2020
Henry Kissinger: “Trật tự thế giới sẽ không bao giờ trở lại như cũ”
Henry Kissinger, Ngày 10 tháng 10 – 2017. Kevin Lamarque/Reuters
Đối với cựu Ngoại trưởng của Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford, đại dịch củng cố ý tưởng về một quyền lực địa phương mạnh mẽ vào thời mà sự thịnh vượng không có biên giới.
Bầu khí siêu hiện thực của đại dịch Covid-19 làm tôi nhớ lại cảm giác của tôi khi còn là chàng trai trẻ trong Sư đoàn bộ binh 84 ở trận chiến Ardennes (1). Hôm nay, cũng như cuối năm 1944, tôi có cảm giác một nguy hiểm sắp xảy ra, không nhắm vào một người nào cụ thể, nhưng nó bất ngờ đánh và gieo tác hại khủng khiếp. Tuy nhiên có một sự khác biệt cơ bản giữa thời gian xa xôi này và thời buổi bây giờ của chúng ta. Sức chịu đựng của Mỹ lúc đó được củng cố bằng một mục tiêu tối hậu là chiến đấu cho quốc gia. Ngày nay, trong một nước chia rẽ, một chính quyền hiệu quả và có tầm nhìn xa là điều cần thiết để vượt lên các thách thức có tầm vóc quy mô và phạm vi toàn thế giới chưa từng thấy này. Giữ lòng tin người dân là điều thiết yếu cho sự đoàn kết, cho quan hệ giữa các nước, cho hòa bình và cho sự ổn định quốc tế. Các quốc gia củng cố sự thống nhất của họ và phát triển dựa trên niềm tin vào các thể chế của họ có thể lường trước được các thiên tai, ngăn chặn tác động của nó và khôi phục lại sự ổn định.
Một vắc-xin có thể có trong vòng từ mười hai đến mười tám tháng
Khi đại dịch Covid-19 kết thúc, chính phủ của nhiều quốc gia sẽ bị xem như thất bại. Không quan trọng để biết liệu sự phán xét này có khách quan hợp pháp không. Thực tế là sau coronavirus, thế giới sẽ không bao giờ trở lại như cũ. Tranh luận về quá khứ bây giờ chỉ làm phức tạp thêm công việc. Covid-19 đã tấn công với một tầm mức rộng lớn và hung dữ chưa từng thấy. Sự lây lan của nó theo cấp số nhân: số ca bị nhiễm ở Mỹ gấp đôi mỗi năm ngày. Cho đến bây giờ không có thuốc chữa. Thiết bị y tế không đủ để đối phó với tầm mức lây lan lớn lao. Các phòng chăm sóc tích cực quá tải. Không đủ thử nghiệm để đo mức độ nhiễm trùng, đó là chưa nói đến việc chận đứng sự lây lan của nó.
Một vắc-xin có thể có trong vòng từ mười hai đến mười tám tháng. Chính quyền Mỹ đã thực hiện một công việc hiệu quả là ngăn chặn một thảm họa cận kề. Thử nghiệm cuối cùng là liệu có chận được sự lây lan không, theo cách để người dân giữ lòng tin vào khả năng cai trị của chính quyền Mỹ. Nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng, dù to lớn và cần thiết như thế nào, cũng không nên làm lu mờ nhiệm vụ song song để đảm bảo sự chuyển tiếp qua một thứ trật hậu-coronavirus.
Các nhà lãnh đạo đang đối diện với cuộc khủng hoảng trên tầm mức Quốc gia, nhưng tác động phá nát của con vi-rút tạo ra trên xã hội chúng ta không có biên giới. Nếu sự đe dọa trên sức khỏe con người là tạm thời – chúng ta hy vọng vậy – thì các xáo trộn chính trị, kinh tế nó tạo ra có thể trải dài trên nhiều thế hệ. Không một quốc gia nào kể cả Mỹ, trong nỗ lực quốc gia riêng của mình, có thể đánh bại vi-rút. Đáp ứng cho nhu cầu trong lúc này, cuối cùng phải phối hợp với tầm nhìn chung và một chương trình hợp tác quốc tế. Nếu chúng ta không thể dẫn cả hai để cùng đương đầu, thì chúng ta sẽ đối diện với các tác động tiêu cực tệ nhất của mỗi bên.
Các chương trình phải tìm cách giảm thiểu các tác động của sự hỗn loạn sắp xảy ra cho người dân dễ bị tổn thương nhất
Rút bài học từ sự phát triển Kế hoạch Marshall và Dự án Manhattan, nước Mỹ phải nỗ lực rất lớn trong ba lĩnh vực.
Lãnh vực đầu tiên, củng cố sức đề kháng toàn cầu đối với các bệnh truyền nhiễm. Các chiến thắng khoa học như vắc-xin chống bệnh sốt tê liệt, bệnh đậu mùa hay hứa hẹn kỹ thuật trong việc chẩn đoán y khoa nhờ thông minh nhân tạo đã làm chúng ta rơi vào tình trạng ngủ mê nguy hiểm. Chúng ta cần phát triển các kỹ thuật và công nghệ mới để kiểm soát các bệnh nhiễm trùng và tìm ra vắc-xin phù hợp cho đại đa số quần chúng. Các thành phố, tiểu bang và khu vực phải chuẩn bị để bảo vệ người dân của mình chống đại dịch bằng cách dự trữ, lập kế hoạch hợp tác và nghiên cứu.
Lãnh vực thứ nhì, chúng ta hãy cố gắng chữa lành các vết thương của nền kinh tế toàn cầu. Các nhà lãnh đạo đã học được bài học từ cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay phức tạp hơn: tốc độ chậm lại do coronavirus, do sự nhanh chóng và tầm rộng lớn của nó, khác với tất cả những gì chúng ta đã biết trong lịch sử. Và các biện pháp y tế công cộng cần thiết như cách ly, đóng cửa trường học, đóng cửa hãng xưởng làm nặng thêm cho tình trạng kinh tế. Vì thế phải tìm các chương trình để làm nhẹ tác động hỗn loạn sắp tới trên người dân có hoàn cảnh bấp bênh nhất.
Việc từ bỏ sự cân bằng giữa quyền lực và tính hợp pháp trên toàn cầu sẽ dẫn đến sự tan rã của hợp đồng xã hội ở mức độ quốc gia và quốc tế
Lãnh vực thứ ba, giữ các nguyên tắc của trật tự thế giới tự do. Truyền thuyết thành lập chính quyền hiện đại như một thành phố kiên cố được các nhà lãnh đạo quyền lực bảo vệ, đôi khi chuyên chế, đôi khi nhân từ nhưng luôn đủ mạnh để bảo vệ người dân khỏi kẻ thù bên ngoài. Các tư tưởng gia thời Khai sáng đã củng cố khái niệm này, họ cho rằng mục đích của Nhà nước hợp pháp là cung cấp các nhu cầu căn bản cho người dân: an ninh, trật tự, phúc lợi kinh tế và công lý, vì cá nhân không thể tự mình bảo đảm cho mình những chuyện này. Đại dịch đã tạo nên sự tái sinh thành phố kiên cố ở thời mà sự thịnh vượng tùy thuộc vào thương mại toàn cầu và sự đi lại của người dân.
Các nền dân chủ phải bảo vệ và duy trì các giá trị của thời Khai sáng. Việc từ bỏ toàn cầu sự cân bằng giữa quyền lực và tính hợp pháp sẽ dẫn đến sự tan rã của hợp đồng xã hội ở mức độ quốc gia và quốc tế. Dù vậy, câu hỏi ngàn năm của tính hợp pháp và quyền lực này không thể giải quyết cùng một lúc với nỗ lực chống lại bệnh dịch Covid-19. Kềm chế là cần thiết cả với chính trị nội bộ và ngoại giao quốc tế.
Chúng ta chuyển từ trận chiến Ardennes qua một thế giới thịnh vượng ngày càng tăng và phẩm giá con người ngày càng cao. Bây giờ chúng ta sống trong một thời điểm quyết định. Thách thức lịch sử cho các nhà lãnh đạo là vừa quản lý cuộc khủng hoảng vừa xây dựng tương lai. Một thất bại sẽ có thể làm thế giới cháy.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
1.Cuộc chiến Ardennes là tên của các trận đánh mùa đông năm 1944-1945 (ngày 15-12-1944 đến 25-1-1945), một trong các trận chiến đẫm máu của Thế chiến Thứ hai.
2020
Đức Tổng Giám Mục Gomez: Trong sự quan phòng, coronavirus là một lời mời gọi lệ thuộc vào Thiên Chúa
Trong bài viết của Ngài vào Thứ Ba, Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez Tồng Giáo Phận Los Angeles nói rằng trong sự quan phòng của Thiên Chúa, thì nạn dịch là một lời mời gọi chúng ta hãy nhớ về sự cần Thiên Chúa của chúng ta và đào sâu tình liên đới của chúng ta.
“Những câu hỏi sâu sắc nhất đã được nạn dịch đặt ra là về Thiên Chúa và các chương trình của Ngài”, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ viết vào ngày 21/4. “Ngài ở đâu và Ngài đang nói gì với chúng ta vào giây phút này – Ngài đang nói gì với Giáo Hội của Ngài, với các quốc gia trên thế giới, với mỗi người chúng ta trong các hoàn cảnh cá nhân của chúng ta?”
“Tôi thấy Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta, một cách ngoạn mục nhất, hãy nhận ra chúng ta đang cần đến Ngài biết bao, chúng ta không thể sống mà không có Ngài là thế nào”, Đức Tổng trả lời. “Nhưng tôi cũng thấy Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta đi vào một cảm thức liên đới sâu hơn, nhận biết rằng chúng ta chịu trách nhiệm về nhau, rằng chúng ta lệ thuộc vào nhau và chúng ta phải quan tâm nhau”.
Đức Tổng Giám Mục nhắ lại là trong những năm đầu của Kitô Giáo, giữa nạn dịch, những người không phải Kitô Hữu “đã kinh ngạc về việc bác ái và lòng thương cảm của người Kitô Hữu” khi họ chăm sóc người yếu đau.
Việc phục vụ đó vẫn tiếp tục ngày nay, Đức Tổng nói, khi nhấn mạnh việc giáo dục trực tuyến Công Giáo, những bữa ăn dành cho trẻ em nghèo, những quầy thực phẩm, và sự trợ giúp tài chính được trao cho những người đang cần thực phẩm, áo quần, và nơi trú ngụ.
“Việc ấy mang tính gợi hứng và tuyệt vời. Qua chứng tá tình yêu của bạn, những người thân cận của chúng ta có thể thấy được sự hiện diện của Chúa phục sinh, ngay cả trong thời gian thử thách và gian khó này”, Đức Tổng Gomez viết.
“Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta hãy cùng chung những sự bất ổn và những thiếu thốn vốn đang xác định đời sống thường nhật của hàng triệu người ở các nước trên thế giới. Chúng ta đang bị buộc phải thực hiện mà không có điều mà hầu hết các anh chị em của chúng ta chưa từng phải bắt đầu với”.
Ngài nói cuộc vật lộn được tạo ra bởi việc không thể dự phần vào các bí tích “là một thập giá khó mang”, nhưng thêm rằng “có lẽ Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta thông phần vào những nỗi khổ của hàng triệu người Công Giáo đang sống dưới những chế độ đàn áp hay bách hại niềm tin. Những anh chị em này của chúng ta đang đói và khát các bí tích và không thể nhận lãnh. Đây là thực tại hằng ngày của họ”.
Đức Tổng nhìn nhận rằng trong khi Ngài biết ơn khi được kết nối với người dân Giáo Hội địa phương của Ngài, chẳng hạn, qua các Thánh Lễ trực tuyến”, nhưng “một kiểu Lễ ảo” thì vẫn là ảo…nó không giống như tham dự cùng nhau diện đối diện, đến với nhau trong tình huynh đệ của Đức Kitô”.
Đức Tổng Giám Mục Gomez đã kêu gọi người dân Los Angeles hãy “gia tăng việc cầu nguyện và những hy sinh” cho những người sống ở những nơi mà Giáo Hội bị đàn áp hoặc bị bách hại.
“Chúng ta hãy cùng chung nỗi khổ của chúng ta vào cuộc khổ nạn của Chúa trong Thân Mình sống động của Ngài, tức là Giáo Hội của Ngài. Chúng ta hãy dâng những đau khổ của chúng ta cho mọi người đang mang những gánh nặng lớn lao hơn chúng ta”.
Đan Sĩ (CNA)
2020
Tài liệu đầu tiên về Giáo huấn xã hội của Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople
Lần đầu tiên, Constantinople công bố một văn kiện toàn diện về Giáo huấn Xã hội. Từ ly dị đến người di cư, từ môi trường đến đối thoại liên tôn, và những điều khác có liên hệ trực tiếp đến đời sống xã hội mà Kitô hữu cần phải biết
Sau ba năm làm việc cùng với một ủy ban đặc biệt, hôm 20/4, Tòa Thượng phụ Constantinople đưa ra một tài liệu với tên gọi “Vì sự sống của thế giới”, bản tóm yếu đầu tiên của Giáo huấn Xã hội của Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople. Đây là một tài liệu quan trọng, vì hai lý do cơ bản. Đầu tiên là ý tưởng về “Giáo huấn Xã hội”; Giáo hội Chính thống chưa bao giờ tiếp cận vấn đề này, và đây là lần đầu tiên một tài liệu toàn diện về chủ đề này được đưa ra trong lĩnh vực Chính thống. Và thứ hai là tài liệu này cũng có thể được đọc như một câu trả lời về “Những nền tảng của Khái niệm xã hội”, bản tóm tắt của học thuyết xã hội mà Tòa Thượng phụ Moscow công bố trong năm 2000.
Trong một bài báo, John Chryssavgis, phát ngôn viên của Đức Thượng phụ Bartolomeo giải thích rằng tài liệu của Tòa Thượng phụ Moscow là “một nỗ lực thô sơ, đáng ngưỡng mộ nhằm phác họa các nguyên tắc xã hội của Giáo hội Chính thống ở Nga sau một thời gian dài bị nhà nước cản trở”.
Tài liệu này cũng là một cơ hội để khôi phục một số giáo huấn của Giáo hội Chính thống. Vì thế chủ đề ly dị và tái hôn cũng được đề cập. Và đây cũng là một tài liệu lên án việc buôn bán vũ khí và nô lệ.
Văn bản bao gồm phần giới thiệu, kết luận và bảy phần với các chủ đề: Giáo hội trong lãnh vực công cộng; Quá trình sự sống con người, nghèo đói, giàu có và công bằng dân sự; Chiến tranh, hòa bình và bạo lực; Quan hệ đại kết và tương quan với các tín ngưỡng khác; Chính thống và nhân quyền; Khoa học, công nghệ và thế giới tự nhiên.
Với những chủ đề trên, văn kiện cho thấy cách tiếp cận rất thực tế đối với các vấn đề thế giới. Các chủ đề đều được thấm nhuần từ các tham chiếu đến các Giáo phụ. Với văn kiện này các tín đồ sẽ tìm thấy một điểm tham chiếu thiết yếu. Và nó cũng là một công cụ hữu ích để Giáo hội Công giáo hiểu cách thực hiện đối thoại đại kết. (Acistampa 20/4/2020)
Ngọc Yến – Vatican
2020
Lãnh đạo Phật giáo đóng góp cho Quỹ khẩn cấp Covid-19 do ĐTC thành lập
Đó là nhà sư Phật giáo Ashin Nyanissara, còn được biết đến với tên Sitagu Sayadaw, một trong những nhân vật tôn giáo quan trọng có ảnh hưởng ở Myanmar.
Hòa thượng Ashin Nyanissara đã trao số tiền này cho Đức cha Marco Tin Win, Tổng Giám mục Mandalay. Cùng với số tiền, vị lãnh đạo Phật giáo còn trao tặng gạo và các loại thực thẩm khác cho nhu cầu của Tổng Giáo phận trong trường hợp khẩn cấp. Phần đóng góp này bổ sung vào 754 ngàn đô la đã được Đức Thánh Cha đóng góp ban đầu cho Quỹ. Đức Thánh Cha kêu gọi các thực thể Giáo hội và các cá nhân có thể và muốn giúp đỡ, đóng góp cho Quỹ này thông qua các Hội Giáo hoàng truyền giáo của mỗi quốc gia.
Hòa thượng Ashin Nyanissara giải thích với cử chỉ này muốn trở thành một dấu hiệu của lòng trắc ẩn chung cho tất cả các tôn giáo. “Chúng ta phải cùng nhau chống lại Covid-19 và thực hiện các hoạt động bác ái qua tình liên đới”. Đức Tổng Giám mục Tin Win, người có mối liên hệ tình bạn với nhà lãnh đạo tôn giáo Phật giáo bày tỏ: “Tôi xúc động trước hành động này của vị lãnh đạo Phật giáo, một nghĩa cử thiện chí và liên đới với những người đang cần được giúp đỡ. Đóng góp này là một thông điệp về sự hòa hợp liên tôn giáo đối với cả đất nước”.
Hòa thượng Ashin Nyanissara cũng có mối tương quan thân thiết với Đức Hồng y Charles Bo, Tổng Giám mục Yangon, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu. Cả hai đều tích cực tham gia thúc đẩy đối thoại liên tôn ở đất nước với đa số Phật giáo. Hòa thượng đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du đến Myanmar và năm 2011 được Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI tiếp kiến.
Việc quyên góp của Hòa thượng cho quỹ đặc biệt của Đức Thánh Cha cho trường hợp khẩn cấp Covid-19 đã diễn ra vào giữa năm mới của Phật giáo, Lễ hội té nước, lễ kỷ niệm đã bị chính phủ hủy bỏ do tình trạng khẩn cấp Covid-19. Tính đến ngày 17 tháng 4, tại quốc gia này có 85 trường hợp nhiễm virus, trong đó có hai ca tử vong.