Xin lễ cầu nguyện cho linh hồn thai nhi?
Xin lễ cầu nguyện cho linh hồn thai nhi?
Các thai nhi bàn ở đây được hiểu là những bào thai [đã là người] bị chết trước khi được sinh ra do sẩy thai hay phá thai.1 Liệu có hợp lý không khi có rất nhiều giáo dân Việt Nam xin lễ cầu cho các thai nhi? Câu trả lời sau đây cho thấy đây là một thực hành cần phải xét lại vì nó không hợp lý xét theo đức tin, giáo lý và thần học của Giáo hội. Rất tiếc, nhẽ ra phải giải thích cho giáo dân thông hiểu vấn đề này, một số linh mục lại “tích cực hưởng ứng” bằng cách nhận lễ, đọc rõ ý lễ cầu cho linh hồn thai nhi trong thánh lễ, thậm chí còn đọc giữa Kinh nguyện Thánh Thể nữa, khiến cho thực hành không cần thiết này tiếp tục được phổ biến tại nhiều giáo xứ.
Nói đây là một thực hành không cần thiết vì căn bản chúng ta chỉ cầu nguyện cho các linh hồn nơi thanh luyện chứ không cho những người trong thiên đàng hay hỏa ngục.2 Hội Thánh có hoạt động tuyên thánh chứ chưa bao giờ kết án ai phải sa hỏa ngục. Bởi thế, chúng ta loại trừ đối tượng của cầu nguyện là những kẻ đã thuộc về Satan mà không ai biết cả. Đối với những thành phần ở trên thiên quốc, chắc chắn họ không cần đến những lời cầu nguyện của chúng ta. Đúng hơn, từ trời cao, họ còn cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Bởi vậy, vào ngày lễ các thánh (1.11), chúng ta không cầu nguyện thay mặt cho các thánh, nhưng xin các ngài chuyển cầu cho chúng ta.3
Phần trình bày dưới đây muốn chứng minh rằng các thai nhi chết đi, dù chưa được lãnh nhận bí tích thánh tẩy, nhưng vô tội [cá nhân] và chúng ta có quyền hy vọng rằng, với lòng thương xót bao la vô hạn của Thiên Chúa, các thai nhi này sẽ nằm trong vòng tay yêu thương của Người. Hậu nhiên, chúng ta không cần có bất kỳ lời nói hay việc làm nào để cầu nguyện cho bé. Trái lại, bé có thể cầu nguyện cho chúng ta trước tòa Chúa.
1] Xin lễ cầu cho người đã qua đời
Căn cứ vào bản tính loài người: yếu đuối, mỏng giòn và hay sa ngã, dầu đã đón nhận ân sủng của bí tích Thánh Tẩy, chúng ta có thể kết luận rằng dầu người chính trực cũng mấy phen yếu hèn, nghĩa là dường như không ai có đủ nghị lực và cảnh giác để tránh mọi tội lỗi.4 Vì thế những người quá cố thân yêu của chúng ta có lẽ thuộc về thành phần còn đang ở nơi chốn / tình trạng thanh luyện. Nơi / tình trạng thanh luyện được hiểu là một tiến trình mà tình yêu của Thiên Chúa sẽ thay đổi tình trạng của các tín hữu đã qua đời từ tình trạng bất toàn sang tình trạng hoàn hảo, hầu chuẩn bị cho họ sớm được hưởng ánh sáng và bình an của Chúa Kitô. Chính trong quá trình này, họ cần đến lời cầu nguyện, những hy sinh và thánh lễ chúng ta cử hành. Bởi vậy, chúng ta nên xin lễ cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.5
2] Xin lễ cầu cho trẻ em đã qua đời?
Áp dụng vào trường hợp các thai nhi, hoàn toàn khác với những gì vừa kể trên, chúng ta không thể xin lễ cầu nguyện vì dù chết do sẩy thai hay phá thai, đây đều là những sinh linh hoàn toàn vô tội (tội riêng). Có tác giả suy đoán chủ quan cho rằng các thai nhi [trong trường hợp bị phá thai] cũng phạm tội vì “em có thể nhận biết rằng cha mẹ và những người khác đang muốn loại trừ em, tiêu diệt em và em bất lực trước hành động tàn ác của họ. Em đau buồn, sợ hãi và có thể oán hận họ”. Do đó cần xin lễ cầu nguyện. Thực chất, em chưa được sinh ra, lớn lên và đến tuổi khôn để có thể phạm tội riêng được. Kẻ có tội là những ai đã phá thai hay giúp người khác phá thai có kết quả.6 Bởi thế, chắc chắn thai nhi không thể ở nơi / tình trạng thanh luyện. Hậu nhiên, trong thánh lễ, đối tượng chúng ta cần cầu nguyện cho không phải là thai nhi mà là hai thành phần sau: 1] Cha mẹ, gia đình và những người thân yêu của thai nhi; 2] Những người trực tiếp phá thai hay những người cộng tác vào đó. Trong một thánh lễ, Đức Tổng Giám mục José H. Gomez nói rằng chúng ta vinh danh sự sống thai nhi bằng lời cầu nguyện của chúng ta để xin Chúa chữa lành và hoán cải tất cả những ai dính líu đến tội ác và thảm hoạ này: đó là những người cha và người mẹ trực tiếp liên quan đến phá thai; cùng tất cả những người chịu trách nhiệm cổ võ cho nền văn hóa phá thai.7
a.Trẻ em đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy
Đối với một đứa trẻ đã được rửa tội, vấn đề không cần phải bàn cãi. Bởi vì chắc chắn nếu chết đi, bé sẽ được lên thiên đàng: “Nhờ bí tích Thánh Tẩy, mọi tội lỗi đều được tha: nguyên tội, mọi tội riêng cũng như mọi hình phạt do tội (x. DS 1316). Những người đã được tái sinh sẽ được vào Nước Thiên Chúa và không còn gì ngăn cản họ, dù là tội Adam, tội riêng của họ, những hậu quả của tội, kể cả hậu quả trầm trọng nhất là xa lìa Thiên Chúa”.8 Thánh Tôma Aquinô quả quyết rằng: “Những ai chết ngay lập tức sau khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, họ sẽ được nhận vào vinh quang Thiên Chúa không trì hoãn”. Một đứa trẻ chưa tới tuổi khôn được coi là không thể phạm bất cứ tội lỗi cá nhân nào. Do đó, nếu được rửa tội và chết đi trước tuổi khôn, trẻ chắc chắn được đón nhận vào thiên đường ngay lập tức. Các bài lễ an táng của Giáo hội trong Sách lễ Rôma hiện nay (trang 1031-1033) cho thấy: Hội Thánh hoàn toàn không nhắm cầu nguyện cho đứa trẻ được rửa tội và đã qua đời, thay vào đó:
Thứ nhất, Giáo hội khẳng định rằng “đứa trẻ đang được ở trên trời” (Lời nguyện nhập lễ – mẫu A); “Chúa đã đưa cháu về trời sống với Chúa” (Lời nguyện nhập lễ – mẫu B); và “chính Chúa đã đón nhận cháu T. vào bàn tiệc thiên quốc” (Lời nguyện hiệp lễ – Mẫu B);
Thứ hai, Hội Thánh cầu xin Chúa “an ủi gia đình cháu T. trong những giờ phút đau thương này” (Lời nguyện hiệp lễ – mẫu A) và khuyến dụ họ “hằng tin tưởng vâng theo ý Chúa” (Lời nguyện tiến lễ – mẫu B) trước biến cố đứa trẻ được Chúa gọi về.
Hơn nữa, theo một truyền thống cổ xưa, Giáo hội luôn luôn sử dụng lễ phục màu trắng khi cử hành phụng vụ tang lễ những đứa trẻ đã được rửa tội nhằm ám chỉ rằng trẻ này như được liệt vào số những vị thánh. Bởi vậy, đối với những đứa trẻ đã thuộc về nước trời như thế, hoàn toàn không cần đến lời cầu nguyện của chúng ta nữa.
b. Trường hợp các thai nhi
Tuy nhiên, đối với các trẻ em (thai nhi) chưa được rửa tội, sẽ không thoát khỏi hậu quả của tội nguyên tổ do Adam và Eva để lại (Tv 51, 5; Ga 3, 5).9 Bởi vậy, qua nhiều thế kỷ, dân chúng vẫn tự hỏi về số phận của trẻ em qua đời trước khi được lãnh nhận bí tích rửa tội. Kinh Thánh không minh nhiên phát biểu bé sẽ được vào thiên đàng. Nhưng Kinh Thánh lại nhấn mạnh đến lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa (Tv 136; 145, 8-9; Ep 2, 4-5); đề cập đến niềm tin của vua Đavit rằng ông sẽ được ở với đứa con thơ bé đã chết của mình lần nữa dù nó không về lại với ông (2Sm 12, 14-31); còn trong Tin Mừng, Chúa Giêsu ưu ái mời gọi tất cả trẻ em đến với Người (x. Mt 19, 14; Mc 10, 14; Lc 18, 16). Vì không dám quả quyết các trẻ em đã chết mà chưa được rửa tội thì thuộc về thiên đàng nhưng lại chắc chắn bé chẳng có tội tình [cá nhân] gì nghiêm trọng để ở nơi / tình trạng thanh luyện, cho nên một số thần học gia, kể cả thánh Tôma Aquinô, đã đưa ra lý thuyết về lâm bô như là một nơi chốn / tình trạng cho những trẻ em đó: nằm giữa vương quốc của Thiên Chúa và kiếp bị luận phạt (Denzinger-H, các số 184, 219; 780). Cần nhớ rằng dù đã được sử dụng nhiều thế kỷ trong Giáo hội, nhưng ý kiến thần học này chỉ là một suy đoán và giả thuyết thần học (theological hypothesis). Nó chưa bao giờ là chân lý đức tin được Hội Thánh xác nhận, nghĩa là chưa bao giờ thuộc về đạo lý chính thức của Hội Thánh. Hiện nay, giả thuyết này đã bị coi là không phù hợp vì theo Ủy ban Thần học Quốc tế, nó không có nền tảng rõ ràng trong mạc khải và phản ánh một “quan niệm hạn chế quá mức ơn cứu độ của Thiên Chúa”.10
Chúng ta tin từ đức tin của Hội Thánh, từ những thực hành và sinh hoạt phụng vụ của Hội Thánh như câu châm ngôn ngàn đời của Giáo hội “lex orandi, lex credendi – luật cầu nguyện là luật đức tin”. Thế mà, lâm bô chưa bao giờ được đề cập đến trong phụng vụ. Tiếp nữa, từ sau Công đồng Vatican II, trẻ em chết mà chưa được rửa tội không còn phải chôn cất bên ngoài đất thánh và có cả thánh lễ an táng dành cho trẻ nữa. Qua bài lễ an táng cho “Trẻ em chưa lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy” trong Sách lễ Rôma [hiện nay] (trang 1033-1034), chúng ta thấy rõ hai điều:
Thứ nhất, Hội Thánh tín thác chúng cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa như sau:11 “Chúa biết rõ niềm tin của gia đình cháu T., xin cho họ cảm thấy con mình đã được Chúa nhân từ đón nhận” (Lời nguyện nhập lễ);
Thứ hai, Hội Thánh không cầu nguyện cho linh hồn của đứa trẻ, nhưng tập trung vào đối tượng là những người thân yêu của bé: “xin cho họ được trông cậy vững vàng sẽ được Chúa nhân từ nâng đỡ ủi an” (Lời nguyện nhập lễ); xin cho họ “hằng tin tưởng vâng theo thánh ý để được Chúa nhân từ nâng đỡ ủi an” (Lời nguyện tiến lễ); “xin Chúa thương chấp nhận lời chúng con tin tưởng nài van mà can ủi gia đình cháu T… trong những giờ phút đau thương này” (Lời nguyện hiệp lễ)
Như vậy, con trẻ chết trong tình trạng thai nhi vẫn có thể được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô. Máu của Người đã đổ ra một lần đủ để cứu chuộc tội lỗi của toàn thế giới (1Ga 2, 2).12 Bởi thế, chúng ta hy vọng rằng linh hồn của các trẻ em sẽ được ở cùng của Chúa khi sự sống của chúng bị cắt đứt bởi sự sẩy thai hay hành động phá thai. Nếu như chúng ta cử hành lễ kính các thánh anh hài (28/12) xét như là những vị tử đạo vì đức tin, mặc dầu các thánh anh hài chưa hề được rửa tội và cũng không biết Chúa Kitô, thì các thai nhi – nạn nhân của phá thai – có thể được coi là “những vị tử đạo trong thời hiện đại”, đã bị giết chết chỉ vì được Thiên Chúa tác tạo nên nhưng đã bị hủy diệt bởi bàn tay con người. Khi ngỏ lời với những phụ nữ trót phạm tội phá thai giết hại con mình, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong Thông điệp “Tin Mừng Sự sống” (Evangelium Vitae) thế này: “… Chị em biết rằng chẳng có chi là hư mất cả và chị em có thể xin lỗi đứa con của mình mà từ nay chúng đang được sống trong Thiên Chúa” (số 99).13
Kết luận
Như vậy, không cần phải lo cho phần rỗi của các thai nhi, nghĩa là không cần phải xin lễ để cầu cho trẻ vì xin lễ chỉ có giá trị tha thứ các hình phạt hữu hạn cho các linh hồn đang còn được thanh lọc nơi thanh luyện, chứ không có giá trị tha nguyên tội và các tội cá nhân cho người còn sống hay đã qua đời. Đối với các thai nhi mất đi thì đương nhiên không mắc những tội cá nhân. Còn về nguyên tội, dựa trên những nền tảng thần học và phụng vụ xác đáng, Hội Thánh vẫn không ngừng khuyến khích con cái mình hãy đặt niềm hy vọng vào Chúa: các thai nhi đã được Chúa nhân từ đón nhận và đang nằm trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa rồi.
Để kết thúc bài viết, xin trích lại lời dạy chính thức của Giáo hội: “Về phần các trẻ em chết mà chưa được rửa tội, Hội Thánh chỉ còn biết trao phó các em cho lòng thương xót của Thiên Chúa từ bi, như Hội Thánh đã làm trong nghi lễ an táng dành cho các em. Thực vậy, Thiên Chúa giàu lòng thương xót muốn mọi người được cứu rỗi (x. 1Tm 2,4) và Chúa Giêsu đã trìu mến các em nên đã nói: “Hãy để trẻ em đến cùng Ta, đừng ngăn cản chúng” (Mc 10,14). Vì thế, chúng ta hy vọng có một con đường cứu độ dành cho những trẻ em chết mà chưa được rửa tội”.14
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
___________________________________________
1 Xc. Bộ Giáo lý Đức tin, Donum vitae, I, 1: AAS 80 (1988), 79; Dignitas Personae, 1 (08/09/ 2008).
2 Xc. The International Theological Commission, “The Hope of Salvation for Infants Who Die Without Being Baptised” (được ĐGH Bênêdictô XVI phê chuẩn ngày 19.1.2007), số 5.
3 Giáo lý Hội Thánh Công giáo (= GLCG), số 828.
4 GLCG 978-979; 1863.
5 GLCG 1030-1031; 958; 1371; 1689.
6 GLCG 1853-1876.
7 Tổng Giám mục José H. Gomez, “This Culture of Death Will One Day Pass Away” trích từ L’Osservatore Romano [bản tiếng Anh] (01/02/2012), tr. 15.
8 GLCG 978; 985; 1263; 1279.
9 GLCG 402-406;1250. 1257.
10 Xc. The International Theological Commission, “The Hope of Salvation for Infants Who Die Without Being Baptised”.
11 GLCG 1261.
12 Xc. The International Theological Commission, “The Hope of Salvation for Infants Who Die Without Being Baptised”, các số 88-95.
13 Gioan Phao lô II, Tông Thư Evangelium vitae (25/03/1995): AAS 87 (1995), 401-522.
14 GLCG 1261.