2023
Vì sao phong trào “tỉnh thức” ở Asbury lại mê hoặc người công giáo Pháp như thế? fr.aleteia.org, Lauren Butler-Bergier, 2023-03-03 Nhìn lại buổi cầu nguyện tự phát tại Đại học Asbury, bang Kentucky nước Mỹ kéo dài hai tuần và quy tụ gần 50.000 bạn trẻ. Liệu phong trào “tỉnh thức” tâm linh này có lan rộng không? Phân tích của bà Lauren Butler, người mẹ công giáo người Mỹ, trước đây theo đạo tin lành, bà nói tiếng Pháp. Sự kiện ở Đại học Kentucky thu hút người công giáo Pháp nhưng gần như ít được chú ý ở Mỹ, ít có báo công giáo đưa tin. Hiện tượng những buổi cầu nguyện tập thể tự phát, minh chứng cho một khát vọng tâm linh lớn lao, thường thấy ở một đất nước mà tự do tôn giáo không bị mặc cảm. Phong trào được gọi là “hồi sinh” có nghĩa là “tỉnh thức hoặc đổi mới”. Để hiểu rõ hơn, trang Aleteia phỏng vấn bà Lauren Butler trong giới đại học Mỹ, trở lại đạo công giáo, người biết rõ thế giới Ngũ tuần, trong đó phát sinh làn sóng khen ngợi dường như không dừng lại này. Bà lớn lên trong một môi trường truyền giáo Mỹ. Bạn thấy điều gì mới trong hiện tượng tỉnh thức ở Asbury? Lauren Butler: Tôi đến từ cùng một truyền thống này qua cha tôi, ông xuất thân trong một gia đình tin lành lớn. Ông là một phần trong phong trào truyền giáo vào những năm bảy mươi và là mục sư làm việc cho người trẻ. Vào thời điểm đó, có một điều gì đó với phong trào Dân Chúa Giêsu (Jesus People) đã đánh dấu cả một thế hệ. Khi còn là thiếu niên, tôi ở trong nhóm cầu nguyện tin lành, tại đây tôi gặp những người của giáo phái Ngũ tuần. Chúng tôi bị mê hoặc bởi loại hiện tượng này và việc trở thành một phần của phong trào như của Asbury là điều chúng tôi mơ ước. Giống như các bạn tín hữu kitô trẻ, chúng tôi bị thúc đẩy bởi một ước muốn mạnh mẽ là cầu nguyện chiêm niệm và bởi câu hỏi “làm thế nào để chúng ta biết được Chúa Giêsu?” Asbury lặp lại những “hồi sinh” đã diễn ra trong quá khứ; tôi nghĩ đến cuộc Đại thức tỉnh của thế kỷ 18 ở các thuộc địa, điều mà người tin lành Mỹ ngày nay vẫn còn nhắc đến. Nhưng chúng tôi vẫn còn khao khát có các bài viết thiêng liêng của các phong trào này. Và điều không tránh khỏi, trong các phong trào của chính chúng tôi, người ta đề nghị chúng tôi đọc các tác giả công giáo hoặc chính thống giáo để tiến xa hơn trong lời cầu nguyện. Tôi chắc chắn biến cố này sẽ sinh hoa kết trái, các ơn gọi sẽ được sinh ra cho mục vụ, sẽ có các hôn nhân và nhiều hoa trái khác. Những người tin lành trẻ này có một ước muốn cầu nguyện chiêm niệm rất mạnh. Nhưng họ không có những nơi cho họ những buổi chiêm niệm thường xuyên, ca ngợi và cầu nguyện chung sao? Dĩ nhiên là có: nhiều tín hữu kitô Mỹ thường nhóm lại mỗi chúa nhật và cả một ngày trong tuần để thờ phượng và ngợi khen. Cầu nguyện liên lỉ gần như không có trong môi trường tin lành. Ở Mỹ, ngoài các giờ lễ, những nơi thờ phượng của đạo tin lành bị khóa cửa, trừ khi có một “hồi sinh” diễn ra, như trường hợp hai tuần vừa qua ở Asbury. Nơi duy nhất chúng tôi có thể dành thì giờ để cầu nguyện liên lỉ là trong phòng của chúng tôi… hoặc trong một nhà thờ công giáo. Cũng nên nói thêm, phong trào Ngũ tuần, không giống như anh giáo, họ đã không còn các giờ kinh phụng vụ. Phong trào này thật tuyệt vời, nhưng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Tôi chắc chắn biến cố này sẽ sinh hoa kết trái, các ơn gọi sẽ được sinh ra cho mục vụ, sẽ có các hôn nhân và nhiều hoa trái khác. Chúa thật quảng đại. Nhưng ngày nay tôi thấy, hầu hết những người bạn theo tin lành thời trẻ của tôi đã không còn đến nơi thờ phượng nữa, điều này được xác nhận qua các số liệu thống kê về số người giữ đạo ở Hoa Kỳ. Những người trẻ này có thể đào sâu kinh nghiệm về sự hiện diện của Chúa trong thờ phượng, trong suốt cuộc đời của họ. Thách thức là biến kinh nghiệm đặc biệt này thành một trải nghiệm mới vào mọi thời điểm trong cuộc đời chúng ta. Người trẻ không tôn giáo: đâu là linh đạo của giới trẻ? Canh tân trước hết là phụng vụ thiên quốc trong nhà và trong tâm hồn theo Thánh Phaolô và theo các thánh. Chính xác làm thế nào để đổi mới kinh nghiệm này? Chúng ta phải nhận ra cuộc “đổi mới” của tín hữu kitô đã diễn ra cách đây 2.000 năm! Nhờ phép rửa tội, chúng ta đã trở thành tư tế, ngôn sứ và vua chúa. Canh tân trước hết là phụng vụ thiên quốc trong nhà và trong tâm hồn theo Thánh Phaolô và theo các thánh. Đó cũng là điều các đan viện đã cầu nguyện phụng vụ thường xuyên ở trung tâm của Giáo hội, được nhiều giáo dân tham gia trong việc thực hành các Giờ kinh Phụng vụ hàng ngày, và trong các giáo xứ có thánh lễ và chầu Thánh Thể hàng ngày. Đối với Ngũ tuần, thách thức là tiến gần hơn đến ý nghĩa của các bí tích. Tại Pháp, nơi mà kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa như thế này diễn ra cách khá kín đáo, nếu không muốn nói là ẩn giấu, có một sức hấp dẫn với giới trẻ nhiệt thành này, những người tự phát, tập thể, cầu nguyện ở nơi rất công cộng, ở trường đại học, một cách hoàn toàn mới. Đúng, ở Pháp, việc giữ đạo đã hoàn toàn bị xóa khỏi đời sống công cộng. Khi tôi dạy lịch sử tư tưởng ở một trường đại học công giáo Pháp, thánh lễ hàng ngày được dâng cách lén lút: một linh mục đã về hưu cử hành thánh lễ trong một nhà nguyện dưới lòng đất! Nếu có đi đàng thánh giá hoặc rước Thánh Thể thì phải đơn giản và tôn trọng môi trường chung quanh, nhưng trên phạm vi cả nước thì phải giữ kín đáo. Chúng tôi không có cùng quan tâm này như ở Mỹ, họ không có chiến tranh tôn giáo cũng như không có Cách mạng. Ví dụ về Asbury – một nhóm họp tự phát cầu nguyện thu hút hàng ngàn người trẻ – dường như khó du nhập vào Pháp, nhưng cần lưu ý, sự kiện này diễn ra ở một trường đại học kitô giáo. Đằng sau người trẻ Mỹ Ngũ tuần rất nhiệt thành này là các cha mẹ đã hy sinh và đầu tư rất nhiều cho việc giáo dục con cái họ. Tại Hoa Kỳ, cha mẹ truyền lại đức tin bằng cách cho con học tại nhà hoặc cho con vào các trường đạo tương tự như các trường ngoài hợp đồng ở Pháp. Nếu đời sống của các Giáo hội không được cấu trúc xung quanh đời sống cộng đồng kitô hữu, thì đức tin được truyền bá như thế nào? Tại Hoa Kỳ, cha mẹ truyền đức tin bằng cách cho con học tại nhà hoặc cho con học ở trường đạo tương tự như trường ngoài hợp đồng ở Pháp. Đó là điều mang tính quyết định ở Hoa Kỳ. Ở Pháp, có một số phong trào hướng đạo và một số phong trào tương tự như Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Nếu tôi tìm kiếm một cái gì tương tự ở Pháp như những gì xảy ra ở Asbury, thì tôi nghĩ đến những cuộc hành hương của phong trào Hướng đạo Âu châu ở Vézelay hoặc của các người hướng dẫn lớn tuổi ở Paray-le-Monial, những phong trào này không tự phát, nhưng mọi người nhiệt tình và quảng đại. Ngoài các phong trào thanh thiếu niên, tôi nghĩ Giáo hội Pháp nên đào sâu vị trí của cha mẹ và trường công giáo dành cho giáo dục: tại sao việc giao phó trẻ em, ngay từ khi còn nhỏ, cho một trường học có chương trình giảng dạy không mang đến cho các em một giáo dục kitô giáo lại là điều bình thường? Tôi nghĩ đây là điều mà người công giáo Pháp nên đặt câu hỏi: chúng ta dành vị trí nào cho việc giáo dục kitô giáo cho con cái mình? Marta An Nguyễn dịch
Nhìn lại buổi cầu nguyện tự phát tại Đại học Asbury, bang Kentucky nước Mỹ kéo dài hai tuần và quy tụ gần 50.000 bạn trẻ. Liệu phong trào “tỉnh thức” tâm linh này có lan rộng không? Phân tích của bà Lauren Butler, người mẹ công giáo người Mỹ, trước đây theo đạo tin lành, bà nói tiếng Pháp. Sự kiện ở Đại học Kentucky thu hút người công giáo Pháp nhưng gần như ít được chú ý ở Mỹ, ít có báo công giáo đưa tin. Hiện tượng những buổi cầu nguyện tập thể tự phát, minh chứng cho một khát vọng tâm linh lớn lao, thường thấy ở một đất nước mà tự do tôn giáo không bị mặc cảm. Phong trào được gọi là “hồi sinh” có nghĩa là “tỉnh thức hoặc đổi mới”.
Để hiểu rõ hơn, trang Aleteia phỏng vấn bà Lauren Butler trong giới đại học Mỹ, trở lại đạo công giáo, người biết rõ thế giới Ngũ tuần, trong đó phát sinh làn sóng khen ngợi dường như không dừng lại này.
Bà lớn lên trong một môi trường truyền giáo Mỹ. Bạn thấy điều gì mới trong hiện tượng tỉnh thức ở Asbury?
Lauren Butler: Tôi đến từ cùng một truyền thống này qua cha tôi, ông xuất thân trong một gia đình tin lành lớn. Ông là một phần trong phong trào truyền giáo vào những năm bảy mươi và là mục sư làm việc cho người trẻ. Vào thời điểm đó, có một điều gì đó với phong trào Dân Chúa Giêsu (Jesus People) đã đánh dấu cả một thế hệ. Khi còn là thiếu niên, tôi ở trong nhóm cầu nguyện tin lành, tại đây tôi gặp những người của giáo phái Ngũ tuần. Chúng tôi bị mê hoặc bởi loại hiện tượng này và việc trở thành một phần của phong trào như của Asbury là điều chúng tôi mơ ước. Giống như các bạn tín hữu kitô trẻ, chúng tôi bị thúc đẩy bởi một ước muốn mạnh mẽ là cầu nguyện chiêm niệm và bởi câu hỏi “làm thế nào để chúng ta biết được Chúa Giêsu?” Asbury lặp lại những “hồi sinh” đã diễn ra trong quá khứ; tôi nghĩ đến cuộc Đại thức tỉnh của thế kỷ 18 ở các thuộc địa, điều mà người tin lành Mỹ ngày nay vẫn còn nhắc đến. Nhưng chúng tôi vẫn còn khao khát có các bài viết thiêng liêng của các phong trào này. Và điều không tránh khỏi, trong các phong trào của chính chúng tôi, người ta đề nghị chúng tôi đọc các tác giả công giáo hoặc chính thống giáo để tiến xa hơn trong lời cầu nguyện.
Tôi chắc chắn biến cố này sẽ sinh hoa kết trái, các ơn gọi sẽ được sinh ra cho mục vụ, sẽ có các hôn nhân và nhiều hoa trái khác.
Những người tin lành trẻ này có một ước muốn cầu nguyện chiêm niệm rất mạnh. Nhưng họ không có những nơi cho họ những buổi chiêm niệm thường xuyên, ca ngợi và cầu nguyện chung sao?
Dĩ nhiên là có: nhiều tín hữu kitô Mỹ thường nhóm lại mỗi chúa nhật và cả một ngày trong tuần để thờ phượng và ngợi khen. Cầu nguyện liên lỉ gần như không có trong môi trường tin lành. Ở Mỹ, ngoài các giờ lễ, những nơi thờ phượng của đạo tin lành bị khóa cửa, trừ khi có một “hồi sinh” diễn ra, như trường hợp hai tuần vừa qua ở Asbury. Nơi duy nhất chúng tôi có thể dành thì giờ để cầu nguyện liên lỉ là trong phòng của chúng tôi… hoặc trong một nhà thờ công giáo. Cũng nên nói thêm, phong trào Ngũ tuần, không giống như anh giáo, họ đã không còn các giờ kinh phụng vụ.
Phong trào này thật tuyệt vời, nhưng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Tôi chắc chắn biến cố này sẽ sinh hoa kết trái, các ơn gọi sẽ được sinh ra cho mục vụ, sẽ có các hôn nhân và nhiều hoa trái khác. Chúa thật quảng đại. Nhưng ngày nay tôi thấy, hầu hết những người bạn theo tin lành thời trẻ của tôi đã không còn đến nơi thờ phượng nữa, điều này được xác nhận qua các số liệu thống kê về số người giữ đạo ở Hoa Kỳ. Những người trẻ này có thể đào sâu kinh nghiệm về sự hiện diện của Chúa trong thờ phượng, trong suốt cuộc đời của họ. Thách thức là biến kinh nghiệm đặc biệt này thành một trải nghiệm mới vào mọi thời điểm trong cuộc đời chúng ta.
Canh tân trước hết là phụng vụ thiên quốc trong nhà và trong tâm hồn theo Thánh Phaolô và theo các thánh.
Chính xác làm thế nào để đổi mới kinh nghiệm này?
Chúng ta phải nhận ra cuộc “đổi mới” của tín hữu kitô đã diễn ra cách đây 2.000 năm! Nhờ phép rửa tội, chúng ta đã trở thành tư tế, ngôn sứ và vua chúa. Canh tân trước hết là phụng vụ thiên quốc trong nhà và trong tâm hồn theo Thánh Phaolô và theo các thánh. Đó cũng là điều các đan viện đã cầu nguyện phụng vụ thường xuyên ở trung tâm của Giáo hội, được nhiều giáo dân tham gia trong việc thực hành các Giờ kinh Phụng vụ hàng ngày, và trong các giáo xứ có thánh lễ và chầu Thánh Thể hàng ngày. Đối với Ngũ tuần, thách thức là tiến gần hơn đến ý nghĩa của các bí tích.
Tại Pháp, nơi mà kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa như thế này diễn ra cách khá kín đáo, nếu không muốn nói là ẩn giấu, có một sức hấp dẫn với giới trẻ nhiệt thành này, những người tự phát, tập thể, cầu nguyện ở nơi rất công cộng, ở trường đại học, một cách hoàn toàn mới.
Đúng, ở Pháp, việc giữ đạo đã hoàn toàn bị xóa khỏi đời sống công cộng. Khi tôi dạy lịch sử tư tưởng ở một trường đại học công giáo Pháp, thánh lễ hàng ngày được dâng cách lén lút: một linh mục đã về hưu cử hành thánh lễ trong một nhà nguyện dưới lòng đất! Nếu có đi đàng thánh giá hoặc rước Thánh Thể thì phải đơn giản và tôn trọng môi trường chung quanh, nhưng trên phạm vi cả nước thì phải giữ kín đáo. Chúng tôi không có cùng quan tâm này như ở Mỹ, họ không có chiến tranh tôn giáo cũng như không có Cách mạng. Ví dụ về Asbury – một nhóm họp tự phát cầu nguyện thu hút hàng ngàn người trẻ – dường như khó du nhập vào Pháp, nhưng cần lưu ý, sự kiện này diễn ra ở một trường đại học kitô giáo. Đằng sau người trẻ Mỹ Ngũ tuần rất nhiệt thành này là các cha mẹ đã hy sinh và đầu tư rất nhiều cho việc giáo dục con cái họ.
Tại Hoa Kỳ, cha mẹ truyền lại đức tin bằng cách cho con học tại nhà hoặc cho con vào các trường đạo tương tự như các trường ngoài hợp đồng ở Pháp.
Nếu đời sống của các Giáo hội không được cấu trúc xung quanh đời sống cộng đồng kitô hữu, thì đức tin được truyền bá như thế nào?
Tại Hoa Kỳ, cha mẹ truyền đức tin bằng cách cho con học tại nhà hoặc cho con học ở trường đạo tương tự như trường ngoài hợp đồng ở Pháp. Đó là điều mang tính quyết định ở Hoa Kỳ. Ở Pháp, có một số phong trào hướng đạo và một số phong trào tương tự như Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Nếu tôi tìm kiếm một cái gì tương tự ở Pháp như những gì xảy ra ở Asbury, thì tôi nghĩ đến những cuộc hành hương của phong trào Hướng đạo Âu châu ở Vézelay hoặc của các người hướng dẫn lớn tuổi ở Paray-le-Monial, những phong trào này không tự phát, nhưng mọi người nhiệt tình và quảng đại. Ngoài các phong trào thanh thiếu niên, tôi nghĩ Giáo hội Pháp nên đào sâu vị trí của cha mẹ và trường công giáo dành cho giáo dục: tại sao việc giao phó trẻ em, ngay từ khi còn nhỏ, cho một trường học có chương trình giảng dạy không mang đến cho các em một giáo dục kitô giáo lại là điều bình thường? Tôi nghĩ đây là điều mà người công giáo Pháp nên đặt câu hỏi: chúng ta dành vị trí nào cho việc giáo dục kitô giáo cho con cái mình?
Marta An Nguyễn dịch
2023
Đức Thánh Cha Phanxicô: Giáo hội được mời gọi tìm kiếm những người rời xa rời Giáo hội
Đức Thánh Cha Phanxicô: Giáo hội được mời gọi tìm kiếm những người rời xa rời Giáo hội
Sáng thứ Tư 18/1/2023, trong loạt bài giáo lý về niềm say mê loan báo Tin Mừng và lòng nhiệt thành tông đồ, Đức Thánh Cha suy tư về Chúa Giêsu và về trái tim mục tử của Người. Ngài mời gọi các Kitô hữu theo gương Chúa Giêsu, gắn bó với Chúa Cha trong cầu nguyện, và đến với mọi người, nhất là những người xa rời cộng đoàn Giáo hội.
Đức Thánh Cha giải thích rằng Chúa Giêsu, Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, đã nhập thể để cứu độ chúng ta, đã dành toàn bộ cuộc đời của Người cho việc thông truyền và đối thoại với người khác, trước tiên là với Chúa Cha trên trời qua việc cầu nguyện kết hiệp mật thiết, và với những người khác, đặc biệt là những người nghèo, những người bị ruồng bỏ và những người tội lỗi.
Chúa Giêsu loan báo Nước Thiên Chúa sắp đến không chỉ bằng lời rao giảng, mà còn bằng sứ vụ chữa lành, hòa giải và tha thứ. Là Mục tử Nhân Lành, mẫu mực cho tất cả các mục tử trong Giáo Hội, Chúa Giêsu hoàn toàn dấn thân vì lợi ích của đàn chiên, bảo vệ đàn chiên nhưng cũng lên đường tìm kiếm những con chiên lạc.
Trước khi Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý, cộng đoàn cùng nghe đoạn Tin Mừng thánh Luca (15,4-7):
[Chúa Giêsu nói:] “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Thứ Tư tuần trước chúng ta đã bắt đầu một chu kỳ giáo lý về niềm đam mê rao giảng Tin Mừng, về lòng nhiệt thành tông đồ; lòng nhiệt thành này phải linh hứng cho Giáo hội và mọi Kitô hữu. Hôm nay chúng ta hãy nhìn vào mẫu gương rao giảng tuyệt vời nhất, là Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng ngày lễ Giáng Sinh gọi Người là “Ngôi Lời Thiên Chúa” (x. Ga 1,1). Việc Người là Logos, tức là Ngôi Lời, cho chúng ta thấy một khía cạnh cốt yếu của Chúa Giêsu: Người luôn sống trong tương quan, đi ra đến với người khác. Thực tế, lời là để được truyền đi, để được thông truyền. Chúa Giêsu là như vậy, Lời vĩnh cửu của Chúa Cha, đi đến với chúng ta. Đức Kitô không chỉ có lời ban sự sống, nhưng Người biến cuộc sống của Người thành Lời: Người sống, nghĩa là luôn hướng về Chúa Cha và hướng đến chúng ta. Chúa luôn hướng về Chúa Cha Đấng đã sai Người đến thế gian và hướng đến chúng ta, với chúng ta Chúa được sai đến.
Cầu nguyện
Thật vậy, nếu chúng ta nhìn vào những ngày của Chúa Giêsu như được mô tả trong Tin Mừng, chúng ta thấy rằng sự gần gũi thân mật của Người với Chúa Cha – việc cầu nguyện – được đặt lên hàng đầu. Đó là lý do Chúa Giêsu dậy sớm, khi trời còn tối, và đi đến những nơi vắng vẻ để cầu nguyện (x. Mc 1,35; Lc 4,42). Tất cả những quyết định và lựa chọn quan trọng nhất đều được Người thực hiện sau khi đã cầu nguyện (x. Lc 6,12; 9,18). Chính trong mối tương quan này, trong cầu nguyện liên kết Người với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu khám phá ra ý nghĩa việc Người nhập thể làm người, việc Người hiện hữu trong thế gian bởi vì Người đến vì chúng ta, được Chúa Cha sai đến với chúng ta.
Liên đới với con người
Do đó, thật thú vị khi ghi nhận hành động công khai đầu tiên mà Người thực hiện sau nhiều năm sống ẩn dật ở Nadarét. Chúa Giêsu không thực hiện một phép lạ vĩ đại, không gửi đi một thông điệp có hiệu quả, nhưng hòa mình với những người đang đến chịu phép rửa của Gioan. Bằng cách này, Người trao cho chúng ta chìa khóa để hiểu hành động của Người trong thế giới: hiến mình cho những người tội lỗi, liên đới với chúng ta, xoá bỏ khoảng cách với chúng ta, trong sự chia sẻ trọn vẹn sự sống. Thực vậy, khi nói về sứ vụ của mình, Chúa sẽ nói rằng Người không đến “để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình” (Mc 10,45). Mỗi ngày, sau khi cầu nguyện, Chúa Giêsu dành cả ngày để loan báo Nước Thiên Chúa và dành thời gian cho mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất và yếu đuối nhất, các tội nhân và bệnh nhân (x. Mc 1,32-39). Nghĩa là Chúa Giêsu gặp gỡ Chúa Cha trong cầu nguyện và rồi gặp gỡ với tất cả mọi người để rao giảng, để dạy giáo lý, để dạy con đường đến Vương quốc của Thiên Chúa.
Mục tử nhân lành
Đức Thánh Cha nói tiếp: Giờ đây, nếu muốn diễn tả phong cách sống của Chúa Giêsu bằng một hình ảnh, không khó để chúng ta tìm thấy nó: chính Chúa Giêsu trình bày nó với chúng ta khi nói về chính Người như Mục Tử Nhân Lành, người “hiến mạng sống mình vì đàn chiên” (Ga 10,11). Trên thực tế, làm mục tử không chỉ là một công việc, điều đòi hỏi nhiều thời gian và nhiều nỗ lực; nhưng đó thực sự là một cách sống: hai mươi bốn giờ một ngày, sống với đàn chiên, dắt chúng ra đồng cỏ, ngủ giữa đàn chiên, chăm sóc những con yếu hơn. Nói cách khác, Chúa Giêsu không chỉ làm điều gì đó cho chúng ta, nhưng trao ban tất cả, hiến mạng sống vì chúng ta. Người có trái tim mục tử (xem Ed 34,15). Người là mục tử đối với tất cả chúng ta.
📷 CNS photo/Paul Haring
Thật vậy, để tóm tắt hoạt động của Giáo hội trong một từ, từ “mục vụ” thường được dùng. Và để đánh giá việc mục vụ của mình, chúng ta phải so sánh mình với hình mẫu là Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành. Trước hết chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có bắt chước Người, kín múc từ nguồn mạch cầu nguyện, để tâm hồn chúng ta hòa hợp với tâm hồn Người không? Sự gần gũi với Người là “linh hồn của mọi hoạt động tông đồ”, như cuốn sách rất hay của Viện phụ Chautard đã gợi ý. Chính Chúa Giêsu đã nói rõ ràng với các môn đệ: “Không có Thầy, anh em chẳng làm được gì” (Ga 15,5). Nếu chúng ta ở với Chúa Giêsu, chúng ta khám phá ra rằng trái tim mục tử của Người luôn thổn thức vì những người lạc lối, lạc đường, xa cách. Còn trái tim của chúng ta thì sao? Biết bao nhiêu lần, đối với những người hơi khó tính hoặc hơi khó khăn với chúng ta, chúng ta có thái độ rằng: “Đó là vấn đề của họ, họ phải tự xoay xở…”. Nhưng Chúa Giêsu không bao giờ nói điều này, không bao giờ. Người đi tìm họ. Với tất cả mọi người, với tất cả những người bị gạt ra bên lề xã hội, với những người tội lỗi. Người bị buộc tội là gần gũi những người tội lỗi, bởi vì Người đem ơn cứu độ của Thiên Chúa cho chính các tội nhân.
Mục tử nhân lành: đau khổ và mạo hiểm
Chúng ta đã nghe dụ ngôn con chiên lạc, trong chương 15 của Tin Mừng theo thánh Luca (x. cc. 4-7). Chúa Giêsu cũng nói như vậy về đồng bạc bị mất và đứa con hoang đàng. Nếu chúng ta muốn rèn luyện lòng nhiệt thành tông đồ, thì phải luôn ghi nhớ chương 15 của Tin Mừng theo Thánh Luca. Hãy đọc chương này, ở đó chúng ta có thể hiểu như thế nào là lòng nhiệt thành tông đồ. Ở đó, chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa không tính đến việc bao vây bầy chiên của Người hay thậm chí đe dọa để chúng không bỏ đi. Ngược lại, nếu một con đi ra ngoài và bị lạc, Người không bỏ rơi nó, nhưng tìm kiếm nó. Người không nói, “Nó đã ra đi, lỗi của nó, đó là việc của nó!”
Đức Thánh Cha khẳng định: Trái tim của người mục tử phản ứng theo một cách khác: trái tim của người mục tử đau khổ, trái tim của người mục tử mạo hiểm. Đau khổ: vâng, Thiên Chúa đau khổ vì những người ra đi và trong khi thương tiếc họ, Người càng yêu thương họ hơn. Chúa đau khổ khi chúng ta xa rời trái tim của Người. Người đau khổ vì những ai không biết vẻ đẹp của tình yêu và sự ấm áp của vòng tay Người. Nhưng, trước đau khổ này, Người không rút lui, nhưng mạo hiểm: Người bỏ lại chín mươi chín con chiên đang an toàn và mạo hiểm đi tìm con duy nhất bị lạc mất, như thế Người làm một điều vừa mạo hiểm và thậm chí phi lý, nhưng phù hợp với trái tim mục tử của Người, trái tim thương nhớ những người đã bỏ đi; không tức giận hay oán giận, mà là một nỗi nhớ chúng ta không thể nguôi ngoai. Đó là lòng nhiệt thành của Thiên Chúa.
Vinh dự và trách nhiệm mang Lời Chúa cho người khác
Và tôi tự hỏi: Còn chúng ta, chúng ta có những tâm tình giống như Thiên Chúa không? Có lẽ chúng ta xem những người đã rời bỏ cộng đoàn như đối thủ hoặc kẻ thù. Khi gặp họ ở trường, nơi làm việc, trên đường phố, tại sao chúng ta không nghĩ rằng chúng ta có cơ hội tốt để làm chứng cho họ về niềm vui của một người Cha yêu thương họ và không bao giờ quên họ? Không để chiêu dụ tín đồ nhưng mang Lời của Chúa Cha đến với họ, để đồng hành với họ. Có một lời tốt đẹp dành cho họ và chúng ta có vinh dự và trách nhiệm là người mang điều đó cho họ. Bởi vì Ngôi Lời, Chúa Giêsu, yêu cầu chúng ta điều này, luôn đến gần, bằng tâm hồn cởi mở với mọi người, bởi vì Chúa làm như thế.
Có lẽ chúng ta đã theo và yêu mến Chúa Giêsu đã lâu mà chưa bao giờ tự hỏi liệu chúng ta có chia sẻ tâm tình của Người không, liệu chúng ta có đau khổ và mạo hiểm hòa nhịp với trái tim của Chúa Giêsu, với tấm lòng mục tử này, gần gũi với trái tim của Chúa Giêsu mục tử hay không! Vấn đề không phải là chiêu dụ tín đồ để những người khác là “một trong số chúng ta”, nhưng là yêu thương để họ là những người con hạnh phúc của Thiên Chúa. Chúng ta hãy xin ơn có được trái tim mục tử, cởi mở, gần gũi với tất cả, mang sứ điệp của Chúa và cũng cảm thấy thương nhớ họ như Chúa Kitô. Bởi vì, nếu cuộc sống của chúng ta không có tình yêu chịu đau khổ và mạo hiểm này, chúng ta có nguy cơ chỉ chăm sóc bản thân mình. Cảm ơn anh chị em!
Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban.
Hồng Thủy
2023
Những người khuyết tật tại Chiềng Pha được nhận quà dịp cuối năm
Những người khuyết tật tại Chiềng Pha được nhận quà dịp cuối năm
Ngày 13 tháng 01 năm 2023 (tức ngày 22 Tết âm lịch), hội Caritas giáo xứ Ngọ Xá, giáo hạt Bắc Giang, Giáo phận Bắc Ninh đã không quản ngại khó khăn vất vả đường xá xa xôi, vượt hơn 400 cây số đem tình thương, tình người, đem mùa xuân và cái tết đến với những người khuyết tật tại bản Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, thuộc giáo xứ Sơn La, Giáo phận Hưng Hóa. Đoàn gồm 4 người dưới sự hướng dẫn của một nữ tu dòng Hiệp Nhất.
Để thực hiện chuyến từ thiện này, đoàn đã có sự chuẩn bị rất chu đáo từ khâu quyên tiền, sắm đồ và thuê xe, đến xác định thời gian cụ thể với các linh mục giáo xứ Sơn La. Đoàn được các linh mục và ban bác ái giáo xứ Sơn La đón tiếp thân tình và hướng dẫn tới bản cách cẩn thận.
Được biết, trong những ngày chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, mọi người ai ai cũng bận rộn. Người thì lo bán hàng tết; người thì đi mua sắm; người thì phải hoàn tất những công việc của năm cũ; người thì lo đi làm đẹp… Nhưng hội Caritas của giáo xứ Ngọ Xá, giáo hạt Bắc Giang, Giáo Phận Bắc Ninh đã chọn làm công tác bác ái.
Đoàn đã tặng 50 suất quà Tết, mỗi xuất 10 kg gạo, 4 gói muối và một gói mì chính để bà con ăn tết. Quả thật, giá trị vật chất thì không đáng là bao, nhưng giá trị tinh thần mà hội Caritas giáo xứ Ngọ Xá đã đem đến cho những người khuyết tật thì thật lớn lao. Đây là một việc làm đầy ý nghĩa trong những ngày chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, mọi người cần chung tay vun đắp tình bác ái yêu thương, giúp cho những người kém may mắn được đón Tết an vui trong tình Chúa và tình người.
Thay mặt cho những người khuyết tật tại Chiềng Pha, giáo xứ Sơn La cám ơn ban Caritas giáo xứ Ngọ Xá đã tặng quà dịp cuối năm. Đây là những nghĩa cử yêu thương và mong muốn những nghĩa cử tương tự như thế này được nhân lên.
BTT giáo xứ Sơn La
2023
Chúa Nhật III Thường Niên – Năm A
Chúa Nhật III Thường Niên – Năm A
Dẫn vào Thánh Lễ
Nếu Chúa Nhật trước phụng vụ giới thiệu cho chúng ta một Đức Kitô là tôi tớ khiêm hạ của Thiên Chúa, là Đấng đến để phục vụ chương trình cứu độ trong tư thế của một Người Con khiêm nhu, vâng phục, hi sinh…thì Chúa Nhật này phụng vụ giới thiệu cho chúng ta một Đức Kitô Ngôn Sứ, một Đức Kitô loan báo Tin Mừng, một Đức Kitô truyền giáo, một Vị Thừa Sai, một Nhà Giải Phóng.
Vâng, Đức Kitô đến để giải phóng chúng ta, để giải phóng nhân loại khỏi vòng tăm tối của quỉ ma, tội lỗi và sự chết, để đem tất cả vào sự sáng của niềm vui ơn cứu độ. Để cảm tạ Chúa, chúng ta cùng nhau đến đây hiệp dâng Thánh Lễ tạ ơn, nhưng để có thể xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh, chúng ta cùng thành tâm hối lỗi
Ca nhập lễ
Toàn thể địa cầu, hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúa. Sáng láng và oai nghiêm toả trước thiên nhan Người, uy hùng và tráng lệ phủ trên ngai báu Người.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hướng dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với con Một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, chúng con đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Is 9, 1- 4 (Hr 8, 23b – 9, 3)
“Tại Galilêa các dân tộc và dân chúng thấy một ánh sáng vĩ đại”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Lúc đầu, đất Giabulon và Nephthali rất hèn hạ, trong tương lai dần dần trở thành đường biển, bên kia sông Giođan trở thành Galilêa các dân tộc. Dân chúng đi trong tối tăm đã thấy một ánh sáng vĩ đại, và một ánh sáng đã chiếu soi trên dân ở vùng bóng sự chết. Người đã gia tăng dân số, đã ban một nguồn vui lớn; thiên hạ hân hoan trước mặt Người, như hân hoan khi được mùa, nhảy mừng như khi phân chia chiến lợi phẩm. Vì ách đã đè trên họ, đòn ngang nằm trên vai họ, và gậy của kẻ lạm thu họ, Người đã bẻ gẫy tất cả như trong ngày Mađian.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14
Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng cứu độ tôi (c. 1a).
Xướng: Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ; tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai?
Xướng: Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Người.
Xướng: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa.
Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 10-13. 17
“Tất cả anh em hãy đồng tâm hợp ý với nhau, và giữa anh em, đừng có chia rẽ”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi xin anh em tất cả hãy đồng tâm hiệp ý với nhau, giữa anh em đừng có chia rẽ; hãy đoàn kết chặt chẽ trong cùng một thần khí và cùng một tâm tình. Anh em thân mến, tôi đã được các người nhà Khloê cho hay rằng: giữa anh em đang có những sự bất đồng. Tôi có ý nói điều này, là mỗi người trong anh em nói: “Tôi, tôi thuộc về Phaolô; – “Tôi về phe Apollô”; – “Còn tôi, tôi về phe Kêpha”; – “Và tôi thuộc về phe Chúa Kitô”. Chúa Kitô bị phân chia rồi sao? Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vì anh em đâu? Hay là nhân danh Phaolô mà anh em chịu phép rửa? Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là đi rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo thập giá của Ðức Kitô ra hư không.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 4, 23
Alleluia, alleluia! – Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 4, 12-23 (bài dài)
“Người vào Capharnaum để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã tiên báo”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải, thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: “Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”.
Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến!”
Nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: “Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta”. Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Ði xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.
Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài vắn này: Mt 4, 12-17
“Người vào Capharnaum để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã tiên báo”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: “Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”. Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Nhờ Chúa Thánh linh soi sáng, các môn đệ là những người được gọi để ở lại với Đức Giêsu từ khi Người công khai rao giảng về Nước Thiên Chúa. Vậy để được ở lại với Người, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
- “Dân chúng đi trong tối tăm đã thấy một ánh sáng vĩ đại ”.- Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa trở nên ánh sáng chiếu soi thế gian, đưa dẫn mọi người tìm về cùng Chúa, lãnh nhận ân sủng và tình yêu của Ngài.
- “Giữa anh em đừng có chia rẽ”.-Xin cho mọi người cùng tin nhận Đức Kitô, được hiệp nhất với nhau trong cùng một Thánh Thần Chân Lý và mến yêu, để cũng được thông hiệp sự sung mãn hạnh phúc muôn đời trong Ba Ngôi Thiên Chúa.
- “Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành ngư phủ đánh bắt người”.–Xin cho giới trẻ biết đáp trả lời mời gọi của Chúa, để tiếp nối công cuộc cứu rỗi của Chúa qua việc dấn thân vì phần rỗỉ muôn người.
- “Hãy hối cải vì Nước Trời đã gần đến”.-Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết liên kết với nhau trong tình yêu thương hiệp nhất, để thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô là Hội Thánh được vẹn toàn trong ngày Chúa đến.
Chủ tế: Lạy Chúa, xin tiếp tục chiếu sáng những khoảng tối đen trong tâm hồn chúng con, để nhờ ánh sáng Chúa soi dẫn chúng con luôn biết bước đi theo nẻo chính đường ngay. Chúng con cầu xin.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con dâng, và lấy quyền năng Thánh Thần mà thánh hoá, để nhờ của lễ này, chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…
Lời Tiền Tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Người đã thực hiện một công trình kỳ diệu này/ là kêu gọi chúng con bỏ đàng tội lỗi, thoát ách sự chết, tới ánh vinh quang. Nhờ đó, giờ đây chúng con được gọi là giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, chủng tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để chúng con loan truyền khắp nơi quyền năng Chúa là Ðấng đã kêu gọi chúng con từ chốn tối tăm tới nơi sáng láng diệu kỳ của Chúa.
Vì thế, cùng với Thiên thần và tổng lãnh Thiên Thần, các Bệ Thần và Quản Thần, cùng toàn thể đạo Binh Thiên Quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng.
Thánh! Thánh! Thánh!…
Ca hiệp lễ
Các bạn hãy nhìn về Chúa, thì các bạn sẽ vui tươi, và sẽ không hổ ngươi bẽ mặt.
Hoặc đọc:
Chúa phán: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ không đi trong u tối, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã rộng ban cho chúng con Mình và Máu Thánh Ðức Kitô, con một Chúa là nguồn mạch sự sống dồi dào; xin cho chúng con được luôn luôn hoan hỷ vì ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin…