2023
Thánh Antôn Pađua, một đời sống bỏng cháy cho Tin Mừng
13.6 Thánh Antôn đệ Padua, Lmts
2 Cr 1:18-22; Tv 119:129,130,131,132,133,135; Mt 5:13-16
Thánh Antôn Pađua, một đời sống bỏng cháy cho Tin Mừng
Lễ mừng Thánh Antôn ngày 13 tháng 6, Tiến sĩ Giáo Hội là người châu Âu ở thế kỷ XIII, ngài sinh lại Lisbon và là đồ đệ của Thánh Phanxicô, ngài rao giảng ở vùng đất Cathare, nhà sáng lập tu viện ở Brive-la-Gaillarde, ngài qua đời vì kiệt sức ở Pađua.
Ai lại không biết Thánh Antôn Pađua? Tượng ảnh của cha có khắp các nhà thờ. Thánh Antôn Pađua thuộc Dòng Phanxicô, hình ảnh hay gặp của cha là hình ảnh cha bồng Chúa Giêsu Hài Đồng, đôi khi trên tay có cầm hoa huệ hay quyển sách, tượng trưng cho sự hiểu biết Thánh Kinh. Truyền thống dân gian còn cho cha là quan thầy các phép lạ tìm của bị mất.
Ngược với những gì người ta nghĩ, Thánh Antôn Pađua không sinh ra ở Pađua mà sinh ra ở Lisbon năm 1195, cha là người đồng thời với Thánh Phanxicô và có tên là Fernando. Chúng ta có ít thông tin về gia đình và tuổi thơ ấu của ngài. Cha mẹ của cha thích cha là quan tòa, nhưng cha lại thích cầu nguyện. Năm 15 tuổi, cha rời tiện nghi êm ấm của gia đình để vào tu viện các tu sĩ Dòng Thánh Âugutinô.
Tại đây cha nhận được một sự đào tạo xuất sắc về Kinh Thánh và Giáo phụ học. Cha mẹ và bạn bè thỉnh thoảng đến thuyết phục cha, nhưng Fernando đã quyết chí. Thụ phong linh mục năm 25 tuổi, một sự kiện mở ra cho cha các chân trời mới. Tháng 2-1220, các di tích của các vị tử đạo đầu tiên Dòng Phanxicô của Marốc được đem về Bồ Đào Nha. Fernando có gặp họ vài tháng trước đó và được đánh động bởi đức tin và niềm vui của họ. Cha cảm nghiệm một đời sống khác. Cha vào Dòng Phanxicô theo tiếng gọi trong lòng và muốn đi truyền giáo ở châu Phi. Cha lấy tên là Antôn và đi Marốc để chết tử đạo ở đó. Ngài theo thánh ý Chúa. Không phải người Sarrasin làm ngài đau khổ, nhưng việc từ bỏ dự án thiết thân của mình đã làm cho ngài đau khổ. Như thử Chúa muốn cha hy sinh.
Năm 1221, cha đến Axixi sống trong Dòng Phanxicô thời tiên khởi. Trong một lần họp tổng tu nghị nhà Dòng, các sư huynh khám phá tài năng hiểu biết về thần học của cha. Thánh Phanxicô, qua đời năm 1226, rất ấn tượng về cha Antôn. Có tài rao giảng, Antôn đấu tranh với sự lạc giáo của người Cathare ở Ý, rồi người Albigeois ở vùng Midi nước Pháp. Hoàn toàn quên mình, cha sống theo lời mình giảng. Không ai có thể dửng dưng trước sự thật của lời cha giảng. Trong một bài giảng về Chúa Thánh Thần, cha nói: “Lời phải im đi để hành động được nói lên”.
Trang bị một văn hóa thần học phong phú và tình yêu phát xuất từ con người của mình, Antôn rọi sáng khắp nơi. Với sự cho phép của Thánh Phanxicô, cha dạy ở Bologne, Toulouse, Montpellier và Limoges. Cha rút lui về hang đá Brive-la-Gaillarde, nơi đây cha xây lên một tu viện. Chính nơi này mà cha tìm lại một bản thảo bị mất. Từ đó bắt đầu những gì cha làm sau khi qua đời: giúp tìm lại vật đã bị mất.
Nếu có một bài giảng cho chim muông trong câu chuyện cuộc đời của Thánh Phanxicô thì Thánh Antôn có bài giảng cho các con cá. Năm 1227, khi ngài được cử làm bề trên tỉnh dòng Phanxicô miền Bắc nước Ý, thì ngài đối diện với những người lạc giáo ở Rimini. Những người này không muốn nghe ngài, vậy thì ngài giảng Phúc Âm cho các con cá: “Đến với cha hỡi các con cá biển, hãy đến nghe Lời Chúa thay cho những người này, họ từ chối không muốn nghe lời Chúa”. Các người lạc giáo kinh ngạc vô cùng vì hàng ngàn con cá đến nghe.
Có thể đây chỉ là một huyền thoại như rất nhiều huyền thoại của thời Trung cổ… nhưng đức tin của Thánh Antôn không phải là không hấp dẫn đám đông. Họ đến từ khắp nơi để nghe các bài giảng về lòng tốt, về hòa bình. Thánh Antôn không sợ ai, ngài luôn bảo vệ những kẻ bị áp bức. Nhất là ngài tấn công những người làm giàu trên sự khốn cùng của người khác. Trong Lời nguyện Nhập lễ, Giáo Hội xem Thánh Antôn là “người rao giảng lớn lao cho Tin Mừng và là người bảo vệ người nghèo”. Ngài kêu gọi mỗi tín hữu Kitô phải chiêm nghiệm bản tính loài người nơi Chúa Giêsu, đó là đặc nét quan trọng của linh đạo Phanxicô. Một ngày nọ, bá tước Tiso thấy ngài đang ôm Chúa Giêsu Hài Đồng trong tay.
Thánh Antôn lui về tu viện Mẹ Maria ở Pađua. Ngày 13 tháng 6 năm 1231, ngài qua đời vị kiệt sức lúc ba mươi sáu tuổi. Sự cứu rỗi linh hồn là mục đích của đời ngài. Để được cứu rỗi: tâm hồn phải quay về với lòng thương xót Chúa. Sau khi hát kinh Đức Mẹ, lời cuối cùng của ngài là: “Tôi thấy Chúa tôi”. Chỉ một năm sau khi ngài qua đời, Đức Giáo hoàng Grêgôriô IX phong thánh cho ngài. Mộ của ngài trở nên nơi hành hương rất quan trọng. Năm 1946, Đức Giáo hoàng Piô XII phong tước vị “Tiến sĩ Phúc Âm” cho ngài.
Sự tôn kính ngài lan tỏa nhiều nhất vào thế kỷ XV đến XVI. Trở thành bổn mạng Quốc gia Bồ Đào Nha, các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha làm cho cả thế giới biết đến ngài. Ngài cũng là bổn mạng của các thủy thủ và người bị tù. Rất nhiều phép lạ của ngài được vẽ qua các danh họa lớn như Titien, Pérugin, Murillo, Van Dyck…
Đặt những huấn dụ về muối và ánh sáng ngay sau Tám Mối Phúc Thật trong Bài Giảng Trên Núi, Phúc Âm theo thánh Mát-thêu muốn khẳng định mạnh mẽ rằng sứ mạng loan báo Tin Mừng thuộc về bản chất của người môn đệ. Muối và ánh sáng là những gì rất tác động. Bản chất của muối là mặn; và muối giúp làm mặn thứ khác. Bản chất của ánh sáng là sáng; và ánh sáng giúp soi sáng xung quanh. Điều thú vị là cả muối và ánh sáng đều rất tĩnh lặng. Chúng có thể làm việc hết công suất mà tuyệt nhiên chẳng gây chút ồn ào nào. Chúng tác động một cách bất khả kháng, song cũng rất âm thầm. Chỉ cần chúng hiện diện đúng như bản chất của mình -là mặn, là sáng- và tự khắc môi trường xung quanh sẽ nhiễm ‘mặn’ và nhiễm ‘sáng’. Thế thôi.
Giáo Hội là muối và ánh sáng thế gian. Mỗi Kitô hữu tự bản chất cũng là muối và ánh sáng của thế gian. Họ sẽ đánh mất bản chất mặn của muối và tia sáng của ánh sáng, nếu chỉ vì một chút lợi lộc vật chất, một chút dễ dãi, mà họ thỏa hiệp với những gì đi ngược chân lý của Chúa Giêsu. Một cách cụ thể, người Kitô hữu sẽ không còn là muối và ánh sáng, nếu theo dòng chảy của xã hội, họ cũng lọc lừa, móc ngoặc, dối trá.
2023
Ý cầu nguyện của ĐTC trong tháng 6: Cầu nguyện để việc tra tấn bị loại bỏ
Ý cầu nguyện của ĐTC trong tháng 6: Cầu nguyện để việc tra tấn bị loại bỏ
Hồng Thủy – Vatican News
“Làm sao mà con người có thể quá tàn ác như thế?”. Đó là câu hỏi Đức Thánh Cha đặt ra khi nói về vấn đề tra tấn, “một phần lịch sử của chúng ta.”
Ngài lên án không chỉ những hình thức tra tấn bạo lực, nhưng cả những hình thức “tinh vi hơn, chẳng hạn như hạ thấp ai đó, làm tê liệt các giác quan, hoặc giam giữ hàng loạt trong những điều kiện vô nhân đạo đến mức độ tước đi phẩm giá của người đó.”
Lời lên án của Đức Thánh Cha được đưa ra trong bối cảnh ngày 26/6 tới đây là Ngày Quốc tế của Liên Hiệp quốc hỗ trợ các nạn nhân bị tra tấn; bởi vì vào ngày này năm 1987, Công ước của Liên Hiệp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác có hiệu lực. Công ước đã được 162 quốc gia phê chuẩn sau khi được thông qua vào năm 1984.
Tra tấn được thực hiện trong thời cổ xưa. Vào các thế kỷ 18 và 19, các nước phương Tây đã chính thức bãi bỏ việc sử dụng chính thức thông qua hệ thống tư pháp. Ngày nay, nó hoàn toàn bị cấm bởi luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, nó vẫn tiếp tục được thực hiện ở nhiều quốc gia. Kể từ năm 1981, Quỹ của Liên Hiệp Quốc Hỗ trợ Nạn nhân bị tra tấn đã hỗ trợ trung bình 50.000 nạn nhân bị tra tấn mỗi năm tại các quốc gia trên thế giới. Tất nhiên, tra tấn có xu hướng xảy ra ở các khu vực xung đột.
Trong trường hợp Nga xâm lược Ucraina, đã có báo cáo về các hành động tra tấn do binh lính Nga thực hiện đối với quân lính và thường dân Ucraina. Ngoài ra, và một phần do sự ra đời của các công nghệ mới, việc sử dụng một số hình thức tra tấn phi thể lý, chẳng hạn như tra tấn tâm lý, đã gia tăng. Hơn nữa, vấn đề trầm trọng hơn là tình trạng thiếu trách nhiệm liên tục đối với các hành vi tra tấn và ngược đãi trên phạm vi toàn cầu, một phần do sự phủ nhận có hệ thống, sự cản trở và cố tình trốn tránh trách nhiệm của các cơ quan công quyền gây khó khăn cho việc thống kê và ước tính số nạn nhân.
Do đó, Đức Thánh Cha kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế “dứt khoát cam kết bãi bỏ việc tra tấn, đảm bảo hỗ trợ các nạn nhân và gia đình của họ”. Trong một bài diễn văn vào năm 2014, Đức Thánh Cha đã chỉ ra rằng “những lạm dụng này chỉ có thể được ngăn chặn với cam kết vững chắc của cộng đồng quốc tế trong việc công nhận […] phẩm giá của con người trên mọi thứ khác.” (CSR_2133_2023)
Tác giả bài viết: Hồng Thủy – Vatican News
2023
Trả lại Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài
6.6 Thứ Ba trong tuần thứ Chín Mùa Quanh Năm
Tb 2:9-14; Tv 112:1-2,7-8,9; Mc 12:13-17
Trả lại Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài
Tin Mừng hôm nay, thánh sử Máccô tường thuật lại sự việc các người theo phe Hê-rô-đê và bọn Pharisêu toa rập với nhau nhằm tìm cách bắt lỗi để làm hại Chúa Giêsu. Sau khi chúng bàn bạc, lên kế hoạch xong, chúng cắt cử một số người trong bọn đến gặp Chúa Giêsu và đưa ra một câu hỏi nhằm bặt lỗi Ngài. Cái bẫy mà chúng đã bỏ công ra dàn dựng theo chúng thì thật là hoàn hảo. Trả lời có hay không đều lỗi cả!
Thế nên chúng bắt đầu bằng cách dùng những từ ngữ rất đắc nhân tâm, chúng rào trước đón sau tỏ ra là những kẻ rất chân thành tìm thầy học hỏi. Chúng nói: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa”. Qua màn khen ngợi để Chúa Giêsu rơi vào cái bẫy mà chúng đã giăng sẵn. Chúng đặt câu hỏi: “Vậy có được phép nộp thuế cho Xêda hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?”. Đến đây thì chúng đã lộ nguyên hình của bọn “đểu cáng”.
Mặc dù biết tâm địa xấu xa của bon chúng nhưng Chúa Giêsu chỉ nói với chúng bằng một câu khiển trách rất nhẹ nhàng: “Tại sao các ngươi lại thử tôi”. Vì Chúa Giêsu biết rằng chúng là những kẻ giả hình nên để khỏi rắc rối vì bon chúng. Ngài liền hỏi: “Đem đồng bạc cho tôi xem” Sau khi xem qua đồng bạc Ngài lại hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai?” Chúng đáp: “Của Xê-da” Ngài liền bảo họ: “Của Xê-da trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Và Kinh Thánh viết tiếp. Họ hết sức ngạc nhiên về Người.
Trong xã hội hiện nay, chúng ta cũng thấy hiện tượng có nhiều kẻ áp dụng “chiêu trò” của bọn người Pha-ri-sêu xưa, chúng hành động rất tinh vi, chúng dùng những lời lẽ rất tốt đẹp để lừa mỵ những kẻ bệnh hoạn tật nguyền, chúng kết bè kết cánh với nhau để trục lợi trên sự đau khổ của đồng loại. Điều nhức nhối là sự lừa gạt ấy lại xảy ra trong một thời gian rất dài mà không ai phát hiện, nhiều khi những người tốt lại cũng bị chúng lợi dụng để vô tình tiếp tay vào công việc bẩn thỉu của chúng. Với danh nghĩa làm việc từ thiện, làm việc nhân đạo như xây chùa chiền, giúp đỡ kẻ khó khăn, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo… rồi chúng trục lợi vơ vét tiền bạc của công chúng!
Hãy trả cho Xê-da những gì thuộc về Xê-da và trả lại Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Đó là sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay. Để áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống hằng ngày hôm nay thì chúng ta phải cần tránh xa những cám dỗ của Ma Quỷ, chúng xúi dục chúng ta làm những việc xấu xa, tham lam của cải bất chính… Những cám dỗ của Ma quỷ thường rất tinh vi nên chúng ta cần sự trợ lực của Chúa, đặc biệt là ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần để nhờ Ngài soi dẫn chỉ bảo, chúng ta mới thoát khỏi những mưu mô của chúng mà thôi.
Đồng thời chúng ta phải trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Người. Chúng ta nhận rất nhiều từ nơi Thiên Chúa như sự sống, tài năng, của cải và sức khỏe… Như vậy chúng ta phải trả lại Ngài bằng cách sống hết lòng thờ phượng, kính mến Ngài. Sống sao cho xứng đáng với những ơn lành Ngài ban. Đem lời Chúa ra thực thi hằng ngày trong cuộc đời mình.
Sống được như vậy thì chúng ta mới thi hành đúng tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay là: Trả lại những gì của Thiên Chúa cho Thiên Chúa và trả lại cho thế gian những gì thuộc về thế gian.
Khi suy niệm về các bài đọc hôm nay, chúng ta được nhắc nhở phải dâng cho Thiên Chúa mọi thứ thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo ra mọi thứ và kiểm soát mọi thứ. Ngay cả những người cai trị dân sự cũng có thể là công cụ trong tay của Thiên Chúa, giống như Kyrô, trong bài đọc thứ nhất từ sách Isaia, là người được xức dầu riêng của Thiên Chúa, “Này đây lời Thiên Chúa phán với kẻ Người đã xức dầu, với Kyrô, kẻ Ta đã cầm tay phải, để bắt các dân suy phục nó, và tước giáp bên hông các vua chúa, để mở cho nó cả hai cánh cửa, khiến không cổng nào còn đóng kín” (Is 45, 1).
Những nhà lãnh đạo ngoại giáo cũng thuộc về Thiên Chúa và Thiên Chúa có thể sử dụng họ để mang lại sự thiện hảo cho dân Chúa chọn. Thiên Chúa không gây ra điều ác, tuy nhiên, Thiên Chúa có thể làm cho những điều tốt lành xảy ra ngay cả trong thời điểm tồi tệ. Sự đáp trả của chúng ta là ca ngợi Thiên Chúa và dâng lại cho Thiên Chúa tất cả vinh quang vì những vinh quang đó là do Đấng Tạo Hóa, Đấng Cứu Độ và Đấng Nhân Lành của chúng ta. Thiên Chúa phải được tôn thờ trên hết. Ngay cả những của lễ của ta dâng cho Thiên Chúa, tự cội rễ, cũng đến từ bàn tay của Thiên Chúa.
Chúng ta được nhắc nhở về ba điều cuối cùng trong bài đọc thứ hai trích thư Thánh Phaolô: đức tin, hy vọng và tình yêu, “nhớ lại sự nghiệp của lòng tin, công lao của lòng mến, sự kiên nhẫn cậy trông của anh em trong Chúa” (1 Thes 3). Ba điều này là sự đáp trả của chúng ta trước sự nhân từ của Thiên Chúa, nhưng chúng cũng bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta niềm tin, khả năng tin tưởng. Niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa chỉ là sự cảm kích của ta khi được trao cơ hội để tin tưởng. Thiên Chúa đã ban cho ta một lý do để hy vọng, đặc biệt là do sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Hy vọng của ta cũng là một minh chứng cho việc ta chấp nhận điều mà Thiên Chúa hứa ban cho ta. Và tình yêu của ta không bắt nguồn từ ta. Ta không bao giờ có thể yêu, trừ khi ta được yêu trước. Vì vậy, một lần nữa, tình yêu của ta đối với Thiên Chúa là kết quả của việc chúng ta được Thiên Chúa yêu thương.
Vậy thì chúng ta phải có niềm tin vào Thiên Chúa, phải đặt hy vọng của mình vào Thiên Chúa, phải yêu mến Thiên Chúa. Chúng ta phải trả lại cho Thiên Chúa và sẵn sàng quy phục tất cả về cho Thiên Chúa vì tất cả những gì ta có là ân huệ của Thiên Chúa trao ban cho ta.
2023
Ngành ngoại giao Tòa Thánh
Thực vậy, không có tôn giáo nào dấn thân về mặt nhân đạo và hòa bình qua các hoạt động ngoại giao như trường hợp Giáo Hội Công Giáo.
Vài dòng lịch sử lịch sử
Nhìn lại lịch sử, sau những thế kỷ đầu tiên bị bách hại, các vị Giáo Hoàng vẫn thường gửi các sứ giả của các ngài đến gặp các chính quyền cũng như các cộng đoàn Giáo Hội địa phương. Tuy nhiên thói quen gửi các vị Sứ Thần Tòa Thánh ổn định cạnh các chính phủ chỉ bắt đầu với Đức Giám Mục Angelo Leonini tại Venezia từ ngày 30/04/1500. Thói quen này dần dần được thực hiện tại các nước khác.
Cách đây 153 năm, tức là vào năm 1870, khi nước Tòa thánh bị Ý chiếm và sáp nhập, Đức Giáo Hoàng Piô IX quyết định không ra khỏi nội thành Vatican nữa. Lúc đó, nhiều người nghĩ rằng 4 cường quốc bấy giờ là đế quốc Áo Hung, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, sẽ rút đại sứ khỏi Roma, như vẫn thường xảy ra khi một quốc gia không hiện hữu nữa, bởi lẽ duy trì một đại sứ cạnh vị giáo hoàng tự coi mình là “tù nhân” ở Vatican thì có ý nghĩa gì đâu? Thế nhưng các cường quốc ấy đã không làm như vậy và các chính phủ liên hệ mau lẹ xác nhận rằng các đại sứ của họ không được ủy nhiệm nơi Quốc gia của Giáo Hội, nhưng là nơi Tòa Thánh. Đây là nguyên tắc vẫn được duy trì từ đó đến nay.
Thực vậy, hiện nay không có nước nào lập quan hệ ngoại giao với Quốc gia Thành Vatican, một khu đất nhỏ 44 hecta. Nhưng các nước lập quan hệ ngoại giao với Tòa thánh, như một cơ quan đầu não của Giáo Hội Công Giáo với hơn 1 tỷ 300 triệu tín hữu trên thế giới.
Từ 4 nước có quan hệ ngoại giao trên cấp đại sứ với Tòa Thánh hồi năm 1870, đến đầu năm nay có 183 quốc gia có quan hệ này, trong đó có 92 vị đại sứ thường trú ở Roma. Điều này chứng tỏ uy tín tinh thần của Đức Thánh Cha và Tòa thánh đã gia tăng đáng kể qua dòng thời gian, với nỗ lực phục vụ công ích của các dân tộc, phục vụ hòa bình thế giới và bênh vực các quyền con người.
Ảnh hưởng tinh thần của Tòa Thánh
Một câu hỏi thường được nói đến khi nói về đoàn ngoại giao các nước cạnh Tòa thánh, đó là các nước này được lợi gì khi thiết lập hoặc duy trì quan hệ ngoại giao với Tòa thánh, bởi vì vị đại sứ của họ tại Vatican không nói chuyện với Tòa thánh về vấn đề tài chánh, kinh tế, mậu dịch, hoặc các hiệp định liên minh quân sự hay phòng thủ.
Câu trả lời là: các nước giàu mạnh, khi lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, thường muốn chứng tỏ cho thế giới thấy họ cùng theo đuổi những lý tưởng cao thượng mà Tòa thánh cổ võ. Tiếp đến, ai cũng phải nhận rằng Vatican là một nguồn tin tức phong phú từ các nơi trên thế giới gửi về, hay nói theo ông Thomas Melady, một trong những đại sứ đầu tiên của Mỹ cạnh Tòa thánh, thì “Vatican là một đài quan sát” quan trọng mà không cường quốc nào có thể bỏ qua.
Đối với những nước nhỏ, việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa thánh, càng làm cho họ thấy thế đứng của mình trong cộng đồng quốc tế được bảo đảm và được biết tới hơn. Nhiều chính phủ còn nuôi ý tưởng thầm kín và nghĩ rằng với quan hệ ngoại giao với Tòa thánh, họ có thể nói chuyện thẳng với Tòa thánh và tạo sức ép trên những giám mục ở trong nước đang gây khó khăn cho họ.
Trong nội bộ Giáo Hội
Trong công đồng chung Vatican II, Đức Hồng Y Suenens, bấy giờ là Tổng Giám Mục giáo phận Bruxelles bên Bỉ, đã lên tiếng đề nghị bãi bỏ ngành ngoại giao Tòa Thánh vì cho rằng các vị sứ thần và khâm sứ chẳng qua chỉ là những người do Tòa Thánh gửi đến để canh chừng, kiểm soát Giáo Hội địa phương và làm cho các giám mục mất tự do. Ngoài ra, trong một khóa họp của THĐGM thế giới, Đức Hồng Y Basil Hume, Tổng Giám Mục Westminster kiêm chủ tịch HĐGM Anh quốc, dưới ảnh hưởng của trào lưu nữ quyền, đã đề nghị Tòa Thánh chọn các phụ nữ làm sứ thần Tòa Thánh, thay vì chỉ chọn các Tổng Giám Mục.
Những đề nghị của các vị này đi ngược quy định của Đức Giáo Hoàng Piô XII và được Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII tái khẳng định hồi năm 1962, rằng các vị sứ thần Tòa Thánh, hay khâm sứ, cả khi mới bắt đầu sứ vụ, chứ không phải vài năm sau đó, được ban phẩm vị Giám Mục, không phải đây là một vinh dự, nhưng đúng hơn để nhấn mạnh chức năng liên hệ giữa Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục của các Giáo Hội địa phương.
Giáo Luật
Giáo luật hiện hành dành 6 điều khoản, từ số 362 đến 367, để nói về các vị sứ thần và các phái viên của Đức Thánh Cha. Theo đó, Đức Thánh Cha có quyền bổ nhiệm các phái viên làm đại diện cho ngài và gửi họ tới các Giáo Hội địa phương ở các nước, hoặc tới các chính phủ hoặc quốc gia. Nhiệm vụ chính yếu của các vị sứ thần hay khâm sứ là lo liệu để mối dây hiệp nhất giữa Tòa Thánh với các Giáo Hội địa phương mỗi ngày được thêm bền chặt và hiệu quả hơn. Công tác của các vị là thông tri cho Tòa Thánh về tình hình Giáo Hội địa phương và về tất cả những gì liên hệ tới chính đời sống của Giáo Hội và thiện ích của các linh hồn. Tiếp đến là giúp đỡ các giám mục địa phương, tuy phải tôn trọng việc hành sử hợp lệ quyền bính của các ngài. Thứ ba là đề nghị danh sách các ứng viên cho Tòa Thánh để bổ nhiệm làm giám mục. Thứ tư là cùng với các giám mục bênh vực tất cả những gì liên quan tới sứ mệnh của Giáo Hội và của Tòa Thánh trước mặt chính phủ, vân vân.
Đức Thánh Cha Phanxicô và các Sứ thần Tòa Thánh
Trong kế hoạch cải tổ Giáo triều và Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đặc biệt quan tâm các đại diện của ngài tại các quốc gia và Giáo Hội địa phương.
Trong bối cảnh đó và trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng thương xót, sáng ngày 17/9/2016, Đức Thánh Cha đã đồng tế thánh lễ với 106 vị Đại diện Tòa Thánh và sau đó đã gặp gỡ các vị để nhắn nhủ về việc chu toàn sứ mạng được ủy thác.
Trong bài huấn dụ dài tại cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha nhiệt liệt cám ơn các vị Đại diện Tòa Thánh vì lòng quảng đại, tận tụy và hy sinh trong việc chu toàn sứ mạng liên kết giữa Người Kế Vị Thánh Phêrô và các Giáo Hội địa phương, kiến tạo và thăng tiến tình hiệp thông là “nhựa sống cho đời sống Giáo Hội và cho việc loan báo sứ điệp của Giáo Hội”.
Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc nhở các vị Đại diện Tòa Thánh hãy “phục vụ trong tinh thần hy sinh như những sứ giả khiêm tốn, như Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: ‘Hoạt động của vị Đại diện Tòa Thánh trước tiên là một việc phục vụ quý giá cho các Giám mục, linh mục, tu sĩ và mọi tín hữu Công Giáo ở địa phương, họ tìm được nơi vị Đại diện Tòa Thánh một sự nâng đỡ và bảo vệ, trong tư cách ngài đại diện một quyền bính cao hơn, để mưu ích cho tất cả mọi người”.
Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng: “Nếu không có lòng khiêm tốn thì không dịch vụ nào có thể thực hiện được hoặc có đặc tính phong phú. Sự khiêm tốn của một Sứ Thần Tòa Thánh được biểu lộ qua lòng yêu mến đối với đất nước và Giáo Hội nơi ngài được kêu gọi phục vụ”.
Đức Thánh Cha khuyến khích các vị Đại diện Tòa Thánh không những chỉ “quan sát, phân tích và tường trình”, nhưng còn cần “gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại, chia sẻ, đề nghị và cộng tác, để làm nổi bật lòng yêu mến chân thành, thiện cảm và cảm thông đối với dân chúng và Giáo Hội địa phương”.
Ngài cũng nhận xét: “Ngày nay, những đe dọa từ bên ngoài của sói, bắt cóc và tấn công đoàn chiên, làm cho đoàn chiên hoang mang, phân tán và bị phá hủy vẫn còn là điều thời sự. Sói ngày nay vẫn có những điểm giống như trước, đó là sự thiếu thông cảm, đố kỵ, gian ác, bách hại, xóa bỏ sự thật, chống lại sự tốt lành, khép kín đối với tình yêu, đố kỵ về văn hóa, và nghi kỵ…”
Đức Thánh Cha không quên nhắc các vị Đại diện Tòa Thánh hãy dành thời giờ cho các Giám Mục, linh mục, tu sĩ, các giáo xứ, các tổ chức văn hóa và xã hội… Hãy tháp tùng Giáo Hội địa phương với tâm hồn của một vị mục tử. “Cần di động. Những thư từ và bá cáo lạnh lùng không đủ. Những điều nghe nói mà thôi không đủ. Còn cần phải nhìn tận mắt hạt giống tốt của Tin Mừng đang triển nở thế nào. Đừng đợi người ta đến gặp anh em để trình bày một vấn đề hoặc muốn giải quyết một việc. Anh em hãy đi tới các giáo dân, các dòng tu, các giáo xứ, các chủng viện, để hiểu Dân Chúa đang sống, suy nghĩ và thắc mắc thế nào. Nghĩa là anh em hãy thực sự biểu lộ một Giáo Hội ‘đi ra ngoài’, ‘một bệnh viện dã chiến’, có khả năng sống chiều kích của Giáo Hội địa phương, của đất nước và của tổ chức mà anh em được sai tới”.
Đức Thánh Cha cho biết một quan tâm sâu xa của ngài là việc tuyển chọn các Giám Mục tương lai và ngài đã nói với Bộ Giám Mục đề ra danh sách những đức tính và khả năng mà các vị Chủ Chăn của Giáo Hội ngày nay phải có: các Giám Mục phải là chứng nhân của Đấng Phục Sinh chứ không phải là những người theo lý lịch; các Giám Mục phải là người cầu nguyện, quen thuộc với những điều từ trên cao và không bị đè bẹp vì gánh nặng từ bên dưới; các Giám Mục phải có khả năng đi vào sự hiện diện của Thiên Chúa ‘trong kiên nhẫn’; các Giám Mục phải là mục tử, chứ không phải là những ông hoàng hoặc công chức”.
Giuse Trần Đức Anh O.P.
Vatican News