2021
Xin ơn bình an Giáng Sinh
Xin ơn bình an Giáng Sinh
Giáng Sinh không còn là lễ dành riêng cho các Kitô hữu nữa nhưng đã trở thành ngày đại lễ cho muôn người. Không phân biệt sắc tộc hay màu da, dù là Ki-tô hữu hay không, người ta vẫn hòa chung với niềm vui Giáng Sinh. Dường như con người cảm thấy một bầu khí vui tươi nào đấy trong ngày lễ Giáng Sinh. Họ trao tặng nhau những món quà và những lời chúc tốt đẹp nhất cho ngày lễ. Trong vô vàn những lời chúc tốt đẹp ấy, bình an là điều con người khát khao mong mỏi nhất cho chính mình cũng như tha nhân.
Khao khát bình an là vì cõi lòng con người đã chất chứa quá nhiều nỗi bất an. Mải miết chạy theo vòng xoáy của kim tiền, niềm vui giàu có chẳng trọn vẹn vì thủ đoạn bất lương. Tìm kiếm danh vọng như cái lọng che thân, đến khi trở thành “ông nọ bà kia”, ta chỉ toàn thấy xung quanh là kẻ thù và cô đơn cùng cực. Đắm chìm mình trong khoái lạc của dục vọng và đam mê, làm sao ta an nhiên tự tại được khi phần “con” lấn át phần “người”? Càng ẩn nấp trong tháp ngà điện ngọc ta đang tự thú nhận mình chẳng có bình an. Sự bình an chỉ có được khi “mặt hồ cõi lòng” thật phẳng lặng, nước trong veo nên nhìn thấy đáy tỏ tường. Thay vì để yên cho mặt hồ lắng đọng, con người lại thích khuấy nước cho đục ngầu. Như thế, bình an chẳng phải chạy theo một điều gì đó ở bên ngoài nhưng làm sao bình ổn cõi sâu thẳm bên trong.
Bình an đích thực chỉ có được khi Thiên Chúa ở với con người. Đêm Giáng Sinh là đêm hồng phúc vì Thiên Chúa đến với con người. Đấng Emmanuel ngự đến để bày tỏ tình yêu đích thực của Thiên Chúa dành cho con người. Và tình yêu ấy được diễn tả bằng sự bình an như lời hát của sứ thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Thiên Chúa từ trời cao nhận máng cỏ hôi tanh làm ngai uy linh, và hang đá trở nên cung vàng điện ngọc nhưng Ngài chẳng cảm nhận chút bất an. Bởi lẽ, Ngài chính là sự bình an và bất kỳ đâu Ngài hiện diện, sự bình an của Thiên Chúa sẽ đổ tràn.
Lời hát của các thiên thần mang lại hy vọng sẽ có được bình an đích thực của Thiên Chúa dành cho những người được Chúa thương. Trước tiên, các mục đồng được bình an khi thấy rằng Đấng Cứu Thế không phải là người xa lạ, nhưng thật gần gũi với họ, khi Ngài chọn sinh ra trong nơi ở của súc vật. Chiêm ngắm Hài Nhi, các mục đồng có thể yên tâm rằng, Con Thiên Chúa chắc chắn cảm thông được thân phận bé nhỏ của họ, Ngài là người thuộc về họ. Con Thiên Chúa đã chấp nhận sinh ra trong cảnh nghèo và luôn trung thành với lề luật của Thiên Chúa. Còn chúng ta lại luôn than thở và trách móc, bất mãn về cảnh sống của mình. Thậm chí, chúng ta còn nhân danh cái nghèo để vi phạm lề luật của Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã đi hết hành trình cuộc sống với tất cả nỗi buồn vui, âu lo và trăn trở. Chẳng ai hiểu chúng ta bằng Ngài. Ngài chẳng xa lạ với những gánh nặng của cuộc sống chúng ta. Ngài đến để cùng chia sẻ kiếp người với chúng ta để có thể dẫn đưa chúng ta về với Thiên Chúa. Ngài đã sống trọn vẹn thân phận của một con người, chỉ trừ tội lỗi (x. Dt 4, 15). Không có gì của con người mà lại xa lạ với Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã sống trọn vẹn từng phút giây của cuộc sống con người một cách bình an.
Không phải bất kỳ ai cũng có được sự bình an của Chúa khi Ngài đến, nhưng chỉ có những ai được Chúa thương mà thôi. Hê-rô-đê đã mất bình an vì Chúa đến, thực ra là ông chưa hề có bình an và sự ra đời của tân vương mới của Ít-ra-en càng khiến ông bất an. Để có được thứ “bình an giả tạo”, ông đã tắm máu biết bao trẻ nhỏ vùng Bê-lem. Những ông bà chủ của những quán trọ đã từ khước sự bình an của Con Thiên Chúa khi chẳng muốn biến quán trọ của họ thành nhà hộ sinh vì Maria đã sắp lâm bồn. Chỗ trống đáng lẽ thuộc về Con Thiên Chúa trong quán trọ của họ lại trở nên ổ chứa cho biết bao những tệ nạn khác. Ngày nay, mỗi dịp lễ Giáng Sinh trôi qua, những “Hê-rô-đê đương đại” tiếp tục sát hại biết bao thai nhi chỉ bởi vì chúng là “ cục nợ ngoài ý muốn” của những cuộc mây mưa chớp nhoáng trong các nhà nghỉ, khách sạn. Con Thiên Chúa xuống thế làm người dầu có ở trong hang đá máng lừa, vẫn còn may mắn hơn bao thai nhi vô tội ấy, khi Ngài có cơ hội mở mắt chào đời trong sự yêu thương và bảo bọc của mẹ cha.
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, Chúa đến và sẵn sàng ban bình an cho con người nhưng chúng con không muốn đón nhận vì thích những bình an giả tạo từ tiền bạc, quyền lực, và dục vọng hơn. Xin cho chúng con cảm nhận thật sâu sự bình an đích thực của Chúa, sự bình an đến từ sự hủy mình ra như không chỉ vì yêu. Chỉ khi cảm được sức nóng từ ngọn lửa tình yêu của Chúa, chúng con mới đủ can đảm nói không với những bất an phù phiếm và chóng qua ở đời này, để dám yêu Chúa và để Chúa yêu mình ngõ hầu bình an đích thực của Chúa sẽ ngự trị cõi lòng chúng con Giáng Sinh năm nay. Amen.
2021
Hành trình gian khó
Hành trình gian khó
Thiên Chúa xác định: “Phần ngươi, hỡi Belem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.” (Mk 5:1)
Mặc dù Giuse, hậu duệ Vua Đavít, đến từ Giuđa bé nhỏ, nhưng ông và Maria đang sống ở Nadarét, thuộc Bắc Galilê, khi Maria mang thai Chúa Giêsu, như Phúc Âm kể lại.
Khi Maria gần cuối thai kỳ, hoàng đế Augustô đã ra lệnh điều tra dân số lớn buộc mọi người phải về quê của họ. Bởi thế, “ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Belem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít.” (Lc 2:4)
Hành trình dài 97 dặm (hơn 156 km) là một thử thách thực sự đối với Đức Mẹ và Đức Giuse thời đó, vì đường sá không trải nhựa như bây giờ, trong khi họ đang ở trong phần đất của Đế chế La Mã. Lúc đó, phương tiện di chuyển duy nhất cho hai người chỉ có thể là một con lừa hoặc một con lạc đà. Vả lại, Maria mang thai gần chín tháng rồi.
Belem, còn được gọi là Épratha, nằm cách Giêrusalem 4 dặm (gần 4,5 km) về phía Nam và cao gần 2.500 ft (762 m) so với mực nước biển. Mặc dù đó là thành của Vua Đavít và Rakhen (vợ thứ hai của Giacóp) được chôn cất ở đó. Nhưng vào thời điểm đó, nó được coi là một thành phố nhỏ. Tuy nhiên, tuyến đường này rất đồi núi, được nhiều đoàn lữ hành sử dụng để di chuyển từ Giêrusalem đến Ai Cập.
Các Phúc Âm không nói gì về phương tiện vận chuyển mà Đức Mẹ và Đức Giuse sử dụng, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng họ có một con lừa để chở thức ăn. Có lẽ họ cũng đã ngủ vài đêm dưới trời đầy sao hoặc tại các nhà trọ. Đó là một hành trình mệt mỏi. Cuối cùng, hai vợ chồng không tìm thấy nơi nào để ngủ nên đành đến một nơi giữ động vật.
Lễ Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta về lòng can đảm và sự tận tụy của Đức Mẹ và Đức Giuse gương mẫu. Điều đó khiến chúng ta suy nghĩ lại về sự vất vả của việc di chuyển bằng ô tô hoặc máy bay để về thăm gia đình trong những ngày nghỉ lễ, nhưng chắc chắn chẳng thấm thía gì so với nỗi cực khổ của Đức Mẹ và Đức Giuse ngày xưa.
KÉVIN BOUCAUD-VICTOIRE
2021
Hy vọng
Hy vọng
Khoảnh khắc nào giúp bạn nghiệm thấy tình thương của Thiên Chúa trong cuộc đời? Có phút giây nào bạn nghi ngờ Chúa hay chưa? Có lẽ, ít nhiều chúng ta đã có những kinh nghiệm như vậy và tôi cũng từng như thế…
Đại dịch Covid-19 đã khiến chúng ta sống trong sự lo âu trong một thời gian dài. Nền kinh tế cạn kiệt, cảnh chia ly vẫn chưa dừng lại, nỗi cơ cực cứ thế chồng chất. Dường như không ai dám khẳng định chuỗi ngày hoang mang đó bao giờ mới kết thúc. Đối diện với đau khổ, có lẽ con người vẫn còn đó sự hoài nghi về sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng cứ quay cuồng, đeo bám luẩn quẩn đâu đó, đôi lúc khiến chúng ta trở nên yếu đuối lạ lùng. Nhưng tôi vẫn hy vọng…
Tôi có những người bạn thiện lành, thánh thiện. Có thể nói, lần nào người bạn ấy cầu xin Thiên Chúa điều gì, Ngài cũng ban cho mọi thứ. Đối với bạn ấy, Thiên Chúa rộng lượng lắm, quảng đại lắm. Tôi cũng có những người bạn khi cầu xin rất nhiều điều, nhưng chẳng thấy Chúa cho điều gì. Người ấy giận Chúa, thiếu tin tưởng và trách móc Chúa. Tuy nhiên, tôi nhận thấy Thiên Chúa lại ban cho bạn ấy những thứ khác, điều mà tốt hơn ý muốn của họ cả trăm lần. Từ đó, tôi nhận ra rằng: cứ tin tưởng và hy vọng là tôi đã cộng tác vào kế hoạch của Ngài. Lúc đó, Thiên Chúa sẽ ban những thứ mà tôi cần chứ không phải là điều tôi muốn.
Hy vọng là chìa khóa giúp ta khám phá mọi ân sủng Chúa ban. Tôi có biết một gia đình Công giáo kia sống đạo rất tốt, ngày nào gia đình cũng cùng nhau đọc kinh tối, chia sẻ Lời Chúa và Thiên Chúa luôn đồng hành với họ. Trước đây, có thể nói người chồng rất tệ. Ông hay nhậu, đánh đập vợ con, bỏ lễ, bỏ Chúa. Còn người vợ thì thương chồng, rất muốn chồng mình sống tốt hơn. Một ngày nọ, chị được nhận bài thực hành cầu nguyện trong vòng 30 ngày, với ý muốn người chồng thay đổi và cùng đọc kinh với chị. Chị đã làm với tất cả niềm hy vọng, tình yêu, sự tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa. Chỉ sau 10 ngày, Thiên Chúa đã ban cho chị thứ chị muốn. Thiên Chúa không tiếc khi ban ân sủng cho những ai đặt trọn niềm hy vọng. Nhờ hy vọng, chúng ta vui lòng đón nhận mọi hoàn cảnh, chấp nhận những khó khăn ở hiện tại và chờ đợi một tương lai hoàn hảo theo ý muốn của Chúa.
Trong Mùa Vọng này tôi được mời gọi về với chính mình để đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa. Đối với tôi, hy vọng thật ra không khó. Tôi nghĩ, chỉ còn một ít hy vọng thôi cũng đủ rồi vì khi tôi hy vọng là khi tôi có Chúa. Ước mong bạn có thật nhiều niềm vui, sự bình an và hạnh phúc trong những ngày hồng phúc của Mùa Vọng. Đặc biệt, hãy đặt trọn niềm hy vọng vào Chúa và tỏa sáng theo cách riêng mà Ngài đã trao cho bạn, bạn nhé!
Maria Nguyễn Ngọc Ánh, Thanh Tuyển Sinh MTG. Thủ Đức
2021
Mùa Giáng sinh “chín ép”
Mùa Giáng sinh “chín ép”
Giữa những ngổn ngang của đại dịch, Mùa Vọng đến một cách âm thầm và lặng lẽ. Trong bầu khí thánh thiêng, Mùa Vọng mời gọi mỗi người hãy sống chậm lại, tập trung vào bên trong tâm hồn để đón chờ Đấng Cứu Thế. Tuy vậy, lan tràn trên các trang mạng xã hội hay đâu đó trong khu xóm chúng ta vẫn nghe được những ca khúc Giáng sinh rộn ràng, bắt gặp cảnh tất bật sửa sang mặc dù Đại Lễ vẫn chưa đến. Phải chăng, việc chờ đợi khiến chúng ta khó chịu và mất kiên nhẫn ?
Đừng nên bị vẻ bề ngoài bắt mắt bởi những thứ “chín ép” đánh lừa. Thật ra, ngay cả người Kitô hữu cũng rất khó tránh khỏi vẻ hào nhoáng mà không khí Giáng sinh mang đến. Chúng ta lo nghĩ phải làm hang đá như thế nào, trang trí ra sao, sắm sửa những gì…Chủ động là một điều tích cực, nhưng ở thời điểm Mùa Vọng có lẽ đó chưa phải là ưu tiên số một. Nếu chỉ lo trang hoàng cho vẻ bên ngoài, chưa chắc tâm hồn chúng ta sẽ thêm lòng khao khát và sống trọn vẹn tâm tình. Có chăng, lòng chúng ta chỉ phảng phất hay hoài niệm loáng thoáng đâu đó về một Thiên Chúa Nhập Thể làm người. Việc đốt cháy giai đoạn cũng giống như một loài trái cây nào đó bị thúc chín ép, mặc dù bên ngoài đủ màu sắc bắt mắt nhưng mùi vị bên trong thì nhạt nhẽo và sượng sùng.
Niềm vui Giáng Sinh hệ tại ở lòng khát khao mà mỗi người chuẩn bị cho Mầu nhiệm xuất hiện. Chúng ta của hiện tại làm sao cảm nghiệm hết được sự thênh thang của thời gian chờ đợi như Dân Do Thái xưa chờ Đấng Cứu Thế. Chỉ với những suy tưởng ngắn ngủi của Tháng Mười Hai, Mùa Vọng sẽ vụt qua rất nhanh nếu chúng ta không tỉnh thức để chuẩn bị tâm hồn. Cần một tiến trình tiệm tiến để cảm nhận hết nỗi khát khao mong mỏi Con Thiên Chúa đến giải thoát dân Người khỏi bóng đêm tội lỗi. Là khiêm tốn nhìn nhận sự mong manh của kiếp người với những giới hạn và bất toàn. Là hân hoan và vui mừng vì chúng ta sắp được Cứu Độ. Từ đó, cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa đã ban Con Một xuống thế, trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. (x.Ga 1,14).
Thật lãng phí biết bao nếu chúng ta bỏ qua tâm tình Mùa Vọng để hồ hởi chạy theo không khí ồ ạt của Mùa Giáng Sinh. Hãy khôn ngoan và tỉnh thức để dọn một hang đá tâm hồn cho Đấng Thiên Sai ngự vào. Khi Đấng Emmanuel đến, chúng ta sẽ được hưởng nếm vị ngọt ngào của tình yêu, hương thơm chín muồi của sự kiên nhẫn chờ đợi, và vẻ rực rỡ huy hoàng của niềm hy vọng cậy trông.
Nguyễn Bình, Thanh Tuyển sinh MTG Thủ Đức