2023
Thứ bảy sau Chúa Nhật III Phục Sinh
Thứ bảy sau Chúa Nhật III Phục Sinh
Ca nhập lễ
Trong phép Rửa tội, anh em đã được mai táng làm một với Đức Kitô, anh em cũng được sống lại với Người bởi đã tin vào quyền năng Thiên Chúa, Đấng đã cho Người từ cõi chết sống lại – Allêluia.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã cho những ai tin vào Chúa được tái sinh nhờ nước thánh tẩy để nên một với Ðức Kitô, xin Chúa thương phù trì giúp họ luôn chiến thắng tội lỗi và trung thành đáp lại tình thương của Chúa. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Cv 9, 31-42
“Hội thánh được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Hội Thánh được bình an trong khắp miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.
Phêrô đi khắp các miền, đến với các thánh đang ở Lyđa. Ở đó ngài gặp một người tên là Ênêa, bị bất toại đã liệt giường suốt tám năm. Phêrô nói với anh ta: “Ênêa, Chúa Giêsu Kitô chữa anh lành bệnh; hãy chỗi dậy và dẹp giường đi”. Lập tức anh ta đứng lên. Tất cả dân cư ở Lyđa và Sarôna thấy vậy, đều trở lại cùng Chúa.
Tại Gióp-pê, có một nữ môn đồ tên là Tabitha, nghĩa là Sơn Dương. Bà làm nhiều việc lành và hay bố thí. Xảy ra trong những ngày ấy bà lâm bệnh mà chết; người ta rửa xác bà, rồi đặt trên lầu. Vì Lyđa ở gần Gióp-pê, các môn đồ nghe tin Phêrô đang ở đó, liền sai hai người đến xin ngài rằng: “Xin ngài hãy mau đến với chúng tôi”. Phêrô chỗi dậy đi với họ. Ðến nơi, người ta dẫn ngài lên lầu; tất cả các quả phụ bao quanh ngài, khóc nức nở, chỉ cho ngài xem các áo trong áo ngoài mà chị Sơn Dương may cho họ. Phêrô bảo mọi người ra ngoài, rồi quỳ gối cầu nguyện, và quay mặt về phía thi thể mà nói: “Tabitha, hãy chỗi dậy”. Bà liền mở mắt, thấy Phêrô và ngồi dậy. Phêrô đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi các thánh, và các quả phụ đến, và chỉ cho thấy bà đã sống lại. Cả thành Gióp-pê hay biết việc ấy, nên nhiều người tin vào Chúa. Phêrô lưu lại Gióp-pê nhiều ngày tại nhà Simon thợ thuộc da.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 14-15. 16-17
Ðáp: Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi?
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa.
Xướng: Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết của những bậc thánh nhân Ngài.
Xướng: Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa.
Alleluia: Mt 28, 19 và 20
Alleluia, alleluia! – Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 6, 61-70
“Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống”.
Trích Phúc Âm theo Thánh Gioan.
Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Ðiều đó làm các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các ngươi có một số không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”. Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin đón nhận lễ vật của chúng con là con cái trong nhà, và thương tình bảo vệ chúng con luôn mãi. Ước gì chúng con không để mất những ơn đã lãnh nhận trong lễ Vượt Qua này, và được hưởng phúc lộc muôn đời Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…
Lời Tiền Tụng
Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong đêm (ngày, mùa) cực thánh này, chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Nhờ Người con cái sự sáng được sinh ra để sống muôn đời, và khi các cửa Nước Trời được mở ra đón các tín hữu, vì nhờ sự chết của Người, chúng con khỏi phải chết, và trong sự sống lại của Người, chúng con được phục sinh.
Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!.
Ca hiệp lễ
Chúa phán: “Lạy Cha, Con cầu xin cho chúng, để chúng nên một trong Ta, và để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” – Allêluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin không ngừng bảo vệ chúng con Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình để cứu chuộc chúng con, xin cho chúng con cũng được chia sẻ phần vinh quang phục sinh của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
2023
Liên Hiệp Quốc lên án các vụ oanh kích thường dân tại Myanmar
Liên Hiệp Quốc lên án
các vụ oanh kích thường dân tại Myanmar
Liên Hiệp Quốc lên án các vụ oanh kích thường dân tại Myanmar.
Liên Hiệp Quốc, nhiều nước Tây phương và các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án chính quyền quân phiệt ở Myanmar đã dùng trực thăng chiến đấu MI-35 oanh kích thường dân tại nước này làm cho hàng trăm người bị thiệt mạng.
Vụ oanh kích xảy ra hôm 11 tháng Tư năm 2023 tại Kanbalu, thuộc miền Sagaing. Trong số các nạn nhân, có các trẻ em, người già, phụ nữ mang thai. Cuộc tấn công xảy ra vào dịp lễ của “Chính quyền thống nhất quốc gia” (National Unity Government, NUG), là chính phủ song song dân chủ.
Ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres mạnh mẽ lên án vụ này. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố trong một twitter rằng những hành động bạo lực như thế chứng tỏ sự coi rẻ của chế độ quân phiệt tại Myanmar đối với mạng sống con người và họ phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất về nhân đạo tại nước này, từ sau cuộc đảo chánh hồi tháng Hai năm 2021. Bà Nabila Massrali, Phát ngôn viên của Ủy ban hành pháp Liên hiệp Âu châu, nói rằng: ‘Liên hiệp Âu châu kinh hoàng vì những tin tức liên quan đến những hành vi tàn bạo của chế độ quân phiệt Myanmar tại Sagaing, làm cho hàng chục thường dân vô tội bị thiệt mạng. Chúng tôi tiếp tục làm việc để những kẻ có trách nhiệm về vụ này phải hoàn toàn trả lẽ về việc làm của họ”.
Chính phủ song song dân chủ của Myanmar thì coi vụ sát hại này là “sự sử dụng độc đoán tột độ bạo lực để chống các thường dân vô tội và là một tội ác chiến tranh của tập đoàn quân nhân ở nước này”.
Phát ngôn viên của quân đội Myanmar, tướng Zaw Min Tun, trong cuộc phỏng vấn dành cho các cơ quan truyền thông nhà nước địa phương, đã nhìn nhận trách nhiệm của chính phủ quân đội: không quân đã tấn công làng Pa Zi Gya, thuộc tỉnh Kanbalu, trong miền Sagaing, vì tại đó có buổi lễ khánh thành Văn phòng của Lực lượng bảo vệ nhân dân (Pdf), một số dân quân thuộc lực lượng kháng chiến mà quân đội Myanmar coi là những nhóm khủng bố.
Lực lượng bảo vệ nhân dân được thành lập cách đây hai năm, sau cuộc đảo chánh của quân đội Myanmar và là cánh tay võ trang của Chính phủ thống nhất quốc gia lưu vong.
Từ đầu tháng Hai năm 2021 đến tháng Giêng năm 2023, chính phủ quân phiệt Myanmar, nhờ những máy bay của Nga và Trung Quốc, đã thực hiện ít nhất 600 vụ oanh kích và dội bom chống các làng do các lực lượng kháng chiến kiểm soát tại nhiều miền. Làng Kitô Chaung Yoe, thuộc miền Sagaing đã bị tấn công lần thứ ba, hôm 11 tháng Tư năm 2023, trong vòng hơn một năm. Các binh sĩ đã phá hủy các ghế dài trong nhà thờ địa phương, thiêu rụi một số xe máy, trong khi dân chúng bỏ chạy không thể mang theo của cải nào. Trong những tuần gần đây, tại bang Chin có đa số dân theo Kitô giáo, hằng ngày đều có những cuộc đụng độ giữa quân chính quy và dân quân địa phương, thuộc lực lượng kháng chiến.
(Asia News 12-4-2023, KNA 12-4-2023)
G. Trần Ðức Anh, O.P.
2023
Tình trạng sức khỏe của Đức Phanxicô được cải thiện, ngài bị viêm phế quản
Theo thông báo mới nhất của Tòa Thánh tối thứ năm 30 tháng 3, tình trạng sức khỏe của Đức Phanxicô được cải thiện nhờ chuyền thuốc kháng sinh, sau khi các bác sĩ chẩn đoán ngài bị viêm phế quản và họ cho biết ngài có thể rời bệnh viện trong vài ngày tới.
Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết, ngài vào bệnh viện là cũng một phần của việc kiểm soát sức khỏe theo lịch trình, và các bác sĩ phát hiện ngài bị viêm phế quản truyền nhiễm cần phải điều trị bằng kháng sinh theo đường truyền dịch, việc điều trị này đã mang lại kết quả mong đợi, tình trạng sức khỏe của ngài đã được cải thiện rõ rệt. Theo diễn tiến, ngài sẽ có thể rời bệnh viện trong những ngày tới.
Trưa thứ năm, Văn phòng Báo chí cũng cho biết tối hôm qua ngài ngủ ngon.
Buổi sáng, Văn phòng cho biết, sau bữa ăn sáng, ngài vào nhà nguyện nhỏ trong căn phòng của ngài và đã rước lễ. Sau đó ngài đọc một vài tờ báo và bắt đầu làm việc. Trong một câu tweet ngày 30 tháng 3, ngài cho biết ngài rất xúc động trước nhiều tin nhắn nhận được trong những giờ gần đây và bày tỏ lòng biết ơn vì sự gần gũi và lời cầu nguyện của mọi người.
Các xét nghiệm sức khỏe khác
Đức Phanxicô nhập viện vào giữa trưa thứ tư 29 tháng 3. Trong những ngày gần đây ngài cảm thấy khó thở nên phải vào bệnh viện Gemelli để kiểm tra sức khỏe, ngài bị nhiễm trùng đường hô hấp nhưng không do Covid-19, vì thế cần phải ở bệnh viện vài ngày để điều trị.
Tháng 7 năm 2021, ngài đã ở bệnh viện Gemelli 10 ngày để mổ ruột kết. Kể từ tháng 5 năm 2022, do chứng đau đầu gối kinh niên, ngài đã phải ngồi xe lăn, cơn đau đã làm ngài phải phải hoãn chuyến đi Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan dự tính vào mùa hè năm 2022 và ngài đã đến hai quốc gia này vào đầu năm 2023.
Năm 1957, vì bệnh viêm màng phổi, một phần phổi của ngài đã bị cắt bỏ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
2023
Cơn mưa kỳ diệu
Thánh tích được rước giữa lòng sông mưa ở Perpignan, nước Pháp. © Giáo xứ Thánh Gioan Tẩy giả
Ngày thứ bảy 18 tháng 3 một cuộc rước kiệu để cầu mưa ở Perpignan, Pyrénées-Orientales vùng hạn hán lịch sử đã thành công.
Ngày 18 tháng 2 khi ông Georges Puig, người trồng nho ở Passa đi qua cầu Joffre ở Perpignan, ông không thể không dừng lại để đo lường mức độ của thảm họa: sông La Têt, nơi cây cầu bắc qua, gần như khô cạn. Trong nhiều năm, hạn hán đã tàn phá khu vực, nhưng đặc biệt vài tháng gần đây tình trạng hết sức khắc nghiệt. Hai ngày sau, ông đến nhà thờ chính tòa Thánh Gioan Tẩy giả ở Perpignan để cầu nguyện gần di tích Thánh Gaudérique, một vị thánh địa phương vào thế kỷ thứ 9.
Ông nhớ lại: “Các gia đình ở Roussillon có thói quen cầu nguyện với Thánh Gaudérique khi hạn hán.” Ông gặp cha sở Christophe Lefebvre, ông nói: “Chúng ta có thể trưng bày thánh tích được không, trong quá khứ, chúng ta có thói quen rước kiệu xin mưa xuống.” Quyết định được đưa ra để cầu nguyện xin mưa từ Trời rơi xuống. Ngày được ấn định là ngày 18 tháng 3, chúng tôi chưa biết dự báo thời tiết ngày đó.
Ba giờ mưa liên tục
Phần còn lại của câu chuyện đơn giản như trong Kinh thánh: cuộc rước kiệu tiến hành như dự tính và ngay tối hôm đó, lượng mưa rơi xuống trong ba giờ tương đương với ba tuần mưa, vượt xa dự báo trong ngày. Linh mục Lefebvre nói: “Chúa ban cho chúng tôi những gì chúng tôi hy vọng!” Về phần giáo dân, họ tin chắc mưa là kết quả trực tiếp của lời cầu nguyện. Gần 600 người đi kiệu từ sân nhà thờ đến con sông La Têt cách đó vài trăm mét. Xông hương thánh tích, bài thánh ca catalan, kinh cầu các thánh đã cùng với những người khiêng kiệu thánh tích đi giữa dòng sông La Têt, mực sông không quá 20 xăngtimét. Kết thúc buổi rước kiệu là ban phép lành cho khu vực với thánh tích và đọc một đoạn Tin Mừng ở bốn điểm chính.
Những người gièm pha xem đây là mê tín dị đoan. Cha Benoỵt de Roeck của nhà thờ chính tòa, không nghi ngờ tác động của lời cầu nguyện, ngài nói, “mưa rơi xuống ngay là câu trả lời từ Trời”, ngài nhấn mạnh: “Đặc biệt cơn mưa làm mọi người ngạc nhiên, đây không phải là mưa phùn hay dòng nước lũ làm ngập đồng bằng, nhưng là cơn mưa tưới mát trái đất.”
Đối với người công giáo cũng như một số người đã rời đạo, cuộc rước là biểu hiện cho lòng mộ đạo bình dân đích thực. Linh mục De Roeck ngạc nhiên trước lòng mộ đạo tự nhiên này của người dân, khi hiện nay họ rất ngại công khai bày tỏ đức tin của mình, ngài nói: “Trong hai hoặc ba năm, thế giới vốn tự cho mình là toàn năng đã bắt đầu thấy tính dễ bị tổn thương, nhận ra sự mong manh của mình trước thiên nhiên và từ đó là trước Đấng Tạo Hóa. Lòng mộ đạo bình dân này đã dẫn dắt các dân tộc qua nhiều thế kỷ và không phải không có lý do mà ngày nay chúng ta tìm thấy lại. Nó đã bị phỉ báng, nhưng không gì có thể thay thế đức tin bình dân này, vì nó đơn sơ và vì thế nó đúng.”
Vào cuối cuộc rước, khi mười người khiêng thánh tích vào nhà nguyện của nhà thờ chính tòa, cha xứ quyết định khởi động lại nhóm huynh đệ Thánh Gaudérique, đã bị giải tán trong thời Cách mạng. Về phía giáo xứ, giáo dân đang nghĩ đến việc tổ chức rước kiệu hàng năm. Đây là lợi ích đôi của Thánh Gaudérique: xin mưa rơi, không chỉ tưới mát trái đất mà còn tưới mát cho đức tin của người dân địa phương.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch