cái mình, Mẹ đã “xin vâng” trong suốt hành trình đức tin của Mẹ. Dù thăng trầm, đau khổ, thử thách ập đến Mẹ vẫn kiên tâm và phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa.
Mẹ là một người Mẹ đẹp hơn mặt trăng, rực rỡ hơn mặt trời làm sao tôi lại không tự hào và giới thiệu Mẹ cho những người khác biết tới được. Mẹ xinh đẹp về cả thể xác lẫn tâm hồn, Mẹ đơn sơ, chất phát, dịu dàng, Mẹ dạy tôi những nhân đức của Mẹ. Mẹ nhạy bén trước những nhu cầu của con cái Mẹ. Nhất là trong tiệc cưới Cana, Mẹ đã nhận ra họ bị hết rượu. Vì thế, Mẹ đã ngỏ lời với Con của Mẹ “ họ hết rượu rồi” và phép lạ đã xảy ra. Mẹ luôn dành cho con cái Mẹ và tôi một tình yêu thương trọn hảo. Tôi cảm nhận tình yêu và sự đồng hành của Mẹ rõ hơn, ngay lúc này, trên con đường trở thành môn đệ của Chúa Giêsu Kitô Chịu – Đóng – Đinh, bởi Mẹ đã trở thành môn đệ trung tín của Chúa, đã đi theo Chúa trên đường thánh giá, và Mẹ đã chiêm ngắm rõ Đức Giêsu Kitô Chịu – Đóng – Đinh bằng một tình yêu tận cùng, một tình yêu tuyệt đối không nghi ngờ, không lung lay nhưng bằng một đức tin mạnh mẽ, niềm cậy trông vững vàng và lòng mến yêu thiết tha. Mẹ trở thành mẫu gương sống động để cho tôi và mọi người noi theo.
Ước gì mỗi người trong cộng đoàn Tập viện chúng tôi đã nhận Mẹ làm Bổn mạng cũng luôn biết noi gương Mẹ sống khiêm tốn, biết uốn nắn trí tuệ, trái tim để mỗi ngày trở nên người nữ tu như lòng Chúa mong muốn và chúng tôi thật hạnh phúc vì có Mẹ là người luôn dẫn chúng tôi đến với Chúa Giêsu con Mẹ và cũng là Đấng chúng tôi tôn thờ và đi theo. Noi gương Mẹ tôi cùng với chị em luôn ý thức biết nhìn lên Mẹ để sống trong sạch, ngay thẳng và biết tỏa hương thơm ngào ngạt như bông huệ giữa cảnh đời khó nhọc hôm nay, nhất là trên con đường theo Chúa trong linh đạo Mến Thánh Giá, đế xứng đáng là con của Mẹ, và nhờ đó có nhiều người nhận biết, yêu mến, tôn thờ, cậy tin và làm sáng danh Chúa như Mẹ.
2021
Chút cảm nghĩ mùa Noel 2021
Chút cảm nghĩ mùa Noel 2021
Những ngày cuối năm, nghe như văng vẳng đâu đây khúc nhạc “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” như vỗ về an ủi lòng người với ước mong được hưởng một cuộc sống an bình, hạnh phúc.
Nhưng buồn thay mùa Noel 2021 này, phận người sao lao đao quá. Đại dịch Covid-19 như cơn lũ đã càn quét thành phố suốt 5 tháng đã làm người dân thành phố lớn nhất nước lâm vào cảnh lao đao dù chính quyền, các tổ chức tôn giáo cùng các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã cố gắng hổ trợ. Nhiều người đã phải nằm xuống vĩnh viễn trong cô đơn mà không kịp lời trăn trối.
Giãn cách xã hội hơn ba tháng khiến người Sài Gòn vốn năng động đã phải ngồi yên không được ra đường. Nhà thờ, chùa chiền, các cơ sở thờ tự phải đóng cửa, các trường học phải chuyển qua dạy và học trực tuyến. Nhiều công ty, xí nghiệp phải cho nhân viên nghỉ việc vì không còn khả năng chi trả lương cho công nhân. Người lao động thất nghiệp, không có thu nhập phải kéo nhau về quê lánh nạn vì không có thu nhập trả tiến nhà, điện, nước …
Tại Việt Nam đã có gần 1,5 triệu ca nhiễm, hơn 28 ngàn người chết, cả triệu người lâm cảnh thiếu thốn. Hàng chục ngàn gia đình mất người thân, hàng ngàn trẻ mồ côi bơ vơ vì cha mẹ đã mất vì Covid-19, người cao tuổi neo đơn không có người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc ….
Rồi lại đến thiên tai lũ lụt, sạt lở đất ở các tỉnh Miền Trung làm ta nhớ đến lời cảnh báo trong Tin Mừng “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.” (Lc 21, 25 – 27).
Mặc dù giờ đây đỉnh dịch đã qua, nhưng những con số tử vong, ca nhiễm … mất mát thiệt hại vẫn còn ám ảnh hàng ngày chưa biết đến ngày nào chấm dứt cùng với những di chứng trầm trọng về tâm lý và tinh thần. Thế nhưng “đói thì đầu gối phải bò” nên người Sài Gòn đành phải sống chung với dịch, lại phải ra đường kiếm sống. Thành phố lại nhộn nhịp, các công ty, cửa hàng, siêu thị, đang dần khôi phục lại hoạt động dù những con coronavirus vẫn còn đang chực chờ, rình rập.
Việc bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng có thể sẽ còn lặp lại nhiều lần. Thời gian kéo dài sẽ làm cho cuộc sống của người dân ngày càng trở nên khó khăn, không những về kinh tế mà còn cả về tinh thần trong đời sống gia đình cũng như xã hội. “Sài gòn đã đứng dậy” được nhưng bước đi vẫn còn loạng choạng và cần phải có thời gian để hồi phục. Không ai có thể biết chừng nào đại dịch mới chấm dứt!
Chúng ta đang sống trong giai đoạn “bình thường mới”, sinh hoạt bình thường nhưng lại phải cảnh giác đề phòng theo hướng dẫn. Ngược lại, đề phòng nhưng vẫn phải sinh hoạt để phát triển cuộc sống. Bình thường rồi lại giãn cách, sau đó lại bình thường … Qua những bất ổn và khó khăn của nhân loại, phải chăng Thiên Chúa đang từng bước thanh lọc và đổi mới thế giới?
Hàng năm chúng ta vẫn đón mừng kỷ niệm Ngôi Hai xuống thế làm người. Ngôi Hai Thiên Chúa đã hạ mình mặc lấy kiếp phàm nhân, để đồng hành san sẻ với những phận người đau khổ, và ban phúc lành cho toàn thể nhân loại. Chúa đến để đem bình an, nhưng bình an chỉ thực sự ở lại khi con người biết sống khiêm nhường quảng đại và thực thi công bằng bác ái.
Ngày xưa, Chúa Giêsu là kẻ không nhà khi xuống trần sinh ra trong hang đá, nơi trú ẩn của đàn gia súc. Máng cỏ đơn sơ khó nghèo nói lên tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Người đã muốn trở nên người nghèo khổ bất hạnh để cảm thông với những người bất hạnh trên trần gian này. Người không chỉ dạy chúng ta sống nghèo mà còn phải cảm thông, chia sẻ với những người lâm vào hoàn cảnh tai ương, kém may mắn.
Xin cho ánh sáng sao mùa Noel 2021 không bị che lấp bởi những niềm vui trần tục. Xin mọi người cùng đáp lại lời kêu gọi của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng trong THƯ MỤC VỤ GỬI GIA ĐÌNH TỔNG GIÁO PHẬN ngày 4/10/2021 mời gọi mọi thành phần dân Chúa tích cực tham gia “mục vụ chăm sóc các em mồ côi” không phân biệt tôn giáo:
Mỗi em trong mỗi giáo xứ sẽ được trao cho một gia đình hay một hội viên của một đoàn thể Công giáo, để thường xuyên thăm viếng, chia sẻ và cảm thông, khích lệ và hướng dẫn. Như vậy, nhờ hơi ấm tình thương của người thân, với sự cộng tác của giáo xứ, tâm lý các em được phát triển quân bình để trở thành người tốt cho xã hội. Đây là điều quan trọng cho tương lai của các em cũng như cho sự ổn định của xã hội sau này.
Những món quà dâng Chúa Hài Đồng trong dịp Noel năm nay sẽ mang lại niềm vui và nhất là niềm hy vọng cho những người cao tuổi neo đơn và trẻ mồ côi cha mẹ vượt qua phần nào những khó khăn, mất mát đồng thời giúp cho họ cảm nhận được sự gần gũi sống động của tình yêu Thiên Chúa.
Để rồi mỗi mùa Noel đến, những khu phố, những con đường thành phố lại rực lên màu sắc của đèn sao chớp tắt lung linh lấp lánh. Những hang đá kỉ niệm Chúa giáng sinh huyền ảo với cỏ rơm, bò lừa ấm áp. Tiếng thánh ca nhẹ nhàng, thánh thót hòa chung với tiếng chuông nhà thờ mãi vang lên réo rắt.
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
2021
10 Điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn chúng ta học hỏi từ hang đá Giáng sinh
10 Điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn chúng ta học hỏi từ hang đá Giáng sinh
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng qua việc tạo nên hang đá Giáng sinh, Thánh Phanxicô Assisi đã “thực hiện một công công cuộc truyền bá Phúc Âm vĩ đại”, điều vẫn tiếp tục lay động tâm hồn cho đến ngày nay.
Vào năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành một Tông thư về ý nghĩa và tầm quan trọng của hang đá Giáng sinh. Ngài đã ký vào tài liệu Admirabile signum (“Dấu chỉ lạ lùng”), vào ngày 01 tháng 12 năm đó, tại Đền Chúa Giáng Sinh ở Greccio, một khu phố trên đồi ở vùng Lazio của Ý.
Việc lựa chọn Greccio mang nhiều có ý nghĩa, bởi vì chính vào năm 1223, Thánh Phanxicô Assisi đã tạo nên hang đá Giáng sinh đầu tiên trong lịch sử.
Trong Tông thư, được nhiều người xem là một trong những văn kiện xúc động nhất trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô, Đức Giáo Hoàng hướng đến việc “khuyến khích truyền thống tốt đẹp của gia đình là chuẩn bị hang đá Giáng sinh trong những ngày trước Lễ Giáng Sinh.”
Dưới đây là 10 điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn chúng ta học hỏi từ hang đá Giáng sinh, được rút ra từ Tông thư Admirabile signum.
1. Hang đá Giáng sinh giống như một Tin Mừng sống động. Đức Giáo Hoàng viết rằng việc diễn tả về sự ra đời của Chúa Giêsu là“một lời loan báo cách đơn sơ và vui tươi về mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa”. Hang đá Giáng sinh mời gọi tất cả những ai chiêm ngưỡng nó “ bước vào một cuộc hành trình thiêng liêng, được lôi cuốn bởi sự khiêm nhường của Thiên Chúa, Đấng đã làm người để gặp gỡ mọi người nam và nữ.”
Hang đá Giáng sinh ở Vatican – Ảnh: Agencia Andina
|
2. Phong tục này bắt nguồn từ trong Kinh Thánh. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng hoạt cảnh Giáng sinh xuất hiện từ “các trang của Kinh Thánh”. Tin Mừng theo Thánh Luca kể rằng Đức Maria “hạ sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con trẻ, rồi đặt con trẻ nằm trong máng cỏ, vì không có chỗ cho ông bà trong quán trọ” (Lc 2,7). Máng cỏ là tâm điểm của hang đá Giáng sinh. Thật vậy, từ tiếng Ý để chỉ hang đá Giáng sinh là “presepe”, từ tiếng Latinh là “praesepium”, có nghĩa là “máng cỏ”.
ĐGH Phanxicô đến thăm địa điểm diễn ra hang đá Giáng Sinh đầu tiên ở Greccio, Ý, năm 2015 – Ảnh: Vatican Media |
3. Truyền thống này được khai sinh từ một thị trấn khiêm tốn ở Ý. Thánh Phanxicô Assisi đã dừng chân tại Greccio vào tháng 11 năm 1223, có lẽ trên đường trở về từ Rôma sau khi nhận được sự phê chuẩn của Đức Giáo hoàng đối với bộ Luật dòng của ngài. Mười lăm ngày trước Lễ Giáng Sinh, Thánh Phanxicô đã nhờ một người đàn ông địa phương tên là Gioan trợ giúp ngài trong việc “tái hiện ký ức về hài nhi được sinh ra ở Bêlem, để có thể thấy bằng chính đôi mắt của tôi, sự nghèo khó thiếu thốn của hài nhi, cách Người nằm trong máng cỏ, và cách Người được đặt nằm trên một chiếc giường đệm cỏ với các con bò lừa đứng bên cạnh.” Vào ngày Lễ Giáng Sinh, các tu sĩ của ngài và những người từ khu vực xung quanh đã đến để cùng tham gia với Thánh Phanxicô trước một máng cỏ đầy cỏ khô, được canh chừng bởi một con bò và một con lừa.
ĐGH Phanxicô chúc lành cho hang đá Giáng sinh gần Vatican năm 2019
|
4. Hang đá Giáng sinh đầu tiên được nối kết với Bí tích Thánh Thể. Mô tả khung cảnh ở Greccio ngày hôm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Tất cả những người có mặt đều trải qua một niềm vui mới mẻ và không thể diễn tả được khi hiện diện trước hang đá Giáng sinh. Sau đó vị linh mục đã long trọng cử hành Thánh lễ trước máng cỏ, chứng tỏ mối liên hệ giữa cuộc Nhập thể của Con Thiên Chúa và Bí tích Thánh Thể.” Đức Giáo Hoàng còn nói rằng không giống như ngày nay, lúc đó hang đá Giáng sinh vốn chẳng có bức tượng nào. Thay vào đó, “hang đá Giáng sinh đã được thực hiện và trải nghiệm bởi tất cả những người có mặt”.
Hang đá Giáng sinh – Ảnh: Ben White / Unsplash.com
|
5. Hang đá Giáng sinh ban đầu đã truyền cảm hứng cho một thị kiến. Đức Giáo Hoàng nhớ lại rằng một trong những chứng nhân của hang đá Giáng sinh đầu tiên đã nhìn thấy “một thị kiến tuyệt diệu.” Tôma Celano, người viết cuốn tiểu sử đầu tiên về Thánh Phanxicô, đã viết rằng “một trong những người có mặt đã nhìn thấy chính Chúa Giêsu Hài Đồng đang nằm trong máng cỏ”.
Cảnh Giáng sinh – Ảnh: Jubilee Centre
|
6. Hang đá Giáng sinh là một phương tiện truyền bá Phúc Âm. Đức Giáo Hoàng nói rằng bằng cách tạo nên hang đá Giáng sinh, Thánh Phanxicô đã “thực hiện một công việc truyền bá Phúc Âm vĩ đại”, điều vẫn tiếp tục lay động tâm hồn cho đến ngày nay. Thánh nhân đã khám phá ra “một phương tiện đơn giản nhưng chân thực để diễn tả vẻ đẹp về đức tin của chúng ta”, điều mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được.
ĐGH Phanxicô xông hương hang đá Giáng sinh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô năm 2017 – Vatican Media |
7. Máng cỏ là dấu chỉ về tình yêu của Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết rằng các hang đá Giáng sinh gây được tiếng vang sâu sắc vì chúng biểu lộ tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa. Các hang đá Giáng sinh công bố rằng “Đấng Tạo Hóa của vũ trụ đã hạ mình xuống để đón lấy sự nhỏ bé của chúng ta.” Các hang đá Giáng sinh cuốn hút các giác quan và trí tưởng tượng, giúp mọi người “cảm nhận” và “chạm đến” sự nghèo khó mà Con Thiên Chúa đã đón lấy trong cuộc Nhập thể.
Một cảnh Giáng sinh ở Castelli – Ảnh từ Youtube
|
8. Hang đá Giáng sinh chứa đựng một lời mời gọi phục vụ. Đức Giáo Hoàng nói rằng hang đá Giáng sinh chứa đựng một thông điệp sâu xa. Ngài viết: “Hang đá Giáng sinh mời gọi chúng ta dấn bước theo Người trên con đường khiêm nhường, khó nghèo, và từ bỏ bản thân, dẫn đi từ máng cỏ Bêlem cho đến thập giá. Hang đá Giáng sinh mời gọi chúng ta hãy gặp gỡ Người và phục vụ Người bằng cách bày tỏ lòng nhân từ đối với những người anh chị em túng thiếu nhất của chúng ta.”
Bức tranh “Chúa Giáng sinh” của Rogier van der Weyden – Public Domain
|
9. Ngay cả cảnh quang của hang đá Giáng sinh cũng chứa đựng ý nghĩa. Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng những diễn tả về biến cố Giáng sinh thường bao gồm “những tàn tích của các ngôi nhà hay công trình cổ xưa”. Ngài viết: “Hơn bất cứ điều gì, những tàn tích là dấu chỉ hữu hình của nhân loại sa ngã, của mọi thứ chắc chắn rơi vào cảnh đổ nát, suy tàn và thất vọng. Cảnh quang tuyệt đẹp này cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu là sự mới mẻ giữa một thế giới già cỗi, Người đã đến để chữa lành và tái thiết, để khôi phục thế giới và cuộc sống của chúng ta trở lại tình trạng huy hoàng thuở ban đầu.”
Ảnh: Courtney Mares.
|
10. Hang đá Giáng sinh nuôi dưỡng lòng sùng kính đối với Đức Maria và Thánh Giuse. Đức Giáo Hoàng nhận định rằng Đức Trinh Nữ Maria được biểu lộ như “một người mẹ đang chiêm ngưỡng con của mình và bày tỏ người con này cho mọi người đến viêng thăm”. Nơi Mẹ, “chúng ta thấy Mẹ Thiên Chúa không chỉ giữ Con của Mẹ cho riêng mình, nhưng mời gọi mọi người vâng theo lời Người và đem ra thực hành.” Thánh Giuse đứng bên cạnh Mẹ Maria, bảo vệ Mẹ và Chúa Hài Đồng. Hang đá Giáng sinh nhắc nhở chúng ta rằng Thánh Giuse “luôn phó thác chính mình cho ý muốn của Thiên Chúa và đem ý muốn đó ra thực hành” và khuyến khích chúng ta làm theo.
Tác giả: Catholic News Agency