Thánh Antôn Pađua, một đời sống bỏng cháy cho Tin Mừng
13.6 Thánh Antôn đệ Padua, Lmts
2 Cr 1:18-22; Tv 119:129,130,131,132,133,135; Mt 5:13-16
Thánh Antôn Pađua, một đời sống bỏng cháy cho Tin Mừng
Lễ mừng Thánh Antôn ngày 13 tháng 6, Tiến sĩ Giáo Hội là người châu Âu ở thế kỷ XIII, ngài sinh lại Lisbon và là đồ đệ của Thánh Phanxicô, ngài rao giảng ở vùng đất Cathare, nhà sáng lập tu viện ở Brive-la-Gaillarde, ngài qua đời vì kiệt sức ở Pađua.
Ai lại không biết Thánh Antôn Pađua? Tượng ảnh của cha có khắp các nhà thờ. Thánh Antôn Pađua thuộc Dòng Phanxicô, hình ảnh hay gặp của cha là hình ảnh cha bồng Chúa Giêsu Hài Đồng, đôi khi trên tay có cầm hoa huệ hay quyển sách, tượng trưng cho sự hiểu biết Thánh Kinh. Truyền thống dân gian còn cho cha là quan thầy các phép lạ tìm của bị mất.
Ngược với những gì người ta nghĩ, Thánh Antôn Pađua không sinh ra ở Pađua mà sinh ra ở Lisbon năm 1195, cha là người đồng thời với Thánh Phanxicô và có tên là Fernando. Chúng ta có ít thông tin về gia đình và tuổi thơ ấu của ngài. Cha mẹ của cha thích cha là quan tòa, nhưng cha lại thích cầu nguyện. Năm 15 tuổi, cha rời tiện nghi êm ấm của gia đình để vào tu viện các tu sĩ Dòng Thánh Âugutinô.
Tại đây cha nhận được một sự đào tạo xuất sắc về Kinh Thánh và Giáo phụ học. Cha mẹ và bạn bè thỉnh thoảng đến thuyết phục cha, nhưng Fernando đã quyết chí. Thụ phong linh mục năm 25 tuổi, một sự kiện mở ra cho cha các chân trời mới. Tháng 2-1220, các di tích của các vị tử đạo đầu tiên Dòng Phanxicô của Marốc được đem về Bồ Đào Nha. Fernando có gặp họ vài tháng trước đó và được đánh động bởi đức tin và niềm vui của họ. Cha cảm nghiệm một đời sống khác. Cha vào Dòng Phanxicô theo tiếng gọi trong lòng và muốn đi truyền giáo ở châu Phi. Cha lấy tên là Antôn và đi Marốc để chết tử đạo ở đó. Ngài theo thánh ý Chúa. Không phải người Sarrasin làm ngài đau khổ, nhưng việc từ bỏ dự án thiết thân của mình đã làm cho ngài đau khổ. Như thử Chúa muốn cha hy sinh.
Năm 1221, cha đến Axixi sống trong Dòng Phanxicô thời tiên khởi. Trong một lần họp tổng tu nghị nhà Dòng, các sư huynh khám phá tài năng hiểu biết về thần học của cha. Thánh Phanxicô, qua đời năm 1226, rất ấn tượng về cha Antôn. Có tài rao giảng, Antôn đấu tranh với sự lạc giáo của người Cathare ở Ý, rồi người Albigeois ở vùng Midi nước Pháp. Hoàn toàn quên mình, cha sống theo lời mình giảng. Không ai có thể dửng dưng trước sự thật của lời cha giảng. Trong một bài giảng về Chúa Thánh Thần, cha nói: “Lời phải im đi để hành động được nói lên”.
Trang bị một văn hóa thần học phong phú và tình yêu phát xuất từ con người của mình, Antôn rọi sáng khắp nơi. Với sự cho phép của Thánh Phanxicô, cha dạy ở Bologne, Toulouse, Montpellier và Limoges. Cha rút lui về hang đá Brive-la-Gaillarde, nơi đây cha xây lên một tu viện. Chính nơi này mà cha tìm lại một bản thảo bị mất. Từ đó bắt đầu những gì cha làm sau khi qua đời: giúp tìm lại vật đã bị mất.
Nếu có một bài giảng cho chim muông trong câu chuyện cuộc đời của Thánh Phanxicô thì Thánh Antôn có bài giảng cho các con cá. Năm 1227, khi ngài được cử làm bề trên tỉnh dòng Phanxicô miền Bắc nước Ý, thì ngài đối diện với những người lạc giáo ở Rimini. Những người này không muốn nghe ngài, vậy thì ngài giảng Phúc Âm cho các con cá: “Đến với cha hỡi các con cá biển, hãy đến nghe Lời Chúa thay cho những người này, họ từ chối không muốn nghe lời Chúa”. Các người lạc giáo kinh ngạc vô cùng vì hàng ngàn con cá đến nghe.
Có thể đây chỉ là một huyền thoại như rất nhiều huyền thoại của thời Trung cổ… nhưng đức tin của Thánh Antôn không phải là không hấp dẫn đám đông. Họ đến từ khắp nơi để nghe các bài giảng về lòng tốt, về hòa bình. Thánh Antôn không sợ ai, ngài luôn bảo vệ những kẻ bị áp bức. Nhất là ngài tấn công những người làm giàu trên sự khốn cùng của người khác. Trong Lời nguyện Nhập lễ, Giáo Hội xem Thánh Antôn là “người rao giảng lớn lao cho Tin Mừng và là người bảo vệ người nghèo”. Ngài kêu gọi mỗi tín hữu Kitô phải chiêm nghiệm bản tính loài người nơi Chúa Giêsu, đó là đặc nét quan trọng của linh đạo Phanxicô. Một ngày nọ, bá tước Tiso thấy ngài đang ôm Chúa Giêsu Hài Đồng trong tay.
Thánh Antôn lui về tu viện Mẹ Maria ở Pađua. Ngày 13 tháng 6 năm 1231, ngài qua đời vị kiệt sức lúc ba mươi sáu tuổi. Sự cứu rỗi linh hồn là mục đích của đời ngài. Để được cứu rỗi: tâm hồn phải quay về với lòng thương xót Chúa. Sau khi hát kinh Đức Mẹ, lời cuối cùng của ngài là: “Tôi thấy Chúa tôi”. Chỉ một năm sau khi ngài qua đời, Đức Giáo hoàng Grêgôriô IX phong thánh cho ngài. Mộ của ngài trở nên nơi hành hương rất quan trọng. Năm 1946, Đức Giáo hoàng Piô XII phong tước vị “Tiến sĩ Phúc Âm” cho ngài.
Sự tôn kính ngài lan tỏa nhiều nhất vào thế kỷ XV đến XVI. Trở thành bổn mạng Quốc gia Bồ Đào Nha, các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha làm cho cả thế giới biết đến ngài. Ngài cũng là bổn mạng của các thủy thủ và người bị tù. Rất nhiều phép lạ của ngài được vẽ qua các danh họa lớn như Titien, Pérugin, Murillo, Van Dyck…
Đặt những huấn dụ về muối và ánh sáng ngay sau Tám Mối Phúc Thật trong Bài Giảng Trên Núi, Phúc Âm theo thánh Mát-thêu muốn khẳng định mạnh mẽ rằng sứ mạng loan báo Tin Mừng thuộc về bản chất của người môn đệ. Muối và ánh sáng là những gì rất tác động. Bản chất của muối là mặn; và muối giúp làm mặn thứ khác. Bản chất của ánh sáng là sáng; và ánh sáng giúp soi sáng xung quanh. Điều thú vị là cả muối và ánh sáng đều rất tĩnh lặng. Chúng có thể làm việc hết công suất mà tuyệt nhiên chẳng gây chút ồn ào nào. Chúng tác động một cách bất khả kháng, song cũng rất âm thầm. Chỉ cần chúng hiện diện đúng như bản chất của mình -là mặn, là sáng- và tự khắc môi trường xung quanh sẽ nhiễm ‘mặn’ và nhiễm ‘sáng’. Thế thôi.
Giáo Hội là muối và ánh sáng thế gian. Mỗi Kitô hữu tự bản chất cũng là muối và ánh sáng của thế gian. Họ sẽ đánh mất bản chất mặn của muối và tia sáng của ánh sáng, nếu chỉ vì một chút lợi lộc vật chất, một chút dễ dãi, mà họ thỏa hiệp với những gì đi ngược chân lý của Chúa Giêsu. Một cách cụ thể, người Kitô hữu sẽ không còn là muối và ánh sáng, nếu theo dòng chảy của xã hội, họ cũng lọc lừa, móc ngoặc, dối trá.