2023
Hỏa Ngục Có Phải Là Một Nơi?
Hỏa Ngục Có Phải Là Một Nơi?
Hỏa ngục ở đâu? Nếu bạn đào sâu xuống dưới lòng đất, xuyên qua lớp vỏ bề mặt và lớp vỏ mắc ma (magna), bạn sẽ tới lõi sắt của trái đất, nhưng sẽ không tìm thấy Ma Quỷ và tay sai của hắn. Hỏa ngục không có vị trí trong không gian, không có kinh độ hoặc vĩ độ. Không GPS nào có thể tìm thấy và cũng không có mã ZIP, hoặc mã vùng hoặc URL.
Tuy nhiên, hỏa ngục là có thật. Bách khoa toàn thư Công giáo (The Catholic Encyclopedia) trích dẫn lời thánh Gioan Kim Khẩu [John Chrysostom (347–407 AD)] nói với chúng ta rằng “Chúng ta không nên hỏi hỏa ngục ở đâu, nhưng nên hỏi làm thế nào chúng ta thoát khỏi đó.” Chúa Giêsu cảnh báo về lửa hỏa ngục (tiếng Do Thái gọi là Gehenna) ít nhất mười lăm lần trong các sách Tin Mừng. Tiếng Hy Lạp sử dụng hai từ cho hỏa ngục là hádés và géenna. Cũng vậy, tiếng Do Thái sử dụng tương ứng với hai từ Sheol và Gehenna. Từ đầu tiên chỉ nơi cư ngụ tạm thời của người đã chết, và từ thứ hai là một nơi ở vĩnh viễn. Tuy nhiên, tiếng Anh sử dụng một từ để diễn tả cả hai: hỏa ngục. Cách duy nhất để chúng ta phân biệt là một từ để nói về “hỏa ngục của người chết” và từ còn lại để nói về “hỏa ngục của người bị kết án đời đời”.
Sau tội nguyên tổ, không một linh hồn nào có thể lên thiên đàng cho đến khi loài người được Đấng Cứu Thế, là đức Giê-su Ki-tô cứu chuộc. Chỉ có kẻ dữ mới đáng bị án phạt đời đời trong hỏa ngục, nhưng nếu họ không thể lên thiên đàng, mà lại không quá xấu để phải xuống hỏa ngục, thì họ đã đi về đâu? Điều gì đã xảy ra với A-Đam và E-và, Ab-ra-ham và Sa-ra, I-sa-ác, Gia-cóp, Giu-se, Ra-khen, Rút, Ét-te, Giút …? Các nhà thần học sử dụng thuật ngữ “hỏa ngục của người chết” để mô tả nơi các vị anh hùng tốt lành và đạo hạnh này của thời Cựu Ước đã đến và đợi hằng thế kỷ cho đến khi đấng Mê-si-a xuất hiện.
Tuy nhiên, kẻ dữ phải sa “hỏa ngục đời đời”. Đây là nơi ban đầu được tạo ra cho ma quỷ và và các sứ thần của nó. Thiên Chúa chỉ tạo ra những thiên thần tốt, nhưng một phần ba trong số họ đã ra hư hỏng vì ý chí tự do của mình. Lu-xi-phe là một trong những thiên thần thông minh nhất trong số đó. Mi-ca-e, Ga-ri-en, và Ra-pha-en (các tổng lãnh thiên thần) là một phần của hai phần ba các thiên thần đã chọn sự thiện. Những thiên thần xấu, Lucifer, Bê-en-dê-bun, As-mo-đê-us, và Lê-vi-a-than, trở thành những thiên thần “sa ngã”, và hỏa ngục được tạo ra cho chúng như là nơi ở vĩnh viễn; đó là một nơi rất khó chịu, đặc trưng bởi sự đau khổ triền miên, vì hoàn toàn vắng bóng tình yêu.
“Đau khổ của hỏa ngục” (poenae inferni) có hai loại. Đau khổ của mất mát (poena damni) là đau khổ vì vĩnh viễn xa cách Thiên Chúa, Đấng là tình yêu. Thiên Chúa là sự viên mãn những gì linh hồn con người khao khát và ước muốn – về căn bản, đó là chân lý và sự thiện – Hai điều này là đối tượng của của lý trí và ý chí. Lý trí tìm kiếm chân lý, và ý chí tìm kiếm điều thiện hảo; Cả lý trí và ý chí chỉ hoàn toàn thỏa mãn và trọn vẹn trong Thiên Chúa, Đấng là Chân Lý và Sự Toàn Thiện (summum bonum). Không bao giờ có được điều và chỉ điều duy nhất có thể khiến bạn hạnh phúc vĩnh cửu là đau khổ của mất mát. Đau đớn giác quan (poena sensus) là đau khổ thể chất đi kèm với đau khổ mất mát. Đó cũng chính là “lửa” và “khóc lóc nghiến răng”, là sự tra tấn và đau khổ phải chịu trong hỏa ngục – đặc biệt sau khi cơ thể được hợp nhất với linh hồn sau phục sinh.
Lửa là cách nói ẩn dụ, vì linh hồn phi vật chất nên không thể bị thiêu đốt, nhưng thân xác phục sinh có thể cảm nhận được đau đớn của sức nóng dữ dội và vĩnh viễn. Điều đó có nghĩa là những người trong hỏa ngục sẽ phải chịu khổ hình mãi mãi; sẽ không có dấu chấm hết cho sự trừng phạt. Hình phạt vĩnh viễn là một trong những lý do đáng để tránh sa hỏa ngục bằng mọi giá. Tuân thủ đèn đỏ và giới hạn tốc độ là một cách tốt để tránh tai nạn và tử vong, nhưng một động cơ khác là cảnh sát có thể lẩn trốn đâu đó và sẵn sàng phạt bạn chạy quá tốc độ. Cũng vậy, sợ hãi hỏa ngục có thể không phải là lý do tốt nhất để tránh phạm tội (do đó, nó được gọi là sám hối chưa trọn), nhưng cũng có thể là một lý do đủ. Lý do tốt nhất để tránh phạm tội hay để sám hối khi chúng ta phạm tội là tình yêu nhưng không của Thiên Chúa (gọi là sám hối cách trọn).
Đàng khác, thiên đàng hoàn toàn ngược lại. Hỏa ngục cô đơn, không phải vì không có ai ở đó, nhưng là vì mọi người ở đó thù ghét lẫn nhau. Mọi người trong hỏa ngục muốn được ở một mình; mọi người trên thiên đàng hạnh phúc vì có những người khác ở đó. Về căn bản, các linh hồn trên thiên đàng được ơn “phúc kiến”. Giáo lý Công Giáo số 1028 định nghĩa: “Thiên Chúa siêu việt, nên ta chỉ thấy được Người khi chính Người mặc khải mầu nhiệm cho ta chiêm ngưỡng và khi Người ban cho ta khả năng đó. Việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong vinh quang Thiên Quốc được Hội Thánh gọi là “phúc kiến”. Nói cách khác, phúc kiến là biết Thiên Chúa trực tiếp và ngay lập tức, nhìn thấy Người diện đối diện và ở trong sự hiện diện của Người mọi lúc. Hiệu năng của ơn phúc kiến này là hạnh phúc vĩnh cửu và niềm vui bất tận.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 71-73.
2023
TÔNG DU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TẠI HUNGARY
TÔNG DU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TẠI HUNGARY
(28 – 30/04/2023)
Vatican News Tiếng Việt
(Cập nhật lúc 09h25 ngày 30.4.2023, còn cập nhật)
_____
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GẶP GỠ CÁC BẠN TRẺ HUNGARY
Hồng Thủy – Vatican News
Vatican News (30.4.2023) – Trong cuộc gặp gỡ cuộc đối thoại ấm áp và chân thành giữa Đức Thánh Cha và các bạn trẻ Hungary, những người trẻ nói với Đức Thánh Cha về việc tìm kiếm Thiên Chúa và về một cuộc sống đích thực và hạnh phúc, còn Đức Thánh Cha chỉ ra con đường: vượt lên trên lợi ích của bản thân và dấn thân như Chúa Giêsu để phục vụ anh em.
Lúc gần 4 giờ chiều thứ Bảy 28/4/2023, Đức Thánh Cha đã rời Toà Sứ thần đi xe đến nhà thi đấu Papp László Budapest, cơ sở thể thao có mái che lớn nhất của Budapest, có sức chứa đến 12.500 khán giả. Cơ sở này được bắt đầu xây dựng vào năm 2001, thay thế cho cơ sở thể thao trước đó đã bị hư hại nặng nề bởi trận hoả hoạn vào năm 1999. Từ ngày 28 tháng 5 năm 2004, nhà thi đấu này mang tên của nhà vô địch quyền anh nổi tiếng người Hungary László Papp.
Sau khi đi xe mui trần xung quanh nhà thi đấu chào các bạn trẻ, Đức Thánh Cha được Đức cha Palánki Ferenc, phụ trách mục vụ giới trẻ, tiếp đón giữa tiếng hát chào đón của khoảng 12.000 bạn trẻ.
Đức Thánh Cha gặp gỡ Giới trẻ Hungary
Chúa Giêsu giúp chúng ta tìm ra câu trả lời của cuộc sống
Đáp lại lời chào mừng của Đức cha Ferenc và chứng từ của 4 bạn trẻ đại diện cho các học sinh trung học và sinh viên đại học, Đức Thánh Cha cho biết ngài rất vui khi được ở bên các bạn trẻ. Nhắc lại lời Đức cha Ferenc, tuổi trẻ là thời gian của những câu hỏi quan trọng và những câu trả lời tuyệt vời, Đức Thánh Cha nói rằng điều quan trọng là có ai đó gợi mở và lắng nghe câu hỏi của các bạn trẻ, và không đưa ra cho họ những câu trả lời dễ dàng và sẵn có, nhưng giúp họ dũng cảm đối mặt với cuộc phiêu lưu của cuộc đời để tìm kiếm những câu trả lời tuyệt vời. Và ngài khẳng định: “Trên thực tế, đây là những gì Chúa Giêsu đã làm. Đức Kitô là Thiên Chúa bằng xương bằng thịt, Thiên Chúa Trời hằng sống Đấng đến gần với chúng ta; Người là Bạn, người bạn tốt nhất, là Anh em, người anh em tốt nhất.”
Chúa rất giỏi trong việc đặt câu hỏi. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của Chúa Giêsu với những người sẽ trở thành môn đệ của Người, Chúa hỏi hai người đi theo Người: “Các anh tìm gì?” (Ga 1,38). Người nói: “Hãy đến mà xem” (c. 39). Đức Thánh Cha giải thích: “Chúa không giảng dạy, nhưng đồng hành với họ trên đường: Người không muốn các môn đệ của mình là những học trò lặp lại một bài học, nhưng là những người trẻ tự do và luôn hướng tới, những người bạn đồng hành của một Thiên Chúa lắng nghe những nhu cầu của họ và quan tâm đến ước mơ của họ.”
Chúng ta không trở nên vĩ đại khi dẵm lên người khác nhưng khi phục vụ họ
Khi hai môn đệ trẻ yêu cầu Chúa Giêsu một điều sai trái, được ở bên phải và bên trái của Chúa khi Người lên làm Vua. Chúa không quở trách họ vì đã dám nói điều đó. Đức Thánh Cha nhận xét: “Chúa không phá vỡ những ước mơ của họ, nhưng sửa dạy cho họ cách để đạt được chúng; Người chấp nhận ước muốn trở nên vĩ đại của họ, nhưng nhấn mạnh đến một điều mà cả chúng ta cũng phải luôn ghi nhớ: chúng ta không trở nên vĩ đại khi dẵm lên người khác, nhưng bằng cách hạ mình xuống giúp đỡ họ. Chúng ta không đạt được điều vĩ đại bằng cách làm hại người khác, nhưng bằng cách phục vụ họ (xem Mc 10,35-45).”
Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ: “Các bạn thân mến, như các bạn thấy đấy, Chúa Giêsu rất vui khi chúng ta đạt được những điều tuyệt vời. Người không muốn chúng ta lười biếng “ngủ nướng”, không muốn chúng ta im lặng và nhút nhát; ngược lại, Người muốn chúng ta sống động, năng động, sẵn sàng nhận trách nhiệm. Người không bao giờ xem thường những kỳ vọng của chúng ta nhưng ngược lại, nâng cao mức độ mong muốn của chúng ta. Chúa Giêsu sẽ đồng ý với câu tục ngữ của các bạn, câu mà tôi hy vọng sẽ phát âm đúng: Aki mer az nyer [Những người dám làm sẽ chiến thắng].”
Đức Thánh Cha gặp gỡ Giới trẻ Hungary
Hướng đến những mục tiêu vĩ đại và rèn luyện
Nhưng làm thế nào để chúng ta chiến thắng trong cuộc sống? Đức Thánh Cha liệt kê hai bước cơ bản. Trước hết, nhắm mục tiêu cao, sau đó rèn luyện. Đức Thánh Cha mời gọi hãy dùng tài năng vào việc tốt. Ngài đưa ra câu hỏi, “Trong thâm tâm các bạn có cảm thấy mình có khả năng giúp đỡ người khác không? Các bạn có cảm thấy yêu mến Chúa, muốn có một gia đình đông con, giúp đỡ những người túng thiếu tốt biết bao không?” Và ngài nhắc nhở: “Đừng nghĩ rằng đây là những mong muốn không thể đạt được. Thay vào đó, hãy đầu tư vào những mục tiêu lớn của cuộc đời! Sau đó, rèn luyện.”
Thinh lặng và đối thoại với Chúa Giêsu
Rèn luyện thế nào? Đức Thánh Cha chỉ dạy: “Bằng cuộc đối thoại với Chúa Giêsu, vì người là huấn luyện viên giỏi nhất. Người lắng nghe các bạn, khuyến khích, tin tưởng các bạn và có thể phát huy những điều tốt nhất nơi các bạn. Người không ngừng mời gọi các bạn trở thành một thành viên trong nhóm, không bao giờ đơn độc nhưng với những người khác: trong Giáo hội, trong cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm của các bạn với những người khác.” Ngài lưu ý về một cám dỗ lớn ngày nay đó là chúng ta hài lòng với một chiếc điện thoại di động và một vài người bạn. Điều đó không tốt hay lành mạnh.
Một điều thiết yếu mà những người trẻ tuổi và cả người lớn đang thiếu, đó là sự thinh lặng, bởi vì chúng ta sợ cô đơn. Do đó Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ: “đừng sợ bơi ngược dòng, hãy dành chỗ cho một khoảnh khắc thinh lặng mỗi ngày, một khoảnh khắc để dừng lại và cầu nguyện.” Nhưng ngài cũng nhắc họ hãy cẩn thận “đừng đắm chìm trong tâm trạng ủ rũ hoặc nghiền ngẫm về những vấn đề của mình. Đừng lãng phí thời gian nghĩ xem ai đã làm điều này điều nọ với mình, tra hỏi về động cơ của người khác. Điều đó cũng không tốt hay lành mạnh.”
Đức Thánh Cha nói về ích lợi của sự thinh lặng: “Thinh lặng là mảnh đất trên đó chúng ta vun đắp những mối quan hệ tốt đẹp. Nó cho phép chúng ta phó thác cho Chúa Giêsu bất cứ điều gì chúng ta đang cảm thấy, mang đến với Người những khuôn mặt và những cái tên, chia sẻ những khó khăn của chúng ta, nhớ đến bạn bè và cầu nguyện cho họ. Sự thinh lặng giúp chúng ta có cơ hội đọc một trang Tin Mừng có thể nói với tâm hồn của chúng ta, để thờ phượng Thiên Chúa, để lấy lại bình an nội tâm… Sự thinh lặng cho phép chúng ta quan sát thiên nhiên, để chúng ta không chỉ tiếp xúc với các thiết bị và đồ dùng mà còn khám phá vẻ đẹp tự nhiên xung quanh chúng ta. Thinh lặng không phải để ngồi dán mắt vào điện thoại di động hoặc trên mạng xã hội.”
Đức Thánh Cha gặp gỡ Giới trẻ Hungary
Mẫu gương cầu nguyện của nhạc sĩ Franz Liszt
Thinh lặng như cánh cửa của cầu nguyện và cầu nguyện là cánh cửa tình yêu. Chúa Giêsu luôn ở bên cạnh chúng ta. Đức Thánh Cha nói: “Người không ngần ngại giúp các bạn vượt qua mọi trở ngại trên con đường của các bạn. Cầu nguyện giúp các bạn trong việc này, bởi vì cầu nguyện là đối thoại với Chúa Giêsu, cũng như Thánh lễ là cuộc gặp gỡ với Người, và Xưng tội là vòng tay ôm mà các bạn nhận được từ Người.”
Đức Thánh Cha đưa ra mẫu gương cầu nguyện của nhạc sĩ vĩ đại người Hungary: Franz Liszt. Ngài kể: “Trong quá trình phục hồi cây đàn piano của ông, người ta đã tìm thấy một số hạt từ chuỗi tràng hạt của ông; tràng hạt đã bị đứt và những hạt đó đã rơi vào nhạc cụ. Điều này khiến chúng ta nhận ra rằng trước khi sáng tác hoặc biểu diễn, có lẽ ngay cả sau giây phút thích thú với cây đàn piano, ông thường cầu nguyện. Ông đã nói chuyện với Chúa và Đức Mẹ về những gì ông yêu thích và ông đã mang nghệ thuật và tài năng của mình để cầu nguyện.” Từ đó Đức Thánh Cha khuyên các bạn trẻ: “Khi các con cầu nguyện, đừng ngại trình bày với Chúa Giêsu mọi điều đang xảy ra trong cuộc sống của các con: cảm xúc và nỗi sợ hãi, vấn đề và kỳ vọng, ký ức và hy vọng của các con. Cầu nguyện là đối thoại; cầu nguyện là cuộc sống.”
Thiên Chúa cần những con người thực sự và đích thực
Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Chúa không làm những điều vĩ đại với những người phi thường, nhưng với những người bình thường, có những giới hạn. Những người cậy dựa vào khả năng của mình và luôn lo lắng để tỏ ra tốt đẹp trước mặt người khác, thì không nghĩ đến Thiên Chúa bởi vì chỉ nghĩ đến bản thân họ. Chúa Giêsu, bằng những câu hỏi và bằng tình yêu của Người, cùng với Thánh Thần của Người, tác động sâu xa trong chúng ta để biến chúng ta thành những con người thực sự, đích thực. Và ngày nay chúng ta rất cần những con người thực sự và đích thực như vậy.
Đức Thánh Cha gặp gỡ Giới trẻ Hungary
Giúp thế giới sống hoà bình
Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắc đến lời cảnh tỉnh của Tódor, nói rằng lòng nhiệt thành của chúng ta đối với sứ vụ có thể bị giảm sút khi sống trong an ninh và thoải mái, trong khi cách đây không xa, chiến tranh và đau khổ là thực tế hàng ngày. Đây là thách đố thực sự: kiểm soát cuộc sống của chúng ta để giúp thế giới của chúng ta sống trong hòa bình. Đức Thánh Cha mời gọi đặt câu hỏi thật khó: “Tôi đang làm gì cho người khác, cho Giáo hội, cho xã hội? Tôi có chỉ nghĩ về bản thân mình không? Hay tôi tự vì người khác, mà không tính toán đến lợi ích của chính mình? Chúng ta hãy suy tư về khả năng quảng đại, khả năng yêu thương của chúng ta như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, đó là bằng cách phục vụ người khác.”
Đức tin dẫn đến sự chia sẻ
Điều cuối cùng Đức Thánh Cha chia dựa trên trình thuật Chúa hóa bánh ra nhiều trong chương sáu của Tin Mừng Thánh Gioan, trong đó một bạn trẻ là trung tâm câu chuyện. Cậu có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá. Nhưng nó thấm gì khi có rất đông người?” (câu 9). Dù số bánh ít ỏi. nhưng được dâng tặng cho Chúa Giêsu, nó được biến nên nhiều và đủ cho tất cả mọi người. Từ sự chia sẻ của cậu bé đó phép lạ đã xảy ra.
Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ: “Đức tin là như vậy: nó bắt đầu bằng việc cho đi một cách tự do, với sự nhiệt tình và quảng đại, vượt qua nỗi sợ hãi của chúng ta và tiến bước!” Mỗi người trong các bạn đều quý giá đối với Chúa Giêsu và với tôi! Không ai có thể thay thế vị trí của họ trong lịch sử của Giáo hội và thế giới: Không ai có thể thay thế vị trí của các bạn, không ai có thể làm điều chỉ các bạn có thể. Vì vậy, chúng ta hãy giúp đỡ nhau để tin rằng chúng ta được yêu thương và quý giá, rằng chúng ta được tạo ra cho những điều vĩ đại.”
Sau khi ban phép lành cho các bạn trẻ Đức Thánh Cha đã trở về Toà Sứ thần để gặp riêng các tu sĩ Dòng Tên ở Hungary.
Đức Thánh Cha gặp gỡ Giới trẻ Hungary
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đọc thêm: Diễn văn của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ giới trẻ Hungary
_____
ĐỨC THÁNH CHA THĂM CỘNG ĐOÀN CÔNG GIÁO HY LẠP Ở HUNGARY
Hồng Thủy – Vatican News
Vatican News (29.4.2023) – Trưa ngày 29/4/2023, sau khi gặp gỡ người nghèo và người tị nạn, Đức Thánh Cha đã đi đến nhà thờ Công giáo Hy Lạp Sự bảo vệ của Mẹ Thiên Chúa để thăm Cộng đoàn Công giáo Hy lạp ở đây và cầu nguyện với họ theo nghi lễ Byzantine.
Cộng đoàn Công giáo Hy Lạp Hungary
Ngày 8/1/1905, Đức Hồng y Ferenc Kolis Vaszary, Tổng Giám mục của Estergom và Giáo chủ Hungary đã thành lập giáo xứ Công giáo Hy Lạp của Budapest.
Cộng đoàn thuộc Tổng giáo phận Hajdúdorog; từ năm 1980 giáo phận này giành cho tín hữu Công giáo nghi lễ Bizantine trên toàn nước Hungary. Phụ trách Tổng giáo phận là Đức cha Fulop Kocsis, thuộc cộng đoàn đan tu Dámóc.
Giáo hội Công giáo Hy Lạp đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tái tổ chức vào tháng 3/2015 và nâng thành Giáo hội tự quản, hoàn toàn độc lập với Giáo hội Công giáo Latinh về quyền tài phán. Các Giám mục Công giáo Hy Lạp ở Hungary là thành viên của Hội đồng Giám mục Hungary với quyền tự do bỏ phiếu.
Hai lá phổi của Giáo hội: tinh thần Đông phương và Tây phương
Đến nhà thờ sự Bảo vệ của Mẹ Thiên Chúa, Đức Thánh Cha được Đức Tổng Giám mục Kocsis đón tiếp và trong lời chào đón Đức Thánh Cha, Đức cha nói rằng nhờ Thánh Gioan Phaolô II, tín hữu Công giáo Hy Lạp hiểu rằng Giáo hội Chúa Kitô thở bằng hai lá phổi, đó là tinh thần của phương Đông và tinh thần của phương Tây, cùng nhau làm cho Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Kitô sống động. Hình ảnh này được thể hiện qua hình ảnh của hai nhà thờ Thánh Elizabeth của Công giáo Latinh và sự Bảo vệ của Mẹ Thiên Chúa của Công giáo Hy Lạp ở bên cạnh nhau tại Quảng trường Hoa hồng.
Cầu nối giữa hai Giáo hội
Tổng Giám mục của Giáo hội Công giáo Hy Lạp ở Hungary cũng nhắc lại rằng các vị tử đạo đã chết vì trung thành với Giáo hội Công giáo dưới bạo lực của cộng sản. Ngài nói: “Do đó, không ai có thể nghi ngờ rằng, trong khi cố gắng trung thành với cội nguồn Đông phương của mình, chúng con không muốn tách mình ra, nhưng muốn trở thành cầu nối giữa hai Giáo hội, vì theo một nghĩa nào đó, chúng con thuộc về cả hai.”
Giáo hội Công giáo Hy Lạp là thành viên bình đẳng trong gia đình Công giáo
Đức cha khẳng định: “Với chuyến thăm của Đức Thánh Cha hôm nay, chúng con có một xác nhận mạnh mẽ rằng chúng con là những thành viên bình đẳng trong gia đình Công giáo và chúng con hứa sẽ dấn thân mang đến cho mọi người một thông điệp về sự hiệp nhất và tình huynh đệ.”
Sau đó, Đức Tổng Giám mục của Giáo hội Công giáo Hy Lạp xin Đức Thánh Cha cùng cầu nguyện với cộng đoàn và hát kinh cầu bình an theo nghi thức Byzantine. Đức Thánh Cha đã cùng hát câu đáp bằng tiếng Hungary: Uram, irgalmazz! Nghĩa là Xin Chúa thương xót chúng con!
Kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha ban phép lành cho mọi người hiện diện.
Nguồn: vaticannews.va/vi
_____
ĐỨC THÁNH CHA GẶP NGƯỜI NGHÈO VÀ NGƯỜI TỊ NẠN TẠI NHÀ THỜ THÁNH ELISABETH CỦA HUNGARY
Ngọc Yến – Vatican News
Vatican News (29.4.2023) – Trong buổi gặp gỡ người nghèo và người tị nạn tại Nhà thờ thánh Elisabeth của Hungary, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, đức tin đích thực là đức tin chấp nhận thách đố, rủi ro, dẫn chúng ta đến gặp gỡ người nghèo và bằng chứng tá đời sống, ngôn ngữ bác ái. Ngài nhắc mọi người nhớ rằng, trong khi thực thi bác ái phải quan tâm đến con người toàn diện, và ước mong Giáo hội nói thông thạo ngôn ngữ bác ái.
Sau khi thăm các trẻ em khiếm thị và có hoàn cảnh đặc biệt tại Viện Chân phước László Batthyány-Strattmann, vào lúc 10 giờ, Đức Thánh Cha đến Nhà thờ Thánh Elizabeth của Hungary cách đó 10 km, để thăm người nghèo và người tị nạn.
Nhà thờ thánh Elisabeth của Hungary
Nhà thờ Thánh Elizabeth
Nhà thờ Thánh Elizabeth nằm ở Quảng trường Hoa hồng, được bao quanh bởi một công viên công cộng có hàng rào, ở quận VII của Budapest, khu Do Thái lịch sử của thành phố. Công trình xây dựng tòa nhà bắt đầu từ năm 1895, khi số tín hữu Công giáo ở quận Erzsébetváros gia tăng. Đức Tổng Giám Mục János Simor đã mua mảnh đất ở Quảng trường Hoa hồng. Kiến trúc sư Imre Steindl nổi tiếng được chọn thiết kế Nhà thờ. Nhà thờ được hoàn thành và cung hiến vào năm 1901. Trong dự án, ông Steindl đã chuyển đổi truyền thống Gothic của Pháp, kết hợp nó với các giải pháp kỹ thuật hiện đại.
Vào năm 1931, dịp kỷ niệm 700 năm ngày qua đời của Thánh Elizabeth của Hungary, vị thánh được biết đến với sự phục vụ dành cho người nghèo, một bức tượng của Thánh nữ, con gái của vua Hungary Andrew II đã được đặt trước Nhà thờ.
Trong Thế chiến thứ hai, quảng trường đã bị đánh bom và tòa nhà bị hư hại nặng. Nhà thờ chỉ được tái xây dựng và phục hồi nhờ vào Quỹ dành cho Giáo xứ Thánh Elizabeth, được thành lập vào năm 1992, và do đó đã lấy lại được vẻ đẹp trước đây.
Đức Thánh Cha gặp gỡ người nghèo và tị nạn
Đón tiếp
Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được chào đón tại lối vào Nhà thờ Thánh Elizabeth bởi Chủ tịch Caritas Hungary và linh mục quản xứ, người trao Thánh giá và nước thánh cho ngài.
Trong khi ca đoàn hát thánh ca Đức Thánh Cha và mọi người đến trước bàn thờ. Buổi gặp gỡ được bắt đầu với lời chào mừng của Chủ tịch Caritas Hungary. Tiếp theo đó là lời chứng của một gia đình Công giáo Hy Lạp, một gia đình tị nạn và hai vợ chồng phó tế.
Diễn văn của Đức Thánh Cha
Trong bài diễn văn sau đó, Đức Thánh Cha bắt đầu bằng việc nhắc lại rằng, người nghèo luôn là trung tâm của Tin Mừng, vì Chúa Giêsu đã đến giữa chúng ta “để loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18). Vì thế, người nghèo đặt ra cho chúng ta một thách đố lớn: Đức tin mà chúng ta tuyên xưng không bị giam cầm bởi một lòng đạo đức xa rời cuộc sống, một thái độ “ích kỷ tâm linh”, một nền linh đạo do chính tôi tạo ra nhằm duy trì sự yên tĩnh nội tâm và tự mãn cho chính mình. Đức tin đích thực là đức tin chấp nhận thách đố, rủi ro, dẫn chúng ta đến gặp gỡ người nghèo và bằng chứng tá đời sống, ngôn ngữ bác ái. Như Thánh Phaolô khẳng định, chúng ta có thể nói nhiều thứ tiếng, rất khôn ngoan và giàu có, nhưng nếu không có đức ái, chúng ta chẳng có gì, chúng ta chẳng là gì (1Cr 13,1-13).
Ngôn ngữ bác ái dành cho người nghèo
Tới đây, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chính Thánh Elizabeth là người đã nói ngôn ngữ bác ái này. Theo ngài, những ai “gắn bó với Thiên Chúa”, như Thánh Phanxicô Assisi, người đã truyền cảm hứng cho Thánh Elizabeth, thì mở lòng bác ái với người nghèo. Vì “nếu ai đó nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ và ghét anh chị em mình, người đó là kẻ nói dối. Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20). Thánh Elizabeth, con gái của một vị vua, đã lớn lên trong sự giàu sang của cuộc sống cung đình, trong một môi trường sang trọng và đặc quyền. Tuy nhiên, một khi đã được chạm đến và biến đổi nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Thánh nữ nhanh chóng cảm thấy khước từ sự giàu có và phù vân của thế gian, tìm cách từ bỏ chúng và chăm sóc những người túng thiếu. Vì vậy, ngài không chỉ bán của cải nhưng còn dành cả cuộc đời để phục vụ người nghèo, người phung cùi và người bệnh, tận tình chăm sóc họ, thậm chí còn vác họ trên vai. Đây là ngôn ngữ bác ái.
Đức Thánh Cha gặp người nghèo và người tị nạn tại Nhà thờ thánh Elisabeth của Hungary
Cần một Giáo hội thông thạo ngôn ngữ bác ái
Đi vào thực tế của xã hội Hungary và qua lời chứng của cô Brigitta, người đã cảm nhận được sự nâng đỡ của Chúa qua Giáo hội Công giáo Hy Lạp, Đức Thánh Cha giải thích về cách can thiệp của Chúa trong những lúc chúng ta gặp khó khăn: Đấng lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, “xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn” và “nâng người sa ngã” (Tv 146, 7-8), hầu như không bao giờ đến giải quyết các vấn đề của chúng ta từ trên cao, nhưng đến gần với vòng tay yêu thương dịu dàng và khơi dậy lòng trắc ẩn nơi những anh chị em nhận ra điều đó và không thờ ơ. Brigitta nói với chúng ta: cô đã có thể cảm nghiệm được sự gần gũi của Chúa nhờ Giáo hội Công giáo Hy Lạp, nhờ nhiều người đã làm hết sức để giúp đỡ, khuyến khích cô, tìm cho cô việc làm và hỗ trợ cô về nhu cầu vật chất cũng như trong hành trình đức tin. Đây là chứng tá mà chúng ta cần phải có: thể hiện lòng trắc ẩn đối với tất cả mọi người, đặc biệt những người đang sống trong nghèo đói, bệnh tật và đau đớn. Chúng ta cần một Giáo hội thông thạo ngôn ngữ bác ái, ngôn ngữ phổ quát mà mọi người đều có thể nghe và hiểu, kể cả những người ở xa nhất, kể cả những người không tin.
Ca đoàn
Cám ơn Giáo hội Hungary vì sự phục vụ bác ái
Tới đây, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn Giáo hội Hungary vì sự phục vụ bác ái một cách quảng đại và rộng khắp. Giáo hội đã tạo ra một mạng lưới kết nối nhiều nhân viên mục vụ, nhiều tình nguyện viên, Caritas giáo xứ và giáo phận, cũng như các nhóm cầu nguyện, các cộng đoàn tín hữu, các tổ chức thuộc các hệ phái khác, nhưng hiệp nhất trong tình hiệp thông đại kết phát sinh từ đức ái. Và ngài cám ơn mọi người về cách chào đón – không chỉ với lòng quảng đại nhưng còn với sự nhiệt tình – rất nhiều người tị nạn từ Ucraina.
Đức Thánh Cha nói ngài xúc động khi nghe lời chứng của Oleg và gia đình anh; “hành trình hướng đến tương lai” – một tương lai khác, khác xa nỗi kinh hoàng của chiến tranh – thực sự bắt đầu bằng một “hành trình của ký ức”, bởi vì Oleg nhớ lại sự chào đón nồng nhiệt mà anh nhận được ở Hungary nhiều năm trước khi anh đến làm đầu bếp ở đây. Ký ức về trải nghiệm đó đã khuyến khích anh đưa gia đình đến Budapest, nơi anh nhận được sự tiếp đón với lòng hiếu khách quảng đại. Ký ức về tình thương nhận được thắp lên hy vọng, khích lệ con người dấn thân vào những chặng đường đời mới. Thật vậy, ngay cả trong đau đớn và khổ sở, một khi chúng ta đã nhận được sự xoa dịu của tình thương, chúng ta sẽ có can đảm để tiến bước: đó là sức mạnh giúp chúng ta tin rằng tất cả không mất đi và một tương lai khác là có thể. Tình yêu mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta và Người truyền cho chúng ta phải sống như thế giúp loại bỏ khỏi xã hội, khỏi các thành phố và nơi chúng ta đang sống, cái xấu của sự thờ ơ và ích kỷ, và thắp lại niềm hy vọng cho một thế giới mới, công bằng và huynh đệ hơn, nơi mọi người có thể cảm thấy như ở nhà.
Đức Thánh Cha
Bác ái phải quan tâm đến con người toàn diện
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Tôi rất xúc động khi biết rằng, cùng với những nhu cầu vật chất, anh chị em chú ý đến lịch sử và phẩm giá bị tổn thương, quan tâm đến sự cô đơn, cuộc đấu tranh của người nghèo để họ cảm thấy được yêu thương và chào đón trên thế giới. Điều này áp dụng cho toàn thể Giáo Hội: cung cấp cơm bánh cho no bụng thì chưa đủ, còn phải nuôi tâm hồn con người nữa! Bác ái không chỉ là sự giúp đỡ về mặt vật chất và xã hội, nhưng quan tâm đến con người toàn diện và mong muốn giúp họ đứng vững trở lại bằng tình yêu của Chúa Giêsu: một tình yêu giúp lấy lại vẻ đẹp và phẩm giá”.
Kết thúc bài nói chuyện, Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người luôn nói ngôn ngữ bác ái, và một lần nữa nhắc đến mẫu gương của Thánh Elizabeth: “Người ta kể rằng Chúa đã từng biến bánh mà thánh nữ mang đến cho người nghèo thành hoa hồng. Đối với anh chị em cũng vậy: khi anh chị em dấn thân mang cơm bánh cho người nghèo đói, Chúa làm cho niềm vui nở hoa và tỏa hương thơm cho sự hiện diện của anh chị em bằng tình yêu mà anh chị em trao ban. Tôi cầu chúc anh chị em luôn mang hương thơm bác ái vào Giáo hội và đất nước của anh chị em. Và xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Xin cám ơn”.
Buổi gặp gỡ kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh Cha.
Nguồn: vaticannews.va/vi
_____
ĐỨC THÁNH CHA THĂM VIỆN “CHÂN PHƯỚC LÁSZLÓ BATTHY
Vatican News Tiếng Việt
Vatican News (29.4.2023) – Vào lúc 8 giờ 30 phút sáng thứ Bảy 29/4/2023, ngày thứ hai trong chuyến tông du viếng thăm Hungary, từ Toà Sứ thần, Đức Thánh Cha đến viện “Chân phước László Batthyány-Strattmann” cách đó 3,5 km để gặp riêng các em và những người có hoàn cảnh đặc biệt đang được chăm sóc ở đây.
Viện Chân phước László Batthyány-Strattmann, nằm ở quận XII của thủ đô, trong một tòa nhà nhiều tầng. Trung tâm có trường mẫu giáo và tiểu học dành cho các trẻ em khiếm thị hoặc cần được giáo dục đặc biệt. Các em được chăm sóc bởi các chuyên gia sức khỏe tâm thần, cùng với các công cụ giáo dục và vật lý trị liệu hiện đại nhất, hồ bơi và phòng tập thể dục.
Một em bé của Viện
Ngôi nhà dành cho trẻ em mù được điều hành bởi sơ Anna Fehér – “Mẹ Têresa của Hungary”, như đã được nhìn nhận trong những năm 1980 -, cho đến khi sơ qua đời vào năm 2021.
Năm 1982, với sự giúp đỡ của Đức Hồng Y László Lékai, sơ Anna, nhà sư phạm, cũng là người khiếm thị thuộc Dòng các Nữ tu Thánh Elizabeth Hungary, thiết lập Ngôi nhà dành cho trẻ em khiếm thị, ở quảng trường Batthyány, trong một căn hộ chỉ 100 mét vuông. Do căn hộ không đủ rộng để đón nhiều trẻ em nghèo, vào năm 1989 cơ sở đã được chuyển đến địa điểm hiện nay.
Giữa nhiều bách hại và khó khăn, nhưng nhờ sự dấn thân quên mình trong đức tin, đức cậy và đức mến, sơ Anna đã đem lại hy vọng và cơ hội mới cho nhiều trẻ em khuyết tật.
Đức Thánh Cha thăm viện “Chân phước László Batthyány-Strattmann”
Từ năm 2016, Ngôi nhà được quản lý bởi tổ chức “Kolping”, còn được gọi là “KOSZISZ”, trực thuộc Hội đồng Giám mục Hungary.
Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được Giám đốc trung tâm chào đón tại lối vào chính. Sau đó, Giám đốc đưa Đức Thánh Cha đi thăm một số phòng của Viện.
Buổi chào đón Đức Thánh Cha diễn ra sau đó một cách ngắn gọn và ấm cúng, với lời chào mừng của Giám đốc, bài hát Đức Mẹ, một thành viên của Viện biểu diễn sáo, trao đổi qua tặng, và kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh Cha.
Giám đốc viện chào mừng Đức Thánh Cha
Vào cuối buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha cũng có những lời cám ơn đối với Giám đốc và nhân viên của Viện vì sự chào đón và chăm sóc dành cho những người có hoàn cảnh đặc biệt.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha được tháp tùng đến phòng trệt để chào các nhân viên của Viện.
Nguồn: vaticannews.va/vi
_____
Video Đức Thánh Cha gặp các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ
_____
Video Đức Thánh Cha bắt đầu chuyến tông du đến Hungary
_____
ĐỨC THÁNH CHA GẶP CHÍNH QUYỀN, XÃ HỘI DÂN SỰ VÀ NGOẠI GIAO ĐOÀN Ở HUNGARY
Hồng Thủy – Vatican News
Vatican News (28.4.2023) – Trong bài phát biểu đầu tiên của tại Budapest, trong cuộc gặp gỡ với chính quyền dân sự Hungary, Đức Thánh Cha cảnh báo về “con đường bất chính của thực dân ý thức hệ” và về tiếng gầm của chủ nghĩa dân tộc quên đi cuộc sống của các dân tộc. Ngài cũng cảnh báo chống lại “ý thức hệ về giới tính” và “quyền phá thai” và mời gọi chào đón những người chạy trốn chiến tranh và biến đổi khí hậu.
Lúc 12 giờ 45 phút trưa ngày 28/4/2023, sau khi thăm xã giao Tổng thống và Thủ tướng của Hungary, Đức Thánh Cha đã đến trụ sở của lãnh đạo chính quyền Hungary, ở nơi trước đây là Đan viện của dòng Cát Minh. Đan viện này được xây dựng vào năm 1736 và được thánh hiến vào năm 1763. Nhưng vào năm 1784, hoàng đế Joseph II đã giải tán dòng và biến đan viện thành nhà hát để các quan chức chính phủ giải trí. Sau thế chiến thứ hai, đan viện bị hư hại nặng nề. Năm 1978, sau khi được trùng tu, đan viện mở cửa lại cho dân chúng thăm quan. Sau đó, vào năm 2001, đan viện trở thành tài sản của Nhà hát vũ kịch quốc gia, và ngày nay, sau khi được cải tạo thêm, từ năm 2019, có văn phòng của Thủ tướng.
Tham dự cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha tại Sảnh của đan viện cũ có khoảng 200 người thuộc giới lãnh đạo chính trị và tôn giáo, ngoại giao đoàn, các doanh nhân, đại diện xã hội dân sự và văn hoá.
Đức Thánh Cha gặp Chính quyền, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn ở Hungary
Sau lời chào mừng của bà Tổng thống Hungary, trong bài diễn văn, Đức Thánh chia sẻ một số ý tưởng, được gợi ý từ hình ảnh thủ đô Budapest, thành phố lịch sử, của những cây cầu và của các vị thánh.
Budapest, thành phố của lịch sử
Trước hết, Budapest, thành phố của lịch sử. Đức Thánh Cha nhắc lại những giai đoạn lịch sử của Budapest, sinh ra trong thời bình, nhưng cũng đã trải nghiệm những xung đột tàn khốc, đặc biệt là các hành động bạo lực và áp bức do chế độ độc tài Quốc xã và Cộng sản gây ra.
Hoà bình đến từ các chính sách quan tâm đến sự phát triển của mọi người
Nhắc đến kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Budapest, thông qua sự hợp nhất của ba thành phố Buda và Óbuda ở phía tây sông Danube và Pest ở bờ đối diện, Đức Thánh Cha mời gọi suy nghĩ về tiến trình thống nhất do Châu Âu thực hiện, trong đó Hungary đóng một vai trò quan trọng. “Trong thời kỳ hậu chiến, Châu Âu, cùng với Liên Hiệp Quốc, thể hiện niềm hy vọng cao quý rằng, bằng cách cùng nhau hợp tác vì sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các quốc gia, có thể tránh được những xung đột hơn nữa. Tuy nhiên, trong thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay, việc theo đuổi hết mình một chính trị cộng đồng và củng cố các mối quan hệ đa phương dường như là một ký ức đáng tiếc từ một quá khứ xa xôi. Chúng ta dường như đang chứng kiến buổi hoàng hôn đáng tiếc của giấc mơ hòa bình chung đó, khi những kẻ đơn độc trong chiến tranh giờ đây nắm quyền. Càng ngày, lòng nhiệt tình xây dựng một cộng đồng hòa bình và ổn định của các quốc gia dường như càng nguội lạnh, khi các vùng ảnh hưởng được vạch ra, sự khác biệt ngày càng rõ rệt, chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng và các phán quyết và ngôn ngữ ngày càng khắc nghiệt hơn được sử dụng để đối đầu với các quốc gia khác.” Và Đức Thánh Cha khẳng định: “Hòa bình sẽ không bao giờ đến được từ việc theo đuổi các lợi ích chiến lược cá nhân, nhưng chỉ đến từ các chính sách có khả năng nhìn ra bức tranh rộng lớn hơn, đến sự phát triển của mọi người: các chính sách quan tâm đến cá nhân, người nghèo và tương lai, chứ không phải chỉ đơn thuần là quyền lực, lợi nhuận và triển vọng hiện tại.”
Khám phá lại “tinh thần của châu Âu”
Theo Đức Thánh Cha, vào thời điểm lịch sử này, châu Âu được kêu gọi đảm nhận vai trò thích hợp của mình, “đó là hiệp nhất những người xa cách nhau, chào đón các dân tộc khác và từ chối coi bất kỳ ai là kẻ thù vĩnh viễn.” Do đó, “điều quan trọng là phải phục hồi tinh thần châu Âu: sự phấn khích và tầm nhìn của những người sáng lập, những người là các chính khách có thể nhìn xa hơn thời đại của họ, vượt ra ngoài biên giới quốc gia và nhu cầu trước mắt, và tạo ra các hình thức ngoại giao có khả năng theo đuổi sự thống nhất, chứ không phải làm trầm trọng thêm sự chia rẽ.” Nghĩ đến Ucraina đang bị chiến tranh tàn phá, Đức Thánh Cha đưa ra câu hỏi: những nỗ lực sáng tạo vì hòa bình đang ở đâu?
Đức Thánh Cha gặp Chính quyền, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn
Budapest, thành phố của những cây cầu
Thống nhất nhưng không đồng nhất
Suy tư thứ hai của Đức Thánh Cha: Budapest là thành phố của những cây cầu. Những cây cầu của Budapest nối liền nhiều khu vực của thành phố. Từ những nhịp cầu nối kết những thực tại đa dạng đó, Đức Thánh Cha nghĩ đến tầm quan trọng của một sự thống nhất không phải là đồng nhất. “Ở Budapest, điều này được thể hiện qua sự đa dạng đáng chú ý của hơn 20 quận tạo nên thành phố. Cũng vậy, Châu Âu của 27 nước được xây dựng để tạo cầu nối giữa các quốc gia, đòi hỏi sự đóng góp của tất cả, đồng thời không làm giảm đi tính độc đáo của mỗi quốc gia.”
“Tự do cá nhân chỉ có thể hoàn thiện khi hợp tác với những người khác”
Đức Thánh Cha nhắc lại lời của một trong những người sáng lập Châu Âu: “Châu Âu sẽ tồn tại, nhưng sẽ không có gì trong những điều đã tạo nên vinh quang và hạnh phúc của mỗi quốc gia bị mất đi. Vì trong một xã hội lớn hơn, và một sự hòa hợp lớn hơn, các cá nhân sẽ có thể phát triển” (Tham luận, đã trích dẫn). Và Đức Thánh Cha khẳng định: “Đó chính là sự thống nhất mà chúng ta cần: sự hài hòa của một tổng thể mà các bộ phận không bị đồng nhất một cách nhạt nhẽo nhưng được tích hợp hoàn toàn.” Như Hiến pháp Hungary đã tuyên bố một cách đúng đắn: “Tự do cá nhân chỉ có thể hoàn thiện khi hợp tác với những người khác”, và thêm nữa, “Chúng ta tin rằng văn hóa quốc gia của chúng ta là một đóng góp phong phú cho sự đa dạng của sự thống nhất châu Âu.”
Đó là một châu Âu, mà Đức Thánh Cha mong muốn, không trở thành con mồi của các hình thức chủ nghĩa dân túy tự quy chiếu cũng như không viện đến một thứ “chủ nghĩa siêu quốc gia” lỏng lẻo, nếu không muốn nói là nhạt nhẽo, đang đánh mất tầm nhìn về cuộc sống của các dân tộc. Ngài nói rằng đây là con đường tai hại của những hình thức “thực dân hóa ý thức hệ” vốn sẽ hủy bỏ sự khác biệt, như trong trường hợp của cái gọi là ý thức hệ về giới tính, hoặc sẽ đặt trước thực tế cuộc sống những khái niệm giản lược về tự do, chẳng hạn bằng cách khoe khoang là tiến bộ một “quyền phá thai” vô nghĩa, điều vốn luôn là một thất bại bi thảm.
Một Châu Âu lấy con người và các dân tộc làm trung tâm
Theo Đức Thánh Cha, “Sẽ tốt hơn biết bao nếu xây dựng một châu Âu lấy con người và các dân tộc làm trung tâm, với các chính sách hiệu quả đối với việc sinh sản và gia đình – những chính sách được quốc gia này theo đuổi một cách quan tâm –, một châu Âu mà các quốc gia khác nhau sẽ tạo thành một gia đình duy nhất bảo vệ sự phát triển và tính độc đáo của mỗi thành viên.” Ngài dùng hình ảnh cây cầu nổi tiếng nhất ở Budapest, cây cầu xích, để giúp hình dung ra kiểu châu Âu đó, vì nó bao gồm nhiều liên kết lớn và đa dạng tạo nên sự vững chắc và sức mạnh của chúng khi liên kết với nhau. Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nói tiếp, “đức tin Kitô giáo có thể là một nguồn lực, và Hungary có thể đóng vai trò là ‘người xây cầu’ bằng cách dựa trên đặc tính đại kết cụ thể của mình. Ở đây, các tôn giáo khác nhau chung sống với nhau mà không xích mích, hợp tác một cách tôn trọng và xây dựng.”
Đức Thánh Cha gặp Chính quyền, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn
Budapest, thành phố của các vị thánh
Và khía cạnh cuối cùng Đức Thánh Cha đề cập đến là Budapest như một thành phố của các vị thánh. Bắt đầu từ Thánh Stêphanô, vị vua đầu tiên của Hungary. Đức Thánh Cha nhận xét rằng lịch sử Hungary được đánh dấu bằng sự thánh thiện ngay từ đầu, không chỉ là sự thánh thiện của Nhà vua mà còn của cả gia đình ngài.
Thực hành yêu thương
Những lời khuyên của Thánh Stêphanô với con trai là Thánh Emeric trở thành một loại di chúc tinh thần cho dân tộc Magyar: “Cha khuyên con không những tỏ lòng ưu ái với bà con họ hàng, người quyền thế và giàu có, láng giềng và đồng hương của mình, mà còn với người nước ngoài và tất cả những ai đến với con.” Thánh Stêphanô thể hiện tinh thần Kitô giáo đích thực khi tuyên bố rằng, “thực hành yêu thương dẫn đến hạnh phúc tột đỉnh”. Ngài nói thêm: “Hãy dịu dàng, để bạn không bao giờ chống lại công lý” (Những lời khuyên, X). Bằng cách này, ngài kết hợp sự thật và sự dịu dàng một cách không thể tách rời. Đức Thánh Cha nhận định: “Đây là một giáo huấn đức tin tuyệt vời: Các giá trị Kitô giáo không thể được đề xuất bằng sự cứng nhắc và khép kín, bởi vì chân lý của Chúa Kitô đòi hỏi sự hiền lành và dịu dàng, theo tinh thần của các Mối phúc.”
Tinh thần cởi mở
Tinh thần cởi mở đối với người khác, như được Hiến pháp Hungary ghi nhận: “Chúng tôi tôn trọng tự do và văn hóa của các dân tộc khác, và sẽ cố gắng hợp tác với mọi quốc gia trên thế giới,” theo Đức Thánh Cha, thực sự mang tính Phúc Âm, và tương phản với một số khuynh hướng, đôi khi được đề xuất nhân danh các truyền thống bản địa và thậm chí là đức tin, để co cụm vào chính mình.
Bảo vệ những người dễ bị tổn thương và người nghèo
Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng Hiến pháp Hungary cũng khẳng định: “Chúng ta có nghĩa vụ chung là bảo vệ những người dễ bị tổn thương và người nghèo.” Và Đức Thánh Cha nói đến chứng tá thánh thiện của Thánh Elizabeth, công chúa Hungary, “đã qua đời ở tuổi hai mươi bốn sau khi từ bỏ tất cả tài sản của mình và phân phát mọi thứ cho người nghèo. Cuối cùng, thánh nhân đã cống hiến hết mình và phục vụ những người bệnh trong nhà tế bần mà ngài đã xây dựng. Ngài vẫn là một chứng nhân nổi bật của Tin Mừng.”
Đức Thánh Cha gặp Chính quyền, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn
Lấy Tin Mừng làm điểm quy chiếu
Tiếp tục bài diễn văn, Đức Thánh Cha cảm ơn các nhà chức trách đã thúc đẩy các công việc bác ái và giáo dục được truyền cảm hứng từ những giá trị Kitô giáo, và sự hỗ trợ cụ thể của họ đối với nhiều Kitô hữu trên toàn thế giới đang gặp khó khăn và nghịch cảnh. Ngài khen ngợi sự hợp tác giữa Nhà nước và Giáo hội, luôn tôn trọng sự phân biệt cẩn thận giữa các lĩnh vực riêng của nhau. Và ngài nhắc các Kitô hữu phải ghi nhớ điều này, “lấy Tin Mừng làm điểm quy chiếu, tự do đón nhận những giáo huấn giải phóng của Chúa Giêsu mà không nhượng bộ một loại “chủ nghĩa hợp tác’ với một nền chính trị quyền lực”. Ngài phân biệt giữa “tính thế tục” và “chủ nghĩa tục hoá”, là thứ phổ biến vốn dị ứng với bất kỳ khía cạnh nào của sự thánh thiêng, nhưng lại sẵn sàng hy sinh bản thân trước bàn thờ của lợi nhuận.
Con cái Chúa và anh chị em của nhau
Đức Thánh Cha nói: “Những người tự xưng là Kitô hữu, cùng với các chứng nhân đức tin, được kêu gọi làm chứng và hợp lực với mọi người để vun trồng một chủ nghĩa nhân văn được gợi hứng bởi Phúc Âm và đi theo hai con đường cơ bản: nhìn nhận mình là con cái yêu dấu của Thiên Chúa Cha và yêu thương nhau như anh chị em một nhà.” Và Thánh Stêphanô là mẫu gương của tình huynh đệ khi khuyên con hãy chào đón những người lạ với lòng nhân từ và tôn trọng họ, để họ thích ở với con hơn là ở nơi khác (Các lời khuyên, VI).
Tiếp nhận người di dân: thách đố đòi các Kitô hữu trả lời
Nhận định rằng vấn đề tiếp nhận và chào đón người di dân là một vấn đề nóng bỏng trong thời đại của chúng ta, và chắc chắn là phức tạp, tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói, “đối với những người là Kitô hữu, thái độ cơ bản của chúng ta không thể khác với thái độ mà thánh Stêphanô đã khuyên con trai của ngài, sau khi học được điều đó từ Chúa Giêsu, Đấng đã đồng hóa mình với khách lạ cần được tiếp đón (x. Mt 25,35). Khi chúng ta nghĩ về Chúa Kitô hiện diện trong rất nhiều anh chị em của chúng ta, những người đang chạy trốn cách tuyệt vọng khỏi các cuộc xung đột, nghèo đói và biến đổi khí hậu, chúng ta cảm thấy buộc phải đương đầu với vấn đề mà không được bào chữa và trì hoãn.” Và ngài nhắc nhở Châu Âu, với tư cách là một cộng đồng, phải hành động để tạo ra các hành lang pháp lý và an toàn cũng như các quy trình đã được thiết lập để đáp ứng một thách thức mang tính thời đại, nhằm chuẩn bị cho một tương lai mà nếu không được chia sẻ thì sẽ không tồn tại. “Thách thức này đặc biệt đòi hỏi sự đáp lời từ phía những người là môn đệ của Chúa Giêsu và muốn noi gương các chứng nhân của Tin Mừng.”
Từ giã Tổng thống Hungary, Đức Thánh Cha lên xe về Toà Sứ Thần cách đó hơn 3 km để ăn trưa và nghỉ ngơi.
Đức Thánh Cha gặp Chính quyền, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn
Nguồn: vaticannews.va/vi
_____
ĐỨC THÁNH CHA THĂM HỮU NGHỊ TỔNG THỐNG CỘNG HOÀ VÀ THỦ TƯỚNG
Ngọc Yến – Vatican News
Vatican News (28.4.2023) – Sau cuộc hội kiến riêng, vào lúc sau 11 giờ 30 phút ngày 28/4/2023, Đức Thánh Cha cùng Tổng thống ra Hội trường lớn. Tại đây, hai bên trao đổi quà tặng, chụp hình chung và ký sổ vàng lưu niệm. Tổng thống Cộng hoà cũng giới thiệu gia đình của bà với Đức Thánh Cha.
Tổng thống Cộng hòa Hungary
Tống thống và Đức Thánh Cha hội kiến riêng
Tổng thống Cộng hòa Hungary, bà Katalin Novák, sinh năm 1977 tại Szeged. Bà học Kinh tế và Hành chính công tại Đại học Budapest và tiếp tục học tại Đại học Szeged và Paris. Bà Novák bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 2001 tại Bộ Ngoại giao, sau đó giữ các chức vụ: cố vấn cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh văn phòng Nội các Zoltán Balog tại Bộ Nhân sự, Bộ trưởng về Gia đình và Thanh niên, Phó Chủ tịch đảng Fidesz, đại biểu Quốc hội Hungary, Bộ trưởng Bộ Gia đình. Vào ngày 10 tháng 3 năm 2022, bà được Quốc hội bầu làm Tổng thống Cộng hòa. Bà Novák là nữ tổng thống đầu tiên của nước này. Bà có ba người con.
Troa đổi quà tặng
Gặp Thủ tướng
Đức Thánh Cha gặp Thủ tướng Hungary
Vào lúc 11 giờ 50 phút, Đức Thánh Cha được Tổng thống tháp tùng đến Sảnh Maria Têrêsa của Dinh để gặp Thủ tướng.
Thủ tướng Cộng hòa Hungary, ông Viktor Orbán, sinh năm 1963. Năm 1987, ông Orbán tốt nghiệp Khoa Luật tại một đại học ở Budapest. Năm 1988, ông thành lập phong trào sinh viên cải cách mang tên “Liên minh các Đảng viên Dân chủ Trẻ tuổi”, ngày nay là Fidesz – Liên minh Công dân Hungary, đảng bảo thủ quốc gia. Ông được bầu vào Quốc hội năm 1990 và năm 1998 lần đầu tiên ông được bổ nhiệm làm Thủ tướng. Ông được tái cử làm người đứng đầu chính phủ vào các năm 2010, 2014 và 2018. Ông Orban đã kết hôn với bà Aniko Levai và có 5 người con.
Cuối buổi gặp gỡ, Thủ tướng giới thiệu gia đình với Đức Thánh Cha.
Nguồn: vaticannews.va/vi
_____
NGHI THỨC ĐÓN TIẾP ĐỨC THÁNH CHA TẠI QUẢNG TRƯỜNG CỦA DINH “SÁNDOR”
Ngọc Yến – Vatican News
Vatican News (28.4.2023) – Vào lúc 11 giờ, Đức Thánh Cha đến Dinh “Sándor” và được Tổng thống Cộng hoà chào đón tại quảng trường của Dinh “Sándor” để dự lễ nghi đón tiếp chính thức, với tất cả các nghi thức ngoại giao.
Dinh Sándor
Dinh “Sándor”
Dinh “Sándor” là nơi ở chính thức của Tổng thống Cộng hoà từ ngày 22/01/2023. Lúc đầu, toà nhà sang trọng được xây dựng cho gia đình quý tộc Sándor, theo dòng lịch sử được sử dụng làm toà nhà chính phủ. Sau Thế chiến thứ hai, Dinh biến thành đống đổ nát, và được làm lại vào năm 1989. Nhưng Dinh chỉ thực sự được khôi phục hoàn toàn vào mùa xuân năm 2022.
Nội thất toà nhà được thiết kế theo phong cách Baroque, với nhiều sảnh lớn dùng cho các cuộc gặp gỡ lớn, các buổi chiêu đãi Ngoại giao đoàn. Dinh “Sandor” mở cửa cho công chúng mỗi năm một lần vào đầu mùa thu, Ngày Di sản Văn hoá ở Hungary.
Đức Thánh Cha và Tống thống Hungary
Đức Thánh Cha và Tổng thống tiến ra giữa sân trong tiếng kèn chào mừng của đoàn quân nhạc. Sau đó, đoàn quân nhạc lần lượt trỗi quốc thiều của Vatican và Hungary.
Hiện diện trong nghi thức tiếp đón này có các đại diện của chính phủ Hungary và phái đoàn của Tòa Thánh cũng như các lãnh đạo Giáo hội tại Hungary.
Sau nghi thức chào cờ, Đức Thánh Cha và Tổng thống Hungary đi qua hàng quân danh dự. Sau đó Tổng thống giới thiệu phái đoàn chính phủ Hungary. Tiếp đó là phái đoàn của Vatican.
Sau lễ nghi đón tiếp chính thức, Đức Thánh Cha và Tổng thống Hungary đi lên lầu một của phủ Tổng thống để hội kiến riêng.
Đức Thánh Cha và Tống thống Hungary
Nguồn: vaticannews.va/vi
_____
ĐỨC THÁNH CHA ĐÃ ĐẾN BUDAPEST THỦ ĐÔ CỦA HUNGARY
Ngọc Yến – Vatican News
Vatican News (28.4.2023) – Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thủ đô Budapest của Hungary lúc 9 giờ 53 phút sáng 28/4 và sẽ viếng thăm tại đây cho đến chiều ngày 30/4.
Sau 1 giờ 30 phút bay, vượt 990 km từ Roma đến thủ đô Budapest của Hungary, máy bay A320 của hãng hàng không ITA Airways của Ý đã đáp xuống sân bay Budapest và dừng lại tại khu vực dành riêng cho nghi lễ tiếp đón.
Sứ thần Tòa Thánh tại Hungary, Đức Tổng Giám Mục Michael W. Banach, và trưởng ban nghi lễ ngoại giao của Hungary lên máy bay chào Đức Thánh Cha.
Tại thang máy bay, Đức Thánh Cha được Phó Thủ tướng Hungary đón tiếp. Vài trăm tín hữu đứng trong khu vực sân bay vẫy cờ Hungary và Tòa Thánh reo mừng chào Đức Thánh Cha. Hai em bé trong trang phục truyền thống đã tặng bánh mì, muối và hoa cho Đức Thánh Cha, như dấu chỉ của sự chào đón.
Hai em bé tặng bánh mì và muối cho Đức Thánh Cha
Tiếp đến các thành viên trong hai phái đoàn của Hungary và Tòa Thánh được giới thiệu với Đức Thánh Cha và Phó Thủ tướng Hungary. Đức Thánh Cha và Phó Thủ tướng cũng chào một số vị đại diện của Giáo hội Hungary. Sau đó Đức Thánh Cha và Phó Thủ tướng duyệt qua hàng quân danh dự và lên xe đến Sảnh VIP của sân bay và hội đàm với nhau trong ít phút.
Vào lúc 10 giờ 30 phút, Đức Thánh Cha rời phi trường, di chuyển đến Dinh “Sándor” cách đó 24,3 km.
Nguồn: vaticannews.va/vi
_____
ĐỨC THÁNH CHA BẮT ĐẦU CHUYẾN TÔNG DU ĐẾN HUNGARY
Ngọc Yến – Vatican News
Vatican News (28.4.2023) – Khẩu hiệu của chuyến tông du lần này của Đức Thánh Cha: “Chúa Kitô là tương lai của chúng ta”. Đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha đến Hungary. Vào tháng 9/2021, ngài đã đến thủ đô Budapest của Hungary để chủ sự Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52. Nhưng cuộc viếng thăm đó không được xem là một cuộc viếng thăm chính thức khi ngài chỉ dừng lại Hungary chưa đầy 8 tiếng đồng hồ. Thực tế, đây chỉ là một chặng dừng chân trước khi viếng thăm Slovakia 3 ngày. Do đó, chuyến viếng thăm Hungary lần này rất được người dân Hungary mong chờ và chính Đức Thánh Cha cũng chờ đợi để gặp mọi thành phần của Giáo hội và xã hội Hungary.
Từ Vatican, Đức Thánh Cha đến sân bay Fiumicino lúc 8 giờ sáng và được chào đón bởi Đức cha Gianrico Ruzza của Giáo phận Porto-Santa Rufina, nơi có sân bay Fiumicino.
Đức Thánh Cha chào mọi người tháp tùng ngài đến Hungary
Chuyến bay A320 của hãng hàng không Alitalia của Ý chở Đức Thánh Cha, đoàn tuỳ tùng và các nhà báo cất cánh lúc 8 giờ 21 phút. Trước khi đến Budapest, máy bay chở Đức Thánh Cha bay qua các quốc gia Ý và Croatia. Theo thông lệ, khi máy bay của Đức Thánh Cha bay qua không phận các quốc gia này ngài đã gửi điện thư đến nguyên thủ các quốc gia.
Nguồn: vaticannews.va/vi
_____
CHƯƠNG TRÌNH TÔNG DU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TẠI HUNGARY
Thứ Sáu ngày 28 tháng 04 năm 2023
ROMA – BUDAPEST
08:10 (Giờ VN 13:10) |
Khởi hành từ sân bay quốc tế Roma/Fiumicino để bay đến Budapest | |
10:00 (15:00) |
Đến sân bay quốc tế Budapest | |
10:00 (15:00) |
CHÀO ĐÓN CHÍNH THỨC | |
11:00 (16:00) |
NGHI THỨC TIẾP ĐÓN tại quảng trường của Dinh “Sándor” | |
11:30 (16:30) |
THĂM HỮU NGHỊ TỔNG THỐNG CỘNG HOÀ tại Dinh “Sándor” | |
11:55 (16:55) |
GẶP THỦ TƯỚNG | |
12:20 (17:00) |
GẶP CHÍNH QUYỀN, XÃ HỘI DÂN SỰ VÀ NGOẠI GIAO ĐOÀN tại Đan viện cũ Cát Minh | Diễn văn của Đức Thánh Cha |
17:00 (22:00) |
GẶP GỠ CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ, CHỦNG SINH VÀ CÁC NHÂN VIÊN MỤC VỤ tại Đồng Nhà thờ Chính toà Thánh Stêphanô |
Thứ Bảy ngày 29 tháng 04 năm 2023
BUDAPEST
08:45 (Giờ VN 13:45) |
THĂM RIÊNG CÁC TRẺ EM CỦA VIỆN “CHÂN PHƯỚC LÁSZLÓ BATTHYÁNY-STRATTMANN” | |
10:15 (15:15) |
GẶP NHỮNG NGƯỜI NGHÈO VÀ NGƯỜI TỊ NẠN tại Nhà thờ Thánh Elisabeth của Hungary | Diễn văn của Đức Thánh Cha |
11:30 (16:30) |
THĂM CỘNG ĐOÀN CÔNG GIÁO HY LẠP tại Nhà thờ Công giáo Hy lạp “Sự che chở của Mẹ Thiên Chúa” | |
16:30 (21:30) |
GẶP GỠ GIỚI TRẺ tại Sân thể thao “Papp László Budapest” | Diễn văn của Đức Thánh Cha |
18:00 (23:00) |
GẶP RIÊNG CÁC TU SĨ DÒNG TÊN tại Toà Sứ thần |
Chúa Nhật ngày 30 tháng 04 năm 2023
BUDAPEST – ROMA
09:30 (Giờ VN 14:35) |
THÁNH LỄ tại quảng trường Kossuth Lajos | Bài giảng của Đức Thánh Cha Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng |
16:00 (21:00) |
GẶP GIỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ VĂN HOÁ tại Khoa Tin học và Khoa học Kỹ thuật Sinh học của Đại học Công giáo “Péter Pázmány” | Diễn văn của Đức Thánh Cha |
17:30 (22:30) |
NGHI THỨC CHÀO BIỆT tại sân bay quốc tế Budapest | |
18:00 (23:00) |
Khởi hành từ sân bay quốc tế Budapest để trở về Roma | |
19:55 (00:55) |
Đến sân bay quốc tế Roma/Fiumicino |
Nguồn: vaticannews.va/vi
2023
Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng với Ðức Thánh cha: Hãy loại bỏ sự tự vệ và mở lòng ra với Chúa Giêsu.
Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng với Ðức Thánh cha: Hãy loại bỏ sự tự vệ và mở lòng ra với Chúa Giêsu.
Trưa Chúa nhật, ngày 23 tháng Tư năm 2023, gần 20,000 tín hữu đã tới Quảng trường thánh Phêrô để dự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng với Ðức Thánh cha Phanxicô. Trong phần chào thăm, Ðức Thánh cha bày tỏ quan tâm về tình hình xung đột tại Sudan và kêu gọi gọi đình chiến. Ðức Thánh cha cũng thông báo và mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho chuyến viếng thăm Hungary của ngài, từ ngày 28 đến ngày 30 tháng Tư năm 2023.
Huấn dụ của Ðức Thánh cha
Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong Chúa nhật thứ III Phục sinh này, Tin mừng kể lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ trên đường Emmaus (Xc Lc 24,13-35). Ðây là hai môn đệ, cam chịu vì cái chết của Thầy, đã quyết định trong ngày lễ Vượt qua, rời thành Jerusalem và trở về nhà. Và trong khi họ buồn rầu đi trên đường, và nói về những gì xảy ra, thì Chúa Giêsu đến cạnh họ, nhưng họ không nhận ra Ngài. Chúa hỏi làm sao họ buồn như vậy, thì họ đáp: “Chỉ có ông là người xa lạ ở Jerusalem! Ông không biết điều gì đã xảy ra tại đó trong những ngày này sao?” (v. 18). Chúa đáp: “Ðiều gì vậy?” (v.19). Chúa Giêsu yêu cầu kể lại cho Ngài điều mà chính Ngài biết rõ hơn họ, nhưng Ngài không chế giễu họ. Ngài chỉ muốn lắng nghe câu chuyện họ kể. Rồi trong khi họ tiến bước, Chúa giúp họ đọc lại những sự kiện một cách khác, dưới ánh sáng Lời Chúa. Chúng ta hãy dừng lại ở khía cạnh này.
Thực vậy, đối với cả chúng ta: lịch sử cuộc đời chúng ta, trong một giai đoạn nào đó, những ngày của chúng ta, với những thất vọng và hy vọng. Ðàng khác, cả chúng ta, như hai môn đệ ấy, chúng ta cũng có thể ngỡ ngàng lạc hướng trước những biến cố, cảm thấy lẻ loi và bất định, với bao nhiêu câu hỏi và lo âu. Bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy kể tại tất cả cho Chúa Giêsu, chân thành, không sợ làm phiền Ngài, không sợ nói những điều sai lầm, không xấu hổ vì sự khó hiểu của chúng ta. Chúa hài lòng khi chúng ta cởi mở với Ngài. Như các môn đệ trên đường Emmaus, chúng ta được kêu gọi trao đổi với Chúa vì, để khi chiều tàn, Chúa ở lại với chúng ta (Xc v.29).
Xét mình mỗi tối
Ðức Thánh cha nói tiếp: “Có một cách thức tốt để làm điều đó và hôm nay tôi muốn đề nghị cách này với anh chị em: đó là mỗi tối dành một lúc, để xét mình vắn tắt. Lúc đó phải làm gì? Là đọc lại ngày của chúng ta với Chúa Giêsu: cởi mở tâm hồn cho Ngài, trình bày với Ngài những người, những chọn lựa, những sợ hãi, những vấp ngã và hy vọng; để dần dần học nhìn sự việc với con mắt khác, với những đôi mắt của Chúa, chứ không phải của chúng ta. Chúng ta có thể sống lại kinh nghiệm của hai môn đệ ấy. Ðứng trước tình thương của Chúa Kitô, cả những gì có vẻ là cơ cực và thất bại cũng có thể xuất hiện dưới một ánh sáng khác: thập giá khó vác, chọn lựa tha thứ đối với một xúc phạm đã chịu, một sự phục thù hụt, vất vả trong việc làm, lòng thành thực phải trả giá, những thử thách của đời sống gia đình có thể xuất hiện trước chúng ta dưới một ánh sáng khác, ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh, Ðấng biết làm cho mỗi sa ngã thành một bước tiến. Nhưng để làm được điều đó, điều quan trọng là cất bỏ sự tự vệ: dành thời giờ và không gian cho Chúa Giêsu, đừng giấu giếm Chúa điều gì. Hãy trình bày cho Ngài những lầm than, để cho mình bị thương tích vì sự thật của Chúa, để cho con tim rung động trước hơi thở, tiếng nói của Chúa.
Chúng ta có thể bắt đầu từ ngày hôm nay, dành buổi tối, một khoảng thời gian để cầu nguyện, trong đó chúng ta tự hỏi: ngày của tôi hôm nay ra sao? Ðâu là những hạt trai của hôm nay, những hạt trai giấu ẩn ta cần cám ơn? Có một chút tình thương trong điều tôi đã làm hay không? Ðâu là những sa ngã, buồn sầu, ngờ vực, và sợ hãi cần trình bày với Chúa để Ngài mở ra cho tôi những con đường mới, nâng đỡ tôi lên và khuyến khích tôi?
Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: “Xin Mẹ Maria, Ðức Trinh Nữ khôn ngoan, giúp chúng ta nhận ra Chúa Giêsu đang tiến bước với chúng ta và đọc lại trước Chúa mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta.”
Chào thăm và kêu gọi
Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho mọi người, Ðức Thánh cha nhắc nhở mọi người về một số biến cố mới xảy ra:
Trước tiên là lễ phong chân phước, hôm thứ Bảy, 22 tháng Tư vừa qua tại Paris, cho năm vị tử đạo người Pháp, bị sát hại vì đức tin trong thời kỳ gọi là “Công xã”. Ðứng đầu là cha Henri Planchat (1823-1871), thuộc Dòng thánh Vinh Sơn Phaolô, các linh mục Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, là những mục tử tông đồ nhiệt thành, cùng làm chứng tá đức tin đến độ tử đạo tại Paris.
Tiếp đến là ngày Thế giới về đất, cử hành hôm thứ Bảy vừa qua, Ðức Thánh cha nói: Tôi cầu mong rằng sự dấn thân chăm sóc thiên nhiên luôn được liên kết với một tình liên đới thực sự với những người nghèo nhất.
– Và một lần nữa, Ðức Thánh cha kêu gọi cầu nguyện cho nhân dân ở Sudan đang ở trong tình trạng xung đột trầm trọng giữa quân đội chính phủ và dân quân. Cụ thể ngài kêu gọi chấm dứt bạo lực và đối thoại với nhau để tái lập hòa bình.
Rồi, Ðức Thánh cha nói: “Thứ Sáu, ngày 28 tháng Tư tới đây, tôi sẽ trở lại Hungary để hoàn tất chuyến viếng thăm tôi đã khởi sự cách đây hai năm, trong dịp bế mạc Ðại hội Thánh Thể quốc tế hồi tháng Chín năm 2021. Cuộc viếng thăm của tôi cũng diễn ra giữa lòng Âu châu, nơi đang có tình trạng nguy hiểm đối với hòa bình. “Tôi cũng cám ơn tất cả những người ở Hungary đang làm việc để chuẩn bị cuộc viếng thăm của tôi. Xin cám ơn tất cả anh chị em. Sau cùng, tất cả chúng ta hãy cầu nguyện cho Ucraina tiếp tục chịu đau khổ”.
Trần Ðức Anh, O.P.
2023
Thánh giá, thập giá…
Thánh giá, thập giá…
Bài viết của Cha Stêphanô Huỳnh Trụ có sự đóng góp ý kiến và sửa lỗi của anh Phêrô Nguyễn Tâm Thành và bà Bernadette Pauline Lê Kim Ngọc Tuyết.
_______
1. Mỗi lần đọc Kinh Tin Kính, tôi hay bị chia trí khi đọc đến câu “chịu đóng đinh trên cây Thánh giá”. Tôi thường nghĩ quan Phongxiô Philatô lấy đâu cây Thánh giá để đóng đinh Chúa Giêsu? Cây giá đó đã là Thánh thì làm sao gây đau khổ cho Chúa Giêsu? Làm sao lại là một hình phạt được? Cây giá đó trong tiếng Việt có nhiều cách gọi. Chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của các thuật từ chỉ về cây giá đó: thập tự giá, thập giá, Thánh giá, khổ giá và thập ác.
2. Nghĩa của những chữ thập, tự, giá, thánh, khổ, ác.
2.1 Thập.
Có những chữ Hán này: 十, 什, 拾. Trong thuật từ thập tự giá là chữ 十 (thập), nghĩa là: (dt.) (1) Tên số một cộng chín: thập nhân (mười người); (2) Một trong 214 bộ của chữ Hán. (tt.) (3) Số nhiều: thập mục sở thị (ai ai cũng thấy). (pt.) (4) Rất, hết mức: thập phân, thập nhị phân (ngoại hạng); (5) Hoàn toàn: thập toàn thập mỹ.
2.2 Tự.
Có nhiều chữ Hán: 字, 似, 佀, 寺, 自, 叙, 敘, 嗣, 序, 姒, 嶼, 屿, 祀, 禩, 牸, 緒, 緖, 飴, 饴, 飼, 饲,飤, 漵, 溆, 鱮, 沮. Ở đây là chữ 字 (tự), nghĩa là: (dt.) (1) Chữ, ký hiệu ghi ngôn ngữ: văn tự; tự điển; (2) Biệt danh (tự là tên được đặt khi đủ 20 tuổi làm lễ đội mũ và công khai gia nhập xã hội người lớn): Đức Khổng Tử có “tự” là “Trọng Ni”; (3) Họ Tự. (đt.) (4) Người con gái đã hứa hôn.
2.3 Giá.
Có nhiều chữ Hán: 架, 這, 这, 嫁, 價, 価, 价, 柘, 駕, 驾, 鷓, 稼, 蔗, 假, 仮, 叚. Trong trường hợp này là chữ 架, nghĩa là: (dt.) (1) Khung để treo: y giá (khung áo); (2) Gác (để đặt đồ vật): thư giá (kệ sách); (3) Cấu trúc của vật: cốt giá; (4) Giàn: đậu giá (giàn đậu); (đt.) (5) Bắt cóc: cường hành giá tẩu (dùng sức mạnh bắt đi); (6) Xây dựng cầu, bắc cầu: giá kiều; (7) Đánh lộn: đả giá; (8) Chống lại: giá bất trú (đấu không lại; không chịu nổi); (9) Tranh cãi: khuyến giá (can đôi bên); (10) Làm điệu, ra vẻ ta đây: bài giá tử. (lt., lgt.) (11) Cỗ, chiếc: nhất giá phi cơ (một chiếc máy bay).
2.4 Thánh[1] (聖).
Có những nghĩa sau đây: (dt.) (1) Người tu dưỡng nhân cách tới cõi cùng cực; (2) Phàm cái gì mà tới tột bực đều gọi là thánh; (3) Lời nói tôn kính nhất; (4) Người hiểu thấu mọi việc; sáng suốt, cái gì cũng biết rõ; (5) Họ Thánh; (6) Tôn xưng ông vua; (7) Người học thức hoặc đạo đức thâm cao; (8) Nhân vật được tôn thờ hoặc thần linh; (9) Đấng tạo ra trời, đất, chúa tể của muôn loài, theo một số tôn giáo. (tt.) (10) Cái gì thuộc về nhà vua thời phong kiến; (11) Chữ trong Kitô giáo dùng để gọi Chúa Giêsu và những gì thuộc về Chúa (Ví dụ: tượng thánh, chén thánh, nước thánh, Toà Thánh…).
2.5 Khổ.
Khổ chỉ có hai chữ Hán: 苦, 楛. Trong trường hợp khổ giá là chữ 苦, nghĩa là: (dt.) (1) Trà; (2) Đắng, một trong ngũ vị: điềm 甜 (ngọt), toan 酸 (chua), khổ 苦 (đắng), lạt 辣 (cay), hàm 鹹 (mặn); (3) Khó chịu đựng: đồng cam cộng khổ. (đt.) (4) Lao lực; (5) Ghét; (6) Cảm thấy không đủ: xuân tiêu khổ đoản nhật cao khởi (Đêm xuân chưa thấy gì thì mặt trời đã mọc lên). (tt.) (7) Gian lao; (8) Vị đắng; (9) U sầu; (10) Buồn sầu; (11) Làm cho người ta buồn. (pt.) (12) Cố gắng: mai đầu khổ đọc (cắm đầu cố gắng học).
2.6. Ác.
Có nhiều chữ: 惡, 恶, 堊, 垩, 喔, 幄, 渥, 握, 齷, 龌, trong thuật từ thập ác là chữ 惡, nghĩa là: (dt.) (1) Việc xấu: vô ác bất tác (không việc xấu nào mà không làm); (2) Người chuyên làm việc xấu: thừa thiên tru ác (thừa lệnh trời giết người ác); (3) Bệnh tật; (4) Vấy bẩn; (5) Cứt (phân); (6) Tà khí; (7) Kém hèn. (tt.) (8) Hung dữ; (9) Không lương thiện; (10) Xấu xa; (11) Thô thiển. (pt.) (12) Rất.
3. Nghĩa của thuật từ thập tự giá, thập giá, thánh giá, khổ giá và thập ác.
3.1. Thập tự giá (十 字 架).
Thập là mười; tự là chữ; giá là đồ dùng để treo cái gì lên. Như vậy thập tự giá là cái giá có hình chữ thập. Chữ “thập” là chữ thập của chữ Hán, gồm hai nét ngang và dọc: 十, chỉ số 10. Số mười thường viết là 10. Đây là điểm quan trọng cho thấy muốn hiểu tiếng Việt không thể không biết chữ Hán. Đối với những ai không muốn dùng chữ Hán, có lẽ phải nói là “giá dấu cộng” (+) chứ không thể nói “thập tự giá”.
Thập tự giá là một dụng cụ hành hình tàn nhẫn thời xưa, thịnh hành nhất tại Persia, Đamas, Giuđêa, Israel, Carthage, Rôma. Thông thường dùng để xử tử những người phản nghịch, dị giáo, nô lệ và những người không có quyền công dân của Đế quốc Rôma.
Thập tự giá tiếng Anh là cross, bắt nguồn từ chữ Latinh crux. Trong Tân Ước dùng chữ Hy Lạp là stauros, chữ này có hai nghĩa: khúc cây bình thường và cây thập tự giá đóng đinh Chúa Giêsu. Một số giáo phái Tin Lành, như “Chứng nhân Yehowa”, thì chỉ dịch là khúc cây và họ từ chối nhìn nhận thập tự giá của Chúa Giêsu. Trong tiếng Anh cổ xưa cũng dùng chữ rood (thập tự giá) hay rod (cây). Sách Bách Khoa Berry kể ra đến 385 loại thập tự giá.
Trong văn học phương Tây, coi thập tự giá như tượng trưng cho sự đau khổ, nhưng đối với Kitô hữu, đó là thể hiện ơn cứu chuộc của Chúa Kitô.
3.2. Thập giá (十 架).
Thập là mười; giá là khuôn treo. Thập giá: là mười cái khuôn treo hay mười chiếc, không có nghĩa là cái giá hình chữ thập. Thập tự giá nói tắt thành “thập giá” thì không đúng chút nào, cũng như chúng ta không thể rút ngắn thuật từ “chữ thập đỏ” thành “thập đỏ”, hay “hồng thập tự” thành “hồng thập”. Thuật từ “thập giá” thay cho thuật từ “thập tự giá” đã có từ lâu và sử dụng quá phổ biến, nên đã trở thành thuật ngữ chuyên biệt của Kitô giáo, đạo Cao Đài thì chỉ dùng thuật từ “thập tự giá”. Đối với Kitô hữu, ai ai cũng chấp nhận “thập giá” đồng nghĩa với “thập tự giá”, cho nên khi ban đầu dùng sai rồi, nay kể như là đúng, mà cũng không ai thắc mắc, được kể như một thuật từ chuyên dùng. Đây là một trong những trường hợp ngoại lệ. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả các thuật từ dùng sai rồi, đã phổ biến, thì đương nhiên trở thành thuật từ đúng, đổi trắng thay đen được. Cũng vậy thuật từ “tạo vật” nghĩa là Đấng “Tạo Hoá”, không thể vì không hiểu mà trở thành “thụ tạo” được. Về phương diện nghiên cứu, không nên chỉ theo cảm tính, mà phải theo lý trí.
3.3. Thánh giá (聖 架).
Thánh nghĩa là thuộc về Chúa, dâng hiến cho Chúa; giá: đồ dùng hay khuôn để treo lên. Thánh giá nghĩa là khuôn được thánh hiến. Thuật từ thánh giá không nói đến “giá” có hình dáng gì, mà chỉ nói đến cái giá được thánh hiến mà thôi.
Chúng ta biết Chúa Kitô đã bị đóng đinh vào cây giá (Lc 24,39; Ga 20,25), nhưng không biết cây giá đó có hình chữ T hay có phần trồi lên trên thanh ngang như hình chữ “thập” (十), truyền thống Giáo Hội thì thường là hình chữ thập. Tuy nhiên cũng có lưu truyền loại hình chữ T (gọi là crux commissa hay là thánh giá của Thánh Antôn).
Thánh giá cũng có nghĩa là xe của vua[2]. Vì là chữ 駕 (giá) này, là xe cộ.
Đây cũng là một trường hợp thuật từ thánh giá được sử dụng quá phổ biến mà trở thành một thuật từ riêng biệt của Kitô giáo.
Nếu chúng ta muốn dùng thuật từ thánh giá để chỉ cái giá có hình chữ thập theo truyền thống Công giáo, thì thuật từ thập tự thánh giá mới đúng hơn. Bằng không thì thuật từ thánh giá cũng rất hay, vì không cần tranh luận cái giá đóng đinh Chúa có hình dáng gì.
3.4. Khổ giá.
Nghĩa là cái giá đau khổ, gây đau khổ cho Chúa Giêsu. Chính vì Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên cái giá đó, nên trở thành khổ giá. Chúa Giêsu đã đem lại cho đau khổ và sự chết một ý nghĩa lớn lao nhờ chia sẻ sâu xa thân phận bi đát của con người. Đau khổ và sự chết của Đức Giêsu trở thành cần thiết cho một mùa màng lớn lao tức là ơn cứu chuộc muôn dân.
Để cho rõ nghĩa hơn, nên nói “thập tự khổ giá”, nhưng chúng ta cũng quen dùng khổ giá để chỉ thập tự khổ giá.
3.5. Thập ác.
Thập là mười, ác là việc xấu, thập ác là mười việc xấu hay mười tội ác. Nguyên từ này có hai nghĩa:
(1) Mười tội ác theo đạo Phật, do thân, khẩu, ý gây ra:
- Thân (thân thể) gây ra ba tội ác: sát sanh (giết hại sinh vật), du đạo (trộm cướp), tà dâm (lấy vợ hay chồng người).
- Khẩu (miệng) gây ra bốn tội ác: vọng ngữ (nói dối), ỷ ngữ (nói nhơ nhớp, tục tĩu), lưỡng thiệt (hai lưỡi, nói đâm thọc), ác khẩu (nói điều ác độc).
- Ý (tư tưởng) gây ra ba tội ác: tham (tham lam), sân (giận hờn), si (mê muội, tà kiến).
(2) Mười tội ác theo pháp luật Trung Quốc ngày xưa: Mưu phản, mưu đại nghịch, mưu bạn, ác nghịch, bất đạo, đại bất đạo, bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, nội loạn[3]. Cho nên tục ngữ Trung Quốc có nói: “Thập ác bất xá” (mười việc ác không được tha thứ).
Nhưng sau này một số người dân ngoại dùng chỉ cây thập tự, với ý khinh miệt các Kitô hữu[4], nên chúng ta không thể dùng thuật từ này để chỉ thập tự giá hay thập giá. Chính Gs. Nguyễn Lân cũng nói “thập ác: (dt.) Từ mà người không theo đạo Thiên Chúa gọi cái Thánh giá: Ở địa phương, muốn bảo đảm đoàn kết, không nên gọi cây thánh giá là thập ác[5]”.
4. Khác biệt của thập giá và thánh giá.
4.1. Thập giá.
Trước khi Chúa Giêsu chịu khổ hình trên cây thập tự thì cây thập tự chỉ được gọi là cây THẬP TỰ GIÁ, là một cái giá hành hình có kiểu dáng chữ thập, là một cực hình của thế giới phương Tây.
Biểu tượng của cây thập tự giá đối với những người không có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là một biểu tượng của sự chết, là sự ô nhục, điên rồ và ngu xuẩn (1 Cr 1,23).
Thập tự giá cũng là biểu tượng của việc hy sinh hãm mình của Kitô hữu: “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo!” (Lc 9,23).
4.2. Thánh giá.
Sau khi Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết, lên trời vinh hiển thì cây THẬP TỰ GIÁ trở thành một báu vật của nhân loại và được gọi là THÁNH GIÁ bởi vì cây thập giá ấy đã được diễm phúc làm nơi cho Thánh Tử Giêsu yên nghỉ. Đối với những người có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô thì cây thập giá biến thành cây THÁNH GIÁ và là biểu tượng của niềm tin. Khi dâng thánh lễ, trên bàn thờ phải có cây thánh giá.
5. Kết luận.
Kitô hữu luôn kính mến cây giá đóng đinh Chúa Giêsu là thánh giá, bất kể vật chất hay phi vật chất. Ví dụ chúng ta thường nói làm dấu thánh giá, hay khi chúc lành, giáo sĩ cũng dùng tay làm dấu thánh giá.
Không chỉ trong Kinh Tin Kính ghi là Chúa Giêsu “chịu đóng đinh trên cây thánh giá[6]”, mà các kinh xưa của Giáo Hội tại Việt Nam, khi nhắc đến cây thập giá đều dùng thuật từ thánh giá. Như khi ngắm Năm Sự Thương “Thứ bốn thì ngắm: Đức Chúa Giêsu vác cây thánh giá “. Hay chặng đàng thánh giá, chặng thứ hai: “Đức Chúa Giêsu xê vai lại mà vác lấy thánh giá”; chặng thứ năm: “Quân dữ bắt ép ông Simon vác đỡ thánh giá với Chúa[7]”.
Đây là một ý nghĩa hay của Giáo Hội tại Việt Nam, nhưng nên chăng chúng ta cần phân biệt cái giá trước và sau khi đóng đinh Chúa, tức là thập giá và thánh giá.
______________________
[1] x. nghĩa chữ thánh ở các trang 265, 411, 564, 574, 580, 584, 589, 593.
[2] Lê Văn Đức, TỪ ĐIỂN VIỆT NAM, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970.
[3] Đào Duy Anh, HÁN VIỆT TỪ ĐIỂN, in lần thứ ba, nxb. Trường Thi, Sài Gòn, 1957.
[4] Lm. Eugène Gouin, MEP, DICTIONNAIRE VIETNAMIEN CHINOIS FRANÇAIS, D’Extrême Orient, Sài Gòn, 1957.
[5] Nguyễn Lân, TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ HÁN VIỆT, nxb. TP.HCM, TP.HCM, 1989.
[6] MỤC LỤC NHỰT KHOÁ, nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2004, tr. 94.
[7] sđd. tr. 190, 193.