2023
Xin lễ cầu nguyện cho linh hồn thai nhi?
Xin lễ cầu nguyện cho linh hồn thai nhi?
Các thai nhi bàn ở đây được hiểu là những bào thai [đã là người] bị chết trước khi được sinh ra do sẩy thai hay phá thai.1 Liệu có hợp lý không khi có rất nhiều giáo dân Việt Nam xin lễ cầu cho các thai nhi? Câu trả lời sau đây cho thấy đây là một thực hành cần phải xét lại vì nó không hợp lý xét theo đức tin, giáo lý và thần học của Giáo hội. Rất tiếc, nhẽ ra phải giải thích cho giáo dân thông hiểu vấn đề này, một số linh mục lại “tích cực hưởng ứng” bằng cách nhận lễ, đọc rõ ý lễ cầu cho linh hồn thai nhi trong thánh lễ, thậm chí còn đọc giữa Kinh nguyện Thánh Thể nữa, khiến cho thực hành không cần thiết này tiếp tục được phổ biến tại nhiều giáo xứ.
Nói đây là một thực hành không cần thiết vì căn bản chúng ta chỉ cầu nguyện cho các linh hồn nơi thanh luyện chứ không cho những người trong thiên đàng hay hỏa ngục.2 Hội Thánh có hoạt động tuyên thánh chứ chưa bao giờ kết án ai phải sa hỏa ngục. Bởi thế, chúng ta loại trừ đối tượng của cầu nguyện là những kẻ đã thuộc về Satan mà không ai biết cả. Đối với những thành phần ở trên thiên quốc, chắc chắn họ không cần đến những lời cầu nguyện của chúng ta. Đúng hơn, từ trời cao, họ còn cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Bởi vậy, vào ngày lễ các thánh (1.11), chúng ta không cầu nguyện thay mặt cho các thánh, nhưng xin các ngài chuyển cầu cho chúng ta.3
Phần trình bày dưới đây muốn chứng minh rằng các thai nhi chết đi, dù chưa được lãnh nhận bí tích thánh tẩy, nhưng vô tội [cá nhân] và chúng ta có quyền hy vọng rằng, với lòng thương xót bao la vô hạn của Thiên Chúa, các thai nhi này sẽ nằm trong vòng tay yêu thương của Người. Hậu nhiên, chúng ta không cần có bất kỳ lời nói hay việc làm nào để cầu nguyện cho bé. Trái lại, bé có thể cầu nguyện cho chúng ta trước tòa Chúa.
1] Xin lễ cầu cho người đã qua đời
Căn cứ vào bản tính loài người: yếu đuối, mỏng giòn và hay sa ngã, dầu đã đón nhận ân sủng của bí tích Thánh Tẩy, chúng ta có thể kết luận rằng dầu người chính trực cũng mấy phen yếu hèn, nghĩa là dường như không ai có đủ nghị lực và cảnh giác để tránh mọi tội lỗi.4 Vì thế những người quá cố thân yêu của chúng ta có lẽ thuộc về thành phần còn đang ở nơi chốn / tình trạng thanh luyện. Nơi / tình trạng thanh luyện được hiểu là một tiến trình mà tình yêu của Thiên Chúa sẽ thay đổi tình trạng của các tín hữu đã qua đời từ tình trạng bất toàn sang tình trạng hoàn hảo, hầu chuẩn bị cho họ sớm được hưởng ánh sáng và bình an của Chúa Kitô. Chính trong quá trình này, họ cần đến lời cầu nguyện, những hy sinh và thánh lễ chúng ta cử hành. Bởi vậy, chúng ta nên xin lễ cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.5
2] Xin lễ cầu cho trẻ em đã qua đời?
Áp dụng vào trường hợp các thai nhi, hoàn toàn khác với những gì vừa kể trên, chúng ta không thể xin lễ cầu nguyện vì dù chết do sẩy thai hay phá thai, đây đều là những sinh linh hoàn toàn vô tội (tội riêng). Có tác giả suy đoán chủ quan cho rằng các thai nhi [trong trường hợp bị phá thai] cũng phạm tội vì “em có thể nhận biết rằng cha mẹ và những người khác đang muốn loại trừ em, tiêu diệt em và em bất lực trước hành động tàn ác của họ. Em đau buồn, sợ hãi và có thể oán hận họ”. Do đó cần xin lễ cầu nguyện. Thực chất, em chưa được sinh ra, lớn lên và đến tuổi khôn để có thể phạm tội riêng được. Kẻ có tội là những ai đã phá thai hay giúp người khác phá thai có kết quả.6 Bởi thế, chắc chắn thai nhi không thể ở nơi / tình trạng thanh luyện. Hậu nhiên, trong thánh lễ, đối tượng chúng ta cần cầu nguyện cho không phải là thai nhi mà là hai thành phần sau: 1] Cha mẹ, gia đình và những người thân yêu của thai nhi; 2] Những người trực tiếp phá thai hay những người cộng tác vào đó. Trong một thánh lễ, Đức Tổng Giám mục José H. Gomez nói rằng chúng ta vinh danh sự sống thai nhi bằng lời cầu nguyện của chúng ta để xin Chúa chữa lành và hoán cải tất cả những ai dính líu đến tội ác và thảm hoạ này: đó là những người cha và người mẹ trực tiếp liên quan đến phá thai; cùng tất cả những người chịu trách nhiệm cổ võ cho nền văn hóa phá thai.7
a.Trẻ em đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy
Đối với một đứa trẻ đã được rửa tội, vấn đề không cần phải bàn cãi. Bởi vì chắc chắn nếu chết đi, bé sẽ được lên thiên đàng: “Nhờ bí tích Thánh Tẩy, mọi tội lỗi đều được tha: nguyên tội, mọi tội riêng cũng như mọi hình phạt do tội (x. DS 1316). Những người đã được tái sinh sẽ được vào Nước Thiên Chúa và không còn gì ngăn cản họ, dù là tội Adam, tội riêng của họ, những hậu quả của tội, kể cả hậu quả trầm trọng nhất là xa lìa Thiên Chúa”.8 Thánh Tôma Aquinô quả quyết rằng: “Những ai chết ngay lập tức sau khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, họ sẽ được nhận vào vinh quang Thiên Chúa không trì hoãn”. Một đứa trẻ chưa tới tuổi khôn được coi là không thể phạm bất cứ tội lỗi cá nhân nào. Do đó, nếu được rửa tội và chết đi trước tuổi khôn, trẻ chắc chắn được đón nhận vào thiên đường ngay lập tức. Các bài lễ an táng của Giáo hội trong Sách lễ Rôma hiện nay (trang 1031-1033) cho thấy: Hội Thánh hoàn toàn không nhắm cầu nguyện cho đứa trẻ được rửa tội và đã qua đời, thay vào đó:
Thứ nhất, Giáo hội khẳng định rằng “đứa trẻ đang được ở trên trời” (Lời nguyện nhập lễ – mẫu A); “Chúa đã đưa cháu về trời sống với Chúa” (Lời nguyện nhập lễ – mẫu B); và “chính Chúa đã đón nhận cháu T. vào bàn tiệc thiên quốc” (Lời nguyện hiệp lễ – Mẫu B);
Thứ hai, Hội Thánh cầu xin Chúa “an ủi gia đình cháu T. trong những giờ phút đau thương này” (Lời nguyện hiệp lễ – mẫu A) và khuyến dụ họ “hằng tin tưởng vâng theo ý Chúa” (Lời nguyện tiến lễ – mẫu B) trước biến cố đứa trẻ được Chúa gọi về.
Hơn nữa, theo một truyền thống cổ xưa, Giáo hội luôn luôn sử dụng lễ phục màu trắng khi cử hành phụng vụ tang lễ những đứa trẻ đã được rửa tội nhằm ám chỉ rằng trẻ này như được liệt vào số những vị thánh. Bởi vậy, đối với những đứa trẻ đã thuộc về nước trời như thế, hoàn toàn không cần đến lời cầu nguyện của chúng ta nữa.
b. Trường hợp các thai nhi
Tuy nhiên, đối với các trẻ em (thai nhi) chưa được rửa tội, sẽ không thoát khỏi hậu quả của tội nguyên tổ do Adam và Eva để lại (Tv 51, 5; Ga 3, 5).9 Bởi vậy, qua nhiều thế kỷ, dân chúng vẫn tự hỏi về số phận của trẻ em qua đời trước khi được lãnh nhận bí tích rửa tội. Kinh Thánh không minh nhiên phát biểu bé sẽ được vào thiên đàng. Nhưng Kinh Thánh lại nhấn mạnh đến lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa (Tv 136; 145, 8-9; Ep 2, 4-5); đề cập đến niềm tin của vua Đavit rằng ông sẽ được ở với đứa con thơ bé đã chết của mình lần nữa dù nó không về lại với ông (2Sm 12, 14-31); còn trong Tin Mừng, Chúa Giêsu ưu ái mời gọi tất cả trẻ em đến với Người (x. Mt 19, 14; Mc 10, 14; Lc 18, 16). Vì không dám quả quyết các trẻ em đã chết mà chưa được rửa tội thì thuộc về thiên đàng nhưng lại chắc chắn bé chẳng có tội tình [cá nhân] gì nghiêm trọng để ở nơi / tình trạng thanh luyện, cho nên một số thần học gia, kể cả thánh Tôma Aquinô, đã đưa ra lý thuyết về lâm bô như là một nơi chốn / tình trạng cho những trẻ em đó: nằm giữa vương quốc của Thiên Chúa và kiếp bị luận phạt (Denzinger-H, các số 184, 219; 780). Cần nhớ rằng dù đã được sử dụng nhiều thế kỷ trong Giáo hội, nhưng ý kiến thần học này chỉ là một suy đoán và giả thuyết thần học (theological hypothesis). Nó chưa bao giờ là chân lý đức tin được Hội Thánh xác nhận, nghĩa là chưa bao giờ thuộc về đạo lý chính thức của Hội Thánh. Hiện nay, giả thuyết này đã bị coi là không phù hợp vì theo Ủy ban Thần học Quốc tế, nó không có nền tảng rõ ràng trong mạc khải và phản ánh một “quan niệm hạn chế quá mức ơn cứu độ của Thiên Chúa”.10
Chúng ta tin từ đức tin của Hội Thánh, từ những thực hành và sinh hoạt phụng vụ của Hội Thánh như câu châm ngôn ngàn đời của Giáo hội “lex orandi, lex credendi – luật cầu nguyện là luật đức tin”. Thế mà, lâm bô chưa bao giờ được đề cập đến trong phụng vụ. Tiếp nữa, từ sau Công đồng Vatican II, trẻ em chết mà chưa được rửa tội không còn phải chôn cất bên ngoài đất thánh và có cả thánh lễ an táng dành cho trẻ nữa. Qua bài lễ an táng cho “Trẻ em chưa lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy” trong Sách lễ Rôma [hiện nay] (trang 1033-1034), chúng ta thấy rõ hai điều:
Thứ nhất, Hội Thánh tín thác chúng cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa như sau:11 “Chúa biết rõ niềm tin của gia đình cháu T., xin cho họ cảm thấy con mình đã được Chúa nhân từ đón nhận” (Lời nguyện nhập lễ);
Thứ hai, Hội Thánh không cầu nguyện cho linh hồn của đứa trẻ, nhưng tập trung vào đối tượng là những người thân yêu của bé: “xin cho họ được trông cậy vững vàng sẽ được Chúa nhân từ nâng đỡ ủi an” (Lời nguyện nhập lễ); xin cho họ “hằng tin tưởng vâng theo thánh ý để được Chúa nhân từ nâng đỡ ủi an” (Lời nguyện tiến lễ); “xin Chúa thương chấp nhận lời chúng con tin tưởng nài van mà can ủi gia đình cháu T… trong những giờ phút đau thương này” (Lời nguyện hiệp lễ)
Như vậy, con trẻ chết trong tình trạng thai nhi vẫn có thể được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô. Máu của Người đã đổ ra một lần đủ để cứu chuộc tội lỗi của toàn thế giới (1Ga 2, 2).12 Bởi thế, chúng ta hy vọng rằng linh hồn của các trẻ em sẽ được ở cùng của Chúa khi sự sống của chúng bị cắt đứt bởi sự sẩy thai hay hành động phá thai. Nếu như chúng ta cử hành lễ kính các thánh anh hài (28/12) xét như là những vị tử đạo vì đức tin, mặc dầu các thánh anh hài chưa hề được rửa tội và cũng không biết Chúa Kitô, thì các thai nhi – nạn nhân của phá thai – có thể được coi là “những vị tử đạo trong thời hiện đại”, đã bị giết chết chỉ vì được Thiên Chúa tác tạo nên nhưng đã bị hủy diệt bởi bàn tay con người. Khi ngỏ lời với những phụ nữ trót phạm tội phá thai giết hại con mình, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong Thông điệp “Tin Mừng Sự sống” (Evangelium Vitae) thế này: “… Chị em biết rằng chẳng có chi là hư mất cả và chị em có thể xin lỗi đứa con của mình mà từ nay chúng đang được sống trong Thiên Chúa” (số 99).13
Kết luận
Như vậy, không cần phải lo cho phần rỗi của các thai nhi, nghĩa là không cần phải xin lễ để cầu cho trẻ vì xin lễ chỉ có giá trị tha thứ các hình phạt hữu hạn cho các linh hồn đang còn được thanh lọc nơi thanh luyện, chứ không có giá trị tha nguyên tội và các tội cá nhân cho người còn sống hay đã qua đời. Đối với các thai nhi mất đi thì đương nhiên không mắc những tội cá nhân. Còn về nguyên tội, dựa trên những nền tảng thần học và phụng vụ xác đáng, Hội Thánh vẫn không ngừng khuyến khích con cái mình hãy đặt niềm hy vọng vào Chúa: các thai nhi đã được Chúa nhân từ đón nhận và đang nằm trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa rồi.
Để kết thúc bài viết, xin trích lại lời dạy chính thức của Giáo hội: “Về phần các trẻ em chết mà chưa được rửa tội, Hội Thánh chỉ còn biết trao phó các em cho lòng thương xót của Thiên Chúa từ bi, như Hội Thánh đã làm trong nghi lễ an táng dành cho các em. Thực vậy, Thiên Chúa giàu lòng thương xót muốn mọi người được cứu rỗi (x. 1Tm 2,4) và Chúa Giêsu đã trìu mến các em nên đã nói: “Hãy để trẻ em đến cùng Ta, đừng ngăn cản chúng” (Mc 10,14). Vì thế, chúng ta hy vọng có một con đường cứu độ dành cho những trẻ em chết mà chưa được rửa tội”.14
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
___________________________________________
1 Xc. Bộ Giáo lý Đức tin, Donum vitae, I, 1: AAS 80 (1988), 79; Dignitas Personae, 1 (08/09/ 2008).
2 Xc. The International Theological Commission, “The Hope of Salvation for Infants Who Die Without Being Baptised” (được ĐGH Bênêdictô XVI phê chuẩn ngày 19.1.2007), số 5.
3 Giáo lý Hội Thánh Công giáo (= GLCG), số 828.
4 GLCG 978-979; 1863.
5 GLCG 1030-1031; 958; 1371; 1689.
6 GLCG 1853-1876.
7 Tổng Giám mục José H. Gomez, “This Culture of Death Will One Day Pass Away” trích từ L’Osservatore Romano [bản tiếng Anh] (01/02/2012), tr. 15.
8 GLCG 978; 985; 1263; 1279.
9 GLCG 402-406;1250. 1257.
10 Xc. The International Theological Commission, “The Hope of Salvation for Infants Who Die Without Being Baptised”.
11 GLCG 1261.
12 Xc. The International Theological Commission, “The Hope of Salvation for Infants Who Die Without Being Baptised”, các số 88-95.
13 Gioan Phao lô II, Tông Thư Evangelium vitae (25/03/1995): AAS 87 (1995), 401-522.
14 GLCG 1261.
2023
KHI NÀO ĐẾN NGÀY TẬN THẾ?
KHI NÀO ĐẾN NGÀY TẬN THẾ?
Hỏi: Chúng ta vẫn tin Thiên Chúa sẽ đến lần thứ hai vào ngày tận thế. Nhiều người vẫn thắc mắc khi nào tới ngày đó? Chiến tranh thế giới thứ ba, dịch bệnh trên toàn thế giới, ngày mặt trời hết năng lượng, v.v?
Trả lời:
Câu hỏi trên đây là một trong những vấn đề lớn mà các nhà thần học quan tâm. Thậm chí người bình dân cũng muốn tìm hiểu hoặc thắc mắc về ngày tàn của vũ trụ. Nếu như thế giới có ngày bắt đầu, hẳn là nó cũng có ngày tàn cuộc. Đó là lối nói bình dân, dễ hiểu. Về phương diện khoa học vật lý thiên văn, các cuộc nghiên cứu cho thấy tuổi thọ của vũ trụ, cụ thể: trái đất là giới hạn. Một ngày nào đó năng lượng mặt trời cạn kiệt, trái đất cũng không còn sự sống. Hoặc nhiều giả thuyết đưa ra rằng: chiến tranh thế giới thứ 3 với bom nguyên tử có thể hủy hoại hành tinh này. Hoặc tới một ngày, dịch bệnh sẽ hủy diệt loài người trên mặt đất này. Sau cùng nhưng chưa hết, chẳng may một hành tinh nào đó va chạm vào trái đất, đó cũng là ngày tàn của quả địa cầu.
Bạn thân mến,
Trên đây là những nguyên do có thể hiểu được trái đất có ngày kết thúc. Vấn đề là phải chăng ngày đó là lúc Đức Giêsu đến lần thứ hai?
Sau thời gian chờ đợi Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa đã nhập thể nơi Đức Giêsu Kitô. Ngài là Con Thiên Chúa xuống thế, chịu chết, phục sinh và đã về trời. Theo đó, Giáo hội thời các Tông đồ mời gọi các tín hữu hãy tin vào Đức Giêsu. Hơn nữa, Giáo hội còn mời gọi mỗi tín hữu hãy ăn năn, thống hối và sửa đổi đời sống để sẵn sàng cho ngày Chúa lại đến lần thứ hai. Điều này được ghi lại trong bản tuyên xưng Đức Tin từ thời các Tông Đồ: “Và Người sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết.” Đó là ngày quang lâm mà Giáo hội diễn tả việc Chúa Giêsu Kitô ngự đến lần thứ hai trong vinh quang, phán xét nhân loại vào ngày Cánh Chung. (x. Mc 13,24–27, Kinh Tin Kính).
Ngày nay nhiều nhà thần học thường nhắc đến cụm từ: “cánh chung cận kề”. Nhiều người cho rằng sứ điệp của Đức Giêsu và của các tông đồ dường như loan báo về ngày tận thế sắp xảy đến. Thậm chí người ta có cảm tưởng đó cũng chính là trọng tâm lời rao giảng của Đức Giêsu cũng như của Giáo hội sơ khai. Hẳn nhiên nếu xét về mặt thời gian, điều ấy vẫn chưa xảy ra. Hơn 2000 năm đã trôi qua, chúng ta chưa thấy ngày ấy xuất hiện. Bởi thế Rudolf Bultmann[1] có lý khi cho rằng: “Con người tân tiến ngày nay chẳng còn ai tin vào chuyện “tận thế” trong ngày Chúa lại đến để xét xử.”[2]
Nếu ta nói Đức Giêsu lại đến trong vinh quang lần hai, thì vinh quang ấy đã thể hiện ngay biến cố Phục Sinh. Lúc này Ngài không mang thân xác thuộc sự sống tự nhiên. Trên hết Đức Giêsu phục sinh trong bình diện của sự sống mới mẻ, khác biệt và vĩnh viễn. Với Ngài, lúc này lịch sử và thời gian không còn chi phối nữa. Ngài luôn là sự sống và trường cửu. Bởi đó, chỉ có con người mới có ngày cuối cùng, thế giới mới có ngày tận thế.
Trong ý nghĩa tận thế, chúng ta hiểu ngày thế giới vật lý và vũ trụ này sẽ kết thúc. Giáo hội cũng hiểu lịch sử nhân loại hoặc thế giới con người sẽ chấm dứt. Như vậy, tận thế có nghĩa là thế giới con người sẽ có một kết thúc do Thiên Chúa định đặt. Theo lối nhìn của nhà thần học Teilhard de Chardin[3], Thiên Chúa là điểm đầu và là điểm kết của thế giới này. Ngài là Anpha và Ômêga. Ngôi Hai Thiên Chúa đang đưa nhân loại hướng về điểm Ômêga này.
Dù có những thăng trầm, chúng ta cần thừa nhận lịch sử con người phải là tiến về phía trước. Tới một thời điểm nào đó, người ta gọi là ngày tận cùng, tận thế. Chúng ta cũng có thể gọi đó là điểm Ômêga. Từ điểm đó, chính Đức Giêsu đến lần thứ hai để tạo nên một thế giới mới, và điều này cũng đồng nghĩa với sự chấm dứt thế giới cũ. Khi đó là trời mới đất mới. Lúc ấy Người lau sạch mọi nước mắt khỏi mắt họ, không còn chết nữa, không còn khóc lóc, kêu ca, đau khổ nữa, vì vũ trụ cũ đã qua đi. (x. Kh 21,1–4).
Khi chiêm ngắm thế giới vũ trụ, lịch sử con người và thân phận của nó, chúng ta phải thừa nhận: vận mệnh của thế giới không tùy thuộc ở chúng ta mà là trong bàn tay của Thiên Chúa. Chúng ta không làm chủ được thế giới. Con người càng không sống mãi trên mặt đất này. Trên hành trình đó, chính Đức Giêsu đã đến để mở ra con đường cứu độ cho mỗi người. “Ai tin Thiên Chúa sẽ được sống muôn đời.” (Ga 3,7–15). Và Thiên Chúa sẽ đến vào ngày sau hết. Vì thế với niềm hy vọng, chúng ta hạnh phúc chờ đón ngày ấy. Ðó ngày Thiên Chúa đưa “thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Ðức Kitô.” (Eph 1,9–10).
Với tâm thế trên, chắc chúng ta không quá sợ hãi trong ngày tận thế. Giáo hội ngày nay không cho rằng ngày Đức Giêsu đến lần thứ hai là “Ngày thịnh nộ”. Thực vậy, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI phê bình quan niệm “Ngày thịnh nộ” khi cho rằng: “Ngày đó lại khiến con người có thể chết khiếp ví đau đớn, kinh hoàng, nghĩ đến là rùng mính khiếp sợ. Việc Chúa đến chỉ còn là phán xét, đe dọa mọi người, vì đó là ngày giải quyết mọi công nợ. Lối nhìn như thế rõ ràng đánh mất những gì là cốt yếu nhất của Thiên Chúa tốt lành.”
Trái lại, người tín hữu được mời gọi xin Chúa hãy đến, “Maranatha”. Đó là ngày của niềm vui và vinh thắng, vì Chúa chúng ta lại đến trong vinh quang. Thay vì sợ hãi trong viễn tượng của ngày tận thế, người theo Chúa hẳn sẽ ngỡ ngàng hạnh phúc, vì một lần nữa, Thiên Chúa không bỏ dân Người. Ước sao ai cũng cảm nghiệm được sự bình an và hạnh phúc vì Thiên Chúa luôn đặt tay lên chúng ta và nói: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6,45–52).
Tới đây, hy vọng câu trả lời sáng thêm đôi chút. Để cụ thể, chúng ta thấy có lần các môn đệ cũng hởi Đức Giêsu về thời điểm Thầy khôi phục vương quốc Ítraen. Người đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em.” (Cv 1,6–8).
Thiết tưởng lời nhắn trên đây của Đức Giêsu thật quan trọng để mỗi chúng ta sống hạnh phúc trong hiện tại. Số là chúng tôi từng gặp nhiều người hoang mang về vấn đề ngày tận thế. Cực đoan hơn nữa, họ chẳng muốn làm gì, mà chỉ chờ ngày Chúa đến trong sợ hãi. Mặt khác, trên mạng Internet đang có quá nhiều bài viết về vấn đề này. Hy vọng các bạn trẻ, mỗi giáo dân cẩn trọng hơn với những trang Web có bài liên quan đến chủ đề này. Đó là những nhánh giáo phái chủ trương ngày tận thế đang đến gần. Lồng trong đó, chúng tôi thấy có biết bao thông tin khiến người đọc hoang mang!
Thay vì trả lời ngày tận thế khi nào đến, chúng ta hãy chú tâm vào sứ điệp của Đức Giêsu mời gọi chúng ta dẫn thân cho Nước Thiên Chúa ngay trong hiện tại. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI giải thích:
“Vì Đức Giêsu hết sức nhấn mạnh đến chữ “bây giờ” nên đối với những ai biết nhìn sâu vào vấn đề, sẽ thấy “thì tương lai” không còn là điều chính yếu nữa. Vì thế, dù chính Đức Giêsu có nghĩ đến tương lai hay đến một Vương Quốc của Thiên Chúa, nhưng ý nghĩa của nó có thể hiểu như lời mời gọi hãy quyết định: phải dấn thân ngay trong hiện tại, ngay bây giờ.”[4]
Xin Thiên Chúa luôn ở cùng bạn và tôi, ở đây và lúc này!
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Rudolf Karl Bultmann (1884 – 1976) là thần học gia Tin Lành người Đức.
[2] Trích lại trong sách của Đức Tin Kitô Giáo hôm qua và hôm nay.
[3] Pierre Teilhard De Chardin (1881-1955), thụ phong Linh mục Dòng Tên năm 1912, theo học Địa chất và Cổ sinh vật học tại Đại học Sorbonne Paris. Ngài thường du hành nhiều nơi như Mông Cổ, Ấn Độ, Trung Á…để nghiên cứu cổ sinh vật và địa chất.
[4] Joseph Ratzinger, Đức Tin Kitô Giáo hôm qua và hôm nay. Người dịch: Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam, 2009, tr. 222
2023
Sứ điệp Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Hội nghị của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc năm 2023
Sứ điệp Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Hội nghị của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc năm 2023
Phiên họp lần thứ 43 của Hội nghị Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO – the United Nations Food and Agriculture Organization), được tiến hành tại trụ sở ở Roma từ ngày mồng 01 đến ngày mồng 07.07.2023, với sự tham dự của khoảng 120 bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và các quan chức cấp cao khác từ 194 quốc gia thành viên.
Nhân dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi tới các tham dự viên Hội nghị một sứ điệp, do Đức ông Chico Arellana, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh FAO, tuyên đọc.
Dưới đây là nội dung sứ điệp của Đức Thánh Cha.
SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA
GỬI THAM DỰ VIÊN PHIÊN HỌP LẦN THỨ 43
CỦA HỘI NGHỊ TỔ CHỨC LƯƠNG THỰC VÀ NÔNG NGHIỆP LIÊN HIỆP QUỐC
Thưa bà Chủ tịch,
Thưa ông Tổng Giám đốc FAO,
Thưa quý vị,
Tôi xin gửi lời chào thân ái đến quý vị đã tới Roma từ khắp nơi trên thế giới để tham dự Phiên họp lần thứ 43 của Hội nghị. Tôi xin chào chủ tịch của Đại hội, bà Marie-Claude Bibeau, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lương thực nông nghiệp Canada; và Tổng giám đốc FAO, ông Qu Dongyu, người mà tôi chúc mừng đã vừa mới tái khoá nhiệm kỳ thứ hai trong vai trò lãnh đạo của Tổ chức này, đồng thời ủng hộ ông tiếp tục công việc của mình, vào thời điểm mà một hành động kiên quyết và có thẩm quyền là không thể tránh khỏi để xóa bỏ nạn đói trên thế giới đang tiến triển thay vì suy giảm.
Hàng triệu người trên khắp thế giới tiếp tục chịu cảnh nghèo đói và suy dinh dưỡng do xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, và hậu quả thiên tai. Những đợt di dời hàng loạt, cùng với những tác động khác của căng thẳng chính trị, kinh tế và quân sự trên quy mô toàn cầu, làm suy yếu những nỗ lực nhằm đảm bảo việc cải thiện điều kiện sống của người dân trên cơ sở phẩm giá vốn có của họ. Điều đáng nhắc đi nhắc lại là: nạn nghèo đói, bất bình đẳng, thiếu khả năng tiếp cận với các nguồn lực cơ bản như thực phẩm, nước uống, y tế, giáo dục, nhà ở, là một sự xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người!
Hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng mục tiêu Không còn nạn đói (Zero Hunger) sẽ không thể đạt được trong thời hạn do cộng đồng quốc tế đặt ra. Nhưng xin cho tôi nói rằng việc không thể hoàn thành các trách nhiệm chung không được khiến chúng ta chuyển đổi những ý định ban đầu thành các chương trình sửa đổi mới, thành các chương trình mà thay vì mang lại lợi ích cho mọi người bằng cách đáp ứng những nhu cầu thực sự của họ, thì lại không quan tâm đến họ. Trái lại, chúng ta phải hết sức lưu tâm và tôn trọng các cộng đồng địa phương, với sự đa dạng văn hóa và đặc thù truyền thống, vốn không thể bị thay đổi hoặc hủy hoại nhân danh một ý tưởng tiến bộ thiển cận, mà trên thực tế có nguy cơ trở thành đồng nghĩa với “thực dân hóa ý thức hệ”. Do đó, tôi không bao giờ mệt mỏi khi nhấn mạnh điều này: các biện pháp can thiệp và dự án phải được lên kế hoạch và thực hiện để đáp ứng tiếng kêu cứu của người dân và cộng đồng của họ; các biện pháp này không thể bị áp đặt từ bên trên hoặc từ những cơ quan chỉ tìm kiếm lợi ích hoặc lợi nhuận cho riêng mình.
Thách đố mà chúng ta phải đối diện đó là phải hành động chung và có sự hợp tác của toàn thể gia đình các quốc gia. Không thể có chỗ cho xung đột hoặc đối lập, khi những thách đố to lớn trước mắt đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện và đa phương. Đây là lý do tại sao FAO và các tổ chức quốc tế khác sẽ chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình và điều phối các biện pháp phòng ngừa và quyết liệt vì lợi ích của tất cả mọi người, nhất là những người nghèo nhất, nhờ vào sức mạnh tổng hợp trung thành và được tư duy theo cách đồng thuận và với tầm nhìn xa của tất cả các bên liên quan. Các chính phủ, doanh nghiệp, hàn lâm viện, tổ chức quốc tế, xã hội dân sự và cá nhân phải nỗ lực chung, gạt bỏ những logic vụn vặt và tầm nhìn méo mó sang một bên, để mọi người đều được hưởng lợi và không ai bị bỏ lại phía sau.
Về phần mình, Tòa thánh sẽ tiếp tục đóng góp cho ích chung, cống hiến kinh nghiệm và công việc của các tổ chức liên kết với Giáo hội Công giáo, để trong thế giới của chúng ta không ai thiếu cơm bánh hàng ngày và hành tinh của chúng ta được bảo vệ như nó cần, để trái đất này lại trở thành khu vườn xinh đẹp do bàn tay của Đấng Tạo Hóa làm nên hầu mang lại niềm vui cho con người.
Xin Thiên Chúa Toàn Năng chúc lành cho công việc và nỗ lực của quý vị vì sự tiến bộ thực sự của toàn thể gia đình nhân loại.
Thành phố Vatican, ngày mồng 01 tháng 07 năm 2023
PHANXICÔ
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
2023
ĐỒNG TIẾN DÂNG HOA TẠI TGP HÀ NỘI: CÙNG MẸ CANH TÂN ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
Đồng tiến dâng hoa tại TGP Hà Nội: Cùng Mẹ canh tân đời sống Đức tin
ĐỒNG TIẾN DÂNG HOA TẠI TGP HÀ NỘI: CÙNG MẸ CANH TÂN ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
ý
Trong ngày cuối cùng của tháng hoa kính Đức Mẹ, ngày 31/5/2023, nghìn con tim trong toàn Tổng Giáo phận (TGP) Hà Nội đã quy tụ về Trung tâm Hành hương Sở Kiện (Kiện Khê, Thanh Liêm, Hà Nam) để dâng lên Mẹ Ma-ri-a những đóa hoa cảm tạ và mến yêu. Ban Thánh nhạc TGP Hà Nội được sự khích lệ của Đức Tổng Giám mục (TGM) Giuse Vũ Văn Thiên, quyết định tổ chức đồng tiến dâng hoa năm 2023 để tiếp nối thành công của năm đầu tiên với nhiều hoa trái ý nghĩa.
Chương trình đồng tiến dâng hoa năm nay có chủ đề: “Cùng Mẹ canh tân đời sống Đức tin”, lấy cảm hứng từ bầu khí Năm Canh tân Đời sống Đức tin trong toàn TGP Hà Nội. Chính tình yêu dành cho Đức Mẹ đã nối kết hơn 12.000 giáo dân với 540 đội hoa đến từ các giáo hạt và hơn 20 đội kèn trống của các giáo xứ.
Xem thêm hình ảnh TẠI ĐÂY
Trong lời khai mạc nghi thức dâng hoa vào lúc 17h30, Đức TGM Giu-se nhắc nhớ dâng hoa chính là việc đạo đức bình dân để dâng lên Mẹ những đóa hoa lòng hiếu thảo, cũng là dịp cầu nguyện cho TGP Hà Nội được tràn đầy bình an của Chúa.
Sau lời ca cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, hàng nghìn con hoa với muôn màu áo, sắc hoa dâng lên Mẹ tấm lòng yêu mến. Bất kể giới tính, tuổi tác, vùng miền, tất cả đều hiệp lòng trong bộ dâng “Tháng Năm Mong Ước” với điệu ca truyền thống do Ban Thánh nhạc TGP Hà Nội phát hành.
Với quy mô lớn gấp đôi năm 2022, ngày đồng tiến dâng hoa năm nay khiến nhiều giáo dân không khỏi cảm thán. Một số con hoa lần đầu tiên tham dự dâng hoa đồng tiến toàn TGP cũng bày tỏ niềm vui và cảm nhận được lòng đạo đức sốt sắng thông qua sự kiện này.
Hai năm liền Giáo xứ Sở Kiện được chọn làm địa điểm tổ chức dâng hoa, linh mục chính xứ An-tôn Trần Quang Tiến chia sẻ: “Quy mô của năm nay lớn hơn rất nhiều, vì vậy khâu tổ chức cũng được bàn thảo và tiến hành kỹ lưỡng với quý cha bề trên cùng các ban và hội đoàn trong nhiều tuần qua. Cả một trời hoa không chỉ để tôn vinh Thiên Chúa và ngợi khen Đức Ma-ri-a, nhưng còn thể hiện hình ảnh một Giáo hội hiệp hành”.
Vào lúc 18h00 giờ, Đức TGM Giu-se chủ sự Thánh lễ kính Đức Mẹ thăm viếng bà Ê-li-sa-bét. Đồng tế với ngài có Đức cha Lô-ren-sô, Cha Tổng Đại diện An-tôn, và quý cha đại diện từ 7 Giáo hạt trong TGP Hà Nội.
Trong bài giảng, Đức TGM Giu-se nhắc đến hình ảnh Đức Trinh Nữ Ma-ri-a được tôn vinh qua thơ ca, văn chương và những tác phẩm nghệ thuật nghìn đời qua. Mẹ là Mẹ của nhân loại, của Giáo hội và của mỗi người tín hữu.
Mẹ có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng để hướng dẫn, nâng đỡ tín hữu vững vàng hơn trong đức tin. Đức TGM Giu-se nhấn mạnh nghi thức dâng hoa buổi chiều là để ca ngợi diễm phúc cao quý của Đức Mẹ – mẫu gương trong hành trình đức tin. Mỗi màu hoa thể hiện nhân đức và những thăng trầm của cuộc đời Mẹ.
Ngày lễ kính Đức Ma-ri-a lên đường thăm viếng bà Ê-li-sa-bét cũng nhắc nhớ việc Mẹ đem trao niềm vui và thực thi bác ái. Vì thế, Đức TGM Giu-se mời gọi mỗi tín hữu biết noi gương Mẹ, thực thi lòng yêu mến không chỉ gói gọn trong tháng 5, mà mỗi ngày, mỗi phút giây trong cuộc sống.
Chương trình đồng tiến dâng hoa với quy mô toàn TGP Hà Nội đã khép lại tháng hoa kính Đức Mẹ Ma-ri-a. Hy vọng rằng sau chương trình này, mỗi tín hữu sẽ mang những bông hoa đức tin với lòng tôn vinh Chúa, yêu mến Mẹ Ma-ri-a về nơi các giáo xứ, giáo họ, để từ đó có thể cùng nhau vun đắp đời sống đạo đức nơi quê hương nói riêng và TGP Hà Nội nói chung.